Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/11/2016

Có 2 cụ Hồng Hà ở Hà Nội


Cụ Hồng Hà thứ nhất là người họ Hà. Nên gọi cho dễ là "cụ Hồng Hà họ Hà".

Nghe đâu "cụ Hồng Hà họ Hà" là anh em gì đó với nhà văn Thép Mới (dĩ nhiên Thép Mới cũng họ Hà). Cụ này từng là Tổng Biên tập của báo Nhân Dân, và tác giả nhiều cuốn sách về Hồ Chủ tịch.

Cụ có gắn bó với họ Hà làng Tây Hồ. Nên trong quá trình nhiều năm du lãng ở Tây Hồ, chúng tôi đã từng gặp cụ. Có liên quan đến một ngôi mộ được xem là mộ phàm trần của Bà chúa Liễu Hạnh ở đó. Lại cũng có liên quan đến việc các nhà ngoại cảm đi tìm mộ của cụ Hà Huy Tập. Mà nhà vật lí Hà Vĩnh Tân (PGS.TS ở Viện Vật lí) giải thích một vài lần: Mẫu Liễu (một người con gái họ Hà) đã dẫn đường để họ tìm được mộ của người cộng sản Hà Huy Tập.

Cụ Hồng Hà thứ hai thì mang họ Lê. Hầu như lớp trẻ ít biết cụ này. Tạm gọi là "cụ Hồng Hà họ Lê".

Dưới là một ít bài về hai cụ. Sưu tầm từ nhiều nguồn



---



II. Cụ Hồng Hà họ Lê

1. Bài của Nguyễn Thanh Giang

16/11/2016





Nguyễn Thanh Giang



NGƯỜI CÔNG AN TRÍ THỨC

clip_image002
Trong hàng ngũ trí thức Việt Nam đương đại, giáo sư Lê Thi được xem là một trong những gương mặt trí thức tiên phong. Giáo sư Lê Thi tên thật là Dương thị Thoa, con gái giáo sư liệt sĩ Dương Quảng Hàm - người được tôn vinh là nhà sư phạm mẫu mực, nhà văn học sử tiên phong của Việt Nam. Bác ruột Dương Bá Trạc của bà đỗ cử nhân năm 17 tuổi, là một trong những sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục. Bà là bác ruột của nhà văn, nhà báo, chiến sĩ Dương thị Xuân Quý (vợ của nhà thơ Bùi Minh Quốc).
Lê Thi dễ dàng được khẳng định là một trí thức không chỉ ở hành động lịch sử kéo Lá cờ Đỏ Sao Vàng đầu tiên trên Lễ đài Độc lập Hà Nội mà còn bởi hàm giáo sư, bởi chức vị Viện trưởng Viện Triết đầu tiên của Việt Nam … (ông Hoàng Minh Chính là trưởng Ban Triết của Đảng, lúc đó chưa chính thức thành lập Viện Triết)
Bài tiểu luận này muốn xác định danh tính một trí thức nữa trong gia đình giáo sư Lê Thi. Đấy là “ý trung nhân” của bà – ông công an gạo cội Lê Hồng Hà –

“ GIỮA ĐÀNG THẤY SỰ BẤT BẰNG MÀ THA ”

Nhiều người quá xem trọng trình độ học vấn, thậm chí lấy tiêu chuẩn bằng cấp, học vị để định danh trí thức. Tôi hiểu như học giả Pháp J.P. Sartre: Trí thức là những người thường “xớ rớ” vào những chuyện không liên quan đến mình. Những chuyện không phải của chính mình mà họ thấy là của mình. Vì luôn coi việc trong trời đất là việc của chính mình nên người trí thức luôn tìm đến sự thật. Qua phản ánh sự thật, người trí thức luôn nhìn thấy khuyết điểm của hiện hữu. Không chấp nhận những gì là nguỵ lý, người trí thức thường đưa ra những phản biện mang nội dung phê phán và dự báo. Họ làm việc đó một cách bình thản và can đảm dù cho vì thế mà họ gặp phải nhiều hệ luỵ.
Lê Hồng Hà đã từng “xớ rớ vào những chuyện không liên quan đến mình” để rồi “gặp phải nhiều hệ luỵ”

Sự thật thì đúng như ông đã viết trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đề ngày 18 tháng 7 năm 1995: “Tôi chỉ có một tội: có lương tâm và dũng khí đưa ra kiến nghị giải oan cho những người vô tội, và một dại dột: quá tin vào lương tri và ý thức trách nhiệm của một số người lãnh đạo của Đảng, quá tin vào các điều khoản trong điều lệ Đảng”.
Năm 1955 – 1957 với tư cách uỷ viên Đảng đoàn Bộ Công an, ông đã tham gia sửa sai về công tác đánh địch trong cải cách ruộng đất. Đây là đợt sửa chữa những sai lầm lớn về đánh địch, về xử lý oan trong nội bộ Đảng lớn nhất và rộng nhất trong lịch sử ĐCSVN. Đến năm 1963 – 1964 ông lại là người đóng góp rất tích cực trong việc phát hiện và giải oan cho 8 cán bộ lãnh đạo chủ chốt về Đảng và về Công đoàn ở Nhà máy Cơ khí Gia Lâm. Lúc đó, tại nhà máy xảy ra sự kiện: Trung tá Võ An Khang từ quân đội chuyển ngành sang làm giám đốc Nhà máy bỗng nhiên bị chết. Công an Hà Nội cho đây là vụ giết người, đã bắt giam và tra hỏi 8 cán bộ chủ chốt của nhà máy. Họ bức cung hết sức khốc liệt nên chỉ sau một thời gian, tất cả đều nhận tội giết người. Giám đốc công an Hà Nội đã báo cáo với 5 uỷ viên Trung ương Đảng và được đồng tình chuẩn bị đưa ra xử tội. Việc giải oan vô cùng khó khăn vì việc quy tội sai lại liên quan đến một cán bộ cấp cao. Đằng đẵng suốt 4 năm trời xả thân vì công lý vụ án oan mới được giải. Khi được trả tự do, một số đã bị tâm thần, sức khoẻ suy kiệt, gia đình tan nát.
Cứ mang cái nghiệp như thế vào thân, năm 1995 ông lại “xớ rớ” vào một việc động trời: đòi minh oan cho Vụ án Xét lại Chống Đảng. Trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông đã vạch rõ: “Báo cáo của ông Nguyễn Đình Hương (chuyên viên cao cấp của Ban Bảo vệ Nội bộ) về vụ án “Chống Đảng” là xuyên tạc sự thật và lừa dối Đảng. Bộ Chính trị chỉ dựa vào báo cáo vốn đã sai lầm của ông Nguyễn Đình Hương thì tất yếu sẽ rút ra những kết luận sai lầm thể hiện trong thông báo số 111 ngày 14 tháng 4 năm 1995 do ông Lê Đức Anh ký. Trung ương cần kiểm tra lại hoạt động của Bộ Chính trị và cần giải oan cho hàng trăm người vô tội đã bị oan khuất, khốn đốn suốt 30 năm nay”. Trong thư gửi BCHTWĐ ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông căn vặn vạch vòi: “Sự hình thành tổ chức này (XLCĐ) ra sao? Có từ bao giờ? Do ai sáng lập? Ai là lãnh tụ? Có tên gọi không? Có điều lệ không? Có cương lĩnh không? Cương lĩnh ấy được cấp nào thông qua? Có cấp trên, cấp dưới không? Ai là uỷ viên chấp hành? Ban chấp hành do chỉ định (ai chỉ định?) hay do bầu (ai bầu?) hay do tự phong? Được ai thừa nhận? Có thủ tục kết nạp và khai trừ không? Tổ chức theo chi bộ, tổ đảng hay đơn tuyến? …”, “Việc quy tội làm tình báo cho người nước ngoài có phần hồ đồ và không có căn cứ chính trị pháp lý. Nói hồ đồ là không thể quy hàng trăm người dính vào vụ án đều có tội tình báo được. Công tác tình báo chỉ có thể là việc của một người cá biệt nào đó mà thôi. Vậy nếu chỉ có một vài người thì là những người nào? Họ lấy tình báo gì? Họ chuyển cho ai? Ở đâu? ngày giờ nào? Sở dĩ nói không có căn cứ chính trị pháp lý vì tội tình báo bao giờ cũng gắn liền với việc phục vụ cho một nước ngoài đối địch với ta, họ có những âm mưư phá hoại chính trị nước ta. Ở đây nói nước ngoài là Liên Xô, nhưng suốt thời gian đó, Liên Xô chưa hề là nước đối địch, chưa hề có những hoạt động phá hoại chế độ chính trị nước ta. Chẳng những thế Liên Xô còn là nước đồng minh chiến lược hàng đầu được nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước xác định trong cuộc chiến tranh chống đế quốc trước đây”, “Ông Nguyễn Đình Hương có cho triển lãm sơ đồ tổ chức do Hoàng Minh Chính tự vẽ ra để nói là có tổ chức ( ? ). Vậy xin hỏi: Hoàng Minh Chính giữ vai trò gì trong tổ chức này (là Tổng bí thư, là trưởng ban tổ chức hay là cái gì) mà vẽ ra tổ chức? Có bao nhiêu người thừa nhận sơ đồ đó? Sao lại lấy lời khai của một người để quy tội cho hàng chục, hàng trăm người là hoạt động phá hoại có tổ chức ư?”.
Lê Hồng Hà đã rất thận trọng trước khi dám hạ quyết tâm “xớ rớ” vào vụ này. Ông tìm gặp lại Nguyễn Trung Thành, nguyên là Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Nội Bộ, người giúp việc chính cho ông Lê Đức Thọ trong việc theo dõi trong vụ án Xét lại Chống Đảng từ đầu đến cuối. Ông đã “cật vấn” ông Nguyễn Trung Thành hàng loạt câu hỏi: “Vì sao 29 năm trước đây anh vẫn cho số người này là có tội mà hơn một năm nay (kể từ cuối năm 1993 trở lại đây) anh lại cho họ là vô tội?”, “Vì sao anh có vị trí gần nhất với ông Lê Đức Thọ, người chủ chốt chỉ đạo vụ án, tức là gần mặt trời hàng ngày được chứng kiến cái đúng đắn trong chỉ đạo, mà anh lại nói là sai?”, “Vì sao các khoá TW trước đây (kể cả của Ban Bí thư cuối năm 1991) vẫn cho là đúng, nay cá nhân anh lại cho là sai? Như vậy có phải là anh chống lại TW không?”, “Từ khi anh thấy vụ án này sai, anh đã báo cáo với Bộ Chính trị và Ban Bí thư chưa? Đã được trả lời thế nào?” ….
Trong thư gửi BCHTW ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông khẳng định: “Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Trung Thành trình bày, giải thích cặn kẽ cho tôi nghe về vụ án, và qua đó, với trình độ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rõ rằng: tất cả những người bị bắt và xử trí trong vụ án này đều không phạm tội, dù là một tội nhỏ. Và tôi tin tưởng rằng chỉ cần với một lương tri tối thiểu, nếu các cơ quan có trách nhiệm chịu nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Trung Thành thì chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng, không có gì khó khăn phức tạp”.
Hơn thế nữa, trước khi dám “xớ rớ” vào chuyện động trời này, Lê Hồng Hà không chỉ “cật vấn” Nguyễn Trung Thành mà ông đã cày cục lần mò tìm đến trao đổi với nhiều vị “đại lão thành cách mạng” như Nguyễn văn Trấn, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Quang Việt … Cùng khoảng đó ông Nguyễn Trung Thành thì gặp Hoàng Tùng, Nguyễn Côn, Đoàn Duy Thành, Lê Khắc, Nguyễn Tài … Hầu hết đều đồng tình và hứa sẽ đóng góp vào việc giải oan này.
Nhưng rồi … ông đã thất bại! Tấm huân chương mà Đảng của ông tặng thưởng hành động nghĩa cử, xả thân vì uy tín của Đảng, vì đồng chí, đồng đội của ông là bản quyết định khai trừ khỏi Đảng. (Người viết không đóng ngoặc kép chữ huân chương vì xét theo lập trường nào đó, nó đúng nghĩa đen).
Tài giỏi gấp triệu lần Lê Hồng Hà mà xớ rớ vào chuyện này thì cũng lãnh đủ như vậy thôi. Bởi vì, giải oan được cho hàng trăm người, trong đó có nhiều cán bộ cỡ lớn của Đảng (4 uỷ viên Trung ương, 1 thiếu tướng, 3 đại tá, 4 vụ trưởng …) thì có nghĩa phải kết án Lê Đức Thọ không chỉ ở mức tử hình mà phải tru di tam tộc. Trong khi đó, dù Lê Đức Thọ có chết đi rồi thì vẫn còn đó những kẻ đời đời mang ơn Lê Đức Thọ. Không có Lê Đức Thọ thì làm sao cái ông hoạn lợn ít học kia lại có thể được tâng lên đứng trên đầu toàn Đảng như vậy !
Thực tế đã và đang không chỉ có ông Đỗ Mười!
Người ta cứ tưởng rằng TW khoá Ba và Bộ Chính trị lúc đó tập thể lãnh đạo phá vụ án này. Thực ra, mãi đến tháng 3 năm 1971 Bộ Chính trị mới họp để nghe về vụ án, và cũng mãi tới tháng 1 năm 1972 BCHTW mới họp nghe báo cáo về vụ án. Người ta lại cũng cứ tưởng rằng có một ban chỉ đạo gồm 8 uỷ viên TW đã được lập ra để chỉ đạo vụ án; song thực ra phải đến tháng 11 năm 1968, một ban như thế mới được lập ra với nhiệm vụ giải quyết các việc còn sót lại của vụ án. Suốt cả quá trình từ 1963 đến cuối 1968, toàn bộ quá trình xác lập vụ án, bắt bớ, tra khảo, quy tội … đều do Lê Đức Thọ chỉ đạo. Tuy luôn nhân danh Bộ Chính trị nhưng không hề có một nghị quyết nào của Bộ Chính trị cả, Lê Đức Thọ chỉ sử dụng một số cán bộ của ngành công an, bảo vệ quân đội và tổ chức TW. Toàn bộ cán bộ của ngành kiểm sát và toà án không hề can dự, không hề được biết, được hỏi gì cả !

HOẠ VÔ ĐƠN CHÍ
Đảng không chỉ tặng thưởng Lê Hồng Hà tấm “Huân chương Khai trừ” (Các ông Trần Độ, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận, Vi Đức Hồi, Phạm Đình Trọng, Vũ Minh Trí … cũng đều nhận được tấm huân chương cao quý này) mà còn tống tù ông. Ngày 6 tháng 12 năm 1995, công an Hà Nội đã bắt giam và ngày 22 tháng 8 năm 1996, Toà án Nhân dân Hà Nội kết án 2 năm tù giam về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, cụ thể là “đã đọc và chuyển cho người khác đọc bức thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị, đề ngày 9 tháng 8 năm 1995”.
Người ta cứ nhất quyết bỏ tù ông, mặc dù những lời biện hộ của ông rất thấu tình đạt lý và đầy lý lẽ thuyết phục:
Xét về nội dung, ý tứ và lời lẽ của hai bức thư thì đây là thư ông Võ Văn Kiệt với tư cách là một đảng viên gửi Bộ Chính trị, nghĩa là một tài liệu của bên Đảng, không phải là tài liệu với tư cách Thủ tướng. Trong thư không hề xưng danh Thủ tướng. Không có dấu và công văn của Văn phòng Chính phủ.
- Quyết định 338/ TTg ngày 29 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục tài liệu bí mật chỉ là văn bản hành chính nội bộ của Văn phòng Chính phủ, thuộc loại văn bản không được phổ biến lên đài, lên báo. Các cơ quan lập pháp không được dựa vào một văn bản hành chính nội bộ để kết tội công dân.
Nội dung điều 1, mục II, khoản 5 của quyết định 338/TTg trái với Điều I và Điều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước, tức là trái với luật, như vậy mặc nhiên không thể trở thành căn cứ để truy tố và xử tội công dân.
Theo Bộ luật, khi xét xử tội danh “Tiết lộ bí mật Nhà nước”, thì thông thường chủ thể của tội phạm chỉ có thể là những cán bộ đương chức, có nhiệm vụ quản lý những bí mật nhà nước, chứ không thể tuỳ tiện xử tội những cán bộ về hưu...”
Tôi hoan nghênh việc công khai hoá bức thư Võ Văn Kiệt của ông Lê Hồng Hà. Đây là một trong những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá đất nước. Bức thư đã góp phần khai hoá những cái đầu nào còn u tối trong Bộ Chính trị ĐCSVN, đã banh mắt họ ra.
(Xin được chen vào đây một đoạn kể phúc lộc trời cho đối với tôi qua bức thư trên đem tới: Tôi là người đầu tiên viết bài công khai tán dương thư Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị và tán phát rộng rãi. Bài báo có tiêu đề “Thế nào là định hướng đúng” (còn lưu ở thư viện mạng “www. nguyenthanhgiang.com” và trong cuốn sách “Suy tư và Ước vọng”).
Cuối năm 1995 trường đại học Hoa Kỳ UCLA mời tôi sang thuyết giảng về Cổ Từ học vào học kỳ Mùa Xuân 1996, thời gian 2 tuần. Công an dứt khoát ngăn trở. Học kỳ Mùa Xuân cứ thế trôi qua. Nhưng sau khi bài “Thế nào là định hướng đúng” loan truyền, bỗng dưng có người nói với tôi: “Nếu lại có giấy mời sang Mỹ công tác vào học kỳ Mùa Thu thì rất có thể sẽ đi được đấy”. Quả nhiên thủ tục xuất cảnh được làm rất nhanh. Trước ngày lên đường tôi còn được dự một bữa tiệc linh đình do công an khoản đãi, chủ xị là một vị đại tá. Ngày ấy bộ trưởng công an là Bùi Thiện Ngộ, thân tín của ông Võ văn Kiệt. Hình như sau đó ít lâu ông này bị thất sủng).
Sau thư Võ Văn Kiệt là thư Nguyễn Nam Khánh. Bây giờ thì tôi xin mạnh dạn “thú tội”: Chính Lê Hồng Hà đã dấu bức thư Nguyễn Nam Khánh trong nhà để sau đó bức thư này được tôi đưa lên mạng.
Bữa đó, không biết nhận được tin báo từ đâu, hàng chục công an đã ập vào nhà Lê Hồng Hà lục soát tanh bành suốt từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng. Nhưng rồi họ đã thua ông công an gạo cội này. Ba ngày sau tôi đến thăm ông. Không ngờ ông có bức thư ấy thật, và cực kỳ vui sướng là, nó vẫn còn trong nhà ông. Trống ngực tôi đánh đổ hồi nhưng tôi vẫn run run bỏ bức thư vào túi áo bành tô, cố giữ vẻ thản nhiên bước ra.
Dù đánh chữ bằng vi tính rất chậm nhưng không dám đưa ai, tôi đành tự mình cậm cạch gõ bàn phím qua đêm để tức tốc đưa lên mạng.
“Lời thú tội” này nếu có đem lại hiểm hoạ nào cho ông Lê Hồng Hà và cho tôi thì tôi vẫn cứ “thú tội” một cách thích thú. Bởi vì, nếu việc công khai hoá thư Võ Văn Kiệt được xem là đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam thì việc bạch hoá thư Nguyễn Nam Khánh cũng có tác dụng to lớn không kém.
Bạch hoá nó ra thì toàn Đảng mới thấy cái ung nhọt chết người đang nằm trong cơ thể Đảng. Mới thấy cái cơ chế phản dân chủ, tập trung dân chủ độc quyền, độc đoán đang tạo nên một “đảng” khống chế Đảng, ức hiếp Đảng, gông cùm Đảng ghê gớm đến mức nào !
Bạch hoá thư Võ Văn Kiệt và thư Nguyễn Nam Khánh như đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh, giác ngộ Đảng, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới đúng hướng hơn, đặc biệt về đường lối đối ngoại. ( Ít ra là ở thời kỳ ngay sau đó. Còn bây giờ …?!)
Đọc thư Nguyễn Nam Khánh người ta bàng hoàng nhìn ra con quái vật “T4”. “T4” là bóng ma kinh hãi, là thanh gươm rùng rợn do “đảng” tạo ra nhứ trên cổ ngay cả những bậc hết sức quyền thế trong Đảng, buộc Đảng phải làm theo cái gậy chỉ huy của “đảng”. “T4” là sản phẩm của liên minh tình báo Hoa Nam và tình báo mafia Việt Nam.
Tôi kinh tởm, ghê sợ nó. Tôi ngày đêm khắc khoải lo lắng về nguy cơ đô hộ mới tồi tệ hơn những ách đô hộ cũ. Tôi đã quyết liệt và sẽ còn cố gồng mình lên mà góp phần tích cực ngăn chặn nó, dù đã tuổi già, bất chấp gian nguy.
Tìm thư Nguyễn Nam Khánh vào giữa đêm, lục soát tanh bành nhà một công thần của cách mạng đã là bỉ ổi. Giữa đêm 15 tháng 2 năm 2001 người ta lại điệu ông lên Sở công an Hà Nội. Mục đích duy nhất của cuộc khảo cung lần này chỉ là để tìm tang chứng một bức thư khác.
Đây là một bức thư kêu gọi lật đổ chính quyền? Là một tài liệu bí mật quốc gia?
Không, đây chỉ là một bức thư gửi Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương mà theo Lê Hồng Hà thuật lại:
Đó chỉ vẻn vẹn có một trang đánh máy vi tính, cũng không có bản thảo viết tay nào kèm theo cả. Vì phải đọc nhanh trong phòng hỏi cung nên tôi chỉ nhớ được đại thể mấy ý của tài liệu đó như sau:
Đòi hỏi ông Bộ trưởng Bộ Công an cho biết vì sao có vụ nổi loạn đầu tháng 2/2001 ở khu vực Tây Nguyên mà các cơ quan của Đảng, chính quyền, công an đều bị bất ngờ?
Vì sao công an Hà Nội lại bắt giữ nhà trí thức Nguyễn Thanh Giang đầu năm 1999, rồi khi phải trả lại tự do không hề có lời xin lỗi?
Vì sao công an Lâm Đồng lại khởi tố nhà trí thức Hà Sĩ Phu, rồi khi phải đình chỉ điều tra cũng không một lời xin lỗi?
Vì sao Bộ Công an lại chỉ đạo báo An ninh Thế giới tiếp tục viết loạt bài nêu tội trạng của một loạt nhà trí thức yêu nước chưa hề bị một toà án nào kết tội? Vì sao một tờ báo quan trọng của Bộ như tờ An ninh Thế giới lại có thể vi phạm luật pháp Nhà nước?
v. v. ”
Nhận được một bức thư như vậy, nếu đúng là của Lê Hồng Hà thì lẽ ra Lê Minh Hương nên lễ phép giãi bầy.
Bởi vì, hãy xem Lê Hồng Hà là ai?
Ông sinh năm 1926, tên thật là Lê Văn Quỳ, tham gia cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám. Tham gia đánh chiếm Trại Bảo An Binh trong cuộc khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945. Tháng 7 năm 1946 được kết nạp vào đảng Cộng sản Đông Dương do phó Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam Lê Giản giới thiệu. Trước khi được cử phụ trách Trường Công an Trung ương (1953 – 1957) rồi sau đó được đề bạt Chánh Văn phòng Bộ Công an (1958) ông đã từng được Trung ương cử đi học Khoá l lớp Lý luận Mác – Lê Nin ở Bắc Kinh (1949) và được giữ lại làm trợ giáo cho các khoá II và III tại đây (học viên của ông gồm nhiều người sau này trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị).
Qua đó xem ra Lê Hồng Hà là cỡ thầy của thầy Lê Minh Hương. Vậy mà sao Lê Minh Hương dám vô lễ và nỡ tàn nhẫn như vậy?!

NGƯỜI CÔNG AN CỘNG SẢN CHỐNG LẠI CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN
Ở Việt Nam có những nghịch cảnh làm quằn quại suy tư, làm đau thắt lòng người. Triết gia Mác Lê Nin tầm cỡ quốc tế Trần Đức Thảo, Viện trưởng Viện Triết Mác Lê Nin Hoàng Minh Chính, nghiên cứu sinh Mác Lê Nin khoá I Lê Hồng Hà … đều bị đảng Mác Lê Nin của Việt Nam bỏ tù hoặc đầy ải cho đến chết vì lần lượt trở cờ phê phán Mác Lê Nin rất mạnh mẽ. Trong bài “Suy nghĩ về chủ nghĩa Mác” viết tháng 1 năm 1995, Lê Hồng Hà vạch ra 19 điều để chê chủ nghĩa Mác:
“ - Lấy sự phân tích một khúc phát triển (thời kỳ sơ kỳ) của chủ nghĩa tư bản để khái quát, coi như đặc trưng của chủ nghĩa tư bản và dựa vào dự đoán xu thế diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản là sai về phương pháp luận.
- Sự phát hiện cái gọi là sứ mệnh của giai cấp công nhân là sai lầm.
- Lý luận coi đấu tranh giai cấp và sự tất yếu của chuyên chính vô sản là quy luật phổ biến là sai.
- Lý luận về đặc trưng phi hàng hoá của chủ nghĩa xã hội là sai
- Lý luận về “Mục tiêu xoá bỏ chế độ tư hữu”, tách khỏi sự tăng trưởng kinh tế là sai. v v và v v …”.
Độc đáo nhất là ông công an cộng sản gạo cội này lại lên án chuyên chính vô sản hơi nặng lời: “Người ta cứ tưởng rằng thiết lập chuyên chính vô sản cũng tức là xây dựng nên một chế độ triệu lần dân chủ hơn chế độ tư bản. Nhưng qua các cuộc thanh trừng tàn bạo mà Đảng cộng sản Liên Xô và báo chí Liên Xô đã bộc lộ thì đó chỉ là một chế độ toàn trị (totalitarisme), một nền chuyên chế tàn bạo nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga. Nền chuyên chính vô sản về cơ bản là đối nghịch với nền dân chủ thông thường, là triệt tiêu dân chủ, là chống lại những quyền cơ bản của con người”.
Ngay từ bản thuyết trình về: “Chủ nghĩa xã hội dân chủ” trong một buổi Hội thảo ngày 14 tháng 12 năm 1991, Lê Hồng Hà đã khẳng định rằng chính chủ nghĩa Mác Lênin đã làm Liên Xô sụp đổ nhanh chóng: “Theo tôi, ở Liên Xô và Đông Âu đã diễn ra một quá trình tan vỡ, còn tác động của Mỹ, của CIA trước kia cũng như hiện nay chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nào đó chứ không phải là nhân tố quyết định. Con đường mà Liên Xô và các nước Đông Âu đi từ sau cách mạng Tháng Mười là con đường tự huỷ. Sự tự huỷ này có nguồn gốc liên quan đến những điểm sau:
Thứ nhất – Xét về mặt kinh tế, đã thực hiện một chính sách kinh tế kế hoạch hoá tập trung, phủ nhận nền kinh tế thị trường.
Thứ hai – Xét về chế độ tư hữu, tuyệt đối hoá công hữu, xoá bỏ tư hữu, xoá bỏ các thành phần kinh tế phi XHCN.
Thứ ba - Nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đến mức độ đè nén, phủ nhận dân chủ trong xã hội.
Thứ tư - Biến ĐCS với tư cách lãnh đạo thành một đảng siêu nhà nước, tức là đứng lên trên nhà nước, quyết định mọi vấn đề. Còn bản thân nhà nước chỉ còn là một công cụ.
Thứ năm – Có sự đẳng cấp hoá và đặc quyền hoá trong nội bộ đảng
”.
Ông tha thiết kêu gọi hãy rũ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê Nin ngoại lai để tìm con đường phát triển riêng cho Việt Nam bằng chính tư duy Việt Nam. Trong bài “Thử tìm phong cách tư duy cho Việt Nam” ông khẳng định: “Phong cách Việt Nam có những nét đặc thù khác với các dân tộc khác, khác với các học thuyết ngoại nhập. Dưới đây, thử nêu lên một số đặc trưng chủ yếu nhất của tư duy Việt Nam:
1 – Khác với nhiều học thuyết tách biệt máy móc xã hội với giới tự nhiên, tư duy Việt Nam thường xem xét xã hội, con người trong mối quan hệ với giới tự nhiên, coi Thiên - Địa – Nhân trong một thể thống nhất.
2 - Khác với nhiều triết học Phương Tây đặt vấn đề quan hệ “giữa tâm và vật” lên hàng đầu, tư duy Việt Nam lại đặt quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng lên hàng đầu trong hệ thống tư duy của mình. Và mối quan hệ đó được đặt ở ba cấp; gia đình, làng xã và quốc gia. Trong mối quan hệ đó, người Việt Nam vừa coi trọng cộng đồng, vừa quan tâm đến lợi ích từng thành viên.
3 – Khác với học thuyết Phương Tây quá cường điệu sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, tuyệt đối hoá quy luật phủ định của phủ định liên tục để nói sự tiến lên của xã hội, tư duy Việt Nam lại nhấn mạnh sự kết hợp hài hoà các mặt âm dương để lý giải sự tồn tại và tiến lên của xã hội.
4 – Khác với nhiều học thuyết Phương Tây nhấn mạnh sự hình thành chủ nghĩa cá nhân, coi lợi ích cá nhân, coi quy luật đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển của xã hội, tư duy Việt Nam lấy tư tưởng cộng đồng, hợp tác tương trợ giữa người với người trong cộng đồng làm động lực thúc đẩy xã hội tiến lên.
5 - Khác với nhiều học thuyết Phương Tây nhấn mạnh đấu tranh không khoan nhượng về tín ngưỡng, về tư tưởng (thậm chí dẫn tới chiến tranh tàn sát tôn giáo) tư duy Việt Nam lại nhấn mạnh sự khoan dung, nhường nhịn, hoà hợp.
6 – Khác với nhiều học thuyết bên ngoài tự phong là hoàn chỉnh, khép kín mít, từ chối mọi yếu tố bên ngoài, tư duy Việt Nam vốn là rộng mở, chịu tiếp xúc với nền văn hoá bên ngoài, khiêm tốn học hỏi, sẵn sàng tiếp nhận mọi yếu tố có lợi biến thành của mình nhưng luôn giữ bản sắc của mình, chống sự đồng hoá của bên ngoài, chống sự ăn sống nuốt tươi
7 - Khác với nhiều học thuyết đã tách biệt đời sống vật chất với đời sống tâm linh, tư duy Việt Nam coi trọng cả hai trong đời sống hàng ngày”.
Ông đã nêu lên những yêu sách có tính chất cương lĩnh như sau :
“ 1 - Từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, giữ nguyên mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
2 – Thay tên nước“ CHXHCN VN bằng nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.” hoặc nước “Việt Nam Dân chủ Nhân Dân” hoặc nước “Việt Nam”.
3 - Từ bỏ lý thuyết “Thời kỳ hoá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” của Lê nin, để xây dựng một lý thuyết phát triển bền vững của Việt Nam.
- Từ kém phát triển lên phát triển.
- Từ chế độ bao cấp kế hoạch hoá tập trung lên nền kinh tế thị trường hiện đại.
- Từ chế độ công hữu hoá làm chủ sang chế độ tư hữư nhiều thành phần
- Từ một xã hội ít nhiều khép kín sang một trạng thái hội nhập, đầy đủ với thế giới.
- Từ một nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp lên một nền văn minh trí thức.
4 - Từ bỏ học thuyết Lê nin về thời kỳ quá độ có nghĩa là:
4.1 - Từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa vì là mục tiêu ảo tưởng.
4.2 - Từ bỏ lý luận “Đấu tranh giai cấp giữa hai con đường là TBCN và XHCN làm động lực thúc đẩy đến xã hội phát triển” chấp nhận đường lối Đại đoàn kết toàn dân.
4.3 - Từ bỏ lý luận về cách mạng quan hệ sản xuất xoá giai cấp tư sản, xoá bỏ nền kinh tế cá thể đi vào chế độ công hữu với hai hình thức quốc doanh và kinh tế tập thể …
4.4 - Từ bỏ chủ trương “Lấy quốc doanh làm chủ đạo”, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế dân doanh làm nền tảng.
5 - Từ bỏ “Nhà nước chuyên chính vô sản do giai cấp vô sản lãnh đạo”, từ bỏ cái gọi là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền XHCN, thừa nhận nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân, thừa nhận xã hội công dân, nhà nước pháp quyền
6 - Từ bỏ chủ nghĩa vô thần của Mác, từ bỏ quan điểm “các tôn giáo là thuốc phiện”. Đối với nhân dân cần tôn trọng tập quán, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân, coi các tôn giáo là các trào lưu văn hoá kể cả các tôn giáo ngoại nhập).
7 - Từ bỏ lý luận chỉ có một đảng Cộng Sản, chấp nhận “nền dân chủ đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam”. Loại bỏ điều 4 Hiến Pháp lãnh đạo độc tôn đối với xã hội.
8 - Từ bỏ chủ trương lấy chủ nghĩa Mác Lê nin (mà cho tới nay vẫn chỉ là hệ thống các quan điểm lý luận của Staline ) làm hệ tư tưởng chỉ đạo mặt trận tư tưởng và lý luận, mà phải lấy tư tưởng văn hoá của Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh làm hệ tư tưởng chỉ đạo của quốc gia.
9 - Vừa chú trọng nâng cao mức sống của nhân dân, vừa coi trọng nền văn minh tinh thần, tôn trọng đời sống tâm linh của dân tộc
10 - Vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (lấy đó làm cơ sở), lại vừa giải quyết các vấn đề xã hội, chăm sóc phát triển con người. Vừa bảo đảm việc làm đầy đủ cho người lao động, vừa từng bước xây dựng chế độ bảo đảm xã hội cho toàn dân. Về mặt đối ngoại, ông đề xuất:
1 - Từ bỏ nhận định cũ về thời đại, coi thời đại là “quá độ từ CNTB lên CNCS trên quy mô toàn thế giới bắt đầu từ CM tháng 10 Nga” mà chấp nhận nhận định “thời đại ngày nay là thời đại hoà bình và phát triển, là thời đại chuyển lên nền văn minh trí thức”.
2– Xác lập quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở Trung Quốc là “đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu”, từ bỏ chủ trương coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, hoặc coi Trung Quốc là đồng minh chiến lược. 16 chữ lâu nay vẫn nói về quan hệ Việt – Trung là vận dụng chung các nước láng giềng, không loại trừ nước nào, không phải chỉ để ứng xử riêng với Trung Quốc. Cần có sự phân tích cụ thể hơn các vùng lãnh thổ (biên giới trên bộ, vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị …
3 – Xác lập quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở Hoa Kỳ là “Đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu”, từ bỏ coi đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân ta. Từ bỏ chính sách hai mặt thân thiện bên ngoài, còn bên trong thì coi là kẻ thù, là đối tượng. Xử lý đúng mức với các vấn đề tranh chấp quyền lợi trong thương mại và trong những đợt nhận xét của chính phủ Hoa Kỳ về những cách xử sự đối với tôn giáo, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Tranh thủ tối đa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ để phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, kể cả vấn đề giữ gìn hải đảo và biển Đông v.v..., khắc phục những hoạt động khiêu khích ngay từ trong nội bộ Tổng cục II - Bộ Quốc Phòng, gây thiệt hại lớn cho Tổ quốc Việt Nam trong tình hình thế giới hiện nay
4 - Suy nghĩ chuyển đổi Bộ Ngoại Giao thành Bộ Quan hệ Đối ngoại phụ trách tất cả mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hoá … tránh sự phân cắt, tốn kém như hiện nay”.
*
Lê Hồng Hà đã ở tuổi 84. Vóc dáng ông vốn chỉ thanh mảnh nhưng nhờ trời tinh thần ông vẫn còn minh mẫn, trí nhớ ông vẫn tuyệt vời. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hãy sám hối đối với ông về những nhận thức sai lầm, những đối xử tệ bạc và tàn nhẫn đối với một công thần của cách mạng, một trí thức đáng kính như ông. Hãy đền đáp những gì ông xứng đáng. Hãy trân trọng và lắng nghe ông, đặc biệt là trong những ngày đang chuẩn bị hoàn chỉnh Cương lĩnh mới và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI này.

Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH” Nguyễn Thanh Giang Mobi: 0984 724165

Tác giả gửi BVN
http://boxitvn.blogspot.com/2016/11/thuong-tiec-anh-le-hong-ha-mat-ngay.html



2.

Thứ năm, 2/9/2010 | 08:05 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Đã 65 năm trôi qua, cô nữ sinh của trường Đồng Khánh vinh dự được kéo cờ trong ngày Quốc khánh giờ đã lên chức bà. Mặc dù vậy, nét đẹp thanh thoát của người con gái Hà thành ở bà Thi vẫn còn nguyên vẹn.

Ngôi nhà nhỏ số 62 Ngô Quyền (Hà Nội) giản dị với những tủ sách, những bức ảnh thời chiến của cả hai vợ chồng bà.
Bà tên Dương Thị Thoa nhưng bạn bè vẫn gọi bằng bí danh Lê Thi. Là con gái của cụ Dương Quảng Hàm, từ nhỏ Lê Thi chỉ biết ăn với học. Tính cụ Hàm tương đối thoáng nên khi con gái được Việt Minh giác ngộ, rồi được kết nạp vào đội Phụ nữ cứu quốc, có đợt bỏ nhà đi tuyên truyền cả tháng trời, nhưng cụ chỉ nhẹ nhàng bảo: "Con gái mà cứ lông bông thế thì có nên người được không con".
"Lúc ấy tôi nói với cha rằng cậu cho con làm nốt việc này, rồi con đi học cao đẳng sư phạm như cậu mong muốn. Ai ngờ lời hứa ấy chưa kịp thực hiện thì cha tôi đã ra đi", bà Thi bồi hồi nhớ lại.
Sống dưới chế độ thực dân, thấy giặc Pháp ức hiếp nhân dân, cô nữ sinh trường Đồng Khánh rất căm phẫn. Được phân công kéo cờ vào thứ hai đầu tuần của trường Đồng Khánh, nhằm chọc tức hiệu trưởng người Pháp, bà và nhóm bạn thường cố ý để cờ tắc lại không lên được, hoặc không để cho cờ Pháp và cờ chính phủ bù nhìn lên cùng một lúc. Có khi, cờ lên gần đỉnh cột lại tuột rơi xuống đất.
d
Bà Lê Thi cùng chồng là người lính bảo vệ kỳ đài ngày 2/9/1945. Ảnh: Hoàng Thùy.
Về sau, được Việt Minh đến vận động, rồi đọc báo nói về những việc làm của cụ Nguyễn Ái Quốc, bà Thi hăng hái lắm, song vẫn giấu gia đình. Công việc của bà là cùng với Đội Phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân theo cách mạng. Đôi khi, bà còn đóng vai trò là người đi thu thập thông tin về các trận đánh cho báo đưa tin.
Ngày 2/9/1945, buổi sáng bà Thi đến từng gia đình vận động họ tham gia cuộc mít tinh vào buổi chiều. Đúng 14h, bà dẫn đầu đoàn phụ nữ cứu quốc tiến về quảng trường Ba Đình. "Tôi dẫn đầu, đi ở ngoài hàng, vừa đi vừa hô "Một hai, một hai", thi thoảng lại hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh!”. Vậy là chị em lại hô theo: "Việt Minh, Việt Minh!”, bà Thi kể.
Hôm ấy bà mặc áo dài trắng, đi dày ba ta trắng. Đoàn phụ nữ của bà được đứng vị trí đầu tiên. Gần 14h30, một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử một người lên kéo cờ. Tất cả ngơ ngác nhìn nhau, không ai xung phong lên. Cuối cùng, các chị em đồng thanh hô: "Thi lên đi, Thi lên đi". "Lúc ấy tôi run lắm nên đứng yên không nhúc nhích. Đến khi anh cán bộ xuống thúc thì tôi mới bước đi", bà Thi cười.
Bà Thi nhớ lại, cột cờ ở phía trên bục lễ đài, đường lên ở phía sau. Bà phải bước lên nhiều bậc cầu thang gỗ để tiến đến chân cột cờ. Bác Hồ và các vị đại biểu cũng bước lên lễ đài qua những bậc cầu thang ấy. Khi đến nơi, có một nữ giải phóng quân mặc áo chàm chờ sẵn. Nhìn lá cờ khá to, chị kia lại thấp hơn mình nên bà Thi phân công: "Chị thấp, chị nâng cờ, em cao, để em kéo cờ". Vừa lúc đó nhạc quốc ca cất lên, hai người bắt đầu kéo cờ. 
Bà Thi tâm sự: "Vừa kéo tôi vừa lo cờ bị tắc, không đúng với nhạc hiệu. Nhưng may là đã tham gia tuyên truyền, rồi có mặt trong nhiều cuộc biểu tình nên tôi đã thuộc làu bài hát Tiến quân ca. Khi nhạc quốc ca vừa dứt thì cờ đỏ sao vàng cũng lên tới đỉnh cột, tung bay phấp phới".
d
Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan, hai người phụ nữ cùng nhau kéo cờ trong ngày Quốc khánh. Ảnh: Hoàng Thùy.
Trở về vị trí, đến lúc này bà Thi mới có thời gian quan sát lễ đài. Trên bục cao, những người lãnh đạo cách mạng đang đứng trước quốc dân đồng bào. Ba mặt lễ đài đều có lính gác xung quanh, phía trước, đồng chí Phạm Hồng Cư dẫn đầu một đội gác. Xung quanh, một rừng người đang hừng hực khí thế của ngày Quốc khánh.
Rồi bà nghe giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đọc Tuyên ngôn độc lập. Lúc này bà mới biết người có vầng trán cao, râu dài phúc hậu đang đứng trước mặt mình chính là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà bà đã được đọc trên báo.
Bà Thi cho biết, lần đầu tiên nhìn thấy Bác bà đã băn khoăn tại sao Chủ tịch nước không mặc com lê, thắt ca vát? Ở trường Đồng Khánh, bà thấy mấy ông Tây đều mặc com lê sang trọng. Rồi khi đang đọc dở, Cụ lại dừng lời, hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", tại sao Cụ lại quan tâm đến người khác như thế? Trước đây, lãnh đạo người Pháp ở trường bà thường nói rất nhiều, có khi còn mắng học sinh, nhưng chưa bao giờ hỏi xem họ có nghe được không.
"Lúc ấy tôi đã nghĩ Cụ là một nhà lãnh đạo thực thụ. Tôi không biết Cụ tài giỏi, thông minh thế nào, nhưng tôi thấy Cụ rất giản dị và biết quan tâm đến người khác. Chúng tôi cần một lãnh tụ như vậy và cũng chính giây phút ấy, tôi nguyện suốt đời đi theo cách mạng", bà Thi bồi hồi.
Sau thời khắc lịch sử được tham gia kéo cờ trong ngày Quốc khánh, bà và người phụ nữ người Tày cùng kéo cờ chưa kịp hỏi tên nhau. Rồi kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện chiến trường miền Nam liên tiếp diễn ra khiến việc dò hỏi thông tin không thực hiện được.
Cho đến 44 năm sau, rất tình cờ, trong cuộc họp mặt truyền thống tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam 22/12/1989, dưới chân cột cờ, hai bà mới được giới thiệu, nhận ra nhau và xúc động ôm chầm lấy nhau. "Chị ấy là Đàm Thị Loan, vợ cố đại tướng Hoàng Văn Thái. Sau này gặp lại, chúng tôi vẫn nhắc chuyện ngày xưa, những ngày khói lửa mà hào hùng của dân tộc", bà Thi kể.
Hoàng Thùy
















































































































































http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nu-sinh-dong-khanh-keo-co-trong-le-tuyen-ngon-doc-lap-2174061.html



3.

NỘI DUNG BÓC BĂNG CUỘC ĐIỆN THOẠI GIỮA HỒNG HÀ VÀ HÀ SỸ PHU NGÀY 10-3-2007

Hồng  : Chào... Tốt rồi.... Tranh cãi nhé, Hà Sỹ Phu là hay tranh cãi lắm đấy (cười)... Thế nghe mình nói có rõ không? Rõ hả? Rồi, tốt lắm. Vậy sáng nay cho mình phát biểu trong nửa tiếng thôi, ông Phu và ông Quốc phát biểu thì để sau, đã biết số điện thoại của mình rồi mà.... Thế số điện thoại của Hà Sỹ Phu bây giờ là bao nhiêu? (.... …).Thế à? Thôi,vậy mình sẽ gọi qua Bùi Minh Quốc. Bây giờ tôi nói được chưa? Trước hết tôi kéo dài ngày tết ra để chúc tết các vị đã. Tôi chúc 03 cái, anh nhận được cái gì thì tuỳ anh, còn không thì trả lại (cười). Cái thứ nhất là có sức khoẻ, mọi sự như ý. Cái thứ hai là phát “tài”, tài chính hay tài năng thì tuỳ các ông hiểu. Cái thứ ba là đầu năm đẻ “con” trai, cuối năm đẻ “con “ gái (cười). Thế nhé!
Còn hôm nay tôi đề nghị dành nửa giờ để tôi phát biểu ý kiến của tôi, bởi vì qua theo dõi tình hình và xem các tài liệu của trong và ngoài, tôi thấy có một số vấn đề cần phải có sự trao đổi, mà tôi phát biểu ngày hôm nay coi như người phát biểu đầu tiên trong cuộc toạ đàm và mong rằng các vị xem xét đóng góp ý kiến sau, có phê phán hẳn hoi để mình hoàn chỉnh tư duy của mình. Cách suy nghĩ của tôi với tư cách như là một người quan sát chính trị mà bình luận, chứ không phải một nhà hoạt động chính trị. Thế nhé!
Bây giờ tôi phát biểu xung quanh 03 loại vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tôi nêu lên một cách tổng quát cuộc đấu tranh ở nước ta trong 30 năm qua. Hai nữa tôi muốn đi vào một số đặc trưng của cuộc đấu tranh ở nước ta. Ba nữa là tôi suy nghĩ một số hướng đấu tranh trước mắt của các tầng lớp nhân dân. Tức là có 03 loại vấn đề. Bây giờ tôi đi vào loại vấn đề thứ nhất.
   1/ Với vấn đề thứ nhất thì tôi suy nghĩ thế này, bây giờ chúng ta đặt một cái tên cho cuộc đấu tranh hiện nay của nhân dân ở nước Việt Nam thì gọi tên cuộc đấu tranh đó là gì? Có người cho rằng đó là cuộc cách mạng dân chủ, có người cho rằng thế này thế khác, tôi thì tôi gọi tên của nó như thế này, đây là một cuộc đấu tranh vì sự phát triển và dân chủ hoá đất nước Việt Nam. Theo quan niệm của tôi thì tôi đặt vấn đề phát triển và dân chủ hoá là đi liền với nhau và tôi quan niệm sự phát triển của đất nước Việt Nam là cái tổng quát, dân chủ hoá đất nước là một nội dung của phát triển, một động lực và là một mục tiêu của phát triển. Vì vậy tôi đặt vấn đề đây là cuộc đấu tranh vì sự phát triển và dân chủ hoá đất nước, chứ tôi không đặt vấn đề dân chủ hoá nói riêng hoặc dân chủ hoá một cách độc lập với sự phát triển. Đây là ý kiến thứ nhất của phần thứ nhất này.
Ý kiến thứ hai, đây là một cuộc đấu tranh vì sự phát triển và dân chủ hoá của đất nước trong điều kiện mô hình chuyên chính vô sản áp dụng ở Việt Nam. Như vậy, nó khác với các nước phương Tây, khi đấu tranh để dân chủ hoá đất nước thì các nước phương Tây phải giải quyết một chế độ quân chủ chuyên chế và đi liền với giai cấp tư sản của CNTB phát triển. Còn ở nước Việt Nam ta hiện nay, cuộc đấu tranh để dân chủ hoá và phát triển lại tiến hành trong điều kiện của một nền chuvên chính vô sản vận dụng ở Việt Nam. Khi nghiên cứu vấn đề này, có lẽ chúng ta cần phải ít nhất là tổng kết lại quá trình từ năm 1975 trở lại đây. Sở dĩ lấy mốc nărn 1975 là vì lúc đó đất nước đã thống nhất và hoàn toàn độc lập, còn việc phân chia các thời kỳ ở Việt Nam thì đó là một vấn đề rất phức tạp cần trao đổi sau nhưng tôi cứ lấy mốc từ 1975 trở lại đây và tôi nhìn 30 năm ấy khác với một số tài liệu đã phát biểu. Tôi thấy một số tài liệu phát biểu chỉ tập trung lên án và phê phán cái chế độ chuyên chính vô sản do Đảng Cộng sản cầm quyền, còn tôi thì muốn phân tích 30 năm qua dưới con mắt nhìn đây là một cuộc đấu tranh giữa hai bên, một bên là Đảng Cộng sản cầm quyền và một bên là các tầng lớp nhân dânCuộc đấu tranh này xoay xung quanh vấn đề đi tìm con đường phát triển cho đất nước Việt Nam.
Đứng về phía Đảng Cộng sản cầm quyền thì họ xuất phát từ học thuyết Mác-Lênin nên họ cho rằng, sau khi đã giải phóng và thống nhất đất nước thì Việt Nam phải đi vào con đường quá độ đi lên xây dựng CNXH. Tất cả nội dung của con đường này đã được thể hiện rất rõ trong Đại hội 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1976. Đường lối ấy là một đường lối sai lầm, vi vậy chỉ vận dụng trong vài năm thôi thì cả đất nước Việt Nam đi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn diện và lâu dài. Đứng trước tình hình ấy, các tầng lớp nhân dân phải đi tìm con đường phát triển để bảo đảm lợi ích sống còn của mình và để đảm bảo cho đất nước phát triển. Do đó mới có những vấn đề như khoán hộ nổi lên, hoặc vấn đề đòi phải chuyển nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Đảng Cộng sản định cố tiêu diệt giới tư sản dân tộc qua cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh nhưng trong 30 nărn qua, các tầng lớp nhân dân đã đấu tranh và từ đó cho đến nay,  tầng lớp doanh nhân và những chủ trang trại ở nông thôn phát triển ngày càng lớn mạnh. Do đó, ý kiến của tôi muốn đề nghị là phân tích, nhận xét 30 năm qua dưới một nhãn quan đây là cuộc đấu tranh giữa hai bên, chứ không phải chỉ một chiều Đảng Cộng sản muốn làm gì thì làm.
Tôi có một cách đánh giá như thế này, qua 30 năm thì dân thắng Đảng thua trên mặt kinh tế và tư tưởngdân chưa thắng về chính trị vì Đảng Cộng sản còn nắm được công an và bộ đội.
Tại sao lại nói dân đã thắng về kinh tế và tư tưởng, vì trên mặt kinh tế mà nói, chủ trương và đường lối của Đảng Cộng sản là phải công hữu hoá, là phải xoá kinh tế TBCN, phải xoá kinh tế cá thể, là phải chuyển nền kinh tế sang nền kinh tế kế hoạch tập trung. Nhưng sau 30 năm, hợp tác xã bị phá tan tành, việc định xoá kinh tế cá thể không xoá nổi, kinh tế hộ gia đình và kinh tế nhiều thành phần hiện nay là một hiện tượng lớn nhất của đất nước. Đảng định xoá bỏ giai cấp tư sản thì doanh nhân Việt Nam càng ngày càng phát triển mạnh mẽ chỉ còn lại một khu vực quốc doanh làm ăn thua lỗ và trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế thì đứng trước nguy cơ phá sản. Vì vậy, về kinh tế thì tôi khái quát là dân thắng Đảng thua.
Về tư tưởng, Đảng Cộng sản muốn dùng Chủ nghĩa Mác-Lênin làm tư tưởng chỉ đạo toàn bộ xã hội, phải xây dựng lý tưởng XHCN trong các tầng lớp nhân dân. Theo tôi suy nghĩ, mặc dù hiện nay trường Đảng còn giảng Mác-Lênin, các trường đại học còn phải dạy Mác-Lênin và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phải xuất bản tác phẩm Mác-Lênin nhưng trong các tầng lớp nhân dân, lý tưởng CNXH không còn là vấn đề nữa và Chủ nghĩa Mác-Lênin không có vị trí lớn nào trong suy nghĩ của nhân dân. Vì vậy, mình mới nêu lên nhận định là trên mặt kinh tế và tư tưởng thì dân thắng Đảng thua, Đảng chỉ chưa thua trên mặt chính trị mà thôi.
Qua 30 năm, chung ta thấy rất rõ rằng CNXH Nhà nước xâm nhập vào Việt Nam, nhưng từ đổi mới thì CNXH Nhà nước bắt đầu ra đi khỏi Việt Nam. CNXH Nhà nước xâm nhập vào Việt Nam là theo con đường chính trị đi trước, kinh tế tư tưởng đi sau, nhưng khi bắt đầu ra đi khỏi Việt Nam thì CNXH Nhà nước lại ra đi từ kinh tế trước, sau đến tư tưởng và chính trị là cuối cùng. Như vậy, lộ trình xâm nhập và lộ trình ra đi là ngược nhau. Từ thực tiễn 30 năm qua, có lẽ chúng ta phải có nhiệm vụ phân tích, phát hiện được những đặc trưng của cuộc đấu tranh ở Việt Nam xem nó là thế nào, nó khác gì so với các nước ở trên thế giới. Việc ấy là một việc rất lớn, nó đòi hỏi phải có một trí tuệ tập thể của tầng lớp trí thức ở Việt Nam chứ không thể nào một vài trí thức ở đây đó làm nổi việc này và tập thể ấy có nhiệm vụ bổ sung cho nhau, phê phán nhau thì mới ra nổi. Như vậy ý kiến thứ nhất của tôi tổng quát là như thế.
    2/ Bây giờ tôi đi sang phần thứ hai, đó là từ thực tiễn 30 năm, từ cách đặt vấn đề suy nghĩ như thế, tôi thử phát hiện những đặc trưng cơ bản của cuộc đấu tranh ở Việt Nam hiện nay là như thế nào. Trong những đặc trưng cơ bản này, ý kiến của tôi muốn nêu lên một số điểm cụ thể như sau:
- Một, cuộc đấu tranh để phát triển và dân chủ hoá đất nước trong điều kiện của một nền chuyên chính vô sản là một sự nghiệp cực kỳ khó khăn nhưng có khả năng thắng lợi lớn. Chúng ta phải hiểu rằng thể chế chuyên chính vô sản là một thể chế rất mạnh, nên nếu có ý đồ sử dụng lực lượng vũ trang xâm nhập từ bên ngoài hoặc tổ chức lực lượng bạo loạn ở trong nước để lật đổ chính quyền này thì phải nói rằng trước sau gì cũng thất bại. Nhưng đồng thời kinh nghiệm 30 năm qua cho thấy, trong điều kiện nền chuyên chính vô sản như thế nhưng dân đã thắng lợi về kinh tế và về tư tưởng. Cho nên, nếu có một đường lối, một phương thức, một sách lược về đấu tranh đúng thì trong điều kiện nền chuyên chính vô sản vẫn có điều kiện giành được thắng lợi. Và chế độ chuyên chính vô sản ấy mặt nào đó thì rất mạnh nhưng lại có mặt rất yếu, nó có khuynh hướng là một quá trình tự tan rã. Vì sao? Vì đường lối xây dựng kinh tế và xã hội của mô hình CNXH Nhà nước ấy là một mô hình phản phát triển , sai lầm, nó làm cho những đất nước đi vào CNXH là nghèo khổ. Và với chế độ độc đảng thì cán bộ nắm quyền bị tha hoá, do đó mất hết uy tín trong nhân dân. Đường lối mà làm kìm hãm sự phát triển xã hội và khiến cán bộ tha hoá, mất hết uy tín trong nhân dân thì đây là một quá trình tự vỡ. Vì vậy, khi các tầng lớp nhân dân và các lực lượng mà ta tạm gọi là dân chủ đứng lên đấu tranh thì không phải là do mình đứng ra tổ chức các lực lượng để đánh đổ chế độ ấy đâu mà là hỗ trợ cho quá trình tự vỡ của chế độ ấy. Đây là vấn đề thứ nhất nhé, tức là nền chuyên chính vô sản mạnh nhưng đồng thời lại rất yếu, nó đang trong quá trình tự tan vỡ và các lực lượng trong nước hoạt động lúc này là hỗ trợ cho sự tự vỡ ấy.
- Vấn đề thứ hai là tính chất của cuộc đấu tranh. Đây là một cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt những chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản cầm quyền, những chính sách phản dân hại nước nhưng không phải là một cuộc đấu tranh để lật đổ chính quyền hiện nay. Đối với chính quyền hiện nay, nếu họ làm những việc gì đúng đắn có lợi cho dân tộc thì nhân dân hoan nghênh, còn nếu họ làm những chính sách gì có hại cho sự phát triển của dân tộc thì nhân dân đấu tranh để chấm dứt. Họ cũng có những chính sách đúng, ví dụ như vừa rồi vận động để dân tộc Việt Nam gia nhập WTO hoặc tổ chức Hội nghị APEC, đây là những hành động rất đúng thì chúng ta ủng hộ. Như vậy, cần phải làm rõ luận điểm : đây là một cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt những chính sách sai lầm chứ không phải là cuộc đấu tranh lật đổ chính quyền. Một luận điểm nữa : đây là cuộc đấu tranh chấm dứt vai trò độc đảng, đảng trị của Đảng Cộng sản chứ không phải là cuộc đấu tranh để đánh đổ và xoá bỏ Đảng Cộng sản. Phải nói rằng Đảng Cộng sản có những công lao trong chiến tranh giải phóng dân tộc nhưng từ 1975 trở đi thì họ lại đưa dân tộc vào chỗ sai lầm. Thành ra bây giờ mình làm chấm dứt vai trò độc đảng trong chính thể chuyên chính vô sản nhưng không phải là một cuộc đánh đổ để xoá bỏ Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản vẫn có thể tiếp tục tồn tại và là một lực lượng chính trị tham gia chế độ dân chủ đa nguyên. Đây là ý thứ hai.
Ý thứ ba, đây là cuộc đấu tranh để chống lại việc quốc đạo hoá Chủ nghĩa Mác-Lênin, đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin thành lý thuyết quốc gia bắt cả dân tộc này đi theo thì đó là thảm hoạ. Nhưng cuộc đấu tranh này cũng không phải là cuộc đấu tranh để chống Chủ nghĩa Mác-Lênin, mà chỉ là chống lại việc quốc đạo hoá Chủ nghãa Mác-Lênin.
Như vậy, qua kinh nghiệm của 30 năm và những năm trước nữa, tôi thấy có 03 đặc điểm : Một là cuộc đấu tranh để chấm dứt những sai lầm của chính quyền chứ không phải để lật đổ chính quyền; Hai là cuộc đấu tranh để chấm dứt vai trò độc đảng, đảng trị trong nền chuyên chính vô sản chứ không phải để xoá bỏ, đánh đổ Đảng Cộng sản; Ba là cuộc đấu tranh để chống lại việc quốc đạo hoá Chủ nghĩa Mác-Lênin chứ không phải để chống Chủ nghĩa Mác-Lênin. Tính chất của cuộc đấu tranh có ba điểm như thế nhé!
     - Vấn đề thứ ba, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân vừa rồi không phải do một đảng chính trị đối lập nào lãnh đạo cả. Nó cũng không do một cương lĩnh chính trị nào lãnh đạo cả. Tất cả những thắng lợi về kinh tế như khoán hộ, như hình thành lớp doanh nhân Việt Nam, như kế hoạch hoá tập trung phải chuyển sang kinh tế thị trường... xuất hiện như là một nhu cầu thiết thực về đời sống của các tầng lớp nhân dân và nó hình thành, chứ nó không phải do một đảng chính trị hay một cương lĩnh nào lãnh đạo cả. Đấy là một đặc điểm ở đất nước Việt Nam.
  - Điểm thứ tư, trận địa đấu tranh giữa hai bên , một bên là Đảng cầm quyền và một bên là các tầng lớp nhân dân. Điều này không giống như các nước khác, các nước khác khi đấu tranh dân chủ hóa thì nó diễn ra giữa một bên là đảng cầm quyền và một bên là những đảng dân chủ đối lập lãnh đạo một khối lượng quần chúng khác, trong khi ở Việt nam là giữa Đảng cầm quyền và các tầng lớp nhân dân.Theo mình suy nghĩ, lực lượng tiền phong của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh này có 3 loại người: Một là giới Trí thức, hai là giới Doanh nhân, ba là những lực lượng tiến bộ trong cơ quan Nhà nước. Vì vậy, hình thái trận địa của cuộc đấu tranh tại Việt nam khác với trận địa ở các nước khác.Đấy là điểm thứ tư.
   - Điểm thứ năm, do trận địa đấu tranh như thế nên phương thức đấu tranh ở Việt nam là đấu tranh trong tình hình hợp pháp tối đa. Về điểm này, có thể xem xét và học tập ý kiến của Phan Chu Trinh. Cuộc đấu tranh hợp pháp tối đa có nghĩa là chúng ta phải giữ lấy tính hợp pháp, phải sử dụng những khẩu hiệu của hiến pháp, của luật pháp hiện nay đã có để đấu tranh.Do đó, về cơ bản, thái độ của chúng ta là nên ủng hộ vấn đề đổi mới (của Đảng) nhưng đòi hỏi đổi mới phải triệt để, anh không được đưa đổi mới ra để làm nửa vời, để mỵ dân.Đấy là vấn đề thứ năm.
   - Vấn đề thứ sáu, do cuộc đấu tranh trong điều kiện như thế nên nó chỉ có thể thắng lợi một cách dần dần, quá trình tiến lên là một quá trình tiệm tiến chú không có đột biến.Có lẽ không thể nào đùng một cái mà thắng lợi ngay được mà phải đi nhiều bước. Và do cách thắng lợi của nó như thế nên hình thái thắng lợi có khi không được rõ ràng, khoa trương gì ghê gớm cả. Ví dụ: vấn đề khoán hộ, dần dần nó đánh tan hợp tác xã thì đấy là một quá trình tiệm tiến; sự hình thành các doanh nhân Việt nam cả về lượng và về chất cũng là một quá trình tiệm tiến chứ không phải mở ngay ra tức khắc. Cho nên, sự tiến bộ của đất nước Việt nam khi nó hình thành có khi phải theo lộ trình, tức là hình thành, xuất hiện một cách âm thầm, không chính thức, không hợp pháp, rồi dần dần mới được công nhận và được hợp pháp hóa. Có lẽ quá trình đấu tranh ấy sẽ phải tiến hành như thế chăng?
    Hiện nay có nhiều vấn đề chúng ta chưa có một cái tổng kết gì cho nó rõ cả. Ví dụ, cái nhóm của Lê Đức Anh và TCII có thể nói từ năm 91 ở Đại hội VII đã chiếm lĩnh một vị trí ghê gớm trong Đảng và trong hệt thống chính trị này, nhưng đến năm 2006 thì nó sụp đổ. Vậy tại sao một lực lượng ghê gớm như thế mà lại sụp đổ? Phân tích phương thức đấu tranh là gì, công lao là của ai và có kinh nghiệm gì thì chúng ta hiện nay chưa ai có tổng kết gì cả.
     Như vậy là tôi đã nêu lên một vài đặc trưng của cuộc đấu tranh ở Việt nam nhé! Đấy là phần thứ hai.
     3/ Phần thứ ba, đó là trước mắt cuộc đấu tranh đang tập trung vào những vấn đề gì? Theo mình suy nghĩ và khái quát lại những hiện tượng đấu tranh ở trong toàn quốc thì tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh ấy hiện đang tập trung vào lĩnh vực đổi mới chính trị, tức là đấu tranh trên lĩnh vực chính trị. Cuộc đấu tranh ấy nó thừa hưởng thành quả đấu tranh thắng lợi trên mặt kinh tế và tư tưởng trong 30 năm qua và hiện nay nó đang bước vào một thời kỳ mới là tập trung đổi mới chính trị, mà chủ đề chính là “Xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự, chứ không phải “Nhà nước pháp quyền XHCN”. Nó phải là cuộc đấu tranh để xây dựng một chế độ dân chủ thật sự chứ không phải chế độ dân chủ XHCN và nội dung của nó là phải chấm dứt mô hình chuyên chính vô sản, có nghĩa là phải chấm dứt mô hình đảng độc quyền lãnh đạo, đảng trị.
      Nội dung của cuộc đấu tranh đổi mới chính trị này có thể nêu lên 05 điểm cụ thể :
   - Thứ nhất, đấu tranh để Quốc hội trở thành cơ quan quyền lực cao nhất theo đúng Hiến pháp.
   - Thứ hai , luật hóa điều 4 Hiến pháp, hoặc nếu không thì phải ra luật về sự lãnh đạo của Đảng. Sau khi ra luật về Mặt trận Tổ quốc thì phải ra luật vế đảng Cộng sản lãnh đạo và điều quan trọng là phải thanh toán hai hệ thống chính quyền đang tồn tại hiện nay ở Trung ương cho đến cơ sở. Hôm nọ, trong báo Gia đình và Xã hội cách đây độ một tuần hay là 10 ngày, nó có đăng một bài trả lời phỏng vấn của Đặng Hữu Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, có đưa ra một số liệu rất đáng lưu ý thế này, tổng số người ăn lương theo ngân sách Nhà nước hiện nay là 66 vạn, trong đó có 21 vạn là viên chức hành chính Nhà nước, 28 vạn là cán bộ phường xã, 27 vạn là Đảng và đoàn thể. Như thế là viên chức hành chính Nhà nước chỉ có 21 vạn  mà biên chế của Đảng và đoàn thể từ Trung ương đến địa phương lại đến 27 vạn, Cho nên, nếu không giải quyết được vấn đề này thì bàn về cải cách hành chính của 21 vạn chỉ là vô nghĩa. Tại sao nhân dân anh hùng như thế này mà không tập trung xây dựng được UBND và HĐND cho tốt, mà phải có thêm hệ thống cấp ủy đảng lãnh đạo? Nó thành ra 02 hệ thống chính quyền rất chồng chéo. Cho nên hội nghị Trung ương 4 vừa rồi không dám bàn đến ngân sách của Đảng vì nếu bàn thì sẽ thấy được Đảng đang được sở hữu và quản lý một khối lượng chi tiêu và tài sản khổng lồ.Do đó, điểm thứ hai là phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng và thanh lý được hệ thống hai chính quyền.
   - Thứ ba là phải đấu tranh để Tư pháp độc lập, các tòa án chỉ xử theo pháp luật chứ các cấp ủy Đảng không được quyền can thiệp.
   - Thứ tư là đấu tranh từng bước để Quân đội và Công an chỉ được trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, không được quyền trung thành với Đảng.
   - Thứ năm là phải ban hành mới luật lập hội và luật tự do báo chí.
Theo như tôi suy nghĩ sau khi đã khái quát lại những cuộc đấu tranh trong Đại hội, trong Quốc hội và trên báo chí thời gian qua thì thấy có lẽ cuộc đấu tranh trước mắt đang chuyển sang lĩnh vực chính trị là trung tâm. Và theo cách đặt vấn đề của người ta thì cuộc đấu tranh này đang diễn ra trong một môi trường mới với những đặc điểm sau:
+ Thứ nhất, nó tiến hành cuộc đấu tranh chính trị này trên cơ sở những thắng lợi trên mặt tư tưởng và kinh tế của 30 năm trước đây chứ nó không phải xuất phát từ số o mà tiến hành.
+ Thứ hai, năm 2006 xuất hiện một thế trận mới, đó là đảng Cộng sản cầm quyền ở vào thế bị động, còn các lực lượng tiến bộ đang phát triển và tấn công một cách mạnh mẽ. Thêm vào đó là sự xuất hiện của các tổ chức dân chủ và các tờ báo dân chủ đã làm cho thế trận đổi khác rồi.
+ Thứ ba, nước Việt nam đã gia nhập WTO, tức là hội nhập quốc tế và việc hội nhập ấy sẽ ngày càng đẩy tới chứ anh không thể cưỡng được.
+ Thứ tư, việc tiến hành đấu tranh chính trị này diễn ra trên cơ sở một cơ cấu xã hội mới xuất hiện, nghĩa là hiện nay trong xã hội Việt nam đã phân tầng và hình thành ra các tầng lớp xã hội mới có vị trí khác trước. Vì vậy, cuộc đấu tranh chính trị là rất khó khăn vì nó đụng đến vấn đề quyền và lợi của tầng lớp cầm quyền hiện nay nhưng lại được tiến hành trong môi trường hoàn toàn thuận lợi.
      Tuy nhiên, đây là ý kiến mà ở ngoài này trong anh em còn đang khác nhau. Một loại ý kiến thì cho rằng ở nước Việt nam này phải 10-15 năm nữa mới chuyển biến, còn một loại ý kiến cho rằng trong điều kiện thuận lợi như thế này thì trong những năm trước mắt có thể giành được thắng lợi. Do đó, mình đề nghị các anh em ở trong ấy suy nghĩ xung quanh vấn đề đấu tranh chính trị, vấn đề bầu cử Quốc hội. Đấy, xin các ông suy nghĩ, theo dõi và đóng góp ý kiến.
      Ngoài ra tôi cũng đã đề nghị các anh em ở ngoài này là khi các ông tham gia đấu tranh thì vấn đề phê phán, lên án ông Hồ thì xin các ông gác lại cho. Quyền nhận xét về ông Hồ thì đó là quyền của mỗi người, nhưng trong đấu tranh chính trị hiện nay, để cho các tầng lớp nhân dân có thể tham gia cùng đấu tranh thì phải tạm gác lại vấn đề phê phán ông Hồ. Đối với đảng Cộng sản thì nếu phê phán những cái hiện nay thì cứ phê phán nhưng tránh phủ nhận tất cả công lao của Đảng trong chiến tranh giải phóng trước đây vì như thế sẽ không có lợi trong vấn đề tập hợp lực lượng.
      Đấy, tôi đã phát biểu quá 30 phút rồi, vậy xin ông Hà Sĩ Phu, ông Bùi Minh Quốc suy nghĩ, rồi một tuần nữa các ông phê phán lại tôi (cười). Được không? Có nghe rõ không?...Tốt rồi!...
Hà Sĩ Phu : Thưa anh Hồng hà, hôm nay được nghe anh trình bày những ý kiến rất là thú vị.  Trước hết tôi thật ngạc nhiên vì ở tuổi anh mà sự suy nghĩ còn hệ thống, mạch lạc, chính xác như thế thì đã ít có rồi, nhưng điều lạ nữa là khả năng diễn đạt sao vẫn còn lưu loát, rõ ràng, sáng sủa như thế.
Về nội dung, anh đã đặt được ra những vấn đề căn bản để thảo luận, đã đưa ra những ý kiến cá nhân, trong đó có nhiều ý kiến mới và chính xác. Trên cơ sở đó, chắc chắn còn phải bàn luận, mở rộng, cụ thể hóa và phản biện nữa.
Nhưng để làm được việc đó, xin có 3 ý kiến đề xuất với anh thế này :
- Đề nghị anh văn bản hóa cho, đánh máy vi tính thành bài Text gửi cho anh em, để vừa nghe vừa đọc nữa. Những ý kiến góp của anh em có thể cũng viết thành bài, có thể ký tên thật hay bút danh, rồi tập hợp lại sẽ có thể có ích cho nhiều người
. Tất nhiên có những vấn đề muốn hiểu đúng cần đọc “giữa các hàng chữ”.
- Về quy mô của sự thảo luận, ý anh định thế nào, chỉ giao lưu hẹp trong một số anh em thân tín hay định mở rộng ra đến đâu, xin anh cho biết.
- Trong những anh em có tấm lòng đối với sự dân chủ và phát triển đất nước thì
từ trước tới nay chưa có sự trao đổi chung  một cách hệ thống nào, nay anh khởi xướng việc trao đổi này là rất tốt. Nhưng công cuộc “ dân chủ hóa và phát triển đất nước” này không phải nay mới bắt đầu từ đầu, mà cũng đã đi được một quãng khá xa rồi. Ngoài những ý kiến khá gần nhau như ý kiến của anh với chúng tôi thì cũng có những xu hướng rất khác. Sự nở rộ bên trong và bên ngoài vừa rồi có những mặt tốt, nhưng cũng có những xu hướng, những phương pháp có thể nói là sai lầm, gây tác hại. Vậy thái độ của những người có suy nghĩ đúng đắn phải ứng xử thế nào trước tình hình phức tạp đó, xin anh suy nghĩ trước để rồi có thể trao đổi.
Hồng Hà : Những ý anh nói vừa rồi hình như để động viên tôi, nhưng tôi nghe không được rõ, có thể vì phương tiện của anh tồi quá ( cùng cười), vậy anh bổ sung vào rồi gửi ra cho tôi.
Hà Sĩ Phu- Bùi Minh Quốc : Vâng, cảm ơn anh Hồng Hà. Anh nhớ viết thành bài nhé!
                                                                10 giờ - ngày 10-3-2007

http://hasiphu.com/baivietmoi_08.html





4.


Diễn Đàn
23-11-16

Một kỷ niệm nhỏ về Lê Hồng Hà

Nguyễn Ngọc Giao


 
Trước năm 1995, khi dư luận trong nước và ngoài nước nghe tên anh Lê Hồng Hà qua vụ thư của ông Nguyễn Trung Thành yêu cầu chiêu tuyết cho cả trăm nạn nhân của ông Lê Đức Thọ trong vụ « nhóm xét lại, chống Đảng », tôi cũng chỉ biết anh qua vài bài viết mà báo Đất Việt (Canada) đã đăng vào những năm cuối thập niên 1980. Nhưng tôi chưa được gặp anh lần nào : tôi được ông « Sáu Búa » (tên mà người ta gọi đằng sau lưng ông Lê Đức Thọ) ra lệnh cấm cửa từ mùa hè 1982.
Đầu tháng 12.1995, anh Lê Hồng Hà bị bắt sau khi người ta gây ra vụ đụng xe đạp với anh Hà Sĩ Phu, để « phát hiện » ra trong túi xách một bản sao chụp thư (ngày 9.8.1995) của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ chính trị ĐCSVN, truy ra anh Nguyễn Kiến Giang, rồi anh Lê Hồng Hà, là người đã chuyền tay bản sao chụp cho anh Nguyễn Kiến Giang. Trong một bản tin của Ban văn hoá tư tưởng (nay là Tuyên giáo), người ta còn hàm ý là từ anh Lê Hồng Hà mà báo Diễn Đàn có được bức thư và công bố trong số tháng 1.1996, khiến cho cả hải ngoại đều biết một tài liệu « tối mật của Nhà nước ». Thế là anh Lê Hồng Hà mang cái tội « tán phát » ra toàn thế giới cái tài liệu tối mật đó. Kẹt cho chính quyền ở chỗ này : ông Kiệt gửi thư cho Bộ chính trị với tư cách một đảng viên, uỷ viên Bộ chính trị, chứ không phải dưới tư cách thủ tướng, do đó lá thư không phải là một văn kiện Nhà nước, càng không phải là văn kiện mang dấu đỏ « tối mật ». Cho nên trong hồ sơ vụ án, người ta không dám để văn bản lá thư. Điều đó không ngăn cấm quan toà sử dụng « điều 4 Hiến pháp » để kết án tù cả ba người, anh Lê Hồng Hà 2 năm tù giam.
Nhân đây, cũng xin mở ngoặc để kể lại trong hoàn cảnh nào, chúng tôi nhận được văn bản Võ Văn Kiệt. Thời đó, Việt Nam chưa nối mạng internet. Qua bưu điện, Diễn Đàn nhận được, cách nhau chừng một tuần, vào đầu tháng 11.1995, hai bản, một gửi từ Hà Nội, một từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là hai bản đánh máy khác nhau, nhưng giống nhau như hệt về nội dung (trừ vài lỗi chính tả). Đó không phải là bản chụp lá thư mang chữ ký của ông Võ Văn Kiệt, mà chỉ là bản đánh máy lại. Bản từ Thành phố, ở cuối, lại chua thêm bốn chữ « Thủ tướng Chính phủ » không có trong bản kia, chỉ đề tên « Võ Văn Kiệt » – chắc là do « cậu đánh máy » thêm vào, vì lý do nào đó.
Tài liệu thực, tài liệu thực nhưng ai đó cố ý thay đổi một số câu chữ, hay tài liệu nguỵ tạo ? Đăng hay không đăng ? Đó là những câu hỏi Ban biên tập phải giải đáp. Nguyên tắc của chúng tôi là chỉ đăng những tài liệu chứng thực. Và trong trường hợp này, không thể kiểm chứng với tác giả và càng không thể xin phép tác giả trước khi đăng. Qua những thông tin và trải nghiệm của chúng tôi lúc đó, thì nội dung và văn phong lá thư « đúng » là ý kiến và phong cách của ông « Sáu Dân » (tất nhiên không chính xác hoàn toàn, ngày nay chúng ta được biết, người chấp bút cho ông là anh Nguyễn Trung). Chi tiết làm chúng tôi « nhảy bước » quyết định, là trong bản Hà Nội, có vài chỗ sửa bằng chữ viết tay, rất giống tự dạng của ông Võ Văn Kiệt mà chúng tôi có được mấy bản thủ bút. Thế là Diễn Đàn đã công bố toàn văn bức thư. Và cũng may là, giống như một số « tài liệu nội bộ » mà chúng tôi đăng trên Diễn Đàn, đó là những tài liệu chính thực, chưa lần nào chúng tôi « mắc mưu » của « cơ quan hữu quan » nào cả.
Tôi bị « cấm cửa » hơn 19 năm : tháng 11 năm 2001, mới đặt chân trở lại Hà Nội. « Thoả thuận » qua một người trung gian gần gũi văn phòng thủ tướng (lúc đó là ông Phan Văn Khải – một phó thủ tướng là ông Nguyễn Tấn Dũng) là tôi « hạn chế » các cuộc tiếp xúc, chỉ gặp những người quen biết. Như đã có dịp viết (khi ông Trần Độ từ trần), tôi chấp nhận « điều kiện » ấy, vì tôi không hề có ý định đi gặp những người không quen (trừ phi bị người ta mời tới « làm việc »), với một biệt lệ, là tôi nói rõ với họ là tôi sẽ đến thăm một người tôi quen nhưng chưa bao giờ được gặp là ông Trần Độ, vì lo rằng một lần sau, ông Trần Độ sẽ không còn nữa.
Rốt cuộc (xem bài Trần ĐộDiễn Đàn số 121, tháng 9.2002), tôi không bao giờ được gặp ông Trần Độ. Nhưng tôi lại được gặp một người « không quen » là anh Lê Hồng Hà. Cũng là tình cờ. Hôm ấy, sau khi gặp phóng viên thường trú của AFP ở phố Tràng Tiền, trên đường về 32 Bà Triệu (nơi vợ chồng tôi thuê phòng của Ban Việt kiều Trung ương), đi ngang qua góc phố Ngô Quyền, tôi bỗng nhớ chị Lê Thi (con gái cụ Dương Quảng Hàm) ở số 62 phố này. Tôi bèn đề nghị với vợ tôi : mình ghé qua chào chị Lê Thi (mà chúng tôi đã mấy lần được gặp ở Paris, Lê Thi là biệt hiệu, tên con gái của chị là Dương Thị Thoa – chị có em gái là nhà báo Dương Thị Duyên, mà tôi có dịp quen biết trong thời gian Hội nghị Paris). Cũng phải thú thực, như tôi đã nói với vợ tôi sáng hôm ấy : « Hi vọng sẽ được gặp cả anh Lê Hồng Hà, chồng chị ».
Chị Lê Thi đi vắng. Khi chúng tôi bấm chuông và bước qua cổng sắt đi vào sân, anh Lê Hồng Hà bước ra khỏi phòng trên gác, đứng ở đầu cầu thang, cho biết như vậy và mời chúng tôi lên chơi. (Khi đứng ngoài cổng, bấm chuông, tôi vô tình để ý thấy có hai người đàn ông đứng ở viả hè, nhìn chúng tôi chú mục). Được gặp anh lần đầu, chưa bao giờ trao đổi thư tín, nhưng câu chuyện trao đổi thân mật, như tiếp nối những lần thăm hỏi trước đó. Không hẹn trước, và cũng sắp có một cuộc hẹn khác, nên chúng tôi không dám ở lâu. Tôi nhớ có kể lại việc báo Diễn Đàn đăng bức thư ông Kiệt và ở phiên toà anh bị « vu oan » là đã « tán phát » cho chúng tôi. Anh cười, nụ cười nho nhã như khuôn mặt,  và nói tiếp chuyện khác. Trước khi chia tay, anh tặng chúng tôi cuốn sách về cụ Dương Quảng Hàm mà con cháu và học trò cũ của cụ vừa xuất bản.
Vài ngày sau, vợ chồng tôi được « mời » tới trụ sở Bộ công an ở phố Hàng Bài không xa đó. Hai sĩ quan, một nam (đại tá – như vậy là ngang quân hàm với đại tá Lê Hồng Hà) một nữ (trung tá) mặc quân phục, nghiêm nghị nói : « Chúng tôi được quần chúng nhân dân báo cáo là ngày…. anh chị đã tới phố Ngô Quyền... ». À ra thế. Tôi xác nhận sự việc mà « quần chúng nhân dân » (mà hai đại diện như vậy đã được cắt cử đứng chực ở trước cổng nhà số 62) đã « báo cáo » cho họ : « Đúng thế, chúng tôi đến thăm chị Lê Thi, chị đi vắng, được anh Lê Hồng Hà tiếp. Anh còn tặng chúng tôi cuốn sách mới ra về cụ Dương Quảng Hàm ». Nhìn nét mặt hơi ngơ ngác của hai đại diện công lực, vợ tôi nhanh nhảu chú thích : « Trung học, tôi học chương trình Pháp, nhưng hiểu biết được về văn học Việt Nam là nhờ cuốn Quốc văn trích diễm của cụ Dương Quảng Hàm »… Buổi « làm việc » kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, khá căng thẳng, nhất là khi họ yêu câù chúng tôi phải « cam kết từ nay không làm gì có hại cho đất nươc, báo Diễn  Đàn không đăng những bài có hại cho đất nước ». Không ai hẹn ai, vợ chồng tôi cùng đập bàn – cũng hơi bất lịch sự, vì họ khá lễ độ – bác bỏ các yêu cầu vô lý ấy : «Chúng tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ làm điều gì có hại cho đất nước. Anh chị đừng nói như vậy ». Rồi buổi « làm việc » cũng kết thúc, êm dịu hơn sau khi họ đã làm điều mà họ được chỉ thị thi hành. Về phần tôi, tôi cũng cẩn  thận nói thêm : khi lên đường về lại Pháp, tôi sẽ kiểm lại hành lý, để tất cả những gì trong va li đều do tôi xếp vào.
Tôi làm đúng như đã nói với hai anh chị ấy. Ở sân bay, qua hải quan, hành lý của chúng tôi cũng không bị khám xét. Về tới Paris, kiểm lại, chúng tôi không thấy thiếu cái gì. Trừ cuốn Dương Quảng Hàm.
Sách do gia đình xuất bản, chủ yếu chắc để tặng bàn bè, nên tôi không tìm mua được một bản khác. Hy vọng một ngày kia về Hà Nội, chị Lê Thi còn bản nào cho tôi. Và hy vọng, bản mà anh Lê Hồng Hà cho chúng tôi cũng sẽ giúp được những ai có cuốn sách trong tay, có thêm hiểu biết về văn học Việt Nam.
Chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn, mà tôi muốn nói tới để kết thúc bài này là chuyện khác. Năm 1946, sang thăm nước Pháp, Cụ Hồ lại thăm người bạn quen từ những năm 1920, là Pablo Picasso (xem Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày). Vừa tiếp chuyện, Picasso vừa vẽ ký hoạ chân dung Hồ Chí Minh rồi ký tặng. Cụ Hồ trao bức hoạ cho thư ký riêng đi cùng là ông Vũ Đình Huỳnh. Hè năm 1967, ông Huỳnh bị bắt trong vụ « xét lại chống Đảng » đã nhắc ở trên. Sáu năm tù, ba năm quản chế, không xét xử, không bản án. Khi đến bắt, công an khám nhà, tịch thu tất cả những hình ảnh, tài liệu liên quan tới Hồ Chí Minh. Chân dung Hồ Chí Minh, ký hoạ của Pablo Picasso, biến mất từ đó.
Lãnh đạo hiện nay của ĐCSVN còn nợ các nạn nhân, còn nợ nhân dân sự thực về án oan « xét lại chống Đảng ». Và còn mắc nợ nhân loại bức ký hoạ Picasso nữa đấy.

Nguyễn Ngọc Giao

 Xem thêm:

http://www.viet-studies.net/kinhte/NNgocGiao_KyNiemLeHongHa.htm

.







I. Cụ Hồng Hà họ Hà


1.

Thứ ba, 18/1/2011 | 09:08 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Ngày 14/1, ông Hồng Hà, nguyên Bí thư trung ương Đảng, nguyên Chánh Văn phòng trung ương Đảng đã từ trần tại nhà riêng, thọ 83 tuổi. Lễ tang ông được tổ chức theo nghi lễ cấp nhà nước, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Theo thông báo của Ban chấp hành trung ương Đảng và gia đình, ông Hồng Hà tên khai sinh là Hà Văn Trường, sinh ngày 5/9/1928 tại thành phố Nam Định. Ông tham gia hoạt động cách mạng tháng 3/1945, vào Đảng năm 1947.
hh1-1349269662_480x0.jpg
Ông Hồng Hà, nguyên Bí thư trung ương Đảng. Ảnh: thainguyentv.vn.
Ông Hồng Hà từng trải qua nhiều chức vụ, như Ủy viên trung ương Đảng khóa VI, khóa VII, Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; đại biểu Quốc hội khóa IX; Tổng biên tập Báo Nhân dân; Chánh văn phòng trung ương Đảng; Trưởng ban Đối ngoại trung ương; Trợ lý tổng bí thư, Tổng thư ký Hội đồng lý luận trung ương; Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam.


Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhì, huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý.



Trên 60 năm hoạt động cách mạng, ông Hồng Hà đã đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để tưởng nhớ ông, Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang ông với nghi thức cấp nhà nước.



Linh cữu ông được quàn tại nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức từ 8h30, ngày 20/1, lễ truy điệu lúc 12h30 cùng ngày. Lễ an táng được tổ chức tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

(Theo TTXVN/Vietnam+)














































http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguyen-bi-thu-trung-uong-dang-hong-ha-qua-doi-2185758.html





2.

Vĩnh biệt anh Hồng Hà

18 Tháng Giêng 2011 7:00 SA 
MAI QUỐC LIÊN

Bookmark and Share

Hình ảnh của Vĩnh biệt anh Hồng Hà
Thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đọc và mến yêu hai nhà văn – nhà báo Thép Mới – Hồng Hà. Văn Thép Mới bay bổng, trữ tình còn văn Hồng Hà mộc mạc, chắc thiệt. Nhưng nếu sự nghiệp của Thép Mới chủ yếu là văn là báo thì Hồng Hà là nhân vật – chính khách: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân. Nhưng người ta còn nhớ đến anh nhiều qua cuốn Thời thanh niên của Bác Hồ, lấy tư liệu từ những năm anh công tác trong Đoàn đàm phán Hiệp định Paris.
Tôi học Phổ thông ở Nam Định, quê hai anh. Nam Định, đất vua Trần, đất văn hiến, đất học và con người rất mực thuần hậu. Vì thế khi gặp anh Thép Mới ở Sài Gòn (sau khi anh ở chiến trường Nam Bộ), tôi thân quý anh, đến anh chơi và thật gần gũi qua kỳ Đại Hội Nhà văn lần thứ 4 (1989). Mãi sau tôi mới quen thân anh Hồng Hà. Chả là trong các kỳ họp, kỳ Đại Hội Nhà văn, có một ông già ngồi lặng im, với nét mặt hiền hậu, trầm tĩnh ngồi ở hàng ghế đầu. Tôi bắt tay anh, nói vài câu hỏi thăm.

Đồng chí Hồng Hà và tác giả bài báo.
Đến kỳ Đại Hội Nhà văn vừa qua (2010), giữa lúc giải lao, có bạn đến bảo: “Ông Hồng Hà tìm ông đấy!”. Và hai anh em ra ngoài sân, nói chuyện rất lâu về tình hình chính trị gần Đại Hội Đảng. Với lòng tin cậy đặc biệt, tôi gửi gắm anh rất nhiều ý nguyện về tình hình, mong anh phản ánh lại các đồng chí có trách nhiệm. Anh khen Hồn Việt ghê quá, tôi hơi ngượng, nói: “Về làm báo thì anh là bậc tiền bối, bậc thầy của chúng tôi. Chúng tôi mới “vào nghề”, có đáng gì đâu mà anh khen”. Dầu sao vẫn thấy ấm lòng vì lời anh là lời chân thành, lão thực. Thế rồi tôi gửi ít sách tặng anh, như đã hứa; anh gửi thư cảm ơn, động viên (thư in kèm). Tôi và anh hẹn gặp ở Hội thảo Tố Hữu do Ban Tuyên Huấn Trung ương tổ chức ở số 7 Nguyễn Cảnh Chân, nhưng rồi Hội thảo dời ngày, không gặp.
Những tưởng anh em còn gặp nhau, còn chia sẻ nhiều tâm tình về đất nước, văn hóa; thế mà chiều hôm 14/11; tôi đang ngồi với anh Phan Quang ở TP.HCM, thì được tin anh mất đột ngột! Vừa mới nhìn thấy anh trên ghế khách ở Đại Hội Đảng, thế mà anh đã ra đi! Tôi cũng vừa mới đọc bài của anh trên số Tết báo Nhân Dân “Thế giới đa dạng vào Xuân” với tầm nhìn và nhãn lực của một nhà ngoại giao tầm cỡ. Anh còn biết bao tiềm lực, sáng tạo, tâm huyết! “Trên đường những tưởng nương chân bước/ Đâu biết hôm nay có biệt tình” (Thơ Hồ Thấu). Đời người thật khó lường.
Anh Hồng Hà đã là một chiến sĩ Cách mạng kiên cường, chung thủy, một trí thức, một nhà báo, nhà văn đã hiến trọn tâm huyết đời mình cho Tổ quốc, cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, mặt trận báo chí – văn nghệ, mặt trận đổi mới! Vĩnh biệt anh, chúng tôi xin nguyện cố gắng thêm nữa để đền đáp lại kỳ vọng của anh giành cho Hồn Việt và Quốc Học.

Bức thư Đồng chí Hồng Hà gửi cho GS Mai Quốc Liên.
Đồng chí HỒNG HÀ (tên khai sinh Hà Văn Trường), sinh ngày 5/9/1928 tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Nơi ở hiện nay: B4-1C, số 106 đường Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng tháng 3/1945, vào Đảng năm 1947. Nguyên: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa V, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, khóa VII, Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; đại biểu Quốc hội khóa IX; Tổng Biên tập báo Nhân Dân; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Trợ lý Tổng Bí thư; Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Do tuổi cao, đồng chí đã đột ngột từ trần hồi 9 giờ 40 phút, ngày 14/1/2011 tại nhà riêng.
Trên 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Hồng Hà, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang đồng chí Hồng Hà với nghi thứcLễ tang cấp nhà nước.
Ban Lễ tang đồng chí Hồng Hà do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm trưởng ban.
Theo Nhân Dân
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2549-vnh-bit-anh-hng-h.aspx



.



1 nhận xét:

  1. Thực ra nhân vật Lê hồng Hà là người có được học, nhưng chưa thể là nhà trí thức bởi đã là trí thức đúng nghĩa thì trung thành với mục đích tư tưởng mình đã chọn dù đó là tư tưởng nào.Còn như bài viết này tác giả đã quá thiên vị cho một kẻ bất trung khốn nạn mang tên Lê hồng Hà,có được học song không thể là tri thức Việt. được.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.