Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/06/2017

Những câu chuyện về "giếng tiên" hay "giếng nước thiêng"


Sưu tầm từ các nơi, làm dần dần.


---


1. Chín giếng thiêng ở đền Chín Giềng (Sòng Sơn, Thanh Hóa)



Chủ Nhật, 15/06/2014 12:47

Bí ẩn giếng thiêng, hút vật từ trên núi xuống biển

(Đời sống) - Người dân nơi đây truyền tụng rằng Cô Chín ngự trị 9 miệng giếng này và xung quanh 9 miệng giếng là những câu chuyện kỳ lạ và huyền bí.

Đền Chín Giếng hay còn gọi là đền cô Chín thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tên của ngôi đền bắt nguồn từ 9 miệng giếng thiêng trước cửa đền.
Người dân nơi đây truyền tụng rằng Cô Chín ngự trị 9 miệng giếng này và xung quanh 9 miệng giếng là những câu chuyện kỳ lạ và huyền bí. Phong cảnh suối thiêng hữu tình đẹp như tranh vẽ. Xung quanh suối là những miệng giếng trong xanh, sâu thăm thẳm đùn nước lên thành từng nhịp.
Vô số truyền thuyết
Theo người dân địa phương, có nhiều truyền thuyết về ngôi đền và 9 miệng giếng thiêng được truyền lại.
Truyền thuyết Cửu Thiên Huyền Nữ, con gái thứ chín của Ngọc Hoàng Thượng Đế, kể rằng: Cửu Thiên Huyền Nữ là tiên cô giáng trần, trước cô bán nước ở cổng đền Ba Dọi, từng theo hầu mẫu Sòng. Ban đầu những người trần mắt thịt không tin, nghĩ cô là yêu quái nên quở trách, đánh đuổi và tìm mọi cách diệt trừ. Tức giận, cô về tâu với thiên đình cho thu giam hồn phách họ rồi làm cho điên dại. Với phép thần thông lại có biệt tài xem bói nghìn quẻ, trong những năm chinh chiến loạn lạc, cô đã phò vua giúp nước bằng cách tiên đoán trận mạc, nhờ đó trăm trận trăm thắng. Với công lao to lớn, vua truyền cho dân lập đền thờ cô, trước đền có 9 miệng giếng thiêng do cô cai quản.
Truyền thuyết khác lại kể, cô Chín là một cung nữ trên thiên đình, do làm rơi vỡ chiếc chén ngọc, Ngọc Hoàng giáng xuống hạ giới theo hầu Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Cô dạo chơi khắp bốn phương trời Nam, sau về đất Thanh Hóa cảnh lạ vô biên, cô liền hội họp thần nữ, lấy gỗ cây sung làm nhà, cây si thì cô mắc võng. Hai suối nước lượn quanh co uốn khúc về phía đông hợp lưu cùng 9 dòng nước phun lên từ lòng đất tạo thành 9 giếng nước tự nhiên không bao giờ vơi cạn. Nhờ nguồn nước từ 9 cái giếng đó mà dân trong vùng thoát khỏi nhiều đợt hạn hán. Nhân dân lập ngôi đền cạnh 9 cái giếng tự nhiên đó và quen gọi là đền Chín Giếng để thờ cô Chín.
Lại có chuyện kể rằng: Đó là một năm hạn hán, khi nước sinh hoạt khan hiếm, người dân quanh vùng đã đi tìm nguồn nước đào giếng. Cứ vài người chung nhau đào, họ tìm đến suối Sòng khoan giếng.
Họ đào liên tục 8 miệng giếng mà vẫn không thấy có nước. Khi đặt mũi khoan tới miệng giếng thứ 9, khoan sâu khoảng 9m thì xuất hiện một mạch nước lớn, nước ào ào đùn lên. Cả làng được cứu sống nhờ mạch nước này và cũng từ đây xuất hiện 9 miệng giếng thiêng.

Cảnh quan khu đền Chín Giếng. Ảnh: Khánh Phong
Cảnh quan khu đền Chín Giếng. Ảnh: Khánh Phong
Ông Đỗ Đức Thiện (57 tuổi), thủ từ của ngôi đền kể: “Đền Chín Giếng là nơi thờ Cửu Thiên Huyền Nữ - con gái thứ 9 của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đền Chín Giếng cách đền Sòng Sơn khoảng 1km về phía đông, thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, phủ Tống Sơn, Thanh Hóa; nay là phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Được khởi dựng cùng thời với đền Sòng Sơn(Thời Cảnh Hưng, triều vua Lê Hiển Tông 1740 - 1786). Được tu sửa vào năm 1939. Năm 1993 được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2004 được trùng tu tôn tạo.
Ông Thiện cho biết thêm, trong trận chiến giữa Tiền Quân Thánh và Chúa Liễu Hạnh tại Sòng Sơn, Liễu Hạnh lâm nạn, biến thành con rồng ẩn về nơi Cửu Thiên công chúa đang ngự trị là 9 cái giếng thiêng; Chúa Liễu Hạnh được Cửu Thiên Huyền Nữ hoá phép che chở; được Phật bà Quan Âm ra tay cứu đỡ, nên Liễu Hạnh thoát được lưới vây của Tiền Quân Thánh.
Cảm tạ đức từ bi của Phật bà Quan Âm, Chúa Liễu quy y theo Phật và cảm tình cưu mang của Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Liễu Hạnh kết nghĩa chị em với Cửu Thiên Huyền Nữ. Bởi vậy, hàng năm khi Lễ rước bóng Thánh mẫu Liễu Hạnh, bao giờ kiệu rước Thánh mẫu cũng được rước đi từ đền Sòng sang đền Cô Chín, như muốn nói lên hình ảnh chị đến thăm em – một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Để ghi nhớ và tri ân của Cửu Thiên Huyền Nữ đã có công cứu hộ Chúa Liễu Hạnh, nhân dân lập đền thờ ngay bên cạnh 9 cái giếng. Vì vậy ngôi đền đó nhân dân quen gọi là đền Chín Giếng hoặc đền Cô Chín.
Trước đền là suối Sòng, dòng suối tự nhiên chảy qua đền Sòng và đền Chín Giếng. Dưới mặt suối, thiên nhiên kiến tạo nên cảnh quan kỳ vĩ với 9 miệng giếng sâu quanh năm nguồn nước trong xanh, không bao giờ vơi cạn. Trong số 9 giếng, miệng giếng thứ 9 sâu nhất là nơi cô Chín ngự”.
Những lời đồn quanh 9 miệng giếng
Trước đây đền được xây dựng theo kiến trúc cổ, chạm khắc rất đẹp và làm toàn bằng gỗ lim. Đền được chia làm 3 cung (đệ nhất, đệ nhị, đệ tam) vừa là nơi lễ bái cho người dân, vừa là nơi ở cho các nhà sư tu hành. Những năm chiến tranh nhiều nơi bị bom đạn tàn phá, nhưng ngôi đền vẫn đứng hiên ngang. Có nhiều câu chuyện được người dân truyền miệng về những điều kỳ lạ tại khu giếng.
Thời gian đầu khu giếng mới được phát hiện, miệng giếng thứ 9 rất sâu và rộng như một hang đá được đẽo gọt tỉ mỉ, xuất hiện nhiều cá trắm, cá chuối đi theo từng đàn. Nhiều người ra giếng đánh bắt cá về ăn hoặc đem bán. Có một vài trường hợp gặp tai nạn trong khi đánh bắt cá bằng kích điện dẫn đến tử vong. Việc đánh cá bằng điện, chết vì điện giật thì không có gì lạ. Cũng từ đó người dân truyền nhau rằng đó là cá thần báo oán nên không ai dám đến đánh bắt nữa.
Ông Đỗ Đức Thiện – Thủ từ ngôi đền - kể lại những câu chuyện bí ẩn về 9 miệng giếng thiêng. Ảnh: Khánh Phong
Ông Đỗ Đức Thiện, Thủ từ ngôi đền, kể lại những câu chuyện bí ẩn về 9 miệng giếng thiêng. Ảnh: Khánh Phong
Ông Thiện khẳng định: “Ban quản lý đền sẽ tiếp tục đầu tư, quy hoạch trong thời gian tới, như xây dựng bãi đỗ xe, mở rộng đường dẫn xuống suối thiêng, dẹp bỏ những hàng quán trước cửa đền và xung quanh khu giếng... để đền Chín Giếng không chỉ là nơi linh thiêng mà còn là điểm du lịch hấp dẫn khách thập phương”.
Vào mùa hè, khách hành hương sau khi lên đền Cô Chín thường xuống dòng suối này tắm vì họ tin rằng tắm nước suối tiên sẽ trắng da, xanh tóc và khỏe mạnh phi thường nhưng cũng có vài vụ bị đuối nước ở giếng.
“Do nước giếng không bao giờ cạn, đặc biệt miệng giếng thứ 9 rất sâu và nguy hiểm, những miệng giếng khác có cạn cũng sâu hơn đầu người lớn nên việc bị đuối nước không có gì là khó giải thích. Ban quản lý đã đặt tạm tấm bê-tông lên miệng giếng. Nhìn từ trên cao, ai cũng nghĩ giếng như cạn nước và có đáy”, ông Thiện giải thích.
Còn có câu chuyện, vào mùa mưa nước lũ dâng cao, sau khi khấn vái trên đền xong, các con nhang mang lộc thả xuống suối, trong đó có quả bưởi vàng và xấp tiền xu đã được đánh dấu. Mấy ngày sau quả bưởi đó có mặt ở một giếng khác thuộc địa phận xã Hà Thanh. Cũng trong tháng đó, những đồng xu được khắc chữ phía sau được cư dân vùng biển Nga Sơn ở cách đó rất xa tìm thấy trong quá trình đi biển.
Có thể có một dòng sông ngầm dưới giếng dẫn những vật trên hoặc cá đến, điều đó lý giải các hiện tượng trên.
Ông Đỗ Đức Thiện, thủ từ của ngôi đền cho biết: có nhiều đoàn về thăm dò, đo đạc, nhưng không có kết quả chính xác về độ sâu của giếng. Càng xuống sâu nước càng lạnh. Trực quan địa hình cùng quá trình lặn xuống lòng sâu, cuối cùng họ kết luận rằng: Dưới giếng có một dòng sông ngầm, theo dự đoán thì có thể chảy từ dãy núi Tam Điệp (Ninh Bình) ra cửa biển Thần Phù (Nga Sơn, Thanh Hóa).
Nguồn: Pháp luật xã hội

http://baodatviet.vn/doi-song/bi-an-gieng-thieng-hut-vat-tu-tren-nui-xuong-bien-3042384/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.