Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/08/2016

Vì sao chí sĩ Trần Đông Phong quyên sinh năm 1908 ở Nhật ?

Về cụ Trần Đông Phong (chí sĩ Đông Du, đã tự vẫn tại Nhật năm 1908), có nhiều điểm chưa tiện viết. 

Ví dụ, gần đây một cựu liên lạc viên (hay cựu thư kí) của cụ Cường Để là ông Trần Đức Thanh Phong đã tiết lộ: trong mộ phần tại Nhật Bản hiện nay của Trần Đông Phong còn có cả một phần hài cốt của Cường Để. Thông tin này, tôi đã nghe trực tiếp ông Trần Đức Thanh Phong nói, tại Tokyo; sau đó, nội dung ấy đã đăng tải chính thức ở Nhật Bản. Khi nào tiện, sẽ nói rõ thêm.

Nhiều tư liệu của phía gia đình cụ Trần Đông Phong ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng chưa từng được giới nghiên cứu tiếp cận và phân tích.

Dưới là một bài viết vào năm 2008 của Nguyễn Thúc Chuyên (một tác giả tôi đọc lần đầu tiên). 

Bài đã đăng trên VHNA bản in giấy năm 2009 (số 16131   161  25/11/09  Vì Sao Trần Đông Phong tự vẫn Nguyễn Thúc Chuyên). Bản trên mạng được đưa từ 2016.

Mộ Trần Đông Phong ở Tokyo ngày nay (từ 1908) - ảnh gốc của bạn Phạm Hồng Long


Từ đây trở xuống là lấy nguyên về từ VHNA.



Tháng 8 năm 2016,

Giao Blog






---

Vì sao Trần Đông Phong tự vẫn


  •   NGUYỄN THÚC CHUYÊN
  • Thứ tư, 24 Tháng 8 2016 16:24
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Trần Đông Phong, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, là một học sinh trong phong trào Đông Du, con ông Trần Đình Xán (thường gọi Cửu Xán) đã chết “bất đắc kỳ tử” trên đất Nhật Bản vào năm 1908. Trần Đông Phong đã để lại bức thư tuyệt mệnh bằng chữ Quốc ngữ, nói về lý do đại ý như sau: “Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây học phí ở trong trường, chỉ là nhờ Nam Kỳ cấp cho anh em; tôi đã nhiều lần viết thư về gia đình, khuyên cha tôi bắt chước làm như ông Trương Tử Phòng(1) phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi ngữ, tôi là con nhà giàu, xấu thẹn với anh em quá, nên tôi phải tự tận cho cha tôi biết chí tôi và cũng để tạ tội với anh em” (PBC niển biểu  trang 196). Sau cái chết của Trần Đông Phong, năm 1918, cụ Phan đã kể về gia sản ông Cửu Xán như sau: “Ông được hàm cửu phẩm, nhà giàu nhất trong huyện có tài làm giàu khắp tỉnh đều biết tiếng, ông làm nghề cho vay nợ lãi…” (Việt Nam nghĩa liệt sử trang 148). Ngày nay chúng ta đọc đoạn trên, ai cũng giận và oán trách ông Cửu Xán giàu có như thế mà đã đối xử tệ hại với người con từ xứ người biên thư xin tiền…
Theo cụ Phan Bội Châu, ông Trần Đông Phong là người không chịu gò bó, gặp người đảng ta nói đến việc phục quốc thì vui vẻ nhận lời, biết biết Phan Sào Nam có kế hoạch xuất dương, ông liền đưa của riêng cho cụ làm hộ phí, ngày cụ Phan ra đi ông thiết tiệc, nhân thể cụ Phan dặn dò ông: về sau các đồng chí làm việc cần tiền thì nhờ ông giúp, ông không hề từ chối, của riêng hết, thì ông lấy trộm của cha để giúp. Năm Đinh Vị (1907) Trần Đông Phong bị Pháp bắt hạ ngục, do hoạt động cách mạng. Các người trong Hội Duy Tân đem tiền lo lót để đưa ông ra tại ngoại. Thoát khỏi ngục, đầu năm 1908 ông bí mật xuất dương sang Nhật cầu học. Và rồi, chỉ mấy tháng sau, cái chết oan nghiệt xẩy ra, lúc này Trần Đông Phong mới 21 tuổi; để lại người vợ trẻ ở quê nhà mong ngóng đợi chờ, ở vậy, suốt hơn 30 năm… Đến năm 1939, bà vợ ông Trần Đông Phong, qua đời. Trên đất kinh đô Huế, cụ Phan được tin, đã làm một bài văn tế bùi ngùi, thương cảm nhắc lại chuyện “ông Trần Đông Phong xưa”, gửi ra Thanh Chương, nói với vong linh người vừa khuất bóng:
… “Nhắc người xưa thêm bối rối tấm lòng son,
Trăng thu dần lặn, núi Ngọc(2) khôn mòn,
Nhớ bạn cũ ta, Trần Đông Phong xưa,
Tuổi lớp thanh niên, con nhà phú hộ,
Trỗi phong lưu trong tổng Đại Đồng(3)
Nức danh giá giữa dòng Đông phụ,
Sẵn nếp dư ăn, dư mặc, thú gia đình thêm nhiều vẻ thanh nhàn
Nặng lòng thương nước, thương nòi, vai hồ thỉ vội tìm đường bôn tẩu,
Khẳng khái mười lăm nén bạc, khi Châu tôi đương xếp gói Bắc hành(4)
Mơ màng ba vạn dặm trời, rồi ông cũng tìm đường qua Đông Độ(5)
Khổ thấy anh em túng thiếu, trông người thêm tủi,
Trường Đồng Văn chan chưa hạn châu,
Chí phá gia(6) chưa thoả tấm lòng,
Buồn vì bác mẹ xa khỏi đành thác cho xong,
Khối bích tuyết đầm đìa ngọn cỏ,
Bảy thước hy sinh vì nước tổ,
Năm Mậu Thân Thành Thái(7) hồn duy tân về cỗi nước người,
Ngàn thu hương hoả mãi quê người,
Chữ chí sĩ Việt Nam, đã Nhật Bản còn bia trước mộ”.
Sau cái chết thương tâm của Trần Đông Phong, bạn bè, đồng chí làm thơ điếu bằng chữ Hán theo thể Đường luật, trong một bài thơ Đường có hai câu mở đề: “Thử thân hà dĩ bổ quyên ai/ Cố niệm gia đình bách cảm thôi…”
(Tạm dịch) “Khó lấy thân ta trả nợ đời/Gia đình nghĩ lại ruột bời bời”. Từ hai câu trên, dẫn cho chúng ta thấy gia đình ông Cửu Xán khi hay tin đã đau xót như thế nào về cái chết của con ông. Ông không phải là sắt đá. Quả thực ông không hề nhận được thư của con ông một bức nào cả. Người xưa bảo: “Phụ tử tình thâm”, ông không phải là người vô tình. Phải có nguyên do của nó. Ai đã ém giấu các bức thư của con ông gửi về? Gần đây các nhà nghiên cứu lịch sử, đã đưa vấn đề “quỹ khuyến du học” thời Đông Du ra phân tích, mổ xẻ… để thấy hết các khó khăn thời bấy giờ, bằng sự bưng bít thông tin của thực dân Pháp. Chúng đã chặn mọi ngả đương, không cho các hội viên Duy Tân một khe hở nào để chuyển tiền sang Nhật, trừ trường hợp cử người mang trực tiếp đến Hương Cảng, nơi có bộ phận trung chuyển có người nhận giao tận tay cho cụ Phan Bội Châu. Người liên lạc chính được phân công mang tiền sang Nhật là cụ Tăng Bạt Hổ. Nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô đã có bản tham luận về vấn đề tài chính của phong trào Đông Du đọc trong dịp kỷ niệm 100 năm Đông Du (1905-2005) ở Huế, có đoạn phân tích như sau:… “Cần lưu ý rằng, những năm đầu, sở dĩ thực dân Pháp chưa phát hiện ra phong trào Đông Du là vì các yếu nhân của phong trào ở trong nước đã tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ việc ủng hộ tiền và chuyển tiền ra nước ngoài. Để tránh sự theo dõi của Pháp, cụ Phan đã chỉ định những người đáng tin cậy nhận tiền các nơi, rồi sau đó chuyển cho Tăng Bạt Hổ. Theo thoả thuận, ở Nghệ Tĩnh các khoản tiền đóng góp đều do Đặng Nguyên Cẩn hoặc Ngô Đức Kế nhận; ở Quảng Nam do Nguyễn Thành và Đỗ Đăng Tuyển; các tỉnh ở Bắc kỳ do Đặng Thái Thân và cụ cử Nội Duệ (Nguyễn Văn Đảng); ở Nam kỳ do Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương…” Nhưng rồi, trong một chuyến về nước làm nhiệm vụ liên lạc đưa tài liệu… và nhận tiền từ trong nước chuyển qua Nhật, Tăng Bạt Hổ đã đột ngột qua đời tại Huế. Đường dây liên lạc chuyển tiền bị đứt. Về sau, do một hành động bất cẩn của một phụ huynh ở Nam kỳ, khiến thực dân Pháp điều tra ra manh mối. Sự việc như sau: Đầu tháng 4 năm 1908, ông này đã đánh điện tín từ Sài Gòn sang Nhật nói rằng ở Nam kỳ đã quyên góp được 200.000$ nhưng chưa biết cách gửi làm sao cho tiện, xin nhờ chúa công (Cường Để) và tiên sinh (cụ Phan) truyền bảo cho. Nhận được tin, cụ Phan hoảng sợ, lo lắng, bèn cử hai học sinh Đông Du người Nam kỳ là Hoàng Quang Thành và Đặng Bỉnh Thành bí mật về nước nhận số tiền nêu trên. Chỉ chờ cơ hội sơ suất này, Pháp đã giăng lưới bắt được hai học sinh nói trên. Đây là những chứng cứ chắc chắn; Pháp liền tiến hành đàn áp, bao vây, phong toả về vấn đề tài chính; chúng ra lệnh kiểm soát chặt chẽ các đường gửi thư từ trong ra, ngoài vào… Một sự trùng hợp ngẫu nhiên cùng thời điểm này ông Trần Đông Phong gửi thư về cho gia đình. Thực dân Pháp biết chắc vấn đề tài chính là cái “yết hầu” sống còn của phong trào Đông Du. Chúng ra tay đàn áp, bắt giam hội viên Hội Duy Tân, tịch thu tài sản các hội buôn kinh doanh lấy lãi ủng hộ Đông Du, theo dõi đón bắt những người mà chúng nghi ngờ có ý định xuất dương, kiểm duyệt các loại thư từ liên lạc giữa du học sinh với cha mẹ họ ở trong nước … Vì vậy, thư của Trần Đông Phong gửi về không đến được tay ông Cửu Xán, nên ông hiểu lầm rằng gia đình đã bỏ rơi mình, và vì quá bức xúc, cạn nghĩ ông đã quyên sinh, gây ra cảnh thương tâm mà cụ Phan kể lại trong bài văn tế bà Đồ Mường (vợ ông Phong) đã nêu ở trên.
Ngày nay, đọc lại những di thảo của người trong cuộc và những phân tích lý giải của các nhà nghiên cứu lịch sử. Chúng ta có thể cảm thông nỗi niềm của câu: “Cố niệm gia đình bách cảm thôi” (gia đình nghĩ lại ruột bời bời) và nỗi buồn phiền dai dẳng “phụ tử tình thâm” của ông Cửu Xán. Mãi đến sau khi Trần Đông Phong “hy sinh vì nước Tổ”, gia đình ông không biết ngày nào để làm giỗ con. May mắn sao trên đất Nhật có một cụ già 92 tuổi (nếu còn sống) tên là Koyama Katsuzo, đã đọc được câu chuyện của Trần Đông Phong trong cuốn “Việt Nam nghĩa liệt sử” của cụ Phan, xuất bản năm 1918 ở Thượng Hải, đã dịch ra tiếng Nhật, cụ già này đã tìm đến nghĩa trang Zoshigaya nơi có phần mộ Trần Đông Phong để thắp hương mà cụ gọi lạ “một linh hồn bất diệt”… Sau nhiều năm tìm hiểu gốc tích, quê quán quả người quá cố, cụ Koyama đã có thư liên lạc với gia đình hậu duệ ông Trần Đông Phong ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Sau đây là bức thư trả lời của gia đình: Cụ Koyama Katsuzo kính mến! Đã bao năm trời biền biệt tin tức về bác Trần Đông Phong. Nhiều lúc chúng tôi quá buồn thương, nhớ tiếc và cũng chẳng biết ngày mất để làm giỗ. Giờ đây nhờ cụ mà gia đình và cả dòng họ chúng tôi đã biết rõ ràng về cái chết của bác tôi, đặc biệt là biết được ngày Trần Đông Phong hy sinh…” (thư đề ngày 20 tháng 2 năm 1995). Theo chúng tôi biết người đại diện gia đình, dòng họ viết thư trả lời cụ Koyama là ông Trần Đình Diệu, một giáo viên hưu trí, gọi ông Phong bằng bác ruột.
Sau khi Trần Đông Phong ra đi, chẳng bao lâu hai ông bà Cửu Xán cũng qua đời, mang theo một bầu tâm sự phiền muộn. Người vợ Trần Đông Phong (dâu trưởng) ở lại một mình phụng thờ gia tiên. Nghe nói, trước khi ông Cửu Xán qua đời, ông đã làm di chúc chia một phần tài sản cho ông Phong, giao cho bà Đồ Mường (hoặc Mầng) quản lý… Hy vọng bài viết này sẽ an ủi được phần nào bà con dòng tộc Trần ở Đồng Văn, và cầu cho vong linh ông bà Cửu Xán, ông Phong được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng, khép lại quá khứ để an giấc ngàn thu…
                                                                                           Huế, tháng 5/2008
…………………………..
(1)Trương Tử Phòng (tức Trương Lương) người nước Hàn, có thù với vua nước Tần, ông đã bán hết gia sản giúp Hán Cao Tổ (Lưu Bang) diệt được Tần, thắng Sở, lập nên nhà Hán. Về sau ông trả ấn phong hầu, đi tu tiên.
(2)Núi Ngọc – tức Rú Nguộc, một ngọn núi cao ở vùng quê Trần Đông Phong.
(3)Tổng Đại Đồng, nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
(4)Bắc hành: Ý nói cụ Phan đi xuất dương qua biên giới phía Bắc.
(5)Đông Độ: Ý nói đi về phía Đông tức đến nước Nhật.
(6)Phá gia: Ý nói bán hết tài sản để giúp phong trào Đông Du
(7)Mậu Thân tức năm 1908 – năm nay là năm Duy Tân thứ 2. Ở đây tác giả có dụng ý giữ lại niên hiệu Thành Thái, chứ không phải nhầm. Ngày Trần Đông Phong tự vẫn là ngày mồng hai tháng năm, năm Mậu Thân (dương lịch là ngày 31-5-1908).
http://vanhoanghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/vi-sao-tran-dong-phong-tu-van

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.