Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/04/2020

Điện ảnh Việt thời kì đầu : nhà Hương Ký, phim Kim Vân Kiều

Mốc khởi đầu của điện ảnh Việt là thập niên 1920. Thú vị là, lớp diễn viên đầu tiên lại có cả cụ Phan Bội Châu. Cụ được nhà đương cục mời làm diễn viên cho chính phim về cuộc đời cụ, đã kể ở đây (năm 2013).

Hồi đầu tiên đó, là gắn với hãng phim Đông Dương, hãng phim Á Châu và nhà Hương Ký (đã đi một ít ở đây), là gắn với những bộ phim truyện đầu tay mà một trong số đó là Kim Vân Kiều (đã đi ở đây). Ảnh về phim Kim Vân Kiều ấy đại khái như dưới đây.

Ảnh sưu tập của Giao Blog (đã đưa lên trang năm 2014)

Sưu tầm một ít bài vở gần đây của báo chí về thời kì đầu tiên của điện ảnh Việt. Lấy hai bài (của Lê Minh Quốc và Anh Chi) làm mở đầu, còn các tư liệu khác thì dán ở dưới phần bổ sung như mọi khi.

Tháng 4 năm 2020,
Giao Blog





Phan Bội Châu trong trang phục đồ Tây để quay phim, 1926


Ảnh của Hương Ký, chụp năm 1926: "Ông Chánh Quan Lang xứ Mường và phu nhân"




---






  23:02 | Chủ nhật, 25/08/2019

Ngày 28.12.1895, lần đầu tiên nhân loại biết đến máy chiếu phim – một phát minh kỳ diệu của L. Lumière, người Pháp.

    Nghệ thuật điện ảnh du nhập vào nước ta từ bao giờ? Khác với những gì đã công bố, nay từ tài liệu mới nhất, ta biết, chỉ ba năm sau, người Sài Gòn đã được thưởng thức một loại hình nghệ thuật mà thời ấy gọi “trò chớp bóng” hoặc “hát hình máy”.
    Lần đầu tiên, ngày 6.10.1898, bộ phim Yêu tinh râu xanh được chiếu tại địa điểm trước nhà quan Tổng đốc Chợ Lớn (nay đường Lê Quang Liêm).
    Trải theo năm tháng, nhiều rạp chiếu bóng lần lượt ra đời. Các bộ phim chiếu rạp, chủ yếu nhập từ Pháp. Mãi đến thập niên 1920, các đạo diễn người Pháp mới thực hiện những bộ phim lấy chất liệu, bối cảnh từ Việt Nam.
    Trong số đó, không thể không kể đến bộ phim truyện Kim Vân Kiều do Công ty phim và Chiếu bóng Đông Dương thực hiện.
    Phim này được thực hiện với nghệ sĩ, trang trí, trang phục hoàn toàn Việt Nam do rạp hát An Nam Quảng Lạc (Hà Nội) đảm nhiệm. Ta hãy đọc lại một đoạn trong bài quảng cáo cho bộ phim đã nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia vào ngày 7.10.1924, sau khi tóm tắt cốt truyện: “Nhà làm phim phải xếp lớp lựa cách dùng cho hợp nghề chớp bóng, nhiều cảnh theo thơ trong truyện mà kể thì rất là hay để vào chớp bóng thì không thể nào coi đặng, nên phải bớt đi mà lại phải thêm ra ít nhiều. Tuy rằng làm đúng như nguyên truyện, song chớp lược như các cảnh kể ở trên này cũng đủ khiến cho người ngồi xem động lòng mủi dạ, giọt lệ khôn cầm, thương thay cho khách hồng nhan bạc phận. Lần này là lần chớp truyện An Nam, người An Nam đóng trò, thật là phim ảnh có một không hai ở Đông Pháp này vậy”.
    Nhận thấy nhiều nguồn lợi từ phim ảnh và nhất là nhận thức đây cũng là công cụ hữu hiệu tuyên truyền, quảng bá văn hóa, do đó, một tầng lớp trí thức trẻ người Việt đã mạnh dạn đầu tư vào điện ảnh.
    Một đồng kẽm tậu được ngựa là bộ phim đầu tiên do người Việt thực hiện. Đó là ông Nguyễn Lan Hương chủ hiệu ảnh Hương Ký tại Hà Nội tự viết kịch bản, quay phim, dựng phim, chỉ dài 6 phút, nhại theo truyện ngụ ngôn Cô nàng Perrette và bình sữa của La Fontaine. Sau một vài bộ phim khác nữa, không rõ vì lý do gì, ông Hương từ giã nghề làm phim trở về nghề nhiếp ảnh.
    Nhìn chung, thời điểm này, người Việt chưa tạo ra một dấu gì đáng kể khi tiếp cận nghệ thuật thứ 7.
    Phải đợi đến năm 1936, lúc bấy giờ tình hình chính trị ở Đông Dương “dễ thở” hơn với thắng lợi của chính phủ Bình dân tại nghị trường nước Pháp đã “cỏi trói” cho nhiều chính sách ở các nước thuộc địa, trong đó có văn hóa.
    Tại Hà Nội, các trí thức trẻ Nguyễn Doãn Vượng, Đàm Quang Thiện, Nguyễn Dương, Nguyễn Phổ, Nguyễn Xuân Hiệp… đã đứng ra thành lập An Nam nghệ sĩ đoàn – với tinh thần yêu nước, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ có khát vọng thực hiện cho bằng được “phim Việt Nam hoàn toàn do tài tử Việt Nam đóng, nói tiếng Việt Nam”.
    Sau khi hoàn thành Cánh đồng ma, được xem là kịch bản văn học chỉnh chu nhất cho đến thời điểm đó, về sau, năm 1937, Lạc Hồng thư xã có in thành sách.
    Về cốt truyện Cánh đồng ma, Đàm Quang Thiện tóm tắt: “Nơi được gọi Cánh đồng ma là mảnh đất hoang gần hồ Bảy Mẫu, bây giờ là đường Kinh lược Hoàng Cao Khải. Tại đây vào những năm 1930 đã xảy ra nhiều vụ án mạng, trong đó có năm người bị ám sát. Sở Mật thám Pháp dù đã lấy được vân tay của kẻ sát nhân, vẫn không bắt được nó. Giáo sư Hoàng Tố Nguyên bằng cách phân tích tâm lý bệnh nhân, đã tìm ra thủ phạm”.
    Chủ đề của phim này là nhằm “đưa ra luận thuyết về khoa học và di truyền”, thông qua nhân vật Hùng. Ta thử đọc qua đôi đoạn trong Cánh đồng ma, hầu có thể biết thêm đôi nét về một kịch bản phim có tính cách mở đầu do người Việt thực hiện.
    Đây là phần mở đầu tại nhà thương Phủ Doãn:
    Phòng gác, về buổi chiều. 17 giờ.
    Trên màn ảnh đứng lặng lẽ một giáo sư phẫu thuật (professeur d’anatomy), trạc 55 tuổi, mặc áo phủ ngoài (blouse) trắng, đội mũ vải trắng, tay cầm dao mổ (scalpel), tay trái cầm kẹp (pincer). Giáo sư nhìn thẳng, nét mặt nghĩ ngợi, nghiêm trang.
    Hai tay để trên bụng một cái cái xác đóng trên một miếng gỗ dài, để trên một cái bàn mặt kẽm như những xác ta thường thấy ở nhà mổ (institut Anatomique). Cái xác đã mổ ở nách (région axillaire disséquée), có dây gai và móc giăng ra tứ phía.
    Chung quanh giáo sư là học sinh trường Thuốc, mặc áo phủ ngoài trắng, đội mũ trắng như giáo sư, và người nào cũng nhìn thẳng, vẻ mặt tươi nhưng lặng lẽ.
    Hình giáo sư và học sinh ở từng trước (premier plan), dần dần lùi về từng sau (deuxième plan), càng lùi càng nhỏ đi, thì chung quanh hình đó ta thấy một cái khung, và ta nhận ra đó chỉ là một bức anh chụp giáo sư và học sinh ở nhà Mổ, phóng đại và treo trên tường.
    Hình đầu tiên cứ lùi mãi vào từng sau, thì ở từng trước dần dần hiện ra cả bức tường có treo bức ảnh ấy, rồi đến hai học sinh trường Thuốc, mặc áo phủ ngoài trắng, đứng quay mặt vào bức ảnh, vừa đi về phía trước vừa nói chuyện với nhau.
    Cứ theo hai học sinh, ta thấy giữa phòng gác, trước bức ảnh phóng đại có cái bàn hình bầu dục, mỗi bên có một cái ghế. Trên bàn: ấm chén, vài tờ báo.
    Hai đầu phòng có hai chiếc giường. Hai học sinh đi mỗi người ngồi một bên bàn rồi ra cửa phòng gác. Trước cửa phòng gác, hai học sinh đứng dừng lại một lúc.

    Từ lúc nhìn ảnh đến khi ra đứng của phòng gác, hai học sinh đứng nói chuyện với nhau.
    Cần: – Trông cụ đạo mạo nhỉ.
    Bảo: – Đạo mạo lắm.
    Cần: – Người Việt Nam đầu tiên học trường thuốc Tây?
    Bảo: – Đỗ đến Y khoa Thạc sĩ
    Cần: – Ở Paris.
    Bảo: – Paris.
    Cần: – Cụ về đây từ bao giờ?
    Bảo: – 1931, năm năm rồi.
    Cần: – Thế cụ sang Tây từ bao giờ?
    Bảo (mỉm cười): – Từ khi cụ chưa có ở ta.
    Cần: – Nghĩa là…
    Bảo: – Cụ đẻ ở bên Tây.
    Cần (tính nhẩm): – Một nghìn… tám trăm.
    Bảo: – 1880.
    Cần: – 1880 có người An Nam sang đẻ ở bên Tây?
    Bảo: – Một nghìn tám trăm…63.
    Cần: – 1863, làm sao?
    Bảo: – Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản và 38 người khác nữa đi sứ Pháp…
    Cần: – Rồi làm sao?
    Bảo: – Một người ưa cảnh Paris ở lại.
    Cần: – Đẻ cụ ra?
    Bảo: – Khoan đã!
    Cần: – Nói nhanh đi!
    Bảo: – Cụ Hoàng Văn Minh ưa cảnh Paris ở lại.
    Cần: – Rồi năm 1888…
    Bảo: – Thong thả… Rồi năm 1864 lấy một người vợ đầm…
    Cần: – Mười sáu năm sau, 1880, có con là cụ Hoàng Tố Nguyên bây giờ chứ gì?
    Bảo: – Đi đâu mà vội thế?
    Cần: – Sao cứ kéo dài ra? (Một tiếng chuông).
    Ngày 20.11.1937, Đàm Quang Thiện đứng ra ký hợp đồng với nhà đầu tư là Pei Song King – chủ rạp chiếu bóng Trung Quốc tại Hàng Bạc, đại diện cho Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa.
    Theo đó, phía An Nam nghệ sĩ đoàn viết kịch bản, xuất tiền tuyển 22 đạo diễn “đóng trò”; chịu chi phí vé tàu biển khứ hồi từ Hải Phòng đi Hong Kong; hưởng 15% sau khi trừ toàn bộ chi phí.
    Phía Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa chịu trách nhiệm chi phí đạo diễn, quay phim, dựng phim, làm hậu kỳ, sản xuất phim…; hưởng 85% lợi nhuận.
    Nếu sau khi làm cố vấn phong tục, văn hóa Nam bộ cho Người tình của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, nhà văn Sơn Nam kể lại quá trình làm phim trong bút ký Theo chân Người tình thì nhà văn Nguyễn Tuân cũng vậy. Được mời làm diễn viên đóng vai khán hộ của Bệnh viện Phủ Doãn trong bộ phim Cánh đồng ma, do Đàm Quang Thiện viết kịch bản, tác giả Vang bóng một thời cũng đã viết Một chuyến đi. Nhờ vậy, hiện nay, nghiên cứu lịch sử điện ảnh nước nhà đã biết thêm nhiều tình tiết cần thiết.
    Dù hợp đồng nêu rõ, nếu muốn thay đổi chi tiết trong kịch bản phải có sự đồng ý của ông Thiện. Tuy nhiên, sang đến Hong Kong, đạo diễn Trần Phi ngang nhiên thay đổi, bất cần sự đồng ý của tác giả.
    Với chủ đề Cánh đồng ma, trong đó, nhân vật Hùng này là sinh viên Y khoa học hành thông minh, nhưng xuất thân trong gia đình bất hảo nên một khi tiếp thu được khoa học – nếu sai lầm, phạm pháp thì tác hại sẽ ghê gớm hơn người bình thường. Chẳng hạn, đây là đoạn Hùng đã giết Bảo:
    Bảo: – Anh định làm gì?
    Hùng: – Trong hơn một năm nay, anh xem đấy, tôi biết bệnh của tôi đã lâu. Tôi nghiên cứu một thứ thuốc để chữa bệnh cho tôi. Thứ thuốc ấy tôi tưởng tìm thấy. Đây này. (Hùng giơ lên một hộp thuốc, trong có mấy ông thuốc). Tôi không hiểu nó sẽ công phạt hay kiến hậu thế nào. Nhưng bây giờ, tôi còn chút hy vọng là ở nó. Tôi nhờ anh tiêm giúp cho tôi.
    Bảo: – Tiêm vào mạch máu?
    Hùng: – Vào mạch máu. Nếu không, tôi đã không phải nhờ anh.
    Bảo: – Tất anh cũng hiểu tôi không dám tiêm cho anh một thứ thuốc mà tôi không biết.
    Hùng: – Tôi hiểu thế nên mới chờ đến giờ này, mời anh giúp tôi.
    Bảo: – Có bao giờ tôi dám giúp anh một việc như thế. Biết đâu tôi giúp anh lại làm hại anh.
    Hùng: – Người ta chế một thứ thuốc mới đem thử vào mọi người ốm thì được, tôi chế một thứ thuốc mới lại không có quyền thử vào tôi hay sao? Nhất là đời tôi hoàn toàn của tôi tạo thành, cha mẹ chỉ để lại cho tôi cái xác đầy những thói xấu di truyền và một óc tăm tối như bùn đen. (Đưa cho Bảo hộp thuốc một cách quả quyết). Anh tiêm cho tôi.
    Bảo (Đứng dậy nói lãng): – Tôi đi về phòng lấy ống tiêm.
    Hùng: – Anh đừng đánh lừa tôi. Ống tiêm có đây rồi. (Hùng để hộp thuốc xuống giường, quay vào phía trong tìm ống tiêm. Bảo thừa lúc ấy đi ra cửa, Hùng biết ý, vùng chăn ra, nhảy xuống giường, ra chận cửa, nắm lấy tay Bảo giữ lại, chẳng may hộp thuốc bị văng xuống đất vỡ hết).
    Bảo (Có vẻ sợ): – Vỡ mất thuốc rồi.
    Hùng (Giận dữ như điên): – Anh là đồ khốn nạn! Anh đập tan cái hy vọng sống cuối cùng của tôi. Anh hủy hoại hơn một năm công trình của tôi. Anh là người ích kỷ, chỉ biết cướp lấy cái sống một mình…
    Bảo (Giăng tay Hùng ra, gọi to): – Thầy Ba!
    Hùng (Nhanh nhẹn vặn đèn, tối om): – Mày trả cái sống cho tao! (Người ta nghe tiếng xô xát kịch liệt. Tiếng Bảo bị bóp cổ kêu cứu).
    Bảo: – Nó bóp cổ tôi! Nó… giết… tôi. Cứu tôi với!”.
    Diễn biến tâm lý này đòi hỏi khả năng diễn xuất với hỗ trợ từ góc quay, kỹ thuật… Thế nhưng, Trần Phì lại lái câu chuyện theo hướng trinh thám, đâm chém, đàn bà trụy lạc để câu khách.
    Trong bút ký Một chuyến đi, Nguyễn Tuân cay cú: “Người Tàu, thật là bọn giặc trong nghệ thuật nhựa. Tôi đã từng gặp nhiều chú khách cổ cao một ngấn, hai ba cái cằm in nét ở mặt, về quan niệm mỹ thuật mù tịt, đứng làm giám đốc về việc bài trí những phim ảnh. Một truyện phim đầy sinh khí, đầy thơ mộng, vào tay họ, thế nào cũng thành truyện kiếm hiệp, nếu không là trinh thám”.
    Về thay đổi kịch bản, sự tranh cãi dữ dội đã nổ ra, cuối cùng, yếu thế do góp ít vốn, lại nơi đất khách nên không thể kiện tục về pháp lý, An Nam nghệ sĩ đoàn đành chấp nhận. Họ diễn xuất trong tư thế gượng gạo, miễn cưỡng.
    Để trả đũa, sau 13 ngày đêm làm việc cật lực và hậm hực nhau, bộ phim Cánh đồng ma quay xong vào ngày 30.1.1938 thì đúng hai ngày sau, ngày 1.2.1938 (tức mồng 2 Tết năm Mậu Dần), Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa liền tống các diễn viên ra khỏi nơi đang cư trú.
    Một bộ phim được thực hiện như thế, chất lượng thế nào? Tương tự dư luận báo chí đương thời, nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét: “Quả là một trò rối”. Dù thất bại, nhưng người Việt mê nghệ thuật điện ảnh vẫn không nản lòng. Đáng chú ý là tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Đinh – chủ hãng đĩa hát Asian đã thành lập Hãng phim châu Á và tuyển diễn viên vào đầu năm 1938 để quay bộ phim Trọn với tình, dài 90 phút trên phim nhựa 35mm đen trắng.
    Điều rất bất ngờ, đạo diễn chính là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Tám Danh (Nguyễn Phương Danh). Tuy phim còn kém cỏi nhiều mặt nhưng báo chí thời ấy, nhất là báo Trung Bắc Chủ nhật – nơi quy tụ của các thành viên An Nam nghệ sĩ đoàn, hết sức biểu dương cổ động.
    Từ thất bại của Cánh đồng ma, bộ phim truyện có tiếng đầu tiên của Việt Nam, đến Trọn với tình do người Việt đạo diễn, ta nhận ra rằng, muốn thực hiện phim theo ý định của mình thì phải có kinh phí dồi dào; phải có tay nghề…
    Há đây chẳng phải là một trong những bài học cần thiết cho thế hệ nối gót theo sau đấy sao?
    Lê Minh Quốc
    https://nguoidothi.net.vn/phim-anh-viet-nam-thuo-ban-dau-tu-kim-van-kieu-den-canh-dong-ma-20176.html




    ..

    Nghệ thuật thứ bảy ở Hà Nội xưa

    09:13 | 27/10/2013
    Năm 1895, nghệ thuật thứ bảy ra đời tại Pháp với những cuốn phim ghi lại cảnh sống thực dài chừng 1 phút. 10 năm sau đó, điện ảnh chỉ là những phim tài liệu ngắn, cho đến sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, người ta mới bắt đầu làm phim truyện. Ngay sau đó, Hà Nội đã có rạp chiếu bóng (năm 1920). Hãng Pathé chuyên kinh doanh phim ảnh và máy chiếu đã cho xây dựng một rạp chiếu bóng trên bãi cỏ bên cạnh đền Bà Kiệu, nhìn chếch sang đền Ngọc Sơn. Đó là rạp chiếu bóng (phim) cổ nhất của Hà Nội.
    Thời ấy, người Hà Nội say mê cải lương, tuồng, chèo, chứ chưa ham chuộng điện ảnh. Phim thời đó chưa có tiếng, chỉ có phụ đề chữ Pháp. Tuy vậy, người ta cũng muốn xem phim một lần để được thấy cảnh người đi, tàu chạy, ngựa phi... trên màn ảnh. Từ Pháp, rồi cả Âu - Mỹ, nghệ thuật thứ bảy phát triển rất nhanh. Ở Hà Nội cũng vậy, trên báo Trung Bắc Tân văn ngày 9.6.1923, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nêu ý kiến về việc làm phim Kim Vân Kiều. Ông viết: “nếu chúng ta làm ra được phim hay... ai nấy phải khen văn chương, khen tư tưởng Việt Nam, có phải ta cũng làm được việc quảng cáo cho nước ta với toàn cầu...”. Trước đó, Hãng Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinéma) đã làm nhiều phim tài liệu, đến giữa năm 1923 thì bắt đầu thực hiện phim truyện Kim Vân Kiều. Trong tác phẩm Nhớ và ghi, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết về sự kiện điện ảnh này: “các vai đóng đều là đào, kép rạp tuồng Quảng Lạc. Bảy Tắc đóng vai Hoạn Thư, Tư Lê đóng vai ông Phú. Phong cảnh là cảnh thật chung quanh Hà Nội. Sân chùa Láng là dinh Từ Hải, cổng Sanh làng Thọ là cửa vào nhà Tú Bà, bãi tha ma làng Yên Thái là chỗ Kiều viếng mộ Đạm Tiên...”. Như vậy, có thể ghi nhận phim Kim Vân Kiều là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam, công chiếu năm 1924.
    Năm 1925, một thương gia Hà Nội hợp tác với một thương gia người Hoa mở rạp Family tại phố Hàng Buồm (nay không còn). Phố này toàn nhà ống, nên họ phải mua hai nhà cạnh nhau, rồi phá tường thông thành một nhà. Phía ngoài, một mé xây quầy bán vé, mé kia là cửa vào rạp, đi qua 26 hàng ghế tựa ghi từ A đến Z, tới sát màn ảnh. Phía sau màn ảnh kê thêm 10 hàng ghế băng. Vé ngồi ở ghế băng, xem mặt trái màn ảnh, giá chỉ 3 xu, nên nhiều trẻ con ngồi ở đó. Hình ảnh ngược, kéo đàn, cầm cương ngựa… đều tay trái; cảnh duyệt binh oai nghiêm, như đều cầm súng tay trái, ngồ ngộ, khiến nhiều khi người xem cười rộ lên. Dòng chữ phụ đề ngược, là chữ Pháp, có xuôi cũng không đọc được, nên chả sao. Sàn rạp không có độ dốc, màn ảnh treo cao, để không bị người trước che lấp, người nào cũng phải ngửa cổ lên nhìn, xem xong phim ai nấy đều mỏi cổ, nhưng rất vui...
    Gắn bó với xem phim ở rạp Family còn có chiếc xe màu vàng nhạt của bác Ba bán bánh tây (bánh mỳ). Ngày nào cũng vậy, trước giờ chiếu dăm tiếng đồng hồ, bác Ba đã đẩy xe đến trước rạp Family. Chiếc tủ kính trên xe, một ngăn xếp những chiếc bánh vàng rộm, một ngăn để tảng chả quế dày súc, thơm ứa nước miếng. Bọn trẻ bâu quanh, bác Ba thái chả kẹp vào bánh, còn dấm ớt, tiêu, muối thì tùy khách. Hai xu hoặc ba xu một chiếc bánh giòn tan, thơm phức. Không chỉ người xem phim, dân các phố gần đó cũng quen với bánh tây bác Ba. Gần mười năm sau, rạp Family đóng cửa, xe bánh bác Ba không còn, người ta vẫn nhắc nhớ, như một kỷ niệm của một thời.
    Khi không còn rạp Family, người Hà Nội đã có rạp Olympic của Ông tây Coóc ở phố Hàng Da (ông người đảo Corse thuộc Pháp, nên người ta gọi như vậy), nay là rạp Hồng Hà. Vào những năm 30 thế kỷ trước đã hết thời phim câm. Bộ phim có tiếng nói đầu tiên chiếu ở Hà Nội là Phía tây không có gì lạ, dựng theo tiểu thuyết của nhà văn Erich Remarque, gây ấn tượng mạnh. Xem phim mà như được ra chiến trận, tiếng súng nổ, tiếng lính Đức lội bì bõm trong bùn nước... Người Hà Nội từ say mê cải lương, tuồng, chèo, đã mê cả kịch nói, và rất mê cinéma, nhiều rạp mọc lên thêm. Ngoài Olimpia, còn có rạp Tonkinoa ở phố Hàng Quạt, là hai rạp bình dân, rất đông trẻ con tới xem, nhất là những buổi chiếu ban ngày, giá rẻ. Chiếu ở các rạp bình dân thường là phim về cao bồi, những người hùng phi ngựa, quăng thòng lọng rất tài, bắn súng thiện nghệ. Những phim vua hề Sáclô (Charles Chaplin) luôn cuốn hút người xem... Nghệ thuật thứ bảy đã thực sự lên ngôi tại Việt Nam, ở Hà Nội!
    Có lẽ, như ông Nguyễn Văn Vĩnh đã viết về việc làm phim Kim Vân Kiều trên báo Trung Bắc tân văn từ giữa năm 1923 là “... làm một việc thí nghiệm”. Làm bộ phim ấy như là một cuộc thử sức của các nghệ sỹ Việt Nam khi bước vào nghệ thuật thứ bảy, loại hình nghệ thuật còn rất mới mẻ cả đối với các nước Âu - Mỹ. Thử sức ban đầu đó đã gây ấn tượng mạnh trong đời sống văn hóa đương thời. Đó cũng là bài học lớn cho các nghệ sĩ Việt Nam, để rồi, 14 năm sau, 1938, nghệ sỹ tài danh Đàm Quang Thiện đã đem đoàn làm phim Việt Nam sang Hong Kong thực hiện bộ phim Cánh đồng ma, tạo nên thành công đáng kể cho điện ảnh Việt Nam ngay trên xứ người, bán được cả phim cho người nước ngoài!
    Năm 1939, Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai bùng nổ, Việt Nam không ngoài vùng ảnh hưởng, rồi Cách mạng Tháng Tám, rồi Hà Nội hơn 60 ngày đêm khói lửa, rồi kháng chiến trường kỳ... Và chính trong kháng chiến chống xâm lược, nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam đã bước tới một giai đoạn khác, bắt đầu tạo dựng nền điện ảnh cách mạng...
    ANH CHI
    http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=296484





    ---

    CẬP NHẬT


    1. Sưu tập và giới thiệu của Hà Vũ Trọng

    Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

    NHỮNG BỨC CHÂN DUNG PHAN BỘI CHÂU DO HƯƠNG KÝ CHỤP NĂM 1926

    Có hai hiệu ảnh lớn và chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt: hiệu ảnh Khánh Ký của ông Nguyễn Đình Khánh (1874 – 1946) số 54 đường Bonnard (Lê Lợi), Sài Gòn, và hiệu ảnh Hương Ký của ông Nguyễn Lan Hương (1887–1949) ở số 86 phố Hàng Trống, Hà Nội. Một điểm chung là cả hai nhà nhiếp ảnh này đương thời đều ủng hộ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, thậm chí tham gia phong trào này, như trường hợp Khánh Ký (vì vậy có thời gian ông đã phải lánh sang Pháp và mở hiệu ảnh ở Paris; thời gian Hồ Chí Minh ở Pháp đã học nghề ảnh tại tiệm của ông). Các bức chụp chân dung Phan Châu Trinh mà ta biết tới đều do Khánh Ký chụp tại Pháp, và cuối cùng là bộ ảnh nổi tiếng của ông chụp đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn năm 1926.

    Còn Hương Ký, ngoài là nhà nhiếp ảnh, ông cũng là nhà làm phim nổi tiếng của Hà Nội vào đầu những thập kỉ thế kỉ 20. Theo tờ Trung Bắc Tân Văn đăng tin: Hôm 6/1 [1926] mới rồi, một nhà chụp ảnh ở Hà thành có đến nơi công thự của quan Binh bộ thị lang Nguyễn Bá Trác là nơi tạm trú của ông Phan Bội Châu, xin làm phim chớp ảnh, được ông Phan bằng lòng cho làm.” Những bức ảnh do Hương Ký chụp Phan Bội Châu vào thời điểm nói trên, chỉ khoảng hai tháng sau sự kiện chấn động: thực dân Pháp lập phiên toà đem Phan Bội Châu ra xét xử vào ngày 23.11.1925. Sau phiên toà lịch sử lừng danh đó, Phan Bội Châu được "ân xá" cho về "an trí" ở Huế, đầu tiên ông tạm trú ở dinh làm việc của Nguyễn Bá Trác (từng là nhà cách mạng theo phong trào Đông Du, sau đó ông quay về Hà Nội làm về báo chí và văn hoá với Phạm Quỷnh). 

    Trong số các bức chân dung do Hương Ký chụp quảng bá cho cuốn phim tài liệu về các giai đoạn cuộc đời Phan Bội Châu, có bức "ông đồ xứ Nghệ" với áo the, khăn vấn và đeo kính mảnh, đã trở thành một "icon' nổi tiếng nhất của cụ Phan. Còn cuốn phim tài liệu quý giá kia có lẽ do quan điểm không hợp với nhà cầm quyền Pháp vì sợ dấy động tâm tình người Việt yêu mến cụ Phan, cho nên sau đó không thấy được trình chiếu, và cũng không còn nghe biết tới số phận của cuốn phim đó nữa. Thật tiếc.


    Bức ảnh tái hiện Phan Bội Châu khi chưa xuất dương, và đang còn là "ông đồ xứ Nghệ"


    Phan Bội Châu ngồi trước thư án và đang nhập tâm viết. Ta thấy các bức thư pháp của ông viết và treo trên tường. Bức ảnh này tái hiện thời gian Phan Bội Châu ở Nhật, cắt tóc và ăn mặc Âu phục từ khi đem Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sang. Đây là thời gian ông đã viết Việt Nam vong quốc sửLưu Cầu huyết lệ thư

    Bức ảnh tái hiện thời Phan Bội Châu ở Quảng Đông





    *

    Nguồn hình ảnh trích từ cuốn: Sào Nam Phan Bội Châu tiên sanh lịch sử - Tấm lòng vì nước (Tường thuật về lịch sử thân thế cụ Phan, dư luận quốc dân và dư luận các báo từ khi Cụ về nước tới nay, phụ thêm ít vần thơ Cụ làm và người ta mừng Cụ), do Thịnh Quang Nguyễn Đức Riệu xuất bản, in tại nhà in Xưa-Nay, 62-64 Bonnard Boulevard, Saigon, 1926; Lưu ý địa chỉ nhà in cạnh tiệm ảnh Khánh Ký.
    Nguồn tải sách: https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k4228224d/f1.item.r=Phan%20B%E1%BB%99i%20Ch%C3%A2u

    https://havutrongarchives.blogspot.com/search?updated-max=2024-02-15T18:19:00-08:00&max-results=7
    ..

    ..

    1 nhận xét:

    1. 1. Sưu tập và giới thiệu của Hà Vũ Trọng

      Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

      NHỮNG BỨC CHÂN DUNG PHAN BỘI CHÂU DO HƯƠNG KÝ CHỤP NĂM 1926
      Có hai hiệu ảnh lớn và chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt: hiệu ảnh Khánh Ký của ông Nguyễn Đình Khánh (1874 – 1946) số 54 đường Bonnard (Lê Lợi), Sài Gòn, và hiệu ảnh Hương Ký của ông Nguyễn Lan Hương (1887–1949) ở số 86 phố Hàng Trống, Hà Nội. Một điểm chung là cả hai nhà nhiếp ảnh này đương thời đều ủng hộ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, thậm chí tham gia phong trào này, như trường hợp Khánh Ký (vì vậy có thời gian ông đã phải lánh sang Pháp và mở hiệu ảnh ở Paris; thời gian Hồ Chí Minh ở Pháp đã học nghề ảnh tại tiệm của ông). Các bức chụp chân dung Phan Châu Trinh mà ta biết tới đều do Khánh Ký chụp tại Pháp, và cuối cùng là bộ ảnh nổi tiếng của ông chụp đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn năm 1926.

      Trả lờiXóa

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.