Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

08/06/2017

Thơ vịnh 99 nhà văn Việt Nam hiện đại của Nguyễn Khôi, cùng những bình luận

Đầu tiên là nguyên bản thơ vịnh của Nguyễn Khôi.

Sau đó là những lời bình luận (đưa vào phần bổ sung).

Nguyên bản thơ vịnh của Nguyên Khôi thì lấy về từ trang của Tô Ngọc Thạch (một trong 99 người được Nguyễn Khôi vịnh).


---







Lời thưa: Được nhà văn Lê Xuân Quang (Berlin) khuyến khích, theo gót nhà văn Xuân Sách, nhà thơ Đỗ Hoàng, nhà thơ Trần Nhương, với tiêu chí “văn là người”, Nguyễn Khôi tôi dùng thơ 4 câu phác họa chân dung 99 nhà văn mà mình mến mộ. Xin được chia sẻ cùng các bạn thơ.

1. TỐ HỮU
Tự nhận mình là Lành
Mọi người thấy rất dữ
Mác lê bọc bằng thơ
Đã đâm chỉ có “tử”.

         Tung hoa máu xung trận
         là Hịch chống xâm lăng
           lời Thề với Đảng, Bác
         “Từ ấy”, “Sáng tháng Năm”

2. CHẾ LAN VIÊN
Tài thơ đến như  Chế
Đời  thật khó khen chê
Bẻ cành phong lan bể
“Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về”.

Bắn pháo hoa Tư tưởng
Vờ khóc nước non Hời
Tháp Bay On bốn mặt
Giấu đi mặt ma trơi.

3. SÓNG HỒNG
Thơ văn là bom đạn
Lật đổ/ phá cường quyền
“Đổi mới” phải sự thật
Đọc Ức Trai đêm đêm.

4. LÊ ĐỨC THỌ
Thơ: mực hòa máu viết
Người hùng - quyền thứ hai
Giải Nô ben thứ thiệt
Ai thấy cũng bye bye. (bai bai)

5. HOÀNG VĂN HOAN
Anh Ba quy: Việt gian
Sang nương vây lão Đặng
Xuống địa phủ viết văn
Gặp cụ Hồ đặng đặng?

6. XUÂN THỦY
Trùm đàm phánParis
Lịch lãm và trí thức
Bị “nạn” thì làm thơ
“Không giam được trí óc”

7. TRẦN ĐĨNH
Chính sự theo “đèn cù”
“Bất khuất” nên bị thiến
Đang diễn hề hầu vua
Hí trường đột tai biến!

8. VIỆT PHƯƠNG
“Cửa mở” hở hậu cung
“Lụy” mấy ông xuất bản
-         Ta cái gì cũng Hồng
-         Địch cái gì cũng Xám
-         Trảm!

9. HỮU THỈNH
Thư mùa đông” cho lính
Thơ xoàng xĩnh lên ngôi
Điếu văn “hot” tới đỉnh
Trơ ghế cao anh ngồi.

10. NGUYỄN PHAN HÁCH
Đẹp duyên “làng quan họ”
Thơ hay không có tiền
Cho in thơ thả cửa
Bán giấy phép đầu tiên.

11. BÚT TRE
Người bút lông, bút sắt
Lão quê mùa bút tre
Dám “biên tập” lời Bác
Vào Đền Hùng khắc bia (1).
………………….
(1) Câu “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là do Bút Tre (Phó ty Văn hóa Phú Thọ) đã “văn bản hóa” câu nói của Bác (biên tập lại) và cũng qua nhiều vị tham gia chỉnh sửa.

12. TRẦN ĐĂNG KHOA
Thần đồng thơ trẻ xóm
Hóm tếu văn “giải thiêng”
“Chân dung và đối thoại”
Đằm chất quê hồn nhiên.

13. HOÀNG CẦM
Váy Đình Bảng chùng xuống
Đâu thấy lá diêu bông ?
Mưa Thuận Thành tầm tã
Ngây ngất ả phù dung.

14. TRẦN DẦN
Còn hai câu bia mộ:
“Tôi khóc những chân trời…
…Những người bay không có…”
“Nhất định thắng” … công toi!

15. LÊ ĐẠT
Tù túng thành “phu chữ”
Đẽo / tỉa bay mất hồn
Người chết / thơ còn, hết?
“Đường chữ” nẻo cô thôn.

16. LÒ NGÂN SỦN
"KHÁT" khi thấy Người Đẹp
Chiều biên giới nắng tươi
Giữa lều nương Bát Xát
Cởi áo ra...em ơi !

17. HOÀNG CÔNG KHANH
Tù Tây lại tù ta
“Quyền được rên” chẳng có
Bởi luôn đòi tự do
Gánh văn là gánh khổ.

18. LƯU TRỌNG LƯ
Chỉ một cái “tiếng thu”
Để ngàn đời ngơ ngác
Mộng Phù Tang phiêu du
Con nai vàng có “tác” ?

19. QUANG DŨNG
“Tây tiến” thơ hứng khởi
“Mắt Sơn Tây” đoạn trường
Sống: Mai Châu gái đẹp
Chết vì dáng kiều thơm.

20. PHAN KHÔI
“Tình già” liếc như ông
Mắt xuyên qua thế kỉ
“Nắng (thì) cứ nắng…. ong ong
Thời thế… ông chẳng thế!

21. XUÂN DIỆU
“Đồng tính” bị đấu tố
Cụt hứng làm thơ tình
Thôi thì ca “Ngói mới”
Đi “nói chuyện thơ” mình.

22. HUY CẬN
Tắt “Lửa thiêng” đón “mỗi ngày lại sáng
“Con cá song lấp lánh đuốc đen hồng”
Thằng con cả bùng tuốt sang Mỹ sống
Chết đã lâu mãi chẳng có tên đường.

23. KHƯƠNG HỮU DỤNG
Xuất khẩu câu thần cú
“… chim kêu sáng cả rừng”
Để nhớ Khương Hữu Dụng
“Thôi xao” sánh thơ Đường.

24. YÊN THAO
Ngang ngửa thơ kháng chiến
“Nhà tôi” mất hút rồi
Thơm má người vợ trẻ
Đừng “nã pháo” – người ơi!

25. CẦM GIANG
Lên sông Mã tắm truồng

Liều "trộm xem em tắm"

"Nhớ vợ"...ở chiến trường

Núi Mường Hung xa thẳm.


26. HUY ĐỨC
Lật tấy "Bên thắng cuộc"
"Bên thắng cuộc" chống lưng
Vung bút : đối phương gục
Vinh, nhục thời Thị trường.

27. ĐOÀN GIỎI
Đoàn Giỏi văn thực giỏi
Cánh chim trời mênh mang
Bởi  ăn “Cá bống mú”
Mê “Đất rừng phươngNam”.

28. SƠN NAM
Theo ông già Nam Bộ
Thưởng “Hương rừng Cà Mau”
Mai sau khô không khốc
Nhớ hoài “Mùa len trâu”.

29. BÙI GIÁNG
Nghêu ngao giả cuồng điên
“Li tao” quên đời loạn
Chẳng được là Khuất Nguyên
Thì cũng là Bùi Giáng.

30. TRẦN TRỌNG KIM
Trung thực được như ông
Là “ViệtNamsử lược”
“Hồi kí” (1) thực như tâm
Tin đời còn sự thật.
…………….
(1)     Hồi kí “Một cơn gió bụi”.

31. KIM ĐỊNH
Triết gia xảo như ông
An Việt mấy ai biết?
Đọc “Triết lí cái đình”
Thấy thêm yêu nòi Việt.

32. TRẦN ĐỨC THẢO
Giảng triết cho lũ dốt
Tù đầy giữa đời thừa
Yêu nước thành phản Quốc
“Trăn trối” đã quá mùa.

33. TRƯƠNG TỬU
Làm thầy bọn trò ngốc
Thôi về “châm cứu” chui
Cứu người  được quả phúc
Văn chương chiếc yếm rơi…

34. NGUYÊN NGỌC
Chết rồi anh hùng Núp
“Rừng Xà nu” bị nghiền
Lập “Văn đoàn độc lập”
Mơ “Đất nược đứng lên”.


35. PHÙNG CUNG
Con ngựa già phủ Chúa
Mười hai năm tội đồ
“Xem đêm” còn giật thột
Quất “bã chè” thành thơ.

36. TRANG THẾ HY
Yêu sao Trang Thế Hy
Văn già hiền Nam Bộ
“Vết thương thứ 13
Về Bến Tre nằm ngủ.

37. BÙI BÌNH THI
Chẳng phải dân lính tráng
Lại “Về Cánh đồng Chum”
Viết kí sự Xiêng Khoảng
Đắm “Xiêng Khoảng mù sương”.

38. VŨ THƯ HIÊN
Trải  “ Đêm giữa ban ngày”
Tộc Tà ru bị loại
“Bông hồng vàng” bầm dập
Paris“thoại” cùng ai?

39. THÁI KẾ TOẠI
Văn sĩ làm “mật vụ”
Mà chẳng thấy bắt ai
Lũ Nhân văn kết bạn
Khua giáo lên văn đài.

40. MẠC PHI
Nếu không lấy vợ Thái
Viết văn, dịch làm sao?
“Rừng động” xao động mãi
Để “Xống chụ xon xao”.

41. PHẠM TIẾN DUẬT
“Đường ra trận…đẹp lắm”
Lừa mị lũ trai làng
Chết hồn kết “ Vòng trắng”
Đưa thơ về Trường Sơn.

42. BÙI MINH QUỐC
Hăng hái “Lên miền Tây”
Đi B không sợ chết
“Bình công” nuốt đắng cay
Làm thơ trong xó bếp.

43. LÊ LỰU

Đã qua "Thời xa vắng"
Về "Làng Cuội" nương thân
Thế thái nhân tình đắng
Đành "sóng ở đáy sông". 
44. LƯU QUANG VŨ & XUÂN QUỲNH
Đến chết vẫn lăn tăn “Thời kì đồ đểu”
“Uống rượu với bác Lâm” chuốc chén về trời
Để biển cũng bạc đầu thương nhớ
“Đắng cay” là chời biếc thưở xa khơi.

45. NGUYỄN NGUYÊN BẢY & LÍ PHƯƠNG LIÊN
Chàng Tư Mã say thơ
Mê mùi sen phố cổ
“Chém gió” giữa thủ đô
“Thơ bạn thơ” rạng rỡ.

46. BÙI NGỌC TẤN
“Chuyện kể năm 2000”
“Tại sao tù?” thắc mắc
Đọc Solzhenitsyn
Ôi “Quần đảo Grulag”

47. DƯƠNG THU HƯƠNG
Tới “Đỉnh cao chói lọi”
Tức khí mà tắt kinh
“Thiên đường mù” vẫy gọi
Chào “Tỉnh lẻ vĩ nhân.”

48. HOÀNG HƯNG
Thích Hoàng Cầm vương lụy
Mang  thơ phải vào tù
Uất “Đi tìm cái mặt”
Ngắc ngoải một đời thơ.

49. TRẦN HUY QUANG
Trời xui viết “Linh nghiệm”
Hơn Azic Nexin
Treo bút ba năm, hiếm
Bõ bèn một truyện in.

50. NGUYỄN MINH CHÂU
Ai điếu “Văn minh họa”
Vượt lão “Tầm nhìn xa”
Mỗi lần qua chợ Giát
Lại quặn lòng xót xa.

51. HOÀNG NGỌC HIẾN
Xướng “Văn chương phải đạo”
Giáo sư chẳng được phong
Học trò không đứa láo
Dạy “Giáo dục công dân”.

52. TRẦN QUÁN ANH
Một vở “Tiền tuyến gọi”
Đủ lừng danh… đói dài
“Giáo sư Dái” thoải mái
Tiền tấn thừa rong chơi.

53. VI HỒNG
Mải “Đi tìm mẹ chữ”
“Người trong ống” gầy nhom
Nghề văn kiết đến chết
Không bằng về làm nương.

54. NGUYỄN HƯNG QUỐC
Triết gia Hoàng khen đểu:
Việt có ba thi tài
Quốc, Hảo, Hoàng (1) thất thểu
“Thơ con cóc” mới hay.
……………..
(1)   Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng

55. ĐỖ CHU
Vì say “Hương cỏ mật”
Dở chứng làm thơ tình
“Mảnh vườn xưa hoang vắng”
Thực / ảo kiếp nhân sinh.

56. NGUYỄN HUY THIỆP
Mang cưa  xẻ quá khứ
“Tướng về hưu” trộm dòm
-         Nhà thơ: lũ vô học
“Vong bướm” ám vào…Hồn!

57. VI THÙY LINH
Chẳng cần tốc váy đỏ
“Quốc sư” vẫn say thơ
Văn em không có sex
Đếch ai thèm tìm mua.

58. PAUL NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Giỏi đàn, lắm lí sự
Bạn  quí gọi “Triết gia”
Đứa ghét chê “ngộ chữ”
Gã sùng báiHi La.

59. PHẠM LƯU VŨ
Nổi danh “Chị cả Bống”
Nghề  xây dựng có bằng
Lộng ngôn trên “Phây” sóng
Luận bàn Đinh La Thăng.

60. NGUYỄN VĂN LƯU
Hơn lão Vũ Đức Phúc
Vượt trên tầm Đông La
“Luận chiến văn chương”… hả?
Chỉ điểm bãi tha ma.

61. NHÃ THUYÊN
Nhà xuất bản giấy vụn
Mấy thầy cô muốn “nghiên”
Cánh “phê bình chỉ điểm”
“Chém” cô trò Nhã Thuyên.

62. PHẠM XUÂN NGUYÊN
Văn sĩ tài khẩu khí
Một xác xí hai chân (1)
Cả Viện Văn Tiến sĩ
Mình Nguyên là Cử nhân.
___________
(1)   Hội Nhà văn Hà Nội và Văn đoàn Độc lập.

63. HOÀNG XUÂN HỌA
Thơ (trong) ba lô ra trận
Bõ “Trót một thời yêu”
“Chuyện cõi âm” lạ lẫm
Trả đời cho Chí Phèo.

64. VĂN THÙY
Giỏi diễn vai “dị nhân”
Thấy Bùi Giáng là lủi
Lục bát phủi hồn rơm
Khéo dán tem “thơ bụi.”

65. NGUYỄN CHÍ THIỆN
Tù lâu thành “ngục sĩ”
“Hoa địa ngục” trời cho
Thơ trở thành cứu cánh
Sang “thế giới tự do”.

66. ĐỖ TRƯỜNG
Nếm đủ mùi “xuất khẩu”
Ghét “Cộng” tếch ly hương
Đạt tiêu chí “văn chửi”
Ối người khoái Đỗ Trường.

67. NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH
Bước qua “Đêm thánh nhân”
Thả đời vào “Chẹc chẹc”
Thi sĩ Khỉ đầu đàn
“Làm tình” hơn cả xiếc.

68. VŨ NGỌC TIẾN
Xả “Sóng hận sông Lô”
Lên “Qủy vương” chễm chệ
Trai Hà Nội đào hoa
Sướng cuộc đời dâu bể.

69. LÊ MAI
“Tôi là người Hà Nội”
Bị “Tẩu hỏa nhập ma”
Sống “Thời gian xuẩn ngốc”
“Quyền được rên” … thế a?

70. NGUYỄN NGỌC KIÊN
Chàng Tiến sĩ Ngôn ngữ
Giỏi dịch thơ tiếng Trung
Dạy Anh ngữ kiếm sống
Luận bình “phê” thẳng tưng.

71. BẢO SINH
Công tử không “bát phố”
Về nuôi chó… lừng tên
Hỗn danh “thơ Sinh Chó”
Lên nóc tủ ngồi thiền.

72. DẠ NGÂN & NGUYỄN QUANG THÂN
Cuồng nhiệt  theo tình trai
Yêu từng Cen-ti-met
Mê “Vũ điệu cái bô”
Đến bên hồ… vĩnh biệt.

73. PHẠM THÀNH
Sống thời “Hậu Chí Phèo”
Giữa cuộc đời sấp ngửa
Thả “Xã nghĩa cò hồn”
Tai ương chờ ngoài cửa.

74. NGUYỄN ANH THUẤN
Kim Đôi – Nguyễn Anh Thuấn
Làm thơ  “tụng” làng mình
Ôi cái “Làng Tiến sĩ”
Bậc nhất tỉnh Bắc Ninh.

75. NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN
Tiểu  đoàn trưởng trận mạc
Làm thơ đến quên đời
Xác ngơi ở Yên Bái
Hồn sang Nga rong chơi.


76. NGUYỄN HUY  HOÀNG
Tìm con 20 năm
Đất trời Nga bát ngát
Hồn gọi gió tha phương
Canh ngọn đèn… bạc tóc.

77. CHÂU HỒNG THỦY
Hoa Ban bổi hổi nhớ
Bạch Dương nôi tình thơ
Quê hương xin tạ lỗi
“Một mình với mùa thu”.

78. TÔ NGỌC THẠCH
Qua sông Hóa đến bến Mơ
Gió thị trường gõ phím bờ thời gian
Khoảng trời sông Cấm xanh lam
Xứ người trôi giạt … Hồng An đợi người.

79. VŨ QUANG TẦN
Về làng toàn người lạ
Thăm mả toàn người quen
Thuốc lào - thơ cho đã
Về Tiên Lãng cùng em.

80. HOÀNG GIA CƯƠNG
Quảng Bình thương cát nắng
Nhật  Lệ đắng trái Bần
“Lặng lẽ thời gian trắng”
Về “Bút Tháp dâng hương.”

81. TRỊNH BỬU HOÀI
Theo anh về Châu Đốc
Cùng trèo lên núi Sam
Thương phượng hồng trường cũ
Nhớ áo trắng cô nàng.

82. TRÚC LINH LAN
Theo em về Cần Thơ
Gạo trắng, da em trắng
Để “còn lại tiếng mưa”
“Mùa hoa về chong chóng”.

  83. NGUYỄN ANH TUẤN
Trai Hà thành ham học
Lên Tây Bắc đắm yêu
Phim truyện cả trăm tập
Không bằng thơ phiêu diêu.

84. NGUYỄN LÂM CẨN
Hết “ướp tình” lại “hồi xuân’”
Lục bát Lâm Cẩn bay gần tới sao
“Chị ngồi giặt áo” cầu ao
Đa đoan số phận vận vào đời thơ!

85. MINH ĐỨC TRIỀU  TÂM ẢNH
Thả bè lau trên mây
Ơi “người thơ bày tỏ”
“Nhập cốc” dứt dợ dây
“Hẹn mai” tịch theo gió.

86. NGUYỄN THANH LÂM
Đêm tỏa hương Dương cầm
Nghe mưa trên mái cổ
Siêu thoát trong rừng Tùng
Thơ lang thang bát phố.

87. LÊ KIM GIAO
Cuồng nhiệt thơ khắc đá
“Dịu dàng” thoảng tài thi
Thôi bỏ đi “Thần luật”
Diễn “cờ” trên ti vi.

88. HÀ THỊ TRỰC
“Cưới” đò giang cách trở
“Đón dâu chỉ mình anh”
Sang Nga buôn lời lỗ
Làm thơ chỉ một mình.

89. ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Buôn sách và viết sách
Vui gà trống nuôi con
Làm tình “cưỡng” không thích
Thơ như thời trai son.

90. NGUYỄN HIẾN LÊ
Luyện chữ thành học giả
Nối gót Lê Qúi Đôn
Chẳng khoe khoang mồ mả
Thanh thản làm dân thường.

91. HOÀI ANH
Sống động “Bức tranh gà”
Bảy cái không…hiếm có
Cứ dịch / viết nhẩn nha
Suốt đời chỉ cuốc bộ.

92. VƯƠNG HỒNG SỂN & AN CHI
Uyên bác như cụ Sển
Có An Chi tiếp nòi
“Hơn nửa đời hư” xịn
Miền chữ nghĩa rong chơi.

93. THÁI DOÃN HIỂU
Chẳng Tiến sĩ làm nên Học giả
Thả văn chương trò thật / giả ngạo đời
Tìm cái thật ở trong cái giả
Nghìn trang văn giấu máy tính để chơi.

94. NGUYỄN TÔN NHAN
Thôi rồi một đấng tài hoa
Nhà “Trung hoa học” còn là ai đây?
Giáo sư, Học giả thì đầy
Riêng anh “học thật” … tiếc thay một người!

95. ĐỖ LAI THÚY
“Luộc văn” bị nghi án
Càng viết càng lên tay
Hồ Xuân Hương tuột yếm
Chân trời có người bay.

96. LÊ BẦU
Văn Tàu dịch siêu hạng
Cha đẻ từ “Ô sin”
Sống cô đơn lẻ bạn
Chết trên tay người tình.

97. VŨ TỪ TRANG
Vươn lên chủ doanh nghiệp
Từ chân báo thủ công
Văn chân dung chân thực
Thơ ngọt khế Sặt Đồng.

98. THẾ PHONG
Chào vĩnh biệt Yên Bái
Vào Sài Gòn lập thân
Mình một nhà xuất bản
Lừng lững văn Thế Phong.

99. GIA DŨNG
Mình một Viện Văn học…
Mình một Hội Nhà văn
Mình làm các tuyển tập
Thơ Việt cho ngàn năm.
…………….
Làng Mọc Quan Nhân ngày 7- 5- 2017
NGUYỄN KHÔI
Email: khoidinhbang@gmail.com



http://tongocthach.vn/tho-ban-be1/chan-dung-99-nha-van-viet-nam-duong-dai-1962.html


---



BỔ SUNG

.

2. Bình luận của Nguyễn Đăng Hành (lấy về từ blog Vũ Nho)


*
Tôi từng đọc chân dung các nhà văn đương đại của Xuân Sách, Đỗ Hoàng, Trần Nhương, Hồ Bá Thâm… Con số có tới hàng ngàn, nghe đâu trên ba ngàn khuôn mặt “danh giá” đã được ra lò, trong lúc hiện nay Hội nhà văn Việt Nam tổng thể chỉ có hơn ngàn.
Nay lại được chiêm ngưỡng 99 chân dung nhà văn Việt Nam đương đại của Nguyễn Khôi. Chà chà… Văn tài như “lá rụng mùa thu”, phen này đất Việt Văn Hiến lại bùng nổ nhân tài “đặc biệt” kỳ vĩ đây. Mỗi người mỗi vẻ: Xuân Sách quả là chín rưng rức, tràn trề thăm thẳm, góc cạnh sắc sảo, uyên thâm, uyên bác; Đỗ Hoàng đa năng táo bạo, giọng điệu sàng xê bay nhảy thủy hỏa tương giao; Hồ Bá Thâm dò dẫm dàn dựng, gắng gượng đưa đẩy; Trần Ngọc Sơn đều đều cần mẫn trơn tru tuồn tuột; Trần Nhương tự tin khôn khéo dụng công trau chuốt, công năng dàn trải,… Mỗi ông đều là những vị thủ kho mẫn cán, thu thập hồ sơ tên tuổi tác phẩm quá khứ hiện tại rồi lắp ghép, sắp đặt thành chân dung, thoáng đọc thoảng nghe cũng thỏa mãn cái tò mò, bức xúc nhưng xem kỹ đọc nhiều thì nhàm nhạt, ngấy ngộ... Theo tôi, đã là chân dung thì phải lột tả, phác thảo, khắc họa khuôn mẫu, cũng như thợ vẽ thợ ảnh phải đứng ở góc độ, chớp đúng thời cơ mà vẽ, mà chụp cái thần sắc để thành ảnh sống động, khí sắc thăng hoa, rồi mà treo ngắm, thưởng lãm... Còn bác Nguyễn Khôi nhà ta thì sao? Rất tốc độ, thật lòng, thật sự ra công cố sức đôi khi nín thở, dồn hơi, gắng bứt vượt, cố đèo bòng.... Có lẽ bởi cái bóng cái tán của Xuân Sách, cái áp lực của 200 công trình bài bản kỳ khu của Trần Nhương... Và thêm phần tuổi tác sức khỏe nên tác phẩm của bác phần nhiều viết bằng chí năng nên phần dương khí cương cường lộ liễu, nhiều câu na ná, công thức bài bản, xem mặt kể tên, lấy sự kiện sự việc, sự thật các câu chữ số phận của mỗi “nhà” rồi sắp đặt lắp ghép thành “chân dung” nên cứ na ná, trùng lẫn.
Ngay cái tít Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại đã thấy rầm rộ hoành tráng quá, giá tác giả hạ bút đặt tênThoáng nét người văn tôi tâm ý hoặc chẳng cần quốc hiệu đương thời bảo lãnh thì sẽ nhẹ nhàng dễ gần dễ cảm hơn. Dù sao tôi cũng vô cùng cảm phục lão thi sĩ, lý do đầu là ở cái tuổi lẽ ra cụ cứ ngự lãm khề khà trà rượu, cháu chắt hầu hạ kính cẩn ấy thế mà cụ vẫn cố dồn công lực phát tiết nội sinh làm nên tác phẩm lưu danh hậu thế. Thứ hai là cụ đã hùng dũng thẳng thắn, khảng khái không kiêng sợ các “đền đài thần thánh” một thời thiêng liêng ngự trị. Thứ ba là từ trái tim nhân hậu, tâm hồn khoáng đạt và sự từng trải, tác giả đủ bản lĩnh dũng cảm dám lên tiếng bảo vệ nhân văn, nhân quyền, nhân phẩm, sự thật và dân chủ. (Đúng ra là phải dẫn chứng cụ thể nhưng vì khuôn khổ bài viết vậy mời bạn đọc tìm đọc tác phẩm của Nguyễn Khôi sẽ rõ/chan-dung-99-nha-van-viet-nam-uong-ai.html.) Thứ tư, tác giả nhân ái, công tâm, giàu tin đỡ lớp trẻ, người chưa có điều kiện, tác phẩm mới lấp ló cánh cửa văn chương hoặc chưa nổi bật, chưa khác biệt đặc biệt… mà viết chân dung văn học thì tiêu chuẩn đầu tiên là phải tìm kiếm, điểm danh, lựa chọn, tuyển chọn những gương mặt đặc biệt khác biệt, hữu danh tài đức, đã có tác phẩm vang dội, gây ảnh hưởng lớn trong xã hội...Mọi sự so sánh đều khập khiễng, soi mói, dòm ngó chê bai thì “chó nó cũng làm được”. Thôi, có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa, chúng ta hãy chúc mừng tác phẩm đã mẹ tròn con vuông, đã thành sách truyền bá, xin “Kính tích tự chỉ.”.
Tôi nhấm nháp thưởng lãm một số chân dung mà tôi khoái trá. Phục nhất, khoái nhất là tài nghệ của lão thi bá, chỉ dùng bốn câu gần như tứ tuyệt nó gò bó khuôn khổ, buộc bốn câu bốn chức năng “khai, thừa, chuyển, hợp”, nếu không đúng đủ bốn chức năng ấy thì bài thơ lễnh loãng, lỏng lẻo, sơ cứng, sáo mòn, nhạt nhẽo, vô hồn, thất sắc, nếu đủ đạt thì bài thơ cựa quậy, run rẩy sống động lồng lộng vô vi, ví như Chân dung số 1 - Tố Hữu: Chỉ cần 4 câu đầu đã đủ đã tuyệt rồi (Tự cho mình là Lành/ mọi người thấy rất dữ/ mác lê bọc bằng thơ/ đã đâm chỉ có tử.), cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều đúng, rất khêu gợi, lột vẽ, khắc chạm rõ khuôn mặt. Sự cố “cây táo ông Lành”, cuộc cải cách “nhân văn giai phẩm”, một chính khách, hung thị chuyên gia Đảng - Bác đã gây nên bao nỗi hận đau sâu lụy cho văn nghệ sĩ. Thế là được rồi, cần gì khổ 2 nữa, nó diễn giải dài dòng, kể lẽ be chắn, thiếu tập trung mất đỉnh điểm. Chân dung số 2 – Chế Lan Viên, câu kết “giấu đi mặt ma chơi”, không hiểu chữ “ma chơi” có sát nghĩa đúng hồn bài “Tháp bai on” của Chế không nhỉ? Nguyên bản là thế này: “Anh là tháp bai on bốn mặt / giấu ba mặt còn đó là anh/ chỉ mặt đó ngàn trò cười khóc/ làm đau ba mặt phía ẩn hình”. Rõ ràng cái câu hợp thứ 4 này toát lên cái ăn năn hối lỗi, dằn vặt về cái thời danh lợi, giá áo túi cơm, đó là cái thiện tâm, phật tính chứ đâu phải là “ma chơi”.
Tiếp theo, tôi xin vỗ tay chân dung mà ông phác thảo tương đối đạt, cụ thể: Chân dung số 6 - Xuân Thủy: Hai câu đầu giản đơn kể nhắc, hai câu sau tuy không vẽ kẻ nhưng nổi bật gương mặt chính khách lịch lãm trí thức, nhân vật đặc biệt góp phần quan trọng làm nên lịch sử dân tộc, khi khúc mắc đã bật, đã phát lời tuyên ngôn bất hủ “Không giam được trí óc”, khẳng định văn nghệ sĩ phải được tự do, không bao giờ bị giam hãm, trói buộc. Đến chân dung thứ 8 - Việt Phương, đã là thi thoại giai thoại một thời. Một nhà thơ nhạy cảm nhạy bén, bản lĩnh hiên ngang cho ra “Cửa mở”: “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn Thụy Sĩ... Trăng Trung Quốc sáng hơn trăng nước Mỹ”, “Bao giờ ta đủ tầm cao/ để ta bắt được vì sao trên trời”. Động cham một loạt nguy lụy theo bởi cái thời bao cấp mậu dịch, đồng ca minh họa, bốc thơm tụng ca lừa gạt, Nguyễn Khôi nộ, nỡm: “Ta cái gì cũng hồng/ đich cái gì cũng xám/ Trảm”. Câu kết sắc lẹm. Câu thơ khuyết hậu. “Trảm”, chỉ một câu ấy mà thót tim ớn lạnh, hiện ra bộ mặt lạnh ngắt sám sịt tử khí của cái thời văn chỉ điểm, văn lãnh đạo, thấp kém thô bạo. Nổi bật chân dung vững vàng bản lĩnh Việt Phương.
Chân dung thứ 9 - Hữu Thỉnh. Cái ông lắm người yêu, đầy kẻ ghét, tác phẩm cũng chỉ thường thường bậc trung, viết phục vụ chiến tranh một thời nhưng bảo “xoàng xĩnh lên ngôi” thì hơi quá. Thơ Hữu Thỉnh chẳng xuất sắc cũng đâu đến nỗi kém cỏi mà “xoàng xĩnh” thì hơi oan. “...Ghế cao anh ngồi” thì đúng quá rồi vì sao? Vì anh đã cố công chạy ngược chạy xuôi…. “Điếu văn hót tới đỉnh” chứng tỏ anh cũng phải xuôi ngược lưu tâm cố ý thì mới có “điếu văn hót tới đỉnh”. Riêng cái khoản này, cộng cái ham muốn nỗ lực và say ghế thì ghế anh ngồi cũng xứng thôi.
Tiếp đến Hoàng Cầm. Nói đến Hoàng Cầm là thấy “diêu bông”, “mưa Thuận Thành”, “Hạt mưa chèo bẻo/ nhạt nắng xuyên khoai/ hạt mưa hoa nhài/ tràn đêm kỹ nữ/ hạt mưa sành sứ/ vỡ gạch Bát Tràng... Thuận Thành đang mưa”. Nguyễn Khôi rất khéo dùng thủ pháp “Xê dịch”, chỉ thay đổi một vài con chữ, vị trí, ý tứ của Hoàng Cầm mã đã thấy rõ cuộc đời, số phận Hoàng Cầm hiển hiện ví như câu: “Váy Đình Bảng buông chùng xuống/ đâu thấy lá diêu bông”. Đã đôi lần tôi được hầu rượu nhà thơ Hoàng Cầm, tôi có hỏi: Thưa bác lá diêu bông là gì? Mặt ông chùng xuống, đăm đắm nhìn qua khung cửa... Sau một vại rượu, ông thủng thẳng: Thế ông không đọc, không hiểu câu cuối bài: Từ thủa ấy/ em cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ gió quê vi vút gọi/ ...diêu bông hời.../... ới diêu bông. Hóm quá. Tế nhị tinh vi quá! “Váy Đình Bảng buông chùng xuống/ Đâu thấy lá diêu bông”. Vì không thấy nên ông bị 8 tháng ngồi Hỏa Lò. Hoàng Hưng vì yêu thích, cầm giữ lá “diêu bông” bị 4 năm bóc lịch. Thì “mưa Thuận Thành tầm tã” thì ông đành, ông đã, ông phải, ông lại “ngây ngất ả phù dung”.
Chân dung 14 - Trần Dần. Một tài thơ nổi trội, một nhân cách chân chính nói tiếp qua 2 câu thơ: “Tôi khóc những chân trời.../...Những người bay không có”. Ta nhớ 2 câu thơ nổi tiếng của Trần Dần: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Tôi khóc những người bay không có chân trời”. Câu thơ ẩn dụ ám ảnh khiến ta liên tưởng tới cái xã hội đương thời... Đời là thế đấy. Người bay thì không có chân trời. Chân trời thì không có người bay. Ôi thương xót cho nền văn học, số kiếp văn nhân của thời đã qua. Trần Dần đau đớn xót xa cho thế sự nhân sinh, ông kiên cường tin tưởng vững chắc vào chân chính làm nên tác phẩm “Nhất định thắng... công toi”. Xin thưa! Công không toi đâu. Tài năng và sự can trường hy sinh đã để lại cho đời tác phẩm giá trị. “Cổng tỉnh” đã được giải của Hội nhà văn Việt Nam rồi mà.
Chân dung 15 - Lê Đạt. Lê Đạt là người cùng thời, cùng họa với Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, hoàng Cầm... Thất thời gặp họa lâm nạn, tù túng thiếu thốn lấy thơ làm nỗi sống niềm sống, ông tỉ mẩn kỳ công đắp vẽ mổ sẻ lai ghép, lắp ghép, thử nghiệm, sáng tạo kiểu thơ riêng, ông gọi là “bóng chữ”, người “phu chữ”, âm thầm cần mẫn đẽo tỉa, cấy ghép đã thành công đáng kể, dẫu đã nhiều phen e chề, thất bại. Nguyễn Khôi ở gần cái tuổi thời ấy nên dễ hiểu và đồng cảm, nắm vững giải mã được “bóng chữ” của Lê Đạt nên thấy: “Đẽo/ tỉa bay mất hồn/”, nhưng Nguyễn Khôi vẫn ngờ vực hỏi: “Người chết/thơ còn, hết?/ “Đường chữ” nẻo cô thôn”. Đường chữ là tác phẩm. Câu trên hỏi ỡm ờ thì câu sau giải mã ngay. Thơ Lê Đạt, thấy cái thâm thúy gợi mở của Tàu, cái tích ép của Nhật, cái thực dụng của Mỹ nhưng vẫn mù mờ, ỡm ờ tốc độ súc giác của Lê Đạt. Viết đến đây tôi thấy tôi bị lan man, tản mạn quá. Sao mà đủ tài đủ sức theo đuổi dò mở dòm ngó 99 kho tang bí ẩn huyền ngã… Vậy tự thổi còi thư bút khép lại mà thưa thớt một số vấn đề trong một số chân dung.
Thưa lão thi bá! Ở nhóm mảng tiền bối danh giá có lẽ do đặc điểm khuôn khổ khắt khe gò bó cô đọng của thể thơ tứ tuyệt nên một số chân dung chỉ thấy chân tướng, ví dụ như bài 21 - Xuân Diệu: “Đồng tính” bị đấu tố/ cụt hứng làm thơ tình/ Thôi thì ca “ngói mới”/ đi “nói chuyện thơ mình”. Nguyễn Khôi dùng tác phẩm “Đồng tính” “Ngói mới” “Nói chuyện thơ” để ghép thành bài tứ tuyệt nhưng đấy mới là thơ “tứ” nhưng chưa “tuyệt”, vì đây mới là cái chân tướng, giai đoạn, sắc thái nhất thời của Xuân Diệu chứ đâu phải là cái góc cạnh, khuôn mặt thần thái, hồn vía thơ Xuân Diệu. Hoặc Huy Cận, cái thành công vang dội trường tồn của “Lửa thiêng” và “Mỗi ngày mỗi sáng” thì thi trường và thời gian đã thử thách thừa nhận Huy Cận là nhà thơ cảm quan vũ trụ, có cảm quan nhân sinh quan tuyệt hảo ngất ngất... Sau này gia đình ông có chuyện riêng không hay lắm, Cù Huy Hà Vũ, con trai có quan điểm sống khác, dù sao đó cũng là chuyện của mỗi gia đình chứ có làm tắt “Lửa thiêng” đâu? Còn việc tên đường phố thì có cũng hay, chưa có thì cũng đừng ngạc nhiên, chớ như ai kia đã rút hai câu “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa”, rồi suy diễn, áp đặt, chụp mũ thì chua chát cái sự đời quá. Hoặc 25 - Minh Huệ. Cả đời thơ ông nổi bật bài “Đêm nay Bác không ngủ”. Bài thơ của ông là tấm lòng, tiếng lòng của những người lính cảnh vệ ngưỡng mộ Bác tuyệt đối trung thành, kính trọng yêu thương Bác. Đó là cái tình đồng chí, tình cha con, sao lại “Vợ dí thơ... Tính tìnhBác là Hồ Chí Minh/ Tỉnh tình đâu mà dí”. Có thể tác giả chỉ đùa nỡm chơi chữ vui vui nhưng đọc thấy thô tục vô độ thế nào ấy. Đọc 4 câu số 26 này, tai tôi vẳng lên câu ca dao “Em xinh lời nói cũng xinh/ Em giòn thì cái tỉnh tình tinh cũng giòn”. Hoặc câu vè tếu táo mà Nguyễn huy Thiệp, Bảo Sinh, Bùi Hoàng Tám tranh nhau nhận: “Vợ tôi dở dại dở khôn/ Vợ tôi nó lại dí... vào thơ.”. Đừng để công chúng hiểu lầm bởi các ám ngữ phóng từ tùy tiện này, nhất là với vị lãnh tụ kính yêu.
Chân dung 35 - Phùng Cung. Tác giả hai câu thơ: “Lên đệnh khắp nước cùng non/ Dạt vào ao cạn vẫn còn lệnh đênh.” Vì cái truyện ngắn Con ngựa giá chúa Trịnh mà mắc nạn, bởi bọn “lính gác” văn chương, mấy tay chỉ điểm mong ông bị tù đày. Ra tù, nhờ Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang giúp đỡ cho tập “Xem đêm ra đời” Hậu thế biết cái bản lĩnh tính kiên cường qua bài thơ thể Hai Kư: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Chẳng đổi giọng Tân Cương.”, thì ta thấy cái kiếp bèo bọt của thi nhân “dạt vào ao cạn vẫn còn lệnh đênh” bản lĩnh quật cường, “Trà đau nát bã/ Chẳng đổi giọng Tân Cương”. Vâng, giữ giọng, giữ bản lĩnh nhân văn nhân bản thi sĩ, chứ đâu “quất bã chè thành thơ?”!
Chân dung 29 - Bùi Giáng. Tôi không đắc ý với câu “Nghêu ngao giả cuồng điên”. Chữ “Giả” không đạt lắm. Thực thì Bùi Giáng điên điên, điên tình, điên cảnh, điên thơ, điên đời... Thường thì các thi sĩ thiên bẩm thiên tài đồng bóng thăng hoa mà phát thơ. Thơ Bùi Giáng có đặc điểm là bất thường vô thường, (Chân không tới đất, cật không tới trời), lâng lâng ảo ảo, cuồng cuồng say say, nó vô định ma mị lắm. Chính thế mới tạo nên cái “Bùi Giáng”, “Trường phái thơ Bùi Giáng”, không khéo Nguyễn Khôi lại lầm như trường hợp Xuân Diệu nhận định nhầm Hàn Mặc Tử.
Chân dung 43 - Lê Lựu. Đọc chân dung này thì thấy cái chân tướng đời thường, kẻ đường chợ chứ đâu là chân dung một nhà văn Lê Lựu, một Giang Minh Sài (Thời xa vắng), một Núi (Sóng ở đáy sông). Còn cái chuyện tình ái, vợ chồng, gia đình hãy cho qua, hãy phác họa, ký họa, khắc họa những nét đặc biệt, đặc trưng chân dung VĂN HỌC. Hãy hướng tới cái có, cái được, cái đạt, cái đặc biệt nổi trội của nhà văn thì văn chương hơn, nhân ái, hỉ xả hơn.
Chân dung 45 - Chân dung Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên…
Tiếc quá! Lại ghép hai “Nhà” cùng nhau…Gây phản cảm. Tất nhiên ý tác giả ghép chân dung hai vợ chồng, hai nhà tài năng liền nhau cho thân mật thắm thiết, nhưng gây cho người ta nhìn nhầm thành hai đầu sáu tay…ngộ ngộ. Nói đến Lý Phương Liên phải nói đến “Ca bình minh”, “Tâm sự với Thúy Kiều”. Người ta không quên vụ án “Thúy Kiều” án không án, vì nhà thơ quá nhạy cảm, thông minh mẫn cảm đi trước thời đại…Nguyễn Nguyên Bảy bất tử với tuyên ngôn “Thơ là thơ không phải địa vị người làm thơ” hoặc lương tâm lý trí tư cách đạo đức tư tưởng: “Màu đỏ của máu/màu vàng của da/mỗi chúng ta/là một lá cờ”. Hay sâu xa bất hủ như: “Cháy rồi, cháy hết phần thơm/chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/rồi màu phẩm nhạt phai đi/dẫu chẳng còn vẫn đứng chân hương”. Tâm tình, dúng nghĩa nhân lễ trí tín quá! Tài hoa bất hủ, bất tử quá quá! Đừng quên những lời thơ gan ruột này là chân dung Nguyễn Nguyên Bảy những “Ca bình minh”, “Tâm sự Thúy Kiều” là tượng đài lồng lộng thăm thẳm mênh mang Lý Phương Liên. Còn “Chàng Tư mã say thơ/mê mùi sen phố cổ/ “chém gió giữa Thủ đô/thơ bạn thơ” rạng rỡ”. Chỉ là bề nổi, chỉ là cái bóng thoảng của hai nhà thơ nổi tiếng này thôi.
Chân dung 47 - Dương Thu Hương. Tôi đã được đọc “Thiên đường mù”, “Đám cưới không giá thú”, “Bên kia bờ ảo vọng”, tôi phục trí óc của bà, tôi quý giọng văn sắc sảo biến ảo đa chiều góc cạnh của bà. Đọc số 47 Dương Thu Hương và 26 Minh Huệ tôi phục và sợ sự tưởng tượng hư cấu lồi lõm góc ngách phù thủy của Nguyễn Khôi. Nhưng vẫn buồn buồn vì những câu “Tức khí mà tắt kinh/Thiên đường mù vẫy gọi/ Chào tỉnh lẻ vĩ nhân”…Đã tắt kinh, thì hết trứng, hết trứng thì làm sao sinh nở được nữa. “Thiên đường mù vẫy gọi” vô vọng quá! “Chào tỉnh lẻ vĩ nhân” hài bi, bi hài quá! Tất nhiên “Thiên đường mù” “Tỉnh lẻ vĩ nhân” là tác phẩm nhưng cũng là con người xã hội, thế thời thời thế…Những câu chữ rất ý tứ góc cạnh (ý tại ngôn ngoại). Nhưng tắt kinh tuy đúng, tuy lạ nằm bên, hiện lên trang giấy khó đọc quá cứ tởm tởm mất vệ sinh…- Tôi lại lan man quá rồi! Trên các trang mạng nhan nhản phất phới lời ca lời bình 99 chân dung rồi, Nguyễn Khôi đã được các nhà uy danh phong “tuyệt vời”, “Thượng thừa ngôn ngữ”, “Thư ký thời đại”… “Xuất khẩu thành chương”… “Nguyễn Khôi sáng ngời…”. 99 gương mặt đã được các nhà bình bàn rất kỹ rất hồn nhiên, các khuôn dung đã lồ lộ quá rõ rồi thôi tôi hết đất miễn bàn. Lẽ ra tôi định bàn tới các nhà thơ chính, phân cao thấp. Nhưng như nói đã quá đủ trên các báo mạng rồi tôi chỉ xin thoáng qua mấy nhà thơ mà tôi có quen biết.
Kính thưa nhà văn Nguyễn Khôi - Văn Thùy không giỏi diễn dị nhân đâu. Có thể thời đầu, đoạn đầu Văn Thùy tập diễn, cố diễn sau bị con “ma thơ” đánh bùa mê thuốc lú thành “dị nhân” xịn đấy, ông gày gò, ông từ bỏ, ông mất mát đúng như bài thơ “Văn Thùy dị nhân” của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã lột tả. Còn “Thấy Bùi Giáng là lủi” Văn Thùy sao dám đấu với Bùi Giáng mà “lủi”. Còn người đời ngộ nhận thì bàn làm gì? Văn Thùy có đôi nét ngoại hình, có dòng thơ lục bát nhuần nhuyễn bắt hơi nhau một chút, ví như câu “khóc người một con” trùng câu trùng ý Bùi Giáng. Cái “điên” của Bùi Giáng đâu có giống cái “bụi” của Văn Thùy. Chính Văn Thùy tự nhận là rơm rác bụi bặm rồi cơ mà. Thôi thì Văn Thùy đã được làng thơ phong “dị nhân” “Thơ bụi” cũng là lẽ tự nhiên thôi chứ “Khéo dán tem “thơ bụi” sao nổi.
Người thứ hai là bạn tôi, là thầy thơ tôi Hoàng Xuân Họa, chân dung 63: “Thơ “trong” ba lô ra trận/Bỏ “trót một thời yêu”/”Chuyện cõi âm lạ lẫm/ Trả đời cho Chí Phèo”. Chân dung này thật 100% nhưng nhạt loãng, tuyền toàng. Cụ thể nghĩa đen, sự thực năm 1970 anh chàng tân binh Hoàng Xuân Hoa yêu thơ say thơ quý phục Ca bình minh của Lý Phương Liên. Anh chép tay cõng trên ba lô đi khắp chiến trường ABC. Qua cuộc chinh chiến ở chiến trường Nam Bắc ở trường đời anh thai nghén chửa đẻ ra “Trót một thời yêu” giọng điệu trăn trở hồn thơ chấp chới gây làn sóng lăn tăn sau chiêm nghiệm từng trải là người trong cuộc chiến, cuộc sống anh cho “Chuyện cõi âm ra đời” vừa hài vừa bi vừa hư vừa thật, nhưng rưng rưng nhưng nhức cho độc giả sau, trước cái xã hội thật như đùa cười ra nước mắt anh sinh ra “Chí Phèo đi dự Fet ti van”. Bác Khôi ơi! Bài viết của bác đúng đủ nhưng vẫn chưa rõ cái thần thái uy quang của Hoàng Xuân Họa mà ngược lại người ta hiểu lầm, tưởng sai về nhà thơ khó tính đa tài đa tật nhiều lắm, nhất là “Trả đời cho Chí Phèo” oan quá, tầm thường quá! Ngộ quá!
Ông bạn thứ ba mà tôi kiêng nể dẫu ít tuổi, chỉ hơn con lớn của tôi bốn tuổi, đó là Đặng Xuân Xuyến, chân dung số 89. Vì sao? Xin thưa. Vào khoảng những năm 1990 - 2000 xã hội mở cửa, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, các nhà văn nhà thơ thậm chí cả các nhà hưu trí nhà bất mãn thất thời đua nhau phấn đấu trở thành thi sĩ văn sĩ đua in ấn các loại văn thơ: “đâu là đôi mắt”, “Như có Bác Hồ”… Thế mà anh bạn trẻ trên tay cầm cái bằng đại học nhân văn xã hội đỏ chóe ngày đêm xem cổ, tiếp kim chiêm nghiệm thực nghiệm cho ra đời hàng loạt đầu sách mới lạ (có thể lên tới hàng trăm đầu sách với nhiều bút danh). Nổi bật gây dư luận nhất là hai tập sách, một là Giới tính và giáo dục giới tính (1997). Nội dung khoa học về đời sống tình dục và giới tính. Anh tiếp thu thành tựu của nước ngoài, kết hợp cái thực tế ở trong nước, nhất là những cái ở ta đang lấn cấn để mà thành sách, giúp người, giúp đời, giải phóng mặc cảm, giải phóng thân thể tự do, hướng tới sống khỏe, sống hạnh phúc nhưng ở giai đoạn đấy anh đi quá sớm nên ăn đòn (bị thu hồi). Tác phẩm thứ 2 là cuốn Tử Vi kiến giải, được viết theo quan điểm chắt lọc những tinh hoa của tiền nhân, của Tử Vi Việt, giúp bạn đọc tiếp cận dễ hơn, đúng hơn về niềm tin tín ngưỡng của người Việt thế nhưng cũng bị nhà chức trách thổi còi “đình bản” nhưng không thu hồi. Sách vẫn được truyền tay tìm đọc, nghe đâu, vẫn được tái bản mấy lần. Đó là cái riêng, khác lạ của một đời văn, một đời người. Vậy có xứng là nhà văn có giọng văn dáng dấp đương thời đương đại không? Ấy là chưa nói anh còn viết một loạt truyện ngắn: Chuyện cu Tố làng tôi, Chuyện của gã Khờ, Kim yêu, Chuyện ngủ... được bạn đọc yêu thích, ngay chính lão thi bá Nguyễn Khôi cũng làm bài thơ 5 đoạn cảm đọc gã Khờ. Lại còn mảng thi ca. Dẫu thơ anh chậm xuất hiện nhưng đã gây ấn tượng bởi cái giọng điệu sắc lạnh, tốc độ, tứ ý ngồn ngộn tự nhiên, đầy tâm trạng, đủ chân thiện mỹ như: Bạn Quan, Quê nghèo, Tôi nghe, Ru con, Tim đau, Mơ trăng, Tình Nở... Nhất là thơ tình đầy trăn trở. Bêlin Xiki nói: “Chỉ cần anh có cái giọng riêng đã đáng là một nhà thơ rồi.”. Vậy mà bác Khôi nhà ta đã nghuệch ngoạc vẽ thế này: “Buôn sách và viết sách/ Vui gà trống nuôi con/ làm tình “cưỡng” không thích/ Thơ như thời trai son.”. Thực quá dễ dãi, quá thô, quá trơn tuột. “Buôn sách”, “gà trống nuôi con”, “làm tình “cưỡng” không thích” thì đâu phải chân dung, phải chăng chỉ là về đời thường chứ đâu là cái hồn cốt, cái chân dung để đời của nhà văn?!
Chân dung 97 - Vũ Từ Trang. Nhà thơ này trắng trẻo đẹp trai điềm đạm. Thơ hay văn giỏi. Anh rất coi thường thơ tôi. Anh thường bảo thơ tôi là thơ con cóc. Vâng. Tôi rất bực mình và tự ái nhưng tiếp cận thơ anh tôi cụt lủi. Thơ anh rất hiện đại nhưng ý tứ gợi mở ám ảnh như bài: Chiếc đồng hồ cũ, Cái ghế, Thăm nơi sơ tán…. Một loạt bài rất hay, không thiếu chất suy tư chiêm nghiệm, triết lý rất Đông Á. Thơ anh và văn anh đăng rất nhiều trên báo trung ương và địa phương, gây nhiều hiệu ứng trong xã hội. Cuốn Phía sau con chữ, chân dung văn học ông viết nhẹ nhàng, chân thật, sống động, có chiều sâu, có bề dầy. Anh là người “vua biết tiếng chúa biết tên”. Ấy thế mà Nguyễn Khôi nhẹ nhàng “vô tư” viết: “Vươn lên từ chủ doanh nghiệp/ Từ chân báo thủ công/ Văn chân dung chân thật/ Thơ ngọt khế sắt đồng”. Thơ Vũ Từ Trang không chỉ ngọt khế sắt đồng, còn có cả chua chát đắng cay tràn trề dân dã, lóng lánh trí thức, ấn tượng cổ kim... Bác Khôi lại cẩn thận đóng vai cán bộ tổ chức, xét lý lịch mấy đời thi nhân, đã khắc họa chưa đạt chân dung thơ văn đã đắc đạo của Vũ Từ Trung.
Người thứ 5 mà tôi biết là Nguyễn Thanh Lâm, chân dung số 86: “Đêm tỏa Hương dương cầm/ Nghe mưa trên mái cổ/ Siêu thoát trong rừng tùng/ Thơ lang thang bát phố.”. Ba câu đầu ít nhiều có hồn vía nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm nhưng câu thứ tư “Thơ lang thang bát phố” thì e không đắt, không hợp với Nguyễn Thanh Lâm, người nặng về tâm linh tĩnh tại. Thơ Nguyễn Thanh Lâm có chất thiền định, nghe mơ hồ bần lâng vô vi thi vị. Với con người điềm đạm cân bằng sâu xa an lạc và dòng thơ du dương cuồn cuộn nồng đậm ấy chẳng bát phố đâu. Vả lại, ông chẳng có tác phẩm nào là “bát phố”, không khéo người ta lại nhầm với ông Bảo Sinh thì nguy.
Đang viết thì chuông điện thoại đổ gấp. Tôi nhấc máy nghe, đầu dây bên kia là giọng của ông bạn thơ tuổi đã cao niên: - “Alo! Ông Hành có được tặng 99 nhà văn đương đại của Nguyễn Khôi không? Có cái bìa 2 lạ lắm. Nhà văn Nguyễn Khôi cưỡi ngựa xem hoa, không biết là ý gì nhỉ?”. Tôi vội mở điện thoại ra xem, quả lão thi nhân vẫn phong độ chững chạc lắm. Áo véc tím hồng, khuôn mặt ngây ngây, mủm mỉm cười, tay phải đút gọn túi áo, tay trái vịn cành đào hoa nở rực rỡ. Tôi vội trả lời: - “Ồ không phải là cưỡi ngựa xem hoa mà là vin hoa đút túi….”.
Định viết thêm nhưng tôi thấy thế cũng đã nhiều nên tạm dừng bút.
Vâng. Thật lòng, tôi cứ tiếc, cứ lẩn thẩn với những suy nghĩ trong đầu: Giá như thi bá Nguyễn Khôi bình tâm tĩnh trí khoan dung hỉ sả nhân ái một chút, tĩnh tâm tận tình mà viết 99 chân dung; giá như thi sĩ Nguyễn Khôi đọc kỹ, đọc ngấm, đọc thấu, đọc trách nhiệm với những tác phẩm của các “chân dung” thì tác phẩm sống động hơn, các chân dung ấy sẽ trường tồn hơn...
Vâng! Cảm phục nhà thơ và cũng rất tiếc thay!
*
Khoan Tế, những ngày đầu tháng 06.2017
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH

Địa chỉ: Thôn Đa Tốn, xã Khoan Tế
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.

Điện thoại: 0166.467.78.26 
http://vunhonb.blogspot.com/2017/06/vai-loi-tan-man-ve-chan-dung-99-nha-van.html



1. Lê Mai bình luận (lấy về từ blog Vũ Nho)


NGẪM MÀ HỔ THẸN VỚI "CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI" của NGUYỄN KHÔI

Bình luận Văn học của Lê Mai
                                              *
  Chẳng hiểu sao, đột nhiên trên "mạng" @ và trong xã hội hồi này lại ồn ĩ lên chuyện "Chân dung các Nhà văn"...hết Xuân Sách, đến Trần Nhương, Đỗ Hoàng rồi lại Nguyễn Khôi... Lê Mai tôi thấy có cái gì đó bức xúc, không bình thường trong đời sống xã hội, mà cụ thể là trên Văn đàn đương đại của ta  hôm nay. Đó là ngẫu nhiên hay tất nhiên của dòng chảy lịch sử ? Thiển nghĩ, văn chương của cái thời minh họa - trại lính- "tố cáo", "nâng bi" lừa mị đến trơ trẽn ...thứ văn chương đó đã đóng góp được gì cho Nhân dân, cho Tổ Quốc ?có xứng đáng cho người đời khắc họa Chân dung các Nhà văn. Phải chăng đó là hiện tượng "tự sướng", đầy ngộ nhận của các Văn nghệ sĩ?
  Tuy nhiên,  khi ta đọc Xuân Sách và Nguyễn Khôi (cách nhau 25 năm, mỗi người một vẻ) thì tưởng vậy mà không phải vậy!
   Chân dung đầu tiên mà Lê Mai tôi tìm đọc là Hồ Chí Minh - nhà thơ lớn của dân tộc, tác giả của “Ngục trung nhật kí”, người đã sáng tác bài chữ Hán “NGUYÊN TIÊU” hay đến mức được ông Hữu Thỉnh tôn vinh là bài thơ Việt hay nhất thế kỉ và làm tiêu chí tổ chức ngày Thơ Việt Nam…. nhưng ở Xuân Sách thì tìm mãi không thấy chân dung Hồ Chí Minh. Tìm ở Nguyễn Khôi thì… chính danh cũng không thấy, chỉ thấy bóng ông thấp thoáng trong chân dung nhà thơ :
           HOÀNG VĂN HOAN
          Anh Ba quy : Việt gian
          Sang nương vây lão Đặng
          Xuống địa phủ viết văn
          Gặp cụ Hồ đặng đặng ?
 Đọc đến đây, tôi chưa hiểu Nguyễn Khôi định nói gì ? Hoàng Văn Hoan xuống địa phủ viết văn gặp nhà thơ Hồ Chí Minh sao lại "đặng đặng"- được được hay đặng đặng  Đặng Tiểu Bình ... Nhưng thôi, OK, cho qua…
 Nhưng sự thấp thoáng của Cụ lại thấy trong chân dung nhà thơ Bút Tre:
                                                       Lê Mai

                    BÚT TRE
           Người bút lông, bút sắt
           Lão quê mùa Bút Tre
           Dám "biên tập" lời Bác
           Vào đền Hùng khắc bia.
 Thế là có chuyện rồi!  Cái tấm bia trên đền Hùng khắc câu "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" là do Bút Tre (Phó Ty văn hóa Phú Thọ) đã "văn bản hóa" những câu nói tản mạn của cụ Hồ mà ra. Vậy thì, theo luật bản quyền, câu này phải thuộc về Bút Tre cớ sao lại gán cho Cụ ? Trên tinh thần của người cộng sản: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, Lê Mai tôi đề nghị dời tấm bia đó ra khỏi khu Di tích Đền Hùng.
   Chân dung Nhà thơ TỐ HỮU (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tuyên huấn Trung ương) người lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng/ văn hóa nghệ thuật của đất nước trong một thời gian dài. Xuân Sách vẽ  khá chuẩn :
     Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
     Mắt trông về tám hướng phía trời xa
     Chân dép lốp bay vào vũ trụ
      Khi trở về ta lại là ta.
     Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
     Trông về Việt Bắc tít mù mây
      Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
      Máu ở chiến trường, hoa ở đây.
 Xuân Sách "định luận" về  Tố Hữu ngay cả khi nhà thơ còn sống, thì phải nói là ông rất dũng cảm, đáng khâm phục. Câu "Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt" là nói thẳng:Thơ đó là thơ "diễn ca chính trị" thùng rỗng kêu to, nặng về hô hào, tuyên huấn, nghèo chất văn chương; và cái kết: “máu ở chiến trường , hoa ở đây”, làm tôi nhớ tới Việt Phương trong "Cửa mở":
      "Anh dâng em
       bài thơ anh mà em là
       tác giả
       Đóa hoa anh mà em là
       sắc hương
       Thanh gươm anh mà em là
       chất thép."
của cái thời "dãi thây trăm họ làm công một người".
Tuy vậy, ở Xuân Sách, chân dung Tố Hữu mới chỉ là đặc tả được cái hiện tượng bên ngoài "cây táo ông Lành" mà thôi! Đến Nguyễn Khôi tôi thấy ông đi thẳng vào chân tướng, vào bản chất của nhà thơ cầm quyền toàn trị này:
                 TỐ HỮU
        Tự nhận mình là Lành
        Mọi người thấy rất dữ
        mác lê bọc bằng Thơ
        Đã đâm chỉ có "tử".
                      *
        Tung hoa máu xung trận
        là Hịch chống xâm lăng
        lời Thề với Đảng, Bác
        "Từ ấy" "Sáng tháng 5".
  Sao thế nhỉ? Mác lê sao lại viết thường mà không viết hoa, có ẩn ý gì ở đây không? Mác Lê viết hoa bọc bằng thơ hay cái mác cái  lê được Tố Hữu bọc bằng thơ, cái này thì phải hỏi ông Nguyễn Khôi thôi, còn Lê Mai tôi thì mác lê bằng chữ thường hay chữ hoa cũng chỉ là một thứ vũ khí sắc bén “ Đã đâm chỉ có "tử"”. Không tin mọi người hãy hỏi “bè lũ Nhân văn Giai phẩm” mà xem.
   Chân dung Nhà thơ CHẾ LAN VIÊN  được Xuân Sách khắc họa:
        Điêu tàn ư ?đâu chỉ có Điêu tàn
        Ta nghĩ tới Vàng Sao từ thuở ấy
        Chim báo bão, lựa chiều cơn gió dậy
        Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa
        Thay đổi cả cơn mơ
        ai dám bảo con tàu không mộng tưởng
        Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
        Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
        Mặt anh em trong suối cạn
                                             Hội Nhà văn.
Khắc họa như thế là tài, nhưng chưa nói được bản chất của một thi sĩ tài bậc nhất, xảo trá bậc nhất, hãnh tiến bậc nhất, tráo trở bậc nhất…của văn đàn Việt Nam đương đại. Ta hãy xem lúc ông được  trọng dụng thì thơ ông ca ngợi Đảng, Bác hết lời: “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Khi thất sủng thì “trở giáo” bằng những bài thơ trong “DI CẢO”:

      * Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là Bánh vẽ    
        Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
         cầm lên nhấm nháp
        Chả là nếu anh từ chối
         Chúng sẽ bảo anh phá rối
         đêm vui...     
                 (BÁNH VẼ)
       *Sau này anh đọc thơ tôi thì nên nhớ
        có phải tôi viết đâu ! một nửa
        cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
                  (TRỪ ĐI)
       *Tôi viết bằng xương thôi, nhưng không có
       cái thịt của mình.
Biết rõ những điều này, chúng ta hãy xem Nguyễn Khôi vẽ chân dung nhà thơ:
               CHẾ LAN VIÊN
         Tài thơ đến như Chế
         Đời thật khó khen chê
         Bẻ cành Phong lan bể
         "con cá Song cầm đuốc dẫn Thơ về "
                        *
         Bắn pháo hoa Tư Tưởng
         Vờ khóc nước non Hời
         Tháp Bay On bốn mặt
         Giấu đi mặt ma trơi.
Hình như Nguyễn Khôi vẫn chưa tin ông, ngay cả “Di cảo”!

Chân dung PHẠM TIẾN DUẬT, ta xem Xuân Sách vẽ:
          Trường Sơn đông em đi hái măng
           Trường Sơn tây anh làm thơ cho lính
          Đời có lúc bay lên vầng trăng
          Lại rơi xuống Chiếc xe không kính
          Thế đấy !giữa chiến trường
          Nghe tiếng bom cũng mạnh.
Ông xứng đáng là Nhà thơ anh hùng thời chống Mỹ, được Tố Hữu, Xuân Diệu gọi là "con Đại bàng non" với câu thơ được truyền thông, báo chí thời ấy quảng bá hết cỡ "Đường ra trận mùa này đẹp lắm". Nhưng khi trải qua lửa đạn, máu xương của các chiến sĩ, thì ông đã tỉnh ngộ viết "Vòng trắng", bị Tố Hữu coi là "rễ thối", bị loại bỏ. Bi kịch này của Duật đã được Nguyễn Khôi kết thành vành tang đưa thơ Duật vào Trường Sơn để tạ lễ đám trai làng mà ông từng lừa mị:
                  PHẠM TIẾN DUẬT
              "Đường ra trận...đẹp lắm"
              Lừa mị lũ trai làng
              Chết hồn kết "vòng trắng"
               đưa Thơ vào Trường Sơn.
  Nhưng thôi, anh Duật đã mất rồi nên chúng ta không cần nói đến "luật nhân - quả" ở đây, vì kết cuộc anh đã bị trời báo ứng!
  Ngoài Chân dung các nhà thơ, nhà văn đã kể  trên, Lê Mai tôi còn chú ý tới Chân dung các vị bị xếp vào loại Nhân văn- Giai phẩm (chống đối chế độ) … tìm  ở Xuân Sách thì không thấy! Có cái gì "nhậy cảm", kỵ húy chăng mà ông phải né tránh? Nhưng may quá, tìm ở Nguyễn Khôi lại có :
                 HOÀNG CÔNG KHANH
                 Tù Tây , lại tù Ta
                "Quyền được rên" chẳng có
                 Bởi luôn đòi Tự Do
                Gánh văn là gánh khổ.
Theo chỗ chúng tôi biết, nhà văn Hoàng Công Khanh có một số phận kì lạ. Mọi diễn biến của đời ông đều gắn chặt với hai chữ tự do. Nhớ khi Hoàng Công Khanh bị tù Tây ở Sơn La
Ông Tô Hiệu, đã gợi ý ông Khanh vào Đảng, nhưng ông đã khéo léo từ chối "anh cho em ở ngoài tổ chức, để có tự do mà viết văn". Nhớ lần trong  Hội nghị chỉnh huấn "đánh" Nhân văn- Giai phẩm, ông lại buột miệng nói:"Viết văn không có tự do thì không thể viết được!" Thế là ông lại được đi tù. Lại nhớ lần đang ở tù ông được viên giám thị trại giam gọi  lên cho tự do để ngồi viết kịch phục vụ Hội diễn văn nghệ giữa các nhà tù. Nhờ "thành tích" sáng tác đó mà Hoàng Công Khanh được ra tù về với gia đình ở Hà Nội, để rồi lại được  “tự do" thất nghiệp(! !!???) Và đời ông, đến cái quyền “tự do” tối thiểu nhất của con người là "Quyền được rên” cũng không có!
  Đến thời kỳ Đổi Mới  mở cửa, tưởng rằng Văn nghệ sĩ đã được "cởi trói”, sự ấu trĩ tàn khốc của thời Nhân Văn- Giai phẩm tưởng không bao giờ tái diễn lại nữa. Nào ngờ, lúc này Xuân Sách đã mất được trên 20 năm, thế thì Nguyễn Khôi lại phải khắc chân dung :
           NHÃ THUYÊN
     "Nhà xuất bản Giấy vụn"
      Mấy thầy cô muốn "nghiên"
      cánh "Phê bình chỉ điểm"
      "Chém" cô trò Nhã Thuyên.
   Cái này thì phải thông cảm với Xuân Sách thôi, sự kiện này nó  mới xảy ra, mong vong linh ông siêu thoát và mỉm cười nơi Tây phương cực lạc!

   Nguyễn Khôi nhắc đến "vụ Nhã Thuyên" phải chăng ông muốn nhắn nhủ chúng ta, đổi mới là sự nghiệp cực kì khó khăn phức tạp, đặc biệt là đổi mới tư duy. Công cuộc đổi mới đã tiến hành vài chục năm mà ngay trong đội ngũ trí thức tiên tiến vẫn còn những loại người như:
            NGUYỄN VĂN LƯU
         Hơn lão Vũ Đức Phúc
         Vượt trên tầm Đông La
        "Luận chiến văn chương"...hả ?
         Chỉ điểm bãi tha ma.
  Chúng tôi đã khóc khi biết về thân phận hiện nay của các nạn nhân trong vụ Nhã Thuyên. Họ  chỉ là những  người phụ nữ đẹp và tài, trung thực, tử tế vốn chỉ biết mưu sinh, và khát khao cống hiến cho nền khoa học nước nhà. Họ có tội gì? Thôi thì đành nhờ Nguyễn Du “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ chữ mệnh khéo là ghét nhau” cho lòng mình thanh thản! Còn thực chất Nguyễn Văn Lưu ra sao? Xin mọi người hỏi những nhà văn dự Đại hội Nhà văn Hà Nội (lần 1, năm 2016) thì sẽ rõ chân tướng ông ta. N hưng thật buồn, ngay tại thời điểm hiện nay, loại phê bình chỉ điểm ấy vẫn còn đất dụng võ, vẫn tác oai tác quái. Ta hãy xem chân dung số 57 của nhà thơ Nguyễn Khôi:
VI THÙY LINH
Chẳng cần tốc váy đỏ
“Quốc sư” vẫn say thơ
Văn em không có sex
Đếch ai thèm tìm mua.
Chúng nó chỉ ông nào là “Quốc sư” của cái nước Việt nghìn năm văn hiến này. Tôi nhớ, đóng góp to lớn của ông là việc đề xuất lấy hoa mào gà làm “quốc hoa” cho đất nước chúng ta. Đề xuất ngớ ngẩn tới mức một tiến sĩ rất khát khao cống hiến phải bật thét lên: - Thưa cụ, con đã đi khắp đất nước này, con thấy hoa mào gà đéo có thuộc tính nào có thể vin vào làm biểu tượng quốc hoa được. Họa chăng chỉ có mào con gà trống oai hùng (Đêm nằm thì gáy o o / Sáng ra đạp mái không lo trả tiền) ! Xin tiến sĩ hãy bình tâm trên đất nước này hoa mào gà có thể là không tiêu biểu, nhưng bệnh sùi mào gà thì chắc chắn sẽ rất đặc trưng ! Bài chân dung Vi Thùy Linh mở đầu tôi thấy rất lạ. Sao chẳng cần tốc váy đỏ “Quốc sư” vẫn say thơ”? Nguyễn Khôi muốn khắc họa chân dung Vi Thùy Linh hay chân dung quốc sư? Hay ông muốn mượn việc khắc chân dung để nói lên cái nhí nhố của thời cuộc kiểu Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng hay:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
                       (Nguyễn Khuyến)
   Viết đến đây, Lê Mai tôi giật mình nhận thấy phải thế chăng mà Nguyễn Khôi còn khắc họa Chân dung của một số nhà văn trong "Ban vận động Văn đoàn Độc lập" mà người đứng đầu là:
                  NGUYÊN NGỌC
             Chết rồi Anh hùng Núp
              Rừng Xà nu bị nghiền
              lập "Văn đoàn Độc lập"
              mơ "Đất nước đứng lên".
 Ta hãy xem lại 25 năm trước, Xuân Sách nói về Nguyên Ngọc :
              Mấy lần Đất nước đứng lên
            Đứng lên cũng mỏi cho nên phải nằm
              Hại thay một Mạch nước ngầm
            cuốn trôi Đất Quảng lẫn Rừng Xà nu.
 Ở đây chúng tôi thấy có sự đồng điệu về cách đánh giá khi tạc Chân dung Nguyên Ngọc của Nguyễn khôi và Xuân Sách. Nhưng đến Trần Đĩnh thì ta lại phải thông cảm với ông Xuân Sách thôi, Lại xin ông mỉm cười nơi chin suối!
                    TRẦN ĐĨNH
              Chính sự theo "Đèn Cù"
              "Bất khuất" nên bị thiến
              Đang diễn Hề hầu vua
              Hí trường đột tai biến.
  Đọc "Chân dung 99 Nhà văn Việt Nam đương đại" của Nguyễn Khôi, còn nhiều điều khiến chúng ta phải suy ngẫm ở cái thì hiện tại  với "Chính sự theo Đèn Cù"/ "Quyền được rên" chẳng có!... Ông Nguyễn Khôi ơi! Đọc "Chân dung 99 Nhà văn Việt Nam đương đại" của ông, chúng tôi không chỉ thấy chân dung chân tướng các nhà văn mà còn thấy sự xoay vần của thế cuộc. Nguyễn Khôi thực sự là "Người thư ký của Thời đại" mà chúng ta đã và đang sống qua khắc họa bằng Thơ. Là nhà văn đọc tác phẩm “Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại” của ông tôi ngẫm mà hổ thẹn!
Hà Nội , ngày 2-6-2017
LÊ MAI
( Nhà văn Hà Nội)

http://vunhonb.blogspot.com/2017/06/ngam-ma-ho-then-voi-chan-dung-99-nha.html#more

3 nhận xét:

  1. Thật hết khôn dồn tởi dại.Nào có hay ho gì.Một lũ cuồng chữ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân văn chương sao lại phát ngôn như mấy kẻ trộm cắp vậy?!

      Xóa
  2. 2. Bình luận của Nguyễn Đăng Hành (lấy về từ blog Vũ Nho)

    Vài lời tản mạn về CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.