Người Tiền Giang khổ sở vì hạn mặn
(PLO)- "Có nguồn nước nào cứu bà con không em?" - một anh phó chủ tịch xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang đã phải thốt lên khi nhìn bà con nông dân đối mặt với cảnh thiếu nước.
Anh Phạm Võ Minh Đăng, Phó Chủ tịch trẻ đầy nhiệt huyết của xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, vẫn đang tìm mọi nguồn tài trợ cho bà con nông dân ở địa phương mình.
han-man
Hồ nước duy nhất còn lại của xã Gia Thuận, Gò Công Đông được bà con tới lấy nước phục vụ sinh hoạt. Ảnh: ĐÀO TRANG
Thấy PV PLO, anh Đăng hồ hởi tiếp chuyện. Anh nói hơn một tháng trời bà con được nhận tình cảm từ các tỉnh anh em, có những nơi mang cả xe nước ngọt xuống cứu giúp; có anh chị nghệ sĩ mang bình chứa nước tặng; có anh Đại Nghĩa tặng nhiều bình lọc nước mặn cho bà con xài..., tất cả cũng hỗ trợ phần nào trong cảnh khát nước ngọt hiện nay. 
han-man
Người dân xếp hàng từ sớm để được lấy nước sạch. Ảnh: ĐÀO TRANG
"Chúng tôi trân quý tình cảm, tấm lòng thiện nguyện của người dân, từ nhà hảo tâm lắm. Song bà con hiện nay vẫn còn thiếu khá nhiều nước ngọt, nhìn cảnh bà con mang từng can nước tới lấy mà buồn. Tôi chỉ mong địa phương mình có thật nhiều nước cho bà con xài" - anh Đăng chia sẻ.
han-man-1
Những đợt nước đầu tiên được các mạnh thường quân hỗ trợ. Ảnh: NVCC
Theo anh Đăng, tình hình hạn mặn gay gắt diễn biến tại huyện Gò Công Đông nói chung và xã Tân Phước nói riêng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hạn hán kéo dài cùng với việc xâm nhập mặn đã làm cạn kiệt nguồn nước trên các kênh mương nội đồng. Một phần không nhỏ diện tích lúa đông-xuân của xã đang thời kỳ làm đòng đã không còn nước tưới, năng suất giảm nghiêm trọng. 
han-man-2
Người dân xếp hàng dài để chờ tới lượt lấy nước. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, hạn mặn đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân trong xã Tân Phước. Các trạm cấp nước cho 2 xã Tân Phước, Gia Thuận đã không đủ nước cung cấp cho nhân dân. Để giải quyết tình thế cấp bách, địa phương đã phối hợp với Xí nghiệp cấp nước mở các trạm cấp nước công cộng phục vụ nhân dân. Điều đáng trân trọng là trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm qua sự vận động của UBND xã đã dùng các phương tiện sẵn có để chuyên chở nước sạch đến tận các ấp phục vụ miễn phí cho bà con. Tấm lòng thiện nguyện của các nhà hảo tâm đã làm lay động lòng người, có sức lan tỏa rộng trong cộng đồng. 
Người Tiền Giang khổ sở vì hạn mặn - ảnh 5
Cảnh người dân xếp can nước để lấy nước sạch. Ảnh: NCCC
"Mùa hạn mặn năm nay sẽ còn kéo dài và ngày càng phức tạp hơn. Nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân sẽ còn thiếu hụt trầm trọng. Hơn lúc nào hết trong lúc này, bà con cần ý thức sử dụng nước triệt để tiết kiệm. Địa phương rất cần có thêm nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ về tài lực và vật lực, những tấm lòng thiện nguyện mang nước sạch đến với bà con. Cả cộng đồng cùng chung tay, nhân dân Gò Công Đông nói chung, Tân Phước nói riêng nhất định sẽ vượt qua khó khăn này" - anh Đăng nhấn mạnh.
Lúc phóng viên ra về, anh Đăng có nhắn: "Có nguồn nước nào cứu bà con không em, bà con nơi đây đang rất cần nước ngọt". Chỉ một câu nói đó thôi cũng đủ để chúng tôi lo lắng, bởi thực sự chúng tôi không giúp được gì cho chính địa phương này.
Cũng từ sự thiếu hụt này, người dân xã Tân Phước và một số xã ở Gò Công Đông đã phải ra ao hồ lấy nước về dùng tạm. Nhóm phóng viên đã chứng kiến cảnh người dân ra một ao hồ lớn ở xã Gia Thuận để mang nước về xài. Nhiều người dân không kịp lấy nước sạch từ huyện, mạnh thường quân đưa về nên cũng đành phải lấy nước từ trong hồ này về để phục vụ sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: "Tôi lấy nước này để phục vụ tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày, còn xếp hàng để lấy nước thì lâu quá. Nay tôi chỉ ước trời sớm mưa để đẩy lùi tình cảnh hạn mặn này. Chứ người nông dân như chúng tôi chịu hết nổi rồi".
Theo ghi nhận của PV, hiện trên địa bàn huyện Gò Công Đông lúa đã được thu hoạch hết, tuy nhiên sản lượng bị giảm khoảng 50%-80% so với những năm trước. Tuy nhiên, hiện bà con đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng, tất cả đều phụ thuộc vào nguồn nước cấp phát của các mạnh thường quân và địa phương.
Ra về, chúng tôi vẫn đau đáu với hình ảnh bà con nông dân xuống hồ lấy nước từ ao hồ về xài.
Đào Trang - Minh Tâm