Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/01/2020

Dạy tiếng Việt đầu thập niên 2020s : xung quanh SGK Hồ Ngọc Đại

Đầu năm 2020.

Nghe trực tiếp màn tranh luận giữa hai học giả Đại Việt: cụ Hồ Ngọc Đại và cụ Trần Đình Sử.

Sách giáo khoa của cụ Đại thì đã có 40 năm trước, mà bây giờ vẫn là "sách thí điểm". Bọn trẻ học từ đầu, giờ đã U50 rồi còn gì. Thí điểm vậy là quá lâu. Xem thêm ở đây.




Nghe xong video trên thì hãy bình tâm quan sát tiếp.

Cập nhật dần.

Tháng 1 năm 2020,
Giao Blog







---


TIN TỨC


2.






'Sách Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại dạy chữ mà không hiểu nghĩa, dùng từ phản cảm'

MINH KHÔI | 





'Sách Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại dạy chữ mà không hiểu nghĩa, dùng từ phản cảm'
GS.TS Trần Đình Sử.

GS Trần Đình Sử cho rằng, sách Công nghệ giáo dục chỉ dạy học sinh cách đọc mà không hiểu nghĩa của từ đang đọc là thiếu sót lớn và trầm trọng.

Dạy đọc nhưng không dạy nghĩa
GS.TS Trần Đình Sử, Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt cho biết, GS Hồ Ngọc Đại và bộ sách Công nghệ giáo dục đạt được nhiều thành công sau thời gian thực nghiệm rất dài là điều ai cũng thấy, không cần phải bàn.
GS Sử dẫn lời GS Đại cho rằng "Tiếng Việt là cấu trúc ngữ âm, chữ viết là vật thay thế cho âm". Để học cấu trúc ngữ âm, học sinh sẽ học âm tiết, không học nghĩa.
GS Đại dạy học sinh quy tắc chính tả là các quy ước; giúp học sinh phân biệt âm và chữ; tập đọc vần và viết theo vần; kết hợp dạy chính tả sẽ giúp học sinh biết đọc và biết các quy tắc chính tả. Đây là một ưu điểm của sách giáo khoa này.
Nhưng chỉ dạy học sinh cách đọc mà không hiểu nghĩa của từ mình đang đọc là một thiếu sót lớn và trầm trọng với các em sau này.
GS Sử chỉ ra, trong cách dạy Công nghệ giáo dục, giáo viên thực hiện "răm rắp" theo sách hướng dẫn. Điều đó như người thợ làm việc máy móc thực hiện đúng các bước của quy trình. Sách Công nghệ giáo dục không đòi hỏi, thậm chí cấm giáo viên thay đổi các quy định của sách hướng dẫn. 
Sách cũng không yêu cầu cha mẹ học sinh tham gia phối hợp dạy con học ở nhà. Điều này ngược với mục tiêu giáo dục.
Bộ sách Công nghệ giáo dục đang có nhiều điểm tồn tại lớn về mặt nội dung và phương pháp tiếp cận:
Thứ nhất, sách Tiếng Việt 1 của GS Đại không phải là sách khoa học. Chỉ có ngành ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngữ âm học mới là khoa học. Nó chỉ đơn thuần là sách giáo khoa Tiếng Việt sử dụng trong nhà trường, dạy học sinh đọc chữ, viết chữ đúng chính tả, đọc hiểu nghĩa, biết nói, viết các bài văn bằng Tiếng Việt.
Học sinh lớp 1 chưa cần học khoa học về ngôn ngữ quá nặng như âm, âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, âm đôi - những khái niệm chỉ ở bậc đại học mới đề cập tới. GS Đại còn cho học sinh học thêm các khái niệm của riêng ông như vật thật, vật thay thế; rồi quy tắc chính tả. Tất cả đều thật quá tải.
Thứ hai, dạy học Tiếng Việt, dù dạy gì, đều là dạy học sinh năng lực sử dụng Tiếng Việt: đọc, viết, nói, nghe, suy nghĩ. Còn GS Đại cho học sinh đọc âm, viết đúng chính tả mà không hiểu nghĩa. Chưa kể sách thiếu hẳn phần kể chuyện, nói, nghe, chào hỏi.
Thứ ba, sách giáo khoa dạy cho học sinh phải có nội dung tư tưởng, đạo đức. Nhưng GS Đại viết trong sách nhiều từ phản cảm như: ăn quỵt, hàng thịt nguýt hàng cá, củ rủ cù rù.
Đồng thời, nhiều bài trong sách yêu cầu học sinh đọc văn bản chưa phù hợp với lứa tuổi của mình như: Bình Ngô Đại cáo, Hịch tướng sĩ, Nam Quốc sơn hà. Nếu chỉ cốt tập đọc âm và chữ, thì quá nặng nề và không có mấy ý nghĩa.
Thứ tư, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục viết không theo một chương trình được xây dựng khoa học. GS Đại cũng chưa từng công bố chương trình Công nghệ giáo dục đầy đủ, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Hiện chỉ có sách lớp 1, còn từ lớp 2 chưa có, gặp đâu hay đó.





Sách Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại dạy chữ mà không hiểu nghĩa, dùng từ phản cảm - Ảnh 2.
Sách phải dùng đến dẫn chứng vẽ ma quỷ trong một bài học cho học sinh lớp 1.

Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn
Theo GS Trần Đình Sử, Bộ GD&ĐT thực hiện đúng theo chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
Xây dựng hoàn chỉnh và cơ bản hoàn thành những công đoạn quan trọng, tiến tới triển khai một khi chương trình tổng thể, chương trình môn học. Đó chính là pháp lệnh của toàn bộ ngành giáo dục.
Cho dù GS Hồ Ngọc Đại và những cộng sự khẳng định sách Công nghệ giáo dục có nhiều ưu điểm như giúp học sinh không nói ngọng, không tái mù và đang dạy với số lượng học sinh tương đối lớn trên hàng chục tỉnh thành của cả nước.
Nhưng, theo GS Sử đã đến lúc không thể để sách Công nghệ giáo dục lớp 1 đứng riêng chương trình giáo dục được.
Sách của GS Đại được viết 40 năm nay, từng được sử dụng đại trà mà không qua thẩm định. Năm 2017 Bộ tổ chức thẩm định để khỏi phạm luật, Hội đồng đã chỉ ra nhiều bất cập, nhưng GS Đại không chấp nhận.
Hội đồng cho phép sách của GS Hồ Ngọc Đại chỉ được sử dụng cho đến khi có chương trình mới. Đến nay chương trình mới ban hành, sách của GS Đại hết thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, GS Đại lại mang sách cũ, không sửa một chữ, đưa cho Hội đồng thẩm định yêu cầu thông qua.
Khi Hội đồng thẩm định đánh giá không đạt, thì GS Đại kêu với báo chí rằng Hội đồng không đủ trình độ đánh giá sách của ông. Ông còn kêu với Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội, đòi hỏi phải có cơ chế riêng để sử dụng vô điều kiện sách của ông cho năm học mới. "Đó là môt yêu cầu vô lý, vi phạm luật giáo dục, mà ai cũng thấy, chỉ riêng ông là không thấy", GS Trần Đình Sử nói.





Sách Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại dạy chữ mà không hiểu nghĩa, dùng từ phản cảm - Ảnh 3.
Sách Công nghệ giáo dục lớp 1.

"Nếu sách của thầy Đại hay tại sao lại không tiếp tục phát triển lên các lớp trên mà chỉ có ban hành một bộ sách lớp 1 và hơn 40 năm qua vẫn mang thân phận là sách "thí điểm", vị giáo sư đặt câu hỏi.
Trải qua 40 năm, Bộ GD&ĐT có 3 lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa nhưng sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vẫn đứng riêng một góc trời. Bộ sách này vẫn dạy thực nghiệm, vẫn được Bộ cho phép triển khai và còn mở rộng ra nhiều tỉnh, sách vẫn do Nhà xuất bản Giáo dục in ấn, phát hành.
Như vậy đã quá là ưu ái với chính tác giả và số phận của bộ sách. Giờ là lúc Bộ GD&ĐT cần dứt khoát đưa sách giáo khoa này trở lại luật chơi chung, quỹ đạo chung.
Đây là thời cơ để quyết định, nếu không chỉnh sửa cho phù hợp thì buộc lòng phải "khai tử" bộ sách. Và dĩ nhiên, không quyết liệt được thì lại thêm một vòng đời luẩn quẩn cho sách giáo khoa Công nghệ giáo dục kéo dài hàng chục năm sau. Bộ GD&ĐT có quyền quyết, nắm trong tay "luật chơi" thì tại sao phải chần chừ.
Video: Đối thoại về sách Công nghệ giáo dục giữa GS Hồ Ngọc Đại và Bộ GD&ĐT




1.






MINH KHÔI | 





Đối thoại gay gắt về sách Công nghệ giáo dục: Bộ GD&ĐT đề xuất chỉnh sửa, GS Hồ Ngọc Đại nói không
GS.TS Hồ Ngọc Đại, Chủ biên bộ sách Công nghệ giáo dục.

Cho rằng việc để sách Công nghệ giáo dục thẩm định theo cách khác khó thực hiện vì tính công bằng, Bộ GD&ĐT đề nghị chỉnh sửa, nhưng GS Hồ Ngọc Đại không đồng ý.

Sáng 3/1, Bộ GD&ĐT tổ chức đối thoại GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS.TS Nguyễn Kế Hào về nội dung chương trình Công nghệ giáo dục cần chỉnh sửa hay giữ nguyên.
Tham gia đối thoại có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ biên chương trình; PGS.TS Nguyễn Kế Hào cùng cộng sự tham gia quá trình triển khai, hoàn thiện sách giáo khoa theo phương pháp Công nghệ giáo dục.
Thẩm định sách công bằng, đúng quy định
Mở đầu buổi đối thoại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT thông tin vắn tắt quá trình thẩm định sách giáo khoa mà Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện.
Theo ông Thái Văn Tài, quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa và thành lập hội đồng thẩm định quốc gia, cùng quá trình thẩm định sách giáo khoa diễn ra đúng quy định của Thông tư 32 và 33 do Bộ GD&Đ ban hành.
“Thành viên hội đồng thẩm định có 15 ngày nghiên cứu sách giáo khoa độc lập, sau đó có các buổi làm việc chung và nghe đối thoại của tác giả sách giáo khoa đăng ký thẩm định. Cuối cùng, các thành viên tiếp tục làm việc độc lập và bỏ phiếu. Hội đồng sẽ gặp gỡ thông báo cho tác giả sách giáo khoa ý kiến đánh giá của hội đồng.
Như vậy trong quá trình thẩm định có 2 lần tác giả được gặp nghe ý kiến, đối thoại với hội đồng thẩm định, trước khi đưa ra quyết định có chỉnh sửa hay giữ nguyên”- ông Thái Văn Tài cho biết.
Đối thoại gay gắt về sách Công nghệ giáo dục: Bộ GD&ĐT đề xuất chỉnh sửa, GS Hồ Ngọc Đại nói không - Ảnh 1.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT.
Được biết, trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng ký, trong đó 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2. Những sách giáo khoa đạt lại tiếp tục được rà soát, tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Hiện có 32 SGK được phê duyệt. Trong 11 SGK hội đồng đánh giá không đạt có những cuốn được tác giả sửa và thẩm định lại, có SGK bảo lưu quan điểm nên không gửi thẩm định lại.
“Thẩm định sách Công nghệ giáo dục theo cách khác”
Tiếp thu phần tóm tắt, PGS.TSKH Phan Kế Hào cho biết từng gửi kiến nghị lên Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, Bộ GD&ĐT nên coi cuộc thẩm định sách giáo khoa vừa rồi chỉ là chọn những bộ sách đạt để đưa ra dạy thử nghiệm vài năm ở địa phương.
Trung tâm cũng cho rằng phải trải qua khâu thí điểm rồi mới đưa quyết đưa vào giảng dạy rộng rãi, không nên vội vã.
Đồng thời, PGS Hào đề xuất, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục cần có cách thẩm định khác, nhìn từ kết quả thực tế để thẩm định đạt hay không.
Lý giải rõ hơn, theo GS.TS Hồ Ngọc Đại, bộ sách bị loại ông không oán trách, chê bai gì các nhà phân tích. Họ đang làm đúng trách nhiệm, thẩm quyền của họ, nhưng trách nhiệm đó đúng hay sai thì cần tính toán lại.
"Bộ sách của tôi là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, bỏ ra 40 năm để viết sách là ngần năm để thực nghiệm sách, thậm chí có thêm 5 năm thực nghiệm tại Liên bang Nga”.
Từ quan điểm đó, GS Đại chỉ ra, trong giáo dục cần làm rõ, giáo viên dạy cho học sinh cái gì và bằng cách nào các em có được những điều giáo viên muốn truyền đại.
Cho nên mỗi lớp chỉ dạy rất ít nhất một khái niệm mang tính cốt lõi như: Tiếng Việt là môn khoa học, các khái niệm của nó là khái niệm khoa học. Tiếng Việt lớp 1 chỉ có 1 khái niệm là cấu trúc ngữ âm của tiếng. Tiếng Việt lớp 2 Từ và Ngữ, lớp 4 là câu, lớp 5 là bài.
Chương trình mới, phải có sách mới
Phản biện lại ý kiến của GS Đại, PGS Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán cho rằng, nếu nói về thẩm định, chúng tôi đã trao đổi 2 lần với các chủ biên về vấn đề chỉnh sửa.
Có thể quyết định của hội đồng chưa đúng với ý muốn của các chủ biên nhưng nó sát đáng và bám sát với các tiêu chí của Bộ GD&ĐT đề ra.
Có những chương trình sách giáo khoa rất hay ở chương trình hiện tại, nhưng khi chuyển sang chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không còn phù hợp nữa. GS Đại nên nghĩ lại cách viết, cách tiếp cận của sách Toán, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.
PGS Kiều cho rằng, hãy để môn Tiếng Việt, Toán lớp 1 đi vào nhà trường và học sinh thuần túy, nhẹ nhàng nhất thay vì sự lồng ghép những triết lý vào trong bài dạy như sách giáo khoa công nghệ giáo dục đang làm.
Chúng ta cần bám sát chương trình mới, căn cứ vào mục tiêu và yêu cầu cần đạt của môn học để viết sách. Không phải căn cứ vào sách viết mà điều chỉnh chương trình cả nước được.
Bộ GD&ĐT nên giữ vững nguyên tác, chương trình mới phải có sách giáo khoa mới. Sách giáo khoa đã cũ, không còn phù hợp nên loại bỏ”- PGS Kiều khuyên.
Đối thoại gay gắt về sách Công nghệ giáo dục: Bộ GD&ĐT đề xuất chỉnh sửa, GS Hồ Ngọc Đại nói không - Ảnh 2.
PGS Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Đình Sử cho rằng, tư duy của GS Đại theo hướng tự do trong trường thực nghiệm, muốn nghĩ gì đó là quyền của giáo sư. Nhưng khi sách đưa ra xã hội thì nó mang tính rộng rãi, phải chấp nhận mặt bằng chung của xã hội.
Một khi đưa ra xã hội phải chấp nhận luật chơi chung được Bộ GD&ĐT đưa ra. Hoặc là sửa để tiếp tục phù hợp với số đông hoặc là không tồn tại nữa, GS Sử nhấn mạnh.
PGS.TS Lê Anh Vinh ghi nhận những thành công của sách giáo khoa Công nghệ giáo dục mang lại trong 40 năm qua. Bộ sách được thử qua thời gian, đó là phép thử tốt nhất, chúng ta không hoàn toàn phủ nhận thành quả.
Tuy nhiên đó là thực tại, còn với chương trình mới, khung chuẩn chung được quy định rõ các trụ cột. Bắt buộc phải bám sát vào khung cột, còn phương pháp như thế nào thì có thể linh hoạt.
Bộ sách nên điều chỉnh trực quan hơn một chút với học trò. Bởi chúng ta đề cao tính tự học nhưng cuốn sách công nghệ không thể tự học nếu không có giáo viên hướng dẫn, cần tính toán lại hướng điều chỉnh nếu muốn đưa vào sử dụng rộng rãi.
PGS Vinh cho rằng, hoàn toàn có thể giữ cách tiếp cận vấn đề của GS Đại, nhưng thay đổi một chút về phương pháp và lối tư duy để phù hợp hơn với hiện thực chương trình mới.
Không thẩm định theo cách khác
Tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, Bộ GD&ĐT thống nhất với hội đồng tạo điều kiện tốt nhất cho bộ sách công nghệ được chỉnh sửa và thẩm định lại.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT thực hiện theo đúng Nghị quyết 88 của Quốc hội và Thông tư 33 ghi rõ các hồ sơ sách gửi về thẩm định phải trải qua quá trình thực nghiệm mới đủ điều kiện. Cần lấy chương trình làm gốc, sách giáo khoa có thể điều chỉnh hàng năm.
Vì thế nếu cho rằng cuộc thẩm định vừa rồi chỉ là bước một và tiếp tục thực nghiệm thì chưa thật đúng.
Đối thoại gay gắt về sách Công nghệ giáo dục: Bộ GD&ĐT đề xuất chỉnh sửa, GS Hồ Ngọc Đại nói không - Ảnh 4.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Việc cho sách Công nghệ giáo dục cách thẩm định khác như PGS Phan Kế Hào đề xuất là khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ sách giáo khoa.
"Nếu được thì thầy nghiên cứu phương án điều chỉnh sách để đảm bảo yêu cầu. Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ sách giáo khoa đa dạng sử dụng trong các nhà trường", Thứ trưởng Độ gợi ý.
Tuy nhiên, sau những kết luận và đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, PGS Phan Kế Hào vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm và cho rằng chưa thỏa mãn với câu trả lời.
Vị này cho biết, sẽ tiếp tục làm việc và kiến nghị lên cấp trên.
---

BỔ SUNG

..


2.

GS Hồ Ngọc Đại: Phải xóa bỏ nền giáo dục cũ, xây dựng nền giáo dục mới
Cập nhật: 09:01, Thứ 4, 08/01/2020
Trao đổi với Báo NNVN, GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn bày tỏ: “Không thể chạy theo nền giáo dục cũ để có nền giáo dục mới được mà phải xóa bỏ nền giáo dục cũ xây dựng nền giáo dục mới”.

Nền giáo dục cũ không thể dùng cho trẻ con thế kỷ 21

Trước ý kiến phản biện của GS Trần Đình Sử về sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục (CNGD), GS Hồ Ngọc Đại trả lời: “Nói chung là thế này nhé, anh này tư duy thấp lắm. Kinh nghiệm hời hợt lắm. Cho nên hôm đấy (3/1/2020) tôi mới nói tư duy thấp kém quá không đáng bàn. Tôi bất ngờ đấy”.
13-40-48_ho_ngoc_di
GS Hồ Ngọc Đại tại Bộ GD-ĐT sáng 3/1/2020. Ảnh: Nam Trần.
Cuộc trao đổi sáng 3/1/2020 tại Bộ GD-ĐT, GS Trần Đình Sử khi “đối thoại” đã cho rằng, GS Đại là nhà toán học, nhà tâm lý học nhưng không hiểu về văn học. Tư duy của GS Đại là “tư duy tự do”. GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, tư duy cũ thì không thấy được vấn đề gì hết.
Nói cụ thể về viết sách cho học sinh tiểu học, ông Đại nêu ra quan điểm mỗi lớp chỉ dạy rất ít khái niệm mang tính cốt lõi. Theo ông Đại, Tiếng Việt là môn khoa học, các khái niệm của nó là khái niệm khoa học. Tiếng Việt lớp 1 chỉ có 1 khái niệm là tiếng. Lớp 2 là từ và câu, lớp 3 là ngữ, lớp 4, lớp 5 là bài.
Trả lời câu hỏi của PV Báo NNVN về tư duy mới theo sách CNGD của mình hiện nay là gì? GS Hồ Ngọc Đại cho biết: Đó là lý thuyết và công nghệ. Phải thay đổi cả cả lý thuyết lẫn công nghệ thực thi.
“Thay đổi về lý thuyết thì phải có tư tưởng triết học, tư tưởng lý thuyết. Cái đó phải có đầu tiên, sau đó rồi mới đến công nghệ thực thi. Một lý thuyết nào đó bao giờ cũng có cơ sở lịch sử.
Cơ sở lịch sử của nó ở đâu? Họ không thấy được trẻ con sinh ở thế kỷ 21, tức là từ ngày 1/1/2001 trở đi, đó là một thế hệ hoàn toàn mới trong lịch sử. Nó chưa hề có trong lịch sử cho nên nó cần một nền giáo dục chưa hề có trong lịch sử. Nền giáo dục cũ không thể dùng cho trẻ con thế kỷ 21 được”, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.
Theo ông, hiện nay đất nước cần một nền giáo dục khác về lý thuyết và khác về cả công nghệ thực thi. Còn từ góc nhìn của người chủ biên SGK CNGD, ông nói: “Lớp làm việc hiện nay, nhà giáo hiện nay họ không nghĩ ra được, không biết được, họ không với tới được, nhất là trong lý luận văn học thì thấp lắm.
Vẫn ca ngợi Khổng Tử, vẫn ca ngợi những cái này khác vớ vẩn. Khổng Tử là lạc hậu kinh khủng. Cái đó là phản động đấy. Phản động trong thời đại hiện đại. Thời hiện đại nó khác. Phải có triết học khác trong hoàn cảnh lịch sử mới, cần cho một nền giáo dục mới. Cái cũ không vào được đầu óc trẻ con bây giờ”.
Còn về việc Hội đồng thẩm định SGK của Bộ GD-ĐT bỏ phiếu không đạt, yêu cầu tác giả SGK CNGD phải sửa chữa, ông Hồ Ngọc Đại cho biết không thể sửa sách theo ý của Hội đồng.
“Tôi có lý thuyết của tôi, tôi có công nghệ của tôi, và tôi có trách nhiệm của tôi chứ. Mà đâu phải chỉ có một mình tôi. Đây là cả một thế hệ chứ không phải cá nhân tôi đâu. Cho nên công chúng chưa hiểu và rồi sẽ hiểu. May nhất là vừa rồi báo chí vào cuộc và đã bung ra hết, đã công khai hết”, ông Đại nói.
Trước ý kiến của GS Trần Đình Sử nêu ra những khiếm khuyết của SGK CNGD, bản thân GS Hồ Ngọc Đại cũng thừa nhận có những khiếm khuyết. Song ông bày tỏ rằng những khuyết điểm đó điều chỉnh được dần. Năm nào ông cũng điều chỉnh.
“Tôi điều chỉnh làm sao cho sát với thực tiễn nhất, sát với trẻ con hiện tại nhất và vẫn có hiệu quả nhất. Còn hiện nay họ vớ vẩn lắm, trình độ tư duy thấp kém lắm, chủ nghĩa kinh nghiệm.
Tôi lấy ví dụ ông Trần Kiều nhé, là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, đó là một cái viện tiêu tiền Nhà nước vô tội vạ mà không có một thành tích gì về lý thuyết, chuyên môn đi dạy thêm mà sống”, GS Hồ Ngọc Đại bày tỏ.
 

SGK do Bộ GD-ĐT thông qua là công trình dịch vụ

Nhấn mạnh bộ SGK CNGD của mình là sản phẩm khoa học, GS Hồ Ngọc Đại phê phán SGK hiện nay do Bộ GD-ĐT thông qua là công trình dịch vụ chứ không phải công trình khoa học.
Theo đánh giá, bộ SGK CNGD đã chứng minh được hiệu quả từ việc dạy thử nghiệm đến thực hiện đại trà ở 48 tỉnh, thành. Trong đó, từ năm 2006 đến nay, Tiếng Việt theo phương pháp CNGD đã được Bộ GD-ĐT đưa trở lại với vai trò là giải pháp tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh vùng khó khăn, cứu vãn tình trạng sa sút về chất lượng dạy học Tiếng Việt.
13-40-48_sgk_-_ho_ngoc_di
Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại.
Vì thế, GS Hồ Ngọc Đại bảo lưu ý kiến của mình: “Tôi làm sách suốt mấy chục năm, năm nào tôi cũng sửa hết. Nhưng mà giữ đến mức có thể. Sách của tôi đã có nghiệm thu Quốc gia rồi đấy chứ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn 2 lần tổ chức Hội đồng nghiệm thu Quốc gia sách của tôi đấy”.
Trước câu hỏi của PV Báo NNVN cho rằng, bản thân GS Hồ Ngọc Đại muốn áp dụng bộ SGK CNGD để thay đổi tư duy khoa học cũng như triết lý giáo dục hiện nay? Ông Đại thẳng thắn chia sẻ:
“Đúng rồi. Thay đổi căn bản về triết lý của giáo dục, triết học của giáo dục và thay đổi về công nghệ thực thi. Lý thuyết và thực tiễn phải thay đổi. Thay đổi về nguyên lý, thay đổi về nguyên tắc, thay đổi cơ bản, chứ không thể chạy theo trước để cải tiến được. Không thể chạy theo nền giáo dục cũ để có nền giáo dục mới được mà phải xóa bỏ nền giáo dục cũ xây dựng nền giáo dục mới”.
Đó là nói về lý thuyết. Còn thực tiễn, theo GS Hồ Ngọc Đại, muốn xây mới phải đi từ từ. Cho nên ông phải dùng 40 năm thực nghiệm để thuyết phục cộng đồng xã hội.
“Thực nghiệm là gì? Thực nghiệm là tôi làm mẫu. Tôi phải lắp cái van an toàn khi triển khai đại trà. Vì tôi có thực nghiệm rồi cho nên khi triển khai đại trà tôi không sợ. Đấy là trách nhiệm của tôi nữa đấy.
Cho nên học với tôi, bất kể học sinh người dân tộc nào, sinh ra ở đâu sống ở làng xã nào, có đi mẫu giáo hay không, có biết Tiếng Việt hay không, … từ 6 tuổi đi học với tôi 1 năm thì đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Tại sao tôi dám nói như thế là bởi vì tôi biết trẻ con hiện đại 6 tuổi nó khác hẳn. Có phải tôi nói suông đâu. Tất cả các tỉnh miền núi đều theo tôi hết, 100% dạy theo tôi hết”.
“Đối với tôi lợi ích khoa học là trên hết bởi vì đấy là lợi ích lâu dài của đất nước. Tôi có ý thức trách nhiệm với đất nước này, chứ cá nhân tôi không quan trọng gì.
Nhớ lại ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, cũng lâu rồi, từ thời anh Hữu Thỉnh còn làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ, có đặt tôi viết bài.
Tôi viết gửi một bài rất ngắn, trong đó có câu thế này: “Báo là báo cho biết. Cho biết là cho biết sự thật. Còn từ sự thật đến chân lý, người đọc tự nghĩ lấy”.
Tôi rất mừng là các em nhà báo trẻ bây giờ khác trước nhiều lắm, nó hiểu theo nghĩa của nó chứ nó không nghe mập mờ, ú ớ như trước nữa”
(GS Hồ Ngọc Đại)

Khải Mông

1.


Họ là những trí thức, nghe những lời đối đáp của họ.

Tôi mất sự kính trọng:
- Các anh già rồi, sao không chịu nghỉ ngơi. Chỉ tranh nhau cục xương quá lớn và các anh đã cắn nhau?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại:

“Anh không đáng gì với tôi cả…Tư duy thấp! Tôi không khinh bỉ anh, tôi chỉ nói thật…”.

Giáo sư Trần Đình Sử:
“Tôi cũng nói thật, thế thôi. Tôi cũng khinh bỉ anh! Chưa bao giờ tôi trọng anh cả…”.

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.