3 ảnh trên lấy về Fb Nguyễn Minh Tuấn. Có lời bình của chủ Fb ấy là:
"Hơn 200 tấn cá ở Hồ Tây bị chết thì kinh rồi.
Trưa nay đi ăn giỗ tổ về, mình đi qua đường ven hồ mùi xú uế bốc lên nồng nặc thật khủng khiếp chưa từng có, từ bé đến giờ mình đã từng chứng kiến nhiều khi thay đổi thời tiết hoặc trời đang nóng chuyển sang mưa thì cá cũng nổi lên trên mặt hồ Tây hoặc hồ Bảy mẫu, mình cũng chạy ra hồ để bắt cá nhưng đây chắc không phải là do thời tiết!".
https://www.facebook.com/minhtuan.nguyen.16718/posts/677279912420729
Từ đây trở xuống là tin tức từ các nơi.
---
10.
9.
'Khủng long' Hồ Tây: Bí ẩn dưới đáy hồ ngàn năm
12/10/2016 08:00 GMT+7
PV đã gặp lại những người từng có nhiều năm gắn bó với Hồ Tây, để tìm hiểu về loài trắm đen khổng lồ, từng là biểu tượng của Hồ Tây, để chép lại những câu chuyện thú vị.
Việc 200 tấn cá ở Hồ Tây chết đến nay vẫn còn là bí ẩn. Với nhiều người gắn bó với hồ nước tuyệt đẹp của thủ đô này, đó thực sự là điều tiếc nuối. Những câu chuyện về loài “khủng long Hồ Tây”, tức cá trắm đen khổng lồ, đã lặn dần vào ký ức.
PV đã gặp lại những người từng có nhiều năm gắn bó với Hồ Tây, để tìm hiểu về loài trắm đen khổng lồ, từng là biểu tượng của Hồ Tây, để chép lại những câu chuyện thú vị.
Có những người, cả đời chỉ sống bằng nghề câu cá trộm ở Hồ Tây. Những cần thủ cao siêu, có bí quyết săn trắm đen, giới cần thủ gọi là “khủng long”, đã xây được nhà cao tầng và sống khá sung túc. Chuyện này thật khó tin, nhưng ông Nguyễn Viến Bân (Nguyên giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân, Công ty khai thác Hồ Tây), là người từng phụ trách khai thác cá ở Hồ Tây khẳng định có điều đó.
Một cần thủ ngồi câu ở đoạn làng Võng Thị
|
Ông Bân lấy vợ người làng Bưởi và sống ở làng Bưởi mấy chục năm, nên ông rõ mặt tất cả những người cả đời “ngủ ngày cày đêm” ở Hồ Tây. Đêm là thời điểm “khủng long Hồ Tây” vào bờ kiếm ăn.
Trong số hàng chục cần thủ nổi tiếng ở làng Võng Thị và Trích Sài (phường Bưởi), thì Nguyễn Trọng Tuấn được mệnh danh là “sát thủ” của trắm đen Hồ Tây. Anh được giới câu cá ở Hồ Tây gọi là Tuấn “ba tiêu”, bởi với chiếc lưỡi ba tiêu, mỗi ngày anh ta có thể kéo lên từ Hồ Tây vài chục kg cá.
Người dân sống dọc con đường tuyệt đẹp ven Hồ Tây thuộc phường Bưởi đã quá quen với hình ảnh một gã đàn ông nhỏ thó, đen cháy, đội mũ lúp xúp, hàng ngày bất kể nắng mưa, đứng trên giá đỡ giữa hồ, liên tục quăng lưỡi ra xa rồi kéo giật vào bờ. Thật khó có thể tin, chỉ với chiếc cần trúc dài độ 2m, chiếc bát quấn cước và chiếc lưỡi ba tiêu, anh ta lại nuôi được cả nhà với 5 miệng ăn.
Làng Võng Thị xưa kia chỉ gồm vài nóc nhà giữa lau lách ven hồ. Một số ít dân làm nghề trồng sen, làm ruộng, còn hầu hết sống bằng nghề đánh cá, mò ốc, mò trai. Cũng chính vì cả làng sống bằng nghề chài lưới, nên tên làng cũng mang ý nghĩa là một cái lưới đánh cá (Võng có nghĩa là lưới). Năm 1958, Quốc doanh nuôi cá Hồ Tây thành lập để quản lý, thì người dân Võng Thị lại sống bằng nghề kéo cá thuê cho Nhà nước. Võng Thị có nhiều cao thủ săn cá cũng là điều dễ hiểu.
Có nhiều cách để săn “khủng long Hồ Tây”, nhưng cách được dân Võng Thị hay dùng là câu lăng xê.
Câu lăng xê rất đơn giản, chỉ cần một bát quấn cước, 100m cước và chiếc lưỡi lò xo. Mỗi cần thủ có cả chục điểm thả lưỡi lăng xê.
Hàng ngày, đám thợ câu bơi ra giữa Hồ, cách bờ vài chục mét, rồi thả mồi ăn dụ trắm đen vào. Công đoạn chế biến mồi dụ trắm đen vô cùng cầu kỳ, là bí quyết của dân câu.
Với mỗi hồ nước, trắm đen thường đi ăn vào một thời gian nhất định. Trắm đen Hồ Tây thường bắt đầu đi ăn lúc 9h đêm. Nhiều hồ nước khác, người ta câu được trắm đen cả sáng, trưa, chiều, tối.
Trắm đen là loài rất tinh khôn, thấy động là nằm im, bất kể mồi ăn hấp dẫn thế nào. Món ăn khoái khẩu của chúng là ốc tươi sống, còn ốc thối chỉ có tác dụng tạo mùi dẫn dụ chúng đến. Do đó, để tạo thói quen cho trắm đen tìm đến ổ ăn mồi, mỗi ngày, thợ câu phải mua cả yến ốc sống, rồi đổ vào những điểm nhất định.
Câu cá ở Hồ Tây
|
Khi phát hiện ổ mồi, chúng tiến đến, ngậm hàng chục con ốc trong miệng, rồi bơi ra chỗ khác nhả ốc ra, sau đó mới dùng bộ hàm cứng nghiền từng nát con một để nhâm nhi thưởng thức. Do đó, điều quan trọng là cần thủ phải biết lúc nào trắm đen đến chén mồi để chớp thời cơ.
Nhưng làm thế nào để bọn ốc sống nằm im trong ổ mồi, đó là một bí quyết mà dân săn “khủng long Hồ Tây” không bao giờ tiết lộ. Có ý kiến cho rằng, các cần thủ lọc lõi dùng da trâu nghiền thành bột, trộn với mỡ bò rồi bôi vào ốc để chúng ăn hợp chất này trên người nhau, không bò đi chỗ khác. Lại có ý kiến cho rằng, chỉ cần thả bột gạo, bột ngô, bột khoai… cùng với ốc, bọn ốc sẽ ở lại chén no say, không bò lung tung nữa. Một số ý kiến thì cho rằng, ngâm ốc với… nước pha rượu để chúng say tá lả, rồi ngủ vùi ở ổ câu cả ngày (?!).
Sau khi những chiếc lưỡi lò xo được đắp kín bởi cục mồi to bằng quả trứng gà, cần thủ ném mồi trúng ổ thính cách bờ 40-50m, rồi treo bát quấn cước cùng với chiếc chuông nhỏ ven bờ. Khi nào chuông reo, nghĩa là cá đã dính lưỡi. Khi trắm đen đớp phải mồi, lập tức 6 chiếc lưỡi sẽ cắm phập vào xung quanh miệng. Càng giãy mạnh, càng chạy khỏe, lưỡi càng cắm sâu. Với cách câu này, cùng với nghệ thuật dòng cá, những sợi cước rất mảnh cũng có thể kéo được “khủng long” nặng vài chục kg vào bờ.
Cách câu này rất phổ biến ở Hồ Tây và được hàng trăm cần thủ sử dụng. Đây là một công nghệ săn cá trộm rất nhàn nhã mà hiệu quả. Đám câu trộm chỉ cần thả thính, rải lưỡi đóng mồi, rồi rung đùi ngồi uống nước, hút thuốc, hoặc đánh cờ bên bờ hồ. Nhiều cần thủ mắc võng ngủ dưới gốc cây cả ngày lẫn đêm và những tiếng “reng reng” chả khác gì chuông báo thức gọi họ dậy để kéo cá lên bờ.
30 năm câu trộm cá ở Hồ Tây, Tuấn “ba tiêu” không nhớ nổi mình đã trục lên khỏi lòng hồ bao nhiêu tấn cá. Chỉ riêng trắm đen, loài “khủng long” của Hồ Tây, Tuấn đã câu được tới cả trăm con có lẻ.
Một con trắm đen nặng 37,5kg câu được ở Hồ Tây
|
Những năm gần đây, một số cần thủ chuyên nghiệp đã sắm cả camera xịn dùng để ghi lại hình ảnh từ ổ mồi. Sóng Hồ Tây lớn, ổ xa bờ hàng chục, thậm chí cả trăm mét, nên rất khó quan sát bằng mắt thường. Quay phim xong, đưa phim vào laptop phóng to rồi phân tích để phát hiện tăm trắm đen. Khi đã phát hiện có “khủng long” ăn mồi, thì số phận chú trắm đen này đã đến hồi kết.
Hùng “râu” cũng là nhân vật nổi tiếng trong giới câu cá trắm đen Hồ Tây. Theo anh ta, mồi thính là một bí quyết không thể tiết lộ, nhưng chọn địa điểm câu mới là khâu quan trọng nhất. Theo Hùng “râu”, những khu vực mà lòng hồ lổn nhổn, có nhiều chỗ dựa, nước sạch, là nơi trắm đen thường mò vào. Những khu vực nào có cống rãch, nước thải đổ ra thường ô nhiễm, thiếu ôxi ở tầng đáy, động vật thân mềm không sống được, thì không bao giờ trắm đen mò đến.
Theo kinh nghiệm của Hùng “râu”, “khủng long” thường vào bờ kiếm ăn vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, chẳng hạn như oi bức, sắp có giông, bão, gió tây. Vào những ngày này, địa điểm kiếm ăn của chúng thường là phía Tây của hồ nước.
Những khu vực gồm Phủ Tây Hồ trông ra, chùa Trấn Quốc, phường Bưởi là những nơi thường xuyên câu được trắm đen. Hùng “râu” chỉ cắm chốt ở đoạn làng Võng Thị và Trích Sài, nơi có những nghĩa địa mênh mông dưới lòng hồ. Ngày trước, khu vực này là làng mạc, nghĩa địa, nhưng sóng Hồ Tây bào mòn, đánh chìm từ mấy chục năm trước. Theo Hùng “râu”, bọn trắm đen thường vào khu vực mồ mả làm ổ hoặc trốn lưới vét của các đội khai thác cá thuộc Công ty đầu tư khai thác Hồ Tây.
Tôi từng trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tiến, người có thâm niên mấy chục năm đánh cá Hồ Tây và có biệt tài săn trắm đen, ông Tiến cũng khẳng định bọn trắm đen thường trốn vào các khu nghĩa địa dưới lòng hồ, nên cực kỳ khó tóm chúng. Chỉ có cách đánh úp từng khu vực nó làm ổ hoặc kiếm ăn may ra mới tóm được.
Đặc tính của trắm đen, khi dính lưỡi, nó lao thẳng vào bờ. Tuy nhiên, khi buông vợt, hoặc nhảy xuống hồ vớt, nó sẽ phi nước kiệu như ngựa chướng. Nó sẽ lao vào vật cản để phá cước và chúi xuống bùn miết lưỡi tuột ra. Do đó, nếu cần thủ không có kinh nghiệm dìu cá thì khó có thể thắng được nó. Ngoài ra, việc bộ lục đóng vào chỗ nào trên thân “khủng long” cũng quyết định sự thành bại. Nếu lục bám vào lưng hoặc sườn, thì chả lưỡi nào xuyên qua được những chiếc vây cứng như thép và to bằng miệng chiếc bát con. Lục chỉ đóng vào bụng, chắc chắn nhất là phần họng, mới hy vọng hạ được nó.
Cuộc đấu trí với con “khủng long” cách nay chục năm vẫn làm Hùng “râu” bồi hồi khi nhớ lại. Qua kính viễn vọng hồng ngoại nhìn xuyên bóng đêm, thấy những dòng tăm nhỏ sủi lẫn trong sóng ở ổ mồi cách bờ 50m. Xác định có trắm đen ăn mồi, Hùng “râu” lắp bộ lục xịn nhất rồi chờ hết tăm mới quăng lưỡi. Do ổ mồi ở rất xa, nên phải quăng lưỡi nhiều lần, căn chỉnh mãi chiếc phao phát sáng bằng bắp tay mới vào trúng ổ. Ổ mồi này đã tiêu tốn của Hùng “râu” cả tạ ốc và đây là cơ hội hiếm có để hoàn vốn.
Trắm đen có thói quen đớp đầy mồm ốc, rồi lỉnh ra chỗ khác nhả ra, chén từng con một. Khi chén hết, chúng mới tiếp tục tìm đến ổ. Lúc nó lỉnh ra chỗ khác, chính là thời cơ Hùng “râu” quăng lưỡi trúng ổ để tránh làm nó hoảng sợ. Chiếc xuồng cao su cùng chai nước đã được chuẩn bị sẵn.
Một cần thủ câu được trắm đen
|
Đúng như dự đoán, chừng nửa tiếng sau thì “khủng long” quay lại ổ ăn mồi. Nhìn những dòng tăm sủi lên mặt nước, lòng Hùng “râu” bồi hồi khó tả. Chiếc phao to tướng vẫn dập dềnh trên sóng. Hùng “râu” chợt rùng mình khi cách ổ chừng 2 mét, một quầng sóng to đánh tạt cả những lớp sóng vỗ đều đặn. Hai tay nắm chặt cần, mà trống ngực cứ đập thình thịch.
Hàng trăm lần đối mặt với “khủng long”, song mỗi lần là một cảm xúc khác lạ, hồi hộp, mong chờ, lo âu. Đó chính là cái thú mà chỉ có những cần thủ săn trắm đen mới có được. Trót làm “sát thủ” của “khủng long” rồi, thì hồn vía lúc nào cũng ở ngoài Hồ Tây.
20 rồi 30 phút trôi qua, khi đã mấy lần vào ổ tha ốc ra ngoài, chiếc phao vẫn dập dềnh trên sóng. Trái tim Hùng “râu” tưởng như tan nát khi nghĩ đến cảnh nó không cọ vào lục hay cước lấy một lần. Thế rồi, chiếc phao lắc nhẹ, đốm xanh lét từ từ lịm khỏi ngọn sóng.
Vút… Một cú giật nghiêng người. Chiếc cần thửa do Mỹ sản xuất cong vút bởi lục đã đóng vào “khủng long”. Con cá vùng chạy, cước ra veo véo nghe rợn tai.
Nhanh như chớp, Hùng “râu” nhảy xuống chiếc xuồng cao su, và con “khủng long” kéo anh ta chạy từ Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc, lao vào bờ, rồi lại vọt ra giữa hồ. Giống trắm đen không có thói quen bơi lùi, nó cứ lao thẳng như tên lửa, do đó, phải dìu cá ở mức độ vừa phải. Nếu giữ căng quá, nó lao mạnh, sẽ khiến lưỡi bung, cước đứt, còn dìu nhẹ, nó miết xuống bùn hoặc vật cản để gỡ lưỡi là công toi.
Con cá kéo Hùng “râu” từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau mới chịu ngửa bụng nằm im cho anh dìu vào bờ. Lúc ấy, cá mệt lử, nhưng cần thủ Hùng “râu” thì mệt đến ngày hôm sau. Con “khủng long” mà Hùng “râu” tóm được lần đó nặng tới 46,5kg. Dù Hồ Tây từng có nhiều “khủng long” lớn hơn thế, nhưng đây có lẽ là con trắm đen kỷ lục câu được.
Gần 30 năm ôm cần ở Hồ Tây, Hùng “râu” không nhớ nổi đã tóm được bao nhiêu “khủng long Hồ Tây”. Cách đây 20 năm, mỗi đêm Hùng “râu” có thể tóm được vài con, toàn loại trên chục kg, nhưng vài năm gần đây, có khi ôm cần cả tháng chẳng được con nào. Mỗi đêm, Hùng “râu” vẫn lôi được lên bờ cả đống chép, trôi, rô phi, chim trắng, có những chép cụ nặng đến 10kg, nhưng không được đấu trí với “khủng long”, những đêm ôm cần trở nên cô đơn khó tả.
(Theo VTC)
8. Du học sinh Việt Nam với cách nhìn lãng đãng mây ngàn, thiếu thực tế
Từ Hồ Tây thèm khát nhìn hồ ở bên... Tây
Nhung Nguyễn |
Đêm trước khi quay trở lại trường ở một đất nước khác, tôi đi đúng một vòng Hồ Tây nữa. Mùi hôi thối của nước là thứ không thể phủ nhận ở rất nhiều đoạn bờ hồ.
Lần về Việt Nam này, tôi nghe nhiều về vụ 200 tấn cá chết ở Hồ Tây. Đó là cái nơi mà trong một trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, tôi ngày ngày đạp xe từ Mễ Trì xuống, rồi đạp đúng một vòng quanh hồ.
Vừa là để giết thời gian, vừa là để lấy lại cân bằng về những gì mình đang trải qua. Đêm trước khi quay trở lại trường ở một đất nước khác, tôi đi đúng một vòng Hồ Tây nữa. Mùi hôi thối của nước là thứ không thể phủ nhận ở rất nhiều đoạn bờ hồ. Lòng tôi không còn đau nữa, nhìn thấy quá nhiều thảm họa môi trường, tự hỏi phải chăng mình đã "nhờn" với những nỗi đau như thế này?
Rồi tôi nghĩ về những cái hồ mà tôi đã đi qua.
Tây Hồ Hàng Châu: Nỗi ám ảnh hữu tình
Không phải chỉ ở Việt Nam mới có hồ Tây. Có khoảng gần 400 cái hồ có tên như vậy ở Trung Quốc, nhưng cái nổi tiếng nhất là ở thành phố Hàng Châu - tỉnh Chiết Giang.
Người Trung Quốc có câu "Trên trời có thiên đàng/ Dưới đất có Tô Hàng" (chỉ Tô Châu và Hàng Châu - là hai thành phố đẹp và giàu có từ lâu đời ở vùng Giang Nam, trên đất Trung Hoa cổ). Do vậy, đây cũng là nơi mà bạn sẽ bắt gặp những câu điển tích về chuyện tình Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài trên cây cầu Trường Kiều, hay là sự tích về mộ nàng Ngô Tiểu Tiểu ở đây.
Xứ Hàng Châu cũng là nơi Nguyễn Du sang ở mấy năm, nghe chuyện nàng và sau đó viết truyện Kiều. Tôi có hỏi người địa phương có ai biết Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài nhân không. Câu trả lời phần lớn là không? Tôi lại hỏi tiếp, thế có ai biết là Nàng Kiều không? Câu trả lời cũng không. Vì câu chuyện bán mình chuộc cha mà họ biết đến là của người con gái ở vùng này.
Đó là chuyện muôn thuở của văn thơ, của thứ này nổi tiếng xứ này, thứ kia nổi tiếng xứ khác. Điều tôi muốn bàn chính ở đây là cách người ta bảo vệ cái hồ trứ danh này.
Hãy nhớ rằng, đây là một trong những thành phố giàu có hạng nhất ở Trung Quốc, thu hút nhiều khách du lịch cũng vào hạng nhất nhì. Ngay bên cạnh hồ có khách sạn năm sao Tây Tử cùng một nhà hàng, nơi ông Tập Cận Bình đãi quốc yến G20.
Một bữa tiệc ở đây nghe nói có thể tiêu tới cả gia tài, và hình ảnh của nhà hàng này được in lên một trong số đồng tệ của Trung Quốc. Nghĩa là ven hồ người ta cũng có làm dịch vụ, để phục vụ khách. Nhưng chỉ một số loại dịch vụ được "chòi" ra tới bờ hồ thôi. Và giá cả của nó thế nào, thì ai đã vào đây chắc có dịp được kiểm chứng.
Không có chuyện chỉ cần gửi xe, vào gọi vài cốc bia rẻ tiền trên cái chòi lắp đặt trên một đám bè bằng thùng sắt thả nổi trên mặt hồ. Uống bia xong, lại vào cái gọi là nhà vệ sinh để xả cái thứ nước giải khát chưa kịp tiêu hóa hết đó …ra hồ.
Cô hướng dẫn viên du lịch cho hay xung quanh chu vi 15 của cái hồ này, không có nhà vệ sinh nào được xây với khoảng cách dưới 20 mét tính từ mép hồ. Hơn nữa, hệ thống nước thải chảy ngược lại so với hướng bờ hồ.
Chúng tôi được báo nếu có nhu cầu vệ sinh thì phải thực hiện từ trên cạn, trước khi bước xuống thuyền dạo quanh hồ, vì trên thuyền không có nhà vệ sinh để đảm bảo không có chất thải bị xả xuống hồ. Trăm cái thuyền trên bến, cái nào cũng như cái nào. Góc hồ chỉ có lá vàng rơi rụng cảnh đẹp như bồng lai, tuyệt không có rác và không có mùi hôi thối.
Titicaca: Khi hai đất nước chung một cái hồ
Titicaca là một cái hồ lớn, được coi là hồ ở độ cao lớn nhất thế giới so với mực nước biển, nằm ở mức hơn 3.800 mét, tức là cao hơn độ cao của đỉnh Fansifan ở Việt Nam. Chu vi của hồ khoảng 1.1200 km, tức là tương đương khoảng cách đường bộ từ Hà Nội vào tới Pleiku.
Hồ nằm trên địa phận hai quốc gia láng giếng là Bolivia và Peru. Do nằm trên dãy núi Andes, gần các khu vực có mỏ khoáng sản vào loại giàu có nhất trên thế giới nên việc bảo vệ cái hồ này, nhất là bảo vệ môi trường của nó không hề đơn giản.
Do bản thân hồ nằm trên độ cao lớn, một số đỉnh núi giữa hồ còn được ghi nhận là có băng tuyết quanh năm. Tuy nhiên, đỉnh cuối cùng còn băng hà của hồ là Chacaltaya cũng đã tan hết băng vào năm 2010.
Đó là hậu quả nhãn tiền của biến đổi khí hậu, mà mắt thường của con người có thể quan sát được. Hơn thế nữa, một vấn đề khác của hồ là tình trạng bị ô nhiễm do khai khoáng ở trên núi, nước thải từ các mỏ trên núi chảy xuống hồ, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Một vấn đề khác của hồ là vấn đề đô thị hóa ngày càng tăng của hai quốc gia bên hồ. Từ khắp các thị trấn Puno tới Copacabana, mức độ đô thị hóa chóng mặt đã gây sức ép lên cái hồ vốn hàng ngàn năm chỉ phải nuôi những người Uros sống trên đảo có và vài vạn dân lân cận.
Thêm vào đó, du lịch mang khách khứa từ khắp năm châu tới cũng đặt ra các vấn đề nghiêm trọng về mặt môi trường của hồ này.
Những nỗ lực của hai quốc gia trong việc bảo vệ hồ thực ra không thấm vào đâu so với sức tàn phá của công nghiệp khai khoáng, đô thị hóa và du lịch phổ thông lên tài sản thiên nhiên quý báu này.
Ba nơi mà chúng tôi được đi qua trong chuyến thăm hồ là đảo nổi Uros, đảo Amantani và đảo Taquile. Trong khi đảo nổi Uros là của người dân tộc thiểu số Uros, truyền thuyết kể rằng do một vụ xung đột sắc tộc khiến người Uros bị đuổi ra khỏi đất liền, chạy trốn ra hồ Titicaca sinh sống.
Không có đất đai, họ phải lấy rễ một loại cỏ nhẹ như bấc, buộc chắc vào với nhau và thả xuống làm nền nhà. Hằng năm, nền này sẽ bị lún xuống nên họ cắt một lớp cỏ rải trong nhà và ngoài sân để tôn nền.
Đảo Armantani là nơi ở của người Quechua, nơi có di tích đền cha và đền mẹ (pachamama và pachatata) chỉ bằng xếp chồng các khối đá lên nhau, còn đảo Taquile là nơi định cư của những người Quechua bản địa và người tù dưới chế độ thống trị của người Tây Ban Nha. Đây là nơi chế độ mẫu hệ vẫn đươc thực hành, đàn bà sẽ quản lý nhà cửa, chăm sóc gia đình, còn đàn ông thì thêu thùa để lo kinh tế.
Trên cả ba khu vực đảo là cảm giác sạch sẽ, không một cọng rác, mặc dù khách du lịch có mặt khắp nơi. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết các tiện nghi hiện đại thực ra chủ yếu được dùng để phục vụ khách du lịch. Chúng tôi có thể tìm thấy bữa sáng theo kiểu châu Âu với pan cake, salad, và bơ, cũng như có khoai tây, cơm, và cà chua cho bữa trưa. Còn người bản địa ăn chủ yếu là ngô và quinoa.
Tất cả những thứ mang tính hiện đại để phục vụ khách dụ lịch đều được mang từ bên ngoài đến và đương nhiên rác thải sẽ được thu gom và mang ra khỏi đảo vào một ngày nhất định trong tuần. Trên khắp các hòn đảo, không tìm thấy một mảnh nilon hay một vỏ chai bị vứt ra ngoài. Ý thức bảo vệ môi trường là nghiêm ngặt.
Hồ Tây - chiếc áo quý bị chuột cắn
Sẽ là không công bằng nếu đòi hỏi tách hồ ra khỏi người dân. Chắc chắn sẽ có những phản đối gay gắt, nếu kêu gọi dừng tất cả mọi hoạt động dịch vụ xung quanh và trên hồ. Sẽ có những câu hỏi về mâu thuẫn lợi ích, về quyền của số đông đươc nêu ra nếu các biện pháp gay gắt được áp dụng để bảo vệ hồ.
Nhưng hãy nghĩ về bộ quần áo đẹp nhất mà chúng ta sở hữu. Chúng ta sẽ làm thế nào để bảo vệ nó. Vài người sẽ dành cho nó một vị trí tốt nhất trong ngăn tủ. Vài người sẽ đặt băng phiến. Vài người khác thậm chí còn bọc nilon hoặc túi vải không dệt. Thế nên, cá chết ở Hồ Tây là câu chuyện mà chúng ta phải trả giá cho sự bất cẩn và thiếu tỉ mỉ của chúng ta trong việc giữ gìn tấm áo quý của chính mình.
* Tác giả Nhung Nguyễn đang là sinh viên cao học ngành Khoa học Chính trị tại đại học Ateneo (tại Philippines) và ngành Quản lý có Trách nhiệm và Phát triển Bền vững, Đại học Hòa bình, Liên Hợp Quốc (tại Costa Rica).
7.
Bí ẩn Hồ Tây: Ốc không nắp, cá chép không vẩy
06/10/2016 08:39 GMT+7
Một thời người dân cả nước bàng hoàng với thông tin ốc Hồ Tây không nắp, cá chép không vẩy.
Trong những ngày này, cả nước đang hướng về Hồ Tây, theo dõi tình trạng cá chết kinh khủng chưa từng có trong lịch sử. PV đã gặp gỡ những người từng có nhiều năm gắn bó với Hồ Tây, để tìm hiểu những câu chuyện thú vị về hồ nước đặc biệt của thủ đô.
Cả Thủ đô ăn ốc Hồ Tây
Hồ Tây không chỉ được coi là nơi có phong cảnh quyến rũ nhất đối với người Hà Nội, mà còn là nơi có sản vật phong phú.
Trên trời có sâm cầm, vịt trời, chim ngói. Trên bờ có cà cuống, ven hồ có loài sen thơm ngát dùng để ướp trà, dưới hồ có cá chép vẩy đỏ, vẩy trắng, rồi cá trắm đen khổng lồ, da đen như mực tàu, mượt như nhung the. Tôm hồng đi cùng với đặc sản bánh tôm Hồ Tây nổi tiếng mà những người sành ăn cả nước đều biết đến.
Dưới đáy hồ là ốc. Giống ốc đá xanh ở Hồ Tây béo lồi cả thịt ra khỏi miệng và sản lượng thì đáp ứng đủ cho người Hà Nội ăn quanh năm suốt tháng.
Thế nhưng, những thứ đặc sản Hồ Tây một thời đó, giờ đây, gần như đã biến mất cả.
Đau xót và kỳ lạ nhất là ốc, loài mà trong tâm trí người Hà Nội vẫn nhiều vô biên dưới lòng Hồ Tây, thì đột nhiên, nó biến mất gần như hoàn toàn.
Chục năm về trước, chừng 5 giờ chiều, chợ ốc Hồ Tây lại họp tấp nập ở đoạn ven đường Lạc Long Quân, chỗ phường Xuân La.
Chợ ốc Hồ Tây một thời
|
Thời điểm đó, sau một ngày nạo vét giữa hồ, những con thuyền cập bến ngồn ngộn là ốc.
Hàng trăm lái buôn từ khắp các quận nội thành ngồi đợi để lấy ốc, rồi lại tất tả ngược xuôi bỏ mối cho các hàng quán kinh doanh các món ốc xào, ốc luộc, ốc hấp…
Những người sành ăn ốc, muốn được thưởng thức món ốc Hồ Tây thực sự 100% thì đến tận bến ốc để mua. Người ta sẵn sàng đi hàng chục cây số đến chợ ốc này chỉ để mua vài kg ốc về ăn.
Ốc Hồ Tây con nào con nấy cứ béo nẫm nầm, thịt phì ra miệng, đem xào, luộc, hấp… kiểu gì cũng ngon, ngọt, bùi, ngậy, ngấm tận chân răng, đáy họng.
Ông Nguyễn Viết Bân (Kỹ sư thủy sản, nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân, thuộc Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây) nhớ lại: “Gần 40 năm trời tôi lặn ngụp ở Hồ Tây nghiên cứu từng luồng lạch, từng giống loài có mặt ở Hồ Tây, nhưng tôi vẫn không tài nào hiểu nổi vì sao ốc ở Hồ Tây lại phát triển nhanh một cách kỳ lạ như vậy”.
Những năm 80 của thế kỷ trước, Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây lập tổ bán vé cho nhân dân xuống hồ mò ốc với giá 5.000 đồng/vé.
Người dân mua vé rồi, cứ xuống hồ cào ốc thoải mái, khi nào đầy thúng, đầy thuyền thì lên.
Ngày đó, 5.000 đồng là to lắm, nhưng mỗi người mò ốc một ngày có thể bán kiếm lời mấy chục ngàn đồng, nuôi sống cả gia đình. Nhân dân các làng ven Hồ Tây như Võng Thị, Trích Sài, Hồ Khẩu, Đông Xá, Xuân La… sống sung túc nhờ nghề mò ốc Hồ Tây.
Thấy nguồn lợi từ ốc rất lớn, nên đầu những năm 90, Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây không bán vé nữa, mà thành lập tổ khai thác ốc, trực thuộc công ty.
Tổ khai thác ốc gồm mấy chục nhân công với mấy chục chiếc thuyền tôn khai thác ốc quanh năm suốt tháng.
Mỗi chiếc thuyền với 2 nhân công ra khơi, chừng vài tiếng sau đã cập bến với một thuyền tôn ngập ốc.
Mỗi ngày, tổ khai thác ốc đều cào được 5-6 tấn ốc. Tính ra, mỗi năm tổ khai thác ốc vớt lên từ lòng Hồ Tây khoảng chừng 1.500 đến 2.000 tấn ốc. Với lượng ốc nhiều như thế, riêng Hồ Tây đã cung cấp gần đủ nhu cầu cho người dân Hà Nội ăn quanh năm suốt tháng.
Từ sớm tinh mơ, người Hà Nội đã xì xoạp bên bát bún ốc, cho đến nửa đêm vẫn thấy đám nam thanh nữ tú chụm đầu vào nhau khêu ốc nhoay nhoáy.
Khai thác ốc không xuể, lại thiếu nhân lực, không quản lý nổi tệ nạn trộm ốc, nên đến cuối thập kỷ 90, Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây đã bán đứt quyền khai thác ốc cho một chủ thầu.
Ông chủ thầu này tổ chức đội quân khai thác ốc suốt ngày suốt đêm. Khai thác không xuể, ông ta còn tổ chức bán vé cho cá nhân xuống hồ khai thác.
Một lực lượng đông đảo thợ khai thác ốc chuyên nghiệp từ các tỉnh khác tìm về thuê nhà ở khu vực Xuân La, Bưởi, rồi ngày ngày dong thuyền ra Hồ Tây cào ốc.
Để có thể xuống hồ, mỗi người phải nộp cho ông chủ thầu 3 triệu đồng/tháng.
Tưởng 3 triệu đồng là to, nhưng những người làm nghề cào ốc vẫn đạt lợi nhuận rất cao, vì ốc Hồ Tây quanh năm nhiều như sỏi cuội dưới lòng thượng nguồn các dòng sông.
Người làm nghề ốc Hồ Tây giàu lên nhanh chóng. Nhiều người từ tỉnh lẻ về Hà Nội làm nghề cào ốc ở Hồ Tây mà sống sung túc, thậm chí tậu đất, xây nhà rồi trở thành người Hà Nội.
Bí mật về ốc quái thai và cá chép ma quái
Khoảng thời gian đầu năm 2002, dư luận bắt đầu ồn ào về loài ốc quái thai (không vẩy) ở Hồ Tây.
Ông Phan Ngọc Kim, Giám đốc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Hồ Tây) kể lại: “Hồi đó thông tin về loài ốc không vẩy ghê gớm lắm. Nhiều người chuyên cào ốc còn bỏ nghề vì sợ ốc bị… ma ám”.
Những người bán ốc cũng ghê sợ khi nhìn thấy những con ốc không vẩy thò cái miệng ù ụ thịt ra bò.
Những người mê ăn ốc Hồ Tây khi nhìn thấy những con ốc nầy nẫy thịt nhưng không có nắp cũng hoảng hồn không dám ăn nữa. Người thì cho là giống ốc lạ, người cho là ốc quái thai do môi trường nước Hồ Tây có chất độc gì đó. Có người cho rằng do một cơ quan nào đó đã tiến hành lai tạo biến ra một loài ốc mới.
Thậm chí, người ta còn đồn thổi Hồ Tây nhiễm chất phóng xạ nên hình thành một loài ốc mới không cần vẩy vẫn sống và phát triển bình thường.
Ông Phan Ngọc Kim cho rằng, loài ốc không vẩy này không phải do đưa từ nơi khác đến, vì chưa thấy nơi nào ngoài Hồ Tây có giống ốc không vẩy.
Theo ông Kim, có thể có sự biến thái do môi trường nước Hồ Tây thay đổi.
Trong số các nhà khoa học nghiên cứu về ốc Hồ Tây, không phải ai cũng khẳng định loài ốc mất vẩy là do ô nhiễm môi trường.
Kỹ sư Nguyễn Viết Bân, nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân kể rằng, sau khi có dư luận về loài ốc không vẩy, ông đã tiến hành điều tra, tìm hiểu nguyên nhân.
Trước một số nhà khoa học, ông đã cho nhân viên xuống Hồ Tây cào ốc ngẫu nhiên.
Sau khi sang lọc kỹ càng 5kg ốc, thì thu được 3 lạng ốc nghi không có vẩy. Sau nhiều cuộc nghiên cứu, tính toán, ông Bân khẳng định số lượng ốc không vẩy ở Hồ Tây chiếm 5-7%, tùy thuộc vào địa điểm đánh bắt.
Ông Nguyễn Viết Bân
|
Mọi người quan sát kỹ lưỡng những con ốc được lọc ra thì đều công nhận ốc không có vẩy.
Tuy nhiên, ông đưa miệng con ốc lên kính lúp soi thì mọi người mới phát hiện giống ốc này vẫn có vẩy. Chỉ có điều, vẩy của nó mỏng, trong suốt, như một lớp màng bám lấy miệng ốc. Nếu không tinh mắt thì không thể nhìn thấy lớp vẩy đó.
Ông Bân lý giải rằng, giống ốc Hồ Tây vẫn có vẩy, nhưng là vảy không màu, lại mềm do thiếu chất canxi. Điều này cũng tương tự như gà đẻ trứng bị thiếu canxi.
Ông Bân lý giải hiện tượng này như sau: Năm 1962, Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây đã đưa 4 tấn ốc đá xanh từ Hà Nam về rải khắp Hồ Tây để làm thức ăn cho cá trắm đen và cá chép, vì loài ốc này phát triển rất nhanh.
Bản thân loài ốc này đã phát triển nhanh, gặp môi trường Hồ Tây nhiều dinh dưỡng, nhiều ánh sáng, ôxi lại phát triển càng “siêu tốc”.
Do phát triển nhanh, vòng đời lại ngắn, chỉ chừng 3 tháng, nên trong điều kiện nào đó, một lượng ốc nhất định không kiếm đủ canxi tạo vẩy đậy miệng.
Hiện tượng này chỉ diễn ra nhiều ở khu vực giữa hồ, đối với loại ốc đá xanh. Còn những loại ốc khác, sinh trưởng kém hơn, lại chỉ quanh quẩn ở ven bờ, ít dinh dưỡng nên không chịu cảnh thiếu canxi.
Còn chuyện cá chép Hồ Tây không có vẩy không phải là cá chép ma, chép mắc bệnh hủi như mọi người vẫn nghĩ.
Cá chép lạ ở Hồ Tây
|
Theo ông Bân, đây là loài chép mới, được lai tạo giữa chép Hungary và chép Việt Nam.
Năm 1972, Viện Nghiên cứu thủy sản I (ở xã Đình Bảng, Bắc Ninh) được các nhà khoa học Hungary tặng 4 cặp cá chép Hungary. Loài chép này mình ngắn, nhẵn nhụi, không có vẩy, lớn nhanh, ăn tạp, sống khỏe.
Đem cá chép Hungary lai với chép Việt Nam thịt thơm ngon, nhằm tạo ra giống chép mới cho năng suất và chất lượng cao.
Đến năm 1986, giống chép mới này lại được lai với cá chép Indonesia tạo ra giống chép mới nữa.
Đến năm 1990, giống chép lai tạo này được thả đại trà ở Hồ Tây và phát triển rất nhanh.
Những con chép không vẩy, mà người bán hàng thường gọi là chép lột, chính là gen lặn không vẩy từ đời tổ tiên của chúng lại thể hiện ra trong các thế hệ bây giờ.
Điều đặc biệt là giống “chép lột” này thịt cực kỳ thơm ngon, chứ thịt không nhạt như tổ tiên của chúng, do đó, được giới sành ăn rất ưa chuộng, dù chúng được bán với giá từ 70-100 ngàn/kg.
Theo lời chị Đặng Thị Lý, phụ trách bán cá ở Hồ Tây, mỗi ngày, công ty đánh bắt được vài chục con chép không vẩy, song chưa lên đến bờ đã bị các lái buôn tranh cướp mất.
Theo ông Nguyễn Viết Bân, ngoài chép không vẩy, Hồ Tây còn một loại cá chép trông khá kỳ dị với lớp da loang lổ, nhiều màu sắc, trông như cá ma. Người dân không dám ăn loại cá này.
Kỳ thực, đây là loại đột biến sắc tố trong cấu trúc di truyền của giống cá chép Hungary lai với chép Việt. Vì chép Việt màu hồng, chép Hungary màu đen, nên khi bị đột biến sắc tố, sẽ cho ra một loài có màu sắc loang lổ như vậy. Tuy nhiên, chất lượng thịt của loài cá này không có vấn đề gì cả.
(VTC News)
6.
Thành Công - Nhật Ánh |
theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/infographics-duoi-long-ho-tay-co-nhung-gi-20161005221312352.htm
5.
Công viên nước Hồ Tây phủ nhận xả thải trực tiếp ra hồ
Hoàng Đan |
Đại diện Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) đã có những trả lời bác bỏ nghi vấn về việc xả trực tiếp nước thải xuống hồ lớn nhất trong nội thành Thủ đô.
Liên quan đến sự việc cá chết với số lượng lớn ở Hồ Tây trong vài ngày qua, trên một số trang mạng xã hội đang đặt ra nhiều nghi vấn, giả thiết, trong đó có thông tin cho rằng, nguyên nhân một phần do hệ thống xả thải của Công viên nước Hồ Tây đã đổ trực tiếp xuống đây (?).
Để làm rõ ràng, khách quan, thông tin chính thức vấn đề này, trong ngày 5/10, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công viên nước Hồ Tây và được bà Nghiêm Thị Hồng Hạnh, Phó Tổng Giám đốc và một số lãnh đạo khác đề nghị trao đổi với đại diện phụ trách báo chí, truyền thông của đơn vị.
Trao đổi với chúng tôi về các nghi vấn được nêu ở trên, vị đại diện phụ trách báo chí của Công viên nước Hồ Tây cho biết, việc đưa ra thông tin thì phải có bằng chứng rõ ràng còn hiện nay, hệ thống xả thải của Công viên được cấp phép và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật Nhà nước.
"Việc xả thải của chúng tôi đều qua hệ thống xử lý và thực hiện theo đúng quy định của pháp luât.
Hiện nay, chúng tôi xử lý thông qua trạm xử lý nước thải của Phú Điền (Trạm xử lý nước thải Hồ Tây của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền, tại P. Nhật Tân, Tây Hồ - PV) chứ không xả thải trực tiếp xuống Hồ Tây", vị đại diện này nhấn mạnh.
Vị đại diện này cũng nêu rõ, hiện nay, các cơ quan chức năng của Nhà nước, TP Hà Nội đã và đang vào cuộc tích cực để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân của sự việc cá chết ở Hồ Tây nên khi nào kết luận chính thức thì Công viên sẽ có thông báo, trả lời báo chí.
Trước đề nghị của phóng viên về việc có thể mời các cơ quan báo chí vào thăm trực tiếp hệ thống đường ống xả thải của Công viên hay không? vị đại diện này đã từ chối.
"Ở đây, nếu cần thì các cơ quan chức năng sẽ vào làm việc với Công viên để rõ ràng và khi có thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí", vị này nói thêm.
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây xuất hiện từ ngày 1/10 và diễn ra trên diện rộng từ ngày 2/10. Hà Nội đã huy động 1.000 người thu gom cá chết, đưa tới khu xử lý rác thải Nam Sơn tiêu hủy.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 5/10, lượng cá chết ở Hồ Tây đã giảm hẳn. Tuy vậy mùi hôi tanh do xác cá phân hủy những ngày qua vẫn khiến các hàng quán kinh doanh ven hồ đóng cửa, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Thời điểm cá chết trên diện rộng tại Hồ Tây, chỉ số oxy tầng nước mặt = 0, lượng Ammoniac tăng gấp 24 lần so với quy định.
Hiện thành phố vẫn đang áp dụng biện pháp tăng oxy cho hồ bằng hàng chục máy bơm sục khí, tạo oxy và các chế phẩm cải tạo môi trường nước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây. Đến nay khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cùng phối hợp điều tra nguyên nhân cá chết.
4.
Nghi vấn đôi nam nữ đưa cá chết Hồ Tây vào thùng xốp để tiêu thụ
Hoàng Đan |
Đôi nam nữ dùng tay bốc, chuyển số cá chết mới được vớt dưới Hồ Tây để trong xe chở rác vào thùng xốp. Khi bị truy vấn thì 2 người bỏ chạy.
Phản ánh đến chúng tôi, độc giả Đặng Như Quỳnh (Hà Nội) cho biết, khoảng 10h hôm nay (4/10), anh đi lên khu vực đường Nguyễn Đình Thi, cạnh Hồ Tây thì bất ngờ phát hiện sự việc lạ.
Lúc này có một thanh niên đeo găng tay, khẩu trang kín mít đang đẩy xe rác chở cá chết mới được thu gom dưới Hồ Tây vào khu vực công viên, trong khi một phụ nữ cũng đeo khẩu trang chờ sẵn.
Tại đây, có một số các thùng xốp đã đặt sẵn. Ngay sau khi thanh niên đẩy xe vào, 2 người nhanh chóng dùng tay có đeo bao tay bốc, chuyển số cá vào các thùng xốp rồi dùng băng dính dán chặt bên ngoài.
Đã có 2 thùng đã được chất đầy cá và dán băng dính kín, một thùng đang được chuyển cá vào, ngoài ra còn một số vỏ thùng xốp khác đặt bên cạnh.
"Thấy có hiện tượng lạ, tôi chụp lại một số ảnh rồi chạy đến hỏi tại sao làm như thế, là có ý gì thì hai người vội vàng bỏ chạy. Vì đang để xe máy bên vỉa hè nên tôi không đuổi theo được.
Tôi cũng đã báo ngay cho một số lực lượng có mặt ở gần đó để có biện pháp ngăn chặn việc này có thể tái diễn", anh Quỳnh nói.
Cũng theo anh Quỳnh, nếu lấy cá chết về để ủ làm phân bón cho cây trồng thì đâu cần phải cho vào thùng xốp và dán băng dính kín như vậy.
"Không thể có chuyện đưa cá vào thùng xốp để vứt đi cho sạch hay làm phân bón được vì hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý, tiêu hủy. Tôi nghi ngờ họ có ý đồ khác, có thể đưa đi đâu đó để tiêu thụ (?).
Cá chết ở Hồ Tây đang chưa rõ nguyên nhân, nếu có hành động như vậy, tôi cho là rất vô nhân tính. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ và phạt nặng những hành vi này", anh Quỳnh mong muốn.
Ngay sau khi nhận được thông tin chúng tôi cung cấp, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, sẽ cho lực lượng kiểm tra sự việc, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Đồng thời, ông Tuấn cũng đề nghị người dân khi phát hiện những việc tương tự vần báo ngay cho lực lượng chức năng để xử lý kịp thời.
Trước đó, trong UBND TP.Hà Nội cũng đã khuyến cáo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại Hồ Tây làm thực phẩm khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về việc có hay không các chất độc hại.
3.
Hoàng Đan |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có báo cáo với Chính phủ về tình hình vụ việc cá chết nổi trắng Hồ Tây trong những ngày qua.
Sáng nay (4/10), tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã báo cáo về vụ việc cá chết nổi trắng Hồ Tây trong những ngày qua.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện tượng cá chết rải rác tại Hồ Tây bắt đầu từ chiều thứ bảy (1/10) vừa qua và diễn ra trên diện rộng trong ngày chủ nhật (2/10).
Thành phố Hà Nội đã huy động 1.000 chiến sĩ từ Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng khác để vớt cá chết.
Chủ tịch Hà Nội cũng nêu rõ, đến chiều 3/10, đã cơ bản vớt xong số cá chết này và tính sơ bộ có 200 tấn cá chết được vớt để chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn theo đúng quy định.
Về công tác điều tra nguyên nhân, theo ông Chung, Công an thành phố đã điều tra nguyên nhân, kết quả sơ bộ bước đầu theo các kết quả xét nghiệm thì tất cả diện rộng trên mặt nước Hồ Tây có mức oxy bằng 0. Tỷ lệ amoni tăng 20 mg/l, cao gấp 24 lần so với quy định.
Trước mắt, hiện thành phố đang thực hiện giải pháp tăng cường oxy, làm sạch nước. Đến chiều 3/10, thì mức oxy hòa tan lên 2,8 mg/l.
Cùng với đó, thành phố đã chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời tuyên truyền người dân không sử dụng cá chết.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cam kết với Chính phủ sẽ tiếp tục điều tra nguyên nhân của hiện tượng cá chết bất thường ở Hồ Tây để công khai sớm nhất.
Sau báo cáo của ông Chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra.
Cùng với đó, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm và khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.
theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/anh-nguoi-ha-noi-khon-kho-sau-khi-ca-chet-noi-trang-ho-tay-20161003111111955rf20161004113308494.htmChủ tịch Hà Nội: Khoảng 200 tấn cá chết ở Hồ Tây
04/10/2016 15:08 GMT+7
- Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 3 ngày qua, khoảng 200 tấn cá ở Hồ Tây bị chết.
Hiện tượng cá chết rải rác tại Hồ Tây bắt đầu từ chiều thứ 7 (1/10) và diễn ra trên diện rộng trong ngày chủ nhật (2/10).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra tình hình xử lý cá chết ở Hồ Tây. Ảnh: P.K
|
TP đã huy động 1.000 chiến sĩ từ Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng khác để vớt cá chết. Đến chiều 3/10, đã có khoảng 200 tấn cá chết được vớt để chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn theo đúng quy định.
Theo điều tra ban đầu của Công an TP, ở thời điểm cá chết trên diện rộng, ôxy ở tầng nước mặt của Hồ Tây bằng 0, còn lượng amoni tăng gấp 24 lần so với quy định. Hiện TP đang thực hiện giải pháp tăng cường oxy, làm sạch nước.
Đến chiều 3/10, mức oxy hòa tan lên 2,8 mg/l. Song song với đó, TP đã chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường.
Khi chưa xác định được nguyên nhân, Hà Nội tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại Hồ Tây làm thực phẩm khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về việc có hay không các chất độc hại trong cá, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cam kết với Chính phủ sẽ tiếp tục điều tra nguyên nhân của hiện tượng cá chết bất thường ở Hồ Tây để công khai sớm nhất.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.
H.Nhì
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/332123/chu-tich-ha-noi-khoang-200-tan-ca-chet-o-ho-tay.html
Đạt Nguyễn |
Sau 2 ngày cá chết trắng ở Hồ Tây, dù lực lượng chức năng đã khẩn trương thu gom cá chết tuy nhiên, mùi hôi thối vẫn bủa vây quanh khu vực này.
theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/anh-nguoi-ha-noi-khon-kho-sau-khi-ca-chet-noi-trang-ho-tay-20161003111111955rf20161004113308494.htm
1.
8. Du học sinh Việt Nam với cách nhìn lãng đãng mây ngàn, thiếu thực tế
Trả lờiXóaTừ Hồ Tây thèm khát nhìn hồ ở bên... Tây
Nhung Nguyễn | 12/10/2016 08:14