Bây giờ, cũng là một cách chơi, của Quang khùng ở Nam Định.
Cùng là chơi, mỗi người một cách.
Bài đầu tiên về Quang khùng là từ năm 2013. Cập nhật dần.
---
Mới chơi cổ vật vài năm nhưng Bùi Văn Quang rất nổi tiếng. Bạn bè ở Nam Định gọi anh là “gã khùng” vì thấy anh tích cóp được đồng nào là lần mò đi “săn” đồ cổ, sau đó lại bỏ công đến tận bảo tàng, nhà trường để... tặng.
Chiều 26.4, giọng Bùi Văn Quang hồ hởi qua điện thoại: "Tôi vào đến Huế rồi, đang trên đường vào tặng Bảo tàng TP.HCM bản chiếu chỉ của vua Minh Mạng ban cho Đội trưởng pháo binh Tôn Thất Trực khi đánh đuổi được quân của Lê Văn Khôi ra khỏi thành Con Rùa” (thành Sài Gòn).
Trước đó gần nửa tháng, ngày 12.4, Quang làm giới chơi cổ vật thành Nam xôn xao khi anh quyết định đem hiến tặng cho đền Bảo Lộc (xã Bảo Lộc, H.Mỹ Lộc, Nam Định) một đạo sắc phong cổ quý hiếm do vua Thiệu Trị triều Nguyễn ban cho vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1845.
Sưu tầm rồi đem đi... tặng
"Sưu tầm được cổ vật sẽ trả về đúng nơi chúng xuất phát để chúng tỏa sáng nhất, phát huy hết giá trị lịch sử và thuận lợi cho nghiên cứu khoa học"
Quang kể: "Nhân duyên đưa tôi đến với thú sưu tầm đổ cổ nói chung, đặc biệt là các đạo sắc phong nói riêng, bắt nguồn từ cái thạp cũ của gia đình còn sót lại ở quê. Quê tôi vốn ở Liên Minh (H.Vụ Bản, Nam Định), sau khi về dọn dẹp nhà cũ, thấy có cái thạp còn sót lại với những chữ ghi trên đó. Tôi không biết đọc chữ Hán Nôm, một phần cũng tò mò nên mang đi hỏi một số nơi. Quá trình đó giúp tôi tìm hiểu thêm được nhiều thứ, dần dà hình thành sở thích sưu tầm đồ cổ”. Hiện bộ sưu tập đồ cổ của Quang khá đa dạng, bao gồm các hiện vật từ Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm..., đồ ký kiểu (sành sứ) thời nhà Nguyễn, các di sản Hán Nôm...
Mới chơi cổ vật được vài năm nhưng Bùi Văn Quang khá nổi tiếng. Lý do chỉ vì anh say mê tìm tòi, lặn lội đi sưu tập cổ vật, đặc biệt là các sắc phong, rồi sau đó lại đem đi... hiến tặng. Đến nay, Quang không nhớ hết mình đã sưu tầm được bao nhiêu chiếu chỉ, sắc phong, tặng cho bao nhiêu nơi. Một số cổ vật quý hiếm anh mang tặng có thể kể đến như viên gạch thời Lý có ghi dòng chữ “Lý Gia Đệ Tam Đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo”, niên đại 1065 và tờ địa bạ liên quan đến đất đai, lập năm 1937, tặng cho Bảo tàng Nhân học (thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). Anh cũng tặng Bảo tàng Đà Nẵng (nằm trong khuôn viên di tích quốc gia thành Điện Hải) bản sắc phong chức cho một vị quan trấn giữ thành Điện Hải. Năm 2011, anh tặng Bảo tàng Nam Định một bức sắc phong thời hậu Lê niên hiệu Đức Long thứ 4 (1632), để lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị... Ngoài ra, các bảo tàng khác như Vĩnh Long, Hưng Yên, nhiều dòng họ trong cả nước cũng đã được Quang tặng cổ vật. Anh đã hiến tặng trên 60 đạo sắc phong trên phạm vi cả nước.
Có đồng nào là thả vào đồ cổ
Ngôi nhà nhỏ của Quang ở đường Quang Trung, TP.Nam Định có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng vì nó không giống như trong trí tưởng tượng về những gian phòng khách sang trọng, tiện nghi của một đại gia đồ cổ. Tất cả đồ đạc của Quang đều đơn giản, mộc mạc như ở bất kỳ một gia đình công chức nào. Như đọc được suy nghĩ của khách, Quang cười chia sẻ: “Có đồng nào là thả vào đồ cổ hết rồi”.
Dân trong nghề mỗi lần thấy Bùi Văn Quang đem tặng cổ vật lại chép miệng gọi anh là “gã khùng”, bởi chỉ cần bán đi một số đồ quý, Quang có thừa tiền để mua nhà, trang bị tiện nghi và đi làm bằng ô tô xịn chứ không phải chiếc xe máy cọc cạch như hiện nay.
Lý giải về sự “khùng” ấy, Quang cho biết: “Bây giờ “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ sứ”, người giàu lại có mốt thích sắc phong, chiếu chỉ nên những thứ tôi hiến tặng đều rất có giá. Nhưng khi người ta yêu thích đến say mê một cái gì đó thì sẽ quên đi giá trị vật chất, để cái đó được tỏa sáng, phát huy hết giá trị của mình”.
Bùi Văn Quang nói anh chỉ mong mọi người cùng được chiêm ngưỡng, nghiên cứu và qua đó có thể hiểu rõ những giai đoạn lịch sử nước nhà. “Khi đã nghiện thú chơi này rồi, trong tôi luôn xuất hiện ý nghĩ: sưu tầm được cổ vật sẽ trả về đúng nơi chúng xuất phát để chúng tỏa sáng nhất, phát huy hết giá trị lịch sử và thuận lợi cho nghiên cứu khoa học”, Quang tâm sự.
Nhưng để trở thành “kẻ khùng” cũng không ít gian nan. Có bao nhiêu tiền dành dụm, Quang đổ hết vào cổ vật. Vì vậy, nhiều lúc vì cổ vật mà mấy tháng liền anh không đưa lương cho vợ. Đang là một viên chức tại Sở Giao thông vận tải Nam Định, đồng lương hằng tháng không đủ để mua được một đạo sắc phong, nhưng cứ nghe có sắc phong cổ là anh chạy vạy vay mượn để mua bằng được rồi trả dần. Bí quá thì đổi cổ vật đang có. Quang kể đã nhiều lần rứt ruột vì hết tiền, phải đổi chiếc trống đồng hay bình gốm hoa nâu lấy đạo sắc phong để đem tặng.
Rồi mỗi lần sưu tầm được một sắc phong, ngoài việc tự tìm hiểu, anh còn nhờ mọi người thẩm định, dịch chữ giúp mình để tăng thêm tính xác thực. Sau đó anh tìm nguồn gốc, nơi phù hợp để tặng, khi thì tặng đền chùa đình miếu, lúc tặng bảo tàng, có khi là từ đường một dòng họ nổi tiếng.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, nói: "Giá như tất cả những ai chơi cổ vật đều có một phần cái “khùng” ấy của Quang thì đáng quý biết bao!".
Từ năm 2009, Bùi Văn Quang đã hiến tặng hơn 200 cổ vật, trong đó sắc phong cổ khoảng hơn 60 bản. Ông Quang là hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hội viên Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật UNESCO.
|
Hoàng Long
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.