Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/06/2016

Một tranh luận về Phật giáo (Thích Nhật Từ và Nguyên Thành, 2014-2015)

Tranh luận gần đây về Phất giáo giữa hai vị Nguyên Thành và Dương Ngọc Dũng, năm 2016, thì có thể xem ở đây.

Dưới là một tranh luận khác, giữa Nguyên Thành và Thích Nhật Từ, năm 2014-2015.

Tư liệu cập nhật bổ sung dần.

---

2. Lên tiếng của Nguyên Thành 


NOV 29, 2014

ĐỐI LUẬN VỚI TIẾN SĨ THÍCH NHẬT TỪ


ĐỐI LUẬN VỚI TIẾN SĨ PHẬT HỌC THÍCH NHẬT TỪ
Vừa qua trong 2 tối liên tiếp lúc 20:15′ ngày 26 – 27/11/2014 đài truyền hình An Viên phát sóng về hoạt động pháp sự mang tính chất mê tín dị đoan ở tịnh thất Quán Âm thuộc tỉnh Lâm Đồng, do đại đức Thích Giác Nhàn chủ trì. Những gì sai trái của đại đức Giác Nhàn, thiết nghĩ không còn gì để bàn luận vì sự cố đã rõ mười mươi. Tuy nhiên, trong sự trả lời của tiến sĩ Phật học Thích Nhật Từ dành cho đài An Viên đã lộ ra nhiều điểm bất cập, tôi là một người con Phật có trách nhiệm bảo vệ chánh kiến Phật đà, nên cần phải đối luận thẳng thắn về vấn đề này. Vì đây là một phương diện học thuật, nên tôi xin được phép gọi theo học vị của thượng tọa ấy là tiến sĩ.
Cho dù kính trọng ngài Thích Nhật Từ là bậc thượng tọa Phật giáo, nhưng theo tinh thần kinh “Kalama” tôi không thể tán thành những gì ngài đã phát biểu. Những góc cạnh triết học Phật giáo mà tôi đối luận dựa theo những gì ngài đã nêu ra, tôi cho rằng cần phải xét lại. Rất mong ngài hoan hỷ đón nhận những thiển ý của người viết…
1/ ĐỊA NGỤC CÓ THẬT HAY KHÔNG?
Kính thưa tiến sĩ Thích Nhật Từ!
Phát biểu với phóng viên đài An Viên, ngài khẳng định không có cảnh giới địa ngục vậy thì ngài dựa trên luận chứng nào? Qua trả lời phỏng vấn ngài giải thích vì không được đề cập trong kinh tạng Nguyên thủy. Vậy tôi sẽ trích dẫn cho ngài thấy ngay từ kinh tạng mà ngài nêu ra. Sách “Câu xá luận” viết : “một là Đẳng hoạt địa ngục, tội quỷ tại địa ngục này tuy bị xử chặt đâm xay giã, nhưng khi có gió lạnh thổi vào thì sống lại, nên gọi là Đẳng hoạt…”. Kinh “Thập bát Nê Lê” viết: “Ngục thứ nhất, một ngày bằng 3750 năm của nhân gian….”, kinh Trường A hàm- kinh Thế kỷ, phẩm Địa ngục có viết về địa ngục như vậy (được đăng trong trang web wwwchuagiacngo.com, 92 Nguyễn Chí Thanh, P. 3, Q 10, TP HCM, do chính ngài Thích Nhật Từ làm trụ trì và quản lý trang đó), kinh Tạp A hàm quyển 48 viết về “Địa ngục lửa đỏ”… Ngoài ra, kinh luận Đại thừa có nhiều đoạn viết về địa ngục như trong “Đại trí độ luận” (100 quyển, 90 phẩm) của bồ tát Long Thọ, những kinh sách Mật giáo đặc biệt là “Trung ấm văn giáo cứu độ đại pháp” của đại sĩ Liên Hoa Sanh…
Trong sự xác quyết không có địa ngục, ngài tiến sĩ dẫn chứng một luận án tiến sĩ Phật học do hòa thượng Thích Thiện Châu, trình bày và được cấp bằng tại đại học Sorbon, nước Pháp vào năm 1977, liệu thuyết phục được mọi người không? Trước hết, tôi khẳng định luận chứng nêu ra của ngài không phù hợp với “thánh giáo lượng” (ngũ lượng phương tiện biện giải là cơ sở Nhân minh học đạo Phật) bởi hòa thượng Thích Thiện Châu là ai? Thánh tăng hay phàm tăng? Đương nhiên là phàm tăng, do đó không thể lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc mà phủ bác quan kiến của bồ tát Long Thọ và đại sĩ Liên Hoa Sanh.
Hơn nữa, nơi công nhận luận án này là trường đại học phàm trần, không phải là học viện Phật giáo như Sera Tây Tạng, hay Phật Quang Sơn ở Đài Loan, vậy cơ sở chuẩn y thiếu tính xác thực, không đáng tin cậy. Ngài là tu sĩ Phật giáo thì hiểu rằng những gì người học trò, hay hành giả, luận giả trình bày, đều phải có xác nhận của bậc tôn túc trưởng thượng đạo Phật chứng đắc, mới có giá trị trên văn đàn Phật giáo. Tôi hỏi ngài, ai là người phản biện và chuẩn y cho luận án tiến sĩ ấy? Phải là những bậc tôn giả đạo Phật không? Đương nhiên là không vì đó là một trường đại học phàm trần, cho dù nổi tiếng với thế giới, nhưng vẫn là “đứng ngoài” đối với lĩnh vực tâm linh, vốn cần nội lực tâm linh mới có thể thẩm định được. Do vậy, không ngẫu nhiên K.Max, một triết gia người Đức viết “Muốn thưởng thức nghệ thuật phải có trình độ nghệ thuật”, huống gì là thẩm định nghệ thuật mà Phật học là đỉnh cao của mọi nghệ thuât? Từ những điểm tham chiếu này, tôi cho rằng lập luận của tiến sĩ Thích Nhật Từ thiếu cơ sở biện chứng, có thể gọi là khinh suất, thiếu cẩn trọng.
Thưa tiến sĩ Thích Nhật Từ!
Trong phát biểu của mình ngài cho rằng đạo Phật vay mượn thuyết địa ngục, hoặc cảnh địa ngục của Bà la môn giáo để nhằm mục đích giáo dục (!) cho kẻ ác phải hướng thiện, vì họ “thấy quan tài mà không đổ lệ” (từ dùng này của tiến sĩ sao có vẻ phàm tình thế!). Ngài sai lầm trầm trọng khi lập luận như vậy. Trí tuệ đạo Phật siêu việt so với 96 ngoại đạo đương thời, và sau này cũng vậy vì hàm tích nhiều phương tiện thiện xảo (lục độ Ba la mật), lại đề cao “tứ nhiếp pháp”, ngoài ra đã được trang bị Ngũ minh (y phương minh, công xảo minh, thanh minh, nhân minh, nội minh), lẽ nào các sư thầy đạo Phật lại kém bản lĩnh đi vay mượn đạo khác?
Nếu vậy thì ngài coi thường bậc trưởng lão tôn túc tiền bối quá rồi đó! Thôi được! Nếu có đi chăng nữa thì chỉ trong một hoặc vài quốc độ nào đó thôi, cớ sao ngài lại khẳng định cả giáo điển Phật môn? Lấy một góc cạnh tâm linh để áp đặt lên toàn cục của đạo Phật, e rằng ngài đi vào chỗ chủ quan theo tâm ý của mình, vốn là một lỗi sai trầm trọng mà kinh Tứ thập nhị chương khuyến cáo?

Ngài tiến sĩ lại cho rằng sở dĩ người Phật tử tin tưởng có địa ngục vì ảnh hưởng từ kinh Địa tạng Bổn nguyện vốn là do Trung Quốc biên soạn, không đáng tin cậy. Thưa ngài tiến sĩ, ngài nói như vậy là võ đoán, là quy chụp! Đành rằng ở Trung Quốc bị phát hiện hơn 500 loại ngụy thư (kinh giả mạo, kinh tự soạn) nhưng không phải kinh nào có nguồn gốc từ bên Tàu là sai, là không phải Đức Phật thuyết ra! Nếu ngài lập luận như vậy chẳng khác nào vơ đủa cả nắm! Là người con Phật, nhất là tu sĩ có học vị tiến sĩ , phải hiểu rằng để thẩm định bộ kinh, trang kinh nào là của chính từ kim khẩu Đức Phật, thì phải dùng lăng kính Phật pháp mà chiếu soi gọi là “Tứ pháp ấn” (được nêu trong kinh Đại bát Niết bàn), sao ngài sơ suất như vậy? Điều này khiến bản thân tôi nghi ngờ tính chân thật từ học vị của ngài, và trình độ “ngũ minh” về Phật học của ngài. Tội phỉ báng kinh điển chính thống của đạo Phật, tức là phỉ báng Đức Phật, là một thái độ không phải là người con Phật chân chính, hậu quả là không thể tránh khỏi.
Từ những gì tôi đã luận giải như trên, có cơ sở khẳng định rằng địa ngục là cảnh giới có thật, chỉ có điều là hiểu như thế nào về cảnh giới ấy mà thôi! Bởi vậy, trong quan kiến Nguyên thủy vẫn chấp nhận có 5 thú (điạ ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời); trong quan kiến Phật giáo Đại thừa thường có cụm tự “lục đạo luân hồi” (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần, trời). Là người con Phật, tiến sĩ tin có cõi Phật, cõi trời thì tại sao lại không tin có cõi địa ngục? Vậy tiến sĩ là thầy tu đạo nào nhỉ? Tôi cho tiến sĩ biết rõ, khái niệm địa ngục có trong bất kỳ tôn giáo chính thống nào, chỉ có điều mô tả và hiểu như thế nào là tùy theo trình độ tâm linh của mỗi đạo mà thôi! Khi tiến sĩ cho rằng không có địa ngục bỗng dưng tôi tự hỏi: “Nếu vậy thì sao hằng năm tổ chức Vu lan bồn, là tích mà trong “kinh” ấy nêu rõ là tôn giả Mục kiền liên xuống địa ngục?
2/ QUỶ NHẬP CÓ HAY KHÔNG?
Kính thưa tiến sĩ Thích Nhật Từ!
Trong phát biểu của mình, tiến sĩ cho rằng không có quỷ nhập, ma nhập vì “trong mỗi một cơ thể chỉ có được một tâm thể”. Tôi bác bỏ luận cứ này do nó không xuất phát từ “thánh giáo lượng” vì tiến sĩ không trích luận chứng từ kinh nào, thánh ngôn nào trong đạo Phật? Để giải thích điều này, tiến sĩ đưa luận cứ của Y học hiện đại mà dẫn chứng một bệnh trạng gọi là “rối loạn tâm thần đa nhân cách”. Vậy tôi muốn hỏi tiến sĩ một câu! Tiến sĩ được phỏng vấn với vai trò là người đời hay người tu; một tu sĩ bình thường hay một thượng tọa giáo phẩm? Là người con Phật, là tiến sĩ Phật học, cớ sao ngài lại đưa luận cứ Y khoa để giải thích một vấn đề tâm linh? Nếu vậy thì tốt nhất nên để một bác sĩ tiến sĩ Tâm thần học nói về vấn đề này hay hơn tiến sĩ Phật học nhiều. Khán giả sở dĩ nghe ngài là vì muốn ngài đứng trên lập trường đạo pháp mà minh định chánh tín hay mê tín, chứ không phải ngài đề cập đến lĩnh vực mà ngài không quán thông là Y học hiện đại (hay ngài muốn khoe kiến thức nhỉ, mà tội nghiệp là không đúng văn cảnh. MôPhật)

Trở lại vấn đề quỷ nhập, ma nhập mà ngài bài bác bằng luận cứ Y khoa hiện đại, tôi nhắc lại cho ngài nhớ là trong kinh “Thủ lăng nghiêm” Đức Phật thuyết về “50 ấm ma” gây hại cho người tu, trong đó có mô tả sự gá vào, nhập vào của thiên ma, làm cho hành giả điên loạn, ít ra thì bị vọng tưởng bừng bừng dục niệm. Lẽ nào Đức Phật nói sai? Không đợi chi Đức Phật nói về ma nhập mà trong dân gian thường nói “tẩu hỏa nhập ma” (tức là ma nhập vào thì điên loạn), hoặc cụm từ “xuất quỷ nhập thần”.
Thưa tiến sĩ!

Bé Bùi Lạc Bình
Khi tiến sĩ nói về “rối loạn tâm thần đa nhân cách” để bác bỏ hiện tượng quỷ nhập thì tiến sĩ giải thích sao đây về hiện tượng “đồng bóng”, “linh môi”? Tiến sĩ giải thích sao khi nhiều người bị quỷ nhập phán đúng vanh vách những gì quá khứ, tình trạng của người khác. Nếu đóng vai nào đó theo cách nói của tiến sĩ, thì bệnh nhân chỉ khoác loác bản ngã là tiên, thánh, bồ tát, tôn ngộ không, cớ sao họ lại trổ được thần thông như trên? Còn tiến sĩ bảo nguyên nhân “rối loạn tâm thần đa nhân cách” do bị đè nén, bị ảnh hưởng bởi môi trường ám khí, u ẩn thì tại sao có hiện tượng nhớ lại kiếp trước, trong khi họ không phải là bậc tu hành chứng đắc. Ví dụ ở Việt Nam có bé Bùi Lạc Bình sinh năm 2000 ở xóm Cọi (xã Yên Phú, Lạc Sơn, Hòa Bình) gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài. Bởi lẽ bé Bình sinh ra ở gia đình người dân tộc Mường, nhưng biết nói tiếng Kinh. Bé lên 4 tuổi thì thường nhắc lại kiếp trước của mình là đứa trẻ người Kinh bị chết đuối, cách đó 10 năm. Đặc biệt, bé Bình đòi được đưa đến ngôi nhà cha mẹ kiếp trước của mình, nằm cách đó chỉ 1km. Tại đây, Bé Bình kể rõ từng chi tiết về đời sống trước đó của mình ở trong nhà này với tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến, khiến cho mọi người sửng sốt.
Như đã viết trên, tiến sĩ Thích Nhật Từ dùng luận cứ Y học mà giải thích vấn đề tâm linh đã từng tồn tại hàng ngàn năm qua, được ghi trong kinh điển Phật giáo và ngoại đạo, thì rõ ràng đây là một lập luận khinh suất tựa như đưa bác nông dân nhận xét về nghệ thuật múa Ba lê. Từ những luận cứ, luận chứng tôi nêu trên, bạn đọc tự hiểu rằng có ma nhập, quỷ nhập hay không. Luận điểm của tiến sĩ Thích Nhật Từ không phát xuất từ quan kiến đạo Phật, không trình bày theo thánh giáo lượng nên khó thuyết phục bạn đọc.
3/ CÓ NÊN GIẢI TÁN BAN HỘ NIỆM CƯ SĨ HAY TĂNG SĨ?
Kính thưa tiến sĩ Thích Nhật Từ!
Từ sự cố hộ niệm, cầu siêu, tiếp dẫn vãng sanh ở tịnh thất Quán Âm của thầy Thích Giác Nhàn, ngài phủ nhận hiệu quả của những hoạt động tâm linh này, qua đó khuyên rằng cần nên dẹp bỏ. Lý do ngài nêu ra là làm như vậy là khuyến khích cho người tu Phật “dựa dẫm” vào Phật A mi đà, vào cõi Tây phương Cực lạc. Cách dùng từ ngữ nêu trên thực sự trái với tinh thần người tu Phật, mang tính chất mĩa mai tu pháp của Tịnh độ tông. Xin thưa với ngài, họ không dựa dẫm như ngài nói mà là nương vào 48 đại nguyện của Đức Phật A mi đà. Đây là một trong những pháp tu tối thắng mà các tổ sư Tịnh độ tông đã phân tích luận giải mạch lạc, rõ ràng, đồng thời hướng dẫn chi tiết được ghi trong “Niệm Phật thập yếu”, “Tịnh độ thập nghi luận”, “A di đà sớ sao”…Biết bao người tu niệm Phật, được hộ niệm đã được thác sanh vào cõi lành, cũng có người được vãng sanh, ở Đài Loan có đạo tràng Bồ tát cư sĩ Lý Bỉnh Nam, hòa thượng Tịnh Không ở Việt Nam có đạo tràng Hoằng Pháp, TP HCM…Ngài không phải là thầy tu của Tịnh độ tông làm sao ngài có thể hiểu tường tận và trải nghiệm sự vi diệu của người niệm Phật, của kẻ được hộ niệm lúc lâm chung?
Mặt khác, ngài không thể cho việc cầu cạnh vào hộ niệm cuối đời là sự dựa dẫm để rồi quên đi hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội, bỏ việc tu hành tự lực. Làm sao ngài biết những người kia đang nằm trên giường được hộ niệm, bản thân họ đã như vậy trước đó? Đây là mặt lý, còn về phần sự thì chắc ngài cũng biết, bất kỳ một tông phái đạo Phật nào cũng phải thực hiện tích lũy 2 bồ tư lương: Công đức & Trí tuệ.  Lẽ nào tông phái mà ngài đang tu trì có chuẩn mực trong quy trình tâm linh, ở các tông phái khác lại không có? Tôi tuy là hành giả Mật tông nhưng tôi được biết đối với người tu Tịnh độ, một mặt niệm Phật là “tích trí” (trí tuệ) và mặt khác là “lập công” (công đức) qua phương diện chánh hạnh là niệm Phật, trợ hạnh là thực hiện lục độ Ba la mật, gọi là phước huệ song tu. Thế thì tại sao ngài quả quyết họ chỉ dựa dẫm vào hộ niệm? Vì vậy, tôi cho rằng nhận xét của ngài là phiếm diện. Ngài nói như vậy chẳng khác gì coi thường pháp tu tịnh độ vốn dĩ đang được nhiều người tu ngưỡng kính? Ngài cho rằng người tu Tịnh độ dựa dẫm, lẽ nào ngài quên rằng mọi pháp môn đều đạt giải thoát, giải thoát hay không là tự mỗi hành giả tinh tấn hay không, chứ không phải là lỗi của tông môn trong đạo Phật.
Theo pháp tu của Tịnh đô tông, người tu lúc lâm chung cần hộ niệm trợ lực tâm linh, trấn an tinh thần để người hấp hối an lành ra đi. Vậy hoạt động hộ niệm không sai ngược lại là rất tốt, vấn đề là hộ niệm như thế nào, ở đâu. Ban hộ niệm bất luận theo đạo tràng nào, bất luận là cư sĩ, tăng sĩ cũng không vấn đề, vấn đề là ở chỗ làm như thế nào cho hiệu quả. Trong khi đó, thưa ngài tiến sĩ, ngài cho rằng nên dừng lại hoạt động này hoặc ít nhất ra nên “giảm” hộ niệm, “tăng” tự tu, vậy chẳng khác nào ngài “dài tay” vào chuyện người khác hay không? Giả sử ngài là tu sĩ Thiên Thai tông, ai đó là tiến sĩ lên đài phát biểu, đừng tụng kinh Pháp hoa làm gì cho mất thời gian, để thời gian làm phật sự, từ thiện, ấn tống kinh điển..ngài nghĩ sao? Cho nên tôi khuyên ngài một điều: không chấp vào hiện tượng mà hãy quán xét bản chất để đề ra hoạch định hoặc đưa ra luận kiến. Muốn thưởng thức nghệ thuật phải có trình độ nghệ thuật như câu danh ngôn đã nói, xem ra ngài đã lạm bàn nghệ thuật tâm linh rồi!
Thưa ngài tiến sĩ Thích Nhật Từ!
Tôi nói ngài lạm bàn nghệ thuật tâm linh là không ngoa ngữ vì ngài nhận định về 5 điều kiện để vãng sanh Tây phương Cực lạc không chính xác, không đầy đủ, nhất là khi ngài bàn về “nhất tâm bất loạn”. Theo giáo điển của Tịnh độ tông và đại nguyện của đức A mi đà Phật, mọi chúng sanh tu Phật và tin Phật A mi đà đều có thể vãng sanh, tùy theo từng mức độ tâm linh mà về cõi Tây phương trong 1 đến 9 tầng (cửu phẩm liên hoa), không phải nhất thiết phải nhất tâm mới vãng sanh. Hơn nữa, nếu không vãng sanh Tây phương Cực lạc thì người tu được hộ niệm cũng thác sanh về cõi lành. Vì vậy, hộ niệm là một hoạt động tâm linh thật tốt, thể hiện Bồ đề tâm dụng một cách thiết thực. Do vậy, quan điểm của ngài nêu ra hạn chế, e rằng không khách quan về tình hình thực tế tâm linh.
4/ ĐÔI ĐIỀU KẾT LUẬN
Kính thưa tiến sĩ Thích Nhật Từ!
Với tư cách là người con Phật, tôi mong muốn mọi người tu dù ở các tông phái, pháp môn nào đều thành tựu hạnh phúc của Phật tánh. Vấn đề chỉ trầm trọng là ở mỗi cá nhân người tu, làm điều tà vạy lạc lối Bồ đề. Do vậy, với tinh thần nêu cao chánh kiến Phật đà, tôi không tán thành quan điểm áp đặt của tiến sĩ lên những quan kiến Phật học, gây ảnh hưởng những đạo tràng của các tông phái khác bởi tính bộ phái của mình, gây ảnh hưởng đến pháp tu của họ đang đặt hết niềm tin. Tôi, tuy là hành giả Mật tông nhưng vẫn  bày tỏ sự kính ngưỡng những tu pháp của Tịnh độ tông, cảm khái hết lòng trước những đại nguyện của A mi đà Phật, quy ngưỡng về Tây phương Cực lạc quốc. Kinh Hoa nghiêm viết “Biển Phật mênh mông chỉ có niềm tin mới nhập hải”. Tôi kết thúc bài này bằng câu ca dao của ông bà ta:
DÙ AI NÓI NGÃ NÓI NGHIÊNG
LÒNG TA VẪN VỮNG NHƯ KIỀNG BA CHÂN

Làng Phước Thành ngày 29/11/2014
THINLEY-NGUYÊN THÀNH
Đường link video bài trả lời phỏng vấn phóng viên Đài truyền hình An Viên của thượng tọa Thích Nhật Từ: https://www.youtube.com/watch?v=R1xuaWUFudA
http://chanhtuduy.com/doi-luan-voi-tien-si-thich-nhat-tu/






ĐỐI LUẬN VỚI TIẾN SĨ THÍCH NHẬT TỪ (BÀI 2)

DẪN ĐỀ:
Vừa qua bạn đọc “trương” viết comment bày tỏ sự khó chịu vì tiến sĩ Triết học Thích Nhật Từ có những lời nhận xét về Cư sĩ Bồ tát Lý Bĩnh Nam, đại lão hoà thượng Tịnh Không. Nhân đó trò Mật Tịnh Giác đưa đường link về xuất xứ của sự cố tâm linh này, từ trang mạng Thư viện Hoa sen bên Mỹ Quốc. Tiếp theo, trò Mật Huệ Pháp lên mạng đối luận với tiến sĩ Thích Nhật Từ trong đó đề cập đến một vấn đề tâm linh liên quan đến đối tượng tăng sĩ và cư sĩ trong hoạt động tâm linh, đặc biệt là về thiền định mà tiến sĩ này quả quyết ai được ly dục, ai không? Nhân dịp này, tôi sẽ trình bày đôi điều về vấn đề trên…

ĐỪNG NGỘ NHẬN VỀ THIỀN ĐỊNH
lotus
Nếu muốn đắc quả Sơ thiền, ngoài định Sơ thiền (thiền chỉ) mà còn phải quán 11 đề mục mới đạt quả Sơ thiền
Tôi thấy đường links rồi, nhưng noi theo tinh thần của Hứa Do, Sào Phủ, tôi chẳng đọc làm gì mà chỉ cần chiếu theo sự trình bày của bạn đọc “trương”, của Mật Tịnh Giác và Mật Huệ Pháp, bèn vận trí mà luận bàn với mục đích cung cấp cho bạn đọc, nhất là học trò Mật gia Song Nguyễn được tường tận, cũng gián tiếp khơi dậy gia tài “tàm quý” của ai đó đang bị cất giấu bởi tên trộm “tăng thượng mạn”.

Đầu tiên nên hiểu thế nào là thiền định? Không phải dùng từ “meditation” là đủ nghĩa đâu! Trong từ “thiền định” nếu là một tu pháp thì gọi là sự tập trung cho đến nhất tâm. Trong thuật ngữ Phật gia có cụm từ “tứ thiền bát định” (4 tầng thiền, 8 sức định), vậy thì thiền định gồm có thiền và định nếu nói về thành quả tâm linh. Nên hiểu đắc định Sơ thiền đến định Tứ thiền khác với đắc quả Sơ thiền đến Tứ thiền. Một người tu, nếu muốn đắc quả Sơ thiền, ngoài định Sơ thiền (thiền chỉ) mà còn phải quán 11 đề mục mới đạt quả Sơ thiền. Cho nên, đắc định Sơ thiền sẽ thành tiên, sau mạng chung sanh vào cõi trời Dục giới, đắc quả Sơ thiền sẽ thành tiên nhân cõi dương trần, sau mạng chung sẽ thác sanh vào cõi trời Sắc giới. Tựu trung, cùng là pháp tu ở ngoại đạo, nhưng ai tập trung thiền quán nhiều sẽ đạt thiền quả cao hơn những ai tu thiền chỉ. Người đạt định đương nhiên có định lực cao cường, nhưng chưa hẳn có được phẩm hạnh toàn hảo. Song, người đạt thiền quả, chắc chắn sẽ có được phẩm hạnh tốt. Bằng chứng là Đề bà đạt đa đắc định Tứ thiền, nhưng làm chuyện càn quấy. Khi tu đạt quả Tứ thiền đương nhiên trong họ tràn ngập tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), chỉ đợi một ngã rẽ nữa là đạt Thánh quả đạo Phật với điều kiện phải quy y Phật pháp. Những vị đạo sĩ chuyên chú thuật đạt định cao nhưng lại sa đà về ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Vì sao vậy? Định của họ là “tà định” nên không phát sinh Huệ, cho nên Phật dạy cần phải có “Chánh định”, là một trong 8 nhánh tu Giải thoát của Bát chánh đạo. Do vậy, đạo Phật chú trọng thiền quán hơn thiền chỉ trên phương diện đạt cứu cánh giải thoát. Ở điểm tham chiếu này tôi tán thành quan điểm của trò Mật  Nguyên Tánh viết comment “– “Chính định gồm có bốn cấp độ: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.” => Câu này đã cho bạn đọc rõ “tri kiến” Phật học của vị Tiến sĩ này như thế nào. Nói chính (chánh) định thì phải so sánh với đối tượng đối lập là tà định thì mới phù hợp, ở đây thì thầy TNT lại dùng từ này để liệt kê các cấp độ thiền -> đúng là “râu ông này cắm cằm bà kia”, thật là loạn. Lại nữa khi nói như vậy thì cũng không chính xác vì đắc định và đạt quả vị thiền là hai việc hoàn toàn khác nhau”.
chan_nga_di_da
cho nên Phật dạy cần phải có “Chánh định”, là một trong 8 nhánh tu Giải thoát của Bát chánh đạo

Tiến sĩ triết học Thích Nhật Từ dùng từ “chính định” là không đúng dù nghĩa của nội dung không khác, vậy thì tại sao trong nhiều văn cảnh Thầy ấy dùng “Bát chánh đạo” mà không là “Bát chính đạo”? Đây là tiểu tiết như cánh cửa sổ của ngôi nhà, nhưng khẳng định chủ nhân phải là kẻ lập dị, ưa cải cách, cách tân những gì không cần thiết, tựa như đã có từ “tăng đoàn”, hà tất phải đổi ra thành “tăng thân”, “giáo đoàn”; giống như lâu nay đã tụng “Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật” thì lại biến cách thành “Nam mô Phật Thích ca Mâu ni”? Có nên như vậy không khi nội dung không gì khác, nếu khác chăng là mình muốn thể hiện bản ngã “siêu việt” chăng? Cũng vậy, tinh ba đạo Phật so với ngoại đạo là vì 84.000 pháp môn phù hợp với mọi căn cơ chúng sanh, sao lại đề ra, tự nghĩ ra “đạo Phật nguyên chất” giống như tên gọi của một cụm từ thức uống?

Trở về luận kiến về thiền định, ngài Thích Nhật Từ viết: “Chính định gồm có bốn cấp độ: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Cốt lõi của sơ thiền là chuyển hóa tính dục (ly dục sinh hỷ lạc). Không có người tại gia nào đang sống với tình yêu và tính dục có thể đạt được sơ thiền. Do đó, người tại gia không giác ngộ được, không giải thoát được. Ngoại trừ, những người tại gia độc thân, quyết tâm tu giống như các tu sĩ, đúng phương pháp Phật dạy thì có khả năng chứng đắc được sơ thiền, để từ đó đạt được tứ thiền, trên nền tảng này, chứng được Tam minh, trở thành A-la-hán”.

Đại thành tựu giả Saraha
Đại thành tựu giả Saraha
Thực sự đây là một lập luận khinh suất mà tôi nêu ra một ví dụ điển hình để phản biện: Nếu nói rằng cốt lõi của sơ thiền là chuyển hoá tính dục (ly dục sinh hỷ lạc) thì tại sao Đề bà đạt đa đắc định Tứ thiền mà làm điều càn quấy, mưu đồ hại Phật, chia rẽ Tăng đoàn? Phải chỉnh lại như vầy: người tu chứng đắc Sơ thiền sẽ đạt ly dục sinh hỷ lạc, chớ không phải đắc định. Xưa kia Đức Phật từng không tán thành định lực nhất tâm đến nỗi 500 con bò ngang qua cũng không biết gì do một tu sĩ ngoại đạo tự đắc. Ngài Saraha, đứng đầu 84 thành tựu giả Mật tông Đại thủ ấn, nhập định một lúc 12 năm vẫn bị chê là lạc thiền bởi vì khi vừa xuất định vẫn nhớ lại bát canh củ cải! Từ đây cho thấy đắc định Sơ thiền không có cốt lõi ly dục như ngài Thích Nhật Từ viết, mà phải gọi là chứng đắc Sơ thiền. Từ đây cũng cho thấy ngài Thích Nhật Từ chưa thấu triệt diễn trình thiền định, chưa am hiểu toàn diện về Nội minh trong Ngũ minh Phật môn, ngay cả về từ ngữ học thuật! Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng cụm từ “chuyển hoá tính dục” khác hoàn toàn với thực chất ý nghĩa “ly dục sinh hỷ lạc”. Chuyển hoá tính dục là một tu pháp đặc thù của Phật giáo Mật tông có khả năng chuyển hoá ngũ dục Thế gian (tài, sắc, danh, thực, thuỳ) thành ngũ trí Như lai (bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí, đại viên cảnh trí, thành sở tác trí, pháp giới trí). Yếu nghĩa đó không tương đồng như ngài tiến sĩ viết ra như trên!

THỰC NGHĨA CỦA LY DỤC LÀ GÌ?

Bây giờ nên hiểu thế nào là dục? Hiểu được nguyên nghĩa từ này mới có thể đi vào lĩnh vực thiền học, còn không thì có lẽ làm “người giàu đánh mất chìa khoá mở kho báu của mình”, “con vẹt chỉ biết đọc tụng” như khuyến cáo của thánh sư Gampopa trong mục 14 thất bại trầm trọng của một người tu.

Dục tức là muốn, cho nên thường có cụm từ “ái dục” tức là “ham muốn”. Dục nào mà loài người và các loài khác ham muốn? Kinh điển Phật môn khẳng định gồm 5 dục (ngũ dục) : (1) sắc dục (2) tài dục (3) danh dục (4) thực dục (5) thuỳ dục, có nghĩa là tham sắc, tham tiền, tham danh, tham ăn, tham ngủ từ chỗ thọ lạc với đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Từ đây chúng ta có thể hiểu người đắc Sơ thiền sẽ lìa tham dục thế gian, đáng cho chúng sanh ngưỡng mộ, cho nên Đức Phật dạy đó là 1 trong 14 đối tượng đáng cúng dường dầu ngoại đạo hay đạo Phật (kinh Phân biệt cúng dường). Còn đắc định Sơ thiền là bắt buộc trải qua 5 chi thiền là tầm, tứ, hỷ, lạc, định. Với tu pháp của Đại thừa, Kim cang thừa thì phân loại thành 9 cấp trụ tâm từ hướng tâm, tiếp tục hướng tâm, trụ tâm, trụ tâm trọn vẹn….đến nhất tâm). Người tu định khi đắc định có định lực cao cường, trổ thần thông biến hoá, tha tâm thần thông rồi sẽ sinh ra tự đắc, ngạo mạn, lạc vào lưới ma vì tưởng mình đã cao siêu, nhưng thực ra không bằng một bà già mù chữ niệm Phật hoặc trì chú với phát nguyện vãng sanh Tây phương Cực lạc quốc. Xưa kia, Đức Phật sau phân tích cho một Bà la môn tên là Saganrava về tác hại của thần thông biến hoá, tha tâm thần thông, Ngài khẳng định chỉ có thần thông giáo hoá mới là cứu cánh tối thượng. Điều đó có nghĩa là chỉ cho chúng sanh tri kiến giải thoát bằng nhận thức đâu là khổ, đâu là nguyên nhân khổ, đâu là pháp diệt khổ, đâu là cảnh giới thoát khổ, gọi tắt là “Tứ diệu đế”.

Do đó tôi cần nhấn mạnh về lập luận của ngài Thích Nhật Từ khi cho rằng người tu tại gia không thể ly dục nếu có đời sống gia đình là sai lầm. Bây giờ tôi dùng tỉ lượng biện giải mà đối luận: theo cách tư duy của ngài là ly sắc dục (hoạt động tình dục vợ chồng hoặc nam nữ) gọi là đạt Sơ thiền, vậy dục lạc có 5 thì thử hỏi vị thầy tu trong chùa ly được một thì có đắc Sơ thiền không? Vì sao vậy, đời sống tự viện của bậc tỳ kheo không được vướng sắc dục nhưng họ vướng cái gì? Thầy tu dùng tiền mua xe hơi thì vướng gì? Thầy tu tranh nhau đến mức đấu đá để được làm trụ trì thì vướng gì? Thầy tu tham tiền đến nỗi bất chấp vai trò sứ giả Như lai để làm tên thầy bói, xem tử vi, coi ngày lành tháng tốt, cúng sao giải hạn, tụng kinh tụng đám thì vướng gì? Thầy tu tham quyền cố vị, ưa lập thành tích tượng to, chùa lớn thì vướng gì? Sao các vị đó không tìm cách ly dục đi? Vậy tôi xin hỏi những tỳ kheo đó có đắc định, chứng thiền không? Do vậy, Phật Hoàng Trần Nhân Tông khuyến cáo:
“Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi đưa hương
Bôn ba làm khách phong trần mãi
Ngày hết, quê xa vạn dặm trường”
….chớ ngài không bảo riêng vụ ly dục nam-nữ đâu!
Từ những điểm tham chiếu này bạn đọc và các trò hiểu rằng ngài Thích Nhật Từ muốn đề cao “sở trường”, “lợi thế” của mình là đoạn sắc (chớ không phải lìa dục) mà giương cờ lập luận, nhưng thật ra chữ “dục” không phải như ngài ấy hồ đồ giải nghĩa nhằm hạ thấp tinh thần tiến tu của cư sĩ tại gia có đời sống gia đình. Tại sao tứ chúng đồng tu (tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di) mà chỉ có chúng tỳ kheo lại chứng đắc, chúng kia lại không trong khi Đức Phật tuyên bố “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”.
khuyennguoihocphat1
“Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”

Nhân đây tôi cũng trình bày thêm rằng ngay cả những người đạt Sơ thiền đến Tứ thiền, cũng không thể đạt đến Thánh quả đạo Phật, đừng nói gì đến người tu đắc định! Vì sao vậy, bởi đắc định Sơ thiền đến Tứ thiền mới chỉ đạt cảnh giới an lạc và quang minh, đắc định Tứ không (Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ) mới chỉ đạt cảnh giới Vô niệm, Vô tâm mà Phật hoàng Trần Nhân Tông cảnh báo: “Chớ bảo Vô tâm là cứu cánh. Vô tâm còn cách một trùng quan”.

Cho dù người tu ngoại đạo hoặc đạo Phật chứng thiền từ Sơ đến Tứ thiền cũng chỉ nằm trong giới hạn tâm thiền tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả) nhưng chưa phải là Phật tâm. Muốn vậy, người tu Phật đạt cứu cánh tối thượng cần dựa trên tâm thiền, sức định mà quán chiếu 1 trong 16 đề mục Tánh Không, mới có thể hoàn thành đạo nghiệp. Mà thiền là gì? Thiền mới là 1/6 trong Lục độ Ba la mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ)! Đối với 10 hoạt động tâm linh, Thiền chiếm 1/10 (lễ bái, sám hối, cúng dường, cầu nguyện, nghe pháp, chép kinh, giảng kinh, niệm Phật, trì chú, thiền định) thì có gì là quan trọng mà ngài Thích Nhật Từ tự mình vẽ ra sự vĩ đại, quy chụp vô cớ đối tượng này được, đối tượng kia không!  Từ đây cho thấy lập luận của ngài Thích Nhật Từ “chứng đắc được sơ thiền, để từ đó đạt được tứ thiền, trên nền tảng này, chứng được Tam minh, trở thành A-la-hán” là sơ sài, thiếu am tường giáo pháp và giáo điển mà tự ý luận giải lệch quỹ đạo Chánh pháp nhằm gây nhiễu sóng thanh văn (nghe pháp).

Trong khi đó Pháp vương Gyalwang Drukpa thứ 12 trong một lần đến thăm Việt Nam đã trả lời phỏng vấn liên quan đến những trăn trở của người tu tại gia không biết liệu họ có đạt thành quả (có thể hiểu là giác ngộ) hay không. Ngài nói rằng:” Câu nói rằng nếu không đi tu (xuất gia) sẽ không đạt thành quả là không đúng. Nếu bạn đủ năng lực nội tại, làm cư sĩ sẽ rất tốt. Mỗi ngày bạn phải đối mặt với những tham lam, tham ái của đời thường. Nếu chúng ta có thể vượt qua những điều này, ta sẽ giác ngộ tốt hơn.”
          Viết đến đây tôi tán thành lập luận của trò Mật Huệ Pháp về vấn đề này “Trong Kinh Tứ thập Nhị Chương, đức Phật đã dạy rằng “Chưa đắc thánh quả chớ nên tin tâm ý mình.” Tôi không hiểu dựa vào đâu, kinh điển chính thống nào mà Ngài cho rằng người tu tại gia không giác ngộ được, không giải thoát được? Dường như với lập luận này, Ngài cố tình phủ nhận những tấm gương của những vị thánh giả nổi tiếng có đời sống cư sĩ chăng? Phải chăng Ngài cố tình nâng cao vị thế của các vị tăng sĩ và hạ thấp cơ hội đạt giác ngộ của những người tu cư sĩ? Nếu như bên Trung Quốc có cư sĩ Lý Bỉnh Nam là thầy dạy đạo cho hòa thượng Tịnh Không và rất nhiều vị cao tăng hoà thượng khác thì ở Tây Tạng, Đại sĩ Liên Hoa Sanh, một vị cư sĩ có đời sống gia đình, lại là sơ tổ của Phật Giáo Tây Tạng hay còn gọi là Mật Tông, hay Đạo sư cư sĩ Dilgo Khyentse, hay ở Việt Nam có cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng nổi tiếng đó sao? Ngài có dám chắc rằng những vị này không đạt nổi cấp sơ thiền và không giác ngộ, giải thoát được sao? Các vị đó thông báo cho Ngài biết hay do Ngài đã “đắc đạo” mà tuyên như vậy? Ngài đưa ra lập luận như vậy trong khi bên trên Ngài lại nhấn mạnh rằng tu Phật là tu trí tuệ, như theo tôi hiểu là theo như tôn chỉ của Đạo Phật: “Duy tuệ thị nghiệp”. Dùng trí tuệ để chuyển hoá tâm phàm phu thành tâm Phật, và như vậy bất kỳ ai, dù là tăng sĩ hay cư sĩ, nếu đạt được điều này đều có thể giác ngộ và đạt giải thoát và ngược lại. Điều này cũng đúng với tinh thần “tứ chúng đồng tu”, ” chúng sinh bình đẳng” mà Đức Phật đã chỉ ra Phật, điều gì Phật dạy đúng quỹ đạo Giải thoát, chúng ta y giáo phụng hành, đừng chấp nhặt vào thừa nào mà gây hiềm khích trong Tăng đoàn, rơi vào chủ nghĩa bộ phái! (Đọc “Thế nào là Kinh Phật Chính thống” trong chanhtuduy.com). Việc phân chia Đạo Phật nguyên chất hay đạo Phật pháp môn mà Ngài nêu ra thực chất chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn hệ phái, chia rẽ tăng đoàn mà thôi. bởi Đức Phật đã tuyên thuyết trong kinh A Hàm rằng: “Nước của các biển chỉ có một vị mặn. Tất cả các pháp môn của ta chỉ có chung một vị Giải thoát.” Đó cũng là tấm lòng từ bi vô lượng, tâm bình đẳng của Đức Phật đối với chúng sanh vậy. Cho dù người tu thuộc tông phái nào đi chăng nữa, tu pháp môn nào đi chăng nữa, nhưng nếu mục đích cuối cùng của họ đều là giải thoát thì có gì là sai? Chiếu theo 64 Giới nguyện Bồ Đề Tâm được trích dẫn từ luận giải của Đạo sư Tịch Thiên và cuốn Giáo lý về ba giới nguyện của Đại sư Tsewang Samdrup thì Ngài đã phạm phải lỗi:
1. Cản trở những người có giới nguyện đạt tới sự toàn giác
2. Làm cho người khác từ bỏ giải thoát cá nhân
3. Không biểu trọn vẹn mục đích của từ bi


Bên cạnh đó, Ngài khẳng định rằng không có ý định công kích bất kỳ tông phái nào, cá nhân nào nhưng Ngài có ý gì đây khi nói rằng: “Năm 2012, có một lần HT. Tịnh Không bị hớ, vì chủ trương ngày 21/12/2012 là tận thế theo niềm tin mê tín của lịch cổ Maya. Điều này đã khiến cho nhiều người bỏ công ăn việc làm, ngồi ở nhà chờ chết tập thể với những người thân. Vì mặc cảm dân tộc, nhiều người Việt Nam cứ chuộng ngoại, chạy theo Tịnh độ tông cực đoan như vừa nêu, vô tình làm chết đạo Phật Việt Nam.
Trên thực tế, cũng khó trách HT.Tịnh Không được vì Hòa thượng không được học Phật pháp tại trường Phật học đến nơi đến chốn, mà chỉ học Phật pháp với cư sĩ Lý Bĩnh Nam. Bản thân cư sĩ Lý Bĩnh Nam cũng không học Phật pháp bài bản ở các trường lớp Phật học. Do đó, những giới hạn về tri thức Phật pháp ở HT. Tịnh Không là điều dễ hiểu và thông cảm được.”

Thưa ngài Thích Nhật Từ!
Không biết Ngài đã đọc bài viết này chưa:(http://chuacaolinh.com.vn/vi/Noi-Dung-Chi-Tiet.aspx?id=380&idn=2021)? Ngài đã gọi điện trực tiếp để nêu những thắc mắc này với Hoà Thượng Tịnh Không nhằm xác thực thông tin trên hay chưa, hay Ngài chỉ dựa trên những một tờ giấy truyền tay mà đã phủ nhận mọi công hạnh của một vị Hoà thượng nổi tiếng như vậy?

Rồi thái độ coi thường với vị đạo sư cư sĩ Lý Bỉnh Nam của Ngài qua nhận xét trên khiến tôi hiểu rằng Ngài cũng đang ngầm coi thường tất cả những vị đạo sư cư sĩ Phật giáo khác, những người không qua trường lớp đào tạo chính thống nào, không có chức vụ giáo phẩm nào chăng? Nếu mục đích của Ngài muốn đề cao cái gọi là Đạo Phật Nguyên Chất mà Ngài sáng tạo tên gọi này thì mong rằng Ngài nên tập trung vào những lời dạy chính của Đức Phật để bạn đọc hiểu rõ, thay vì phủ định các tông phái khác nhằm đề cao tông phái của mình, hay thay vì ” tự đề cao mình và chê bai người khác do muốn đề cao cá nhân và trục lợi.”. Nếu quả đúng như vậy thì tôi e rằng sự chấp thủ dẫn đến chấp pháp của Ngài quá nặng rồi. E rằng thay vì truyền bá đúng tinh thần trung đạo của Đạo Phật, Ngài lại rơi vào chủ nghĩa Bổn sư thuần tuý mà thôi (trích comment của Mật Huệ Pháp)!

THAY LỜI KẾT

chuyen hoa
Dùng những năng lượng xúc tình này chuyển hoá thành năng lực tâm linh, thúc đẩy mở mang trí huệ
Trong những pháp môn tu tập của ngoại đạo, các truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ dạy rằng ngũ dục thường gây nhân xấu cho các cảm xúc tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo, và những xúc tình tiêu cực khác trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Cho nên, chúng được coi là bất tịnh, và phải được coi là độc hại, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải tránh xa! Song, không như cách trình bày trên, chúng ta lại có một cách tiếp cận khác. Nghĩa là dùng những năng lượng xúc tình này chuyển hoá thành năng lực tâm linh, thúc đẩy mở mang trí huệ. Tựa như những người có tài bào chế thuốc có thể biến những giống cây có chất độc thành những bài thuốc tốt.
Truyền thống Phật giáo Đại thừa có chỉ ra phương pháp chuyển DỤC LẠC thành AN LẠC. Để làm được như thế cần hiểu rõ cội gốc của bất an từ đâu? Một khi không thoả mãn tâm ý mình (hiện tượng này Đức Phật gọi là “khổ” (dukkha), chúng ta thường đổ lỗi vào (1) hoàn cảnh (2) ai đó (3) cái gì đó. Ta sẽ thầm trách: “Phải chi có cái đó (hoàn cảnh đó), (người đó) mình sẽ hạnh phúc?”.
Do vậy, ta liền gán lên đối tượng mình bị hấp dẫn, thay vì đúng bản chất và phẩm chất của nó, thành đối tượng lý tưởng, khác xa với thực tính của nó. Một khi đã có mục tiêu chiếm hữu thì ta phải gắng sức. Nếu thất bại là khi đối tượng ngoài tầm tay, ta sẽ đau khổ, bất mãn với mức độ phiền não nhiều hay ít, tuỳ theo mỗi cường độ khao khát của ta. Giả sử nếu thành công, thì cái mà ta chiếm hữu được cũng không đúng như mơ ước ban đầu của chúng ta. Do vậy, sau một thời gian nào đó, ta lại trở nên bất mãn với cái mình đang có bởi sự so sánh, đối chiếu với những cái khác, mà ta nghĩ là hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn. Chẳng hạn như khi còn nghèo, ở nhà thuê phòng trọ, ta mơ ước có một mái nhà, dù nhỏ cũng đã quý rồi! Khi được nhà như vậy, thời gian sau khi đã thoả mãn sự hiện hữu của nó, nhàm chán sự tiện nghi ấy, nhìn thấy những nhà khác khang trang hơn, ta lại thầm muốn có một ngôi nhà mới khá hơn.

Thanhtangthogmezangpo
Thành tựu giả Thogme Zangpo
Những ý tưởng nhị nguyên như vậy sẽ tràn ngập trong tâm trí khi chúng ta bất mãn với cái mình đã có, và muốn tìm đối tượng khác có thể đem đến sự thoả mãn mà mình đang mong ước. Rồi sau đó trạng thái tâm lý cũ được tái diễn cho đến khi sức cùng lực kiệt mà ước muốn vẫn còn hừng hực… Không ngẫu nhiên mà thành tựu giả Thogme Zangpo khuyến cáo: “Dục lạc cũng như nước muối, càng uống càng thêm khát. Hãy buông bỏ những gì gây ra tham ái. Đó là pháp hành Bồ tát đạo”( trích“Ba mươi bảy pháp hành Bồ tát đạo).
Song, cần nên hiểu, “buông bỏ” là buông bỏ những gì gây ra trạng thái tham ái cho tâm ta, chứ không phải cái gì cũng buông bỏ, tựa như học thuyết Mác Lê có viết về phủ định: Phủ định có chọn lọc chứ không phủ định sạch trơn. Đó
Lama Thubten Yeshe (1935-1984) – người sáng lập quỹ bảo tồn truyền thống Đại thừa (FPMT)
Khi kinh nghiệm một điều thú vị nào đó, chúng ta chấp nhận nó một cách dễ chịu, hưởng niềm vui mà nó dành cho mình, không đòi hỏi nó điều gì hơn.
 xả ly đúng nghĩa của đạo Phật. Về quan điểm này trong một lần khai thị đồ chúng Phật tử, Yeshe Rinpoche dạy : “Khi kinh nghiệm một điều thú vị nào đó, chúng ta chấp nhận nó một cách dễ chịu, hưởng niềm vui mà nó dành cho mình, không đòi hỏi nó điều gì hơn. Chúng ta có thể có thái độ thoải mái như vậy vì hiểu rằng những lạc thú đó là vô thường, và hơn nữa, vì chúng ta nhắm đến một hình thức hạnh phúc cao hơn, đó là sự tiếp cận chân tính. Với mục tiêu cao cả này, chúng ta không bị những dục lạc mà mình thọ hưởng lôi cuốn, mà cũng không buồn khi sự việc không tốt đối với mình. Nói cách khác, thay vì nương tựa vào các đối tượng của các giác quan như giải pháp để đạt thoả mãn, chúng ta đặt niềm tin vào tiềm năng nội tại của mình…” ( trích “Mật giáo nhập môn – quan kiến về Tánh Không” trang 59).

Tuy nhiên, trên phương diện ứng dụng giáo pháp, để thực hiện xả ly cần phải có một cơ chế vận hành trong quỹ đạo chánh pháp. Điểm quan yếu ở đây, như đã nói trên, gói gọn trong 2 từ “CHUYỂN HÓA”. Khi đã quán triệt quan điểm chuyển hoá, chúng ta có thể đối mặt với dục lạc, sử dụng năng lực của chúng biến thành năng lực của an lạc. Do đó, đối với dục lạc, tức là ngũ dục (sắc thanh hương vị xúc)  thay vì xả ly như những truyền thống ngoại đạo, thì các tông phái Phật giáo Đại thừa, nhất là  Mật tông, vẫn an nhiên thọ lạc như bao nhiêu người khác. Điều này có nghĩa là chúng ta không ngại đối đầu với dục lạc mà nhìn thẳng vào bản chất của dục lạc để tỉnh giác, và áp dụng trong đời sống tâm linh. Về quan kiến này Pháp vương Gyalwang Drukpa XII huấn thị: “Cuộc sống phải được hiểu là Pháp và Pháp phải được hiểu là Cuộc sống”. Đây là trường hợp của những cư sĩ tại gia trên đạo trình tiến tu giải thoát.

Song, điều kỳ diệu ở đây là hành giả vẫn chuyển năng lực hưởng thụ của mình thành pháp tu tập nhanh và mạnh để đạt giác ngộ.  Chuyện kể rằng có một vị vua thỉnh cầu Đức Phật dạy cách phát triển tâm linh thích hợp với người giữ nhiệm vụ xã hội quan trọng. Vị vua nói: “Tôi có bổn phận lãnh đạo thần dân của mình, không thể bỏ bê họ được. Tôi không thể làm như ngài là buông bỏ tất cả, đi vào rừng núi sống cuộc đời của một tu sĩ. Tôi muốn biết cách nào tu tập trong đời sống vương giả, xin ngài chỉ giáo”. Đức Phật trả lời rằng ngài có một phương pháp như vậy, đó là pháp tu Mật giáo. Ngài nói: “Với phương pháp này, một vị vua có thể song hành đời đạo, nghĩa là không cần phải bỏ một lạc thú vương giả nào”. Ngài bảo nhà vua rằng ông ta có thể tận hưởng mọi thú vui mà vẫn tiến tu giải thoát. Giáo lý mà đức Phật chỉ dạy nhà vua là Đạo pháp Kalachakra, hay Vòng Thời Gian, dòng truyền thừa giáo lý này cũng như những giáo lý Mật giáo khác, đã được duy trì không gián đoạn cho đến ngày nay. Yeshe Rinpoche khẳng định “Đã có vô số người Ấn Độ và Tây Tạng đạt giác ngộ tối thượng bằng những pháp tu tập này, tuyệt đối không không có lý do gì để chúng ta không thể hưởng lợi ích như họ”.
Làng Phước Thành ngày 12/11/2015
Thinley- Nguyên Thành
http://chanhtuduy.com/cai-bay-cua-tam-thuc/




1. Trình bày của Thích Nhật Từ  



 
26.008 lượt xem

1 nhận xét:

  1. Tôi không biết phải giới thiệu như thế nào. Quyển sách mà các bạn sẽ đọc sau đây là tác phẩm vô cùng quý cho những người thành tâm tìm đạo. Không phải bằng sự tin tưởng, cầu nguyện, mà bằng sự sáng suốt. Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “ Duy Tuệ Thị Nghiệp ”. Như người đi đêm chỉ cần một ánh đèn là đũ. Nếu những lời hay, sách quý đúng vào mục đích nhất là mục đích cốt tủy của người tầm đạo thì thật là như một ngọn đèn sáng. Trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm “ Ý Thức là Tất Cả ” của Peter Francis Dziuban do Ông Vũ Toàn biên dịch và gửi tặng. Đây là một quyển sách nói về Phật tánh ( Tánh Biết, Bản lai diện mục, Chơn Tâm…) do một tác giả Tây Phương viết với văn phong hiện đại. Một quyển sách chỉ trực tiếp cho hành giả thấy lại “ viên ngọc bỏ quên trong chéo áo của mình ”. Cảm nhận riêng tôi đây là một tác phẩm rất xuất sắc. Thật là một duyên lành, phước báu lớn cho người tìm đạo khi đọc quyển sách này. Cùng vài quyển sách Đạo khác. Nếu các bạn muốn, xin vào trang web chuabenhdongian.com và để lại email tôi sẽ gửi quyển sách này và vài quyển sách Đạo hay, đến các bạn

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.