Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/02/2019

Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ (loạt bài Hoàng Ước)

Nguyên tên của loạt bài là Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng.

Đang được tờ báo của quê hương Nam Định đưa dần lên.

Bản chép về đây là cập nhật theo bản bên báo đó, nhưng xếp vị trí ngược lại (từ kì thứ 4 trở đi) như mọi khi.



---



Ba kì đầu tiên



1.


Cập nhật lúc05:49, Thứ Năm, 17/01/2019 (GMT+7)
Hoàng Ước

Là một người có thời gian được trực tiếp giúp việc đồng chí Trường Chinh, và sau đó, tiếp tục được đồng chí dìu dắt, dạy bảo cho đến lúc đồng chí đi xa, tôi xúc động và rất mừng khi được biết Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) có quyết định xuất bản sách và làm phim nói về cuộc đời và sự nghiệp của các đồng chí Trường Chinh và Lê Duẩn, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của hai người học trò xuất sắc và cộng sự đắc lực nhất của Bác Hồ vĩ đại.
Khi được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia mời viết hồi ký về đồng chí, trong lòng tôi, niềm vui xen lẫn với nỗi lo lắng. Mừng vui, vì đây là một dịp tốt để ôn lại và bày tỏ lòng biết ơn đối với người anh lớn đã dìu dắt tôi một cách tận tình. Nhưng thực tình thì lo lắng nhiều hơn. Viết gì, viết như thế nào đối với một lãnh tụ của Đảng, một nhà cách mạng kiệt xuất, một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của Việt Nam trong thế kỷ XX?...
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.
Bản thân tôi đã nhiều lần được nghe anh Trường Chinh kể về những tấm gương tận tụy, hy sinh, những sáng kiến của đồng bào, của những đồng chí từng gần gũi anh. Từ tấm lòng và sự nhanh trí của nhà sư trụ trì ở một ngôi chùa nào đó đã khéo tìm cách báo động khi tên lý trưởng đưa trương tuần đến lùng bắt đồng chí, đến bố con ông lái đò đã giúp đồng chí thoát hiểm trong tình thế nguy cấp để lần về An toàn khu. Có lúc anh kể về sự tận tụy, liêm khiết của anh cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) trong việc gây quỹ Đảng, sự linh hoạt, tháo vát của Đội công tác ở An toàn khu như các anh Hoàng Tùng, Nguyễn Trọng Tỉnh, Lê Quang Đạo, chị Nguyễn Thị Thanh, … Anh nhắc tới họ với một thái độ vô cùng trìu mến xen lẫn với sự xúc động, khiến người nghe thầm cảm phục và biết ơn. Không rõ anh có dụng ý giáo dục, bồi dưỡng tình cảm cách mạng cho lớp hậu sinh hay không, nhưng bản thân tôi, những lần nghe chuyện anh kể một cách tự nhiên như vậy, thấy thấm thía vô cùng.  Đặc biệt thấm thía khi nhận thấy cái nghĩa, cái tình, nỗi nhớ của anh đối với đồng đội, đồng chí, đồng bào là cơ sở cách mạng đã từng cưu mang, nằm gai nếm mật, sát cánh chiến đấu với mình.
Với anh Trường Chinh, thì những người được gần gũi anh đều cảm phục và quý mến cái đức tính đầu tiên dễ cảm nhận thấy là: quên mình vì cách mạng, vì đồng bào, vì đồng chí. Không bao giờ anh tự nói đến cái tôi của mình. Anh quan tâm một cách chu đáo đến người khác. Khi tiếp chuyện hoặc làm việc với cán bộ, đồng bào, anh chăm chú lắng nghe ý kiến của họ. Với ai đó đề nghị anh giúp đỡ một việc nào đó mà anh xét thấy cần phải làm, anh giúp đỡ đến nơi đến chốn, có khi chỉ đạt được yêu cầu đến mức độ nào thôi, anh cũng thông báo lại cho họ biết. Và cũng vì đối nhân xử thế như vậy, cho nên anh cũng đòi hỏi những người cộng sự với mình, trong khi làm việc phải hết sức tận tụy, cẩn trọng, đến mức có lúc cảm thấy anh nghiêm khắc, khắt khe. Đó cũng là điều dễ hiểu. Ai đã từng sống với anh hoặc tiếp xúc lâu với anh đều cảm nhận thấy anh là người bình dị, dễ tính nhưng rất kỹ tính.
Tôi mượn câu kết bài viết của nhà báo lão thành Hoàng Tùng được đăng trên báo Đảng ngày 10-7-2001 nhân 15 năm ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần để kết thúc đoạn mở đầu bài viết của mình: "Hơn 46 năm kể từ năm 1940 đến năm 1986, Trường Chinh, Lê Duẩn là hai nhân vật quan trọng và là cộng sự đắc lực bên cạnh Bác Hồ, kế tục sự nghiệp của Người, ở thời kỳ bão táp cách mạng ác liệt nhất mà cũng oanh liệt nhất, trong đó có gần 30 năm Lê Duẩn trên cương vị Tổng Bí thư. Mặc dù vậy, Bác Hồ, Trường Chinh, Lê Duẩn thường khẳng định rằng công lao vĩ đại nhất là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân".
Âu đó cũng là tinh thần chủ đạo bài hồi ký của tôi viết về đồng chí Trường Chinh, người anh cả và người thầy kính mến của thế hệ chúng tôi (đầu đề bài viết của anh Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng). Nhân đây, tôi cũng xin phép ghi lại vài đoạn cuối bài thơ tôi viết tưởng nhớ anh, nhân dịp ngày giỗ lần thứ 10 của đồng chí cố Tổng Bí thư Trường Chinh:
Cuộc Trường Chinh ngàn dặm
Biển Đông nổi Sóng Hồng
Trước khó khăn vô tận
Đã phát động canh tân.
*
Người xưa từ lịch sử
Đã cùng Anh hẹn hò
Chu Văn An - Nguyễn Trãi
Cao Bá Quát - Nguyễn Du.
*
Người Anh cả, người Thầy
Người anh hùng thầm lặng
Lịch sử dang tay nhận
Mà Người đã đi xa.
Tháng 9-1998
http://baonamdinh.vn/channel/5093/201901/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-1-2528723/





2.





Cập nhật lúc06:16, Thứ Ba, 22/01/2019 (GMT+7)
Hoàng Ước


Bên anh Trường Chinh những ngày đầu xuân
Gần như thành một thông lệ, cứ chiều mồng một Tết Âm lịch, những đồng chí đã từng giúp việc trực tiếp đồng chí Trường Chinh qua những thời kỳ thường đến chúc Tết anh và gia đình. Tuy nhiên, khách đến thăm và chúc Tết anh trong những ngày Tết còn bao gồm nhiều đồng chí hoạt động trong những ngành khác nhau nữa.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình ông Sơn - cơ sở cách mạng ở thôn Tả Hành, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, năm 1963.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình ông Sơn - cơ sở cách mạng ở thôn Tả Hành, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, năm 1963.
Trước hết, tôi nhớ đến một cái Tết mà anh trò chuyện với một số nhà thơ. Chiều mồng một Tết năm đó, khi tôi đến chúc Tết anh thì giáo sư văn học Hoàng Xuân Nhị và nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có mặt trong phòng khách. Sau khi nhận lời chúc và anh chúc lại, anh giới thiệu chúng tôi làm quen nhau một cách trân trọng. Có lẽ anh chưa biết rằng chúng tôi cũng có quen hoặc biết nhau. Anh vui vẻ nói rằng nếu các anh đã biết nhau thì chúng ta ngồi đây bàn chuyện thơ. Anh cũng giới thiệu qua rằng tôi cũng biết làm thơ và thưởng thức thơ. Tôi tự nhận mình là người yêu thơ. Nhà thơ Phạm Tiến Duật thì nhấn mạnh đề nghị anh tiếp tục làm thơ, dù rằng có rất ít thì giờ rảnh rỗi. Giọng nói của Phạm Tiến Duật hôm đó khá hùng hồn, thoải mái. Anh ngồi nghe Duật nói một cách thích thú, hồn nhiên. Rồi như để Duật cũng bằng lòng, anh nói đại ý: Mình cũng rất thích thơ, nhưng bận quá và cũng vì chưa khéo sắp xếp thời gian, nhưng khi tuổi đã cao thì độ nhạy cảm kém đi, thơ cũng sút kém đi, … Duật chưa chịu, nhưng đúng lúc đó anh chị Tố Hữu đến thăm và chúc Tết anh. Chúc lại anh chị xong, anh mời anh chị Tố Hữu ngồi chơi và nêu tóm tắt về nội dung câu chuyện vừa bàn. Mọi người lại phát biểu ý kiến của mình. Anh Tố Hữu đưa ra ý kiến đại ý là: Làm thơ không bị giới hạn vào tuổi; trẻ có thơ trẻ, già có thơ già. Mọi người và đặc biệt là anh cười ồ lên một cách thoải mái để tán thưởng. Thực ra, với tập tục văn hiến của ta trong ngày Tết, làm gì có tranh luận để phân đúng sai, phải trái. Trong ngày Tết, ai cũng chọn ý đẹp, lời đẹp, ai cũng muốn vừa bộc lộ, cởi mở, lại vừa biết nén mình, biết nhường nhịn nhau. Giá mọi người đối xử với nhau như trong ngày Tết, thì đúng là "chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại". Lúc đó, tôi đang theo đuổi một ý nghĩ lan man như vậy. Tôi đồng tình với ý kiến anh Tố Hữu.
Trong không khí vui vẻ đó, anh Trường Chinh chậm rãi phát biểu ý kiến: Năm nay tôi không làm thơ, nhưng có dịch một bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, ở đây, các anh đều biết Hán văn; trước hết, tôi xin đọc nguyên tác của cụ Cao:
Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn,
Kim triều hồng tử đấu thiên ban.
Hà đương thế sự như hoa sự,
Phong vũ giang san tận cải quan.
Và anh đọc tiếp bài thơ dịch của anh mà tôi ghi nhớ lại lúc đó như sau:
Hôm trước xuân về tan giá lạnh,
Sớm nay muôn tía sánh nghìn hồng.
Việc đời ví được như hoa nhỉ?
Mưa gió qua rồi đẹp núi sông.
Mọi người trầm trồ khen ngợi bài thơ được dịch sát nghĩa và khá hay. Anh Tố Hữu đặc biệt thích thú câu thơ dịch thứ ba. Tuy nhiên, do chưa thật bằng lòng với bài dịch của mình, anh bình bài dịch của mình như sau: Tôi đã cố gắng dịch sát nghĩa, lột tả được cái ý chính của bài thơ, song chưa nêu được cái khí, cái thần của bài thơ. Nguyên tác của bài thơ tả hồng tía đấu nghìn trận; chỗ này nghe nó mạnh, nó hay lắm. Mình dịch chưa đạt được cái ý đó. Rồi câu kết có hàm ý là sau cơn phong ba như vậy, giang sơn được biến đổi một cách triệt để đến tận gốc. Chỗ này tôi dịch cũng chưa thật đạt lắm.
Người ta thường nói: "văn mình, vợ người". Thích thú với việc dịch được một bài thơ khó mà đạt đến sát nghĩa, không lủng củng vần, chữ là được lắm chứ sao! Song đối với riêng anh thì lại chưa được. Về sau này tôi hiểu thêm anh đã bỏ công sửa sang lại bài thơ này trên nền cũ và đã đọc cho một số người khác nghe, nhưng vẫn chưa cho đăng, mặc dù đã có anh em gợi ý. Có lẽ đó cũng là sự cân nhắc rất thận trọng của anh
http://baonamdinh.vn/channel/5093/201901/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-2-2528805/



3.





Cập nhật lúc06:28, Thứ Năm, 24/01/2019 (GMT+7)
Hoàng Ước

(tiếp theo)
Lại câu chuyện về một cái Tết khác. Đó là năm 1957, khi đó tôi đang là thư ký giúp việc anh. Trước Tết, tôi về thăm và ăn Tết với mẹ và em gái tôi, lúc đó vẫn còn ở chỗ tản cư cũ ở Yên Thế (nay là Tân Yên), Bắc Giang. Sau đó tôi trở về Hà Nội và chiều mồng hai Tết, tôi mới vào chúc Tết anh và gia đình. Trước đó, tôi đã nhận được quà, lời thăm hỏi và chúc Tết của anh gửi mẹ tôi. Tôi chuyển lời cảm ơn và lời chúc mộc mạc của mẹ tôi đến anh chị. Tôi nhớ là khi anh chị vui vẻ tiếp chuyện riêng tôi (khoảng 4 giờ chiều đã vãn khách), tôi có chúc anh chị năm nay sinh con trai. Anh cười xòa và đùa với chị: "Đấy, anh Ước chúc như vậy, mình phải cố gắng lên nhé!" Rồi quay sang tôi, anh nói: Xin nhận lời chúc, nhưng chúng tôi mong có thêm cháu gái. Mọi người cười vui vẻ. Anh bảo tôi nán lại ăn bánh chưng rồi hãy đi chúc Tết "người đẹp" và họ hàng, bạn bè. Anh dùng từ "người đẹp" một cách rất hóm hỉnh. Anh tiếp chuyện tôi trong khi chị xuống bếp bóc bánh chưng. Anh hỏi han sức khỏe mẹ tôi, hỏi chuyện Tết nhất ở nông thôn. Trong khi đang nói chuyện vui vẻ, bỗng dưng anh dừng lại và hỏi tôi: "Năm nay anh bao nhiêu tuổi?" - "Thưa anh, tôi sang tuổi 29", tôi đáp. Trầm ngâm một chút, anh nói: Các anh còn trẻ cần phấn đấu để ngày càng phục vụ cách mạng được tốt hơn. Nhưng theo ý riêng tôi, đến độ tuổi xấp xỉ 40 thì sẽ chắc chắn hơn, mặc dù các cụ xưa vẫn nói "tam thập nhi lập". Dừng lại một chút, bỗng anh cười xòa rồi thủng thẳng nói một cách hài hước: "Này! Nói vậy chứ, mình đến 50 tuổi đầu rồi mà vẫn còn dại đấy!" Anh vẫn tiếp tục cười vui vẻ. Nhưng lòng tôi bỗng se lại. Đúng là Tết năm đó, anh 50 tuổi. Trước đó một năm, do phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, anh đã tự nguyện xin từ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chủ động đứng ra xin Bác và Bộ Chính trị gánh vác công việc sửa sai. Việc anh từ chức cũng đồng thời có ý nghĩa là tự nhận trách nhiệm, thiếu sót và tự nguyện chịu kỷ luật của Đảng cũng gây ra những dư luận, bàn tán, xôn xao trong Đảng và trong nhân dân. Hồi đó, tôi đi thực tế ở nông thôn khá nhiều. Tôi cũng đã giúp việc anh Đỗ Mưòi tham gia sửa sai ở một số huyện, xã của Thái Bình. Đúng là quần chúng, cán bộ, đảng viên rất bất bình đối với sai lầm trong cải cách ruộng đất và đặc biệt là sai lầm trong chỉnh đốn tổ chức. Song quần chúng và cán bộ, đảng viên thù ai? ghét ai? Trước hết, họ ghét số "rễ", "chuỗi" thôi (có khi là lưu manh) mà cán bộ dựa nhầm, để cho số này tố điêu, vu khống nhằm trả thù và mưu lợi cá nhân. Rồi đến, họ căm ghét những ông cán bộ đội cải cách lộng hành ở xã, mà lúc đó bà con đã gọi là "nhất đội, nhì trời". Số có trình độ hơn, hiểu biết hơn thì cho rằng kỷ luật đến đồng chí Hồ Viết Thắng là được rồi. Đồng ý là Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh cũng phải chịu trách nhiệm, song có đáng đến mức đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh phải từ chức hay không?... Tôi cũng đôi lần phản ánh với anh tinh thần của hàng trăm lá thư của cán bộ, đồng bào khắp các tỉnh, thành miền Bắc gửi lên anh với tấm lòng ngưỡng mộ, kính phục, kèm theo câu trách móc có ý nghĩa chất vấn: "Cớ sao anh lại có hành động như vậy?". Có thư của cán bộ cao cấp trong Đảng, trong quân đội còn phê phán thái độ của anh là "chân thực tiểu tư sản" (với chú thích bằng tiếng Pháp "scrupule petit - bourgeois" ) và là những gì khác nữa, …
Chiều hôm đó, tôi được anh chị cho ăn bánh chưng, giò lụa kèm với dưa hành, trong không khí rất thân mật. Tôi cảm thấy tự mình gắn bó với anh thân thiết như người trong gia đình. Tuy nhiên, trong công việc và giao tiếp hàng ngày, tôi vẫn giữ khoảng cách cần thiết. Là người tế nhị, từng trải, anh thông cảm và cũng cho phép giữ một khoảng cách như vậy. Đó là khoảng cách của một cán bộ tận tụy giúp việc thủ trưởng, thủ trưởng lại là một lãnh tụ quan trọng của Đảng. Đòi hỏi của anh đối với người giúp việc mình là: tận tụy trong công việc, bảo vệ bí mật của Đảng, giữ gìn thái độ đúng đắn, hòa nhã đối với mọi người, sinh hoạt nghiêm túc, không được phép bê tha, bừa bãi. Sau đó, là thời giờ tự do của mình được sử dụng thế nào là quyền của mình. Vì vậy, những năm tháng được làm việc và sống bên anh, tôi cảm thấy mình được sống một cách tự do, thoải mái nhất và cũng là có ý nghĩa nhất...
Rồi lại chợt nhớ đến một cái Tết mà tôi dẫn theo đứa con gái đầu lòng của mình đến chúc Tết anh. Khác với lệ thường, hôm đó là sáng ngày mồng một Tết, mà không phải là buổi chiều. Được dặn dò trước, con tôi đã thưa với anh: Năm mới, cháu xin chúc ông mạnh khỏe, sống lâu. Anh phát biểu cảm ơn và chúc lại cháu học giỏi, ngoan, lễ phép để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Rồi anh nói thêm: Cháu ngoan lắm; nhưng bây giờ bác nhắc cháu chúc lại: Năm mới, cháu xin chúc bác mạnh khỏe... Con tôi đưa mắt nhìn tôi. Chính tôi cũng lúng túng, không biết phản ứng thế nào trong tình huống này cho phải. Thấy cháu im lặng, anh nhắc cháu: Thế bây giờ cháu chúc lại bác đi. Cháu đứng dậy và nói một cách mạch lạc: "Năm mới, cháu xin chúc bác sống lâu, mạnh khỏe ạ"...
Con gái tôi năm nay đã bốn chục tuổi, nhưng kỷ niệm của ngày Tết đó vẫn theo cháu, mặc dù hơn ba chục năm đã trôi qua.
http://baonamdinh.vn/channel/5093/201901/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-3-2528926/

---


TIẾP THEO


15.

TRƯỜNG CHINH - MỘT NHÂN CÁCH LỚN, MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO KIỆT XUẤT CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 15)

Cập nhật lúc07:13, Thứ Năm, 28/02/2019 (GMT+7)

Hoàng Ước
(tiếp theo)
Thế rồi đến cái ngày 30-9-1988 ấy. Trước đó vài tuần, tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh bay ra sau một chuyến đi công tác, chưa kịp đến chào anh. Hôm đó, tan giờ làm việc tôi ra sinh hoạt ở Câu lạc bộ Ba Đình. Một số anh chị em làm việc ở Câu lạc bộ đổ xô ra hỏi thăm tôi về cái tin chẳng lành đối với anh. Tôi ngỡ ngàng chưa biết chuyện gì và trả lời: "Mình vừa từ trong kia ra". Tôi lấy ngay xe đạp phóng sang nhà. Ôi! Cảnh tang tóc và tôi cố an ủi cô Huấn (vợ anh Kỳ), cố kìm tiếng khóc nấc của mình và cảm giác nước mắt chảy vào tim. Rồi thấy vợ chồng anh Văn vào thăm. Tôi xin một tấm ảnh, gói cẩn thận rồi phóng xe một mạch về nhà. Trời thu Hà Nội hôm ấy đẹp lắm. Tôi phóng xe nhanh đến mức chỉ còn nghe gió ù ù thổi bên tai. Không thấy gì quanh tôi nữa. Mà cũng không nghĩ đến cái gì nữa. Vào đến cửa, tôi chỉ kịp nói trong tiếng mếu máo: "Anh Năm mất rồi!" và tôi nằm khóc một mình. Sáu chục tuổi đầu bỗng cảm giác thấy bơ vơ. Vợ con tôi đều hoe hoe nước mắt. Không ai an ủi ai. Một lúc, tôi nhờ vợ tôi bầy ảnh anh dưới bàn thờ Phật, và thắp một bó hương. Tôi rửa mặt, rồi một mình chắp tay trước di ảnh của anh mà nước mắt chảy ròng ròng. Tôi thầm khấn: "Đau đớn quá anh ơi! Thấu cho nỗi lòng em! Sống khôn thác thiêng, anh phù hộ cho đất nước, cho gia đình, cho chúng em...". Bác Hồ mất, nhưng dù sao cũng còn được chuẩn bị trước. Bố tôi mất phải sau một năm tôi mới được tin. Mẹ tôi mất còn có dăm bảy ngày hấp hối. Tôi ân hận không được gặp anh trước lúc anh đi xa. Nỗi đau đối với tôi càng thấm thía khi Hà Nghiệp kể lại rằng trong buổi làm việc sáng 30-9 đó, anh hỏi anh Nghiệp rằng sao lâu quá không thấy Ước đến chơi. Đây là một trong số ít nỗi đau chia ly lớn nhất trong cuộc đời tôi. Và bài thơ tôi làm viếng anh được đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 5-10-1998.
Bài thơ có đầu đề "Anh nhận cho em một giọt lệ thương đau". Tôi trích vài câu trong bài đó:
"... Hiếu nghĩa, chung tình hết lòng vì dân vì nước,
Chung thủy, chân thành, nghĩa tình có sau có trước.
Một cuộc đời hy sinh trọn vẹn vì mọi cuộc đời,
Một con người sống rất người đối với mọi con người..."
Trong đời tôi mãi mãi có anh
Kể từ khi anh mất, đối với anh, có hai ngày tôi nhớ nhất và vào những ngày đó, tôi đều đến kính cẩn lễ anh. Đó là ngày anh ra đời (9-2) và ngày anh mất (30-9) tức (20-8 âm lịch). Đặc biệt ngày giỗ anh rất dễ nhớ vì ngày 20-8 ta hàng năm cũng là ngày giỗ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại vương). Điều này, họ hàng tôi, bạn bè thân quen tôi và gia đình anh Đặng Xuân Kỳ đều hiểu và cảm thông. Vì đối với tôi, anh là thầy và chung đối với gia đình tôi, anh là ân nhân - tình cảm này đối với riêng tôi còn mạnh mẽ hơn cả tình cảm của một đảng viên đối với lãnh tụ, hạnh phúc và tự hào đối với tôi là cả gia đình tôi đều được anh chú ý, quan tâm: mẹ tôi lúc sống cũng như lúc chết, vợ tôi từ lúc còn là người yêu của tôi, các con tôi từ đứa lớn đến đứa bé.
Đám cưới tôi, anh chị đến dự từ đầu đến cuối như một người thân thiết trong họ. Anh chị ngồi chung bàn với mẹ tôi và bố mẹ vợ tôi. Anh chị còn ngồi uống trà xem đám cưới đổi mới của chúng tôi, nghĩa là có cả "nhảy đầm". Tôi cũng được chọn làm người nhà tháp tùng chị đi hỏi vợ cho anh Kỳ bên gia đình nhà chị Huấn ở Đáp Cầu (Bắc Ninh). Chị và tôi, hai chị em cũng đủ lễ vật (chè, bánh cốm, mứt sen, trầu cau) rong ruổi xe đạp, ra ga, lên tàu, lại rong ruổi hàng chục cây số đường để dự lễ ăn hỏi. Chiều tối về, anh ngồi nghe hai chị em tôi báo cáo kết quả, rồi cùng ăn cơm. Những ngày mẹ tôi lâm bệnh trọng, anh và anh Sáu Dân cho mẹ tôi thuốc quý hiếm qua cơn hiểm nghèo kéo dài thêm được hai năm. Trước khi đi Lào, anh còn dặn theo dõi tình hình của mẹ tôi. Lúc mẹ tôi mất, chị thay mặt anh lúc đó đi công tác đến phúng viếng chu đáo. Tất nhiên, tình cảm giữa Kỳ và tôi là tình bạn thiêng liêng như anh em ruột thịt, tuy cá tính và lối sống có khác nhau...
Kết thúc bài viết, thắp nén hương lòng, xin mãi mãi tưởng nhớ anh, một tâm hồn Việt Nam trong sáng, một nhân cách lớn Việt Nam trong thế kỷ XX./.

http://baonamdinh.vn/channel/5093/201902/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-15-2529481/


14.

13.

12.


11.


10.


9.

8.


Cập nhật lúc05:36, Thứ Ba, 12/02/2019 (GMT+7)
Hoàng Ước


Nhà thơ Sóng Hồng
Đến những năm 70 thế kỷ XX, sau vài lần nghe tôi đọc thơ của mình viết ở trong Nam, anh tỏ vẻ hoan nghênh. Đầu năm 1977, năm anh tròn 70 tuổi, lúc đó cả anh và tôi đều có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có gửi lên anh thơ mừng sinh nhật. Gặp lại tôi ở Hà Nội, anh cảm ơn tôi có thơ tặng, rồi anh hỏi tôi chuyện khác có liên quan đến kế hoạch Nhà nước. Bài thơ của tôi có hai khổ, mỗi khổ bốn câu. Anh bảo: Đoạn hai được. Nhân đây, tôi xin ghi toàn bộ bài thơ tôi viết tặng anh ngày 9-2-1977:
Muốn đến tặng Anh một đóa hoa mai,
Chúc mừng Anh nhân kỳ sinh nhật.
Nhớ khảng khái câu thơ Cao Bá Quát,
Lồng lộng tâm hồn lời hịch ức Trai.
*
Đất nước hôm nay biển rộng, sông dài,
Đường Trường Chinh cánh đại bàng chưa mỏi.
Trọn bảy mươi xuân lòng còn trẻ mãi,
“Huýt sáo trên đường đời vui tuổi hai mươi”.
Đồng chí Trường Chinh thăm một đơn vị Hải quân ở Quảng Ninh, năm 1970.
Đồng chí Trường Chinh thăm một đơn vị Hải quân ở Quảng Ninh, năm 1970.
Rồi anh khuyến khích tôi nên nhớ lại và dồn sức làm thơ ca ngợi cuộc chiến đấu ở tiền tuyến lớn và tỏ vẻ thích bài thơ Ý nghĩa tháng năm tôi gửi lên xin ý kiến anh mà sau đó tôi lấy đầu đề Khải hoàn ca theo sự góp ý của anh. Anh không "mặn mà" lắm với bài thơ tôi viết mừng sinh nhật anh lần đầu. Phải nói thật lòng rằng tôi hơi bị cụt hứng. Nhưng theo hướng anh góp ý, tôi có gửi anh khoảng hơn chục bài thơ tôi viết ở trong Nam. Cũng cần chú thích rằng chùm thơ của tôi đã được Việt Phương giúp sửa và đã có sự góp ý của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ về cách chọn chữ. Bẵng đi một thời gian, khoảng hai tháng, anh hẹn tôi đến chơi một buổi sáng chủ nhật, lúc 10 giờ sáng và nếu không bận thì ăn cơm trưa với anh. Tôi chưa rõ anh gọi có việc gì. Theo thói quen nghề nghiệp, tôi mang theo sổ công tác và cũng chuẩn bị những số liệu tổng hợp mà tôi biết anh hay quan tâm hỏi. Thực ra, thì đôi lần làm việc, khi anh hỏi thì tôi thường bí vì chỉ nghe bàn phong phanh chứ chưa nắm chắc. Mà kinh nghiệm đối với tôi, khi đã báo cáo lên anh mà chưa nắm chắc, chưa có ý kiến riêng của mình, thì chớ có dại mà báo cáo. Tốt nhất là trả lời: "Thưa anh, về việc này, tôi chưa nắm được". Thông thường, gặp vấn đề mà anh cần biết và muốn tham khảo ý kiến của tôi thì anh dặn: "Tôi muốn hiểu vấn để này, nhưng chưa rõ. Nếu anh quan tâm thì giúp mình tìm hiểu và ghi rõ ý kiến của anh...". Anh còn dặn thêm: tan giờ làm việc trưa hoặc chiều, ghi đầu dòng những nét chính, rồi đưa trực tiếp cho tôi, nếu tôi bận. Có lẽ cũng đến dăm ba lần, anh nhận tờ giấy báo cáo của tôi liếc qua rồi bảo: tôi có việc đột xuất, hôm khác chúng ta gặp nhau sẽ bàn tiếp. Rồi lần khác, anh bảo: anh viết cho tôi gọn và đáp ứng đúng yêu cầu rồi. Cách làm việc của đồng chí Trường Chinh là như thế đấy. Việc nào cần nghiền ngẫm, thì làm việc rất chính quy, bài bản. Nhưng cũng có việc chỉ trong một ngày cần phải nắm, thì hẹn cần gấp, và chấp nhận lối làm việc "du kích". Song đừng nghĩ làm việc kiểu này mà à uôm được đâu. Kinh nghiệm bản thân tôi là khi làm việc, báo cáo với anh, thì cần nhớ rằng đang báo cáo với cụ Thận đấy. Ghi số liệu, sự kiện thì chú thích nguồn rõ ràng; trình bày ý kiến của mình, thì nói rõ là đồng tình, phản đối hoặc phân vân, kèm theo lý do ngắn, gọn.
Hóa ra buổi sáng chủ nhật hôm đó, anh góp ý với tôi về một số bài thơ tôi viết ở trong Nam. Không khí ban đầu thật là vui vẻ. Anh hỏi: "Trưa nay không bận đi đâu chứ?". Tôi thưa: không ạ! Anh bảo: "Thế thì bình thơ của cậu xong thì ăn cơm ở đây. Cơm thường thôi. Nhưng có món lòng lợn chấm mắm tôm".
Thế rồi anh giở tập thơ ra, lật mấy trang, rồi anh bắt đầu câu chuyện - anh nói vì bận quá, nên tháng trước mới xem được. Anh bảo qua những bài tôi lựa chọn đưa anh xem, thì nói chung anh hoan nghênh. Hôm đó, anh cũng nói và phân tích về thơ khá dài, còn trực tiếp góp ý vào thơ của tôi thì cũng ít thôi.
Anh nói đại ý: "Về số bài thơ của cậu, tôi đọc khá kỹ và cũng có đánh dấu. Nói chung là có tình cảm, dễ hiểu, như vậy là tác giả có cảm xúc thực sự, cho nên thơ của cậu cũng dễ đi vào lòng người. Lựa chọn đề tài và thể thơ như vậy cũng được. Dùng chữ có cân nhắc đấy, nhưng lựa chọn thế nào cho thật hay hơn, mình đã làm thơ, mình thấy có khi chỉ đánh vật với mấy câu thôi cũng đã thấy mệt. Nhiều lúc cảm thấy tắc tị. Có lúc tưởng như ra được thơ ngay, nhưng rồi lại chẳng có. Mà những lúc đó, lại chẳng tìm được ai mà hỏi, trao đổi. Đến lúc nghĩ lại, thì hứng thơ chẳng còn nữa. Các cậu thuận lợi hơn mình, lại có nhiều bạn bè trao đổi ý kiến, bình với nhau, thì dễ có thơ hơn. Tuy nhiên, chọn thơ để in khó lắm. Đừng dễ dãi với mình, về chỗ này, đúng là phải chú trọng đến chất lượng nhiều hơn. Không nên cố cưỡng với thơ của mình, vì thơ là con người, là tâm hồn mình. Mình ở tầm này, mà cố vươn lên tầm cao hơn để đi vào những đề tài bao quát, lớn thì khó thành công. Điều kiện quan trọng nhất hoặc cũng là tính nghiêm túc của người làm thơ là ghi thật, ghi đúng sự rung động và cảm xúc của mình...".
 (còn nữa)
http://baonamdinh.vn/channel/5093/201902/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-8-2529161/



7.




Cập nhật lúc06:31, Thứ Hai, 11/02/2019 (GMT+7)
Hoàng Ước

Ở đây, tôi chỉ xin lược ghi lại ý kiến của anh hồi đó, có nghĩa là những ý mà đến nay, tôi cho là quan trọng nhất, những ý của một nhà lãnh đạo chiến lược tầm cỡ. Trong cuốn sách có nhan đề Trường Chinh và cách mạng Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in năm 1997, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, anh Trường Chinh đã có công lao to lớn là góp vào việc soạn thảo và đưa ra những quyết sách chiến lược nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi tới thắng lợi hoàn toàn. Nói riêng về mặt quân sự, anh có những ý kiến đóng góp rất xuất sắc". Cũng trong cuốn sách này, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: "Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là thành viên trong Bộ Thống soái tối cao, đồng chí (tức Trường Chinh) đã góp phần không nhỏ vào những quyết sách chiến lược lớn đưa đến những bước ngoặt của chiến tranh và thắng lợi cuối cùng" và tôi còn nhớ như in lời khẳng định và dự kiến sáng suốt của đồng chí về chiều hướng phát triển tất yếu của cuộc chiến tranh cách mạng: "Phải có những đòn tiêu diệt chiến lược lớn như Điện Biên Phủ, và cũng chỉ cần vài ba đòn như vậy kẻ địch sẽ sụp đổ ngay. Phải nắm chắc quyền chủ động, đánh vào những chỗ buộc địch phải đổ, khi đó chúng sẽ rơi vào cạm bẫy của ta". Tôi mong kể câu chuyện anh phân tích dặn dò tôi có thể là một phần minh chứng cho các nhận định tổng quát và sâu sắc về đóng góp của anh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà hai đồng chí đại tướng đã nêu.
Đại ý, anh nói: "Trong thực tế, đôi khi người ta vì mù quáng theo đuổi những mục đích ngông cuồng mà quên đi những quyết định sáng suốt ban đầu. Điều này rất đúng khi liên hệ việc đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân tham chiến ở Việt Nam chứ không chịu dừng lại ở mức chỉ đưa cố vấn quân sự. Sau thất bại trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, trong giới cầm quyền của Mỹ đã có khuyến cáo rằng không bao giờ được phép đưa quân vào tham gia tác chiến ở những đất nước xa xôi châu Á. Đến nay hàng vạn quân Mỹ đã có mặt ở chiến trường miền Nam. Chắc hẳn, chúng vào đây không phải chỉ nhằm mục đích răn đe, càng không phải là để đi du lịch... Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu xem có thể tiếp tục phương châm, chính sách, phương pháp đấu tranh của chiến tranh đặc biệt hay không?... Chiến tranh cục bộ nhất định sẽ xảy ra. Nó đến ngoài sự mong muốn của chúng ta. Cuộc chiến đấu của toàn thể dân tộc sẽ gian khổ, phức tạp hơn, và ở miền Nam sẽ diễn ra ác liệt hơn. Về điểm này, không được phép tiết lộ ra ngoài lúc này... Trong chiến tranh, nhất là chiến tranh nhân dân lâu dài, điều cần đánh giá thật đúng là sự so sánh lực lượng ở các cấp độ khác nhau, nhưng quan trọng nhất là ở cấp chỉ đạo chiến lược. Sự so sánh lực lượng ở mỗi thời điểm của chiến tranh đòi hỏi sự vận dụng các yếu tố khác nhau. Cả hai loại yếu tố thường xuyên và đột xuất đều phải chú ý; nhưng cần coi trọng nhất là loại các yếu tố thường xuyên. So sánh lực lượng không phải chỉ là thống kê số lượng và chất lượng của số quân, số súng đạn và phương tiện kỹ thuật của hai bên rồi rút ra kết luận đơn giản. Như vậy là lôgich hình thức. Sự so sánh đó cũng cần thiết nhưng chưa đủ. Những yếu tố cơ bản khác cần tính đến trong so sánh lực lượng còn là sức mạnh của hậu phương, hậu thuẫn chính trị của dư luận tiến bộ trên thế giới, năng lực lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh, tinh thần của dân chúng và quân đội, … Chỉ có điều mấu chốt nhất là chiến tranh cục bộ có diễn ra thì người chiến thắng sẽ là nhân dân Việt Nam, đất nước sẽ hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam thống nhất một nhà. Đó là nguyện vọng thiêng liêng của nhân dân ta ở cả hai miền; Đảng ta là người lãnh đạo và đại diện cho nguyện vọng thiêng liêng đó. Với quyết tâm và niềm tin sắt đá vào bản thân lực lượng của dân tộc mình là chính, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bên ngoài (lúc đó là phe xã hội chủ nghĩa mà quan trọng nhất là Liên Xô và Trung Quốc cùng sự đồng tình của nhân dân thế giới), chúng ta nhất định chiến thắng...". Chỉ trong khoảnh khắc đó, tôi bỗng cảm thấy như mình lớn lên. Giọng anh có lúc hùng hồn, sang sảng... Đôi lúc tôi thấy run bắn người lên, căm thù giặc Mỹ và cảm thấy phăm phăm khí thế ra trận như trong thời kỳ chống Pháp.
Anh vào buồng riêng một lúc rồi ra tiếp tục nói chuyện, cảm thấy anh vui, thoải mái, tôi ngồi nán lại. Anh vui vẻ nói: "Tôi báo tin mừng là cậu Kỳ và cô Huấn có con trai đầu lòng rồi. Vào Nam, có ai hỏi thăm tôi thì nhắn giúp rằng tôi đã lên chức ông nội rồi...". Anh đưa tôi lên gác thăm chị Kỳ và cháu, rồi từ trên gác ba, tiễn tôi về. Khác với thường lệ, anh xuống tận sân, nắm chặt tay tôi chúc tôi lên đường, hẹn ngày gặp lại và gửi lời thăm gia đình tôi.
Ở trong Nam, ý kiến của anh được tôi tâm sự với anh Vũ Đức, anh Thép Mới, anh Trần Đình Vân là những người bạn thân. Anh Trần Nam Trung và anh Hai Văn là hai đồng chí Thường vụ Trung ương Cục đã chăm chú nghe tôi báo cáo lại ý kiến của anh. Lúc đó đã có chỉ thị của Bộ Chính trị về việc đối phó trong chiến tranh cục bộ rồi. Do điều kiện sức khỏe, tôi không được chia sẻ với đồng đội, chiến hữu, đồng bào miền Nam niềm vui chiến thắng của ngày 30-4-1975. Nhưng những người thân quen ở đấy trong thời kỳ này vẫn dành cho tôi nhiều tình cảm tốt đẹp.
http://baonamdinh.vn/channel/5093/201902/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-7-2529135/




6.


Cập nhật lúc12:18, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)
Hoàng Ước
(tiếp theo)
Sau khoảng một tháng, anh đã xuống chỗ đội chúng tôi để kiểm tra công việc và dặn dò thêm. Theo đề nghị của anh, chúng tôi được bồi dưỡng thêm vì nhiều buổi phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Trong lần tiếp xúc này, một số anh em chúng tôi sau khi được báo cáo lên anh tình hình phân tán ruộng đất rất phức tạp, việc phân định thành phần rất khó khăn trong những trường hợp nhập nhằng giữa địa chủ với phú nông, giữa phú nông với trung nông lớp trên, giữa bần nông với trung nông lớp dưới, đã được nghe anh góp ý giải đáp một cách rất thỏa đáng, thiết thực. Anh nói đại ý: Vì tình hình ruộng đất trong kháng chiến diễn biến phức tạp như vậy, cho nên Trung ương mới cử các đồng chí đi điều tra cụ thể tình hình nông thôn để Trung ương căn cứ vào thực tế đó mà quyết định đường lối, phương châm, chính sách, các bước tiến hành cải cách ruộng đất. Chúng ta chưa có kinh nghiệm, nên có cố vấn giúp đỡ thêm. Có ý kiến khác nhau thì báo cáo lên Trung ương xem xét và cho ý kiến. Chỉ cần các đồng chí nắm chắc thực tế, phản ánh một cách trung thực tình hình, phân tích thật cụ thể, khách quan, khoa học thì coi như là đã hoàn thành cơ bản được nhiệm vụ. Còn nếu có thêm ý kiến đề xuất lên Trung ương về đường lối, chính sách thì rất hoan nghênh.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình bà Trần Thị Hồng và bà Lê Thị Cúc, cơ sở cách mạng ở Đông Xuân, Kim Anh, Vĩnh Phú.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình bà Trần Thị Hồng và bà Lê Thị Cúc, cơ sở cách mạng ở Đông Xuân, Kim Anh, Vĩnh Phú.
Sau này, chúng tôi hiểu ra rằng chính do phân tích tình hình thực tế mà anh đã đề xuất với Trung ương trong đường lối tiến hành cải cách ruộng đất là "liên hiệp với phú nông" chứ không phải là "trung lập phú nông" như đã có ý kiến đề nghị.
Tôi vẫn đinh ninh nghĩ rằng giá hồi đó tiến hành cải cách ruộng đất mà quán triệt được tư tưởng chỉ đạo của anh và Bộ Chính trị, nhất là đừng gắn với kết hợp chỉnh đốn tổ chức, thì không thể có sai lầm đến mức như vậy.
Sở dĩ tôi ghi nhớ điều anh căn dặn, vì trong cải cách ruộng đất, tôi là người được chứng kiến từ đầu đến cuối, tức là từ lúc điều tra đến lúc tổng kết, và tiếp đó cũng tham gia sửa sai từ đầu đến cuối. Trong cuốn sách Về cách mạng ruộng đất ở Việt Nam mà đồng chí Trần Phương là chủ biên, tôi có tham gia một phần cùng với anh Lê Đức Bình do ủy ban Khoa học Xã hội in và phát hành, cũng có nghĩa là trong thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất, tôi đều có phần đóng góp và phần chịu trách nhiệm của mình. Do đó, khi tổng kết cải cách ruộng đất, đánh giá thắng lợi là cơ bản, mà sai lầm chủ yếu là do chỉ đạo thực hiện, thì tôi lại thoáng có ý nghĩ rằng đồng chí Trường Chinh của chúng ta không đáng nhận kỷ luật đến mức phải từ chức Tổng Bí thư.
Lần anh dặn dò đáng ghi nhớ nữa đối với tôi diễn ra chiều ngày 22-4-1965. Đó là ngày tôi đến xin ý kiến và chào tạm biệt anh trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. sở dĩ, tôi nhớ chính xác thời gian là vì trong ngày này, anh tặng tôi tấm ảnh của anh với bút tích và thời gian rõ rệt, mà đến nay, tôi coi như một bảo vật. Tất nhiên, vì nguyên tắc bí mật, hôm đó tôi đã cảm động báo cáo với anh rằng: "Rất xúc động và cảm ơn anh đã tặng ảnh. Tôi hứa xứng đáng với lòng tin cậy của anh. Nhưng cũng xin báo cáo với anh rằng tôi không được phép mang theo, và để lại gia đình như một kỷ niệm quý... Trong buổi đó, không khí diễn ra hơi đặc biệt: có thuốc, có trà và cả bánh kẹo nữa. Trên bàn có sẵn bức thư của tôi xin gặp anh và có cả đề cương khá chi tiết bài viết của anh dặn dò tôi trước lúc lên đường. Thư tôi báo cáo anh gồm mấy ý: một là, toại nguyện và vui vẻ, phấn khởi lên đường, vì từ năm 1963, tôi đã có đơn tình nguyện đi B và hằng năm, tôi có nhắc lại; hai là, thu xếp ổn thỏa trong gia đình; ba là, hứa làm tròn nhiệm vụ và xứng đáng với lòng tin của Đảng, của Đoàn và là người đã được anh trực tiếp giáo dục, dạy dỗ.
Có lẽ, hôm đó anh cũng xúc động, còn đối với tôi thì có sự xúc động rõ rệt hơn. Nhịp tim tôi chắc chắn nhanh hơn. Trời rất oi bức mà không hiểu sao tôi run rẩy. Kẹo bánh do anh mời, tôi cầm lấy, nhưng lại đặt lên bàn, cảm thấy không thể ăn được. Điếu thuốc tôi cũng đặt lên bàn mà không châm lửa. Anh xua tay lắc lắc nhẹ nhàng khi tôi lấy giấy bút ra định ghi ý kiến của anh.
Lúc chậm rãi, lúc mạnh mẽ, anh nói một mạch khoảng hơn nửa tiếng, đôi khi liếc nhìn tờ giấy gạch đầu dòng ý kiến của mình, sở dĩ anh không cho ghi, vì sau đó, anh cho tôi ngồi tại chỗ đọc lại bản ghi của anh. Tuy là bản ghi ý chính, nhưng cũng chữ đỏ xen lẫn chữ xanh, và tôi hiểu anh đã phải tốn khá nhiều thời gian cho vài ba trang viết này. Thực ra để đọc mấy trang của anh, chỉ cần mươi phút. Nhưng tôi cũng tranh thủ đọc và nhẩm nhớ trong nửa tiếng đồng hồ, lúc anh vào buồng làm việc để mình tôi nghiền ngẫm. Cũng có một chi tiết thú vị là trong bản viết này, đôi chỗ anh viết bằng tiếng Pháp. Thí dụ: có chỗ anh viết nguyên văn: "Facteurs permanents / / Facteurs de contingence,...
http://baonamdinh.vn/channel/5093/201902/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-6-2529122/



5.


Cập nhật lúc07:08, Thứ Tư, 30/01/2019 (GMT+7)

Hoàng Ước
(tiếp theo)
Cũng nhân đây, tôi nhớ lại những ngày anh thường xuyên làm việc với các đồng chí ở cơ quan thường trực sửa sai ở số 4 Bà Huyện Thanh Quan. Những đồng chí chủ chốt ở đây là những người ít nhiều đều đóng góp vào thành quả cũng như sai lầm của cải cách ruộng đất, đều là những người có phẩm chất rất tốt, nhiều người vào tù ra tội, vào sinh ra tử, có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đội ngũ cán bộ đó, vâng, cũng chính vẫn đội ngũ cán bộ đó, lần này được sự lãnh đạo trực tiếp và chỉ đạo sít sao của đồng chí Trường Chinh, đã chịu đựng bao gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp, với thái độ tự giác và phấn khởi hơn. Ngoài quan hệ trong công việc, anh có tình cảm anh em cũng khá đặc biệt đối với anh Lộc, anh Thí, anh Đào, anh Bình...  Hình như còn cả sự thông cảm với hoàn cảnh của nhau nữa. Tôi nhớ nhiều lần anh rất vui khi đến làm việc với anh em. Đôi lần, trước khi làm việc chính thức, anh thông báo để anh em nắm đôi nét về tình hình thế giới và trong nước. Anh Lộc báo cáo có khi dây cà ra dây muống, nhưng lại rất ấn tượng, cho nên anh cũng rất thích thú. Anh cũng rất chú ý tới nét sắc sảo trong các lần phát biểu của anh Thí, anh Đào, anh Bình. Những tài liệu của cơ quan thường trực sửa sai gửi lên anh, thường được anh đồng tình, và nếu có sửa chữa, bổ sung thì rất ít. Anh thường khen cơ quan thường trực sửa sai cũng có những cây bút viết rất khá. Tôi đóng vai trò liên lạc giữa anh và các đồng chí thường trực sửa sai, và các anh bên đó cũng làm việc thực sự nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm rất cao. Anh em hiểu quá rõ tính thận trọng của anh, cho nên gia công gọt rũa câu chữ để tiết kiệm công sức của anh. Trong thâm tâm, anh coi các đồng chí đó là những chuyên gia trên lĩnh vực này, cho nên anh rất tôn trọng ý kiến phát biểu của các đồng chí đó. Khi thảo luận thì mọi người tranh luận đến nơi đến chốn mà vẫn rất chân tình. Thường thường anh kết luận một cách rất vui vẻ và anh em cũng đồng tình một cách rất vui vẻ. Sau đó, cũng "mặc cả" với nhau về thời gian hoàn thành. Trong sự thương lượng đó, đôi lúc anh tỏ thái độ nhân nhượng và thỏa hiệp. Vậy mà công việc cứ chạy băng băng. Dưới sự chỉ đạo khéo léo, tài tình của anh, bộ tham mưu của anh gồm toàn những người nhanh chóng gắn bó với nhau như những người đồng chí, đồng đội, đồng tâm, đồng cảm, đồng điệu ruột thịt. Tác phong quần chúng của anh thể hiện rất rõ ngay cả trong việc điều hành loại công việc có tính chất rất "bàn giấy" này.
Thời kỳ phụ trách công việc sửa sai, tiếp đó chuẩn bị chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, cũng là thời kỳ anh đi địa phương và cơ sở nhiều. Trong những chuyến đi đó, tôi thường được đi theo tháp tùng; cũng có nghĩa là phải đi trước cùng tỉnh ủy chuẩn bị, rồi sau đó đi theo anh về làm việc với địa phương. Tôi nhớ những địa phương anh đến thăm và làm việc trong thời kỳ này là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình. Qua các chuyến công tác ở địa phương, anh nhận được sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của cán bộ và nhân dân, thu hoạch được nhiều điều thực tế bổ ích. Những cuộc tiếp xúc riêng với cán bộ lãnh đạo chủ chốt, với cơ sở cũ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc diễn ra thật là cảm động. Cũng nhờ được mục kích những cuộc gặp gỡ đó, chúng tôi mới biết cách ăn ở và ứng xử của anh trong thời kỳ bí mật với các thành viên của mỗi gia đình cơ sở khiến họ thương anh khi cùng chung sống và nhớ anh lúc phải rời đi nơi khác để tiếp tục nhiệm vụ. Và càng hiểu thêm bản lĩnh của anh thể hiện qua tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững nguyên tắc công tác bí mật, sự nhanh trí ứng biến một cách bình tĩnh, linh hoạt trong những lần thoát hiểm. Trước đó, dù biết phong phanh một số chuyện như vậy qua người khác, nhưng tôi không dám "tò mò", và cũng chưa bao giờ anh kể cho nghe. Tuy nhiên, từ sau đó, do anh thấy tôi đã được nghe những câu chuyện này thì khi rảnh rỗi, anh cũng kể bổ sung thêm về tên người, nơi và thời gian xảy ra sự kiện. Đồng thời cũng là dịp anh biểu dương và nhớ ơn những người đã từng cưu mang, che chở mình. Đó là một nguồn quan trọng nuôi dưỡng tình cảm cách mạng cũng như nỗi niềm riêng của anh trong cuộc sống đời thường.
Những lần dặn dò...
Mặc dù đã biết tiếng và ngưỡng mộ Tổng Bí thư Trường Chinh - Đặng Xuân Khu từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường và tiếp đó có vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, nhưng phải đến đầu năm 1953, tôi mới được tiếp xúc với đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Lúc đó, tôi được phân công làm một trong ba đội trưởng điều tra nông thôn để chuẩn bị cải cách ruộng đất. Chính đồng chí Tổng Bí thư đích thân chỉ thị cho bốn chục anh em chúng tôi ở cả ba đội trước khi xuống địa bàn công tác. Anh Hoàng Tùng cùng đi với anh tham dự cuộc tiếp xúc này.
Trong khoảng thời gian một tiếng rưỡi, chúng tôi đã lĩnh hội được tầm quan trọng đặc biệt của công tác điều tra, nắm chắc được mục đích của đợt công tác, hiểu được phương pháp làm để đạt kết quả. Việc ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc này có giá trị động viên tư tưởng, tinh thần rất thiết thực. Gần 50 năm đã trôi qua kể từ buổi hội ngộ ban đầu ấy, song tôi vẫn đinh ninh nhớ những lời giảng giải dặn dò của anh đại ý như sau:
Cần có sự phân tích cụ thể đối với tình hình cụ thể, xuất phát từ thực tế để xây dựng chính sách; đó là tinh thần cơ bản trong phương pháp của Mác... Việc điều tra này cần phải dựa vào quần chúng để tiến hành. Muốn quần chúng nhiệt tình giúp đỡ mình một cách trung thực, phải làm cho quần chúng hiểu rõ mục đích của điều tra, hiểu được lợi ích của công việc này. Tuy nhiên, điều tra không chỉ là nghe một chiều, một lần, một người, mà phải thường xuyên so sánh, đối chiếu, kiểm tra lại tài liệu thu thập được để chuẩn xác hóa nguồn tư liệu. Do đó, phải kết hợp điều tra với phát động tư tưởng, với kiểm tra. Tác phong của cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe ý kiến của họ...  Rồi anh nhấn mạnh đến thái độ trung thực của người làm công tác điều tra, động viên và chúc anh em hoàn thành nhiệm vụ...
 (còn nữa)
 http://baonamdinh.vn/channel/5093/201901/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-5-2529035/


Chỉ đạo công tác sửa sai
Ở phần trên, tôi đã điểm qua sai lầm của cải cách ruộng đất kết hợp với chỉnh đốn tổ chức dẫn tới việc anh phải tự giác đứng ra kiểm điểm nhận trách nhiệm về mình, tự nguyện xin từ chức Tổng Bí thư và được Trung ương chấp nhận. Theo quyết định của Trung ương, anh vẫn ở trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư và được phân công đặc trách công việc sửa sai, một công việc bộn bề, phức tạp. Tôi là một trong số người gần gũi nhất chứng kiến những đức tính quý báu cùng bản lĩnh, khả năng lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác trọng tâm của Đảng trong thời kỳ này. Tất nhiên, anh còn phải gánh vác nhiều công việc quan trọng khác. Tháng nào, cũng có vài ba đợt, mỗi đợt 1-2 ngày, anh hẹn tôi sang báo cáo và làm việc bắt đầu từ 22 giờ 30 hoặc 23 giờ. Và thông thường, buổi làm việc như vậy kéo dài ít nhất là 4 tiếng. Cũng có buổi, đồng hồ đã điểm 5 giờ sáng, anh em cảnh vệ đã dậy tập thể dục và tôi đã ngủ gà, ngủ gật, không còn đủ sức chữa những bản đánh máy khác theo bản chữa mẫu của anh. Anh giục tôi đi ngủ để rồi 8 giờ sáng sang lấy sửa tiếp và gửi ngay để kịp phục vụ Bộ Chính trị họp chiều hôm sau. Sau này, anh Đạt, thư ký đánh máy là người hay được "mời" đến để "lao động ca ba" như vậy.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.
Cũng nhân đây, đối với tôi có một mẩu chuyện tôi cho là lý thú. Những lúc hay phải làm khuya như vậy, chị Minh - người bạn đời của anh là người trực tiếp can thiệp, sau khi bác sĩ và bảo vệ tiếp cận tỏ ra bất lực. Anh rất khéo dàn xếp với chị. Chẳng biết anh chị nhỏ nhẹ với nhau điều gì, có khi anh đưa chị lên gác một lúc, rồi anh vui vẻ nói với chúng tôi: đấu tranh thắng lợi rồi, chúng ta cố tăng năng suất làm hai tiếng nữa cho xong. Rồi anh lại cần cù làm việc, mùa hè thì quạt trần mở hết tốc độ, trên mình mặc may ô, quần đùi. Anh nhắc chúng tôi cũng mặc thế cho mát, nhưng chúng tôi chỉ tự cho phép mình mặc may ô, quần dài thôi. Tuy làm việc vất vả và mệt nhọc như vậy, nhưng công tác rất vui. Và bữa ăn đêm của anh thường được san sẻ chia ra cùng hưởng. Khi thì miếng đu đủ hay mấy miếng cam, khi thì cốc cà phê sữa với vài cái bánh bích quy. Thế rồi có một bữa, tôi được anh Hoàng Quốc Việt gọi sang. Nhà anh Việt liền ngõ nhà anh Trường Chinh. Anh Việt hỏi tôi về chuyện anh Trường Chinh hay làm việc quá khuya, có cách nào giảm bớt được không?, … Tôi thưa với anh Việt: Anh quá hiểu anh Năm (lúc này, anh Trường Chinh lấy bí danh là Năm); đã nhận việc gì được phân công thì làm cật lực với tinh thần trách nhiệm đầy đủ nhất để đạt được kết quả cao nhất. Muốn anh đỡ vất vả, có lẽ chỉ có một cách là giao việc đó cho người khác... Anh Việt nghe tôi báo cáo, ngồi trầm ngâm một lúc. Trong lòng tôi bỗng trào lên một niềm xúc động về tình bạn chiến đấu, tình đồng chí thiêng liêng giữa hai anh. Đến nay, tôi vẫn cứ nghĩ rằng lúc đó trình độ hiểu biết và học vấn chưa cao, nhưng về cái đạo làm người hồi đó, có nhiều điều ngày nay, chúng ta nên nhớ lại, học tập và làm theo...
Xin trở lại với công việc sửa sai hồi đó. Đến cuối năm 1958, tình hình trong Đảng và xã hội đã ổn định nhiều. Được làm chủ mảnh ruộng mới được chia, nông dân nghèo đã đầu tư công sức của mình cho nên năng suất tăng lên rõ rệt. Nạn đói ở nhiều nơi được đẩy lùi. Nông dân tự nguyện đứng ra giúp nhau bằng cách đổi công. Tình làng nghĩa xóm gắn bó với nhau khi tối lửa tắt đèn bị lu mờ đi trong cải cách ruộng đất đã được phục hồi và nhen nhúm lại. Vay mượn, giúp nhau giống má không cần có lời lãi gì. Đoàn kết nông thôn được củng cố lại. Người thành phố vui vẻ về thăm lại quê hương mình khá nhộn nhịp. Những phong tục tập quán tốt đẹp được phục hồi, tuy vẫn còn thái độ giữ kẽ, e dè. Việc Đảng thành tâm sửa chữa sai lầm đã làm cho lòng dân thông cảm và càng tin tưởng vào Đảng và Hồ Chủ tịch. Và cũng đến lúc đó, cán bộ và quần chúng đã có nhận thức đúng đắn hơn trong việc đánh giá về thắng lợi cơ bản và sai lầm nghiêm trọng của cải cách ruộng đất kết hợp với chỉnh đốn tổ chức.
Tôi nhớ lại một đêm khuya mùa Đông năm 1958, bên ánh lửa bập bùng của lò sưởi phòng khách, sau buổi làm việc, anh tâm sự đại ý như sau: Đến nay, chúng ta đã có thể yên tâm rằng việc sửa sai sẽ được hoàn thành; thắng lợi của cải cách ruộng đất được bảo vệ và sẽ phát huy kết quả và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhân dân ta đã thấy Đảng ta hành động là vì quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân. Những số liệu thu được trong sửa sai như hạ thành phần cho những người bị quy sai, đền bù một phần tài sản cho họ,… đã chứng tỏ rằng chúng ta sửa chữa sai lầm một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, sự thiệt hại của quần chúng cũng chưa thể được bù đắp đầy đủ. Có những sai lầm không thể nào sửa được. Thật rất đáng ân hận, nhưng đồng bào đã có sự thông cảm. May mà hồi đó, mình còn tỉnh táo và dũng cảm, biết tự phê bình, dám nhận trách nhiệm. Ngạn ngữ Pháp có câu "Le moi est haissable" (cái tôi là đáng khinh ghét). Anh còn nói nhiều hơn nữa, nhưng tôi xin phép chỉ ghi lại những điều chủ yếu nhất. Đấy, tấm lòng của anh trong sáng là vậy. Đấy, phong cách của một nhà lãnh đạo chiến lược là như vậy. Sau đó, bản thân tôi vẫn canh cánh một nỗi ân hận là tại sao những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện lại thiếu tinh thần trách nhiệm đến mức gây ra hậu quả nghiêm trọng đến như vậy.
http://baonamdinh.vn/channel/5093/201901/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-truong-chinh-mot-cong-su-dac-luc-cua-bac-ho-mot-nhan-cach-lon-mot-tam-hon-trong-sang-ky-4-2529008/
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.