Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/09/2017

Một nhân vật của Cách mạng Tháng Tám bị quên lãng : Hoàng Văn Đức (1918-1996)

Bài viết của vị lão thành cách mạng Vũ Đình Hòe (1912-2011) - Bộ trưởng Bộ Tư Pháp đầu tiên của chính phủ liên hiệp.

Cụ Hòe đọc cho người con trai cụ chép ra, rồi nghe con trai đọc lại để sửa từng câu. Người con trai đó là nhà giáo Vũ Thế Khôi (đã có một số entry đề cập đến trên Giao Blog, ví dụ ở đây).

Bài mới lên trên Fb Vũ Thế Khôi (ngày 14/8/2017). Tôi chép nguyên về, chỉ chỉnh một chút về kĩ thuật trình bày.

--- 








Ảnh 3: Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainbeleau (Hoàng Văn Đức mặc complet đen, ngồi thứ 5 từ trái sang)


Lạng Hồng Ông Hoàng văn Đức ( ngoài cùng bên trái ) và bà Hoàng văn Đức ( ngồi hàng đầu thứ 3 từ phải sang )
Ảnh chụp cùng các gia đình các bạn bè chiến hữu năm 1956 ở Tràng Tiền HN




Lạng Hồng Ông Hoàng Văn Đức ( đứng thứ 2 từ phải sang )




Lạng Hồng Ông Hoàng văn Đức ( ngoài cùng bên phải ) trước ban thờ ông Đ.Đ.D. Năm 1994.





---


Sách của cụ Vũ Đình Hòe, đã ấn hành năm 2015





The Khoi VUさんが写真3件を追加しました。
Lại sắp đến kỉ niệm Cách Mạng Tháng Tám 1945. Có một nhân vật từng đóng vai trò rất tích cực, từng là trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giờ phút vận mệnh nước nhà "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng rồi... bị cố tình lãng quên, đến mức chẳng những bọn đầu xanh tuỏi trẻ ngày nay mà ngay cả thế hệ trung niên cũng không biết đó là ai khi nghe đến cái tên HOÀNG VĂN ĐỨC. Vậy mà đó là Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, thành viên Phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Fontainbeleau 1946. Xin chia sẻ với các bạn thanh khí NGUYÊN VĂN bài cụ Vũ Đình Hòe viết về ông trong tập hồi kí cuối cùng "Gương mặt những người cùng thế hệ" - bài Cụ đắn đo mãi mới đọc cho tôi làm từng câu trên vi tính, nghe đọc lại (sang tuổi 100, mắt mờ rồi!) để duyệt từng câu. "Nói nửa sự thật về ông Đức là nói dối!"




[Sinh năm 1918 trong gia đình tiểu thương ở Việt Trì. Theo học Cao đẳng Canh nông, sau khi tốt nghiệp hành nghề kỹ sư nông học; 1942 đến tháng 6 - 1944 làm Thanh tra canh nông của Sở Canh nông Bắc bộ. Từ tháng 6 - 1944 ông tham gia Việt Minh thành Hoàng Diệu, tham gia thành lập đảng Dân chủ, tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, làm Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh. Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 - 1 - 1946, Hoàng Văn Đức trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá I, được bầu làm Uỷ viên thường trực Quốc hội, tham gia phái đoàn Phạm Văn Đồng đi đàm phán với Pháp ở Hội nghị Fontainebleau năm 1946. Từ 1946 đến tháng 7 - 1952 ông giữ chức Tổng giám đốc Nha Nông chính, Chủ tịch Tổng hội công chức Cứu quốc, uỷ viên Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1952 - 1954 ông được cử làm uỷ viên Uỷ ban Cải cách ruộng đất trung ương. Từ 1957 đến 1959 Hoàng Văn Đức giảng dạy tại Đại học Nông nghiệp, 1960 - 1965 làm cán bộ kỹ thuật Bộ Nông trường, từ 1966 điều động về làm cán bộ kỹ thuật ở Nông trường 2 - 9, huyện Yên Thuỷ tỉnh Hoà Bình cho đến khi về hưu năm 1973. Ông mất năm 1996, năm 1997 được truy tặng Huân chương Độc Lập hạng nhất.]

“L’enfant terrible”(Thằng bé đáng sợ) là biệt hiệu mà bọn phản động trong Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần) gọi sau lưng anh Hoàng Văn Đức qua những cuộc chạm trán nảy lửa tại Hội nghị liên tịch các đảng phái, họp vào cuối tháng 12 năm 1945 theo sáng kiến của Việt Minh, nhằm thoả thuận thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời. 

Cái biệt hiệu ấy diễn tả khá đúng con người anh - cả diện mạo lẫn tính cách. Anh Đức vóc người nhỏ thấp, còn thanh niên (kém tôi những 6 tuổi mà tôi ngày ấy cũng mới 33), tính tình cương trực, lời nói sôi nổi, lý lẽ sắc bén, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, nhiều phen dồn các đối thủ Việt Quốc, Việt Cách vào thế bí trong các cuộc tranh cãi nhằm bảo vệ đường lối Đại đoàn kết dân tộc đặng gìn giữ nền Độc lập - Tự do mới giành lại được. Trong thế nước lúc ấy “ngàn cân treo sợi tóc”, mà đảng Cộng sản Đông Dương, lực lượng lãnh đạo Cách mạng tháng Tám, thì lại phải tránh mặt (tuyên bố “tự giải thể”, thực ra là rút vào bí mật), Hồ Chủ tịch khai thác cao độ vị thế của đảng Dân chủ, đặc biêt là tinh thần tranh đấu và khả năng thuyết khách của Hoàng Văn Đức, vừa được bầu bổ sung vào Trung ương Dân chủ cuối tháng 8 – 1945 và giữ chức vụ Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh (Bí thư là đồng chí Hoàng Quốc Việt). Trong khi Nguyễn Thành Lê và Đỗ Đức Dục tấn công bằng võ khí báo Độc Lập, cơ quan trung ương của đảng Dân chủ, vừa mới bắt đầu ra hàng ngày, vạch trần những mưu ma chước quỷ của bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách và các tướng Tầu Tưởng mà đại diện là Tiêu Văn, thì các trang thanh niên Hoàng Văn Đức, Hoàng Minh Chính và Lê Trọng Nghĩa luôn luôn được cử đi đấu tranh trực diện với bọn chúng.

Những ngày cuối tháng 12 - 45 tình hình Hội nghị liên tịch các đảng phái trở nên căng thẳng, có nguy cơ tan vỡ, xung đột vũ trang giữa các đơn vị Quốc Dân đảng và Việt Minh đã nổ ra đây đó ở đia phương; ở Vĩnh Yên, dưới chân núi Tam Đảo, bộ đội VM và QZ đang đóng đối diện, sát khí đằng đằng. Hồ Chủ tịch cử Hoàng Văn Đức, mang bức thư của Cụ lên thị xã Vĩnh Yên, trao cho UBND tỉnh, rồi tìm gặp Đỗ Đình Đạo (con Đỗ Thống Thuật xưa kia), thủ lĩnh QZ, chủ một đồn điền lớn ở trung du. Đạo có quen biết kỹ sư Hoàng Văn Đức hồi anh là Thanh tra Nha Nông chính Bắc kỳ. Đồng chí Đức đã hoàn thành tốt “sứ mệnh thuyết khách”, dãn xa nhau bộ đội hai bên, không để xảy ra cuộc “huynh đệ tương tàn” giữa lúc 20 vạn quân Tầu Tưởng đang rình rập cơ hội đè bẹp chính quyền Cách mạng trứng nước. Rồi bảy ngày trước cuộc Tổng tuyển cử, tôi lại được Hoàng Văn Đức cho xem thư tay của Cụ Hồ (bản gốc hiện nay vẫn lưu giữ tại gia đình anh): “Anh Đức, 2 rưỡi chiều nay, mời 5 đại biểu của Dân chủ đảng đến Bộ Nội vụ nói chuyện. Chào thân ái. 29 - 12 - 45. Hồ Chí Minh”. Lần này, Cụ Hồ mời anh em Dân chủ đến bàn cách đối phó với các đảng đối lập đang mưu mô tung quân ngăn cản đồng bào Thủ đô vận động tuyên truyền cho bầu cử. 

Hoạt động tích cực và hiệu quả của các đảng viên Dân chủ trên mọi lĩnh vực kháng chiến và kiến quốc đã được nhân dân Thủ đô ghi nhận trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 - 01 - 1946: toàn thành phố có 187.000 cử tri thì 172.765 cử tri đi bầu, số ứng cử viên là 74, số trúng cử là 6, trong đó có 3 đại diện đảng Dân Chủ*: 
- Hồ Chí Minh, ứng cử với danh nghĩa đảng Quốc gia Việt Nam, 169.222 phiếu
- Trần Duy Hưng, bác sĩ, đại diện Việt Minh, 126.846 phiếu
- Vũ Đình Hoè*, luật gia, 124.898 phiếu
- Nguyễn Văn Luyện*, bác sĩ, 106.577 phiếu
- Nguyễn Thị Thục Viên, giáo sư, không đảng phái, 95.375 phiếu
- Hoàng Văn Đức*, kỹ sư canh nông, 90.320 phiếu.


Nhưng Hoàng Văn Đức không chỉ là nhà hùng biện trên đấu trường chính trị. Anh còn là một chiến sĩ tài ba trên mặt trận kiến quốc. Suốt nửa thế kỷ qua, người ta ca ngợi kỳ công của chính quyền Cách mạng trong chiến dịch diệt “giặc đói” năm 1945, nhưng “quên” không nhắc tới danh tính người chiến sĩ lập công lớn trong “trận đánh” không tiền khoáng hậu ấy - kỹ sư canh nông Hoàng Văn Đức. 

Tưởng cũng nên nhắc lại bối cảnh hơn nửa thế kỷ trước. Do chính sách tàn bạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp vơ vét thóc gạo và ép dân phá lúa trồng đay phục vụ nhu cầu chiến tranh chống lại quân đội Đồng Minh, hồi đầu năm 1945 hơn 2 triệu đồng bào ta, tức 1/5 dân số nước ta lúc bấy giờ đã chết đói. Địch hoạ chưa qua, thiên tai đã ập tới: trận lụt lịch sử tháng 8 năm ấy nhấn chìm sâu hơn 1/3 diện tích lúa mùa, thất thu thóc ước tính đến một nửa sản lượng trung bình hàng năm, thảm cảnh chết đói đầy làng mạc, phố phường và đường cái quan lại sẽ tái diễn – một điều chính quyền Cách mạng non trẻ không thể cho phép xảy ra . Trong 3 thằng “giặc”: đói, dốt, ngoại xâm, thì giặc đói được Hồ Chủ tịch nêu lên hàng đầu là vì vậy.

Vừa ra mắt quốc dân xong, Chính phủ Nhân dân lâm thời đã phát động ngay phong trào “Cứu đói!”. Hồ Chủ tịch viết bài trên báo Cứu Quốc, đề nghị toàn thể đồng bào nhường cơm sẻ áo: cứ 10 ngày nhịn một bữa cơm, Cụ xin làm gương trước, đem xuất gạo đó phân phát cho những người đã đứt bữa. Cụ Ngô Tử Hạ, vị đại biểu Quốc hội khoá I cao tuổi nhất, khăn xếp áo dài thâm đội nón mê, tự tay cầm càng chiếc xe bò đi quanh hồ Hoàn Kiếm quyên bơ gạo cứu đói, khi trở về quảng trường Nhà hát lớn đã được đầy xe lẫn lộn đủ thứ gạo tẻ, gạo nếp, ngô vàng, ngô trắng, đậu xanh, đậu đen… - “đây là thứ gạo ngon nhất, gạo Đại đoàn kết” – Hồ chủ tịch tươi cười nói.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế cấp bách trong dăm ba bữa. Biện pháp căn bản thanh toán nạn đói là tăng gia sản xuất. “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa để giữ vững Tự do - Độc lập!” - Hồ Chủ tịch thống thiết kêu gọi. Bằng khả năng tổ chức mạnh mẽ và táo bạo của chính quyền Cách mạng và sự nỗ lực phi thường của toàn dân các tuyến đê bị vỡ đã đắp xong chỉ trong ba tháng, thóc giống đã huy động đủ gieo trồng kịp thời vụ lúa chiêm. Nhưng do thất bát của vụ mùa năm trước, thóc gạo chỉ còn đủ ăn đến trung tuần tháng 2, đến vụ thu hoạch lúa chiêm còn những 2 tháng rưỡi! Lấy gì ăn đây? Con ma đói Ất Dậu rập rình tái xuất…

Cách duy nhất: tăng gấp đôi, gấp ba sản lượng màu (ngô, khoai, sắn…) để bù vào chỗ ngót nửa triệu tấn thóc thất bát. Nhanh ăn nhất là khoai lang, nhưng …Qua thực tế vài ba năm tập toọng làm “tiểu doanh điền” – cái “ấp Khôi Khanh” của mình ở Đại Từ - Thái Nguyên , tôi “chất vấn” Hoàng văn Đức, sau khi trúng cử Đại biểu Quốc hội vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Nha Nông chính trong Bộ Canh nông do Cù Huy Cận làm Bộ trưởng:
- Đào đâu ra lượng dây khoai giống gấp 2-3 lần? Vụ đói đầu năm 45, ở Quỳnh Côi-Thái Bình tôi đi cùng đoàn tráng sinh cứu đói Hoàng Đạo Thúy, được thấy tận mắt dân nhổ khoai ăn cả dây hết trọi rồi!
- Ơ kìa! Việc của thằng chuyên môn này, cách giải bài toán ấy đây: thành lập khắp nơi vườn ươm dây lang, tức là đất làm phẳng, không lên luống, không cho lang ra củ, chỉ ra dây, cứ 20-30 ngày lại có thể cắt dây làm hom giống. Không phải là tăng gấp 2-3 lần dây giống mà có thể gấp 5-7 lần. Ơ kìa, có thể đến 10 lần ấy chứ!

Có nhiều dây giống, Chính phủ kêu gọi dân chúng cuốc cả công viên, bồn hoa, vỉa hè lên để trồng khoai cứu đói. Trong Hồi ký của mình Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến kể rằng ông bị Hồ Chủ tịch phê bình vì không kịp thời cho cán bộ cuốc cái vườn hoa rất rộng trước cơ quan ông lên để trồng khoai. 

Thực tế chứng minh rằng kỹ sư canh nông Hoàng Văn Đức đã tính toán chính xác: trong khi tổng sản lượng khoai (khô) trung bình trong 5 năm trước chỉ là 65.000 tấn mỗi năm thì 2 vụ khoai ngắn ngày từ tháng 11 - 45 đến tháng 4 - 46 đạt tới 330.000 tấn sản phẩm khô, tức tăng gấp 5 lần!

Nắm vững đặc điểm thổ nhưỡng các vùng miền Bắc và Trung bộ, Anh Đức cũng đề xuất tăng mạnh diện tích trồng ngô từ gần 7 vạn rưởi ha trước đây lên trên 22 vạn ha, trồng bằng các giống ngô khác nhau: 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng. Kết quả tổng sản lượng ngô đạt được là 224.000 tấn thay vì 50.000 tấn hàng năm.

Ngoài ra, đỗ tương, đậu, thường trồng xen lẫn với ngô cũng đã cho sản lượng 60.000 tấn. Tổng cộng chúng ta đã có 614.000 tấn màu khô bù cho 500.000 tấn thóc thất bát trong vụ mùa. 

“Cách mạng đã thắng nạn đói! Một kỳ công của chế độ dân chủ!” - Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt chính phủ hồ hởi tuyên bố trong buổi Lễ Quốc khánh 2 - 9 - 1946. Hơn nửa thế kỷ sau, năm 2005, Bộ trưởng Canh nông đầu tiên, kỹ sư canh nông làm thơ giỏi hơn làm ruộng Cù Huy Cận, trong một cuộc trả lời phỏng vấn về cuộc chiến chống giặc đói năm 45 – 46, bổ sung một câu chí lý: “Thần thiêng nhờ bộ hạ... Hoàng Văn Đức rất có công...”

Không chỉ hùng biện trên bàn hội nghị, anh Đức hùng biện cả trên trang giấy trắng mực đen. Tổng kết chiến dịch tăng gia sản xuất 45 – 46 chống giặc đói, Hoàng văn Đức đã viết bài dài súc tích trên cơ sở những sự kiện và con số đầy sức thuyết phục. Bài anh viết bằng tiếng Pháp đã được Cơ quan đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xuất bản tại Paris tháng 5 – 1946, gây tiếng vang lớn trong công chúng nước Pháp. Hơn năm chục năm sau, theo yêu cầu của tôi, anh đã tự dịch sang tiếng Việt và cho phép in lại trong phần Phụ lục cuốn sách - “Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh” (NXB Văn hoá Thông tin & Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2001).

Tôi đoan chắc rằng nhờ lập trường độc lập, tự do và dân chủ kiên định và tài ba thuyết khách, tháng 7 năm 1946 Hoàng Văn Đức được sung vào phái đoàn Phạm Văn Đồng “đem chuông đi đấm nước người”: đàm phán với Chính phủ Pháp ở Hội nghị Fontainebleau.


Năm 1952, Hoàng Văn Đức được cử vào Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương ngay từ đầu. Một vinh dự và trách nhiệm lớn. Tôi tuy là đương kim Bộ trưởng Tư pháp, chỉ được bổ sung vào cái Uỷ ban quan trọng ấy sau khi ông Thứ trưởng Cộng sản đã cùng những ai đó, ở tận đâu đó, hoàn tất mọi văn bản pháp quy liên quan. Tuy nhiên, anh Đức cũng chỉ trụ được 2 năm, mặc dù tôi nhớ trong kỳ họp Quốc hội năm 1953, anh tham luận thay mặt TƯ Dân chủ, ủng hộ tuyệt đối bản Dự thảo Luật CCRĐ do TƯ đảng Lao Động đưa ra, bằng những con số chính xác chứng minh bọn địa chủ thực dân và bè lũ tay sai cướp đoạt tàn bạo ruộng đất của bà con nông dân. Bốn chục năm sau, 1995, từ TP Hồ Chí Minh ra dự Hội thảo về “Tư tưởng pháp lý Hồ Chí Minh” theo giấy mời của Bộ Tư pháp (lập lại năm 1981, sau 20 năm bị giải thể) tôi tìm đến thăm Hoàng Văn Đức, từ lâu cũng đã bị “Chính phủ đuổi về vườn” như tôi. Trong câu chuyện hàn huyên, tôi có hỏi về lý do anh bị đưa ra khỏi Uỷ ban CCRĐ TƯ.
- Ơ kìa, anh vẫn chưa biết à?...Mình lên tận Cụ Hồ phản đối sự lộng hành, vi phạm ngay Luật CCRĐ ... 
- Vô phương rồi. Trong đoàn “phỏng Hoa” do Cụ Tôn dẫn đầu năm 1951, tôi từng được thấy tận mắt phương pháp “phóng tay phát động quần chúng” ở Quảng Tây tàn bạo khủng khiếp như thế nào! Bởi thế hồi giữa năm 1953, trong phiên họp liên tịch của Hội đồng Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận nghe vị đại diện TƯ đảng Lao Động thuyết trình về chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất và đề nghị Chính phủ chuẩn bị Dự thảo Luật CCRĐ để trình Quốc hội, khi vị nọ thao thao bất tuyệt “phóng tay...phóng tay...”, tôi chất vấn: “phóng” là buông, buông tay thì Đảng lãnh đạo thế nào, các cơ quan chính quyền quản lý ra sao? Cụ Hồ im lặng, thuyết trình viên chỉ mỉm cười (chắc là chê trình độ chính trị non kém của Bộ trưởng Tư pháp!). Nhưng thôi, kể tiếp xem nào. Cụ dạy sao?
- Ông Cụ bảo sang trình bày với Trưởng ban CCRĐ TƯ ...Ơ kìa! Vừa mới nhắc bà Nguyễn Thị Năm có công nuôi Cách mạng, lại là địa chủ Kháng chiến, con là chỉ huy trung đoàn..., Trưởng ban đã nghiêm sắc mặt, đập bàn - nhẹ thôi, tính Ông ấy như vậy -, nhưng chụp cho hai cái mũ nặng trịch: “thiếu lập trường giai cấp” và “mất cảnh giác cách mạng”. 
- Chưa nặng lắm đâu. Ở bên bộ Tư pháp tôi còn bị chính “ông Thứ CS” của mình chụp cho cái mũ “phản động” cơ, nói lén sau lưng thôi. Kể tiếp đi, thế rồi sao?
- Ơ kìa! Mình đập bàn - rất mạnh! - đứng phắt dậy, to tiếng (Đúng vẫn là l’enfant terrible – tôi, VĐH, nghĩ bụng): - Các anh vi phạm pháp luật do chính mình đề ra, chưa nói về đạo lý là vô ơn bạc nghĩa! Và bỏ về thẳng...


Sau cú va chạm lần ấy, Hoàng Văn Đức chỉ bị đưa ra khỏi thành phần Ban CCRĐ Trung ương, tuy vẫn được giữ nguyên các chức vụ chính quyền và đoàn thể: Uỷ viên Thường trực Quốc hội, Phó tổng thư ký đảng Dân chủ. Nhưng trong “khối bất mãn Dân chủ”, như lời một lãnh đạo CS gọi “bộ ba” Hoè - Dục - Đức, từ đấy anh Đức chắc hẳn được coi là phần tử “phản động” cứng đầu nhất, phải xử nặng khi có cơ hội. 

Cơ hội đến nhanh thôi, chỉ 3 năm sau, khi mà “phóng tay phát đông quần chúng” đã làm được cuộc cách mạng thổ địa long trời lở đất, mang lại ruộng đất cho người cày, nhưng phạm những sai lầm cũng tầy đình. Cả xã hội miền Bắc náo động. Nhiều trí thức danh tiếng như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường trên diễn đàn Trung ương Mặt trận, và “khối Dân chủ bất mãn” trong các cuộc họp của Trung ương Dân chủ tranh luận gay gắt với các vị đại diện TƯ đảng Lao Động. Ý kiến thống nhất chung trong TƯ Dân chủ đã thể hiện thành văn bản nghiêm chỉnh gửi TƯ đảng Lao Động, như sau: những nguyên nhân sâu xa của sai lầm thảm khốc không phải chỉ do “chỉ đạo quan liêu” mà là “tư tưởng tả khuynh”, phương pháp độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ của lãnh đạo cấp cao và sự lộng hành, bất chấp luật pháp của thuộc cấp, cho nên để tránh lặp lại sai lầm gây tổn thất nặng nề trong tương lai thì phải chỉnh lại đường lối, thay đổi phương thức lãnh đạo bằng cách mở rộng dân chủ, bàn bạc, hiệp thương, như trong 3 năm đầu Cách mạng, với các chính đảng trong Mặt trận, đưa đại diện các chính đảng đó làm hai cấp phó trong các cơ quan quyền lực cao nhất (cấp chánh, đương nhiên, là của đảng Lao Động – chúng tôi đã nhấn mạnh điều này trong các cuộc tranh luận và trong văn bản!). Hoàng Văn Đức với tư cách Phó tổng thư ký đảng Dân chủ kiêm Bí thư đảng bộ Dân chủ Hà Nội, có uy tín lớn trong khối trí thức công thương, hoạt động năng nổ nhất, phát biểu hăng nhất – thì tính cách anh thế mà, không làm gì nửa vời. Anh triệu tập hội nghị các nhà công thương tiêu biểu, động viên họ phát biểu thẳng thắn. Có nhiều ý kiến phê phán sự quá tả trong vận động công tư hợp doanh gò ép, ôm đồm (“hợp tác hoá” cả thợ cắt tóc, phở gánh!), phá sản xuất... Anh Đức tổng kết thành bản kiến nghị của TƯ Dân chủ về con đường cải tạo và xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, dự định sẽ trình bày ở hội nghị Trung ương Mặt trận nay mai.


Nhưng sấm sét đã nổ ra sớm hơn...

Lâu nay, nói đến đấu tranh tư tưởng trong xã hội miền Bắc những năm 1956 – 1960, người ta chỉ chú ý vụ án Nhân văn – Giai phẩm lừng danh. Ít ai biết đòn sấm sét còn giáng xuống đầu hai chính đảng “anh em cùng chiến hào”. Đối với những nhân tố có trình độ tri thức cao nhất, từng hoạt động tích cực, có hiệu quả nhất trong việc giúp đảng CS thực hiện các chủ trương trong Cách mạng và Kháng chiến, họ vận động (sẵn kinh nghiệm “phóng tay” rồi mà!) và chỉ đạo cho “quần chúng đảng viên” đấu tố. Các giáo sư danh tiếng Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh... bị chính các trò của mình hạch tội, phỉ báng, bôi nhọ, rồi bị đuổi khỏi giảng đường đại học! Còn may là các vị khả kính ấy, cũng như chúng tôi, không có mối liên hệ nào với bất kỳ chính khách nước ngoài nào, nên không thể bị vu cáo là gián điệp của ngoại bang như anh Nguyễn Hữu Đang và bà Thuỵ An!

Trong Trung ương Dân chủ, “khối bất mãn” Hoè - Dực - Đức, đương nhiên, bị lôi ra tính sổ. Bị đấu tàn nhẫn nhất là “l’enfant terrible”. Đúng hôm “khai hoả” thì Hoàng Văn Đức bị kiết lỵ. Người ta lệnh khiêng anh ra đặt nằm trước Chủ tịch đoàn hội nghị cho đảng viên và cán bộ dưới quyền “vạch tội” chống Đảng lãnh đạo, “giao du”, “cấu kết” với các phần tử công thương “phản động”, “trốn cải tạo”... Có kẻ còn hung hăng nhảy lên tận bục Chủ tịch đoàn, sỉa sói đối tượng!..” Hội nghị cán bộ toàn quốc của đảng Dân chủ (15 - 30 / 6 / 1958)” đã được phù phép trở thành phiên toà đặc biệt quy kết cho chúng tôi những bản án chính trị huỷ diệt như “tư tưởng hữu khuynh”, “phản động”, “chống Cộng”, “đòi chia quyền lãnh đạo với đảng Lao Động VN” v.v và v.v., nhằm “đánh rắn rập đầu”, tiêu diệt hoàn toàn sinh mạng chính trị. “Con rắn độc nhất” Hoàng Văn Đức bị cách chức Phó tổng thư ký đảng Dân chủ và Bí thư Đảng bộ Dân chủ Hà Nội, tước đảng tịch vĩnh viễn. Chưa hết! Người ta đến gia đình anh yêu cầu giao nhà cho đồng chí Bí thư Thành uỷ (DC) mới. Một bạn thân của anh Đức trong giới công thương, anh Thẩm Hoàng Tín, từng có thời làm thị trưởng của Hà Nội tạm chiếm, nổi tiếng thanh liêm và bình dân, mời gia đình Đức đến ở tạm biệt thự của mình trong làng Yên Phụ. Lập tức, lãnh đạo mới của đảng Dân chủ yêu cầu tôi, bạn của cả Tín và Đức, đến thuyết phục Đức chuyển đi nơi khác. Lý do: nguyên Phó tổng thư ký của một chính đảng, bây giờ đã lột xác trở nên hoàn toàn “cách mạng”, mà lại “ngự” tại biệt thự của “một tên tư sản cỡ bự” thì phương hại đến “thanh danh” của Đảng quá xá. Chưa hết! Mặc dù sức khoẻ anh Đức suy sụp hẳn, sau hội nghị “đấu tố” phải nằm bệnh viện, có cán bộ CS cấp cao còn đến gặp Hồ Chủ tịch đề nghị cho bắt giam, đày đi trại cải tạo. May thay, Cụ Hồ còn có lòng thương người, không cho phép: “Hành người ta đến thế chưa đủ hay sao?”... Nhưng thôi kể làm chi nữa câu chuyện buồn của nhân tình thế thái, xưa cũng như nay “giậu đổ bìm leo”... 

Hoàng Văn Đức làm cán bộ giảng dạy ở Đại học Nông nghiệp vài năm, sau thấy để cho “con rắn độc chống Đảng” tiếp xúc với thanh niên sinh viên là quá nguy hiểm, Bộ Nông nghiệp rút anh lên làm chuyên viên kỹ thuật. Bầu cử Quốc hội II bắt đầu thực hiện cơ chế nhất thiết phải được Mặt trận giới thiệu mới được đưa vào danh sách ứng cử, anh Đức cũng như tôi, anh Dục và nhiều vị đại biểu cũ phạm tội “chống Đảng” đương nhiên không được ứng cử nữa. Không còn phải e dè gì, người ta “đày” Hoàng Văn Đức đi làm kỹ thuật viên trồng trọt tại một nông trường ở tỉnh Hoà Bình núi non xa xôi. Hoá ra lại rất trúng ý Đức: anh đang muốn chuồn cho nhanh khỏi cái “không khí oi bức” của Hà Nội. Anh tận tuỵ lao động ở đấy cho đến khi về hưu vào năm 1973 và trở về sống âm thầm bên vợ con trên căn gác hai ở phố Tràng Tiền, cũng do một người bạn trong giới công thương còn lưu luyến tình nghĩa “cái thuở ban đầu Cách mạng ấy”, nhường hẳn cho gia đình anh. 

Tôi viết: “âm thầm” - vì cái tên Hoàng Văn Đức đã thành “tabu” (điều cấm kị) trong tất cả những sự kiện cách mạng anh từng là tác nhân tích cực. Ngay cả trường hợp Hoàng Văn Đức là chứng nhân duy nhất ghi lại được hình ảnh sư kiện trọng đại. Chẳng hạn, như trường hợp bức ảnh quý hiếm về buổi ông Võ Nguyên Giáp tuyên đọc nhật lệnh trong buổi lễ xuất phát của Giải phóng quân từ ATK Tân Trào tiến về Thái Nguyên tham gia cướp chính quyền. Để khỏi phải nhắc đến “tên phản động đầu sỏ”, người ta đã ngang nhiên xuyên tạc nguồn gốc chứng cứ lịch sử. Từ nửa thế kỷ trước, tôi được biết ngọn ngành bức ảnh quý hiếm do một sự tình cờ. Số là hơn một tháng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 - 9 - 45, nhà tôi sinh đứa con thứ sáu. Tôi đến gặp Đức mượn cái máy ảnh của anh để chụp hình đứa con gái sinh ra trong những ngày cả dân tộc đổi đời.

- Tiếc quá! Máy bị tịch thu mất rồi. Được mời dự buổi “xuất quân” của bộ đội ông Giáp ở ATK, mình lén chụp một “pô”, bị phê bình vi phạm nội quy Khu giải phóng, đem máy ảnh vào mà không khai báo. Phim bị tịch thu đã đành rồi, nhưng máy cũng có trả đâu!

*

Anh Hoàng Văn Đức âm thầm ra đi năm 1996...Chết là hết chuyện. Nhưng với L’enfant terible thì chưa... 

Một trưa Chủ nhật tháng 10 - 1996, tôi nhận được cú điện của cậu Khôi, con trai cả của tôi, từ Hà Nội gọi vào Thủ Đức báo:
- Bác Đức mất hồi sáng hôm qua rồi, Ba ạ. Bác gái nhờ con tổ chức tang lễ...
- Sao lại thế?! 
- Con vừa đến gặp bác gái hỏi việc phúng viếng. Bác ôm con khóc và nói 3 cơ quan Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Mặt trận đun đẩy nhau, chưa ai nhận đứng ra... “Nếu bố cháu ở Hà Nội, chắc chắn bố cháu sẽ đứng ra làm... Các em chúng nó chỉ giỏi làm việc chuyên môn, xã giao còn vụng dại lắm... Cháu thay mặt bố cháu cho vong linh bác trai đỡ tủi...” Con trả lời bác gái là không dám từ nan, để cháu xin phép bố cháu đã... Bây giờ, con xin ý kiến Ba làm thế nào, có thông báo rộng rãi không?...

Tôi nghĩ vài giây rồi bảo con trai:
- Cậu và cả Khanh, Khiêm nữa, có một số bạn bè trường Thiếu sinh quân xưa, bây giờ đang giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Cố gắng liên hệ, báo cáo với họ tình hình đã. Tôi nghĩ cậu cùng các con bác Đức thừa sức tổ chức tang lễ, nhưng e bất lợi cho việc chung...

Khôi đã liên hệ dược với anh Q.H., bạn học của Khanh, Khiêm, vợ lại là bạn học của Tú, con gái cả của chúng tôi; Q.H. lúc ấy đang là Uỷ viên TƯ Đảng CSVN, một Phó ban Kiểm tra TƯ. Chắc đã có “chỉ thị”, nên Bộ Nông nghiệp mới yên tâm thực hiện cái đạo lý cổ truyền “nghĩa tử là nghĩa tận” – lo hậu sự cho nguyên Tổng giám đốc Nha Canh nông đầu tiên của mình. 

Một năm sau, Hoàng Văn Đức được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.


Ngày cử tang, tôi ở xa thắp mấy nén nhang, vọng bái vong linh Anh... Hình ảnh Anh - người chiến sĩ Dân chủ kiên cường, luôn khắc sâu trong tâm khảm tôi. Tôi tự nhận thấy thua anh về tinh thần chiến đấu cho Lẽ Phải ở đời. Bây giờ ngồi ngẫm lại không khỏi có chỗ ân hận.




---

BỔ SUNG


.

Thứ bảy, 22/8/2015 | 11:28 GMT+7

Vũ Đình Hòe viết về những người cùng thế hệ

Quyển sách của cố Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ lâm thời đầu tiên nhắc độc giả nhớ về lớp quân nhân, trí thức thuộc "thế hệ vàng" của Việt Nam.


Nhà xuất Bản Trẻ vừa giới thiệu cuốn Gương mặt những người cùng thế hệ của ông Vũ Đình Hòe (1912-2011). Các bài tập hợp trong cuốn sách được tác giả viết rải rác trong 25 năm, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước cho đến khi ông qua đời vào ngày 29/1/2011.
Hơn bốn năm qua, ông Vũ Thế Khôi - con trai ông Vũ Đình Hòe - giữ gìn từng trang bản thảo của cha. Ấn phẩm ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh ngày 2/9.
Bìa "Gương mặt những người cùng thế hệ".
Bìa sách "Gương mặt những người cùng thế hệ". Đây là quyển sách thứ hai được Nhà xuất bản Trẻ ứng dụng hình thức Tem thông minhdán trên sách, giúp tăng cường sự tương tác với bạn đọc.
Quyển sách gồm bốn chương: Những người đã bỏ mình vì nước, Vài gương mặt bạn, Đôi nét phác họa và chương cuối là Hai bức chân dung. Mỗi bài viết đều chứa nhiều dữ liệu, thông tin, những đúc rút, chắt lọc qua dòng lịch sử về một thế hệ Việt Nam được đào tạo trong môi trường giáo dục Pháp, trưởng thành với nhiều hoài bão, ước mơ và dùng tài năng, tâm huyết phụng sự đất nước từ những ngày đầu độc lập.
Chân dung các nhân vật được viết lại qua hồi ức của một tác giả từng là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục và Bộ trưởng tư pháp trong Chính phủ lâm thời đầu tiên. Nhiều bài viết sinh động nhờ vào hồi ức, kỷ niệm mà tác giả là chứng nhân, từng cùng trải qua các sự kiện, biến chuyển lịch sử với bạn bè - những con người cùng thế hệ.
Nhiều cái tên trong cuốn sách quen thuộc với độc giả Việt Nam như: Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Hãn La Sơn Phu Tử, Nguyễn Văn Tố... Nhưng cũng có những nhân vật mà độc giả trẻ có thể còn lạ lẫm như: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Cao Luyện, Vũ Trọng Khánh, Phan Anh, Phan Mỹ, Nghiêm Toản... Đó là hình ảnh giản dị, đáng kính của cụ Nguyễn Văn Tố - một con người được kết tinh từ sự hài hoa của nền Tây học và Hán học. Hay hình ảnh của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện hết lòng tận hiếu với dân, tận trung với nước - người bác sĩ đầu tiên mở bệnh viện tư, ưu tiên khám chữa bệnh cho người nghèo ở Hà Nội với cái tên "Nhà thương Ngõ Trạm". Một thi sĩ Đoàn Phú Tứ - nằm trong thế hệ những người sáng lập nền kịch nói Việt Nam hiện đại - hào hoa, phong nhã, hồn nhiên nhưng quyết liệt, trọng nghĩa khí khi có chuyện bất bình... Tựu trung, họ đều là những trí thức 70 năm trước đã dấn thân vì một nước Việt Nam mới.
Vinh danh các nhân vật ở thế kỷ trước, ông Vũ Đình Hòe không chỉ đề cập về những con người có thể bị lãng quên, mai một theo dòng thời gian mà hơn cả, ông kỳ vọng lớp độc giả trẻ hôm nay biết thêm về những con người của một thời.
Hướng đến độc giả thế hệ sau, cố tác giả và con trai Vũ Thế Khôi luôn thận trọng trong từng bài viết để thông tin đưa ra chính xác với các sự kiện lịch sử. "Bố tôi dặn làm sách cho thanh thiếu niên phải thật sự cẩn trọng về từng cái tên, từng địa danh... Mỗi bài viết trong sách đều kèm một bức chân dung về nhân vật và tiểu sử của họ. Ông dặn tôi khi viết tiểu sử đừng tin vào những bản lý lịch được công bố, do thời cuộc, nhiều bản lý lịch cung cấp thông tin không chính xác, mà phải đi tìm gặp con cái, thân nhân của nhân vật để hỏi và ghi chép lại", ông Khôi kể.
Trong những năm cuối đời, dù ở tuổi 100, ông Vũ Đình Hòe vẫn còn giữ đầu óc hoàn toàn minh mẫn, nằm trên ghế bố đọc cho con trai ghi chép lại những sự việc theo trí nhớ để hoàn thành bản thảo. Tuy vậy, ông chưa kịp hoàn tất hai bài cuối cùng theo dự kiến thì đột ngột qua đời ngày 26 Tết Tân Mão (tức ngày 29/1/2011).
Ông Vũ Đình Hòe sinh năm 1912, quê tại làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông là luật sư, nhà báo, đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong sáu tháng tại vị giữ chức Bộ trưởng, ông đã có những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, khiến nền giáo dục cách mạng từ những ngày đầu độc lập đã dồi dào sức sống, tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của đất nước lúc bấy giờ.
Thoại Hà










































































http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/vu-dinh-hoe-viet-ve-nhung-nguoi-cung-the-he-3267324.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.