Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/08/2019

Kinh doanh giáo dục ở Đại Việt đầu thế kỉ 21 : "trường lớp" và "học sinh" được coi như "bất động sản"

Học phí của trường Gateway là 110 triệu đồng/năm, cộng thêm khoảng 40 triệu phí các loại khác. Tổng cộng là khoảng 150 triệu/năm. Học xong tiểu học thì mất khoảng gần 1 tỉ đồng. Người phụ trách đón trẻ là một phụ nữ đã đến tuổi 55 (theo luật lao động hiện hành là chuẩn bị hay đã nghỉ hưu). Hệ thống xe đón trẻ thì chưa đủ tư cách kinh doanh.

Công dân các nước phát triển như Nhật Bản hay Thụy Điển, nghe thấy thông tin đó, chắc cũng rất bất ngờ.

Nhưng vẫn còn là rẻ đấy. Nếu mà đem so với trường của tập đoàn sữa TH (bộ trưởng đương kim Phùng Xuân Nhạ và ông Nguyễn Thế Kỷ dự lễ cắt băng khánh thành, xem lại ở đây). So với trường của TH thì học phí của Gateway rất rẻ ! Đại khái, mỗi năm tiểu học ở TH lên tới 400 triệu.

Một nền giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng thực chất là nền giáo dục kim tiền. Triết lí giáo dục chính là "tiền". Trường lớp và học sinh được xem như bất động sản, như bò sữa.

Quốc hội và chính phủ hoàn toàn không có ý kiến gì với bảng giá học phí như cắt cổ của các trường quốc tế. Bộ trưởng đương kim của ngành giáo dục thì không ít lần đi cắt băng khánh thành các trường như vậy.

Từ đây trở xuống là các thông tin từ nhiều phía về sự kiện trường Gateway.

Bắt đầu cập nhật từ hôm nay.


Đơn vị: Triệu đồng














---




8.

Tên trường quốc tế được quy định như thế nào?

- Luật không có định nghĩa "trường quốc tế", hiện ở Việt Nam nhiều trường có chữ "quốc tế" gắn kèm.

Trường Gateway (Cầu Giấy - Hà Nội), nơi xảy ra sự việc học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón được giới thiệu là Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway.
Tại buổi họp báo trưa 7/8, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), khẳng định "trong quy định không có trường nào là trường quốc tế. Chữ quốc tế là do một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh. Trong địa bàn quận chỉ có những trường có yếu tố nước ngoài và chúng tôi cũng đã báo cáo những điều này lên trên".
Tên trường quốc tế được quy định như thế nào?
Trường Gateway có tên tiếng Anh là International School Gateway (trường quốc tế Gateway)

Theo Điều 48 của Luật Giáo dục 2005 (đang có hiệu lực) nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình:
Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;
Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 01/7/2020, cũng quy định các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 47): 
Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;
Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;
Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.
Như vậy, trong Luật Giáo dục không có quy định riêng nào về loại hình "trường quốc tế".
Còn Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, tại Điều 29, đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm được đặt tên theo quy định:
Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng;
Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo", "Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính" và tên riêng;
Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Phân hiệu", "Tên cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài" và "tại tỉnh, thành phố".
Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở giáo dục mang tính đặc thù.
Trước đó, Thông tư 12/2011 về Điều lệ trường THCS, THPT và THPT có nhiều cấp học việc đặt tên trường được quy định như sau:
Trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) + tên riêng của trường.

Tên trường được ghi trên quyết định thành lập, con dấu, biển tên trường và giấy tờ giao dịch.
Ông Nguyễn Hoài Chương, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, "trường quốc tế" là một khái niệm phức tạp. Trước đây, việc phân biệt "trường quốc tế" dựa vào 2 yếu tố là chương trình và người học. Trong đó Chương trình phải là chương trình quốc tế; Người học đa dạng, đa quốc gia, đa quốc tịch.
Tuy nhiên bây giờ tên gọi "trường quốc tế" này đang được "lạm dụng", có yếu tố làm hấp dẫn phụ huynh và người học, đồng thời các trường cũng đưa ra mức thu rất cao; phụ huynh thì ngộ nhận rằng chính con họ đang học trường quốc tế nên không ngại đầu tư.
Một chuyên gia giáo dục ở TP.HCM, cho hay trường quốc tế có hai loại. Loại đúng chuẩn quốc tế là có 100% vốn nước ngoài, dạy cho con em người nước ngoài. Những trường này do Tổng Lãnh sự các nước mở ở Việt Nam để dạy cho con em cán bộ ngoại giao của họ (khống chế tỷ lệ học sinh Việt Nam). Những trường này dạy hoàn toàn chương trình nước ngoài, bằng cấp nước ngoài.
Loại thứ hai cũng có tên quốc tế, đó là các trường tư thục. Tại TP.HCM, cơ quan quản lý gọi chung là các trường "có yếu tố nước ngoài". Nhiều trường trong số này sử dụng phần lớn chương trình, giáo viên nước ngoài cũng như phương pháp giảng dạy của đối tác nước ngoài; hoặc chương trình do những tổ chức giáo dục được công nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới kiểm định. Bằng cấp của học sinh nhận được ngoài bằng THPT của Việt Nam, có thể thêm một bằng nếu là song bằng.
Cũng có một số trường dạy chương trình Việt Nam và chỉ dạy  Toán, Khoa học bằng tiếng Anh và được đầu tư khá lớn. 
Lê Huyền
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ten-truong-quoc-te-duoc-quy-dinh-trong-luat-nhu-the-nao-556987.html#inner-article




7.



 Để cho con theo học ở những trường này, một năm phụ huynh phải chi trên 500 triệu đến gần 800 triệu đồng tiền học chưa kể các khoản phí khác.

Những trường có học phí từ 500 - 800 triệu đồng/năm ở TP.HCM
Học phí lớp 11-12 của 5 trường quốc tế ở Sài Gòn (Đồ họa: Lê Huyền)
Dưới đây là học phí của 6 trường phổ thông ở TP.HCM có mức đóng từ 500 triệu đồng trở lên cho mỗi năm học.  
Trường Quốc tế Nam Sài Gòn
- Từ lớp 1-5 là 509 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 6-8 là 545 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 9-10 học phí là 617 triệu đồng/năm.
- Lớp 11-12 là 685 triệu đồng/năm.
Trường Quốc tế Singapore (SIS)
- Từ lớp 1-3 có học phí 398 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 4-6 là 400 triệu đồng/năm
- Từ lớp 7-8 là 420 triệu đồng/năm.
- Lớp 9-10 là 468 triệu đồng/năm
Trường Quốc tế TP.HCM
- Từ lớp 1-2 học phí ở mức 508 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 3-4 là 542 triệu đồng/năm.
- Lớp 5 là 557 triệu đồng/năm
- Lớp 6-8 là 631 triệu đồng/năm.
- Lớp 9-10 là 660 triệu đồng/năm.
- Lớp 11-12 là 753 triệu đồng/năm.
Trường Quốc tế Mỹ (AIS)
- Từ lớp 1-5 là 475,8 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 6-8 là 523,4 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 9-10 là 549,6 triệu đồng/năm.
- Lớp 11-12 có học phí 670,6 triệu đồng/năm.
Trường quốc tế Renaissance Sài Gòn
- Lớp 1 là 496 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 2-6 là 562 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 7-9 là 629 triệu đồng/năm.
- Lớp 10-11 là 660 triệu đồng/năm.
- Lớp 11-12 là 755 triệu đồng/năm.
Nhà trường cho biết sẽ tăng học phí trong năm học nếu chỉ số lạm phát hằng năm vượt quá 12%, và/hoặc tỷ lệ mất giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ tăng hơn 3% tính từ ngày niêm yết biểu phí gần nhất.
Trường quốc tế Mỹ (TAS)
- Từ lớp 1-5 là 404,5-410,5 triệu đồng/năm.
- Từ lớp 6-8 là 457,5 triệu đồng /năm.
- Lớp 9-10 là 507,5 triệu đồng/năm.
- Lớp 11-12 có học phí 549,5 triệu đồng/năm.
Lê Huyền

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhung-truong-co-hoc-phi-tu-500-800-trieu-dong-nam-o-tp-hcm-530457.html#inner-article


6.

Người đưa đón trẻ chưa ký hợp đồng với trường Gateway

-Nói chuyện với VietNamNet lúc 23h30 tối 9/8, bà Nguyễn Bích Quy cho biết bà làm việc với trường Gateway 2 lần và chưa lần nào có hợp đồng.

Tối khuya ngày 9/8, trở về nhà sau thời gian làm việc với cơ quan chức năng trong sự việc học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong, bà Nguyễn Thị Bích Quy - người đưa đón học sinh trên chuyến xe định mệnh - đã có cuộc trao đổi với VietNamNet.
Phóng viên:Bà có thể kể lại ngày hôm xảy ra sự việc?
Bà Nguyễn Bích Quy: Buổi sáng, tôi đi xe máy đến rồi để ở trong trường, bên ngoài đã có tài xế chờ sẵn.
6h15 tôi bắt đầu đi đến điểm đón đầu tiên tại đường Nguyễn Chí Thanh. Khoảng 6h40 thì xe đến điểm đón cháu Long (học sinh bị tử vong) ở số 1 Trung Hòa, Cầu Giấy. Sau khi đón cháu từ người giúp việc của gia đình, tôi đưa lên xe và để cháu ngồi ở trong cùng hàng thứ 2 từ cuối lên.
Khi đó, cháu mặc áo màu đỏ, quần sẫm màu, chân đi dép lê. Đến điểm đón cuối, có hai cháu bé lớp 1 đi học ngày đầu tiên nên rất dát và quấy khóc. Tôi cứ thế dỗ các cháu.
Khi đến trường khoảng 7h20, tôi mở cửa xe cả ở trên cabin lẫn cửa dưới cho học sinh xuống. Còn 2 cháu mới thì không chịu xuống nên tôi nhấc 1 cháu, tay kia vẫn bế cháu còn lại. Tôi nhòm vào xe thì không thấy ai nên đã đóng cửa. Sau đó, tài xế đánh xe đi về còn tôi dẫn các cháu vào trường.
Xe đến trường đúng lúc học sinh vào lớp, khi đến cửa thì các cháu ùa vào.
Trên tay tôi vẫn bế một cháu và dắt theo cháu còn lại đi vào và lên nhà ăn ở tầng 2. Lẽ ra, dẫn các cháu vào là tôi cũng xong việc. Nhưng hôm nay vì 2 cháu kia bám không chịu rời nên tôi đã vào lấy sữa và xôi cho ăn rồi dẫn 2 cháu lên lớp. Sau đó, tôi xuống ký bàn giao đủ 13 cháu (tính cả cháu Long) rồi đi về.
Đến 16h kém 15, tôi lại đến trường để đón các cháu.
Lúc này, lái xe đã chờ ở ngoài. Khi tôi vào đón thì chỉ thấy 9 cháu và thiếu cháu Long (3 cháu khác đã được bố mẹ đón).
Ngay sau đó, tôi đã báo cho một cô giáo; cô giáo này tiếp tục báo tới Ban giám hiệu nhà trường. Cô ấy cũng bảo tôi dẫn 9 cháu ra xe trước rồi vào tìm bạn Long sau. Khi tôi vừa mở cửa xe, học sinh đã kêu lên có người chết.
Lúc đó, tôi run hết cả chân tay, không làm được gì hết. Có một phụ huynh gần đó đã bế Long chạy vào phòng y tế của trường để cấp cứu.
Khi ấy, tôi không thể chạy theo vì phải ở lại trông các cháu. Còn tài xế đã gọi điện cho nhà xe để báo tình hình. Nhà xe nói cứ đưa các cháu về gia đình sau đó quay lại trường.
Trên xe, tôi bảo với ông Phiến tài xế là: “Cầu trời khấn phật cho cháu thở lại thì mình cũng đỡ; chứ cháu mà có vấn đề gì thì mình chỉ có bị đi tù thôi”.
Ông Phiến khi đó cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại gọi đến. Ông ấy bảo với tôi “Thôi không nói chuyện ấy, để yên cho ông ấy tập trung lái xe”. Trong suốt quãng đường đó, ông ấy im lặng.
Người đưa đón trẻ chưa ký hợp đồng với trường Gateway
Bà Nguyễn Bích Quy trao đổi với VietNamNet. Ảnh: Thanh Hùng
Sau khi đưa hết học sinh về các điểm, tôi và ông Phiến quay lại trường. Có một cô giáo đưa cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy để khai báo sự việc. Mới viết được vài dòng thì ông Phiến nhận được điện thoại báo cháu Long đã mất. Ngồi một lúc thì công an vào và bắt tôi và lái xe lên phường để khai báo. Họ giữ tôi, thu điện thoại và tra hỏi đến gần 3h30 sáng hôm sau mới xong.
Như vậy, từ lúc học sinh lên xe và xuống xe, bà đều không kiểm tra về sĩ số? Bà cũng không nhận ra sự vắng mặt của Long?
Vì vướng 2 cháu mới quấy khóc quá nên tôi vừa phải bế, vừa phải dắt các cháu vào. Lúc đó, tôi không kiểm soát được và cũng không thể đếm được. Cửa từ mở sẵn nên các cháu ùa vào, lẫn cả vào với những xe khác; còn tôi thì đi theo sau. Trước đó, tôi cũng đã nhòm vào trong xe nhưng thấy không còn ai nên mới đóng cửa.
Bà nói không kiểm soát được, vậy còn nhà trường? Chẳng lẽ trường không có bộ phận tiếp nhận xem con số 13 học sinh ấy đã đủ hay chưa?
Không có ai kiểm tra lại số lượng. Mới vào đầu năm nên chưa có. Tôi đón 13 cháu rồi tự ghi vào sổ. Chỉ đến khi vào lớp, cô giáo chủ nhiệm điểm danh, thấy thiếu như thế nào thì mới báo lên ban giám hiệu nhà trường để gọi cho gia đình hoặc gọi cho người đón. Nhưng ngày hôm ấy, tôi không nhận được cuộc gọi nào, cũng không thấy ai hỏi gì cả.
Hôm xảy ra sự việc, bà có thấy cháu Long có biểu hiện gì khác thường không?
Cháu khi ấy hoàn toàn bình thường, rất vui vẻ. Buổi đầu tiên tôi cũng đón cháu và cháu là người bé nhất vì hôm ấy 2 bạn nhỏ kia chưa đi học. Tôi cũng dẫn cháu lên nhà ăn, lấy thức ăn cho cháu. Cháu rất bình thường và vui vẻ.
Sáng khi đi học, cháu mặc áo màu đỏ, nhưng khi xem trích xuất camera lúc bế cháu ra thì cháu lại mặc áo xám. Điều này có thể lý giải như thế nào?
Tôi cũng không biết gia đình cháu có cho áo vào balo hay không; rồi không biết cháu có biết thay không. Lúc bối rối như thế, sao cháu có thể biết thay áo? Tôi cũng tự đặt ra nhiều câu hỏi và cảm thấy nghi ngờ về chi tiết này, nhưng cũng không lý giải được.
Khi tôi mở cửa ra thì đã thấy cháu nằm ngay sau ghế lái xe và ở dưới sàn. Cháu nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng và áo đã bị thay.
Theo bà nhớ, lúc phát hiện Long nằm bất tỉnh trong xe, vị trí và tư thế của cháu ra sao?
Cháu nằm vuông góc với thân xe và ngay sau hàng ghế lái, khi đó cháu nằm ở tư thế ngửa thẳng chân tay. Đầu hướng ra phía cửa mở, chân duỗi vào trong. Tôi nhìn thì run bắn người lên. Chỉ thấy môi cháu tím đen đi, tóc ướt mồ hôi và nghĩ không thể cấp cứu được nữa.
Theo quan sát của tôi, với vị trí của cháu Long lúc đó, người lái xe có khả năng và có thể cũng dễ nhìn được. Tuy nhiên, ông Phiến nổ máy đi từ chỗ gửi xe ô tô đến trường và có thời gian ngồi chờ các học sinh ra mà lại không nhìn thấy. Cháu bé có phải là cái kim đâu, người to như thế mà lái xe lại không nhìn thấy.
Clip bà Quy kể vị trí cháu Long buổi sáng và buổi chiều trên xe 16 chỗ đưa đón học sinh: 
Khi mở cửa xe vào buổi chiều, bà có thấy xung quanh cháu có điều gì khác thường không?
Buổi chiều, tôi thấy một quả bóng bay có dây buộc ở trong xe. Tôi không chắc buổi sáng đã có chưa, nhưng nếu của cháu nào đó thì cháu ấy đã cầm theo. Chi tiết này tôi cũng quên chưa khai báo với công an.
Ngày hôm đó có phải ông Phiến lái xe là người cuối cùng rời khỏi xe?
Đúng là thế. Nhưng hôm đó ông ấy cũng không kiểm tra xe. Đáng lẽ như bình thường sẽ phải kiểm tra xe, kéo các rèm lại, sau đó khóa xe và đi về.
Bà với ông Phiến bắt đầu làm việc với nhau từ khi nào và bà đánh giá như thế nào về ông Phiến?
Tôi cũng không quen biết ông Phiến trước đây. Qua giới thiệu của trưởng nhóm xe nên tôi đi làm. Mới làm việc với nhau được 2 hôm thì đánh giá thế nào. Nhưng về cơ bản cảm nhận cũng tốt. 
Người đưa đón trẻ chưa ký hợp đồng với trường Gateway
Bà Bích Quy nói chuyện với phóng viên VietNamNet trong căn nhà của mình tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hải
Bà đã ký hợp đồng với trường Gateway hay nhà xe chưa? Hợp đồng của bà với trường có những điều khoản gì? Có quy định cụ thể về quy trình đưa đón học sinh không?
Tôi chưa ký gì với cả hai bên. Tôi chỉ làm theo thời vụ.
Trước đây tôi làm tạp vụ ở một trung tâm dạy Toán tư duy. Sau đó tôi không muốn làm nữa và được chú Đoàn – trưởng quản lý đội xe - cũng là hàng xóm gọi đi làm công việc đưa đón học sinh nên tôi đã đi.
Tôi mới đi làm buổi thứ 2 nên nhà trường chưa nói gì đến việc ký hợp đồng. Đến buổi thứ 2 thì xảy ra chuyện như thế.
Tức là trước đó bà cũng chưa từng làm việc với lãnh đạo nhà trường hay cán bộ nhân viên?
Năm ngoái, do cô đón trẻ nghỉ việc đột xuất nên tôi đã làm cho trường Gateway một tháng thì đến kỳ nghỉ hè. Mức lương tôi nhận được khi ấy là 2,8 triệu/ tháng.
Vậy bà đã được huấn luyện, đào tạo kỹ năng quản lý, đưa đón học sinh như thế nào?
Có mấy hôm coi như là để đi đào tạo nhưng tôi lại bận chưa đi được. Tôi chưa được qua trường lớp đào tạo nào về những điều này.
Mấy lần chú Đoàn gọi đi họp nhưng tôi bận vì vẫn phải làm ở trung tâm kia.
Kể từ sau sự việc, nhà trường đã từng liên hệ với bà lần nào hay chưa?
Từ ngày xảy ra sự việc, phía nhà trường mới chỉ liên hệ tới gia đình tôi vì khi ấy tôi vẫn đang bị giữ trong quận. Chiều 8/8, nhà trường đã họp để thuê luật sư bào chữa cho nhà trường, lái xe và tôi.
Còn về phía nhà xe thì đã yêu cầu gia đình tôi nộp sơ yếu lý lịch để làm hợp đồng. Tuy nhiên gia đình tôi không cung cấp để nhà xe làm điều đó.
Những ngày qua, cảm xúc của bà như thế nào?
Tôi rất buồn vì sự việc xảy ra khi cháu còn quá bé. Cháu cũng là đứa trẻ rất ngoan. Trong khi đó, một số thông tin cho rằng cháu cãi nhau trên xe và bị tôi đánh. Tôi là người rất quý trẻ con nên mới làm công việc này. Lương có 2,8 triệu mà tôi vẫn làm. Tại sao tôi có thể đánh cháu? Việc cháu qua đời bản thân tôi cũng rất buồn, ăn không ngon, cũng không thể ngủ được.
Sau sự cố này theo bà trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai?
Trách nhiệm lớn nhất chắc thuộc về tôi, bởi vì tôi phụ trách việc đưa đón và tôi đã để quên cháu.
Nhưng tôi cũng không chắc lắm việc mình có quên cháu thật hay không. Việc cháu mất thì pháp y sẽ phải làm rõ xem cháu mất có do lý do gì khác không. Tôi cũng rất hoang mang. 
Đúng là tôi là người chịu trách nhiệm đưa đón. Tôi là người thiếu sót đầu tiên, rồi đến bác lái xe và đến giáo viên chủ nhiệm. Bởi giáo viên phải kiểm tra sĩ số học sinh, nếu thấy thiếu phải báo cho gia đình hoặc người đưa đón.
Đằng này, từ sáng cho đến khi đón không thấy có cuộc điện thoại thông báo nào cả, nên tôi cũng yên tâm là đầy đủ các cháu rồi.
Xin cảm ơn bà!
Thanh Hùng - Thuý Nga - Phạm Hải (Thực hiện)
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/loi-ke-cua-nguoi-dua-don-tre-truong-gateway-vu-be-6-tuoi-tu-vong-tren-xe-557706.html



5.

Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Người đón trẻ hoảng sợ kể lại sự việc

Thứ Bảy 10/08/2019 - 06:28

Dân trí “Khi tôi đưa các cháu ra xe để về nhà, vừa đẩy cánh cửa hông xe ô tô ra, các cháu đã phát hiện bạn L nằm thẳng dưới sàn phía sau ghế của lái xe và lập tức đã hô to “có người chết!”. Quá hoảng sợ tôi chỉ nhớ, đầu của cháu L hướng ra ngoài cửa xe, chân hướng vào phía thùng xe, một chiếc dép ở gần tay, chiếc còn lại ở dưới chân”. 


>>Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm vụ học sinh Gateway tử vong 
>>Học sinh Gateway tử vong: Cháu bị “bỏ quên” 9 tiếng trên xe như thế nào? 
>>Vụ học sinh Gateway tử vong: Bộ GD&ĐT nhận định “đặc biệt nghiêm trọng”

Chị Nguyễn Bích Quy (sinh năm 1964) – người trực tiếp đón bé L.H.L học lớp 1 Tokyo, trường quốc tế Gateway bị nghi chết ngạt trên xe bus đưa đón của trường đã kể lại với PV Dân trí đêm ngày 9/8.



Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Người đón trẻ hoảng sợ kể lại sự việc - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Tâm lý hoảng sợ cùng nỗi ám ảnh luôn đeo bám chị Nguyễn Bích Quy suốt mấy ngày nay.

Trở về nhà sau hơn 2 ngày lấy lời khai từ cơ quan công an, chị Nguyễn Bích Quy chưa khỏi bàng hoàng kể lại, sáng ngày 6/8, khoảng 6h15’, tôi có mặt ở cổng trường quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội), để cùng bác Phiến lái xe bắt đầu đi đón học sinh tới lớp. Xe ô tô di chuyển qua các điểm Nguyễn Chí Thanh – Huỳnh Thúc Kháng – Nguyên Hồng - số 1 Trung Yên (nơi đón cháu L.H.L).
“Khi đến, chúng tôi đã phải đợi hơn 10 phút thì cháu L mới được bác giúp việc của gia đình đưa xuống. Cháu L mặc áo phông màu đỏ, quần màu tối và đi dép lê màu kẻ sọc đỏ. Lên xe, cháu L tự ngồi vào góc trong cùng, cạnh cửa sổ của hàng ghế thứ hai tính từ cuối xe”, chị Quy nói.
Sau đó, xe tiếp tục đi đón thêm một, hai điểm rồi mới tới trường. Chị Quy cho biết, theo quy định trường quốc tế Gateway, người phụ trách đón – trả các bạn học sinh sẽ được cung cấp một danh sách họ tên các cháu cần đón, gồm có: thời gian, địa điểm, số điện thoại liên lạc với phụ huynh.
Đón – trả được cháu nào, tôi phải chấm hoặc đánh dấu tích vào ô đã hoàn thành. Danh sách dự kiến được bàn giao cho văn phòng Nhà trường một lần/ tuần.



Volume 90%

Play
Bà Nguyễn Bích Quy "trần tình" chuyện bé trai tử vong do bị ngạt trên xe đưa đón trường Gateway

Theo lời chị Quy, chiếc xe ô tô chở 13 bạn học sinh dừng lại ở cổng trường lúc gần 7h30’; trong số các cháu tôi đón, có hai bạn học sinh nữ tên Giang và An mới đi học buổi đầu tiên của lớp 1 nên khóc liên tục từ nhà đến trường. Tôi dỗ dành cho hai cháu xuống xe và giục các cháu khác xuống xe để xếp hàng để vào trường.
Vì vướng hai bạn Giang và An đang quấy khóc nên tôi chỉ kịp nhìn lướt qua phía bên trong xe ô tô, không thấy còn ai nên chủ quan nghĩ các cháu đã xuống hết, tôi kéo cánh cửa lại để đưa các cháu vào. Chiếc xe tiếp tục di chuyển về bãi gửi gần đó.
Khi vào trường, tôi đưa các cháu về lớp bàn giao lại cho cô giáo đứng lớp và kí sổ điểm danh, kết thúc buổi làm việc sáng.
Chị Quy chia sẻ, lúc 15h45 cùng ngày, tôi có mặt ở trường để chuẩn bị tiếp nhận và đưa các cháu về nhà. Khi kiểm đếm các cháu, tôi đã nhận ra thiếu cháu L, lật tức báo cho cô The (người trực tiếp quản lý kiểm đếm giờ giấc, số học sinh các xe đưa đón) và nhà trường để đi tìm cháu.
“Trong lúc đó tôi đưa các cháu ra xe trước để ổn định, nhưng khi vừa đẩy cánh cửa hông xe ô tô ra, các cháu đã phát hiện bạn L nằm thẳng dưới sàn phía sau ghế của lái xe và lật tức đã hô to “có người chết!”. Quá hoảng sợ tôi chỉ nhớ, đầu của cháu L hướng ra ngoài cửa xe, chân hướng vào phía thùng xe, một chiếc dép ở gần tay, chiếc còn lại ở dưới chân”, chị Quy khóc nói.



Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Người đón trẻ hoảng sợ kể lại sự việc - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Sau sự việc, chị Quy gần như không ngủ, thức trắng mỗi đêm, mong sao sớm tìm ra sự thật để cháu L sớm được an nghỉ nơi chín suối.

Lật tức có một chú áo kẻ, lao từ phía sau ra, bế sốc cháu L lên và đưa vào trường để cấp cứu. Dù rất hoảng loạn, chân tay run gần như không đứng nổi nữa nhưng tôi vẫn phải trấn tĩnh các cháu khác lên xe vì bác tài xế đã gọi ba, bốn cuộc điện thoại cho một ai đó, rồi thông báo vẫn đưa trả các cháu về nhà như bình thường và quay lại trường xử lý việc sau.
“Hiện tại tôi rất hoang mang và lo sợ, sợ vì không biết mình có bị tội gì nghiêm trọng không?. Tuy nhiên, cho tới điểm hiện tại điều tôi băn khoăn nhất là buổi sáng đi học cháu L mặc áo màu đỏ, nhưng đến chiều phát hiện ra thi thể của cháu lại mặc chiếc áo màu xám. Tôi đã trình báo chuyện này với công an.
Trên chuyến xe đưa các cháu về nhà chiều hôm ấy, chị Quy run run luôn miệng lẩm nhẩm “cầu trời, khấn Phật cho cháu L thở được, sống được, không thì khổ thân cháu quá!”.
Và liệu có phải cháu tự thay áo ra hay không, có uẩn khúc nào ở đây không?. Tôi luôn nghĩ tới điều đó và đưa ra hàng trăm lý do nhưng chưa tài nào giải thích nổi?. Tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để điều tra” – Chị Quy thổn thức nói.
Chị Quy mong muốn, “một ngày gần nhất sẽ được đến để thắp cho cháu L một nén hương. Nhưng chị lại lo sợ gia đình cháu L nhìn thấy chỉ khiến họ bức xúc thêm và không kìm chế được nỗi đau. Hy vọng công an sớm tìm ra sự thật để cháu được ngậm cười nơi chín suối”.
Ngày 7/8, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã trưng cầu Viện khoa học hình sự - Bộ Công an tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân cháu Lê Hoàng Long tử vong.
Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã bàn giao thi thể cháu Long cho gia đình đưa về quê tại Nga Sơn, Thanh Hóa để tổ chức mai táng.
Ngày 07/8/2019, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy ra Quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người, theo điều 128 - BLHS.
Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đang làm việc với những người có liên quan, củng cố tài liệu, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả sẽ thông tin sau.
Bài: Hà Cường
Ảnh và Video: Toàn Vũ

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vu-hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong-nguoi-don-tre-hoang-so-ke-lai-su-viec-20190810062547679.htm



4.


08/08/2019, 17:36 (GMT+7)
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế.
Thực hiện Quyết định thanh tra số 20/QĐ-TTr ngày 14/3/2019 của Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT thanh tra việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo; quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở GD-ĐT Hà Nội, đoàn Thanh tra Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh tra tại Sở GD-ĐT Hà Nội, 1 trường THCS, 1 trường THPT, 3 Phòng GD-ĐT, 3 trung tâm giáo dục thường xuyên, 2 trường trung cấp, 4 trường đại học/học viện có hoạt động liên kết đào tạo và cấp phát văn bằng chứng chỉ trên địa bàn TP. Hà Nội; làm việc với 2 trường đại học để xác minh thông tin.
Sở GD-ĐT Hà Nội chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý hoạt động liên kết đào tạo và cấp phát văn bằng, chứng chỉ. 
Kết quả thanh tra cho thấy, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức chỉ đạo triển khai các văn bản về giáo dục trong đó có công tác liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; đã ban hành một số văn bản liên quan đến việc tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ và thực hiện kiểm tra điều kiện liên kết đào tạo, có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc cho ý kiến mở lớp liên kết đào tạo đối với các đơn vị có trình hồ sơ đề nghị liên kết đào tạo đến Sở.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý hoạt động liên kết đào tạo và cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Do công tác quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn có nhiều thiếu sót, sai phạm. Công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở, các Phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục chưa chặt chẽ, tiềm ẩn phát sinh phức tạp.
Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế. 
Tại buổi công bố kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng đề nghị, Sở GD-ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra gửi về Bộ GD-ĐTtrước ngày 30/8, kế hoạch cần thể hiện rõ những việc phải làm để khắc phục hậu quả; thực hiệnhoàn thiện, bổ sung các văn bản liên quan và kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền những đối tượng liên quan.
Cũng tại đây, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế.
“Qua thanh tra để nhận diện rõ hơn, quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Bằng nói.

Kiều Khải





3. Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh lên tiếng

"
THỨ NĂM, 8 THÁNG 8, 2019
THỨC TỈNH


Hôm qua đọc thấy mấy cái tin buồn: Một cháu bé bị bỏ quên đến chết trên xe đưa đón của trường Quốc tế; một cháu bé khác bị người tu hành lạm dụng và bạo hành dã man khi tham gia một khóa tu; một cô giáo đội đơn quỳ trước sân cơ quan công quyền…
Mấy việc trên sẽ không xẩy ra khi đất nước có một nền giáo dục đủ tốt, có thể chỉ cần tốt bằng một phần mười so với những gì khoa trương trong các khẩu hiệu: Trường chuẩn Quốc gia, Tất cả vì học sinh thân yêu, Dạy tốt học tốt, Tiên học lễ hậu học văn, Hiền tài là nguyên khí Quốc gia…vân vân.
Khi một Quốc gia mà giáo dục phổ thông và chăm sóc y tế là mảnh đất màu mỡ cho người đua nhau ta kinh doanh kiếm tiền thì khó có thể gọi là ưu việt.
Nhưng chúng ta không trách người kinh doanh. Là vì do Nhà nước làm không tốt nên họ mới làm. Chỉ trách người làm không có lương tâm.
Một trường Quốc tế mà không biết học sinh vì sao không có mặt ở lớp và nại lý do “vì cô giáo phụ trách việc đó nghỉ” rồi để học sinh chết trên xe thì quái đản, quái thai, quái vật thật.
Hồi mới nghe mấy bác sĩ bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư làm việc, thấy hay, vài tháng sau lại nghe họ tháo chạy khỏi bệnh viện tư vì lý do bị giao chỉ tiêu người bệnh. Để đủ chỉ tiêu thì được tập huấn… nuôi bệnh. Nuôi bệnh là sao? Là chữa đừng khỏi, chữa sao để bệnh nhân quay lại. Thật là lũ quái vật chứ đâu phải con người?
Quốc gia này phải thức tỉnh ra. Đừng mê muội vì những điều không có nhưng tự mình dựng lên, nói dối thành quen, như thật, tưởng thật.
Một Quốc gia mà đến chốn tu thiền cũng không yên. Có vẻ như bọn phản động Việt Tân có mặt khắp nơi. Thật bất an.
*
Và chúng ta cũng nên thức tỉnh.
Tôi không ám chỉ trường hợp gia đình cháu học sinh trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway nói trên mà thấy trong thực tế có nhiều chuyện chưa thật phải.
Một ông bố bà mẹ học ở trường làng, vào đại học, đi làm việc, trằn lưng ra để đóng học phí cho con học trường quốc tế mỗi tháng hơn cả lương hai vợ chồng cộng lại. Thấy khát vọng và kỳ vọng của con người thật là to lớn. Bái phục!
Nhưng mà, theo thiển nghĩ của tôi, học gì thì học, học đâu thì học, chúng ta chỉ thành công, nền giáo dục chỉ thành công, con cái chỉ thành công khi mẹ về già con biết cõng mẹ đi chơi.
Thế giới rồi sẽ không còn quá cần người làm ra tiền mà cần nhiều người sửa lỗi cho những hệ lụy từ tiền. Họ không cần thiên tài mới sửa được lỗi, mà cần làm người bình thường, sống tốt. Mọi người đều sống tốt thì mới sửa được quá nhiều lỗi do tiền nhân gây ra.
Thiên hạ đang ngày một thiếu đi người bình thường.
"
http://nguyenthethinh.blogspot.com/2019/08/thuc-tinh.html




2.

Thứ Tư 07/08/2019 - 10:15

Chân dung tập đoàn giáo dục đứng sau trường quốc tế Gateway-Nơi xảy ra nghi án trẻ chết trên xe

Dân trí Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục quốc tế Edufit, đơn vị sở hữu hệ thống trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway mới được thành lập tháng 12/2017, trong 1 năm đã nâng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Ngoài kinh doanh giáo dục, tập đoàn này còn kinh doanh bất động sản. 


>>Học sinh lớp 1 bị bỏ quên trên xe bus trường Gateway tử vong trước khi được đưa đến viện 
>>Trường quốc tế Gateway thông báo nhận trách nhiệm để học sinh lớp 1 tử vong trên xe đưa đón

Sự việc cháu L.H.L, học sinh lớp 1 trường quốc tế Gateway (Cầu Giấy - Hà Nội) tử vong do nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón đã gây chấn động cộng đồng trong ngày 6/8. Cho tới hôm nay (7/8), sự việc thương tâm này vẫn không khỏi gây bàng hoàng, đặc biệt là với các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi đi học.
Gateway có 3 cơ sở là Gateway Cầu Giấy, Gateway Tây Hồ tây và Gateway Hải Phòng. Trong đó, cơ sở Gateway Tây Hồ Tây - Starlake vừa động thổ vào ngày 30/6, diện tích xây dựng hơn 20.000 m2 với 126 lớp học và hệ thống các phòng chức năng.
Hệ thống trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway thuộc quản lý của tập đoàn Edufit. Bên cạnh hệ thống Gateway thì Edufit còn đứng sau hệ thống trường mầm non quốc tế Sakura Montessori.







Chân dung tập đoàn giáo dục đứng sau trường quốc tế Gateway-Nơi xảy ra nghi án trẻ chết trên xe - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Thông tin đăng ký của Edufit trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp

Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục quốc tế Edufit được thành lập tháng 12/2017 với người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1982). Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là giáo dục thì tập đoàn này còn kinh doanh bất động sản và bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Vốn điều lệ của Edufit tại thời điểm mới thành lập là 20 tỷ đồng với 4 cá nhân góp vốn là bà Trần Thị Hồng Vân (35,7%), bà Trần Thị Hồng Hạnh (35,7%), bà Trần Thị Huyền (14,3%) và một người nữa có tỷ lệ sở hữu trên 14%, tuy nhiên, thông tin cập nhật cho biết, người này đã rút khỏi danh sách cổ đông. 
Đến tháng 10/2018, Edufit nâng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng, hoàn toàn là vốn tư nhân.
Ngay trước khi xảy ra sự cố rúng động nói trên, tập đoàn Edufit đã nhận được khoản đầu tư 34 triệu USD cho việc xây dựng dự án trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway Tây Hồ Tây - Starlake.
Khoản đầu tư này được ký kết ngày 1/7/2019 tại Tokyo trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản với sự có mặt của 1200 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.
Bên rót vốn là Công ty Toshin Development Co., Ltd (nhà phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Takashimaya, một trong những tập đoàn kinh doanh bách hoá thương mại hàng đầu Nhật Bản)
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên một trong những trường quốc tế có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất tại Hà Nội tại khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây, dự kiến tuyển sinh trong năm học 2020-2021.
Toshin Development Co., Ltd là  nhà phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Takashimaya, một trong những tập đoàn kinh doanh bách hoá thương mại hàng đầu Nhật Bản.
Sau khi thành công với các dự án trung tâm thương mại đẳng cấp trên khắp nước Nhật, từ nhiều năm nay, Toshin nói riêng và Takashimaya nói chung đã đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, tiêu biểu là dự án Sai Gon Centre.







Chân dung tập đoàn giáo dục đứng sau trường quốc tế Gateway-Nơi xảy ra nghi án trẻ chết trên xe - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Edufit vừa động thổ dự án trên "đất vàng" khu hồ Tây

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng nhà trường cũng là Tổng giám đốc Edufit đã khẳng định vào thời điểm đó rằng: “Với sự tư vấn của đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quản lý các hệ thống cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn Nhật Bản đến từ Toshin, Edufit hoàn toàn yên tâm tập trung nguồn lực phát triển đội ngũ, xây dựng chương trình học, phương pháp và công nghệ giáo dục nhằm đảm bảo sự thành công của các chuỗi trường học và mang lại dịch vụ giáo dục đa dạng cho cộng đồng tại Việt Nam”.
Theo thông tin trên website nhà trường, học phí bậc tiểu học năm học 2019-2020 của Gateway là 117,7 triệu đồng. Phụ huynh có thể đóng học phí theo kỳ hoặc cả năm.
Đối với cấp hai, mức học phí hiện tại đang ở mức khoảng 141 triệu đồng. Mức học phí này chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, bus và phí trông muộn.
Để vào được trường, học sinh phải trải qua bài đánh giá đầu vào là WIDA test theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ cùng và đánh giá kĩ năng trong quá trình tương tác với học sinh.
Mai Chi
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chan-dung-tap-doan-giao-duc-dung-sau-truong-quoc-te-gateway-noi-xay-ra-nghi-an-tre-chet-tren-xe-20190807100747413.htm




1.

Bà Trần Hồng Hạnh chủ tịch trường Gateway, chân dung 8X nắm hệ thống tiền tỷ

Chủ tịch HĐQT trường quốc tế Gateway - nơi bỏ học sinh chết trên ô tô là bà Trần Thị Hồng Hạnh. Là 1 doanh nhân thế hệ 8X nhưng bà Hạnh đã nắm trong tay hệ sinh thái đầu tư, kinh doanh lớn trị giá nhiều tỷ đồng.

Vụ việc học sinh lớp 1 tử vong do nghi bị bỏ quên trên xe ô tô của trường quốc tế Gateway đang gây xôn xao dư luận. Nhiều người muốn biết chủ của ngôi trường quốc tế này là ai.
Bà Trần Hồng Hạnh chủ tịch trường Gateway, chân dung 8X nắm hệ thống tiền tỷ
Trường quốc tế Gateway, nơi xảy ra vụ việc đau lòng.
Theo tìm hiểu, bà Trần Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1982, ngụ Hà Nội) hiện đang làm Chủ tịch HĐQT trường quốc tế Gateway.
Hiện bà Hạnh cũng đang giữ chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục quốc tế Edufit. Tập đoàn này được thành lập tháng 12/2017 với người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Hồng Hạnh. Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là giáo dục mầm non thì Edufit còn kinh doanh bất động sản và bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Bà Trần Hồng Hạnh chủ tịch trường Gateway, chân dung 8X nắm hệ thống tiền tỷ
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, đại diện Trường Quốc tế Gateway xin lỗi gia đình cháu bé. (Ảnh: Chung Đặng)
Theo Zing, Edufit ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh giảm xuống 70 tỷ đồng vào tháng 9/2018 nhưng cơ cấu cổ đông cùng tỷ lệ sở hữu không đổi gồm Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục ICorp góp 34,3 tỷ (49%), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Triều góp 28,7 tỷ (41%) và Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Fuyou góp 7 tỷ (10%). Cả 3 cổ đông này đều có mối liên hệ mật thiết đến CEO Trần Thị Hồng Hạnh. 
Trong đó, Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Fuyou thành lập năm 2010, hiện có vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Giám đốc Fuyou là ông Đỗ Thanh Long (sinh năm 1980), người ở cùng địa chỉ nhà với bà Hạnh.Ông Long và bà Hạnh giữ 80% cổ phần Fuyou.

Mới đây, ngày 01/07/2019, tập đoàn này đã nhận khoản đầu tư 34 triệu USD, tương đương gần 800 tỷ đồng, cho dự án xây dựng trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway Tây Hồ Tây từ công ty Toshin Development Co., Ltd (nhà phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Takashimaya, Nhật Bản).
Bà Trần Hồng Hạnh chủ tịch trường Gateway, chân dung 8X nắm hệ thống tiền tỷ
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Edufit, Nhà sáng lập hệ thống Trường mầm non Sakura Montessory và Trường phổ thông liên cấp Gateway.
Đồng thời, bà Hạnh cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là nhà sáng lập của hệ thống Gateway International School và Sakura Montessori. Trụ sở chính của hai hệ thống này có cùng địa chỉ với công ty mẹ là Tập đoàn Edufit, tại Lô TH1, KĐT mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Bà Trần Hồng Hạnh chủ tịch trường Gateway, chân dung 8X nắm hệ thống tiền tỷ
Bà Trần Thị Hồng Hạnh thay mặt Edufit ký kết hợp tác với Toshin Development Co., Ltd.
Ngoài ra, bà Hạnh cũng là đại diện một số doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Zusso Việt Nam, Công ty Cổ phần Hợp tác Giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH Giáo dục EDUSMART Tây Hồ, Công ty Cổ phần Giáo dục nguồn sáng...
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.