Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/12/2016

Lễ hội Mặt Nhọ và yếu tố gốc gác họ Mạc (bài Bàn Tuấn Năng)

Thêm một bài viết dài nữa, về lễ hội Mặt Nhọ ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), của bác Bàn Tuấn Năng.

Suy luận lung tung một hồi, thế nào Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) hóa ra "Vua Mèo" ! Quả là tuyệt cú mèo !

Chép nguyên về từ trang Mạc tộc.




---

(Chép nguyên xi, nhưng bỏ tất cả ảnh - vì có lẽ ảnh là được đưa thêm vào, và trang Mạc tộc thì sử dụng kĩ thuật gì đó, nên ảnh dán vào đây là bài tự nhiên không post được cả bài, bỏ ảnh đi là post bình thường).








       (Vấn đề Văn hóa gốc của nhà Mạc trong một lễ hội đặc biệt)


Thạc sĩ Bàn Tuấn Năng


Năm 2012, Lễ hội Ná Nhèm được khôi phục sau hơn nửa thế kỷ thất truyền. Nguyên do của sự thất truyền được các cụ kể lại rằng, vào khoảng những năm 1960 của thế kỷ trước, do các trai đinh phải lên đường tòng quân diệt giặc. (Theo lệ cũ, chỉ những trai đinh mới được tham gia vào các vai diễn trong lễ hội Ná Nhèm để đảm bảo sự linh thiêng). Ngày ấy, đất rộng, người thưa, việc tuyển lựa đến khoảng 150 trai đinh, trong nhà không có việc tang ngay ở trong khu vực cửa đình là điều vô cùng khó khăn, bởi nhân lực trai tráng ở đây hầu hết đã dồn cho tiền tuyến… Vậy nên, năm Quý Mão - 1963, các cụ phải làm lễ xin khất nguyện với thánh thần cùng các đức Vua, hẹn ngày đất nước thanh bình sẽ xin tổ chức Lễ hội trở lại. Tuy nhiên, kể cả khi Lễ hội Ná Nhèm được phục dựng thành công, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn về các nội dung nằm trong tục thờ, trò diễn… Tại sao các bậc tiền nhân lại sáng tạo, trao truyền lại cho con cháu một lễ hội dày đặc các nội dung đặc sắc, riêng có… như vậy? Có thông điệp gì quan trọng được tiền nhân trao gửi cho con cháu ở đây hay không?... Và phục dựng xong, tôi bắt đầu bắt tay vào việc nghiên cứu, giải mã các tầng văn hóa ở trong Lễ hội Ná Nhèm. Đây là công việc vô cùng khó khăn bởi thiếu các văn bản ghi chép lại các tục thờ, trò diễn… cũng như lý do tại sao lại phải thực hiện…

1. Từ những băn khoăn ban đầu sau khi phục dựng thành công Lễ hội Ná Nhèm.

Điểm đáng chú ý đầu tiên của tôi không phải nằm ở câu chuyện thờ Vua hay rước tàng thinh – mặt nguyệt… Bởi cái sự dựng miếu thờ thần thánh, vua chúa… từ xưa vẫn nằm trong thói tư duy nôm na của dân gian Việt Nam nói chung. Còn việc rước tàng thinh – mặt nguyệt thì nằm ở trong tín ngưỡng phồn thực, nhiều dân tộc tôn thờ nó, nên cũng chẳng có gì đáng lạ. Cái lạ nhất, đập vào tâm trí một người làm khoa học là tiếng hô “tô mô vạn tuế” trong màn cung tiến lễ vật. Rõ ràng, tại một lễ hội dân gian của làng, việc người dân kính cẩn bái lạy, cung tiến lễ vật cùng với tiếng hô đặc biệt, chỉ dành riêng cho đức Vua trong lịch sử ngàn năm của chế độ phong kiến là điều khá “bất thường”. Để tìm câu trả lời tường minh cho nó, tôi đã mất gần 5 năm trời, với sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền, người dân địa phương và anh em đồng nghiệp, đặc biệt là các nhà khoa học nghiên cứu về nhà Mạc, họ Mạc, gốc họ Mạc ở Việt Nam.

Từ tiếng hô “tô mô vạn tuế” kính cẩn dành cho đức Vua, chúng tôi lần tìm đến các nội dung cụ thể của từng cơ sở thờ tự tại địa bàn xã và được biết như sau:
- Đình Làng Mỏ thờ đức thành hoàng Cao Sơn – Quý Minh. Tuy nhiên, sắc phong thời Duy Tân và Khải Định của triều Nguyễn khi ban lại là sắc ban cho cả vùng Trấn Yên chứ không là sắc riêng cho cư dân tại cửa đình Làng Mỏ. Điều đặc biệt ở đình Làng Mỏ là thờ như vậy, nhưng khi cúng, họ lại xướng thêm tên một vị đức Vua nữa là đức Vua Cao Quyết. Trên giường thành hoàng luôn bày 2 bộ long ngai bài vị và hai cây long đao. Điểm đặc biệt nữa ở đây là khi hỏi người dân cư trú tại khu vực về nhân vật được thờ tại đình, mọi người chỉ trả lời đại khái rằng, đình là nơi thờ thành hoàng của làng, còn thờ ai cụ thể thì họ không hề nói, kể cả cái sự thờ một nhân vật, khi xướng – cúng nhân vật khác như chúng tôi đã gặp. Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả là sự nghiêm cẩn. Theo lệ làng, tất cả mọi người, kể cả là quan viên, nếu đi qua đình cũng buộc phải xuống ngựa. Cho dù, ở nhiều địa phương, việc “hạ mã” khi đi qua cửa đình của mọi người không phải là việc lạ, bởi “phép Vua thua lệ làng”. Nhưng đặt trong không gian văn hóa Tày ở đây, hẳn cũng là diều đặc biệt.
- Miếu Xa Vùn: Thờ đức thành hoàng Cao Sơn – Quý Minh và linh hồn 12 tên giặc cướp. Việc thờ đức thánh Cao Sơn – Quý Minh ở đây được thực hiện theo nguyên tắc phối ngẫu, nhằm trấn yểm, không cho linh hồn 12 tên giặc cướp quấy nhiễu dân lành.
- Miếu Bó Vằn (Mỏ Vằn): Thờ đức Vua Miêu Tĩnh. Tại đây, phía dưới miếu thờ đức Vua Miêu Tĩnh có một mạch nước ngầm, quanh năm tuôn chảy… Phần ao (người dân Tày ở đây quen gọi là giếng) phía trong, tiếp giáp với khu vực đặt miếu thờ Vua được người dân gọi là Bó Vằn (mỏ Vằn – là phần giếng gần với nhà ở của ông Bế Văn Ứng hiện nay), phía ngoài được người dân gọi là Bó Mèo (mỏ nước của Mèo/của ông Vua Mèo/Vua tuổi Mèo – nằm ở phần giếng ngoài, gần với phía nhà ở của ông Hoàng Văn Cứng hiện nay).

Cũng liên quan đến Vua, nhưng Vua Cao Quyết, Vua Miêu Tĩnh là ông vua nào? Có lý do gì khiến người dân ở đây tiến hành thờ cúng? Có hay không một ông Vua người Mèo/Mông hay một ông vua tuổi Mèo, ông vua tên là Mèo? Tại sao ở đình Làng Mỏ lại có hiện tượng thờ một đằng, xướng một nẻo? Tại sao trên giường thành hoàng lại có tục thờ 2 cây long đao? Tại sao theo tục truyền, xưa kia tất cả các bậc quan lại, thần dân… khi đi qua cửa đình đều phải xuống ngựa và khom lưng đi bộ qua đình một cách kính cẩn? Đó là những câu hỏi cần phải tìm được lời giâỉ đáp.

2. Hành trình giải mã các thông điệp của tiền nhân

2.1. Về nguồn gốc dòng họ và lịch sử cư trú:
Các cụ họ Hoàng ở đây cho biết, cách đây 9 đời (đời các cụ hiện đang còn sống là đời thứ 10), từ vùng đất Võ Nhai, Thái Nguyên ngày nay, hai anh em là Hoàng Văn Nhân và Hoàng Văn Nhơ đã cùng nhau về đây khai khẩn đất đai và lập nghiệp. Sau khi họ Hoàng đến ở một thời gian ngắn, thì họ Bế cũng chạy loạn từ Cao Bằng về đây khai khẩn đất đai và kết nghĩa anh em. Họ Bế vốn là con cụ tổ Bế Đức Lộc (hoặc Bế Đắc Lộc), khi về đất này có hai anh em là Bế Hữu Cương và Bế Hữu Nhu. Vì họ Hoàng đến trước, nên họ Bế tôn họ Hoàng là anh, họ Bế là em và cùng chung sức chung tay để dựng nên đình Làng Mỏ, thuộc địa phận xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn ngày nay. Theo lệ, họ Hoàng họp ở chái đình bên Đông, họ Bế họp ở chái đình bên Tây. Trong cuộc điền dã, khảo sát – cả họ Hoàng và họ Bế đều khẳng định hiện đến nay, đời đang còn sống là đời thứ 10. Cộng với các đời con, cháu, chắt… thì tổng cộng là vào khoảng 13 đời. Nếu tính trung bình mỗi đời người trong khoảng 25 năm thì đến nay, họ Hoàng và họ Bế ở cửa đình Làng Mỏ đã về đây cư trú trong khoảng trên dưới 325 năm. Điều đáng tiếc là gia phả của cả hai họ từ xưa chả có ai ghi chép lại, nên chỉ có thể căn cứ vào sự trao đổi, thống nhất giữa các bậc cao niên của từng dòng họ.

Từ việc kết nghĩa anh em, cùng nhau xây dựng cuộc sống, hai họ còn sử dụng chung một mỏ nước là mỏ nước Bó Vằn – Bó Mèo. Tại mỏ nước, họ dựng một miếu thờ nhỏ để thờ đức vua Miêu Tĩnh. Hàng năm, hai họ ở đây có tục vào đêm giao thừa, các hộ gia đình phải ra mỏ nước Bó Vằn lấy “nước tiên” về để đặt lên bàn thờ trong mấy ngày Tết. Đó là một tục thờ lạ, khi so sánh với văn hóa của người Tày bản địa.

2.2. Diễn biến chính của Lễ hội Ná Nhèm.

Để tiến hành lễ hội Ná Nhèm vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, vào lúc tang tảng sáng, ông Mo, 2 ông Hội và 4 anh Tưởng ([1]) phải ra mỏ nước Bó Vằn thắp hương cho đức Vua Miêu Tĩnh và làm thủ tục rước nước về cửa đình để tế lễ. Trong thời khắc này, có một đoạn tế “bí mật”. Ông Mo chỉ được lẩm nhẩm trong mồm và không cho bất cứ ai biết. Những câu cầu cúng “bí mật” này được các ông Mo truyền riêng cho nhau, người ngoài tuyệt đối không được biết. Điểm đặc biệt trong danh xưng khi cúng lễ, ông Mo luôn phải xưng là “con họ”, sau đó ngập ngừng dừng lại, nuốt lời nói về họ gì đó xuống chứ không hề nói rõ. Đây cũng là điểm khác biệt trong khi cầu cúng, bởi theo lệ thường, ông Mo sẽ phải nói “con tên là gì, thay mặt dân làng làm gì….trong ngày hôm nay”.

Tại đình Làng Mỏ, các ông Mo, ông Hội sẽ thực hiện các tuần tế như: - tế lương thực, tế trầu, tế rượu, tế lợn, tế gà… và tế ống nước Tiên. Ống nước này sẽ được để thờ tại đình và rước đi đến trước cổng Tam Tiều (nghĩa là: - chòi canh có 3 lối lên) ở trước cửa miếu thiêng Xa Vùn. Đến khi hết lễ hội thì để ông tướng xưng là Thiên Lôi đem rắc, vẩy ra bốn phương, tám hướng cho mùa màng tưoi tốt, nhân an vật thịnh...

Tiếp đó là các trò diễn đánh đại đao, gươm giáo….và rước, cung tiến lễ vật…(cây giống, linh vật…) của 2 đoàn quân tướng nước Ngô và nước Lào, cùng với các trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục… Các vai diễn của lễ hội đều là nam giới, và buộc phải hóa trang, bôi mặt nhọ…. Các trò cung tiến lễ vật được diễn ra trong tiếng hô “Vạn tuế”? Trong đoàn đánh đại đao, gươm mác….dẫn đầu là mỗi đoàn là hai ông tướng, có tay áo thụng – to, dài trùm ra ngoài, tương tự như áo của quan chầu ngày trước mỗi khi đức Vua thiết triều.

Buổi chiều, trước khi lễ hội kết thúc, ông tướng sẽ trèo lên đài cao hô to: -“trời sinh tôi xuống”…và đọc bài tế theo kiểu chúc văn.

Đó là vài nét sơ lược về Lễ hội Ná Nhèm, một lễ hội đặc sắc và ẩn chứa nhiều tầng văn hóa, vừa được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Cấp Quốc gia năm 2015.

2.3. Những câu hỏi cần tìm lời giải đáp
Trong quá trình nghiên cứu, có rất nhiều câu hỏi cần được trả lời thông qua các căn cứ, sở cứ khoa học. Cụ thể như:
- Tại sao lại phải tiến hành lễ bái và xin nước Tiên của đức Vua Miêu Tĩnh trước khi khai hội? Tục này có liên quan đến tục hàng năm vào đêm trừ tịch hoặc sáng mồng 1 tết, người dân ra miếu Mỏ Vằn lễ bái và lấy “nước tiên” về bày lên bàn thờ cúng trong mấy ngày tết hay không?
- Tại sao hệ thống trò diễn có hình ảnh cây đại đao? Nó có liên quan gì đến tục thờ 2 cây đại đao tại cửa đình Làng Mỏ hay không?
- Tại sao các vai diễn ở trong lễ hội chỉ có nam giới đảm nhiệm? Tại sao họ phải hóa trang mặt nhọ?
- Tại sao lại phải tiến hành lễ rước Long ngai Bài vị của đức Vua từ đình Làng Mỏ ra đình tạm ở cạnh miếu Xa Vùn?
- Việc cung tiến lễ vật (ống nước Tiên, cây thiên tuế, cây ngô, cây lúa, cây khoai, cây bông, kén tằm, tàng thinh - mặt nguyệt...) là nhằm mục đích gì? Cung tiến cho ông Vua nào? Sự xuất hiện của 2 đoàn quân tướng nước Ngô và nước Lào nói lên điều gì?
- Các trò diễn sĩ - nông - công - thương, ngư - tiều - canh - mục có truyền tải hay bổ sung thêm thông điệp gì không? Hay đây chỉ đơn thuần là trò diễn trong ngày lễ hội để không khí thêm vui?
- Trước khi kết thúc lễ hội tại sao ông Tướng lại xưng là Thiên lôi để giáo (tựa như kiểu đọc chúc văn) và rắc ống nước Tiên của vua Miêu Tĩnh ra 4 phương, 8 hướng?
- Thông điệp chính của Lễ hội Ná Nhèm là gì?

 2.4. Hành trình tìm lời giải đáp
          Để có được những giải đáp dưới đây, tôi đã mất 5 năm lăn lộn với vùng đất Trấn Yên, Bắc Sơn. Và câu trả lời chỉ được đưa ra thỏa đáng khi có thêm sự khích lệ, động viên và hỗ trợ kịp thời về mặt khoa học, về việc nghiên cứu các dòng họ gốc họ Mạc, đã thay tên đổi họ… của anh em, đồng nghiệp trong Ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng và Thái Nguyên… sau khi họ cùng tôi “thực mục sở thị” về Lễ hội Ná Nhèm năm 2016 tại Làng Mỏ, Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, tất cả các ông Vua trong triều đại Việt Nam đều có tên tuổi, địa chỉ và một số phận khá rõ ràng, tường minh. Chỉ một số ít có lai lịch lúc sinh ra bị làm mờ hóa đi mà thôi. Do đó, nếu liên quan đến việc thờ phụng đức Vua, địa điểm thờ tự sẽ có lai lịch khá cụ thể, được người dân nắm bắt khá rõ ràng. Đơn cử như Lăng Phùng Hưng hoặc Lăng Ngô Quyền, những vị vua nước Việt từ thủa đầu dựng nước, khai quốc... cũng luôn có địa chỉ rất rõ và khá tường minh, ít nhất là ỏ trong khía cạnh của dân gian. Do đó, việc thờ một ông vua bí ẩn, danh tính không rõ ràng như đức vua Miêu Tĩnh hay Cao Quyết tại miếu Xa Vùn và đình Làng Mỏ là việc làm bất bình thường trong tín ngưỡng thờ cúng của cả người Tày, người Kinh ở cả hai miền xuôi ngược.

Có thể hiểu Miêu là Mèo, Tĩnh hoặc Tỉnh là cái giếng. Giếng Mỏ Vằn của ông vua người Mèo/Mông. Có thể là như vậy, bởi ngay tại mỏ nước, từ xa xưa người dân đã chia mỏ nước (giếng nước – cách gọi của người Kinh vùng thấp với các giếng khơi) thành 2 khu vực với 2 tên gọi khác nhau: - khu sát miếu thờ vua Miêu Tĩnh, gần với nhà ông Bế Văn Ứng hiện nay được gọi là Bó Vằn (mỏ Vằn), khu ngoài – tiếp giáp với nhà của ông Hoàng Văn Cứng được gọi là Bó Mèo (mỏ Mèo/mỏ nước của ông vua Mèo). Tuy nhiên, ông vua này lại được người dân xin Nước và rước về, rồi kính cẩn cung tiến lễ vật và tung hô “tô mô vạn tuế” trong lễ hội Ná Nhèm. Vì thế, đây sẽ không thể là một ông Vua của người dân tộc thiểu số (cụ thể ở đây là người dân tộc Mông/Mèo) bởi 2 lý do:

- Khu vực cư trú này không phải là khu vực cư trú của người Mèo/Mông từ thủa xa xưa. Lịch sử cư trú ở vùng đất này chỉ được hình thành trong khoảng trên 300 năm, khi họ Hoàng, họ Bế về đây lập nghiệp;

- Bản thân người Mông, vốn cư trú tại các khu vực núi cao, cách rất xa triều đình phong kiến nhà nước, nên họ thường không có thói quen ứng xử với đức Vua theo một mô hình theo chuẩn mực do triều đình quy định.

Từ các loại suy trên, đến đây hình ảnh ông Vua ở trong một triều đại phong kiến cụ thể nào đó chỉ có thể còn một trong hai trường hợp: - Ông Vua đó tên là Mèo/Miêu hoặc sinh tuổi Mèo.

Đối với đình Làng Mỏ, nơi phối thờ đức vua Cao Quyết uy linh tinh khuê có mấy điểm rất đáng lưu ý: - đây là một ông vua thờ ẩn bởi việc người dân đều thừa nhận đây là nơi thờ 2 vị Thành hoàng Cao Sơn và Quý Minh. Tuy nhiên, khi cúng – các cụ lại xướng tên cả đức Vua Cao Quyết uy linh tinh khuê. Ông vua này có một mối liên hệ khá chặt chẽ với thứ binh khi là đại đao. Bởi trong việc phối thờ, trên giường thành hoàng của đình Làng Mỏ luôn được bày 2 thanh long đao rất trang trọng. Hình ảnh cây đại đao này còn được tìm thấy trong trò diễn đánh Mác (cách gọi của đồng bào với thứ binh khí trong trò diễn, có hình dáng tựa như cây đại đao).

Đến đây, các ẩn số được tổng hợp để giải đáp bao gồm:
- Ông Vua bí ẩn, có thân phận không rõ ràng, được nói giấu (ẩn tích); Ông Vua đó có mối liên hệ với một thứ binh khí là đại đao;
- Ông Vua đó tên là Miêu/Mèo hoặc là tuổi Mèo.

Theo tài liệu hồi cố của các bậc cao niên ở cửa đình Làng Mỏ thì người phụ nữ bị giặc Tài Ngàn/Khẻo Đeng bắt đi phục dịch, hầu hạ và giúp dân làng giết giặc có tên là Nguyễn Thị Mèo. Như vậy, sẽ không thể có việc tên ông Vua và tên người dân trùng hợp vì quy định kỵ húy trong các triều đại phong kiến. Ngay cả khi tên huyện, tỉnh có trùng với tên thụy, tên hiệu… của vua thì địa phương đó sẽ phải tự thay đổi tên gọi. Tên vua là danh từ riêng duy nhất được hiện diện trong đời sống xã hội. Đến đây, việc liên tưởng đến một ông vua có tên là Mèo tiếp tục bị loại bỏ. Theo lệ cũ, các cụ cứ định kỳ 3 năm một lần, vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu ([2])lại tổ chức lễ hội, gọi là Đại hội. Những năm còn lại, người dân trong cửa đình chỉ tổ chức hội lệ. Quy định này cộng với các suy luận logic nêu trên khiến chỉ còn một trường hợp xảy ra: Ông vua đó sinh tuổi Mèo, con vật mà ở trong một số hoàn cảnh nhất định, có thể còn được gọi là Miêu.

Đối với thứ binh khí đại đao, lần giở trong sử sách ghi về các triều đại phong kiến Việt Nam kể từ vua Hùng, Thục Phán An Dương Vương, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế… và các vua trong thời kỳ phong kiến tự chủ: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê – Mạc (thời kỳ Nam Bắc Triều), Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn, Nguyễn… chúng tôi nhận thấy: Binh khí đại đao chỉ gắn với tên tuổi của hai vị vua: Thái Tổ Mạc Đăng Dung với thanh Định Nam Đao và Quang Trung Nguyễn Huệ với thanh Ô Long Đao ([3]).

Như vậy, có thể xem xét hình ảnh ông vua liên quan đến đại đao ở đất Việt qua hình ảnh hai vị vua là Mạc Thái Tổ và Quang Trung. Triều đại do hai vị vua này lập nên đều có những kết cục bi thương về cuối, khiến con cháu phải mai danh ẩn tích. Vua Quang Trung thì bị Gia Long trả thù, đào mả, giết hại người thân, tướng lĩnh… khiến con cháu ly tán khắp nơi. Nhà Mạc thì bị chúa Trịnh truy sát, con cháu cũng buộc phải ly tán, thay tên đổi họ… Tuy nhiên ảnh hưởng của vua Quang Trung trong đời sống tâm linh các dân tộc cư trú ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta gần như không có gì. Riêng với vua Mạc Thái Tổ, ảnh hưởng trong đời sống văn hóa một số dân tộc ở miền núi phía Bắc nước ta là tương đối rõ rệt, thông qua sự hiện diện của một số di tích, một số phong tục tập quán… Đặc biệt là kể từ sau khi nhà Mạc buộc phải rời kinh đô Thăng Long, lên trấn thủ tại đất Cao Bằng.

Về năm sinh, vua Quang Trung sinh năm 1753, tức năm Đinh Dậu. Vua Mạc Thái Tổ sinh năm 1483, tức năm Quý Mão. Đến đây, các mật mã: Thân phận phải ẩn tích; Đức Vua sử dụng đại đao; Ông Vua tuổi Mèo được khớp vào với hình ảnh Mạc Thái Tổ. Và như vậy, miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh ở mỏ nước Bó Vằn cần được hiểu như thế nào? Theo chúng tôi, có 2 cách hiểu:
- Thứ nhất: Miếu thờ ông vua tuổi Mèo, ở một chỗ tĩnh tại.
- Thứ hai: Miếu thờ ông vua tuổi Mèo ở cái giếng nước (Tĩnh = Tỉnh, tức cái giếng).

Cả hai cách hiểu này đều có thể chấp nhận được. Đặc biệt là khi miếu thờ được đặt tại ngay đầu nguồn nước, tại mỏ nước Bó Vằn với ngụ ý trấn yểm cho nguồn nước và cuộc sống ở đây yên bình. Cái tên Trấn Yên hiện nay của xã, được các cụ đặt khi xưa hẳn cũng không ngoài mục đích ấy. Sau bao biến loạn của lịch sử bi thương, họ rước đức Vua về đây để thờ cúng kín đáo, những mong ngài tiếp tục trấn giữ, che chở cho cháu con cùng sinh sống, sinh sôi và phát triển, bình yên, tĩnh tại trong chốn này. Như vậy, tên Miêu Tĩnh định danh theo âm Nôm được hiểu là: ông vua tuổi Mèo đang tĩnh tại, ở yên trong một chốn. Tuy nhiên, để che mắt thế gian, các bậc tiền nhân đã lập lờ trong việc định danh, nếu ai đó truy xét, các cụ sẽ trả lời rằng: miếu này thờ ông vua Mèo nào đó, được đặt tại cái giếng (tỉnh) – tức giếng nước Mỏ Vằn, danh từ thông dụng mà người dân Tày ở đây vẫn gọi.

Đó là đức vua Miêu Tĩnh, còn đức vua Cao Quyết là ông vua nào trong triều đại nhà Mạc?

Lần giở về nguồn gốc họ Hoàng, họ Bế ở nơi đây, chúng tôi được biết cả hai dòng họ đến đây cư trú đã được 9 đời, cộng với đời đang sống và con, cháu, chắt được tổng cộng 13 đời, tức khoảng trên dưới 325 năm. Khi đến đây cư trú, họ đã tự kết nghĩa hai dòng họ, nhận nhau là anh em (người Tày cơ bản chỉ có tục kết tồng giữa hai cá nhân, chứ không có tục kết tồng giữa hai dòng họ). Vì là con cháu họ Mạc, nên sự kiện năm 1677, tướng quân Đinh Văn Tả của nhà Lê đánh tan Vương triều Mạc ở Cao Bằng ắt hẳn có liên quan đến việc các dòng họ phải thay tên, đổi họ và chạy loạn nhằm tránh họa tru di. Tính từ thời điểm đó đến nay tổng cộng là 339 năm. Nghĩa là, ngay cả mốc thời gian chuyển cư của họ Hoàng và họ Bế ở đây cũng không chênh lệch nhiều lắm khi ta đem so sánh với thời điểm nhà Mạc sụp đổ trên đất Cao Bình, thuộc địa phận huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ngày nay. Sự việc dựng miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh ở mỏ nước Bó Vằn về bản chất là thờ vọng, thờ để tưởng nhớ tiên tổ, sau hành trình con cháu đã lên đất Cao Bằng tụ hội, hoặc ở lại đất Thái Nguyên cát cứ… rồi qua về đây trấn sở sao cho thực sự yên bình để tạo lập cuộc sống.

Tại đình Làng Mỏ, dù là phối thờ nhưng với hành ảnh thờ 2 cây đại đao đã cho thấy mối liên quan với Mạc Thái Tổ. Bởi theo các cụ kể lại, thì đình Làng Mỏ được dựng sau miếu thờ đức Vua Miêu Tĩnh rất lâu. Thời gian dựng ngôi đình hiện nay vào năm 1925 vẫn còn lưu giữ tại cây thượng lương. Tại lễ hội, người ta chỉ rước một bộ long ngai bài vị của đức Vua ra đình tạm đặt cạnh miếu Xa Vùn để ngài ngự, xem con cháu đánh trận và cung tiến lễ vật. Việc dựng đình tạm cạnh miếu Xa Vùn trong lễ hội, sau đó rước ngài ra xem con cháu đánh trận, cung tiến lễ vật giúp chúng ta liên tưởng đến việc dựng hành cung cho đức Vua mỗi lần xa giá. Do đó, sẽ không thể có 2 đức vua, bởi nếu đã thỉnh đến đức Vua, mời đức Vua xem đánh trận, thì Thái Tổ bao giờ cũng là vị vua được thỉnh trước. Và sự thực, đức vua Mạc Thái Tổ đã được thỉnh mời về dự lễ hội từ lúc tờ mờ sáng, thông qua sự việc xin nước Tiên về để cúng lễ tại đình. Vậy tại sao lại có cái tên Cao Quyết được thờ ẩn dưới hình thức thờ thành hoàng cùng với hai cây đại đao tại đình Làng Mỏ?

Lịch sử cho biết, sau khi lùi về thành Phục Hòa cố thủ từ năm 1677, Mạc Kính Vũ cùng tàn quân cố thủ tại tả ngạn sông Bằng đến tận năm 1685. Tướng Đinh Văn Tả đóng quân ở Tổng Lao, sau gọi là xã Tiêu Dao, nay là xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Sự việc cố thủ này của Mạc Kính Vũ phải chăng cũng được con cháu trong khi chạy loạn biết đến. Và ở đây, cùng với việc thờ 2 thanh đại đao của Mạc Thái Tổ, cái tên Cao Quyết được nhắc đến với sự mong ước đức Thái Tổ phù trợ cho những người còn ở lại Quyết giữ lấy đất Cao Bằng? Đó phải chăng cũng là một thông điệp luôn được nhắc nhớ, luôn được những người con trong dòng họ mong ước, cầu nguyện, trao truyền, khắc cốt ghi tâm... Bởi bản chất sâu xa của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng chỉ là câu chuyện duy trì quyền lực dòng họ. Dòng họ thịnh thì vương triều thịnh, dòng họ suy thì quyền lực gia đình ở làng xã cũng bị ảnh hưởng theo…

Như vậy, dù là vua Miêu Tĩnh hay Cao Quyết, thì cũng chỉ có 1 ông vua được con cháu rước ra đồng xem đánh trận, nhận đồ cung tiến….đó là đức vua Mạc Thái Tổ, được tiền nhân che lấp bằng rất nhiều mật mã. Nhận định này còn được củng cố thêm khi đến buổi chiều, trước khi kết thúc lễ hội, một ông Tướng trèo lên đài cao thực hiện màn giáo Thiên lôi với danh xưng mở đầu: “Trời sinh tôi xuống”. Lối xưng danh này cho biết đó là con của trời, và đã là con của trời trong các triều đại phong kiến xưa thì duy nhất có “thiên tử”. Sự khéo léo tài ba của tiền nhân đã cất giấu rất kỹ các thông điệp về một vương triều sau bao biến cố, thăng trầm của lịch sử.

Vậy, thông điệp cụ thể tại Lễ hội Ná Nhèm là gì? Ta hãy xem và từng bước lý giải về các nội dung cụ thể của lễ hội:

Nội dung thứ nhất: Chiều ngày 14 âm lịch. Lễ Mộc dục – Tắm rửa, tẩy uế, xin âm dương để nhập các đồ lễ như ống đựng nước tiên, cây thiên tuế, cây lúa, cây ngô, cây khoai sọ, cây bông, kén tằm, tàng thinh – mặt nguyệt… vào đình Làng Mỏ. Để thực hiện nghi lễ cẩn cáo, cung tiến cho đức Vua, các ông Mo, ông Hội và 4 anh Tưởng phải thực hiện kiêng giới, chay tịnh trước ngày 14 âm lịch. Mục đích của lễ này là nhằm tẩy uế, làm thanh sạch các đồ lễ về mặt tâm linh, trước khi nhập đình và dâng lên đức Vua trong ngày chính hội.

Nội dung thứ hai: Từ khoảng 5h sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch. Rước nước từ miếu thờ vua Miêu Tĩnh (Mạc Thái Tổ) về đình cúng lễ. Hành động này được phủ bóng bởi tín ngưỡng thờ mước, sau đó là nhằm để trao truyền thông điệp và ước nguyện rước Nước = Quốc gia về cho cháu con. Đây thực chất là sự hoài niệm của con cháu họ Mạc trước sự suy vi của một vương triều, khiến cháu con phải thay tên, đổi họ… ly tán muôn phương. Tục thờ nước, rước nước từ khi mở đầu cho đến khi kết thúc lễ hội chính là thông điệp đặc biệt quan trọng nhằm thể hiện ước nguyện, mong muốn sự hòa bình, đoàn kết giữa các cộng đồng nhằm tránh cảnh thịt nát xương tan, nồi da nấu thịt, “huynh đệ tương tàn”… trong một thời kỳ lịch sử đầy bi thương của đất nước, dân tộc.

- Nội dung thứ ba: Từ khoảng 7h – 8h. Lễ rước long ngai, bài vị đức Vua từ đình Làng Mỏ ra đình tạm (hành cung) đặt bên cạnh miếu Xa Vùn để Ngài ngự, xem con cháu đánh trận và cung tiến lễ vật. Trong suốt thời kì trị vì Thăng Long cũng như ở Cao Bằng, các vua Mạc hầu hết đều trị vì thiên hạ trên lưng ngựa bởi đất nước rơi vào nội chiến, loạn lạc binh đao. Mong ước chiến thắng là mong ước chính đáng của tất cả những người cầm quân. Phải chăng hành động rước đức vua ra đình tạm ngự là nhằm tái hiện việc Mạc Thái Tổ ân cần ra khỏi kinh thành, ra khỏi nơi ở dưới Dương Kinh để đón nhận khúc ca khải hoàn của con cháu trong tinh thần thượng võ.

- Nội dung thứ tư: Từ 8h – 10h. Trò diễn đánh đại đao, gươm mác và cung tiến lễ vật của 2 đoàn quân tướng nước Ngô và nước Lào cho đức Vua. Hình ảnh hai láng giềng “nước Ngô” và “nước Lào” đến tiến công thể hiện rõ mong ước về việc xây dựng một quốc gia lớn mạnh, các thế lực lân bang phải ngả mũ, cúi đầu thuần phục. Bên cạnh đó, do luật lệ nghiêm khắc của các triều đại phong kiến, việc rèn luyện binh đao, khí giới là công việc của các quan quản việc quân sự triều đình. Do vậy, việc dựng nên màn tập trận giả trong lễ hội để học cách đánh đại đao, gươm giáo, ý nghĩa sâu xa của nó chỉ là nhằm để che mắt triểu đình, che mắt thế gian, giúp dòng họ tự củng cố lực lượng, củng cố sức mạnh một cách hợp pháp để đánh giặc giữ làng, giữ nước… Đối với hình ảnh các vật phẩm cung tiến, chúng đều thể hiện rõ ước mong cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mong đức vua giáng phúc lành, cho con cháu tiếp tục sinh sôi, nảy nở, dòng họ tiếp tục lớn mạnh, thêm người, thêm của... Điểm đặc biệt trong màn cung tiến lễ vật này là: - tại sao Nho giáo luôn là thứ tôn giáo thống trị trong các triều đại phong kiến, thậm chí còn cấm kỵ “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, nhưng trong màn cung tiến lễ vật, người dân ở cửa đình Làng Mỏ lại cung tiến cho đức Vua của mình “tàng thinh – mặt nguyệt” (sinh thực khí nam nữ)? Có hay không một sự uế tạp, hỗn xược khi họ cư xử như vậy? Đây là câu hỏi rất khó trả lời thấu đáo, nếu chúng ta tách vấn đề này riêng biệt, không liên quan đến vấn đề dòng họ trong văn hóa nhà Mạc thời kỳ hậu Cao Bằng.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Y Phương vốn là người Tày gốc Cao Bằng khi tiếp cận với các văn bản ghi chép lại lời thoại ở trong màn cung tiến lễ vật và quan sát tại thực địa đã đưa ra hai nhận xét:
“Ngôn ngữ Tày trong màn cung tiến lễ vật tại Lễ hội Ná Nhèm là thứ ngôn ngữ mang nặng thổ âm của người Tày gốc Cao Bằng”
“Ngôn ngữ Tày trong giao tiếp của cư dân tại cửa đình Làng Mỏ là một thứ ngôn ngữ rất khó nghe, hiểu đối với người Tày gốc Cao Bằng”.

Ngày nay, dòng họ Bế cư trú tại đây đều thừa nhận gốc gác của mình là từ Cao Bằng di cư về. Chi tiết này khiến ông đưa ra nhận định: “một khi phải từ bỏ quê nhà ra đi, họ phải bỏ lại hết đất đai, nhà cửa, ruộng vườn quê hương bản quán. Trong hành trang mang theo, chỉ có tiếng mẹ đẻ là luôn luôn có ở nơi con người. Tiếng mẹ đẻ, đây là phần tài sản thiêng liêng nhất, qúy giá nhất” ([4]). Và việc dòng họ Hoàng, vốn di cư từ vùng đất Võ Nhai, Thái Nguyên lên, cùng sử dụng thứ thổ âm của người Tày trong màn đối đáp, cung tiến lễ vật cũng giúp chúng ta hình dung ra nguồn gốc Cao Bằng của chính họ. Điều này được bổ sung thêm bởi chi tiết hai dòng họ nhận kết nghĩa anh em. Đây là điều ít tìm thấy trong lịch sử cư trú của các dòng họ. Thông thường, người ta chỉ nhận nhau là anh em khi cùng chung gốc tổ.

Trong quá trình chuyển cư về đây, thứ thổ âm Cao Bằng mà họ mang theo sẽ buộc phải biến đổi để hòa nhập dần vào trong ngôn ngữ - văn hóa Tày của vùng đất mới. Vậy nên, nó mới trở thành một “hóa thạch” về ngôn ngữ của dòng họ, trong một thời điểm cư trú và chỉ được bật ra khi tái hiện màn đối đáp, cung tiến lễ vật cho đức Vua. “Hóa thạch” ấy chỉ được bật ra, khi họ tham gia vào các vai diễn trong lễ hội. Điều này cũng khiến câu chuyện về thời điểm sáng tạo và thực hành Lễ hội Ná Nhèm được cung cấp thêm một chỉ dẫn về thời gian: - Lễ hội được các bậc tiền nhân sáng tạo và trực tiếp tổ chức, duy trì nó ngay sau khi hai dòng họ trở về vùng đất này cư trú không lâu. Bởi thông thường, thổ âm ngôn ngữ chỉ tồn tại trực tiếp ở những người đã cư trú tại vùng đất đó. Các chi phái tiếp theo của dòng họ, khi cư trú ở vùng đất mới sẽ chịu ảnh hưởng của thổ âm vùng đất mới. Do đó, màn đối đáp, cung tiến lễ vật cho đức vua trong Lễ hội Ná Nhèm được coi là “hóa thạch” ngôn ngữ là bởi vậy.

Đến đây, câu chuyện về việc chạy loạn binh đao từ Cao Bằng về và việc buộc phải ẩn thân, thay tên đổi họ để tránh họa tru di đã được bổ sung thêm một góc nhìn cụ thể về mặt chứng cứ khoa học.

Trong lịch sử, việc truy sát con cháu họ Mạc của tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh được rất nhiều tài liệu ghi chép lại. Đại việt sử ký toàn thư chép “"Ngày 27 tháng Giêng năm Quý tỵ (1593), các tướng đưa bọn tôn phái họ Mạc bắt được nộp ở cửa dinh. Tiết chế Trịnh Tùng sai đem ra chém cả ở Thảo Tân"([5])...."Ngày 23, Tiết chế Trịnh Tùng sai các tướng chia quân qua sông đánh phá, chém được hơn vài nghìn thủ cấp, bọn ngụy đang tan chạy, các châu huyện đều dẹp yên cả" ([6])

Những sự truy sát như vậy trên thực tế không phải là chuyện lạ trong lịch sử chế độ phong kiến nói chung. Tuy nhiên, chính từ sự kiện này mà yếu tố văn hóa – phản văn hóa đã được các bậc tiền nhân sử dụng như một sự sáng tạo, vượt ra khỏi các quy định, luật lệ, ràng buộc của Nho giáo. Đỉnh điểm của sự sáng tạo ấy, nằm ở sự “xé rào” với hệ thống luân lý ràng buộc của Nho giáo, đưa “tàng thinh – mặt nguyệt” ra cung tiến cho đức Vua. Hành động này trước hết xuất phát từ khát khao, mong ước và niềm tin đức Vua sẽ che chở, giáng phúc lành cho con cháu được bình yên để tiếp tục sinh sôi, nảy nở, vạn vật tốt tươi… Do đó, tín ngưỡng phồn thực đã được các bậc tiền nhân khôn khéo vay mượn nhằm trao truyền thông điệp và gây dựng niềm tin trong đời sống, đặc biệt là đối với cuộc sống và thân phận con người trong thời buổi loạn li đến cùng cực. Đánh giặc để giữ làng, giữ nước… để duy trì giống nòi và phát triển, phụng sự cho Quốc gia, đất nước... Đó là thông điệp đặc biệt quan trọng của tiền nhân trao truyền cho con cháu từ Lễ hội Ná Nhèm qua những sáng tạo độc đáo và riêng có ([7]).

Rõ ràng, việc vay mượn hai tín ngưỡng: nước và phồn thực để biểu đạt các thông điệp của tiền nhân chắc chắn đã góp một phần quan trọng trong quá trình giúp cộng đồng cư trú tạo lập cuộc sống yên bình ở vùng đất Làng Mỏ sau bao biến cố của lịch sử. Đây đồng thời cũng là những giá trị nhân văn tiềm ẩn đặc biệt của Lễ hội Ná Nhèm.

- Nội dung thứ năm: Từ 14h – 16h. Trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục. Các trò diễn này được tiến hành với mục đích con cháu cùng nhau trao truyền các nghề nghiệp để mưu sinh. Điểm đáng chú ý nhất tại màn đối đáp, diễn xướng này là hình ảnh anh tiến sĩ đăng khoa đi sang nước Nhật để học hỏi. Đây phải chăng cũng là một dấu ấn của nhà Mạc, khi Mạc Thái Tổ về đất Hải Phòng để dựng Dương Kinh, từng bước thiết lập quan hệ thương mại với Nhật Bản.

- Nội dung thứ sáu: Từ 16h30 – 17h. Màn Giáo Thiên lôi của ông tướng, rắc ống nước Tiên của đức Vua ra 4 phương để ban bình an no ấm cho mọi người. Đây thực chất là đức vua (do ông tướng mở đầu màn đọc chúc văn này bằng câu “trời sinh tôi xuống”) thông qua tín ngưỡng thờ nước trong nông nghiệp để tiếp tục ban nước lành cho mùa màng thuận hòa, tươi tốt. Ngoài ý nghĩa trên, màn giáo thiên lôi này còn mang một thông điệp nữa là “thiên tử” ban Nước – Quốc gia cho con cháu tiếp tục sinh sống, làm ăn, tiếp tục sinh sôi, nảy nở, để dòng họ lại sớm trở nên đông vui, hùng mạnh…

- Nội dung thứ bảy: Từ 17h00. Rước long ngai bài vị của đức Vua từ đình tạm về đình Làng Mỏ. Kết thúc lễ hội.

Trên cơ sở các căn cứ và lập luận nói trên, có thể khái quát các thông điệp từ Lễ hội Ná Nhèm như sau:

- Con cháu (họ Hoàng, họ Bế - gốc Mạc) tri ân cho tiền nhân, cho đức vua Thái Tổ, vị vua có công khai mở một vương triều mà sử gia triều Hậu Lê, dù căm ghét và gọi là Ngụy Mạc, cũng buộc lòng phải ghi vài câu ngợi khen: Mạc có lệnh cấm các xứ trong, người đi đường không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường xá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đó, những người đi buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to; trong cõi tạm yên”([8]).

- Con cháu dòng họ mượn câu chuyện tín ngưỡng thờ nước để bày tỏ khao khát về sự lớn mạnh của dòng họ, làng xã và quốc gia. Đây đồng thời cũng là thông điệp dành cho sự phát triển của cộng đồng, dân tộc, quốc gia hôm nay và mai sau.

- Tái hiện màn đánh giặc giữ làng, giữ nước, mong muốn dòng họ, quốc gia bình yên và phát triển hùng mạnh… để các thế lực lân bang phải cúi đầu, ngả mũ quy phục và tiến cống hàng năm.

- Thể hiện rõ mong ước mùa màng bội thu, mượn tín ngưỡng phồn thực trong màn cung tiến lễ vật để cầu đức vua che chở, giúp con cháu dòng họ luôn sinh sôi nảy nở, trai tráng trong họ có sức khỏe hơn người… Mọi người cùng đoàn kết bên nhau để cùng lao động, sản xuất, sao cho nghề nghiệp của làng bản có đủ cả sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục… Có như vậy, cuộc sống mới thật sự đủ đầy và no ấm.

- Ước mong cuộc sống luôn bình an, no ấm, đức vua “thiên tử” luôn hiển linh để giáng phúc lành cho con cháu, để mùa màng lại tiếp tục bội thu, “lúa tốt bằng vai, khoai tốt bằng đầu”, nhân an vật thịnh, muôn vật tốt tươi.


Lời kết mở

Trong quá trình khai mở các thông điệp trong Lễ hội Ná Nhèm, chúng tôi đã có một số nghiên cứu, so sánh các tương đồng văn hóa của người Tày ở vùng Trấn Yên với người Kinh ở vùng xuôi. Chẳng hạn như họ cùng có tục tảo mộ vào dịp áp tết Nguyên Đán, cùng tổ chức ăn rằm tháng Giêng cùng với Hội Ná Nhèm. “Tết cả năm không bằng rằm tháng giêng”, phải chăng vì sợ con cháu lẫn sâu vào trong văn hóa Tày, quen dần với tục “đáp nọi” (ăn tết lại) của người Tày bản địa, nên tiền nhân đã chọn đúng ngày rằm tháng Giêng mà tổ chức lễ hội để con cháu không quên tục xưa, lệ cũ… Để ngày nay, mỗi độ rằm tháng Giêng cả làng, cả xã lại cùng tổ chức tết lớn, lễ lớn để đón con cháu họ Mạc phương xa về hội tụ.

Trong việc tang ma, điều đặc biệt là hai dòng họ ở đây có tục xoay ngang quan tài trước bàn thờ. Tìm hiểu về các nguyên tắc thay đổi họ của con cháu gốc Mạc (莫), chúng tôi thấy có một nguyên tắc là “khử túc bất khử thủ” (bỏ chân tay nhưng không bỏ đầu). Nghĩa là, dù đổi tên, đổi họ thì cũng phải giữ lấy hình bộ “thảo đầu” (). Tuy nhiên, có nhiều dòng họ khi thay đổi không thể đảm bảo nguyên tắc này (họ Bế ở đây là một ví dụ). Do đó câu chuyện xoay ngang quan tài trước bàn thờ, bên dưới có 2 đoạn cây gỗ hoặc cây chuối đặt ngang làm đòn kê chính là hình ảnh bộ thảo đầu, để linh hồn giữ hình ảnh này mà về đoàn tụ cùng tiên tổ. Đó cũng là một mật hiệu, một tương đồng giữa văn hóa Tày ở Trấn Yên và văn hóa của một số dòng họ người Kinh ở vùng đất Dương Kinh. Nhân dịp kỷ niệm 475 năm ngày Mạc Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8/2016 âm lịch, các cụ, các cô bác ở Trấn Yên đã hành hương về Hải Phòng lễ tổ. Tại đây, chính những người con họ Hoàng, họ Bế đã trực tiếp quan sát các phong tục, tập quán, các tuần tế tại lễ cáo giỗ và lễ giố ở từ đường họ Mạc, nơi thờ đức Mạc Thái Tổ ở Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng. Và sự tương đồng trong việc cúng tế tại nghi lễ cáo giỗ lại được các cụ, các anh... tự phát hiện và chia sẻ với tác giả bài viết này với ánh mắt rất biết ơn, khi gần hết đời người họ mới biết gốc tích tổ tiên của chính mình ([9]). Đó cũng chính là một phần hiện thực mà cháu con đã ghi lại, trên bức Đại tự ở từ đường họ Mạc Cổ Trai:      (Thiên hoàng phái diễn. Dịchnghĩa: Dòng họ nhà vua nhiều nhánh, nhiều chi ngành còn truyền mãi), với mong ước họ sẽ sớm tìm được nhau, đoàn kết, gắn bó, phát triển.

Sự hiện diện của họ Hoàng, họ Bế ở Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn năm nay, nhân ngày giỗ đức Thái Tổ cũng là góp phần khẳng định giá trị hiện thực và nhân văn của đời sống xã hội hiện tại. Đó đồng thời là niềm hạnh phúc của dòng họ, nhân sinh… trong một xã hội văn minh, tiến bộ. Hạnh phúc của dòng họ cũng đồng thời cũng là hạnh phúc của chính tác giả, một người làm công tác nghiên cứu nhân học/dân tộc học ở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi suốt mấy chục năm qua.


Bắc Sơn – Hà Nội, đầu Đông 2016


Đăng tải: BBT Mactoc.com - HSH



[1] Tưởng: - Đây là một từ hoàn toàn vô nghĩa trong cả tiếng Kinh lẫn tiếng Tày. Theo chúng tôi, có thẻ đây là cách nhấn, cố tình đọc chệch âm của từ “Tướng”.

[2] Về đểm này, Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức cùng thời diểm, tương tự như lễ hội Nàng Hai ở xã Chí Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Một lễ hội có nhiều dấu ấn của công chúa nhà Mạc trong thời kỳ trị vì ở Cao Bằng.

[3] Thời Tây Sơn có Tam Thần đao. Bao gồm: - Ô Long đao của Quang Trung – Nguyễn Huệ, Huỳnh Long Đao của võ tướng Trần Quang Diệu, Xích Long Đao của võ tướng Lê Sĩ Hoàng.

 [4] Y Phương, Ngôn ngữ di cư. Tham luận tại Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Ná Nhèm”, tổ chức tại huyện Bắc Sơn, ngày 23/11/2016.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, nxb KHXH, hà Nội , 2011, Trang 176.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, nxb KHXH, hà Nội , 2011, Trang 177.

[7] Tại Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Ná Nhèm” hiện tại và tương lai”, do UBND huyện Bắc Sơn tổ chức vào ngày 23/11/2016 tại UBND huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn vừa qua, các nhà khoa học thuộc các cơ quan Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Bộ VHTT&DL, các nhà quản lý thuộc Cục Di sản Văn hóa, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL), cùng đại diện một số cơ quan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và huyện Bắc Sơn đều thống nhất cho rằng: - Tục hóa trang, bôi nhọ mặt để sử dụng khí giới đánh giặc ngoại xâm của Lễ hội Ná Nhèm là tục hèm đặc biệt, chưa thấy một lễ hội tương tự thứ 2 ở Việt Nam; Tục mượn tín ngưỡng phồn thực để dâng lên, cung tiến cho đức Vua cả sinh thực khí Nam – Nữ (Tàng thinh – Mặt nguyệt) cũng là một tục thờ và cung tiến đặc biệt, chưa thấy ở bất cứ lễ hội dân gian nào ở Việt Nam.

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, Hà Nội - 2013, Trang 829.

[9] Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Ná Nhèm” do UBND huyện Bắc Sơn tổ chức ngày 23/11/2016, ông Hoàng Văn Chủ - người Tày ở Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn phát biểu: - “Ông đã cùng bà con tham dự lễ cáo giỗ và lễ giỗ Mạc Thái Tổ nhân dịp kỷ niệm 475 năm ngày Thái Tổ băng hà. Tại đây, ông đã cùng bà con quan sát và thấy như sau: - Các tuần tế trong lễ cáo giỗ của người Kinh ở Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng giống hệt nghi lễ, tuần tế và nghi thức cáo giỗ của người Tày ở khu vực xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Từ cách rót rượu, tế nước, tế trầu, tế hậu bôi… cho đến cách chắp tay ngang đầu, mặc áo tay thụng che qua mặt và đi giật lùi như kiểu chầu vua và đi lùi khi xưa. Điểm khác biệt duy nhất là ở Trấn yên, người ta cũng, tế bằng tiếng Tày, còn ở Cổ Trai thì cúng, tế bằng tiếng Kinh”.


http://mactoc.com/newsdetail/3649/cac-thong-iep-cua-tien-nhan-tai-le-hoi-na-nhem.aspx




---

BỔ SUNG

.

NÉT ĐỘC CỦA LỄ HỘI NÁ NHÈM VÀ GÃ RỒ BÀN TUẤN NĂNG




1. Chắc khá nhiều người đã biết lễ hội Ná Nhèm (lễ hội Mặt nhọ) của người Tày ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, nhất là sau sự cố truyền thông một chiều về lễ hội qua câu chuyện rước tàng thinh – mặt nguyệt (sinh thực khí nam nữ) trong ngày hội vào Rằm tháng Giêng năm 2016. Đây là lễ hội khá đặc biệt nên ngày 23/11/2016, Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Sơn đã tổ chức Hội thảo nhằm “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Ná Nhèm hiện tại và tương lai”.
2. Tham gia hội thảo, tôi mới rõ hơn giá trị của lễ hội Ná Nhèm qua ba khía cạnh lịch sử, văn hóa và phát triển. Ý kiến chung, trong đó có các nhà nghiên cứu người Tày đều cho rằng, đây là lễ hội độc đáo của dân tộc Tày. Tiêu biểu cho lễ hội Tày là hội lồng tồng (hội xuống đồng), song lễ hội Ná Nhèm không chỉ có yếu tố của lồng tồng – khuyến nông, mà còn cả khuyến thương và đặc biệt, có nội dung đánh giặc giữ làng giữ nước.
3. Vậy nét độc của lễ hội Ná Nhèm là gì ?
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ít nhất ba khía cạnh:
Một là, sự dung hợp văn hóa Kinh – Tày. Bước đầu, các tác giả cho biết có yếu tố Kinh trong ngôn ngữ ở một số màn trình diễn, và rộng hơn, ở các bài hát ví, hát nhà tơ và hát cửa đình phổ biến tại Trấn Yên trước đây. Có nghiên cứu cho rằng, hai dòng họ Bế và Hoàng có vai trò lớn trong lễ hội Ná Nhèm vốn gốc Mạc và do nhà Mạc thất thủ ở Cao Bằng nên di cư về Trấn Yên, sau đó bị Tày hóa.
Hai là, lấy tàng thinh – mặt nguyệt làm vật tế, chưa thấy ở hội nào của người Tày, thậm chí của cả người Việt và các tộc khác ngoài lễ hội Ná Nhèm, dù phồn thực từng là văn hóa chung của nhân loại.
Ba là, lễ hội này có tính thượng võ gắn với chống giặc. Nếu xem xét tại vùng phía Bắc Việt Nam, ngoài hội Gióng, điều ấy chỉ thấy ở hội Ná Nhèm. Song việc đánh giặc trong hội Gióng chủ yếu được biểu tượng hóa ở ba “ván cờ” (múa cờ), còn trong hội Ná Nhèm lại dùng khí giới.
4. Sau một năm (2011) nghiên cứu, phục dựng lễ hội thất truyền trên 50 năm, những người có trách nhiệm và nhân dân Trấn Yên đã biến không thành có: năm 2012 khoảng một vạn người tham dự; đến năm 2016, số lượng lên hàng chục vạn, trong đó có nhiều hậu duệ của nhà Mạc. Ở địa phương rất nghèo thuộc vùng ba – vùng đặc biệt khó khăn, nhưng lễ hội vẫn huy động được hơn 100 vai diễn của kịch bản. Trong năm 2016, lễ hội Ná Nhèm đã được đón “Bằng chứng nhận Di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
5. Nhiều người cho rằng, với giá trị và xu hướng phát triển như vậy, lễ hội Ná Nhèm sẽ vượt trên quy mô lễ hội vùng. Điều này có thể, bởi ngay lễ hội cấp quốc gia như hội Gióng, khởi đầu cũng chỉ là hội làng.
6. Có một nhà nghiên cứu văn hóa học đã gắn bó sâu sắc với việc phục dựng, phát triển lễ hội Ná Nhèm – ThS. Bàn Tuấn Năng. Thấy kinh ngạc khi biết anh chỉ được tài trợ ít ỏi, bằng khoảng nửa đề tài cấp bộ của nhiều viện nghiên cứu. Vậy mà Bàn Tuấn Năng vẫn cùng đồng nghiệp lao vào nghiên cứu, phục dựng, phát triển lễ hội này.
Mặc tiền ít.
Mặc dấu xưa còn đọng ở mỗi cụ già gần 90 tuổi “múa hai đường đao” đã ngồi thở.
Mặc bao trở ngại khác, kể cả sự cố “tàng thinh” năm 2016.
Đúng là một gã rồ !
P/s Mấy hình ảnh về lễ hội Ná Nhèm vào Rằm tháng Giêng năm 2016 và Hội thảo về lễ hội Ná Nhèm ngày 23/11/2016.


https://tinhvuongxuan.wordpress.com/2016/11/28/net-doc-cua-le-hoi-na-nhem-va-ga-ro-ban-tuan-nang/
.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.