Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

22/02/2021

Lễ hội chùa Keo (Thái Bình)

Có hai làng Keo gắn với hai ngôi chùa, đều gọi là chùa Keo, một ở Nam Định và một ở Thái Bình.

Đây là nói về chùa Keo bên Thái Bình.

Một bài đầu tiên lấy về từ trang web của Cục Di sản.

Các tư liệu cập nhật thì dán ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 2 năm 2021,

Giao Blog


---

DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA


Lễ hội chùa Keo


Chùa Keo, tên chữ là Thần quang tự, Nghiêm quang tự, là ngôi chùa tiền Phật, hậu Thánh (thiền sư Không Lộ). Theo truyền thuyết, ông họ Dương, húy là Minh Nghiêm, người làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh.

Thiền sư sinh ngày 14 tháng Chín năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Lý Thái Tổ. Lớn lên Ông theo học đạo thiền, kết bạn với Giác Hải, Đạo Hạnh rồi cùng về tu ở chùa Diên Phúc, phủ Hải Thanh. Sau khi dựng chùa Nghiêm Quang, pháp thuật của sư Không Lộ ngày càng cao, bay trên không, đi dưới nước, bắt rồng phải hàng, hổ phải phục,… Năm Bính Ngọ (1066) đời vua Lý Thánh Tông, ở điện Liên Mộng (tức điện Tử Cổn), vua đang ngự điện bỗng thấy trên xà nhà có tiếng hai con tắc kè kêu, vua liền sinh bệnh, thầy thuốc chữa không khỏi. Triều đình sai đem hơn 50 người đi thuyền đến tịnh xá mời sư Không Lộ và sư Giác Hải về kinh chữa bệnh cho vua. Sau khi chữa khỏi bệnh cho vua, sư Không Lộ được trọng thưởng 1.000 lạng bạc, 500 khoảnh ruộng và được phong là Quốc sư. Ngày 3 tháng Sáu năm Giáp Tuất (1094), sư Không Lộ hóa, thọ 79 tuổi.


Qua tham khảo tài liệu và điều tra thực địa của các nhà nghiên cứu cho thấy, chùa Nghiêm Quang sau đổi là chùa Thần Quang được xây dựng vào thời Lý, tại ấp Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) ở hữu ngạn sông Hoàng (Hồng Hà).


Năm Tân Hợi (1611) xảy ra lũ lụt lớn, chùa trôi mất, dân ấp Keo cũ phải dời đi hai nơi (Hành Cung và Dũng Nhuệ). Dân làng Hành Cung chuyển về mạn Đông Nam hữu ngạn sông Hoàng, đời Minh Mệnh (1820 - 1840) đổi là Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Dân làng Dũng Nhuệ sang tả ngạn sông Hoàng về phía Đông Bắc, đời Tự Đức (1848 -1883) đổi thành Dũng Mỹ, đời Thành Thái (1889 - 1907) đổi là Hành Mỹ, nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.


Sau cuộc chuyển cư của người ấp Keo, dân Dũng Nhuệ bên tả ngạn tiến hành một cuộc vận động lớn xây dựng lại chùa Thần Quang, tức chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình hiện nay. Hàng năm, làng Keo hai lần mở hội: Hội vui xuân và Hội mùa thu (là lễ trọng lớn nhất trong năm của làng).


Để tổ chức lễ hội, dân làng chuẩn bị lễ vật dâng cúng chu đáo từ trước ngày diễn ra lễ hội, với những sản vật quen thuộc của địa phương như: xôi, rượu, hoa quả, bánh chưng... Tất cả các lễ vật này được người dân lựa chọn công phu, chọn người có uy tín, gia đình đầy đủ, không có bụi, làm ăn thuận lợi để thực hiện công việc làng giao.


Ngoài lễ vật dâng cúng, người dân còn chuẩn bị cho các hoạt động khác diễn ra trong lễ hội, cụ thể:


* Lễ hội vui xuân

Cũng giống như lễ hội mùa xuân của các địa phương khác, chùa Keo tổ chức lễ hội diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng để nhân dân đến cúng Phật và tham gia các trò vui: thi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm; nay, các trò này không còn được tổ chức nữa.


* Lễ hội mùa thu

Lễ hội được mở chính thức trong 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Chín Âm lịch. Thiền sư Không Lộ tịch ngày 3 tháng Sáu, đến ngày 13 tháng Chín là tuần bách nhật. Vì thế, lễ hội chùa Keo mở từ ngày 13 để kỉ niệm 100 ngày ngày mất của thiền sư, ngày 14 kỉ niệm ngày sinh của ông, ngày 15 là lễ tiết ngày rằm hàng tháng của đạo Phật. Lễ học được tiến hành gồm:

+ Bầu chủ hội và các đại diện giúp việc:

Từ tiết kỵ thánh mùng 3 tháng Sáu, sau khi lễ thánh bằng thứ bánh bột gạo nếp trộn mật, nấu cách thủy hai đêm một ngày (tục gọi là bánh bìa), người dân trong xã theo lệ cũ bầu một ông chủ hội. Chủ hội phải là người có uy tín, đủ tư cách để quyết định mọi việc cho hội. Sau đó, người dân bầu các đại diện cho các làng trong xã để giúp ông chủ hội điều hành mọi việc trong hội.


+ Dựng phướn, kéo cờ: ngày 11 tháng Chín, dân làng dựng cây phướn ở sân cỏ trước tam quan ngoại.


+ Chuẩn bị của đội rước kiệu: Ông chủ hội chọn 42 trai làng khỏe mạnh, thuần thục động tác để rước kiệu, nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh (thuyền cò). Người làng Keo gọi việc chọn trai này là “kéo kén”, nghĩa là kéo quân để kén người.


Ngày 12, 42 trai làng được tuyển hôm trước lại dự cuộc kéo kén lần nữa để chọn người rước kiệu thuyền rồng, gồm: 4 người vào đòn chính, 8 người vào đòn gồng (mỗi gồng 2 người), 2 người cầm quạt vả che hai bên kiệu chính. Những người còn lại sẽ rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh…


+ Chuẩn bị của đội tế nữ quan và nam quan

Trước lễ hội nhiều tháng, các đội tế nữ quan, nam quan bắt đầu tập luyện theo lệ cũ. Mặc dù, có người đã tham gia đội tế nhiều năm, xong tất cả đều ý thức được vai trò của mình, nên tập luyện rất nghiêm túc và hướng dẫn những thành viên mới của đội.


- Ngày 13 là ngày mở hội, còn gọi là ngày tốt khốc, tưởng nhớ 100 ngày (bách nhật) tịch của thiền sư Không Lộ. Mở đầu là cuộc rước, những trai làng đã được lựa chọn cùng dân làng buổi sáng rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh ra tam quan ngoại, buổi tối rước vào tòa thiêu hương.


Trước đây, vào chiều 13, hội chùa Keo tổ chức đua trải và trao giải thưởng mở rộng từ khu vực chùa ra tận hai bờ sông Hồng dài khoảng 5 cây số. Trải nào được giải nhất cả ba ngày bơi, tiếng địa phương gọi là giải cốn, làng sẽ thưởng thêm. Trai bơi của 8 giáp ngoài tiền, gạo được thưởng lại có rượu, bánh mừng của các cô gái làng lấy chồng xa.


Cũng chiều ngày 13, tại tòa giá roi có cuộc thi thầy đọc. Tham dự là các thầy cúng có giọng đọc tốt, làm văn hay của các vùng hai bờ hạ lưu sông Hồng. Mỗi người phải khăn áo chỉnh tề, thi thử giọng bằng một bài văn chúc tụng thánh Tổ hàng năm. Ai có giọng tốt mới được chọn thi chính thức. Vào thi chính thức, người dự thi phải tự sáng tác một hay nhiều bài tùy ý theo sáu chủ đề: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực. Người ta gọi đây là văn lục cúng. Văn lục cúng thi ở chùa Keo khác với các nơi. Văn được sáng tác bằng văn nôm theo lối trào phúng. Vì thế, người đọc phải có giọng đọc khôi hài mới phù hợp với lối văn này. Theo một số cụ già làng Keo, đây là cuộc thi tài mang tính văn nghệ chứ không phải là nghi lễ tế thánh. Kết thúc cuộc thi, ông chủ hội chọn 4 người xuất sắc xếp loại thứ tự và trao giải.


Tối 13, sau cuộc rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh về tòa thiêu hương, các cuộc lễ thánh diễn ra theo thứ tự sau: ông chủ hội và các ông tùng giá cùng tám em bé (mục đồng), đoàn chấp hiệu, đoàn rước bát bửu trong cuộc rước kiệu thánh sáng hôm sau và hai ông tổng cờ, những người chân kiệu đóng khố bao. Lễ Thánh xong còn có hai cuộc thi là thi kèn và thi trống.


Nửa đêm ngày 13 còn có tục lễ gốc cây phướn (thường gọi tục ấy là “long nhan cây phướn”), tuy giản đơn nhưng vẫn do ông chủ hội chủ trì.


Trải qua những thăng trầm của thời gian, dân làng nay không còn tổ chức cuộc đua trải, thi thầy đọc, thi kèn và thi trống nữa.


- Sáng 14, kỉ niệm ngày sinh của thiền sư Không Lộ. Mở đầu là cuộc rước kiệu Thánh, khởi đầu từ tòa thượng điện ra tam quan ngoài. Đến tối lại rước bài vị thánh vào tòa thiêu hương. Rước ra, rước vào đều theo hình chữ Á khép kín, được gọi là “xuất á, nhập á”.


Đoàn rước gồm: đội tập phúc là các vãi già mặc áo nâu, tay cầm cành phan, tay cầm dải vải dài, gọi là cầu rước thánh; đoàn mục đồng tay cầm cờ thần, tượng trưng cho những em bé chăn trâu cắt cỏ được gần gũi Không Lộ khi ông làm nghề chài lưới; hai con ngựa, một hồng, một bạch; xe chở trống, chiêng; đội các lão ông cầm bát bửu; phường bát âm; đội múa sênh tiền; giá tiểu đĩnh; đội rước chấp kích; giá thuyền rồng sơn son thiếp vàng; đội khiêng long đình; đội khiêng nhang án; nhân dân và du khách thập phương. Quán xuyến đám rước là ông chủ hội và ông tổng cờ.


Đoàn rước đi từ thánh điện ra ngoài tam quan ngoại, quãng đường rước khoảng 500m. Buổi sáng khi rước thánh ra thì rước qua mạn Đông bờ ao, buổi chiều rước về qua mạn Tây bờ ao. Trong khi tiến hành cuộc rước trên bờ, ở dưới ao trước chùa cũng diễn ra cuộc bơi thuyền. Có 8 em nhỏ, độ tuổi 13 - 14, mặc áo vàng, đội khăn đỏ tết hình hai trái đào, ngồi thành bốn đôi cân đối, bơi bằng dầm gỗ trên một chiếc thuyền nhỏ, gọi là thuyền cò cốc. Trên thuyền còn có hai người lớn, một người đánh mõ và một người lái, mặc áo vàng, khăn vàng, thắt dây lưng đỏ bỏ mối bên trái. Tám mái dầm bổ xuống nước ăn nhịp với tiếng mõ và tiếng “hò dô” của 8 em nhỏ làm cho chiếc thuyền cò cốc lướt nhẹ trên mặt nước quanh ao. Thuyền bơi có tính chất biểu diễn để thờ thánh.


Ngày xưa, trong chiều 14, làng Keo còn thực hiện nghi lễ chầu thánh bằng một điệu múa, người làng Keo gọi là múa ếch vồ.


- Ngày 15, mọi nghi thức được tiến hành tương tự như ngày 14. Tuy nhiên, cuộc lễ thánh của 12 trai chân kiệu được tổ chức bằng một lễ chèo cạn chầu thánh vào ban đêm sau khi đã rước kiệu thánh hoàn cung. Đây là cuộc lễ để kết thúc ba ngày hội chùa Keo.


Ngoài hai lễ hội lớn, chùa Keo hàng năm còn thực hiện các lệ sau:

- Lễ ngày Đinh tháng Hai Âm lịch: người dân chọn từ mùng 1 đến mùng 10 lấy ngày Đinh làm ngày sửa lễ tế trà đức thánh.


- Lệ mùng 3 tháng Sáu: là ngày tịch của thiền sư Không Lộ.


- Ngoài các sự lệ trên, ở chùa Keo còn có một sự lệ đặc biệt: sự lệ trang hoàng thánh tượng, 12 năm mới có một lần, chọn ngày làm từ tiết kỵ thánh đến 15 tháng Tám. Tượng thánh được tắm bằng nước chế từ nước dừa và hạt bưởi, sau đó tô son lại.


- Lễ phục y được làm mỗi năm một lần: từ 15 tháng Tám đến mùng 10 tháng Chín, dân làng chọn ngày tốt làm lễ thay áo cho tượng. Xiêm áo cũ của tượng làm lộc phát cho dân trong làng.


Lễ hội chùa Keo gắn với sự tích về thiền sư Không Lộ phản ánh một thời kỳ phát triển của Phật giáo Việt Nam. Lễ hội thể hiện sự suy tôn của cộng đồng đối với thánh Không Lộ - nhân vật được huyền thoại hóa thành vị thần bảo hộ, che chở cho làng, được thánh hóa để trở thành vị thánh quyền năng của cư dân nông nghiệp. Tổ chức và duy trì lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và vui chơi lành mạnh của người dân, giúp tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng xã, thôn xóm, gia đình; đồng thời, gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc...


Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội chùa Keo được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017.

http://dsvh.gov.vn/le-hoi-chua-keo-1348

..


----



BỔ SUNG


3.

MỘT VÙNG NHƯ ĐỘNG, NHƯ IM
NỬA TRẦN GIAN, NỬA THẦN TIÊN NGỠ NGÀNG
Những năm Thập niên 70-80 của Thế kỷ trước, dưới thời bao cấp còn thiếu thốn đủ thứ. Nhận thức được vai trò của Văn học Nghệ thuật trong xã hội, Thái Bình sớm ươm trồng mầm non Văn nghệ, bằng việc mở các lớp Búp Văn Chương. Khoảng mươi năm, lựa chọn được mấy chục em lứa tuổi Tiểu học trong toàn tỉnh có năng khiếu viết và vẽ, về Hội Văn nghệ và mời các Nhà văn, Nhà thơ ở Trung ương về “dạy dỗ“. Đến nay, gần nửa Thế kỷ, trong số đó để trở thành Tác giả vẫn đang viết, chỉ đếm chưa đầy một bàn tay. Thế mới biết “nghiệp viết“ không hề dễ !
Năm 2020, lứa “Búp trên cành “ ngày ấy họp mặt và xuất bản Tập thơ CHÙA KEO - Hội Nhà văn Việt Nam. Cảm ơn các em, đã in của mình bài thơ Gặp Em, cùng với các Tác giả: Hoàng Trung Thông, Võ Văn Trực, Bút Ngữ, Võ Bá Cường, Kim Chuông...

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=854926254915802&id=387879918287107



Tập thơ "Chùa Keo"

Thứ năm - 19/03/2020 22:33

Chùa Keo nằm trên đất thuộc xã Duy nhất, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, có tên chữ là Thần Quang Tự, được xây dựng từ 1630 đến năm 1632 theo phong cách kiến trúc thời Lê. Nhưng, lịch sử của ngôi chùa lại có bề dày đến hơn chín thế kỷ. 
 
Theo “Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục,” năm 1061, Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự. 
                   
Qua năm tháng biến thiên, năm 1611, trận lũ lớn sông Hồng đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình này.



Chùa Keo có quy mô kiến trúc trên một khu đất khoảng 58.000m². Hiện còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25 m đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa chạm rồng chầu (thế kỷ 16). Rồi, chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Trong cùng là tòa gác chuông, nhà tổ và khu tăng xá.
            
Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04 m gồm 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng ngậm, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. 



Tầng một treo khánh đá 1,20 m và chuông đồng cao 1,30 m, đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông (1686); hai tầng trên treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69 m đúc vào năm 1796.

Đứng soi mình xuống hồ nước phẳng lặng giữa một không gian thoáng đãng, chùa Keo không chỉ lưu giữ nhiều di vật quý giá mà còn chứa đựng những điều huyền bí gắn liền với cuộc đời Thiền sư Không Lộ. Theo sách Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu, Thiền sư Không Lộ vốn họ Dương, sinh ra trong một gia đình ngư phủ, xuất gia theo Thiền sư Lôi Hà Trạch.



Tương truyền rằng từ khi đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước và thuần phục được rắn, hổ. Truyền thuyết còn kể rằng trước khi viên tịch, Ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.

Cứ 12 năm một lần, làng Keo lại cử ra một người hội chủ và bốn viên chấp sự để làm lễ trang hoàng tượng Thánh. 
 
Đến thăm chùa, khách có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng. Pho tượng Tuyết Sơn hay còn gọi là Thích Ca Mâu Ni có niên đại khoảng 400 năm. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa. 
 
Hội chùa Keo thường diễn ra vào ngày 4 Tết âm lịch, từ 13 đến 15-9 âm lịch. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. 
 
Mấy trăm năm qua, trước thắng cảnh riêng biệt của chùa Keo, nhiều du khách, nhiều văn thi sĩ đã để lại những trang viết về vẻ đẹp độc đáo của ngôi chùa. Năm 1986, Hội Văn học Nghệ thật Thái Bình liên kết với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vũ Thư đã xuất bản tập thơ “Chùa Keo” do Nhà thơ Kim Chuông, Nhà nghiên cứu văn học dân gian Phạm Đức Duật biên tập xuất bản và phát hành lần đầu tiên với trên một vạn cuốn.
 
Để lưu giữ giá trị tinh thần về vùng danh thắng ở một miền châu thổ sông Hồng, lần này, chúng tôi cho in tập THƠ CHÙA KEO (đã được bổ sung, nhưng có thể do sưu tầm, tập hợp, chưa đầy đủ các bài viết của các tác giả trong và ngoài nước đã viết, giới thiệu về chùa Keo trên các báo chí), song, Ban Biên tập sẽ tiếp tục hoàn thiện dần ở các lần xuất bản sau này.


 
Vậy trân trọng giới thiệu cùng công chúng bạn đọc.

http://nhabup.vn/news/tac-gia-tac-pham/tap-tho-ve-chua-keo-937.html


2.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TỔ ĐÌNH CHÙA KEO – THÁI BÌNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

THÔNG BẠCH

CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ
TẠI TỔ ĐÌNH CHÙA KEO – THÁI BÌNH

  1. Tháng 12 âm lịch:
    – Ngày 29/12 hoặc 30/12: Lễ Giao Thừa (Lễ Trừ Tịch)
  1. Tháng Giêng:
    – Ngày 01: Tết Nguyên Đán – Mừng Xuân Di Lặc
    – Ngày 04: Khai hội Xuân Chùa Keo
    – Ngày 10: Lễ Chúc Thọ quý Phật tử
    – Ngày 14 : Lễ Thượng Nguyên
    – Ngày 16  đến ngày 21: Lễ Cầu An đầu năm
  1. Tháng hai:
    – Ngày 19 : Khánh đản Bồ Tát Quan Thế Âm
  1. Tháng ba:
    – Ngày 20: Lễ Húy Nhật Giác Linh Tiên Tổ
    – Ngày 30/4 – 1/5/2018: Khóa Tu Mùa Hè Tại Chùa Ứng Linh – Thanh Bản.
  1. Tháng tư:
    – Ngày 1: Giỗ Đức Ông Hoàng Nhân Dũng – Hội Đền Hồng Giao
    – Ngày 08 đến ngày 15: Tuần lễ Phật Đản
    – Ngày 30/4 – 1/5 Dương lịch: Tổ chức khóa tu mùa hè
  1. Tháng sáu:
    – Ngày 03: Lễ Húy Nhật Đức Thánh Tổ
    – Ngày 26/7/2018: Lễ cầu siêu Anh Hùng Liệt Sỹ
  1. Tháng bảy:
    – 01/9 Dương lịch: Trao quà Khuyến học
    – Ngày 09 đến ngày 15: Đại lễ cầu siêu Vu Lan Báo Hiếu
  1. Tháng tám:
    – Ngày 12: Tết Trung Thu
  1. Tháng chín:
    – Ngày 10 đến ngày 20: Lễ hội mùa thu
  1. Tháng mười:
      Ngày 28: Lễ Húy Nhật Giác Linh Tiền Tổ

11: Tháng mười một:
– Ngày 17: Khánh Đản Đức Phật A Di Đà

  1. Tháng mười hai:
    – Ngày 14: Lễ tất niên

Trên đây là Hoạt động Phật sự dự kiến diến ra tại Tổ Đình chùa Keo trong một năm. Dựa trên tình hình thực tế, một số sự kiện trên có thể được đổi lịch để phù  hợp với lịch công tác Phật sự tổng thể của nhà chùa.

Mong quý vị hoan hỷ theo dõi.

 TỔ ĐÌNH CHÙA KEO THÁI BÌNH!

https://chuakeo.com.vn/cac-dai-le-chinh-trong-nam/



1.



Thuyết minh về ngôi chùa Keo (Dàn ý + 2 mẫu)

Những bài văn mẫu lớp 8

Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu cho tất cả thầy cô và các bạn cùng tham khảo một số bài văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về ngôi chùa Keo.

Hy vọng rằng với dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu sau đây, thì tất cả mọi người có thể bổ sung thêm nhiều kiến thức Ngữ văn lớp 8. Sau đây, xin mời các bạn cùng tham khảo thêm một số bài văn mẫu Thuyết minh về ngôi chùa Keo.

Thuyết minh về ngôi chùa Keo

Dàn ý thuyết minh về ngôi chùa Keo

I. Mở bài:

- Giới thiệu danh thắng chùa Keo, Thái Bình, có thể sử dụng lời thơ để dẫn dắt:

"Dù cho cha đánh, mẹ treo
Cũng không bỏ hội chùa Keo hôm rằm."

- Đây là ngôi chùa cổ lâu đời nhất, độc đáo nhất và là biểu tượng, niềm tự hào của người dân Thái Bình.

II. Thân bài:

a. Giới thiệu khái quát

- Vị trí địa lý: Cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km

- Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

- Diện tích: 58000 km2

- Phương tiện di chuyển: Có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô.

- Khung cảnh khái quát: Chùa nằm ven chân đê sông Hồng, giữa những cánh đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay, cây cối tươi tốt quanh năm bởi nước phù sa bồi đắp.

b. Nguồn gốc và lịch sử hình thành:

- Đây là ngôi chùa cổ, đã tồn tại khoảng 400 năm, năm bắt đầu xây dựng là 1630, đến năm 1632 thì hoàn thành.

- Xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê.

- Lịch sử hình thành: Trước đây, chùa có tên gọi là Nghiêm Thần Quang, do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng tại Giao Thủy (Nam Định); nhưng sau đó trải qua nhiều đợt lụt, mưa lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa. Dân cư nơi này đã bỏ quê ra đi, nửa đến Đông Nam hữu ngạn của sông Hồng, định cư và xây dựng chùa Keo (Hành Thiện) nay thuộc Nam Định; phần dân còn lại vượt sông đến vùng Đông Bắc tả ngạn của sông Hồng, định cư và xây dựng chùa Keo thuộc Thái Bình ngày nay.

- Tên gọi: Chùa Keo (Thái Bình) có tên khác là Thần Quang Tự, Keo là tên gọi Nôm của Giao Thủy.

c. Kiến trúc chùa Keo:

- Toàn bộ gỗ làm chùa đều là gỗ lim, rất chắc chắn bởi vậy dù trải qua nhiều biến đổi của thời gian nhưng đây là một trong số những ngôi chùa cổ còn giữ được nguyên vẹn đến tận ngày nay.

- Cấu tạo:

+ Tổng gồm 16 tòa, 126 gian trong đó có 12 tòa và 102 gian chính.

+ Kiến trúc chính gồm: Tam quan nội, ngoại, Chùa Phật, các tòa bao gồm chùa Ông Hộ, Ống Muống, Tam Bảo, Đền Thánh, Giá Roi, Thiêu Hương, Phụ Quốc, Thượng Điện và Gác Chuông. Ngoài ra còn có các khu tăng xá, nhà khách, khu nhà dành cho ban quản lý chùa.

+ Kiến trúc tiêu biểu: Gác Chuông có kiến trúc độc đáo tiêu biểu cho kiến trúc thời Lê, cao 11 mét, gồm 3 tầng (tầng 1 treo chiếc khánh đá dài 1 mét 2, tầng 2 là quả chuông đồng cao 1 mét 3 đúc vào thời vua Lê Hy Tông, tầng 3 và tầng trên cùng treo chiếc chuông nhỏ cao hơn nửa mét. Đặc biệt nhất là mái gác chuông có kết cấu gần 100 đàn đầu voi; toàn bộ khung đều làm bằng gỗ chắc gắn với nhau bằng mộng.

- Chùa bố trí, sắp xếp giàn tượng pháp thành các lớp và lưu giữ một số lượng lớn các bảo vật, cổ vật có giá trị hàng trăm năm: Đồ gốm, nhang án thời Lê, đôi chân đèn thời Mạc,...

- Khung cảnh chùa Keo, Thái Bình:

+ Mặt nước ở cả 3 mặt trước và hai bên tạo ra không gian thoáng đãng tạo cảm giác ngôi chùa vươn cao giống như đóa hoa sen giữa mặt hồ.

+ Các tòa tháp, các gian được bố trí đơn giản, tỉ lệ cân đối, không quá đồ sộ nhưng cũng không nghèo nàn.

+ Ngoại cảnh: Bao quanh bởi nhiều cây cổ thụ xanh tốt quanh năm tạo vẻ cổ kính, trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều loài hoa quý, cây xanh...

- Lễ hội chùa Keo diễn ra hằng năm vào ngày 13, 14, 15 tháng 9 (Âm lịch) để tưởng nhớ đến Thiền sư Không Lộ, ngoài phần lễ rước kiệu, cúng Thánh trang nghiêm long trọng, chùa còn tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian, diễn xướng....

d. Giá trị về lịch sử, văn hóa của chùa Keo với:

- Địa phương: Là biểu tượng, niềm tự hào của tỉnh Thái Bình.

- Đất nước: Là một trong số danh thắng có kiến trúc độc đáo bậc nhất trong cả nước.

+ Top 10 di tích cổ nhất ở Việt Nam.

+ Năm 1962, chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.

+ Năm 2012, chùa được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

III. Kết bài:

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của chùa Keo.

- Nêu cảm nghĩ của bản thân về danh thắng đặc biệt này.

Thuyết minh về ngôi chùa Keo - Mẫu 1

Chùa Keo, một khu chùa cổ tuyệt vời, một tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.

Chùa Keo tên chữ là chùa Thần Quang, nằm ở Vũ Thư, Thái Bình. Theo sử cũ, chùa Keo được xây dựng từ thời nhà Lý Thánh Tông, đến nay đã nhiều lần trùng tu.

Trong những di tích còn lại thì chùa Keo là một di tích có quy mô to lớn. Có lẽ ở nước ta chưa có một ngôi chùa nào lại được tới 57.000m2 với 107 gian chùa lớn (trước là 154 gian) làm toàn bằng gỗ lim. Những con đường dài hàng trăm mét, lát toàn đá xanh rộng gần 2m và 350 vây cột lim lớn nhỏ, đều được kê trên những hòn đá tảng lớn, cổ bồng, chạm cánh sen.

Toàn bộ khu chùa là một quần thể kiến trúc lớn, gồm cột cờ, sân lát đá, tam quan ngoài, ao trước chùa, tam quan trong, sân đất, chùa Hộ, chùa Phật, sân gạch, tòa Giá Roi, tòa Thiên Hương, tòa Phục quốc, tòa Thượng Điện, gác chuông, nhà Tổ… Ngoài ra, là hai dãy hành lang dài hai bên, từ chùa Hộ trở vào.

Tổ chức không gian kiến trúc ở đây thật tài tình, phức tạp một cách trật tự, theo kiểu "tiền Phật hậu Thần”. Khu chùa phía trước và khu đền thờ Không Lộ thiền sư phía sau. Bố cục kiến trúc dường như là phá quy luật, như việc đặt gác chuông ba tầng vào cuối dây chuyền của quần thể. Kiến trúc của gác chuông là sự đồ sộ của hình khối, sự phong phú hài hòa của nhịp điệu và chi tiết, chỉ ba tầng cao 11,06m nhưng lại gây được ấn tượng đồ sộ. Bốn cây cột lim chính cao suốt hai tầng, cùng với hệ thống cột niên và những hàng lan can con tiện, đã được kết nối khéo léo. Các tảng cột gác chuông thuần bằng đá, tạc kiểu hình đôn lớn, chạm hình hoa sen kép rất đẹp. Độc đáo nhất là hệ thống dui bay, tầng tầng lớp lớp vươn lên đỡ mái. Các đầu dui bay phía ngoài vươn ra, choãi xuống theo chiều mái, làm tăng thêm chiều cao của công trình. Đứng xa trông như 200 cánh tay Phật Bà Quan Âm từ mái tầng hai, tầng ba vươn ra vẫy chào khách thập phượng! Tôi đã thấy những người khách nước ngoài dừng lại hàng giờ trước tòa gác chuông ba tầng này, sửng sốt và ngắm nghía mãi tầng tầng lớp lớp mái cong cổ kính và hàng ngàn bộ phận chạm trổ tinh vi, mà ngay đến những người thợ lành nghề nhất được mời đến trùng tu cũng không biết hết tên gọi!

Trong gác chuông có treo hai quả chuông niên đại: Hoàng Triều Cảnh Thịnh Tứ Niên, một di tích quý về sự nghiệp “văn trị” của triều Tây Sơn trên đất Thái Bình. Quai đỉnh chuông đúc từ thời Tây Sơn rất đẹp, chạm hình hai con rồng nối đuôi nhau. Ớ gác một chùa Keo có một khánh đá rất to, không biết đục từ bao giờ, tiếng khánh âm vang.

Hầu như bất cứ bộ phận kiến trúc nào của chùa Keo cũng thấy dấu vết của những bàn tay chạm khắc khéo léo. Ngay ở tam quan nội, một công trình tưởng như nhỏ, nhưng hai cánh cửa trung quan cung được chạm khắc rất công phu. Cánh cửa cao 2,4m, mỗi cánh rộng 1,2m, được chạm một đôi rồng chầu bán nguyệt. Rồng ở đây to, khỏe. Con lớn vươn cổ lên, miệng ngậm hạt châu, râu bờm uốn sóng, rồi choái ra thành những hình lưỡi mác, ngực rồng ưỡn về phía trước, đuôi vắt lên đỉnh tấm cửa. Hàng trăm đám mây lửa ngùn ngụt bốc lên. Rồng như bay lượn trong biển lửa. Có lẽ những người thợ tài ba muốn ký thác những dấu vết của lịch sử trong bức chạm gỗ này. Khép hai cánh cửa lại, chúng ta nhìn thấy một bức tranh hoàn chỉnh: rồng chầu nguyệt. Cái khéo của bức chạm này là trên cùng một mặt phẳng, người thợ đã chạm những vết nổi, nét chìm, con rồng to, rồng nhỏ, gần xa, như cả một bầy rồng bay thong dong trong mây.

Hàng năm, “xuân thu nhị kỳ” vào ngày 4 tháng giêng và trung tuần tháng 9 âm lịch, khách thập phương cuồn cuộn đổ về dự hội chùa. Từ xa, trên đê sông Hồng, mọi người đã nhìn thấy lá cờ thần to bằng gian nhà, bay trên đỉnh cột cờ cao 21m. Cột cờ lớn chốt vào bệ đá sâu hàng mét, vậy mà cờ bay còn rúng cả cột!

Thuyết minh về ngôi chùa Keo - Mẫu 2

Chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo, thuộc địa phận huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình được xây dựng từ năm 1067 vào thời nhà Lý. Chùa Keo là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, người làng Keo rất tự hào với ngôi chùa vừa cổ kính, vừa nguy nga của làng mình

Từ thành phố Nam Định, qua phà Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng không một bóng núi non, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun bón bởi phù sa sông Hồng do nước sông Trà Lĩnh bồi đắp.

Chùa Keo là một công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ. Chùa không chỉ là một bức tranh sinh động cho lịch sử văn hóa nước ta trong 4 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến 20, mà còn là nơi gặp gỡ giữa kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Việt Nam.

Chùa xây dựng trên một vùng đất rộng 100.000 mét vuông, dài từ chân đê đến con người của thôn Bồng Tiên, gồm nhiều cụm kiến trúc xếp theo một trục dài cao thấp khác nhau.

Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa, cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt. Nếu đôi cánh cửa ở chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Lê.

Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là khách hành hương sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh.

Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.

Chùa ngoài thờ Phật, còn thờ Không Lộ - Lý Quốc Sư. Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.

Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.

Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796.

Hai hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.

Đến thăm chùa, ta có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà tương truyền rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc.

Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng.

Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 100 ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (ngày 3 tháng 6 âm lịch).

Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động.

https://download.vn/thuyet-minh-ve-ngoi-chua-keo-43685

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.