Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/12/2016

Tiếng nói khác nhau về di sản UNESCO


Đầu tiên là một bài của Tô Lông.

Nếu có bài khác của người khác thì sẽ bổ sung dưới đó sau.

Tô Lông suy nghĩ thế này, mới là đáng chú ý:

"

Trong thực tế, khác với khẳng định của bài viết, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ hoàn toàn không có dính dáng, liên hệ gì với tín ngưỡng thờ các nhân vật nữ khác, như Liễu Hạnh, Vương mẫu, Âu Cơ, mẫu Linh Sơn… Tín ngưỡng Tam phủ là một hệ thống khép kín, trong đó chỉ có ba vị nữ thần được công nhận, đại diện cho ba lực lượng tự nhiên là Trời, Nước và Rừng. Ba hình tượng này được xây dựng dựa trên một vũ trụ quan riêng, trùng khớp với lối phân chia thế giới thành Trời, Nước và Rừng của người Tráng ở phía Nam Trung Quốc. Trong khi đó, các đối tượng “mẫu” mà ông Thịnh kể vốn có xuất xứ khác hoàn toàn về mặt địa lý và lịch sử. Thêm vào đó, cần lưu ý rằng cho đến tận ngày nay, hoạt động tín ngưỡng xoay quanh các đối tượng này vẫn mang nặng màu sắc của tín ngưỡng thờ thổ địa, thành hoàng địa phương, vì chỉ bao gồm các thần tích có tính lịch sử và việc cúng bái để cầu xin lợi ích vật chất đơn thuần, chứ không có bất cứ một vết tích nào của những ý niệm về sự phát triển tinh thần và một vũ trụ quan. 

"

Dưới là toàn văn.

---

ca-si-9
Ngày 1/12/2016 vừa qua, báo Thể thao & Văn hóa Online đưa tin Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Sau đó, chủ đề này cũng tiếp tục xuất hiện lặp đi lặp lại trên báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết và cẩu thả trong việc đưa tin, báo giới đang đồng loạt đánh đồng các hoạt động hầu đồng nói chung với tín ngưỡng Tam phủ đặc thù vừa được UNESCO công nhận. Sự ngộ nhận này, nếu được đẩy thành một ngộ nhận chung của cộng đồng thông qua báo chí, sẽ để lại những hệ lụy rất tai hại cho trật tự trị an của xã hội và đời sống tinh thần của người dân.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích nguyên nhân của ngộ nhận này và chỉ ra những hệ lụy của nó. Phần cuối bài là một gợi ý về phương thức quản lý, sao cho các cơ quan chức năng có thể tận dụng tối đa việc cấp công nhận của UNESCO để quản lý các hoạt động tín ngưỡng liên quan đến hầu đồng, sao cho không để các biến tướng nguy hại có cơ hội lan rộng hoặc phát sinh.
  1. Vì sao các hoạt động đồng cốt nói chung đang bị lập lờ đánh đồng với tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ?
Ngay trong bài viết trên báo Thể thao & Văn hóa Online, phần title hiện lên trên tab, title khi đăng trên Facebook,  và tên của bài viết trong trang nội dung vốn không trùng nhau.
Trong khi title trên tab và trên Facebook khẳng định rằng đối tượng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là hoạt động “hầu đồng”, thì trong phần nội dung, tên bài lại khẳng định rằng tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ mới là đối tượng được công nhận. Chi tiết này cho thấy lúc đầu, chính phóng viên báo Thể thao & Văn hóa đã đánh đồng “tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ” và “hầu đồng” với nhau. Sau đó, trong khâu biên tập, tên bài trong phần nội dung được sửa lại, nhưng title trên tab và trên Facebook vẫn được bảo toàn vì lý do kĩ thuật.
Tuy nhiên, sự đính chính âm thầm này cũng đã là quá muộn. Nhầm lẫn của báo Thể thao & Văn hóa Online đã nhanh chóng lan truyền thông qua các tờ báo điện tử khác, vốn cẩu thả hơn về khâu biên tập và lá cải hơn về nội dung. Chẳng hạn, trên báo Một Thế Giới có bài Nghệ sĩ nói gì khi Hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể, trong đó cây bút Dạ Thảo quảng cáo nhiệt thành cho hầu đồng và sáu nghệ sĩ hài đi hầu đồng, mà không chịu nói rõ giữa trò hầu đồng và giới nghệ sĩ có liên quan gì với nhau.
Quay lại với nội dung đăng trên Thể thao & Văn hóa Online, có thể thấy người viết có ý gán ghép tín ngưỡng Tam phủ với các sinh hoạt “hầu đồng”, khi đưa ra thông tin không đầy đủ rằng hầu đồng là “hình thức diễn xướng chính” của tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ. Đây là một hiểu lầm lớn, dẫn đến những hiểu lầm nghiêm trọng khác của người viết bài và độc giả tờ báo. Trong thực tế của việc thực hành tín ngưỡng, các mẫu Tam phủ, gồm mẫu Thượng Thiên, mẫu Thượng Ngàn và mẫu Thượng Thủy, là ba đối tượng rất hiếm khi xuống giá đồng. Trong sinh hoạt hầu đồng ở Việt Nam, hiện tượng xuống giá đồng chủ yếu diễn ra với những đối tượng quỷ thần địa phương, như các loại cô, cậu, ông hoàng…, thay vì mẫu. Các đối tượng này đôi lúc ăn theo tín ngưỡng thờ Tam phủ dưới dạng người hầu được thờ chung ban với các Mẫu, rồi dựa vào đó mà lan truyền trong dân gian, nhưng chưa bao giờ có được sự công nhận trong các đền thờ chính của tín ngưỡng Tam phủ thật.
Khi diễn dịch phần trả lời phỏng vấn của Gs. Ngô Đức Thịnh, người viết bài cũng mắc phải một hiểu lầm nghiêm trọng khác. Trong thực tế, khác với khẳng định của bài viết, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ hoàn toàn không có dính dáng, liên hệ gì với tín ngưỡng thờ các nhân vật nữ khác, như Liễu Hạnh, Vương mẫu, Âu Cơ, mẫu Linh Sơn… Tín ngưỡng Tam phủ là một hệ thống khép kín, trong đó chỉ có ba vị nữ thần được công nhận,  đại diện cho ba lực lượng tự nhiên là Trời, Nước và Rừng. Ba hình tượng này được xây dựng dựa trên một vũ trụ quan riêng, trùng khớp với lối phân chia thế giới thành Trời, Nước và Rừng của người Tráng ở phía Nam Trung Quốc. Trong khi đó, các đối tượng “mẫu” mà ông Thịnh kể vốn có xuất xứ khác hoàn toàn về mặt địa lý và lịch sử. Thêm vào đó, cần lưu ý rằng cho đến tận ngày nay, hoạt động tín ngưỡng xoay quanh các đối tượng này vẫn mang nặng màu sắc của tín ngưỡng thờ thổ địa, thành hoàng địa phương, vì chỉ bao gồm các thần tích có tính lịch sử và việc cúng bái để cầu xin lợi ích vật chất đơn thuần, chứ không có bất cứ một vết tích nào của những ý niệm về sự phát triển tinh thần và một vũ trụ quan. Những đối tượng này được dân gian thờ chung cùng một đền với các mẫu Tam phủ, bên cạnh bàn thờ của đủ các gương mặt trong Phật, Lão và Nho, chủ yếu vì dân gian thừa sợ sệt và thiếu hiểu biết. Việc lẫn lộn tín ngưỡng Tam phủ với hầu đồng cũng bắt nguồn từ đây.
  1. Những nguy cơ phát sinh từ sự nhầm lẫn
Trong khi tín ngưỡng Tam phủ là một truyền thống có nguồn gốc tinh thần lành mạnh, gắn liền với việc tôn trọng và bảo vệ môi trường thiên nhiên, thì trong môi trường sinh hoạt tín ngưỡng hỗn loạn, ô hợp ở Việt Nam hiện nay, các hoạt động thờ cúng khác liên quan đến hầu đồng thường chỉ xoay quanh việc xin xỏ lợi ích vật chất đơn thuần, và đều mang màu sắc vụ lợi, chộp giật, mê tín. Trái với tín ngưỡng Tam phủ đích thực, những hoạt động cầu đảo như vậy chỉ làm suy thoái, chứ không hề giúp phát triển đời sống tinh thần. Nơi nào những đồng cô bóng cậu lợi dụng hầu đồng để kiếm chác nổi lên, nơi đó môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, trật tự xã hội bị rối loạn. Trong thực tế, những hoạt động này thường xuyên làm phát sinh, hoặc trở thành bình phong dung dưỡng những hành vi vi phạm pháp luật của cư dân địa phương.
Chẳng hạn, để xin số đề từ ông Hoàng Bảy, có người còn phải cúng đến cả thuốc phiện, hoặc hàng năm phải đốt cả vài tỷ để hầu giá đồng cầu mong ông phù hộ cho công việc làm ăn được xuôi chèo mát mái.
Không chỉ dừng lại ở một trường hợp cá biệt, hầu đồng và những biến tướng của nó thật sự không còn là hiện tượng quá mới mẻ đối với cộng đồng. Loạt phóng sự Hầu đồng và những biến tướng đăng dài kỳ trên Tâm Sự Gia Đình đã vạch ra những mặt tiêu cực, hạn chế của hầu đồng trong giai đoạn hiện nay. Đó là từ việc có những con nhang đệ tử vung đến hàng trăm triệu, thậm chí đến hàng tỷ để thực hiện một giá đồng; lợi dụng hầu đồng để trục lợi cá nhân bất chấp nhân phẩm, đạo đức nghề nghiệp; cho đến nhận hậu quả “nhà tan cửa nát” sau khi đổ một đống tiền để xin Thánh mà Thánh vẫn lặng thinh; lên giá đồng để thể hiện “đẳng cấp” của giới 9x; hay các ông đồng bà cốt dọa nạt con nhang nếu không mở phủ sẽ bị “thánh vật”; biến tướng nhất là có nhiều người đồng tính tìm đến chiếu đồng chỉ để kiếm “bạn”,…
Trong lịch sử, các hoạt động tín ngưỡng mang màu sắc bói toán, cầu đảo vẫn thường xuyên bị lợi dụng để gây ra các biến cố chính trị gắn liền với sự phá hoại của đám đông, khiến xã hội lâm vào tình trạng loạn lạc và sụp đổ. Chính sự bùng phát của “giặc cờ vàng” – một giáo phái bắt nguồn từ tín ngưỡng phù thủy ở vùng núi Tứ Xuyên, đặc trưng bởi các hoạt động chữa bệnh bằng bùa phép và nhảy múa lên đồng – đã là biến cố trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Hán kéo dài hơn 400 năm, và gây ra thời kì nội chiến kéo dài hàng trăm năm ở Trung Quốc. Ở miền Nam Việt Nam, các giáo phái xuất phát từ đồng cốt, cầu cơ như Hòa Hảo và Cao Đài đã từng phát triển thành những lực lượng chính trị vũ trang cát cứ, tạo nên các lãnh địa ngoài vòng pháp luật dung dưỡng giặc cướp và gián điệp, khiến chính quyền Ngô Đình Diệm phải chật vật đánh dẹp mất nhiều năm. Gần đây, vụ “hội đồng công luật công án Bia Sơn” cho thấy nguy cơ hỗn loạn xã hội từ những giáo phái kiểu này vẫn luôn tiềm tàng.
  1. Một cơ hội để định rõ vàng thau
Việc UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ là di sản văn hóa thế giới mang lại cả thách thức lớn lẫn cơ hội lớn cho các cơ quan quản lý.
Nếu để một báo giới thiếu hiểu biết tiếp tục đánh đồng những sinh hoạt đồng cốt mê tín, nông cạn và vụ lợi với tín ngưỡng tam phủ vừa được công nhận bởi UNESCO, toàn xã hội sẽ nhanh chóng rơi vào ngộ nhận rằng mọi hoạt động đồng bóng đều hợp pháp, có văn hóa và được khuyến khích. Khi đó, những hoạt động đồng cốt này sẽ nhanh chóng lan tràn trong xã hội với mọi mối nguy tiềm ẩn kể trên.
Nhưng nếu cơ quan quản lý phối hợp tốt với UNESCO và các nhà nghiên cứu có đủ trình độ, tư cách, để phân định rõ đâu là những sinh hoạt hầu đồng mang màu sắc mê tín, vụ lợi và làm rối loạn trật tự an ninh – thứ cần được xử lý theo quy định của pháp luật – đâu là di sản tín ngưỡng Tam phủ mà UNESCO đã thừa nhận để bảo tồn, thì xã hội sẽ tránh được tình trạng lẫn lộn vàng thau, đảo lộn dép mũ.
Tô Lông

http://bookhunterclub.com/lan-lon-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-voi-hau-dong-nguyen-nhan-nguy-co-va-giai-phap/



---

BỔ SUNG


.

3. Tạp chí Cộng sản đăng bài từ cuối năm 2015



Một số vấn đề trong tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta
17/11/2015 23:17'Gửi bài nàyIn bài này

Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian, tạo thành nét đặc sắc trong nền văn hóa dân tộc. Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu, loại hình tín ngưỡng dân gian gắn với sự tôn sùng, thờ cúng những nữ thần, có vị trí hết sức đặc biệt. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, cùng với những tác động của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành lớp tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ tương đối thống nhất và hệ thống, đồng thời, có nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc (như nghi lễ hát văn - hầu đồng, các lễ hội tín ngưỡng,…), thu hút đông đảo quần chúng nhân dân.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có thể thấy một kho tàng văn học dân gian đa dạng, phong phú, với những loại hình như văn chầu, truyền thuyết, thơ, câu đối,… Cho đến nay, mặc dù số lượng và chất lượng của mảng văn học này vẫn chưa được khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ, nhưng giá trị tâm linh và giá trị văn học của nó là không thể phủ nhận. Tín ngưỡng này còn hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật cổ và nghệ thuật dân gian. Chẳng hạn, có thể thấy bóng dáng của nghệ thuật kiến trúc cổ thông qua các công trình đền, điện, phủ với lối bài trí, các hoa văn, những bức tượng được chạm, khắc tinh tế; nghệ thuật sân khấu dân gian cổ qua nghi lễ hát văn - hầu đồng, một hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc, được tổng hợp từ rất nhiều yếu tố: âm nhạc, ca từ, vũ đạo mô phỏng,… Ngoài ra, có thể thấy được nhiều nét đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, tính cộng đồng, tình đoàn kết,… Và đặc biệt, còn thấy được mong ước về cuộc sống no ấm, hạnh phúc của nhân dân ta từ bao đời. Do đó, việc tuyên truyền những giá trị văn hóa của tín ngưỡng này là một việc làm cần thiết và quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, trong công tác quản lý hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, việc tuyên truyền chủ yếu là nhằm: 1- Góp phần thực hiện và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; 2- Bảo đảm các hoạt động tín ngưỡng tuân thủ các quy định của pháp luật; 3- Phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực trong các hoạt động tín ngưỡng; 4- Góp phần tăng cường vai trò của Nhà nước trong điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói chung.
Có thể thấy, việc tuyên truyền nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn chưa thật sự được chú trọng, chưa đáp ứng được yêu cầu giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong bản thân tín ngưỡng này.
Qua nghiên cứu thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể thấy, thời gian qua, một số nội dung tuyên truyền về hoạt động tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, được lồng ghép vào các nội dung tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trên địa bàn, cụ thể là các phong trào, cuộc vận động như: “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,… Theo số liệu khảo sát mà chúng tôi tiến hành vào năm 2013, với 100 phiếu hỏi, có trên 70% số người được hỏi khẳng định đã từng đến các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ; 55% số người được hỏi trả lời là có người thân trong gia đình hoặc bản thân họ thường xuyên tham gia các hoạt động của tín ngưỡng này; thế nhưng, có tới 41% số người được hỏi trả lời sai, hoặc không biết đến ngay cả vị thần chủ của tín ngưỡng này. Điều này cho thấy, mặc dù người dân rất quan tâm đến tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng nhận thức của họ về tín ngưỡng này vẫn còn rất hạn chế.
Qua trao đổi với một số cán bộ hiện tham gia công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu ở thành phố Hà Nội, hầu hết đều khẳng định những giá trị tốt đẹp cũng như sức hút mạnh mẽ của tín ngưỡng này đối với nhân dân thành phố, nhưng họ cũng chỉ ra nguy cơ lợi dụng các sinh hoạt tín ngưỡng để hoạt động mê tín, dị đoan hòng trục lợi,… dẫn đến những đánh giá thiếu thiện chí, làm sai lệch những giá trị văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng.
Hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng nói chung, hoạt động tuyên truyền trên lĩnh vực này nói riêng, chủ yếu thuộc về ngành văn hóa các cấp. Trong quá trình triển khai, ngành văn hóa đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, như cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, lực lượng an ninh văn hóa; bên cạnh đó, còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân trên địa bàn ở các địa phương. Ngày 28-10-2013, Ban Tôn giáo Chính phủ chính thức có Công văn số 995/TGCP-TGK, về hoạt động thờ Mẫu, trong đó nêu rõ: Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm một số vấn đề sau: Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn và quản lý các hoạt động nghiên cứu về thờ Mẫu, nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của thờ Mẫu. Đồng thời, có các biện pháp ngăn chặn, xử lý những hoạt động mê tín, dị đoan, trục lợi trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và xây dựng các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Căn cứ Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn người đại diện hoặc ban quản lý kiện toàn công tác quản lý các cơ sở tín ngưỡng nói chung và thờ Mẫu nói riêng; gửi bản thông báo các hoạt động tín ngưỡng dự kiến vào năm sau tại cơ sở tín ngưỡng đến ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Văn bản này đang được đưa vào triển khai thực hiện, qua đó, sẽ góp phần quy định rõ hơn về sự tham gia của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tại thành phố Hà Nội, một trong những nơi mà hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu diễn ra sôi nổi, việc tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng này thời gian qua có vai trò không nhỏ của các tổ chức xã hội trên địa bàn, tiêu biểu như Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội và Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội trực thuộc Hội, Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam,... Đối với nghi lễ hát văn - hầu đồng, nghi lễ quan trọng bậc nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhiều hoạt động sân khấu, nghệ thuật nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nghi lễ này được tạo điều kiện tổ chức, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Việc sân khấu hóa nghi lễ hầu đồng cũng được tiến hành và phổ biến ở trên sân khấu của Nhà hát chèo Việt Nam, Nhà hát chèo Hà Nội,… góp phần đưa hình thức sinh hoạt tín ngưỡng này vượt ra khỏi các điện thờ, đến với nhiều đối tượng người dân hơn. Tuy nhiên, để các hoạt động đó đi vào nền nếp, có chiều sâu và đạt hiệu quả trong tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng này, cần có sự quan tâm, quy hoạch một cách tổng thể, có sự đổi mới tư duy nhất quán.
Có thể nói, việc tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay đang đặt ra một số vấn đề cơ bản là:
Thứ nhất, việc tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu còn mang tính tự phát, thiếu định hướng, các phương thức tuyên truyền đạt hiệu quả thấp.
Ngày 30-6-2015, trên trang tìm kiếm Google, nếu gõ từ khóa “hầu đồng”, sẽ cho ra khoảng 1.140.000 kết quả tìm kiếm; với từ khóa “hầu đồng biến tướng”, sẽ thu được 17.900.000 kết quả tìm kiếm (con số này vào năm 2013 là khoảng 6.760.000). Từ những con số này, có thể thấy, một mặt, sự quan tâm của dư luận xã hội đối với tín ngưỡng thờ Mẫu; mặt khác, dường như nhiều phương tiện truyền thông đang đưa tin thiếu định hướng về những giá trị cơ bản của tín ngưỡng này,vô tình tập trung và làm nổi lên những hiện tượng “biến tướng” - vốn không phải là bản chất của các hoạt động tín ngưỡng.
Trong thời gian gần đây, mặc dù nhiều cơ quan thông tấn, báo chí có những bài báo, phóng sự phản ánh tương đối toàn diện về tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là về nghi lễ hát văn - hầu đồng, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc, nhưng nội dung nhiều bài báo, phóng sự chưa sâu sắc, hình thức thể hiện chưa thật hấp dẫn, trong khi những thông tin một chiều, phiến diện, phủ nhận các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu lại xuất hiện ồ ạt, đến mức hình thành nên những “ác cảm”, thiếu thiện chí của dư luận đối với tín ngưỡng này.
Phương pháp, cách thức tuyên truyền trong quản lý hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu vẫn mang tính hành chính, như gửi văn bản, hướng dẫn về các nội dung có liên quan. Các hình thức tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu thời gian qua mặc dù tương đối phong phú, thông qua các phương tiện truyền thông, các hoạt động sân khấu, nghệ thuật,… nhưng nhìn chung, còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch và quản lý tổng thể. Ở các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu hết đều có những bảng giới thiệu về lịch sử của nơi thờ tự và Thánh tích, nhưng cách tuyên truyền này được rất ít người dân quan tâm.
Như vậy, để thu hút được sự quan tâm, chú ý của người dân, nâng cao nhận thức cho họ về các giá trị của tín ngưỡng, các nhà quản lý cần phải tìm ra được những biện pháp thiết thực, phù hợp với tâm lý của họ, trước hết là với những người vốn có sẵn mối thiện cảm đối với tín ngưỡng này.
Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu còn chưa rõ ràng, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu.
Như đã nói ở trên, hiện nay, ngành văn hóa vẫn là cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng lĩnh vực chủ yếu mà ngành quản lý vẫn chỉ ở mảng lễ hội tín ngưỡng và các di tích. Đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, chính những nơi dễ phát sinh tiêu cực trong hoạt động, làm sai lệch những giá trị văn hóa của nó lại chưa được quản lý (như ở các đền, điện tư nhân). Trong việc phối hợp quản lý và tuyên truyền của ban tôn giáo các cấp, chưa có quy định đầy đủ về cơ chế phối hợp và nội dung tuyên truyền,…
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các địa phương còn mỏng, đặc biệt là cán bộ chuyên trách. Trong lĩnh vực quản lý hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, ở nhiều nơi, hiểu biết của họ về tín ngưỡng này vẫn còn hạn chế, nên việc tuyên truyền về các giá trị văn hóa của nó chưa cao. Thêm vào đó, lĩnh vực theo dõi của họ chủ yếu là các hoạt động lễ hội tín ngưỡng và hoạt động hằng năm của các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng được xếp hạng di tích, cho nên chưa bao quát được hết các hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn.
Thứ ba, những khó khăn do các đặc điểm tín ngưỡng và đặc điểm tâm lý của đội ngũ thực hành tín ngưỡng.
Cũng như bất cứ tín ngưỡng, tôn giáo nào khác, tín ngưỡng thờ Mẫu mặc dù có những giá trị đặc sắc về đạo đức và văn hóa, nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển đã nảy sinh những hiện tượng đi ngược lại với bản chất tốt đẹp của mình. Quá trình thực hành nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu lại chủ yếu được lưu truyền dân gian, truyền miệng từ người này sang người khác, hoặc nhiều khi từ các “con nhang”, “đệ tử” chạy theo “phong trào” mà chưa hiểu hết các bước nghi lễ, thủ tục, làm giảm giá trị văn hóa ban đầu của nó. Một số hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu mang tính thương mại hóa, với mục đích trục lợi kinh tế. Sự nhiễu loạn, biến tướng trong các nghi lễ của tín ngưỡng này đang là một thực tế phức tạp, làm xói mòn những giá trị tốt đẹp của nó.
Để việc tuyên truyền được đồng bộ, nhất quán, yêu cầu đặt ra là phải có một hệ thống các tiêu chí cụ thể để “làm chuẩn” trong hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng do đặc điểm lưu truyền dân gian nên điều này là rất khó khăn. Ngay như trong nghi lễ hầu đồng, việc phân định rạch ròi thế nào là “hầu đồng văn hóa”, thế nào là “hầu đồng biến tướng”, không chỉ các nhà quản lý, mà cả các nhà khoa học và những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng cũng không thể đưa ra những số liệu nhất quán để làm tiêu chí. Trong văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu là Nghị định số 75/NĐ-CP, ngày 12-7-2010, của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó có quy định “không đốt vàng mã quá nhiều”, nhưng “nhiều” là bao nhiêu, “nhiều” đến mức nào thì bị xử lý vi phạm,… không phải là câu hỏi dễ trả lời.
Bên cạnh đó, bản thân đội ngũ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có những nét tâm lý rất riêng. Họ có niềm tin tín ngưỡng mãnh liệt, rất nhiệt tâm và số đông chịu ảnh hưởng lớn từ việc “bắc ghế hầu Thánh”. Họ thường có xu hướng bảo thủ trong các vấn đề tín ngưỡng, giàu cảm xúc và dễ bị kích động, tuy nhiên, họ rất trọng cổ, dễ bị thuyết phục bởi những người có uy tín trong đội ngũ thực hành tín ngưỡng,... Do đó, cần phải chú ý đến những đặc điểm tâm lý của đội ngũ này để có cách tuyên truyền hiệu quả.
Bốn là, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều người còn mang tâm lý e ngại đối với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nhận thức của người dân về tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến những hiện tượng tiêu cực và hành vi lệch lạc. Đến các đền, phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, có thể thấy dường như ai cũng cầu mong sự tốt đẹp cho bản thân và gia đình mình, nhưng không phải ai cũng hiểu những điều mang tính hướng thiện của tín ngưỡng này, do đó, có không ít điều cầu mong không bắt nguồn từ thiện tâm, đi ngược lại tinh thần của tín ngưỡng.
Ý thức giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân hiện nay còn chưa cao, dư âm của quan niệm cũ về tín ngưỡng thờ Mẫu và các hoạt động lệch lạc của tín ngưỡng này hiện vẫn còn tồn tại, dẫn đến tâm lý bàng quan, hoặc e ngại khi đánh giá, ghi nhận những giá trị văn hóa truyền thống của nó. Chính điều đó khiến cho người dân khi tham gia các hoạt động của tín ngưỡng này dễ bị những kẻ xấu lợi dụng để trục lợi, thậm chí bị làm cho hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần,…
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, góp phần tuyên truyền có hiệu quả, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu, xin được đề xuất một số giải pháp như sau:
1- Nghiên cứu, điều tra, hệ thống lại một cách đầy đủ, nhất quán về sự vận động, biến đổi của những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu trong thực tế hiện nay. Trong các nghiên cứu, một mặt, khẳng định những nét đẹp, các giá trị văn hóa của tín ngưỡng này cần được bảo tồn và phát huy; mặt khác, chỉ rõ những yếu tố trong hoạt động của tín ngưỡng này đang bị làm cho biến tướng hoặc bị lợi dụng vì mục đích trục lợi và những đặc điểm, nội dung của nó hiện đã lỗi thời, lạc hậu, cần phải được thay đổi;… Các kết quả nghiên cứu sau khi được cụ thể hóa cũng cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để đông đảo quần chúng nhân dân được biết.
2- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu; đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân trên địa bàn trong hoạt động tuyên truyền.
3- Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, ở các địa phương, cơ sở. Nâng cao nhận thức của người dân về những nét đẹp truyền thống, giá trị văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua việc quản lý tốt các hoạt động của tín ngưỡng này, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của họ khi tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tránh để kẻ xấu lợi dụng.
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cung cấp cho nhân dân, dư luận xã hội những thông tin đầy đủ, khách quan về các biểu hiện tiêu cực trong thực tiễn hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời định hướng dư luận, giúp nhân dân có được sự nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, không đánh đồng các giá trị văn hóa với các biểu hiện mê tín, dị đoan trong hoạt động của tín ngưỡng này,...
4- Đổi mới, sáng tạo trong các phương pháp, phương thức tuyên truyền về giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Giảm bớt các phương pháp tuyên truyền mang tính hành chính, thay vào đó, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp trong tuyên truyền các nội dung về quản lý nhà nước đối với hoạt động của tín ngưỡng này. Sử dụng hiệu quả các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, phát thanh, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật,…; nêu cao vai trò của đội ngũ đảng viên, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể nhân dân để tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn.
5- Đánh giá đúng và có biện pháp thích hợp để phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là những người có uy tín trong đội ngũ đó, trong tuyên truyền nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này, bài trừ các hiện tượng mê tín, dị đoan, các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng. Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ thực hành tín ngưỡng, làm cơ sở để định hướng cho các hoạt động của tín ngưỡng tuân thủ đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, các hiện tượng mê tín, dị đoan trong quá trình thực hành tín ngưỡng./.
Lê Khánh Ly
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Thong-tin-ly-luan/2015/36199/Mot-so-van-de-trong-tuyen-truyen-gia-tri-van-hoa-cua.aspx




2.


Chuyện hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam - tứ phủ:

Chuyện hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam - tứ phủ


14:02 08/12/2016

Mới đây "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tam - tứ phủ, hạt nhân là hầu đồng, một nghi thức văn hóa không thể thiếu đối với tín ngưỡng thờ Mẫu.


http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Dong-tien-co-gai-ma-Thanh-thi-co-mat-420293/





1. Loạt bài về biến tướng của hầu đồng


Kì 1


Phong thủy - 




(Tamsugiadinh.vn) - Trước đây cô đồng Xuân cũng phải chạy ăn từng bữa, sáng đi mua gà ở chợ đầu mối, về giết thịt rồi đi đổ cho các hàng ăn.




Hầu đồng và những biến tướng khiến thánh cũng phải kinh hoàng (kỳ 1)
Hầu đồng và những biến tướng khiến thánh cũng phải kinh hoàng (kỳ 1)


Kỳ 1: Cô đồng “hạng sang” xuất thân từ nghề buôn gà
Tín ngưỡng hầu đồng đã lưu truyền trong dân gian từ lâu. Nhưng thay vì mục đích tốt đẹp là nhờ hầu thánh để thanh sạch tâm hồn, hầu đồng giờ đây đã biến tướng một cách đáng sợ. Hơn một tháng thâm nhập vào giới đồng cốt, chúng tôi xin được gửi đến độc giả những biến tướng trong hoạt động hầu đồng hiện nay. Vì nhiều lý do, chúng tôi xin được đổi tên tất cả các nhân vật trong loạt bài này.
Vàng mã, lễ vật trị giá hàng trăm triệu
Hôm nay, cô đồng Lê Thị Xuân hầu thánh ở đền Đ. (Hà Nội). Tôi theo chân một nhà nghiên cứu xã hội, chơi khá thân với giới đồng cốt tới dự buổi hầu đồng tầm cỡ “đại gia” này.

Sáng sớm, tôi vừa có mặt ở cổng đền Đ. cũng là lúc bốn năm xe ô tô tiến tới. Hai xe tải nhỏ chở đồ lễ, các bác tài xế bê vào đủ các loại bánh, kẹo, bia, rượu, hoa quả… thậm chí có cả sữa tắm, nước hoa, dầu gội đầu. Ba xe tải lớn khác chở đồ mã là ngựa, voi, thuyền… Bà Trần Thị Thiện – một trong bốn hầu dâng của cô đồng Xuân ra nhận mã.
Bà Thiện bảo tất cả số mã này đều do cô Xuân sang tận “thủ phủ” vàng mã Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) để đặt hàng. Tôi hỏi: “Cả núi vàng mã với hoa quả thế này, chắc phải chục triệu ấy bác nhỉ?”. Bà Thiện phẩy tay: “Mấy trăm triệu đấy! Đồ lễ cũng toàn hàng nhập khẩu”.
Hầu đồng và những biến tướng khiến thánh cũng phải kinh hoàng (kỳ 1)
Vàng mã được chuyển vào sân
Trong gian nhà nhỏ nằm cuối khuôn viên đền, cô đồng Xuân, khoảng ngoài 50 tuổi, mặc bộ quần áo lụa trắng đang xịt nước hoa thơm nức để chuẩn bị lên đền chính hầu thánh.
7 giờ sáng, khách mời của cô đồng Xuân bắt đầu kéo đến. Nghe những người hầu dâng nói chuyện với nhau thì họ đều là những người thuộc hàng “đồng sang” (những ông đồng, bà đồng đại gia giàu có, làm ăn, buôn bán lớn). Bà Thiện sắp sẵn gần năm mươi túi nilon to, dày, bảo để cuối buổi hạ lộc, bỏ vào đấy cho khách mang về. Mỗi túi quà sẽ gồm một chai rượu Tây, một hộp bánh, rồi bia lon, nước ngọt, hoa quả… Bà Thiện tiết lộ, riêng mỗi túi quà ấy cũng đã đáng giá cả triệu đồng rồi.
Trong đền chính, một nhóm quay phim được thuê đến, họ đang ướm góc quay. Đồ lễ chất kín ban thờ, dưới đất cũng la liệt. Vì đền chính con nhang đệ tử đã ngồi chật cả nên chỉ có mấy hình nhân, một con ngựa, một con voi, một cái thuyền… được đưa vào, gọi là làm… đại diện.
Ném tiền như ném giấy
Tiếng chuông vang lên, cô đồng Xuân mặc bộ quần áo trắng, tất chân cũng trắng, tóc búi gọn gàng, mặt được tô vẽ cẩn thận. Bà Thiện mang ra một hộp nhỏ, lấy các loại vòng, khuyên tai, trâm để đeo lên người cô Xuân. Cô Xuân đưa hai ngón tay trỏ lên phía trước múa rất dẻo, dần dần cả bàn tay xòe ra. Tiến trống, tiếng phách nhanh hơn, nến nhang nghi ngút khói. Người cô Xuân bỗng nhiên lắc lư, xoay vòng tròn…
Cô đồng Xuân mắt sáng rực, cô vừa nhảy múa vừa đón nước, rượu, từ các bà hầu dâng. Cô mở cái tráp trước mặt, rút từng tờ 500.000đ, khéo léo kẹp giữa hai ngón tay rồi ném ra. Các bà hầu dâng vội vàng nhặt lên, bỏ vào cái hộp để trước mặt đội cung văn. Tiếng trống, tiếng phách lại giòn hơn, đàn hát như “hăng say” hơn.
Hầu đồng và những biến tướng khiến thánh cũng phải kinh hoàng (kỳ 1)
Mâm đồ lễ trong buổi hầu đồng
Sau mỗi giá đồng, chốc chốc lại có người đi bằng đầu gối đến bỏ tiền vào một cái đĩa, cúi đầu nâng hai tay đưa cho cô Xuân rồi ghé tai cô thì thầm điều gì đó, cô khẽ mỉm cười gật gật. Những người này đang xin lộc Thánh, họ là những người làm ăn buôn bán nên chủ yếu chỉ xin tiền xin bạc.
Vào giá đồng tiếp theo, cô Xuân cầm nắm nhang múa trên mâm lễ rồi cầm xấp tiền 500.000đ, xòe ra như quạt giấy rồi nhảy múa rất dẻo. Bất ngờ cô vung xấp tiền xuống phía những người đang sì sụp khấn vái. Những tờ bạc mệnh giá 500.000đ bay tứ tung, con nhang đệ tử liên tục tung hô: “Lạy cô, cô đẹp quá, cô múa hay quá!”. Tiền lại tiếp tục được ném ra, con nhang đệ tử tranh nhau nhặt, thi thoảng có người kêu oai oái vì tranh tiền bị giẫm phải tay chân.
Đến trưa, các giá đồng mới kết thúc. Toàn bộ đồ lễ được hạ xuống để chia nốt cho mọi người. Cô đồng Xuân có vẻ đã thấm mệt, song khuôn mặt giãn ra đầy mãn nguyện. Đám cung văn cũng hồ hởi xếp lại dụng cụ. Có vẻ hôm nay họ được cô thưởng cho khá nhiều. Núi vàng mã đốt xong, thì những mâm cỗ đã được bưng ra để đãi con nhang đệ tử thân thiết đến dự.
Hầu đồng và những biến tướng khiến thánh cũng phải kinh hoàng (kỳ 1)
Vàng mã được xếp đầy sân
Từ buôn gà thành cô đồng “đại gia”
Cô đồng Lê Thị Xuân đã có thâm niên 10 năm hầu đồng “chuyên nghiệp”. Hàng xóm của cô cho biết, trước đây cô đồng Xuân cũng phải chạy ăn từng bữa, sáng đi mua gà ở chợ đầu mối, về giết thịt rồi đi đổ cho các hàng ăn. Hơn ba mươi năm trước phương tiện đi lại còn hiếm, cô phải mang quang gánh, thúng mủng cuốc bộ mấy chục cây số từ chợ đầu mối về nội thành.


Có lần buôn bán thua lỗ nặng, nghe có người mách đi hầu đồng để… xin các ngài cho buôn may bán đắt, cô Xuân ra trình đồng ở tuổi 35. Ngẫu nhiên sau đó việc làm ăn của nhà cô thuận lợi trở lại. Không chỉ thế, việc buôn gà còn ngày một mở rộng, vợ chồng cô nhập gà từ biên giới về tiêu thụ rồi thành đầu nậu của cả một khu vực phía tây Hà Nội.

Từ đó, năm nào cô cũng bỏ một số tiền khá lớn ra để làm lễ hầu thánh. Cũng từ những cuộc hầu đồng đó, cô quen biết nhiều hơn với những người buôn bán khác. Bàn giao đại lý gà cho chồng con, cô chuyển sang buôn quần áo. Ban đầu chỉ là nhập hàng Trung Quốc về theo kiểu mua cân, bán cái, một vốn bốn lời. Dần dà cô chuyển sang buôn mỹ phẩm và quần áo “hàng hiệu”, đổ cho nhiều cửa hàng lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội.
Việc buôn hàng trốn thuế vốn dĩ đã mang lại lời lãi cao, nay mặt hàng đánh trúng thị hiếu và tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng (thực ra là hàng Trung Quốc nhái nhãn hiệu nước ngoài) nên tiền đổ về túi cô ngày càng nhiều. Cô Xuân tin là vì mình đã được thánh cho lộc, thế nên cô không tiếc tiền đổ vào các cuộc hầu đồng.
Ban đầu, cô chỉ tổ chức hầu đồng một năm hai lần vào tháng ba, tháng tám. Khoảng mười năm nay, đến các ngày lễ Thượng Nguyên (tháng Giêng), Nhập Hạ (tháng Tư), Tán hạ (tháng Bảy), Tất niên (tháng Chạp), Hạp ấn (25 tháng Chạp), cô đều sắm sửa khăn áo hầu đồng, nhưng to nhất, đổ nhiều tiền nhất vẫn là hai dịp “tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”.


Cung văn Lý Quốc Hải “hợp tác” với cô đồng Xuân đã được 4 năm. Cô đi hầu thánh ở các đền thờ, Hải đã theo cô đi hầu từ những ngôi đền nổi tiếng ở Hà Nội đến khắp các đền ở Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Nghệ An… Hải có vẻ rất lấy làm… hãnh diện và phấn chấn khi nhắc đến việc “hợp tác” với cô Xuân, bởi trong những ông đồng, bà đồng mà Hải biết, cô Xuân không thuộc “tầng” đại gia nhất, song cũng được xếp vào hàng “đồng sang”.

Hải kể, tất cả những bộ quần áo cô Xuân mặc để hầu thánh đều là loại xịn, vải tốt nhất và thợ may giỏi nhất, mỗi bộ có giá đến cả chục triệu đồng. Rồi những gì cô đã dâng lên thánh thì đều phải là những thứ ngon nhất, xịn nhất, vì như thế nên xin thánh cái gì… cũng dễ.
Tôi hỏi: “Những người dự lễ được ban lộc, tiền mặt cũng phải được vài triệu ấy nhỉ?”. Hải trả lời: “Có người được nhiều, có người được ít, nhưng trung bình cũng chả dưới chục triệu. Có người còn bỏ đến 1,3 tỷ để hầu thánh, như thanh đồng Tuấn ở Đống Đa ấy, có người được cả trăm triệu tiền lộc, ông Tuấn ấy vốn là đại gia bất động sản mà. Đấy chỉ là tôi biết thôi, chứ còn nghe anh em trong nghề nói thì có những người còn bỏ nhiều tiền hơn thế nữa cơ. Nói chung là đã hầu đồng thì vô cùng lắm, chả biết thế nào mà nói đâu.”
Hiện tượng nhập đồng đã có từ thuở hồng hoang của loài người, nó được coi như là tôn giáo sơ khai (thuật ngữ quốc tế là Saman giáo), phổ biến trên toàn thế giới. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc… thông qua việc nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng. Khi vị thần linh nào đã giáng thì các ông đồng, bà đồng trở thành hiện thân của vị thần đó.
Mời quý vị độc giả đón đọc Kỳ 2: Bác sĩ hầu thánh để xin đông bệnh nhân
(Tuổi trẻ & Đời sống)
http://tamsugiadinh.vn/tin-tuc/hau-dong-va-nhung-bien-tuong-khien-thanh-cung-phai-kinh-hoang-ky-1-tsgd1322



Kì 2 


Kì 3


Kì 4



Báo Tuổi trẻ Thủ đô Điện tử - tuoitrethudo.vn
Cơ quan chủ quản: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội.
Tổng biên tập: TRẦN THỊ HỒNG KHIÊM
Phó Tổng biên tập: NGUYỄN MẠNH HƯNG; NGÔ VƯƠNG TUẤN
Đường dây nóng: 0902 38 8899 | E-mail: tuoitrethudoonline@gmail.com
Giấy phép Báo điện tử: Số 103/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo Tuổi trẻ Thủ đô Điện tử tại địa
chỉ tuoitrethudo.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản.
.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.