Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/08/2016

Vai trò của Hán Nôm trong văn hoá đương đại (tin hội thảo 27/8/2016)

Tin về hội thảo này, đã điểm nhanh hôm trước, ở đâyở đây.

Bây giờ là tin đăng trên website của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.













Từ đây trở xuống là chép nguyên về.


---




Hội thảo Quốc gia “Vai trò của Hán Nôm trong văn hoá đương đại”

28/08/2016
Di sản Hán Nôm là một nguồn tư liệu chữ viết sớm nhất, có chiều dài lịch sử lâu đời nhất, với số lượng lớn nhất đề cập đến mọi phương diện của Việt Nam trong quá khứ, như văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, triết học, mỹ thuật, văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật... Hiện nay, chỉ riêng tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã lưu trữ gần 35.000 tập sách đóng rời và gần 70.000 thác bản văn bia (số liệu cập nhật giữa năm 2016), chưa kể những tài liệu khác được lưu trữ tại Pháp, Nhật, Trung Quổc, Đài Loan, Anh, Mỹ, Thái Lan... Di sản Hán Nôm là một bộ phận tiêu biểu thể hiện bề dày của văn hiến Việt Nam. Tìm trong quá khứ để tìm ra những bài học cho hôm nay; tìm trong di sản để chọn lọc những yếu tố văn hóa có ý nghĩa đối việc phát triển đất nước hiện nay là việc làm cấp thiết và có ý nghĩa. Trên cơ sở đó, được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), ngày 27 tháng 8 năm 2016, tại hội trường tầng 3, tại trụ sở Viện Hàn lâm số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Vai trò của Hán Nôm trong văn hoá đương đại”.
PGS.TS. Đặng Nguyên Anh và TS. Nguyễn Tuấn Cường
xem sách Hán Nôm được trưng bày tại Hội thảo
PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm
phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo vinh dự được đón tiếp PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương như: đại diện các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thủ đô, Đại học Đà Lạt, Đại học Văn hóa Hà Nội,  Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Đại học Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật và Các dân tộc thiểu số Việt Nam, Bảo tàng Bắc Ninh…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết, đây là hội thảo đầu tiên nhằm đánh giá vai trò của Hán Nôm trong đời sống văn hoá Việt Nam đương đại, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Viện Hàn lâm trên lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành của Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói riêng và giới nghiên cứu Hán Nôm trong cả nước nói chung. Với tư cách là nguồn tư liệu chữ viết sớm nhất, có chiều dài lịch sử lâu đời nhất, với số lượng lớn nhất đề cập đến mọi phương diện của Việt Nam trong quá khứ, di sản tư liệu Hán Nôm là một bộ phận tiêu biểu thể hiện bề dày của văn hiến Việt Nam. Những thông điệp qua hệ thống di sản này vừa là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, vừa gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói những vấn đề văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, triết học, văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật… đều được phản ánh trong kho tàng Hán Nôm và cần được bảo tồn, gìn giữ đồng thời xã hội hóa, phổ biến rộng rãi trong nhân loại.
Trong bối cảnh hiện nay, tìm về quá khứ để tìm ra những bài học cho hôm nay; tìm trong di sản để chọn lọc những yếu tố văn hóa có ý nghĩa đối việc phát triển bền vững đất nước là việc làm cấp thiết. Với ý nghĩa đó, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh đánh giá cao ý tưởng, mục đích  và vai trò của Viện nghiên cứu Hán Nôm trong việc tổ chức cuộc Hội thảo quốc gia này.
PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học
Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo
TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm
phát biểu đề dẫn Hội thảo
TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, Trưởng ban Ban Tổ chức Hội thảo, trong Báo cáo đề dẫn nêu rõ Hội thảo xác định nội dung gồm 3 chủ đề chính, tương ứng với 3 tiểu ban tại Hội thảo, bao gồm: Hán Nôm với chính sách văn hoá; Hán Nôm với giáo dục đào tạo; Hán Nôm: Từ truyền thống tới hiện tại. Cụ thể:
1) Hán Nôm với chính sách văn hoá, tập trung đánh giá vai trò của Hán Nôm trong tư vấn chính sách văn hoá và quản lý văn hoá các cấp. Bao gồm các nhánh cụ thể: Tư vấn trong công nhận và tôn vinh di sản trong nước và quốc tế (trường hợp: châu bản triều Nguyễn, kim ngọc bảo tỷ triều Nguyễn...); Tư vấn chính sách về quản lý văn hoá (quy ước nếp sống mới, hương ước mới); quản lý văn hoá tại địa phương (các loại hình lễ hội truyền thống...; bảo tồn bảo tàng tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng như bảo quản sắc phong, bia, mộc bản); trưng bày và triển lãm văn vật có văn tự Hán Nôm (hiện vật bảo tàng, triển lãm chuyên đề); Tư vấn chính sách về quản lý du lịch tri thức Hán Nôm tại di tích và về di tích, tập huấn đội ngũ hướng dẫn viên (ấn đền Trần, ấn Hoàng thành, ấn Lý Thường Kiệt, ấn đền Hùng, ấn đền Kiếp Bạc, ấn Yên Tử); Tư vấn chính sách cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích và giám định cổ vật; Vai trò của chuyên gia Hán Nôm với định hướng văn hoá xã hội qua truyền thông.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
2) Hán Nôm với giáo dục và đào tạo: Đánh giá công tác giáo dục Hán Nôm trong các cấp giáo dục, các hình thức giáo dục tại Việt Nam đương đại nhằm đưa ra kiến nghị và giải pháp cho vấn đề này. Bao gồm các nhánh cụ thể: Giáo dục công lập các cấp, từ tiểu học đến sau đại học; Các mô hình giáo dục khác: Giáo dục trong hệ thống đào tạo của Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam; các lớp học tư mở tự do trong xã hội, giáo dục Online…
3) Hán Nôm: Từ truyền thống đến hiện tại, khai thác sự tiếp nối, phát triển và phát huy những giá trị truyền thống của Hán Nôm trong đời sống đương đại và những vấn đề đặt ra. Bao gồm: Thực hành thư pháp, thực hành tín ngưỡng, thực hành phong thuỷ, tử vi đẩu số, thực hành nghi lễ, thực hành biểu diễn nghệ thuật, Hán Nôm với công nghệ thông tin.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 53 bản đăng kí và tóm tắt của 53 tác giả, đã tiến hành thẩm định nghiêm túc các bản tóm tắt và chấp nhận 48 bản, có 45 tham luận hoàn chỉnh của 48 tác giả được gửi tới, trong đó Tiểu ban 1 có 18 tham luận, Tiểu ban 2 có 12, Tiểu ban 3 có 15. Trong số 48 tác giả đóng góp cho Hội thảo, có 15 tác giả là công chức, viên chức Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 33 tác giả còn lại đến từ khắp ba miền Bắc Trung Nam. Các tác giả tham luận đều là những người có nhiều tâm huyết với Hán Nôm, là công chức, viên chức của các Trường đại học, Viện nghiên cứu, Cơ quan lưu trữ, các Cơ quan quản lí văn hoá ở nhiều tình thành khắp trong cả nước.
Toàn cảnh phiên Khai mạc
Nội dung các tham luận gần như phủ kín các mảng vấn đề đặt ra của Ban Tổ chức. Đa phần các tham luận đều hướng đến việc tư vấn chính sách ở bình diện đương đại, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Ban tổ chức. Các tác giả đã đưa ra một số kiến nghị để tư vấn chính sách quản lí văn hoá ở Tiểu ban 1, quản lí giáo dục và đào tạo ở Tiểu ban 2, tư vấn cho các vấn đề cụ thể liên quan đến Hán Nôm ở Tiểu ban 3. Đây phần lớn là những ý kiến đáng quý, xuất phát từ những quan sát tích cực qua thực tiễn kinh nghiệm công tác, kết hợp với vốn kiến thức lí luận đa ngành và liên ngành của mỗi tác giả.
Hội thảo cho thấy, ngành Hán Nôm hiện đang được quan tâm nhiều hơn, không chỉ trong giới nghiên cứu Hán Nôm chuyên nghiệp, mà còn từ nhiều góc nhìn khác, như quản lí văn hoá, quản lí lễ hội, quản lí du lịch, di sản, xuất bản, tin học... Một số tác giả có thể không hẳn là chuyên gia Hán Nôm, nhưng họ lại đưa ra những cái nhìn thú vị về Hán Nôm từ một chuyên môn khác, giúp cho các nhà làm Hán Nôm chuyên nghiệp có một cơ hội tốt để "nhìn mình qua lăng kính của người khác". Đây chính là điểm độc đáo của Hội thảo.
Các tham luận bàn luận về những sự kiện văn hóa Hán Nôm nổi bật đang thu hút  chú ý của xã hội và giới truyền thông. Đó là việc phát ấn tại một số lễ hội truyền thống (đền Trần, Hoàng thành Thăng Long...), văn hóa xin chữ (thư pháp) tại Văn Miếu và nhiều không gian văn hóa tâm linh khác, giá trị của nguồn tư liệu Hán Nôm đối với nghiên cứu Biển Đông và đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa, vai trò của nguồn tư liệu Hán Nôm trong việc phát triển hoạt động du lịch văn hóa, quy trình phát huy và tôn vinh các loại hình di sản văn hóa Hán Nôm truyền thống (bia Văn Miếu Hà Nội, mộc bản triều Nguyễn, mộc bản Vĩnh Nghiêm, thơ văn kiến trúc cung đình Huế...
Toàn cảnh phiên họp tại các Tiểu ban
Hội thảo còn là một nỗ lực nhằm tập hợp, gắn kết các chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm từ các chiều cạnh khác nhau, chuyên ngành khác nhau trên mọi miền của cả nước, nhằm làm rõ vai trò văn hóa Hán Nôm trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại; gắn kết các vấn đề thời sự, chính trị, văn hóa, giáo dục… của đất nước với hoạt động nghiên cứu khoa học; tạo nên một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, và các nhà quản lý cùng nhau thảo luận về hiện trạng, phương thức, lộ trình phát huy di sản Hán Nôm trong đời sống xã hội đương đại. Những phát hiện và kiến giải từ Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để tư vấn chính sách trong các vấn đề liên quan. Với việc tổ chức Hội thảo này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã cho thấy khả năng gắn kết tốt ba bình diện: vừa là nghiên cứu cơ bản, vừa là tư vấn chính sách, lại cũng chính là giáo dục và đào tạo trên lĩnh vực Hán Nôm và văn hoá truyền thống, trong đó khía cạnh tư vấn chính sách được đặc biệt quan tâm và cần tiếp tục được phát huy.
Phát biểu trong phiên Bế mạc, PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học Viện Hàn lâm ghi nhận, Hội thảo này được tổ chức một cách chuyên nghiệp, hiệu quả; đồng thời đề nghị Viện Nghiên cứu Hán Nôm sớm hoàn thành báo cáo kết quả hội thảo trình Lãnh đạo Viện Hàn lâm để đề xuất những kiến nghị trong công tác tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Cường gửi lời cảm ơn trân trọng tới: Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc tổ chức Hội thảo này; Lãnh đạo các Ban thuộc Viện Hàn lâm đã chỉ đạo, tư vấn về nhiều bình diện trong quá trình tổ chức Hội thảo; quý vị học giả, các nhà nghiên cứu khắp các miền đất nước đã tích cực tham gia đóng góp tham luận cho hội thảo; các vị khách quý đã tham gia vào các phiên họp của Hội thảo; các cơ quan báo đài tích cực quan tâm và đưa tin về Hội thảo; cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng, là lời cảm ơn gửi tới các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm – những người đã tích cực đóng góp cho khâu tổ chức Hội thảo cũng như viết tham luận trình bày tại Hội thảo./.
Nguyễn Thu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.