Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/06/2017

Về tư duy của người Việt qua sáng tạo chữ Nôm, góc nhìn đương đại (của Brian Wu)

Liên quan đến tư duy sáng tạo chữ Nôm, tôi đã bàn ở đâyở đây (trong hội thảo tháng 8 năm 2016). Bản đưa lên mạng của hội thảo đến hiện tại (tháng 6 năm 2017), mới chỉ là bản thoát cảo đầu tiên, chưa phải cuối cùng.

Khi nào có bản cuối cùng (đã chỉnh sửa nhiều so với bản đầu tiên vào tháng 8 năm 2016), thì sẽ bổ sung.

Trước tháng 8 năm 2016, đã nói nhanh ở đây (tháng 1/2015).

Bây giờ thì xem một bàn luận của một bạn tạm gọi là bình dân (có kiến thức về Hán Nôm). Đó là bạn Brian Wu - một người Việt đang sinh sống tại Hoa Kì.


---


Brian Wuさん Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi ... - 友達: Nguyễn Thanh Lợiさん、他3人

Bạn mà đọc trên mạng hay trong núi sách vở tại Việt Nam, chắc là sẽ thấy được việc người ta khen tụng nhà Tây Sơn và chữ Nôm lên tới ngút trời luôn. Trên báo Bình Định (http://www.baobinhdinh.com.vn/568/2003/6/4663/), còn có bài nhận định đọc mà toát luôn mồ hôi là "Vua Quang Trung cho phục hồi lại chữ Nôm, coi đây là Quốc tự (khác với Hán tự là chữ vay mượn của người Tàu), thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của nước ta". Xưa nay, mình được dịp hầu chuyện nhiều người, trong đó có cả các thầy bên Mỹ này, và thấy nhiều người cũng tự hào như bài viết trên vậy. Chính mình cũng tin vào việc này trước đây.
Nhưng than ôi, từ khi mình bước vào học chữ Nôm rồi, được học hỏi từ vài thầy biết chữ Hán Nôm, thì mới biết nhận định như vậy là có vấn đề tới kinh khủng luôn. Tại sao ? Vì rất đơn giản, ở nước Việt Nam mình, mỗi vùng đều có một cách nói (tức phương ngữ) khác nhau, ví dụ:
1. Ở miền Trung xứ Huế nói con trâu là TRU, con dâu là DU, thì chữ Nôm sẽ được viết ra sao để mà người miền Nam hay miền Bắc hiểu ? Chả lẽ mỗi mỗi từ đều có phần chua trong ấy à ? Còn không chua hoặc chú thích, thì làm sao người miền Nam biết con TRU là con TRÂU ?
2. Ở miền Nam đầy vụ tên địa danh bị lẫn lộn, từ Cỏ Chen / Cổ Chiên, Dầu Miệt / Dầu Mít, Thủ Thiêm / Thủ Thêm, v.v đều là các từ mà một chữ Nôm bạn có thể đọc nhiều cách khác nhau ví dụ bạn có thể đọc THIÊM hay THÊM cùng một chữ Nôm, vậy chả lẽ mỗi mỗi từ trong đây cũng đều có phần chua à ?
3. Ở các miền ngoài, cách nói nặng hơn người miền Nam nhiều, nên không hiểu khi viết các chiếu, dụ mà dùng chữ Nôm, các văn kiện này có vụ chữ Nôm bị viết và hiểu lầm không ? Ví dụ có khi nào câu "trách nhiệm của các người là tập hợp ĐỦ trâu bò" thì vị nào đó trọ trẹ viết thành "trách nhiệm của các người là tập hợp ĐỤ trâu bò" không ?
4. Nhà Tây Sơn theo mình đọc, hoàn toàn không để lại gì quá nổi bật về giáo dục cả, ngoại trừ những việc người ta khen vua Quang Trung khuyến khích việc dùng chữ Nôm. Nhưng mình nói thiệt bạn, bạn đi học chữ Nôm đi, để coi bạn có giỏi mà Quốc ngữ hóa chữ Nôm với 3 điều rất khó bên trên không.
5. Còn mà văn kiện, sách vở mà dùng chữ Nôm thật hay ví dụ như Truyện Kiều chẳng hạn, thì dùng đầy điển tích Hán ngữ hoặc dựa theo Hán ngữ trong ấy, chứ không hề dùng phương ngữ địa phương (ví dụ phương ngữ Hà Tĩnh) để mà viết đầy trong đó.
6. Và một vài sách vở chữ Nôm được khen nức nở đã dùng phương ngữ địa phương ví dụ Lục Vân Tiên thì kể từ khi mình đọc chút xíu Nôm, thì lại đâm ra khủng hoảng vì chữ trong Lục Vân Tiên đọc biết là có phương ngữ miền Bắc liền, nên biết đó không là sách phương ngữ miền Nam, là chữ của cụ Nguyễn Đình Chiểu, mà đã được người ta xào lại rồi bây giờ cả trăm năm nay, người ta cố nhét vô đầu mình lẫn bạn là Lục Vân Tiên là áng văn bất hủ của miền Nam đó.
7. Còn việc người ta đánh bóng triều Tây Sơn lập Sùng Chính viện rồi dịch các sách chữ Hán xưa như Tứ Thư Ngũ Kinh qua Nôm thì mình xin lỗi bạn, ai đó cần coi lại việc này. Ngày nay, bạn biết chữ Quốc Ngữ mà bạn đã chắc đọc và hiểu Tứ Thư Ngũ Kinh chưa ? Vậy dịch Nôm Tứ Thư là trước tiên phải đem các danh từ chữ Hán dịch ra Nôm ví dự Tứ Thư là bốn quyển rồi từ Nôm lại phải giảng nghĩa qua Nôm dài dòng nữa tức là bốn quyển này là bốn quyển gì. Bạn thử nghĩ, ngày nay với dân số 100 triệu người, ai ai cũng đọc được chữ Quốc Ngữ, mà nước mình chắc hổng có quá 100 cuốn sách phân tích về Tứ Thư, và mình mà hỏi về Tứ Thư, chắc phần lớn các bạn đều không biết. Vậy thời Tây Sơn có chút xíu, dân toàn làm ruộng, dân trí chắc thấp lắm, bạn nghĩ các quan Sùng Chính viện có rãnh tới mức dịch ra Nôm hết các sách chữ Hán rất khó không ? Dịch cho ai ? Ai có thời giờ đọc chữ Nôm Tứ Thư ? Nếu các quan đã biết chữ Hán rồi thì dịch Nôm nữa làm gì các loại sách rât khó này ? Nên theo mình, thuyết cổ võ cho việc nhà Tây Sơn dịch sách Hán xưa là hồ đồ và vô lý.
8. Còn lý do tại sao mà chữ Nôm thịnh hành trong thời nhà Tây Sơn, cũng như thời chúa Nguyễn Ánh, thì rất đơn giản theo mình. Đó là vào thời loạn lạc này, cả 2 bên đều dùng quân chủng tạp, tức đủ thứ hạng người, từ cướp biển tới dân làm ruộng, nên khi họ cần phải nêu ra việc gì đó, ví dụ viết hịch, viết dụ, viết thông báo, họ phải dùng Nôm để người ta đọc lại cho những người dân hoặc quân này hiểu. Chắc là cả vua Quang Trung lẫn chúa Nguyễn Ánh chưa bao giờ ngầu đến mức độ muốn quốc ngữ hóa chữ Nôm. Chữ Nôm được dùng do dân quân đã dùng trong văn nói, thứ chữ Nôm được viết không liên quan quá nhiều đến phương ngữ địa phương, mà là thứ chữ đọc lên người ở đâu cũng hiểu, tựa như chữ Quốc ngữ ngày nay vậy. Nhưng mà nói Quốc ngữ hóa chữ Nôm trong văn viết thì mình đồ, đến giờ còn có vấn đề, nên cả hai trăm năm trước đây mà đã có ý tưởng quốc ngữ hóa chữ Nôm là không thể tin được.
Nên bạn mà có đọc bài nào về nhà Tây Sơn và chữ Nôm, thì cũng coi lại về việc có thật là nhà Tây Sơn có đủ bản lãnh lẫn điều kiện và nhân tài để mà quốc ngữ hóa chữ Nôm 200 năm trước đây không nghen.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Cheers,
Brian


https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/1849075535343400



---


BỔ SUNG


1. Brian tự bạch (17/6/2017)

Brian Wuさん Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu ...
20分前

Lâu nay đã có nhiều anh chị em khuyên mình viết từ từ lại, trao chuốt bài viết thêm chút, lập fan page, hoặc viết sách về những điều mình bàn, v,v. Đây đều là các ý kiến tốt và mình rất cảm ơn. Vậy mình xin được đính chính:
1. Mình viết vì thương chữ Việt quá. Chỉ đơn giản có vậy. Trong đầu nghĩ ra gì, thì cứ viết về điều đó. Mình thương chữ Việt, thương con cò, thương hàng cau, và thương mảnh đất mà ông bà mình còn nằm lại đó.
2. Mình vốn thích cho chữ được bay đi. Ví dụ viết nhật ký thì vài tháng lại đem ra biển đốt từng tờ nhật ký và nhìn giấy bị đốt tự do bay đi cảm giác thật sung sướng. Đó là lý do mình không lập blog hay fan page gì cả. Mình muốn được viết rồi cho chữ bay đi luôn, cho chữ được tự do, chứ không sống trong cái lồng fan page.
2. Mình vốn làm về software (ở Silicon Valley mà) chứ không liên quan gì đến học thuật hay nghiên cứu văn hóa cả.
3. Mình không quá quan tâm về danh vọng, danh vị vì ở Mỹ có lẽ mình không hẳn thiếu danh vị hay danh vọng đến vậy. Và mình cũng không có ý định đi làm thầy đồ, mà chỉ muốn chia sẻ kiến thức với 500 anh chị em mình như 1 người bạn, và muốn được học hỏi từ tất cả.
4. Mình có thể làm những điều bạn đề nghị, tức là trao chuốt bài, hay làm nhà nghiên cứu hay cùng ai in sách gì đó, nhưng như vậy cũng chỉ được như các vị kia mà thôi, ví dụ như chỉ được như thầy Nguyễn Duy Chính vậy. Chắc thầy nghỉ hưu rồi nên thầy quyết định để thời gian viết sách. Mình thì chưa đâu và mình cũng chả màng danh vọng gì cả. Mình có 500 anh chị em rồi. Cái mà mình ai ai cũng cần là cần có một cái foundation để bảo trợ 500 anh chị em được suốt đời viết, nghiên cứu và sống trong thế giới sử học, văn hóa, Hán Nôm, khỏi lo vụ tiền bạc, vợ hét con la, canh chừng mỗi tháng paycheck có tới tay không. Nên nếu mình kiếm được tiền và lập foundation, thì coi bộ 500 anh chị em mà viết và nghiên cứu, thì 1 ngàn năm nữa một ông thầy Nguyễn Duy Chính cũng không viết lại há. Nên tại sao mình cần đi theo con đường của thầy Nguyễn Duy Chính, trong khi mình có thể đi kiếm tiền, lập foundation để cho anh chị em an tâm mà nghiên cứu, mà viết và như vậy có phải là 500 anh chị em sẽ bứt xa luôn 1 Brian không ? Đó là mô hình một nắm đũa hơn là một chiếc đũa đúng không bạn ? Nên bạn thấy đó, danh vọng đối với mình không là gì cả. Nếu kiếm được tiền, thì coi như là mình ai cũng đã hết trơn, không chừng sẽ vực dậy luôn sự yêu thích sử học, văn hóa, Hán Nôm cho 100 triệu người Việt Nam. Làm được vậy mới là anh hùng, mới giúp ích cho đất nước, cho tất cả anh chị em, cho thế hệ mai sau, chứ không phải chỉ sống quanh quẩn ao làng, và ăn hiếp người bé cổ thấp miệng hay ra vẻ ta đây là thầy đồ coi thường tất cả.
5. Mình ở Mỹ đã quen với việc sống cùng hoài bão của mình, chứ không bắt chước ai cả. Người đàn ông chỉ cần một tấm chiếu, vài quyển sách, smartphone và laptop là xong. Tiền bạc có thì đưa cho xã hội cả. Có thể mình sẽ thương ai đó, hay có thể mình cả đời sẽ sống lông bông, nhưng đàn ông thì không thể sống hèn. Mình muốn kiếm tiền rồi đưa hết cho xã hội, để xây trường, lập foundation, để thấy những nụ cười thỏa mãn, những ánh mắt đầy niềm vui của các anh chị em khi thấy những đứa con tinh thần của mình được xuất bản hoài hoài mà lại khỏi phải lo là mỗi tháng "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi", để các em bé có cơ hội để đi học và ra khỏi cái nghèo. Có thể mình sẽ không bao giờ có được 1 gia đình riêng, một mái ấm gia đình, một đứa con ôm mình thật chặt như bạn. Nhưng biết đâu, mình đã tìm được mái ấm gia đình trong ánh mắt và nụ cười của các bạn rồi đó.
Vậy mình xin kiếu vụ trao chuốt bài hay viết sách gì luôn nha. Có thể mình sẽ viết môt cái notes liệt kê và cập nhật links tới các bài viết để bạn dễ dò. Nhưng bạn hãy để mình được sống như khỉ, sống với hoài bão, và hơn hết, ráng lên để có được một cái foundation. Thế giới có lẽ rất cần những người mơ mộng và đôi khi suy nghĩ rất con nít phải không bạn ?
Hãy sống với ước mơ của mình nghen bạn. Cuộc đời đẹp quá bạn ơi.
Cheers,
Brian
https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/1851260488458238

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.