Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/06/2017

Dân tộc học Việt Nam : Người tiên phong Phan Hữu Dật










Toàn bộ thông tin ở entry này (cả văn và ảnh) là lấy nguyên về từ trang của Khoa Nhân học.



Khoa Nhân học
Phòng 308-314 nhà A, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84.4) 35575185/35579585; Fax:(84.4) 35575185








1. Kinh lịch và các công trình chính yếu


Chân dung nhà nhân học Chân dung
Thứ tư, 05 Tháng 8 2015 21:10
GS.TS Phan Hữu Dật

I. Sơ lược lí lịch

  • Năm sinh: 1928
  • Nơi sinh: Thừa Thiên – Huế
  • Học vị: Tiến sĩ
  • Chức danh: Giáo sư
  • Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp
  • Thời gian công tác tại trường: từ 1964 đến 1994

II. Các bài báo khoa học

  1. Dân tộc học Việt Nam 15 năm qua. Tạp chí Dân tộc học Xô viết, M., số 3, 1961.
  2. Tư liệu về tổ chức xã hội và gia đình ở người Duộc. Tạp chí Dân tộc học Xô viết, M., số 5, 1961.
  3. Các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn – Khơme ở miền Bắc Việt Nam. Tin tức hoạt động khoa học, số 3, 1964.
  4. Quan hệ hôn nhân và gia đình của người Vân Kiều. Tạp chí Dân tộc học, số 34, 1964.
  5. Sự phân kì xã hội nguyên thuỷ. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 108, 1968.
  6. Dân tộc học và vấn đề Hùng Vương. Hùng Vương dựng nước, tập I. Nxb Khoa học Xã hội, 1970.
  7. Vị trí của văn hoá Lạc – Việt thời Hùng Vương trong nền văn hoá Đông – Nam Á. Tạp chí Khảo cổ học, số 9-10, Hà Nội, 1971.
  8. Ăngghen và Dân tộc học. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 140, 1971.
  9. Về xác minh tên gọi và phân loại các ngành Dao ở Tuyên Quang (viết chung). TBKH SH, Tập V, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1971.
  10. Pà Tẻn và mối quan hệ Mèo – Dao ở Việt Nam. Thông báo khoa học Sử học , tập VI. Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1973.
  11. Tính chất của xã hội Việt Nam cuối thời Hùng Vương. Hùng vương dựng nước, tập II. Nxb Khoa học Xã hội, 1972.
  12. Về sự hình thành tầng lớp quý tộc – thị tộc trong xã hội Hùng Vương. Hùng Vương dựng nước. Nxb Khoa học Xã hội,
  13. Trống đồng Lũng Cú. Tạp chí Khảo cổ học, số đặc biệt về trống đồng, tập I, 1974.
  14. Về tên gọi các tộc người nói ngôn ngữ Môn – Miên ở miền Tây tỉnh Quảng Bình. Vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, 1975.
  15. Về quá trình phát triển các tộc người ở miền Bắc Việt Nam. Vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975.
  16. Vài tư liệu về làng gốm Bát Tràng trước Cách mạng tháng Tám. Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập I. Nxb Khoa học Xã hội, 1977.
  17. Những thành tựu bước đầu của ngành Dân tộc học Việt Nam. P. ASEMI, số 1-2 (Tập IX), 1978.
  18. Về việc xác định các nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc của Đảng. Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1988.
  19. Vài ý kiến về việc xây dựng bảo tàng Việt Bắc thành bảo tàng dân tộc học quốc gia. Xây dựng bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam trên cơ sở phát triển bảo tàng Việt Bắc, 1990.
  20. Giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa các dân tộc. Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1990.
  21. Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam á. Kỉ yếu hội nghị Quốc tế ở Singapore về khu vực Thái Bình Dương, 1992.
  22. Về hình thái hôn nhân con cô con cậu. Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1992.
  23. Nguyễn Văn Huyên, nhà dân tộc học lớn (viết chung). Thông tin Khoa học Xã hội, số 5, 1992.
  24. Tìm hiểu tư tưởng đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2, 1993.
  25. Bước đầu suy nghĩ về những quan điểm cơ bản trong việc xây dựng Luật về dân tộc. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2, 1993.
  26. Về văn hoá vùng và dân tộc ở Việt Nam (viết chung). Văn hoá và phát triển kinh tế – xã hội. 1994.
  27. Trở lại tên gọi một số dân tộc ở nước ta hiện nay. Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1994.
  28. Lễ hội Đồng Kị, truyền thống và hiện đại (viết chung). Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại. Nxb Khoa học Xã hội, 1994.

II. Các giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo

  1. Cơ sở Dân tộc học. Nxb Đại học & Trung học chuyên nghiệp, 1973.
  2. Văn hoá – lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á (chủ biên). Nxb Văn hoá Dân tộc, 1992.
  3. Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam (viết chung). Nxb Văn hoá Dân tộc, 1993.
  4. Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử (chủ biên).Nxb Chính trị Quốc gia, 1994.


http://nhanhoc.edu.vn/chan-dung/432-gsts-phan-huu-dat.html






2.

Chân dung nhà nhân học Chân dung
Thứ ba, 23 Tháng 4 2013 16:53

PGS. TS Lâm Bá Nam
Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học [1]

“Làng tôi ba bến con đò.
Ai sang cho biết, xin chờ mà sang”.
Đó là lời giới thiệu của ông về quê hương - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hiếu học và thi ca, bên dòng sông Bồ. Là nhà giáo - nhà khoa học, ông đã trải qua cuộc đời hoạt động thật sôi nổi, từ cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 cho đến hiện nay trên con đường lớn của dân tộc. Tiếp thu truyền thống gia đình và quê hương, năm 17 tuổi, ông đã tham gia phong trào cách mạng với sự kiện tham dự cuộc mít tinh trước Ngọ Môn và tuần hành thị uy trên đường phố Huế ngày 23.8.1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm việc tại Ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Quảng Trị, sau đó học Trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng và Trường Trung cấp Sư phạm Khu IV. Năm học 1951- 1952, ông là giáo viên trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu ở vùng căn cứ du kích, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, sau đó được điều động làm Hiệu trưởng trường cấp II vùng căn cứ du kích tại xã Phong Phú, huyện Phong Điền. Từ năm 1953 đến năm 1955, ông là cán bộ Sở Giáo dục Liên khu IV, phụ trách giáo dục địch hậu Bình Trị Thiên và cán bộ Ty Giáo dục Hà Tĩnh. Sau đó là những năm tháng đầy hào hùng ở chiến khu Ba Lòng vùng Bình Trị thiên khói lửa với không ít hiểm nguy mà ông cùng các đồng nghiệp đã vượt qua vì sự nghiệp phát triển giáo dục.

Năm 1954, ông được cử đi học tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học loại ưu, ông được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh với đề tài: “Các dân tộc nói tiếng Môn-Khơ me ở miền Bắc Việt Nam”. Luận án đã được bảo vệ năm 1963 tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Đây là luận án tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học đầu tiên của một nghiên cứu sinh Việt Nam được bảo vệ ở nước ngoài dưới chế độ dân chủ cộng hòa([2]).

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Dân tộc học tại Liên Xô, từ năm 1964, ông trở về công tác tại Bộ môn Dân tộc học (nay là Bộ môn Nhân học) thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1971 đến 1975, ông được sử làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; Bí thư liên chi ủy Khoa; Đảng ủy viên, Phó bí thư Đảng ủy Trường Đaiọ học Tổng hợp Hà Nội. Trong 2 năm (1975-1977), trước yêu cầu của tình hình mới, khi đất nước giải phóng, ông được cử tham gia công tác tiếp quản ngành Đại học Sài Gòn, được cử làm Trưởng Ban Quân quản Đại học Văn khoa, Phó Ban Quân quản (sau đó là Phó Ban phụ trách) Viện Đại học Sài Gòn.

Năm 1977, ông được điều động trở lại công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được cử làm Phó Hiệu trưởng (1977-1981), Quyền Hiệu trưởng (1981-1985); và sau đó là Hiệu trưởng (1985-1988), kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (1986-1988), Chủ tịch Hội đồng Khoa học; Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học. Ông Vinh dự được cử làm Đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986).

Từ năm 1988 đến 1993, sau khi nghỉ công tác quản lý tại trường, ông chuyển về công tác tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương và làm giảng viên Bộ môn Dân tộc học, rồi tiếp tục được cử giữ những trọng trách như: Ủy viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Phó tổng biên tập kiêm Trưởng ban chuyên ngành Dân tộc học Từ điển Bách khoa Việt Nam; Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khóa II. Cho đến hiện nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn được mời làm giảng viên kiêm nhiệm tại Bộ môn Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời tham gia giảng dạy các bậc học từ hệ đào tạo cử nhân đến tiến sĩ.

Ấn tượng về các tộc người ở Việt Nam đến với ông từ rất sớm. Ông kể: Hồi học ở lớp 3 trường làng Thanh Lương, có một lần thầy giáo hỏi cả lớp: “Ai có ít” - Ông trả lời: “Mọi có ít” (Mọi là từ chỉ các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên theo cách gọi lúc bấy giờ). Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông trở thành sinh viên Trường Đại học Văn khoa Hà Nội. Chính GS. Trần Văn Giàu đã khuyên ông theo học nghề Dân tộc học, Dân tộc học đã trở thành nghiệp đời của ông từ đó.

Trên hành trình Dân tộc học, dấu chân của ông đã có mặt trên nhiều vùng đất của tổ quốc, từ địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) cho đến Xóm Mũi (Cà Mau). Là học trò của ông cách đây trên 30 năm, tôi có may mắn được nghe ông kể không ít kỷ niệm điền dã về nhiều tộc người với nhiều hương vị và kỷ niệm không thể nào quên, từ món thắng cố, mèn mén của người Hmông ở cao nguyên Đồng Văn đến âm vang trống đồng của người Lô Lô trên đỉnh Lũng Cú, từ hương vị măng chua nấu với nhái, đặc sản xứ Mường vùng Tây Bắc đến món cơm pồi của người Dục vùng Trường Sơn, về nồi cháo gà thơm ở bản Chòm Lòm vùng miền Tây Quảng Bình vẫn còn nguyên bộ lòng chưa kịp làm...Ông kể về lần gặp Bác Hồ và câu hỏi của Người về Xá lá Vàng là kỷ niệm không bao giờ phai mờ, đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trên bước đường nghiên cứu.

Trên nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu dật đã trở thành một trong những giáo sư đầu ngành về Nhân học . Những công trình nghiên cứu của ông tập trung vào những nội dung như: Các vấn đề lý luận về tộc người, về cộng đồng quốc gia dân tộc và lý thuyết Nhân học; Văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, Văn hóa và phát triển; Quá trình tộc người và mối quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới; Dân tộc học và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử hôn nhân và gia đình.

Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của GS. Phan Hữu Dật đề cập đến các vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu Dân tộc học, từ các vấn đề lý thuyết trong nghiên cứu đến việc tổng kết các vấn đề nghiên cứu trong Dân tộc học ở nước ta; từ Dân tộc học Việt Nam đến các vấn đề dân tộc học trên thế giới; từ văn hóa và phát triển đến yêu cầu đào tạo và nghiên cứu Dân tộc học phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; từ mối quan hệ dân tộc và những vấn đề cấp bách ở nước ta và trên thế giới đến vấn đề dân tộc trong toàn cầu hóa; từ việc đẩy mạnh nghiên cứu các ngành khoa học xã hội- nhân văn đến nghiên cứu ứng dụng...“Các công trình nghiên cứu của ông, dù trong lĩnh vực nào, cũng đảm bảo sâu sắc về mặt lý luận, tính nguyên tắc về tư tưởng, ý nghĩa thực tiễn về mặt áp dụng”([3]).

Với tư cách là một trong những nhà Dân tộc học đầu ngành, những vấn đề nghiên cứu của ông đã đặt nền tảng cho sự phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên soạn giáo trình “Cơ sở Dân tộc học” (1973) phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã tiếp tục đề cập đến những yêu cầu nghiên cứu Dân tộc học theo hướng Nhân học trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu và nhận thức mới trước yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, những công trình nghiên cứu khoa học của GS. Phan Hữu Dật đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu cũng như tổng kết về lý luận và chính sách dân tộc ở nước ta trong lịch sử và hiện tại([4]). Từ rất sớm, ông đã đề nghị bổ sung nguyên tắc giúp nhau cùng phát triển trong các nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc và nguyên tắc này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuyên suốt trong các công trình nghiên cứu của ông là vấn đề xem xét mối quan hệ dân tộc, từ lý luận đến thực tiễn. Ông đã dày công nghiên cứu những bài học kinh nghiệm trên thế giới và chỉ ra những đặc điểm trong mối quan hệ dân tộc ở nước ta, đồng thời đưa ra những đề xuất có tính thuyết phục nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ dân tộc hiện nay. Những thành quả nghiên cứu này đã có dịp được ông trình bày tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (với tư cách là Ủy viên Ban soạn thảo Luật Dân tộc) và Hội đồng Tư vấn Dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (với tư cách Phó chủ nhiệm Hội đồng).

Một trong những đóng góp rất quan trọng của GS. Phan Hữu Dật là nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, văn hóa và phát triển. Trên 30 công trình nghiên cứu của ông đã bao quát khá nhiều vấn đề trên lĩnh vực này. Có có thể coi công trình “Sự phát triển của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong thế kỷ XX” là công trình mang tính tổng kết, có tính lý luận và thực tiễn cao. GS. Phan Hữu Dật cũng là người đầu tiên khái quát một cách đầy đủ nhất về những đặc điểm chủ yếu của cộng đồng các dân tộc ở nước ta. Ông cũng đã cùng giới thiệu nghiên cứu tham gia xây dựng các tiêu chí xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Những tiêu chí đó đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã cùng góp sức cùng các nhà sử học và các khoa học xã hội nghiên cứu về thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: thời đại Hùng Vương. Những kết quả nghiên cứu của ông dưới góc độ Dân tộc học đã góp phần soi sáng về tính chất và thiết chế xã hội ở nước ta lúc bấy giờ cũng như vai trò của Văn hóa Lạc Việt trong nền văn hóa Đông Nam Á.

Trong các công trình nghiên cứu của GS. Phan Hữu Dật, lịch sử và văn hóa của nhiều tộc người, từ các tộc người thuộc ngôn ngữ Thái đến các cư dân Môn-Khơme, từ các tộc người nói ngôn ngữ Hmông-Dao đến các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng, từ các cư dân Việt-Mường đến các cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo...đã được thể hiện khá sinh động và có tính thuyết phục. Khi xem xét văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ông đã có những phân tích khá thuyết phục khi đặt văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối liên hệ văn hóa trong khu vực và thế giới. Những kết quả nghiên cứu này đã được trình bày tại nhiều trường đại học và các hội thảo quốc tế.

Ông đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc ở nước ta trong mối liên hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại. Khi xem xét văn hóa truyền thống các dân tộc, ông đã phân tích sâu sắc và chỉ ra các yếu tố văn hóa không gây trở ngại, cũng như những giá trị cũ đã lỗi thời, có thể gây trở ngại cho sự phát triển cần cải biến. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những giá trị văn hóa của các tộc người có tính vĩnh cửu hay tương đối vĩnh cửu cần được bảo tồn để làm giàu cho văn hóa dân tộc và nhân loại.

Một trong những vấn đề được đề xập trong những công trình nghiên cứu của ông là tiếp cận nghiên cứu con người và văn hóa. Theo GS. Phan Hữu Dật, đứng về mặt phương pháp luận mà nói, không bao giờ có con người chung chung, trìu tượng, mà con người bao giờ cũng là con người cụ thể, sản phẩm tổng hợp của các điều kiện địa lý, môi trường kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa truyền thống cụ thể.

Với tư cách là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về hôn nhân và gia đình, từ những năm 60 của thế kỷ XX, ông đã nghiên cứu về các hình thái hôn nhân của người Vân Kiều, tìm ra dấu vết liên minh ba thị tộc. Ông cũng đã đi sâu nghiên cứu dấu vết hệ thống bốn hôn đẳng ở Tây Nguyên; các quy tắc cư trú trong hôn nhân cũng như chế độ song hệ; dấu vết bào tộc ở người Êđê với những phát hiện khoa học, mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc nghiên cứu quá khứ của loài người, đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện Luật Hôn nhân gia đình các dân tộc Việt Nam, xây dựng đời sống văn hóa mới, phù hợp với quy luật phát triển. Xung quanh vấn đề này, các công trình của ông về các lý thuyết nghiên cứu, về các tác giả và tác phẩm như H. Morgan với Xã hội cổ đại, Ph. Engels với “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”...đã đánh giá một cách khách quan những đóng góp của trường phái Mác-xít trong Dân tộc học, góp phần định hướng cho các nhà khoa học trẻ, anh chị em sinh viên và học viên cao học trên bước đường học tập và nghiên cứu.

cương vị là nhà giáo, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân Dân tộc học và Sử học. Dưới sự hướng dẫn khoa học của ông, đã có 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó có 5 người bảo vệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội và 2 thạc sĩ. Hiện nay ông đang tiếp tục hướng dẫn 2 luận án tiến sĩ. Ông đã tham gia làm chủ tịch và phản biện 35 luận án tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Ngoài ra, ông còn trực tiếp giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng như các trường đại học...đồng thời tham gia giảng dạy các vấn đề dân tộc ở Việt Nam tại một số trường đại học trên thế giới như: Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô), Đại học Humbolt (Đức) và nhiều hội thảo khoa học quốc tế. Ông luôn luôn ước vọng xây dựng trường phái Dân tộc học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm 2004, ông đã trao tặng 1.500 đầu sách và tài liệu cho Bộ môn Nhân học, bổ sung vào kho tài liệu học tập cho cán bô và sinh viên. Các học trò của ông ở Bộ môn Nhân học luôn tự hào về người thầy của mình, luôn coi ông là chỗ dựa quan trọng về học thuật và cuộc sống.

Ông đã công bố trên 100 công trình nghiên cứu, trong đó có 9 sách chuyên khảo, đáng chú ý như: “Văn hóa lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á” (Chủ biên, 1992); “Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam” (Chủ biên, 1994); “Văn hóa Thái Việt Nam” (viết chung với Cầm Trọng, 1995); “Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử” (Chủ biên, 1998); “Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam” (1998); “Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam” (2003)...Nhiều luận văn nghiên cứu của ông đã được công bố trong các chuyên san và tạp chí khoa học quốc tế có uy tín như: Dân tộc học Xô-viết (1961); ASEMI (1978), các kỷ yếu hội thảo quốc tế...bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga.

Ông đã được cử làm chủ nhiệm hai đề tài khoa học cấp Nhà nước: Văn hóa Việt Nam trong sự phát triển sắc thái văn hóa vùng và tộc người (1990-1995); Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc và sắc tộc trên thế giới và ở nước ta hiện nay. Chính sách dân tộc của Đảng (1995-2000). Ông còn làm chủ nhiệm bốn đề tài khoa học cấp Bộ, thành viên của sáu đề tài khoa học cấp Nhà nước...

Trên nửa thế kỷ qua, với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học, ông đã dành toàn bộ tâm huyết với nghề. Đồng nghiệp và học trò tìm thấy ở ông không chỉ là trí tuệ mẫn tiệp và sự lao động miệt mài sáng tạo của một nhà khoa học chân chính mà còn tìm thấy cái tâm của nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ Thanh Lương-Phan Hữu Dật.

Nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ Phan Hữu Dật là hình ảnh tiêu biểu của người trí thức cách mạng trưởng thành dưới nền dân chủ mới. Ông là một trong những người đã góp phần làm rạng danh cho nền đại học và khoa học nước nhà nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng. Trên con đường cách mạng và hành trình đến chân lý, ông đã vượt qua những chặng đường gập ghềnh của khoa học, như cách nói C. Marx mà ông đã viết trong phần mở đầu cuốn sách của mình.

Để tạm kết cho bài viết này, xin mượn lời của chính ông:
“... Mẹ ơi, sinh con ra nô lệ
Đâu nghĩ rằng con sẽ đổi đời
Thương mẹ suốt đời trong quạnh quẽ
Biết đâu con đã đến chân trời...”([5]).

[1] Nguồn: Trích trong 100 chân dung – Một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2] Xem: Năm tháng và niềm tin (Ký ức về GS.NGUT Phan Hữu Dật), Nxb Văn hóa Dân tộc, HN, 1998.
([3]) Lê Sĩ Giáo: Nhà giáo-nhà khoa học, GS. Phan Hữu Dật. In trong: Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.
([4]) Xem Phan Hữu Dật chủ biên: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến vấn đề dân tộc trên thế giới. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
([5]) Chân trời- Trích trong tập Nhành mai vàng, 1996- Thơ Phan Hữu Dật.

http://nhanhoc.edu.vn/chan-dung/250-phan-huu-dat.html






3.


GS. TS. NGND Phan Hữu Dật: Như cây có cội
Chân dung nhà nhân học Chân dung
Thứ năm, 27 Tháng 3 2014 15:59

Không phải một, hai lần đến nhà GS. Phan Hữu Dật mà tôi đã trở đi trở lại nhà ông rất nhiều lần để thực hiện bài viết này. Với phong cách của một nhà khoa học, nói ít làm nhiều, ông đã trả lời những câu hỏi của tôi phần lớn không phải bằng lời nói mà bằng chính những công trình nghiên cứu khoa học ông đã thực hiện trong gần một thế kỷ qua, những công trình đã đưa ông trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam.

Vượt lên chính mình

Ở tuổi "bát thập cổ lai hi”, GS. Phan Hữu Dật đã có thể an dưỡng tuổi già như nhiều bậc cao niên khác. Nhưng ông vẫn say mê làm việc, nghiên cứu tư liệu, viết sách, đóng góp vào các công trình nghiên cứu khoa học. Nhìn lại cuộc đời ông, dù trải qua những năm tháng mà đến cái ăn, cái mặc còn thiếu, chiến tranh bom đạn ác liệt là thế nhưng chưa bao giờ ông xa rời việc học tập, trau dồi tri thức.
Sinh ra trong một gia đình có 11 người con, ngay từ nhỏ cậu bé Phan Hữu Dật đã được cha mình vốn là một hương sư hướng theo con đường học tập. Trong tâm trí của ông bây giờ vẫn còn nhớ rõ cái ngày cha dẫn mình đi thuyền sang sông gửi gắm thầy giáo dạy học. Món quà biếu thầy để bày tỏ tấm chân tình của gia đình là một chiếc khăn bọc chục trứng gà do tự tay mẹ chuẩn bị… Rồi những ngày thi, cha ông đưa đến tận cổng trường, lặng lẽ chờ ở ngoài đến khi con ra và cùng trở về nhà. Ngày đi xem kết quả, cha con cùng vỡ òa trong niềm vui khi thấy con đỗ thứ 12 toàn trường.
Học ở người cha tính thanh liêm, giản dị, nhưng GS. Phan Hữu Dật thừa nhận nếu không có sự vượt lên chính mình, không có Đảng, không có cách mạng thì cuộc đời ông có lẽ cũng dừng lại là một thầy giáo làng chứ không phải là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ Dân tộc học tại Liên Xô, trở thành Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội…
Cũng bằng sự nỗ lực và đam mê cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giáo dục và ngành Dân tộc học Việt Nam, GS. Phan Hữu Dật đã sống một cuộc đời mà theo ông "Khi thoát ly gia đình ra đi đã ngẩng cao đầu. Nay lá rụng về cội, nhìn về làng quê đầu vẫn ngẩng cao lòng đầy tự hào”. Mấy người sống đến chừng ấy tuổi như GS. Phan Hữu Dật có thể sảng khoái thốt lên điều ấy!
Quỹ Giải thưởng Phan Hữu Dật thành lập năm 2011, trên cơ sở đóng góp tự nguyện 100 triệu đồng của GS. TS. NGND Phan Hữu Dật. Hàng năm, Quỹ sẽ trao 15 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất) cho sinh viên ngành Nhân học – tiền thân là ngành Dân tộc học (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) có kết quả cao trong học tập và nghiên cứu khoa học. Ông hy vọng, Quỹ sẽ góp phần giúp đỡ sinh viên, học viên Bộ môn Nhân học phát huy trí tuệ.

Làm khoa học để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam

Được cử sang Liên Xô học khoa Lịch sử trường ĐH Tổng hợp Lomonoxop nhưng chuyên ngành cụ thể là do ông tự lựa chọn. Nhận được lời khuyên của GS. Trần Văn Giàu khi đó đang dạy ở Đại học Văn khoa Hà Nội: "Nước ta có nhiều dân tộc. Chú học Dân tộc học đi, hay lắm” cùng với những trăn trở về đời sống của người dân tộc ít người ở Việt Nam những năm còn ở quê nhà Thanh Lương đã khiến chàng thanh niên Phan Hữu Dật quyết định theo học chuyên ngành Dân tộc học. Ông thực hiện Luận án Cử nhân về người Xinh - Mun Tây Bắc Việt Nam và sau đó phát triển thành Luận án Phó tiến sĩ về Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài khả năng nghiên cứu, phát hiện vấn đề, tư duy khoa học nhạy bén thì những ngày tháng lăn lộn thực tế tại địa phương đã giúp ông hoàn thành luận án xuất sắc, được Hội đồng bảo vệ đánh giá cao. Đặc biệt, rất nhiều quan điểm nghiên cứu mà GS. Phan Hữu Dật là người đầu tiên đưa ra đã được giới Dân tộc học nước ta chấp nhận như tên gọi chính thức của đồng bào Xinh – Mun thay vì tên gọi Puộc; cách phân chia dân tộc Xinh – Mun làm hai ngành Dạ - Nghẹt… Cho đến sau này, ông còn có những phát hiện quan trọng về hình thái hôn nhân liên minh 3 thị tộc; giải mã được tục Chuê nuê của người Ê đê… Lựa chọn con đường nghiên cứu gian khổ nhưng gắn bó mật thiết với đời sống dân tộc Việt Nam, GS. Phan Hữu Dật luôn mong muốn và trên thực tế đã có những đóng góp cụ thể cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc ít người trên khắp dải đất hình chữ S.

"Bảo tàng mini” dành cho thế hệ sau

Trong căn nhà ở phường Bồ Đề, Gia Lâm (Hà Nội) của GS. Phan Hữu Dật có một căn phòng rất đặc biệt diện tích chỉ vào khoảng 15m2. Nơi đây trưng bày rất nhiều các hiện vật, tư liệu kể lại câu chuyện cuộc đời của ông một cách tỉ mỉ, khoa học và sinh động theo từng nhóm chủ đề: "Quê hương”, "Du học ở Liên Xô”, "Tình duyên bắc qua hai thế kỉ”, "Cánh chim không mỏi”... Từ những năm tháng sống ở quê nhà, làng Thanh Lương bên bờ sông Bồ, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho đến những ngày du học ở trường ĐH Tổng hợp Lomonoxop (Liên Xô) và sau đó là quá trình công tác tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Đại học Văn khoa Sài Gòn… Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời đều được vị giáo sư đáng kính trân trọng và dành nhiều tâm huyết để lưu giữ lại, mà theo lời ông là "tài sản tinh thần để lại cho con cháu chắt, cho đại gia đình tôi và cho dòng họ Phan. Năm tháng qua đi. Sau này ai đó đến đây sẽ biết rằng: ngày trước có một chàng trai xứ Huế đã trải qua một cuộc đời như thế”.
Hơn 200 triệu là số tiền GS. Phan Hữu Dật đầu tư để thực hiện phòng lưu niệm mà theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đánh giá là "một trong những Phòng lưu niệm về nhà khoa học đầu tiên ở Hà Nội và nước ta được chuẩn bị rất công phu, chuyên nghiệp”. Trong không gian rất thú vị này, đặc biệt có những hiện vật thu hút sự chú ý như chiếc đàn tính của người Tày, chiếc khèn của người Mông, con dao quắm đi rừng… Có cái là do ông sưu tầm được từ những chuyến đi thực tế điền dã tại các địa phương, có cái là do học trò, bạn bè tặng vì biết ông rất trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc ít người. Chỉ vào từng hiện vật, lật giở từng tư liệu, GS. Phan Hữu Dật bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm gắn với quãng đời "từ làng Thanh Lương ra đi lăn lộn khắp đất nước và đặt chân lên nhiều nơi khắp năm châu bốn biển, trong hoà bình cũng như dưới mưa bom bão đạn” suốt 88 năm qua. Ông cho biết, ở đây mới chỉ trưng bày 2/10 số tài liệu, hiện vật mình đang lưu giữ. Có lẽ, trong tương lai gần ông sẽ mở rộng không gian trưng bày.

Cuộc tình duyên bắc qua hai thế kỷ

Ngày 1-1-2014, GS. Phan Hữu Dật và phu nhân Nguyễn Phước Chánh Thành tổ chức Đám cưới Kim cương sau 60 năm chung sống hạnh phúc tại gia đình với đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp tham dự.
Ông nhớ lại buổi đầu hai người gặp nhau là vào một sáng mùa hè năm 1949, tại bến đò Chu Lễ (Hà Tĩnh). Khi đó, ông học trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng còn Chánh Thành học trường Phan Đình Phùng. Cả hai đều tham gia công tác hiệu đoàn học sinh. Vùng Nghệ Tĩnh trong 3 năm 1949-1951, đã in dấu chân song hành như hình với bóng của hai người. Sau 5 năm gắn bó trong lửa đạn chiến tranh, ngày 1-1-1954, hai người làm lễ cưới giản dị, có hoa mà không có pháo...
Buổi tối, đôi tân hôn trải chiếu dưới đất trong nhà người chị ở đồi Linh Cảm để ngủ. Nhà chật ních người ra vào, không trao đổi được với nhau dù chỉ một nụ hôn… Sáng sớm hôm sau, ông từ giã vợ lên đường ra Bắc cho kịp dự đợt phát động quần chúng giảm tô ở Thanh Hóa. Lần gặp lại sau đó đã là hơn 6 tháng sau… Người con gái đầu của ông bà là Tiến sĩ, Luật sư. Người con gái thứ hai là Tiến sĩ Hóa (Liên Xô) và con gái út là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Mỹ).
Lam Nhi

Nguồn: http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=78589 (23/3/2014)



http://nhanhoc.edu.vn/chan-dung/343-gs-ts-ngnd-phan-huu-dat-nhu-cay-co-coi.html


4.



Thứ tư, 05 Tháng 8 2015 21:06
Sáng ngày 29/5/2008, lễ mừng thọ tuổi 80 của GS.TS.NGUT Phan Hữu Dật, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã diễn ra trang trọng mà ấm cúng tại hội trường Nguỵ Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.
Đông đảo bằng hữu, các thế học trò của GS. đã có mặt để cùng chia sẻ niềm vui, ôn lại kỷ niệm và những tình cảm gắn bó với người bạn, người thầy mà họ hằng yêu quý và ngưỡng mộ.
Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc đã chúc mừng GS. Phan Hữu Dật nhân tuổi 80. Phó Giám đốc Vũ Minh Giang đã đánh giá cao những đóng góp và công lao to lớn của GS. Phan Hữu Dật đối với Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây và Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng GS. Phan Hữu Dật là “người luôn xuất hiện và đứng mũi chịu sào ở những thời điểm khó khăn nhất, những hoàn cảnh đòi hỏi người đứng đầu một tầm trí tuệ cao, sự tâm huyết và quyết đoán đề giải quyết vấn đề”. Và ông khẳng định: “Đối với những thế hệ đi sau thì thầy Dật và gia đình luôn là hình mẫu lý tưởng để chúng tôi học tập”.


Trong khuôn khổ của buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV và PGS.TS Bùi Duy Cam - Hiệu trưởng Trường Đại học Tự nhiên đã lên phát biểu điểm lại chặng đường học tập, công tác của GS. Phan Hữu Dật và ghi nhận những đóng góp lớn của ông cho Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói riêng cũng như nền giáo dục Việt Nam nói chung. GS. Nguyễn Văn Khánh phát biểu: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng mỗi bước trưởng thành của Trường ĐHKHXH&NV hôm nay luôn có công gây dựng, vun trồng của các thế hệ cán bộ và sinh viên đi trước, nhất là vai trò chèo lái của thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà GS. Phan Hữu Dật là vị Hiệu trưởng thứ hai”. Thay mặt Nhà trường, GS. Nguyễn Văn Khánh đã trao tặng GS. Phan Hữu Dật bức trướng với 4 chữ: “Thanh Lương phương dự” với hàm ý nhắc đến quê hương Thanh Lương như là nguồn cội mát lành đã vun đắp nên cuộc đời nhân ái mà bão dông, vất vả nhưng nhiều cống hiến ông đã trải qua.




Đại diện cho Khoa Lịch sử - nơi mà có thời gian 10 năm GS. Phan Hữu Dật trực tiếp quản lý và giảng dạy, PGS. TSKH. Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa cũng dành cho ông những lời chân thành, mộc mạc mà đầy tình cảm: “Khoa Lịch sử đã hơn nửa thế kỷ và GS. đã “thênh thênh” tháng ngày khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng Khoa Sử vẫn luôn là Khoa Sử - nghĩa là luôn bên thầy như những năm tháng tráng niên, mãi mãi là chốn đi - về của Thầy và các thế hệ thầy cô”.



Rất nhiều lời phát biểu chúc mừng khác, những kỷ niệm và tình cảm của đông đảo bạn bè, học trò cũng đã được gửi đến GS. Phan Hữu Dật và phu nhân của ông là bà Nguyễn Phước Chánh Thành như một lời cảm ơn chân thành vì những đóng góp và ân tình mà vị GS đã dành cho họ trong suốt cuộc đời mình.
Một cách vừa hài hước, vừa xúc động, GS. Phan Hữu Dật đã tâm sự cùng cử toạ rằng: “Ngay cả trong mơ tôi cũng không tưởng tượng được rằng mình có thể sống đến tuổi 80, quá tuổi thất thập cổ lai hy những ... 10 năm. Tôi cũng vô cùng xúc động khi được một cơ quan giáo dục lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ mừng thọ vừa trang trọng, vừa đầm ấm và đầy tình nghĩa như thế này”. Nói về hành trình đến với cách mạng, về chặng đường gian khó gắn bó với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông phát biểu: “Sinh ra tôi là cha mẹ tôi. Dẫn dắt tôi đến với cách mạng là Đảng Công sản việt Nam, là Bác Hồ kính yêu. Nơi đã tôi rèn, động viên, cộng tác, tạo điều kiện, giúp đỡ tôi trưởng thành là mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nếu không có những con người ấy, những hoàn cảnh ấy thì không có tôi ngày hôm nay”.



Tri ân với những tấm lòng, tri ân với cuộc đời chính là thông điệp mà vị GS tuổi 80 muốn gửi đến bằng hữu, học trò trong buổi lễ mừng thọ hôm nay. Đối với ông, những sự ủng hộ, cộng tác của mọi người đã đem đến cho ông nghị lực, niềm tin để làm việc và nghiên cứu. Cuộc đời với nhiều thử thách nhưng cũng lắm thành quả đem đến cho ông những niềm vui và niềm hạnh phúc lớn. Và như ông đã nói: “Tôi xin tri ân cuộc đời - một cuộc đời đẹp mà vì nó ta dám hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả sức lực của mình để cống hiến và phấn đấu”.




* Vài nét về tiểu sử của GS. Phan Hữu Dật:
GS. Phan Hữu Dật sinh ra và lớn lên tại làng Thanh Lương, bên dòng sông Bồ, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học. Năm 17 tuổi, ông tham dự cuộc mít tinh trước Ngọ Môn và tuần hành trên đường phố Huế trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh Quảng Trị, duyên nghiệp nhà giáo đã gắn bó với ông bắt đầu từ trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu. Năm 1947, tại chiến khu Ba Lòng, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một năm sau khi hoà bình lập lại, ông được cử đi học đại học và sau đó học nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Dân tộc học ở nước Nga. Từ năm 1964, GS. Phan Hữu Dật về công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành một trong những người đầu tiên xây đắp nền móng cho Bộ môn Dân tộc học ở Khoa Lịch sử nói riêng và ngành Dân tộc học Việt Nam nói chung.



Trên cương vị nhà giáo, nhà khoa học, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân và thạc sỹ, tiến sỹ ngành Dân tộc học, Sử học. Ông là nhà khoa học đầu tiên viết giáo trình Cơ sở Dân tộc học để giảng dạy trong các trường đại học Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu Dật đã trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam. Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của ông đề cập đến những vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu tộc người và văn hoá tộc người, mà công trình nào cũng sâu sắc về mặt lý luận, có tính nguyên tắc về mặt tư tưởng và có ý nghĩa thực tiễn. Đặc biệt, công trình “Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam” của GS. đã được giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005.
GS. Phan Hữu Dật còn là một nhà tổ chức và quản lý giáo dục tâm huyết và tài năng. Ông đã từng là Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; tham gia Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1977, ông được cử giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, quyền Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến năm 1988. Kế nhiệm GS. Nguỵ Như Kon Tum, trong bối cảnh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hiệu trưởng Phan Hữu Dật đã cùng tập thể Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đứng mũi chịu sào, chủ động giải quyết khó khăn, từng bước đưa Nhà trường ổn định và phát triển, làm cho cái tên Đại học Tổng hợp trở thành một trong những địa chỉ giáo dục uy tín cả trong và ngoài nước. GS. Phan Hữu Dật còn được phong GS danh dự của Đại học tổng hợp Maxcơva danh tiếng, là thành viên của Hiệp hội các trường đại học thế giới, là Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiểu sử Hoa Kỳ. Tên ông có trong từ điển “Who’s Who” của nước Mỹ.




http://nhanhoc.edu.vn/chan-dung/431-mung-tho-gsts-ngut-phan-huu-dat-tuoi-80-tri-an-nguoi-va-tri-an-doi.html



5.

The Song of the Ethnologist written by Prof Phan Hữu Dật

Chủ nhật, 09 Tháng 8 2015 14:58
Pack on your shoulder
A stick in your hand
On the road to the field
Come on, colleagues.
We go up to the Northwest Mountains
We go down to the central highlands
Ethnic compatriots
Calling to us from hundreds of regions.
The road is wide for trucks
And little paths wear out our feet
If there’s no road we must clear one
Across jungles and streams.
Who is still gathering
Who is building rice terraces
Who is tilling the earth with buffalo’s strength
Who is doing dry rice farming.
We sleep in stilt houses
We rest on roof and rock
Long houses, communal houses
Our country has them all.
We eat bamboo tube rice216
We eat “thắng cố”217
Small bottles we try
Delicious homemade rice wine.
We listen to the story of Đam San
Who gave birth to the land and the water
Living in tumultuous times218
The golden turtle, the iron horse.
We watch the Cầu Ngư festival219
We attend the Buffalo Sacrifice
Ca-tê and Cấp sắc
And we attend the Ghe ngo festival.220
We go down to Khánh Sơn
We hear the lithophone
We go up to Lũng Cú
We follow the sounds of the bronze drum.
Who plays the spring swing game
The earth and sky switch positions
Who throws the ball
And turns into the rainbow of fire.
Here is the custom of Chuê-nuê
And the pulling of the wife
Now the custom of returning home
And the ritual of leaving the tomb.
We go up to Kon Tum
And meet hero Núp
We go down to Thừa Thiên
And talk with Kan Lịch.
This changing life
We recall earlier generations
Those days between crop periods
We can’t see the sun.
Receiving the earth and the jungle
We teach where to place the garden
Reduce poverty and end hunger
Not to wander aimless anymore.
Study characters
Read the newspapers, listen to the radio
Go to work as cadres
Build a new life.
Oh geologist brothers221
Where are you going in a hurry
Stay here and rest a while
And then we’ll go together.
The fatherland is huge
Our homeland’s brocade
Our compatriots
In 100 directions and 1,000 colors.
Pack on your shoulder
A stick in your hand
On the road to the field
Come on colleagues!
Hà Nội, 1999
Translated by Margaret Barnhill Bodemer.
Source: Margaret Barnhill Bodemer 2010. 'Museums, ethnology and the politics of culture in contemporary Vietnam'. PhD dissertation. The University of Hawaii.
http://nhanhoc.edu.vn/chan-dung/437-the-song-of-the-ethnologist-written-by-prof-phan-huu-dat.html



6.



GS.TS.NGND Phan Hữu Dật tại Lễ mừng thọ 80 tuổi của thầy
Trên nửa thế kỷ qua, với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học, GS.TS.NGND Phan Hữu Dật đã dành toàn bộ tâm huyết với ngành Nhân học. Đồng nghiệp và học trò tìm thấy ở ông trí tuệ mẫn tiệp, sự lao động miệt mài sáng tạo và cái tâm sáng của một nhà khoa học, nhà giáo chân chính.
Năm 1954, ông được cử đi học tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Chính GS. Trần Văn Giàu đã khuyên ông theo học nghề Dân tộc học, Dân tộc học đã trở thành nghiệp đời của ông từ đó. Sau khi tốt nghiệp đại học loại ưu, ông được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh với đề tài: “Các dân tộc nói tiếng Môn-Khơ me ở miền Bắc Việt Nam”. Luận án đã được bảo vệ năm 1963 tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Đây là luận án tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học đầu tiên của một nghiên cứu sinh Việt Nam được bảo vệ ở nước ngoài dưới chế độ dân chủ cộng hòa.
Trên hành trình Dân tộc học, dấu chân của ông đã có mặt trên nhiều vùng đất của tổ quốc, từ địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) cho đến Xóm Mũi (Cà Mau). Là học trò của ông cách đây trên 30 năm, tôi có may mắn được nghe ông kể không ít kỷ niệm điền dã về nhiều tộc người với nhiều hương vị và kỷ niệm không thể nào quên, từ món thắng cố, mèn mén của người Hmông ở cao nguyên Đồng Văn đến âm vang trống đồng của người Lô Lô trên đỉnh Lũng Cú, từ hương vị măng chua nấu với nhái, đặc sản xứ Mường vùng Tây Bắc đến món cơm pồi của người Dục vùng Trường Sơn, về nồi cháo gà thơm ở bản Chòm Lòm vùng miền Tây Quảng Bình vẫn còn nguyên bộ lòng chưa kịp làm... Ông kể về lần gặp Bác Hồ và câu hỏi của Người về Xá lá Vàng là kỷ niệm không bao giờ phai mờ, đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trên bước đường nghiên cứu.
GS.TS.NGND Phan Hữu Dật
Trên nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu dật đã trở thành một trong những giáo sư đầu ngành về Nhân học. Những công trình nghiên cứu của ông tập trung vào những nội dung như: Các vấn đề lý luận về tộc người, về cộng đồng quốc gia dân tộc và lý thuyết Nhân học; Văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, Văn hóa và phát triển; Quá trình tộc người và mối quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới; Dân tộc học và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử hôn nhân và gia đình.
Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của GS. Phan Hữu Dật đề cập đến các vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu Dân tộc học, từ các vấn đề lý thuyết trong nghiên cứu đến việc tổng kết các vấn đề nghiên cứu trong Dân tộc học ở nước ta; từ Dân tộc học Việt Nam đến các vấn đề dân tộc học trên thế giới; từ văn hóa và phát triển đến yêu cầu đào tạo và nghiên cứu Dân tộc học phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; từ mối quan hệ dân tộc và những vấn đề cấp bách ở nước ta và trên thế giới đến vấn đề dân tộc trong toàn cầu hóa; từ việc đẩy mạnh nghiên cứu các ngành khoa học xã hội- nhân văn đến nghiên cứu ứng dụng... Các công trình nghiên cứu của ông, dù trong lĩnh vực nào, cũng đảm bảo sâu sắc về mặt lý luận, tính nguyên tắc về tư tưởng, ý nghĩa thực tiễn về mặt áp dụng.
Với tư cách là một trong những nhà Dân tộc học đầu ngành, những vấn đề nghiên cứu của ông đã đặt nền tảng cho sự phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên soạn giáo trình “Cơ sở Dân tộc học” (1973) phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã tiếp tục đề cập đến những yêu cầu nghiên cứu Dân tộc học theo hướng Nhân học trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu và nhận thức mới trước yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, những công trình nghiên cứu khoa học của GS. Phan Hữu Dật đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu cũng như tổng kết về lý luận và chính sách dân tộc ở nước ta trong lịch sử và hiện tại. Từ rất sớm, ông đã đề nghị bổ sung nguyên tắc giúp nhau cùng phát triển trong các nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc và nguyên tắc này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuyên suốt trong các công trình nghiên cứu của ông là vấn đề xem xét mối quan hệ dân tộc, từ lý luận đến thực tiễn. Ông đã dày công nghiên cứu những bài học kinh nghiệm trên thế giới và chỉ ra những đặc điểm trong mối quan hệ dân tộc ở nước ta, đồng thời đưa ra những đề xuất có tính thuyết phục nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ dân tộc hiện nay.
Một trong những đóng góp rất quan trọng của GS. Phan Hữu Dật là nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, văn hóa và phát triển. Trên 30 công trình nghiên cứu của ông đã bao quát khá nhiều vấn đề trên lĩnh vực này. Có có thể coi công trình “Sự phát triển của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong thế kỷ XX” là công trình mang tính tổng kết, có tính lý luận và thực tiễn cao. GS. Phan Hữu Dật cũng là người đầu tiên khái quát một cách đầy đủ nhất về những đặc điểm chủ yếu của cộng đồng các dân tộc ở nước ta. Ông cũng đã cùng giới thiệu nghiên cứu tham gia xây dựng các tiêu chí xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Những tiêu chí đó đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã cùng góp sức cùng các nhà sử học và các khoa học xã hội nghiên cứu về thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: thời đại Hùng Vương. Những kết quả nghiên cứu của ông dưới góc độ Dân tộc học đã góp phần soi sáng về tính chất và thiết chế xã hội ở nước ta lúc bấy giờ cũng như vai trò của Văn hóa Lạc Việt trong nền văn hóa Đông Nam Á.
Trong các công trình nghiên cứu của GS. Phan Hữu Dật, lịch sử và văn hóa của nhiều tộc người, từ các tộc người thuộc ngôn ngữ Thái đến các cư dân Môn-Khơme, từ các tộc người nói ngôn ngữ Hmông-Dao đến các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng, từ các cư dân Việt-Mường đến các cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo...đã được thể hiện khá sinh động và có tính thuyết phục. Khi xem xét văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ông đã có những phân tích khá thuyết phục khi đặt văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối liên hệ văn hóa trong khu vực và thế giới. Những kết quả nghiên cứu này đã được trình bày tại nhiều trường đại học và các hội thảo quốc tế.
Ông đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc ở nước ta trong mối liên hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại. Khi xem xét văn hóa truyền thống các dân tộc, ông đã phân tích sâu sắc và chỉ ra các yếu tố văn hóa không gây trở ngại, cũng như những giá trị cũ đã lỗi thời, có thể gây trở ngại cho sự phát triển cần cải biến. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những giá trị văn hóa của các tộc người có tính vĩnh cửu hay tương đối vĩnh cửu cần được bảo tồn để làm giàu cho văn hóa dân tộc và nhân loại.
GS.TS.NGND Phan Hữu Dật phát biểu tại hội thảo quốc tế về phát triển ngành Nhân học tại Trường ĐHKHXH&NV năm 2010
Với tư cách là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về hôn nhân và gia đình, từ những năm 60 của thế kỷ XX, ông đã nghiên cứu về các hình thái hôn nhân của người Vân Kiều, tìm ra dấu vết liên minh ba thị tộc. Ông cũng đã đi sâu nghiên cứu dấu vết hệ thốngbốn hôn đẳng ở Tây Nguyên; các quy tắc cư trú trong hôn nhân cũng như chế độ song hệ; dấu vết bào tộc ở người Êđê với những phát hiện khoa học, mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc nghiên cứu quá khứ của loài người, đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện Luật Hôn nhân gia đình các dân tộc Việt Nam, xây dựng đời sống văn hóa mới, phù hợp với quy luật phát triển.
Với cương vị là nhà giáo, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân Dân tộc học và Sử học, hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ông còn trực tiếp giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng như các trường đại học... đồng thời tham gia giảng dạy các vấn đề dân tộc ở Việt Nam tại một số trường đại học trên thế giới như: Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô), Đại học Humbolt (Đức) và nhiều hội thảo khoa học quốc tế.
Ông đã công bố trên 100 công trình nghiên cứu, trong đó có 9 sách chuyên khảo, đáng chú ý như: “Văn hóa lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á” (Chủ biên, 1992); “Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam” (Chủ biên, 1994); “Văn hóa Thái Việt Nam” (viết chung với Cầm Trọng, 1995); “Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử” (Chủ biên, 1998); “Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam” (1998); “Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam” (2003)... Nhiều luận văn nghiên cứu của ông đã được công bố trong các chuyên san và tạp chí khoa học quốc tế có uy tín như: Dân tộc học Xô-viết (1961); ASEMI (1978), các kỷ yếu hội thảo quốc tế... bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga.
Ông đã được cử làm chủ nhiệm hai đề tài khoa học cấp Nhà nước: Văn hóa Việt Nam trong sự phát triển sắc thái văn hóa vùng và tộc người (1990-1995); Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc và sắc tộc trên thế giới và ở nước ta hiện nay. Chính sách dân tộc của Đảng (1995-2000)...
Nhà giáo, nhà khoa học Phan Hữu Dật là hình ảnh tiêu biểu của người trí thức cách mạng trưởng thành dưới nền dân chủ mới. Ông là một trong những người đã góp phần làm rạng danh cho nền đại học và khoa học nước nhà nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN PHAN HỮU DẬT
  • Năm sinh: 1928.
  • Quê quán: Thừa Thiên - Huế.
  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Dân tộc học, tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Quốc gia Mạc Tư Khoa Lômôlôxốp, Liên Xô) năm 1961.
  • Nhận bằng Phó Tiến sĩ Sử học (Tiến sĩ) tại Khoa Lịch sử (Đại học Quốc gia Mạc Tư Khoa Lômôlôxốp, Liên Xô) năm 1963.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1980.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1996.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1992.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
  • Thời gian công tác tại trường: 1964-2000.
+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử.
+ Chức vụ quản lý:
Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970 - 1975).
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1977 - 1981).
Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1981 - 1985).
Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985 - 1988).
  • Các hướng nghiên cứu chính: Chính sách dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam; Mối quan hệ giữa các dân tộc ở Việt Nam; Xã hội Nguyên thủy; Hôn nhân và gia đình ở các dân tộc Việt Nam; Văn hóa và Phát triển ở Việt Nam.
  • Các công trình nghiên cứu tiêu biểu:
Cơ sở Dân tộc học, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, năm 1973.
Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1998.
Sắc thái văn hóa địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước (Viết chung), NXB Khoa học Xã hội (1998).
Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, 2001.
Chính sách dân tộc của các chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam (X – XIX) (Viết chung), NXB Chính trị Quốc gia, 2001.
Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 2004.
  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:
+ Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005 với công trình Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam (1998).
+ Giải thưởng của Hội Dân tộc học Việt Nam.
+ Giải thưởng Báo chí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
PGS.TS. Lâm Bá Nam
Nguồn:http://www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Nguoi-tron-doi-vi-su-nghiep-giao-duc-va-phat-trien-nganh-Nhan-hoc-1-12126.aspx

http://nhanhoc.edu.vn/chan-dung/438-nguoi-tron-doi-vi-su-nghiep-giao-duc-va-phat-trien-nganh-nhan-hoc.html



.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.