Một học giả đàn anh của lứa chúng tôi. Chúng tôi biết anh từ nửa cuối thập niên 1990, khi vừa tốt nghiệp đại học và về công tác tại Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Ở khoảng nửa cuối thập niên 1990, anh thường xuất hiện cùng anh Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) và đặc biệt là thầy Trần Quốc Vượng, trong các hội nghị/hội thảo, các chuyến điền dã, các cuộc du chơi, các cuộc nhậu. Nhiều khi, ngẫu nhiên gặp anh tại nhà thầy Vượng ở khu Kim Liên ngày trước. Thầy Vượng là người đầu tiên cho tôi biết (khoảng năm 1997-1999) rằng, anh chính là con trai của học giả Nguyễn Kiến Giang (về cụ Kiến Giang có thể đọc ở đây hay ở đây).
Có thể xem Nguyễn Quốc Tuấn là một học trò thực sự của Trần Quốc Vượng. Đôi khi, thú vị là thầy Vượng còn phàn nàn yêu đại khái rằng, Tuấn nói nhiều và hát nhiều cũng như uống nhiều hết phần của Vượng.
Sau này, anh đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. Một vị Tổng Biên tập độc đáo, chịu chơi, và đặc biệt sát sao về mặt học thuật. Nhiều khi, anh đọc bản thảo của tôi rất kĩ và trực tiếp trao đổi trở đi trở lại qua điện thoại. Một lần anh phát hiện tôi đánh máy nhầm một chữ Hán (lẽ ra là "như" thì thành ra "nhi"), lúc tôi đang ở trong bệnh viện chăm sóc người nhà. Anh không quên dặn: "Lỗi rất nhỏ, nhưng may có anh phát hiện giúp nhé ! Khi nào trở về nhà từ bệnh viện rồi thì cần xác nhận lại và báo anh".
Quê quán: Làng Quảng Xá, Xã Tân Ninh, Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình.
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, nguyên Trưởng khoa Tôn giáo học Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các y, bác sỹ và gia đình hết lòng cứu chữa nhưng do bệnh nặng đã từ trần hồi 21 giờ 22 phút ngày 8-2-2019 (tức ngày 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại bệnh viện Vinmec Hà Nội, hưởng thọ 63 tuổi.
Lễ viếng được tổ chức từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 45 ngày 12-2-2019 (tức 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu vào 16 giờ 45 cùng ngày.
An táng tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Bà quả phụ Nguyễn Thị Bích Hằng cùng gia quyến trân trọng kính báo.
TS Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) Thứ Ba, ngày 12/02/2019 19:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) Đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã mãi đi xa, gửi lại đồng nghiệp và bạn bè nhiều dự định nghiên cứu khoa học còn dang dở. Chiều nay, 12.2, lễ truy điệu TS Nguyễn Quốc Tuấn đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Một trí thức có khí phách Trong số những học trò của các học giả khoa học xã hội nổi tiếng như Từ Chi và Trần Quốc Vượng, anh là một người có sự khác biệt rất đáng kể về cá tính, tri thức và phát ngôn. Có lẽ, anh thừa hưởng rất nhiều tri thức và trí tuệ từ người cha - nhà nghiên cứu Triết học và Văn hóa Nguyễn Kiến Giang. Ở phạm vi rộng hơn, đối với giới chức sắc tôn giáo, giới truyền thông hay các không gian chia sẻ thông tin trực tuyến như Facebook, anh không chỉ được biết đến như một nhà nghiên cứu rất uy tín về Phật giáo với những đóng góp đáng kể cho xây dựng ngành Tôn giáo học ở Việt Nam, mà còn là một trí thức có khí phách và dám lên tiếng thẳng thắn về những vấn đề mà xã hội đang đối mặt.
Tôi thậm chí đã đùa với anh rằng làm việc như thế chẳng khác gì làm kiểu Tây mà hưởng lương kiểu ta. Anh đã nói không có cách nào khác cả, và nếu không "tự tóm tóc kéo mình lên" như thế ta sẽ mãi thua kém đồng nghiệp quốc tế khi đến làm nghiên cứu ở Việt Nam, nghĩa là "thua ngay ở sân nhà" như anh nói.
Những quan điểm, nhận định thông minh và độc đáo của anh luôn tạo ra ấn tượng và kích thích những thảo luận sâu rộng hơn, chẳng hạn như đóng góp về một số khái niệm trong dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, gọi tên xu thế "sa mạc hóa tâm linh" khi bàn về sự hỗn loạn của lễ hội và thực hành nghi lễ tôn giáo đương đại... Công tác tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ở cương vị nào, dù là Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, Ủy viên Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Viện trưởng hay Trưởng khoa Tôn giáo học trong Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, anh luôn cháy hết mình cho công việc và những dự định về đổi mới về quan điểm, về cách nghiên cứu và giảng dạy tôn giáo của anh tạo ra cảm hứng cho rất nhiều người. Tất cả mọi người biết đến anh đều nhớ biệt danh "Tuấn khuỳnh". Cái "khuỳnh" của anh ở đây không liên quan nhiều đến việc anh từng là lính mà chủ yếu là cái khí chất ngang tàng, không bao giờ cúi mình trước người có quyền chức, sự nhất quán và logic trong cách thẳng thắn phát biểu quan điểm của mình, và lối tư duy phản biện rất tích cực và sắc sảo. Anh có trí nhớ thuộc hàng xuất sắc và điều này thể hiện rõ với những gì anh đọc thì thường nhớ rất dai và chính xác. Xuất thân từ ngành Sử học, sau này lại “dan díu” nhiều với Khảo cổ học trước khi đến với Văn hóa học và sau cùng là Tôn giáo học, chính anh luôn làm gương cho chúng tôi về việc làm một người trí thức và quân tử thì "trên thông thiên văn dưới tường địa lý" là phải như thế nào. Để trở thành một nhà nghiên cứu thực sự, theo anh, là đi tới vùng đất nào cũng phải thông thạo địa lý, đường đi lối lại, biết các danh nhân và các sự kiện lịch sử nổi bật của nó. Chính vì điểm này mà nhiều người phục anh về những luận giải, sự minh định những điểm còn tranh cãi khi liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Người "tự tóm tóc kéo mình lên" Tôi là người sinh sau, nhưng làm đồng nghiệp của anh đã gần 20 năm. Trong tôi, anh như một dòng sông không lúc nào vơi nước, luôn hăm hở và mạnh mẽ chảy về phía trước, ngạo nghễ cười vào những chướng ngại vật trên đường đi. Đã có lúc, tôi coi anh là phần quan trọng của cái gọi là khí chất của một cơ sở chuyên nghiên cứu và đào tạo của ngành Tôn giáo học vốn đang phát triển và bền bỉ gây dựng vị thế của mình trong khối khoa học xã hội.
TS Nguyễn Quốc Tuấn tham gia cuộc giao lưu trực tuyến "Lễ hội xuân: Mê muội, phản cảm vì đâu?" đầu năm 2017 do báo điện tử Dân Việt tổ chức. (Ảnh: Đàm Duy)
Kiến thức rộng rãi kết hợp với sự nhạy bén trong phát hiện bản chất của hiện tượng, lối thể hiện quan điểm vượt ngoài khuôn sáo, sự tự tin, thậm chí kiêu bạc đôi khi, và có nhiều phần hài hước, là những gì tôi đã thích thú, và muốn học theo anh từ lâu. Kiểu cách ấy tạo nên tinh thần hứng khởi, sự đam mê, mong muốn dấn thân, và nỗ lực vượt lên rất nhiều thử thách mà hiện thực đặt ra đối với bất cứ ai trót mang vác cái nghiệp làm người nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội ở Việt Nam. ...Sau một thời gian đi vắng, năm 2014, tôi trở lại cơ quan và thấy khá bất ngờ với cách mà anh - lúc đó đã là Viện trưởng - điều hành công việc và đặc biệt là hối thúc cán bộ làm việc. Những phát ngôn ngang tàng và hài hước đã nhường chỗ cho những chỉ đạo quyết liệt, nhiều khi có phần độc đoán, cùng những đòi hỏi cao và gây áp lực lớn về chất lượng công trình nghiên cứu đặc biệt đối với các cán bộ trẻ hay học viên cao học. Tôi thậm chí đã đùa với anh rằng làm việc như thế chẳng khác gì làm kiểu Tây mà hưởng lương kiểu ta. Anh đã nói không có cách nào khác cả, và nếu không "tự tóm tóc kéo mình lên" như thế ta sẽ mãi thua kém đồng nghiệp quốc tế khi đến làm nghiên cứu ở Việt Nam, nghĩa là "thua ngay ở sân nhà" như anh nói. Tôi và anh bắt đầu có nhiều trao đổi sâu hơn về phê phán những gì đã có, những gì cần phải làm và làm nhanh nhất có thể để mau chóng mang lại những đổi thay mạnh mẽ hơn. Những buổi chiều nghe anh say sưa nói về những dự định trong tương lai gần và xa, tôi thấy mình tràn đầy hứng khởi và tin tưởng.
TS Nguyễn Quốc Tuấn khi còn trẻ. (Ảnh tư liệu Hoàng Văn Chung)
Nhưng tất cả mới chỉ khởi đầu thì anh vướng vào bạo bệnh. Ngày tôi bước lên bục để giảng môn học mà trước đây anh giảng cho học viên cao học, cũng chính tại giảng đường mà tôi từng đến dự khán, thì anh đang phải điều trị trong bệnh viện. Học trò của anh khá nhiều, ai cũng mến yêu và chờ đợi anh bình phục. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẵn sàng tiếp bước chân của anh trên con đường nghiên cứu, giảng dạy rất dài và đầy gian khó này... Dẫu biết anh kiên cường và lạc quan chiến đấu với bệnh tật, chúng tôi luôn chờ và thậm chí cầu xin một sự kỳ diệu để anh sớm trở lại các diễn đàn học thuật. Nhưng đến mùa Xuân năm nay, một dòng sông đã ngừng chảy. Mọi thứ đến với anh quá nhanh và nghiệt ngã bởi căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng những dự định và cảm hứng anh đã tạo ra trong tôi và các đồng nghiệp vẫn còn nguyên sự tươi mới. Một dòng sông có thể ngừng trôi. Nhưng những con sông vẫn tiếp tục chảy về với biển lớn... Xin nghiêng mình vĩnh biệt anh.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn sinh ngày 21.2.1957, quê quán: Làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), nguyên Trưởng khoa Tôn giáo học, Học viện KHXH Việt Nam. Sau thời gian lâm bệnh, ông đã từ trần hồi 21h22 ngày 8.2.2019 (tức ngày mồng 4 Tết năm Kỷ Hợi), hưởng thọ 63 tuổi.
Lễ truy điệu TS Nguyễn Quốc Tuấn đã diễn ra vào chiều ngày 12.2.2019 (tức ngày mồng 8 Tết Kỷ Hợi) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra tại Nghĩa trang Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội cùng ngày.
Gia đình TS. Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo) vừa phát đi cáo phó, thương tiếc báo tin TS. Nguyễn Quốc Tuấn đã từ trần hồi 21 giờ 22 phút ngày 8.2.2019 (tức ngày 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại bệnh viện Vinmec Hà Nội, hưởng thọ 63 tuổi.
Cáo phó do bà quả phụ Nguyễn Thị Bích Hằng cùng gia quyến kính báo, cho biết ông Nguyễn Quốc Tuấn sinh ngày 21.2.1957, quê quán ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Sau thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các y, bác sĩ và gia đình hết lòng cứu chữa nhưng do bệnh nặng, ông Nguyễn Quốc Tuấn đã từ trần hồi 21 giờ 22 phút ngày 8.2.2019 (tức ngày 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại bệnh viện Vinmec Hà Nội, hưởng thọ 63 tuổi.
Trước khi qua đời, ông Nguyễn Quốc Tuấn, học vị tiến sĩ, là Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, nguyên Trưởng khoa Tôn giáo học Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn là con trai duy nhất trong sáu người con của cố học giả Nguyễn Thanh Huyên (thường gọi Nguyễn Kiến Giang) và bà Nguyễn Thị Xuân Lan (đã qua đời). Ông là chuyên gia danh tiếng, có nhiều đóng góp giá trị cho sự phát triển của tôn giáo tại Việt Nam. Phần lớn thời gian làm việc ông dành cho những nghiên cứu về tôn giáo, văn hóa, căn tính dân tộc Việt... Nhiều bài viết và ý kiến của ông trên báo chí cho thấy ông là một trí thức khảng khái, tâm huyết, hiểu biết sâu rộng, luôn quyết liệt bảo vệ những giá trị tín ngưỡng tiến bộ, văn minh, bảo tồn di sản tôn giáo trong các đô thị.
Một bức ảnh kỷ niệm của hai cha con học giả Nguyễn Kiến Giang và TS. Nguyễn Quốc Tuấn, chụp năm 1990. Ảnh: TLGĐ
Vài ngày trước khi TS. Nguyễn Quốc Tuấn từ trần, ngày 4.2 báo chí đăng tin “TP.HCM giữ lại Dòng Mến Thánh giá và Nhà thờ Thủ Thiêm”. Có nhiều độc giả biết thông tin này, đã nhắc lại bài viết của TS. Nguyễn Quốc Tuấn trên Người Đô Thị: “Đề nghị giữ lại các cơ sở tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm” – một trong những ý kiến hiếm hoi, quyết liệt nhất cùng với nhiều ý kiến khác, đã lên tiếng kịp thời giữa bối cảnh truyền thông trong nước còn ngại ngần khi nhắc đến Dòng Mến Thánh giá và Nhà thờ Thủ Thiêm cách nay hai năm (tháng 2.2017).
Lễ tang TS. Nguyễn Quốc Tuấn diễn ra ở Hà Nội
Lễ viếng tang TS. Nguyễn Quốc Tuấn được tổ chức từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 45 ngày 12.2.2019 (tức 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Lễ truy điệu vào 16 giờ 45 cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Nhà nghiên cứu tôn giáo học và Phật giáo của Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, qua đời ở Hà Nội hôm 08/2/2019.
Cáo phó được gia đình nhà nghiên cứu đưa ra hôm Chủ Nhật 10/2 cho hay nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam qua đời ở tuổi 63 sau một thời gian tranh đấu chống lại trọng bệnh.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn được ghi nhận là một nhà nghiên cứu có đóng góp trong các lĩnh vực về nghiên cứu Phật giáo và có giúp đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận trong một bộ môn khoa học được cho là non trẻ của Việt Nam trong thời gian ông làm lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Ông Tuấn cũng được biết đến là con trai duy nhất của cố học giả Nguyễn Kiến Giang, nhà lý luận từng bị ban lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bỏ tù 6 năm và quản chế 3 năm trong vụ án 'Xét lại chống Đảng' gây tranh cãi ở Việt Nam ở nửa sau thế kỷ trước.
Tiến sỹ Tuấn là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia và nguyên Trưởng khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Phát biểu cảm tưởng cùng ngày, hôm Chủ Nhật, về cố đồng nghiệp của mình, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, người tiền nhiệm của Tiến sỹ Tuấn, nói với BBC Tiếng Việt:
"Tôi nghĩ rằng tôi cũng rất đột ngột, mặc dù cũng có gắn bó và theo dõi thông tin, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn mất, tôi nghĩ rằng đã là những người đồng nghiệp, thì bao giờ cũng có những cảm giác hẫng hụt và những cảm giác khó tả trước những mất mát của những người đồng nghiệp.
"Riêng trong trường hợp này, trong nghề của chúng tôi, nó là một ngành non trẻ, ngành Tôn giáo học còn non trẻ, cho nên anh Nguyễn Quốc Tuấn cũng như một số đồng nghiệp khác của chúng tôi, đội ngũ còn rất mỏng.
"Cho nên khi nghe thông tin này, tất nhiên tôi gần như không biết nói một điều gì hơn, ngoài cái có thể nói nếu mà 'sốc' thì cũng có thể nói được và cũng có những nỗi buồn rất sâu sắc khi đội ngũ của mình vốn trên đường xây dựng còn non trẻ, lại có một đồng nghiệp như thế mà đã ra đi."
Bình luận về đóng góp chuyên môn quan trọng nhất để lại của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Giáo sư Đỗ Quang Hưng nói:
"Trong ấn tượng của tôi mà là trong cả một quá trình, thì điều quan trọng nhất, thì anh Nguyễn Quốc Tuấn, tôi cho là một trong những chuyên gia có năng lực và có đóng góp nhất định nhưng rất đáng quý, đó là nghiên cứu về Phật giáo.
"Đó là cái mà tôi nghĩ anh đã đau đáu trong rất nhiều năm, từ khi anh làm Trưởng phòng Nghiên cứu Phật giáo cho đến khi anh làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
"Một điểm thứ hai mà tôi cũng ghi nhận. Anh Tuấn in không nhiều, số lượng sách vở in ấn của anh không nhiều, nhưng cũng thể hiện một cái là muốn tìm tòi, anh cũng có những nỗ lực. Đặc biệt là trong những năm cuối nhiệm kỳ Viện trưởng ở Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thì anh cũng muốn góp phần để thúc đẩy.
"Tức là làm sao để có thể tăng cường mảng về lý luận về tôn giáo học cho tốt. Vì đây cũng là một trong những lĩnh vực mà ngành nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam nói chung và nói riêng ở Viện chúng tôi, tôi nói Viện chúng tôi tức là tôi vẫn nghĩ trong đáy sâu của mình như một thành viên của Viện, thì anh Tuấn có những đóng góp như vậy.
"Tất nhiên, tôi rất tiếc cuộc đời như vậy, cũng là tiếp tục những sự nghiệp trước đây của Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn là người đi trước đầu tiên, sáng lập ra Viện, rồi đến thế hệ tôi.
"Rồi sau đó cũng có những vị khác nữa như là Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Dương và tiếp nối đó là anh Nguyễn Quốc Tuấn. Thì điểm mà đẩy nghiên cứu có tính lý luận này cũng là một nét cũng đáng nhớ!," Giáo sư Đỗ Quang Hưng nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.
'Thua số phận, nhưng đầy tự hào'
Bản quyền hình ảnhOTHER/THOIDAI.COM.VNImage captionTS Nguyễn Quốc Tuấn tại một Hội thảo khoa học về đạo Tin lành ở Việt Nam
Cũng hôm Chủ Nhật 10/2, chia sẻ với BBC Việt ngữ qua bút đàm, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, quả phụ của nhà nghiên cứu vừa qua đời viết:
"Tôi và gia đình đã cùng chồng tôi chiến đấu mãnh liệt với bệnh tật trong hơn một năm qua và đã thua số phận một cách bi thương nhưng đầy tự hào...
"Chồng tôi có phước lớn lắm mới nhận được biết bao nhiêu tình yêu của gia đình và bè bạn học trò như vậy. Và Anh ra đi cũng rất nhẹ nhàng nữa. Tôi thấy được an ủi phần nào."
Trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, một người bạn của Tiến sỹ Tuấn, nêu cảm tưởng:
TS Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, bình luận 'Hội thánh Đức Chúa Trời'
"Buồn quá! Tuổi Đinh Dậu, năm nay Tuấn mới đang trong lục thập, còn nhiều năng lượng và nhiệt huyết. Với Tuấn tôi chỉ nói hai chữ: khí phách. Khí phách của một trí thức, một nhà khoa học, một công dân.
"Điều này Tuấn được thừa hưởng từ ba mình- nhà hoạt động chính trị và nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Kiến Giang. Cái biệt danh "Khuỳnh" có từ thời sinh viên đã nói lên khí phách đó của Tuấn từ sớm. Thôi, Tuấn đi. Thể phách thì tan, nhưng cái "khuỳnh" thì để lại."
Một đồng nghiệp lớp sau, Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, viết trên Facebook:
"Anh là học trò cưng của thầy Trần Quốc Vượng. Khi tôi được thầy Vượng nhận làm học trò, thì đã thấy anh Nguyễn Quốc Tuấn (Tuấn Khuỳnh) và anh Nguyễn Hồng Kiên (Kiên Gốc Sậy) luôn ở bên thầy như 2 vị "tả phù hữu bật" của thầy...
"Vĩnh biệt anh Tuấn Khuỳnh, người anh, người bạn đồng môn, đồng sư với tôi. Anh yên nghỉ nhé. Mọi người vẫn luôn nhớ về anh, cho dù anh có đi xa tới đâu."
Trong một lần trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn nêu quan điểm về việc có nên sử dụng tên gọi 'tà giáo' hay 'tà đạo' như nhiều trường hợp báo chí, truyền thông Việt Nam vẫn sử dụng khi đề cập đến một số hiện tượng tôn giáo 'gây tranh cãi' hoặc chú ý ở trong nước.
Ông nói: "Có thể nói những tên gọi mà giới nghiên cứu, đặc biệt là cá nhân tôi, tôi rất là không đồng tình, không đồng ý với cách gọi là 'tà đạo', 'tà giáo', và chúng tôi gọi một cách chung tính thôi: đó là những nhóm tôn giáo mới, những hiện tượng tôn giáo mới.
"Khi chúng ta sử dụng [tên gọi] 'những tôn giáo mới', nó có một nội hàm tương thích với cách gọi của quốc tế về phong trào tôn giáo mới, hay là những vận động tôn giáo mới mà có thể nói là nảy sinh chủ yếu trong thế kỷ 20 trở lại đây thôi.
"Có thể nói cách gọi trong rất nhiều diễn đàn khác nhau, chúng tôi - giới nghiên cứu - đề nghị là không nên sử dụng 'tà đạo', rồi 'tà giáo', bởi vì lấy cái gì để gọi là 'tà đạo, tà giáo'? Vì trong ngôn ngữ của pháp luật cũng không bao giờ có danh xưng ấy được ghi nhận trong pháp luật cả.
"Thành ra ở đây theo tôi là một lối gọi khẩu ngữ của một số người mà thấy bức xúc đối với câu chuyện này. Họ cho là 'tà' thôi. Nhưng theo tôi niềm tin tôn giáo trong bối cảnh hiện nay cần phải được coi trọng, cần phải được tôn trọng.
"Và bây giờ chúng ta không thể sử dụng khái niệm 'tà'. Chữ 'tà' ở đây theo tôi là một dạng kỳ thị và là một dạng có thể nói là nếu nó trở thành ra chính thức, thì nó chính là sự vi phạm quyền cơ bản của con người."
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.