Cái BOT này mình biết rõ. Cảm nhận được nó bằng mắt thường, về hình khối, màu sắc trên thực tế.
Vị trí của nó cách không xa nhà đẻ của Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng.
Vị trí của nó cách không xa nhà đẻ của Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng.
Thôn quê đang loạn lên vì cái ông BOT "tự dưng" không làm mà hưởng này. Ai đã nghĩ ra hình tượng ông BOT ? Phải chăng đây là một hình thức cấu kết vơ vét kiểu lợi ích nhóm mới ?
Đầu tiên, là loạt bài phản ánh.
---
1.
UBND tỉnh Thái Bình "cố đấm" cho DN "ăn xôi" từ một trạm BOT
(PL&XH) - Một tuyến đường được người dân tham gia giao thông sử dụng từ nhiều đời nay, bỗng dưng mọc lên một trạm thu phí BOT khiến hầu hết người dân, nhất là các chủ phương tiện tham gia giao thông bức xúc, nhiều lần tổ chức bao vây trạm thu phí để phản đối việc lập trạm thu phí vô lý này.
Bỗng dưng xuất hiện trạm thu phí BOT
Không biết có từ bao giờ, nhưng khi tôi được sinh ra và lớn lên thì tuyến đường 39B từ huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) đi thị xã Thái Bình (nay là TP Thái Bình), qua địa bàn huyện Kiến Xương đã vốn tồn tại. Tôi tham gia giao thông trên tuyến đường này từ khi cả làng chỉ vài nhà có xe máy, là những chiếc Simson-S51, hay nhà nào có chiếc xe Cub-81 là có thể được gọi là đại gia. Còn tôi, đương nhiên là một cậu học sinh lớp 8 chỉ có chiếc xe Mifa có xuất xứ từ Đức đã thuộc vào loại đẹp lắm rồi.
Và suốt từ hơn 20 năm qua, tôi tham gia giao thông trên tuyến đường này hay bất cứ con đường nào trên đất Thái Bình đều không bao giờ phải mất phí đường bộ ở trạm thu phí. Hay bất cứ người dân nào đang sinh sống tại tỉnh Thái Bình mà chưa bao giờ ra khỏi đất Thái Bình thì sẽ chưa bao giờ biết trạm thu phí là gì. Từ lâu nay, vào những ngày cuối tuần tôi từ cơ quan về nhà đều qua con đường ấy.
Đường 39B từ trước đến nay vẫn là tuyến đường Quốc gia được xây dựng bằng vốn của Nhà nước. Ấy vậy mà vào cuối năm 2016 thì bỗng dưng một công trình trạm thu phí được dựng lên. Hầu hết người dân và các chủ phương tiện đều có thái độ không chấp nhận sự xuất hiện của trạm thu phí này. Nhưng do công trình khi thi công đã được sự chấp thuận của HĐND và UBND tỉnh Thái Bình, lại chưa chạm vào túi ai nên không người dân nào có thể phản đối. Cho đến ngày 1-1-2017, khi việc thu phí qua trạm thu phí mang tên "Trạm thu phí km13+250" trên QL39B đi vào hoạt động thu phí thì tình hình ANTT khu vực này bắt đầu có diễn biến phức tạp.
Bỗng dưng xuất hiện trạm thu phí BOT trên đường được đầu tư xây dựng bằng vốn Nhà nước
Ngay sau khi trạm thu phí bắt đầu tổ chức thu phí, nhiều chủ phương tiện đã bao vây để phản đối trạm thu phí này. Vị trí trạm thu phí được đặt tại km13+250 trên QL39B, thuộc địa bàn xã Bình Minh, huyện Kiến Xương. Như vậy, những phương tiện của người dân tại huyện Tiền Hải đến thị trấn Thanh Nê của huyện Kiến Xương nếu đi hướng TP Thái Bình thì đều phải qua trạm thu phí này để nộp mức phí thấp nhất (đối với xe dưới 12 chỗ ngồi) là 30.000đ. Vì tuyến đường 39B từ TP Thái Bình về huyện Tiền Hải là đường được xây dựng từ vốn Nhà nước, đã được người dân sử dụng từ nhiều năm nay, chưa có một DN hay đơn vị nào đầu tư cải tạo, nâng cấp bằng vốn của DN bằng hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nên nhiều chủ phương tiện đề nghị cần phải nhổ ngay cái trạm thu phí vô lý nói trên.
Hỗn loạn ở trạm thu phí khiến nhiều phương tiện bị ùn tắc trong khoảng thời gian dài, các hộ dân khu vực xung quanh bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ có thế, có nhiều phương tiện mà chủ yếu là taxi do quen địa bàn nên họ tìm vào đường tránh là những con đường bê tông xiên qua khu đông dân cư giữa các làng để né trạm thu phí. Từ khi có trạm thu phí, những con đường làng bỗng trở nên nhộn nhịp bởi những chiếc xe ô tô ào ào vào phá vỡ bầu không khí vốn yên tĩnh. Càng nhộn nhịp bao nhiêu, xóm làng lại càng khổ sở bấy nhiêu bởi khói bụi, và nguy hiểm bởi TNGT rình rập khiến người già và trẻ con sợ hãi mỗi khi phải ra đường.
Có lẽ thấy trước tình cảnh này mà không chỉ có người dân là các chủ phương tiện phản đối, đến ngay cả chính quyền địa phương là xã Bình Minh cũng "không ưng" vị trí trạm thu phí này.
Nhiều chủ phương tiện bao vây phản đối trạm thu phí vô lý
Đã thu phí sai còn "cắt cổ" các chủ phương tiện
Theo Quyết định số 3897/QĐ-UBND ngày 23-12-2016 của UBND tỉnh Thái Bình, quy định mức thu đối với các phương tiện không ưu tiên là từ 30.000đ đến 200.000đ. Mức thu đối với các phương tiện ưu tiên được nêu tại công văn số 2267/UBND-CTXDGT là miễn 100% mức phí cho các phương tiện dưới 12 chỗ ngồi đối với xe chở người và dưới 2 tấn đối với xe chở hàng; miễn 50% mức phí đối với các loại xe còn lại. Mức miễn giảm trên áp dụng cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại tại xã Bình Minh và thị trấn Thanh Nê của huyện Kiến Xương.
Tuyến đường 39B không thuộc quản lý của người dân thị trấn Thanh Nê hay xã Bình Minh. Đường do Nhà nước đầu tư xây dựng thì mọi người dân và các loại phương tiện đủ điều kiện lưu hành đều có quyền sử dụng để tham gia giao thông như nhau. Tại sao UBND tỉnh Thái Bình và đơn vị thu phí là Cty CP Tasco Nam Thái (gọi tắt là Tasco Nam Thái) lại phân biệt đối xử, miễn giảm mức phí cho chủ các phương tiện tại thị trấn Thanh Nê và xã Bình Minh của huyện Kiến Xương, còn chủ các phương tiện ở các nơi khác lại không? Phải chăng UBND tỉnh Thái Bình và Tasco Nam Thái lường trước tình huống là người dân sẽ phản đối hoạt động của trạm thu phí, nên tính phương án miễn giảm mức phí đối với các chủ phương tiện tại địa bàn đặt trạm thu phí để trấn an lòng dân?
Mức phí "cắt cổ" qua trạm thu phí km13+250 QL39B
Ngoài địa bàn thị trấn Thanh Nê và xã Bình Minh, một số xã lân cận như xã Quang Trung, xã An Bồi của huyện Kiến Xương cách trạm thu phí chỉ khoảng 2-3km; hay xã An Ninh, xã Phương Công, xã Tây Giang, thị trấn Tiền Hải… của huyện Tiền Hải cách trạm thu phí khoảng 3-5km cũng đều chịu mức phí qua trạm thu phí này là 30.000đ/lượt đối với xe chở người dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; 45.000đ/lượt đối với xe chở người từ 12-30 chỗ, xe tải từ 2-4 tấn; 65.000đ/lượt đối với xe chở người từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4-10 tấn… Trong khi các nhà xe đối với xe chở khách thì không thể tăng giá vé của hành khách, hay xe tải không thể tăng cước vận chuyển đối với chủ hàng. Một người dân phàn nàn: "Con tôi học ở trường mầm non ở thị trấn Thanh Nê, hàng ngày tôi phải đưa đón con 4 lượt qua trạm thu phí, và mỗi ngày mất 120.000đ"
(Còn nữa...)
Nguyễn Khuê / PL&XH
http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/ky-1-vung-que-nao-loan-boi-mot-tram-thu-phi-1316702.
(PL&XH)- Chưa bàn đến hợp đồng BOT mà UBND tỉnh Thái Bình ký với Tasco Nam Thái như thế nào. Chỉ biết rằng UBND tỉnh Thái Bình phớt lờ cả quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính để chấp thuận cho Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí không đúng chỗ thì cũng đủ nhận thấy rằng, Tasco Nam Thái đang được ưu ái lắm rồi...
UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận cho đặt trạm BOT sai vị trí?
Quá trình tìm hiểu việc UBND tỉnh Thái Bình cho Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí BOT tại km13+250 trên QL39B thể hiện:
Năm 2010 UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B với tổng mức đầu tư ban đầu 2.072 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT), thanh toán cho nhà đầu tư là Tasco Nam Thái từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đến tháng 9-2014, dự án thực hiện khoảng 1.250 tỷ đồng. Thế nhưng do trượt giá chi phí đầu vào; chi phí giải phóng mặt bằng tăng và điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư của dự án đã phình lên 2.602 tỷ đồng. Với tổng số vốn trên, Chính phủ chỉ bố trí vốn cho dự án 1.437 tỷ đồng, số vốn còn thiếu lên tới 1.165 tỷ đồng.
Ngày 6-9-2014, UBND tỉnh Thái Bình có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi hình thức thực hiện dự án từ BT sang BOT kết hợp BT để giải quyết khó khăn về vốn. Theo đó, sẽ bố trí từ ngân sách tỉnh 445 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Số vốn khoảng 720 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động triển khai theo hình thức BOT và tổ chức thu phí trong 21 năm để hoàn vốn. Ngày 30-10-2014, Chính phủ có công văn trả lời với nội dung đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT.
Công văn UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính chấp thuận vị trí xây dựng trạm thu phí tại km13+250 trên ĐT458
Ngày 5-2-2015, UBND tỉnh Thái Bình có công văn số 361/UBND-CTXDGT gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính, về việc thỏa thuận vị trí Trạm thu phí Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, và đoạn từ đường vào Trung tâm Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh thái Bình) theo hình thức BOT. Tại công văn, UBND tỉnh Thái Bình có nêu: "UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận vị trí xây dựng trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án tại vị trí km13+250 đường 39B (ĐT458) là điểm đầu Dự án BOT 39B thuộc xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình".
Một sự thật oái oăm là Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B nói trên do Tasco Nam Thái làm nhà đầu tư là xây dựng mới đoạn đường tránh thị trấn Thanh Nê, nối từ xã Bình Minh đến xã An Bồi (tạm gọi là đường 39B mới). Theo Quyết định 1742/QĐ-BGTVT ngày 24-6-2013 thì tuyến đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê của huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền của huyện Thái Thụy thành QL37B (đối với các đoạn tuyến đang thi công, khi hoàn thành dự án sẽ bàn giao để Bộ GTVT quản lý). Dự án trên không được đầu tư cho việc chỉnh trang, nâng cấp QL39B cũ từ huyện Kiến Xương về huyện Tiền Hải (đồng thời là ĐT458). Thế nhưng UBND tỉnh Thái Bình lại đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận vị trí xây dựng trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án tại vị trí km13+250 đường 39B (ĐT458) là điểm đầu Dự án BOT 39B thuộc xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Công văn của Bộ GTVT "trả lại" thẩm quyền quyết định vị trí xây dựng trạm trên ĐT458 cho UBND tỉnh Thái Bình, đồng thời "nhắc" UBND tỉnh Thái Bình quyết định cho phù hợp với Thông tư 159/2013/TT-BTC
Có lẽ cũng vì nhận ra điều bất hợp lý này mà cả Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã thẳng thắn trả lời: "Vị trí trạm thu phí dự kiến tại km13+250 thuộc đường tỉnh 458 (ĐT458) không nằm trong phạm vi tuyến QL37B theo Quyết định số 1742/QĐ-BGTVT ngày 24-6-2013 của Bộ GTVT". Cả hai Bộ đều "trả lại" thẩm quyền quyết định vị trí đặt trạm thu phí tại km13+250 trên ĐT458 (chính là Trạm thu phí đã được báo điện tử PL&XH nêu ở kỳ trước - PV) theo quy định. Đồng thời, hai Bộ cũng không quên "nhắc" UBND tỉnh Thái Bình phải đảm bảo phù hợp với quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (Tại văn bản số 2743/BGTVT-TC ngày 9-3-2015 của Bộ GTVT; và văn bản số 4896/BTC-HCSN ngày 15-4-2015 của Bộ Tài chính).
Như vậy, có thể hiểu rằng, cả Bộ GTVT và Bộ Tài chính đều không đưa ra quan điểm chấp thuận vị trí đặt trạm thu phí tại km13+250 mà UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, mà phải trả lại thẩm quyền này cho UBND tỉnh Thái Bình là do UBND tỉnh Thái Bình dự kiến đặt trạm BOT không đúng chỗ. Cụ thể là do UBND tỉnh Thái Bình xin Chính phủ chuyển đổi dự án từ BT thành BOT kết hợp BT cho QL37B (có một đoạn là QL39B mới), được Chính phủ đồng ý và giao thống nhất với Bộ Tài chính về vị trí xây dựng trạm thu phí và mức phí, nhưng UBND tỉnh Thái Bình lại đề nghị chấp thuận vị trí đặt trạm BOT tại ĐT458 (QL39B cũ)?!
Công văn của Bộ Tài chính cũng đồng tình với công văn của Bộ GTVT
UBND tỉnh Thái Bình "ngó lơ" với Thông tư của Bộ Tài chính!
Xin được nhắc lại, tại văn bản số 2743/BGTVT-TC ngày 9-3-2015 của Bộ GTVT; và văn bản số 4896/BTC-HCSN ngày 15-4-2015 của Bộ Tài chính thì cả hai Bộ đều nhắc đến việc UBND tỉnh Thái Bình quyết định vị trí đặt trạm BOT phải phải căn cứ cho phù hợp với Thông tư 159/TT-BTC. Mặc dù vậy, UBND tỉnh Thái Bình đã sử dụng thẩm quyền của mình cho phép Tasco Nam Thái đặt trạm thu phí BOT sai quy định tại Thông tư 159/TT-BTC.
Tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư 159/TT-BTC nêu rõ về điều kiện thực hiện thu phí đối với loại đường bộ được tổ chức thực hiện thu phí là phải "Hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp công trình đường bộ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt". Như vậy, ở đây rõ ràng là UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp QL37B (có một đoạn QL39B mới), và xin chính phủ cho phép chuyển đổi từ đường BT thành đường BOT kết hợp BT đối với đường này, nhưng lại cho nhà đầu tư đặt trạm BOT tại ĐT458 (QL39B cũ). Cụ thể là ngày 10-7-2015, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản số 2303/UBND-CTXDGT, chấp thuận vị trí xây dựng trạm BOT cho Tasco Nam Thái tại km13+250 trên ĐT458.
Khi trạm thu phí km13+250 trên ĐT458 hoạt động thu phí thì tất cả những phương tiện (thuộc đối tượng chịu phí quy định tại Thông tư 159/TT-BTC, trừ một số phương tiện thuộc đối tượng ưu tiên tại văn bản số 2267/UBND-CTXDGT ngày 28-6-2016 của UBND tỉnh Thái Bình) từ huyện Tiền Hải đến thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) muốn đi TP Thái Bình, mặc dù không sử dụng dịch vụ đường bộ trên tuyến đường BOT (QL39B mới) nhưng đều phải nộp phí BOT tại trạm thu phí này.
(Còn nữa…)
Nguyễn Khuê / PL&XH
http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/ky-2-lam-duong-mot-noi-thu-phi-mot-neo-1316873.
(PL&XH) - Trước hàng loạt biến cố xảy ra sau khi trạm thu phí km13+250 đường 39B đi vào hoạt động thu phí, có vẻ như không chịu được áp lực từ những phản đối của chủ phương tiện, UBND tỉnh Thái Bình đã có giải pháp ban đầu. Thế nhưng xét về cả lý lẫn tình thì giải pháp này chưa thể được chấp nhận, mà nó chỉ như "cố đấm" để giành "miếng xôi" cho Tasco Nam Thái mà thôi!
UBND tỉnh Thái Bình vi phạm Thông tư, Chủ tịch UBND tỉnh vẫn cho là đúng?
Từ khi đi vào hoạt động, khu vực xung quanh trạm thu phí km13+250 đường 39B trở nên hỗn loạn. Nhiều tài xế và chủ phương tiện tập trung bao vây phản đối và yêu cầu dỡ bỏ trạm thu phí bất hợp lý này. Đường làng ngõ xóm bị biến thành đường tránh cho những tài xế thông thuộc đường để né trạm thu phí. Nguy cơ mất an toàn giao thông và an ninh trật tự tại khu dân cư, làm cuộc sống của người dân quanh trạm thu phí bị xáo trộn. Nhiều cuộc họp không đáng có phải diễn ra để các cấp chính quyền giải quyết những kiến nghị của người dân, nhất là các chủ phương tiện…
Trước hàng loạt những biến cố đó, sáng ngày 12-1-2017, UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện thu phí tại trạm thu phí km13+250 đường 39B để hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) và đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chủ trì cuộc họp. Sau khi lắng nghe những ý kiến trình bày của các bên liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã có kết luận chính thức cuối cùng tại cuộc họp, cho rằng việc xây dựng trạm thu phí dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B là đúng với quy định của pháp luật.
Như báo điện tử PL&XH đã phân tích ở kỳ trước, việc UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận cho Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí tại km13+250 là hoàn toàn không đúng với quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Luật sư Nguyễn Đức Trang, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: "Theo Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì trạm thu phí của Tasco Nam Thái chỉ được đặt trên trục đường tránh thị trấn Thanh Nê và đoạn đường từ lối vào Trung tâm Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền, để thu phí các đối tượng phải chịu phí khi qua những đoạn đường này. Như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cần xem lại quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC và nên khẳng định việc xây dựng trạm thu phí Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B là cần thiết, nhưng về vị trí km13+250 trên đường 39B (ĐT458) như hiện nay là chưa đúng với quy định của pháp luật"!
Trên thực tế thì cách trạm thu phí km13+250 trên ĐT458 khoảng 50 mét là một trạm thu phí nằm trên nhánh đường tránh thị trấn Thanh Nê, đó mới là vị trí đúng để nhà đầu tư đặt trạm thu phí. Cũng bởi không dám thừa nhận việc việc trạm thu phí km13+250 trên đường (ĐT458) là sai nên tại cuộc họp ngày 12-1-2017, UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Tasco Nam Thái là miễn phí cho xe buýt nội tỉnh và tất cả các phương tiện của người dân tại hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải và một số xã nằm trong vùng Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình (huyện Thái Thụy).
Liên lạc qua điện thoại, ông Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, và ông chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình đều khẳng định với PV báo PL&XH rằng, UBND tỉnh đã có biện pháp tháo gỡ và được người dân đồng tình ủng hộ.
Liên lạc qua điện thoại, ông Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, và ông chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình đều khẳng định với PV báo PL&XH rằng, UBND tỉnh đã có biện pháp tháo gỡ và được người dân đồng tình ủng hộ.
Và đến bây giờ thì với tinh thần đó, UBND tỉnh Thái Bình đã ký ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBND, về việc ban hành quy định mức giá tối đa sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B theo hình thức BOT. Tại công văn này, UBND tỉnh Thái Bình có hướng dẫn Tasco Nam Thái về các đối tượng được miễn giá dịch vụ đường bộ đối với tất cả các phương tiện vận tải của các hộ dân đăng ký phương tiện tại tỉnh Thái Bình có Hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải; các phương tiện của DN vận tải có đăng ký phương tiện và đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải…
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, việc xây dựng trạm thu phí Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B là đúng với quy định của pháp luật, nhưng "quên" rằng vị trí của trạm thu phí hiện nay đang vi phạm Thông tư 159/2013/TT-BTC? (Ảnh: TL)
Vì sao có sự phân biệt đối xử trong tham gia giao thông?
Với Quyết định 326/QĐ/UBND của UBND tỉnh Thái Bình, Luật sư Nguyễn Đức Trang, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Quyết định trên có rất nhiều điểm bất hợp lý mà UBND tỉnh Thái Bình cần cân nhắc để được dư luận đồng lòng, cũng như tuân thủ các quy định. Luật sư Nguyễn Đức Trang phân tích:
"Thứ nhất: Đường 39B nơi đang tồn tại trạm thu phí km13+250 là ĐT458 là thuộc quyền quản lý của tỉnh Thái Bình. Đây là tuyến đường đi qua địa bàn huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải nhưng được đầu tư xây dựng bằng vốn Ngân sách chứ không phải do người dân của huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương đầu tư xây dựng. Bởi vậy, việc UBND tỉnh Thái Bình cần công bằng trong việc cho phép người và phương tiện tham gia giao thông được lưu thông trên ĐT458, không thể cứ người dân nơi khác đến đây là phải mất phí mới được tham gia giao thông, vì ĐT458 đâu phải là đường ưu tiên dành riêng cho người dân huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương?
Thứ hai: Người dân huyện Tiền Hải hay huyện Kiến Xương khi đã được miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí km13+250 đường 39B, thì khi họ điều khiển phương tiện cá nhân tham gia giao thông, dù là xe sở hữu chính chủ hay họ đi mượn, đi thuê xe tự lái, xe đi mua về chưa làm thủ tục sang tên chính chủ… cũng phải đều được ưu tiên như nhau. Như vậy, để ưu tiên cho người dân của huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm thu phí này thì chỉ cần họ chứng minh được mình là người có hộ khẩu thường trú tại hai huyện nói trên thông qua giấy tờ tùy thân có giá trị (CMND; GPLX…) khi qua trạm thu phí, chứ tại sao phải đi đăng ký mới được ưu tiên?!
Thứ ba: Trạm thu phí km13+250 đường 39B (ĐT458) mà HĐND, UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận cho Tasco Nam Thái đặt tại vị trí hiện tại là vi phạm vào Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính (có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2016). UBND tỉnh Thái Bình cần yêu cầu Tasco Nam Thái dỡ bỏ trạm thu phí vô lý này để người và phương tiện tham giao giao thông không phải chịu phí oan uổng bởi sự vi phạm của UBND tỉnh Thái Bình".
Theo Thông tư 159/2013/TT-BTC, để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) và đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền, thì UBND tỉnh Thái Bình chỉ được phép chấp thuận cho Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí và thu phí những phương tiện thuộc đối tượng phải chịu phí trên 2 đoạn đường này, chứ không thể biến đường 39B (ĐT458) là đường làm bằng vốn Ngân sách thành đường BOT để cho DN "ăn xôi chùa" được.
Như vậy, rõ ràng việc UBND tỉnh Thái Bình hướng dẫn cho Tasco Nam Thái miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ cho một số phương tiện của người dân huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải và để trạm thu phí km13+250 đường 39B (ĐT458) tồn tại vẫn chỉ là cách tận thu tối đa, bất chấp các quy định của pháp luật cũng như sự bất bình của nhân dân. Việc làm này không khác gì phát "cố đấm" mà UBND tỉnh Thái Bình tạo điều kiện tối đa cho Tasco Nam Thái được "ăn xôi"!
Không chỉ vi phạm vào Thông tư của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Bình còn làm "lệch" với chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ trong việc chấp thuận cho Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí tại km13+250 đường 39B (ĐT458)
(Còn nữa...)
Nguyễn Khuê / PL&XH
http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/ky-3-luat-su-chi-ra-nhung-diem-vo-ly-cua-ubnd-tinh-thai-binh-1318384.
(PL&XH) - Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn từ Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền (QL37B) theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT. Thế nhưng, UBND tỉnh Thái Bình lại "vơ" luôn cả đoạn đường tránh thị trấn Thanh Nê vào "gói" BOT kết hợp BT với đoạn từ đường vào Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền! Thế mới "lòi" ra chuyện UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận cho Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí không đúng chỗ?
Cả hai nhánh trạm thu phí km13+250 đều không đúng chỗ!
Ngày 30-10-2014, Chính phủ ban hành văn bản số 2165/TTg-KTN, trả lời UBND tỉnh Thái Bình về việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình (đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền) theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT. Văn bản này nêu rõ: "Đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình (đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền) theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình: "Đánh giá thực hiện hợp đồng BT đã ký kết trước khi chuyển đổi hình thức đầu tư. Thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cải tạo nâng cấp đường 39B từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy theo đúng các quy định hiện hành. Căn cứ tình hình thực tế, xác định tỉ lệ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT để đảm bảo khả năng chi trả của Ngân sách nhà nước theo kế hoạch thanh toán, cũng như khả năng huy động cả nguồn vốn hợp pháp khác, khả năng hoàn trả vốn đầu tư và lợi nhuận cho nhà đầu tư, hiệu quả đầu tư dự án. Thống nhất với Bộ Tài chính về vị trí xây dựng trạm thu phí và mức phí hoàn vốn cho dự án".
Rõ ràng là theo tinh thần văn bản thì Chính phủ chỉ đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình đối với đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền. Còn đoạn đường tránh thị trấn Thanh Nê không được "xếp" vào gói chuyển đổi sang hình thức đầu tư hợp đồng BOT kết hợp BT. Vậy thì việc Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí tại đầu vào đường tránh thị trấn Thanh Nê của huyện Kiến Xương như hiện nay cũng là không đúng với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ?
Vì thế, trạm thu phí mà Tasco Nam Thái đã xây dựng tại km13+250 đường 39B, bao gồm cả hai nhánh là ĐT458 và đường tránh thị trấn Thanh Nê, địa phận xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là hoàn toàn không đúng chỗ? Và các phương tiện đúng ra không phải nộp phí cho trạm thu phí này?
Luật sư Lâm Văn Quang, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, căn cứ vào văn bản số 2165/TTg-KTN ngày 30-10-2014 của Chính phủ thì chỉ những phương tiện thuộc đối tượng chịu phí lưu thông trên tuyến QL37B, đoạn từ đường vào điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy mới phải chịu phí qua trạm thu phí BOT. Do đó, Tasco Nam Thái chỉ được xây dựng trạm thu phí trên tuyến QL37B, đoạn từ đường vào điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy để thu phí các phương tiện lưu thông trên đoạn đường này.
Tại văn bản số 2165/TTg-KTN từ ngày 30-10-2014, Chính phủ chỉ đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình, đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền theo hình thức Hợp đồng BOT kết hợp BT, mà không hề có đoạn đường tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương
"Lập lờ đánh lận con đen"
Chính phủ có văn bản số 2165/TTg-KTN từ ngày 30-10-2014 "Đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình (đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền) theo hình thức Hợp đồng BOT kết hợp BT. Thế nhưng ngày 5-2-2015, tại văn bản số 361/UBND-CTXDGT gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Bình vẫn nêu "về việc thỏa thuận vị trí trạm thu phí dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương và đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền theo hình thức BOT". Đồng thời UBND tỉnh Thái Bình đề nghị hai Bộ chấp thuận vị trí xây dựng trạm thu phí tại km13+250 đường 39B (ĐT458).
Và, UBND tỉnh Thái Bình kể từ đó đã "vơ" luôn dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương vào gói chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình theo hình thức Hợp đồng BOT kết hợp BT cùng với đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền.
Việc này, UBND tỉnh Thái Bình thể hiện trong nhiều văn bản sau đó liên quan đến việc xây dựng trạm thu phí km13+250 đường 39B (ĐT458), như văn bản số 2303/UBND-CTXDGT, "về việc chấp thuận vị trí xây dựng trạm thu phí để hoàn vốn dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương và đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền"; "Tờ trình số 286/TTr-UBND ngày 25-22-2015 về việc phê duyện mức phí thu dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương và đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT)".
Không những thế, tại văn bản số 361/UBND-CTXDGT gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Bình còn gọi vị trí xây dựng trạm thu phí km13+250 đường 39B (ĐT458) là điểm đầu của dự án BOT 39B?
Bởi các lẽ trên, UBND tỉnh Thái Bình cần sớm làm các thủ tục điều chỉnh vị trạm thu phí hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền. Cụ thể là trạm thu phí BOT tại km13+250 hiện đang nằm trên hai nhánh là ĐT458 và đường tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương cần di dời về QL37B, đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền theo quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính; Quyết định số 1742/QĐ-BGTVT ngày 24-6-2013 của Bộ GTVT; và nhất là theo chủ trương của Chính phủ tại văn bản số 2165/TTg-KTN ngày 30-10-2014.
(Còn nữa…)
Nguyễn Khuê / PL&XH
http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/ky-4-ubnd-tinh-thai-binh-lam-lech-voi-chu-truong-cua-chinh-phu-1319805.
(PL&XH) - Qua nhiều lần liên lạc, PV báo PL&XH vẫn chưa thể làm việc được với người đứng đầu UBND tỉnh Thái Bình về việc chấp thuận cho Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí đang bị cho là không đúng chỗ. Mọi sự cố gắng của PV cũng chỉ được một cán bộ cấp Phòng của UBND tỉnh này cung cấp thông tin. Tuy nhiên, có một số thông tin mà vị cán bộ này cung cấp thực sự khiến PV phải "choáng"!
Càng thấy rõ sự bất hợp lý của vị trí trạm thu phí km13+250 đường 39B
Theo giải thích của ông Nguyễn Trọng Phúc, Phó phòng Công Thương- Xây dựng- Giao thông thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình thì đoạn từ đường vào Điện lực Thái Bình được tính từ qua chân cầu Trà Lý phía huyện Thái Thụy. Như vậy, nếu theo nội dung Chính phủ đồng ý tại văn bản số 2165/TTg-KTN thì UBND tỉnh Thái Bình chỉ được chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT đoạn từ qua phía chân cầu Trà Lý đến thị trấn Diêm Điền. Còn toàn bộ phần còn lại của dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B thuộc địa bàn huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải vẫn là hình thức đầu tư BT (đầu tư xây dựng, chuyển giao).
Điều đó càng có cơ sở pháp lý khẳng định việc UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận cho Tasco Nam Thái xây dựng trạm thu phí tại km13+250 đường 39B thuộc địa bàn xã Bình Minh, huyện Kiến Xương là hoàn toàn bất hợp lý. Bởi lẽ, những phương tiện lưu thông trên đoạn đường 39B trên địa bàn huyện Thái Thụy (đoạn từ đường vào Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền) là đoạn đường được Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi hình thức đầu tư BOT kết hợp BT sẽ rất khó gặp trạm thu phí. Ngược lại, đoạn đường 39B từ cầu Trà Lý qua huyện Tiền Hải đến thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) là đường đầu tư theo hình thức BT lại "lùa" số lượng lớn phương tiện phải "chui" qua trạm thu phí km13+250 đường 39B và đóng một khoản phí qua trạm một cách vô lý!
Căn cứ vào thực tế và các văn bản pháp luật, chúng tôi thắc mắc với ông Phó Phòng Công thương: "Trạm thu phí km13+250 hiện được chia làm 2 nhánh, một nhánh trên đường tránh thị trấn Thanh Nê và một nhánh nằm trên ĐT458. Vậy rõ ràng là nhánh trạm thu phí trên ĐT458 là hoàn toàn vi phạm vào Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính mà sao UBND tỉnh Thái Bình vẫn chấp thuận cho Tasco Nam Thái xây dựng? Ông Nguyễn Trọng Phúc giải thích: "Theo thông tư của Bộ Tài chính thì trạm thu phí phải được đặt trong khu vực của dự án. Tại km13+250 đường 39B vẫn nằm trong khu vực của dự án cải tạo nâng cấp đường 39B nên đặt trạm thu phí ở vị trí đó là đúng quy định"???
Tại khoảng 1 Điều 2 Thông tư 159/2013/TT-BTC: "Loại đường bộ được tổ chức thu phí phải có đủ các điều kiện sau đây: Hoàn thành việc xây dựng nâng cấp công trình đường bộ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt". UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điềm, nhưng đó là phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp theo hình thức đầu tư BT thì không thể tính đến chuyện xây dựng trạm thu phí trong phạm vi dự án này. Còn khi chuyển đổi hình thức BOT, là khu vực được phép xây dựng trạm thu phí thì Chính phủ chỉ cho chuyển đổi đoạn từ đường vào Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điềm. Chẳng lẽ ông Phúc lại không hiểu Thông tư 159/2013/TT-BTC?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Tờ trình của chúng tôi ban đầu mới là chuẩn???
"Gọt chân cho vừa giầy"?
Kỳ 4 của loạt bài này, báo PL&XH truyền tải đến bạn đọc những thông tin về việc UBND tỉnh Thái Bình đã không làm theo sự đồng ý của Chính phủ, và vi phạm Thông tư 159/2013/TT-BTC. Cụ thể là văn bản số 2165/TTg-KTN của Chính phủ, trả lời UBND tỉnh Thái Bình về việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, tỉnh Thái Bình (đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền) theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT. Thế nhưng UBND tỉnh Thái Bình lại chấp thuận cho Tasco xây dựng trạm thu phí tại km13+250 đường 39B, thuộc địa bàn xã Bình Minh, huyện Kiến Xương.
Qua buổi làm việc với ông Phúc, chúng tôi lấy những căn cứ đó để cho rằng trạm thu phí nói trên đã được xây dựng không đúng chỗ. Quá bất ngờ khi chúng tôi nhận được lời giải thích của ông Phúc: "Cái đó thì các anh phải xem tờ trình của chúng tôi mới là chuẩn. UBND tỉnh Thái Bình trình Chính phủ là xin chuyển đổi toàn bộ dự án chứ không phải chỉ xin đoạn từ đường vào Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền".
Chúng tôi cho rằng, tờ trình của UBND tỉnh Thái Bình chỉ là trình xin ban đầu, còn đồng ý như thế nào là do Chính phủ, và điều mà UBND tỉnh Thái Bình được phép làm là phải theo văn bản của Chính phủ! Ông Phúc vẫn một mực khẳng định: "Không! Tờ trình của chúng tôi ban đầu mới là chuẩn"???
Một điều hết sức lạ lùng là nếu tờ trình của UBND tỉnh Thái Bình mới là chuẩn thì việc UBND tỉnh Thái Bình chuyển đổi hình thức đầu tư toàn dự án có cần đợi văn bản trả lời của Chính phủ? Cuối cùng thì ông Phúc biện minh rằng: "Cái đó là do ông tham mưu của Chính phủ, ông ấy đánh văn bản thiếu"!? Và đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn giữa PV báo PL&XH với ông Phúc về vấn đề này:
- Nếu là văn bản của Chính phủ bị lỗi thì sau khi nhận được văn bản này, UBND tỉnh Thái Bình có phát hiện ra "lỗi" không
- Có, chúng tôi có phát hiện ra ngay.
- Vậy UBND tỉnh Thái Bình có phản hồi lại với Chính phủ và đề nghị sửa lại văn bản của Chính phủ không?
- Lúc đó chúng tôi có phản hồi ngay, lúc đó là ông… (xin được giấu tên - PV) chính là người ở Thái Bình này, ông ấy bảo là thôi không sao đâu, quan trọng Chính phủ đồng ý là được…
- Nghĩa là chỉ có phản hồi mằng miệng chứ không có văn bản nào của Chính phủ thay thế văn bản số 2165?
- Vâng, chỉ có nói bằng miệng
Vậy chúng ta ủng hộ việc văn bản của Chính phủ đã ban hành thì UBND tỉnh Thái Bình phải tuân thủ? Hay phải chấp nhận cách làm kiểu "gọt chân cho vừa giầy" tại Thái Bình, đó là "lửng lơ" với văn bản số 2165/TTg-KTN của Chính phủ để quay về thực hiện theo tờ trình của UBND tỉnh Thái Bình?
(Còn nữa…)
Nguyễn Khuê - Quốc Doanh / PL&XH
http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/ky-5-thang-thung-do-loi-cho-van-ban-cua-chinh-phu-132219.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.