Hồi năm 2018, tin tức các nơi cho biết về một mối đe dọa "hủy diệt" hay "tận diệt" đối với làng chài Nam Ô (Đà Nẵng), trong đó có ngôi miếu thờ Bà chúa Liễu Hạnh, có thể đọc lại ở đây (tháng 3/2018) hay ở đây (tháng 4/2018).
Lâu rồi, từ khoảng tháng 4 năm 2018, không thấy nhóm kí giả như Trần Tuấn viết về Nam Ô hiện tại.
Thời gian đã đi qua nhanh, bây giờ là các thông tin cập nhật. Bắt đầu từ đầu năm 2019.
Các cập nhật dán ở dần lên ở dưới như mọi khi.
---
Thứ Bảy, 19/01/2019, 09:44 [GMT+7]
.
Làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) là làng chài thuộc hàng cổ nhất xứ Đàng trong, với tuổi đời khoảng 700 năm. Đây cũng là làng chài cổ duy nhất còn sót lại trên địa bàn Đà Nẵng, với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đang được lưu giữ...
Buổi chiều nhộn nhịp trên bãi biển Nam Ô. |
Bảo tồn văn hóa
Ông Đặng Dùng, một người con của làng Nam Ô với 40 năm nghiên cứu văn hóa về làng mình, giảng giải cho tôi hình thế, địa lợi của làng gói gọn trong mấy chữ “làng chài trù phú”. “Cứ nhìn hết lượt các làng chài ven biển khắp xứ, có nơi đâu như Nam Ô, với mỏm Hạc duôi ra vịnh Đà Nẵng, với “giọt rừng còn sót lại” (tựa đề một bài viết của ông Dùng) có tuổi đời hàng trăm năm.
Ngôi làng buộc người đi qua phải nán lại để ngắm nhìn, lưu giữ trong tâm tưởng; hay nói cách khác, ngôi làng với “sông sau, biển trước, núi kề một bên” như một nhịp dừng chân để nghỉ ngơi trong hành trình thiên lý”, ông Dùng nói.
Ông Trương Văn Đô (60 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Nam Ô) chia sẻ, làng có những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt. “Tiếp nối truyền thống cha ông, mình phải gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của làng và truyền thụ lại cho thế hệ kế tiếp. Đó là các ngày lễ hội, những bài văn tế, những bài thơ về làng, những di tích hiện hữu trên đất làng; những am thờ, miếu tích phải được gìn giữ và bảo tồn. Các ngày giỗ làng, hội làng, bài chòi, hát bội đều được bảo tồn và duy trì hằng năm. Thế nên, giá trị truyền thống, lịch sử của làng được lưu truyền bền vững, tạo ra hồn của làng khiến người đi xa đều nhớ”, ông Đô bày tỏ.
Ông Đặng Dùng nói, việc tổ chức các lễ hội một cách có ý thức, nghiêm túc và đầy đủ của người làng Nam Ô thể hiện tính cộng đồng bền chặt, tính làng đặc trưng của các vùng quê Việt Nam. Tất nhiên, tùy từng làng quê, như Nam Ô là làng chài, có những nét đặc trưng.
Ở làng Nam Ô có sự kết hợp văn hóa Chăm- Việt qua các di chỉ, di tích miếu Bà (Popo), có lăng Ông, dinh Cô hồn, miếu Bà Liễu Hạnh, di tích miếu thờ Huyền Trân Công chúa, mộ tiền hiền làng, hay tháp Xuân Dương, các giếng vuông...
Người Nam Ô từng lo sợ và lên tiếng khi dự án du lịch gây ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, văn hóa nơi đây. Nhưng ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu khẳng định, lãnh đạo quận đã làm hết sức, với tinh thần cầu thị nhất để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, cũng là chủ trương của quận về việc đề nghị thành phố giữ lại các di tích ở Nam Ô (phần liên quan đến đất dự án) để tạo nên quần thể di tích và đề nghị được cấp xếp hạng, tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề bảo vệ, bảo tồn, trùng tu di tích.
Tiếp nối truyền thống cha ông, mình phải gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của làng và truyền thụ lại cho thế hệ kế tiếp”
Ông Trương Văn Đô (60 tuổi), người dân làng Nam Ô
|
Năm 2016, đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn quận Liên Chiểu giai đoạn 2015-2022 được ban hành, trong đó có cụm di tích làng Nam Ô. Tháng 11-2018, Thường trực Quận ủy Liên Chiểu có Thông báo kết luận số 238-TB/QU liên quan đến buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao về công tác bảo tồn, xây dựng các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn quận; theo đó chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin quận phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng kiểm kê, xếp hạng di tích Nghĩa trủng Nam Ô, cụm di tích tâm linh làng Nam Ô; đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch sinh thái Nam Ô để có cơ sở thực hiện, kiểm kê, xếp hạng các di tích thuộc cụm di tích tâm linh làng Nam Ô. Tháng 3-2018, Quận ủy Liên Chiểu có các báo cáo trình Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố và UBND thành phố về thực trạng di tích tín ngưỡng truyền thống ở làng Nam Ô.
Nam Ô trong tâm thế mới
Ông Đặng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho rằng: “Việc xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch thông qua dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô sẽ tạo động lực, thời cơ cho địa phương phát triển kinh tế, tạo điểm nhấn và thu hút du lịch không chỉ cho phường Hòa Hiệp Nam mà còn cả quận Liên Chiểu, thậm chí cả thành phố.
Nhưng quan điểm của phường là phát triển nhưng phải gìn giữ bản sắc địa phương. Những giá trị văn hóa truyền thống mang tính tâm linh nhân văn tồn tại bao đời nay phải được bảo tồn và phát huy”, ông Kiên nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu, quá trình di dời, giải tỏa ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nước mắm Nam Ô và nghề khai thác thủy hải sản. “Diện tích bị thu hẹp, nhiều hộ bị di dời nên bỏ nghề luôn.
Nghề đi biển cũng tương tự; trước đây có bến nên thuyền lớn dễ dàng vào ra, người đi biển thuận lợi và có cơ hội làm ăn lớn. Nay không có điểm đậu, chỉ có thể đi bằng thuyền thúng, nên năng lực và sản lượng khai thác giảm đáng kể”, ông Dũng cho hay.
Người dân Nam Ô giờ đây có thể yên tâm khi Bí thư Quận ủy Võ Công Chánh đã lên tiếng bảo vệ các di tích; có kế hoạch, đề án trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích; kiến nghị ngành chức năng sớm kiểm kê và xếp hạng di tích để tiến hành công tác bảo tồn được bảo đảm.
Cùng với đó, quận đã lên kế hoạch chỉnh trang đô thị ở khu dân cư Nam Ô để mở rộng kiệt, hẻm, khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ các hộ làm nghề truyền thống lưu giữ, phát triển kết hợp kinh doanh và dịch vụ du lịch; động viên ngư dân bám biển; hướng đến khôi phục lễ hội hát bài chòi...
“Khó, nhưng phải làm để chất lượng cuộc sống cho người dân ngày càng được nâng cao hơn. Nhiệm kỳ này chưa xong thì nhiệm kỳ sau kế tục, với mục đích cao nhất là mang đến ấm no, đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần cho người Nam Ô”, ông Võ Công Chánh nói.
Chiều Nam Ô, nắng ủ vàng cả dải cát. Người làng nhộn nhịp ra bãi để chuyển thúng xuống nước, bắt đầu chuyến biển đêm. Người Nam Ô không thể bỏ biển. Với họ, biển là quê hương, là hồn cốt, là truyền thống, là lịch sử hùng tráng và là cội nguồn văn hóa.
Biển, trước hết là nơi để họ mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc cho cuộc sống ngày này qua ngày khác, dẫu biết rằng biển có khi không chiều lòng người. Cả làng Nam Ô nay còn 170 hộ đi biển, tương đương 170 thuyền thúng. Nhưng tình yêu của họ với biển không lúc nào vơi, như sức sống trường tồn của giá trị văn hóa ở làng này.
Năm 2009, Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô được thành lập, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận thương hiệu và nhãn mác, với hơn 100 hộ tham gia. Đến nay chỉ còn hơn 50 hộ cộng với 3 hợp tác xã và một công ty TNHH. “Nước mắm, gỏi cá Nam Ô chỉ có thể làm tại làng này, chuyển dời chỗ khác sẽ khác biệt ngay. Có lẽ điều này lý giải về không khí, thổ nhưỡng vùng đất Nam Ô khác các nơi khác. Đây là vùng đất trù phú biển trước, sông sau, núi kề bên để che chở cho làng”, ông Đặng Dùng, một người con của làng Nam Ô cho biết. |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY
..
---
BỔ SUNG
1.
Nghề nước mắm Nam Ô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
(PLO)- Nước mắm Nam Ô là một phần văn hóa chứa đựng những di tích dân gian thể hiện bản sắc của người dân địa phương.
Ngày 4-7, UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Huy (Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu) cho hay nước mắm Nam Ô không chỉ thuần giá trị vật chất, mà còn là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng quê, thể hiện bản sắc cộng đồng của địa phương.
"Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm nước mắm Nam Ô là sự ghi nhận, kết quả xứng đáng với sự nỗ lực không ngừng của người dân làng nghề nước mắm Nam Ô trong việc giữ gìn nghề truyền thống. Đây là động lực lớn để tiếp tục phát huy giá trị làng nghề, đưa thương hiệu nước mắm Nam Ô đi xa hơn nữa”- ông Huy nói.
Theo ông Huy, làng nghề nước mắm Nam Ô hiện có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 tham gia vào hội làng nghề truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp. Nghề làm nước mắm đang tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.
Hiện nay, nước mắm Nam Ô đã có mặt ở nhiều siêu thị, chợ lớn, tham gia các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, cạnh tranh với các thương hiệu nước mắm khác và được người tiêu dùng đón nhận.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, cho biết trải qua nhiều thế hệ, người Nam Ô vẫn giữ được bí quyết để làm nước mắm truyền thống.
“Chúng tôi tự hào khi nghề làm nước mắm được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà con làng nghề sẽ nỗ lực hết mình trong việc truyền nghề, dạy nghề để bảo vệ, phát huy di sản, để di sản luôn là báu vật của người làng Nam Ô hôm nay, là tài sản thừa kế của con cháu chúng tôi mai sau”- ông Vinh cho hay.
Cũng tại buổi lễ, UBND quận Liên Chiểu đã công bố đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô với kinh phí đầu tư hơn hơn 46 tỉ đồng. Từ đó phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, các tập quán, sản phẩm làng chài và nghề mắm cổ truyền Nam Ô, đồng thời tạo điều kiện cho người dân làm du lịch, nâng cao đời sống.
Tâm An
https://plo.vn/van-hoa/nghe-nuoc-mam-nam-o-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-922251.html
(PLO)- 5 rưỡi sáng, tiếng sóng biển rì rầm, tiếng sắt cọ vào đá loẹt quẹt khiến một góc bãi rạn Nam Ô trở nên vô cùng nhộn nhịp.
..
BỔ SUNG
Trả lờiXóa1.
Nghề nước mắm Nam Ô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thứ Bảy, ngày 4/7/2020 - 19:31