Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/07/2021

Giáo dục sau đại học ở Việt Nam : qui chế mới 2021 và dư luận

Năm 2021, cận cảnh về giáo dục phổ thông, qua đề thi môn Văn tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì xem ở đây.

Bây giờ là một cận cảnh nữa, về giáo dục sau đại học.

Mở đầu là qua qui chế mới, vừa ban hành. Xung quanh là các ý kiến.

Đưa các ý kiến về Giao Blog, cập nhật dần.

Tháng 7 năm 2021,

Giao Blog


XEM THÔNG TƯ 18/2021/TT-BGDĐT VỀ QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

























https://imgs.vietnamnet.vn/Flash/2021/07/13/22/khong-yeu-cau-cong-bo-quoc-te-khong-the-ngan-ra-lo-tien-si-rom.pdf


---


..


TĂNG TÍNH TỰ CHỦ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Chuyên mục: CHUYỂN ĐỘNG 365 | Lượt xem : 2,307

Ngày đăng: 21/07/2021

http://www.quochoitv.vn/Videos/chuyen-dong-365/2021/7/tang-tinh-tu-chu-trong-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc/555624?fbclid=IwAR1lhJz5aXrIA23yzvyZdkydmsGZ-IiBFBH8r3JQ4TW43oXtT7bzBU7B-Qo

..

Ngày 21/7/2021 (tác giả đưa lên ngày 19 và 20/7/2021)

1. Những đồng nghiệp xã hội học dám công khai phê phán lẫn nhau để xã hội học phát triển (qua bài viết đăng tạp chí) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo tôi biết, chỉ có tôi và PGS.TS Phạm Văn Bích dám thực hiện việc này. Không biết còn ai nữa không, xin quý vị chỉ giúp? Như vậy, đối chiếu với bài viết của GS Ngô Bảo Châu dưới đây thì quá buồn trong lĩnh vực xã hội học ở Việt Nam, vì quá ít tranh luận khoa học.
2. Thầy hướng dẫn luận án TS của tôi ở Nhật Bản chính là Chủ tịch Hội đồng chấm luận án của tôi (cả 2 lần bảo vệ cấp cơ sở và bảo vệ cấp nhà nước - theo cách gọi ở Việt Nam). Đối chiếu với bài viết của GS Ngô Bảo Châu tôi thấy quá chính xác, vì bản thân tôi là người trong cuộc đã từng trải nghiệm.

https://www.facebook.com/kinh.do.56/posts/4715800941767619



(Nhân dịp vấn đề nóng trên báo điện tử về tiêu chuẩn tiến sĩ mới ban hành năm 2021 và trải nghiệm nghiên cứu sinh tiến sĩ của tôi ở Nhật Bản trong những năm 2001~2005)
* * *
Mùa hè năm 1998, lần đầu tiên tôi ra nước ngoài nghiên cứu ở Nhật Bản. Ba tháng hè sống ở cố đô Kyoto hồi ấy để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp về đất nước và con người Nhật Bản. Ấn tượng đầu tiên khi tôi sống ở Nhật Bản hồi ấy là tưởng tượng ra chủ nghĩa xã hội hiện thực như thế nào. Chủ nghĩa xã hội chính là nơi đây – đất nước và con người Nhật Bản. Từ mức sống vật chất cho đến tình người Nhật Bản đều thể hiện điều đó. Nếu tôi là sinh viên du học, thì tôi sẽ định cư lập nghiệp ở đây. Trong mùa hè ấy, tôi tìm đọc tài liệu ở thư viện và biết đến cuốn sách do tác giả KOSAKA Kenji (1944 - ) chủ biên viết về phân tầng xã hội ở Nhật Bản thời hiện đại [Kosaka, Kenji (ed.). 1994. “Social Stratification in Contemporary Japan”. Kegan Paul International. London and New York]. Cơ duyên kết nối tình thầy trò sau này giữa tác giả chủ biên cuốn sách và tôi bắt đầu từ đây. Cũng về sau, tôi mới biết ông là giáo sư xã hội học nổi tiếng ở Nhật Bản (nguyên Chủ tịch Hội Xã hội học Châu Á – Thái Bình Dương, 1999 - ?). Ông chính là Thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ (TS) cho tôi sau này.
Nhờ cuốn sách trên mà tôi đã chủ động liên lạc với ông mà không qua ai giới thiệu. Thầy cũng đã chấp thuận làm người hướng dẫn luận án TS cho tôi trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu sinh Tiến sĩ RONPAKU tại Nhật Bản trong năm tài chính 2001~2005 [JSPS RONPAKU (Dissertation PhD) Program]. Tôi đã nộp đơn và được chấp nhận. Học bổng do chính phủ Nhật Bản tài trợ (thông qua RONPAKU). Trong thời gian này (2001~2005), tôi đã trải nghiệm nền giáo dục Nhật Bản như thế nào (và khác với Việt Nam ra sao). Thầy giữ vai trò là giáo sư (GS) hướng dẫn luận án cho tôi, chứ không “viết” hộ luận án như một số trường hợp GS ở Việt Nam. Trong luận án, tôi đã dựa vào những luận điểm (dưới dạng giả thuyết của nhà xã hội học Mỹ nổi tiếng Donald J. Treiman) về phân tầng xã hội ở những nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa để tiếp tục phát triển luận điểm ấy ở Việt Nam. Đồng thời, sự áp dụng những luận điểm ấy vào nghiên cứu được so sánh với một số nước khác trên thế giới (Nhật Bản, Mỹ và Anh). Kết quả là tôi đã phát biểu mới và mở rộng một số luận điểm của Treiman. Kết quả này đã làm cho những luận điểm ấy vốn chỉ áp dụng và đang được kiểm chứng đối với những nước công nghiệp và công nghiệp cao, nay được mở rộng cho cả những nước tiền công nghiệp và đang chuyển sang xã hội công nghiệp như trường hợp Việt Nam. Như vậy, có một sự nối tiếp liên tục từ xã hội tiền công nghiệp (Việt Nam) đến xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp (Nhật Bản, Mỹ và Anh). Tất nhiên, sự phát triển và mở rộng một số luận điểm về công nghiệp hóa và phân tầng xã hội của Treiman còn là giả thuyết và cần tiếp tục được kiểm chứng bằng những nguồn số liệu thực nghiệm khác. Địa chỉ luận án (bản gốc tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt):
Với kết quả viết luận án như trên, Thầy đã đùa tôi đại ý nói rằng nếu ông Donald J. Treiman bước vào căn phòng này (nơi tôi và Thầy đang ngồi trao đổi khoa học), thì thế nào ông ấy cũng ngạc nhiên và rất vui mừng về luận án của tôi. Điều đặc biệt hơn cả, Thầy còn là chủ tịch hội đồng chấm luận án của tôi ở cả hai lần họp hội đồng (tương ứng với bảo vệ cấp cơ sở và cấp quốc gia ở Việt Nam). Cả hai lần họp hội đồng chấm luận án, tôi không phải có mặt để trình bày tóm tắt luận án. Có lẽ vì vậy mà ở Nhật Bản không gọi là buổi lễ bảo vệ luận án. Đúng nghĩa, đó là cuộc họp của hội đồng chấm luận án. Như vậy, buổi chấm luận án không có “phông màn” trang trí, hoa hòe lòe loẹt và nghiên cứu sinh (NCS) không phải “diễn” như ở Việt Nam. Nếu thành viên hội đồng yêu cầu NCS sửa chữa ở cuộc họp lần thứ nhất thì NCS phải thực hiện. Thông thường, sau cuộc họp hội đồng lần thứ nhất, NCS phải sửa chữa luận án theo yêu cầu của hội đồng hết khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Hầu hết NCS ở Nhật Bản và nước ngoài đều phải sử dụng đến quỹ thời gian này. Tiếp theo là buổi họp hội đồng lần thứ hai để đánh giá luận án (sau khi sửa chữa) có đạt yêu cầu hay không.
Về luận án của tôi, đã được hội đồng họp lần thứ nhất (12-2004) đánh giá tốt và chấp thuận ngay để chuyển sang hội đồng họp lần thứ hai (3-2005). Luận án của tôi chỉ phải sửa chữa rất ít (viết thêm khoảng 2~3 trang về những vấn đề đặt ra và gợi mở tiếp tục cho hướng nghiên cứu về sau). Những yêu cầu sửa chữa này chính là của Thầy tôi đặt ra. Thầy cũng yêu cầu tôi phải thực hiện sửa chữa ngay để chuyển sang cuộc họp hội đồng lần thứ hai sao cho vẫn trong năm tài chính Nhật Bản 2004 (ngày cuối cùng của năm tài chính 2004 là 31-3-2005). Chính vì vậy mà tôi đã hoàn thành tốt luận án sớm 1 năm so với kế hoạch trong Chương trình RONPAKU. Trong khi đó, từ trước đến nay, tỉ lệ NCS ở các nước “bảo vệ” thành công luận án TS trong khuôn khổ Chương trình RONPAKU rất thấp. Việc đạt trình độ TS trước 1 năm đã vượt quá sự tưởng tượng của tôi ngay từ ngày đầu tham gia Chương trình RONPAKU. Quả ngọt đó cũng là nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của Thầy và sự cố gắng của tôi.
Trong nền giáo dục Nhật Bản, danh dự và uy tín của người thầy (đặc biệt là vị trí giáo sư) rất quan trọng và có giá trị. Đương nhiên, ở Nhật Bản không có chuyện NCS “chạy” thầy và “chạy” hội đồng như ở Việt Nam. GS hướng dẫn là người hiểu NCS hơn ai hết. Nếu thầy hướng dẫn đã đánh giá tốt luận án, thì các thành viên khác trong hội đồng cũng thường nghe theo. Chính vì vậy, mà Thầy hướng dẫn của tôi cũng đồng thời là chủ tịch hội đồng chấm luận án cho tôi là hợp lý ở Nhật Bản. Điều này trái ngược hoàn toàn với trường hợp Việt Nam! Có lẽ vì vậy mà các NCS Việt Nam vẫn truyền tai nhau suy nghĩ rằng nếu thầy hướng dẫn mà đã chấm luận án cho NCS của mình đạt yêu cầu thì coi như chắc chắn luận án của NCS đó thành công!
Kỷ niệm một thời nhớ mãi!

Văn bằng tiến sĩ do trường đại học Kwansei Gakuin University cấp cho tôi


GS. Kosaka (thầy hướng dẫn) thăm gia đình tôi ở Hà Nội trong thời kỳ NCS (2001~2004)


https://www.facebook.com/kinh.do.56/posts/4718051988209181



..

Ngày 21/7/2021

Mấy hôm trước, tôi đã chia sẻ một số bài phê phán quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021, coi đó là bước thụt lùi. Nay tôi muốn đề cập những ý kiến ủng hộ quy chế này. Ý kiến ủng hộ có nhiều điểm, song tập trung vào ba vấn đề chính:
1. Không thể lấy việc công bố quốc tế của NCS làm thước đo đánh giá luận án, vì ở nhiều nước tiên tiến không làm thế. Nghe có vẻ có lý, song so sánh này chẳng khác gì bì phấn với vôi. Tại các trường danh tiếng của những nước như Pháp, Mỹ, Đức, nơi có nền giáo dục và khoa học đỉnh cao, thì việc lựa chọn một NCS được làm luận án ở đó đã là một sự đảm bảo về chất lượng rồi. Chẳng thể chạy chọt được đâu. Trường hợp ở Việt Nam, nếu việc đăng bài trên tạp chí quốc tế góp phần phá dỡ các "lò ấp tiến sĩ" và nâng cao chất lượng luận án thì cũng nên thực hiện ở mức độ hợp lý nào đó.
2. "Lơ" đi việc hạ thấp chuẩn ngoại ngữ. Với quan sát về đào tạo bậc tiến sĩ trong thời gian qua ở Việt Nam, tôi có thể khẳng định rằng, ngoại ngữ của các NCS là kém. Phần lớn NCS (từ 60% trở lên) không tham khảo được tài liệu nước ngoài liên quan đến luận án, hay có tham khảo cũng chỉ lớt phớt. Vì thế, có khi thầy phải "đỡ", hay phải thuê dịch, và hội đồng phải chiếu cố cho qua. Quy chuẩn về ngoại ngữ của quy chế năm 2017 đã mở ra hướng nâng cao trình độ ngoại ngữ của NCS. Vậy nhưng với quy chế năm 2021 lại hạ chuẩn xuống, thì chắc chắn nhiều NCS sẽ vẫǹ ở tình trạng cơm chấm cơm khi làm luận án.
3. Quy chế chỉ là khung, còn các cơ sở đào tạo, tùy theo điều kiện sẽ ban hành quy chế riêng để nâng cao trình độ của NCS và chất lượng luận án. Nghe cũng có vẻ có lý. Song trở lại thời kỳ lò ấp tiến sĩ: đó là lúc láo nháo cháo hơn cơm. Một số cơ sở đào tạo nghiêm túc đã phải trắng mắt nhìn các cơ sở đánh trống ghi tên làm thạc sĩ, tiến sĩ để kiếm tiền. Tôi từng được nghe nhiều điều về chuyện này rồi. Thấm thía lắm. Cơ sở đào tạo nghiêm túc không nâng chuẩn mà đã láo nháo như vậy, còn nếu nâng chuẩn sẽ như thế nào ?
Quan sát ý kiến của các cao nhân, tôi thấy ̉hình như có một số người chỉ xuất phát từ vị thế và lợi ích trong đào tạo.
Bởi vậy, ông Bộ trưởng Bộ GD và ĐT nên cẩn trọng khi tiếp thu.

https://www.facebook.com/tinh.vuongxuan/posts/4114640238653165


..

PGS Phan Thị Hà Dương: Không nên ‘hạ chuẩn’ tiến sĩ với hiện trạng ở Việt Nam

"Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ" cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay. 

Chúng ta không nên áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.

Đây là quan điểm của PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương trước những tranh luận về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 18/2021 của Bộ GD-ĐT. VietNamNet trân trọng giới thiệu với độc giả:

PGS Phan Thị Hà Dương: Không nên ‘hạ chuẩn’ tiến sĩ với hiện trạng ở Việt Nam
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2021. Ảnh: NAG Nguyễn Á

Quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT mới ban hành (và dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) đã gây xôn xao trong giới khoa học, trong đó có nhiều ý kiến phản biện về việc ‘hạ chuẩn’ đầu ra của tiến sĩ.

Đặc biệt, ngày 15/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng ‘nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ’.

Tôi có một số ý kiến đóng góp về tiêu chuẩn đầu ra của việc đào tạo tiến sĩ như sau:

Cần đi thẳng vào hiện trạng giáo dục

Như chúng ta biết, Thông tư có nội dung và mục đích nhằm hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể những quy định chung trong các văn bản pháp luật, có hiệu lực 45 ngày sau khi ban hành; và thời gian hiệu lực của Thông tư có thể chỉ 4 năm (như trường hợp ta đang bàn là Thông tư 08/2017 sẽ bị thay thế bằng Thông tư 18/2021 này).

Do đó, Quy chế theo Thông tư 18 sẽ được áp dụng ở ngay hiện tại và trong tương lai gần, chứ không phải ở một tương lai xa, khi ta giả thiết đã có những điều chúng ta muốn xây dựng. Vì vậy, chúng ta nên phân tích việc áp dụng Quy chế trong hiện trạng giáo dục và xã hội ta hiện nay.

So với các nước tiên tiến được không?

Khác với Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ cũ (Quy chế 2017), Quy chế mới (Quy chế 2021) không yêu cầu luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế.

Có ý kiến cho rằng ở các nước tiên tiến, ví dụ như ở Pháp, không có yêu cầu công bố với tiến sĩ. Theo tôi, ta cũng nên xét một cách tổng thể. Trước hết, ở Pháp thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng Tiến sĩ khoa học (Habilitation – bằng cấp cao nhất trong khoa học, kết quả của một quá trình tối thiểu 3 năm nghiên cứu cao cấp hơn sau bằng tiến sĩ) – đảm bảo vấn đề từ gốc là thầy hướng dẫn đã có kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu. Trong khi đó, Quy chế mới của ta đã ‘hạ chuẩn’ so với Quy chế cũ khi không yêu cầu thầy hướng dẫn phải có công bố quốc tế. Ngoài ra, luận án ở Pháp được hai phản biện đánh giá với các tiêu chí cao - hầu hết các kết quả nghiên cứu trong luận án đã được gửi đi và sớm được công bố trên các tạp chí hay hội thảo khoa học uy tín.

Việc đánh giá luận án tiến sĩ ở Pháp hay nhiều nước tiên tiến là do cộng đồng khoa học đánh giá và đáng tin tưởng vì đó đã là một cộng đồng khoa học phát triển. Cộng đồng khoa học của chúng ta đã đủ phát triển chưa khi mà trong tấm bằng tiến sĩ của Pháp ghi đầy đủ tên các thành viên Hội đồng với quan trọng nhất là hai phản biện; còn ở ta, để tránh tiêu cực, tên của hai phản biện độc lập mãi mãi là bí ẩn với mọi người?

Đề xuất công khai tên của phản biện độc lập là rất hợp lý; nhưng chừng nào trong Quy chế chưa quy định những điểm mới như vậy, thì chúng ta vẫn phải xây dựng các điều khoản dựa trên các quy định cũ.

Có một số ý kiến cho rằng với Quy chế này, chúng ta vẫn có thể đạt được chuẩn mực cao bằng cách nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước, giới hạn danh sách các tạp chí được Hội đồng Giáo sư công nhận. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài, của tương lai xa, chứ chưa thể áp dụng ngay vào trong Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8 này.

Chính vì cộng đồng khoa học của chúng ta chưa đủ phát triển như vậy nên để có thể tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, chúng ta cần chấp nhận một số chế tài quy định các điều kiện hội nhập quốc tế. Do đó, để có thể nâng cao chất lượng, chúng ta chưa thể 'hạ chuẩn' đầu ra.

Một trong những băn khoăn của nhiều người là có thể có những ngành/chuyên ngành mà khó để công bố quốc tế thì ý kiến “đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, bảo đảm chất lượng”, có lẽ là thỏa đáng.

Có thực sự tự chủ tích cực?

Với các quy chế trước đây, từng cơ sở đào tạo vẫn có thể giữ nguyên chuẩn đầu ra hoặc nâng cao lên (như Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam). Vậy thì vấn đề tự chủ về công nhận trình độ tiến sĩ sẽ tạo điều kiện để những cơ sở đào tạo chưa đạt được chuẩn đầu ra như trước đây sẽ có chuẩn đầu ra thấp hơn?. Liệu chúng ta có thể tin rằng ở các cơ sở đạo tạo đó, các bằng tiến sĩ sẽ tiếp cận được chuẩn mực quốc tế? Và liệu chúng ta có thể chắc rằng xã hội sẽ phân biệt được bằng tiến sĩ của trường nào có giá trị hơn trường nào và chính thị trường sẽ đào thải các bằng tiến sĩ kém chất lượng?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét thực tế bằng tiến sĩ ở Việt Nam được sử dụng như thế nào? Tôi rất chia sẻ với ý kiến của GS Ngô Việt Trung rằng: Các cơ quan nhà nước hay các cơ sở đào tạo (công hay tư) là những nơi chủ yếu sử dụng bằng tiến sĩ như một yếu tố để nâng cao vị trí công tác; trong đó có nhiều nơi chỉ quan tâm đến tấm bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của tiến sĩ. Vì vậy, có thể nhiều người sẽ tìm đến những nơi đào tạo tiến sĩ dễ dãi để có tấm bằng; và xã hội chưa đủ phát triển để phân biệt và đào thải những bằng tiến sĩ kém chất lượng.

Tóm lại, theo tôi, Quy chế này cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay. Chúng ta không thể áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.

Chúng ta ghi nhận là Quy chế mới đã có một số thay đổi tích cực như: Các cơ sở đào tạo có thể công nhận kết quả học tập lẫn nhau, yêu cầu nghiên cứu sinh sinh hoạt khoa học thường xuyên ở cơ sở đào tạo, có thể tiến tới việc tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo cấp kinh phí cho nghiên cứu sinh. Nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc giữ một chuẩn đầu ra tiếp cận với trình độ quốc tế.

Tôi rất mong rằng tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh Quy chế này để có thể phát huy những mặt tích cực của Quy chế, nhưng không 'hạ chuẩn' đầu ra, nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.

PGS. Phan Thị Hà Dương

Phó Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học (Unesco) - Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/pgs-phan-thi-ha-duong-khong-nen-ha-chuan-tien-si-voi-hien-trang-o-viet-nam-757984.html


..


PGS-TS Bùi Xuân Đính. Ảnh: Đ.C

PGS-TS Bùi Xuân Đính. Ảnh: Đ.C

LTS: Những ngày gần đây, đã cón nhiều tranh luận về quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc đào tạo tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 2021), với điểm mấu chốt là công bố các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục ISI/Scopus hoặc bài đăng ở hội thảo quốc tế không còn là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp với nghiên cứu sinh.

Góp phần làm rõ vấn đề và tạo thêm kênh tranh luận mang tính khoa học, Báo Lao Động xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Bùi Xuân Đính - là người từng tham gia giảng dạy, đào tạo tiến sĩ ở một số học viện và trường đại học, đã từng hướng dẫn 11 nghiên cứu sinh hoàn thành bảo vệ luận án.

Quy chế 2017: Nhiều điểm không hợp lý, làm khó NCS, không xét đến yếu tố đặc thù, cần phải sửa

Trước năm 2017, các NCS về cơ bản không gặp khó khăn khi tính số bài báo được công bố có liên quan đến đề tài luận án, khi chỉ cần có 2 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở trong nước. Tuy nhiên, Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế 2017) yêu cầu NCS phải có tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus. Không rõ quy định này có gây khó khăn cho các NCS các ngành khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ không, còn đối với đa số NCS của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn thì “không kịp trở tay” vì “quay ngoắt 180 độ, từ dễ sang quá khó”, thiếu một lộ trình chuẩn bị, nhiều NCS sau đó phải “bỏ cuộc”, vì trên thực tế, họ không đủ trình độ để viết một bài có thể đăng được tại các tạp chí trên và cũng không có mối liên hệ/quan hệ với các tạp chí đó. Một số NCS sau đó buộc phải “chạy” bài bằng các hình thức khác nhau, chủ yếu là thuê viết, rất tốn kém; từ đó, xuất hiện “đội quân” viết thuê, chạy đăng thuê bài báo quốc tế.

Quy chế 2017 không tính đến những ngành học đặc thù, không thể hoặc khó có thể có bài viết đăng trên các tạp chí ISI hoặc Scopus, chẳng hạn ngành quân sự, ngành công an có nhiều vấn đề thuộc bí mật quốc gia; hoặc những ngành học của khoa học xã hội - nhân văn tiếp cận theo chủ nghĩa Mác - Lênin; những ngành học bao quát những vấn đề chỉ có ở Việt Nam, làm sao có thể được các tạp chí ISI hoặc Scopus chấp thuận; cũng không dễ dàng đăng được 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Cũng vì quy định này mà nhiều người biết “không thể qua cầu” nên không đăng ký đi học tiến sĩ, làm cho lượng NCS từ đó đến nay sụt giảm, nhiều cơ sở đào tạo không tuyển được NCS. Dư luận lo lắng, nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ hẫng hụt đội ngũ trong tương lai không xa.

Quy chế 2017 còn quy định người hướng dẫn NCS cũng phải có bài báo quốc tế. Quy định này đã coi cả sự nghiệp, trình độ và kinh nghiệm và uy tín của một nhà khoa học, một cán bộ giảng dạy lâu năm không bằng một người trẻ có bài báo quốc tế, nên đã “loại” họ khỏi “sân chơi hướng dẫn luận án tiến sĩ”. Vì thế có tình trạng, một vị tiến sĩ trẻ sớm có bài báo quốc tế đã được phân công hướng dẫn 2 NCS, nhưng rồi không đủ kiến thức và kinh nghiệm để hướng dẫn, làm cho các NCS phải trầy trật tìm người “phụ giúp”, mà không hoàn thành luận án đúng tiến độ.

Chất lượng tiến sĩ không chỉ ở bài báo quốc tế

Có lẽ, thấy được những điểm bất hợp lý của Quy chế 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế 2021, không bắt buộc NCS phải có bài báo quốc tế, mà có thể thay thế bằng các sách chuyên khảo, các bài báo trên các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên). Quy định này lập tức vấp phải những phản đối của nhà khoa học ở các ngành có lẽ thuận lợi trong việc đăng công bố quốc tế. Tuy nhiên, coi “Chuẩn tiến sĩ mới (Quy chế 2021) là nỗi hổ thẹn với thế giới”; hay là “một sự thụt lùi, xóa bỏ hoàn toàn điểm tiến bộ ưu việt nhất của Quy chế 2017” thì cần được nhìn nhận một cách đa chiều và khách quan hơn.

Trước hết, học vị “Tiến sĩ” ở ta hiện nay mới được gọi từ năm 2000, trước đó là “Phó tiến sĩ”, có nguyên gốc là “Kandidat nauk” ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, để trao cho những người thực hiện việc nghiên cứu có sự hướng dẫn của một nhà khoa học; hiểu nôm na là “tập làm nghiên cứu”. Đã là “tập nghiên cứu” thì không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ, thiếu sót; vì vậy, không thể đòi hỏi quá cao, ngang bằng với Doktor nauk (tiến sĩ khoa học), tức người tự nghiên cứu độc lập, không có người hướng dẫn. Bởi vậy, yêu cầu một NCS, nhất là ở các ngành KHXH - NV đang tập làm nghiên cứu bắt buộc phải có bài báo quốc tế là sự đỏi hỏi quá cao.

Thứ hai, ngoài khả năng và sự nỗ lực của bản thân NCS, chất lượng tiến sĩ còn phụ thuộc rất lớn vào người hướng dẫn. Thực tế cho thấy, ở nhiều cơ sở đào tạo, người hướng dẫn không đúng chuyên ngành, nên vất vả cho NCS, không giải quyết được những vấn đề cơ bản của luận án. Nhiều thầy có trình độ, đúng chuyên ngành, nhưng “quá tải” số NCS, nên không thể hỗ trợ tốt cho NCS, nên chất lượng luận án không cao.

Thứ ba, đánh giá chất lượng một người mang học vị tiến sĩ, trước hết phải căn cứ vào tổng thể luận án của họ, không nên chỉ thấy người đó có một - hai bài báo được đăng ở nước ngoài mà cho rằng, đó là “tiến sĩ có chất lượng”, còn người chỉ có bài đăng ở trong nước là “tiến sĩ kém chất lượng”, vì các bài báo đó chỉ là một phần của luận án. Nếu phần đã được đưa ra đăng tại tạp chí quốc tế được coi là tốt, là tinh túy thì liệu các phần còn lại không được (hay chưa được đăng báo) có chất lượng tương xứng và đồng bộ không, hay nói chung, có giải quyết tốt các mục đích, nhiệm vụ của luận án đặt ra không… cần được tính đến.

Bên cạnh đó, chất lượng học tập của một NCS còn thể hiện ở việc bảo vệ luận án: Có nắm chắc vấn đề của luận án cùng các kiến thức có liên quan để tự tin bảo vệ trước hội đồng chấm luận án hay không. Thực tế cho thấy, ngày nay, không mấy NCS dám tranh luận sòng phẳng lại người phản biện tại hội đồng, dù có khi người ấy hiểu sai, bình luận không đúng vấn đề trong luận án.

Thứ tư, chấm luận án - khâu quan trọng, quyết định chất lượng luận án, chất lượng của người mang học vị tiến sĩ đã bị “lỏng lẻo”. Rất nhiều luận án kém chất lượng, các thầy trong hội đồng biết cả, nhưng vẫn “chặc lưỡi” bỏ phiếu thông qua, vì nhiều lý do. Ở nhiều hội đồng, có vị phản biện hoàn toàn không thuộc chuyên ngành hoặc am hiểu vấn đề của luận án, nhưng vẫn “hùng hồn” phán xét. Theo nguyên lý, luận án như một bài thi, “có thi thì phải có đỗ, có trượt”, nhưng dường như từ trước đến nay, không có luận án nào không được thông qua cả.

Việc thẩm định các luận án sau khi bảo vệ ở cấp cao nhất chỉ là hình thức. Cá nhân tôi từng được giao thẩm định một luận án và đã phê “Luận án không đáp ứng được yêu cầu”, vì tiếp cận sai chuyên ngành, “lấn sân” sang chuyên ngành khác; phần chính của luận án chỉ chiếm 17% toàn bộ nội dung luận án, không giải quyết được mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu đề ra; đặc biệt luận án lấy tài liệu của nhiều người khác mà không trích dẫn, “bịa” rất nhiều tư liệu và tài liệu tham khảo.

Điều cuối cùng, chất lượng tiến sĩ còn phải được thể hiện sau khi “vượt được vũ môn”, người mang học vị đó làm việc như thế nào. Nếu là cán bộ nghiên cứu hay cán bộ giảng dạy, có tiếp tục được mạch khoa học, thể hiện ở số công trình được xuất bản, đóng góp được những gì cho ngành, cho xã hội? Đây mới là tiêu chí để đánh giá chất lượng tiến sĩ mà bấy lâu nay bị xem nhẹ.

Với những trình bày trên đây, nên coi Quy chế 2021 là một sự điều chỉnh hợp lý cho một số ngành đặc thù, chủ yếu ở KHXH - NV, không nên coi là “bước thụt lùi”, hay là “sự hổ thẹn với quốc tế”, đành rằng, chúng ta đang ở trong giai đoạn cần đẩy nhanh quá trình hội nhập với thế giới.

PGS-TS BÙI XUÂN ĐÍNH

https://laodong.vn/xa-hoi/chat-luong-tien-si-khong-chi-the-hien-o-bai-bao-quoc-te-931770.ldo?fbclid=IwAR1yP8Lg3TaLZ9xTRaYfonXPx5VCVEQzut31sAB8BiZW9Cv03K9pJY5o7eU



..


08:10 - 19/07/2021

GS Ngô Bảo Châu: Tranh biện bảo vệ cái đúng là động lực phát triển khoa học



Quý Hiên



Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam mạnh lên hay yếu đi phụ thuộc vào tranh biện nội bộ trong cộng đồng khoa học. Mệnh lệnh hành chính cứng nhắc có thể khiến chuẩn mực bị bẻ cong.
Giáo sư Ngô Bảo Châu giảng bài ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (Viasm) trong đợt về nước hè này /// NGUYỄN HIÊN
Giáo sư Ngô Bảo Châu giảng bài ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (Viasm) trong đợt về nước hè này
NGUYỄN HIÊN

Xung quanh quy chế đào tạo tiến sĩ (TS) đang gây tranh cãi thời gian qua, Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Về sơ bộ, so với quy chế cũ, tôi thấy quy chế mới đạt được một số tiến bộ, nổi bật là việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong hoạt động tổ chức đào tạo TS. Tuy nhiên, tôi không cho rằng nhờ có quy chế này mà chất lượng đào tạo TS của chúng ta tốt lên hay tồi đi.
Ở mọi quốc gia, để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chỉ có một cách duy nhất, đó là nhờ vào sự tranh biện nội bộ của các hội đồng khoa học. Tranh biện thẳng thắn, không nhân nhượng, tranh biện để đạt tới mục tiêu lẽ phải thuộc về cái mới, cái đúng thì khoa học mới phát triển. Một quy chế hành chính không thể là động lực để phát triển nền khoa học”.

Trường ĐH chứ không phải bộ quyết định ai xứng đáng được trao bằng TS

Nhưng cũng cần phải có những chính sách tốt của nhà nước thì khoa học mới phát triển được, mà những chính sách đó được thể hiện trước hết thông qua các văn bản hành chính, ví dụ thông tư ban hành quy chế đào tạo TS vừa qua, chẳng hạn…
Nếu từ góc độ đóng góp của chính sách, tôi thấy quy chế mới có tiến bộ. Một nguyên lý để phát triển nền khoa học cần phải tạo ra tự chủ trong khu vực hàn lâm. Trường ĐH phải là nơi có thẩm quyền quyết định ai mới xứng đáng được trao bằng TS, chứ không phải Bộ GD-ĐT. Cụ thể hơn, chính các thầy trong trường ĐH, những người hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS), và các thầy tham gia hội đồng, là những người có đủ quyền, đủ tư cách quyết định học trò của mình có xứng đáng là TS hay không.
Quy chế mới trao cho các nhà khoa học quyền tự chủ, do đó không đi quá sâu vào các quy định mang tính chuyên môn mà chỉ dừng lại ở một số nguyên tắc chung, có tính nền tảng, ví dụ như một GS không được hướng dẫn cùng lúc quá nhiều NCS… Một quy chế áp dụng trên phạm vi quốc gia mà đi quá sâu vào các tiểu tiết, kiểu như yêu cầu NCS phải có bao nhiêu bài báo mới được bảo vệ…, có lẽ không nước nào có những quy định kiểu đó. Tôi nghĩ luận án tốt hay không, ông bộ trưởng không biết được, ông hiệu trưởng cũng không biết, chỉ có ông GS hướng dẫn hoặc những GS cùng ngành mới biết. Cho nên, việc đánh giá phải là những người trực tiếp làm.

Luận án tốt hay không tốt, ông bộ trưởng không biết được, ông hiệu trưởng cũng không biết, chỉ có ông giáo sư hướng dẫn hoặc những giáo sư cùng ngành mới biết. Cho nên, việc đánh giá phải là những người trực tiếp làm

GS Ngô Bảo Châu

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu nhà nước không ban hành các quy định tối thiểu ở mức độ nghiêm ngặt hơn thì sẽ bung ra hàng loạt chương trình đào tạo TS kém chất lượng, GS nghĩ sao?
Để kiểm soát được chất lượng đào tạo TS, cái cần là phải công khai minh bạch, là việc trường ĐH và hội đồng thực hiện trách nhiệm giải trình. Phải công khai toàn văn luận án cùng với các nhận xét - phản biện của hội đồng, phải nêu đầy đủ các nhận xét kèm họ tên từng thành viên hội đồng để mọi người đều có thể xem. Với việc công khai đó, nếu luận án kém mà vẫn được thông qua thì không chỉ hổ thẹn tác giả luận án mà còn hổ thẹn cả người hướng dẫn, hổ thẹn cả hội đồng. Với sự công khai, với tinh thần tranh biện thẳng thắn, không né tránh, sẽ không ai đánh đổi uy tín của mình để thông qua một luận án không xứng đáng. Văn hóa tranh biện thẳng thắn để bảo vệ cái đúng, trong khoa học, là động lực để phát triển nền khoa học, chứ không phải là một văn bản hành chính do cơ quan quản lý nhà nước ban hành.
Việc tạo hành lang để đánh giá, phê bình được khách quan, được mở rộng hơn là trách nhiệm của chính các nhà khoa học. Ở một số nơi, chúng ta có vinh danh các luận án tốt, các công trình nghiên cứu tốt, nhưng sao không thử đánh giá luận án nào dở nhất, công trình nào kém nhất?
Chúng ta cũng có thể tìm những cách nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như hội đồng khoa học của trường có thể yêu cầu các GS đứng lên trình bày lại luận án của NCS của mình, nếu luận án đó dở thì vị GS đó hẳn cũng sẽ rất mệt mỏi, lần sau sẽ không dám làm ẩu.
Tóm lại, tôi cho rằng việc phê bình nội bộ trong hoạt động nghiên cứu khoa học với mục tiêu duy nhất là chất lượng khoa học, là động lực cho sự tiến bộ. Luôn luôn thế. Từ xưa đến nay là như thế.

Không thể ép bằng biện pháp hành chính

Nhưng có thể vẫn cần có công cụ của nhà nước, là những quy định về các mức sàn không quá thấp để không trường nào được phép đào tạo kém?
Việc phải dựa vào bài báo đăng ở tạp chí nước ngoài để đánh giá là do chúng ta không có năng lực chuyên môn để đánh giá lẫn nhau. Vậy chúng ta phải cố gắng để có năng lực đó, chứ đừng trông chờ vào các con số cứng nhắc do nhà nước đưa ra. Cá nhân tôi rất phản đối việc đo đếm máy móc… Khi bảo vệ luận án TS, tôi chẳng có bài báo nào. Các học trò của tôi cũng chẳng ai có bài báo, nhưng họ vẫn xin được việc bình thường. Đúng là mỗi hoàn cảnh một khác, nhưng rất ít nơi người ta coi bài báo là căn cứ để đảm bảo chất lượng. Ý kiến đòi hỏi trong cái chuẩn chung phải có tối thiểu bao nhiêu bài báo sẽ trở nên phiến diện ở chỗ, có những ngành người ta khó có công bố quốc tế mà bắt họ có công bố quốc tế, thì họ sẽ làm mọi cách gian dối để có. Phải xây dựng nền móng tốt. Nền móng đó chính là việc tranh biện thẳng thắn trong khoa học, không cho phép mình nhân nhượng với cái yếu, cái kém chất lượng.
Các ý kiến góp ý là đều muốn cho khoa học Việt Nam tốt hơn. Nhưng không thể ép bằng biện pháp hành chính… Dùng biện pháp hành chính cứng nhắc thì cái duy nhất chúng ta thu được là chuẩn mực bị bẻ cong.
Với các mệnh lệnh hành chính, người ta có biện pháp đối phó hết, hậu quả là nhận cái dở hơn. Ví dụ nếu một cơ quan nào đó có chính sách nhân sự có bằng TS, thạc sĩ sẽ dễ được bổ nhiệm, thì cái họ nhận được là một loạt TS rởm, thạc sĩ rởm. Bao giờ, ở đâu cũng sẽ là như thế, nếu mình đưa ra một quy chế cứng, không hợp lý thì sẽ kéo theo hệ lụy, làm cho cái chuẩn mực đang ổn thì bị bẻ cong đi. Muốn cộng đồng lớn mạnh, tiến bộ thì phải làm cách khác, chứ không thể mong đợi ở một biện pháp hành chính cứng nhắc.

Cần thay đổi quan niệm nghiên cứu sinh đi học là đóng học phí

Theo GS Ngô Bảo Châu, trong bối cảnh hiện nay, việc quy chế mới yêu cầu đào tạo TS phải toàn thời gian, là một yêu cầu tốt cho việc tăng chất lượng đào tạo. Điều này khiến những người thực sự cần học mới đầu tư thời gian đi học, loại trừ bớt những người học chỉ để lấy bằng. Nhưng quy định này cần phải đi kèm chính sách đảm bảo thu nhập cho người đi học TS. Chúng ta đang quan niệm NCS giống sinh viên, đi học phải đóng học phí. Cần phải thay đổi quan niệm này. Cần phải thấy NCS là những người bắt đầu đi làm với vị trí tập sự, học làm nghiên cứu khoa học. Vì thế, họ cần có học bổng. Khi phải học toàn thời gian, không cấp học bổng thì họ lấy tiền đâu ra để chi trả các phí tổn sinh hoạt?
Giải quyết câu chuyện này chính là ngăn chặn nạn bùng phát đào tạo TS, ngăn chặn chuyện dễ dãi tuyển sinh hàng trăm, hàng nghìn TS. Nếu để đào tạo TS phải có ngân sách để cấp cho NCS thì chắc chắn các cơ sở đào tạo phải cân nhắc về số lượng đào tạo, về việc tuyển chọn người xứng đáng. Điểm tốt của ngân sách là nó hữu hạn, nên buộc phải “cân đo đong đếm” trong tuyển sinh. Khi đó, trường tốt thường có ngân sách nhiều, trường tồi thì ngân sách ít, thành ra đào tạo TS thuộc về lợi thế của trường tốt.

https://thanhnien.vn/giao-duc/gs-ngo-bao-chau-tranh-bien-bao-ve-cai-dung-la-dong-luc-phat-trien-khoa-hoc-1416445.html?fbclid=IwAR0Itwxlt2UaNcGUqb_bGiVU5ol3exO02cW0iIT0Ycvz0uIhtDk-CeD7lB4




Thứ ba, 13/7/2021, 11:12 

So sánh quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ cũ và mới


Quy chế tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ có hiệu lực từ ngày 15/8 có nhiều điểm mới so với quy chế ban hành năm 2017.

TTNội dungQuy chế năm 2017Quy chế năm 2021

1

Yêu cầu đầu vào đối với người dự tuyển

Có công bố khoa học khi dự tuyển.

Có minh chứng về năng lực học tiến sĩ bằng bài báo, kinh nghiệm làm giảng viên/nghiên cứu viên, hoặc luận văn thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu.

IELTS 5.0, TOEFL 45, N2 tiếng Nhật.

IELTS 5.5, TOEFL 46, N3 tiếng Nhật, các chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cho tất cả tiếng nước ngoài.

2

Yêu cầu đầu ra của nghiên cứu sinh

Đạt ít nhất một trong các yêu cầu sau:

- Công bố tối thiểu hai bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI – Scopus.

- Công bố tối thiểu hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.

- Có hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Đạt ít nhất một trong các yêu cầu sau:

- Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành.

- Có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên.

(Các công bố phải đạt tổng điểm từ 2 trở lên, vì phải là tác giả chính, nên không cần chia điểm cho các đồng tác giả).

3

Số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn tại cùng thời điểm

- Giáo sư được hướng dẫn độc lập, đồng hướng dẫn tối đa 5 người.

- Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học: 4 người.

- Tiến sĩ: 3 người.

- Giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 người.

- Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học: 5 người.

- Tiến sĩ: 3 người.

Trường hợp đồng hướng dẫn một nghiên cứu sinh sẽ được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 người.

4

Minh chứng năng lực nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn

Có ít nhất một trong những yêu cầu sau:

- Một bài báo hoặc báo cáo khoa học ISI - Scopus.

- Một chương sách tham khảo có mã số chuẩn quốc tế ISBN.

- Hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.

- Hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Có ít nhất một trong các yêu cầu sau:

- Có bài trong tạp chí WoS/Scopus hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên.

- Là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất một kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế.

- Là tác giả của ít nhất một giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.

5

Hình thức tuyển sinh và đào tạo

Trực tiếp.

Trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

6

Thời gian tuyển sinh

Công khai thông tin trước khi tổ chức tuyển sinh ít nhất 3 tháng.

Công khai thông tin trước khi tổ chức tuyển sinh ít nhất 30 ngày.

7

Thời gian đào tạo

3-4 năm và gia hạn tối đa 2 năm (tổng thời gian tối đa là 6 năm).

3-4 năm và tối đa được 6 năm tính đến thời điểm trước phản biện độc lập, từ phản biện độc lập cho đến khi tổ chức bảo vệ luận án từ 6 tháng đến 1 năm (tổng thời gian tối đa là 7 năm).

8

Quản lý nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo

Dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu, kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

- Tham gia sinh hoạt khoa học tại đơn vị chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu; tham gia thực hiện các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu theo phân công của người hướng dẫn.

- Đào tạo là hình thức chính quy; dành trọn thời gian (nếu đăng ký từ 30 tín chỉ trở lên/năm học là tập trung toàn thời gian).

- Nghiên cứu sinh phải có một kế hoạch học tập toàn khóa (và phải được phê duyệt).

- Yêu cầu đăng tải công khai luận án tiến sĩ sau khi bảo vệ trên trang điện tử của cơ sở đào tạo trong 90 ngày.

9

Phản biện độc lập

Một lần.

- Có thể hai lần nếu cần thiết.

- Phản biện độc lập đối với luận án phải ghi rõ đồng ý hay không đồng ý về chuyên môn (không có trường hợp: "phải sửa lại, nộp lại rồi mới xác định đồng ý hay không").

- Những ý kiến giải trình của nghiên cứu sinh được gửi cho cơ sở đào tạo và trình bày tại buổi bảo vệ luận án.

10

Hội đồng đánh giá luận án ở cơ sở đào tạo

Hội đồng gồm 7 thành viên; trong đó số thành viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư tối thiểu là 5, số thành viên đã tham gia đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn không quá 3, số thành viên là cán bộ của cơ sở đào tạo không quá 3.

Hội đồng có tối thiểu 5 người; trong đó số thành viên chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư không quá 2, số thành viên ngoài cơ sở đào tạo tối thiểu là 2.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế cho quy chế năm 2017 nhằm khắc phục những điểm chưa phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và phù hợp với thực tế triển khai.

Một số điểm mới được nhiều người quan tâm, như cho phép ứng viên có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được dự tuyển, thay vì chỉ chấp nhận chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL; chấp nhận công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh.

https://vnexpress.net/so-sanh-quy-che-tuyen-sinh-dao-tao-tien-si-cu-va-moi-4308150.html?fbclid=IwAR3CDulh5WRvpXLY_9RFu9MBUduFQNfh0SaLB01TQwfCuHoduVfDZsNO8CA












Đào tạo tiến sĩ: Phải có thầy giỏi mới có trò giỏi



Phùng Hồ Hải

(Viện trưởng Viện Toán học VN)



Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, trong giới khoa học có nhiều ý kiến tranh cãi về nội dung quy chế. Thậm chí nhiều người cho rằng quy chế mới là một bước lùi so với quy chế ban hành năm 2017.
Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ bằng hình thức trực tuyến ở Viện Toán học Việt Nam /// PHƯƠNG THẢO
Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ bằng hình thức trực tuyến ở Viện Toán học Việt Nam
PHƯƠNG THẢO

Tuy nhiên, khi so sánh với các quy chế năm 2017 và cả 2009, cá nhân tôi thấy quy chế 2021 có nhiều điểm tiến bộ nhất là khi nhìn nhận từ một vị trí chuyên ngành hẹp (toán học) cũng như từ một cơ sở đào tạo tiến sĩ với các quy định tương đối khắt khe, thường cao hơn các quy định do Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Phù hợp với chủ trương tự chủ đại học

Quy chế mới có một số ưu điểm khi so sánh với các quy chế ban hành năm 2009 và 2017. Cụ thể là hợp lý hơn từ góc độ khoa học và quản lý khoa học; phù hợp với chủ trương tiến tới tự chủ ĐH.
Nội dung quy chế 2021 cho thấy việc soạn thảo quy chế đã rút được kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2009 - 2020 cũng như chủ trương phân cấp trong công tác quản lý đào tạo, đồng thời thể hiện sự trưởng thành về mặt quản lý của các cơ sở đào tạo. Ví dụ quy chế 2009 quy định rất chi tiết các hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo, bảo vệ. Đến nay, các hoạt động đó đã được hình thành ở tất cả cơ sở đào tạo, nên không cần nhắc, thay vào đó quy chế chỉ xác định các yêu cầu cần đạt.
Tính khoa học của quy chế mới thể hiện ở một số nội dung. Đã bỏ yêu cầu ứng viên phải có công bố khoa học khi dự tuyển (trong quy chế 2017). Đây là một yêu cầu chưa được cân nhắc kỹ trong quy chế 2017 gây khó khăn lớn cho các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghiêm túc. Hoặc đã đưa vào khái niệm đồng hướng dẫn, không phân biệt chính phụ. Trong thực tế hướng dẫn, việc đánh giá ai là chính ai là phụ là rất khó, nên việc quy định cứng chính - phụ rất nhạy cảm. Vì thế đây là một điểm nhân văn của quy chế mới. Quy chế mới thực hiện triệt để hơn chủ trương chỉ đánh giá luận án ở một hội đồng (so với quy chế 2009 yêu cầu bảo vệ 2 lần ở hai cấp, quy chế 2017 mặc dù đơn giản hơn nhưng vẫn giữ hai cấp).

Bỏ phân biệt trong nước - nước ngoài

Yêu cầu chất lượng rõ ràng hơn, quy về danh sách tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) công nhận chất lượng, không phân biệt trong nước hay nước ngoài.
Về công bố đối với TS trong hai quy chế 2017 và 2021, nếu quy chế 2017 yêu cầu công bố tối thiểu 2 bài báo trên tạp chí trong đó có 1 bài WoS(ISI)/Scopus hoặc 2 bài trên tạp chí nước ngoài có phản biện thì quy chế 2021 yêu cầu công bố trong danh mục WoS/Scopus, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được HĐGSNN quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên. Với chủ trương hội nhập toàn diện, nên bỏ phân biệt trong nước - nước ngoài trong các công bố khoa học, song song với việc chấn chỉnh tạp chí trong nước.
Cần nhấn mạnh thêm rằng quy chế 2017 dùng chữ "nước ngoài" chứ không phải "quốc tế". Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều hơn tạp chí trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế và chắc chắn là tốt hơn không ít những tạp chí nước ngoài thuộc cùng chuyên ngành.
Theo danh sách tạp chí ngành toán được HĐGSNN 2020 công nhận, các tạp chí quốc tế không trong WoS/Scopus được tính từ 0 - 1,25 điểm (điểm cụ thể do hội đồng ngành xác định); các tạp chí trong nước do các bộ và hai ĐH quốc gia xuất bản được tính từ 0 - 0,75 điểm. Như vậy, nếu một luận án tiến sĩ đăng 2 bài trên tạp chí nước ngoài, kể cả khi các tạp chí đó được hội đồng ngành toán cho 0 điểm, thì theo Quy chế 2017 vẫn đáp ứng tiêu chuẩn cứng.
Ngược lại, căn cứ Quy chế 2021, hội đồng ngành toán hoàn toàn có thể loại một phần hoặc toàn bộ các tạp chí trong yêu cầu đối với luận án tiến sĩ bằng cách đề nghị cho các tạp chí này dưới 0,75 điểm. Tất nhiên quyết định cuối cùng là ở HĐGSNN mà chủ tịch là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Các hội đồng ngành khác cũng có thể làm điều này tùy theo thực tế ngành mình.

Muốn tăng chất lượng đào tạo phải điều chỉnh từ gốc

Ở các nước có nền giáo dục ĐH tiên tiến, việc đào tạo tiến sĩ luôn là trách nhiệm của trường ĐH. Quy chế lần này chuyển trách nhiệm xuống trường nhiều hơn là một bước tiến bộ. Quy chế của Bộ dành cho tất cả trường ĐH trên cả nước áp dụng được với tất cả ngành đào tạo, nên đặt tiêu chuẩn sàn như vậy là thuận tiện. Các cơ sở muốn nâng cao chất lượng, uy tín thì nâng cao yêu cầu; thậm chí còn có thể với từng chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực khác nhau thì mức độ yêu cầu cao có thể khác nhau, phù hợp với trình độ phát triển của từng lĩnh vực.
Quy định về vai trò cơ hữu của nghiên cứu sinh (NCS) tại cơ sở đào tạo là một điểm mới của quy chế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tính tự chủ cũng thể hiện trong sự linh hoạt đối với việc chuyển cơ sở đào tạo, chuyển ngành đào tạo. Công tác thẩm định được yêu cầu cụ thể với sự hỗ trợ của công nghệ, phù hợp với quá trình tự chủ.
Một nguyên tắc đào tạo ai cũng biết là làm sao yêu cầu trò giỏi hơn thầy được. Ai đào tạo ra tiến sĩ nếu không phải là các GS, PGS? Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thì cần bắt đầu điều chỉnh từ cái gốc, tức là chất lượng người thầy. Các tranh cãi về quy chế mới tập trung vào yêu cầu đầu ra của NCS. Giải pháp đơn giản là thu gọn danh sách tạp chí được tính điểm của HĐGSNN. Như vậy là một công đôi việc, vừa góp phần nâng cao được đội ngũ PGS, GS, vừa nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ!
Cũng đề nghị HĐGSNN xem xét rà soát lại danh sách các tạp chí được tính điểm theo các tiêu chí khoa học sau: có phản biện độc lập đối với tất cả bài báo khoa học, các bài bằng tiếng Việt có tóm tắt tiếng Anh, có mã số ISSN, xuất bản đều đặn, có trang web chính thức các thông tin căn bản theo thông lệ quốc tế, mục lục các số đã ra từ khi xuất bản (hoặc ít nhất trong 10 năm cuối).

Thay đổi quan niệm về đào tạo tiến sĩ

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ qua Thông tư 18/2021/TT-BGD ĐT (còn gọi là Quy chế 18), thay thế cho quy chế hiện hành ban hành năm 2017. So với quy chế hiện hành, quy chế mới (có hiệu lực từ ngày 15.8) không chỉ thay đổi nhiều quy định, mà còn thay đổi cách tiếp cận, phù hợp với luật GD ĐH 2019 (tăng cường tự chủ ĐH), từ đó tác động vào quan điểm của cơ sở đào tạo cũng như người học về đào tạo tiến sĩ. Các quy định trong Quy chế 18 là những yêu cầu tối thiểu, là quy chế khung, làm căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định chi tiết cho từng chương trình đào tạo tiến sĩ của đơn vị mình.
Chẳng hạn, về cách tiếp cận, Quy chế 18 khẳng định “nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu và bắt buộc trong chương trình đào tạo tiến sĩ”. Đồng thời xác lập đào tạo tiến sĩ là đào tạo chính quy, NCS phải “tham gia sinh hoạt khoa học tại đơn vị chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu”. NCS phải có kế hoạch học tập toàn khóa được phê duyệt, là căn cứ quan trọng để các cơ sở đào tạo cũng như cơ quan cử NCS đi học tập, nghiên cứu có thể quản lý quá trình đào tạo một cách minh bạch; là cơ sở cho việc giám sát của cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GD-ĐT. Với yêu cầu này, việc tổ chức đào tạo tiến sĩ buộc phải thực hiện toàn thời gian, thay vì cho phép bán thời gian như trước đây.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, trong một văn bản pháp quy, khái niệm liêm chính học thuật được đưa vào chính thức.  
Quý Hiên

https://thanhnien.vn/giao-duc/dao-tao-tien-si-phai-co-thay-gioi-moi-co-tro-gioi-1413090.html?fbclid=IwAR0qB494YK1AB1iRfaV1Imj1-jMg30qGtoezzBdPVcRhy7BR4OulB8_JG8o


..

Chuẩn đầu ra Tiến sĩ: Công nhận bài báo khoa học trên tạp chí trong nước

Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới được ban hành bổ sung việc công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước đối với chuẩn đầu ra trình độ tiến sĩ.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Theo đó, quy chế có nhiều điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế; tăng cường liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật và nâng cao sự tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

Bổ sung yêu cầu về ngoại ngữ, thay đổi mốc thời gian đào tạo

Để lượng hóa, chuẩn hóa những quy định đối với người dự tuyển, quy chế này đã bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ. Theo đó, bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL,… người dự tuyển có thể sử dụng các chứng chỉ quốc gia tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ GD-ĐT công bố.

Ngoài ra, các mốc thời gian đào tạo tiến sĩ cũng được thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo thực tiễn. Cụ thể, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là từ 3-4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thành các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 6 tháng đến 1 năm tùy theo tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định.

Chấp nhận bài báo khoa học trên tạp chí trong nước

Theo quy chế, các bài báo, báo cáo khoa học trong danh mục tạp chí World of Sciences và Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn và đầu ra của nghiên cứu sinh.

Tuy nhiên, quy chế đã bổ sung việc chấp nhận các bài báo đăng trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành. Các ghi nhận chỉ áp dụng nếu là tác giả chính.

Việc bổ sung công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước ở thời điểm hiện tại, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy là cẩn thiết, bởi chất lượng của một số tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước trong gần 5 năm vừa qua đã thay đổi rất tích cực.

Hiện Việt Nam đang có 1 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SCIE; 6 tạp chí thuộc ESCI của Web of Sciences; 8 tạp chí Scopus và 18 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của ACI.

Do đó, sự ghi nhận, công nhận đối với các tạp chí trong nước sẽ là động lực để các tạp chí khoa học phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế bằng nội lực, từ đó, đẩy mạnh việc quan tâm xây dựng các tạp chí trong nước vươn lên đẳng cấp quốc tế.

Ngoài ra, bên cạnh việc góp phần đưa kết quả nghiên cứu của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh đến với cộng đồng khoa học quốc tế, việc công bố các kết quả nghiên cứu qua các tạp chí có uy tín ở trong nước là một kênh để những sản phẩm khoa học có giá trị phù hợp với điều kiện của Việt Nam đến được với đông đảo những người quan tâm ở trong nước.

“Đây là sự ghi nhận các kết quả nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần tư vấn và xây dựng chính sách tại Việt Nam. Quy định này cũng khẳng định trách nhiệm, đóng góp đối với quốc gia của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh Việt Nam”, bà Thủy nói.

Chuẩn đầu ra Tiến sĩ: Công nhận bài báo khoa học trên tạp chí trong nước

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ có nhiều điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế; tăng cường liêm chính học thuật (Ảnh minh họa: Thanh Hùng)

Bên cạnh đó, quy chế này cũng cho phép thay thế các công bố nghiên cứu khoa học bằng những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao, được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Cách tính điểm sẽ căn cứ theo khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người hướng dẫn là 4,0 và đối với đầu ra của nghiên cứu sinh là 2,0.

Mở rộng tự chủ, tăng trách nhiệm giải trình

Để mở rộng tự chủ và trách nhiệm giải trình củac các cơ sở đào tạo tiến sĩ, quy chế này cũng giảm thiểu những nội dung hướng dẫn chi tiết, thay vào đó, yêu cầu cơ sở đào tạo cụ thể hóa quy trình và thủ tục liên quan.

Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cao hơn về việc tổ chức triển khai thực hiện từ xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.

Ngoài ra, theo quy chế này, người học được tạo điều kiện bảo lưu kết quả học tập trong thời gian nhất định để tiếp tục theo học và nghiên cứu nếu có nhu cầu.

Quy chế điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn trong cùng một thời gian. Quy định này nhằm thu hút, tận dụng tri thức của những người đủ điều kiện để đóng góp vào công tác nghiên cứu, đào tạo thế hệ tương lai, nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo.

Cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh.

Thúy Nga

Giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ phải có năng lực nghiên cứu tốt

Giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ phải có năng lực nghiên cứu tốt

Thông tư của Bộ GD-ĐT quy định, giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ cần có chức danh giáo sư, phó giáo ....

Bộ GD-ĐT công bố chuẩn chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ

Bộ GD-ĐT công bố chuẩn chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ

Theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT ban hành, 

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chuan-dau-ra-trinh-do-tien-si-cong-nhan-bai-bao-khoa-hoc-tren-tap-chi-trong-nuoc-753209.html#inner-article




..


GS.TS Võ Văn Sen cho rằng cần hiểu quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021 là quy định tối thiểu. Ảnh: NVCC

GS.TS Võ Văn Sen cho rằng cần hiểu quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021 là quy định tối thiểu. Ảnh: NVCC

Trước những băn khoăn về quy định chuẩn trong Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GDĐT vừa mới ban hành, GS.TS Võ Văn Sen cho rằng quy chế đào tạo trước đây thể hiện mong muốn chủ quan, chưa phù hợp với Việt Nam vì thế quy chế mới không phải thụt lùi mà là sự điều chỉnh cần thiết, là bước đi phù hợp, khả thi.

GS.TS Võ Văn Sen - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM trao đổi về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GDĐT vừa mới ban hành kèm Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT.

- Thưa GS Võ Văn Sen, Bộ GDĐT ban hành quy chế lần này thay thế Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ 2017. Quy chế này đang nhận được nhiều sự quan tâm bởi thực chất có nhiều điểm quay lại với quy chế trước đó, như vậy là một thất bại của quy chế vốn được xem là có tính hội nhập. Ông nhận định như thế nào về điều này?

Tôi thấy Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ 2017 thể hiện mong muốn hội nhập quốc tế trong đào tạo sau đại học. Đây là một nguyện vọng rất tốt trong vấn đề hội nhập. Tuy nhiên cũng có những điểm bất cập không phù hợp với thông lệ đào tạo tiến sĩ trên thế giới và cũng có những chỗ bất cập với điều kiện trong nước.

Do đó, quy chế vừa mới ban hành không phải là một quy chế mới hoàn toàn, mà như một số ý kiến cho rằng quy chế này dựa trên nền tảng quy chế 2017 trước đây và sửa đổi bổ sung cho hợp lý.

Cụ thể, quy chế mới có những điểm mới như quy định tiêu chuẩn người hướng dẫn, điều kiện bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh và bài báo khoa học… đã có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, cũng như khả thi trong thực hiện để có thể thúc đẩy việc phát triển đào tạo sau đại học.

Điển hình về bài báo quốc tế, quy chế mới không cấm việc có các bài báo Scopus - ISI hay bài báo uy tín quốc tế. Tuy nhiên, quy chế mới có chữ “hoặc” bài báo khoa học trong nước, hay các hội thảo khoa học quốc tế trong nước, hoặc công trình khoa học trong nước… thì điều này cũng rất phù hợp. Các cơ sở giáo dục đại học tùy theo năng lực của mình sẽ xác định mức độ tự chủ về đào tạo.

Như tôi đã nói, hội nhập quốc tế là tốt nhưng không phải hội nhập là tất cả và hội nhập bằng tất cả mọi giá. Quy chế đào tạo trước đây thể hiện mong muốn chủ quan, chưa phù hợp với Việt Nam cũng như ngay cả với thông lệ đào tạo sau đại học của thế giới.

Quy chế cũ quy định chung cho tất cả các ngành như nhau như vậy là không phù hợp và vì thế đó chưa phải là tiến bộ mà còn làm hạn chế sự phát triển của đào tạo sau đại học. Do vậy, tôi khẳng định, quy định trước đây về điều này chưa phải là một bước tiến mà là một mong muốn chủ quan chưa phù hợp, nên quy chế mới càng không phải thụt lùi mà là sự điều chỉnh cần thiết, là bước đi phù hợp, khả thi.

- Có ý kiến cho rằng quy chế đào tạo tiến sĩ vừa ban hành có chuẩn thấp hơn năm 2017? Vậy tại sao ông lại ủng hộ?

Ở đây cần phải xác định và thống nhất cách hiểu rằng quy chế mới này của Bộ GDĐT là một quy chế tối thiểu và đáp ứng những điều kiện này các cơ sở giáo dục đại học mới được tiến hành đào tạo tiến sĩ. Đồng thời, những cơ sở nào có quyền tự chủ đào tạo, thấy mình có điều kiện tốt hơn thì có thể bổ sung nâng chất tiêu chuẩn đào tạo của mình… chẳng hạn như thêm bài báo khoa học quốc tế. Điều này rất phù hợp với tinh thần tự chủ đại học. Hay các cơ sở giáo dục đại học cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp trong việc đào tạo tiến sĩ ở các khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chính trị, quân sự…

Một số người cho rằng quy chế sửa đổi mới 2021 này thấp hơn thì không phải, mà đây là sự điều chỉnh cho phù hợp với quy định tối thiểu, xác lập những điều kiện tối thiểu trong đào tạo tiến sĩ. Việc nôn nóng vội vã trong đào tạo không mang lại kết quả tốt mà tạo thêm những tiêu cực.

- Một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm là chất lượng cũng như số lượng các bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án Nghiên cứu sinh. Ông thấy quy chế lần này có sự chuyển biến thế nào ở vấn đề này?

Quy chế mới cũng để mở ai có điều kiện năng lực ngoại ngữ thật tốt, thực sự có những khám phá có thể công bố quốc tế đẳng cấp về khoa học thì cứ làm, chứ không hạn chế điều này.

Tuy nhiên, quy định mới mở ra điều kiện phù hợp hơn với chuẩn đào tạo tiến sĩ, xác định mức công bố tối thiểu cho phù hợp với đào tạo tiến sĩ như truyền thống chung của thế giới, xem nghiên cứu sinh chưa phải là những nhà khoa học thực sự, mà chỉ mới bước những bước đầu vào “làng khoa học” mà thôi. Quy luật là cái gì phù hợp với điều kiện khách quan, chủ quan thì kết quả chắc chắn tốt đẹp; cái gì chủ quan nôn nóng không phù hợp thì kết quả không tốt.

- Xin cảm ơn ông!

HUYÊN NGUYỄN

https://laodong.vn/giao-duc/quy-che-dao-tao-tien-si-moi-khong-phai-thut-lui-ma-dieu-chinh-phu-hop-929985.ldo

..


GS-TSKH-NGND Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) 

Thứ bảy, ngày 10/07/2021 11:42 AM (GMT+7)

Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, ban hành kèm Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT. Văn bản quy phạm mới này nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ sở đào tạo tiến sĩ, các nhà khoa học và nghiên cứu sinh. Dân Việt xin giới thiệu bài viết của GS-TSKH-NGND Vũ Minh Giang.
 Bình luận 0

Quyết định bám sát nhu cầu và đáp ứng đòi hỏi cấp bách

Quy chế là loại văn bản có hai đặc tính hết sức quan trọng. Đó là những quy định buộc phải theo những chuẩn tắc để đảm bảo tính nghiêm minh và thống nhất cho một loại hình hoạt động nào đó. Nhưng đồng thời, Quy chế còn có chức năng điều chỉnh hành vi, tác động tới những người tham gia hoạt động hướng tới mục tiêu cần đạt. Văn bản mới ban hành này chưa phải là một Quy chế "mới", bởi phần nhiều vẫn giữ những nội dung trong Quy chế đã được ban hành ngày 04/4/2017 cùng Thông tư số/08/2017 TT-BGDĐT của Bộ GĐ-ĐT. Tuy nhiên, Quy chế chỉnh sửa, bổ sung sung lần này có một số điểm mới quan trọng, sẽ có tác động ngay đến quá trình đào tạo tiến sĩ.

Đào tạo tiến sĩ: Sẽ chấm dứt nạn "gánh vàng đi đổ sông Ngô" - Ảnh 1.

GS-TSKH-NGND Vũ Minh Giang. Ảnh: Đại học quốc gia Hà Nội

Có một thực tế là sau khi Quy chế 2017 được ban hành với quy định cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh buộc phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI/SCOPUS thì hầu hết các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong cả nước đều lâm vào tình trạng khó khăn. Thậm chí có ngành không có nghiên cứu sinh nào ứng thí. Thoạt nhìn thì dễ đi tới nhận xét rằng các cơ sở đào tạo của ta kém quá, không đáp ứng được trình độ quốc tế. Do đó đưa ra quy định này là để nâng chất lượng tạo tiến sĩ từng bước hội nhập với thế giới. Trên thực tế vấn đề không đơn giản như vậy.

Có nhiều cách phân loại khoa học, nhưng để nói về tính quốc tế ở mức độ cao chỉ có một số lĩnh vực mà điển hình là Toán và sau đó là Lý, Hóa… Rất nhiều lĩnh vực khoa học còn lại mang tính khu vực. Ngay cả trong khoa học tự nhiên đối tượng và kết quả nghiên cứu cũng phụ thuộc vào những khu vực cụ thể như Sinh, Địa.... Khoa học xã hội và nhân văn là những lĩnh vực không thể thoát ly khỏi hoạt động của con người trong một không gian nhất định, phụ thuộc rất nhiều đặc điểm văn hóa, xã hội, chính trị của từng quốc gia, dân tộc mà trước hết và chủ yếu phải phục vụ đường lối, chính sách và sự phát triển của quốc gia dân tộc mình. Vì vậy, bắt buộc những nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh trong các lĩnh vực này phải đưa kết quả nghiên cứu ra nước ngoài công bố cần phải xem xét lại.

Các công trình trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của ta chủ yếu viết về Việt Nam. Để đăng, thường phải chen vào các tạp chí viết chung về Đông Nam Á (có hơn chục nước) hoặc châu Á (có gần 60 nước) nên mỗi năm số bài về Việt Nam được chấp nhận đăng là rất ít. Thứ hai, không dễ gì các tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS của các nước phương Tây chấp nhận quan điểm, cách tiếp cận dựa trên học thuyết Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các học giả Việt Nam, nên cửa đăng bài về Việt Nam càng hẹp hơn. Thứ ba, điều tôi muốn nhấn mạnh là để thích ứng với những "quy định cứng" này đang có xu hướng tìm đường có công bố quốc tế bằng mọi giá, vừa không thực chất vừa xa dần tính thực chất của nghiên cứu khoa học. Trong vài năm trở lại đây bắt đầu xuất hiện những bài về KHXH&NV của tác giả Việt Nam trên một tạp chí nằm trong danh mục ISI/SCOPUS của một số nước, nhưng nói một cách thẳng thắn, những bài viết như vậy khó có thể đăng được trên tạp chí chuyên ngành ở Việt nam.

Trong tình hình như vậy tôi đánh giá rất cao những điều chỉnh mới trong Quy chế đào tạo tiến sĩ, hướng tới thực chất của hoạt động nghiên cứu khoa học. Tôi hiểu việc Quy chế đưa ra quy định các bài công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước đạt từ 0,75 điểm công trình trở lên (thay vì bắt buộc phải có công bố quốc tế), các công bố nghiên cứu khoa học bằng những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao, được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền vừa phản ánh đúng thực tế, vừa tạo động lực để các tạp chí trong nước không ngừng nâng cao chất lượng.

Quyết định này của Bộ GD- ĐT có tầm nhìn, bám sát nhu cầu và đáp ứng đòi hỏi cấp bách của tình hình thực tiễn. Bởi các cơ sở đào tạo sau đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo tiến sĩ, trong một thời gian khá dài đã gặp nhiều vướng mắc với quy chế cũ. Tôi tin rằng chỉnh sửa mới của Bộ GDĐT sẽ đáp ứng được yêu cầu mà các cơ sở đào tạo đang chờ đón.

Đào tạo tiến sĩ: Sẽ chấm dứt nạn "gánh vàng đi đổ sông Ngô" - Ảnh 3.

Lễ trao bằng tiến sĩ năm 2020 tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội - ảnh minh họa).

Phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng

Về một phương diện khác tôi cho rằng, nơi công bố (NXB, Tạp chí) rất quan trọng nhưng mới chỉ là những "bao bì đẹp". Điều quan trọng là chất lượng bên trong của công bố mới có ý nghĩa quyết định. Đối với nghiên cứu Việt Nam thì bài đăng trên tạp chí nước ngoài không hẳn đã có chất lượng cao hơn đăng trên tạp chí trong nước. Điều rất đáng nói là với điều chỉnh mới này Bộ GD-ĐT đã đặt lòng tin vào đánh giá của các nhà khoa học trong nước, trước hết là các chuyên gia của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Nên có những quy định khuyến khích công bố quốc tế bằng cách đưa ra điểm công trình cao nhưng nếu đưa nó thành thành một tiêu chí bắt buộc và duy nhất là không khoa học. Tôi đánh giá cao điểm mới lấy tiêu chí chất lượng khoa học là chính. Điều này rất phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải đi vào thực chất, không chạy theo hình thức..

Quy chế cũ lấy tiêu chí bài báo được đăng trong hệ thống ISI/SCOPUS như một điều kiện tiên quyết, bắt buộc, với mong muốn nhanh chóng quốc tế hóa hoạt động đào tạo tiến sĩ của Việt Nam. Nhưng có lẽ khi đó, chúng ta chưa lường tính được hết. Ở đây, tôi chỉ nói đến những lĩnh vực mà tôi có hiểu biết.

Thứ nhất, ISI/SCOPUS chỉ là một cách phân loại, không tuyệt đối đúng với tất cả các lĩnh vực khoa học. Như trên đã nói, nếu chúng ta tuyệt đối hoá, coi đây là chuẩn mực quốc tế duy nhất để đánh giá chất lượng công trình thì chẳng những mục tiêu đề ra không đạt được mà còn dẫn đến tình trạng nghiên cứu sinh tìm mọi cách "lách" để có bài đăng trên tạp chí quốc tế một cách không thực chất. Hiện tượng khá phổ biến (bắt đầu thấy ở một số trường đại ở địa phương) là tìm đến những tạp chí ISI/SCOPUS ít được biết đến, chỉ cần đáp ứng yêu cầu nộp 1-2000 USD và được chấp nhận in rất nhanh. Nhiều khi tạp chí chẳng liên quan quan gì đến chuyên môn, chẳng hạn như Nghiên cứu Lâm nghiệp (forestry studies) nhận đăng bài về lịch sử Việt Nam. Tệ hại hơn là bắt đầu hình thành một số trung tâm viết bài quốc tế thuê mà thực chất là được ghép tên vào một tập thể nào đó sau khi phải trả một khoản phí.

Đấy là chưa kể những trung tâm dịch vụ đăng bài quốc tế, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hoá. Nhiều cơ sở đào tạo bỏ tiền ra thưởng cho bài quốc tế (kể cả dạng thuê viết này) một khoản tiền nhiều hơn chi phí nộp cho các trung tâm viết thuê, có những quỹ khoa học cấp kinh phí nhiều trăm triệu chỉ cần sản phẩm có 1,2 bài báo quốc tế. Rõ ràng những sản phẩm kiểu này không thực chất, không nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn hao phí nguồn lực theo kiểu "gánh vàng đi đổ sông Ngô".

Thứ hai, không phải tạp chí nào cũng phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nói chung, cũng không phải tạp chí nào cũng góp phần phát triển khoa học Việt Nam.

Nếu không cẩn thận và duy ngoại thì các bài báo tốt nhất các tác giả tìm mọi cách đưa ra nước ngoài thì các tạp chí trong nước sẽ không phát triển được. Đấy là chưa kể nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì khoa học Việt Nam sẽ rơi vào bế tắc trong tư tưởng sùng bái nước ngoài.

Về KHXH&NV trong nước có rất nhiều tạp chí tốt đang rất cần nguồn lực (bài có chất lượng và đầu tư kinh phí) để phát triển, nhưng xu thế hướng ngoại tràn lan đã khiến việc này dần trở nên khó thực hiện.

Phải loại ngay những công bố không thực chất

Ở một phương diện khác, chúng ta đang không chú ý những công bố bất lợi cho hình ảnh Việt Nam đang ngày càng gia tăng trên các tạp chí ngước ngoài như vấn đề ô nhiễm môi trường, các vấn nạn xã hội, những tiêu cực trong kinh tế-xã hội… Những bài viết rất khách quan, số liệu và phân tích rất khoa học, nhưng chúng ta thử hình dung hình ảnh của Việt Nam trong mắt thế giới sẽ như thế nào khi công bố khoa học quốc tế chỉ xoay quanh những chủ đề như vậy mà hầu như rất ít nói về những điểm sáng, những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị ở Việt Nam.

Thứ ba, tôi đánh giá rất cao tầm nhìn của Bộ GD-ĐT trong việc bám sát thực tế bởi tạp chí khoa học trong nước chưa chú trọng hình thức chứ chất lượng không kém. Để đưa vào xếp hạng và phân loại, các tạp chí trong nước chủ yếu phải phấn đấu về mặt hình thức. Tôi thấy rất nhiều nhà khoa học ủng hộ điều chỉnh này, nhưng cũng có người cho rằng "chấp nhận"các bài công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đạt từ 0,75 điểm trở lên là bước thụt lùi, hạ thấp chuẩn đầu ra đối với tiến sĩ.

Trước hết, tôi thấy không nên dùng từ "chấp nhận". Bởi tư duy "chấp nhận" các bài công bố trên tạp chí trong nước là một tâm lý mặc cảm tự ty, mặc nhiên coi tất cả các bài được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS là ở đẳng cấp cao hơn các bài đăng trong nước. Điều này không đúng cả trên lý thuyết lẫn thực tiễn nên cần căn chỉnh lại.Như đã nói ở trên, không ít bài viết về KHXH&NV công bố ở nước ngoài chất lượng không hơn công bố trong nước. Thậm chí có những bài khó được đăng trên tạp chí chuyên ngành được Hội đồng chức danh cho điểm cao. Chúng ta phải có sự tự tin trong giới khoa học của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian vừa qua.

Tôi tin là sau khi Quy chế này ban hành thì những hiện tượng tiêu cực như thuê viết bài, trả tiền để được đăng bài quốc tế là một nỗi đau cho các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, mà nhìn xa ra là giới khoa học trong nước sẽ biến mất.

Phải loại ngay những công bố không thực chất. Cần sớm chấm dứt vấn nạn "gánh vàng đi đổ sông Ngô" về những bài báo công bố quốc tế không phục vụ gì nhiều cho Việt Nam, lãng phí nguồn lực quốc gia.

Chúng ta cần những quy định điều tiết sự phát triển của khoa học đất nước. Trong đó có việc là dần dần, các tạp chí của chúng ta sẽ phải nâng cao chất lượng, đồng thời, hội nhập quốc tế theo cách của mình.

https://danviet.vn/dao-tao-tien-si-se-cham-dut-nan-ganh-vang-di-do-song-ngo-20210710110826317.htm


..


Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội nói về 'chuẩn' đào tạo tiến sĩ mới của Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nên khuyến khích người làm nghiên cứu, trong đó có tiến sĩ, công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước.

 

PV: Ông đánh giá thế nào về hoạt động đào tạo cũng như chất lượng của nghiên cứu sinh (NCS) ở ĐH Bách khoa Hà Nội nói riêng và một số trường đại học ở Việt Nam trong những năm qua?

PGS TS Nguyễn Phong Điền: Trong 5 năm trở lại đây, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong nước đã có những quan tâm rõ ràng đối với công tác đào tạo tiến sĩ.

Các cơ sở coi trọng chất lượng đầu vào, đầu ra của NCS, lựa chọn chuyên gia, giáo viên người hướng dẫn có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm để tham gia đào tạo, hướng dẫn NCS. Đồng thời, có những chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí thực hiện nghiên cứu, hình thành nhóm nghiên cứu, hợp tác trao đổi khoa học với nước ngoài…

Chất lượng nghiên cứu của NCS thể hiện qua chất lượng đề tài, sản phẩm khoa học của NCS như luận án có tính khoa học, thực tiễn cao; NCS có ít nhất 1 bài báo đăng trên các tạp chí ISI/Scopus; có sở hữu trí tuệ, có phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, và có cả sản phẩm thực tiễn mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Cũng phải kể đến cả việc NCS tốt nghiệp đúng hạn, hoàn thành chương trình nghiên cứu đúng theo kế hoạch được giao.

Lấy ví dụ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trung bình hàng năm có khoảng 75 NCS bảo vệ, mỗi nghiên cứu sinh có 5 đến 6 công trình công bố, tỷ lệ công bố trên các tạp chí ISI/Scopus đạt trên 35%, tỷ lệ bảo vệ thành công đạt trên 70 %.

Nhiều NCS khi bảo vệ có trên 2 bài báo ISI, đăng bài trên tạp chí Q1 có chỉ số IF>3. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy chất lượng nghiên cứu đã dần tiệm cận chất lượng của các trường đại học danh tiếng trong khu vực và thế giới.

Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội nói về 'chuẩn' đào tạo tiến sĩ mới của Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Phong Điền. Ảnh: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PV: Bộ GD-ĐT mới đây đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới, thay thế quy chế cũ. Liệu có cần thiết có những điều chỉnh, thay đổi không, thưa ông?

PGS TS Nguyễn Phong Điền: Cho đến hiện tại, các cơ sở GDĐH đang áp dụng Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Quy chế 08 này có nhiều điểm mới, đột phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện cần có sự bổ sung, chỉnh sửa sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của Việt Nam, bảo đảm nâng cao chất lượng của đào tạo tiến sĩ trong nước tiệm cận với các tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ của khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là bảo đảm thực hiện những quy định của Luật GDĐH 2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết và thi hành một số điều của Luật GDĐH 2018.

Có thể thấy, 4 năm qua, số lượng tuyển sinh giảm rõ rệt. Trung bình cả nước chỉ đạt khoảng 35% chỉ tiêu tuyển sinh so với những năm 2015.

Bên cạnh đó, chuẩn đầu vào tương đương IELTS 5.0 là rào cản cho ứng viên các ngành kỹ thuật, công nghệ. Yêu cầu đầu ra cần có bài báo quốc tế chưa phù hợp với một số ngành xã hội, lý luận,…

 

Vì thế, tôi cho rằng, việc đưa ra quy chế mới là rất cần thiết, khắc phục điểm chưa phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo kế thừa những quy định mang tính tích cực và khả thi, ổn định và gắn với thực tế triển khai hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ.

Có ý kiến cho rằng quy chế mới đã “hạ chuẩn” trong đào tạo tiến sĩ khi công nhận bài báo trên tạp chí có uy tín trong nước. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS TS Nguyễn Phong Điền: Chất lượng đào tạo nằm ở nhiều yếu tố. Bên cạnh thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt, đầu tư cho nghiên cứu chính sách thu hút người học giỏi, chương trình đào tạo tiên tiến…, còn rất cần chú ý đến chất lượng công trình nghiên cứu, chất lượng luận án, sản phẩm khoa học công nghệ (bài báo, phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm áp dụng thực tiễn…).

Trong đó, nhiều quốc gia coi trọng sản phẩm bài báo khoa học, lấy số lượng và chất lượng bài báo làm chuẩn đầu ra. Theo tôi, điều này rất nên khuyến khích ở Việt Nam, vì người làm nghiên cứu, công bố khoa học tức là góp phần thúc đẩy khoa học phát triển, đưa kết quả nghiên cứu ra áp dụng thực tiễn, đem lại hiệu quả và lợi ích cho xã hội.

Theo quy chế mới, NCS có nhiều sự lựa chọn, có thể đăng trên tạp chí ISI/Scopus, tạp chí quốc tế và cả tạp chí uy tín của Việt Nam.

Hiện có nhiều tạp chí trong nước chất lượng, uy tín. Các tạp chí trong nước được đánh giá đến 0,75 điểm đều là những tạp chí hàng đầu của Việt Nam.

Khuyến khích cả công bố quốc tế và công bố trong nước còn góp phần khẳng định giá trị của tạp chí trong nước, thúc đẩy tạp chí trong nước phát triển, có thể vươn lên lọt vào danh sách tạp chí uy tín trong khu vực và quốc tế.

Hiện nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước có tính điểm đối với tạp chí trong nước và nước ngoài. Theo tôi, việc đăng công bố khoa học ở đâu nên do Hội đồng khoa học của cơ sở GDĐH, giáo viên hướng dẫn và NCS quyết định.

Về phía các tạp chí nên giữ tôn chỉ chất lượng, nghiêm túc để tạo được niềm tin của giới khoa học, học giả. Về phía NCS, điều quan trọng luôn nằm ở chất lượng công trình khoa học, nghiêm túc, đạo đức của người làm nghiên cứu.

Minh Phong (ghi)


https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/hieu-pho-dh-bach-khoa-ha-noi-noi-ve-chuan-dao-tao-tien-si-moi-o-viet-nam-755388.html

..


Nguyên Viện trưởng Toán học: 'Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới'

"Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... cũng không thể ngăn cản được việc cho ra lò các tiến sĩ rởm”.

LTS: Thông tư 18 mới đây về đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT đang gây ra nhiều tranh cãi, chủ yếu liên quan đến việc công bố quốc tế. Để thông tin đa chiều, VietNamNet trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của GS.TSKH Ngô Việt Trung – nguyên Viện trưởng Viện Toán học.

XEM THÔNG TƯ 18/2021/TT-BGDĐT VỀ QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Nguyên Viện trưởng Toán học: 'Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới'
GS.TSKH Ngô Việt Trung từng được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V về Khoa học và công nghệ, được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ 3 vào năm 2000.

Tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất, là lực lượng chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Khi xem xét đào tạo tiến sĩ ở bất kỳ một đại học nào tại các nước đang phát triển như Việt Nam, người ta thường chỉ hỏi một câu là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ vì công bố quốc tế chính là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án khi trình độ khoa học của nước đó chưa cao, chưa tự thẩm định được chất lượng nghiên cứu. Vì vậy, các nước đang phát triển thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế trong những tạp chí quốc tế có sự đảm bảo về chất lượng.

Chuẩn tiến sĩ 'thua' Thái Lan, Malaysia

Trên thế giới có hai danh mục ISI và Scopus bao gồm các tạp chí khoa học được lựa chọn theo chất lượng của các công bố. Do tiêu chuẩn xét chọn cao nên đăng bài ISI khó hơn đăng bài Scopus rất nhiều. Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng dùng hai danh mục này để xét chọn chức danh. Ví dụ như Phó Giáo sư hay Giáo sư cần có ít nhất 3 hay 5 bài báo trong 2 danh mục này. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) cũng quy định các đề tài nghiên cứu phải công bố ít nhất 2 bài ISI trong 2 năm.

Quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. So với tiêu chuẩn chức danh thì quy định này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nó vẫn còn kém các nước Đông Nam Á. Ví dụ như ĐH Malaya (Malaysia) yêu cầu luận án các ngành khoa học tự nhiên phải có 2 bài ISI, các ngành khoa học xã hội có 1 bài ISI hay ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) yêu cầu luận án phải có 1 bài ISI.

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới huỷ bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế cũ. Thậm chí, luận án chỉ cần có 3 công bố trên các tạp chí trong nước loại trung bình là được bảo vệ. Người hướng dẫn cũng không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có 2 công bố trong nước loại trung bình trong 5 năm cuối, còn thấp hơn cả tiêu chuẩn 3 công bố của nghiên cứu sinh. Quy trình duyệt bài của những tạp chí này thường dễ dãi và tuỳ tiện. Vì vậy, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng tác động vào quá trình xét duyệt đăng bài, tạo kẽ hở cho việc ra đời các "tiến sĩ rởm".

Nhìn sang các nước quanh ta thì Quy chế mới ban hành thực sự là một nỗi hổ thẹn quốc gia. Đáng nhẽ ra, cần nâng tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ lên để có thể đuổi kịp trình độ đào tạo tiến sĩ của Thái Lan thì lại hạ thấp tiêu chuẩn cho phép chỉ cần công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình. Điều này rất nguy hiểm vì tiến sĩ là lực lượng giảng dạy chủ chốt trong các đại học.

Với quy chế mới có thể khẳng định giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á.

Không yêu cầu công bố quốc tế, không thể ngăn cản lò ấp tiến sĩ rởm

Trước năm 2017, chúng ta đã từng xôn xao về các lò tiến sĩ rởm, những nơi có thể đào tạo hàng trăm tiến sĩ mà hầu như không có công bố quốc tế nào. Chúng ta cũng bức bối vì có quá nhiều tiến sĩ ở các cơ quan công quyền mà không biết họ có thật sự nghiên cứu để có bằng hay không. Quy chế cũ đã giúp dẹp bỏ những vấn nạn này chính bởi vì tiêu chuẩn công bố quốc tế mà nghiên cứu sinh khó lòng “chạy” được. Vậy thì tại sao Bộ GD-ĐT lại thay thế Quy chế cũ bằng một quy chế không khác gì thời kỳ nhiều tiêu cực trước 2017?

ADVERTISING
iTVC from Admicro

Quy chế cũ không phải là không có những khiếm khuyết:

- Một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khó đào tạo tiến sĩ vì khó có công bố quốc tế.

- Không thể yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung vì có nhiều tạp chí không đảm bảo chất lượng mà nghiên cứu sinh có thể bỏ tiền ra để mua bài.

Nhưng nếu dùng những khiếm khuyết này nhằm loại bỏ tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ thì không hợp lý.

Hãy nhìn sang Trung Quốc là nước tương đồng với chúng ta về mọi mặt. Trong bảng xếp hạng các đại học thế giới năm 2021 của Times Higher Education (chủ yếu dựa theo thành tích công bố quốc tế) thì ĐH Bắc Kinh đứng thứ 17 trong khoa học xã hội và thứ 28 trong khoa học nhân văn.

Trong lúc các tác giả Trung Quốc dùng mọi cách để khẳng định yêu sách lãnh thổ của họ trong các công bố học thuật thì Việt Nam lại bỏ mặc mặt trận này. Vì vậy, vẫn nên giữ yêu cầu công bố quốc tế trong khoa học xã hội và nhân văn, nhưng có thể ở mức thấp hơn. Đối với một số ngành đặc thù chưa thể có công bố quốc tế thì Bộ GD-ĐT có thể chấp nhận luận án không có công bố quốc tế.

Cũng có người nói Quy chế mới sẽ xoá bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế hay bỏ tiền ra để đăng bài trong các tạp chí rởm ở nước ngoài. Thuê viết bài báo trong nước rẻ hơn hay là viết bài đăng trong nước quá dễ? Để khắc phục những tiêu cực này, Bộ GD-ĐT chỉ cần yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín. Khó có ai dám nhận viết thuê để đăng trong những tạp chí có uy tín này vì chỉ những bản thảo có giá trị khoa học thực sự mới được nhận đăng.

Về ý kiến nói rằng nên để “sàn” công bố thấp để các cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo tiến sĩ: Cơ sở đào tạo nghiêm chỉnh chắc chắn không cần đến cái sàn của Bộ. Còn những cơ sở lấy sàn thấp thì sao? Xã hội có đủ sức biết tiến sĩ nào thật, tiến sĩ nào rởm không? Ở các nước phát triển, người ta luôn đòi hỏi các tiến sĩ đi xin việc nộp danh sách công bố quốc tế hay các chứng chỉ phát minh sáng chế. Nếu đào tạo tiến sĩ không đòi hỏi những thứ này, thì lấy cái gì để đánh giá trình độ tiến sĩ. Thế mới có chuyện có những người lấy bằng tiến sĩ chỉ sau vài lần "đi chơi nước ngoài" tại những cơ sở đào tạo rởm mà vẫn được cơ quan của họ tin dùng, thậm chí lên chức sau khi có bằng tiến sĩ mang mác nước ngoài.

Phải chăng Bộ GD-ĐT muốn tăng số lượng tiến sĩ bất kể chất lượng đào tạo thế nào nên mới hạ tiêu chuẩn công bố xuống thấp như thời kỳ có nhiều tiêu cực trước năm 2017. Với tiêu chuẩn đầu ra thấp như vậy, tôi cho rằng quy chế mới đã cấp giấy thông hành cho việc đào tạo tiến sĩ không đảm bảo chất lượng trong xã hội.

Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật". Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... cũng không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”. Chỉ cần vài năm đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới thì xã hội sẽ lại "dậy sóng" khi nhìn đâu cũng thấy tiến sĩ, thật - giả lẫn lộn.

Vì vậy, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT sửa lại Quy chế đào tạo tiến sĩ mới theo tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”, để đem lại niềm tin của xã hội đối với phát biểu của Thủ tướng.

GS.TSKH Ngô Việt Trung

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/gs-ngo-viet-trung-khong-yeu-cau-cong-bo-quoc-te-khong-the-ngan-ra-lo-tien-si-rom-755735.html




Ngày 13/7/2021



Bản mới gần như hoàn toàn, viết đơn giản cho mọi đối tượng. Do tính nghiêm trọng của vấn đề rất mong mọi người đọc lại và share!
Khi nghe tin Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật”, tôi nghĩ ngay thế này thì khó cho Bộ GDĐT rồi. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, lòng tin của tôi vào quyết tâm "làm thật" của Bộ GDĐT hoàn toàn sụp đổ khi họ công bố Quy chế đào tạo tiến sĩ trước kỳ thi. Nhiều đồng nghiệp của tôi đều có cùng tâm trạng.
Theo quan niệm của thế giới, tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất đòi hỏi người có học vị tiến sĩ phải có những kết quả nghiên cứu mới được trình bày trong luận án (xem wikipedia). Họ sẽ là lực lượng chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Khi xem xét đào tạo tiến sĩ ở bất kỳ một đại học nào tại các nước đang phát triển như Việt Nam, người ta thường chỉ hỏi một câu là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ vì công bố quốc tế chính là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án khi trình độ khoa học của nước đó chưa cao, chưa tự đánh giá được chất lượng nghiên cứu. Vì vậy các nước đang phát triển thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế trong những tạp chí quốc tế có sự đảm bảo về chất lượng.
Trên thế giới có hai danh mục ISI và Scopus lựa chọn các tạp chí khoa học theo chất lượng của các công bố. Do tiêu chuẩn xét chọn cao nên đăng bài ISI khó hơn đăng bài Scopus rất nhiều. Hội đồng giáo sư nhà nước cũng dùng hai danh mục này để xét chọn chức danh. Ví dụ như phó giáo sư hay giáo sư cần có ít nhất 3 hay 5 bài báo trong 2 danh mục này. Quỹ khoa học quốc gia Nafosted cũng quy định các đề tài nghiên cứu phải công bố ít nhất 2 bài ISI trong vòng 2 năm.
Quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. So với tiêu chuẩn chức danh thì quy định này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên nó vẫn còn kém các nước Đông Nam Á. Ví dụ như ĐH Malaya (Malaysia) yêu cầu luận án các ngành khoa học tự nhiên phải có 2 bài ISI, các ngành khoa học xã hội có 1 bài ISI hay ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) yêu cầu luận án phải có 1 bài ISI.
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới huỷ bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế cũ. Thậm chí, luận án chỉ cần có 3 công bố trên các tạp chí trong nước loại trung bình là được bảo vệ. Phần lớn các tạp chí trong nước loại trung bình được xuất bản bởi các trường đại học, quy trình duyệt bài lỏng lẻo, thậm chí còn tuỳ tiện. Tôi đã từng thấy có tác giả có đến 5 bài đăng trong cùng một số báo. Chả có mấy người đọc các tạp chí loại này. Qua đó có thể thấy chất lượng các tạp chí này thấp như thế nào. Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng tác động vào quá trình xét duyệt đăng bài, tạo kẽ hở cho việc ra đời các "tiến sĩ rởm".
Nhìn sang các nước quanh ta thì Quy chế mới ban hành thực sự là một nỗi hổ thẹn quốc gia. Đáng nhẽ ra, Bộ GDĐH cần nâng tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ lên để có thể đuổi kịp trình độ đào tạo tiến sĩ của Thái Lan thì họ lại hạ thấp tiêu chuẩn cho phép chỉ cần công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình. Điều này rất nguy hiểm vì các tiến sĩ là lực lượng giảng dạy chủ chốt trong các đại học. Với quy chế mới có thể khẳng định giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á.
Trước 2017, chúng ta đã từng xôn xao về các lò tiến sĩ rởm, những nơi có thể đào tạo hàng trăm tiến sĩ mà hầu như không có công bố quốc tế nào. Chúng ta cũng bức bối vì có quá nhiều tiến sĩ ở các cơ quan công quyền mà không biết họ có thật sự nghiên cứu để có bằng hay không. Quy chế cũ đã giúp dẹp bỏ những vấn nạn này chính bởi vì tiêu chuẩn công bố quốc tế mà nghiên cứu sinh khó lòng “chạy” được. Vậy thì tại sao Bộ GDĐT lại thay thế Quy chế cũ bằng một quy chế không khác gì thời kỳ nhiều tiêu cực trước 2017?
Quy chế cũ không phải là không có những khiếm khuyết:
- Một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khó có nghiên cứu sinh vì khó có công bố quốc tế.
- Không thể yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung vì có nhiều tạp chí không đảm bảo chất lượng mà nghiên cứu sinh có thể bỏ tiền ra để đăng bài.
Có những "nhóm lợi ích" đã dùng những khiếm khuyết này nhằm loại bỏ tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ. Họ nói rằng khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) ở Việt Nam khó có công bố quốc tế hay không cần công bố quốc tế vì những đặc thù văn hóa, xã hội, chính trị và hệ tư tưởng. Để thấy lý lẽ này sai hãy nhìn sang Trung Quốc là nước giống chúng ta về mọi mặt. Trong bảng xếp hạng các đại học thế giới năm 2021 của tổ chức Times Higher Education (chủ yếu dựa theo thành tích công bố quốc tế) thì ĐH Bắc Kinh đứng thứ 17 trong khoa học xã hội và thứ 28 trong khoa học nhân văn. Qua đây có thể thấy sức ỳ của KHXHNV ở Việt Nam không muốn hội nhập quốc tế. Trong lúc các tác giả Trung Quốc dùng mọi cách để khẳng định yêu sách lãnh thổ của họ trong các công bố học thuật thì Việt Nam lại bỏ mặc mặt trận này. Vì vậy, Bộ GDĐT vẫn nên giữ yêu cầu công bố quốc tế trong KHXHNV, nhưng có thể ở mức thấp hơn. Đối với một số ngành chưa thể có công bố quốc tế thì Bộ GDĐT có thể chấp nhận luận án không có công bố quốc tế.
Cũng có người nói Quy chế mới sẽ xoá bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế hay bỏ tiền ra để đăng bài trong các tạp chí rởm ở nước ngoài. Ai đưa ra ý kiến này thật ngây ngô! Chắc họ nghĩ rằng thuê viết bài báo trong nước rẻ hơn hay là viết bài đăng trong nước quá dễ. Để khắc phục những tiêu cực này, Bộ GDĐT chỉ cần yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín không thể dùng tiền để được đăng. Khó có ai dám nhận viết thuê để đăng trong những tạp chí có uy tín này vì chỉ những bản thảo có giá trị khoa học thực sự mới được nhận đăng.
Ý kiến ngây thơ nhất nói rằng nên để “sàn” công bố thấp để các cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo tiến sĩ. Cơ sở đào tạo nghiêm chỉnh chắc chắn không cần đến cái sàn của Bộ. Còn những cơ sở lấy sàn thấp thì sao? Xã hội có đủ sức biết tiến sĩ nào thật, tiến sĩ nào rởm không. Ở các nước phát triển, người ta luôn đòi hỏi các tiến sĩ đi xin việc nộp danh sách công bố quốc tế hay các chứng chỉ phát minh sáng chế. Nếu đào tạo tiến sĩ không đòi hỏi những thứ này, thì lấy cái gì để đánh giá trình độ tiến sĩ. Thế mới có chuyện có những người lấy bằng tiến sĩ chỉ sau vài lần "đi chơi nước ngoài" tại những cơ sở đào tạo rởm mà vẫn được cơ quan của họ tin dùng, thậm chí lên chức sau khi có bằng tiến sĩ mang mác nước ngoài.
Chắc Bộ GDĐT muốn tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo lên bất kể chất lượng đào tạo thế nào nên mới hạ tiêu chuẩn công bố xuống thấp như thời kỳ có nhiều tiêu cực trước năm 2017. Với tiêu chuẩn đầu ra thấp như vậy, Quy chế mới cấp giấy thông hành cho việc đào tạo tiến sĩ không đảm bảo chất lượng trong toàn bộ xã hội. Tôi có cảm giác như thể các cơ sở đào tạo sẽ có quyền “tự chủ” làm xấu mà không phải “chịu trách nhiệm”!
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật". Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật v.v. không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”. Chỉ cần vài năm đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới thì xã hội sẽ lại dậy sóng khi nhìn đâu cũng thấy tiến sĩ, thật giả lẫn lộn. Vì vậy tôi đề nghi Bộ GDĐT sửa lại Quy chế đào tạo tiến sĩ mới theo tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật” để đem lại niềm tin của xã hội đối với phát biểu của thủ tướng.

https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/523041008942736/

..


---


CẬP NHẬT


1.

“Lò ấp Tiến sĩ” và ông “thợ dạy”

 03/08/2021 07:35 Phó giáo sư Ngô Tứ Thành


GDVN- 12 tháng “làm Tiến sĩ” phải có công bố quốc tế là điều viễn tưởng. Hậu quả, như đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Từ khi Thông tư 08 có hiệu lực...

Đề tài Chuẩn Tiến sĩ thời gian qua tốn không biết bao giấy mực của giới báo chí Việt Nam, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Trong bài viết này, tác giả sẽ lý giải nguyên nhân căn bản của những “lùm xùm” từ “lò ấp Tiến sĩ”… đến “Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới”… để chấm dứt cuộc tranh luận không cần thiết này.

1. Từ “lò ấp Tiến sĩ” đến ông “thợ dạy”

Trong tiềm thức người Việt, học hết bậc phổ thông lên Đại học, được gọi là sinh viên “học Đại học”… và để có bằng Tiến sĩ phải “học Tiến sĩ”. Chính vì quan niệm như vậy, nên từ lúc Việt Nam bắt đầu đào tạo Tiến sĩ đến nay, khi xây dựng chương trình đào tạo Tiến sĩ luôn xem “học” nhiều hơn “làm”.

Chương trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 10/2009 và 08/2017 gồm:

Đào tạo tiến sĩ sau năm 2017 - càng lên cao tiêu chuẩn càng... thấp
Đào tạo tiến sĩ sau năm 2017 - càng lên cao tiêu chuẩn càng... thấp

Khối lượng học tập tối thiểu 90 đến 120 tín chỉ, bao gồm: các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ. Song song các học phần tối thiểu, nghiên cứu sinh đồng thời thực hiện làm Tiểu luận tổng quan trong 12 tháng đầu tiên, 12 tháng tiếp theo làm 3 chuyên đề Tiến sĩ.

Thời gian hoàn thành luận án Tiến sĩ cả khóa học chỉ có 3 năm, nên thời gian thực tế “làm Tiến sĩ” để hoàn thành Luận án chỉ còn 12 tháng cuối. Thông tư 10/2009 quy định chuẩn đầu ra luận án Tiến sĩ chỉ cần 02 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, quá thấp nên đã bùng nổ “lò ấp Tiến sĩ” như báo chí đã từng phản ánh.

Để ngăn chặn “lò ấp Tiến sĩ”, ngày 4/4/2017, Bộ Giáo dục công bố thông tư 08/2017 với chuẩn đầu ra (sản phẩm) luận án Tiến sĩ phải: “công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus …”.

12 tháng “làm Tiến sĩ” phải có công bố quốc tế là điều viễn tưởng. Hậu quả, như đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Từ khi Thông tư 08 có hiệu lực cho đến nay, số lượng tốt nghiệp của cả Việt Nam chưa được 100 tiến sĩ”. Tỷ lệ nghiên cứu sinh bảo vệ đúng hạn 10%.

Yêu cầu đầu ra Tiến sĩ tương đương chuẩn Quốc tế nhưng phải đóng mác Tiến sĩ “made in VietNam” nên hầu hết những ứng viên tìm đường ra nước ngoài làm Tiến sĩ cho “đáng đồng tiền bát gạo”, nên số nghiên cứu sinh đầu vào ở mọi cơ sở đào tạo trong nước giảm xuống gần đáy.

Một cơ sở đào tạo “vang bóng một thời” có 100 giáo sư/phó giáo sư/tiến sĩ (80 giảng viên cơ hữu, 20 giảng viên thỉnh giảng) sau khi áp dụng thông tư 08/2017, các năm 2018, 2019, 2020 mỗi năm chỉ tuyển được 02 nghiên cứu sinh, có năm 0 nghiên cứu sinh (xem tài liệu tham khảo [1]).

Giáo sư/phó giáo sư không hướng dẫn nghiên cứu sinh, không đào tạo Tiến sĩ, trở thành ông “thợ dạy” Đại học” (theo Luật Giáo dục Đại học, Giảng viên dạy Đại học chỉ cần Thạc sĩ). Có người mỉa mai rằng: nếu Đại học là trường phổ thông cấp 4, thì nơi Đào tạo Tiến sĩ là trường phổ thông cấp 5.

Như vậy nếu thông tư 10/2009 tạo ra các “lò ấp Tiến sĩ” thì thông tư 08/2017 biến các giáo sư/phó giáo sư thành ông “thợ dạy” ở trường phổ thông cấp 5”. Còn số người chịu làm nghiên cứu sinh trong nước theo thông tư 08/2017 thì bế tắc như không có đường ra.

Một phần quy trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 08/2017 và 10/2009. (Ảnh do tác giả cung cấp)

2. Lý giải bất cập trong chương trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 08/2017

Theo thông tư 08, trong 12 tháng đầu tiên, nghiên cứu sinh phải hoàn thành Tiểu luận tổng quan với mục tiêu: “… nêu những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những vấn đề mà luận án cần tập trung NC giải quyết.”

Như vậy, Tiểu luận tổng quan là một thủ tục “hành là chính” bước đầu mà nghiên cứu sinh phải đương đầu vượt qua.

Không được làm cái mới, không được khám phá những công trình khoa học, chỉ quanh quẩn làm lại cái cũ, viết đi viết lại nội dung đã biết là một cực hình.

Vì nội dung “hành là chính” nên những góp ý của mọi người cho Tiểu luận tổng quan là vô bổ, sản phẩm chỉ là tập giấy in cất ngăn kéo lưu trữ.

Tiếp đến là thực hiện 3 chuyên đề Tiến sĩ với mục Tiêu là: “….cập nhật kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ”. “Cập nhật kiến thức mới” thực chất là quá trình “học”, không phải là quá trình “làm”.

Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ, "phản biện kín" mà không kín
Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ, "phản biện kín" mà không kín

Khác với thế kỷ 20, thế kỷ 21 là thời cách mạng công nghiệp 4.0, việc học không còn khó như trước đây, mọi kiến thức đều có trên internet, chỉ cần trang bị cho người học kiến thức căn bản và dạy người học cách tự học là người học có năng lực có thể “bơi ra biển lớn”.

Vì vậy yêu cầu nghiên cứu sinh phải dành 12 tháng để viết 03 chuyên đề Tiến sĩ hơn 150 trang tương đương quyển luận án Tiến sĩ chỉ để liệt kê “kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ” là một sự lãng phí vô cùng.

Đánh giá Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ được thực hiện phức tạp như Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, nên làm xong Tiểu luận tổng quan và 3 chuyên đề Tiến sĩ, do ức chế với thủ tục “hành là chính”, nhiều nghiên cứu sinh mất hết “năng lượng”, không còn muốn tiếp tục, không còn “thăng hoa” để “làm Tiến sĩ”.

Khi đã hết “năng lượng”, mà 12 tháng còn lại nghiên cứu sinh phải hoàn thành luận án Tiến sĩ để có công bố quốc tế không còn là viễn tưởng nữa mà trở thành hoang tưởng. Đây là lý do thứ 2 nghiên cứu sinh theo thông tư 08/2017 không hoàn thành đúng thời hạn 3 năm quy định.

3. Đổi mới tư duy từ “học Tiến sĩ” sang “làm Tiến sĩ”

Thông tư 18/2021, bỏ thủ tục Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ, Bộ Giáo dục giao quyền tự chủ cho Cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo thay thế Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ bằng phương thức khác có nội dung tương đương hoặc cao hơn.

Muốn đặt chuẩn đầu ra Tiến sĩ để có công bố quốc tế, Cơ sở đào tạo phải đưa nghiên cứu sinh vào tình huống “làm” nhiều hơn “học”, phải giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết trong chương trình đào tạo.

Khi chuyển sang “làm Tiến sĩ”, ngoài học bổ sung các học phần theo quy chế, toàn bộ thời gian và công sức của nghiên cứu sinh được đầu tư cho nghiên cứu đề tài và bài báo khoa học để gửi tạp chí quốc tế không còn là áp lực.

Đổi mới tư duy ao làng sang tư duy biển lớn để đại học Việt Nam cất cánh
Đổi mới tư duy ao làng sang tư duy biển lớn để đại học Việt Nam cất cánh

Đầu ra 2 bài báo trên tạp chí quốc tế có phản biện chỉ là đầu ra tối thiểu, giáo viên hướng dẫn phải định hướng nghiên cứu sinh có 1 đến 2 bài trên tạp chí ISI/Scopus trước khi đưa luận án Xemina trước bộ môn.

Các công bố khoa học trên tạp chí quốc tế của nghiên cứu sinh, không chỉ là điều kiện để bảo vệ luận án mà còn giúp cơ sở đào tạo tăng hạng theo chuẩn Quốc tế, đồng thời còn là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học trên thế giới cũng như trong nước.

Sau khi có thông tư 18/2021, một số cơ sở đào tạo vẫn muốn duy trì Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ để có điều kiện quản lý nghiên cứu sinh, để các giảng viên trong bộ môn có điều kiện được ngồi nhiều Hội đồng đưa ra những phán xét chỉ bảo nghiên cứu sinh.

Họ lo lắng, khi bỏ Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ, giao toàn quyền cho giáo viên hướng dẫn, thì vai trò của các giảng viên khác trong bộ môn sẽ giảm xuống, các nghiên cứu sinh không còn sợ, không còn kính nể bộ môn nữa. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.

Vì khi đặt nghiên cứu sinh phải “làm Tiến sĩ”, phải có công bố quốc tế, giảng viên và tập thể bộ môn muốn nghiên cứu sinh phải “tâm phục khẩu phục”, không còn cách nào khác là phải “nâng cấp” mình lên để đủ tầm phản biện lại các bài báo khoa học đã được các tạp chí quốc tế xuất bản.

Kết luận

Điều gì sẽ xảy ra, nếu vẫn theo thông tư 08/2017, “học” quá nhiều nhưng lại yêu cầu đầu ra theo chuẩn Quốc tế, “để tiến sĩ mới Việt Nam không là nỗi hổ thẹn với thế giới” như của một Giáo sư Toán nổi tiếng đã từng tuyên bố?

Câu trả lời là, nếu còn duy trì thông tư 08/2017, các cơ sở đào tạo sẽ không còn nguồn tuyển nghiên cứu sinh, các giáo sư/phó giáo sư/tiến sĩ trước đây làm thợ trong “lò ấp Tiến sĩ” nay chuyển thành ông “thợ dạy” Đại học.

Các giáo sư/phó giáo sư có năng lực không muốn là ông “thợ dạy” sẽ tìm cách “tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”, liên kết các Viện nghiên cứu nước ngoài để tham gia đồng hướng dẫn chính các nghiên cứu sinh người Việt đã sang “tỵ nạn” giáo dục.

Để kết thúc bài viết này, xin trích lại tuyên bố của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn “Học thật, thi thật, nhân tài thật” và “xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ”. Chuyển từ “học Tiến sĩ” sang “làm Tiến sĩ” là việc làm hưởng ứng tuyên bố trên của Bộ trưởng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://set.hust.edu.vn/cac-con-so

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phó giáo sư Ngô Tứ Thành


https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/lo-ap-tien-si-va-ong-tho-day-post219903.gd?fbclid=IwAR04Bmhrnt8dpo63gR54skE2RFVjcC_LZFpdiuvbJ6EaKo49EzfcYmv2cgU

..

..

3 nhận xét:

  1. 08:10 - 19/07/2021

    GS Ngô Bảo Châu: Tranh biện bảo vệ cái đúng là động lực phát triển khoa học



    Quý Hiên




    Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam mạnh lên hay yếu đi phụ thuộc vào tranh biện nội bộ trong cộng đồng khoa học. Mệnh lệnh hành chính cứng nhắc có thể khiến chuẩn mực bị bẻ cong.

    Trả lờiXóa
  2. Ngày 21/7/2021 (tác giả đưa lên ngày 19 và 20/7/2021)

    Đỗ Thiên Kính
    19 tháng 7 lúc 21:50 ·

    NÓI THẲNG, NÓI THẬT TRONG LĨNH VỰC XÃ HỘI HỌC Ở VIỆT NAM
    1. Những đồng nghiệp xã hội học dám công khai phê phán lẫn nhau để xã hội học phát triển (qua bài viết đăng tạp chí) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo tôi biết, chỉ có tôi và PGS.TS Phạm Văn Bích dám thực hiện việc này. Không biết còn ai nữa không, xin quý vị chỉ giúp? Như vậy, đối chiếu với bài viết của GS Ngô Bảo Châu dưới đây thì quá buồn trong lĩnh vực xã hội học ở Việt Nam, vì quá ít tranh luận khoa học.
    2. Thầy hướng dẫn luận án TS của tôi ở Nhật Bản chính là Chủ tịch Hội đồng chấm luận án của tôi (cả 2 lần bảo vệ cấp cơ sở và bảo vệ cấp nhà nước - theo cách gọi ở Việt Nam). Đối chiếu với bài viết của GS Ngô Bảo Châu tôi thấy quá chính xác, vì bản thân tôi là người trong cuộc đã từng trải nghiệm.

    Trả lờiXóa
  3. 1.

    “Lò ấp Tiến sĩ” và ông “thợ dạy”

    03/08/2021 07:35 Phó giáo sư Ngô Tứ Thành


    GDVN- 12 tháng “làm Tiến sĩ” phải có công bố quốc tế là điều viễn tưởng. Hậu quả, như đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Từ khi Thông tư 08 có hiệu lực...

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.