Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/02/2019

Xuất hành đầu năm : ngang qua Bình Giang, đọc nhanh địa chí Kẻ Sặt

Chúng tôi chọn phương án đi theo hướng qua Hưng Yên rồi xuống Hải Dương. Một thử nghiệm vào chuyến xuất hành đầu năm, thay đổi cách đi quen thuộc xưa nay.

Rồi cứ thế mà xuôi đến Kẻ Sặt danh tiếng. Một vùng công giáo từng có thời gọi là "đạo ba toong" (đạo của cái gậy ba toong, chỉ thời các cha phương Tây mang tư tưởng khá cao mạn).

Kẻ Sặt ngày xưa đã thành ra thị trấn Kẻ Sặt (thuộc huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Cũng không xa khu làng Mộ Trạch cũng danh tiếng không kém.

Mà đi ngang qua đó, hẳn cần đọc nhanh địa chí Kẻ Sặt.

Đại khái tài liệu công khai như sau.

---

Địa chí Kẻ Sặt
(một vùng công giáo sớm ở miền Bắc; sau năm 1954 thì có một cuộc di cư lớn vào Hố Nai; ngày nay có hai giáo xứ Kẻ Sặt - một ở miền Bắc, một ở miền Nam)

18/08/2012Kẻ Sặt
18/08/2012Kẻ Sặt
18/08/2012Kẻ Sặt
18/08/2012Kẻ Sặt
Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com 
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI



18-08-2012
Khi nói về Địa Lý hay Địa Dư là chỉ đề cập đến những lãnh vực thực tiễn vật chất, có thể nhìn thấy và cần thiết  tìm hiểu trước. Còn những lãnh vực tâm linh tinh thần, truyền thống phong tục, diễn tiến đời sống thì thuộc về phần Lịch Sử.
Phần địa lý này chỉ chủ đích nói riêng về Kẻ Sặt Miền Bắc, và từ khởi thuỷ cho đến năm 1954 mà thôi; bởi lẽ chỉ ở Kẻ Sặt Miền Bắc mới có những vấn đề Địa Lý đáng nói, và  đó mới là Nguồn, là Gốc chính thống, là nơi đất Tổ, quê Cha chung nhất của Mọi Người Dân Kẻ Sặt, dù đang cư trú ở bất cứ nơi đâu.
Vì điều kiện và hoàn cảnh thời cuộc đất nước Việt Nam, nên trong thực tế khách quan, hiện đương còn có hai thực thể khác nữa, đó là Kẻ Sặt Miền Nam Từ 1954 và Kẻ Sặt Hải Ngoại từ 1975 đến nay. Do đó, đến phần về Lịch Sử thì sẽ đề cập tới đầy đủ, hầu cho trọn vẹn về Quê Hương Kẻ Sặt.
A. VỊ TRÍ
Tại Miền Bắc Việt Nam, từ  Quốc Lộ số 5 nối liền Hà Nội và Hải Phòng, khoảng 20 cây số phía Tây tỉnh Hải Dương, nhìn về hướng Nam, người ta nhận thấy một ngôi thánh đường vĩ đại, với ba cây tháp cao vút in trên nền trời, vươn lên những dẫy nhà và hàng lũy tre xanh.
Đó chính là thị xã Kẻ Sặt, làng Sặt hay làng Tráng Liệt, Tráng Liệt Bình, thuộc tổng Thị Tranh, huyện Năng An, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Cuộc cải cách hành chánh đầu thập niên 40 không còn cấp phủ nữa, do đó cũng không còn tên Năng An mà gọi là Huyện Bình Giang, và huyện lỵ đặt ngay tại Kẻ Sặt.
Để xác định vị trí rõ ràng hơn nữa trên Địa Cầu, chúng ta có thể nhìn trên bản đồ của The National Geographic Society, USA; thì thấy Kẻ Sặt tọa lạc ở: giữa vĩ tuyến 20 với 21 độ Bắc Bán Cầu tính từ đường xích đạo ở Indonesia; và giữa kinh tuyến 106 với 107 độ Đông Bán Cầu tính từ kinh tuyến trung tâm Greenwich ở Anh Quốc.
Về độ cao, thì theo bản đồ quân sự của Pháp, Kẻ Sặt có những vòng cao độ trung bình là 14 mét cao hơn so với mặt nước biển Hà Tiên là mặt nước phẳng lặng.
B. DIỆN TÍCH, CHU VI, HÌNH THỂ
Theo cuốn ‘’Địa Bạ Tu Chính’’ năm 1950, thời ông bạ Sâm và ông bạ Siêu, thì chiều kích Kẻ Sặt được tổng kết như sau:
Diện tích cư trú trong làng (nhà ở và ao, vườn) vào khoảng 557 mẫu ta hay 200 mẫu tây (2.000.000 m2). Riêng lãnh địa Nhà Xứ (Nhà Chung) có 5 mẫu ta hay ngót 2 mẫu tây (18.000 m2); nếu tính cả Thánh Đường, Nhà Dẫy và Công Trường, thì tất cả sẽ lên tới  ngót 3 mẫy tây. Lãnh địa Nhà Mụ khoảng 4 mẫu ta hay 1 mẫu rưỡi tây.
Như vậy chu vi vòng vèo xung quanh làng về phần cư trú là vào khoảng 5500 m dài.
Diện tích canh tác ngoài làng (đồng ruộng) vào khoảng 660 mẫu ta hay 237 mẫu tây.
Mẫu ta là 3600m2. Mẫu tây hay hectare là 10.000m2 ).
Về ranh giới, phía Tây cách làng Búa (Phúc Bố) và phía Tây Bắc cách làng Đệu bởi một con sông rộng từ 100m đến 200m, dòng nước chẩy êm đềm. Con sông này xuôi về Tây Nam gặp sông Luộc thuộc tỉnh Hưng Yên, ngược lên Đông Bắc gặp sông Đuống thuộc tỉnh Hải Dương, dài khoảng 70 cây số. Phía Đông Bắc ráp làng Sãi (Vĩnh Lại), phía Đông ráp làng Me ( Me Kiều hay My Thứ), phía Đông Nam ráp làng Châu (Châu Khê), phía Nam ráp làng Tranh (Thị Tranh).
Hình thể tổng quát Kẻ Sặt dù nội vi hay ngoại vi cũng đều như thể một hình tam giác đều, biểu tượng của sự vững chắc toàn diện. Nhưng khi phân tích kỹ thì còn có những điều huyền bí khác nữa, sẽ đề cập đến trong một chương sau…
C. CÁC ĐỊA DANH
Bao bọc xung quanh làng là những cánh đồng phì nhiêu, loại đất bazal, đất thịt mầu mỡ, với những con đê cao, những luỹ tre xanh và hệ thống rạch cừ làm thành một vành đai phòng thủ kiên cố. Có những cổng làng là những tháp canh hay lô cốt vững chắc như: Cổng Cao Đại (Cũng gọi là Cổng Đằng Bùi  vì đi ra cánh đồng Bùi, hoặc gọi là Cổng Nhà Mụ, vì ở cạnh khu Nhà Phước), Cổng Giỏ, Cổng Đằng Ngái, Cổng Chùa v.v…
Nhiều Ngõ Xóm cũng có cả cổng riêng…
Làng Kẻ Sặt có đặc tính ‘’bán quê bán tỉnh’’, với 4 khu: Khu Thượng cổ kính, Khu Trung, Khu Hạ phát triển và Khu Tư hay Khu Phố với đặc tính thành thị.
Mỗi khu có một trụ sở gọi là ‘’điếm’’ hay ‘’điếm tuần’’. Những trụ sở này dùng để hội họp, tập hợp tuần đinh trong công tác canh phòng và cũng là nơi làm lễ đài tổ chức mừng lễ Phục Sinh và Lễ Thánh Thể hay Lễ Xăng Ti.
Các cánh đồng đều toạ lạc ở hướng Đông Bắc, Đông Nam và hướng Nam. Còn hướng Bắc là đỉnh của tam giác và hướng Tây là Sông Sặt trải dài.
Có khá nhiều tên gọi các cánh đồng và thường gọi chại Đồng là Đằng, như: Đằng Bùi, Đằng Vối, Đồng Vực, Ao Vực, Đằng Ngái, Đồng Me, Đồng Sãi, Đồng Tranh, Sa Trong. Rồi những Mả A, Mả Tròi hay Rọc Chòi, Mả Trẩy, Mả Cũ, Mả Mái, Mả Vàng hay Mả Viềng, Đồng Viềng, Đồng Nhếu, Cầu Xộp, Trà Nét, Trà Sen hay Trì Sen, Đa Đôi, Đê Ông Bống, Quán Bà Bống, Nấm Bưởi, Nấm Chiêng hay Nấm Thiêng hoặc Nấm Kim Cương như câu ca dao:
‘’Quê tôi đất chặt, người đông,

Có sông Nghĩa Thuỷ, có đồng Kim Cương’’

Ngoài tên các cánh đồng như trên, còn những địa danh, nơi chốn thân thương khác đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu của bao thế hệ Sặt, như: Quán Gỏi, Cầu Sắt, Nghĩa Địa, Trường Ga, Chợ Ga hay Chợ Trâu, Chợ Sắt hay Chợ Chính, Bến Bè, Phố, Huyện, Trường Công, Sân Vận Động, Đền An Tong, Ngã Năm, Đường Đá, Cầu Vồng, Đền Vicentê, Đền Camêlô, Chợ Cầu Xộp hay Chợ Mới, Cống Tây, Lò Vôi, Lò Sũ, Lò Gạch, Ấp Tây, Động Tiên, Ao Rùa, Ao Lấp, Sân Bóng…
Đặc biệt là: Nhà Thờ Chính với sân rộng hay công trường, Tháp giữa, Tháp Bên, Nhà Dẫy,  Nhà Chung, Văn Côi  hay Trường Xứ. 
Rồi: Gò Cao, Vành Lao, Ngấn Trong, Ngấn Ngoài, Lò Tượng, Nhà Mụ, Đình Làng, Giếng Đình, Ao Đình, Ao Chạ, Ngõ Giữa, ngõ Đình, Chợ Đình, Cánh đồng Đình Trong, Đình Ngoài, Mồ Cô, Cầu Tranh, Ngõ Trạm, Xóm Kết, Ngõ Chùa, Ngõ Rào, Ngõ Rùa, Vườn Thánh, Sông Đào và Quán Ông Căn.
Còn những Lều Coi Dưa Bí, những Cây Bàng cạnh Điếm Tuần Ba Khu Thượng, Trung, Hạ, những Lối Đi lát gạch trong các Xóm Ngõ, những Giếng Nước, Ao Cá, Bờ Sông, những Cây Sấu Sân Đình, Cây Sung Nhà Mụ, Cây Soài Sau Huyện, Cây Vối Bờ Ao, nhất là Cây Đa Đằng Bùi hay Cây Đa Đầu Làng…
Đây là một cây đa cổ thụ không rõ có từ bao đời trước, nhưng gốc to tới 10 người ôm, mọc bên đê cánh đồng Đằng Bùi, trên bờ cừ. Năm 1948 một trái đạn canon của Pháp từ Cầu Sắt bắn sang trúng ngay thân cây, nên bị gẫy ngang và chết đi mất:
Vì Khu Phố rất phát triển và đa số là người ngoài, nên có nhận xét rằng: ‘’Sặt là đất đãi ngoại’’. Thực ra, nguyên nhân của sự phát triển chính là những sinh hoạt buôn bán của những người nhập cư từ lúc đầu. Nhưng càng ngày người Sặt càng tham gia vào lãnh vực thương mại hơn là cứ theo đuổi mãi việc làm ăn nông nghiệp từ bao đời trước. Quả thật là ‘’Phi thương bất phú’’. Và năng khiếu tiềm tàng về thương mại nơi người Sặt mới tỏ rõ. Do đó, đời sống vật chất của Kẻ Sặt càng ngày càng được cải tiến và phát triển không ngừng
http://www.giaoxukesat.com/dia-ly-co-ban/



2. Địa lí phong thủy

18-08-2012
A. VỀ PHONG THUỶ
Phong Thuỷ (Phong là gió, Thuỷ là nước), cũng thường gọi là Khoa Địa Lý, là một môn khoa học nhân văn độc đáo và lâu đời của Đông Phương, vừa có tính triết học lẫn thực nghiệm.
Theo khoa học tự nhiên, đó chỉ là những mạch nước ngầm dưới lòng đất.  Đối với các thế đất mang hình dáng các con vật cũng vậy, đó chỉ là kết quả  của những sự biến thiên qua các thời kỳ địa chất tạo nên, hoặc do gió (phong) và nước (thuỷ) soi mòn từ đời này tới đời kia mà tạo thành. Sự hình thành một thế đất quý là theo quá trình thời gian lâu dài, do đó mà lại có một nguyên tắc nữa là ‘’Phong thuỷ đổi thay’’. Ví dụ có khúc sông bị dòng nước soi mòn một bên, nhưng lại bồi đắp bên kia cho nên mới có kinh nghiệm ‘’Bên bồi thì ở, bên lở thì đi’’; hoặc có những thế đất quý bị chính con người phá huỷ khi xây cất, khai khẩn theo nhu cầu, vì không biết hoặc vì cố tình yểm đi…
Nhiều học giả Tây Phương trong đó có các vị giáo sĩ Công Giáo cũng từng nghiên cứu môn học này. Người Đông Phương thường có khuynh hướng tổng hợp, do đó thấy hiệu quả thì cứ tin, không cần lý giải. Người Tây Phương thì thiên về phân tích, chứng minh để xem xét sự vật và sự việc theo nguyên tắc khoa học.
Nhưng tựu chung Đông Tây đều gặp nhau và công nhận các yếu tố khách quan ảnh hưởng rất đậm đến con người.  Đó là những yếu tố: cảnh trí thiên nhiên như sông, núi, thế đất cao thấp, khu vực khí hậu trên Địa Cầu, các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, tiếng ồn ào hay sự tĩnh mịch và tình trạng môi sinh… tác động vào tâm lý, ý chi, khả năng, việc xây dựng nhà cửa và làm ăn sinh sống của con người.
Hơn nữa, quan niệm triết học Đông Phương mà cũng là tinh thần văn hóa dân tộc Việt còn vô cùng thâm sâu qua những câu: ‘’Thiên Địa Nhân đồng nhất thể’’ và ‘’Địa linh Nhân kiệt.’’
B. TỔNG QUAN VỀ THẾ ĐẤT KẺ SẶT
Nếu từ trên phi cơ nhìn xuống, người ta sẽ nhận thấy làng Kẻ Sặt có những hình dáng của bốn con linh vật chồng chéo lên nhau, gọi là Tứ Quý: Long, Ly, Quy, Phượng.
Tuy nhiên, nếu chú ý và không cần theo nguyên tắc, thì với mắt thường và đứng ở mặt đất bằng, chúng ta cũng có thể mường tượng thấy các hình dáng đó, như:
Từ giữa ngôi  Đình Làng và Đền Thánh Camêlô nhìn về hướng Sông Sặt, chúng ta thấy cả một cánh đồng và khu nhà ở nổi lên theo hình cánh chim phụng hoàng: Đó là thế đất Phượng. Cánh chim này còn trải rộng tới cánh đồng Đằng Ngái. Mình chim nằm trên cánh đồng Mả Vàng, đầu và mắt chim ở khoảng Cổng Giỏ, đặc biệt mỏ ngậm một tờ giấy.
Giữa Khu Trung là thế đất Quy (Rùa). Điển hình nhất là một cái gò nổi lên mà nay đã trở thành một cái ao trũng xuống, gọi là Ao Rùa. Lý do tại sao sẽ được nói tới dưới đây. Trên bờ ao hiện có một con rùa bằng đá, lưng cõng một cột đèn cũng bằng đá.
Từ Cầu Sắt tới Phố Chính Kẻ Sặt, chậy ngang qua Chợ Ga cũ ra tới Cầu Xộp là hình thể con Ly. Con Ly tương tự như con hổ nhưng nhỏ, hiền và không ăn sinh vật. Độc đáo nhất là chân trước nó bám vào một cây bút lông, loại bút viết chữ Nho.
Kỳ diệu nhất là thế đất Long (Rồng), không có hình dáng cụ thể trên mặt đất, vì chỉ là những mạch nước ngầm chậy ngoằn ngoèo dưới lòng đất và có linh khí phát lên, duy có nhà chuyên môn nắm vững những quy luật của khoa dịch lý mới nhận ra được. Thân mình Rồng được mô tả uốn khúc theo ba khu Tư, Hạ, Trung và đầu Rồng ở Khu Thượng, với con mắt là giếng Nhà Thương Xót, còn bộ râu Rồng thì tủa về các làng Châu Khê và Lương Đường ở phía Nam làng Kẻ Sặt.
Ngoài những hình tượng Tứ Quý trên, còn một đặc điểm thực tế và dễ nhận ra nhất, đó là: Tất cả mọi dòng nước của các vùng xung quanh đều chẩy về làng Sặt. Do đó, bao loài tôm cá cứ theo dòng nước mà đổ về đây, khiến cảnh trí của làng càng thêm xanh tươi xinh đẹp và nguồn lợi thì lại được phong phú hơn.
Thực vậy, đứng từ trên Đê Cầu Xộp là một vị trí khá cao, người ta nhận thấy ngay rằng mọi dòng nước từ các làng Sãi, Me, Châu, Tranh và xa hơn nữa là từ Trầm, đều chẩy qua Cống Đá như thể một đập nước.
Vào khỏi Cống Đá, khối nước này tỏa ra, bao quanh làng theo hệ thống cừ, rồi lại tập trung cả vào Ao Chạ ngay sau Đình Làng, cũng gọi là Ao Dạ vì là một cái ao giống hình cái dạ chó. Cuối cùng nước mới thoát ra sông Sặt.
Đối với đặc điểm này, các lời nhận xét và bình luận đều ghi nhận rằng đất Sặt là nơi trù phú, thương mại phồn thịnh và dân Sặt ngày càng phát triển giầu có.
Xưa kia thánh địa lý Tả Ao, (tên thật là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, vào thời vua Lê chúa Trịnh), có lần đi qua làng Sặt đã phát hiện ra thế đất quý này, bèn cảm hứng làm một bài thơ mà cũng chính là bản khảo sát, trong đó có câu:
‘’Thấy tứ bề Long, Ly, Quy, Phượng;

     Nghĩ dân này lừng lẫy bốn phương.’’

C. CUỘC TRIỆT TIÊU LONG MẠCH
Riêng về sự kiện Rồng, câu chuyện sau đây còn được truyền tụng trong dân làng xứ:
Khoảng năm 1873, cha Bactholoméo người Y Pha Nho, mà dân xứ thường gọi là cha chính Bắc, là vị rất thông thạo khoa thiên văn địa lý. Một đêm kia, người nghe mạch dưới lòng đất động và biết rằng con rồng đã đến thời kỳ chuyển mình, phát phú quý vinh hoa trên xứ Sặt.
Người cho rằng dân này từ nay con gái sẽ xinh đẹp ra mà đi lấy những quan quyền; con trai sẽ tài giỏi hơn và đạt tới công hầu khanh tướng; dân chúng nói chung sẽ giầu có, do đó mà trở nên thờ ơ hay có thể bỏ đạo luôn…
Vì có Lời Phúc Âm rằng: ‘’Được lời cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì’’, nên cha chính Bác đã quyết định một kế hoạch triệt tiêu long mạch để tránh hậu họa. Người triệu tập một buổi hội các bô lão và chức sắc tại xứ đường và hỏi:
Các con có muốn giữ đạo Đức Chúa Lời không?
Các vị đồng thanh đáp: Thưa cha có.
Người hỏi tiếp: Các con có muốn đời sống được bình an không? Thưa muốn ạ.
Cha chính đã nắm được những yếu điểm của các cụ, nên phán bảo:
Vậy các con cần phải khởi công ngay việc phòng vệ xóm làng, bằng cách đào hào cho sâu tại những nơi mà cha sẽ chỉ, đoạn trồng tre làm lũy kiên cố, vì thời kỳ giặc giã sắp đến nơi rồi.
Sau đó, đích thân cha dẫn các cụ đi quanh làng và định những chỗ đào hào. Có nơi tiếp theo hệ thống cừ thoát nước đã có sẵn, có nơi lại đào thêm mà xét về mặt dẫn nước thì không cần lắm. Nhưng dân thì cứ làm vì đức vâng lời, và làm cách hăng hái… Không ai hiểu được thâm ý của người là bí mật triệt long mạch đi. Thế là con rồng đã bị cắt thân mình ra nhiều đoạn.
Chưa xong, cha chính còn tiến hành một cuộc triệt hạ quan trọng nữa. Đó là mắt con rồng ở ngay trong lãnh địa Nhà Chung lúc đó mà nay là Nhà Mụ thuộc Khu Thượng. Nguyên trước đã có một cái giếng ở sát bờ tre, (giếng nước ăn ở miền Bắc rộng như một cái ao nhỏ, có bậc để xuống gánh nước lên), nay  người lại bảo đào một cái giếng khác, vị trí cách giếng cũ không bao xa, nhưng lại chính là mắt con Rồng. Khi mới khơi được vài thước đất thì gặp ngay mạch nước phun lên. Càng đào sâu, nước càng tràn lên nhiều, đến nỗi cả khu vực xung quanh bị lụt hàng tháng trời. Ôi mắt Rồng từ đó đã bị chọc thủng mất rồi!
D. NHỮNG LỜI BÀN LUẬN
Dư luận hậu thế trong làng thường có một nhận định đồng nhất rằng cha chinh Bắc đã thành công trong việc triệt long mạch đi.  Cũng kể từ sau đó, bổn đạo xứ nhà càng tỏ ra vâng phục các cha cố Tây hầu như tuyệt đối.
Khi muốn chào cha, người ta còn phải nói một cách hết sức trịnh trọng là ‘’Con xin phép lậy cha’’. Nhiều vị từng mắng và mắng ngay trên tòa giảng, thậm chí lại đánh cả bổn đạo mà chẳng ai dám có phản ứng gì, còn lấy làm… vinh dự nữa chứ. Thế cho nên mới có cái thành ngữ gọi tình trạng đó là ‘’Đạo ba toong’’ (do từ baton trong tiếng Pháp là cái gậy).
Như thời Trung Cổ (Moyen Age) xưa ở Châu Âu, Thần Quyền thường lấn át cả Thế Quyền. Các cha cố Tây ở những xứ truyền giáo trong đó có Kẻ Sặt, cho tới giữa Thế Kỷ 20 tức là vào thập niên 40,  vẫn còn cung cách đó. Một giai thoại thường được kể lại: Năm 1943, ông Lý Kiệm vừa  mới nhậm chức. Một hôm đang ở đình làng làm việc cùng các viên chức, anh bõ nhà chung đến trình ông lời của cha xứ tây:
Thưa thầy Lý, cha ‘’truyền’’ thầy lên nhà xứ để gặp Cha.
Thầy lý trợn mắt, với lấy cây roi mây, quất cho anh bõ một roi, và nói: ‘’Này thì truyền’’.
Chưa hết, ông quất cho anh bõ thêm một roi nữa và bảo: ‘’Roi này đem về trình cha. Cút !’’
Chỉ tội nghiệp cho anh bõ. Mà cha tây từ đó cũng cảm thấy cần xét lại. Phải chăng quả như Lời Thánh Kinh: ‘’Cái gì của Thiên Chúa, hãy trả lại Thiên Chúa. Cái gì của César hãy trả cho César’’.
Một nhận định khác từng phàn nàn vì làng mình đã bị mất long mạch, cho nên việc học hành thường dở dang, đường tiến phát cứ trở ngại, không được bằng những làng khác trong vùng như Lương Đường hay Mộ Trạch tức là làng Trầm…
Nam giới vốn có rất nhiều khả năng về mọi lãnh vực kỹ thuật, nghệ thuật,văn chương, y dược, kinh tế, hành chánh và quân sự, nhưng vẫn cứ ở trong một chừng mực nào thôi, không có ai được kể là xuất chúng với tầm vóc quốc gia, chưa nói tới quốc tế !
Tuy nhiên, về phương diện tôn giáo thì hiển nhiên Kẻ Sặt là một Giáo Xứ phát triển và thịnh đạt vào bậc nhất trong Giáo Hội Việt Nam và có thể nói trong Giáo Hội Hoàn Vũ ! Những yếu tố sau đây đã chứng minh cách hùng biện cho nhận định này:
Một ngôi Thánh Đường đồ sộ, với những tổ chức đạo đức quy mô, những sinh hoạt tông đồ và phụng vụ sốt sáng, đặc biệt là một Giáo xứ có đông đảo Tu Sĩ nam cũng như nữ, nhất là có tới trên một trăm Linh Mục, hậu duệ của Các Đấng Anh Hùng Tử Đạo Tiền Nhân.(Vấn đề độc đáo này sẽ xin dược trình bầy rõ chi tiết sau, ở phần Lịch Sử…)
Lại còn có lời bàn rằng vì… máu mắt con rồng đã tràn lên, nên dân Sặt mới có nhiều người đau mắt và mù lòa. Lời bàn này xem ra có tính chất dị đoan. Thực ra, hiện tượng ‘’mắt toét’’ chỉ là vì dân làng ta trước đây phần lớn chuyên về trồng mầu, thường tưới bón bằng nước tiểu và phân người, cũng gọi là ‘’phân bắc’’, tức là phân hữu cơ. Vả lại, việc làm phân và giữ gìn vệ sinh  lại không được cẩn thận, nên nhiều người mới dễ bị đau mắt như vậy. Cũng vì thế, Kẻ Sặt Miền Bắc trước kia còn có hiện tượng độc đáo nữa là… rất nhiều ruồi.
E. NHỮNG CUỘC TRIỆT TIÊU KHÁC
Thế đất quý ở Khu Trung cũng đã bị triệt đi một cách xem ra có lý trong bối cảnh thiết kế ngôi Thánh Đường vĩ đại như chúng ta thấy ngày nay.
Nguyên thuỷ ở Khu Trung có một gò đất tuy không cao, nhưng nổi lên khỏi mặt đất bằng và trông như hình một con rùa lớn, ở gần với bờ Sông Sặt.
Không phải với xe ủi như thời nay, nhưng chỉ bằng cuốc, xẻng với sức người, gò đất đó đã bị đào trũng xuống thành một cái ao mới, đặt tên là Ao Rùa.
Khối đất lớn đó đã được dân xứ vận chuyển bằng cách khiêng tay và chở bằng xe bò để đem lấp đi một cái ao cũ ở trước hai cây tháp, cho công trường thánh đường thêm rộng rãi, gọi là Sân Ao Lấp.
Trở lại công cuộc triệt hạ long mạch. Đến đầu thế kỷ 20, ông Phủ Khoát về nhậm chức Phủ Bình Giang, mà cơ quan hành chánh của Phủ đặt ngay tại Kẻ Sặt. Ông ta nguyên là một tướng cướp khét tiếng, tuy không biết chữ nhưng lại có nhiều tài thiên bẩm, nhất là giỏi về khoa địa lý. Pháp đã chiêu dụ được ông và phong cho chức tri phủ.
Khi đi quan sát quanh làng Sặt, ông từng gật gù hiểu ý vị giáo sĩ Y Pha Nho trước đây. Nhưng ông ta còn phát hiện được những sợi râu rồng vẫn còn nguyên vẹn ở hai cánh đồng Đằng Bùi và Nấm Bưởi.  Để triệt hạ cho dứt, ông đã lập dự án bồi đê bằng cách cho đào một con sông, tức Sông Đào hay Sông Bà Bống. Đặc điểm con sông này tuy nông, nhưng nước thì luôn trong và xanh.  Thế là mọi long mạch thuộc đất Kẻ Sặt đều bị triệt hết ! Những sợi râu rồng vẫn còn trải dài tới các làng Châu Khê, Lương Đường và Ngọc Cục. Phải chăng vì thế mà ở những nơi đây đã từng có những người nổi danh về văn học và đạt tới phẩm tước triều đình như Phạm ngũ Lão và Phạm Quỳnh ?
Về thế đất Ly ở Khu Tư cũng đã bị yểm nên không phát lên được. Có những cái nấm đất khá lớn, nhất là Nấm Thiêng ở gần Trường Ga. Đó chính là những nơi chôn vàng bạc châu báu mà quân Tầu trong thời kỳ Bắc thuộc đã cướp của dân ta, đồng thời cũng để yểm đi một thế đất quý.
Theo khoa phong thần, trước hết họ chọn một thế đất theo nguyên tắc dịch lý…Sau khi đào và đặt của cải xuống, họ bắt cóc một người trinh nữ, cho ngậm nhân sâm rồi gắn miệng lại, đặt ngồi và trói chân tay vào một ngai vàng. Trước mặt là một cây đèn dầu, có lỗ thông hơi đủ cho người thở và đèn cháy. Sau một trăm ngày, nhân sâm tan và dầu đốt cạn hết; người con gái cũng chết và trở thành thần giữ của. Năm 1953, Quân Đội Pháp đã dùng xe ủi đất để lập đồn binh, tất cả các nấm đều đã bị san bình địa, và thế đất Ly hoàn toàn biến mất.
F. HI VỌNG VẪN VƯƠN LÊN
Tới thời đại chúng ta ngày nay, rất may mắn và thật kỳ diệu, vẫn còn lại một thế đất nguyên vẹn, đó là thế đất Phượng, với cánh chim trải rộng và mỏ ngậm tờ giấy như đã mô tả ở trên… Hẳn Hoàng Thiên đã ưu ái bảo tồn cho Quê Hương Kẻ Sặt thân yêu của chúng ta phần gia tài hiếm quý này; vì mặc dù đó là một thế đất dễ nhận ra và rất gợi cảm, mà không hề bị một toan tính nào của người trần phá đi !
Cho nên trên tinh thần của niềm tin chính đáng, chúng ta có thể đinh ninh rằng, vào một lúc nào đó sắp tới đây, thế đất Phượng còn lại nói trên, sẽ đến thời kỳ hồng phát. Đó chính là lúc mà ‘’Phượng Hoàng minh vu cao cương’’, thì toàn dân ta dù còn lại ở Miền Bắc, đã di cư vào Miền Nam hay đang lưu lạc khắp nơi trên hành tinh Địa Cầu này, cũng sẽ cùng được thừa hưởng khí thiêng địa linh quê hương yêu dấu mà Chúa đã ban cho như thể nơi có đầy những sữa và mật vậy.
Một cách cụ thể, hẳn đó là lúc mà Kẻ Sặt chúng ta sẽ có những điển hình nổi bật về nhiều lãnh vực: tôn giáo, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, chính trị và quân sự ở tầm vóc quốc gia cũng như quốc tế.
http://www.giaoxukesat.com/dia-ly-phong-thuy/



18-08-2012
A. DÂN SỐ
Về dân số chính thống, tính đến năm 1954, có khoảng 10.000 người, với khoảng 2500 nóc gia. Nếu tính cả những người nhập cư từ các nơi đến và người Hoa ở Khu Phố thì thêm khoảng 500 người và trên 100 nóc gia nữa.
B. CÁC HỌ
Theo cuốn Sổ Đinh tổng kết năm 1953, toàn dân Kẻ Sặt có 20 Dòng Họ, là: Phạm, Chu, Vũ, Dương, Đào, Lê, Nguyễn, Quách, Trần, Đoàn, Đặng, Đinh, Ngô, Hoàng, Lã, Lão, Lưu, Đỗ, Mai, Hà.  Lâu đời nhất là các họ: Phạm, Chu, Vũ, Đào.  Đa số nhất là các họ: Phạm, Lê, Nguyễn, Trần.  Từ tương đối đến ít hơn là các họ: Đinh, Ngô, Quách, Đoàn, Đặng, Hoàng, Lã, Lão, Lưu, Đỗ và Mai.
C. NGƯỜI SẶT
Người Kẻ Sặt được nhận định là tốt lành, sốt sáng, cần cù, khéo léo, và có khả năng về nhiều phương diện lao động sản xuất cũng như văn hóa, nghệ thuật, kể cả về phụng vụ trong sinh hoạt tôn giáo….
Nữ giới phần nhiều xinh đẹp, khôn ngoan, quán xuyến việc nhà, đảm đang buôn bán. Người ngoài làng mà lấy được vợ Sặt thì kể như là có phúc lắm. Nam giới thì ham hoạt động, có tinh thần chiến đấu cao và đa năng đa hiệu. Trình độ tổ chức các lễ nghi đạo, đời từng nổi tiếng xưa nay. Ngay cả việc làm cỗ cũng tỏ ra khéo léo nữa.
Điểm độc đáo là chỉ cần nhìn nét mặt, dáng vẻ nam hay nữ, già hay trẻ, và nghe giọng nói thôi, thì dù chưa gặp nhau bao giờ, hai người đồng hương cũng có thể cảm thông một cách diệu kỳ như nhau và người nọ nghĩ về người kia rằng: ‘’Đúng là người Sặt mình rồi!’’
Ở Miền Bắc, người Khu Thượng còn giữ được nhiều đặc tính của dân Sặt chính cống, với dáng vẻ cổ xưa, thậm chí còn có người hai ngón chân cái vẫn hướng vào nhau như Người Giao Chỉ xa xưa. Có lẽ vì họ cư ngụ ngay trên Thôn Liệt sơ khai và thừa hưởng khí thiêng của đất đai nhiều hơn chăng ?
Người Khu Trung và Khu Hạ có nhiều nét tiến bộ về cách phục sức và ăn chơi. Còn Người Khu Tư hay Khu Phố thì hòa đồng với số dân tứ phương đến nhập cư với nhiều sắc thái thị thành.
(Ở Miền Nam và nhất là ở Hải Ngoại ngày nay, thì không còn có thể nhận xét được ai là người thuộc khu nào nữa, vì tất cả đã đổi mới nếp sinh hoạt tiến bộ và văn minh. Tuy nhiên, vẫn còn một cái gì chung nhất biểu lộ ra khiến chúng ta có thể thốt lên rằng: Đúng là Người Sặt mình rồi !).
Về những hiện tượng tiêu cực trong đối nhân xử thế như tính hay chê bai, gièm pha, phá ngang…kể cũng thấy thể hiện. Do đó thường có câu phê phán rằng ‘’Làng ta mà’’ hay ‘’Sặt mình đấy’’. Tuy nhiên, quan niệm này xem ra khá chủ quan, phiến diện, vì lẽ những cái tiêu cực như thế chỉ ở thiểu số và vốn là cái tâm lý thường nghiệm của con người trần thế nói chung, từ muôn thuở đến muôn nơi mà thôi, chứ hoàn toàn không phải ở… "Làng ta’’ hay ‘’Sặt mình’’ đâu !
D. TẦNG LỚP
Về tầng lớp xã hội, nói chung, không có sự phân biệt giầu nghèo, sang hèn, vì toàn dân xứ đã thấm nhuần tinh thần bình đẳng của Kitô Giáo ngay từ thuở lập làng. Trên thực tế thì cũng có tình trạng chênh lệch về đời sống, như một câu ca dao quê hương đã mô tả cách châm biếm nhưng chỉ để khôi hài rằng:
‘’Khu Thượng là khu… giầu thay,
Ăn cơm bát mẻ, rửa tay mảnh nồi.
Khu Hạ là khu… nghèo thay,
Ăn cơm bát sứ, rửa tay chậu đồng.’’
Thực ra thì ở cả Ba Khu đều có những gia đình giầu có, gọi là ‘’đứt nố, đổ vách’’, có nhà gạch, lợp ngói; xen lẫn với những gia đình nghèo khó, gọi là ‘’ăn sáng, lo tối’’, nhà tranh vách đất. Ý câu ca dao muốn nói về một số nhà giầu thời xa xưa, nhưng lại… không sang, qua cách ăn cách mặc. Có nhà đem chôn hàng chum vại tiền bằng bạc để dành mà không biết kinh doanh sinh lời. Có người suốt đời chỉ mặc áo vá hay… đóng khố mà thôi. Có ông khi cưới vợ, may được một cái quần dài, mỗi lần đi lễ thì mang theo, đến cổng nhà thờ mới mặc vào, xong lễ tới cổng nhà thờ lại cởi ra đem về, mãi khi ông lên lão rồi mà cái quần đó vẫn… còn mới ! Một câu ca dao khác không kém phần dí dỏm nói về giới nghèo:
‘’Hới cô mang thắt lưng xanh,
Có về Khu Thượng với anh thì về.
Khu Thượng chỉ có vài nghề: Sáng đi đánh dậm, tối về tổ tôm.’’
Quả thật, người Khu Thượng rất giỏi về các kỹ thuật đánh dậm, đơm lờ và câu cá. Nhưng chơi tổ tôm cũng là môn giải trí cờ bạc mà nhiều người có nghệ thuật tới mức… thượng thừa.
Thực ra thì mấy câu ca dao trên đã nói lên được những nét đặc thù của Dân Sặt ta nói chung, chứ không hẳn là riêng ở một khu nào.
E. VIỆC HỌC HÀNH
Từ xa xưa, thời kỳ còn học chữ Nho, Kê Sặt đã có một số các vị khoa bảng như cụ Nghè Nhân, cụ Cử Nghĩa, cụ Tú Cương.  Ngoài ra các vị Khóa thì cũng khá nhiều, chẳng hạn uyên thâm như cụ Khóa Chinh, thơ hay như cụ Khóa Thanh, dạy giỏi như cụ Khóa Chu v.v…
Đến thời kỳ Tây thuộc, học chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp, có nhiều người đã đậu Bằng Tiểu Học, thường gọi là Bằng Xéc (Certificat), mấy người đậu Bằng Trung Học, gọi là Bằng Thành Chung (Diplôme ).
Ai thi đậu, gia đình bèn ăn khao mừng rỡ, rồi còn được lên Đình Làng trình diện các cụ và lãnh thưởng một đồng bạc Đông Dương, đã là đáng giá lại rất vinh dự và còn được miễn cả công dịch.
Từ thời độc lập 1945, việc học tập bằng quốc ngữ theo chương trình giáo dục mới trở thành phổ thông và vì quan niệm đã thay đổi, do đó sĩ số nam cũng như nữ càng ngày càng đông hơn.
Về trường ốc, trong thời kỳ Hán học, môn sinh chỉ được dậy tại nhà các ông khóa. Những gia đình giầu có lại đón thầy đồ về tư gia để dậy con cháu chữ nghĩa thánh hiền và cũng dậy cả võ nghệ nữa.
Thời kỳ Tây học, có hai trường công lập: trường sơ học bên cạnh huyện lỵ, thường gọi là Trường Công và trường tiểu học ở nhà ga cũ, thường gọi là Trường Ga.
Ngoài ra, còn có bốn trường tư thục tại tư gia của: ông Giáo Nhẫn ở Khu Thượng, ông Giáo Biểu ở Khu Hạ, ông Giáo Lục ở Bến Bè và ông Giáo Hiện ở Phố Sặt, có tên là trường Gia Long.
Sau biến cố năm 1945, những trường lớp trên không còn nữa, nhưng các lớp học bình dân dậy theo phương pháp i tờ được mở ra nhất thời tại các điếm tuần, đã giúp nhiều người biết đọc và viết căn bản.
Đến năm 1950, một trường tiểu và trung học  tư thục công giáo duy nhất được thành lập, đó là Trường Văn Côi. Cơ sở trường với các lớp học được đặt ngay tại các gian của khu Nhà Dẫy cạnh Thánh Đường chính.
Ngoài học sinh Sặt, học sinh các làng lân cận cũng đi bộ hàng mấy cây số tới hay ở trọ mà theo học. Khi đi thi, thí sinh còn phải lên tận thị xã Hải Dương để dự .
Tính tới năm 1954, Kẻ Sặt đã có hàng trăm người đậu Tiểu học, mấy người đậu Trung Học và Tú Tài… Riêng biệt, chỉ có các linh mục Kẻ Sặt với hàng trăm vị,  là được đào tạo tới trình độ cao cấp.  Nhiều vị rất xuất sắc và lỗi lạc trong sứ vụ đối với Giáo hội và Xã hội.
(Trong Phần Hai về Lịch Sử, chúng ta sẽ đề cập tới thành quả học tập rực rỡ của các thế hệ mới, ở Miền Nam và Hải Ngoại…)
Đó là về phương diện kiến thức phổ thông tổng quát, riêng về phương diện học đạo, học bổn hay giáo lý công giáo, thường gọi là học kinh thì tất cả mọi người từ tuổi thơ ấu, đều được quan tâm cẩn thận. Việc học đạo này được tổ chức tại nhà dẫy, do các cô mụ phụ trách khá nghiêm khắc. Ngoài ra, giới trẻ nam nữ còn được học kinh tại nhà các ông trương và bà trương ở bốn khu. Gọi là học kinh, nhưng chủ yếu là học thuộc lòng, không có cắt nghĩa, cũng thi kinh và được thưởng.
Phương pháp giảng dậy thì chỉ theo cách truyền khẩu, kèm theo là một kỷ luật sắt, nghĩa là đánh đòn học trò hay môn sinh bằng thước kẻ hay roi mây !! Nhưng nhiều người lại rất thông minh sáng dạ, đến nỗi có thể thuộc lòng cả cuốn sách kinh Toàn Niên hay truyện ông thánh A-lê-xù !
F. HOẠT ĐỘNG THANH NIÊN, GIẢI TRÍ
Hoạt động của các đoàn thể thanh thiếu niên Kẻ Sặt rất sôi nổi và hào hứng.  Thanh niên Sặt lại xuất sắc về các bộ môn kịch nghệ và thể thao.
Diễn kịch thường được tổ chức tại khoảng giữa Thánh Đường chính và Nhà Dẫy, hoặc tại sân các tư gia rộng. Kịch do người Sặt soạn lấy theo các truyện cổ hoặc theo hạnh các thánh, xuất sắc như vở kịch Ông Lý Mỹ, anh hùng tử đạo Việt Nam.
Về âm nhạc thì từ xa xưa, chỉ có những nhạc khí cổ truyền như sáo, dịch, nhị, độc huyền (đàn bầu), trống, phách với những bản nhạc cổ không lời như Lưu Thuỷ, Kim Tiền… Đến năm 1943 mới có các nhạc khí Tây Phương như banjo, banjo-alto, mandoline, harmonica, accordéon, violon và harmonium.
Phần phụ diễn thì chỉ có hài kịch, cũng khiến khán giả cười bằng thích. Không có phụ diễn tân nhạc, cho mãi tới năm 1945 mới có những bài hùng ca và tới năm 1951 mới có những bài tình cảm như Chiều Quê, Sơn Nữ Ca, Làng Tôi v.v… Cũng chưa có máy khuếch đại âm thanh mà phải dùng loa cuốn bằng giấy bìa.
Riêng về phương diện Phụng Vụ, qua các cuộc rước kiệu thì đã có một Ban Kim Nhạc cử các bản nhạc Tây thôi.
Nhưng lại có ba Phường Trống rất rộn ràng phấn khởi.  Ngoài ra, từ năm 1949, thánh ca tân nhạc đã bắt đầu áp dụng, qua các buổi đền tạ Mẫu Tâm và Thánh Tâm rồi tiến tới hát chầu lễ, thay thế việc hát bằng tiếng Latinh trước đây, tạo nên một bầu khí chiêm niệm mới.. (Phần Lịch sử sẽ bàn rõ về vấn đề này sau).
Hai môn thể thao thịnh hành nhất là bóng truyền và bóng đá, thường được tổ chức tại Sân Vận Động Trường Công và Sân Ao Lấp. Nhưng chưa có các tiện nghi để tập thể dục. Cũng có một sân tennis ở huyện, nhưng chỉ dành cho giới chức việc mà thôi.
Những năm đầu thập niên 40, thỉnh thoảng tại sân huyện có chiếu bóng công cộng, nhưng chỉ là những phim nói tiếng Tây, không có phụ đề tiếng Việt. Mãi tới đầu thập niên 50 mới có một rạp hát duy nhất gọi là Rạp Ciné Ánh Sáng do ông Lý Nhượng xây dựng ở khoảng giữa Khu Trung và Khu Hạ. Nơi đây thường chiếu những phim nói tiếng Việt của nền điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu, như phim Cánh Đồng Ma chẳng hạn. Ngoài ra, cũng có những đoàn hát tuồng Cải Lương đến trình diễn.
Về công viên thì chỉ có một Vườn Hoa Con Cóc ở ngoài phố và sân trước cổng Huyện Ly. Nhưng cảnh trí xung quanh làng thì có nhiều nơi khá nên thơ và đẹp mắt, nhất là hai đền thánh: Đền Vicentê ở ngay Cầu Xộp và Đền Camêlô  ở gần Cầu Tranh.
Cũng chưa có thư viện. Sách báo còn ít người đọc và chỉ đọc tại nhà. Mãi tới năm 1953, chính quyền xã mới tổ chức những phòng thông tin và sách báo ở ba điếm tuần.  Chưa có máy thu thanh, mặc dù vào đầu thập niên 50 Hà Nội đã có đài phát thanh, nhưng dân chúng ở đó cũng chỉ được nghe qua hệ thống loa công cộng.  Máy hát nghe nhạc thì đã có, nhưng là loại quay bằng dây cót cho kim chậy trên đĩa nhựa lớn, âm thanh nghe thì nhỏ mà có vẻ lạc giọng.
Còn một thú tao nhã nữa là thả diều. Trẻ con thì thả diều nhỏ và thấp đã dành, nhưng người lớn thì thả diều sáo to và rất cao.  Tiếng sáo vi vu êm đềm cả làng đều nghe thấy và lấy làm vui. Chiếc diều nổi tiếng nhất vì có cánh rộng với bộ sáo diều to và nhiều âm thanh, được gọi là Diều Ông Nhiêu Thiệu.
http://www.giaoxukesat.com/dia-ly-nhan-van/



18-08-2012
A. KHÍ HẬU, THỜI TIẾT
Kẻ Sặt Miền Bắc thuộc vùng khí hậu ôn đới. Tuy thuộc Bắc Bán Cầu nhưng mới ở khoảng cuối, nên chưa phải là hàn đới như Trung Hoa. Cũng vậy, vì đã ở xa đường xích đạo hơn nên cũng không còn là nhiệt đới như Miền Nam.
Có Bốn Mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông như ở Hoa Kỳ. Mưa rải rác quanh năm. Đặc biệt Mùa Xuân thì mưa phùn, đôi khi có gió Bấc (Bắc). Cây cối nẩy lộc đơm hoa đẹp tuyệt vời. Mùa Hạ thì mưa rào, nhưng khi trời nắng, sức nóng có thể lên tới 40 dộ C tức trên 100 độ F. Đôi khi những cơn gió Tây thổi tới còn mang theo ‘’ cái nóng nung người nóng nóng ghê’’ vì gió hướng tây thổi qua dãy núi đá vôi ở nước Lào nên đem theo cái nóng đó , làm mọi đồvật trong nhà cũng nóng ran lên. Mùa thu lại mát mẻ vô cùng, với gió Nam dịu hiền thổi về và cảnh sắc thì hết sức nên thơ mơ màng. Mùa Đông lạnh lẽo, ai cũng phải mặc áo len, áo dạ, áo bông và nằm ổ rơm. Lạnh nhất vào khoảng 10 độ C tức 45 độ F, nhưng không có tuyết rơi, thỉnh thoảng cũng có cả mưa đá.
 B. CƠ SỞ HẠ TẦNG
Như đã nói, Kẻ Sặt ở một vị trí hết sức thuận tiện cho sinh hoạt kinh tế và thương mại. Đây chính là trung tâm của cả một vùng rộng lớn thuộc hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, từ huyện nhà là Bình Giang đến các huyện xung quanh như Thanh Hà ,Thanh Miện, Cẩm Giàng v.v…; với một hệ thống giao thông thuận tiện, gồm có đường thuỷ là con Sông Sặt, đường bộ trải đá (không nhựa), đường đắp đất như các con đê, và cả đường sắt trước kia nữa.
Phương tiện di chuyển và chuyên chở thường rất thô sơ, nặng nhọc và chậm chạp như đi bộ mà đi chân đất, gánh gồng, khuân vác hay xe bò kéo. Cũng có dùng cả thuyền và bè trên đường sông. Khoảng năm 1925, chính quyền bảo hộ Pháp thiết lập một đường sắt, nối với đường tầu từ Cẩm Giàng về Kẻ Sặt, nhưng không được bao lâu, vì tốn kém và không cần thiết nên tuyến đường này bị phế bỏ, chỉ còn lại Nhà Ga. Tới thập niên 1940  mới có xe đạp, còn gọi là xe lết phiên âm từ tiếng Pháp ‘’bicyclette’’và xe hơi hay xe ô tô phiên âm từ tiếng ‘’automobile’’, chậy bằng than. Lúc đó chỉ ít nhà giầu mới có thể ‘’tậu’’ được xe đạp.  Hiệu xe đạp đầu tiên có tên  là  ‘’Motoconfort’’. Ngoài ra còn có xe tay là một loại xe như xích lô, nhưng không đạp mà có  hai càng xe cho người phu xe cầm và chậy bộ.  Đến năm 1948 thì ô tô đã chậy bằng xăng. Bến xe Sặt ở ngoài phố trở thành một nơi nhộn nhịp với người đi, kẻ về suốt ngày.
Có 3 chợ: Chợ Đình ở Khu Thượng, Chợ Trâu ở gần Nhà Ga và nhất là Chợ Chính ở Khu Tư được thiết lập cạnh sông với trên bến, dưới thuyền sầm uất, rộng rãi và thuận tiện. Chợ này nguyên gọi là Chợ Nhà Thương Xót, do sáng kiến của Cha Tràng Liêm, để lấy hoa chi tài trợ cho công tác bác ái.  Đến năm 1935, chính quyền địa phương dựng những dẫy quán bằng xi măng cốt sắt, lợp tôn rồi cho đấu thầu thu lợi nhiều, mà chỉ còn dành cho công tác xã hội một khoản tương đối thôi. Năm 1953, trong thời kỳ chiến tranh, chợ chính này đã từng phải di chuyển ra Cầu Xộp, và quân đội viễn chinh Pháp đã lập một đồn binh ở đây .
C. SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI
1. Nông Nghiệp
Hầu hết người dân Sặt sống về nông nghiệp như cầy cấy, trồng tỉa và chăn nuôi. Nông sản chính là thóc gạo, kế đến là rau trái, rồi thuốc lào. Thuốc lào Sặt chỉ được tiêu thụ ở Mạn Ngược vì khói nặng nên đồng bào thượng du ưa thích. Cây ăn trái thường chỉ trồng tại vườn nhà.
Phương pháp canh tác còn nặng về cổ truyền, khá nhọc nhằn và thiếu phát triển theo khoa học. Năm 1953, chính quyền xã mới áp dụng việc dẫn thuỷ nhập điền bằng máy bơm, thay thế việc tát nước bằng gầu sòng và gầu dai.
Về chăn nuôi, hầu hết các gia đình chỉ chăn nuôi gia súc như gà, vịt, ngan, chim câu, nhất là lợn. Nghề mổ lợn, trâu và bò rất thịnh đạt. Những quán thịt chó cũng trứ danh lắm.
2. Công Nghệ
Tuy không có cơ sở kỹ nghệ quy mô nào, nhưng hoạt động công nghệ lại rất sầm uất. Những nghề thủ công chính như: đan lát rổ, rá, nong, nia, sàng, mẹt, thúng, cót, nghề xây dựng như thợ mộc, thợ xây…
Ngoài ra, còn những nghề khác như: may cắt, tiện, đúc, rèn, điêu khắc và nặn tượng, chụp hình, sửa đồng hồ, kim hoàn, nung gạch ngói, lò xũ (xưởng cưa) và đông y dược…
Riêng về công nghệ thực phẩm thì phải kể đến các nghề: hàng xáo hay xay sát thóc gạo, nấu rượu, làm giò chả, làm kem cây, làm bánh kẹo, đặc biệt là bánh khảo, bánh phòng và kẹo kéo, rồi chuyên biệt là bánh đa. Bánh đa Sặt được nổi tiếng từ lâu vì trong ca dao Việt Nam đã có câu:
‘’Dưa La, húng Láng, Nem Báng, tương Bần,

Nước mắm Vạn Vân, Cá rô Đầm Sét, 

Bánh đa Kẻ Sặt.’’

3. Thuỷ và Khoáng Sản
Các ao thả cá thì có ở khắp làng và đến mùa tát ao  mọi xóm ngõ đều nhộn nhịp hẳn lên. Nghề này cũng khá phát đạt như câu ‘’Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc.’’ (Nhân nói đến gá bạc, cũng có thể cho đây là một nghề tuy rằng luật lệ làng không chấp nhận, nhưng một cách bất thường, có nhà vẫn chuyên về việc này để thu hồ lấy lợi.)
Cá nói trên thuộc về nghề chăn nuôi mà cũng có thể gọi là thuỷ sản ở làng ta.  Nhưng độc đáo hơn nữa là trong các sông, cừ và ruộng ngập nước thì các loài cá, tôm, cua, ốc đủ loại có rất nhiều.  Các nghề kéo vó, đơm lờ, đánh dậm và câu cá rất là thích thú và kiếm ăn được lắm.
Đặc biệt, Kẻ Sặt còn có cả sản phẩm dưới lòng đất  nữa. Năm 1944, khi quân đội Nhật đóng tại Kẻ Sặt, viên đại tá Kyoto Kusiki cầm đầu một nhóm chuyên viên thăm dò cánh đồng phía Đông Nam Kẻ Sặt, đã khám phá ra những dữ kiện về một mỏ dầu hỏa ở độ không sâu dưới lòng đất.
4. Thương Mại
Từ sản xuất hàng hóa của cải như trên đến việc giao hoán trao đổi, đó là hoạt động thương mại. Về phương diện này thì phải nói hết sức phồn thịnh. Như đã bàn, những yếu tố thuận lợi của sinh hoạt kinh tế này là: vị trí thuận lợi và tiện nghi, có tới ba ngôi chợ, nông nghiệp và công nghệ phát đạt, nhất là năng khiếu buôn bán của người Sặt thì hết chỗ chê…
Dân chúng từ các vùng xung quanh, dù phải gánh gồng và đi bộ thường cũng cứ phải ‘’đi chợ Sặt’’ để bán hàng và mua sắm.
Trong thương mại làng ta, còn có hai nghề khác nữa, với nguồn gốc xa xưa, đó là nghề bán cau và nghề bán muối. Câu ca dao quê hương sau đây đã nhắc tới:
‘’Ai dậy Bà Nhiêu Truốc bán cau;

Ai bảo Bà Tư  Mầu bán muối.’’

Do nhận ra được nhu cầu của thị trường, nên hai bà là những người đã khởi xướng việc bán cau trầu và bán muối ăn ở Kẻ Sặt, khoảng năm 1892 và 1903.
Không có hiệu sách thuần tuý nào.  Giấy bút  được bán chung với tạp hóa. Báo chí cũng được bầy ở đây hay bán rong, mà cũng rất ít độc giả. Các sách truyện cổ được bầy bán trên chiếu ở chợ như truyện Trê Cóc, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa; hoặc những truyện mỗi ngày một tập như truyện trinh thám Đoan Hùng, Lệ Hằng, truyện kiếm hiệp Long Hình Quái Khách và các truyện Tầu dài như Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử v.v…Đặc biệt có tờ tuần báo thiếu nhi Cậu Ấm Cô Chiêu được học trò say mê đọc.
Riêng những sách kinh, hạnh thánh, ảnh tượng thì được những người hàng bồ (hàng để trong bồ và gánh đến) bầy bán ở sân nhà thờ sau thánh lễ ngày Chủ Nhật. Cũng có bán cả món quà trẻ con rất thích là bánh phòng sâu bằng cọng rơm nữa.
Buôn bán lớn như hàng bè (gỗ, nứa) và hàng sành sứ (chum, vại, bát, đĩa…)
Về những cửa hiệu dầu lửa và tạp hóa bán các đồ dùng tân tiến văn minh, thì chỉ được mở ra vào đầu thế kỷ 20, khi mà Khu Phố Sặt được hình thành; và vì lúc đó Pháp đã đặt xong nền cai trị ở Bắc Kỳ, nên hàng hóa đều là những ‘’hàng tây’’ đẹp đẽ và mới lạ.
Những hàng quà rong và quán ăn bình dân như bún, phở, cơm, kể cả các quán thịt chó thì đã có từ xưa. Không có nhà hàng theo đúng nghĩa, nhưng những quán ăn thanh lịch hơn, quán giải khát và quầy rượu (buvette) mới được mở ra từ Khu Hạ tới Ngoài Phố trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp khoảng năm 1950 đến 1954, để đáp ứng nhu cầu của quân đội viễn chinh Lê Dương.

http://www.giaoxukesat.com/dia-ly-kinh-te/

---

Kẻ Sặt hai miền


Quê hương tôi

06-04-2014
1. Nguồn gốc
Lịch sử làng xứ ta, hiểu thẹo đúng nghĩa, vẫn là một vùng tối. Những điều chúng ta muốn biết, đều không đủ ảnh sáng để đọc ra. Tất cả chỉ còn dựa vào ký ức của những cụ cao niên. Ký ức này các cụ cũng thừa hưởng từ nhiều thế hệ xa xưa trước, thừa hưởng bằng truyền khẩu, còn văn bản tuyệt nhiên vắng bóng. Di sản truyền miệng này, đôi điều, lại na ná như những chuyện thần thoại.
Từ trước tới nay, đã có nhiều ước mơ khai quật gia phả của tổ tiên nhưng tiếng nói vẫn chưa vang lên được, vì thiếu tài liệu.
Mãi tới ngày 20/12/1972, Cha Đào Nguyên Thống, trong bài "Lịch sử Làng Tráng Liệt” đăng trong đặc san Về Nguồn của Liên Tu sĩ Kẻ Sặt, dựa vào ít điều truyền khẩu, dè dặt đưa ra một giả thuyết: "Quê huơng mình bắt đầu thành hình từ hậu bán thế kỷ 16, khoảng năm 1554. Ông tổ người làng Vân Đồn, tỉnh Nam Định, hiệu là Tráng, kết hôn với bà Liệt, quê ở đâu không rõ… Hai ông bà chung sống với nhau, sinh được bảy ngựời con, 5 trai 2 gái. Vào thời giặc giã nhiễu nhương, hai ông bà đưa con cái và đôi ít người thân cận di cư tới một nơi gọi là La-ga và lập trại ở đó. Thấy làm ăn phồn thịnh, một số người khác xin nhập trại, phần lớn là người tỉnh Nam Định. Sau đó, tên của hai ông bà được dùng để đặt cho khu vực tân sinh này. Danh hiệu Tráng Liệt chào đời từ lúc đó…"
Tiếp theo là ông Vi Sơn, tác giả cuốn "Nghĩ về quê hương Tráng Liệt Bình", xuất bản ngày 09/08/1973, cũng căn cứ vào một vài nguồn truyền khẩu, nêu lên giả thuyết thứ hai: "Vào năm 1553, có hai ông bà tên là Phạm Ngọc Minh và Lê Thị Thông đã theo đạo Công giáo, từ Thanh Hoá phiêu bạt ra Hải Dương vi lý do sinh kế. Lúc đầu, ông bà sống tại làng Châu, cách Kẻ Sặt khoảng 3 cây số về hướng Đông Nam. Sau ông bà lại đến lập nghiệp ở khoảng 4 cây số, về phía Bắc làng Châu. Đó chinh là khu vực cầu sắt và nhà ga, thuộc Kẻ Sặt ngày nay… Bà còn có tên là Liệt, nên thôn ấp của ông bà lúc đó gọi là Liệt thôn, rồi Trang thôn… Vua Lê Thế Tôn (1573 – 1599) vì thấy chữ Trang trùng với tên tổ phụ là vua Lê Trang Tông (1533 – 1548) nên Ngài đã ra dụ, đổi thành chữ Tráng, để tránh Húy và còn cho thêm chữ Bình, để phân biệt với làng Tráng Liệt, thuộc huyện Thanh Hà…".
Sau ông Vi Sơn, là ông Đào Đức Long, trong bài "Kẻ Sặt miền Bắc ngày xưa", đăng trong tập san "Kẻ Sặt ngày nay" số 2, xuất bản tháng 10/1974, lập lại hai giả thuyết trên. Và mặc nhiên coi như đồng tồn tại.
Hi vọng trong tương lai sẽ còn nhiều bài khảo cứu sâu sắc hơn nữa, để những gì bí ẩn về lịch sử sẽ dần dần được sáng tỏ.
2. Diện tíchViệc đo đạc chính xác, chúng ta chưa có điều kiện thực hiện, nhưng theo hiểu biết của những vị cao niên, thì diện tích làng xứ mình khoảng 413 mẫu ta, kể cả thổ cư, ruộng rẫy và đường xá.
3. Địa cư: Kẻ Sặt, phía Đông giáp làng Châu Khê. Phía Tây giáp làng Phúc Bố. Phía Nam giáp làng Thị Tranh. Phía Bắc giáp làng Vi Lại.
4. Hành chánh: Trựớc năm 1954, Kẻ Sặt thuộc Tổng Thị Tranh, huyện Năng An, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
5. Dân sốTính tới năm 1954, dân sổ Kẻ Sặt khoảng 10.000 ngườị.
6. Phân chia
Năm 1954, phần lớn dân xứ vào Nam sinh sống. Đa số tập trung ở địa bàn Hố Nai, phía Bắc thành phố Biên Hoà và phân bổ thành 3 khu vực: cây số 8, cây số 7, cây số 6. Cây số 8 là địa điểm chính, mang tên Kẻ Sặt I, dân số hiện nay khoảng 8000 người. Mọi truyền thống Kẻ Sặt đều được lưu giữ tại đây. Thời gian đầu, tất cả đều là người Kẻ Sặt, nhưng năm… Họ đạo Mai Trung được Bề trên địa phận sát nhập thêm vào, nhưng sĩ số không được bao nhiêu, chỉ khoảng 400 người. Tất cả người Kẻ Sặt rải rác trong các tỉnh phía Nam như: Lạc Lâm, Bình An, Phú Thọ, Thủ Đức… đều coi Kẻ Sặt I, Số 8, Hố Nai, là vùng đất tổ mới. Những vấn đề liên hệ tới huyết thống Kẻ Sặt, đều tìm về đây để thấy lời giải đáp. Một Thánh đường rất nguy nga (x. Phụ lục 1, Hình 1), Kiến trúc theo phong cách Đông Tây hòa hợp, được xây cất ngày 11/02/1973 và kiện toàn ngày 19/12/1974. Kiến trúc này vừa là Thành Đô vừa là niềm hãnh diện không nhỏ của người Kẻ Sặt, không những về đường nét kiến trúc mà còn về cả năng lực xây dựng: "hoàn toàn tự túc". Kiến thiết một Thánh đường, tầm cỡ như Thánh đường Kẻ Sặt, mà tự lập nguồn tài chánh, không phiền hà tới bất cứ lòng hảo tâm nào bên ngoài, phải nói ít nơi có thể làm được.
Kẻ Sặt số 7 chỉ gồm ít gia đình, tổng số khoảng 70 người, cũng có một nguyện đường mang tên "Đền Thánh Vicentê" (x. Phụ lục 1, Hình 2) đây là hậu thân của Đền Vicentê ngoài Bẳc. Hiện tại Vicentê trực thuộc Giáo xứ Bắc Hải, do Cha Phạm Ngọc Hoan, cũng người Kẻ Sặt coi sóc.
Kẻ Sặt số 6, đông hơn Vicentê, dân sổ khoảng 800 người, mang tên Kẻ Sặt II, cũng có một Thánh đường (x. Phụ lục 1, Hình 3), tuy không lớn nhưng khá đẹp mắt, do ông Thơ Khuê, người Kẻ Sặt thiết kế. Cha già Thức sau khi trao quyền quản trị Kẻ Sặt I cho Cha Hoàng Trọng Thu, đã đưa một số gia đình tới định cư tại đây. Ngài đã viên tịch và mộ phần còn được dân xứ lưu giữ tại khuôn viên Nhà thờ. Hiện tại Kẻ Sặt II không còn thuần túy là người Sặt, nhưng đã hội nhập với nhiều bà con thuộc nhiều Giáo xứ khác nhau. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là người Sặt. Kẻ Sặt II trên danh nghĩa cũng là một giáo xứ đầy đủ chức năng, dưới quyền quản nhiệm của Cha Tuyên.
Tại miển Bắc, phần nhỏ dân xứ tiếp tục lưu giữ miền đất tổ. Tính tới nay, dân số khòảng 5000 người. Hiện tại huyết thống không cốn thuần nhất. Khoảng trống do biến cố 1954 tạo ra, đã được đổng bào các vùng lân cận lấp đầy. Kẻ Sặt miền Bắc trở thành biểu tượng của sự hòa hợp, vừa dân tộc, vừa tôn giáo. Tại cầu Sắt, hiện đã có một ngôi Chùa mang tên "Chùa Kẻ Sặt".
Về phương diện hành chánh, Kẻ Sặt miền Bắc hiện nay, thuộc xã Tráng Liệt, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng.
Sau ngày đất nước thống nhất, Kẻ Sặt trong Nam đã chia xẻ phần nào gánh nặng kinh tế cho Kẻ Sặt ngoài Bắc, tuy không lớn lắm, nhưng đã nói lên thật rõ tình cảm gắn bó của những người cùng có trong mình dấu ấn Kẻ Sặt.
Hồng Nguyên
Trích đặc san “Kỷ niệm 20 năm Thánh đường Kẻ Sặt I, Hố Nai, Biên Hoà
http://www.giaoxukesat.com/que-huong-toi/





Thứ trưởng Bộ nội vụ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về thăm, tặng hoa, tặng quà và chúc mừng giáng sinh tại giáo xứ Thánh An Tôn và giáo xứ Kẻ Sặt

IMG_4733.JPG

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thăm và chúc mừng Noel 2017 Giáo xứ Thánh Antôn.JPG

Sáng ngày 23/12/2017, Đ/c Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ nội vụ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về thăm, tặng hoa, tặng quà và chúc mừng giáng sinh tại giáo xứ Thánh An Tôn và giáo xứ Kẻ Sặt. Cùng đi tháp tùng đ/c Thứ trưởng có Đ/c Bùi Thanh Hà - Phó trưởng ban thường trực Ban tôn giáo Chính phủ; Đ/c Đào Thị Đượm - Phó vụ trưởng vụ công giáo; Lãnh đạo ban Tôn giáo tỉnh Hải Dương và lãnh đạo thị trấn Kẻ Sặt.
Tại 2 giáo xứ đến thăm và chúc mừng giáng sinh, Đ/c Thứ trưởng Bộ nội vụ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Trọng Thừa đã chúc mừng các linh mục và đồng bào công giáo của giáo xứ Thánh An Tôn và Giáo xứ Kẻ Sặt đón một mùa giáng sinh an lành, hạnh phúc, tích cực cùng nhau chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện tốt các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; " Sống tốt đời đẹp đạo" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Thay mặt giáo dân của 2 giáo xứ, Linh mục Nguyễn Văn Nguyên Hạt trưởng hạt Kẻ Sặt và linh mục Phạm Văn Toản - linh mục chính xứ giáo xứ Thánh An Tôn đã phát biểu cảm ơn sự quan tâm của đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, đã có những lời chúc tốt đẹp nhân dịp Lễ giáng sinh và sẽ luôn luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của địa phương. Phát huy tinh thần "sống phúc âm giữa lòng dân tộc"; "Kính chúa yêu nước" để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"
Sau đây là một số hình ảnh:

IMG_4725.JPG

IMG_0264.JPG

IMG_4678.JPG


IMG_4699.JPG

IMG_4702.JPG

IMG_4705.JPG

IMG_4706.JPG

IMG_4709.JPG

IMG_4718.JPG

IMG_4721.JPG

IMG_4729.JPG

IMG_4737.JPG

IMG_4761.JPG

http://thitrankesat.binhgiang.haiduong.gov.vn/ArticleDetail/1/0/4088/1669/Thu-truong-Bo-noi-vu-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu.aspx





UBND Thị trấn Kẻ Sặt - Huyện Bình Giang
Địa chỉ: Thị trấn Kẻ Sặt - Huyện Bình Giang - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại: (03203) 999.999 - Email: thitrankesat@haiduong.gov.vn


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.