Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/07/2021

Đông y cổ truyền trong hỗ trợ điều trị Covid-19

Cũng đang quan sát ở loạt bài đi dần trên Giao Blog, ở đây.

Hôm nay, mở một bài riêng.

Mở đầu là về vị thuốc thần thánh trước đây, là xuyên tâm liên, được nhìn nhận là có tác dụng hỗ trợ trong điều trị covid-19.

Bài đầu tiên lấy về từ báo Sức khỏe & Đời sống - tờ báo của Bộ Y tế.

Cập nhật dần.

Tháng 7 năm 2021,

Giao Blog






(văn bản trên vừa ra ngày 24/7, thì đến sáng ngày 26/7 đã bị thu hồi)






---

Xuyên tâm liên vị thuốc hỗ trợ điều trị COVID- 19
TTND. BS Nguyễn Xuân Hướng - 17:21 24/07/2021 GMT+7


Suckhoedoisong.vn - Báo Sức khỏe&Đời sống xin giới thiệu bài viết của TTND, BS Nguyễn Xuân Hướng- Nguyên Chủ tịch TW Hội Đông Y Việt Nam: Có thể dùng xuyên tâm liên trong hỗ trợ điều trị COVID-19.

Năm 1971 ( Thế kỷ trước) đoàn Lưu học sinh Việt Nam chúng tôi Từ Thủ đô Bắc kinh xuống một số tỉnh phía Nam Trung Quốc thực tập, tìm hái cây thuốc ở một số địa phương đang dùng chữa bệnh trong các cơ sở Y Tế. Chúng tôi thấy tỉnh Quảng Đông Trung Quốc địa phương nào cũng trồng và thu hái cây xuyên tâm liên để làm thuốc chữa bệnh. Đây là một hiện tượng lạ của Trung Quốc lúc bấy giờ.

Trong quá trình học tập chúng tôi hỏi Thầy giáo Trung Quốc về dùng cây Xuyên Tâm Liên để chữa bệnh. Sau đó được một Bác sỹ của Bệnh viện Nhân Dân tỉnh Quảng Đông đến kể sự kiện về cây Xuyên tâm liên. Ông nói: “ Năm 1966 có một bệnh nhân của huyện Tân Hội tỉnh Quảng Đông sốt cao, ho, đau tức ngực khó thở. Ông cho vào chụp Điện Quang phát hiện bệnh nhân mắc chứng lao phổi, thuộc dạng Lao kê.

Khi xem phim thấy hai lá phổi của bệnh nhân có rất nhiều chấm lốm đốm. Bệnh nhân được điều trị 6 tháng liên tục, dùng tất cả các loại kháng sinh điều trị Phổi nhưng không có kết quả. Bệnh ngày càng nặng thêm.

Gia đình xin đưa bệnh nhân vể địa phương để lo việc hậu sự. Về nhà có bà hàng xóm mang sang cho một bó lá cây to bảo sắc uống. Bà nói: Tôi dùng lá này điều trị các bệnh ở phổi, cho cả người lớn và trẻ em kể cả lao phổi đều lành.

Sau khi bệnh nhân uống 3 tháng các triệu chứng hết, người khỏe mạnh, không thấy khó thở và đau tức ngực nữa. Bệnh nhân lao động bình thường. Năm 1968 con trai của bệnh nhân ốm đưa lên Bệnh viện Nhân Dân tỉnh Quảng Đông khám bệnh. Gặp bác sĩ lần trước điều trị cho bệnh nhân. Khi bác sĩ nhìn thấy ông nói: Tôi trông Bác quen quen. Ông trả lời: Tôi bị bệnh phổi năm trước,  vị bác sĩ nhớ ra ông và đưa ông vào chụp XQ phổi quả nhiên bệnh lao kê năm trước đã lành hẳn. Mấy hôm sau vị Bác sĩ tìm đến địa phương mang cây thuốc về bệnh viện đưa vào phòng thí nghiệm làm kháng sinh đồ hầu hết các vi khuẩn gây ra bệnh ở phổi, ở họng kể cả vị trùng lao, và các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa đều hết”.Sau đó bệnh viện Nhân Dân tỉnh Quảng Đông dùng Xuyên Tâm Liên điều trị một số chứng bệnh ở phổi, hầu, họng, đường ruột cũng có kết quả tốt”.

Xuyên tâm liên vị thuốc hỗ trợ điều trị COVID- 19

Tháng 12 năm 1969 nhà Xuất bản Vệ Sinh Nhân Dân Bắc kinh Trung quốc xuất bản cuốn sách “ Sổ tay Thường dùng Trung thảo dược” của tỉnh Quảng Đông. Vị thuốc Xuyên Tâm liên được ghi tại trang 206-207 như sau:

Xuyên Tâm Liên, tên Thuốc: Lãm hạch Liên, Tên khác: khổ đản thảo, xuyên tâm liên, nhất kiến hỷ (nhìn thấy là mừng). Tên la tinh: Andrographis  paniculata   (Bum.f.) Nees

Cây mỗi năm mọc một lần cao khoảng 50-80 cm có nhiều cành, lá đối xứng màu xanh hơi nhọn, hoa màu trắng.

Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây trên mặt đất hoặc dùng lá. Mùa hạ dùng lá, mùa thu dùng toàn cây phần trên mặt đất. Sau khi thu hái rửa sạch, thái khúc phơi hoặc sấy khô

Dược liệu có vị đắng, tính hàn, có tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, giảm đau.

Điều trị các chứng cảm mạo phát sốt; Bệnh đường tiêu hóa, viêm dạ dày,  đại tràng; Bệnh đường hô hấp, viêm A mi đan, viêm hầu họng, viêm phổi; Bệnh Lao Phổi;  Bệnh đầu đanh do nhiệt độc, các bệnh viêm nhiễm ngoài da; Rắn độc cắn tổn thương.

Ngày dùng 12 -20g lá khô, sắc uống, nước sắc chia làm 3 phần, uống trong ngày, uống trước khi ăn.

Trẻ em dùng ½ liều người lớn.

Nếu dùng thuốc xuyên tâm liên tán bột: mỗi lần dùng 2-4g, ngày uống 3 lần hòa với nước để chiêu thuốc.

Những người bị nhiễm vi rút COVID-19 tự phục hồi mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, vấn đề là khoảng 20% bệnh nhân mắc bệnh khó thở và phải nhập viện điều trị. Để kiểm soát dịch bệnh ở cấp cộng đồng, áp dụng các biện pháp y tế công cộng giãn cách xã hội và tiêm chủng là những chiến lược cơ bản. Mục tiêu của ngành y tế là kiểm soát số lượng bệnh nhân lây nhiễm và giảm thiểu đến mức thấp nhất để không ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống kinh tế xã hội.

Thập kỷ 80 của thế kỷ trước một số xí nghiệp Dược phẩm của Việt Nam đã dùng  Xuyên Tâm Liên làm viên nén điều trị bệnh cảm mạo, viêm đại tràng, viêm họng… Bán khắp các địa phương trong cả nước. Nhưng mấy lâu nay không thấy. Nếu dịp này có thể dùng Xuyên Tâm liên sắc cho bệnh nhân COVID- 19 uống theo phương pháp Đông Tây Y kết hợp điều trị cho bệnh nhân đang cách ly, tôi tin chắc rằng có thể có kết quả khả quan hơn.

TTND. BS Nguyễn Xuân Hướng

TIN LIÊN QUAN
Thực hư bài thuốc Đông y Trung Quốc hỗ trợ trị COVID-19
SKĐS - Bài thuốc Đông y của Bệnh viện Trung y tỉnh Hồ Bắc đã góp phần dập dịch COVID-19 có kết quả tốt. Chúng tôi xin phân tích nội dung, tác dụng và những lưu ý khi áp dụng bài thuốc này.
Cách dùng thuốc đông y ứng phó với dịch COVID- 19
SKĐS - Bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của thành phố, đông y có nhiều phương pháp dùng thuốc như thuốc sắc uống, xông, ngửi, nhỏ mũi, dán thuốc vào rốn hoặc dưỡng sinh cổ truyền nâng cao thể trạng...
Thuốc Đông y hỗ trợ điều trị COVID-19
SKĐS - Dịch COVID-19 theo Đông y là thứ bệnh được xếp vào chứng ôn dịch, là thức phong tà cực mạnh, xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Các bài thuốc Đông y hỗ trợ điều trị COVID-19.
Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu sử dụng sản phẩm xuyên tâm liên trong hỗ trợ điều trị COVID-19
SKĐS - Trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống chiều 24/7, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, hiện Cục vẫn đang phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) làm đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm xuyên tâm liên hỗ trợ điều trị trên bệnh nhân COVID-19.


Tổng Biên tập: Trần Tuấn Linh

Phó Tổng Biên tập: Tô Quang Trung, Trần Yến Châu

Cơ quan chủ quản: Bộ Y tế

Giấy phép của Bộ Thông Tin và Truyền Thông - số 90/GP-BTTTT ngày 23/02/2016

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản

..

..

..


---

CẬP NHẬT


7.

Bộ Y tế cảnh báo 2 sản phẩm Xuyên Tâm Liên "nổ" công dụng kháng COVID-19 là giả mạo

26-07-2021 4:54 PM | Thời sự

SKĐS - Chiều 26/7, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thông báo trên thị trường đang xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ màu xanh) có công dụng kháng COVID-19 là giả mạo...


Theo phản ánh đến đường dây nóng của Cục An toàn thực phẩm, hiện nay trên thị trường đang xuất hiện 02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng:

Sản phẩm Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ màu đỏ): Kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, nâng cao thể trạng, giảm ho, tiêu đờm, bảo vệ gan, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp,…

Sản phẩm Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ màu xanh) "nổ" công dụng: Tăng cường miễn dịch, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp; Kháng virus tiềm năng trong việc điều trị COVID-19 và phòng chống COVID,…  

thuoc gia 

Hình ảnh 2 sản phẩm Xuyên Tâm Liên "nổ" công dụng: Kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống COVID,… là giả mạo

thuoc gia 2

 Trước thông tin nêu trên, Cục An toàn thực phẩm khẳng định 02 sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại Cục. Như vậy, 02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như trên là giả mạo.

Trong khi Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo:

1. Không có bất kì loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được COVID-19 hay kháng COVID.

2. Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

3. Người tiêu dùng phát hiện 02 sản phẩm ghi các công dụng và đặc điểm trên không mua, không sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.

4. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan Y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.

Cũng trong ngày 26/7, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cho biết, hiện nay, qua quá trình hậu kiểm Cục An toàn thực phẩm phát hiện một số sản phẩm Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tặng quà tặng từ thiện nhưng thực chất là bán Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mạo danh danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an, thậm chí quảng cáo các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp,…

Trong khi, Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và facebook để làm rõ các tồn tại nêu trên, Bộ Y tế khuyến cáo tới người tiêu dùng:

- Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh.

- Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

- Không mua và sử dụng Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc bán trôi nổi.

- Khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trong đó có Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.

- Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-canh-bao-2-san-pham-xuyen-tam-lien-no-cong-dung-khang-covid-19-la-gia-mao-169198281.htm


6.

---
Vào năm ngoái, khi Trung Quốc ở giữa đỉnh dịch Covid-19, bà con dân tình bên ấy bèn kháo nhau đi mua xi rô Song Hoàng Liên về uống vì nghe đâu thuốc này có thể làm cho con vi rút corona đời mới (mà sau này được đặt tên là SARV-CoV-2) bán thân bất toại. (1)
SONG HOÀNG LIÊN ‘ỨC CHẾ VI RÚT CORONA’
Song Hoàng Liên (双黄连) là một loại thuốc cổ truyền Trung Hoa được cấp bằng sáng chế.
Nó vốn đã được sử dụng từ thập niên 1960 vào việc trị cảm sốt, ho, viêm nhiễm thông thường. Thuốc này được chiết xuất từ ba loại thảo dược, gồm nhẫn đông (忍冬) tức kim ngân (lonicera), hoàng cầm (黄芩, scutellaria) và liên kiều (连翘, forsythia).
Hồi đầu năm ngoái, nhóm do Tưởng Hoa Lương (蒋华良) thuộc Viện Nghiên cứu Dược liệu Thượng Hải (Thượng Hải Dược vật Nghiên cứu Sở -上海药物研究所) dẫn đầu phối hợp với Viện Nghiên cứu Vi rút Vũ Hán (Vũ Hán Bệnh độc Nghiên cứu Sở -武汉病毒研究所) đã tiến hành thí nghiệm và đi tới kết luận Song Hoàng Liên có tác dụng ức chế vi rút corona.
Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhóm của họ Tưởng đã cung cấp cho báo chí kết luận ban đầu rằng Song Hoàng Liên “có tiềm năng ức chế vi rút corona”. Tất nhiên là nhóm cũng nói cần các nghiên cứu lâm sàng mới có kết luận chắc chắn (2).
Nhưng dân tình đâu có quan tâm tới nghiên cứu đang ở giai đoạn nào, kết luận chắc cú hay chưa. Đối với họ, trong cơn hoảng loạn, có được chỗ để bấu víu thì cứ với tay chụp lấy cái đã, bất kể đó là gì.
Khỏi phải nói, sau khi những thông tin ban đầu được công bố trên truyền thông đại chúng, bà con bèn kéo nhau đi hốt bất kỳ loại Song Hoàng Liên nào có mặt trên đời (3). Các loại thuốc khác mà có chứa các thành phần nhẫn đông hoặc/và hoàng cầm hoặc/và liên kiều đều bị vét sạch. Thậm chí thuốc thú y có chứa các dược chất trên cũng bị bà con xử luôn. (4)
Nghiên cứu của nhóm Tưởng Hoa Lương sau đó được đăng tải trên chuyên san Acta Pharmacologica Sinica của Trung Quốc. (5)
“QUÁ CẨU THẢ!”
Tuy nhiên, tình hình sau đó có vẻ không khả quan. Nhóm Y học Cổ truyền Đằng Tấn (Tencent, 腾讯 医 典) nói rằng không có bằng chứng mạnh mẽ trong thử nghiệm lâm sàng củng cố tuyên bố về tác dụng của thuốc đối với vi rút corona. (6)
Trần Tân Vũ (陈新宇), Giám đốc Bệnh viện Đại học Trung Y Dược Hồ Nam, nói rằng việc xi rô Song Hoàng Liên ức chế vi rút corona mới chỉ là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, không được khuyến khích sử dụng rộng rãi (7).
Một bác sĩ chuyên khoa lây nhiễm từ một bệnh viện cấp 3 (三甲医院, tam giáp y viện, là bệnh viện cấp cao nhất trong phân cấp bệnh viện của Trung Quốc - cảm ơn bạn Nguyen Phuong Linh góp ý chỗ này) nói với kênh Tin tức Kinh tài (第一财经, Đệ nhất Tài kinh, CBN hay Yicai) rằng chỉ mới nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà đã kết luận về hiệu quả rồi là “quá cẩu thả và vội vàng”. “Vi rút bên ngoài cơ thể rất mong manh, thuốc có thể diệt được, nhưng khi thuốc vào cơ thể có tác dụng thế nào thì chưa có thử nghiệm. Vậy thì kết luận thuốc diệt được vi rút phải chăng quá vội vàng,” vị bác sĩ này nhận xét. (6)
Tất nhiên là Tổ chức Y tế Thế giới không đưa Song Hoàng Liên vào danh mục thuốc có thể được sử dụng để điều trị Covid-19.
AI ĐƯỢC LỢI?
Ngành y dược cổ truyền Trung Quốc mang về doanh thu 130 tỉ đôla vào năm 2017, nên có thể hiểu là vụ Song Hoàng Liên này tạo ra lợi nhuận khổng lồ.
Phóng viên Kinh Vĩ của Trung Tân (China News) cho biết có 12 công ty được cấp phép sản xuất dung dịch uống Song Hoàng Liên, với 13 lô sản xuất. (6)
Có thể kể ra một số công ty như Hà Nam Thái Long (河南太龙), Tam Tinh Cáp Nhĩ Tân (三精) và Phúc Sâm (福森).
Một ví dụ nhỏ về lợi nhuận mà các công ty thu được: Sau khi các bài báo đại chúng dẫn nghiên cứu của nhóm Tưởng Hoa Lương được đăng tải vào cuối tháng 1.2020, ngày 3.2 cùng năm, cổ phiếu công ty Phúc Sâm tăng 2,48 lần. ( 8 )
Sản phẩm Song Hoàng Liên của Tam Tinh trước đó đã được đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế quốc gia và sau đó được Cục Y học Cổ truyền Bắc Kinh đưa vào chương trình phòng chống Covid-19.
CHUYỆN VIỆT NAM
Việt Nam mình mấy hôm rày cũng xôn xao vụ Xuyên Tâm Liên chữa Covid-19.
Thông tin này được lan truyền sau khi Bộ Y tế có văn bản 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, trong đó liệt kê danh mục 12 loại thuốc cổ truyền (sao giống 12 công ty bên Trung Quốc vậy nhỉ?) phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, gồm:
1. Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an);
2. Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương);
3. Bạch địa căn (Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an);
4. Siro Viêm họng (Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an);
5. Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an);
6. Siro Ngân kiều (Viện Y học Cổ truyền Quân đội - Bộ Quốc phòng);
7. Hạnh tô (Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương);
8. Vệ khí khang (Viện Y học Cổ truyền Quân đội - Bộ Quốc phòng);
9. Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất);
10. Imboot;
11. Xuyên tâm liên;
12. Nasagast – KG (9)
Nhà báo Nguyễn Quyết nhận xét: “Trên mạng lan truyền status của bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập công ty Sao Thái Dương, ‘Tin vui từ Bộ Y tế’. Trong số 12 sản phẩm thuốc cổ truyền được đưa vào danh sách của Bộ Y tế, thì có tới 6 sản phẩm của Sao Thái Dương.
Thật trùng hợp làm sao, Sao Thái Dương đã tăng giá viên viên nang Kovir không chỉ chóng mặt mà còn xây xẩm mặt mày. Từ 180.000 đồng lên 1.000.000 đồng.
Và bằng cách nào mà Hoạt huyết nhất Nhất không liên quan gì tới việc điều trị viêm phổi lại nằm trong danh sách? Ngạc nhiên chưa, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) nói rằng: ‘Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng’.” (hết trích).
Mình không có thông tin và cũng không có chuyên môn để đánh giá các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc lâm sàng liên quan tới tác dụng chống Covid-19 của 12 loại thuốc trên nên không dám bình.
Mình chỉ thấy trên báo đại chúng có các tuyên bố "đã cho thấy hiệu quả trong phòng thí nghiệm, đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng" nhưng phương pháp thử nghiệm trong phòng thí nghiệm như thế nào, kết quả ra làm sao không biết đã có công bố khoa học hay chưa, nói chung rất mờ mịt (bên Trung Quốc ít nhất đã công bố trên Acta Pharmacologica Sinica). Theo báo Viettimes thì "tất cả những sản phẩm YHCT được Bộ Y tế công bố chưa có bài báo nghiên cứu hay công trình khoa học nào chứng minh".
Bên cạnh đó, việc tăng giá đậm chất làm tiền, đưa thuốc không liên quan vào danh mục, cơ sở và cách thức chọn các loại thuốc này cũng đầy ám muội khiến nhiều người đặt câu hỏi: Đây có phải là chỉ định thầu, là trò trục lợi?
Theo báo Viettimes, sau khi có văn bản của Bộ Y tế, giá nhiều loại thuốc cổ truyền đã "tăng vùn vụt". (10)
Ảnh:
1. Sản phẩm Song Hoàng Liên của Trung Quốc (giờ hết sốt rồi)
2. Ông Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế (Ảnh - BSCC) (ảnh mình lấy lại của Viettimes)

https://www.facebook.com/mitodohung/posts/10165419333310612


5. Chiều 26/7/2021


57 phút 

Đề nghị Thủ Tướng vào cuộc cho điều tra cục quản lý y dược cổ truyền và công ty Sao Thái Dương về việc biết trước thông tin và tự tăng giá sản phẩm từ 180 ngàn đồng lên 1 triệu đồng.
Ngoài ra nếu phát hiện các công ty có 12 sản phẩm nằm trong nhóm được thông báo theo công văn 5944 của Bộ Y Tế mà tăng giá đột biến thì phải khởi tố để giữ gìn kỷ cương phép nước.
Bất kỳ là Tây y hay Đông y bất kỳ là nhà nước hay tư nhân, nếu lợi dụng lúc người dân khổ nhất, hoang mang nhất trong đại dịch để tăng giá sản phẩm từ tiêm, xét nghiệm, cấp giấy phép âm tính, khẩu trang, thiết bị y tế và dụng cụ hỗ trợ, sản phẩm thuốc men Tây y , Đông y và hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, điện nước v.v… đều được coi là tội hại dân hại nước! Cần phải truy tố làm gương.
Tôi hy vọng Thủ Tướng từng phụ trách lực lượng tình báo, hậu cần, và bộ Công An thì thừa hiểu mánh khoé của những kẻ đục nước béo cò, do vậy càng cần phải làm quyết liệt nếu không thì người dân không còn tin vào thể chế này nữa!
Lãnh đạo nào nói, hứa mà không làm theo những lời hứa thì lãnh đạo đó là người lật lọng không xứng đáng là lãnh đạo của nhân dân!



https://www.facebook.com/huynh.luongngoc/posts/1925591584283668




- Ngày 24/6, khi dịch bệnh diễn ra căng thẳng tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã ký công văn khẩn cấp gửi sở y tế các địa phương trên yêu cầu sử dụng một số sản phẩm y dược trong điều trị bệnh nhân covid-19.
(Tất nhiên là họ lấy lý do doanh nghiệp tài trợ).
Trong đó có sản phẩm viên nang cứng Kovir và viên nang mềm Kovir của Công ty Sao Thái Dương.
- Ngay sau đó, hàng loạt tờ báo đã chạy các bài (có dấu hiệu) là bài quảng cáo cho sản phẩm Kovir của Sao Thái Dương với nội dung sản phẩm này được Bộ Y tế chọn đưa vào danh mục để điều trị cho bệnh nhân covid-19.
- Bước tiếp theo, sang tháng 7, viên nang cứng Kovir tăng giá bán lên 1.000.000 đồng (một triệu đồng)/hộp. Theo một số báo, trước đó giá chỉ khoảng 250.000 đồng/hộp. Sản phẩm viên nang mềm tăng từ mức giá 95.000 đồng/hộp lên 250.000 đồng/hộp, có nơi bán 310.000 đồng/hộp.
- Nhưng làm sao để dân tin mà bỏ ra cả triệu đồng/hộp Kovir? Hãy chú ý văn bản của Cục Y dược cổ truyền. Văn bản này ghi rõ Kovir dùng để "phòng và điều trị".
Đáng lưu ý, trên thực tế, Kovir chỉ là thực phẩm chức năng, không phải thuốc nên không có tác dụng điều trị.
Vậy là, biến một sản phẩm thực phẩm chức năng thành sản phẩm thuốc điều trị, đưa vào một công văn khẩn cấp, và cuối cùng là tăng giá bán.
"Phác đồ" bòn rút là thế này sao?






https://www.facebook.com/bachhoanvtv24/posts/3048051208775447



Quyết định thu hồi văn bản danh mục 12 loại thuốc vội vã đến mức không kiểm soát!
Trong quyết định ghi : Hà Nội ngày 26 tháng 26 năm 2021! ( Báo đăng đàng hoàng ) tôi chụp lại. https://truyenhinhnghean.vn/.../bo-y-te-thu-hoi-van-ban.../
Tôi lạy anh đánh máy một lạy và tôi lạy luôn cả anh ký văn bản mà không thèm mở mắt 10 lạy!
Có một chuyên gia kỳ cựu đang làm cán bộ lãnh đạo ở một bộ vừa điện cho tôi nói chuyện về vấn đề này nội dung xoay quanh liệu có nhóm lợi ích hay không?
Tôi nói thẳng rằng có!
Tôi nói:
Nếu để nhân dân dùng thuốc y học cổ truyền thì dịch sẽ giảm và như thế thuốc Tây y sẽ không bán được, còn mấy anh sản xuất vắc xin cũng lo vì dân dùng thuốc nam khỏi bệnh thì cần gì phải tiêm vắc xin nữa.
Chưa kể những người đang được chia phần từ các dịch vụ tiêm, xét nghiệm, khẩu trang, thiết bị y tế phục vụ cấp cứu, đó là một miếng bánh to tự nhiên cắt phần thì chẳng có thằng nào muốn cả.
Tôi nghĩ rằng khi bộ y tế công bố 12 sản phẩm đông y thì chắc chắn đã tính toán kỹ và đã có nghiên cứu về chất lượng sản phẩm rồi, nhưng có thể vấp phải nhóm lợi ích và vì vậy mà chưa đến 24 giờ đã vội vàng rút lại văn bản. Vội đến nỗi quên mẹ nó cả đọc văn bản và phát minh ra cả tháng 26 thì tôi lạy lũ thần kinh anh ạ!
Bản thân mấy công ty được giới thiệu sản phẩm cũng tranh thủ tăng giá kiếm lời bẩn thỉu rồi chúng kiện nhau vì thiên vị không công bằng tự cắn nhau!
Chúng tôi buôn một hồi và đều chán nản vì những gì đang xảy ra trên đất nước này. Bực mình tôi nói: Tôi nói thật với anh là đéo có thằng nào vì dân đâu! Tất cả là lợi ích nhóm hết! Vứt vào sọt rác!
Chúng tôi thống nhất cúp máy nghỉ ngơi cho đỡ bực mình.

https://www.facebook.com/huynh.luongngoc/posts/1925436360965857



4.

Bài học từ cơn 'sốt' xuyên tâm liên và thảo dược trị Covid-19 ở Thái Lan

Tình trạng dân đổ xô mua xuyên tâm liên và các thảo dược được tin có thể điều trị Covid-19 ở Thái Lan khiến giới chức y tế nước này phải báo động nguy cơ đẩy giá và khan hiếm nguồn cung.

Hy vọng về "thần dược" chữa Covid-19 giá trị cao

Theo báo Bangkok Post, cơn sốt xuyên tâm liên, danh pháp khoa học Andrographis paniculata xuất hiện thời gian gần đây ở Thái Lan, sau khi nhà chức trách công bố một số nghiên cứu phát hiện cây dược liệu này chứa hàm lượng cao andrographolide, hoạt chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ bệnh nhân hồi phục sau mắc Covid-19.

Bài học từ cơn 'sốt' xuyên tâm liên và thảo dược trị Covid-19 ở Thái Lan
Thuốc thảo dược chiết xuất từ xuyên tâm liên của Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuần trước đã chỉ đạo thành lập một ủy ban nghiên cứu về sử dụng chiết xuất xuyên tâm liên để điều trị các bệnh nhân nhẹ. Thông báo được đưa ra tại một cuộc họp của nội các ngày 20/7 nhằm thảo luận về những biện pháp bổ sung để khống chế dịch.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul được bổ nhiệm lãnh đạo ủy ban nghiên cứu nói trên. Thủ tướng Prayut giao cho ủy ban điều phối các nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của chiết xuất xuyên tâm liên ở những trường hợp dương tính với virus corona chủng mới, cũng như soạn thảo một kế hoạch chiến lược để quảng bá y học cổ truyền của Thái Lan nói chung.

Quyết định được đưa ra theo đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp Somsak Thepsutin, người đã thúc giục chính phủ mở rộng quy mô dùng các loại thuốc cổ truyền để điều trị những ca bệnh có triệu chứng nhẹ. Động thái diễn ra trong bối cảnh Thái Lan đang khan hiếm nguồn cung vắc xin Covid-19, giữa lúc số ca nhiễm mới không ngừng tăng.

Đề xuất của ông Somsak viện dẫn các bằng chứng cho thấy, Cục Cải tạo thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan đã thành công trong việc điều trị cho 12.376 tù nhân nhiễm virus trong các nhà tù ở Chiang Mai và tỉnh Nonthaburi bằng chiết xuất xuyên tâm liên.

Người đứng đầu Bộ Tư pháp tiết lộ, trước khi cho phép kê thuốc thảo dược điều trị cho tù nhân, ông đã nghiên cứu thông tin của Cục Y học cổ truyền và thay thế Thái Lan (DTTAM), trong đó khuyến nghị một liều 180mg andrographolides chiết xuất từ xuyên tâm liên dùng trong 5 ngày liên tục với bệnh nhân có những triệu chứng nhẹ.

Theo ông Somsak, nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng một mảnh đất 1.600m2 có thể cho năng suất thu hoạch 600kg xuyên tâm liên, đủ để bào chế 375.000 viên thảo dược.

Quan chức này ước tính Thái Lan cần tổng cộng 3,1 tỷ viên thuốc như vậy để dùng cho toàn bộ dân số, đồng nghĩa sẽ cần 8.400 mảnh đất như vậy để trồng cây xuyên tâm liên. Cục Cải tạo hiện có kế hoạch sản xuất khoảng 50 triệu viên thảo dược trong vòng 4 tháng tới để kê dùng cho khoảng 50% tù nhân toàn quốc.

Ông Somsak nói thêm, xuyên tâm liên dạng thô hiện có giá khoảng 450 Baht (hơn 314.000 đồng)/kg. Do các lợi ích về chữa bệnh, nó đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đang được ưa chuộng.

Bài học từ cơn 'sốt' xuyên tâm liên và thảo dược trị Covid-19 ở Thái Lan
Một nhân viên giới thiệu thảo dược tại triển lãm ở Bangkok. Ảnh: Bangkok Post

Săn lùng thảo dược trị bệnh

Bộ Y tế Thái Lan và các đối tác đang tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về những đặc tính của các dược liệu tự nhiên được một số nghiên cứu trước đó phát hiện có khả năng chống lại SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Theo Phó thủ tướng Anutin, một nghiên cứu gần đây do Trung tâm khám phá dược phẩm thuộc Đại học Mahidol và Trung tâm Khoa học đời sống Thái Lan ghi nhận, 6/122 loại thảo mộc được thử nghiệm có thể được dùng để chế thuốc điều trị Covid-19. Trọng tâm chú ý hiện dồn vào xuyên tâm liên và bồng nga truật, danh pháp khoa học Boesenbergia rotunda.

Trong đó, bồng nga truật được phát hiện hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn virus corona nhân bản khi được dùng với liều lượng đủ thấp để không gây độc cho các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể người. DTTAM cùng Đại học Mahidol đang tiến hành một thử nghiệm lâm sàng sử dụng 2 loại chiết xuất từ bồng nga truật là Pinostrobin và Pandulatin A để chống lại virus.

Cảnh báo ảnh hưởng tiêu cực

Theo Bangkok Post, các thông tin về khả năng điều trị Covid-19 của xuyên tâm liên và bồng nga truật đã khiến người dân Thái Lan đua nhau lùng mua những thảo dược chiết xuất từ các cây dược liệu nói trên.

Prachin Buri là tỉnh đã sớm tổ chức trồng xuyên tâm liên trên diện rộng để thu hoạch, phục vụ sản xuất dùng trong y tế. Trong vài tuần trở lại đây, bệnh viện Chao Phraya Abhaibhubejhr tại tỉnh đang nhận được lượng đơn đặt thuốc chiết xuất từ cây dược liệu này tăng đột biến.

Một quan chức địa phương có tên Sunthorn Thongkham nói, xuyên tâm liên cho thu hoạch sau 2 tháng trồng. Sau khi phơi khô dưới ánh nắng, cây sẽ được nghiền thành bột và dùng để bào chế thuốc viên. Giá 100 viên nang là 80 Baht (56.000 đồng).

Trong một thông báo mới đây, bệnh viện Chao Phraya Abhaibhubejhr cho biết nguồn cung của họ không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân, nên chỉ có thể xuất bán thuốc cho 200 khách xếp hàng chờ mua trước 8h sáng mỗi ngày, với mỗi người không được mua quá 3 lọ.

Sakchai Unchittikul, Phó chủ tịch Hiệp hội Các ngành công nhiệp Thái Lan (FTI) cảnh báo, cơn sốt thảo dược trị Covid-19 đã khiến nhu cầu xuyên tâm liên tăng gấp 3 lần so với đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm dược liệu này trong vòng 1 - 2 tháng tới.

Bài học từ cơn 'sốt' xuyên tâm liên và thảo dược trị Covid-19 ở Thái Lan
Một gia đình ở tỉnh Nakhon Sawan trồng bồng nga truật đem bán. Ảnh: Bangkok Post

Tương tự, việc dân đổ xô đi mua bồng nga truật cũng đẩy giá bán của loại dược liệu này tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn. Trước đây, bồng nga truật có giá từ 30 - 80 Baht (21.000 - 56.000 đồng)/kg tùy thuộc vào chất lượng và mùa trong năm. Song, nhu cầu tăng chóng mặt đã đẩy giá lên 100 - 170 Baht (70.000 - 119.000 đồng)/kg tùy theo kích cỡ.

Các nông dân trồng bồng nga truật ở tỉnh Nakhon Sawan đang đút túi từ 5.000 - 7.000 Baht (3,5 - 4,9 triệu đồng)/ngày nhờ bán dược liệu này cho các lái buôn hoặc đơn đặt hàng qua mạng.

Wichian Suecharoen, một nông dân kiếm bộn từ việc kinh doanh bồng nga truật chia sẻ, tất cả các bộ phận của cây đều có thể bán được. Các lái buôn hàng ngày vẫn ùn ùn kéo đến địa phương của anh để thu mua bất kỳ thứ gì liên quan đến cây dược liệu, mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình ở đây.

Tuy nhiên, các quan chức khuyến cáo, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, người dân không nên tích trữ thảo dược gây khan hiếm thuốc điều trị và đẩy giá thành sản phẩm lên cao quá mức. Các bệnh viện và nhà sản xuất cũng cam kết sẽ nhanh chóng mở rộng năng suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuấn Anh

https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/bai-hoc-tu-con-sot-xuyen-tam-lien-va-thao-duoc-tri-covid-19-o-thai-lan-759717.html




3. Ngày 26/7/2021


Trong lúc người dân lay lắt từng ngày vì giãn cách, miếng cơm khi đói khi no, vẫn có những người cố tình moi nốt những đồng tiền ít ỏi còn lại của người dân.
Đó là việc Bộ Y tế đã đưa danh mục thuốc y học cổ truyền trong điều trị và hỗ trợ điều trị covid-19. Thay vì đưa bài thuốc với kết quả thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế lại ban danh mục có tên thương mại sản phẩm cụ thể, của doanh nghiệp cụ thể, dễ thấy nhất là Hoạt huyết Nhất Nhất được VTV1 nêu nổi bật.
Bộ Y tế hôm nay thu hồi văn bản sau khi bị một số ý kiến phản hồi gay gắt về dấu hiệu trục lợi trên sức khoẻ người dân. Nhưng, khi VTV1 loan tin Hoạt huyết Nhất Nhất điều trị covid-19 thì đã có biết bao nhiêu người dân mua sản phẩm này? Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Cần cách chức lãnh đạo Bộ Y tế đã đưa tên thương mại một sản phẩm của một doanh nghiệp vào danh mục. Đó là dấu hiệu của việc trục lợi mùa dịch, kiếm tiền trên sức khoẻ người dân. Những hành vi này không thể nào dung thứ nổi.
Không dưng Bộ Y tế lại chỉ đích danh và riêng một sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất. Tôi cũng có quyền đặt nghi ngờ về hành vi cấu kết trục lợi.
Thị trường có rất nhiều sản phẩm hoạt huyết. Thế nên, nếu có nhu cầu, đừng mua sản phẩm của gian thương.



https://www.facebook.com/bachhoanvtv24/posts/3047958962118005




Hở ra tí là chồm vào kiếm chác. Tập trung chống dịch chưa xong lại còn kèm thêm vai trò " trình dược viên"- môi giới thuốc kiếm ăn.

Nguy hiểm hơn là lấy danh nghĩa Bộ Y tế để các sở y tế, bệnh viện ghi vào đơn thuốc.

Tệ hại thế các vị.

Lôi cổ thằng nào ký văn bản phải thu hồi này ra. Vội gì thì cũng ghi cho đúng ngày tháng kìa, nước mình chưa áp dụng tháng 26.

Bực mình quá.

-----
P/S: Cty Sao Thái Dương, một DN được ưu ái trong danh sách lập lờ này có loại thuốc mang tên Kovir (phát âm na ná Covid) được bán trên thị trường với gi.á 300 nghìn đ/hộp trên lazada. Ngày 19/7, trước thời điểm Bộ ra Công văn 5 ngày, hãng này tăng lên 1 triệu đ/hộp.

https://www.facebook.com/nvNguyenQuangVinh/posts/1910411042453924



2. Sáng ngày 26/7/2021


Thu hồi công văn công bố 26 sản phẩm cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19

Sau 2 ngày ban hành, Bộ Y tế quyết định thu hồi công văn 5944 với lý do có nhiều nội dung chưa phù hợp.

Sáng 26/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký công văn 5967 về việc thu hồi công văn số 5944, ban hành ngày 24/7 về việc tăng cường, phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Lý do thu hồi công văn 5944 được nêu rõ: “có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này".

Công văn 5944 sau 2 ngày ban hành đã gây xôn xao dư luận khi đi kèm với phụ lục 26 sản phẩm được cho có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.

Trong danh sách này có các sản phẩm như nước xịt mũi họng Thái Dương, gel rửa tay, hoạt huyết nhất nhất, Imboot, viên nang Kovir của Sao Thái Dương, Siro Ngân Kiều, Vệ khí khang… Trong đó hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, liều dùng. Riêng công ty Sao Thái Dương có 5 sản phẩm.

Thu hồi công văn công bố 26 sản phẩm cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19

12 trong số 26 sản phẩm đính kèm trong phụ lục công văn 5944 gây tranh cãi. Ảnh: Hà Nội mới

Đáng lưu ý trong số này, sản phẩm viên nang Kovir ghi rõ là phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hoà miễn dịch trong các bệnh lý virus.

Tuy nhiên phía Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, thực tế sản phẩm này sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 2. Ngoài thị trường, sản phẩm này đã tăng giá khoảng 10 lần lên 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ. Từ ngày 19/7, doanh nghiệp này cũng đã có văn bản thông báo tăng giá đến các đại lý, khách hàng.

Khi được hỏi tại sao Bộ Y tế lại công bố chi tiết các sản phẩm trong phụ lục, đây có phải hình thức “chỉ định thầu”?, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế trả lời: "Đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu, không phải để người bệnh nhao nhao đi mua". 

Ông Thịnh cũng khẳng định Hoạt huyết Nhất Nhất không có tác dụng điều trị Covid-19.

Công văn 5944 của Bộ Y tế ban hành trong bối cảnh dịch Covid-19 tại nước ta đang diễn biến phức tạp, y tế trong tình trạng quá tải, nhiều người dân lo lắng nên nhiều người cho rằng công văn này “cài cắm” thêm các sản phẩm chức năng.

Thực tế, sau khi công văn ra đời, đã xảy ra tình trạng khan hiếm, đẩy giá một số loại thuốc, gây bất bình trong dư luận.

Trong công bố chính thức tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế cuối tháng qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế cho phép dùng thử nghiệm vị thuốc xuyên tâm liên hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 ít triệu chứng, thể nhẹ.

Bộ Y tế giao Cục Quản lý y dược cổ truyền phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng bệnh nhân Covid-19 nhất định, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.

Thúy Hạnh


Thái Bình - 11:10 26/07/2021 GMT+7
Suckhoedoisong.vn - Ông Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cho biết: Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu” do Bộ Y tế ban hành ngày 24/7/2021 theo đúng quy định

Liên quan đến thông tin về công văn số 5944/BYT-YHCT về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu” do Bộ Y tế ban hành ngày 24/7/2021 đang được dư luận quan tâm, sáng ngày 26/7, ông Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cho biết:

Để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục Y Quản lý Y Dược học cổ truyền đã nhận được sự hỗ trợ ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số doanh nghiệp hỗ trợ trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Cục đã thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá thành phần công thức của các sản phẩm mà các công ty ủng hộ cũng như những chế phẩm của hai bệnh viện: Y học cổ truyền Bộ Công an và Y học cổ truyền Quân đội, đưa vào điều trị, hỗ trợ điều trị, chăm sóc y tế cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến của Bắc Giang cho thấy kết quả bước đầu an toàn và có hiệu quả.

thuoc y hoc co truyen

Ảnh minh hoạ

Trong đợt dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để kết hợp các phương pháp của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, Cục tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại phía Nam về việc tiếp nhận sự hỗ trợ các sản phẩm y học cổ truyền và sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để sử dụng phù hợp cho những người là F1 đang cách ly tập trung và F0 không có triệu chứng hoặc mức độ nhẹ và vừa.

Đồng thời, Cục cũng đã hướng dẫn các đơn vị y học cổ truyền trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tham khảo, nghiên cứu để có thể xây dựng các bài thuốc y học cổ truyền và tiếp tục đánh giá tính an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, sau khi công văn số 5944/BYT-YHCT được ban hành, chúng tôi đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.

“Sau khi tiếp nhận các thông tin phản ánh và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến công văn 5944/BYT-YHTC, chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”- Ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết.

Ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết thêm: Lãnh đạo Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý Y Dược cổ truyền khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát để có hướng dẫn phù hợp nhằm bảo đảm huy động được mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng khuyến cáo người dân không tự tìm mua các sản phẩm dù là thuốc nói chung hay kể cả sản phẩm y học cổ truyền vì những sản phẩm này đều phải sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

 

 

Thái Bình

https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-thu-hoi-van-ban-ve-viec-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-covid-19-bang-thuoc-co-truyen-va-san-pham-tu-duoc-lieu-n198252.html




1. Ngày 25/7/2021

Sau gần hai năm kêu gọi sử dụng đông y vào điều trị covid thì bây giờ Bộ Y Tế mới bắt đầu thực hiện!
Ngay từ tháng 1-2020 tôi đã bắt đầu kêu gọi. Đến tháng 3-2020 Trung Quốc đưa đông y vào điều trị.
Quá chậm trễ và ngớ ngẩn! Tôi nghĩ rằng trong Đông Y thì chưa có lợi ích nhóm, nhưng trong Tây y thì có lợi ích nhóm khá nhiều.
Kiểm tra qua danh mục 12 loại thuốc đông y được liệt kê thì đây mới chỉ là các loại thuốc hỗ trợ điều trị từng trạng thái trong các triệu chứng liên quan đến ho, sốt, viêm họng, sổ mũi, ớn lạnh v.v… chưa phải là thuốc tổng hợp diệt cúm mùa. Tuy nhiên việc đưa các sản phẩm này ra thì đã là tốt lắm rồi.
Ơn giời là Bộ Y Tế cuối cùng cũng thông não bảo thủ, cởi dây trì trệ, tháo ngòi kiêu ngạo, và cho phép các nhà thuốc Đông y có chút mở mang.
Chúc các Bác Sỹ Đông Y mạnh giỏi thể hiện hết mình để minh chứng cho nền Đông Y Việt Nam.
Tôi tin rằng khi phổ cập Đông Y vào điều trị đại trà thì chỉ cuối năm nay nước ta sẽ cơ bản khống chế được đại dịch, nếu như có bùng phát lại cũng không thể lây lan mạnh như hiện nay.
Tương lai sẽ tốt đẹp nếu nhà nước, chính phủ, các bộ nghành khiêm tốn học hỏi kiến thức của nhân dân.
" Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" Đảng nhà nước chính quyền muốn yêu nước thì trước hết phải yêu dân, tôn trọng dân, nghe theo yêu cầu và sự chỉ dạy của dân, đáp ứng mong muốn của dân, vì dân mà hy sinh, vì dân mà bỏ cái thói độc đoán chuyên quyền và bảo thủ.
Dân là nước, chính quyền là bèo, nước nổi thì bèo nổi, nước cạn thì bèo cũng chết khô!
Tôi xin đăng lại bài thuốc mà hai năm nay tôi đã phát gần 40 ngàn liều miễn phí cho bà con. Tất cả những ai đã dùng thuốc này đều không hề hấn gì trước đại dịch.
THẢO DƯỢC VIỆT NAM TRỪ TÀ PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH.
1-Nhân sâm, 5 lạng.
2-Thất diệp nhất chi hoa 5 lạng
3-Tam thất 1kg.
4-Hà thủ ô 1kg.
5-Hồ lô ba ( cỏ ca ri )1kg.
6-Hoàng kỳ 1kg.
7-Can khương 5 lạng
8-Trầm 1 lạng.
9-Thương truật 1kg.
10-Bột nghệ 5 lạng.
11-Ma hoàng 5 lạng.
12- Thiên bối mẫu 1kg
13- Hoàng liên 5 lạng.
Tất cả sao vàng tán bột, trộn đều. Sau đó chia ra cho mỗi liều là 100gr thì được 60 liều.
Mỗi liều dùng sẽ chữa khỏi cho 1-2 người.
Đây là những cây thuốc dân gian Việt Nam hoàn toàn có thể chống cúm do virus bao gồm cả covid.
Bất kỳ ai đang có dấu hiệu:
Sốt cao từ 39- trên 40 độ. Người ớn lạnh. Ho. Hắt hơi. Sổ mũi. Đau họng. Đau nhức và mỏi cơ. Đau đầu. Cơ thể mệt mỏi. Chảy nước mắt và ngại nhìn ánh sáng. Chán ăn, Khát nước, Sợ khói....Có thể sử dụng thảo dược này để trừ tà diệt khuẩn chống virus không cho xâm nhập cơ thể.
Các sử dụng:
1- Người đang nhiễm virus . Mỗi ngày uống từ 3-4 lần sáng, trưa, chiều, tối… tuỳ theo mức độ bệnh nặng nhẹ.
Uống trước khi ăn 30-45 phút.
Mỗi lần uống một thìa cà phê bột thảo dược pha với 100mml nước sôi, hãm sau 5 phút để lắng cặn là có thể uống phần nước trong ở trên. Sau đó bạn lại đổ thêm 100mml nước sôi vào, chờ sau 10 phút thì uống tiếp vì thuốc vẫn còn tinh dầu để phát huy triệt để tác dụng của thuốc.
Nếu trẻ em bị sốt thì dùng 1/2 liều.
2- Uống phòng bệnh.
Mỗi ngày uống hai lần, sáng và tối. Mỗi lần nửa thìa cà phê, pha với 100ml nước sôi.
* Lưu ý:
Người bị bệnh huyết áp cao thì dùng 1/2 liều.
Thảo dược này không dùng cho người đang mang thai.
Chúc bà con ai ai cũng mạnh khoẻ không có bệnh tật gì, và luôn luôn may mắn thành đạt, phát tài phát lộc.
Các thầy thuốc có thể sử dụng bài thuốc này để cứu dân trong lúc đại dịch đang bùng phát.
Xin cảm ơn.
Tác giả bài thuốc:
Gs-Vs Lương Ngọc Huỳnh.

https://www.facebook.com/luongngochuynh.vn/posts/1672243992965010

..

..


---


BỔ SUNG


1. Từ đầu năm 2020

05/02/2020 09:37

Lương y Lương Ngọc Huỳnh giới thiệu bài thuốc dân gian phòng dịch nCoV từ những nguyên liệu có sẵn trong đời sống thường ngày mà hiệu quả.


lương y giới thiệu bài thuốc dân gian phòng dịch ncov đơn giản mà hiệu quả
Lương y Lương Ngọc Huỳnh giới thiệu bài thuốc dân gian phòng dịch nCoV từ những nguyên liệu có sẵn trong đời sống thường ngày mà hiệu quả. (Hình ảnh minh hoạ)

Theo chuyên gia phong thuỷ, lương y Lương Ngọc Huỳnhvirus Corona chủng mới (nCoV) tồn tại ngoài môi trường lâu ở thời tiết dưới 20 độ, độ ẩm cao. Mùa đông, xuân, tiết trời lạnh thì virus phát triển mạnh.

Do đó, ông Huỳnh hướng dẫn, ngày 19 tháng giêng trời sẽ nắng ấm, mọi người có thể mở cửa, đốt cồn, đốt ngải, đốt trầm, tỏi hoặc bồ kết xông nhà để không khí lưu thông, kháng khuẩn, kháng virus.

Cùng đó, trong đông y thường chữa cúm virus nói chung bằng cách "phát hãn" nghĩa là làm cho cơ thể đổ mồ hôi, bằng cách dùng cây thuốc có tinh dầu nấu nước sôi cho vào và xông nóng cơ thể hoặc ăn các thực phẩm nóng, cay.

Một trong những bài thuốc dân gian thường dùng như: Ăn cháo nóng cho nhiều hành, hoặc tỏi, hạt tiêu, ớt...

"Có ba vị thuốc đông y thường được dùng để làm bài thuốc phát hãn là: Quế chi, Ma Hoàng, Sinh Khương. Các thầy thuốc còn dùng Ôn tán là làm ấm, Lương tán là làm mát và Bình giải là làm giảm cái này tăng cái kia.

Người Trung Đông có một bài phát hãn rất hay mà tôi thường làm theo rất hiệu quả là: Thịt cừu băm nhỏ nấu với nhiều tỏi, rau thơm, có thể cho thêm hạt tiêu vào thì càng hiệu quả, ăn nóng. Mỗi lần bị cúm tôi chỉ ăn ba đến 5 lần là khỏi. Ngày có thể ăn ba lần sáng, trưa, chiều. Ai nặng lắm thì ăn ba ngày cũng khỏi.

Phương pháp phát hãn gồm ăn đồ cay nóng và xông hơi có tác dụng đẩy virus ra khỏi cơ thể qua tuyến mồ hôi, không cho nó có cơ hội đi sâu vào các nhân tế bào của vi khuẩn gây bệnh. Đây là cách chữa bệnh dân gian mà cha ông chúng ta đã sử dụng có hiệu quả hàng ngàn năm nay", ông Huỳnh chia sẻ.

Ngoài ra, trong khoa học người ta cũng có thể dùng kẽm xử lý qua điện phân hoặc từ tính để tạo ra nước uống, nước súc miệng, rửa mặt, ngừa lây nhiễm virus đạt hiệu quả cao.

"Nếu chúng ta thường xuyên xông nhà bằng đốt cồn, đốt ngải, đốt trầm, tỏi hay bồ kết...; Kết hợp với thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế như: không tụ tập chỗ đông người, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn sẽ rất hiệu quả", lương y Lương Ngọc Huỳnh khẳng định.

https://www.baogiaothong.vn/luong-y-gioi-thieu-bai-thuoc-dan-gian-phong-dich-ncov-don-gian-ma-hieu-qua-d451652.html?fbclid=IwAR2FgIvq1soIXsAhLgtZ-qlu-QXJX4Nkz-GpqbCqVgmcY5_fJNPgYmytOVQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.