Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/07/2013

Những trùng hợp không dễ giải thích về ngày tháng trong lịch sử : 3 - Ngày mất của Trần Đông Phong (1908, Tokyo) và Nishimura (2013, Hà Nội)

Nishimura đã đột ngột từ trần bởi một tai nạn xe máy quái ác đầu tháng 6 năm 2013tại Hà Nội



Trần Đông Phong (1908) và Nishimura Masanari (2013)
          
Ở Nhật Bản, gắn với phong trào Đông Du, còn có một tấm bia trọng yếu nữa. Đó là tấm bia dựng trước mộ phần của chí sĩ Trần Đông Phong  (1887-1908) trong nghĩa trang Zojigaya (quận Toshima, Tokyo). Năm 1908, khi mà cuộc sống tại Nhật Bản quá quẫn bách, gia đình ở bên nhà giàu có mà không gửi tiếp tế sang, nên lưu học sinh Trần Đông Phong đã  cảm thấy hổ thẹn với chúng bạn mà tự vẫn. Người Nhật và nhóm Việt Nam ở Nhật lúc đó cảm kích trước hành động tỏ chí khí của Trần Đông Phong, tổ chức an táng. Trước mộ, người ta dựng một tấm bia đá có ghi dòng chữ Hán “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”.


Mộ Trần Đông Phong ở Tokyo ngày nay (từ 1908) - ảnh gốc của bạn Phạm Hồng Long
Ngày nay, mộ Trần Đông Phong thường là địa chí thăm viếng của lưu học sinh và người Việt định cư tại Nhật Bản. Thậm chí, gần đây, có xu hướng người ta đang bắt đầu ngưỡng vọng về ông như một vị phúc thần cho người Việt Nam sinh sống và học tập tại Nhật Bản (tới viếng để cầu mong sức khỏe, đỗ đạt, làm ăn thuận lợi,…).
          
Trần Đông Phong là người Việt Nam gửi xác phàm của mình ở lại Nhật Bản vào năm 1908, như là một trong những dấu mốc cuối cùng của phong trào Đông Du. Cái kết cục bi thương cho số phận của một con người và cũng là cho cả một phong trào cách mạng mất phương hướng, thế nhưng đó cũng là một tấm gương hi sinh vì nghĩa lớn.

Cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã thành công, đất nước đã thực sự hòa bình và ngày nay đang trên đường đổi mới. Từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa vào nửa cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, có nhiều công dân Nhật Bản ở các ngành nghề khác nhau đến Việt Nam làm việc, học tập, sinh sống. Trong đó, có một người bạn của chúng tôi: anh Nishimura Masanari. Anh là nhà khảo cổ, gắn bó với khảo cổ học Việt Nam trong hơn 20 năm qua, thực hiện việc khai quật ở nhiều nơi trên khắp ba miền đất nước, cống hiến những phát hiện đặc biệt quan trọng. Từ những kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Việt Nam, Nishimura đã nhận học vị tiến sĩ từ đại học Nhật Bản. Cũng tại đây, anh đã nên duyên với người bạn đời – một cô gái Nhật Bản vốn theo ngành tiếng Việt, sau này cũng theo chồng chuyển sang khảo cổ học. Tháng 6 năm 2013, một tai nạn giao thông quái ác đã cướp đi sinh mạng của Nishimura khi anh đang trên đường đi tới điểm chuẩn bị khai quật khảo cổ học ờ ngoại thành Hà Nội. Sau tang lễ tổ chức long trọng tại Hà Nội[1], thi thể của nhà khảo cổ học Nhật Bản được mai táng trong nghĩa trang xã Kim Lan (Gia Lâm) – nơi mà hai vợ chồng Nishimura đã gắn bó hơn chục năm trời, đặc biệt có công xây dựng ở đó một bảo tàng đồ gốm.


Hạ huyệt - Ảnh sưu tầm
Nhân dân Kim Lan từ lâu đã coi Nishimura như người thân thiết cùng làng cùng xã, họ tha thiết dành một phần nghĩa trang để anh được gửi lại xác phàm ở Việt Nam. Từ đây, nhân dân Kim Lan sẽ coi sóc mộ phần của Nishimura trong nghĩa trang, hệt như người Nhật Bản đã coi sóc mộ phần của chí sĩ Trần Đông Phong từ năm 1908 đến nay. Lịch sử có những trùng hợp đến lạ kì, chúng ta không thể giải thích, chỉ biết tri nhận đó là thực tế: theo ghi chép trên hai bia mộ, Trần Đông Phong và Nishimura mất cùng một ngày nếu tính theo âm lịch, đó là ngày mồng 2 tháng 5 (dương lịch là ngày 31/5/1908, và ngày 9/6/2013)./.



[1] Tang lễ của Nishimura Masanari được cử hành vào buổi chiều ngày 13/6/2013 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 đường Trần Thánh Tông, Hà Nội). Bản tin 19 h cùng ngày của VTV1 có đưa tin về sự kiện này.



Trích một đoạn từ bài in trên số 95, tháng 7 năm 2013



---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- : 3 - Ngày mất của Trần Đông Phong (1908, Tokyo) và Nishimura (2013, Hà Nội)
- : 2 - Ngày 11 tháng 9 với nước Mĩ
Những trùng hợp không dễ giải thích về ngày tháng trong lịch sử : 1 - Đều là ngày 2 tháng 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.