Tin từ các nơi.
---
Năm 2019
12/02/2019 21:23 GMT+7
TTO - Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, 5 đề án có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với chủ trương khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ngày 12-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ 70 nhà khoa học nghiên cứu, biên soạn bộ lịch sử VN; bách khoa toàn thư VN; địa chí quốc gia VN; hệ tri thức Việt số hóa; dịch thuật, phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.
Đây là 5 đề án khoa học lớn đang được các nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu, biên soạn.
Báo cáo tiến độ triển khai các đề án khoa học với Phó thủ tướng, PGS.TS Trần Đức Cường - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử - cho biết đề án nghiên cứu, biên soạn bộ lịch sử VN - quốc sử có tầm quan trọng đặc biệt bao gồm bộ lịch sử VN 25 tập, bộ biên niên sự kiện lịch sử VN 5 tập và cơ sở dữ liệu lịch sử VN.
Việc soạn thảo bộ quốc sử thu hút sự tham gia của 300 nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, lịch sử quân sự, lịch sử an ninh, văn hóa và khảo cổ học và các nhà lãnh đạo, quản lý và khoa học trong các lĩnh vực liên quan khác.
Đề án nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử VN toàn bộ và toàn diện.
Về tiến độ biên soạn bách khoa toàn thư VN, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - phó chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn - cho hay bộ bách khoa toàn thư là loại hình tổng hợp, cỡ lớn, phản ánh những thành tựu, những tri thức xưa và nay của nhân loại và VN gồm 37 tập, có thể in và xuất bản trực tuyến.
"Đây là lần đầu tiên VN tổ chức biên soạn một bộ bách khoa toàn thư, dự kiến khi chính thức biên soạn sẽ có khoảng 5.000 - 6.000 nhà khoa học tham gia soạn thảo trong vòng 10 năm", GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho biết thêm.
Đại diện nhóm nhà khoa học soạn thảo bộ địa chí quốc gia VN, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - giám đốc ĐHQG Hà Nội - bày tỏ tự hào khi được tham gia xây dựng bộ quốc chí đầu tiên trong lịch sử, biên chép về tất cả các lĩnh vực của quốc gia theo mảng lĩnh vực và biên soạn lại địa phương chí 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Bộ quốc chí lần đầu tiên có quy chuẩn cho tất cả các nhiệm vụ thành phần, kế thừa phương pháp chép chí truyền thống với các phương pháp làm chí của thế giới đương đại, kết hợp sử dụng tư liệu Việt Nam và các tư liệu lưu trữ quốc tế.
Ngoài sách giấy truyền thống, bộ quốc chí sẽ xuất bản dạng sách số, tra cứu và tìm kiếm thông tin thuận tiện với tập hợp dữ liệu lớn, kèm hệ thống bàn đồ, hệ thống định vị có thể tra cứu tìm kiếm thuận tiện mang tính ứng dụng và thực tiễn cao.
Bộ quốc chí cũng cho phép cập nhật thường xuyên, tức thì, cho phép lấy ý kiến bổ sung của người dân.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng chính là người đại diện cho nhóm nhà khoa học thực hiện đề án dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông. Đề án này sẽ dịch thuật, diễn giải các tác phẩm kinh điển về tôn giáo, triết học, chính trị, trước mắt là bộ kinh Địa tạng của Phật giáo.
Đối với việc triển khai đề án hệ tri thức Việt số hóa, đại diện nhóm biên soạn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy cho biết đề án nhằm chia sẻ tri thức, cổ vũ sáng tạo, kết nối cộng đồng vì tương lai VN.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá 5 đề án có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với chủ trương khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
"Đây là những đề án rất thiết thực, có ý nghĩa cho hiện nay lẫn mai sau nếu chúng ta hoàn thành tốt", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-gap-go-cac-nha-khoa-hoc-bien-soan-bo-quoc-su-20190212200812665.htm?fbclid=IwAR0QvhnFz3A1fBvZ0lsoAvCVvstULvFXlJzPpIl_NlVBeAKhBiRNigvM6nI
..
Năm 2017
27/02/2017 14:36 GMT+7
TTO - Cuối năm 2017, các ban soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ hoàn thành đề cương mỗi lĩnh vực. Nhưng hiện tại, giới khoa học bày tỏ không ít băn khoăn khi bắt tay vào soạn thảo.
Hội thảo với sự tham gia của 300 nhà khoa học để khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư VN - Ảnh: V.V.TUÂN |
Sáng 26-2, tại Hà Nội, 300 nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã dự hội thảo khoa học Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư VN do hội đồng chỉ đạo đề án biên soạn Bách khoa toàn thư VN tổ chức.
37 quyển về 73 ngành
Bách khoa toàn thư VN sẽ gồm 37 quyển viết về 73 ngành ở các cụm lĩnh vực như: khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên và công nghệ; nghệ thuật. Mỗi quyển có độ dài 1.500-2.000 trang với khoảng 2.000-2.500 mục từ.
Trong quá trình biên soạn sẽ học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền bách khoa tiêu biểu và lâu đời trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ...
“Về cơ bản, cần xác định rõ chúng ta biên soạn Bách khoa toàn thư VN nên tri thức của VN sẽ là 70% và tri thức thế giới là 30%, tất nhiên có những chuyên ngành có đặc thù thì tỉ lệ sẽ khác. Việc biên soạn này cần đảm bảo tính khoa học, tính đại chúng, tính dân tộc và tính hiện đại như mục tiêu của đề án đã đề ra...
Cần có thái độ khách quan, khoa học và trung thực, nhất là cần có đủ thời gian trong nhận xét đánh giá (lựa chọn những tác giả, nhân vật đã định hình - người viết)” - PGS.TS Lại Văn Hùng, tổng thư ký (ban thư ký đề án), nhấn mạnh.
Bài toán khó về ngôn ngữ
Tại hội thảo, không ít các nhà khoa học bày tỏ ý kiến băn khoăn về những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình biên soạn Bách khoa toàn thư VN.
PGS.TS Trần Đức Cường, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, băn khoăn khi biên soạn các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn thường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Như các nhân vật lịch sử Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Hồ Chí Minh đều là nhân vật của cả lĩnh vực lịch sử, văn học, chính trị. Vì vậy, ông đề nghị cần có sự phối hợp để đảm bảo tính thống nhất, không trùng lặp.
Một khó khăn khác như PGS.TSKH Trần Trọng Hòa (Viện Địa chất) đặt ra là làm sao khi biên soạn phải chuyển đổi từ ngôn ngữ bác học phức tạp sang ngôn ngữ mà nhiều người có thể tự học, tự hiểu là bài toán không đơn giản.
Trong khi đó, PGS.TS Phan Trọng Thưởng (Viện Văn học) cho rằng việc lựa chọn mục từ ở lĩnh vực văn học vô cùng phức tạp bởi nó gắn với quan điểm chính trị. “Lĩnh vực văn học nhiều mục từ, biết chọn tác giả, tác phẩm nào? Ví dụ những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh... có đưa vào biên soạn không cũng là câu hỏi khó.
Hơn nữa, tiêu chí lựa chọn các tác giả, tác phẩm nước ngoài tỉ lệ bao nhiêu?” - ông Thưởng nêu vấn đề. GS triết học Hồ Sĩ Quý cũng nêu vấn đề với ngành triết học thì tỉ lệ thế giới và VN bao nhiêu là vừa? Bởi các phạm trù nghiên cứu triết học là chung trên thế giới chứ không riêng VN. Ông đề nghị nên tùy theo mỗi lĩnh vực mà cân đối hàm lượng mục từ thế giới hay VN cho phù hợp, không nên phân chia máy móc.
Kết luận hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - phó chủ tịch hội đồng, chủ nhiệm đề án Bách khoa toàn thư VN - khẳng định đây là công trình Bách khoa toàn thư của các nhà khoa học VN biên soạn, nên cần làm thế nào để nêu bật được tri thức văn hóa VN trong suốt quá trình lịch sử.
Về những băn khoăn quanh tỉ lệ mục từ thế giới và VN khi biên soạn, ông Thắng nêu giải pháp là tri thức thế giới sẽ được khai thác đủ mức gắn liền với các vấn đề của VN.
Dự kiến, trong tháng 3-2017, cuốn Cẩm nang biên soạn Bách khoa toàn thư VN sẽ được hoàn thành để làm cơ sở thống nhất cho việc biên soạn. Đến cuối năm 2017, các ban biên soạn sẽ cơ bản hoàn thành đề cương của mỗi lĩnh vực.
Biên soạn mất khoảng 8 đến 10 năm
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo của ban tổ chức, PGS.TS Lại Văn Hùng, tổng thư ký ban thư ký đề án, cho hay ngày 15-2-2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập hội đồng chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư VN do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch hội đồng. Đến nay, các tổ chức chuyên môn của đề án biên soạn Bách khoa toàn thư VN đã đi vào hoạt động.
Theo ban thư ký đề án, quá trình biên soạn Bách khoa toàn thư VN sẽ trải qua hai giai đoạn, biên soạn theo chuyên ngành và biên soạn theo vần chữ cái A, B, C… Tổng thời gian biên soạn Bách khoa toàn thư VN khoảng 8 đến 10 năm.
Sau khi hoàn thành công tác biên soạn sẽ cho in ấn, xuất bản. Công trình sẽ được xuất bản bằng bản giấy và sau đó có thể xuất bản bằng bản điện tử để công chúng tham khảo.
|
https://tuoitre.vn/khoi-dong-bach-khoa-toan-thu-cua-nguoi-viet-nam-1271174.htm
..
Năm 2014
Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam
02/08/2014 00:01 GMT+7
Cần biết - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm có 36 quyển.
36 quyển của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm: Quyển 1 - Toán học, cơ học; Quyển 2 - Vật lý học, thiên văn học; Quyển 3 - Hóa học, công nghệ hóa học; Quyển 4 - Sinh học, công nghệ sinh học; Quyển 5 - Địa chất học, môi trường; Quyển 6 - Địa lý học, địa lý thế giới; Quyển 7 - Địa lý Việt Nam, địa chính; Quyển 8 - Công nghệ thông tin; Quyển 9 - Nông nghiệp, thủy lợi; Quyển 10 - Lâm nghiệp, ngư nghiệp; Quyển 11 - Hải dương học, khí tượng thủy văn; Quyển 12 - Y học, dược học; Quyển 13 - Điện, điện tử, tự động hóa; Quyển 14 - Xây dựng, công nghệ vật liệu; Quyển 15 - Giao thông, vận tải; Quyển 16 - Cơ khí, mỏ, luyện kim; Quyển 17 - Dệt, may, giấy, thực phẩm; Quyển 18 - Văn học; Quyển 19 - Ngôn ngữ học, Hán Nôm; Quyển 20 - Văn hóa dân gian, ngành nghề thủ công; Quyển 21 - Lịch sử Việt Nam; Quyển 22 - Lịch sử thế giới; Quyển 23 - Khảo cổ học, dân tộc học - nhân học; Quyển 24 - Kinh tế học; Quyển 25 - Tài chính, ngân hàng, tiền tệ; Quyển 26 - Triết học; Quyển 27 - Tôn giáo, xã hội học; Quyển 28 - Chính trị, ngoại giao, tổ chức; Quyển 29 - Quốc phòng, an ninh; Quyển 30 - Luật học; Quyển 31 - Tâm lý học, giáo dục học; Quyển 32 - Thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, lưu trữ; Quyển 33 - Âm nhạc, nghệ thuật múa, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh; Quyển 34 - Mỹ thuật, kiến trúc; Quyển 35 - Du lịch, thể dục thể thao, ẩm thực, trang phục; Quyển 36 - Sách dẫn (Index, dành cho bộ tổng hợp).
Việc biên soạn bộ Bách khoa toàn thư sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2014 đến hết năm 2019 biên soạn theo phân quyển; giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2020 đến hết năm 2023 biên soạn 35 quyển theo ABC và 1 quyển sách dẫn. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam và tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành.
Mục tiêu của việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Việc biên soạn phải phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại; bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống; quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.