Thời @ này, làng xóm nào chả lên tivi ở các chuyên mục của 81 nhà đài của cõi Việt nam ta. Nhẽ món phim Văn nghệ chiều chủ nhật của VTV xa xưa, thì làng Giàn của Tôi lên phim cứ là đầu vị, nhất đẳng.
Nhẽ bởi Làng cách Đài TH Giảng võ 3km có dư, tiện cho các đoàn quay phim tiện sáng chiều tới quay, trưa các thành viên về nhà ăn cơm. Thời bao cấp ai ai cũng khổ bỏ mẹ ra, mí lại ít quán cơm lớn nhỏ tiện sơi cơm bụi như bây giờ. Nay rỗi biên chuyện quay phim tại Làng một cái chơi,
Cũng chỉ dám kể bó hẹp cái sự làm phim truyện video VTV làm ở thời kỳ đầu phát màu, mà bối cảnh là các nhà, ngõ xóm, rìa làng Giàn thập kỷ 198x-199x. (Bởi lẽ từ thời kỳ kể trên đó hắt về xa xưa, Làng Tôi nguyễn y vân đời các Cụ đã sống và rồi đã về tiên tổ). Nếu cần quay cảnh đường rừng, bờ sông, rừng rú, xe bò kéo, đóng gạch, làm hương, lội ruộng cấy cày, bờ đê tình tự dưới ánh sao giời không ánh sáng điện, đạo cụ cót quây thóc, giã gạo xay lúa...đây đáp ứng tuốt luốt, đủ mọi nhẽ. Chỉ cần cái tài của hoạ sỹ mí quay phim chọn góc độ kheo khéo mà thôi.
Làng Giàn của Tôi cách đây 40 năm, phong cảnh vẫn cũ kỹ như trăm năm trước với đồng ruộng triền đê, luỹ tre mái nhà cổ...là địa điểm cho nhiều các đoàn làm phim truyền hình Việt nam.
-Đầu tiên các phim quay ở làng là có lớp diễn viên kịch nói đóng phim truyện Truyền hình 1,2 tập phát sóng chiều Chủ nhật (Cỏ Lồng vực). Sau đó là các phim hài, thu băng video casete bán dịp Tết. Quay ở nhà cổ của anh Nguyễn Trọng Quý, trưởng một chi họ Nguyễn xóm Chùa. Nghĩa là từ bàn uống nước trở lên ban thờ, câu đối, hoành phi có mấy trăm năm. Sân lát gạch Bát tràng cho Vân Dung ngã lăn quay. Cột gỗ hiên nhà cho lão Quyềnh leo lắp bắp "Mày phải để cho Tao sợ chứ" Cho Lan Hương lọc cọc guốc gỗ, lảnh lói "ối Thày ơi" vã Xuân Hinh rít điếu bát rong róc (của ông bác Tôi cẩn thận cái sự chăm thông điếu). Đầu sổ là Danh hài Xuân Hinh, Hán Văn Tình, Vân Dung, Lan Hương trong "Xuân Hinh dạy con ra tỉnh, Râu Quặp". Phim bộ nhiều tập (Chuyện làng Nhô, Ba chàng rể họ Lê...) có sự tham gia của Chí Trung Ngọc Huyền, Trần Hạnh, Giang Còi... sau là lớp diễn viên trẻ nhà hát Tuổi trẻ chuyên quay hè đường phố Trần Duy Hưng và Hoàng Đạo Thuý, lẫn 1 số diễn viên miền nam... Dân làng trầm trồ ối a, suýt xoa khi bắt gặp người và cảnh của "Làng ta" trong khuôn hình nom đẹp và khác lạ. Đến bây giờ khu Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thuý thi thoảng gặp các đoàn phim quay ngoại cảnh, thấy nhiều gương mặt thân quen (có người ở ngoài đẹp hơn trong phim như Ngọc Quỳnh, sắc nét như anh Giang còi, mặt sần sùi như anh đống cặp phim hài với anh Giang còi)... Thú khi thấy các nam diễn viên thả lời ngọt ngào với nữ diễn viên son phấn điệu đàng bên ngoài khu vực quay phim, nom họ kéo va li cứ tưởng lẻn sân bay, nhà hàng đẹp quay tý mặt tiền cho vai diễn đi vào là cúp máy vân vân mây mây thế thôi. Dân làng thích thú với các công đoạn quay (đạo cụ bia là nước chè lắc sủi bọt, rượu là nước sôi, con gà luộc quay 2,3 ngày, mổ cá rán diễn chỉ gắp ăn rau...Nghề diễn viên rõ vất vả, quay đúp bao lần và những người đứng sau máy quay tất tả. Nhiều vị diễn viên tranh thủ ôn lời thoại trước khi vào quay, Đạo diễn ngoài xem khung hình, còn vất vả hò hét, thi thoảng phọt ra thị phạm...để mà ra đc thể loại phim Mỳ ăn liền phát Ti vi. Ơn giời phim Truyền hình ta ngày càng hay hơn xưa. Lứa diễn viên về sau trẻ trung và diễn xuất có nghề (đó là chuyện về sau).
Biên tiếp, dân chúng tôi xem ròng rã hàng tháng liền vụ quay "Ba chàng rể họ Lê", vài phân đoạn "Chuyện làng Nhô" "Râu quặp"...(lâu rồi quên hết tên phim video quay ở làng mềnh) thú lắm các đận chuyện trò phiếm với các diễn viên ngồi ngoài, tay cầm kịch bản phân cảnh cuộn tròn, rít thuốc chờ vào cảnh quay sau.
-Cuối năm 1995 đầu năm 1996 Ban văn nghệ Đài THVN lấy cảnh nhà của chú Nguyễn Mại, rìa xóm Trai làm bối cảnh quay 2 tập phim "Cỏ lồng vực" do Võ Hoài Nam và Hoàng Lan làm diễn viên chính. Dân làng quá quen việc các đoàn phim về quay phim tại nhà anh Nguyễn Văn Nên (bố đẻ phó Thống đốc ngân hàng NNVN Nguyễn Thị Hồng) cạnh đầu làng Giàn xưa, số người dân hết tò mò ban đầu đến xem nhà chú thím ba Mại ít hơn hẳn. Sau này Tôi phải trích ảnh từ phim này, để đăng vào sê ri ảnh làng xưa-cho thế hệ sau này biết cảnh cha ông chúng ngày xưa nhà cửa, vườn ao nó là như thế nào. Bởi nhẽ Làng thành Phố, toạch hết quang cảnh mấy trăm năm xưa. Đoàn làm phim dễ dãi, nên bà con xem diễn+quay cách có vài mét, thấy số ít diễn viên họ quá giỏi diễn xuất. Y rằng 2 diễn viên chính đều được phong tặng NSUT cả. Ở đấy Tôi gặp người mẫu Mai Thu Huyền, sau này nổi tiếng se ri phim "Giấc mơ dài ?!" Quả thật lúc đó Em ý nhỏ thó, da ngăm đen đi đường dễ lẫn với cánh phụ nữ thương thường. Chỉ ngạc nhiên thấy diễn viên Nguyễn Tuấn (nhà hát Quân đội) nịnh với cặp mắt gian và nụ cười điêu đểu mà khán giả đã quen mặt. Giờ mới biết ối người ăn ảnh, chứ ở ngoài thì thường thôi
-Năm 1997-1998 Đoàn VTV làm phim 4 tập "Chuyện làng Nhô" về quay một số phân đoạn ngoại cảnh ở làng Giàn. Đường đê rìa bắc, góc cuối chùa, lò gạch Tôi không đi coi, nhưng các cảnh đàn em Trịnh Khả... quay mấy ngày đêm tại quán nước dưới cây đề cổ thụ sân Mẳng hài (của khu thờ Thần Nông, Văn chỉ Trung Kính hạ). Chủ quán nước vốn là gái Yên phụ, Tôi hay gọi là thím Dung (vợ chú Tịnh lái tàu điện). Thím Dung được Đạo diễn Việt Bảo mời vào vai chủ quán, thím ấy hãi nên Đạo diễn mời bác Trần Hạnh đóng, thế là có 2 tối Tôi và bác Hạnh chuyện phiếm sau quán, nơi có đèn pha chiếu để màn đêm xanh lung linh. Bác Trần Hạnh đóng vai khổ dễ vào vì gia cảnh cũng gian nan thật. Bên ngoài bác cũng hiền lành, dễ mến hệt trong phim. Bác ấy nghiện thuốc lá Thăng long nặng, đông con phải bán "lúa non" nhà được phân khu tập thể kịch nói đường Trần Duy Hưng (sau toà Kiểm toán nhà nước). Già thế mà Bác kể quay phim cả lúc 2h sáng (sau ánh hào quang ai biết nỗi cơ cực đêm hôm), thù lao của NSUT cao ghấp đôi NS thường, danh hiệu NSUT chỉ có nhõn phong bì 2 triệu...à mà thôi. Nhớ nhất máy quay cận cảnh chủ quán, trong khi anh Giang còi ngồi đầu ghế tay cầm mkịch bản, đầu nghiêng, mắt hấp háy đọc nhờ ánh sáng đèn pha ở ngoài chiếu vào. Thế mí gọi phin video thời kỳ đầu là "Mỳ ăn liền", không như bây giờ phim TH hay dã man.
-Phim 35 tập, quay 3 tháng rưỡi tại nhà cháu Nguyễn Duy An cạnh nhà Mẹ Tôi ở (ngách 10 ngõ 43 phố Trung kính) nhan đề "Ba chàng rể họ Lê" do Tư nhân phía nam sản xuất. Họ kéo máy phát điện to vật cạnh hồ Trung Kính kéo cáp vào tận nhà. Xong buổi quay nào, họ tháo băng cho ngay ca táp khoá kín tắp lự xách khư khư bên người. Tôi hay trò chuyện với Xuân Tùng to béo vào vai chàng rể thứ 2, chú em này vốn là diễn viên nhà hát Tuổi trẻ...biết được cái đời diễn viên ăn đong xuất quay phim video, nỗi vất vả ăn uống giả, quay nhiều đúp, chạy từ nhà đến nơi quay thật "long tóc gáy". Cặp Chí Trung Ngọc Huyền đóng vai vợ chồng, họ giản dị với dân (Chả như anh Thái đầu trọc đóng phim TV sitcom hiện đang ở ngách này, mặt vênh như yếu nhân). Chị Huyền ngoài đời nom xinh hơn trong phim. Cháu Vân Anh người làng (diễn viên đoàn kịch công an) cũng tham gia một vai trong phim. Nhòm qua cửa sổ hay đứng sau lưng bàn monito xem khuôn hình, thấy nỗi vất của cả tập thể đoàn làm phim để cho ta 4 chiều chủ nhật phải ngồi chờ trước tivi (coi cuối năm 2008)
-Em trai Tôi tham gia phim đen trắng "Phía sau cuộc chiến" và các vai phụ trong các phim truyện mà Tôi quên tên (Khi chú ấy là diễn viên Đoàn văn công QK5. Anh Nguyễn Duy Trung đoàn phó Đoàn cải lương Bến tre (Vĩnh phú) diễn vai chính trong mấy vở kịch phát tivi tối thứ bẩy, ở cái thời phát hình đen trắng. NSUT Duy Thường trong các mv ca nhạc Chèo và Quan họ
(07/11/2020)
Ngày 04/2/2021
Trả lờiXóaTrần Minh Hải
1 giờ ·
Ngày 03/02/2021 Tôi được mời tham gia đoàn làm phim Tết của Kênh An ninh Ti vi phục dựng cảnh xưa : Gói bánh chưng, Lễ ông Công ông Táo, Lễ đêm Giao thừa...tại khu nhà cổ được bảo tồn nguyên trạng ba trăm năm qua. Phim quay tại làng Giàn (Trung hoà, Cầu giấy, Hà nội) Xin trình vài bức ảnh kỷ niệm quá trình quay phim của kênh An ninh Ti vi