Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/05/2021

Câu hỏi cũ nhiều năm trước: Xây dựng Hà Nội thành trung tâm chế biến dược liệu được không ?

Câu hỏi được đưa ra năm 2017.

Toàn văn ở dưới.

Tháng 5 năm 2021,

Giao Blog


---

06:31 thứ hai ngày 24/04/2017

Xây dựng Hà Nội thành trung tâm chế biến dược liệu được không?



(HNM) - “Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và những địa phương có số lượng người tiêu dùng đông nên định hướng phát triển thành những trung tâm bào chế, sản xuất thành phẩm có giá trị cho ngành dược liệu, hình thành ngành công nghiệp từ dược liệu” là gợi ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, tổ chức ngày 12-4. Gợi ý của Thủ tướng thật sự sâu sắc và cũng đặt ra nhiều câu hỏi đối với con đường phát triển công nghiệp chế biến dược liệu...

1. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển có sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược truyền thống trong chăm sóc sức khỏe. Tại nước ta, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60 đến 80 nghìn tấn/năm. Việt Nam đã ghi nhận khoảng 5.600 loài thực vật, nấm và khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng… Dù có tiềm năng rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng có một nghịch lý, nước ta mới chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Mặt khác, số lượng nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú nhưng số đạt tiêu chuẩn lại khiêm tốn. Hiện chỉ có 11 cây dược liệu được trồng rải rác ở Phú Yên, Lào Cai, Nam Định... đạt tiêu chuẩn.

Vậy là “điểm nghẽn” đầu tiên và cũng là lớn nhất trong chế biến dược liệu chính là phải có nguyên liệu. Nguyên nhân khiến việc phát triển cây dược liệu dù có nguồn song vẫn còn manh mún, tự phát là do chúng ta chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp).

Một "điểm nghẽn" khác là chúng ta còn thiếu hẳn một chiến lược chế biến dược liệu mang tầm địa phương cũng như quốc gia. Bởi thế nên chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế riêng có của địa phương. Cơ chế điều trị bằng y học cổ truyền khác với dùng thuốc tây là ở chỗ phụ thuộc vào thể chất của người bệnh để gia giảm dược liệu.

Tuy cùng chữa một bệnh, nhưng bài thuốc của mỗi lương y lại có sự gia giảm khác nhau. Đặc biệt, chưa hề có một đề tài nghiên cứu hay điều tra nào có thể cho con số tương đối sát thực tế về nhu cầu thật của ngành Y học cổ truyền của mỗi địa phương hay cả nước - kiểu như: nhu cầu thị trường cần bao nhiêu tấn ba kích, hoa hòe, kim ngân, đinh lăng... mỗi năm? Cũng vì thiếu chiến lược, nên chưa có những đầu tư thỏa đáng từ khâu trồng trọt tới chế biến để khai thác lợi thế riêng có của những cây có giá trị dược liệu quý hiếm để đưa thành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp dược liệu.

Cây sâm Ngọc Linh, loài cây đặc hữu tại vùng núi cao Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, có hàm lượng hoạt chất saponin (có tác dụng giảm nguy cơ ung thư, giảm cholesterol, tăng cường khả năng miễn dịch…) cao nhất thế giới, hơn cả sâm Triều Tiên. Trong khi người Hàn Quốc với lợi thế về khoa học kỹ thuật, từ lâu đã ứng dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất được nhiều loại sản phẩm khác nhau từ sâm Triều Tiên và mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD/năm, thì cây sâm Ngọc Linh của Việt Nam hiện mới chỉ ở bước đầu nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất thuốc, còn chủ yếu nhân dân dùng sâm Ngọc Linh chỉ để… ngâm rượu. Hoặc việc Pháp và Mỹ đã chiết xuất hoạt chất taxon từ cây Thông đỏ để sản xuất thuốc chống ung thư, đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD/năm. Tuy nhiên, Việt Nam dù sở hữu cây Thông đỏ quý hiếm ở vùng đất Lâm Đồng (Đà Lạt) nhưng hầu như chưa biết làm gì với loài cây quý hiếm này...

2. Theo cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh (KOTRA), trong năm 2015, Hàn Quốc đã xuất khẩu sang nước ta 1.362 tấn nhân sâm với giá trị khoảng 9,46 triệu USD, tăng 93% về sản lượng và 32% về giá trị so với năm 2010. Tổng quan, mặt hàng này mỗi năm đem lại doanh thu xuất khẩu cho Hàn Quốc khoảng 1,2 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với một cường quốc về sâm khác là Trung Quốc, chỉ đạt gần 700 triệu USD.

“Con số biết nói” trên là bằng chứng khẳng định Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất của sâm Hàn Quốc tại Đông Nam Á, là thước đo nhu cầu của người dân nước ta với loại dược liệu có tác dụng chăm sóc sức khỏe này. Nhưng tại sao sâm Ngọc Linh của ta vẫn âm thầm dưới tán rừng sâu hơn là nở rộ như sâm Hàn Quốc đang tràn ngập các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...? Câu trả lời không khó để nhận ra từ một chiến lược khép kín từ sản xuất, khai thác tới quảng bá, tuyên truyền... để cây sâm nước này không chỉ dừng ở vị trí một loại dược liệu, mà còn thành một "sức mạnh mềm" của nền kinh tế quốc gia. Nếu có dịp đến Hàn Quốc du lịch sẽ thấy nước này “sâm hóa” ra sao khi thấy bất cứ ở đâu, bất cứ món ăn gì cũng đều gắn liền với cây sâm: Cao sâm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo có chứa sâm, mỹ phẩm có hoạt chất của sâm…

Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng từ sự phát triển của cây sâm Hàn Quốc không thể không suy ngẫm về con đường phát triển ngành công nghiệp dược liệu y học cổ truyền. Nó cần bắt đầu từ định hướng chiến lược và cùng với đó là những chính sách nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu đạt chất lượng, đủ nhu cầu. Nó cần lắm sự hỗ trợ của những thành tựu khoa học, công nghệ trong nuôi trồng, chế biến dược liệu. Nó cần cả những chiến lược quảng bá mạnh mẽ dược liệu Việt Nam ra thế giới.

Với riêng Hà Nội, tiềm năng y học cổ truyền không phải không có những lợi thế riêng. Đó là các làng thuốc Nam Đại Yên, Ninh Hiệp... Đó là khu phố đông dược Lãn Ông gắn liền với du lịch phố cổ. Đó là bài thuốc “tắm lá thuốc người Dao Ba Vì” rất được khách du lịch yêu thích. Đó là một khu vực rộng lớn ở Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ… rất thích hợp cho việc trồng các loại cây thuốc; có các cơ quan đầu ngành cùng nguồn nhân lực chất lượng cao về phát triển cây dược liệu; có thị trường nội địa rộng lớn và hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm v.v…

Bởi thế, chỉ đạo mang tính đột phá mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý về định hướng phát triển dược liệu và công nghiệp chế biến dược liệu đang rất cần sự thay đổi nhận thức để đi tới những hành động mới.

Mọi hành động đúng đều bắt đầu từ nhận thức đúng!

http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/867357/xay-dung-ha-noi-thanh-trung-tam-che-bien-duoc-lieu-duoc-khong

..


---

CẬP NHẬT



4.

CÂY KÝ NINH (CANHKINA) – DI SẢN CỦA BÁC SỸ A. YERSIN

Đăng lúc: Thứ ba - 15/09/2020 14:05 - Người đăng bài viết: dhduc
Vào đầu thế kỷ 20, bệnh sốt rét đã lan rộng đến vùng Đông dương với diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây tử vong cao. Tuy nhiên, việc điều chế thuốc đặc trị sốt rét tại đây gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, mọi hy vọng tập trung vào việc phát triển cây Ký ninh (Quinine- Quinquina).
Cây Ký Ninh

Cây Ký Ninh

Cây Ký ninh (Quinine) có nguồn gốc từ Nam Mỹ (Peru, Bolivia,…). Từ thế kỷ 16, người dân bản địa Peru đã biết sử dụng vỏ cây Quinine, sấy khô và tán thành bột để chữa bệnh sốt rét. Sau đó, các tu sĩ người Tây Ban Nha đã khai thác và chuyển về châu Âu, phương thuốc này giúp cứu sống hàng triệu người khỏi bệnh sốt rét trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất. Hoạt chất Quinine lần đầu tiên được phân lập vào năm 1820 từ vỏ cây Cinchona.

Lịch sử di thực cây Ký ninh của BS. A. Yersin
Là một nhà bác học đầy tâm huyết, có nhiều cống hiến đặc biệt về lĩnh vực y học và nông nghiệp, BS. Yersin đã nổ lực khảo sát tìm địa điểm phù hợp để di thực cây Ký ninh từ Java về Việt Nam.

Năm 1917,  BS. Yersin đã trồng thử nghiệm cây Ký ninh tại Hòn Bà (Khánh Hòa) bằng cây hạt và cây ghép, nhưng do điều kiện khí hậu và đất đai không thuận lợi, cây phát triển chậm, ngoài ra còn bị nhiễm nấm bệnh (?).  

Đến năm 1925, BS. Yersin đã chuyển hướng, đưa cây Ký ninh qua trồng ở Dran, Xuân Thọ (Dalat), tại đây cây Ký ninh đã phát triển tốt, ra hoa và kết trái.

Từ năm 1932 - 1942, BS. Yersin gắn bó với Trạm nghiên cứu Lang Hanh (Lâm Đồng) và Viện Pasteur để xây dựng một quy trình tổng hợp từ ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khai thác, chế biến vỏ cây Ký ninh. Các khu vực trồng cây Ký ninh, khoảng 700 ha, đã được thu hoạch vỏ để điều chế thuốc trị bệnh sốt rét. Tuy nhiên trong thời gian chiến tranh, nhiều diện tích trồng Kí ninh bị bỏ hoang, cây chết dần, hiện còn lại rất ít.

Đầu những năm 2000, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tìm đến Hòn Bà để ghi nhận những công trình nghiên cứu của BS. Yersin tại đây. Đã có nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm một số loài cây do ông đã di thực, trong đó có cây Ký ninh. Nhưng chỉ phát hiện vết tích một số luống của vườn ươm, ngoài ra không tìm thấy cây Ký ninh.   

Gần đây, với mong muốn di thực cây Kí ninh về trồng tại ngôi mộ của BS. Yersin và ở đỉnh Hòn Bà,  Khánh Hòa,  nhân chuẩn bị cho kỷ niêm 130 năm ngày đến Việt Nam (7/ 1891) và 158 năm ngày sinh của BS.Yersin 22/9/1863  , việc truy tìm cây Ký ninh đã được một số nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra (dựa trên các tư liệu cũ), có lúc bị nhầm lẫn với loài cây khác;

Với sự giúp sức của một số nhà khoa học tận tụy ở Lâm Đồng, Hội Ái hữu BS.  Yersin, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Khánh Hòa ,  cây Ký ninh cũng đã được nhận diện tại Xuân Thọ (tháng 8/2020).
 Hình 1: Vườn cây Ký ninh ở Xuân Thọ - Dalat
 
Vườn cây Ký ninh ở Xuân Thọ - Dalat

Thân cây Ký ninh

Cành lá non

Hoa và quả của cây Ký ninh

Tìm hiểu về cây Ký ninh  

Danh pháp khoa học:
Cây Ký ninh thuộc chi Cinchona (Tên của chi này là do ông C. Linnaeus đặt vào năm 1742, theo tên của nữ Bá tước Chinchon, vợ của Phó vương Peru). Chi này có khoảng 25 loài, thuộc họ Rubiaceae, hầu hết phân bố ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ.

Theo Phạm Hoàng Hộ (2000), có 4 loài Ký ninh được trồng ở Dalat và các vùng lân cận.

Dựa trên các mẫu vật thu được ở vườn cây Ký ninh tại Xuân Thọ (DL.2020-08-15), cùng với sự giám định của Viện Sinh thái học Miền Nam, loài này có tên khoa học là Cinchona calisaya Wedd.

Thành phần:
Vỏ cây chứa nhiều ancaloid, đặc biệt là quinine và quinidine. Có tới 70 - 80% tổng số ancaloid có trong vỏ cây là quinine.

Công dụng: Dùng để điều trị và phòng bệnh sốt rét. Ngoài ra, còn có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt trong điều trị cảm cúm, đau dây thần kinh, co cơ và rung tim.
Sử dụng trong thực phẩm: Làm hương liệu đắng trong nước bổ và đồ uống có ga.
Mặc dù ngày nay, đã có nhiều loại thuốc mới để điều trị bệnh sốt rét, nhưng cây Ký ninh vẫn còn được trồng và sử dụng với các tác dụng khác.

Việc di thực cây Ký ninh về lại Hòn Bà, Khánh Hòa mang ý nghĩa khoa học, văn hóa, lịch sử, để tỏ lòng tri ân đối với BS. Yersin, Công dân danh dự Việt Nam, người đã thừa nhận Nha Trang – Khánh Hòa là quê hương của mình./.

Tài liệu tham khảo:
  1. Phạm Hoàng Hộ, 2000. Cây cỏ Việt Nam - Quyển 3, p.135. Nhà xuất bản Trẻ.
  2. Nguyễn Gia Nùng, 2012. Những mẫu chuyện về Yersin. Nhà xuất bản Trẻ
  3. http://www.theplantlist.org/tpl1.1/record/kew-40562
  4. https://pfaf.org/user/Plant.aspx?LatinName=Cinchona+ledgeriana

Tác giả bài viết: Trần Giỏi
Nguồn tin: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa

http://khanhhoaxanh.org.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/CAY-KY-NINH-CANHKINA-DI-SAN-CUA-BAC-SY-A-YERSIN-77/




3.

Hiện đại hóa y học cổ truyền: bắt đầu từ nhận thức

Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của nhân loại, ngay từ xa xưa con người đã sử dụng cây cỏ, thực vật để làm lương thực và thuốc chữa bệnh. Trung Hoa cổ đại chính là cái nôi của các phương pháp chữa bệnh như châm cứu, bắt mạch, bốc thuốc… mà ngày nay chúng ta gọi chung là y học cổ truyền.

Ở nước ta nói riêng và các nước phương Đông nói chung, Y học cổ truyền phát triển và đóng vị thế quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển lớn mạnh với những thành tựu tuyệt vời của y học hiện đại đã khiến Y học cổ truyền dần dần bị yếu thế. Phát triển một nền Y học cổ truyền theo hướng hiện đại hóa, hướng tới sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ đã được chỉ đạo rất cụ thể trong các chỉ thị của Ban Bí thư và Bộ Y tế.

Hành lang pháp lý

Trên cơ sở của Chỉ thị số 24- CT/TW và Chương trình hành động của Chính phủ ban hành theo Quyết định 2166, ngày 10/1/2014 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2014 Quy định về việc tổ chức khoa y, dược cổ truyền trong bệnh viện.

Theo đó bệnh viện có quy mô từ 120 giường bệnh nội trú trở lên phải thành lập khoa y, dược cổ truyền, tối thiểu có 10 giường bệnh nội trú; bệnh viện quy mô dưới 120 giường bệnh nội trú phải thành lập khoa y, dược cổ truyền hoặc liên khoa có bộ phận y dược cổ truyền, tối thiểu có 5 giường bệnh nội trú.

Khoa Y, dược cổ truyền có nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú; tham mưu cho giám đốc bệnh viện xây dựng quy chế phối hợp với khoa, phòng chức năng để triển khai kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh; là đầu mối triển khai kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; triển khai thực hiện quy chế chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật về y học cổ truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; sử dụng các phương pháp kỹ thuật cận lâm sàng và trang thiết bị y tế của y học hiện đại để khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

 

y hoc co truyen

(Ảnh minh họa)

Trong công tác dược khoa y, dược cổ truyền có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, lập dự trù hằng năm về dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc từ dược liệu nhằm cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của khoa; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại khoa và khoa khác trong bệnh viện; tham gia Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện; hội đồng kiểm nhập dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc từ dược liệu; thực hiện các quy định về công tác dược bệnh viện; tổ chức sơ chế, bào chế dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, sắc thuốc; tổ chức bào chế thuốc y học cổ truyền, thuốc từ dược liệu khi có đủ điều kiện theo qui định của pháp luật về dược; bảo đảm đủ số lượng và chất lượng thuốc điều trị. Ngoài ra, khoa y, dược trong các bệnh viện còn có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tham gia giảng dạy về y, dược cổ truyền…

Kết hợp hiệu quả̉

Trong công tác kết hợp giữa YHCT và YHHĐ trong điều trị bệnh, các bác sĩ y học cổ truyền đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đưa ra các phương pháp kết hợp hiệu quả nhất nhằm mang lại lợi ích, sức khỏe cho người dân, đặc biệt trong việc điều trị bệnh ung thư, tiểu đường hay một số các bệnh lý khác.

BS. Quan Vân Hùng (người nghiên cứu và đưa phương pháp 4 T vào ứng dụng) – Viện Y học Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ung thư là một bệnh lý đặc biệt. Y học hiện đại đã có những thành công trong việc tiêu diệt các tế bào ác tính bằng những “vũ khí” hạng nặng như: phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa trị, xạ trị… Tuy nhiên, sau khi sử dụng những “vũ khí” hiện đại trên để tiêu diệt kẻ thù thì “quân ta” cũng bị tổn thất không nhỏ, nhiều tế bào, mô, bộ phận khác của người bệnh cũng bị ảnh hưởng, khiến người bệnh có cảm giác đuối sức, ói mửa, mất ăn, mất ngủ, suy kiệt… Vì vậy, phải có một cơ chế “hậu chiến”. Vấn đề là người thầy thuốc phải nỗ lực giúp cho người bệnh thổi lên ngọn lửa từ đám tro tàn. Thầy thuốc “mát tay” sẽ giúp cho tinh thần bệnh nhân được cải thiện, sức khỏe cải thiện hơn, khối u bị ức chế một phần cũng bớt tàn phá cơ thể, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vẫn có thể cầm cự được với bệnh. Ý nghĩa cuộc sống đôi lúc không phải chỉ đo bằng khoảng thời gian dài hay ngắn mà nó lại nằm ở chất lượng sống. Và đó là điều mà người thầy thuốc đang cố gắng chuyển cho người bệnh. Liệu pháp 4T gồm: Tâm lý – Thực phẩm – Thể thao – Thuốc. Tạo tâm lý thoải mái, bớt lo âu, căng thẳng, không sợ hãi cho người bệnh. Người bệnh có chế độ ăn – thực phẩm phù hợp, kiêng một số thức ăn, uống có hại cho cơ thể; ăn một số thực phẩm chống ung thư và bồi dưỡng sức khỏe. Người bệnh được tập dưỡng sinh, đi bộ, thái cực quyền… Thuốc: kết hợp YHCT với YHHĐ, châm cứu, bấm huyệt.

BS. Trần Tuấn Khanh, Trưởng khoa Nội II, Viện Y học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện mỗi ngày, khoa có khoảng 70 bệnh nhân, dùng phương pháp điều trị nào cũng có ưu khuyết điểm, người bệnh cần tư vấn của bác sĩ, có thể điều trị kết hợp YHCT với YHHĐ phối hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Trong những trường hợp bệnh tiến triển vào giai đoạn cuối không thể sử dụng “vũ khí” hạng nặng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị thì y học cổ truyền có thể giúp kéo dài cuộc sống, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh”.

Vẫn còn nhiều thách thức

Đánh giá vấn đề này, PGS.TS.Đỗ Thị Phương – Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng: Kết hợp YHCT với YHHĐ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thể chế hóa bằng nhiều các chỉ thị, thông tư cũng như hướng dẫn của các cơ quan ban ngành, các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, mặc dù sau nhiều năm triển khai kết quả đạt được chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng. Trong bản báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện chủ trương hiện chủ trương này đa phần các tiêu chí đặt ra không thực hiện được và gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế, trong đó có thể chỉ ra một vài nguyên nhân khiến người dân vẫn còn “thờ ơ” với YHCT như sau:

Thứ nhất: Dưới góc độ của người dân, có thể nói y học cổ truyền đã có từ rất lâu đời trong nhân dân, người dân trước đây chỉ biết đến thuốc YHCT và YHCT chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống. Một phần vì những vị thuốc này dễ kiếm, dễ trồng và giá thành lại rất rẻ, đặc biệt trong điều kiện kinh tế còn khó khăn hoặc trong giai đoạn chiến tranh vai trò của đông y thực sự phát huy thế mạnh. Tuy nhiên sau khi đất nước mở cửa với sự hội nhập mạnh mẽ và phát triển nhanh chóng của YHHĐ, vai trò của YHCT dần dần bị lu mờ hơn. Bên cạnh đó YHHĐ có một sức mạnh rất lớn về mặt giải quyết nhanh tình trạng bệnh tật, vấn đề này YHCT không đáp ứng được. Vì vậy, người dân nhận thức rằng YHHĐ có thể chữa bệnh tốt hơn, nhanh hơn còn YHCT vì phải có thời gian, chữa bệnh một cách kiên trì và thực sự an toàn cho người bệnh nhưng trong nhịp sống hiện đại người ta đã nhìn nhận đông y theo một cách sai lệnh hơn. Xu hướng thành thị hóa cũng khiến không ít đồng bào vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số không có ý thức gìn giữ và lưu truyền những bài thuốc dân gian có giá trị nên có những bài thuốc YHCT quý hiếm sẽ dần dần bị mai một đi.

Thứ hai: Mặc dù các loại dược liệu trong YHCT đã được đầu tư để cải tiến hình thức nhưng việc sử dụng các loại dược liệu, thuốc YHCT vẫn còn nhiều những hạn chế, rườm rà. Đa phần khi sử dụng YHCT phải thực hiện việc sao, sắc, đun nấu có một số sản phẩm, vị thuốc được bào chế bằng viên nang, tễ nhưng chưa nhiều và sử dụng với liều lượng lớn. Trong khi YHHĐ rất thuận tiện trong vấn đề sử dụng.

Thứ ba: Dưới góc độ các nhà hoạch định chính sách, hiện nay bảo hiểm y tế chi trả cho danh mục thuốc YHHĐ nhiều hơn rất nhiều so với danh mục các loại thuốc Đông y được hưởng chế độ bảo hiểm. Các nhà hoạch định chính sách, bảo hiểm cũng cần phải thay đổi cách nhìn nhận để tạo ra sự công bằng cho YHCT, giúp YHCT có điều kiện phát triển hơn. Người dân đôi lúc vẫn muốn điều trị theo YHCT nhưng họ không được chi trả theo chế độ bảo hiểm dẫn đến còn nhiều e ngại.

Thứ tư: Dưới góc độ là thầy thuốc phải đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu, việc kết hợp giữa 2 nền phải được xem như đôi bàn tay trên cơ thể con người mà một tay nào đó khiếm khuyết thì vấn đề điều trị vẫn chưa được xem là hoàn hảo. YHHĐ có tác dụng chữa bệnh nhanh nhưng YHCT có các liệu pháp an toàn làm giảm nguy cơ các biến chứng và tăng cường sức đề kháng mạnh mẽ cho cơ thể người bệnh. Người thầy thuốc khi thăm khám cho bệnh nhân cần có những tư vấn đúng đắn cho người bệnh, tránh vì những lợi ích, lợi nhuận trước mắt mà quên đi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân.

Vân Lam

https://skcd.vn/2021/01/25/hien-dai-hoa-y-hoc-co-truyen-bat-dau-tu-nhan-thuc/


2.

Danh mục 70 cây thuốc nam của bộ y tế

Ngày đăng: 03-02-2021 | 9:35 PM | 736 Lượt xem | Người đăng: 0

Thuốc nam theo quan điểm của nhiều người là chỉ những cây trồng hoặc mọc tự nhiên có tác dụng chữa trị bệnh hiệu quả. Song không phải loại cây nào cũng có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh bởi những thành phần trong đó có thể không tốt cho sức khỏe của con người.

Lý do đưa ra dạnh mục 70 cây thuốc nam của bộ y tế

Trong y học nước ta, việc kết hợp y học hiện đại và các trị thức y học cổ truyền đã chứng minh tác dụng của các cây thuốc nam đối với quá trình điều trị bệnh. Không chỉ thế, những cây thuốc này còn được y học hiện đại nghiên cứu, phân tích về thành phần dược liệu, công dụng của nó trong việc điều trị bệnh. Nhưng không phải ai cũng biết điều này và sử dụng chúng sao cho đúng. Danh mục này giúp các cơ sở khám chữa bệnh biết được danh mục cây thuốc nam được cho phép sử dụng.

Bởi vậy bộ y tế đã công bố danh mục 70 cây thuốc nam, để cho phép các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền có thể sử dụng. Ngoài ra có thể truyền thông đến đông đảo người dân về danh sách này, để người dân sử dụng cây thuốc nam sao cho đúng nhất.

Danh mục 70 cây thuốc nam của bộ y tế

  1. Bạc hà (Mentha arvensis L.)
  2. Bách bộ (Stemona tuberosa Lour.)
  3. Bạch đồng nữ (Clerodendrum petasites (Lour.) Moore)
  4. Bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis diffusa Willd.)
  5. Bán hạ nam (Typhonium trilobatum (L.) Schott.)
  6. Bố chính sâm (Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr.)
  7. Bồ công anh (Lactuca indica L.)
  8. Cà gai leo (Solanum hainanense Hance)
  9. Cam thảo đất (Scoparia dulcis L.)
  10. Cỏ mần trầu (Eleusine indica (L.) Gaertn.)
  11. Cỏ nhọ nồi (Eclipta prostrata L.)
  12. Cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thymifolia L.)
  13. Cỏ tranh (Imperata cylindrica (L.) Beauv)
  14. Cỏ xước (Achyranthes aspera L.)
  15. Cối xay (Abutilon indicum L.)
  16. Cốt khí (Polygonum cuspidatum Sieb.et Zucc.)
  17. Cúc hoa (Chrysanthemum indicum L.)
  18. Cúc tần (Pluchea indica (L.)Less.)
  19. Dành dành (Gardenia jasminoides Ellis)
  20. Dâu (Morus alba L.)
  21. Địa hoàng (Rehmannia glutinosa (Gaertn) Libosch)
  22. Địa liền (Kaempferia galanga L.
  23. Diệp hạ châu (Phyllanthus urinaria L.)
  24. Đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms)
  25. Đơn lá đỏ (Excoecaria cochinchinesis Lour.)
  26. Dưà cạn (Catharanthus roseus (L.) G. Don)
  27. Gai (Boehmeria nivea (L.) Gaud.)
  28. Gừng (Zingiber officinale Rosc.)
  29. Hạ khô thảo nam (Prunella vulgaris L.)
  30. Hoắc hương (Pogostemon cablin (Blanco) Benth.)
  31. Húng chanh (Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.)
  32. Hương nhu (Ocimum gratissimum Linn.)
  33. Huyết dụ (Cordyline terminalis (L.) Kunth var.)
  34. Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L.)
  35. Ích mẫu (Leonurus japonicus Sweet.)
  36. Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium DC.)
  37. Khổ sâm cho lá (Croton tonkinensis Thunb.)
  38. Kim ngân (Lonicera japonica Thunb.)
  39. Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium (Osb) 
  40. Kinh giới (Elsholtzia cristata Thunb.)
  41. Lá lốt (Piper lolot C. DC.)
  42. Mã đề (Plantago major L.)
  43. Mạch môn (Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker- Gawl)
  44. Mần tưới (Eupatorium fortunei Turcz.)
  45. Mỏ quạ (Maclura cochinchinensis (Lour.) Covner)
  46. Mơ tam thể (Paederia lanuginosa Wall.)
  47. Náng (Crinum asiaticum L.)
  48. Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.)
  49. Nghệ (Curcuma longa L.)
  50. Ngũ gia bì chân chim (Scheffera heptaphylla (L.) Frodin)
  51. Nhân trần (Adenosma caeruleum R. Br.)
  52. Nhót (Elaeagnus latifolia L.)
  53. Ổi (Psidium guajava L.)
  54. Phèn đen (Phyllanthus reticulatus Poir.)
  55. Quýt (Citrus reticulata Blanco)
  56. Rau má (Centella asiatica L.)
  57. Râu mèo (Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr)
  58. Rau sam (Portulaca oleracea L.)
  59. Sả (Cymbopogon spp.)
  60. Sài đất (Wedelia chinensis (Osbeck) Merr.)
  61. Sắn dây (Pueraria thompsoni Benth.)
  62. Sim (Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk.)
  63. Thiên môn (Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.)
  64. Tía tô (Perilla frutescens (L.) Britt)
  65. Trắc bách diệp (Platycladus orientalis (L.) Franco.)
  66. Trinh nữ hòang cung (Crinum latifolium L.)
  67. Xạ can (Belamcanda chinensis (L.) DC.)
  68. Xích đồng nam (Clerodendrum japonicum (Thumb.) Sweet.)
  69. Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata (Burum.f.) Nees.)
  70. Ý dĩ (Coix lachryma-jobi L.)

Ngoài ra danh mục 70 cây thuốc nam còn được phân theo nhóm bệnh như bảng bên dưới

Danh mục 70 cây thuốc nam của bộ y tế được phân theo nhóm bệnh

Nhóm cây thuốc nam chữa cảm sốt

1. Cam thảo đất

2. Cỏ mần trầu

3. Cỏ nhọ nồi

4. Cối xay

5. Cúc tần

6. Hương nhu

7. Kinh giới

8. Tía tô

9. Xuyên tâm liên

10. Cúc hoa

Nhóm cây thuốc nam chữa bệnh xương khớp

11. Cỏ xước

12. Cốt khí củ

13. Địa liền

14. Hy thiêm

15. Lá lốt

16. Náng

17. Ngũ gia bì chân chim

18. Dâu

Nhóm cây thuốc nam điều trị mụn nhọt mẩn ngứa

19. Bạch hoa xà thiệt thảo

20. Ké đầu ngựa

21. Đinh lăng

22. Dưà cạn

23. Hạ khô thảo nam

24. Kim ngân

25. Mỏ quạ

26. Sài đất

27. Sắn dây

28. Đơn lá đỏ

Nhóm cây thuốc nam chữa ho

29. Bạc hà

30. Bách bộ

31. Bán hạ nam

32. Bồ công anh

33. Xạ can

34. Húng chanh

35. Mạch môn

36. Quýt

37. Thiên môn

Nhóm cây thuốc nam chữa rối loạn tiêu hóa

38. Cỏ sữa lá nhỏ

39. Khổ sâm

40. Mơ tam thể

41. Nhót

42. Ổi

43. Gừng

44. Hoắc hương

45. Sả

46. Sim

47. Ý dĩ

48. Rau sam

Nhóm cây thuốc nam chữa bệnh gan

49. Cà gai leo

50. Dành dành

51. Diệp hạ châu

52. Nghệ

53. Nhân trần

54. Phèn đen

55. Rau má

Nhóm cây thuốc nam chữa rối loạn kinh nguyệt

56. Bạch đồng nữ

57. Bố chính sâm

58. Địa hoàng

59. Gai

60. Huyết dụ

61. Ích mẫu

62. Ngải cứu

63. Xích đồng nam

64. Trinh nữ hoàng cung

65. Trắc bách diệp

Nhóm cây thuốc nam lợi tiểu

66. Cỏ tranh

67. Kim tiền thảo

68. Mã đề

69. Mần tưới

70. Râu mèo

Tuy nhiên, còn rất nhiều cây thuốc nam có thể chữa bệnh nhưng không có trong danh sách này. Đối với mỗi loại thuốc nam, công dụng của nó còn phụ thuộc vào cách sử dụng và kinh nghiệm của người dùng, hay tay nghề thầy thuốc đông y.

-----------------------------

Tác giả: Dược sĩ Thu Hiền

Công ty cổ phần dược phẩm PQA

Địa chỉ: Thửa 99, xã tân thành, huyện vụ bản, tp nam định

https://dongypqa.vn/danh-muc-70-cay-thuoc-nam-cua-bo-y-te-117.html



1.

Thứ Sáu, 23-04-2021, 11:31
Chất adrographolide trong loại thảo mộc truyền thống Thái Lan fah talai jone (xuyên tâm liên) có thể ngăn cản Covid-19 xâm nhập vào các tế bào cơ thể. (Ảnh The Nation)

Cục Y học cổ truyền và các liệu pháp thay thế Thái Lan thông báo, khoảng 300 người bị nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi sau 5 ngày sử dụng loại thảo dược có tên “fah talai jone” (tên khoa học “andrographis paniculata”; hay “xuyên tâm liên” hoặc “cây lá đắng” theo cách gọi ở Việt Nam).

Khẳng định “fah talai jone” an toàn khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, Cục phó Y học học cổ truyển và các liệu pháp thay thế Thái Lan, bác sĩ Kwanchai Wisitthanon dẫn chứng các số liệu nghiên cứu gần đây của Cục cho thấy, thảo dược fah talai jone có hiệu quả đối với những bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Được mệnh danh là “Vua của những vị đắng”, fah talai jone đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát trên khắp Thái Lan. Với hàm lượng andrographolide cao có thể tiêu diệt một số loại virus, loại thảo mộc này đã được sử dụng để chữa các bệnh như cảm cúm, đau họng và nhiễm trùng ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan trong nhiều thế kỷ.

Trước đó, tháng 4-2020, một nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh học thuộc Bộ Y tế Thái Lan đã phát hiện, loại thảo dược này có thể tiêu diệt và ức chế virus corona trong các thí nghiệm ống nghiệm.

Để kiểm chứng mức độ hiệu quả của fah talai jone trong việc điều trị Covid-19, sáu tình nguyện viên đã tham gia vào cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trong nửa cuối năm 2020, dưới sự kiểm soát của Viện Nghiên cứu Y học cổ truyền Thái Lan.

Theo đó, tình nguyện viên với các triệu chứng nhẹ như đau họng, nhức đầu, ho hoặc sổ mũi sẽ nhận được 60mg andrographolide mỗi người vào lúc 6 giờ sáng, 2 giờ chiều và 10 giờ tối, hoặc tổng cộng 180mg andrographolide một ngày trong năm ngày. Lượng andrographolide cao gấp ba lần liều điều trị cảm cúm thông thường.

Theo bác sĩ Kulthanit Wanaratna, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y học cổ truyền Thái Lan, trong vòng ba ngày kể từ khi sử dụng fah talai jone, tình trạng của mọi bệnh nhân đều được cải thiện. Các triệu chứng đã biến mất trong vòng năm ngày và không có tác dụng phụ nào được tìm thấy.

Tuy nhiên, kết quả chỉ từ sáu bệnh nhân là không đủ. Viện muốn có thêm bằng chứng để loại bỏ thành kiến ​​hoặc bất kỳ nghi ngờ nào về liệu pháp cổ truyền.

Để đối phó với tình huống khẩn cấp và nhằm chuẩn bị cho một đợt bùng phát mới, Cục Y học cổ truyền Thái Lan đã làm việc với chín bệnh viện ở Samut Sakhon, Ratchaburi, Nakhon Pathom, Rayong và Tak để cung cấp fah talai jone cho hơn 300 bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Theo đó, các triệu chứng gồm đau họng, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhức đầu và sốt dần dần được chữa khỏi trong vòng 3-5 ngày. Không bệnh nhân nào phát triển bệnh nặng, như nhịp thở cao hoặc nhiễm trùng phổi.

Mặc dù việc điều trị Covid-19 bằng thuốc cổ truyền có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng độ tin cậy không cao vì thiếu bằng chứng khoa học. Cụ thể hơn, các bệnh nhân đã không vượt qua một bài kiểm tra Covid-19 khác sau khi điều trị.

Bác sĩ Kulthanit cho rằng, fah talai jone không thể được sử dụng để phòng ngừa Covid-19. Nếu người dân bị ho, sốt, đau họng hoặc chảy nước mũi, hãy dùng đơn thuốc bình thường là 60mg andrographolide mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh tình không được cải thiện trong vòng ba ngày, người dân nên ngừng sử dụng fah talai jone và đến gặp bác sĩ.

Theo bác sĩ Kulthanit, fah talai jone là một loại thảo mộc làm mát và không nên sử dụng loại thảo dược này quá 5-7 ngày, nếu không có thể gây tê tay chân, hạ huyết áp và ảnh hưởng thận. Những người nên tránh dùng thuốc là phụ nữ có thai, đang cho con bú, những người có vấn đề về thận, gan và những người thường xuyên dùng thuốc cao huyết áp và thuốc làm loãng máu.

Ngoài fah talai jone, Cục Y học cổ truyền và các liệu pháp thay thế Thái Lan sẽ tiến hành nghiên cứu các phương thuốc thảo dược chữa các bệnh viêm nhiễm khác nhằm gây ức chế và tiêu diệt virus corona.

Bác sĩ Kulthanit cho rằng, việc nghiên cứu các bài thuốc cổ truyền của Thái Lan sẽ mất thời gian nhưng sẽ có lợi cho con người về lâu dài và những hiểu biết từ việc nghiên cứu sẽ không chỉ giúp ích cho việc điều trị Covid-19 mà còn cho các đại dịch khác trong tương lai.

TUẤN ANH (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan)

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/thai-lan-su-dung-y-hoc-co-truyen-dieu-tri-covid-19-643105/


---


BỔ SUNG


1.


Thuốc thảo dược (hay còn gọi là thuốc dược liệu) đã tồn tại từ lâu đời và ngày càng phát triển mạnh. Các chuyên gia dự báo, thuốc thảo dược sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, phục vụ cho việc điều trị và dự phòng bệnh tật của người dân trên toàn thế giới.

Thuốc thảo dược – từ cổ xưa đến hiện đại

Thuốc thảo dược hay thuốc dược liệu là thuật ngữ dùng để chỉ hạt giống, quả, hạt, rễ, lá, vỏ hoặc hoa của cây cho mục đích làm thuốc. Thuốc thảo dược được sản xuất ở dạng viên nén, viên nang, bột, trà, dạng chiết xuất…

Thuốc thảo dược đã được sử dụng từ thời cổ đại cho nhiều tình trạng sức khỏe. Đây là hệ thống y học lâu đời nhất và được sử dụng rộng rãi tạu nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày nay, thuốc dược liệu ngày càng được tin dùng hơn khi những cải tiến trong phân tích và kiểm soát chất lượng cùng với những tiến bộ trong nghiên cứu lâm sàng cho thấy giá trị của thuốc dược liệu trong điều trị và phòng ngừa bệnh tật.


Thuốc thảo dược đã được sử dụng từ lâu đời

Tình hình tiêu thụ thuốc thảo dược trên thế giới

Theo dữ liệu năm 2015 của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) báo cáo rằng khoảng 60% dân số thế giới dùng thuốc thảo dược và khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển dùng thuốc thảo dược và các biện pháp chữa bệnh y học cổ truyền khác để chăm sóc sức khỏe.

Ở Châu Phi, có tới 80% dân số sử dụng thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe.

Ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh, tỷ lệ này cao hơn vì hoàn cảnh lịch sử và tín ngưỡng văn hóa. Số liệu năm 2017 cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ thuốc dược liệu của hai khu vực này chiếm 72,36% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu.


Khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển dùng thuốc thảo dược

Xu hướng sử dụng thuốc thảo dược trên toàn cầu

Hệ thống điều trị y học cổ truyền dựa trên việc điều trị bằng thuốc thảo dược là một hệ thống chăm sóc sức khỏe đang phát triển nhanh chóng và hiện đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.

Dự án Nghiên cứu Thị trường Thuốc thảo dược Toàn cầu dự báo ngành này sẽ có doanh thu khoảng 111 tỷ USD vào cuối năm 2023. Thị trường thuốc thảo dược toàn cầu dự kiến có tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 5,88% để đạt 1.29.689,3 triệu USD vào năm 2023.

Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, thuốc thảo dược và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới, kể cả ở các nước phát triển.

WHO đã tuyên bố rằng ngành công nghiệp dược, đặc biệt là thảo dược đang tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 15%.

Tốc độ tăng trưởng lớn mạnh cộng với sự tiêu thụ rộng rãi của người dân trên toàn thế giới chứng tỏ ưu điểm của thuốc thảo dược: an toàn, lành tính, hiệu quả và giá cả phải chăng.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, sẽ ngày càng có nhiều người dùng thuốc thảo dược để điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe. Đặc biệt là trước tình hình gia tăng của các bệnh mạn tính không lây nhiễm như viêm khớp, đái tháo đường, ung thư, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về tiêu hóa…

Đông y thế hệ 2 – xu hướng tất yếu trong sự phát triển của thuốc dược liệu

Đây là đánh giá của các nhà khoa học tại Hội nghị Quốc tế về Thuốc thảo dược diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc vào năm 2013. Tại đây, các nhà khoa học đã chia thuốc Đông y làm 2 loại: 1st generation botanical drugs (Đông y thế hệ 1) và 2nd generation botanical drugs (Đông y thế hệ 2).

Theo đó, nhóm thuốc Đông y thế hệ 2 được định nghĩa là các thuốc sử dụng nguồn thảo dược sạch, được kiểm soát nghiêm ngặt; Là thuốc điều trị chủ đạo, điều trị bệnh nặng, nghiêm trọng; Được nghiên cứu lâm sàng đầy đủ; Cạnh tranh hiệu quả với thuốc tân dược.

Theo đánh giá của các nhà khoa học tại Hội nghị, thuốc Đông y thế hệ 2 là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của thuốc dược liệu, đặc biệt là ở các quốc gia có nền y học cổ truyền lâu đời như Việt Nam.

Tại Việt Nam, nhận thấy Đông y thế hệ 2 là xu hướng phát triển tất yếu của thuốc thảo dược, Dược Phẩm Nhất Nhất là doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất và phân phối thuốc Đông y thế hệ 2.

Các sản phẩm thuốc Đông y thế hệ 2 được phát triển từ những bài thuốc bí truyền hiệu quả kỳ diệu trong dân gian sản xuất tại nhà máy dược phẩm GMP-WHO, được nghiên cứu lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn trên toàn quốc. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm thuốc Đông y thế hệ 2 được nhiều chuyên gia đánh giá cao và đông đảo người bệnh tin tưởng.

Vân Anh

Tài liệu tham khảo:

https://www.marketwatch.com/press-release/global-herbal-medicine-market-size-2020-top-countries-data-industry-brief-analysis-by-market-share-defination-trends-driving-factors-by-manufacturers-with-forecast-2024-2020-04-21

https://www.medgadget.com/2019/08/herbal-medicine-market-global-industry-outlook-2019-size-estimation-share-business-growth-competitive-landscape-to-reach-usd-1-29-billion-till-2023-arkopharma-bayer-ag-beovita-hishimo-pharma.html

https://www.omicsonline.org/conferences-list/current-and-future-trends-in-herbal-medicine

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B978012814619400001X

 

https://tudienbenhhoc.com/xu-huong-tri-benh-tren-toan-the-gioi-thuoc-thao-duoc-ngay-cang-len-ngoi.html



2.

Cơ hội phát triển ngành dược liệu  

Xem với cỡ chữ  
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Hiện nay, khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Đây chính là cơ hội thúc đẩy phát triển ngành dược liệu trong nước.

Hàng nghìn loài thực vật làm thuốc quý

Theo thống kê của Viện Dược liệu - Bộ Y tế, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm như diếp cá, 5.000 tấn; cẩu tích, 1.500 tấn; lạc tiên, 1.500 tấn; rau đắng đất, 1.500 tấn... Việt Nam cũng may mắn sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng... Việc nuôi trồng dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 - 5 lần so với trồng một số loại cây nông nghiệp.

 

Trong quá trình điều tra của Viện Dược liệu về tri thức bản địa, ngành y tế đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.

Một thế mạnh nữa của Việt Nam là có diện tích đất đai rộng lớn và trù phú với lượng nhân công dồi dào, rất phù hợp cho công tác trồng, thu hái dược liệu. Đặc biệt, giá trị kinh tế mang lại từ việc trồng dược liệu cao hơn 5 - 10 lần so với các loại cây lương thực khác. Công tác phát triển dược liệu cũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Luật Dược 2016 vừa được Quốc hội thông qua đã đưa ra rất nhiều chính sách lớn, tạo tiền đề quan trọng cho công tác phát triển dược liệu nước ta trong giai đoạn hiện nay.
 

 Theo Bộ Y tế, sau 30 năm thực hiện, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gene tại 7 vùng sinh thái trên toàn quốc, ngành y tế đã bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc. Hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO); bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, Bìm bìm biếc, Rau đắng đất, Đinh lăng, Diệp hạ châu đắng, cỏ Nhọ nồi, Tần dày lá, Dây thìa canh, chè dây và Kim tiền thảo.

Thị trường tiêu thụ lớn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy với những tiềm năng và thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành dược liệu trong nước.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 92,7% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Nhu cầu sử dụng dược liệu chiếm khoảng 10%/năm; trong đó, khối bệnh viện y học cổ truyền sử dụng khoảng 300 loại dược liệu khác nhau ở mức khoảng 3.000 tấn mỗi năm.

Theo Viện Dược liệu, mặc dù vậy, thị trường dược liệu Việt Nam giá trị khoảng 5 tỷ USD vẫn đang bị hàng ngoại chiếm lĩnh. Khoảng 80% trong số 60.000 - 80.000 tấn dược liệu Việt Nam cần mỗi năm phải nhập khẩu. Đến tháng 12.2016, cả nước mới có  226 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau. Điều đáng nói là thế giới hiện nay đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu, thay vì tổng hợp hóa học sản xuất thuốc mới bằng việc chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn và chi phí thấp. Vì vậy, những đặc sắc về nguồn gene và tri thức sử dụng cây thuốc bản địa chính là những lợi thế để tiếp cận thị trường, phát triển dược liệu trong nước.

Ngọc Chi



https://www.daibieunhandan.vn/co-hoi-phat-trien-nganh-duoc-lieu-390178


3.

Đông y và Tây y: Bầu ơi thương lấy bí cùng

Mục đích lớn nhất của cả Đông y và Tây y đều là chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật cho con người. Tuy nhiên, do những khác biệt về hệ thống lý luận, phương thức khám và điều trị khiến nhiều bác sĩ, người bệnh có thái độ bài xích, thiếu tin tưởng với phương pháp còn lại. Với cương vị một thầy thuốc, tôi luôn tôn trọng và muốn kết hợp cả hai phương pháp để người bệnh được điều trị tốt hơn.

Xem thêm: Người Việt đã thực sự hiểu về Đông y?

Đông y và Tây y: Khác phương pháp nhưng cùng chung mục đích

Để nói về sự khác biệt của Đông y và Tây y, một người thầy của bác sĩ Hà từng chia sẻ: “Đông y chỉ thấy rừng mà không thấy cây, còn Tây y chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Điều này quả chính xác.

Đông y coi trọng tiếp cận con người về mặt tổng thể, không chỉ điều trị căn nguyên bệnh mà còn nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cơ thể, từ đó đem lại hiệu quả bền lâu. Ngược lại, Tây y nhằm vào bộ phận để điều trị với mục đích chấm dứt bệnh một cách nhanh chóng nhất.

Điều trị bệnh bằng Đông y vẫn chưa được tin tưởng hoàn toàn
Điều trị bệnh bằng Đông y vẫn chưa được tin tưởng hoàn toàn

Để chẩn đoán tình trạng bệnh, Đông y vận dụng các phương pháp ngoại quan như: 

Vọng chẩn: Chẩn đoán tình trạng bệnh qua hoàn cảnh sống và dấu hiệu phản ánh ra bên ngoài cơ thể.

Văn chẩn: Nhận biết tình trạng qua âm thanh từ cơ thể và những tâm sự của bệnh nhân.

Vấn chẩn: Đưa ra câu hỏi đối với bênh nhân và người nhà về nếp sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày, cách ăn uống, tâm sinh lý….của bệnh nhân.

Thiết chẩn: Dùng tay sờ nắn các bộ phận trên cơ thể và bắt mạch để chẩn đoán tình trạng bệnh nhân.

Cách chẩn đoán này của Đông y phụ thuộc rất lớn vào trình độ và kinh nghiệm của thầy thuốc để đem đến kết quả.

Khác với Đông y, Tây y sử dụng các phương pháp xét nghiệm, nội soi, siêu âm, chiếu chụp để chẩn đoán bệnh. 

Cũng vì Đông y chữa bệnh dựa trên lý luận và kinh  nghiệm ngàn đời, chủ yếu được kiểm chứng bằng hiệu quả được lưu truyền, nhiều điều khoa học chưa kiểm chứng được nên nhiều bác sĩ Tây y có tư tưởng bài xích Đông y, cho rằng hiệu quả điều trị Đông y không có và nếu áp dụng chỉ tốn thời gian và công sức mà thôi. Nhiều bệnh nhân của bác sĩ Hà chia sẻ rằng họ được các bác sĩ Tây y khuyên thậm chí là nói thẳng thừng “không được” sử dụng Đông y với bệnh đang điều trị.

Tính đến năm 2018, cả nước ta có 63 bệnh viện Y học cổ truyền, 92% các bệnh viện đa khoa có khoa Y học cổ truyền, 85% trạm y tế tổ chức khám chữa bệnh Y học cổ truyền. Tuy nhiên, nếu tính theo tổng số lượt khám chữa bệnh chung của cả nước thì tỉ lệ khám bệnh bằng Đông y chỉ chiếm từ 4,1% – 28,5%.

Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc tỉ lệ khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền ít bởi vì chúng ta chưa thực sự hiểu được “cái hay và cái được” của Đông y.

Ưu điểm lớn của nền y học phương Đông là vận dụng triết học cổ phương đông vào trong chẩn trị. Các thầy thuốc luôn có cách nhìn người bệnh một cách toàn diện. Nhờ vậy mà có sự điều chỉnh, nâng cao đề kháng để khắc phục bệnh tật.

Ngoài ra, thuốc và các biện pháp không sử dụng thuốc như dưỡng sinh, xoa bóp, châm cứu, ẩm thực trị liệu… đều có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với cơ thể, ít độc và hạn chế tác dụng phụ.

Tuy nhiên, tôi không phủ nhận việc chẩn đoán bệnh bằng Đông y vẫn còn hạn chế, chưa được tiêu chuẩn hóa, phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm cá nhân của người thầy thuốc.

Bài viết hay: Góc nhìn của bác sĩ Hà về vấn nạn bạo hành bác sĩ hiện nay

Đông y và Tây y đều có những ưu và nhược điểm trong khám chữa bệnh
Đông y và Tây y đều có những ưu và nhược điểm trong khám chữa bệnh

Trong khi đó y học hiện đại có ưu điểm là ứng dụng thành quả công nghệ khoa học tiên tiến của nhân loại nên trang thiết bị trong chẩn đoán, điều trị hiện đại, can thiệp sâu, kịp thời, hiệu quả cao với tình trạng cấp cứu, cấp tính, ngoại khoa… thậm chí khi cần có thể thay thế bộ phận, cấy ghép.

Nhưng nhược điểm dễ nhận thấy của y học phương Tây mà cả tôi và các bạn đều thấy đó là dễ rơi vào tình trạng lạm dụng thuốc, nhiều tác dụng phụ, gây nhiều tác hại cho sức khỏe.

Dù đã có lịch sử lâu dài, Y học cổ truyền đã chăm sóc sức khỏe người dân hiệu quả ngàn đời nay nhưng khi xã hội phát triển, sự quan tâm vào các vấn đề khoa học hiện đại cũng theo đó tăng lên. Nền y học cổ truyền với đặc điểm khiêm nhường, trầm ổn cũng dần bị nhiều người quên lãng.

Tuy nhiên, không một ai có thể phủ nhận những hiệu quả trong điều trị trong Đông y và Tây y. Và theo tôi, dù nguyên lý và cách thức thực hiện thế nào, cả Đông và Tây y đều ra đời để phục vụ mục đích cao cả nhất: Chăm sóc và bảo vệ con người. 

Bởi vậy, thay vì bài xích, chê bai lẫn nhau, tại sao ta không kết hợp chúng cùng nhau để làm giảm nhược điểm và nâng cao hiệu quả trong điều trị?

Đông y và Tây: Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy tồn tại song song nhưng Đông y và Tây y nên kết hợp với nhau một cách linh hoạt trong khám chữa để khắc phục những yếu điểm và đẩy mạnh hơn nữa những ưu điểm của nhau trong điểm trong điều trị.

Cách đây hơn nửa thế kỉ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn về định hướng phát triển ngành y tế Việt Nam: Hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng, kết hợp chặt chẽ giữa nền y học hiện đại và cổ truyền.

Chủ tịch nhấn mạnh, ông cha ta xưa kia có nhiều kinh nghiệm quý báu về chữa bệnh bằng thuốc ta không kém gì thuốc Tây. Mỗi bên đều có ưu điểm, hai ưu điểm kết hợp với nhau sẽ chữa bệnh cho nhân dân, đồng bào được tốt hơn.

Tôi may mắn là một bác sĩ được tiếp xúc với cả Tây y và Đông y. Trước đây học đại học tôi đã được đào tạo Tây y trong 4 năm. Bác sĩ Hà biết được rằng Tây y có điểm mạnh gì mà Đông y không có cũng như hạn chế mà Đông y có thể khắc phục được.

Cho nên, những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tôi cùng các đồng nghiệp của mình đều ghi nhớ và hiện đang áp dụng trong quá trình làm việc.

Tôi lấy ví dụ cụ thể về bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung. Chúng tôi sẽ sử dụng thuốc Đông y để trị viêm cho người bệnh, sau đó kết hợp phương pháp điều trị Tây y là đốt phần lộ tuyến. Tuy hai cách thức kết hợp nghe có vẻ phức tạp nhưng nó lại mang hiệu quả rất tốt cho người bệnh.

Tìm hiểu thêm: Về tôi Bác sĩ Đỗ Thanh Hà “Người trao hạnh phúc”

Viêm lộ tuyến cổ tử cung điều trị kết hợp Đông và Tây y cho hiệu quả rất tốt
Viêm lộ tuyến cổ tử cung điều trị kết hợp Đông và Tây y cho hiệu quả rất tốt

Hoặc với vấn đề giữ thai, chị em có thể dùng thuốc Đông y để an thai, giữ thai, cầm máu. Còn Tây y sử dụng các thuốc nội tiết giúp thai nhi khỏe mạnh và an toàn hơn.

Do đó, trong nhiều trường hợp, bệnh lý để đạt được mục tiêu điều trị hiệu quả, an toàn, hiệu quả và hiện đại chúng ta nên kết hợp hai nền y học này một cách chặt chẽ và toàn diện.

Theo tôi, sự kết hợp này chính là một bước nâng cao của sự kế thừa của hai nền y học. Khi kết hợp người bác sĩ sẽ phải chọn lọc, giữ lại những tinh hoa, loại bỏ hạn chế, phần độc hại, lạc hậu để xây dựng một nền y học vì con người và cho con người chứ không phải là lợi nhuận.

Cần linh động kết hợp Đông và Tây y trong khám chữa bệnh

Đông Tây y kết hợp trong điều trị hiện nay đã trở thành xu hướng tất yếu không chỉ có ở châu Á mà nó còn phổ biến hơn ở các nước Âu, Mỹ.

Tuy nhiên, không phải cứ tất yếu là ta sẽ áp dụng một cách đại trà mà nó phải có sự chọn lọc. Như tôi có nói ở phần trên, cái gì tốt chúng sẽ giữ và phát huy, còn những gì chưa tốt, nhược điểm phải loại bỏ để đưa ra phác đồ khám chữa bệnh hiệu quả nhất.

Chính vì vậy, các bác sĩ Tây và Đông y phải linh động trong sự kết hợp. Thông thường chúng ta sẽ tiến hành kết hợp việc điều trị Đông y và Tây y như sau:

  • Thực hiện khám, chẩn đoán chủ yếu bằng Y học cổ truyền nhưng sẽ kết hợp với xét nghiệm cận lâm sàng của y học hiện đại. Đây là cách mà phòng khám đang thực hiện để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị.
  • Áp dụng cách chẩn đoán của cả Đông Tây y, hình thức này sẽ tùy vào mức độ cũng như giai đoạn bệnh. Với phác đồ điều trị cá nhân hóa người bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng mỗi bệnh nhân mà đưa ra phương pháp điều trị mình Đông, Tây y hoặc kết hợp cả hai.
  • Điều trị căn nguyên bệnh bằng y học hiện đại, kết hợp thuốc hoặc các biện pháp không dùng thuốc của Đông y như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp…
  • Hoặc chúng ta điều trị căn nguyên gây bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại nếu kèm theo bệnh lý cấp tính, diễn tiến phức tạp…
Điều trị bệnh bằng y học hiện đại kết hợp châm cứu
Điều trị bệnh bằng y học hiện đại kết hợp châm cứu

Kết luận lại rằng, mỗi một nền y học sẽ có những thế mạnh nhưng cũng có những hạn chế riêng trong khám chữa. Thiết nghĩ chúng ta cần tôn trọng và chấp nhận những điểm mạnh, hạn chế của nhau. Phát huy và kết hợp điểm mạnh một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Ngoài ra, các trường y có chuyên ngành Y học cổ truyền nên có nội dung đào tạo phù hợp, cân bằng giữa nội dung Tây y và Đông y cho sinh viên. Đồng thời các cơ quan ban ngành liên quan (trạm y tế, bệnh viện, Sở Y tế, Bộ Y tế…) nên có chương trình giáo dục lại nhận thức của người dân về Đông y. Bởi đây là nền y học gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc ta, tạo nên nét đặc trưng của nền y học của một số nước phương Đông và nó không hề thua kém so với Tây y.

https://bacsidothanhha.com/dong-y-va-tay-y-bau-oi-thuong-lay-bi-cung.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.