Một tướng quân, đồng thời là một nhà văn ở Trung Hoa đại lục.
Ông rất được bạn đọc Trung Quốc hâm mộ, nhất là giới trẻ.
Những năm gần đây, Lưu Á Châu cũng được đọc nhiều ở Việt Nam, qua các bản dịch (thấy có nhiều bản dịch của cụ Nguyễn Hải Hoành - người anh em trong gia đình một người thầy cũ của tôi).
Lưu Á Châu văn tập
|
Chạy một ít tư liệu về Lưu Á Châu.
Đầu tiên là bài trên tạp chí Hồn Việt của nhóm Mai Quốc Liên, sau đó là các mẩu ngắn mang tính sơ lược.
---
1. Bài trên Hồn Việt từ năm 2010
Đọc Lưu Á Châu để hiểu thêm một vài vấn đề về Trung Quốc (kỳ 1. Cuộc chiến Việt Nam 1979)
07 Tháng Mười Hai 2010 7:00 SAVŨ HỒNG NGỰ
Lưu Á Châu là Trung tướng Không quân của Trung Quốc, Chính ủy Đại học Quốc Phòng Trung Quốc. Tại căn cứ Không quân Côn Minh - Vân Nam, Lưu Á Châu đã có một bài phát biểu có nhiều điểm làm cho người ta chú ý. Đọc bài phát biểu đó, chúng ta có thể nhận thức sâu thêm, hiểu kỹ hơn một vài vấn đề lâu nay chúng ta vẫn để tâm tìm hiểu và hiểu cái “cách” của Trung Quốc ứng xử với thế giới hiện đại.
VÌ SAO TRUNG QUỐC ĐÁNH VIỆT NAM NĂM 1979?
Sau khi nói về “Giấc mơ quân đội và đất nước hùng mạnh”; “đây không chỉ là giấc mơ mà đã trở thành niềm tin vững chắc của tôi”, “tôi rất yêu quý quân đội chúng ta, 15 tuổi, tôi nhập ngũ, đến nay đã 34 năm trong quân đội; tôi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và sẽ cống hiến cả đời mình cho quân đội”, ông ta nói về việc “quân đội Trung Quốc đã hai lần phát huy vai trò chính trị quan trọng”.
Một lần là sóng gió chính trị 4/6 (sự kiện quân đội giải tán biểu tình tại Thiên An Môn 4/6/1989). “Có thể nói, không giải quyết vấn đề “4/6”, không có cục diện phát triển phồn vinh của Trung Quốc ngày hôm nay; không có quân đội, vấn đề ngày “4/6” sẽ không giải quyết, cũng không thể có 13 năm huy hoàng”. Thiên An Môn là chuyện của Trung Quốc, còn đây là chuyện liên quan đến Việt Nam chúng ta. “Một lần khác là cuộc chiến tự vệ chống Việt Nam năm 1979 và cuộc chiến “Lưỡng Sơn” sau này (cuộc chiến “Lão Sơn” và “Giả Âm Sơn” theo cách gọi của Trung Quốc, tức cuộc lấn chiếm của Trung Quốc ở khu vực điểm cao 1509 huyện Vị Xuyên và Núi Bạc, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, Việt Nam - N.D). Đặc biệt là cuộc chiến tự vệ đánh trả Việt Nam năm 1979, nhiều đồng chí chưa nhận thức được ý nghĩa của cuộc chiến này.
Khi đó, có người nói: chúng ta đánh nhau với người Việt Nam, hiện nay, những người hy sinh là liệt sĩ, sau khi quan hệ hai nước trở lại tốt đẹp, họ sẽ là gì? Tôi trả lời: “Vẫn là liệt sĩ!”. Vì sao? Chúng ta phải nhìn nhận cuộc chiến này từ góc độ chính trị. Ý nghĩa của cuộc chiến này nằm bên ngoài cuộc chiến. Cuộc chiến này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ.
Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền vào năm 1978, tháng 1/1979, ông thăm Mỹ, tháng 2/1979 đánh Việt Nam. Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Vì sao? Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, chương trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đã được ông vạch sẵn, muốn thực hiện chương trình này phải xác lập quyền lực tuyệt đối trong nội bộ Đảng. Phải đánh một trận. Khi đó, “bè lũ bốn tên” vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong nội bộ Đảng còn rất đông, họ vừa chống lại Đặng Tiểu Bình, vừa phản đối lại đường lối và chính sách của ông. Muốn cải cách phải có quyền lực. Biện pháp xác định quyền lực nhanh nhất là gây chiến tranh. Lưu Dụ (?) cũng làm như vậy. Khi đó, rất nhiều người phản đối chiến tranh, cho rằng Quân Giải phóng vừa trải qua “cách mạng văn hóa”, không thể đánh trận được. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình rất quyết đoán, dẹp mọi tranh cãi, chỉ huy Quân Giải phóng ào ạt vượt qua biên giới vào ngày 17/2. Thứ hai là người Mỹ, ý nghĩa của việc này cũng rất lớn.
Đến nay, Đặng Tiểu Bình đã xa chúng ta được 5 năm, nhưng tôi cũng luôn cảm thấy ông ở cạnh bên chúng ta. Lý Hiến Trung (Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Không quân Bắc Kinh) nói: “Mao Trạch Đông của chúng ta, càng ngẫm càng thấy vĩ đại”. Thời gian càng lùi xa, sự vĩ đại của Đặng Tiểu Bình càng khiến chúng ta cảm nhận rõ ràng hơn. Ông chuyển hướng cả đất nước Trung Quốc chúng ta. Các đồng chí thấy đấy, cuộc chiến này xảy ra năm 1979.
Trung tướng Lưu Á Châu. Nguồn: Shanghaiist.com.
Năm 1975, sau khi hao binh tổn tướng, người Mỹ cuống cuồng tháo chạy khỏi Việt Nam. Đặng Tiểu Bình nói, tôi dạy cho Việt Nam một bài học. Khi đó, Việt Nam đang theo ai? Đang theo Liên Xô. Đặng Tiểu Bình tấn công. Cuộc chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam vào lúc đó của Đặng Tiểu Bình thực sự đã đưa Trung Quốc ra khỏi cái gọi là phe xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Khi ấy, nhiều nước Đông Âu không hài lòng, nói rằng một nước xã hội chủ nghĩa lại đánh một nước xã hội chủ nghĩa khác. Khi đó, Đặng Tiểu Bình đã thấy rõ không cần thứ chủ nghĩa xã hội ấy của họ. Kết quả như thế nào? Chủ nghĩa xã hội giả hiệu đã chết yểu.
Vào năm 1989, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ hàng loạt. Ngay cả Liên Xô cũng tan rã. 10 năm trước đó, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vấn đề này, dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. Đặng Tiểu Bình, thật là một kỳ tài! Vừa rồi, tôi nói gây ra cuộc chiến tranh này vì người Mỹ, chính là trả hận cho người Mỹ. Có bằng chứng không? Có đấy. Ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam. Vì sao có thể giúp Mỹ hả giận? Bởi vì, người Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam. Chúng ta sao lại giúp người Mỹ hả giận? Thực ra không phải vì Mỹ, mà là vì chúng ta, vì cải cách mở cửa. Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc.
Tuần trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài đến mười năm, đến ngày 4/6/1989 mới tạm lắng. Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này. Với ý nghĩa đó, cống hiến của quân đội Trung Quốc đối với công cuộc cải cách mở cửa thật to lớn vô cùng” (1).
Người Việt Nam chúng ta cũng nên biết về chuyện nội bộ của quân đội Trung Quốc, từ cách nhìn của người chỉ huy cao cấp, đã nhuốm màu “quan phương”, nhưng cũng có tình tiết lý thú; làm ta hiểu rõ thêm thực chất của cuộc chiến tranh mà ông Lưu gọi là “tự vệ”! (Trung Quốc đánh Việt Nam từ lệnh của Đặng Tiểu Bình là do ông nói ra, chứ Việt Nam có đánh Trung Quốc trước đâu!).
TÂM LÝ QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC - NHÌN TỪ ÔNG LƯU
Khi đó, tôi đến thăm bộ đội tham gia chiến đấu, để lại ấn tượng rất sâu đậm đối với tôi. Khi ấy, cải cách mở cửa đã bắt đầu, đặc biệt là khi tác chiến ở “Lưỡng Sơn”, hậu phương vẫn ca hát nhảy múa trong thanh bình. Các cán bộ chiến sĩ không những phải đối mặt với thử thách sinh tử, mà đều có gánh nặng cuộc sống. Đặc biệt là cán bộ cơ sở, hầu hết gia đình đều rất khó khăn. Lúc đó, tôi đến viếng một chính trị viên đại đội của Quân đoàn 14, anh ta đã hy sinh. Vợ anh ta gặp tôi, nói rằng, trước khi ra trận, chồng chị vẫn còn nợ tiền, khi phát lương tháng cuối cùng trước khi ra trận, trừ hết các khoản nợ, chỉ còn 5 xu tiền lương trong túi. Cuối cùng, cô ấy đưa cho tôi xem bản kê di vật, chỉ còn đúng 5 xu. Tôi thấy thật xót xa.
Có một chiến sĩ gia đình nghèo đói, di chúc của họ thật đầy máu và nước mắt. Trong di chúc của một chiến sĩ, có đoạn, nếu tôi chết, mong công xã hãy cho gia đình tôi một con bò. Có người khác viết, nếu tôi chết, hãy cởi bộ quân phục của tôi đem về quê, anh em nhà tôi không có quần áo để mặc. Xem những trang viết này thật là xót xa.
Tinh thần của các binh sĩ vĩ đại như núi Thái Sơn. Từ hậu phương đến tiền tuyến, tôi thấy sự chênh lệch quá lớn, không thể nói lên lời! Không chỉ là cuộc sống mà còn những cái khác. Chẳng hạn, tôi đã từng điều tra bộ đội tham chiến ở bốn quân đoàn, những cán bộ có vợ chưa cưới thì 100% đều từ hôn, không có trường hợp ngoại lệ. Tôi xem thư đoạn tuyệt hôn nhân của một cô gái, viết cũng rất có lý: “Anh hy sinh không còn không sao, nếu anh bị thương mất chân mất tay, chúng ta sẽ biết sống ra sao?”. Đây cũng là thực tế. Một chính trị viên phó đại đội ở quân đoàn 27 dẫn đầu đội xung kích tấn công một ngọn núi, bị hy sinh, cả đội xung kích có 30 người thì hy sinh 20.
Sau khi trở về, đại đội tập hợp những người sống sót trong toàn đại đội điểm danh, thi thể của chính trị viên phó đại đội và hai mươi mấy chiến sĩ đặt trên một sân phơi của dân. Vào lúc đó, thư của vợ chưa cưới chính trị viên phó cũng vừa gửi đến. Thư gì vậy? Thư cắt đứt quan hệ hôn nhân. Trước mặt những người sống sót và trước thi thể những người đã hy sinh trong đó có chính trị viên phó, đại đội trưởng đã đọc bức thư ấy, các chiến sĩ toàn đơn vị ai cũng đầm đìa nước mắt. Tôi luôn thấm thía khung cảnh khi ấy và tâm trạng của họ. Ánh sáng nhân tính vào thời điểm ấy mới rực sáng nhất. Khi bước vào chiến đấu rất hiếm thấy lời nói hùng hồn. Thật sự có thể làm rung động lòng người thì tuyệt đối không thể tràng giang đại hải, càng không thể là đạo lý suông. Trầm tĩnh có sức mạnh lớn hơn nhiều so với ồn ào náo động.
Tôi đi qua một đơn vị chuẩn bị bước vào chiến đấu, tâm trạng háo hức trước khi tham chiến của bộ đội như miêu tả trong tiểu thuyết, trên phim ảnh, truyền hình… tất cả đều chỉ là sự phóng đại. Trước khi tác chiến, một vùng bộ đội đóng quân tĩnh lặng như tờ. Cán bộ chỉ huy đều ẩn nấp ở nơi rất xa. Khi thời bình, số cán bộ chỉ huy này rất khí phách hào hùng. Có một cán bộ cho đến nay vẫn còn duy trì quan hệ với tôi. Khi đó tôi là cán bộ cấp Tiểu đoàn phó, anh là Sư đoàn trưởng. Anh gặp tôi, nói một cách khí phách: “Tôi có 3 suy nghĩ, cậu hãy viết thành sách cho tôi! Thứ nhất, tôi muốn làm George Smith Patton Jr của Trung Quốc; thứ hai, binh sĩ được coi là gì? Binh sĩ chính là những con số Ả rập; thứ 3, tôi mong mỏi được đánh trận. Đánh một trận thăng một cấp”.
Chính vì mấy câu nói đó, tôi đã không tha thứ cho anh ấy. Anh ấy không có thiện cảm với chiến sĩ. Thời bình, nếu Đại đội trưởng, người chỉ huy có quan hệ tốt với chiến sĩ, thì có thể đoàn kết thành một tập thể vững mạnh, nhưng nếu có chút mâu thuẫn, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng mỗi người một phách. Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ sẵn sàng xông pha không chùn bước.
Các bạn đều biết tôi từng viết một tác phẩm có tiêu đề Vương Nhân Tiên. Tác phẩm này đã gây tiếng vang rất lớn. Vương Nhân Tiên là Phó Tham mưu Đại đội thuộc Sư đoàn 14, Quân đoàn 14, người Côn Minh, thuộc dòng dõi con em cán bộ. Trước chiến tranh, Vương Nhân Tiên từng bị xử lý do vi phạm kỷ luật, sau này hy sinh. Có người cho rằng anh ấy không phải là anh hùng, nhưng tôi cho rằng anh ấy là anh hùng, hơn thế nữa còn là anh hùng đích thực.
Quân đoàn trưởng Quân đoàn 14 khi đó, xxx từng nói: “Nghe nói Lưu Á Châu muốn viết về Vương Nhân Tiên? Quân đoàn 14 có nhiều nhân vật anh hùng như vậy sao không viết, lại đi viết về một người như vậy?”.Người khác đem chuyện này kể với tôi, tôi chỉ bĩu môi một cách khinh thường. Hugo từng nói, trong chủ nghĩa anh hùng đích thực tuyệt đối có một chủ nghĩa nhân đạo đích thực tuyệt đối. Rủi ro của Vương Nhân Tiên chính là điển hình của chủ nghĩa nhân đạo, đồng thời cũng là điển hình của chủ nghĩa anh hùng.
Vương Nhân Tiên vốn yêu một cô bạn gái tại Côn Minh, nhưng khi quân đội di chuyển đến Lão Sơn, cô bạn gái này đã cắt đứt quan hệ với Vương Nhân Tiên. Sau khi quân đội tiến vào khu vực Lão Sơn, đóng quân tại một địa phương gọi là Lạc Thủy Động. Vương Nhân Tiên và một số cán bộ khác ở trong một gia đình nông dân người Miêu. Nữ chủ nhà là một cô gái dân tộc Miêu rất xinh đẹp, vừa kết hôn không lâu, có một đứa con mới sinh. Tính cách của cô gái này tràn đầy nhiệt huyết, rắn rỏi khí khái. Đa phần các cô gái dân tộc thiểu số đều có đặc điểm chung như vậy. Không giống với các cô gái dân tộc Hán, không dám yêu cũng không dám oán hận. Dân tộc Hán là một dân tộc không có tình yêu nhất. Dù dân tộc Hán có dân số đông nhất trên thế giới, nhưng họ không có tình yêu. Ở nước ngoài vì tình yêu có thể gây chiến tranh, Trung Quốc có thể không? Ngô Tam Quế được coi là nam nhi dám chiến đấu vì tình yêu, lại vẫn bị cho là Hán gian.
Cô gái Miêu. Tranh của Jin Ming Lee.
Cô gái người Miêu ở Lạc Thủy Động sau khi nhìn thấy Vương Nhân Tiên đẹp trai, phong độ, cao 1m82. Nghe nói trên khuôn mặt anh ấy luôn mỉm cười, ban đầu Vương Nhân Tiên không hề để ý tới cô ta. Phụ nữ nông thôn mà, gia cảnh rất nghèo. Mặc dù, lớn lên rất xinh đẹp, nhưng đã là người có con. Trước khi bộ đội lên Lão Sơn, cô gái người Miêu đã rót nước vào bình cho tất cả các chiến sĩ đóng quân tại nhà cô và cố ý cho thêm đường vào bình của Vương Nhân Tiên, đường cho vào nhiều đến mức ngọt như mật ong.
Buổi tối, cô gái người Miêu bế con đến phòng của Vương Nhân Tiên. Cô đã hành động một cách tự nhiên nhất trước mặt Vương Nhân Tiên: cởi áo cho con bú. Hai người cứ ngồi với nhau như vậy trong căn phòng. Vương Nhân Tiên ra sức rít thuốc. Anh ấy đang cố gắng kìm chế. Nhưng cuối cùng không kìm chế nổi. Vì sao không thể? Điều này là có lý do, lý do đó chính là ngày mai bộ đội phải lên Lão Sơn. Chuyến đi này có thể anh ấy muốn “ghi danh”. Anh ấy là người đàn ông có tâm huyết, chính trực, chưa từng quan hệ với phụ nữ. Anh khẳng định, nghĩ lại chuyện đó anh vẫn không đành lòng. Đây là lẽ hết sức thường tình của con người.
Khi đó, hai người đã quan hệ trong chuồng heo. Ngày thứ 2, tình hình đột nhiên thay đổi, các cuộc tiến công đã bị hoãn lại. Kế hoạch tác chiến bị trì hoãn, vì vậy tình yêu của họ đã đến một cách tự nhiên như vậy. Bất cứ việc gì đều giống nhau, đã có một lần thì sẽ có một trăm lần. Trong những ngày đó, bất cứ nơi đâu của Lạc Thủy Động đều lưu lại những hình ảnh yêu thương của họ. Tuy nhiên, số lần quan hệ trong chuồng heo cũng tương đối nhiều. Vương Nhân Tiên sau mỗi lần làm chuyện đó đều hút thuốc, hết điếu này đến điếu khác, thật là nguy hiểm. Cô gái Miêu rất hạnh phúc, đã hát ngay tại chuồng heo. Một cô gái thật có cá tính!
Sau này, người chồng của cô đã phát hiện ra, hỏi cô đã quan hệ với ai, cô không nói, cuối cùng chồng cô đã báo cáo vụ việc lên đơn vị. Tập đoàn quân 14 cảm thấy đây là một sự việc hết sức nghiêm trọng, phá hoại kỷ luật quần chúng. Quân đoàn trưởng Quân đoàn 14 xxx ra lệnh xử nghiêm. Quân đội đã triệu tập tất cả các cán bộ và binh lính đóng gần nhà cô gái Miêu, xếp thành hàng, gọi cho cô gái đến nhận mặt. Cô gái người Miêu thật cương nghị, hôm đó tôi cảm thấy còn phải cung kính nể phục. Cô bước tới phía trước Vương Nhân Tiên, chỉ tay nói: “Chính là anh ấy” rồi lại nói một câu gì đó, tôi nghe không hết, nhưng ý nói là tôi thích anh ấy, tôi yêu anh ấy. Trưởng ban Bảo vệ nói: “Tôi đã sớm đoán được là Vương Nhân Tiên. Tôi đã nhìn thấy đầu thuốc lá cao cấp có ở khắp nơi trong chuồng heo. Mùi thơm của những đầu thuốc này chỉ có anh ta hút”.
Vương Nhân Tiên bị kỷ luật và giáng cấp từ Phó Đại đội xuống cấp Trung đội. Ngày tấn công Lão Sơn, Trung đoàn điều Vương Nhân Tiên lên tuyến đầu. Ngày 12/7, một sư đoàn của Việt Nam và quân ta đã xảy ra một cuộc chiến giằng co quyết liệt tại khu vực Lão Sơn. Pháo bắn suốt ngày đêm. Vì Lạc Thủy Động cách tuyến đầu rất gần, có thể nhìn thấy một vùng trời rực lửa đạn bom. Cô gái người Miêu cứ ngồi ở đầu thôn, ngóng về phía Lão Sơn. Người chồng đã đánh cô, xuống tay rất nặng. Đầu và mồm đều bị chảy máu, làm cô bất động. Vương Nhân Tiên đang chiến đấu tại điểm cao nhất của mặt trận. Anh là tham mưu pháo binh, đã kịp thời báo cáo hàng nghìn tình huống cho pháo binh tuyến sau. Hỏa lực pháo binh của quân ta dài như tầm mắt, dội lên đầu kẻ địch.
Tháng 8, tôi leo lên Lão Sơn, nhìn xuống phía dưới, vẫn còn nhìn thấy cảnh thây xác. Đó đều là xác quân địch bị bắn chết trong cuộc chiến “12/7”. Sau này, quân địch phát hiện trên địa phương này có căn cứ, đã tập trung hỏa lực đánh vào đây. Vương Nhân Tiên đã hy sinh. Đồng đội của anh ấy nói rằng, khi chết, anh đang dựa vào một gốc cây và cứ đứng chết như vậy. Sau khi bộ đội rút đi, vẫn đi qua Lạc Thủy Động. Cô gái người Miêu đứng ở đầu thôn, tìm từng người, từng người một. Các sĩ quan binh lính đi ngang qua cô, họ đều cúi đầu, giống như đã phạm một lỗi lầm. Họ đã thay đổi quan điểm về Vương Nhân Tiên và khi đó đã có một tâm trạng hoàn toàn thay đổi.
Cuối cùng, cô gái cũng biết Vương Nhân Tiên đã hy sinh. Bạn xem cô gái đó sẽ làm gì? Cô đã bán tài sản trong nhà lấy tiền mặt, mua hai tút thuốc lá đầu lọc tương đối cao cấp, đến trước mộ của Vương Nhân Tiên, bóc toàn bộ hai tút thuốc, rồi châm lửa từng điếu từng điếu một, cắm lên mộ. Trên mộ đã cắm đầy thuốc. Khi đó, tôi nghe thấy hết sức cảm động.
Năm 1984, khi tôi đến Lão Sơn thì mộ của Vương Nhân Tiên đã được xây rồi. Ban đầu, trong quân đội không ghi công cho Vương Nhân Tiên, sau này, do yêu cầu mạnh mẽ của các nhà văn như chúng tôi, Vương Nhân Tiên đã được ghi công, đại để được ghi công hạng nhất. Khi đó, tôi đi tìm bia mộ tại nghĩa trang liệt sĩ và tôi đã tìm thấy. Tôi đã học theo cách của cô gái người Miêu, bóc một bao thuốc lá, đốt từng điếu và cắm lên mộ anh. Khi đó, tôi là Phó Tiểu đoàn Ban Liên lạc Không quân.
Năm 1999, tức 15 năm sau đó, tôi đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Chính trị Không quân Bắc Kinh, tôi lại cùng một vài đồng chí Trưởng ban như Vương Xuân Ba, Lưu Phan đã đến nghĩa trang liệt sĩ Ma Lật Pha. Lão Sơn vẫn xanh tươi như xưa. Lần đó, tôi chỉ mang rượu, thuốc lá từ Bắc Kinh, trước mộ Vương Nhân Tiên tôi đã rót rượu và châm thuốc mời anh. Tôi và các đồng chí đi cùng đều không cầm được nước mắt. Họ nói, Chủ nhiệm vẫn còn tình cảm sâu đậm với vùng đất này quá! Sau khi tôi đến công tác tại Không quân Thành Đô, tạm thời tôi vẫn chưa đi. Đương nhiên tôi muốn đi. Bia mộ ngàn năm vẫn biết nói. Khu vực Ma Lật Pha có vài nghìn ngôi mộ, đến gần mỗi ngôi mộ là đến gần một linh hồn. Đến gần nghĩa trang liệt sĩ Ma Lật Pha, những toan tính đời thường trong đầu không còn tồn tại nữa (2).
(Mời xem tiếp kỳ sau)V.H.N trích bình
(1) & (2)
|
Bản dịch của TTXVN.
|
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2443-doc-luu-a-chau-de-hieu-them-mot-vai-van-de-ve-trung-quoc-ky-1-cuoc-chien-viet-nam-1979.aspx
Đọc Lưu Á Châu để hiểu thêm một vài vấn đề về Trung Quốc (kỳ cuối)
07 Tháng Mười Hai 2010 7:00 SAVŨ HỒNG NGỰ
Các bạn vừa đọc xong Kỳ 1 (trong Hồn Việt số 41, tháng 11/2010) bài viết của Trung tướng Không quân Trung Quốc Lưu Á Châu. Trung Quốc là cả một thế giới rộng lớn, nên việc tìm hiểu là không dễ. Từ trước, đối với cuộc chiến xâm lược Việt Nam 1979, chúng ta mới nghe câu nói của Đặng Tiểu Bình: “đánh để dạy cho Việt Nam một bài học”. Nhưng lần này, Lưu Á Châu, một vị tướng trong hàng ngũ cao cấp của Trung Quốc tiết lộ cho ta biết thêm: Trung Quốc đánh Việt Nam là để cho “Mỹ xem”, vì Mỹ vừa mới thua Việt Nam 1975, còn căm tức Việt Nam, đánh để “trả hận” cho người Mỹ; từ đó có được viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ: “Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc”…
Trung Quốc đánh Việt Nam cũng còn là để Đặng “xác lập quyền lực tuyệt đối trong nội bộ Đảng”, mà “biện pháp xác định quyền lực nhanh nhất là gây chiến tranh”…
Như vậy là, chúng ta đọc rõ nguyên nhân vị kỷ, vị lợi, nước lớn bá quyền… của Đặng, của Trung Quốc, dùng Việt Nam như là “phương tiện” để đánh mà thực hiện mưu đồ bên trong và bên ngoài. Đó là một cuộc chiến phi nghĩa. “Trung Quốc bao giờ cũng là Trung Quốc”, một nhà chiến lược của ta nói thế. Từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh…, Trung Quốc đều thực hiện chính sách “khai biên”, “cùng binh độc vũ”… đối với các nước lân bang, trong đó có Việt Nam. Nói như Lưu Á Châu, đây là cuộc chiến “phản kích tự vệ”, thì nào Việt Nam có đánh trước, có khiêu khích quân sự gì Trung Quốc đâu mà gọi là “phản kích” và “tự vệ”.
Nghe từ miệng một viên tướng Trung Quốc nói ra sự thật, điều đó thật có ý nghĩa! Giờ đây, quan hệ Trung - Việt đã mở sang một trang mới, hai bên cùng gác lại quá khứ để hướng tới một tương lai hòa bình, ổn định, cùng nhau phát triển, không dùng vũ lực…; nhắc lại việc này chẳng qua là do Lưu tướng quân nói toạc ra.
Khi mà mục đích cuộc chiến tranh là phi nghĩa, phi nhân thì tình hình quân đội đi đánh là thế nào? Ta hãy cứ lắng nghe Lưu tướng quân tỏ lòng yêu mến quân sĩ ông ta, đề cao họ, thương tiếc họ…, đừng lấy thế làm bực mình! Làm tướng, ông ta phải nghĩ như thế, hành động như thế, đó là việc của ông ta; kể cả việc ông ta chọn một “anh hùng tiêu biểu” Vương Nhân Tiên hủ hóa với cô gái Mèo trong chuồng heo, cũng là việc thể hiện cái đầu “tự do”, “cấp tiến”… của ông ta, ta nên biết, nhưng không bình luận.
Cái mà ta nên biết, cần biết, là tình hình quân đội Trung Quốc, đối phương của ta lúc ấy. Họ bị đẩy đi đánh Việt Nam, trong khi ở hậu phương, ở nhà, gia đình họ lâm cảnh nghèo đói khốn khổ: “Trong di chúc của một chiến sĩ, có đoạn, nếu tôi chết, mong công xã hãy cho gia đình tôi một con bò. Có người khác viết, nếu tôi chết, hãy cởi bỏ bộ quân phục tôi đem về quê, anh em nhà tôi không có quần áo để mặc”…, “tôi đã từng điều tra bộ đội tham chiến ở bốn quân đoàn, những cán bộ có vợ chưa cưới thì 100% đều từ hôn, không có trường hợp ngoại lệ. Tôi xem thư đoạn tuyệt hôn nhân của một cô gái, viết cũng rất có lý “anh hy sinh không còn không sao, nếu anh bị thương mất chân mất tay, chúng ta sẽ biết sống ra sao”…, “một chính trị viên phó đại đội ở quân đoàn 27 dẫn đầu đội xung kích tấn công một ngọn núi, bị hy sinh… Vào lúc đó, thư của vợ chính trị viên phó cũng vừa gởi đến. Thư gì vậy? Thư cắt đứt quan hệ hôn nhân…”.
Đọc những chuyện như vậy, chúng ta là những người đã trải qua một cuộc chiến dài 30 năm chống Pháp rồi chống Mỹ, chúng ta nhận ra tức khắc một điều là khi một quân đội đi xâm lược, thì tình trạng của họ, tâm trạng của họ, tình cảnh của họ phải là như thế. Hãy nghe những điều ấy từ miệng tướng Lưu Á Châu và chớ nóng nảy bực tức khi ông ta ca ngợi quân đội của ông ta. Làm thế nào khác được? Ông ta đã nói ra một sự thật về cuộc chiến, nói ra một cách tương đối chân thật, ông ta có bản lĩnh đấy! Đừng đòi hỏi ở ông ta nhiều hơn.
Sau đây, mời các bạn nghe tiếp lời Lưu tướng quân.
“… Kẻ thống trị của các triều đại trước kia thực hiện chính sách ngu dân. Tuy tư tưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo là không giống nhau, nhưng về mặt chủ nghĩa chống trí thức hoặc chủ nghĩa ngu dân đều như nhau. Chính vì vậy, tôn giáo mới giành được sự coi trọng của giới thống trị. Dưới sự tấn công đồng thời của những kiểu văn hóa tôn giáo này và chính sách ngu dân của kẻ thống trị, người Trung Quốc đã hình thành quần thể như ngày nay.
Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: Steve Webel.
Sở trường giỏi nhất của người Trung Quốc là ca tụng công đức, thứ hai là cáo giác, thứ ba là thủ đoạn, cuối cùng là khôn ngoan giữ mình. Người Mãn Thanh thống trị Trung Quốc là thành công nhất. Họ đã hiểu sâu được đặc trưng quan trường của người Trung Quốc: dốc lòng trung thành với cá nhân, chứ không dốc lòng trung thành với đất nước. Ai có lợi cho mình thì mình theo người đó.
Người Mãn Châu đã thống trị ba dân tộc Hán, Mông, Tạng của Trung Quốc, họ đã nhằm vào từng đặc điểm khác nhau, sử dụng mánh khóe khác nhau: người Tây Tạng tín ngưỡng Phật giáo, triều đình nhà Thanh liền phỏng theo kiểu dáng của Tây Tạng để sửa đền chùa ở Thừa Đức, đón Lạtma đến kinh thành để làm ông lớn; còn người Mông Cổ rất nhanh nhẹn dũng cảm, nhà Thanh liền sử dụng biện pháp hôn nhân, gả con gái vua (công chúa) cho vương công Mông Cổ. Điều này có nghĩa là anh sinh con trai, cũng là cháu ngoại của tôi.
Đối với người Hán, họ dùng khoa cử. Người Hán có tật xấu là thích làm quan. Chỉ cần cho anh làm quan, giống như cho chó một cục xương là cúi đầu cụp tai, bảo gì nghe nấy. Hồi tôi còn học ở Mỹ, thầy hướng dẫn của tôi ở trường đại học Stanford chuyên nghiên cứu về Mao Trạch Đông đã làm được 31 sự kiện:
(1) năm 1921 vào Đảng, (2) năm 1925 chuyển sang theo nông dân, (3) từ năm 1923-1927 gia nhập Quốc Dân Đảng, (4) năm 1928 thành lập căn cứ địa ở nông thôn, (5) khu Xô-viết Giang Tây, (6) sự kiện Phú Điền, (7) cuộc vạn lý trường chinh năm 1935, (8) hội nghị Tuân Nghĩa, (9) tranh giành quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc với Trương Quốc Đào, (10) năm 1937 hợp tác với Quốc Dân Đảng, (11) kết hôn với Giang Thanh, (12) chỉnh đốn tác phong ở Diên An, (13) Đại hội VII nêu cao tư tưởng Mao Trạch Đông, (14) giành được chính quyền trên cả nước, (15) tiến hành cải cách ruộng đất, (16) năm 1950 tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên, (17) sự kiện Cao Cương, (18) Tam phản ngũ phản (hai phong trào trong thời gian cuối 1951 đến tháng 10/1952. Tam phản: chống tham ô, lãng phí và quan liêu; Ngũ phản: trong ngành công thương nghiệp tư doanh chống hối lộ, trốn thuế và lậu thuế, lấy cắp tài sản nhà nước, làm ăn gian dối, đánh cắp tình báo kinh tế), (19) công tư hợp doanh và hợp tác xã nông thôn, (20) chống cánh hữu, (21) đại nhảy vọt, (22) hội nghị Lư Sơn, (23) quan hệ với Liên Xô tan vỡ, (24) chuẩn bị đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, (25) phát động cuộc Đại Cách mạng văn hóa, (26) giúp Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, (27) xác định Lâm Bưu là người kế vị, (28) kết thúc thời kỳ băng giá với Mỹ, (29) nâng đỡ “bè lũ bốn tên”, (30) đánh đổ Đặng Tiểu Bình, (31) bố trí Hoa Quốc Phong làm người kế vị.
Tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ 31 sự kiện này, tôi phát hiện trong đó có 20 sự kiện có liên quan đến việc hủy hoại tinh thần và đạo đức của con người. Dưới đây tôi có gạch mấy đầu dòng: đến năm 1966 cuối cùng Mao Trạch Đông đã phát động cuộc “Đại Cách mạng văn hóa” chưa từng có trong lịch sử, làm cho nền kinh tế Trung Quốc đi đến bên bờ của sự sụp đổ, càng làm cho tố chất đạo đức của nhân dân cả nước hạ thấp xuống mức đáng sợ, đất nước ta đã có vài lần rơi vào tình cảnh muôn đời không thể khôi phục được. Tinh thần, là cái gốc lập mệnh của một con người, là cái gốc thể hiện sự mạnh mẽ của một dân tộc, là cái gốc sinh tồn của một quốc gia. Có thể cái gì cũng không có, nhưng không thể không có tinh thần.
Cách đây không lâu, khi đến Sư đoàn 33 Không quân, tôi có đến thăm trại tập trung Tra Tử Động. Rất nhiều liệt sĩ như chị Giang đã hy sinh ở đó. Khi ấy, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thành lập. Chị Giang ở trong tù còn thêu lá cờ đỏ năm sao. Vì chị ấy không biết hình dáng của lá cờ đỏ năm sao, nên chị đã thêu một ngôi sao to ở chính giữa, bốn góc mỗi góc một ngôi sao nhỏ. Khi Quốc Dân Đảng chuẩn bị bắt đầu một cuộc tàn sát, thì Quân Giải Phóng đã tiến gần Bách Thị Dịch. Đội quân du kích Hoa Danh Sơn đã nối được liên lạc với Quân đoàn 47. Đội du kích nói: các anh mau đi đi, ở Bạch Công Quản và trại tập trung Tra Tư Động sắp hành quyết tù nhân chính trị rồi.
Kết quả là Quân Giải Phóng cho rằng, các thành viên của đội du kích Hoa Doanh Sơn là lừa đảo, có thể quân địch đang cài bẫy, nên họ không hành động. Kết quả, cuộc tàn sát được bắt đầu. Các liệt sĩ hiên ngang đi đến cái chết. Có người nói, thật đáng tiếc, họ không được thấy một Trung Quốc mới, mục tiêu họ đang đấu tranh sắp trở thành hiện thực, thế mà họ không được nhìn thấy. Tôi nói bạn nhầm rồi. Tận đáy lòng mà nói, chính họ mới là người vô cùng hạnh phúc, vì khi đó tín ngưỡng trong lòng sắp thành hiện thực, ở cái thời điểm đó họ chết đi không phải là một sự đau khổ, mà là một niềm hạnh phúc.
Sự đau khổ thực sự là những người đó sống lại, nhìn thấy công cuộc xây dựng đất nước Cộng hòa Nhân dân, sau đó cuộc chống cánh hữu, tam phản ngũ phản, “Cách mạng văn hóa”, những người vì Đảng mà hiến trọn cuộc đời mình rồi lại bị hành hạ đến chết đi sống lại, mới là đau khổ nhất. Muốn chết, mà không chết nổi, muốn sống, cũng không xong. Cuối cùng mất đi niềm tin và tín ngưỡng, giống như đồ bị thịt. Đảng viên Cộng sản mất đi tín ngưỡng như thế nào? Bạn hãy nhìn những tham quan ô lại của thời này sẽ rõ. Đảng viên Cộng sản có tín ngưỡng như thế nào? Bạn hãy nhìn vào chị Giang hay Hứa Hiểu Hiên thì sẽ biết.
Tăm tre mà đâm vào đầu ngón tay, sẽ đau đớn không chịu nổi. Thế mà ý chí của họ vẫn như gang thép. Thế nhưng, tham quan hiện nay ai ai cũng sợ chết. Quan càng to, càng sợ chết, khi Thứ trưởng Bộ Công an Lý Kỷ Châu bị bắt khí thế oai phong ngất trời, nói: “Nếu tôi có vấn đề, một nửa số người của Bộ chính trị cũng đáng tội chết!”. Đến khi thật sự chuẩn bị tử hình, ông ta quỳ xuống đất xin tha thứ: “Hãy cho tôi một con đường”.
Hồ Trường Thanh (phó Tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây) sắp chết đến nơi còn nói, tôi có thể viết chữ, các anh giữ tôi lại, tôi viết chữ cho các anh. Anh không phải là Nhan Chân Khanh (709-785, nhà thư pháp hàng đầu của Trung Quốc, vị quan thái thú trung thành của đời Đường), dù anh là Nhan Chân Khanh thì anh cũng bị giết. Trong cuộc nổi loạn An Sử chẳng phải là Nhan Chân Khanh cũng bị giết hay sao? Anh còn than vãn gì nữa. Nhìn lại những tên lưu manh anh chị ở địa phương đó, bao gồm một số người “x x x”, nhìn chúng đều rất “ngoan cố”.
Ở Quý Châu hành quyết một phạm nhân, trước khi áp giải phạm nhân đến trường bắn, cảnh sát phải buộc ống quần của anh ta lại, tại sao phải buộc ống quần chứ, vì sợ anh ta bức bí quá cho ra quần. Anh ta nói, thật nực cười, buộc ống quần của tôi làm gì chứ? Khi bắn vì sợ bắn trượt nên đã dùng phấn vẽ vòng tròn trên lưng của anh ta. Một viên đạn được bắn đi, tưởng anh ta gục ngã rồi. Nhưng anh ta vẫn sống và mắng một câu, “x x x”, bắn cũng không bắn chuẩn. Lại bắn một viên nữa, anh ta lại mắng, thật ngu xuẩn. Bắn liền 5 viên mới chết. Làm cho tay của chiến sĩ cảnh sát đã run lên. Bạn hãy nhìn chiến sĩ cảnh sát của chúng ta, vì rất sợ người khác nhận ra, nên mặt đeo khẩu trang, kính đen, bắn xong bị mấy người xúm lại, vội vàng lên xe, nhanh chóng rời khỏi trường bắn.
Tôi là người kế thừa, cũng là người phê phán văn hóa Trung Hoa. Trong quá khứ, tôi trước tiên là người kế thừa văn hóa Trung Hoa, sau đó mới là người phê phán văn hóa Trung Hoa. Hiện nay, tôi trước tiên là người phê phán văn hóa Trung Hoa sau đó mới là người kế thừa. Lịch sử phương Tây là một bộ sử sửa cái xấu, cái sai thành cái tốt, cái đúng. Lịch sử Trung Quốc lại là một bộ sử sửa cái tốt, cái đúng thành cái xấu, cái sai.
Thời Cổ đại, phương Tây cái gì cũng cấm, chỉ không cấm bản năng con người. Người phương Tây dám thể hiện bản thân, tức là dám thể hiện tư tưởng của mình và còn dám phô bày thân xác lõa lồ của mình. Trung Quốc chỉ biết che đậy và che đậy tư tưởng của mình. Phương Tây đả kích mặt đen tối của mình do đó tìm được ánh sáng, tư tưởng của họ đang bay bổng. Chúng ta ca ngợi sự quang minh của mình, kết quả mang đến hàng nghìn năm u ám. Hegel từng nói: “Trung Quốc không có triết học”. Tôi cho rằng, mấy nghìn năm nay Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào. Những nhà tư tưởng tôi nói là Hegel, Socrates, Plato, các nhà tư tưởng này đã đóng góp to lớn đến tiến trình văn minh của nhân loại.
Lão Đam (tức Lão Tử), bạn nói xem ông ấy có phải là nhà tư tưởng không? Chỉ dựa vào Đạo đức kinh với 5000 chữ là có thể làm nhà tư tưởng ư? Còn chưa nói đến là Đạo đức kinh có vấn đề. Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng chăng? Con cháu chúng ta xem xét ông thế nào? Đánh giá tác phẩm của ông ra sao? Các tác phẩm của Khổng Tử chưa từng cung cấp cho nội tâm người Trung Quốc một hệ thống giá trị có thể chống lại quyền lực thế tục, cái mà ông cung cấp chỉ là tất cả những gì xoay quanh quyền lực.
Lão Tử - tranh thủy mặc. Nguồn: nipic.com.
Nếu Nho học là một tôn giáo thì đó là ngụy tôn giáo; nếu là tín ngưỡng thì ngụy tín ngưỡng; nếu là triết học thì là triết học của xã hội quan trường hóa. Xét từ ý nghĩa này, Nho học có tội với người Trung Quốc. Trung Quốc không thể có nhà tư tưởng, chỉ có các nhà mưu lược. Xã hội Trung Quốc là một xã hội binh pháp, dân tộc chúng ta chỉ tôn sùng các nhà mưu lược. Một Gia Cát Lượng bị người phản phúc chẳng mấy thành công trong sự nghiệp lại được người ta kỷ niệm nhiều lần. Ông ấy bụng dạ kém khoáng đạt, cách dùng người không thích hợp. Có tư liệu cho thấy Gia Cát Lượng cũng là kẻ lộng quyền. Nhưng chính con người như thế đã được cất nhắc lên tầm cao phát sợ, đây cũng là một sự khắc họa tâm hồn dân tộc ta. Dưới hình thái xã hội thế này, có ba loại hành vi thịnh hành ở Trung Quốc.
1. Thuật ngụy biện. Con trai tôi năm nay thi vào khoa báo chí của một trường đại học. Khoa này là một khoa báo chí tốt nhất của Trung Quốc. Tôi bảo con trai: mang giáo trình cho bố xem. Sau khi xem xong tôi bảo thứ này không đáng đọc. Trong giáo trình có một suy luận, thế này: Trung Quốc đã phát minh ra thuốc nổ. Sau khi thuốc nổ truyền tới châu Âu đã phá tan dinh lũy phong kiến châu Âu thời Trung cổ. Thật nực cười. Thuốc nổ anh phát minh ra đã phá tan dinh lũy phong kiến của người ta, thế sao dinh lũy của anh lại không bị phá vỡ? Ngược lại, càng chắc hơn?
2. Xã hội mưu lược là một xã hội mang tính hướng nội. Tôi đã từng nghiên cứu kỹ sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc: Trung Quốc về cơ bản mềm mỏng trong các công việc quốc tế, nhưng lại cứng rắn với các sự việc trong nước. Mỹ thì ngược lại, cứng rắn với các công việc quốc tế, mềm dẻo với công việc trong nước. Tôi không nhớ rõ mình đã đề cập vấn đề này trong cuốn sách nào của tôi, có lẽ là cuốn Đánh giá nguy hiểm tác chiến với Đài Loan và kết luận thế này: chuyện này là do khác biệt về văn hóa. Văn hóa Trung Quốc có tính chất khép kín, kín đáo, hướng nội. Văn hóa Mỹ thì mở cửa, hướng ngoại. Tư tưởng thống nhất cũng là tư tưởng kiểu hướng nội. Điều này giải thích nguyên nhân vì sao chúng ta là bầy cừu trước những kẻ xâm lược nước ngoài, nhưng lại là lang sói trước đồng bào của mình. Gần một trăm lính Nhật là đủ để áp giải 50.000 tù binh của quân Quốc Dân Đảng tới Yến Tử Cơ (địa danh thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) xử bắn. Chưa nói đến phản kháng, ngay đến dũng khí bỏ chạy các tù binh này cũng chẳng có.
Trong chiến dịch Lai Vu của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chỉ trong ba ngày quân đội chúng ta đã tiêu diệt được 56.000 người. Sau chiến tranh, Vương Huy Vũ oán thán: 50.000 cái đầu lợn để quân cộng sản bắt, ba ngày cũng bắt không hết. “Còn người Trung Quốc muốn đánh người Trung Quốc thì mới gọi là dũng mãnh”.
3. Hành vi hèn kém. Sự hèn kém về tinh thần ắt sẽ đem lại sự hèn kém trong hành vi. Một sự việc có thể thử thách trình độ đạo đức của dân tộc Trung Quốc chính là việc Mỹ xảy ra “sự kiện 11/9”. Sự kiện này tuy không làm thay đổi thế giới, nhưng đã làm thay đổi nước Mỹ. Đồng thời, thế giới sau này rất khó trở lại như trước sự kiện này. Khi xảy ra “sự kiện 11/9” ít nhất trong một khoảng thời gian sau đó Trung Quốc bị bao phủ bởi một làn không khí không lành mạnh.
Tối ngày 12/9, các sinh viên của Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa khua chiêng gõ trống. Tôi bảo đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc chưa lọt vào vòng sau mà, phải đến ngày 7/10 đội Trung Quốc mới đấu trận cuối cùng với các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, nếu thắng sẽ lọt vào danh sách dự Word Cup. Một lát sau tôi mới biết các sinh viên Trung Quốc đang chúc mừng việc Tòa tháp đôi của Mỹ bị đánh sập.
Khi ấy có một đoàn nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Mỹ, khi thấy tòa nhà trung tâm thương mại thế giới bị đánh bom, các thành viên trong đoàn nhà báo này không cầm lòng đã vỗ tay. Đây là một dạng ngấm của văn hóa, điều này không thể trách họ, bọn họ đã không kiềm chế bản thân. Kết quả là họ bị (Chính phủ Mỹ - N.D) tuyên bố mãi mãi là những người không được hoan nghênh ở Mỹ. Hồi ấy, tôi đang ở Không quân Bắc Kinh, mấy ngày đó nếu có binh sĩ đến thăm tôi, gặp ai tôi cũng hỏi quan điểm của họ về “sự kiện 11/9”. Nhiều người nói: đánh bom hay lắm. Sau này tôi nói đây là một tình trạng rất đáng buồn.
Tôi đang suy nghĩ: thật đáng sợ khi người ta ca ngợi khủng bố. Trung Quốc thoát thai từ nền văn hóa giáo dục Trung Hoa, trước hết thờ ơ coi khinh sinh mạng của chính mình, từ đó mới có thái độ coi tính mạng của người khác như trò đùa của trẻ con. Bản thân không có quyền quý trọng sinh mạng mình, cũng không cho người khác cái quyền ấy. Tâm trạng “khán giả” (người Trung Quốc xem hành hình người Trung Quốc) năm xưa từng bị Lỗ Tấn hồi trẻ phê phán chính là được tôi luyện như vậy đấy. Người Trung Quốc xem cảnh giết người khác, không ai không vui mừng phấn khởi. Giai cấp thống trị cố ý đem người ta ra giết tại nơi đông người. Kẻ bị thống trị thì hưởng thụ tại nơi đông người cái cảm giác khoái chá của kẻ thống trị. Nhất là khi xử tử bằng kiểu tùng xẻo, kéo dài ba ngày, người xem đông nghìn nghịt. Cả đến những chủ sạp hàng nhỏ cũng bày hàng ra bán tại đấy. Đao phủ còn bán bánh màn thầu dính máu.
Trung Quốc ngày nay không có tục tùng xẻo nữa. Nhưng xử án nơi đông người cũng là sự mở rộng tập quán đó. Người nước ta năm nào đi xem giết 6 nhà chí sĩ của Đàm Tự Đồng (người lãnh đạo phong trào Duy Tân cuối đời Thanh bị tử hình- N.D) như đi trẩy hội. Với những người như thế, trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (Chiến tranh Trung - Nhật năm 1894), ta sao mà không mất Đài Loan. Chúng ta là con cháu của những người như thế, nếu lại như cha ông mình thì làm sao mà giải phóng được Đài Loan.
Cần nhìn nhận nước Mỹ một cách khách quan toàn diện. Nước Mỹ là một quốc gia như thế nào? Nhớ lại hồi trẻ từng nghe một câu nói hình dung thành phố Niu Yoóc (New York): Cái tốt nhất trên thế giới và cái xấu nhất trên thế giới cộng lại với nhau thì là Niu Yoóc. Dùng câu đó để hình dung nước Mỹ ngày nay có thích hợp hay không? Thế hệ quân nhân chúng ta, những quân nhân đảm nhiệm niềm hy vọng tương lai của tổ quốc, vừa không nên làm “phái thân Mỹ”, cũng chẳng thể làm “phái chống Mỹ” một cách đơn giản, mà nên làm “phái hiểu Mỹ” chín chắn. Hiểu địch thì mới chiến thắng được kẻ địch. Đánh giá thấp đối thủ tức là đánh giá thấp chính mình.
Thác Bạt Đạo (vị vua giỏi thời Nam - Bắc Triều - N.D) đổi tên nước của Nhu Nhiên (thủ lĩnh nước Hãn của Mông Cổ - N.D) thành “Nhu Nhu” (loài dòi bọ), nhưng chính ông lại bị con dòi bọ ấy đánh bại. Như thế, ông chẳng bằng con sâu bọ nữa kia. Mỹ không muốn Trung Quốc hùng mạnh, hoàn toàn cũng như Trung Quốc không muốn Mỹ xưng bá. Mối quan hệ Trung - Mỹ có xung đột nhưng cũng có lợi ích chung nhất định. Làm thế nào hóa giải xung đột, phát triển lợi ích chung là việc các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện nay nên cố gắng làm.
Trung Quốc muốn phát triển thì không thể cắt đứt sự đi lại với thế giới. Thế giới hiện nay là đơn cực, chỉ khi nào Mỹ suy sụp mới có thể xuất hiện thế giới đa cực. Chúng ta vừa không thể cắt quan hệ với Mỹ lại vừa không thể có nhiều kỳ vọng về Mỹ. Hiện nay mà đối đầu với Mỹ thì chưa phải là cơ hội thích hợp nhất. Lợi ích quốc gia nên mãi mãi là nguyên tắc cao nhất cho hành động của chúng ta. Chúng ta cần kiên nhẫn; nhẫn nại không phải là mềm yếu, chỉ có khuất phục mới là mềm yếu. Dĩ nhiên Mỹ không từ bỏ dã tâm tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, không muốn Trung Quốc trỗi dậy, không muốn kinh tế Trung Quốc phát triển đi lên. Nhưng cần nhớ cho kỹ: khi đấu tranh với đối thủ, nhất định phải làm cho đối thủ của anh nhìn thấy tình hình họ không muốn thấy nhất.
Người Mỹ muốn người Trung Quốc nội chiến; chúng ta quả thật nội chiến rồi. Họ không trùm chăn mà cười đến nôn ruột mới là điều lạ. Lẽ đương nhiên cứ “Nằm gai nếm mật, giấu mình chờ thời ” cũng không được. Là một nước lớn, Trung Quốc có thể làm theo cách như một võ hiệp thời xưa ẩn vào núi sâu khổ luyện võ công, chờ khi võ nghệ cao cường rồi mới tái xuất quyết thắng kẻ địch chăng? Với số dân và tài nguyên của Trung Quốc, đặc biệt là với nền văn hóa của mình, Trung Quốc không thể lớn mạnh như nước Mỹ được, huống chi Mỹ cũng chẳng dừng lại, mà đang tiến lên. Dù sao, Mao Trạch Đông nói vẫn chí lý: “Đánh vẫn cứ đánh, đàm vẫn chứ đàm, hòa vẫn cứ hòa”. Con người cần khôn ngoan tài trí, đấu tranh ngoại giao lại càng cần khôn ngoan. Phải dắt mũi người ta chứ đừng bị người ta dắt.
Ý của đồng chí Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc nhất định phải bước cùng nhịp với văn minh thế giới, không thể xa rời văn minh thế giới. Trong sự kiện 11/9 trừ một số quốc gia cá biệt, một bộ phận dân Trung Quốc (chứ không phải là chính phủ) đã tỏ ra mình ở cách nền văn minh dòng chính của thế giới một khoảng cách xa nhất. Khi cần đấu tranh thì một tấc cũng không nhường. “Sùng bái Mỹ” là không đúng, “thân Mỹ” không đúng,“ghét Mỹ” cũng không đúng. Chính phủ và chính khách Mỹ vừa giống dân chúng Mỹ lại vừa không giống. Bạn cần phải có trí tuệ cao để phân biệt họ.
New York. Ảnh: Eric J. Tilford.
Trong quá khứ, vì để giúp Trung Quốc thoát khỏi ách thống trị thực dân mà Mỹ đánh bại Nhật Bản, họ có cống hiến lớn đối với tiến bộ văn minh của xã hội Trung Quốc. Hai nước Trung - Mỹ không có xung đột lợi ích căn bản. Ngày nay, do lợi ích của Mỹ trải khắp toàn cầu nên 2 nước có xung đột. Nhưng chúng ta vẫn phải lấy tấm lòng đạo đức để bình xét sự vật chứ không thể kích động. Tôi từng nói, đối với Nhật Bản - một nước từng tàn sát mấy chục triệu đồng bào ta mà không chịu nhận sai lầm, vậy mà chúng ta vẫn thường xuyên nói hai nước “phải đời đời, kiếp kiếp hữu nghị với nhau”. Nhân dân Mỹ giúp ta đánh bại Nhật Bản, chúng ta có lý do gì để thù hận?
4. Điều thật sự đáng sợ ở Mỹ là gì? Tuy Mỹ có lực lượng quân đội mạnh nhất, khoa học kĩ thuật tiên tiến nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng điều này không đáng sợ. Nghe nói máy bay tàng hình của Mỹ bay qua bay lại Trung Quốc rất tự do, nhưng điều này không có gì đáng sợ. Điều đáng sợ không phải là thứ này.
Chính nhà nước tư bản chủ nghĩa thối nát, suy tàn ấy lại đã lãnh đạo một cuộc khoa học kĩ thuật mới nhất trên thế giới vào những năm 90 thế kỉ XX. Tôi tốt nghiệp đại học đúng vào cái lúc cải cách mở cửa. Tôi lại có một quan điểm: Mỹ là nước do rất nhiều người không yêu tổ quốc mình tạo nên, nhưng họ đều rất yêu nước Mỹ. Lúc đó, rất nhiều nhà lãnh đạo vừa mắng chửi Mỹ, vừa cho con cái sang Mỹ. Điều này có sự tương phản rất lớn!
Nói một thôi, một hồi, nhưng điều đáng sợ ở Mỹ là ở đâu? Bản thân tôi cảm thấy có 3 điểm: Một là, không thể coi thường thể chế anh tài của Mỹ. Chế độ cán bộ, cơ chế tranh cử của Mỹ có thể đảm bảo chắc chắn các nhà quyết sách đều là anh tài. Bi kịch của nhà nước Trung Quốc chúng ta là lớn ở cấp nhà nước, nhỏ ở cấp đơn vị, trong đa số tình hình người có tư tưởng thì không có quyền quyết sách, người có quyền quyết sách thì không có tư tưởng, có đầu óc thì không có địa vị, có địa vị thì không có đầu óc. Nước Mỹ ngược lại hẳn, cơ chế hình tháp của họ đưa những anh tài lên. Vì thế, thứ nhất họ không mắc sai lầm, mắc sai lầm, họ có thể nhanh chóng sửa sai. Còn chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, nếu mắc sai lầm thì rất khó sửa sai.
Mỹ dùng Đài Loan nhỏ bé để kiềm chế Trung Quốc đúng nửa thế kỷ. Nước cờ họ đi thật linh hoạt, thần kỳ! Một Đài Loan làm thay đổi tình hình chính trị quốc tế Đông Á. Điều khiến tôi lo ngại nhất là khung chiến lược phát triển của Trung Quốc trong thế kỷ mới sẽ vì Đài Loan mà thay đổi. Hiện nay, đối với một dân tộc hùng mạnh, tầm quan trọng của lãnh thổ giảm mạnh, đã chuyển từ việc theo đuổi lãnh thổ sang theo đuổi sức mạnh quốc gia. Người Mỹ đều không có nhu cầu lãnh thổ đối với bất kỳ nước nào. Mỹ chẳng quan tâm đến lãnh thổ, tất cả những gì mà họ làm trong thế kỷ 20 là tạo danh thế, tại sao gọi là tạo danh thế? Ngoài kinh tế hùng mạnh ra, chính là lòng dân chứ còn gì nữa! Có được lòng dân thì nhà nước mới có sức hội tụ, lãnh thổ bị mất rồi có thể lấy lại được; không có lòng dân thì có thể khẳng định rằng lãnh thổ mà chúng ta có sẽ bị mất.
Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một cách thiển cận, còn Mỹ luôn luôn có cách nhìn xa trông rộng. Chính vì thế, sau khi kết thúc cuộc Đại chiến thế giới thứ Hai, mỗi lần xảy ra sự việc mang tính toàn cầu quan trọng, vị thế của Mỹ đều được tăng lên. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi, thì có thể mất hết mọi con bài chiến lược. Tôi nhiều lần nói trọng tâm chiến lược của Mỹ không thể chuyển sang châu Á, song điều đó không có nghĩa là Mỹ không bao vây Trung Quốc. Rất nhiều bạn chỉ nhìn thấy Mỹ bao vây Trung Quốc về quân sự, cũng như rất nhiều người chỉ thấy khoảng cách chênh lệch về khoa học kỹ thuật và trang bị vũ khí giữa hai nước, mà chưa nhìn thấy sự mất cân bằng về chiến lược lớn, nhất là trên tầng nấc ngoại giao nghiêm trọng hơn, so với sự lạc hậu về trang bị.
Ngoại giao của Trung Quốc đối với Mỹ hoặc là có biện pháp mà không có ranh giới, hoặc là có chi tiết mà không có toàn cục. Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm Ápganixtan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc. Sức ép quân sự của Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ cũng chẳng giảm đi. Xem ra chúng ta đã giành được một số lợi ích trước mắt từ vụ 11/9, song các lợi ích đó không quá 1-2 năm có thể mất đi. Tôi cho rằng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một kiểu khác, không phải là quân sự mà là siêu quân sự. Bạn xem đấy, mấy năm gần đây các nước xung quanh Trung Quốc tới tấp thay đổi chế độ xã hội, biến thành cái gọi là nhà nước “dân chủ”. Nga, Mông Cổ, Cadắcxtan đều đã thay đổi, cộng thêm các nước trước đây như Hàn Quốc, Phi-líp-pin, Inđônêxia v.v…, đối với Trung Quốc, những đe dọa này còn ghê gớm hơn mối đe dọa về quân sự. Đe dọa về quân sự có thể là hiệu ứng ngắn hạn, còn việc bị cái gọi là các nhà nước “dân chủ” bao vây là hiệu ứng dài hạn.
Hai là, sự độ lượng và khoan dung của nước Mỹ. Bạn nên sang châu Âu, sau đó sang Mỹ, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn: sáng sớm, các đường phố lớn ở châu Âu chẳng có người nào cả, còn tại Mỹ sáng sớm các đường phố lớn, ngõ nhỏ đều có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày như thế. Tôi có một câu nói: Tập thể dục là một phẩm chất, tập thể dục đại diện cho một kiểu văn hóa khí thế hừng hực đi lên. Một quốc gia có sức sống hay không, chỉ cần xem có bao nhiêu người tập thể dục là biết. Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần lót để mặc. Hồi ở Mỹ, tôi có mua một chiếc quần cộc cờ sao vạch. Tôi thường xuyên mặc chiếc quần ấy. Tôi mặc nó là để khinh miệt, là để trút giận, là một dạng trút sự bực bội và thỏa mãn về tâm lý. Người Mỹ mặc nó là sự trêu chọc bỡn cợt, bản chất khác. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ nước mình ngoài phố.
Đới Húc (Đại tá không quân, người viết nhiều chuyên mục quân sự, chính trị) nói: Nếu một quốc gia có thể đốt cả quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do gì đi đốt quốc gia ấy nữa? Ba là, sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức. Đây là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai họa ập xuống, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp nạn, thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng.
Trong vụ 11/9, có xảy ra 3 sự việc đều có thể khiến chúng ta qua đó nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ. Thứ nhất, sau khi phần trên tòa nhà Thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy đùng đùng, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, khi mọi người ở tầng trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn lắm. Người ta đi xuống, lính cứu hỏa xông lên trên. Họ nhường lối đi cho nhau mà không đâm vào nhau. Khi thấy có đàn bà, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi trước, thậm chí còn nhường đường cho cả một chú chó cảnh. Một dân tộc tinh thần không mạnh mẽ tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có hành vi như vậy. Đứng trước cái chết vẫn bình tĩnh như không, e rằng không phải là thánh nhân thì cũng gần là thánh nhân.
Việc thứ hai, hôm sau ngày 11/9, cả thế giới biết vụ này do bọn khủng bố người Arập gây ra. Rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người Arập bị những người Mỹ tức giận đập phá. Một số thương nhân người Arập cũng bị tấn công. Vào lúc đó, có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người Arập hoặc đến các khu người Arập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi kịch tiếp theo. Đây là một tinh thần thế nào nhỉ. Chúng ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù. Thành Đô nơi tôi ở, ngày xưa sau khi Đặng Ngải chiếm được Thành Đô, con trai của Bàng Đức đã giết sạch già, trẻ, gái, trai gia đình Quan Vũ. Trả thù đẫm máu, lịch sử loang lổ vết máu không bao giờ hết.
Tòa tháp đôi của Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001.
Việc thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 bị rơi ở Pennsylvania vốn dĩ bị không tặc dùng để đâm vào Nhà Trắng. Sau đó hành khách trên máy bay vật lộn với bọn khủng bố nên mới làm máy bay rơi. Vì lúc đó họ đã biết tin tòa Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc bị máy bay đâm vào nên họ quyết định không thể không hành động, phải đấu tranh sống chết với bọn khủng bố. Cho dù trong tình hình ấy, họ còn làm một chuyện thế này: quyết định biểu quyết thông qua có nên chiến đấu với bọn khủng bố hay không. Trong giờ phút giữa sự sống và cái chết ấy, họ cũng không áp đặt ý chí của mình lên người khác. Sau khi toàn thể mọi người đồng ý, họ mới đánh bọn không tặc. Dân chủ là gì? Đây chính là dân chủ. Quan niệm dân chủ đã thấm vào sinh mạng, vào máu và xương cốt của họ. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.
Tôi thường có ý nghĩ quái lạ như thế này: Những vũ khí và khoa học kỹ thuật tối tân nhất và lực lượng vũ trang mạnh nhất trên thế giới đều nằm trong tay những người như thế là rất thích hợp. Đương nhiên là tốt hơn nằm trong tay người Nhật, người Libi, người Irắc. Cho dù nằm trong tay chúng ta thì chúng ta có thể làm gì, điều đó cũng chưa thể biết. Nước Mỹ, quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm thành công, đáng để chúng ta tham khảo học tập.
Nghiên cứu nước Mỹ, chúng ta nên nắm bắt nội hàm thực sự của nó. Không thể chỉ xem cái nhỏ, mà phải xem cái lớn. Có một câu nói hay: thường bàn luận về khuyết điểm của nhân loại, bạn là một nhà tư tưởng.
Hôm nay, giảng cho các bạn hơn ba giờ đồng hồ, mục đích của tôi và mục đích của tôi đang theo đuổi là sự giải phóng nhân loại. Tôi tin tưởng, hôm nay, tôi đến giảng bài cho các bạn, thà là tôi quen các bạn, còn hơn là các bạn quen tôi. Tôi rất rộng lượng, và muốn truyền đạt tất cả những gì tôi biết cho các bạn. Trước mắt các bạn, tôi giải bày hết tâm tư của tôi. Đặc biệt, ở phần cuối tôi có nói về cách nhìn nhận của tôi đối với phương Tây và Mỹ, nhưng không hề rời khỏi chủ đề chính của buổi nói chuyện hôm nay. Có hai điều tôi cần bổ sung thêm một chút, thứ nhất, tôi là một kẻ chủ nghĩa dân tộc thuần túy. Tất cả những gì tôi nói, đều muốn tốt cho đất nước, cho dân tộc của mình. Trong bất kì hoàn cảnh nào, tôi đều lấy lợi ích của dân tộc làm lợi ích cao nhất. Vì lợi ích đó mà tôi có thể đầu rơi máu đổ, thịt nát xương tan…” (*)
***
Khi nói về Trung Quốc, trong thế so sánh với Mỹ và phương Tây, Lưu tướng quân đã có những thể nghiệm và những phát hiện thú vị. Nhưng dù sao, đó mới chỉ là những thể nghiệm và phát hiện cá nhân trên một chủ đề lớn, một chủ đề triết học - khoa học - xã hội học - văn hóa… vượt khỏi tầm văn hóa của một vị tướng Không quân!
Trên đại thể, ông Lưu có chỗ đúng dễ thấy. Nền văn minh phương Tây - Mỹ mà ông ta học tập, tiếp nhận có nhiều khác biệt, ưu điểm so với văn minh Trung Quốc. Vì sao thì cũng dễ giải thích: đó là một nền văn minh hiện đại, công nghiệp, hậu công nghiệp… đã hình thành từ nhiều thế kỷ, nhất là từ thời Phục Hưng, khi mà chủ nghĩa nhân văn thời đại đó chiến thắng và phát triển qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Con người phương Tây, con người Mỹ… là chủ nhân và là sản phẩm của nền văn minh đó. Họ đã đi trước Trung Quốc bao nhiêu thế kỷ! Khi đó Trung Quốc còn chìm trong đêm đen của phong kiến - Trung cổ bạo tàn, với phương thức sản xuất châu Á lạc hậu, với sự thống trị “người ăn thịt người” như Lỗ Tấn nói (mà Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc cũng nhận xét về tình trạng đó của bè lũ thống trị: “Họ nhai xé thịt người ngọt xớt như đường”). Rồi Trung Quốc bị các đế quốc - tư bản phương Tây và Nhật Bản tước đoạt, xâm chiếm… Trung Quốc giải phóng chưa lâu, từ năm 1949 đến năm 1966 (hơn 20 năm) đã phải trải qua bao tai ương, mà tai ương thảm khốc nhất chính là cách mạng văn hóa, đưa Trung Quốc đến bờ vực của sự sụp đổ.
Cải cách - mở cửa cứu nguy Trung Quốc, làm Trung Quốc phát triển vượt bậc, với một tốc độ nóng, nhưng nền kinh tế phát triển ấy không bền vững mà xã hội chứa bao nhiêu nguy cơ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào như chúng ta biết: tham nhũng, phân cực, tàn phá môi trường,… Trung Quốc vẫn còn là nước đang phát triển chứ chưa thể gia nhập các nước phát triển, mặc dù tính tổng sản lượng thì cao. Do đó, có người gọi Trung Quốc là nước có chủ nghĩa tư bản Khổng giáo, là nước có công xưởng của thế giới và rất giỏi chế tạo hàng giả. Văn hóa, con người Trung Quốc có đi lên, nhưng một khoảng thời gian ngắn như thế, với bao sức ép của hiện thời và của quá khứ, nó làm thế nào đi kịp phương Tây?
Nhưng nói như ông Lưu thì hơi quá. Cần phải công bằng, dù ta hiểu rằng, ông Lưu chính là phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan, ông ta muốn tiến lên nên bực bội, phẫn chí, mắng mỏ,… cả dân tộc, đồng bào mình. Cần hiểu ông ta. Ông ta không hiểu lắm lịch sử tư tưởng - văn hóa đất nước mình, nhiều cái nói theo phương Tây.
Chẳng hạn, ông nói: “Hegel từng nói: “Trung Quốc không có triết học”. Tôi cho rằng, mấy ngàn năm nay, Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào. Những nhà tư tưởng tôi nói là Hegel, Socrates, Plato, các nhà tư tưởng này đã đóng góp to lớn đến tiến trình văn minh của nhân loại. Lão Đam (tức Lão Tử), bạn nói xem ông ấy có phải là nhà tư tưởng không? Chỉ dựa vào Đạo đức kinh với 5000 chữ là có thể làm nhà tư tưởng ư? Còn chưa nói đến là Đạo đức kinh có vấn đề. Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng chăng? Con cháu chúng ta xem xét ông thế nào? Đánh giá tác phẩm của ông ra sao? Các tác phẩm của Khổng Tử chưa từng cung cấp cho nội tâm người Trung Quốc một hệ thống giá trị có thể chống lại quyền lực thế tục, cái mà ông cung cấp chỉ là tất cả những gì xoay quanh quyền lực. Nếu Nho học là một tôn giáo thì đó là ngụy tôn giáo; nếu là tín ngưỡng thì ngụy tín ngưỡng; nếu là triết học thì là triết học của xã hội quan trường hóa. Xét từ ý nghĩa này, Nho học có tội với người Trung Quốc. Trung Quốc không thể có nhà tư tưởng, chỉ có các nhà mưu lược…”.
Nói như thế là gần như phủ định sạch trơn di sản văn hóa - triết học vĩ đại Cổ đại Trung Hoa, một trong những nền văn minh xán lạn nhất của thời Cổ đại của nhân loại. Cần phải có quan điểm lịch sử. Lão Tử chính là một nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà biện chứng vĩ đại, mà ngày nay chính phương Tây đang đánh giá rất cao và đang nghiên cứu. Khổng Tử cũng vậy. Ông đề xướng nhân, ái nhân, thân dân, “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người); Mạnh Tử chủ trương nghĩa. Nhân nghĩa là một tư tưởng vĩ đại, nếu biết vận dụng tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận, ca ngợi các mặt tinh hoa trong tư tưởng Khổng Tử. Nguyễn Trãi, nhà tư tưởng - văn hóa lỗi lạc của Việt Nam thời xưa, người tự xưng là “nhà nho”, “chương cú nho hèn”… đã kế thừa cái tinh hoa Nho giáo ấy vào thực tiễn chiến đấu của dân tộc mà làm nên sự nghiệp vĩ đại.
Vậy ăn thua là ở chỗ diệu dụng. Giai cấp phong kiến thống trị Trung Hoa chỉ lợi dụng tinh thần “trung quân”, “khắc kỷ phục lễ” của Nho để “ngu dân” và thống trị Trung Hoa, kéo lùi Trung Hoa lại, để Tây phương vượt lên, chứ đã từng có thời Trung Quốc đã đi trước phương Tây. Chẳng hạn, văn hóa - văn học thời Đường được nhiều nhà nghiên cứu lớn đánh giá là thời Phục Hưng Trung Hoa, đi trước Phục Hưng phương Tây 7, 8 thế kỷ, cái thời đã phát hiện ra một chủ nghĩa nhân văn lớn, sâu thẳm mà trung tâm là con người… Đỗ Phủ, Hàn Dũ, do đó… tuy là nhà thơ nhưng cũng là những nhà tư tưởng vĩ đại.
Chuyện này là chuyện dài. Nhưng ca ngợi Mỹ, phương Tây, “miệt thị” dân tộc mình một chút, trong đó dĩ nhiên có nhiều cái đúng, Lưu tướng quân muốn một cuộc cải cách, thay đổi thể chế, theo phương Tây, theo Mỹ; nhưng đó là chuyện lớn phải bàn dài, bàn nhiều.
V.H.N trích bình
(*)
|
Bản dịch của TTXVN.
|
http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2444-doc-luu-a-chau-de-hieu-them-mot-vai-van-de-ve-trung-quoc-ky-cuoi-.aspx
2. Nhanh bằng tiếng Việt
Lưu Á Châu
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lưu Á Châu | |
---|---|
Chức vụ
| |
Thông tin chung
| |
Sinh | 19 tháng 10, 1952 Phụng Hóa, Chiết Giang, Trung Quốc |
Binh nghiệp
| |
Phục vụ | Trung Quốc |
Thuộc | Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc |
Cấp bậc | Thượng tướng Không quân |
Chỉ huy | Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc (từ 2009) |
Lưu Á Châu (chữ Hán: 刘亚洲; sinh 1952) là một Thượng tướng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nguyên Phó Chính ủy Không quân Trung Quốc; đương kim Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Stanford Mỹ. Ông đồng thời là một nhà văn có tiếng, chủ nhân một số giải thưởng văn học. Các bài viết của ông ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ (nhất là quan điểm đối với Mỹ), lập luận sắc bén của ông được dư luận rất quan tâm.
Mục lục
[ẩn]Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Tướng Lưu sinh ngày 19 tháng 10 năm 1952 tại Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tham gia quân đội năm 16 tuổi, Lưu lần lượt giữ chức vụ phó tiểu đội trưởng, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Năm 44 tuổi được thăng chức thiếu tướng không quân, bước vào hàng ngũ tướng lĩnh cấp cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Năm 45 tuổi giữ chức Chủ nhiệm Cục chính trị không quân quân khu Bắc Kinh. Năm 50 tuổi là Chính ủy không quân, quân khu Thành Đô. Năm 51 tuổi là Phó Chính ủy không quân kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật quân ủy, và được thăng chức trung tướng không quân. Hiện nay, Trung tướng Lưu Á Châu, giữ chức Chính ủy của Đại học Quốc phòng Trung Quốc (Đại học Quốc phòng là trường quân sự cao nhất của Trung Quốc, trực thuộc sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, là cấp đại quân khu; hiệu trưởng, chính ủy của trường này đều thuộc những chức vụ chính của đại quân khu).[1]
Tướng Lưu là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm.[2]
Quan điểm[sửa | sửa mã nguồn]
- Vì sao Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979?
“ | Khi đó, có người nói: chúng ta đánh nhau với người Việt Nam, hiện nay, những người hy sinh là liệt sĩ, sau khi quan hệ hai nước trở lại tốt đẹp, họ sẽ là gì? Tôi trả lời: "Vẫn là liệt sĩ!". Vì sao? Chúng ta phải nhìn nhận cuộc chiến này từ góc độ chính trị. Ý nghĩa của cuộc chiến này nằm bên ngoài cuộc chiến. Cuộc chiến này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ... Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Vì sao? Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, chương trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đã được ông vạch sẵn, muốn thực hiện chương trình này phải xác lập quyền lực tuyệt đối trong nội bộ Đảng. Phải đánh một trận... Muốn cải cách phải có quyền lực. Biện pháp xác định quyền lực nhanh nhất là gây chiến tranh... Quân Giải phóng ào ạt vượt qua biên giới vào ngày 17/2. Thứ hai là người Mỹ, ý nghĩa của việc này cũng rất lớn. | ” |
— Lưu Á Châu [3]
|
- Trả hận cho người Mỹ và Mỹ đã ồ ạt viện trợ cho Trung Quốc
“ | Liên Xô cũng tan rã. 10 năm trước đó, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vấn đề này, dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. Đặng Tiểu Bình, thật là một kỳ tài! Vừa rồi, tôi nói gây ra cuộc chiến tranh này vì người Mỹ, chính là trả hận cho người Mỹ. Có bằng chứng không? Có đấy. Ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam. Vì sao có thể giúp Mỹ hả giận? Bởi vì, người Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam. Chúng ta sao lại giúp người Mỹ hả giận? Thực ra không phải vì Mỹ, mà là vì chúng ta, vì cải cách mở cửa. Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc... Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này. | ” |
— Lưu Á Châu [3]
|
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Nguyễn Hải Hoành lược dịch (31/8/2010). 30 tháng 8 năm 2010-tuong-luu-a-chau-ban-ve-van-hoa-trung-quoc “Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hoá Trung Quốc”. TUANVIETNAM.NET. 30 tháng 8 năm 2010-tuong-luu-a-chau-ban-ve-van-hoa-trung-quoc Bản gốc lưu trữ 31/8/2010. Truy cập 26/6/2011. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|archivedate=, |date=, |accessdate=
(trợ giúp) - ^ Nguyễn Hải Hoành giới thiệu và lược dịch (15/8/2010). 15 tháng 8 năm 2010-niem-tin-va-dao-duc “Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức”. TUANVIETNAM.NET. 15 tháng 8 năm 2010-niem-tin-va-dao-duc Bản gốc lưu trữ 15/8/2010. Truy cập 26/6/2011. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|archivedate=, |date=, |accessdate=
(trợ giúp) - ^ a ă VŨ HỒNG NGỰ (12 tháng 7 năm 2010). “Đọc Lưu Á Châu để hiểu thêm một vài vấn đề về Trung Quốc (kỳ 1. Cuộc chiến Việt Nam 1979)”. Chuyện bốn phương (Tạp chí điện tử Hồn Việt). Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2010. Truy cập 26/6/2011. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|archivedate=, |accessdate=
(trợ giúp)
Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]
- VŨ HỒNG NGỰ trích bình, Đọc Lưu Á Châu để hiểu thêm một vài vấn đề về Trung Quốc (kỳ cuối) Tạp chí điện tử Hồn Việt, ngày 7/12/2010, truy cập ngày 26/6/2011.
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C6%B0u_%C3%81_Ch%C3%A2u
3. Nhanh bằng tiếng Trung
刘亚洲[编辑]
维基百科,自由的百科全书
刘亚洲 | |
---|---|
中国人民解放军国防大学第七任政治委员 2009年12月至今 | |
性别 | 男 |
出生 | 1952年10月19日 中华人民共和国浙江省宁波市 |
居住地 | 中华人民共和国北京市 |
语言 | 汉语普通话 |
政党 | 中國共產黨 |
军衔 | 中国人民解放军空军上将 |
学历 | |
目前职务 | |
代表作 | |
| |
勋章奖章 | |
军衔记录 | |
中国 |
刘亚洲(1952年10月19日-),安徽宿县人,生于浙江宁波奉化。1968年入伍。武汉大学英文系毕业。中国共产党第十七届中央纪律检查委员会委员,中国共产党第十八届中央委员会委员。中国人民解放军空军上将军衔。现任中国人民解放军国防大学政治委员(正大军区职)。
生平[编辑]
历任战士、班长、排长,空军政治部联络部干事,军委办公厅干事,装甲兵装备技术研究所政治委员、党委书记,北京军区空军政治部主任,成都军区空军政委[1]。2003年12月,任中国人民解放军空军副政委。2009年12月,任中国人民解放军国防大学政委。
1996年6月,晋升为空军少将军衔。2003年,晋升为空军中将军衔。2012年7月,晋升为上将军衔[2]。
家庭[编辑]
二弟刘亚苏少将,现为总参副军职。三弟刘亚伟,現為美國卡特中心中國項目主任、佐治亞帕里米特學院中國研究中心副主任,全美中國研究聯合會會長,定居美國。四弟刘亚军,从事教育科技事业,现居國外。五弟刘亚武大校,现为空军第五师政委。
知名言论[编辑]
刘亚洲题为《牢牢占领意识形态阵地》的文章刊登《解放军报》,指互联网已经成为“意识形态领域斗争的主战场,西方敌对势力妄图以这个「最大变量」来「扳倒中国」”[6]。
刘亚洲主张1979年的对越作战,也是为美国人打的,是邓小平同志教训越南,苏联,也在党内树立绝对的权威,取得中美之间长达十年之久的蜜月,“甚至可以这样说,中国的改革开放的第一步就是从这场战争中迈出去的”[8]。
他人评论及争议[编辑]
民运人士吾尔开希2010年比较刘亚洲《西部论》与其之前的作品,认为刘亚洲的转变:“刘亚洲表现出来的是一个赤裸裸的反动军国主义少壮派军官的架势……自然比起那些狂妄的地声称中国军力无敌的义和团式观点更能引起注意,因而成为进阶版的铁血言论”,而在《凤凰周刊》专访其言论显沉稳虽仍以爱国主义论调贯,但少了谩骂。吾尔开希认为刘亚洲是“包括美国的军事及情报机构在内都高度关注的中国战略专家,也被中国誉为思想最能卓尔不群的将星”並谈及十五岁时接触其文学作品,了解台湾、以色列等。吾尔开希对这篇凤凰周刊“特别声明未经刘亚洲将军审定”的专访,“重新对其产生希望”。[10]
刘亚洲在2013年发表“坚守神圣的党性”的文章,被中国政府禁止播放的广播美国之音网站认为这篇文章的中心思想是让党员们对着党章宣示的党性膜拜,党性“如同基督徒心目中的‘上帝’”。何清涟女士说所谓“党性“早就被中共党官们用各种腐败淫秽恶行糟蹋蹂躏得成了一块肮脏的破抹布,刘亚洲的论调殆笑世界。[11]
2014年3月19日刘亚洲发表“改革充满风险甚至动荡 需要坚强的领导核心”,称“中国现代化的百年奋斗,已进入至关重要的‘后半程’。只要我们坚决维护中央权威,保证政令、军令畅通,就一定能够实现中华民族伟大复兴的强国梦。”[12]
评论他人[编辑]
2016年7月6日,刘亚洲在国防大学学习贯彻中共中央总书记习近平“七一”讲话理论座谈会上发表讲话称,徐才厚在弥留之际说了两句话,一是“郭伯雄的问题比我严重得多”;二是“大区正职的将领中,没有给他送钱的只有两个人,一个是刘源,一个是刘亚洲”。他还称,“谷俊山给徐才厚献了女歌星、献了女演员、献了女服务员,这还不算,他居然把自己的女儿献给了徐才厚。更令我感到‘敬佩’的是,徐才厚和他女儿在里面巫山云雨的时候,谷俊山就在外屋坐着。这是有着钢铁一般的意志啊!我曾开玩笑说:王进喜是什么铁人呀,谷俊山才是铁人呢!我曾经讲过:目前在中国,最好的人和最坏的人都在共产党内。那么,我们能不能说:最好的人和最坏的人都在军队。我看八九不离十。”[14]
语录[编辑]
- 中国不缺乏真理,中国缺乏容忍真理存在的土壤。
- 美国成功的秘密不在於华尔街,也不在於硅谷,在於长盛不衰的法治和法治背後的制度。
- 单靠金钱力量,不但无法长期保有中国在境外的国家利益,甚至不能保有境内的平安稳定。
- 决定民族命运的绝不仅是军事和经济力量,主要取决於文明形式本身。民族的生存决定我们必须进行政治体制改革。
- 十年内,一场由威权政治向民主政治的转型,不可避免地发生。中国将出现伟大变局。政治体制改革是历史赋予的使命。我们不可能有退路。
- 一个制度如不能让公民自由地呼吸并最大程度地释放公民创造力,不能把最能代表这个制度和最能代表人民的人放在领导岗位上,就必然灭亡。
著作书目[编辑]
1978年开始发表作品。1984年加入中国作家协会。
- 《陈胜》(长篇小说) 1977,长江出版社
- 《秦时月》(长篇小说) 1981,人民文学出版社
- 《短剑忠魂》(长篇小说) 1982,河南人民出版社
- 《大山母山别墅》(长篇小说) 1982,福建人民出版社
- 《两代风流》(长篇小说) 解放军文艺出版社
- 《中国心》(纪实文学) 1984,陕西人民出版社
- 《写给男儿们看的书》(小说、报告文学集) 1985,中国文联出版社
- 《女人的名字是弱者吗?》(报告文学集) 1985,人民文学出版社
- 《一个女人和一个半男人的故事》(小说、报告文学合集) 1987,人民文学出版社
- 《胡耀邦之死》(报告文学) 1989,南韓国民日报出版社[17]
参考文献[编辑]
引用[编辑]
- ^ 刘亚洲. 中国作家网. [2016-09-03].
- ^ 中央军委举行晋升上将军衔警衔仪式. 中华人民共和国国防部. [2012-07-31].
- ^ 刘亚洲:丧父日记
- ^ 首次公开:刘亚洲兄弟五人 两个将军一个师长. 长安街知事. [2016-09-03].
- ^ 《凤凰周刊》2012年23期 《凤凰周刊》 钟坚 2012-08-13 23:10:08 十八大前大陆新晋六上将
- ^ 西方圖以互聯網「扳倒中國」
- ^ 明鏡獨家:劉亞洲策劃《較量無聲》圖升軍委. 明镜新闻. 2013年12月4日.
- ^ 2013-12-24 国能网
- ^ 来源:路透社 编译:万方 责编:李京慧 [1]
- ^ 吾尔开希,刘亚洲的转变,2010年8月11日
- ^ 何清涟:中国戏剧:权力的谵妄与《傻伯夷》. 美国之音.
- ^ 刘亚洲:改革充满风险甚至动荡 需要坚强的领导核心. 人民日报.
- ^ 国防大学少将:共产党人绝不能追求先富起来. 《环球人物》杂志.
- ^ “刘亚洲爆出徐才厚与谷俊山腐败猛料. 联合早报. [2016-08-10].
- ^ http://www.360doc.com/content/12/0313/08/837391_193908828.shtml
- ^ 解放军高官激论政改
- ^ http://www.chinawriter.com.cn/zjcd/xdzj/9850_83691.htm
来源[编辑]
- 书籍
- 《谁在影响中国政策:中国高层文胆》,浙江人民出版社。ISBN 9787213036767
- 网页
参见[编辑]
- 《较量无声》
4. Tiếng Nhật một mẩu
劉亜洲
劉亜洲 | |
---|---|
プロフィール | |
出生: | 1952年10月19日 |
出身地: | 中国山西省太原市 |
職業: | 軍人 |
各種表記 | |
繁体字: | 劉亞洲 |
簡体字: | 刘亚洲 |
拼音: | Líu Yázhōu |
和名表記: | りゅう あしゅう |
発音転記: | リュウ ヤーヂョウ |
経歴[編集]
解放軍将軍劉建徳の子として中国山西省太原市に生まれる。紅衛兵などを経て、武漢大学外国語英語科卒。空軍上将、国防大学政治委員。中国では政治委員の権限が大きいため、国防大学の校長ではないものの、事実上の国防大トップとして紹介される記事も散見する。また、第3代国家主席李先念の娘婿にもあたり、中国では、習近平を筆頭にした太子党の主要人物とみなされている。「対日融和政策」を批判し、日本との友好や平和樹立、あるいは日本への憧れに対する徹底した批判を加え抗日運動を起こすようにネットで呼びかけなどをした。また、2010年8月には「大胆谏言」と呼ばれる提言を行った。軍事小説を多数執筆しており、軍部内で人気が高いとされる。
経歴年表[編集]
- 1970年 中国共産党入党
- 1984年 中国作家協会加入
- 1987年 中国人民解放軍三等功奖章
- 1986年 スタンフォード大学客員研究員(1987年まで)
- 1988年 上校
- 1993年 空軍上校
- 1996年 空軍少将
- 2003年 空軍中将
- 2009年 国防大学政治委員(7代目)
- 2012年空軍上将
家族[編集]
著作[編集]
- 陈胜(長編小説)1977,长江
- 秦时月(長編小説)1981,人文
- 短剑忠魂(長編小説)1982,河南人民
- 大山母山别墅(長編小説)1982,福建人民
- 两代风流(長編小説)解放军文艺
- 中国心(纪实文学)1984,陕西人民
- 写给男儿们看的书(小说、报告文学集)1985,文联
- 女人的名字是弱者吗?(报告文学集)1985,人文
- 一个女人和一个半男人的故事(小说、报告文学合集)1987,人文
- 胡耀邦之死(报告文学)1989,南韓国民日报出版社[1]
脚注[編集]
関連項目[編集]
外部リンク[編集]
- 王怡 : 劉亞洲和大陸的軍國主義危險王怡による批判記事(中国語)
- 刘亚洲:信念与道德
- 刘亚洲_百度百科
- 【禁闻】刘亚洲将军预言政体转型 外界评议 youmaker.com鳳凰周刊に寄稿劉亜洲中将を伝えるニュース(動画・中国語)
- 「胡・温体制」と上海派の決着は?太子党はどこまで躍進したか Web「正論」宮崎正弘
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.