Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

08/07/2021

Giáo dục phổ thông Việt Nam : đề thi Ngữ Văn tốt nghiệp THPT 2021 từ nhiều góc nhìn

Đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 như sau:


Những cháu sinh năm 2003 (học sinh vừa học xong lớp 12) đã làm bài thi vào hôm qua, ngày 7/7/2021

Dưới đó là các ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Mở đầu là ý kiến của chuyên gia ngôn ngữ Nguyễn Thiện Nam và của thầy giáo chuyên văn Thái Hạo. Các ý kiến khác sẽ dán bổ sung ở bên dưới đó như thường khi.

Tháng 7 năm 2021,

Giao Blog


---



Bài của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Thiện Nam hiện đã không còn trên Fb của anh. Được biết: anh đã tự cất đi sau khoảng hơn nửa ngày để công khai (ghi chú ngày 8/7/2021 của Giao Blog).


"


Tôi không muốn nói về chuyện đề đóm trong thi cử ở Việt Nam nữa, tôi nói về một thứ lớn hơn, thậm chí là mâu thuẫn tới mức bi kịch.
Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn 2021, câu 3 – câu quan trọng nhất vì thuộc phần “nghị luận văn học” và chiếm tới 50% điểm toàn đề - ra về chủ đề TÌNH YÊU NAM NỮ thông qua một đoạn thơ của Xuân Quỳnh.
Có nhiều vấn đề trong cái đề thi này, tuy nhiên trước mắt tôi chỉ muốn hỏi Bộ Giáo Dục 1 câu thôi: Đề (câu 3) ra về TÌNH YÊU NAM NỮ, vậy học sinh trung học có được phép có tình cảm nam nữ với nhau không? Nếu được thì không có gì phải bàn nữa, nhưng nếu không được phép thì vấn đề bắt đầu phát sinh.
Vì sao tôi nói rằng “phát sinh” vấn đề? Vì hiện nay rất nhiều trường học trên cả nước công khai cấm đoán học sinh yêu đương. Nó hiện thực trong nội quy và được các lãnh đạo những ngôi trường ấy phát biểu công khai trên báo chí. Một học sinh bị cấm yêu, cấm tuyệt đối thì có nghĩa rằng cô/cậu ấy không thể có những trải nghiệm tình cảm lứa đôi lành mạnh tự nhiên cho đến khi tham gia kỳ thi này. Vậy thì, việc yêu cầu các em ấy “cảm nhận” về tình yêu trong một đoạn thơ thuần tình yêu nam nữ như thế có phải là phi lý hay không?
Việc nêu quan điểm về một vấn đề nào đó thì có thể không nhất thiết phải có trải nghiệm về vấn đề ấy mà chỉ cần kiến thức/tư duy, nhưng “cảm nhận” thì nó cần phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với sự phát triển của tâm hồn. Nhất là ở đây lại là tình yêu – một chủ đề thuộc về xúc cảm nhiều hơn lý tính một cách áp đảo.
Nhân đây, tôi muốn đặt ra vấn đề tiếp theo: việc cấm đoán học sinh có những tình cảm yêu đương trong sáng lành mạnh có vi phạm hiến pháp, pháp luật và vi phạm các quyền con người hay không? Trên thế giới, ở một số nước, tại một số trường cũng có “cấm yêu”, Nhưng sự cấm ấy rất cụ thể, như cấm ôm hôn, cấm các hành vi tình dục trong phạm vi trường học… Chứ không thấy ở đâu mà lại cấm yêu một cách mơ hồ, phản khoa học, phản giáo dục và vi phạm quyền con người như trong giáo dục Việt Nam. Tôi chỉ đơn cử, như trường tôi (Bình Phước): suốt gần 10 năm tôi ở ngôi trường chuyên (nội trú) này, người ta cấm tất cả, cấm 2 học sinh nam nữ đi dạo cùng nhau, cấm đi ăn cùng nhau, cấm ngồi riêng cùng nhau. Có cả một đội gọi là Ban thi đua sẽ đi ghi tất cả những trường hợp như thế, rồi giáo viên chủ nhiệm lập danh sách báo lên ban giám hiệu. Phụ huynh sẽ bị mời đến trường, học sinh sẽ bị phê bình công khai như một hình thức vừa đe dọa vừa sỉ nhục.
Tôi biết, có rất nhiều trường nội trú và cả các trường không nội trú trên cả nước đang cấm đoán một cách bất chấp như thế. Một lần nữa, tôi muốn hỏi những người có trách nhiệm, đặc biệt là bộ Giáo Dục rằng:
1. Các trường ấy có đang vi phạm pháp luật hay không?
2. Nếu các trường ấy không vi phạm pháp luật thì những thí sinh ở các trường bị cấm yêu ấy có thể bỏ qua câu 3 trong đề mà vẫn được điểm tối đa cho câu ấy không? Mà nếu không được điểm tối đa thì bộ GD xử lý ra sao?
*
Tôi muốn ghi chú thêm một điều: Tất cả những sự cấm đoán cực đoan phản tự nhiên này, xét ở góc độ giáo dục là đang làm hỏng học sinh. Quá trình phát triển lành mạnh về tâm sinh lý của các em đã bị chính những người làm giáo dục làm cho méo mó, hư hoại. Tất nhiên, sẽ không thể nào “cấm” được quy luật, và những em học sinh ấy nó sẽ tìm cách để “lách”, để đối phó; chúng sẽ lén lút, sẽ khổ sở và thậm chí gây ra những điều dại dột.
Một nền giáo dục cấm đoán là giáo dục bất lực. Một xã hội cấm đoán là xã hội thất bại. Nhưng đáng buồn thay, điều ấy lại đang được công khai thi hành bất chấp tất cả.
Thái Hạo

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1027773751365146&id=100023975920044

"


..

..



---


BỔ SUNG


12.


Đã có điểm 10 môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2021

Tới thời điểm này đã ghi nhận có điểm 10 môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2021. Điểm 10 môn Ngữ văn đầu tiên thuộc ở hội đồng thi Quảng Nam.

Thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn là em Đặng Văn Quang, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông, Quảng Nam.

Thầy Lê Thành Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông, Quảng Nam cho hay đã nắm được thông tin em Quang đạt điểm 10 môn Ngữ văn. Tuy nhiên, nhà trường không bất ngờ vì Quang là học sinh chuyên Văn của trường. Năm lớp 10 Quang đã thi vượt cấp thi học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải khuyến khích môn Ngữ văn. Khi học lớp 11, Quang cũng đoạt giải Nhì thi học sinh giỏi quốc gia.

Trước đó, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ với VietNamNet, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay đến thời điểm này Sở đã hoàn thành chấm xong bài thi môn Ngữ văn. Thống kê sơ bộ thì trong 12.846 bài thi môn Ngữ văn, bài thi có điểm cao nhất là 9,5 điểm. Phổ điểm nhiều nhất từ 5 đến 7,75.

Tại TP.HCM, Tuyên Quang cũng đã có điểm 9,5 cho môn thi này. 

Năm nay đề thi Ngữ văn có ba phần, trong đó Đọc hiểu - đưa ra ngữ liệu mới với học sinh nhưng các dạng câu hỏi học sinh đều được làm quen và ôn luyện kĩ; phần Nghị luận xã hội và phần Nghị luận văn học. Phần đọc hiểu, là trích đoạn sự ra đời của một dòng sông. Phần làm văn yêu cầu viết về sự cần thiết phải biết sống cống hiến và vẻ đẹp nữ tính trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đề Ngữ văn được nhận xét "quen thuộc" và phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp. Học sinh cũng quen thuộc với cấu trúc này nên không bất ngờ, bỡ ngỡ. Năm 2020, điểm trung bình bài thi môn Ngữ văn là 6,62. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 (chiếm tỷ lệ 9%). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Trong khi đó năm 2019, phần Đọc hiểu ra tác phẩm Trước biển của Vũ Quần Phương. Phần Làm văn ra tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Năm 2019 môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,49. Có 27,84% bài thi có điểm dưới 5. Môn Ngữ văn không có điểm 10 nào và có 1.265 bài thi bị điểm liệt (<=1). Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 6 điểm.

Còn 2018, phần Đọc hiểu ra bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy. Phần Làm văn yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước và ra tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ. Điểm trung bình môn Ngữ Văn năm 2018 là 5,45. Trước đó năm 2017, mức điểm trung bình của môn Ngữ văn đạt 5,51 điểm.

 >>> Mời quý phụ huynh và học sinh tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Lê Huyền

Thí sinh ở TP.HCM bị 0 điểm môn Ngữ văn vì lý do bất ngờ

Thí sinh ở TP.HCM bị 0 điểm môn Ngữ văn vì lý do bất ngờ

Một giám khảo chấm môn Ngữ văn ở TP.HCM chia sẻ đã có bài thi bị điểm 0. Lý do là thí sinh này không ....

GĐ Sở GD-ĐT Quảng Nam đã đọc lại bài thi điểm 10 Ngữ văn

GĐ Sở GD-ĐT Quảng Nam đã đọc lại bài thi điểm 10 Ngữ văn

Thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là em Đặng Văn Quang, học sinh ....

Bộ GD-ĐT 'chốt' thi tốt nghiệp THPT đợt 2 từ ngày 6-7/8

Bộ GD-ĐT 'chốt' thi tốt nghiệp THPT đợt 2 từ ngày 6-7/8

Bộ GD-ĐT cho biết, sau cuộc họp trực tuyến ngày 14/7 với các Sở GD-ĐT có thí sinh dự thi đợt 2, Bộ đã ....

Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2021

Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2021

Theo quy chế được Bộ GD-ĐT đưa ra, kết quả bài thi tốt nghiệp THPT sẽ chiếm 70% điểm xét tốt nghiệp. ....

Xuất hiện bài thi Ngữ văn 9,5 điểm ở TP.HCM

Xuất hiện bài thi Ngữ văn 9,5 điểm ở TP.HCM


https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/da-co-diem-10-mon-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-2021-757436.html?fbclid=IwAR17hqf5c2S1I_uT5w9LRsMDKu8Z4mwRfLnPGk7XpbMg7CGu4MZUooFeEOI



11.

Xuất hiện bài thi Ngữ văn đạt 9,5 điểm ở TP.HCM

TIN TỨC - SỰ KIỆN Chủ Nhật, 18/07/2021 13:45:52 +07:00

TP.HCM vừa ghi nhận một bài thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2021 đạt tới 9,5 điểm.

Hiện giáo viên TP.HCM đang chấm thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Một giám khảo chấm thi môn Ngữ văn tiết lộ, thành phố đã xuất hiện một bài thi Ngữ văn đạt 9,5 điểm, ngoài ra còn có bài đạt 9 điểm. "Tôi đã phải rất cân nhắc khi đặt bút chấm 9,5 điểm cho bài thi đó", vị giám khảo chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của vị giám khảo này, trong cùng 1 phòng thi đã ghi nhận nhiều bài thi được từ 8 điểm trở lên, còn lại chủ yếu 6 - 7 điểm.

Xuất hiện bài thi Ngữ văn đạt 9,5 điểm ở TP.HCM - 1

Đã xuất hiện bài thi đạt 9,5 điểm môn Văn thi tốt nghiệp THPT ở TP.HCM

Năm 2020, bài thi tốt nghiệp môn Ngữ văn ở TP.HCM cũng có nhiều điểm 8 - 9. Trong khi đó, điểm trung bình bài thi Ngữ văn của cả nước là 6,62 điểm.

Điểm số nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Ngoài ra, 119 thí sinh đạt từ 1 điểm trở xuống, chiếm tỷ lệ 0,01%. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 bài thi (chiếm tỷ lệ 9%). Hiện đã ghi nhận 2 thí sinh đạt điểm 10 ở Nam Định và An Giang.

Với môn Ngữ văn, TP.HCM bố trí thành 20 tổ chấm thi, mỗi tổ 18 người, chia làm 2 phòng. Giám khảo chấm thi được chia thành 4 ca và thời gian mỗi ca lệch nhau 30 phút. Việc ăn trưa hay ra về của các tổ chấm cũng được bố trí lệch giờ.

Giám khảo tham gia chấm thi môn Ngữ văn cho hay, việc chấm sẽ bám theo đáp án của Bộ GD&ĐT nhưng không quá cứng nhắc. Mỗi bài thi Ngữ văn sẽ được chấm qua 2 vòng, giám khảo 1 và giám khảo 2. Nếu bài làm của thí sinh có điểm lệch giữa 2 giám khảo dưới 0,75 điểm thì 2 giám khảo sẽ thảo luận lại để thống nhất về điểm số. Lệch từ 1 - 1,25 điểm thì ghi biên bản báo cáo để điều chỉnh. Nếu điểm bài thi lệch 1,5 điểm trở lên sẽ có giám khảo chấm lần 3.

https://vtc.vn/xuat-hien-bai-thi-ngu-van-dat-9-5-diem-o-tp-hcm-ar625076.html



10. Ngày 11/7/2021


Vào đầu những năm 2000, khi được giao soạn chương trình môn ngữ văn THPT, tôi đã đề xuất đề thi không được dùng lại văn bản đã học trong SGK, mà dùng văn bản khác, có độ khó tương đương, để tránh việc đọc chép, học thuộc và làm bài thiếu suy nghĩa sáng tạo. Tuy nhiều vào mùa thi đầu tiên của chương trình ấy, đề thi vẫn như cũ.. Tôi đã phản ánh tình hình này nhiều lầ cho ông thứ trưởng Bộ giáo dục hồi ấy, nhưng rồi ông bỏ qua. Tôi nghĩa đó là do áp lực của cách dạy cũ, cán bộ cục khảo thí sợ thay đề mới HS không làm được. Cũng có thể áp lực các, lò luyện thi lúc ấy ghê lắm. Nghe đâu cục khảo thí thường nhờ các thầy nổi danh trong các lò ra đề, cho nên đề phải theo lối cũ. Nếu dạy theo lỗi mới thì họ không thể luyện được.
Kiểu đề như hiện nay nghe đâu là do mấy cán bộ của cục và Viện khoa học giáo dục vận dụng tư tưởng giáo dục của Bruner mà ra đó. tôi thấy rất vớ vẩn. Hồi ấy tôi đã giới thiều các đề văn đọc hiểu của TRung Quốc như sau. Xin dịch một đề để mọi người tham khảo.
Đề bài thi đại học ĐỌC HIỂU của Trung Quốc (Đề thi ở Bắc Kinh, Nội Mông, An Huy năm 2001)
Đọc bài văn dưới đây, hoàn thành các đề từ 1 đến 4
ĐẤT VÀNG
Trâu Chí An
Bố tôi là một người nông dân rất bình thường, lao động một đời, lặng lẽ chết đi, như một nắm đất vàng. Đất vàng nuôi trồng hoa màu, nhưng phần lớn không mấy ai chú ý.Đại đa số nống dân Trung Quốc thế hệ trước đều như thế.
Ông chết vì bệnh tim phổi.Đó là một tron những căn bệnh uy hiếp nghiêm trọng sức khỏe của người lao động. Nông dân Trung Quốc lúc bình thường chẳng mấy khi đi bệnh viên viện khám bệnh, cho dù bệnh đã làm cho khật khừ rồi, vẫn còn đang lưỡng lự. Bố tôi năm Dân quốc thứ 18 phải đi chở lương thực trên núi Nam Sơn, chân lọi băng tan, khi về bong tróc hết mười móng chân, từ đó ngấmngầm sinh bệnh. Từ đó nửa đời sau ông cứ ho miết, nhưng chẳng bao giờ uống thuốc. Chỉ đến khi trước khi mất mấy tháng, do tôi bắt ép, ông mới chịu đi khám bệnh, làm điện tâm đồ, lần khám duy nhất trong đời. Bác sĩ bảo: Máy móc vận hành cả đời, nay trục chính đã hỏng, do không chịu chạy chữa, bảo dưỡng mà nên. Tạm thời uống một liều thuốc hơi đắt , gọi là An tâm mạch. Bố hỏi: Bao nhiêu tiền một lọ? Nghe nói hơn ba nghìn tệ, ông lặng im hồi lâu không trả lời. Cuối cùng bố bỏ: “Tôi không uống, tôi không sao đâu”. Khi tôi vắng mặt, bố tôi lặng lẽ không uống thuốc. Ông tính: Giá một lọthuốc gần giá 20 cân muối, thế là mấy đứa con dâu phải lao động biết bao ngày.
Bố bình thường cũng chỉ biết lao động. Lao động nặngnhọc khiên lưng ông gập xuống. Không biết mình đã sáng tạo ra biết bao của cải, tự mình cũng không nở tiêu một đồng tiền. Có lần tôi đưa cho bố hai đồng lẻ để bố mua quà ăn văt, nửa năm sau hỏi lại, ông vẫn để trong túi. Trong cơn bệnh nặng, bố nói mê, vẫn bảo: “Đã cho lợn ăn chưa đó?” “Cất cuốc vào nhà chưa?”, “Lúa mạch chín rồi, mau gặt đi.” Khi sắp mất, ông lặng lẻ rơi lệ, lưu luyến thế giới này, cái thế giới đã thấm đẫm mồ hôi của đời ông mà vẫn chưa giàu có lên được.
Bố tôi xưa này chẳng biết gì đúng sai, quan tâm mà không biết gì chuyện quốc gia đại sự, có thể nói về tinh thần là nghèo nàn. Kẻ giàu có thì được cho thêm, kẻ nghèo khó thì bị tước đoạt, vậy bố tôi đã bị tước đoạt. Ngày trước do nghèo khó mà không có dịp được học hành văn hóa, sau này tuy được giáo dục chính trị nhiều lần mà cũng chẳng hiểu gì cả. Nhưng bố tôi không tiếc nuối gì, ví ông có lao động, nó đã bù đắp cho ông bao nhiêu thiếu thốn. Kẻ khéo thì lao lực, kẻ trí thì lao tâm, kẻ bất tài thì chẳng có mà mong cả. Nhưng bô vẫn có điều mong: mong thế sự không loạn, có ngày tháng yên ổn.
Bây giờ bố mất rồi. Một đời lao động với đất vàng, cuối cùng lại về với đất vàng. Đất vàng biết bao khoan dung, bất kể thiện ác, cuối cùng đều ôm hết mọi người.
Lúc ấy tôi quỳ xuống bùn đất để tiễn bước bố tôi. Tôi từng nghĩ rằng: Bố sống 77 tuổi, đã không dễ dàng, mà xung quanh đây người sỗng bảy tám mươi thật quá ít. Không phải là các cụ không muốn sống lâu, cũng không phải các con cháu không hiếu thuận, mà chỉ vì mức sông quá ư thấp kém. Vậy hãy phát triển sản xuất thật mau, cải thiện đời sông của nhân dân, đó là phươg cách có thể để ông cha sông lâu thêm với con cháu. Khóc cũng vô ích, Buồn cũng chẳng giúp gì. Người chết đã mất rồi, người sống hải cố gắng.
Tướng quân hay lãnh đạo có chết, sẽ có vô số bài điếu văn, bởi họ đã có nhiều công lao. Một người lao động bình thường như bố tôi chết đi, chúng tôi rắc lên một nắm đất vàng, và mong mọi người có lòng dung nạp.
1. Bài văn này có nhan đề “Đất vàng”, hãy phân tích ý nghĩa biểu tượng của hai chữ đất vàng.
2. Phân tích hình tượng bố tôi trong bài văn.
3. Dùng một hai câu khái quát tình trạng của nông dân Trung Quốc đương thời.
4. Các nhận định về bài văn này dưới đây có hai ý không đúng. Hãy chỉ ra ý đó :
a. Hình ảnh ví von của bác sĩ đã chỉ ra tình trạng lao động thành bệnh, bệnh không thể chữa được.
b. Bố dừng uống thuốc, chủ yếu là do tiếc tiền, đồng thời cũng cho thấy lúc đó thiếu điều kiện thuốc thang.
c. Bố quan tâm mà chẳng hiểu gì về chuyện quốc gia đại sự, vừa phản ánh tinh thần yêu nước, vừa biểu hiện trạngt hái u tối ngu muội của người dân.
d. Mở đầu viết bối tôi…như một một nắm đất vàng, rồi đoạn kết viết: Tôi rắc nắm đất vàng, trước sau hô ứng, làm gia tăng ý nghĩa của “đất vàng”.
e. Lời văn chất phác, bình dị, lại khéo sử dụng chi tiết, đã khắc họa sinh động chân dung người bố.

f. Hình ảnh người bố rất bình dị, mà gây xúc cảm sâu sắc.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1703445993173892&id=100005255232519


9.





Công bố đáp án môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT


11/07/2021 | 00:19

SVVN - Bộ GD - ĐT vừa công bố đáp án và thang điểm chấm thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Câu hỏi phần làm văn liên quan đến tác phẩm "Sóng" của Xuân Quỳnh chiếm 5 điểm, trong khi phần nghị luận xã hội chiếm 2 điểm.

Đề thi:

Công bố đáp án môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT ảnh 1

Đáp án và thang điểm:

Công bố đáp án môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT ảnh 2
Công bố đáp án môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT ảnh 3
Công bố đáp án môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT ảnh 4

Ngữ văn là môn đầu tiên và cũng là môn duy nhất thi dưới hình thức tự luận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết thúc buổi thi môn này sáng 7/7, nhiều thí sinh tiếc nuối về ôn "lệch tủ". Tuy nhiên, do tác phẩm "Sóng" và vấn đề nghị luận xã hội quen thuộc, nhiều em vẫn làm bài ổn.

Đánh giá về đề thi, các giáo viên đều cho rằng đề có cấu trúc giống đề tham khảo, kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Nội dung câu hỏi cơ bản, không đánh đố thí sinh nhưng vẫn có câu phân loại để phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Bài thơ 'Sóng' vào đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT, gợi ý làm bài môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT. Tổng số thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay hơn 1.021.000, nhiều hơn năm trước khoảng 100.000. Trong đó, số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759.000. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55% và xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%. Hiện, còn khoảng 23.500 thí sinh chưa thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những em này sẽ thi đợt 2 với lịch cụ thể sẽ được Bộ GD - ĐT thông báo sau.


https://svvn.tienphong.vn/cong-bo-dap-an-mon-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-post1354119.tpo



8.


-Nhân việc Bộ GDĐT ra đề thi tốt nghiệp cấp 3 Ngữ văn yêu cầu thí sinh “cảm nhận” về mười mấy câu thơ của Xuân Quỳnh, rồi từ đó nhận xét về "vẻ đẹp nữ tính" trong thơ bà, mới thấy việc dạy-học Ngữ văn trong trường phổ thông mấy chục năm qua đã mòn sáo đến mức khủng khiếp.
-Dù nhân loại đã thám hiểm sao Hỏa và bay lên vũ trụ, robot đã làm thay việc của bác sĩ và ...nhà báo, thì môn Ngữ văn trong trường phổ thông của chúng ta, vẫn trung thành, chung thủy với lối “đọc-chép”. Dù có vật vã thế nào, thì bản chất mô hình không thay đổi. SGK đưa ra một số bài văn-thơ tinh tuyển, mấy chục năm không thay đổi, rồi thầy trò phải “đọc-hiểu” hay học thêm, thảo luận gì đó, để “rút ra” những định đề có sẵn, ví dụ “YÊU-CĂM-CHIẾN-LẠC”: yêu thương-căm thù-chiến đấu-lạc quan”.
-“Truyện Kiều” phải là phản ánh xã hội phong kiến thối nát, tham ô tham nhũng, vùi dập con người...mặc dù, nếu cụ Nguyễn Du sống lại, được yêu cầu phân tích “Truyện Kiều” theo yêu cầu của đề thi tốt nghiệp, thì cụ sẽ bị ngay điểm liệt, vì không đúng...đáp án của Bộ.
-Đưa ra một vài câu thơ, truyện ngắn, mà các giáo sư, tiến sĩ tự cho là hay nhất nước, rồi tán tụng mấy chục trang giấy, viết vào sách giáo khoa, thầy, cô cố gắng học, truyền lại cho sinh viên, sinh viên về truyền lại cho học sinh, học sinh cố gắng nhồi nhét cho nhớ, đi thi chép lại cho chuẩn, chế thêm vài câu cho mướt mải, thế là thành học sinh giỏi văn, đạt điểm cao, thủ khoa!
-Một bà chị, đã đi học bên Nga về, làm ở cơ quan tôi, thốt lên: lúc nhỏ thấy bài Sóng của Xuân Quỳnh hay, mê lắm, bây giờ thấy chẳng hay ho gì, luẩn quẩn, vu vơ. Đó là bà chị đã học xong rồi, chứ còn đi học thì không hay cũng phải nói hay, không thì chỉ có nước...chết.
-Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết...cũng như âm nhạc, hội họa, bóng đá, cờ vua...là các môn nghệ thuật, thể thao, có tính chất giải trí, tự do tự tại. Chúng ta hãy nhớ lại truyện “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan, để thấy chuyện ép uổng, “định hướng” trong các món nghệ thuật, thể thao, giải trí là vô duyên, ngớ ngẩn như thế nào.
-Nghệ thuật, liên quan đến năng khiếu và sở thích, cá tính, gu thẩm mĩ, cũng như tình yêu. Cùng một tác phẩm, có người đam mê, sùng kính, đến mức “nghiện”, nhưng sẽ có người hoàn toàn không có cảm xúc gì, thậm chí không thích. Không thể đưa ra một tác phẩm nghệ thuật, dù là kiệt tác, rồi áp đặt cho người khác cách hiểu, cách cảm của mình, buộc người khác phải tuân theo, nếu không tuân theo thì bị trừng phạt (cho điểm thấp, không đạt, phải thi lại).
-Ở góc độ khác, một số giáo viên mặc dù không thích, không có hứng thú gì đối với tác phẩm trong SGK, nhưng vì “ăn cơm chúa” nên cũng phải “gồng” lên mà dạy theo bài bản, theo sách giáo viên, bản thân không yêu nhưng cũng vờ yêu rồi yêu cầu các bạn trẻ cũng phải yêu.
P/s: Đọc đề thi Ngữ văn của các nước khác, mới giật mình, và ngộ ra là vì sao họ trở thành siêu cường, hùng mạnh, còn ta thì mãi “đang phát triển”.

https://www.facebook.com/vandaiht/posts/2464431503689408


-Không biết ai mở màn, nhưng thực sự hiện nay đang có “trào lưu” giáo dục đạo đức thông qua đề thi Ngữ văn. Có thể thấy trong đề thi tốt nghiệp năm 2021, mới thi xong hôm nay.
-Trong đề thi ấn định 120 phút làm bài, Bộ GDĐT đã “cài đặt” đến 2 bài luận có tính chất giáo dục đạo đức. Người hời hợt, dễ dãi sẽ vỗ tay tán thưởng, nào là hướng thiện, giáo dục về lẽ sống, về những điều tốt đẹp, cao cả... cho học sinh, reo lên: “lẽ sống cống hiến vào đề thi Ngữ văn”... nhưng nếu phân tích cụ thể thì thấy rất thô thiển, khiên cưỡng.
-1 đoạn trích nói về dòng sông, là một hiện tượng tự nhiên. Thực chất, sông hoàn toàn “vô cảm” với con người: có thể đem lại lợi ích, nhưng cũng có thể dìm chết người, tàn phá làng mạc, đất đai. Nhưng người ra đề đã “bốc” lên, khi yêu cầu thí sinh rút ra bài học về “lẽ sống” thông qua “hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích”. Đây là một yêu cầu áp đặt và khiên cưỡng, vì con sông không liên quan gì đến cái gọi là lẽ sống (sự lựa chọn của con người) cả.
-Câu 1 phần Làm văn cũng tiếp tục lặp lại lỗi logic như câu 4 của phần “đọc hiểu”, khi tiếp tục yêu cầu thí sinh trình bày về “sự cần thiết phải biết sống cống hiến” từ chuyện con sông. Học sinh rồi cũng sẽ viết ra được và tán tụng về nội dung “sống cống hiến” theo yêu cầu của người ra đề, về những điều xa vời mà các em chưa thể thấu hiểu, vì chưa đủ kiến thức và trải nghiệm.
-“Lẽ sống”, “sống cống hiến” là những điều cao xa mà con người cần có trí tuệ uyên thâm, có trải nghiệm sống sâu sắc mới “ngộ” ra được. Nay yêu cầu học sinh lớp 12, hầu hết đang trong vòng tay cha mẹ và học hành theo kiểu ghi nhớ, lại luận bàn về những điều cao siêu mà ngay cả rất nhiều người lớn chưa thấu hiểu. Đã thế còn yêu cầu chỉ viết cô đọng trong mấy câu, vài trăm chữ.
+Có 2 khả năng xảy ra: 1 là các siêu nhân, thánh nhân, dù ở tuổi 18 nhưng đã ngộ được chân lý cuộc sống; hai là các em sẽ viết kiểu tán tụng, nói “lấy được” theo kiểu trả bài, hoặc lên gân lên cốt kiểu: rồi tôi sẽ “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ Tổ quốc cần”, “dâng bầu máu nóng cho Tổ quốc”, sống như Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Tám...
-Sau này, nếu nhớ lại, chắc nhiều em sẽ ngộ ra rằng: “lẽ sống” thì rất đẹp, nhưng trước hết phải “sống” cái đã, nghĩa là có công việc, có thu nhập, có vị trí trong xã hội, cơm ăn, áo mặc...thì lúc đó mới nói chuyện đạo lý được. Còn thất nghiệp, bơ vơ, nghèo đói, thì muốn “cống hiến” cũng xa vời lắm.
-Vậy thì “giáo dục đạo đức” như thế để làm gì, đem lại cái gì? Không rõ, nhưng ít ra thì người ra đề cũng có cảm giác bản thân đang “gieo hạt giống đạo đức”, hi vọng học sinh sẽ trở nên đạo đức hơn sau khi làm bài thi về đạo đức; và tự hào về nền giáo dục tràn đầy, mênh mông đạo đức, lý tưởng.

https://www.facebook.com/vandaiht/posts/2463184220480803




-Đề thi “Đọc-hiểu” dành cho đối tượng là học sinh bản ngữ đã 18 tuổi và có 12 năm học tiếng mẹ đẻ là vô duyên, ngớ ngẩn. Đọc-hiểu là kĩ năng cơ bản dành cho đối tượng học ngoại ngữ. Đối với học sinh lớp 12, đã 18 tuổi thì không cần kiểm tra kĩ năng này, vì nó đã trở thành đương nhiên và tạo nền tảng cho kĩ năng cao cấp hơn là “làm văn” (tạo lập văn bản).

-Tuy nhiên, điều ngớ ngẩn này cứ lặp đi lặp lại và được phô diễn trong đề thi cấp quốc gia ở mức không còn gì... vô duyên hơn. Sự vô duyên thể hiện ngay trong yêu cầu đầu tiên của đề đọc hiểu: “sự ra đời của 1 dòng sông được diễn ra như thế nào?”: thí sinh chỉ cần chép lại câu đầu tiên của đoạn trích, là xong.

+Tương tự, câu 2 “đọc-hiểu”, thí sinh chỉ cần chép lại câu cuối cùng của đoạn trích, ok.

+Câu 3 “đọc-hiểu”, yêu cầu trở nên đột ngột quá khó và trừu tượng, không hiểu người ra đề muốn hỏi điều gì.

+Câu 4 “đọc-hiểu”: yêu cầu khó, trừu tượng, và đã hoàn toàn lạc sang yêu cầu của đề “làm văn”. Thực chất đây là yêu cầu viết một bài luận lấy “cảm hứng” từ đoạn trích.

-Câu 1 của phần Làm văn, là một bài luận, yêu cầu tượng tự, trùng lặp với câu 4 “đọc hiểu”. Câu 4 đọc hiểu là luận về bài học lẽ sống; câu 1 “Làm văn”, là luận về “phải biết sống cống hiến”.

Thí sinh làm bài đạt yêu cầu, mà không trùng lặp ý giữa 2 câu trên, có lẽ chỉ có “thí sinh” đi...ra đề.

-Câu 2 “Làm văn”, là một bài luận về văn chương. Như vậy là có đến 3 bài luận trong 1 đề thi Ngữ văn, thời gian 120 phút, trong đó bài 1 và 2 trùng lặp, giẫm chân nhau về chủ đề (bản chất là luận về lẽ sống cống hiến...).

-Câu 2 làm văn (cảm nhận về một số câu thơ), là lối cũ ta về, mở đường cho phương pháp đọc - chép, học thuộc cũng có tuổi thọ đã...hàng trăm năm qua của nền giáo dục Việt Nam.

+Nói là “cảm nhận”, nhưng thí sinh cứ việc viết lại những điều thầy cô, giáo sư, tiến sĩ, sách giáo khoa, sách văn mẫu... đã “cảm nhận”, thành kinh điển rồi, thế là ăn điểm. Còn tự do, tùy tiện, cảm tính, nêu “cảm nhận” riêng không giống thì ai, thì có nước về...ôn thi lại.

+Nếu đề dừng lại đó, thì chẳng nói làm gì. Nhưng mấy ông ra đề, có vẻ cảm thấy đề còn chưa được bác học lắm, nên đã chêm vào yêu cầu “Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”.

-.Nếu ai đó, đưa cho bạn 1 ảnh bàn chân, rồi yêu cầu bạn phân tích vẻ đẹp nữ tính của một cô gái, hay đưa cho bạn 1 cái bánh xe, rồi yêu cầu chứng minh đẳng cấp của một hãng ô tô, thì cũng giống như Bộ GD ĐT đã đưa mấy câu thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh, rồi yêu cầu thí sinh “nhận xét về vẻ đẹp nữ tính” trong thơ bà.

-Mà, thực ra khái niệm “vẻ đẹp nữ tính trong thơ” rất tào lao, mông lung, cảm tính, thuộc tập...chưa xác định. Các giáo sư, tiến sĩ, đọc hết sách hết vở, cũng chưa thống nhất được, thế nào là “vẻ đẹp nữ tính trong thơ”, nó gồm những đặc điểm, tính chất gì, hương vị, mùi vị ra sao...Thực ra đây là nhận xét vu vơ, cảm tính: thế trong thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính...có vẻ đẹp “nam tính” không? Bài thơ mà không biết tác giả là nam hay nữ (khuyết danh), thì có vẻ đẹp gì, nam hay nữ, hay ái nam ái nữ?

-Tóm lại là vì các vị đi ra đề, chưa giỏi nhưng lại thích nói chữ, nên đâm ra rắc rối, hỏa mù. Nếu nói là “vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ”, hay “vẻ đẹp tâm hồn nữ giới trong tình yêu”, thì còn nghe được. Nhưng thực chất tào lao cả, khi yêu thì nam hay nữ cũng như nhau thôi, nam yêu cũng đẹp chứ.

-P/s: Tóm lại là cảm giác nản, đề, thi cử kiểu ấy, thì không hiểu sau 12 năm đèn sách Ngữ văn, các tú tài của chúng ta sẽ có được những kiến thức, kĩ năng gì? Có cần phải nhồi nhét môn Ngữ văn như hiện nay, làm khổ, tốn kém tiền bạc, thời gian không biết bao nhiêu mà kể.

https://www.facebook.com/vandaiht/posts/2462856453846913





7.



 07/07/2021 06:32 Trung Dũng
GDVN- "Cần mạnh tay đổi mới cho toàn bộ nhân lực của Bộ, người nào không đủ tiêu chuẩn có thể cho nghỉ mới mong có một bộ máy thật mạnh mẽ", Giáo sư Dong nhận định

Ngày 24/6/2021, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố chỉ số PAR INDEX năm 2020. Đáng chú ý, theo bảng đánh giá này, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 6 bậc so với năm 2019, xếp cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong năm 2020, thấp nhất trong số 17 bộ, cơ quan ngang bộ.

Sau khi bảng chỉ số này được công bố khiến dư luận không khỏi thắc mắc, không biết chuyện gì đang xảy ra khiến Bộ Giáo dục có chỉ số đánh giá thấp như vậy. Liệu, để cải thiện được tình hình này thì đây có phải là một nhiệm kỳ đầy căng thẳng và vất vả Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hay không?.

Chia sẻ dưới góc độ để góp ý và chung tay cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi tích cực trong hành trình mới, để có được những chỉ số khả quan hơn cho năm sau, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết:

“Theo tôi, có thể bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cũ quá. Vì thế, rất có thể nhiều phương án về cải cách hành chính mà Bộ này đưa ra nó chưa thực sự thiết thực và có được hiệu quả tương xứng như mong muốn.

Bản thân tôi cũng đã từng là một thành viên trong Ban sửa đổi Luật giáo dục, vì thế mà tôi thấy rằng, ngay chính trong khâu soạn thảo các văn bản, quy trình ra các quyết định của Bộ Giáo dục nhiều khi cứ đưa ra, được một thời gian thì rút lại. Riêng mấy vấn đề thiếu nhất quán như thế cũng đã làm ảnh hường không nhỏ đến uy tín của Bộ rồi. Vì thế, khi Bộ Nội Vụ tiến hành khảo sát để cho ra những chỉ số đánh giá như thế về Bộ Giáo dục là không oan!”.

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh

Chúng tôi cũng đề cập đến chuyện, có phải vì đang có sự buông lỏng trong một số cơ quan của Bộ Giáo dục để dẫn đến những ồn ào trong thời gian gần đây. Ví dụ như vụ cấp dưới tự ý sửa văn bản của Thứ trưởng khiến Bộ Giáo dục phải thành lập Hội đồng kỷ luật xảy ra mới đây đã làm cho uy tín của Bộ này bị giảm sút [1].

Nhận định về việc này, Giáo sư Dong cho biết: “Thực tế thì trong một cơ quan đơn vị nào cũng sẽ có chuyện nọ chuyện kia, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Nhưng đó không hẳn là nguyên nhân căn bản của sự việc. Theo tôi, cái gốc vẫn là quan niệm về đổi mới trong xã hội hiện nay của đội ngũ tham mưu cho lãnh đạo Bộ chưa ổn.

Đặc biệt, có những bộ phận vẫn giữ lại quan niệm và cách điều hành công việc theo lối cũ, có sẵn, không theo kịp với tình hình mới. Bây giờ cải cách rồi thì những người làm công tác hành chính của Bộ cũng phải có sự nghiên cứu thực tế và đưa ra các phương án cụ thể.

Ví dụ, vừa qua cũng đã có cơ quan trực thuộc tham mưu cho lãnh đạo Bộ đưa ra phương án về quy định chất lượng giáo viên cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Có thể thấy, nếu Bộ Giáo dục vẫn không thay đổi được tư duy cũ, ăn sâu vào tiềm thức của đội ngũ nhân lực nội bộ của mình thì tôi nghĩ nhiệm kỳ này là một nhiệm nhiệm cực kỳ vất vả với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn để có thể đưa bộ máy chuyển động đúng hướng”.

Góp ý về đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính với Bộ Giáo dục, Giáo sư Dong chia sẻ: “Vẫn còn một thực tế đó là, bộ máy tham mưu các kế hoạch, chính sách cho lãnh đạo Bộ Giáo dục vẫn đang rất yếu kém, nhất là lãnh đạo của một số Vụ.

Chẳng hạn, có một số cấp Vụ phụ trách một mảng giáo dục, nhưng khi xuống khảo sát, đánh giá về hiện trạng ở cơ sở mà Vụ đó quản lý thì trình độ và khả năng nhìn ra vấn đề để giải quyết sự việc của các cán bộ Vụ có khi còn yếu hơn cơ sở. Vậy thì làm sao có thể tham mưu tốt cho lãnh đạo Bộ được.

Về việc này, tôi nghĩ Bộ Giáo dục cũng nên mạnh tay để tổ chức một đợt sàng lọc lớn trong nội bộ. Việc này, nếu kiên quyết thì có thể chúng ta làm được, khi ấy mới mong có được một bộ máy Bộ Giáo dục thật mạnh mẽ đễ có thể đảo ngược được tình thế, đem lại kết quả tốt về cải cách hành chính trong những năm sau.

Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các Bộ và cơ quan ngang Bộ năm 2020.

Ảnh: chụp màn hình Moha.gov.vn

Cụ thể là cần tạo ra một đợt khảo sát đánh giá năng lực cho toàn bộ nhân lực của Bộ. Xét thấy người nào không đủ tiêu chuẩn thì cho nghỉ. Hoặc tổ chức theo dõi độc lập các nhân sự trong một thời gian, người nào làm yếu, kém thì thay thế.

Đồng thời, cũng nên tổ chức các đợt thi tuyển để chọn lựa và đưa vào bộ máy những người có năng lực thực sự vào làm việc. Tóm lại, Bộ Giáo dục nên có một cuộc đổi mới nhân sự thật mạnh mẽ và trên diện rộng để tuyển chọn những nhân sự thật xứng đánh, đủ tầm thì mới mong bộ máy ấy hoạt động tốt lên được.

Vì để có thể “lội ngược dòng” trong việc thay đổi chỉ số xếp hạng cải cách hành chính thì cần cả một bộ máy tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Bộ. Một mình Bộ trưởng Sơn không thể xoay chuyển được tình hình”.

Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) là gì?

PAR INDEX 2020 là kết quả điều tra xã hội học bằng cách phát 22.500 phiếu để cán bộ, công chức tự đánh giá và hơn 36.000 phiếu ghi ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

PAR Index gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân.

Nội dung của Chỉ số được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm:

1. Công tác chỉ đạo điều hành CCHC;

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL;

3. Cải cách thủ tục hành chính;

4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;

5. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC

6. Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan HC và ĐVSN công lập;

7. Hiện đại hóa nền hành chính;

8. Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Tổng điểm của PAR Index là 100 điểm với phương pháp đánh giá như sau: thông qua kết quả tự chấm điểm của địa phương (đánh giá bên trong) với số điểm tối đa là 62/100 điểm và kết quả điều tra xã hội học (đánh giá bên ngoài) với số điểm tối đa là 38/100 điểm [2].

Tài liệu tham khảo:

[1] http://daidoanket.vn/cap-duoi-tu-y-sua-van-ban-cua-thu-truong-bo-gddt-thanh-lap-hoi-dong-ky-luat-5642256.html

[2] http://sonoivu.tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/?/Tim-hieu-ve-cac-chi-so-danh-gia-dia-phuong-trong-cac-linh-vuc-Cai-cach-hanh-chinh-nang-luc-canh-tranh-hieu-qua-quan-tri-va-hanh-chinh-cong

Trung Dũng

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/neu-chua-cai-to-doi-ngu-tham-muu-bo-truong-son-kho-long-cai-thien-chat-luong-post219134.gd?fbclid=IwAR2SimfFHZ4x1fVCKxYOYiq4BuuL_aWlaDkrt_eJba1PVnRi2mW5HXs0FOw




6.

xem đề thi môn ngữ văn có thể thấy trình độ và tri thức của giới nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn như thế nào. có thể thấy, ít nhất, họ thường đọc những tác phẩm vớ vẩn, không có giá trị, và không có khả năng đọc tác phẩm bằng tiếng nguyên gốc. họ chỉ thụ cảm được những thứ ngôn ngữ hàng mã và mỹ ký. nhưng tôi cực kỳ băn khoăn và không hiểu sao họ có thể bỏ tiền ra mua những sách như thế?

https://www.facebook.com/donga01/posts/10224092323967886



5. Ngày 9/7/2021

Con người sinh ra phải đi nên biết đo quãng đường dài hay ngắn, phải làm việc nên biết ngày đêm mà tính thời gian. Toán học đến với con người từ cuộc sống. Học Toán là nhu cầu tự nguyện. Tự nguyện đến mức thành thuộc tính.
Nhưng học Toán ngoài phạm vi nhu cầu sẽ dẫn đến hoang phí và tội lỗi. Người phải học bị hoang phí về trí não, thời gian, công sức, tiền bạc. Người bắt học có tội vì gây ra hoang phí cho người học và cho toàn xã hội. Đó là chưa nói đến tác hại của giận dữ và chống đối.
Con người sinh ra phải chung sống với nhau, phải chống chọi với thiên nhiên, phải duy trì nòi giống, phải nói chuyện với nhau, phải đối xử với nhau… - từ đó mà sinh ra Văn. Văn là nhu cầu thiết yếu của con người. Con người lớn lên không biết mình đã tự nguyện học Văn. Học Văn là thuộc tính của con người. Nhưng học Văn ngoài phạm vi nhu cầu - cũng như học Toán – cũng dẫn đến hoang phí và tội lỗi.
Văn không chỉ để cho người theo nghiệp Văn. Toán không chỉ để cho người theo nghiệp Toán. Tương tự như vậy là các bộ môn Vật Lý, Hoá Học, Sinh Học, Địa Lý, Lịch Sử, Thiên Văn Học, Triết Học… - không của riêng ai. Mỗi cá nhân đều có nhu cầu. Chỉ khác nhau ở phạm vi và mức độ mà không có thước đo chính xác.
Nhân đọc đề thi môn Văn của Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, xin mạo muội đưa ra vài điều suy nghĩ. Thực lòng, là đã từ lâu lắm rồi - phải thay đổi mục đích và cách thức ra đề thi môn Văn. Đi trước đó là cách dạy Văn và học Văn.
I. BỎ PHẦN “ĐỌC HIỂU”
18 tuổi dư thừa khả năng sinh con cái để nối dõi giống nòi, trở thành người lính ra mặt trận, trở thành công dân được bỏ phiếu lựa chọn nguyên thủ quốc gia. Những chức năng trọng đại vừa nêu không yêu cầu “ĐỌC HIỂU”.
Ai cũng cần “ĐỌC” để “HIỂU”. Nhưng “ĐỌC HIỂU” là yêu cầu cho người mới học chữ, cho giai đoạn đầu học chữ. Yêu cầu “ĐỌC HIỂU”nên dừng ở giai đoạn Tiểu học. Nhiều lãnh đạo cao cấp của nhà nước VNDCCH và CHXHCNVN cũng chỉ học hết bậc Tiểu học. Họ chỉ đạo cả Bộ Giáo Dục và Đại học, chỉ đạo cả Hội Nhà Văn…Họ không phải thi “ĐỌC HIỂU”. Người khác phải trích dẫn họ để “ĐỌC HIỂU”!
“ĐỌC HIỂU” (với những câu hỏi mang tính dò câu chữ để sao chép lại làm câu trả lời) trong đề thi môn Văn TN THPT Quốc gia, dành cho những người 18 tuổi trưởng thành với 3 chức năng trọng đại vừa nêu trên, dường như đã hạ thấp giá trị hiểu biết và tư thế của người tốt nghiệp THPT trên bình diện quốc gia.
Sẽ có người biện luận rằng “ĐỌC HIỂU” trong đề thi Văn Tốt nghiệp PTTH là thuộc “mức độ cao” (bỗng chợt liên hệ đến mức độ ‘tín nhiệm cao” của QH!). Đó là sự giải thích không có cơ sở, vì không có thước đo “mức độ cao”. Nếu là “ĐỌC HIỂU” ở “ mức độ cao” như có ai đó mong muốn, thì điều đó được thể hiện ở phần “LÀM VĂN”.
Xin xem phần “ĐỌC HIỂU” của đề thi năm 2021 để đối chiếu. Các câu hỏi của phần “ĐỌC HIỂU” trong đề thi này mang tính dò câu trích chữ, không xứng với vị trí và tâm thế của người trưởng thành trước lúc đi ra “biển lớn”.
Không phải nhà văn nước ngoài nào viết điều gì cũng đúng, cũng hay, chưa nói đến bản dịch không sát nghĩa, thậm chí còn sai. Đoạn trích của đề thi Văn năm 2021 là đoạn Văn dài mà chuyển tải ít thông tin - chưa xứng để trích làm mẫu cho một đề thi Văn Tốt nghiệp THPT Quốc gia. Trong đoạn văn có lỗi ngữ pháp, có cách biểu đạt chưa chính xác, tối nghĩa. Ví như ‘Dòng sông, giờ đã ở tuổi xế chiếu”. Chẳng biết thế nào là “tuổi xế chiều” của dòng sông. Hay như “ món quà cuối cùng mà nước dành tặng cho loài người, trước khi nó hiến mình cho đại dương vào lúc cuối đời”. Sao lại “cuối đời”? Phải chăng là do dịch sai? Không muốn bàn thêm chi tiết ở đây, vì khuôn khổ hạn chế của bài viết, dẫu biết rằng sẽ dẫn đến sự tranh luận. Nhưng tóm lại, đoạn trích dẫn là một sự lựa chọn chưa thoả đáng. Có thể là do yêu cầu mỗi người khác nhau.
Từ bao giờ, sự trích dẫn tác giả nước ngoài mong trở thành chiếc khiên che chở khỏi sai sót? Điều này khá phổ biến trong các đề thi Văn, và trong cả biên soạn sách giáo khoa môn Văn.
II. CÁC HẠN CHẾ TRONG PHẦN “LÀM VĂN”
Hạn chế thứ nhất, rằng đã hình thành một “thói quen” - một “thói quen” không sòng phẳng - khi lấy tác phẩm của các nhà văn nhà thơ trưởng thành từ miền Bắc thời VNDCCH và CHXHCNVN làm đề thi nghị luận cho môn Văn trong nhiều năm.
Thi Văn tốt nghiệp THPT Quốc gia phải bao quát văn chương qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Thi Văn tốt nghiệp THPT Quốc gia không dừng lại ở thể chế, vùng miền.
Điểm hạn chế thứ 2 cần lưu ý - là dù nhà văn nhà thơ có xuất sắc đến đâu cũng có nhiều người không đọc. Lấy tác phẩm của một người làm nội dung xuyên suốt cho bài nghị luận, không chỉ không công bằng cho những người chưa biết đến tác phẩm, tác giả, mà quan trọng nữa là sẽ hạn chế khả năng vùng vẫy của những tài năng (đừng lý luận là có trong chương trình, có trong chương trình mà không yêu thích thì cũng không nhớ đến).
Kiến thức môn Văn sau 12 năm học mênh mông như biển khơi. Mênh mông không phải do kiến thức học được. Mà do kiến thức học được lại được nhân lên cấp số nhân bởi tư duy của người làm Văn. Gò bó trong một tác phẩm, tác giả - là trói buộc mức độ thể hiện kiến thức. Đừng nghĩ rằng các em chưa đủ dự trữ để thể hiện. Hãy tạo cơ hội cho các em thoả thích thể hiện tài năng.
Bởi thế, đề thi nghị luận môn Văn cần khắc phục các điểm hạn chế vừa nêu. Tránh bám vào một giai đoạn, một thể chế, một vùng miền. Tránh bám vào một cá nhân, một tác phẩm.
Văn ôn võ luyên. Nhưng thi theo các bài được ôn kỹ, theo một số tác giả tác phẩm, như thường nói “trúng tủ”, không đưa đến thành tựu xuất sắc. Điểm cao không phải là điều để khen, càng khó tự hào.
III. ƯỚC MONG MỘT ĐỀ THI VĂN KHÁC
Ra đề thi như thế nào thì học thi theo cách đó.
Lần câu trích chữ để trả lời những câu hỏi trong phần “ĐỌC HIỂU” là cách ra đề vụn vặt.
Bám vào một tác phẩm của một tác giả trong phần “LÀM VĂN” để nghị luận là hạn hẹp.
Những tài năng Văn Việt là do trời phú và học hỏi ở đời, chứ không phải sinh ra từ cách thi “ĐỌC HIỂU”, cũng không nhờ cách nghị luận hạn hẹp trong khuôn khổ một cá nhân, một tác phẩm. Tài năng không thể trói buộc. Chịu trói buộc không thể hoá tài năng.
18 tuổi lập gia đình riêng. 18 tuổi đi nghĩa vụ quân sự. 18 tuổi trở thành công dân được quyền bầu chọn nguyên thủ quốc gia. Đó là tuổi ra biển lớn đề vùng vẫy. Phải chuẩn bị hành trang và dựng xây tâm thế cho kình ngư, không bao giờ nhồi nhét nghĩ suy của loài quanh quẩn. Đó mới là mục đích sâu xa của Giáo dục Phổ thông mà môn Văn giữ một vai trò trụ cột.
Người Nhật không chọn loài cá quanh quẩn để ăn sống. Họ chọn những loài cá vùng vẫy để làm món Sashimi.
Dẫu có phải chết cũng nên là loài vùng vẫy. Muốn là loài vùng vẫy thì phải được khuyến khích, nuôi dưỡng và dạy dỗ làm loài vùng vẫy.

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2390031914463558





4. Ngày 9/7/2021

Hình chụp đề thi Ngữ văn này mượn từ trang của Phó giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Thiện Nam, trong đó ông gạch đỏ 3 lỗi ngữ pháp. Bất cứ ai học hành đàng hoàng hết bậc tiểu học đều dễ dàng phát hiện ra 3 cái lỗi sơ đẳng này. Để cho những kẻ trình độ ngữ văn chưa qua bậc tiểu học đi sát hạch các tú tài, một lần nữa cho thấy sự cẩu thả của Bộ Giáo dục.
Nhưng chưa hết, hãy đọc phần mở đầu của đoạn trích : “Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời”. Sự hình thành của một dòng sông được mô tả như vậy đấy ! Dòng sông chẳng bao giờ bắt đầu hình thành “từ những kẻ hở trên mặt đất, nước trào lên” cả. Hoàn toàn sai kiến thức. Nhưng bạn muốn cãi với Bộ Giáo dục thì hãy trật đầu gối mình ra cãi đi !
Tạm gác vấn đề kiến thức, ở đây chỉ nói dạy và học tiếng Việt. Cái đề thi nói trên có lẽ phản ánh đúng nhất tình trạng dạy và học tiếng Việt trong các nhà trường phổ thông của chúng ta. Chưa nói đến sự cẩu thả đến mức ra đề sai những câu cú sơ đẳng, ngay cả việc dạy đúng ngữ pháp thì thứ ngữ pháp tiếng Việt mà nhà trường mang ra dạy học trò cũng là dạy cho các em nói những câu mà trong cuộc sống bình thường không ai nói. Các em học ngữ văn trong nhà trường, nếu về nhà nói đúng như sách giáo khoa thì chắc sẽ làm cho cha mẹ các em lo lắng, lo lắng con mình đi học riết rồi bị khùng. Tôi đã từng đề cập vấn đề này tại đây :
Giáo sư Cao Xuân Hạo từng dẫn lời một giáo sư văn học : “Mong sao sau mười hai năm học phổ thông con tôi vẫn còn nói và viết được tiếng Việt như trước khi đi học”.
Học ngữ văn, sát hạch ngữ văn, cuối cùng để hết nói được tiếng Việt luôn. Đó không phải là lời đùa, mà là sự thật. Sở dĩ con em chúng ta may mắn vẫn còn có thể nói được tiếng Việt là vì các em được giao tiếp trên đường phố, trên đồng ruộng, nơi chợ búa và trong gia đình.
HOÀNG HẢI VÂN



https://www.facebook.com/hksanh/posts/4281153798610314



3.



Đăng Nguyên


Mặc dù đã qua một ngày sau buổi thi môn văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, việc tranh cãi về tác giả Masaru Emoto được trích trong đề thi vẫn tiếp diễn.
Thí sinh ra về sau khi thi môn Ngữ Văn  /// Độc Lập
Thí sinh ra về sau khi thi môn Ngữ Văn
ĐỘC LẬP

Trong đề thi môn văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, phần Đọc Hiểu có trích một đoạn từ cuốn "Bí mật của nước" của tác giả Masaru Emoto (NXB Lao Động, 2019, trang 90-93). Thật ra, với đề thi dùng để kiểm tra việc làm văn của học sinh, có thể sử dụng bất kỳ đoạn trích trong tác phẩm nào để học sinh đọc hiểu và thể hiện quan điểm. Tuy nhiên, chuyện liên quan đến cá nhân của tác giả đoạn trích là Masaru Emoto lại là nguồn cơn gây ra tranh cãi dữ dội về đề thi môn văn năm nay.
Theo tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, tác giả bộ sách 'Dạy con trong hoang mang" sáng ngày 7.7, một học viên trong lớp Tâm lý học thiết yếu [EPP] của ông trong giờ học nhắn tin "em đang 'hóng' đề văn năm nay". Và khi đọc đề thi, ông đã... mỉm cười khi đề thi dùng trích đoạn này.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết, học viên của lớp EPP sẽ biết ngay Masaro Emoto là nhà khoa học dỏm và nghiên cứu của ông về nước là ngụy khoa học. Vì thí nghiệm của ông ta vi phạm các nguyên tắc khoa học như tính chuẩn xác [validity], tính nhất quán [reliability], tính tái lập thí nghiệm [replicability]. Ở đây chưa đề cập đến phần thông tin tác giả học về quan hệ quốc tế tại Yokohama Municipal University và năm 1992 được cấp chứng chỉ tiến sĩ y khoa thay thế [Alternative Medicine] bởi Indian Board of Alternative Medicine.
Tác giả đoạn trích trong đề thi tốt nghiệp THPT môn văn là người 'ngụy khoa học'? - ảnh 1

Đề thi môn Văn

"Hiện tượng mà Masaru Emoto kể trong cuốn Thông Điệp Của Nước cũng chưa bao giờ được xuất bản trong một chuyên san khoa học. Cho đến bây giờ "bài báo khoa học duy nhất mà ông ta viết về thí nghiệm của mình là bài luận có hình được xuất bản trên một tờ tạp chí đáng ngờ về khoa học thay thế (alternative science). Và còn nhiều nguyên tắc, lý luận, khái niệm... mà cái gọi là nghiên cứu của Emoto đã vi phạm vì thế thí nghiệm của ông ta khó được gọi là khoa học", tiến sĩ Phương cho biết. 
Theo dòng phản đối này, nhiều người cho rằng cuốn "Bí mật của nước" là cuốn sách thuộc thể loại "phi giả tưởng" (non-fiction) chứ không phải là "giả tưởng" (fiction). Cuốn sách này thuộc thể loại phi giả tưởng, qua những tuyên bố về thí nghiệm và ảnh chụp dẫn chứng mà tác giả trình bày trong sách. Hình thức trình bày không có cốt truyện và ghi chép những gì tác giả thấy trong hiện thực, cũng như diễn giải kiến thức. Vì vậy, cuốn sách không thuộc thể loại văn chương nên việc yêu cầu đọc hiểu trích đoạn này là không đúng.
Chưa kể, việc lựa chọn trích đoạn của tác giả bị lên án rất nhiều về khoa học là Masaru Emoto để đưa vào đề thi môn văn cũng có nhiều người phản đối.
Tác giả đoạn trích trong đề thi tốt nghiệp THPT môn văn là người 'ngụy khoa học'? - ảnh 2

Cuốn sách Bí mật của nước

NXB LAO ĐỘNG

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng nên tách bạch văn học và khoa học. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Kyoto (Nhật Bản) cho rằng: "Không nên dùng lăng kính khoa học thực nghiệm để nhìn 1 vấn đề về văn chương nghệ thuậtBên cạnh đó, một đề thi Văn chỉ là mượn câu chữ để khảo sát về Ngữ Văn, chứ không phải thi về khoa học thực nghiệm. Các em học sinh phổ thông thừa sức biết cấu tạo và tính chất hóa lí, nguồn gốc cũng ứng dụng của nước . Nếu như bài này được đề cập trong 1 tạp chí khoa học thực nghiệm thì mới là vấn đề". 
Môn văn là môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Như thường lệ, đề thi môn văn vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn nhất trong dư luận. 
https://thanhnien.vn/giao-duc/tranh-cai-ve-tac-gia-doan-trich-trong-de-thi-tot-nghiep-thpt-mon-van-1411023.html

2.

Đừng viết suy diễn, thiếu cơ sở khoa học

Giám thị hướng dẫn cho thí sinh điền thông tin cá nhân vào bài thi tại điểm thi Trường THPT huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Ngay sau khi buổi sáng thứ tư (7/7) diễn ra thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT năm 2021, nhiều ấn phẩm báo điện tử đã hồn nhiên tôn vinh một nam rapper (người chơi nhạc rap) khá đình đám có tài “tiên tri” đoán đúng đề thi môn Ngữ văn. Hàng loạt những cái tít rất mùi mẫn xuất hiện như: Học sinh xôn xao vì Đ.V đoán trúng đề Văn tốt nghiệp THPT năm 2021; “Nhà tiên tri” Đ.V trúng đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT; Dân mạng réo tên Đ.V là “thánh” đoán đề thi Ngữ văn THPT; Rapper Đ.V tiếp tục đoán trúng đề thi Văn THPT; Thánh tiên tri Đ.V 3 năm liên tiếp đoán trúng đề thi Văn THPT, v.v... 

Không chỉ giật tít câu view, nhiều bài viết còn “phóng bút” đề cao, tôn vinh nhân vật rapper này có khả năng đặc biệt khi gắn với những cái mác “kêu như chuông”, nào là: “thánh tiên tri về đề thi văn”, “thánh đoán đề như thần”, “nhà tiên tri đoán đâu trúng đấy”, “thánh đoán đề văn như thần”, “đoán đề thi văn chuẩn không cần chỉnh”, “nhà tiên tri trúng phóc đề văn”...

Hầu hết các bài viết đều đưa ra nhận định nam rapper cứ đưa ra bài hát nào thì sẽ có dữ liệu trùng khớp với đề thi năm đó. Ví như năm 2029 khi ra MV “Hai triệu năm” có cảnh quay sông nước bao quanh, thì đề thi năm đó liên quan đến bài thơ “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường; năm 2020 cho ra mắt MV “Trời hôm nay nhiều mây cực” có cảnh quay duy nhất ngồi trên trực thăng, đuôi có máy bay hình lá cờ Việt Nam, thì đề thi năm đó có bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm; còn năm 2021, khi rapper đăng hai câu trong bài “Trốn tìm” với nội dung: “Anh đi tìm thì em trốn, anh đi trốn em không tìm. Lòng em không gợn sóng cuối cùng anh mất công chìm”, thì đề thi có bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh (!). 

Như để chứng minh về “khả năng hơn người” của rapper, có bài báo hồn nhiên nhận định như đinh đóng cột: “Ba năm rồi, Đ.V trở thành biểu tượng trong làng đoán đề thi Văn kỳ thi THPT của sĩ tử”. Không biết người viết dòng này có cảm thấy ngượng ngùng “tẽn tò” khi chính nhân vật rapper đã thẳng thắn bày tỏ trên facebook cá nhân là bản thân không có khả năng đoán đề thi và khẳng định “Nếu anh đoán trúng đề thì anh đã không trượt đại học”!

Như vậy, bản thân người trong cuộc đã ngầm ý đưa ra thông điệp là bản thân không có khả năng tiên đoán, các bài hát, câu từ anh đưa ra chỉ là vô tình, ngẫu nhiên. Thế mà nhiều tờ báo, nhiều người cầm bút cứ hồn nhiên nhận định rapper có tài tiên đoán như thần, như thánh... Điều này là rất không nên, bởi việc truyền thông như vậy có thể làm tăng thêm sự “nổi tiếng ảo” không cần thiết cho nhân vật, hoặc cũng có thể vô hình trung biến nhân vật từ một người bình thường thành một người khác thường. 

Mặt khác, cách truyền thông như vậy còn ít nhiều tạo ra áp lực không cần thiết cho cơ quan chức năng liên quan đến nhiệm vụ ra đề, sao chép, bảo quản đề thi vốn là tài liệu được xếp vào danh mục tài liệu bí mật của Nhà nước cần phải được thực hiện theo một quy trình tuyệt đối an toàn. Ngoài ra, khi thông tin về những vấn đề nhạy cảm như đề thi THPT liên quan đến hàng triệu thí sinh, thì không nên đưa ra công luận những bài viết mang tính chất đồn đoán, phán đoán ít nhiều chứa sự may rủi, mê tín, bởi tự thân những từ như “tiên tri”, “thánh”, “thần” gắn liền với văn hóa tâm linh. 

Kỳ thi THPT nói chung, môn thi ngữ văn trong kỳ thi nói riêng luôn đòi hỏi các thí sinh phải tỉnh táo, sáng suốt, minh mẫn về tinh thần, trí tuệ để có thể đối mặt, vượt qua cửa ải “vũ môn” trong một thời điểm quan trọng của cuộc đời. Do đó, trên phương diện truyền thông, các cơ quan báo chí rất nên hướng các em tiếp nhận những thông tin lành mạnh, tích cực, nhân văn, chứ không nên “xáo xào” thông tin trên mạng xã hội rồi lắp ghép, suy đoán thiếu cơ sở khoa học, từ đó tác động không thuận đến nhận thức, tâm lý, niềm tin không chỉ của thí sinh năm nay, mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi này vào các năm sau./.

Thiện Văn

http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/dung-viet-suy-dien-thieu-co-so-khoa-hoc-134255




1.

Đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021

Thứ Tư, 07/07/2021 19:45 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 bắt đầu từ ngày hôm nay 7/7. Môn thi đầu tiên là Ngữ văn, môn bắt buộc đối với mọi thí sinh.

Đề thi Văn, Đề thi môn Văn, Đề thi môn Văn THPT quốc gia 2021, Đề thi Văn 2021, Đề thi môn văn thpt quốc gia 2021, đáp án môn Văn, đáp án Văn, đáp án môn văn THPT 2021
Đề thi Văn chính thức
Gợi ý đáp án môn Văn tốt nghiệp THPT năm 2021
I. Phần đọc hiểu:
 Câu 1.
- Sự ra đời của dòng sông, theo đoạn trích: Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên  một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời.
Câu 2.
- Theo đoạn trích, món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là những vùng châu thổ màu mỡ - những vùng nông nghiệp vĩ đại.
Câu 3.
Câu văn trên ẩn dụ về dòng chảy của nước và cuộc đời của mỗi con người:
- Dòng chảy của nước luôn luôn vận động, không ngừng nghỉ và chứng kiến tất cả những hoạt động diễn ra thường ngày của con người.
- Dòng chảy của nước chính là ẩn dụ cho cuộc đời của mỗi con người. 
+ Cuộc đời mỗi con người cũng trải qua những giai đoạn sinh - lão - bệnh - tử, chứng kiến tất cả những hỉ nộ ái ố, những khía cạnh khác nhau của cuộc đời với nhiều trạng thái và cung bậc khác nhau.
+ Dòng sông chầm chậm trôi ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người, khi chúng ta biết sống chậm lại để lắng nghe và quan sát, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên sâu sắc hơn.
Câu 4.
Dựa vào nội dung đoạn trích, HS lựa chọn những bài học phù hợp. Sau đây là gợi ý:
Bài học về lẽ sống mà văn bản muốn gửi gắm qua hành trình từ sông ra biển của nước:
- Cuộc đời mỗi con người là hữu hạn, hãy sống thật ý nghĩa. Để giống như dòng chảy kia, khi vừa sinh ra, chúng ta chỉ là những giọt nước nhỏ bé được trào lên từ những kẽ hở trên mặt đất nhưng khi cuối đời, ta đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, góp phần làm nên những vùng nông nghiệp vĩ đại. 
- Cuộc sống chứa đựng muôn vàn thử thách và khó khăn, hãy mạnh mẽ như dòng chảy để có thể xuyên qua núi hay thậm chí tạo thành một hẻm núi, đánh bật lại những khó khăn của cuộc đời mình.
- Cuộc sống có vô vàn màu sắc và cung bậc khác nhau, hãy sống chậm lại một chút để lắng nghe và tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc đời, để từ đó bồi đắp thêm sự phong phú cho tâm hồn mỗi chúng ta.
II. Phần làm văn:
Câu 1:
Giới thiệu vấn đề: Sự cần thiết phải biết sống cống hiến
Giải thích vấn đề: 
Phân tích vấn đề:
Khái niệm cống hiến: là sự tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng và trí tuệ của mình để đóng góp cho lợi ích chung của xã hội.
Sống cống hiến là không màng đến lợi ích cá nhân mà làm hết mình vì lợi ích chung, vì sự phát triển của một tập thể, một cộng đồng...
Cống hiến là một trong những đức tính và phẩm chất tốt đẹp của con người.
Cống hiến ngay từ những gì nhỏ bé nhất: ta có kiến thức - ta vận dụng kiến thức để phát minh, sáng tạo, cho sự nghiệp trồng người; ta có cơ bắp - ta lao động để tạo ra của cải vật chất
Câu 2:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh: Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Bà được xem là một trong những người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam từ sau 1945. Đó là tình yêu vừa nồng nàn, sôi, say đắm, vừa tha thiết dịu dàng, vừa giàu trực cảm, lại lắng sâu trải nghiệm những suy tư.
- Giới thiệu tác phẩm: “sóng” là tác phẩm tiêu biểu của Xuân Quỳnh được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968. Tác phẩm đã thể hiện khát vọng tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, khám phá. Cảm xúc thơ do vậy vừa sôi nổi mãnh liệt, vừa gợi tới chiều sâu của sự triết lí.
- Giới thiệu luận đề: Cảm xúc về đoạn trích. Nhận xét vẻ đẹp  nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
2. Thân bài:
Vị trí đoạn trích:
Đoạn trích nằm trong tác phẩm “Sóng” thuộc giới hạn từ khổ thơ thứ 3 đến khổ thơ thứ 5. Đoạn trích nói đến khát vọng tự nhận thức và nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ.
Cảm nhận đoạn trích:
* Khát vọng tự nhận thức của người con gái trong tình yêu (Khổ 3 và khổ 4)
Hình tượng “sóng” diễn tả bản chất của tình yêu – sự bí ẩn không thể lý giải được của tình yêu:
Trước muôn trùng sóng bể
.....
Khi nào ta yêu nhau
- Sự đối lập “em” >< “muôn trùng sóng bể” là sự đối lập giữa cái nhỏ bé, hữu hạn với cái vô biên, rộng lớn của vũ trụ -> Làm thức dậy những suy tư, trăn trở.
- “Em nghĩ” hai tiếng ấy lặp lại như là sự khám phá, tìm tòi.
+ Về biển lớn: “Từ nơi nào sóng lên?” -> Trả lời: “Sóng bắt đầu từ gió”
+ Về anh, em: “Khi nào ta yêu nhau?” -> Trả lời “Em cũng không biết nữa”
=> Hai câu hỏi đan cài vào nhau, nhập hòa vào một. Chúng ta có thể lý giải được cội nguồn của sóng, của gió nhưng không thể nào cắt nghĩa, lý giải được nguồn cội của tình yêu. Nó lạ lùng bí ẩn nhưng cũng rất tự nhiên. Sức hấp dẫn của tình yêu chính là ở chỗ đó. 
* Nỗi nhớ trong tình yêu (Khổ 5)
Hình tượng “sóng” diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu:
Con sóng dưới lòng sâu
....
Dù muôn vời cách trở
- Khổ năm đọng lại một chữ “nhớ”. Nỗi nhớ gắn với không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, với “bờ”; nó bao trùm cả thời gian “ngày đêm không ngủ được”, và xâm chiếm tâm hồn con người, ngay cả trong vô thức “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Một tiếng “nhớ” mà nói được nhiều điều. Em đã hóa thân vào sóng. Sóng đã hoà nhập vào tâm hồn em để trở nên có linh hồn thao thức.
- Đây là khổ duy nhất trong bài có đến 6 câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu.
Nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
- Vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh chính là tiếng lòng của tâm hồn người phụ nữ khi yêu được thể hiện một cách dịu dàng, đằm thắm.
- Bài thơ Sóng là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện nét nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Tình yêu được thể hiện trong bài thơ vừa mạnh mẽ, nồng nàn lại vừa dịu dàng, sâu lắng, chính nó đã làm nên vẻ đẹp nữ tính trong hình tượng sóng.
- Tình yêu đó còn chan chứa sự trăn trở, suy tư của người con gái khi yêu. Những băn khoăn, âu lo được Xuân Quỳnh thể hiện vô cùng mềm mại, nữ tính qua những câu hỏi như: Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau. 
- Tính nữ đó còn được thể hiện một cách bình thường, dung dị qua khao khát hạnh phúc đời thường - khao khát thường trực thể hiện trong thơ Xuân Quỳnh. Đó là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng, "cả trong mơ còn thức" của người con gái khi yêu. Là tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, sóng gió. Đó còn là khát khao tận hiến, khát vọng được hóa thân, được hòa nhập vào biển lớn tình yêu.
=> Bài thơ Sóng chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm cho thấy vẻ đẹp tâm hồn cũng như tấm lòng trắc ẩn của người phụ nữ khi yêu.
Tham khảo 2: Thầy cô tổ Ngữ văn, Hocmai gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 1.
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Trong đoạn trích, sự ra đời của một dòng sông được diễn ra như sau: Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên, mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước tươi mát rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời.
Câu 2.
Món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới được hình thành từ những vùng châu thổ màu mỡ. 
Câu 3.
Những câu văn giúp con người hiểu được:
- Về dòng chảy của nước: Hiền hòa, dịu nhẹ, là người bạn chứng kiến, gắn bó với cuộc sống của con người. 
- Về cuộc sống của con người: Bình yên, giản dị, đầm ấm, hạnh phúc. 
Câu 4. Đây là một câu hỏi mở. Học sinh nêu cách hiểu của cá nhân. Cần lí giải thuyết phục, hợp lí. Sau đây là gợi ý:
- Cuộc sống là một hành trình dài. Trong hành trình ấy, con người cần gắn kết với thế giới xung quanh, cống hiến những gì đẹp đẽ nhất cho cuộc đời.
- Cuộc đời riêng của mỗi người là một phần của cuộc sống, hãy biết hòa nhập vào cuộc đời chung để tạo nên những điều tốt đẹp. 
-  Cuộc sống có ý nghĩa khi con người sống hết mình, trân trọng từng giây phút trong cuộc đời. 
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1: (2,0 điểm)
Đề bài: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm)
- Viết thành đoạn văn (khoảng 200 chữ). 
- Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
Sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm)
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Có thể theo hướng sau:
- Giải thích: Cống hiến là tự nguyện dâng hiến công sức, đóng góp sức mình cho cộng đồng, xã hội.
→  Khẳng định vai trò, sự cần thiết của lẽ sống cống hiến.
- Bình luận: 
Sống cống hiến tạo ra sức mạnh to lớn cho cộng đồng, lan tỏa những năng lượng tích cực, những thông điệp có ý nghĩa, góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.
Sống cống hiến mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi cá nhân, định hướng giúp mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình, có ý thức trách nhiệm với bản thân, với đất nước.
Sống cống hiến thể hiện nét đẹp truyền thống của ông cha ta.
- Chứng minh: Nêu và phân tích được một vài minh chứng cho sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Gợi ý: 
Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập của dân tộc, đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.

Các y bác sĩ đã toàn tâm, toàn lực đi sâu vào vùng dịch bệnh để cùng nhân dân các tỉnh, thành phố khoanh vùng dịch, dập dịch không quản ngại khó khăn, gian khổ.
- Liên hệ, mở rộng: Liên hệ đến nhận nhận thức và hành động của bản thân về sự cần thiết phải sống cống hiến. Gợi ý:
Có suy nghĩ đúng đắn, hành động thiết thực vì lợi ích chung của cộng đồng.
Phê phán những con người sống vị kỉ, vụ lợi,...
Chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
Sáng tạo (0,25 điểm)
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Đáp án Văn, Đáp án môn Văn, Đáp án môn Văn THPT quốc gia 2021, Đáp án Văn 2021, Đề thi môn văn thpt quốc gia 2021, đáp án môn Văn, đề thi Văn, đáp án môn văn THPT 2021
Sự đồng hành của các phụ huynh luôn là điều động viên cổ vũ kịp thời cho tinh thần của các thí sinh để tiếp tục hoàn thành nốt các môn thi của kỳ thi. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Năm nay, cấu trúc đề thi vẫn được giữ nguyên so với các kì thi THPT Quốc gia các năm trước, cả về thời gian lẫn hình thức làm bài thi.
Đề thi môn Văn THPT Quốc gia 2021 dưới hình thức tự luận, kéo dài trong thời gian 120 phút. Trong khoảng thời gian này, sĩ tử sẽ phải hoàn thành 2 phần là Đọc hiểu 3 điểm và Làm văn 7 điểm.
Trong đề thi môn Văn THPT Quốc gia 2021, phần nhiều điểm nhất là Nghị luận Văn học với 5 điểm.
- Phần Đọc Hiểu: Thí sinh sẽ được cho đoạn văn/đoạn thơ cùng 4 câu hỏi được sắp xếp theo cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
- Phần Làm Văn: Thí sinh sẽ có 2 câu hỏi.
+ Câu đầu tiên sẽ thuộc về phần Nghị luận Xã hội chiếm 2 điểm. Nội dung là nêu suy nghĩ cá nhân về một hiện tượng trong xã hội, hoặc vấn đề nổi bật đã được chỉ ra ở phần Đọc Hiểu.
+ Câu 2 chiếm điểm nhiều nhất với 5 điểm. Câu hỏi yêu cầu nêu cảm nhận về một đoạn văn/đoạn thơ.
Kiến thức và các văn bản đều nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu ở lớp 12.
Mỗi buổi thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Trong phòng thi, thí sinh phải tuân thủ các quy định: Trình Thẻ dự thi cho cán bộ coi thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.
Thí sinh không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ). Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, thí sinh phải ngừng làm bài ngay.
Thí sinh bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình và phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý các trường hợp bài thi của mình bị người khác lợi dụng hoặc cố ý can thiệp.
Khi nộp bài thi tự luận, thí sinh phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi. Thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi.


Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Với các buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi. 
Trong trường hợp cần thiết, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của giám thị hành lang. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do trưởng điểm thi quyết định.
Đề thi Văn, Đề thi môn Văn, Đề thi môn Văn THPT quốc gia 2021, Đề thi Văn 2021, Đề thi môn văn thpt quốc gia 2021, đáp án môn Văn, đáp án Văn, đáp án môn văn THPT 2021
Chuyển đề thi đến điểm thi
Đề thi Văn, Đề thi môn Văn, Đề thi môn Văn THPT quốc gia 2021, Đề thi Văn 2021, Đề thi môn văn thpt quốc gia 2021, đáp án môn Văn, đáp án Văn, đáp án môn văn THPT 2021
Thí sinh sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi tại TP HCM. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Đề thi Văn, Đề thi môn Văn, Đề thi môn Văn THPT quốc gia 2021, Đề thi Văn 2021, Đề thi môn văn thpt quốc gia 2021, đáp án môn Văn, đáp án Văn, đáp án môn văn THPT 2021
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho thí sinh trước khi vào phòng thi tại TP HCM. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Thí sinh tự tin vì đề thi vừa sức
Với thời gian làm bài thi 120 phút, sáng nay các thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Là môn thi theo hình thức nghị luận duy nhất trong Kỳ thi năm nay, Ngữ văn cũng là môn duy nhất thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài. Thí sinh nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Năm nay, cấu trúc đề thi vẫn được giữ nguyên so với các kì thi THPT các năm trước, cả về thời gian lẫn hình thức làm bài thi. Trong khoảng thời gian 120 phút, sĩ tử sẽ phải hoàn thành 2 phần là Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).
Tại điểm thi Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), các thí sinh phấn khởi khi rời phòng thi và cho rằng đề thi năm nay không khó.
Thí sinh Trần Đăng Khoa- Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết: Các câu hỏi trong đề thi năm nay đều là những phần cơ bản, học sinh đã được học nhiều trên lớp. Phần nhiều điểm nhất là cảm nhận một đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh. Đây là một câu hỏi tương đối cơ bản, em tự tin làm tốt bài thi này.
Đề thi Văn, Đề thi môn Văn, Đề thi môn Văn THPT quốc gia 2021, Đề thi Văn 2021, Đề thi môn văn thpt quốc gia 2021, đáp án môn Văn, đáp án Văn, đáp án môn văn THPT 2021
Niềm vui mừng của thí sinh điểm thi Trường THPT Việt Đức, Hà Nội sau buổi thi đầu. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Còn thí sinh Nguyễn Ngọc Anh cho rằng đề thi năm nay cơ bản, không khó nhưng có thể triển khai viết trong thời gian nhiều hơn 120 phút. Em nghĩ các bạn học lực giỏi có thể triển khai nhiều ý để có bài thi dài và đạt được điểm cao. Như vậy, đề thi phân hóa rất rõ.
Thí sinh Trần Phương Thảo lại tâm đắc với đoạn trích của phần đọc hiểu để viết bài văn về sự cống hiến. Theo Thảo, cống hiến là lẽ sống của tuổi trẻ. Em từng đọc nhiều bài báo, đoạn văn về vấn đề này và tin sẽ đạt điểm tốt trong bài thi.
Lúc 9h35, các thí sinh ở điểm thi số 30 trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu ra khỏi phòng thi sau khi kết thúc môn thi đầu tiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Ghi nhận tại điểm thi này, các thí sinh rời phòng thi với nụ cười rạng rỡ. Đề thi Ngữ văn được các em đánh giá là vừa sức. Nhiều thí sinh cho biết đã ôn thi “trúng tủ”.
Thí sinh Huỳnh Thị Mỹ Linh - điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, đề thi năm nay khá vừa sức với các thí sinh.
"Ở phần câu nghị luận xã hội với ý việc trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến, em nghĩ câu này khá là thực tế trong thời điểm hiện nay khi mà dịch Covid-19 đang hoành hành thì sự cống hiến của sức trẻ, sự cống hiến của mọi người trong việc phòng chống dịch là cần thiết. Câu nghị luận em thấy khá hay", thí sinh Mỹ Linh nhận xét.
Cùng quan điểm, thí sinh Lê Minh Phúc (Hội đồng thi số 30 trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cũng nhận định đề thi vừa sức, so với đề thi năm ngoái, đề Ngữ văn năm nay nhẹ nhàng hơn. Thí sinh Phúc cho biết, em ấn tượng với câu hỏi nghị luận xã hội. Chỉ cần thí sinh nắm rõ thông tin về đời sống xã hội thì có thể áp dụng vào câu này tốt.
"Còn phần nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong đoạn thơ Sóng của Xuân Quỳnh thì em đã từng ôn nên em làm tạm ổn. Em hài lòng với bài thi của mình, và đoán chắc sẽ được 7 điểm ở môn Ngữ văn", thí sinh Phúc chia sẻ. 

Nhóm P.V


https://thethaovanhoa.vn/ban-can-biet/de-thi-mon-ngu-van-tot-nghiep-thpt-quoc-gia-nam-2021-n20210707084810539.htm

..

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.