Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/09/2016

Đường sắt trên cao : lại bù giờ, và bù tiền vay

Đã rất nhiều lần bù giờ (nên xem lại các entry cũ trên blog này, ví dụ ở đây hay ở đây, từ 2014 xuống 2015, rồi lại xuống 2016).

Đúng như tiêu đề của một bài báo cũ, là luôn hô quyết tâm, hô xong thì lại để nguyên đấy.

Bây giờ, lại bù thêm tiền vay (tháng 7/2015 vừa vay thêm 250 triệu đô, bây giờ lại vay thêm đúng 250 triệu nữa). Và về thời gian, vẻ như là lùi xuống tận cuối năm 2017 ?

Không biết đã là lần bù cuối cùng chưa ?

Dưới là tin từ các nơi.



---



Thứ Ba, 13/09/2016 - 10:21




Dân trí Đây là một trong 9 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết vào chiều qua (12/9). Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo.


 >> Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại “giật lùi” tiến độ
 >> Vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng làm cao tốc: “Đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một bài học”
 >> Chống tiêu cực, đội vốn tại đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Chiều qua (12/9), tại phiên hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Việt Nam đang tập trung thực hiện mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một trong những nội dung được Thủ tướng liên tục đề cập trong các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một trong những nội dung được Thủ tướng liên tục đề cập trong các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc

Thủ tướng cũng trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc về những vấn đề tồn tại, bất cập trong một số lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh hai bên cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp tích cực trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại phát triển cân bằng, bền vững.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị Trung Quốc hợp tác, cùng triển khai các biện pháp thiết thực để từng bước cân bằng thương mại, tiếp tục tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có ưu thế, nhất là nông, lâm, thủy hải sản, trong đó có mặt hàng gạo, sớm cấp phép cho sản phẩm thịt, sữa và nước hoa quả chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Về hợp tác đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong chiến lược phát triển bền vững đang triển khai, Việt Nam coi trọng các yêu cầu về công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo.
Đề nghị Trung Quốc sớm triển khai khoản vay bổ sung trị giá 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến; sớm hoàn thiện quy hoạch tuyến đường sắt khổ rộng tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; nghiên cứu việc ký kết Thỏa thuận về quản lý tài chính các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dùng tín dụng ưu đãi giữa hai nước nhằm đảm bảo hiệu quả, tiến độ giải ngân cho các dự án.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” với những nội dung phù hợp trong sáng kiến “một vành đai, một con đường” trên cơ sở đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu của cả hai bên.
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc điều tiết lưu lượng xả nước trên thượng nguồn sông Mê Kông vào mùa khô; sớm trao đổi việc tiếp tục sử dụng đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của các hoạt động nghề cá trên biển, phối hợp xử lý thỏa đáng vấn đề này. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện hiệu quả những thỏa thuận tại Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp khoa học và công nghệ Việt Nam - Trung Quốc.
Khẩn trương bàn bạc ký kết Hiệp định vận tải đường sắt mới, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác hàng không; tạo sự bình đẳng cho các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách của hai bên đi vào lãnh thổ của nhau; thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2016 - 2018, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm trật tự, an toàn du lịch.
Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết 9 văn kiện hợp tác, trong đó có: “Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”; “Hiệp định gia hạn bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021”; “Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”; “Danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất”; “Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi”; “Bản ghi nhớ xây dựng Quy hoạch hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020”; “Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa hai Bộ Giáo dục giai đoạn 2016 - 2021”; “Bản ghi nhớ về việc trao tặng thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (trị giá 20 triệu Nhân dân tệ)”.
Khởi công từ tháng 10/2011, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bao gồm các hạng mục: 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 80 km/h; 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.
Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng do có một số sự cố trong thi công cùng việc đội vốn, chậm giải ngân, dự án đã liên tục lùi tiến độ.
Mới đây, theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Tổng thầu EPC Trung Quốc sẽ phải hoàn tất xây lắp vào cuối năm 2016, lắp đặt thiết bị chạy thử vào nửa đầu năm 2017 và đưa vào khai thác giữa năm 2017.
Bích Diệp

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-vay-them-250-trieu-usd-cho-tuyen-duong-sat-do-thi-cat-linh-ha-dong-20160913101927516.htm









Vay thêm 250 triệu USD cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Thảo Mai | 
Vay thêm 250 triệu USD cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ngày 12/9, Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có việc vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Chiều 12/9, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến lễ ký kết 9 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Tại cuộc hội đàm trước đó với Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề nghị Trung Quốc sớm triển khai khoản vay bổ sung trị giá 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.
Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao hơn 13km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1,435m và 12 nhà ga trên cao; khu Depot (trạm bảo hành kỹ thuật) rộng 19,6ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ.
Vay thêm 250 triệu USD cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.
Một đoạn công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Ngày 10/10/2011, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công xây dựng toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Dự án này có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD bao gồm vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Sau một thời gian thi công, đến đầu năm 2014 dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 522,86 triệu USD lên 868,04 triệu (tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu).
Được biết số tiền 250,62 triệu USD được Thủ tướng đồng ý vay bổ sung từ phía Trung Quốc nói trên nhằm để bố trí cho phần lớn tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án, phần còn lại sẽ bố trí từ vốn đối ứng của Việt Nam.
http://soha.vn/vay-them-250-trieu-usd-cho-duong-sat-cat-linh-ha-dong-20160913135925465.htm











19:29:00 13/09/2016

(DNVN) - Thỏa thuận hợp tác vay thêm 250 triệu USD để làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được ký kết tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 12/9.

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại Lễ đường Nhân dân.
Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết 9 văn kiện hợp tác, trong đó có: Hiệp định gia hạn bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021; Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Danh mục dự  án hợp tác năng lực sản xuất; Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi; Bản ghi nhớ xây dựng Quy hoạch hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020; Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa hai Bộ Giáo dục giai đoạn 2016 - 2021; Bản ghi nhớ về việc trao tặng thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (trị giá 20 triệu Nhân dân tệ).

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Đáng chú ý là Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao thuộc tuyến số 2 trong 8 tuyến được quy hoạch của Hà Nội với chiều dài 13 km. Tuyến đường sẽ đi từ nút giao Cát Linh-Giảng Võ, đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.
Dự án có 12 nhà ga gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, Bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Bến xe Yên Nghĩa.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông vận tải, do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, năm 2014, dự án chỉ đạt được 40% khối lượng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng tổng thể của dự án đã đạt 70%.


Đến tháng 6/2016, nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành các nhà ga (trừ ga Cát Linh), tháng 9/2016 hoàn thành các phần xây lắp, đồng thời lắp đặt các thiết bị và đầu tháng 10/2016 khai thác thử. Cuối năm 2016, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chính thức đưa vào khai thác thương mại.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, tại Đại Lễ đường, Thủ tướng có các cuộc tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin và viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tiếp ông Mã Giang Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Thủ tướng nói ngay đến việc thi công đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một dự án do Công ty làm tổng thầu EPC.
Cho rằng việc chậm tiến độ dự án có nhiều nguyên nhân, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan. “Dù nguyên nhân gì thì với vai trò tổng thầu mà gây chậm trễ thì cần nhìn nhận trách nhiệm, nhất là trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân họ là rất thành công”, Thủ tướng nói. “Công trường vắng vẻ, tổ chức thi công như thế thì gay go lắm”.
Thủ tướng yêu cầu Công ty Cục 6 phải khắc phục các bất cập, tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đồng thời bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động khi thi công. Thủ tướng lưu ý chọn các nhà thầu phải bảo đảm năng lực, nếu không thì thay thế nhà thầu.
Thủ tướng cũng đề nghị Công ty Cục 6 chủ động làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực hiện dự án, nhất là khi hai bên đã ký Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng hai nước ngày hôm qua, 12/9.
Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, ông Mã Giang Kiểm cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. “Chúng tôi đã chốt lại tiến độ dự án. Cuối tháng 12/2016, sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản”, lãnh đạo Công ty Cục 6 báo cáo. Tháng 1/2017, sẽ hoàn thành khu Depot; tháng 7/2017 tiến hành chạy thử, sau đó, đến tháng 9/2017 bắt đầu khai thác thử.
http://doanhnghiepvn.vn/viet-nam-vay-trung-quoc-them-250-trieu-usd-xay-duong-sat-cat-linh-ha-dong-d79623.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.