Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/06/2020

Đọc lại tư liệu ông Trần Quốc Hương : nói về vai trò của Phan Đăng Lưu

Cụ Mười Hương (Trần Quốc Hương) đã từ trần tháng 6 năm 2020, hưởng thọ 97 tuổi (1924-2020). Trước đây, khi ở tuổi minh mẫn, cụ đã cho biết về vai trò của người đàn anh Phan Đăng Lưu (1902 - 1941) trong Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11 năm 1940, tại Đình Bảng), như sau (cụ nói trực tiếp nên có băng ghi âm, hơn nữa là cụ viết thành sách rồi):

"
Ngày 21/4/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị bắt, Ban chấp hành Trung ương chỉ còn lại đồng chí Phan Đăng Lưu, một mình chèo lái con thuyền cách mạng nước ta vượt qua bao sóng gió(3)Hơn bao giờ hết, việc tái lập Ban chấp hành Trung ương là một nhiệm vụ cấp bách. Muốn vậy cần phải triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương nhưng ai sẽ là người có đủ tư cách triệu tập hội nghị này? Đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: Chỉ có một mình đồng chí Phan Đăng Lưu mới đủ tư cách để triệu tập Hội nghị Trung ương(4).Trong một cuốn sách khác, đồng chí Trần Quốc Hương khẳng định: “Hội nghị Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) họp 3 ngày (từ mồng 6 đến mồng 9/11/1940) do chính đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trì, sau này được gọi là Hội nghị Trung ương lần thứ 7(5). Như vậy, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 tháng 11/1940 do đồng chí Phan Đăng Lưu triệu tập và chủ trì.
"

((4) Theo đồng chí Nguyễn Đức Dương trên đường ra Bắc đầu tháng 11/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu có gặp đồng chí Dương ở Huế (Xem chú thích ở trang 74 sách “Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ” của Hội đồng chỉ đạo lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Nxb Chính trị Quốc gia , Hà Nội, 2002).
(5) Nguyễn Thành, Phan Đăng Lưu - tiểu sử, tác phẩm, Nxb Thuận Hoá, tr.55: “Đến giữa năm 1940, các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng lần lượt rơi vào tay địch, chỉ còn lại Phan Đăng Lưu một mình chèo chống với phong ba bão táp”.
(6) Băng ghi hình phỏng vấn đồng chí Trần Quốc Hương do Trần Danh Thuỷ thực hiện, tư liệu do gia đình đồng chí Phan Đăng Lưu cung cấp.)

Đọc toàn văn ở đây (bài công bố năm 2012, đưa về Giao Blog năm 2013).

Và cũng đọc thêm ở đâyở đây.

Dưới là cập nhật một số thông tin và hình ảnh về cụ Mười Hương.


Tháng 6 năm 2020,
Giao Blog



---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:














---





TIN TỨC

3.

Ngày 17 Tháng 6, 2020 | 04:24 PM

Ông Mười Hương về với đất mẹ


“Đồng chí Trần Quốc Hương của chúng ta không còn nữa! Một trái tim giàu nhiệt huyết cách mạng đã ngừng đập", Bí thư TP.HCM chia sẻ trong bài điều văn tiễn biệt ông Mười Hương.

Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 2.
Sáng 17/6, lễ truy điệu ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương diễn ra tại Nhà tang lễ 175 Bộ Quốc phòng.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 3.
Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội có mặt tại buổi lễ. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi vòng hoa kính viếng.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 4.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thắp nén nhang cuối tiễn biệt ông Mười Hương.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 5.
Bà Nguyễn Thị Thu (76 tuổi), tên gọi thân mật là bà Mười, cùng con trai Trần Hà Minh tiễn biệt ông Mười Hương.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 6.
Trong điếu văn, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban lễ tang, chia sẻ: “Đồng chí Trần Quốc Hương của chúng ta không còn nữa! Một trái tim giàu nhiệt huyết cách mạng đã ngừng đập [...]. Cuộc đời cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân cả nước kính trọng, học tập và noi theo”.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 7.
Anh Trần Hà Minh, con trai ông Mười Hương, nói những lời cuối cùng tiễn biệt cha. Đồng thời, đại diện gia đình gửi lời cảm ơn đến sự tận tình của Đảng, Nhà nước và đội ngũ y bác sĩ trong những ngày cuối đời ông Trần Quốc Hương.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 8.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia buồn cùng anh Hà Minh và gia quyến.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 9.
Đúng 9h30, linh cữu ông Trần Quốc Hương được đưa lên xe tang, bắt đầu lễ đi quan về nơi an nghỉ tại Nghĩa trang TP.HCM.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 10.
Rất nhiều học sinh có mặt tại lễ truy điệu để tiễn người thầy tình báo Mười Hương.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 11.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đưa linh cữu ông Mười Hương khỏi Nhà tang lễ, tiễn ông chặng đường cuối cùng về an nghỉ nơi đất mẹ.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 12.
Sau thời gian bệnh nặng, do tuổi cao, sức yếu, ông Mười Hương đã từ trần hồi 10h10 ngày 11/6/2020 tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, hưởng thọ 97 tuổi. Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định tổ chức lễ tang cấp Nhà nước do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, làm Trưởng ban.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 13.
Bà Mười theo chân đoàn đưa linh cữu ông Mười Hương, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ông Mười Hương về với đất mẹ - Ảnh 14.
Ông được an táng tại Nghĩa trang TP.HCM tại quận Thủ Đức.
Ông Trần Quốc Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban, bí danh Mười Hương, sinh năm 1924, quê ở Hà Nam. Ông là nhà tình báo chiến lược xuất sắc, chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam, là cấp trên trực tiếp, "người thầy của những nhà tình báo huyền thoại" như: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.
Sau ngày 30/4/1975, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; Phó bí thư Thành ủy Hà Nội; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Hương là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV đến khóa VI. Từ năm 1986-1991, ông giữ cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo Zing
http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ong-muoi-huong-ve-voi-dat-me-20200617152449634.htm





2.


Sỹ Đông

 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa viếng nhà tình báo tài ba Trần Quốc Hương.


Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đến viếng ông Trần Quốc Hương. /// Ảnh: Ngọc Dương
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đến viếng ông Trần Quốc Hương.
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Lúc 14 giờ ngày 15.6, lễ tang ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, được tổ chức trang trọng trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình, dòng tộc, bạn bè, đồng nghiệp... tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (đường Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Tang lễ được tổ chức theo nghi thức tang lễ cấp nhà nước, nhiều đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến tiễn đưa người thầy của những nhà tình báo tài ba như Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ.


Viếng ông Trần Quốc Hương trong niềm tiếc thương vô hạn - ảnh 1
Gia quyến thắp nén nhang trước anh linh ông Trần Quốc Hương
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng do ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, làm trưởng đoàn đến viếng ông Trần Quốc Hương. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN Phạm Thế Duyệt cũng gửi vòng hoa chia buồn cùng gia quyến.
Sau đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng là đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do ông Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội, làm trưởng đoàn.
Tiếp sau đó, đoàn đại biểu do Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn đã đến viếng. 


Viếng ông Trần Quốc Hương trong niềm tiếc thương vô hạn - ảnh 2
Trong sổ tang, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi: “Bác Mười Hương, một cán bộ lão thành cách mạng, người có công lớn với đất nước, một nhà tình báo xuất sắc, kiên cường, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đồng chí mất đi để lại nhiềm thương tiếc vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, đồng bào, đồng chí và gia đình”.
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ cũng đến viếng ông Trần Quốc Hương. Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQVN do ông Hồ A Lềnh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN làm trưởng đoàn.


Viếng ông Trần Quốc Hương trong niềm tiếc thương vô hạn - ảnh 3
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thắp nén nhang trước anh linh ông Trần Quốc Hương
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương do trung tướng Lê Huy Vịnh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, làm trưởng đoàn. Lúc sinh thời, ông Trần Quốc Hương có thời gian công tác tại Cục Tình báo quân sự, Bộ Tổng tham mưu (năm 1949).


Viếng ông Trần Quốc Hương trong niềm tiếc thương vô hạn - ảnh 4
Tang lễ ông Trần Quốc Hương được tổ chức trang trọng theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngoài ra, còn có các đoàn đại biểu của Ban Nội chính Trung ương do ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương; đoàn đại biểu Ban Tổ chức Trung ương do ông Mai Văn Chính làm trưởng đoàn đến viếng.
Lúc sinh thời, ông Trần Quốc Hương từng giữ chức Phó bí thư thường trực 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong lễ tang hôm nay, đoàn Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQVN TP.HCM do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, làm trưởng đoàn đã thắp nhang trước anh linh ông Mười Hương.
Đoàn thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQVN TP.Hà Nội do bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, đến viếng. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi vòng hoa.
Linh cữu ông Trần Quốc Hương quàn tại Nhà tang Quốc gia phía Nam (tức Nhà tang lễ Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng). Lễ viếng từ 14 giờ ngày 15.6, lễ truy điệu vào 9 giờ ngày 17.6, sau đó là di quan, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.
1.


Nguyên Vũ

15:30 - 11/06/2020


Ông Trần Quốc Hương, có bí danh Mười Hương, được biết đến là người trực tiếp tổ chức hoạt động cho những nhà tình báo lừng danh như: Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, đã từ trần.






Ông Trần Quốc Hương nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng vào năm 2018 /// Ảnh: TTXVN
Ông Trần Quốc Hương nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng vào năm 2018
ẢNH: TTXVN
Ngày 11.6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư thông báo ông Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương), nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính T.Ư, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư đã từ trần.
Thông báo của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư cho biết ông Trần Quốc Hương sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 10 giờ 10 ngày 11.6.2020 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM.
Ông Trần Quốc Hương tên thật là Trần Ngọc Ban có bí danh là Mười Hương, sinh năm 1924 tại xã Vũ Bản, H.Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông là người trực tiếp tổ chức hoạt động cho những nhà tình báo lừng danh như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ. Ông Trần Quốc Hương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương khác...
https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-muoi-huong-nguoi-to-chuc-duong-day-tinh-bao-cho-tuong-pham-xuan-an-tu-tran-1236544.html
..



---

BỔ SUNG


1. Nhà giáo Vũ Thế Khôi kể

"
Tôi chỉ được gặp Ông một lần duy nhất, khoảng 1984/85, thời gian ông làm Phó ban thứ nhất Thanh tra Nhà nước, nhân một vụ việc gian lận điểm tuyển sinh đại học.
Cũng phải khá vất vả mới gặp được, sau năm lần bẩy lượt chầu chực ở phòng thường trực Thanh tra chính phủ, mà như dưới đây sẽ rõ, nguyên do không phải từ ông. Lần nào tôi cũng nhận được câu trả lời điện thoại từ trong cơ quan Thanh tra nhắn ra: "Anh Mười đang bận họp". "Anh Mười họp xong, có việc gấp, lại đi rồi". "Anh Mười hôm nay vắng" v.v... Đường Đội Cấn ngày ấy chưa nâng cấp, hai bên còn nhiều cánh đồng, mưa thì ngập nửa bánh xe đạp. Có lần trời lạnh, lại mưa, hai ống quần ướt sũng, được nghe một trong những câu trả lời như trên, tôi lôi tập bài dịch của sinh viên ra, ngồi chấm ngay tại Thường trực. “Tôi sẽ ngồi chờ tại đây đến hết ngày” – tôi trả lời ánh mắt thắc mắc của ông bảo vệ, chừng ngũ tuần. Ông lẳng lặng đi lấy phích nước, pha ấm trà, bưng một chén nghi ngút khói, mời và nói: "Tôi là đảng viên, đã ngót hai chục năm chỉ gác cổng cơ quan này, chưa thấy ai kiên trì như thầy giáo. Nhiều người chỉ đến lần thứ ba, thứ tư là nổi nóng, chửi bới, rồi... ra về tay không! Thầy giáo kiên trì thế này, HỌ sẽ phải tiếp".
Quả nhiên, sau lần thứ bao nhiêu tôi không nhớ nữa, gần hết giờ làm việc buổi sáng, ông bảo vệ nhận cú điện thoại, rồi quay ra, mặt rạng rỡ, nói với tôi: “Anh Mười tiếp đồng chí đấy! Nhưng người ta bảo trong mươi phút thôi, vì sắp hết giờ rồi”.
Tôi bước vào một căn phòng rộng, không có bàn, chỉ thấy ghế dựa xếp ven tường. Lát sau, một người mặc đại cán chỉnh tề, cắp cặp bước vào, tôi đứng giậy, nói: - “Chào đồng chí Mười Hương!” – “Tôi không phải anh Mười ạ”. Hai ông nữa cắp cặp vào, ngồi xuống dãy ghế, rồi mới thấy một người đeo kính mát, tầm vóc nhỏ bé, mặc bộ bà ba giản dị sẫm mầu, đi giầy ba ta, nhẹ nhàng bước vào. Mấy ông vào trước đều đứng giậy, tôi hiểu đó chính là ông Mười Hương. Tôi lại chào và nói: - “ Thưa đồng chí Mười Hương, tôi được cho biết chỉ được gặp mười phút. Trong các văn bản tố cáo gửi đích danh đồng chí cách nay đã hơn 3 tuần, tôi đã trình bày rõ vụ việc. Vậy tôi xin văn tắt thực chất trong 5p, dành 5p để đồng chí hỏi ạ”. Ông Mười quay lại phía mấy ông ngồi sát tường, nghiêm giọng hỏi: - “Ai quy định như vậy? Tôi tiếp đồng chí Vũ Thế Khôi vào cuối buổi làm việc để sẵn sàng nghe suốt thời gian nghỉ trưa của tôi”.
Tôi lập tức hiểu rằng mình đã đặt niềm tin đúng chỗ - một người lãnh đạo Cộng sản chân chính mà một người bình thường như tôi ngày ấy, hơn ba chục năm trước, còn biêt rất ít, do lĩnh vực hoạt động đặc thù của ông. Không dám lạm dụng thiện chí và thời gian nghỉ ngơi chắc rất hiếm hoi của ông, tôi định bụng chỉ xin gặp trong 15-20p, nên đi thẳng luôn vào trọng tâm, nhấn mạnh rằng trong đơn từ của tôi không tố cáo những giám khảo chấm các bài gian lận điểm, như ở trường người ta cho tung dư luận hòng đánh lạc hướng điều tra, rằng “người trực tiếp cầm bút chấm bài thi phải chịu trách nhiệm về điểm số”. Tôi tố cáo công khai, tại diễn đàn Hội nghị công nhân viên chức của trường, chỉ đích danh Hiệu trưởng CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC GIAN LẬN, khiến những giám khảo ĐƯỢC CHỌN chấm bài thi, và sau đó là những giáo viên được chỉ định chấm “kiểm tra” để cho một điểm số trung gian (Quy chế không quy định có khâu này! Lãnh đạo Bộ ĐH và THCN bày đặt ra chí cốt tạo cớ sau đó dùng lý thuyết toán tập mờ biện hộ cho sự “lân li” giữa các điểm chấm bài thi nhằm bao che sự gian lận) – đều biết những bài đó là của con lãnh đạo nhà trường, và vì những lí do riêng, hoặc thiếu bản lĩnh, KHÔNG THỂ không nâng điểm tới con số chỉ đạo. Ông Mười ngắt lời, chất vấn luôn: - “Căn cứ nào cho phép đồng chí Khôi khẳng định có sự ”chỉ đạo và tổ chức gian lận” và “chọn” giám khảo chấm các bài thi của con em lãnh đạo trường?” – “Tôi đã nhiều năm chấm thi tuyển sinh, nên phát hiện ngay một số thay đổi của Hiệu trưởng trong quy trình chấm thi đã trắng trợn vi phạm Quy chế chấm thi, là có mục đích đưa các bài thi cần nâng điểm đến tận tay những giám khảo đã được chọn và bị ràng buộc…” Ông lần lượt căn vặn cụ thể từng điểm trong quy chế chấm thi đã bị cố ý vi phạm như thế nào. Cuối cùng, ông đề nghị tôi giới thiệu những giáo viên trung thực và giỏi tiếng Nga để Thanh tra nhà nước tổ chức chấm lại các bài thi được gian lận điểm. – “Thưa đ/c Mười Hương, e người ta bảo không khách quan, ví tôi là nguyên đơn trong vụ này”. – “Không sao, tôi sẽ đề nghị cả bên bị đơn cũng giới thiệu”…
Chúng tôi làm việc đã hơn bốn chục phút, e lạm dụng giờ nghỉ hẳn rất hiếm hoi đối với những con người như thế này, tôi xin phép được tiếp tục giải trình sau với các chuyên viên do đ/c Mười chỉ định....
Thế nhưng ngay cả ông Mười Hương cũng không phá nổi cái trận đồ bát quái của “maphia tuyển sinh” và tôi đã phải đưa vụ việc lên tận Quốc hội và Hội đồng nhà nước mới ra được quyết định phân định phải / trái, ngay / gian, buộc Bộ chủ quản phải xử lí cái Ban giám hiệu gian lận điểm tuyển sinh! (xem kết luận trong các văn bản kèm theo, tôi xin được trích đăng thôi, vì e ảnh hưởng đến những đương sự còn đang tại thế, thậm chí còn đang hoạt động)
Chỉ tiếc rằng, cách xử lí ngày ấy, do những lí do nào đó, chưa đủ độ răn đe đối với loại tội phạm này, nên ba chục năm sau ngành giáo dục nước nhà mới phả trả giá bằng mấy vụ gian lận tuyển sinh tầy đình lừng danh tại Hà Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình!
Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn giữ nguyên lòng cảm phục thực sư đối với một vị lãnh đạo Thanh tra rất sắc sảo, chu đáo, cẩn trọng, công tâm. Một NGƯỜI CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH.
Nếu Đảng lãnh đạo thực sự trân trọng và biết sử dụng những con người như vậy, thì ngành Tư pháp nước nhà đâu đến nỗi tai tiếng như hiện thời!







"

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=614886785812583&id=100018738004194

1 nhận xét:

  1. 1. Nhà giáo Vũ Thế Khôi kể

    "
    The Khoi VU
    4 giờ ·
    ÔNG MƯỜI HƯƠNG, MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH, MỘT THANH TRA CÔNG TÂM.
    Tôi chỉ được gặp Ông một lần duy nhất, khoảng 1984/85, thời gian ông làm Phó ban thứ nhất Thanh tra Nhà nước, nhân một vụ việc gian lận điểm tuyển sinh đại học.
    Cũng phải khá vất vả mới gặp được, sau năm lần bẩy lượt chầu chực ở phòng thường trực Thanh tra chính phủ, mà như dưới đây sẽ rõ, nguyên do không phải từ ông. Lần nào tôi cũng nhận được câu trả lời điện thoại từ trong cơ quan Thanh tra nhắn ra: "Anh Mười đang bận họp". "Anh Mười họp xong, có việc gấp, lại đi rồi". "Anh Mười hôm nay vắng" v.v... Đường Đội Cấn ngày ấy chưa nâng cấp, hai bên còn nhiều cánh đồng, mưa thì ngập nửa bánh xe đạp. Có lần trời lạnh, lại mưa, hai ống quần ướt sũng, được nghe một trong những câu trả lời như trên, tôi lôi tập bài dịch của sinh viên ra, ngồi chấm ngay tại Thường trực. “Tôi sẽ ngồi chờ tại đây đến hết ngày” – tôi trả lời ánh mắt thắc mắc của ông bảo vệ, chừng ngũ tuần. Ông lẳng lặng đi lấy phích nước, pha ấm trà, bưng một chén nghi ngút khói, mời và nói: "Tôi là đảng viên, đã ngót hai chục năm chỉ gác cổng cơ quan này, chưa thấy ai kiên trì như thầy giáo. Nhiều người chỉ đến lần thứ ba, thứ tư là nổi nóng, chửi bới, rồi... ra về tay không! Thầy giáo kiên trì thế này, HỌ sẽ phải tiếp".

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.