"Rác cao cấp" vây ráp các danh lam thắng cảnh hiện nay, thì chúng ta thấy báo chí, và nhất là mạng xã hội, lên tiếng từ lâu rồi. Ví dụ đã nói ở đây (từ năm 2012).
Nhưng đâu chỉ có quan thời nay, thời mà chúng ta đang sống.
Đâu chỉ nhức nhối với đám quan lại thời nay.
Đâu chỉ nhức nhối với đám quan lại thời nay.
Từ lâu đám quan hủ nho Đại Việt đã xả rác bừa bãi lên các danh lam thắng cảnh rồi. Chính trí thức thời trước đã nhức nhối với thứ "rác cao cấp" ấy.
Ví dụ, đoàn khảo sát của nhóm Phạm Quỳnh - Nguyễn Hữu Tiến (và mấy người nữa) đi chơi Ninh Bình. Lên thăm núi Non Nước. Thì ôi thôi, thấy ngay mớ rác của các ông quan hàng tổng đốc hay tuần phủ chình ình ra trên các điểm.
Đây, nguyên văn viết năm 1925 của nhóm Phạm Quỳnh - Nguyễn Hữu Tiến là thế này (lấy nguyên từ bản in chính thức năm đó):
---
BỔ SUNG
Du ký Ninh Bình nửa đầu thế kỷ XX
http://toquoc.vn/doi-thoai/du-ky-ninh-binh-nua-dau-the-ky-xx-103563.html
---
BỔ SUNG
Du ký Ninh Bình nửa đầu thế kỷ XX
Thứ Năm, ngày 11/11/2010 - 10:01
Tỉnh Ninh Bình có nhiều di tích lịch sử, nhiều nơi danh lam thắng cảnh như đế đô Hoa Lư, núi Dục Thúy - Non Nước, Bích Động, Hải Nham, Cúc Phương, Cổ Lộng, đền thờ Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không, Áp Lãng chân nhân…
Hơn nữa, tỉnh Ninh Bình lại nằm trên đường huyết mạch - dưới thời phong kiến thường gọi “con đường thiên lý”, hồi đầu thế kỷ gọi là “Đường Thuộc địa số 1” - rất thuận tiện cho giao thông và mở các tuyến du lịch. Có thể nhờ vậy mà ngay từ hồi đầu thế kỷ đã có nhiều văn nhân qua thăm và để lại nhiều trang du ký sinh động. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh thêm thể tài du ký với ý nghĩa những trang ghi chép về các chuyến du ngoạn, những chuyến tham quan, du lịch được viết dung dị theo cung cách văn chương hồi đầu thế kỷ.
Một trong những trang du ký bằng chữ Quốc ngữ sớm nhất viết về Ninh Bình là tác giả Đạm Trai với bài Ký núi Dục Thúy (Tạp chí Nam Phong, số 28, tháng 10-1919). Bài viết ngắn gọn với đoạn mở đầu mang tính chất giới thiệu khái quát: “Trên con tường thành, dưới có chùa Non, sông Vân sông Gián lượn quanh, núi Hạc núi Diều trông lại. Núi Dục Thúy là một nơi thắng cảnh tỉnh Ninh Bình, tục gọi là Non Nước; đời vua Thiệu Trị đổi gọi là Hộ Thành sơn. Núi bao nhiêu tuổi, mừng gặp chủ đã lắm, từng thay chủ đã nhiều, mà đợi chủ cũng chẳng ít… Cây cối rườm rà, khói nhang nghi ngút, cổ kim đề vịnh biết bao!”... Sau khi biểu dương công lao ông Tuần phủ Từ Cúc Nhân đã chăm lo sửa sang, chỉnh đốn lại nơi cổ tích, tác giả Đạm Trai đã có thơ đề vịnh:
Nước biếc rêu xanh lẫn cỏ vàng,
Trơ trơ trải mấy cuộc tang thương?
Cùng Diều, Hạc sẵn màu thanh tú,
Đem cúc, tùng thêm vẻ điểm trang.
Tháp báu đài câu nào cổ tích?
Miếu cô điện thánh chỉ tàn hương!
Non nước còn có người non nước,
Há dễ từ xưa một họ Trương”...
Ở bài thơ này tác giả vừa đề vịnh phong cảnh vừa ngụ ý nói rằng còn có kẻ hậu sinh nối được chí Trương Hán Siêu (?-1354), người đã viết Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký đầy thi vị.
Trong một trường hợp khác, tác giả Trần Thuyết Minh với bài Nam Tống du đàm (Nam Phong, số 61, tháng 7-1922) có thêm phụ đề “Một buổi đi chơi có hy vọng về tiền đồ kinh tế, kỹ nghệ, ngôn ngữ, văn chương, phong tục, xã hội nước nhà” lại phác họa cảnh quan núi Non Nước, rồi từ đây đã mở ra một chuyến du ngoạn khác: “Ngày mười hai tháng tư năm Nhâm Tuất (1922), ký giả qua cảnh Ninh Bình thăm người bạn cũ… Hôm ấy là ngày chủ nhật, bấy giờ hơn bảy giờ chiều, tôi liền bảo bạn: “Này bác ơi, ta kíp tìm phương giải nhiệt, không thì chết ngốt mất thôi… Tôi muốn rằng ta nên tìm chỗ thanh cao thoáng đãng, thu hấp lấy không khí thuần nhất tinh lương để nuôi cho linh hồn thân thể… À, mà phải đấy, ta lên non Dục Thúy mau lên”. Nói rồi đề huề dạo bước ra đi, khi lên đến đỉnh Thúy Sơn thì bóng nga cũng vừa rẽ bức trướng mây mà tưới xuống nhân gian một trận mưa kim ngọc, khiến cho muôn vật thảy đều khởi sắc sinh tình. Thốt nhiên nghe thấy một luồng những tiếng xoang xoảng âm âm, theo đông bắc phong mà đến như thể những hạt mưa kim ngọc ấy va vào nhau mà vang ra vậy”... Sau khi nghe tiếng chuông, tác giả kể lại những ấn tượng và ý nguyện đến tận nơi có cái chuông: “Chúng tôi ngồi trên đỉnh núi cho đến lúc tiếng chuông không còn đánh nữa mà sông núi gió trăng cũng đã chứa chan những giác quan du khách, bấy giờ chúng tôi mới tạm biệt cái thế giới thanh cao ấy, mà trở về chỗ trần gian náo nhiệt nghỉ ngơi. Nhưng tôi thật không thể nào mà yên gối được, bởi vì phần thì bức tranh sơn thủy hãy còn lưu ảnh ở trước mắt, tiếng chuông êm ái hãy còn lưu thanh ở bên tai, phần thì cái thần hi vọng những toan triệt phá bức tường đêm dằng dặc, để mau ngó thấy vừng hồng nhật rừng rực treo trước đông song, soi đường cho thần hi vọng đến coi cái chuông làng Tống Xá. Sau quả bức tường đêm tối phải tan, hồng nhật đã đến trước đông song mà báo thức, tôi bèn trỗi dậy dùng bánh điểm tâm, ngồi đợi chuyến xe hỏa thứ nhất từ Thanh Hóa ra, lại biết bao nhiêu lần xe hỏa mơ màng chạy qua các đường não tủy, mãi đến tám rưỡi mới có xe hỏa thực hành ở Thanh Hóa ra. Tôi mới từ giã bạn tôi mà ra ga Ninh Bình, đi đến một ga Cát Đằng thì tôi xuống. Sau lưng lại có ba cô thiếu nữ, hỏi ra thì cùng đi về cùng một con đường đính ước của tôi”... Rồi tác giả cũng đi đến nơi cần đến nhưng lại chú ý trước hết tới âm sắc, giọng nói đặc biệt của người dân nơi đây, sau nữa mới đến tận ngôi chùa có cái chuông vang xa kia để thỏa mãn sự hiếu kỳ:
“Làng Tống Xá này đến cái khoa ngôn ngữ mới lại ly kỳ đặc biệt lắm nữa, nghe họ nói tưởng có khi cười đến vỡ bụng. Bấy giờ tôi đi đến một quãng đường lội, tôi đương ngần ngừ muốn qua, bỗng có một người kêu to lên rằng: “Chỗ này lắm đĩa đấy, ông không thể lội được đâu; tôi xin chở thuyền ông đi vậy!”. Tôi nghĩ thầm: Quái lạ chửa! Sao lại có đĩa ở đâu mà dìm xuống chỗ đường lội như thế, sau vào làng thấy gọi “lấy đỉa đựng trầu ăn” tôi mới hiểu rõ ra rằng: bao nhiêu những tiếng thuộc về dấu (~) thì họ nói ra dấu (?), mà bao nhiêu tiếng thuộc về dấu (?) thì họ nói ra dấu (~) cả; sau nữa xét cho kỹ ra thì trừ hai giọng trên kia còn bốn giọng nữa họ nói ra đều có ý khuynh hướng về dấu (?) hết, vì tôi thấy các cậu học sinh chào hai tiếng “lẩy củ” rồi thời về.
Than ôi! Nếu trong một nước Nam này mà mỗi làng một xứ nói năng một giọng khác nhau như thế thì đời nào ngôn ngữ thông đồng, ngôn ngữ đã không thông đồng thì văn chương bao giờ cho thống nhất, văn chương mà không thống nhất thì trật tự tiến bộ sao được điều hòa...
Tôi đến chùa, xem ra cũng không có cảnh trí gì là danh thắng, chẳng qua cũng phổ thông như các chùa nhỏ khác, trừ cái chuông đặc biệt chi ngoại, không vật gì đáng để lại cho độc giả tôn quang. Chùa này cũng không có tăng ni, chỉ có người thủ tự. Tôi bảo dẫn tôi lên gác chuông coi, thoạt lên đến nới tôi lấy làm lạ là cái chuông này về phần hình thức so với nhiều quả chuông khác thì rất là bé nhỏ không thấm vào đâu, đo chiều cao được có chín tấc Nam ta, mà đường kính mặt dưới thì có sáu tấc, chuông không có chữ niên hiệu, mà cũng không có tên người đứng hưng công. Tôi bảo đánh cho tôi nghe thì y không dám đánh mạnh, bảo rằng không phải lúc có lễ phẩm mà đánh thì trong làng tất xảy ra sự chẳng hay; tôi cũng phải lợi dụng lấy câu tục ngữ “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” mà không trái tâm lý của làng người ta. Chuông tuy không dám đánh mạnh mà tiếng chuông âm ưởng linh lung, mỗi tiếng đánh ngân ra đến gần một phút. Lại cứ như lời y nói, nếu theo chiều gió dứng cao mà nghe thì cái năng lực của tiếng chuông đi xa được đến mười cây lô mét, nghĩa là xa hơn núi Dục Thúy Ninh Bình vài cây lô mét nữa kia”...
Sau khi trò chuyện với các ông hương chức trong làng và nhận xét về việc cải cách thôn quê, Trần Thuyết Minh viết tiếp:
“Bây giờ ký giả mới có thì giờ nói kỹ về cái lịch sử của bức cổ thành (thổ thành) ở về chỗ giáp phận làng Tống Xá và làng Vạn Điểm mà khi ký giả mới vào đã đem giới thiệu cùng độc giả các ngài rồi vậy. Khu cổ thành ấy hỏi ra thì trước kia là huyện thành của Phong Doanh, Ý Yên hai huyện, đến năm Tân Mão (1890) mới dời ra mỗi huyện một nơi; chỗ cổ thành này cách hai huyện lỵ Phong Doanh, Ý Yên bây giờ đều ước vào năm cây lô mét, và tiếp cận một nơi yếu địa là ngã tư Phố Cháy ước vào 500 thước tây, chỗ Phố Cháy ấy ở vào cây lô mét số 21 con đường Nam Định - Phú Khê (đường 25km).
Nghe đến tên huyện Phong Doanh, Ý Yên, bây giờ tôi lại sực nhớ năm xưa có một người bạn lịch ly cả hai huyện này, hễ gặp tôi thì lại phàn nàn rằng: “Làm ở hai cái huyện thuộc về “Nam Định tứ cùng” này xấu quá!”. Tôi hỏi xấu là nghĩa gì? Thì ông ta nói: “Xấu về dân nghèo mà lại ít cả nóc xã, mỗi huyện có trong 40 làng, gấp lên ba lần nữa thì mới bằng một hạt Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Nam Trực, Vụ Bản”.
Cứ hợp những điều kinh nghiệm, những sự lịch duyệt, thì nay ký giả nhân bước chân đến đất quí hóa này, cũng xin đem ít nhiều ý kiến hẹp hòi để gọi là đền bồi cái cảnh chiều người đôi chút, nghĩa là mong rằng quan trên nếu đem tổ chức hai huyện vào một mà lập lỵ sở ở chỗ hai huyện thành cũ này. Như thế thì trước là ích chung choo sổ chi tiêu toàn xứ bớt được số lương quan lại đi; sau là lợi riêng cho nhân dân hai hạt này, đứng ở cái địa vị “tứ cùng” chỉ vì cái nguy cơ lụt lội (năm nào cũng bị lụt vì nước mưa, chớ chưa kể bị lụt vì đê vỡ). Nay muốn cứu cho hai hạt này khỏi được cái nguy cơ ấy thì không lấy phép gì mà hạn chế được mưa, tưởng chỉ phải dùng có hai phương điều trị: 1. Chấn hưng kinh tế, 2. Khoáng trương giáo dục.
Chấn hưng kinh tế là tỉnh Nam Định này đã lập thành thị xã, thì con đường Nam Định - Phú Khê sẽ là con đường trọng yếu thứ nhất, vì sau này thế nào cũng đặt đường xe điện hay xe ô-tô, làm cái cơ quan vận tải những lâm sản ở hạt Ninh Bình, Hòa Bình đến thị xã Nam Định, thì chỗ Phố Cháy này cũng sẽ là một cái chi điếm để đình đậu những lâm sản đi qua mà thành một nơi đô hội; thêm các nghề nghiệp cho dân bản hạt đến đó sinh nhai. Song muốn cư tụ giữ được cái thái độ nghiêm chỉnh êm đềm thì phải có cái cơ quan bảo hộ. Cơ quan ấy tức là quyền tư pháp hành chánh, mà cầm cái cơ quan ấy tức là Sơ thẩm nha môn và huyện nha hành chánh vậy.
Khoáng trương giáo dục là nhân chỗ này đã thành một nơi cư tụ, một cái thị trường thì tất là tiện lập lấy một trường Sơ đẳng kiêm bị cho bần dân hai hạt có chỗ đến mà học tập hằng ngày, không phải cái nỗi cứ phải vận lương ra trường Nam Định học tập thì phi nhà giàu không thể chịu nổi, mà cái giáo dục vẫn khuyết một phương diện gia đình. Lập trường cận tiện như thế thì không những là gây nhiều nhân tài để giúp cho các gia đình được thịnh vượng mà lại để ra tay giúp đỡ cho quốc gia xã hội giàu thịnh văn minh, điều đó không cần phải nói, ai ai cũng biết.
Cái buổi du lịch này, cứ coi bề ngoài thì không đáng đem ra công cáo, nhưng vì có cái hi vọng về tiền đồ kinh tế kỹ nghệ, ngôn ngữ văn chương, phong tục xã hội nước nhà, mà cái nghĩa vụ lương tâm của chúng tôi nó xui nên phải viết vậy” (Tuyển in trong Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam Phong (1917-1934), Tập I. Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu. NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007)...
Thông thường khi đi thăm những nơi danh lam thắng tích, du khách không chỉ nhìn xem phong cảnh mà muốn hiểu sâu hơn ngọn nguồn những truyền thuyết, sự tích và danh nhân có liên quan. Vì thế các trang du ký vừa có những đoạn tả cảnh, ghi lại câu chuyện dọc đường và cảm xúc của tác giả vừa có thêm nhiều đoạn khảo tả, dẫn giải, bình giải lịch sử. Điển hình cho cách viết này là Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1874-1941) với bài du ký Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình (Nam Phong, số 94, tháng 4-1925). Hãy xem tác giả ghi chép chi tiết niềm vui ngày khởi hành ngay từ dòng mở đầu: “Trời xuân quang đãng, gió xuân phơi phới, tiếng còi xe hỏa rúc tu tu, ấy là chuyến xe tự ga Hà Nội chạy Ninh Bình buổi sáng sớm 6 giờ hôm 20 tháng 3 năm Ất Sửu (tức ngày lễ Phục sinh 12 tháng 4 năm 1925). Ngày hôm ấy cảnh xuân vũ mới đổi ra cảnh xuân tình nên hành khách tới tấp lên xe, kẻ trảy đền Sòng, người đi bến Thủy, người thì xôn xao hỏi thăm động Hương Tích, kẻ thì rộn rịp qua chơi núi Thôi Ngôi, rõ ra cảnh tượng bình minh, chiều xuân vui vẻ, ai ai cũng muốn qua thăm những nơi cảnh Phật bầu trời. Chúng tôi tám người cũng cùng đi chuyến xe ấy, định vào du lãm các danh lam thắng cảnh đất Ninh Bình. Khi xe ra đi vì đông khách chật chỗ ngồi, chúng tôi phải lên bên toa trên cùng ngồi đàm đạo. Câu chuyện gần xa, câu văn kim cổ, người thì ra ngắm cảnh xuân sơn đôi bên dọc đường, như gần như xa, như đưa như đón, rõ ra vẻ “xuân sơn như tiếu”, vẻ mây nhàn nhạt, vẻ hoa hớn hở, hình như đon đả tươi cười chào đón khách du xuân”…
Từ việc mô tả khái quát địa mạo Ninh Bình, tác giả đi đến phác vẽ cảnh quan động Nham Sơn trên núi Địch Lộng:
“Nguyên tỉnh Ninh Bình này từ đời nhà Mạc lấy phủ Tràng An, phủ Thiên Quan làm nơi Thanh Hoa ngoại trấn, phân địa giới từ núi Tam Điệp trở vào trong gọi là Tây Việt, tức là đường trong, trở ra ngoài gọi là Đông Việt, tức là đường ngoài, là một nơi trấn thủ trong ngoài giáp giới. Sở tại Ninh Bình nay đóng ở Vân Sàng, phố phường mở ra buôn bán đông đúc. Chung quanh tỉnh không biết bao nhiêu là các nơi danh sơn thắng tích, giá có rỗi thì giờ mà du lãm, thì sơn kỳ thủy tú cảnh thiên nhiên chưa dễ mấy khi đã lịch lãm cho cùng. Vả lại tỉnh Ninh Bình về phía tây nam giáp Thanh Hóa có nhiều dẫy núi đá chạy dài ra đột ngột đúng giữa cánh đồng bằng, không khác gì như những cù lao ở ngoài bể Hạ Long, ý chừng những nơi này cũng là bể khi xưa, trải bao phen tang thương biến cải, nên nay mới thành ra những cánh bình nguyên bát ngát mà lại có núi đá mọc lô xô như thế chăng?
12 giờ hôm ấy mới cùng nhau đi ô tô đến bến Giản Khẩu (ta thường gọi là bến Gián). Kể từ tỉnh lỵ ra đi độ 10 ki lô mét, 20 phút đồng hồ thì đến bến Gián, rồi sang phà qua Hoàng Giang, lại đi xe độ bốn ki lô mét nữa thì đến bến Đoan Vĩ, thuộc về thượng lưu sông Đáy, rẽ về phía tay trái độ 300 thước tây thì đến núi Địch Lộng, đấy là một ngọn núi đá cao chót vót đứng trên bờ sông, trên núi có hang có đỗng, cảnh trí thiên nhiên. Khi mới đến đầu núi dừng chân đứng lại đã thấy ra cái vẻ thanh cao u nhã. Khi bước chân tới cửa chùa thì thấy có năm chữ đề: “Nam thiên đệ tam đỗng”. Truyền rằng khi trước đức Minh Mệnh đã ngự giá qua đỗng này, cho đỗng này là đỗng thứ ba, mà Hương Tích là đệ nhất đỗng, Bích Động (thuộc huyện Yên Mô) là đệ nhị đỗng, thế thì đỗng này cũng đã từng có giá trị ở trong các nơi danh sơn thắng cảnh. Nhà sư thấy có du khách đến vãn cảnh thì sai tiểu sắp đuốc đưa lên đỗng. Đường đi lên đỗng cứ một bậc lại một bậc cao dần lên, chừng độ 80 bậc. Truyền rằng những bậc đá này xây từ khi vua Minh Mệnh ngự giá qua chơi đây vào khoảng năm 1821, khi trèo lên đến cửa đỗng, thì thấy đề là “Nham Sơn đỗng Cổ Am tự”, thế thì chùa Cổ Am này là nhân đỗng núi mà làm thành ra, đỗng sâu cho nên chùa càng rộng; tượng Phật cũng cổ, trên có ba tượng đá giữa ba tượng đồng, chế tạo ra từ năm Minh Mệnh, nhưng nay còn có ba tượng đá là cổ mà thôi. Ngoài cửa đền lại có hai cái miếu con có đề câu đối rằng: “Cảnh trí thiên nhiên, Tây hồ phong nguyệt. Anh kỳ địa quýnh, Nam quốc sơn hà”. Câu này cũng là câu đối mới, nhưng xem qua câu ấy cũng đủ biết rằng cái non sông chốn này, cái trăng gió chốn này vẫn là cái cảnh trí thiên nhiên của nước Nam ta đó. Xem qua đàng trước đỗng rồi cùng nhau theo ven chùa ra đàng sau đỗng, lối đi ngoắt ngoéo cheo leo, bước cao bước thấp, càng vào càng sâu, lại thấy mở ra một đỗng nữa, trong đỗng đá mọc lô xô trông từa tựa như hình các con giống, nào là kỳ lân, sư tử, cá chép, rùa rùa, ai trông giống hình gì thì gọi nó là hình ấy. Bên sườn đỗng treo leo lại có những phiến đá nho nhỏ, hình như miếng khánh, miếng dầy miếng mỏng, miếng khuyết miếng tròn. Chú tiểu bảo ta rằng: “Đó là bộ bát âm”. Trèo lên lấy dùi gõ thử cho ta nghe, thì mỗi miếng đá kêu một thứ tiếng khác nhau, hoặc thùng thùng như tiếng trống, boong boong như tiếng chuông, canh canh như tiếng khánh, tiếng to tiếng nhỏ, tiếng đục tiếng trong, nghe ra đủ tiếng ngũ âm (Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ năm tiếng thuộc về Thổ, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa năm hành), hoảng nhiên như một khúc nhạc thiên nhiên ở trong tiên đỗng. Ra quá mé ngoài thì lại mở ra một cửa đỗng thênh thang, ánh mặt trời sáng sủa, trông ra như một cánh đồng bát ngát. Thợ trời bày đặt ra nghĩ cũng kỳ! Có phải để những nơi danh lam thắng cảnh này làm chỗ trụ trì riêng cho các vị cao tăng ẩn sĩ chăng? Hay là để làm chỗ thưởng ngoạn chung cho cả các bậc tao nhân mặc khách chăng? Chung quanh vẫn nước non nhà, ai tri âm đó mặn mà với ai? Ấy cái non sông gấm vóc của nước Nam mình bày ra đó, trời vẫn để riêng cho người Nam mình, ai biết mà đăng lâm hưởng ngoạn thì được hưởng thụ cái thú thanh cao phiêu dật; ai không biết mà chỉ lăn lộn ở trong đám bụi hồng mạch tía, thì sao hay hưởng được cái thú trăng trong trên khoảng núi, gió mát giữa dòng sông, kho vô tận của trời đất vẫn để riêng cho ta đó”...
*
Cùng với những đoạn ghi chép về danh nhân và sự kiện lịch sử liên quan đến nhiều địa danh nổi tiếng ở Ninh Bình, tác giả tiếp tục kể về chuyến thăm Hoa Lư - Tràng An:
“Mặt trời xế chiều, anh em lại tự Định Lộng đi ô tô chở về bến Gián, rồi theo con sông Hoàng Giang đi thuyền đến Tràng An. Hoàng Giang là một con sông lớn, chỗ ngã ba thông với con sông Hát, thường khi nước triều lên xuống, sông nước mênh mông. Qua bến Gián này mà đi xuyên sơn về phía Tây có thể đi vào Thanh Hóa được, nay ta đến đây lại sực nhớ đến ông Nguyễn Trãi, cùng ông Trần Nguyên Hãn, khi xưa đã từng qua bến Gián này đi vào Lam Sơn để tìm vua Lê Lợi...
Khi thuyền đỗ bến ghé lên bờ, đi theo một con đường nhỏ những đá lổn nhổn mới vào đến Tràng An. Khi đi vào trông bên đường làng nọ đến làng kia, xóm này đến xóm khác, có vườn có ao, có giếng có chợ, nhà ở san sát, thôn đồng dã lão kẻ chạy đi người chạy lại, coi ra chiều chất phác cổ phong. Ngoài bến sông thì thuyền ngư phủ lênh đênh quăng chài trên ngọn gió, bên bờ ruộng thì lũ mục đồng nhẩy nhót thổi sáo dưới bóng cây, coi ra vẻ sinh hoạt tự nhiên, vui vẻ đông đúc, mới nhận ra rằng chốn này là chốn kinh đô đời Đinh đời Lê khi xưa, thì những hoàng đồng bạch tẩu sinh tụ ở chốn này, chẳng phải là những di dân theo ngọn cờ lau của vua Đinh khi xưa đó hay sao? Chẳng phải là những dòng dõi quân Thập đạo của vua Lê đã từng đem đi đánh quân Tống Hầu Nhân Bảo đó hay sao? Trong lòng cảm tưởng bồi hồi khiến ta lại càng nhớ đến sự nghiệp của vua Vạn Thắng và tài năng của Thập đạo tướng quân!”…
Liền đó tác giả kể lại việc được dân sở tại đón tiếp và việc đi thăm đền vua Đinh, núi Mã Yên, đền vua Lê:
“Đi độ chừng ba mươi phút đồng hồ mới đến miếu vua Đinh, trông các đình miếu cùng các nơi công sở đều trang hoàng chỉnh túc, có chỗ cắm cờ, cắm tàn, lại có năm ba ông hội đồng hương lão ra chào hỏi, nào ông bá hộ Yên Thành, ông thủ quĩ Yên Thượng, cùng các ông kỳ lý ra ứng tiếp. Hỏi ra mới biết rằng nhân có tiếp tờ sức quan huyện Gia Viễn là quan Dương bảo có khách đến thăm nơi cổ tích nên người sở tại mới ra đón tiếp, quý hóa lắm thay! Khách đó là ai? Là ông Phạm Quỳnh, ông Ngô Vi Liễn, ông Ngô Vi Lan, ông Phạm Văn Thư, ông Trần Quang Vinh và hai người học sinh trường Trung học là Trương Cam Khuyến, Trương Cam Cống có đem theo bộ máy ảnh cùng đi với ký giả, hợp với chư quý hữu Ninh Bình năm ba người, chứ có ai đâu, thế mà quan huyện có lòng tốt lại bảo trước cho dân biết để chỉ dẫn cho xem, cũng là một sự hân hạnh cho chúng ta lắm! Trước nhất các kỳ lão đưa vào thăm đền vua Đinh. Đền có ba tầng cửa, mới thoạt tiên vào đến tầng cửa ngoài, rồi đến tầng cửa tam quan ở giữa, qua tầng cửa tam quan rồi đi theo một con đường nhỏ xây gạch vào đến tầng sân trong, trước sân có cái sập đá vuông lớn chạm rồng, nét chạm cũng tinh tế, đôi bên có hai con nghê đứng chầu, truyền rằng khi xưa đánh lấy được của Chiêm Thành đem về… Đền này không biết đích làm ra từ đời nào, nguyên làm theo cổ chế thì thấp, truyền rằng về đời Lê - Trịnh đã có sửa sang một lần, chừng vào hơn 30 năm nay lại có trùng tu, có kê thêm mỗi chân cột cao lên một tảng đá chừng độ một thước ta, tảng nào cũng chạm khắc kỹ càng, trông ra có thêm phần tráng lệ mà phần cổ chế vẫn y nhiên, đó cũng là một cách khéo trùng tu, không làm đến nỗi mất nền cổ tích đi vậy…
Núi Mã Yên là một hòn núi đá cao độ 200 thước tây, núi có năm ba ngọn trập trùng liền nhau, đá mọc cheo leo, có chỗ nhô lên như cái yên ngựa, cho nên gọi là Mã Yên Sơn, phía đàng trước lại còn dãy núi Ngũ Vân Sơn nữa. Cây cối mọc bum tùm, đường lên núi cũng treo leo khó đi, nhưng vì tấm lòng hăm hở nên khiến cho bước chân cũng nhanh nhẹn lần từng bậc bước lên như chơi. Khi lên đến tuyệt đỉnh thấy vùng ra một khu đất vuông bằng non nửa sào ruộng, ở giữa xây một cái lăng bằng đá thâm thấp và một cái bệ thờ trên đặt cái lư hương bằng đá, ở bên hữu lại có dựng một cái bia đá… Chung quanh lăng đá mọc sàm nham, cây cối u uất, vẫn còn có cái khí tượng hùng hồn cổ kính, không như những nơi khác mượn đến tay tô điểm mà làm mất vẻ thiên nhiên đặc sắc đi đâu! Đương khi xem lăng lại vừa lún phún mấy hạt mưa xuân, ào ào mấy cơn gió trận, trông lên lá cây ngọn cỏ, hình như phấp phới ngọn cờ lau mà lại hình như văng vẳng gió đưa tiếng còi mục thụ, khiến cho trong lòng ai nấy càng cảm tưởng đến vua Đinh đã từng gây dựng nên cái nền cơ tự Thái Bình trước nhất ở nước Nam ta, lăng ấy núi này còn thiên vạn cổ…
Chiêm bái sơn lăng rồi lại cùng nhau xuống núi đi ra mé ngoài vào xem đền vua Lê, khi đến trước cửa đền cũng có một cái sập đá to, vào trong cửa đền thì bên tả có một cái núi non bộ bằng một tảng đá Đền cũng theo lối cổ thâm thấp như đền vua Đinh nhưng cái phần rộng rãi trang nghiêm thì không bằng đền vua Đinh”…
Với cảm hứng hướng về cội nguồn dân tộc, học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến vừa tự hào về truyền thống vừa sống trong niềm vui của thời khắc hiện tại, vui cùng sông nước và vui cùng bè bạn gần xa:
"Ấy cuộc đi chơi này chúng ta đối về phương diện lịch sử thì ai là chẳng cảm tưởng đến sự nghiệp vua Đinh, vua Lê; mà đối về phương diện cổ tích thì chúng ta hãy còn trông thấy có cổ miếu, có sơn lăng, ai là chẳng nức lòng kính ngưỡng. Lại hỏi đến dấu vết thành Hoa Lư, trông ra bờ tre rặng đá, trải biết bao phen mưa nắng, nên ta cũng chưa nhận ra được cái dấu vết cổ thành. Hỏi đến đỗng Hoa Lư, nghe nói bốn mặt núi đá chập chùng, lại có ngọn tiểu khê tự trong đỗng chảy ra sông Hoàng Long, chỗ nước chẩy ấy là Xuyên Thúy đỗng, tục gọi là hang Luồn, vào trong có tòa cổ miếu, chính là chỗ vua Đinh dưỡng hối (lúc còn ẩn náu) khi xưa. Bên ngoài đỗng lại có núi Trạng Nguyên, đá hòm sách, phong cảnh cũng đẹp. Lại còn lăng vua Lê Đại Hành ở núi Phẩm Sơn thuộc về xã Yên Hạ, cũng chưa kịp đến chiêm bái. Khi bấy giờ trời hôm bảng lảng, bóng ác vàng đã gác núi chênh chênh, nên chúng tôi phải cáo từ trở ra. Khi qua xã Yên Thượng, thầy thủ quĩ ở làng ấy có mời vào nhà gần đấy uống nước… Trong lúc phẩm trà ngồi đàm đạo qua mấy câu rồi từ giã ra thuyền. Khi ra đến bến sông thì trời đã xâm xẩm tối, lại xuống thuyền mở chèo ra đi theo con sông Hoàng Giang trở về Ninh Bình.
Khi ấy vào 7 giờ tối, thuyền đi lênh đênh trên mặt nước, trong thuyền đã sẵn có chè hoa bánh ngọt, mĩ tửu gia hào, bèn cùng nhau chén thù chén tạc, vong cả hình hài, mấy khi lại gặp gỡ nhau, nào người Hà Nội khách Ninh Bình, đều là bạn tri âm người tri kỷ với nhau cả. Lại có giai nhân khuyến tửu, dìu dặt trên khói nước dòng sông: Xinh thay hỡi thú yên hà, Đào Nguyên ướm hỏi ai là chủ nhân?… Dần dần đêm khuya trăng mọc, bóng nước long lanh, mái chèo nhè nhẹ, đứng trên mui bồng mà trông ra bốn phương trời bát ngát, trên trời dưới nước, bóng trăng in trên mặt sóng mà đi lơ lửng tờ mờ, bóng mây thì theo ngọn gió đưa mà tà tà bay về ngọn núi xa xa. Lúc thì nghe tiếng thủy trào róc rách, tiếng gió thổi vo ve, lại lẫn tiếng sênh pha tiếng phách, tiếng trống xen tiếng đàn, đương lúc tiếng ca lanh lảnh lại thỉnh thoảng nghe tiếng chèo bì bõm, tiếng nhịp hò khoan. Cổ nhân khi xưa vẫn lấy cái thú thường tâm lạc sự mà lại gặp được khi mĩ cảnh lương thần như thế này là khó, mà nay ta dễ thường hồ đủ cả tứ mĩ chăng?"…
Theo lời kể trong bài du ký thì chuyến du ngoạn bằng thuyền ấy đến chừng 2 giờ sáng mới về đến núi Non Nước. Sau khi cùng các văn hữu thăm cảnh nơi đây và ôn lại mấy bài thơ văn của Trương Hán Siêu (?-1354), Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV), Lê Thánh Tông (1442-1497), tác giả thuật tiếp về vai trò khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ (1778-1858) và chuyến du hành về Phát Diệm - Kim Sơn:
“Xe đi từ tỉnh lỵ Ninh Bình đến Kim Sơn chừng độ 28 ki-lô-mét, lại qua những làng như Phúc Nhạc, Phú Vinh cho đến Phát Diệm, đều là những nơi dân cư đông đúc mà phần nhiều là theo về Thiên Chúa giáo đến quá nửa, chỉ một vài phần là bên lương mà thôi. Các làng giáo dân ở vùng này cũng thịnh vượng lắm, làng nào cũng có nhà thờ to, mà thường có khi trong một làng, một vài họ lại họp nhau làm một cái nhà thờ nhỏ nữa, cho nên có làng dựng ra đến hai ba cái nhà thờ. Từ làng nọ đến làng kia thường cách ra một con ngòi hoặc một con sông nhỏ, đã có cầu cống đi thông luôn, sẽ biết rằng khi mới khai hoang thiết lập ra huyện này thì tiền nhân ta cũng đã tốn công phu kinh hoạch lắm thay! Khi xe đến bến Từ Chính lại phải qua phà sang sông, chỗ khúc sông ấy hiện đương khởi công bắc cầu để đi qua lại cho tiện. Sang qua phà rồi lại đi qua một dẫy phố dài, hàng phố mở mang buôn bán đông đảo, trên bến dưới thuyền, hiệu ta tiệm khách, thổ sản hàng hóa không thiếu một thứ gì, đó là về chợ Phát Diệm, cũng là một nơi đô hội nho nhỏ. Đi hết dẫy phố chợ rồi rẽ vào thăm nhà thờ Phát Diệm… Nhà thờ này là tự ông Trần Lục (ta thường gọi là cụ Sáu) lập nên. Khi mới thoạt vào lên xem phương đình, tức là cái gác chuông ở về mặt trước, cái phương đình này làm từ năm 1899, quy chế cũng cao, chung quanh xây đá hoa và các bao lơn con tiện toàn bằng đá chạm trổ mài giũa rất là kỹ càng, trên gác có treo cái chuông to làm từ năm Thành Thái, Canh Dần (1890). Dân ở đấy nói rằng trên nóc phương đình này trước kia cụ Sáu định lợp bằng đá đã có làm sẵn một cái nóc bằng đá để chực đưa lên, nhưng chưa kịp đưa lên thì cụ mất, thế mà về sau không ai nghĩ được kế gì để đưa lên được, phải chịu lợp bằng ngói vậy. Trước sân nhà thờ về phía trong phương đình một tí là cái mộ cụ Sáu an táng ở đó. Nhà thờ làm theo lối thờ dọc, cực kỳ nguy nga tráng lệ. Trước nhà thờ ở giữa đề chữ rằng: “Thẩm phán tiền triệu”. Bên tả đề rằng: “Thập ngũ văn khôi”. Bên hữu đề rằng: “Niệm châu đồ tượng”. Khi vào đến trong nhà thờ xem thì thực là rộng rãi, bề ngang 6 hàng cột, bề dọc hơn 10 hàng cột, mà hàng cột giữa cao chừng đến 20 thước, thuần một thứ gỗ lim to gần đẫy hai vòng cánh tay, mà đều sơn thiếp vàng son rực rỡ. Chung quanh nhà thờ xây đá xanh có chỗ chạm rồng chạm phụng, rất là công phu. Sân sau có chỗ đắp đá làm hang núi giả để làm chỗ cầu lễ. Bên tả lại có cái nhà đá, cột toàn bằng đá mài dũa nhẵn thín. Dân ở đây nói rằng cụ Sáu định làm sinh phần ở giữa trong nhà đá này, nhưng về sau lại táng ở trước sân nhà thờ là chỗ công chúng quan chiêm để tỏ lòng thương nhớ. Bên hữu lại còn hai cái nhà nữa, cái thì cột gỗ lim chạm lộng, mỗi nhà một kiểu, chạm trổ khác nhau, vẫn còn có cái vẻ Đông phương quốc túy. Nhà nào cũng có bệ đá hoặc sập đá cực to, để làm chỗ cho các giáo sĩ cùng các giáo dân cầu nguyện. Nghe nói khi cụ Sáu khởi công dựng ra cái nhà thờ này, các giáo dân phục dịch đều mang lương thực đến ăn để mài dũa các miếng đá hoa, các chấn song con tiện rất là công phu, cho nên mới sáng lập ra được cái công trình lớn lao như thế, dễ thường ở xứ Bắc Kỳ này không có nhà giáo đường nào to lớn bằng nhà thờ Phát Diệm. Nghe nói cụ Sáu nguyên là người Thanh Hóa, theo về Thiên Chúa giáo đã đỗ được sáu chức, nên gọi là cụ Sáu, nhân lúc Pháp Nam mới giao thiệp chừng vào hồi Đồng Khánh sơ niên, cụ có công giúp cho nhà nước Bảo hộ, được làm Khâm sai tuyên phủ sứ, sau thăng chức Thượng thư, quyền thế hách dịch. Nay ta xem qua cái nhà thờ này sẽ biết phi là người có thao lược quyền mưu, thì sao hay dựng được cái công trình lớn lao như thế.
Chúng ta hôm nay qua thăm trên phiến đá mới khai thác vào khoảng một trăm năm nay, mà trông thấy cái cảnh tượng phồn thịnh này, nào địa lợi mở mang, nhân dân sinh tụ, nào nơi nhà thờ cao ngất trong các làng, lại càng nhớ đến cái công khai hoang lập ấp của ông Nguyễn Công Trứ đối với xứ này thực là có công nghiệp lớn lao đáng cùng với non sông này lưu làm kỷ niệm.
Khi trở xe ra về chừng vào hồi 11 giờ vừa đến nơi tỉnh lỵ, vào chơi hiệu Phương Thịnh mới ăn cơm sáng, bên tân bên chủ, trò chuyện vui vẻ, xong rồi anh em từ giã nhau, kẻ về người ở, ý tứ ân cần...
Lúc bước ra xe hỏa mà trông lại những nới thắng cảnh vừa qua, thời bóng trăng Dục Thúy, ngọn gió Hoa Lư, con thuyền Hoàng Giang, cửa hang Địch Lộng, tưởng vẫn còn quyến luyến với khách du xuân, nên ký giả mới viết ra bài này để ghi tấm cảm tình với non nước”...
Cuối cùng tác giả ghi lại cảm tưởng chung sau một chuyến du ngoạn xứ Ninh Bình:
“Lúc bước lên xe hỏa mà trông lại những nơi thắng cảnh vừa qua, thời bóng trăng Dục Thúy, ngọn gió Hoa Lư, con thuyền Hoàng Giang, cửa hang Địch Lộng tưởng vẫn còn quyến luyến với khách du xuân, nên ký giả mới biết ra bài này để ghi tấm cảm tình đối với non nước”…
Theo một cách hình dung khác, tác giả Thiện Đình với bài Ninh Bình phong vật chí (Nam Phong, số 163, tháng 6-1931) lại kết hợp cả những quan sát tai nghe mắt thấy với nguồn kiến thức khảo cứu qua sách vở. Trên thực tế đây là bài tổng thuật trên các phương diện địa lý - lịch sử - kinh tế - văn hóa vùng quê Ninh Bình, có phần gần với cách biên soạn Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn. Ở đây Thiện Đình cũng bình giải về diên cách và chia ra các phần Nói về hình thế - Nói về phong tục - Nói về cổ tích - Nói về danh thắng - Nói về danh nhân liệt nữ… Như vậy độc giả có thể nhận được nhiều thông tin bao quát về vùng văn hóa Ninh Bình song tính chất miêu tả cụ thể sinh động lại giảm đi đáng kể. Đôi khi vai trò cái tôi chủ thể tác giả có xuất hiện cũng chỉ là thấp thoáng: “Năm Thành Thái thứ mười bảy, cuối tháng ba, tôi đi qua tỉnh Ninh Bình lên chơi núi, thấy bài thơ của quan Tuần phủ Trần Tử Mẫn khắc ở trên đá, lời lẽ thanh tao. Ngài quê ở Gia Định cũng là một tay thi bá vậy. Nhân ngẫu hứng họa nguyên vận một bài gọi là có chút mừng để tả cái tình cảm đối với giang sơn vậy. Lúc ấy Nguyễn Thiếu Mai tiên sinh đương chức Đốc học cho bài thơ ấy làm thưởng thức”…
Khoảng hơn mười năm sau, Khái Sinh Dương Tự Quán (1902-1969) lại có du ký Thăm cảnh Hoa Lư (Tri tân, số 41, tháng 4-1941). Bài du ký này thực sự in đậm dấu ấn cá nhân, vừa mô tả cảnh quan các di tích lịch sử và phong cảnh vừa chú trọng kể lại những nét riêng biệt của chuyến đi, kể từ thời gian, thời tiết, phương tiện và quan hệ bè bạn riêng tư. Hãy xem tác giả kể:
“Sáng mùng 4 Tết. Giời còn mờ sương, ký giả ra Cửa Nam đáp ô tô đi Gián Khẩu. Vì có hẹn trước với một bạn ở vùng Gia Viễn, nên hồi 9 giờ, xe tới nơi, ký giả còn đang ngơ ngác tìm xem có ai ra đón để hỏi thăm đường đi, thì một cô lái đò xinh xắn đón chào xuống thuyền đi Tri Hối. Thuyền nhẹ trôi, 40 phút sau đã cập bến. Cơm nước xong, chúng tôi (hai anh em ông bạn và một nhiếp ảnh gia) liền đáp đò đi Trường Yên. Mái chèo mau bắt, làn nước trong xanh, ký giả ngồi trên mui đò mà trông ra bốn phương trời bát ngát, phong cảnh đẹp thay, sông đã rộng lại rộng thêm; ký giả ước ao cứ được ngồi như thế mà ngắm mãi cái cảnh hữu tình ấy”…
Đây là cảnh đền vua Lê Đại Hành: “Vừa bước vào đã thấy cái sạp đá to do một tảng nguyên làm thành. Qua sập đến sân, giữa có lối đi lát gạch; một bên là núi non bộ khá lớn, một bên là cái giếng đã lấp gần đầy đất. Hết sân tới đền. Đền trông thấp mà cổ, qui mô cũng không được bề thế, trong cùng chính giữa là tượng vua Lê, bên trái là tượng vua Lê Ngọa Triều, bên phải là tượng bà Dương Thái Hậu. Trên cái án kê ngay lối chân bước vào, có bộ 4 cái chén ngọc và 3 đôi đũa ngà, trông cũng đẹp và quý giá”...
Còn đây là cảnh đền vua Đinh Tiên Hoàng:
“Bước qua nếp nhà thấp bé, trong có ba tấm bia, trên có lợp ngói đến tam quan. Qua tam quan, theo một con đường nhỏ xây gạch tới sân rộng. Trước sân có cái sập đá vuông, trên chạm rồng coi cũng cổ kính. Hai con nghê chầu hai bên đã thấy sứt sẹo nhiều chỗ...
Chúng tôi đi vào chính cung. Ngước trông lên bức hoành đồ sộ đề ba chữ “Chính thống thủy” chói lọi làm cho chúng tôi cảm thấy cái huân nghiệp một vị cái thế anh hùng...
Chính giữa cung có tượng vua Đinh Tiên Hoàng tạc bằng gỗ sơn son thiếp vàng, đội mũ miện, mặc áo long cổn, trông rất oai nghiêm. Hai gian bên có tượng hai con ngài là Nam Việt Vương Đinh Liễn và Vệ Vương Đinh Toàn.
Trong đền có nhiều đồ cổ lãm: bát, đĩa, chóe, lọ lộc bình. Ông từ đã có nhã ý mở hai tá cho chúng tôi xem mới biết các cụ ta xưa cũng đã khéo thu nhặt các thứ đẹp mà quý.
Đền vua Đinh cũng cổ kính mà thấp nhưng có vẻ rộng rãi phong quang hơn đền vua Lê. Xà cột đều sơn son thiếp vàng ...
Đứng trên lăng nhìn ra, gần đấy nhà cửa (phần nhiều lợp ngói cả) san sát của ba xã Yên Thượng, Yên Trung và Yên Hạ, trông có vẻ trù mật sầm uất; đằng xa, ngọn Ngũ Vân sơn, cùng dãy núi trùng trùng điệp điệp la liệt bao bọc trông rất uy nghi hùng vĩ. Chúng tôi nghĩ thầm: vua Đinh thật đã khéo chọn chốn này làm chốn đóng đô!
Khi ở trên lăng xuống, giở đồng hồ đã thấy gần 5 giờ chiều, chúng tôi bèn rảo cẳng qua xem chùa Một Cột ở trong xóm. Cũng là cái chùa con như nhiều chùa khác nhưng vì ngoài sân có một cái cột bằng đá cao khoảng 3 thước tây chôn sâu xuống đất, gõ vào thành tiếng nghe choang choang như đồng. Cứ nhời ông Nghị T. nói với chúng tôi thì cột này dựng đã lâu đời lắm, trải bao mưa nắng mà vẫn trơ trơ sừng sững với cỏ cây non nước Hoa Lư.
Giời đã nhá nhem tối, ông Nghị T. mời chúng tôi về nhà ăn cơm. Khách chủ đàm đạo mãi đến 9 giờ khuya, chúng tôi mới từ biệt Hoa Lư mà xuống đò về Tri Hối. Trước khi tạm giã từ chốn cố đô, chúng tôi còn hẹn gặp nhau vào ngày 10 tháng Ba là ngày kỷ niệm vua Đinh lên ngôi, ngày tháng Mười là ngày húy nhật ngài, nhưng rồi chúng tôi vì bận việc mà không giữ được nhời ước hẹn. Dù vậy, với cảnh trí này, chúng tôi vẫn ghi nhớ mãi mãi cái ngày du xuân ấy” (In lại trong Tri tân - Truyện và ký. Lại Nguyên Ân và nguyễn Hữu Sơn sưu tập. NXB Hội Nhà văn, H., 1999)...
Qua những trang du ký viết về Ninh Bình giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX có thể thấy các văn nhân thời bấy giờ đã rất chú trọng các di tích lịch sử và chốn danh lam thắng cảnh. Trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến và điều kiện giao thông chưa phát triển, các trang du ký trên góp phần phổ biến kiến thức, khơi gợi tinh thần yên nước, niềm tự hào dân tộc thông qua chuyến thăm một vùng quê. Đó cũng là những trang ghi chép cụ thể, sinh động, giúp cho chúng ta hình dung rõ hơn cảnh quan tỉnh Ninh Bình - một vùng đất giầu truyền thống văn hóa và tiềm năng du lịch...
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.