Ở dưới là bài vừa mới lên. Của một nhà giáo người Việt hiện ở Úc.
Tạm dán vào đây đã, bàn luận sau.
---
Nguyễn Minh
K.W. Taylor là một nhà Việt Nam học hàng đầu, từng được Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh vinh danh. Ông xuất bản cuốn The Birth of Vietnam từ năm 1983, và đứng ra tổ chức hội thảo về lịch sử Việt Nam tại trường Cornell vào năm 1991. Năm 2013, nghe ông ra mắt sách mới A History of the Vietnamese, lại cũng nghe nhiều dư luận chung quanh nó, nhưng mãi gần đây, chúng tôi mới có thời giờ ngồi lại, xem kỹ sách ấy.
Thật ra, ngay từ hồi đọc kỷ yếu hội thảo Cornell, chúng tôi đã băn khoăn trước bản dịch văn bia về Đỗ Anh Vũ của Taylor, khi ông nhất loạt dịch chữ “công” ra thành “duke” (Taylor 1995). Tuy vậy, cầm trên tay ấn bản A History of the Vietnamese, trong lòng vẫn rất hứng khởi, nghĩ rằng sách mới, lại do một học giả danh tiếng viết, ắt phải chứa đựng nhiều kiến giải mới, độc đáo, vượt trội sử cũ. Tới lúc đọc xong thì hứng khởi mất hết tan hết, chỉ lưu lại thất vọng. Bởi mới thì có mới, nhưng lại đầy rẫy sai lầm, so với sử của Joseph Buttinger viết từ mấy chục năm trước [The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam (1958) hay Vietnam: A Dragon Embattled (1967)] chưa chắc đã bằng, nói chi đến vượt. Buttinger dĩ nhiên cũng sai nhiều, nhưng điều ấy dễ hiểu, vì ông là người khai sơn phá thạch, lại chịu nhiều hạn chế của thời đại. Còn Taylor soạn sách trong kỷ nguyên Google mà vẫn phạm những sai sót cơ bản thì quả rất khó hiểu.
Gấp sách lại, chúng tôi càng cảm nhận điều sau đây là đúng: Không phải người Việt Nam, sẽ không sao hiểu được Việt Nam. Người nước ngoài nghiên cứu nước ta, có thể họ rất chuyên sâu, rất giỏi trong lĩnh vực của mình, nhưng hiểu biết của họ dù sao vẫn không toàn diện. Toàn diện sao được khi họ không sinh ra ở Việt Nam, không được thấm nhuần trong nền văn hóa Việt Nam, không “ăn Việt Nam”, “ngủ Việt Nam”? Chỉ đơn thuần đọc sách đọc vở, vùi đầu trong văn khố, phỏng vấn người này người nọ thì không sao đủ. Đó là chưa nói đến việc vì áp lực thời gian, giới học giả khi đọc tư liệu thường chỉ lướt qua, xem kỹ các đoạn tối cần, bỏ hết những thứ còn lại, vô hình trung tự giới hạn mình, khiến kiến văn mình trở nên phiến diện. (Thậm chí có những người không biết tiếng Việt, không đọc được tư liệu gốc, nhưng vẫn xưng danh “Việt Nam học”!)
Xem sách do các “ông Tây bà Đầm” viết về Việt Nam, thấy quý vị quả cũng dụng công. Hiểu biết của quý vị, chuyên môn của quý vị đôi khi hơn xa giới học thuật Việt Nam. Nhưng song song đó, chính quý vị lại hay mắc những lỗi rất vớ vẩn mà ngay một người Việt bình thường, hơi có hiểu biết, cũng không mắc. Trong số những người tôi đã hân hạnh được đọc, ai cũng như thế. Như William J. Duiker được xem là chuyên gia số một về Hồ Chí Minh, mà cuốn Ho Chi Minh (2000) của ông cũng không thiếu các lỗi cơ bản. Song phê bình Duiker xin hẹn dịp khác, vì nhân vật chính trong bài này là Taylor.
Như đã nhắc ở trên, giới học giả thường chỉ lướt qua tư liệu. Chúng tôi đồ rằng khi viết review cho A History of the Vietnamese, nhiều người cũng giữ thói quen ấy, tức là xem nhoáng một lượt rồi thôi, không thực sự rõ mình đang điểm cái gì, phê bình cái gì. Vì vậy, ngập tràn trong các bài điểm sách là những từ ngữ ngợi khen như “masterpiece”, “groundbreaking”, hay “landmark”, còn những sai lầm “to như con voi” thì hầu như không ai chỉ ra. Của đáng tội, cái sai tuy to nhưng nhiều khi lại luẩn khuất trong những chỗ khó tìm, cần đọc kỹ mới phát hiện được.
Đương nhiên, sách của Taylor có những điểm hay, điểm mạnh. Lập luận của ông có chỗ chúng tôi rất tán đồng [như tách huyền sử (Hùng Vương) khỏi lịch sử, xét lại vai trò của Nguyễn Trãi]. Tuy vậy, cái hay trong sách nhiều người đã khen rồi, nên ở đây, xin mạn phép không làm việc thừa ấy nữa, mà chỉ tập trung vào những điểm bên dưới, theo chúng tôi là “có vấn đề”.
1. Đề Cao Trung Quốc, Hạ Thấp Việt Nam
Trong sách, Taylor nhất quán gọi vua Trung Quốc là “hoàng đế” (emperor), vua Việt Nam là “vương” (king), bất chấp việc vua ta đã xưng đế từ năm 968, với vị hoàng đế đầu tiên là Đinh Tiên Hoàng (Thậm chí từ 544, nếu tính cả Lý Nam Đế). Phải chăng ông theo thuyết “chính danh”, cho rằng vua Trung Quốc mới đúng là thiên tử, còn các vị quân chủ nước Nam chỉ tiếm vị tự xưng?
Ngoài ra, khi nhắc đến vua Trung Quốc, Taylor thường gọi bằng hiệu, như Tần Thủy Hoàng thay vì Doanh Chính, Tống Thần Tông thay vì Triệu Húc. Trong khi đó, với vua Việt Nam, ông gọi tên, như Trần Khâm thay vì Trần Nhân Tông, Lê Tư Thành thay vì Lê Thánh Tông. Mà gọi tên nhiều lúc cũng gọi không đủ, chẳng hạn: thay vì Lê Long Việt, Lê Long Đĩnh, chỉ viết Lê Việt, Lê Đĩnh (tr. 57); thay vì Nguyễn Quang Toản, chỉ viết Nguyễn Toản (tr. 394).
Biết rõ danh hiệu của người mà không gọi đúng, ấy là thiếu tôn trọng; gọi thẳng tên húy của vua, lại càng thiếu tôn trọng hơn. Dĩ nhiên, Taylor là người ngoại quốc, chẳng thể bắt ông tôn kính vua nước ta. Song le, ông cần nhận ra rằng cách viết như thế rất đánh đố người đọc. Độc giả Việt Nam vốn chỉ quen với Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, đọc thấy Trần Khâm, Tư Thành tất không khỏi hoang mang. Ngược lại, độc giả nước ngoài sau khi đọc sách Taylor, nếu đọc sách Việt Nam để tìm hiểu thêm, thấy toàn nhắc Nhân Tông, Thánh Tông ắt sẽ bỡ ngỡ.
Quan trọng hơn, cách viết của Taylor thể hiện rõ lập trường “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, đề cao Trung Quốc mà hạ thấp Việt Nam.
Thật vậy, trong lập trường Taylor, nếu tách riêng khỏi Trung Quốc, Việt Nam không còn gì cả. Ông viết:
“Trước những thế kỷ mà tổ tiên dân Việt sống dưới tư cách cư dân của đế quốc Trung Hoa, không có ai hay cái gì gọi là Việt Nam. Mọi khía cạnh trong nền văn hóa Việt Nam có được đều nhờ thuộc về đế quốc ấy, và nhờ sự hiện diện của một cộng đồng Hoa ngữ đông đảo. Cộng đồng này phát triển qua nhiều thế hệ, cuối cùng hòa vào với dân bản địa, sau khi liên lạc với chính quốc bị chia cắt. “(tr. 621)
Theo Taylor, Nhật Bản và Triều Tiên tuy nằm trong quỹ đạo văn hóa Trung Hoa, nhưng vẫn có bản sắc riêng, chỉ Việt Nam là không.
“Ngôn ngữ, văn chương, giáo dục, tôn giáo, sử quan, triết học, hệ thống gia đình, tổ chức xã hội – chính trị, ẩm thực, y học, nhạc họa của Việt Nam, tất cả đều mang những dấu ấn sâu sắc của nền văn minh Hán (Đông Á). Điều này khác với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai thành viên còn lại thuộc nền văn minh nói trên. Nhật Bản gồm các đảo tách rời khỏi lục địa, nên nhà cầm quyền nước này có thể cân nhắc lựa chọn, giữ khoảng cách với Trung Quốc. Triều Tiên thì hấp thu, thấm nhuần ảnh hưởng Hán, nhưng theo một phong cách riêng…” (tr. 621)
Chính vì tư duy như thế, Taylor bác bỏ chính sử Việt Nam, không tin Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070.
“Văn Miếu đầu tiên ở Trung Quốc mới có từ năm 1410, nên việc Việt Nam có Văn Miếu từ thế kỷ 11 là không hợp lý.” (tr. 77)
Vậy là với Taylor, hễ cái gì Trung Quốc chưa có, Việt Nam không được phép có!
Dưới ngòi bút Taylor, Việt Nam hiện ra như em nhỏ, còn Trung Quốc như người anh to lớn, nhân từ. Anh luôn đối xử rất tốt, nâng đỡ đàn em, nếu phải đánh em thì chỉ vì bất đắc dĩ!
“Quan hệ căng thẳng thường trực giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ là một ý niệm dân tộc chủ nghĩa không có cơ sở. Suốt hàng thế kỷ, trong thiên niên kỷ đầu tiên của Công Nguyên, tổ tiên người Việt là thần dân của đế quốc Hán, đời sống khá bình an. Sau này, Trung Quốc cũng chỉ động quân chống Việt Nam năm lần thôi, lần nào cũng vì hoàn cảnh đặc biệt…Khi những hoàn cảnh ấy thay đổi thì tầm quan trọng của việc tấn công Việt Nam cũng tan biến nhanh chóng.Ở chiều ngược lại, quân Tống lưu vong đã liên minh với Việt Nam trong cuộc chiến với Mông Cổ vào thế kỷ 13. Thế kỷ 18, nhà Thanh chỉ đem quân sang Việt Nam để giúp chư hầu là vua Lê, chứ không có ý xâm lược. Thập niên 1880, tuy chịu phí tổn lớn lao và gần như chẳng có cơ may thành công, Trung Quốc vẫn chu toàn trách nhiệm với triều đình Việt, cố gắng ngăn chặn việc Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ. Đầu thập niên 1950, Trung Quốc lại là đồng minh của đàn em Việt Nam, lúc ấy đang khao khát được công nhận. Ngoài một vài ngoại lệ thỉnh thoảng xảy ra, Việt Nam và Trung Quốc luôn chung sống trong tình hòa bình và hữu nghị.” (tr. 622 – 623).
(Đoạn văn trên, chúng tôi nghĩ chuyên gia tuyên truyền của Trung Quốc cũng không viết hay hơn được!)
Ngay khi “bất đắc dĩ” phải chiếm Việt Nam, người Trung Quốc cũng rất “khai phóng”. Taylor viết về thời kỳ phụ thuộc nhà Minh như sau:
“Chính sách giáo dục nhà Minh để lại di sản mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhà Minh đề cao Nho giáo, mở ra cánh cửa tiến thân qua thi cử đã đành, song đó chỉ là một phần trong nỗ lực giáo hóa rộng lớn hơn, bao gồm việc mở trường dạy Phật giáo, Lão giáo, thuật số, thiên văn. Ai hiểu biết các lĩnh vực này đều được tuyển dụng để giảng dạy. Một số người còn được đưa sang triều đình Nam Kinh để đóng góp kiến thức. Khắp vùng Giao Chỉ, nhiều Văn Miếu và đàn thờ Xã Tắc được xây nên. Tín ngưỡng dân gian cũng được khuyến khích; hàng trăm đền miếu thờ các thần thánh địa phương được xây mới hoặc trùng tu. Các quy định chặt chẽ được thiết lập cho nhà nho, tăng ni, và đạo sỹ. Năm 1419, nhà Minh ban cho Giao Chỉ kinh điển Nho học bộ mới, lại gửi cả cao tăng đến dạy dỗ các sư bản địa.Quan lại nhà Minh tổ chức hệ thống giao thông liên lạc theo lối hiện đại, xây nhà trạm và cầu, đường bộ lẫn đường sông, giúp việc cai trị hiệu quả hơn, thương mại, mua bán phát triển. Họ cố tình đánh thuế nhẹ tại Giao Chỉ để lấy lòng dân, hỗ trợ cho công cuộc tái thiết hậu chiến…Các loại hàng hóa quan trọng như vàng, bạc, sắt, ngà, lông vũ, trầm hương, trân châu, cánh kiến, trà, quạt, cá và muối được miễn/giảm thuế ba năm…” (tr. 178)
Taylor tin tưởng: Đã có sẵn chính sách vì dân, nên chỉ cần các hoàng đế Minh triều giữ vững quyết tâm lâu hơn một chút, Việt Nam sẽ thôi chống đối, cam tâm thần phục.
“Hoàng Phúc và những lương thần Minh triều ở Giao Chỉ cho thấy một nguyện vọng lý tưởng, muốn cai trị thật tốt, khiến cho nhân dân hạnh phúc, thịnh vượng. Với dân bản xứ, những ý định tốt ấy không rõ rệt bằng sự nhũng lạm ngấm ngầm, và thái độ ngạo mạn, luôn cho mình là thượng đẳng của người phương Bắc. Tuy vậy, xem xét bằng chứng thì thấy rằng sự cai trị của nhà Minh cũng không tệ gì lắm so với các triều đại Việt Nam trước và sau nó. Nếu nhà Minh giữ vững quyết tâm dài lâu, thay vì chỉ ngắn ngủi trong một triều hoàng đế, phong trào kháng Minh chắc sẽ suy tàn dần qua các thế hệ. “(tr. 180)
Một khi nâng cao Trung Quốc, Taylor tất phải hạ giá những chiến công của người Việt. Ông lập luận: Nhà Minh xâm chiếm Việt Nam do chính sách bành trướng của Minh Thành Tổ Chu Đệ. Sau khi Thành Tổ qua đời, các vua kế vị không duy trì chính sách cũ, mà xem “công việc tại Giao Chỉ như một sự xao lãng vô bổ, trong khi biên cương phía Bắc đang phải đối mặt với những hiểm họa nghiêm trọng”, do đó, tốt nhất là nên “tái lập nhà Trần, trở lại với quan hệ triều cống như cũ” (tr. 183). Theo đấy suy ra, Việt Nam giành độc lập chưa chắc bởi thiên tài của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, mà do thiên triều thay đổi chiến lược, không còn thiết tha với việc nắm giữ Giao Chỉ.
Tương tự, chiến công của Quang Trung Nguyễn Huệ cũng không vĩ đại, vì ông có đánh hay không, quân nhà Thanh cũng rút. Taylor viết:
“Hoàng đế Càn Long…không muốn mở rộng lãnh thổ về phía nam, song để làm tròn bổn phận thiên triều, đã chuẩn y một cuộc viễn chinh cục bộ, đưa lực lượng nhà Lê về lại kinh đô… Lê Duy Khiêm về đến cung xưa, gắng sức trong vô vọng thúc giục nhà Thanh dứt điểm Nguyễn Huệ. Nhà Thanh án binh bất động, vì đã đạt mục đích giúp vua chư hầu lấy lại ngai vàng…Vào khoảng tết âm lịch năm 1789, khi lực lượng Thanh triều đang chuẩn bị rút lui, Nguyễn Huệ thình lình tấn công. Đã xưng đế ở Phú Xuân, ông đem binh ra Bắc, đẩy quân Thanh qua khỏi sông Hồng.” (tr.378)
Chiến thắng Kỷ Dậu của Quang Trung chỉ được tường thuật trong vỏn vẹn hai câu như thế!
Xin nhường quý độc giả quyền nhận định những trích đoạn kể trên. Riêng phần chúng tôi không dám khẳng định Taylor sai, nhưng rõ ràng ông viết từ góc nhìn Trung Quốc. Lẽ ra, với tư cách sử gia, ông phải đưa vào cả góc nhìn Việt Nam, và tìm cách dung hòa hai góc đốc lập.
2. Lịch Sử Việt Nam Là Lịch Sử Tranh Chấp Vùng Miền?
Trong giới học giả hiện đại, dường như phổ biến quan niệm rằng: Viết sử nếu chỉ đơn thuần tường thuật sự kiện thì chưa phải viết sử. Ngoài tường thuật ra, còn phải nhìn vào hiện tượng để hiểu thấu bản chất, suy từ sự kiện để tìm ra quy luật. Tóm lại, cùng trông vào một sự thật khách quan, nhưng sử gia thấy được, đúc kết được những gì người thường không nhận ra. Quan niệm trên không sai, song nhiều sử gia lại đẩy nó đi quá xa. Dẫu không có cơ sở nào, hoặc dựa trên những cơ sở vô cùng mơ hồ, họ vẫn suy này diễn nọ, kết luận những điều hoang đường, cho rằng mình nắm trong tay chân lý.
K.W. Taylor dường như nằm trong số đó. Trong những công trình nghiên cứu về Việt Nam, ông luôn nhấn mạnh sự tranh chấp, xung đột vùng miền. A History of the Vietnamese là cơ hội cho ông nhắc lại lý thuyết vùng miền. Chúng tôi không thích gì báo Nhân Dân, nhưng rất tán đồng với bài của tác giả Nguyễn Đình (2015) đăng trên báo ấy, khẳng định lý thuyết này là một sự xuyên tạc lịch sử.
Với Taylor, các vùng miền Việt Nam không lúc nào không kèn cựa, gây chiến với nhau, hết Kinh (đồng bằng sông Hồng) đấu Trại (Thanh Nghệ), rồi Nam đấu Bắc. Đặc biệt, Taylor “phát hiện” ra rằng dân Kinh có xu hướng tạm gọi là “bán nước”, thích thỏa hiệp với Trung Quốc. Xin trích vài đoạn:
“Khúc Thừa Mỹ là người phía đông Giao, trung thành với đế quốc, thà chịu phục tùng thế lực cát cứ phương Bắc chứ không muốn chiến tranh. Ông xem việc đấu tranh giành tự trị là không ích lợi gì. Dương Đình Nghệ, người Thanh Hóa, sẵn sàng đấu tranh giành tự trị, nhưng chỉ dừng ở đó, chỉ cần được phương Bắc thừa nhận là quan địa phương. Song hệ quả của việc này là dân đồng bằng sông Hồng phải phục tùng các tỉnh phía nam. Đồng bằng sông Hồng bèn chống đối, và chỉ sau sáu năm, thủ lĩnh đất Phong đã giết Dương Đình Nghệ, nỗ lực gây dựng lại quan hệ chính trị mật thiết với phương Bắc.” (tr. 52)
(Chúng tôi gạch dưới những chữ muốn nhấn mạnh.)
“Chắc hẳn có mâu thuẫn giữa vua Lê, thế lực tại Thanh Hóa, và cư dân đồng bằng sông Hồng, những người đã sống 20 năm dưới quyền cai trị của nhà Minh. Hồ Quý Ly, vị vua Thanh Hóa đầu tiên, không bao giờ lấy được lòng dân vùng sông Hồng. Các sự kiện về sau cho thấy: Lê Lợi và các vua kế nhiệm chỉ làm dịu xung đột vùng miền một phần nào, chứ không xóa bỏ được.” (tr. 190)“Rất dễ hiểu khi các sử gia Việt Nam đời sau chọn cách xem cuộc chiến giữa Lê Lợi và nhà Minh như chiến tranh chống ngoại xâm. Nhưng đồng thời, đó còn là nội chiến giữa Kinh và Trại, giữa đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam, giữa những kẻ coi đế quốc phương Bắc là nguồn khai hóa và những người coi vùng biên thùy thượng du phương Nam như xứ sở tự do, thoát ngoài kỷ cương, ràng buộc. “(tr. 191 – 192)“Từ thập niên 1530, bắt đầu kỷ nguyên chinh chiến giữa người Việt với nhau, kéo dài đến tận những năm 1670. Kỷ nguyên này có hai giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất, tới cuối thế kỷ 16, là tranh chấp giữa đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía nam, dưới sự chỉ huy của các lãnh tụ Thanh Hóa. Giai đoạn thứ hai, vào thế kỷ 17…là tranh chấp giữa miền nam mới nổi và miền bắc thủ cựu.” (tr. 237)
Xem mấy đoạn trên, chúng tôi cứ ngỡ mình đang đọc những “chuyên gia suy diễn” như Lương Kim Định hay Lê Mạnh Thát. Taylor tự hào về việc sử dụng tài liệu gốc để viết lịch sử Việt Nam. Tài liệu gốc chủ yếu là các bộ quốc sử như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Tuy nhiên, có đọc mòn các bộ ấy cũng không tìm ra đoạn nào nói về xung đột vùng miền. Vậy thì Taylor dựa vào cơ sở nào để lập thuyết? Sử liệu về Khúc Thừa Mỹ và Dương Đình Nghệ rất ít, ông dựa vào đâu để xác quyết về lập trường của họ? Ông có đi ngược thời gian để thăm hỏi dân tình đời Hồ không? Sao có thể khẳng định nhân dân không theo Hồ Quý Ly vì Quý Ly người Thanh Hóa? Nếu Quý Ly không phải người Thanh Hóa, thì nhân dân sẽ bỏ qua tội tiếm ngôi nhà Trần của ông ta, và nhà Hồ sẽ không mất nước chăng? Cũng như vậy, nội chiến Trịnh – Nguyễn là do dân Nam dân Bắc ghét nhau, hay đơn thuần là xung đột giữa hai tập đoàn phong kiến?
Dĩ nhiên, Taylor hoàn toàn có quyền suy đoán, đưa ra giả thuyết. Nếu ông chỉ nêu giả thuyết, và sử dụng những từ như “có lẽ”, “dường như”, chúng tôi sẽ không có gì để nói. Đằng nào, câu nào câu nấy ông đều khẳng định, đoan chắc như đinh đóng cột. Thiếu vắng cơ sở vững vàng mà lại khẳng định, ấy là lối làm việc chủ quan, hoàn toàn không chuyên nghiệp.
Bỏ lý thuyết vùng miền sang một bên, Taylor còn thể hiện tính chủ quan trong nhiều chi tiết khác. Thí dụ, ông quả quyết: “Trương Đăng Quế, hoặc một trong những kẻ dưới quyền ông ta, đã sửa đổi hay làm giả di chiếu của Thiệu Trị, lấy Hồng Nhậm làm người kế vị thay vì Hồng Bảo” (tr. 437); rồi thì “Nguyễn Văn Tường có quan hệ tình ái với Học Phi, vợ của Tự Đức” (tr. 474).
Thật ra, dư luận về Trương Đăng Quế rất nhiều, thậm chí còn bảo ông là bố đẻ của Tự Đức, song tất cả đều là “conspiracy theories”, không có chứng thực. Quan hệ của Văn Tường và Học Phi cũng là đồn đại mà thôi. Có thể nêu ra những chi tiết ấy, nhưng không thể khẳng định như Taylor đã làm.
Hãy thử đặt sự chủ quan của Taylor bên cạnh thái độ thận trọng của giáo sư Hà Văn Tấn, chẳng hạn. Chính sử Việt Nam đều chép chuyện Đinh Liễn (con của Đinh Tiên Hoàng) giết em là Hạng Lang. Năm 1987, các nhà khảo cổ tìm được bia cổ ở Hoa Lư khắc lời Đinh Liễn thuật chuyện giết em trai, nhưng tên người em lại được ghi là Đính Noa Tăng Noa. So sánh sử liệu, có thể gần như chắc chắn Đính Noa Tăng Noa là Hạng Lang. Nhưng “gần như” chưa phải 100%, nên giáo sư Tấn (1995, tr. 53) vẫn viết:
“Đính Noa Tăng Noa có phải Hạng Lang chăng? Cần lưu ý rằng trong tiếng Hán, chữ Đính và chữ Hạng viết gần giống với nhau. Nếu Đính Noa Tăng Noa và Hạng Lang là một người thì văn bia Hoa Lư hẳn được khắc vào năm 979, khoảng giữa mùa xuân, lúc Hạng Lang bị giết, và tháng mười, khi Đinh Liễn bị ám sát.”
Sử gia chân chính làm việc nghiêm cẩn như vậy!
3. Các Lỗi Sơ Đẳng, Người Nọ Xọ Người Kia
(a) Phạm Ngọc Thảo là thủ lĩnh Thanh Niên Tiền Phong?
“Mùa xuân 1945, phong trào thanh niên thể thao của chế độ Vichy tại Nam Kỳ được cải tổ thành một lực lượng bán quân sự, do Nhật Bản bảo trợ. Lực lượng này tên là Thanh Niên Tiền Phong, dẫn dắt bởi Phạm Ngọc Thảo (1909 – 1968) … Khoảng tháng 9 – 1945, Phạm Ngọc Thảo là thành viên bí mật của Đảng Cộng Sản Đông Dương, Thanh Niên Tiền Phong theo đó cũng trở thành nhân tố quan trọng của Việt Minh miền nam.” (tr. 538)
Ở đây, Taylor sai lầm một cách hài hước, nhầm lẫn giữa bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, sau này là bộ trưởng y tế Bắc Việt, với tình báo viên Phạm Ngọc Thảo, đại tá, cựu tỉnh trưởng Kiến Hòa. Người Việt không cần phải sử gia, chỉ cần hiểu biết một chút, cũng biết hai người này hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi nghĩ Taylor chỉ nhất thời nhớ sai, chứ không phải không phân biệt được Ngọc Thảo và Ngọc Thạch. Dù sao đi nữa, sai sót này nói lên hai điều về ông: (1) không thật vững về lịch sử hiện đại Việt Nam, (2) thiếu thận trọng, không kiểm lại tư liệu trước khi viết.
(b) Viên Chiếu thiền sư đi theo cộng sản?
“Viên Chiếu (1898 – 1974) tham gia cuộc vận động đòi ân xá Phan Bội Châu và diễu hành để tang Phan Chu Trinh vào những năm 1925 – 1926 … Viên Chiếu cho rằng Phật giáo vốn vô thần và linh hồn con người không bất diệt … Dù Viên Chiếu được xem như nhân vật nổi bật nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, vào cuối thập niên 1930, ông và nhiều nhà sư khác bỏ đạo để đi theo cộng sản.” (tr. 522)
Một sai lầm hài hước không kém. “Viên Chiếu” là nhân vật duy nhất được nhắc đến khi Taylor giới thiệu phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Quả thật, trong lịch sử Việt Nam có Viên Chiếu thiền sư, song ngài sống vào đời … nhà Lý, còn người Taylor muốn nói thật ra là Thiện Chiếu. Vả lại, dù viết đúng tên Thiện Chiếu thì Taylor vẫn sai, vì sư Thiện Chiếu chắc chắn không “nổi bật nhất” trong Phật giáo chấn hưng, và tư tưởng “quá khích” của sư hầu như chẳng gây được ảnh hưởng gì lên nền Phật học Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đề cao Thiện Chiếu chẳng qua vì sư là người cộng sản mà thôi.
(c) Nhan đề Truyện Kiều là Kim Vân Kiều?
“Tác phẩm này … được tương đối nhiều độc giả Anh ngữ biết đến dưới cái tên The Tale of Kieu (tên tiếng Việt là Kim Vân Kiều).” (tr. 404)
Một bằng chứng nữa cho thấy Taylor không thật sự hiểu Việt Nam. Ngay một học sinh bình thường ở Việt Nam cũng được học rằng tên gốc truyện Kiều không phải Kim Vân Kiều. Kim Vân Kiều là tên truyện Tàu, còn Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình là Đoạn Trường Tân Thanh. Đối với đông đảo quần chúng, Truyện Kiều chỉ đơn giản là…Truyện Kiều.
(d) Lê Quý Đôn xấu xa toàn diện?
“Lê Quý Đôn là người học tương đối rộng, có thể vì thế mà được Trịnh Doanh tin dùng. Ông cũng khéo đánh bóng bản thân, không bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ những kẻ mang nợ mình thăng tiến. Những ai ông không thích thì ông đì cho sự nghiệp trật đường rày…Ông làm chuyện nực cười là giả bộ tự phê để ca ngợi bản thân, quá lố đến nỗi bị Trịnh Doanh cho về hưu sớm.” (tr. 362)“Trịnh Sâm gọi Lê Quý Đôn trở lại làm việc, rồi trong mười lăm năm sau đó, Lê Quý Đôn và Ngô Thì Sĩ nổi bật trong nhóm quan chức thân thiết với bọn thái giám, ra vẻ duy trì một ít trật tự quốc gia, trong khi chăm chú chiều ý Trịnh Sâm và làm đầy túi chính mình.” (tr. 363)“Của cải có được do tham nhũng và ăn của đút, Lê Quý Đôn nộp một phần cho Trịnh Sâm, do đó mà ngày càng được Sâm tin yêu. Năm 1771, Lê Quý Đôn làm việc trong Ngự Sử Đài, ve vãn các thái giám gần gũi với Trịnh Sâm, bằng cách cho giao chúng quyền giám sát giới quan lại. Ông len vào làm quen với Phạm Huy Định, hoạn quan được chúa sủng ái. Cả hai cùng âm mưu những chuyện đồi bại. Có được địa vị “miễn nhiễm” do liên minh với thái giám, Lê Quý Đôn dùng nó để trừng phạt những ai thân cận với vua Lê. “(tr. 363- 364)“Lê Quý Đôn và người con trai tai tiếng của mình trở nên nổi danh vì tham nhũng … Năm 1779, Đôn bị một phen xấu hổ: Thổ tù vùng thượng du phía bắc nổi lên gây loạn vì hành động sách nhiễu của ông. Thực tế là một phần lớn tài sản của Trịnh Sâm đến từ những quan chức tham nhũng như Lê Quý Đôn.” (tr. 372)
Một điểm chúng tôi không thích ở nhiều sách báo Việt Nam (phe nào cũng vậy) là cách viết một chiều: Hễ khen ai thì khen ngất ngây, chê ai thì xem như người đó không còn gì tốt. Đọc sách vở hiện đại viết về Lê Quý Đôn, chúng tôi bất mãn khi ai cũng chỉ khen, che giấu hết những khuyết điểm của ông chép trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Đọc sách của Taylor cũng bất mãn, nhưng vì lý do ngược lại: Taylor không nói tốt cho Lê Quý Đôn được một câu! Chỉ có câu “Lê Quý Đôn … học tương đối rộng” là hơi tích cực. Nhưng nếu học vấn của Lê Quý Đôn mà chỉ “tương đối rộng” thôi, thì phần của lại của học giới Việt Nam như thế nào? Đều là dốt nát, không đáng lọt mắt Taylor chăng?
Chúng tôi không phản đối những gì Taylor viết về Lê Quý Đôn, song đó chỉ là một nửa sự thật. Đánh giá một con người, cần đánh giá toàn diện. Lê Quý Đôn có thể vừa là nhà bác học thiên tài, vừa là một ông quan tham nhũng, biển lận, điều ấy không có gì mâu thuẫn.
(e) Trần Thủ Độ là em ruột Trần Thừa và Trần Tự Khánh?
“Trần Lý có ba con trai lớn tài giỏi: Trần Thừa, Trần Tự Khánh, và Trần Thủ Độ…” (tr. 103)“Đoàn Thượng chẳng thể làm gì, vì Trần Thủ Độ, người em thứ ba của họ Trần, vừa phá tan tỉnh nhà của ông là xứ Hồng.” (tr. 105)“Năm 1223, Trần Tự Khánh chết. Em trai ông là Trần Thủ Độ liền tiến lên.” (tr. 109)
Không hiểu Taylor theo tài liệu nào để viết như trên? Chính sử Việt Nam tất thảy đều nói chỉ có Trần Thừa và Trần Tự Khánh là con trai Trần Lý. Trần Thủ Độ chỉ là em họ.
(f) Trần Tiễn Thành tham gia giết vua Dục Đức?
“Dục Đức làm vua được ba ngày thì bị ba vị phụ chính bỏ ngục rồi giết đi. Không thật rõ nguyên nhân nào dẫn đến việc thí quân, chắc có vấn đề gì đó xảy ra giữa Dục Đức và các phụ chính, khiến họ quyết định khử ông. Có thể, vị vua 31 tuổi đã nói thẳng mình không muốn bị ba lão già giám hộ, còn các phụ chính thì không muốn giao lại quyền lực…” (tr. 474)
Viết như trên, Taylor khẳng định cả ba phụ chính đều đồng mưu giết vua. Trên thực tế, chỉ có Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường làm việc thí nghịch. Trần Tiễn Thành vì không hùa theo nên bị bức bách, về sau cũng bị hại.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu. Trong sách còn nhiều chỗ sai khác, nhỏ hơn, như trang 112 nói vợ Trần Hưng Đạo là chị em cùng cha khác mẹ với ngài (thực ra Khâm Định Việt Sử ghi là cô ruột, có người nói là em họ), trang 529 – 530 nói Hồ Học Lãm là sỹ quan cấp tướng trong quân đội Quốc Dân Đảng (thực ra là cấp tá), trang 466 nói Huỳnh Tịnh Của có mặt trong sứ đoàn Phan Thanh Giản đi Tây (thật ra không) … Trong khuôn khổ bài viết không thể kể hết.
4. Đầu Voi Đuôi Chuột
Cảm nhận cuối cùng của chúng tôi về A History of the Vietnamese: Cuốn sách mang một vẻ đầu voi đuôi chuột. Thường thì các sách thông sử hay viết sơ lược về cổ sử, chi tiết về sử hiện đại. Sử của Taylor lại ngược hẳn: Phần đầu tương đối chi tiết, phần cận – hiện đại khá sơ sài. Có cảm giác tác giả càng viết càng đuối, càng về cuối càng viết quấy quá cho xong để làm việc khác. Khó tin, nhưng trong tác phẩm gần 700 trang, “đại thắng mùa xuân” năm 1975 chỉ được tóm gọn trong … một câu: “Đầu năm 1975, tin rằng Mỹ sẽ không trở lại, lãnh đạo Bắc Việt phát động chiến dịch tấn công, chỉ trong hai tháng đã giành thắng lợi hoàn toàn (tr. 613).” Lịch sử Việt Nam từ 1975 đến nay thì được trình bày không thể vắn tắt hơn trong vài trang, từ 614 đến 618.
Cách viết vội như trên chỉ làm giảm giá trị tác phẩm. Quý hồ tinh bất quý hồ đa; Taylor bỏ quách phần hiện đại đi, chỉ tập trung vào cổ sử, cuốn sách có khi còn sáng giá hơn. Tuy nhiên, như đã bàn, ngay cả với cổ sử, sử quan của ông cũng chủ quan, theo chúng tôi thì có nhiều vấn đề. Các sử gia Việt Nam chân chính có lẽ phải nỗ lực hơn nữa, bởi không ai thay thế được các vị. Chúng tôi mong rồi đây, các vị sẽ cho ra đời những pho sử thật tinh túy bằng Anh ngữ, để độc giả quốc tế có thể hiểu đúng về Việt Nam, thay vì phải đọc sách của “Tây” rồi mang theo cái nhìn méo mó. Đương nhiên, nếu sau này có tác giả ngoại quốc nào thấu hiểu được cái hồn Việt Nam, khiến chúng tôi phải thay đổi quan điểm, việc ấy lại càng quý lắm vậy.
Nguyễn Minh
Nhà giáo, Adelaide, Australia
Thư Mục
Buttinger, J 1958, The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam, New York: Praeger.
Buttinger, J 1967, Vietnam: A Dragon Embattled, New York: Praeger.
Duiker, WJ 2000, Ho Chi Minh, Crows Nest, NSW: Allen & Unwin.
Hà, Văn Tấn 1995, ‘Inscriptions from the Tenth to Fourteenth Centuries Recently Discovered in Việt Nam’, trong KW Taylor & JK Whitmore (cb), Essays into Vietnamese Pasts, New York: Southeast Asia Program, Cornell University.
Ngô, Sĩ Liên et al 1993, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, dịch bởi Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội (năm soạn: c. 1272 – 1697).
Nguyễn, Đình 2015, Nhân Danh Lịch Sử Để Xuyên Tạc Lịch Sử Việt Nam, truy cập lần cuối ngày 29/1/2017, <http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/27897102-nhan-danh-lich-su-de-xuyen-tac-lich-su-viet-nam-tiep-theo-va-het.html
Quốc Sử Quán Triều Nguyễn 1998, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, dịch bởi Viện Sử Học, Hà Nội: NXB Giáo Dục (năm soạn: c. 1856 – 1881).
Taylor, KW 1983, The Birth of Vietnam, Berkeley: University of California Press.
Taylor, KW 1995, ‘Voices Within and Without: Tales from Stone and Paper about Đỗ Anh Vũ (1114 – 1159)’, trong KW Taylor & JK Whitmore (cb), Essays into Vietnamese Pasts, New York: Southeast Asia Program, Cornell University.
Taylor, KW 2013, A History of the Vietnamese, New York: Cambridge University Press
http://www.viet-studies.net/NguyenMinh_DocKeithTaylor.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.