Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/08/2019

Phong trào "quốc tang" nhưng "gia táng" : bây giờ, chính phủ mới bắt đầu để ý

Tháng 9 năm 2018, tức khoảng một năm trước, đã viết một bài ngắn với tiêu đề Sáng tạo mới sau 30 năm Đổi Mới : "quốc tang" nhưng "gia táng" (làm ma thì quốc gia, chôn thì mộ nhà). Xem lại ở đây.

Đại khái, tôi đã viết một năm trước:

"Nói nôm na thì "quốc tang gia táng" là: làm ma thì cấp quốc gia, chôn thì vào mộ nhà. Công tư lộn nhào. Không còn liêm chính gì nữa. Sự bất liêm bất chính tầm quốc gia.

Đổi Mới sau 30 năm với kết quả thấy được là trở thành cũ kĩ - nửa mùa - dị hợm, hoàn toàn đi ngược lại tinh thần Đổi Mới lúc ban sơ.".

Tháng 8 này, chính phủ đã bắt đầu để ý.

Tin đầu tiên lấy về từ trang của học giả Vương Xuân Tình - cuộc thảo luận sẽ diễn ra ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vào chiều nay (ngày 27/8/2019). Chủ trì là ông Vũ Đức Đam.

Dưới đó, sẽ là các bổ sung cập nhật.

Tháng 8 năm 2019,
Giao Blog






Posted onAugust 27, 2019



Chiều mai, 27/8/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham gia chủ trì Diễn đàn thảo luận về “Tập quán mai táng của người Việt Nam – Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”, được tổ chức tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Rất tiếc do phải đi công tác nên tôi không tham dự được. Song vì Chính phủ mở Diễn đàn, tức muốn lắng nghe nhiều ý kiến nên mặc dù vắng mặt, tôi vẫn đóng góp như sau:
1. Dẫu chưa biết đích xác mục tiêu của Diễn đàn, nhưng qua một số kênh thông tin, tôi hiểu rằng từ Diễn đàn này, Chính phủ muốn hướng đến việc hạn chế tục cải táng của người Kinh (chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ), thúc đẩy hỏa táng, quy hoạch nghĩa trang, và thực hiện các hình thức mai táng phù hợp khác.
2. Việc này rất cần thiết và hợp lòng dân, bởi liên quan đến giữ gìn vệ sinh, môi trường, tiết kiệm quỹ đất. Mặt khác, táng tục của người Kinh từng có những thay đổi trong lịch sử. Tục cải táng chỉ phổ biến trong vài thế kỷ gần đây; và cũng không phải tập quán có tính thống nhất trong cộng đồng tộc người này, vì những cư dân từ miền Trung trở vào vùng Nam Bộ không có tục ấy. Điều đó có nghĩa, một tập tục có tính bảo thủ cao như cải táng vẫn có thể thay đổi.
3. Xu hướng hỏa táng và tiết kiệm trong tang ma đang ngày càng được xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, để xu hướng đó trở thành phổ biến, phải giải quyết hai vấn đề then chốt. Một là, phải giảm phí tổn cho hỏa táng và nơi chôn cất. Một người dân vùng ngoại thành như nơi tôi ở, khi chết, chi phí cho hỏa táng và mua đất nghĩa trang cũng tốn khoảng 40 triệu đồng. Đây là một gánh nặng cho gia đình nghèo. Hai là, những cán bộ cao cấp phải làm gương. Bởi nếu họ chết không hỏa táng, lại lấy hàng nghìn mét vuông đất để xây cất mồ mả thì việc “tuyên truyền, vận động” người dân thực hiện nếp sống mới về táng tục rất khó thuyết phục.
Fb, ngày 26/8/2019
.

---

BỔ SUNG


2.

07:00:57 28/08/2019

Xu thế hỏa táng của người Việt

 Chiều 27/8 Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chủ trì diễn đàn.
Xu thế hỏa táng của người Việt
Quang cảnh diễn đàn.
Tập quán mai táng của người Việt Nam gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, tộc người. Mai táng là việc hệ trọng không chỉ với mỗi cá nhân mà còn của xã hội. Hiện nay, tập tục mai táng truyền thống của người Việt đang bộc lộ nhiều bất cập, gây những ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường ở cả đô thị và nông thôn.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn- Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phát biểu: “Đối với vùng đồng bằng, đa số người Kinh có tập quán địa táng. Tức là người chết được chôn xuống đất (hung táng), sau vài năm được cải táng (cát táng). Quy trình này có nhiều lễ phức tạp, tốn kém thời gian, chi phí, đồng thời làm cho môi trường đất, nước ở nhiều khu vực quanh cách nghĩa địa bị ô nhiễm, trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí tác động xấu đến sức khỏe của người dân trong khu vực”. PGS.TS Đinh Quang Hải-Viện trưởng Viện Sử học cho rằng: Ở Việt Nam từ thời dựng nước tới nay song hành hai hình thức mai táng phổ biến là  địa táng và hỏa táng. Nhưng hình thức địa táng là phổ biến hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, dân số tăng nhanh, diện tích đất canh tác thu hẹp dần thì nhiều người dân chọn hình thức hỏa táng sơ, giữ lại xương cốt rồi chôn vào một ngôi mộ nhỏ vĩnh viễn.
GS.TS Lê Hồng Lý (Viện Nghiên cứu Văn hóa) nói: “Thực tế, vấn đề mồ mả, mai táng như thế nào là để cho người sống. Người ta ganh nhau xây mồ to mả lớn để thể hiện sự giàu có, vai vế lớn trong xã hội. Trước đây, gia đình người có điều kiện thì làm áo quan bằng gỗ vàng tâm. Không có điều kiện thì làm gỗ thường. Từ mộ đất chuyển sang xây cất, rồi ốp đá hoành tráng. Trước đây, người dân trong làng tự quy hoạch nghĩa trang riêng và khá khoa học. sau này việc chôn cất trở nên lộn xộn. Nghĩa trang của thành phố phải chuyển đi nơi xa. Theo thống kê, từ năm 2005, cả nước có tới 97.000 ha dành cho nghĩa trang. Số liệu của Sở TNMT TP Hồ Chí Minh cho biết năm 2011 có tới 951 ha đất là nghĩa trang. Dự kiến đến năm 2020 là 1.000 ha. Còn với Hà Nội, sau gần 50 năm hoạt động, ngày 1/7/2010 khu địa táng của nghĩa trang Văn Điển đã đóng cửa vì không còn đất phục vụ địa táng. Vấn đề đất đai cho địa táng trở nên bức thiết. Vì vậy, đảng viên, những người có chức vụ, người giàu có phải gương mẫu làm gương để người dân thực hiện theo. Ở nhiều nước tiên tiến, mộ của nhiều danh nhân chỉ là một mảnh đất nhỏ, trên đặt bia…”.
Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu tại diễn dàn đều nêu giải pháp, sáng kiến điện táng. TS Nguyễn Thị Thanh Bình (Viện Dân tộc học) cho biết: “Từ hung táng (cát táng) đến hỏa táng (chôn một lần) là một bước thay đổi lớn trong nhận thức và quan niệm của người dân, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Số lượng và tỷ lệ hỏa táng của Hà Nội trong những năm trở lại đây tăng.
TS Hoàng Kim Khuyên (Viện Nhà nước và pháp luật) phân tích các căn cứ pháp lý quy định về mai táng và nghĩa trang. Những luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 23/2016 của Chính phủ quy định về xây dựng quản lý nghĩa trang, Thông tư số 02/2009/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong mai táng, Thông tư 01/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật… Bên cạnh Nhà nước đầu tư, còn khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia xây dựng nghĩa trang theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Kim Khuyên: Khi thực hiện thì nhiều vị trí không đảm bảo quy hoạch xây dựng nghĩa trang. Thứ hai, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật đã quy định. Thứ ba, tại nhiều nghĩa trang ở cơ sở còn vi phạm quy định pháp luật do nhận thức của người dân. Thứ tư, còn thiếu hoặc chế tài xử lý hành vi vi phạm còn nhẹ. Thứ năm, thực tiễn di dời, xóa bỏ các nghĩa trang xen kẽ tại các đô thị đang gặp nhiều khó khăn...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp nhận các ý kiến tham gia diễn đàn của các nhà khoa học và cho biết, những ý kiến, nghiên cứu của các nhà khoa học rất cần thiết để Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh hoặc ban hành các chính sách liên quan.
1.

Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”
28/08/2019
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chiều ngày 27/8/2019, tại Hội trường tầng 2, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã long trọng tổ chức Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các nhà quản lý văn hóa – xã hội, kinh tế, môi trường, đô thị đến từ các bộ, ban, ngành các tỉnh thành và đại diện các giới chức tôn giáo. Diễn đàn do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm và TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đồng chủ trì.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm và TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đồng chủ trì Diễn đàn
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tập quán an táng của người Việt là những vấn đề xã hội có liên quan đến môi trường, đất đai và quy hoạch đô thị. Liên quan trực tiếp với việc quản lý, ra các văn bản chỉ đạo, quy phạm pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo phong tục tập quán của dân tộc phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước. Phó Thủ tướng yêu cầu các nội dung trao đổi tại Diễn đàn cần tập trung làm rõ những vấn đề liên quan dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau để có các kiến nghị cần thiết cho Đảng và Nhà nước phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, cần gắn các kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học đi đôi với việc xây dựng và thực thi chính sách đảm bảo an sinh – xã hội, trên cơ sở kế thừa và phát huy vai trò của các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, các tổ chức xã hội, cộng đồng, cư dân…, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển cuộc sống văn minh, đậm đà bản sắc và tinh hoa dân tộc. 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn chia sẻ: Tập quán mai táng của người Việt Nam, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Ở mỗi vùng miền, mỗi tộc người đều có những lễ thức mai táng khác nhau. Đây là việc hệ trọng không chỉ đối với mỗi người mà còn trở thành vấn đề lớn đối với xã hội. Vì vậy, việc hiểu rõ, đánh giá đúng tập tục mai táng truyền thống của người Việt sẽ là câu trả lời rõ nét nhất về thực trạng, bất cập và những hệ lụy mà tập tục này đã và đang ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, môi trường sống… của người dân Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc Diễn đàn
Với 25 tham luận nhận được và gần 10 tham luận được trình bày tại Diễn đàn, các nhà khoa học đã cùng nhau luận bàn về rất nhiều vấn đề liên quan đến tập quán mai táng của người Việt: xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra; Tục chôn cất của người Việt và vấn đề đất đai trong bối cảnh nông thôn mới hiện nay; Từ hung táng, cát táng đến hỏa táng – chôn cất một lần: bước thay đổi lớn trong nhận thức về mai táng của người Việt đồng bằng Bắc bộ; Tập quán mai táng của người dân Hà Nội hiện nay: dưới góc nhìn địa lý nhân văn; Tác động kinh tế - môi trường từ xu hướng biến đổi các tập quán mai táng… Đây là kết quả của các nghiên cứu khoa học về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kinh tế, môi trường… có liên quan đến tập tục mai táng của người Việt Nam ở các vùng, miền và các tộc người khác nhau trên mọi miền tổ quốc.
Tại đồng bằng, đa số người Kinh có tập quán địa táng. Tức là người chết được chôn xuống đất (hung táng), sau vài năm thì được cải táng (cát táng). Quy trình này có nhiều lễ thức phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí. Đồng thời, làm cho môi trường đất, nước ở nhiều khu vực xung quang nghĩa địa bị ô nhiễm, trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí tác động xấu đến người dân sinh sống xung quanh khu vực.
Ở vùng Tây Nguyên – nơi sinh sống của các dân tộc ít người, tuy đất đai còn tương đối rộng rãi nhưng lại có những tập tục mai táng lạc hậu như chôn chung (tức là khi trong một gia đình có người chết thì người ta đào mộ phần của  người đã chết trước đó để bỏ thi hài người chết sau nằm chung với người chết trước, hoặc là đặt quan tài người chết sau sát cạnh quan tài người chết trước). Tập tục này được người Gia Rai hiện nay tiếp tục bảo tồn, duy trì hay tục thiên táng của người Giẻ Triêng đã từng tồn tại trong cộng đồng cách đây không lâu và đến nay vẫn còn dấu vết.
PGS.TS. Đinh Quang Hải (Viện Sử học) trình bày tham luận tại Diễn đànPGS.TS. Nguyễn Hồng Dương (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) trình bày tham luận tại Diễn đàn
Ở các đô thị lớn, tình trạng “người sống ở gần người chết” hay “người sống ở cùng người chết” đã và đang tồn tại và trở thành vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cư dân đô thị. Điều này phát sinh do quỹ đất tại các đô thị có nhiều hạn chế, tài chính đắt đỏ… Do vậy, khi gia đình có người chết, việc lựa chọn hình thức mai táng, địa táng hay hỏa táng, chôn cất nơi nào, lưu trữ tro cốt ở đâu… trở thành việc đại sự của hầu hết các gia đình. Bên cạnh đó, vấn đề hộ khẩu, tiêu chuẩn, các chế độ chính sách đi kèm cũng không hề đơn giản.
Đối với khu vực nông thôn, nhiều gia đình có người chết phải đối mặt với việc giải quyết vấn đề người xa quê thì có được mang thi hài/hài cốt/tro cốt về quê mai táng không? Người nghèo từ nơi khác đến có đủ tiền để mua suất đất ở khu nghĩa trang để mai táng không? Thực sự là những bài toán cuộc sống rất hóc búa, cần được chung tay giải quyết từ các cấp ban ngành.
Như vậy, có thể thấy rằng, các tham luận và các ý kiến trao đổi đã tập trung làm rõ những nội dung chính liên quan đến chủ đề của Diễn đàn. Khẳng định lễ thức tang ma, tập quán mai táng của người Việt Nam là sự kiện gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Đây là lễ thức thể hiện trách nhiệm, đạo nghĩa của người sống dành cho người thân đã khuất. Là nghi thức lý giải vì sao người ta dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cả về vật chất và tinh thần cho sự kiện quan trọng này.
Bên cạnh đó, những kết luận đến từ các tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, quản lý ngành khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, xã hội… đã cho thấy tập quán mai táng của người Việt Nam đang thực sự có nhiều tiếp biến văn hóa hết sức đặc trưng. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận, cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của người dân.
Toàn cảnh Diễn đàn
Trong đó, hệ lụy nổi bật nhất phải kể tới là vấn đề liên quan đến quỹ đất đang ngày càng bị thu hẹp, tình trạng các nghĩa trang quá tải, ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống người dân. Mặt khác, việc ganh đua trong việc xây dựng mồ mả to đẹp như “thành phố dành cho người chết”cần phải được tiết chế bằng các quy định văn hóa thông qua việc thực thi chính sách phát triển phù hợp, hay cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc nên lựa chọn hình thức hỏa táng nhằm tiết kiệm chi phí, tiết kiệm đất chôn cất, giản tiện hơn về thủ tục, dễ thăm viếng, chăm sóc và thân thiện với môi trường cũng là một trong những phương án khả thi, phù hợp với lối sống hiện đại được hầu hết các học giả đồng thuận khuyến nghị.
Tổng kết các tham luận trao đổi tại Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã nhiệt liệt biểu dương các ý kiến và cho rằng kết quả học thuật thu được sẽ được ban tổ chức Diễn đàn tiếp thu, chắt lọc, làm cơ sở khoa học để kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng các chính sách, quy định về lĩnh vực an táng phù hợp với truyền thống văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đất đai, quy hoạch đô thị… của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mới.
Phạm Vĩnh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.