Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/04/2016

Bút kí học thuật : Phân tích diễn ngôn (bài Lương Văn Hy)


Bài từ trang sociallife.

---




GS Lương Văn Hy là nguyên trưởng khoa Nhân học, Đại học Toronto, Canada. Trong vài thập kỷ gần đây ông thường về Việt Nam nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu về các chủ đề về ngôn ngữ, vốn xã hội, xuất cư, an sinh và kinh tế hộ gia đình. Với chương trình Café học thuật lần này, giáo sư sẽ trình bày về chủ đề phân tích diễn ngôn.

Từ “diễn ngôn”, “phân tích diễn ngôn” (discourse, discours) được sử dụng rất nhiều trong học thuật của Tây phương, trong khoảng độ bốn thập kỷ vừa qua. Diễn ngôn ở đây có thể là lời nói, có thể là ngôn từ trong văn bản và, trong lý thuyết của nhà triết học Michel Foucault, cũng có thể là kiến thức đã được thể chế hóa.
Diễn ngôn được các nhà nghiên cứu phân tích nằm trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống: có thể là diễn ngôn giao tiếp hàng ngày trong gia đình, giữa bạn bè và những người thân thuộc; có thể là diễn ngôn trong văn chương hay trong khoa học; có thể là diễn ngôn trong sách giáo khoa hay trong lĩnh vực giáo dục; trong quảng cáo và truyền thông đại chúng; trong những bài diễn văn chính trị, hay trong văn bản hành chánh hay pháp luật, v.v… Khi phân tích diễn ngôn, có rất nhiều những phạm trù khác nhau mà nhà nghiên cứu cần phải lưu tâm đến, gọi là chủ điểm để phân tích. Do đó phân tích diễn ngôn thật sự là một mảng rất đa dạng, trong đó người ta có thể nghiên cứu, có thể ứng dụng, cũng như là quan niệm học thuật của rất nhiều ngành học thuật khác nhau.
Tôi tạm thời chia ra hai cái cách tiếp cận chính trong nghiên cứu diễn ngôn. Một cách tiếp cận là tập trung phân tích, thường ở cấp độ vi mô, cái quy ước mang nặng tính văn hóa xã hội hay là những quy luật có tính phổ quát hơn, những quy luật mà một số nhà nghiên cứu cho là nó vượt ra khỏi cái khung văn hóa xã hội, phổ quát ở những nền văn hóa xã hội khác nhau. Đó là các quy ước, quy luật trong giao tiếp sử dụng ngôn từ. Cách tiếp cận thứ hai là tập trung phân tích diễn ngôn trong mối tương quan với ý thức hệ và quyền lực, nhấn mạnh đến cái mâu thuẫn, có thể ở dạng tiềm năng, trong văn hóa – xã hội – kinh tế – chính trị. Hướng tiếp cận thứ hai này gắn liền với một số lý thuyết mà chúng ta có thể đã nghe nói đến như hậu hiện đại luận, cấu trúc luận, lý thuyết Marxist, v.v… Tóm lại, cách tiếp cận diễn ngôn ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn từ trong lời nói, trong văn bản. Đó là cách tiếp cận tôi nghĩ là phát triển mạnh nhất trong ngôn ngữ học xã hội, trong ngữ dụng học và nhân học ngôn ngữ. Cách tiếp cận thứ hai như vừa nêu phổ biến hơn ở các ngành như văn học, triết học, chính trị học và cả trong nhân học.
Cách tiếp cận tập trung vào ngôn ngữ
Tôi xin trình một cách cơ bản với các bạn cách tiếp cận thứ nhất. Có một cái lý do mà nhiều nhà ngôn ngữ học, gồm cả những nhà ngữ dụng học, và nhà nhân học tập trung vào phân tích diễn ngôn. Một trong những khởi điểm của họ là luận điểm của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Ferdinand de Saussure, ông tổ của cấu trúc luận. Saussure cho rằng ngôn ngữ học nên tập trung đến ngôn ngữ, chứ không nên chú tâm vào lời nói hay ngôn từ. Ví dụ khi đề cập đến người cha trong vai trò là ngôi thứ ba trong ngôn ngữ Việt Nam có thể gọi là ba hay bố. Nhưng thực ra có những cách đề cập rất khác nhau. Có thể có những cách đề cập về người cha của mình một cách không long trọng bằng, ví dụ gọi là “ông cụ”. Việc lựa chọn giữa gọi là “ba tao”, “ba tôi” hay “ông cụ tôi” là sự lựa chọn trong cảm hứng cụ thể của người nói. Và khi người nói lựa chọn giữa những biến thể trong từ ngữ đó khi đề cập đến một nhân vật cụ thể, người nghe sẽ hiểu ngay là ta đang đề cập đến ai.
Thì Saussure coi đó là một ví dụ cho phạm trù gọi là lời nói. Còn ngôn ngữ, đối với Saussure, có một số quy luật cụ thể. Lấy tiếng Việt làm ví dụ, 100 năm sau có lẽ không ai trong chúng ta còn sống, nhưng tiếng Việt với những quy luật của nó về mặt cú pháp, ngữ nghĩa, hệ thống từ thân tộc, sự phân chia nam nữ rõ ràng, đề cập đến cha hoặc mẹ, đề cập đến quan hệ bên nội và bên ngoại, vẫn còn tồn tại. Trong tiếng Anh chẳng hạn, một số từ thân tộc như “uncle” được dùng chung cho cả “chú”, “bác” lẫn “cậu”, họ không phân biệt bên nội và bên ngoại, họ cũng không phân biệt người đó là anh hay em của cha, anh hay em của mẹ. Trong Tiếng Việt thì sự phân biệt đó rất quan trọng. Chúng ta là những người sử dụng ngôn ngữ, một thế kỷ sau không ai còn ở đây cả, nhưng cái ngôn ngữ được Saussure gọi là “sự kiện có tính chất xã hội” (social fact) thì vẫn tồn tại và có những quy luật riêng của nó. Còn cái gọi là ngôn từ lại là cái mà người nói lựa chọn sử dụng ở một thời điểm cụ thể.
Saussure nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngôn ngữ học, ông cho rằng khi chúng ta lựa chọn lời nói sẽ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý, cách diễn đạt và nhiều thứ khác nữa. Do đó Saussure cho rằng không cần quan tâm đến lời nói mà chỉ cần quan tâm đến ngôn ngữ thôi. Bởi vì lời nói có thể sẽ biến dạng tùy vào cảm hứng và tâm lý của người nói, rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lời nói và Saussure nghĩ rằng ngôn ngữ học không thể hệ thống được hết. Vì thế, luận điểm mà ngày nay chúng ta gọi là diễn ngôn không phải là trọng điểm của ngôn ngữ học.
Nhưng ngôn ngữ học hay một số ngành khoa học xã hội khác như nhân học đặt lại vấn đề là: việc sử dụng ngôn từ hay diễn ngôn đều tuân theo một số quy luật, quy ước cụ thể mà Saussure phải chăng đã coi nhẹ nó. Và ở đây các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội, nhân học ngôn ngữ cũng cho rằng chúng ta phải tìm cách hiểu được tại sao diễn ngôn không ổn định, tại sao cùng một người nói, nhưng lúc thì gọi cha mình là “ba”, lúc lại gọi là “ông già” hoặc “ông cụ”. Tất cả những cái chuyển biến đó cần phải được giải thích để hiểu rõ. Nói chung, trong khoa học xã hội Tây Phương, chủ điểm chung luôn là “làm cách nào để giải thích được hành vi của con người, gồm cả hành vi lời nói”. Do đó, từ thập kỷ 1960 cho đến nay, người ta không ngừng nỗ lực tìm cách giải thích sự lựa chọn của con người trong hành vi và lời nói. Trong đó, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội, ngữ dụng học, nhân học ngôn ngữ quan tâm rất nhiều đến quy ước, mà các quy ước thường mang nặng tính xã hội, hoặc là những quy luật có tính phổ quát hơn.
Yếu tố giới tác động đến cách lựa chọn ngôn từ trong diễn ngôn
Tôi xin đưa ra hai ví dụ: một ví dụ là nghiên cứu nhấn mạnh nhiều đến cái gọi là quy ước ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngôn từ hay là phong cách diễn ngôn; và một thí dụ nữa nhấn mạnh nhiều hơn đến cái gọi là quy ước. Thí dụ đầu tiên là nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học xã hội Deborah Tannen, một nhà nghiên cứu phải nói là rất thành công, sách của bà bán rất là chạy, phải gọi là best-seller ở Mỹ, những người ngoài ngành học thuật vẫn đọc rất nhiều và những người cố vấn tâm lý về vấn đề hôn nhân gia đình đều nói rất nhiều về quyển sách này. Nghiên cứu của Tannen liên quan đến phong cách diễn ngôn của nam và nữ trong giới trung lưu người da trắng ở Mỹ.
Tôi xin bắt đầu bắt đầu bằng một thí dụ dễ hiểu hơn từ quan sát tham dự của Deborah Tannen. Một người phụ nữ tên Eve phải giải phẫu một khối xơ cứng trong nhũ hoa. Sauk hi giải phẫu, bà ta than phiền về vết giải phẫu và cảm thấy chán nản khi nhìn thấy những dấu kim và thẹo ở chỗ giải phẫu đấy. Bà ta than phiền với rất nhiều bạn bè và người trong gia đình. Khi bà than phiền với những người chị hay bạn gái, họ thường trả lời: “I know, when I had operation, I felt the same way”, “I know, it is like your body has been violated.” Tức là: “Tôi biết mà, khi tôi bị giải phẫu tôi cũng thấy như thế thôi”, “Tôi biết là lúc đó mình cảm thấy thân thể của mình bị vi phạm”. Ở đây, những người phụ nữ này diễn đạt sự đồng cảm với Eve. Còn khi bà Eve này diễn đạt cùng một ý tưởng ấy với chồng bà là Mark thì được đề nghị là: “Có gì đâu, đi giải phẫu thẩm mỹ đi thì sẽ hết mấy cái thẹo đó thôi”. Bà Eve cảm thấy rất bực tức, trả lời rằng: “I am not having any more surgery. I am sorry you don’t like the way it looks.” Tức là: “Tôi sẽ không giải phẫu nữa đâu, anh mà không thích vết mổ như thế thì ráng mà chịu thôi”. Hai vợ chồng ở đây đã hiểu lầm nhau. Ông chồng khi nghe lời than của bà vợ thì nghĩ ngay đến cách giải quyết vấn đề. Còn bà vợ than như thế thôi chứ thật ra đâu có muốn đi giải phẫu nữa. Khi nghe ông chồng nói chuyện giải phẫu thẩm mỹ, bà nghĩ rằng ông chồng không thích cái nhũ hoa của bà có thẹo như thế nên khó chịu và nổi giận với ông chồng.
Tannen đã dùng ví dụ này và nhiều ví dụ khác trong nghiên cứu của bà không chỉ để minh họa cho phong cách diễn ngôn, phong cách giao tiếp của tầng lớp trung lưu người da trắng ở Mỹ, mà thực ra bà đang nói đến hai kiểu văn hóa giao tiếp, một là kiểu văn hóa giao tiếp của nam giới, hai là kiểu văn hóa giao tiếp của nữ giới. Theo quan điểm của Tannen thì diễn ngôn của nữ giới nhấn mạnh nhiều hơn đến sự đồng cảm và quan hệ tình cảm, còn ngôn từ của nam giới nhấn mạnh đến giải pháp cho các vấn đề và cũng nhấn mạnh đến cái yếu tố vị thế xã hội (status). Ở đây, Tannen đang tìm cách giải thích là tại sao cũng trong một cảnh huống đó thì chị hay là bạn gái của bà Eve dùng một cách diễn ngôn nhấn mạnh đến sự đồng cảm, còn ông chồng thì lại đi tìm giải pháp cho vấn đề. Yếu tố giới là rất quan trọng. Phong cách diễn ngôn của nam và nữ thực ra đang phản ánh giá trị của nền văn hóa đấy. Ví dụ đối với người nữ, khi diễn đạt sự đồng cảm tức là diễn đạt nữ tính, những giá trị của kiểu văn hóa giao tiếp của nữ giới. Còn phong cách diễn ngôn nhấn mạnh đến giải pháp, đến vị thế xã hội, thì theo Tannen, trong nền văn hóa của người trung lưu da trắng ở Mỹ, nó thể hiện nam tính của người nói.
Sự tác động của duy lý và thể diện đến lựa chọn ngôn từ trong diễn ngôn
Điểm nhấn thứ hai trong cách tiếp cận nhấn mạnh đến các quy ước văn hóa xã hội, các quy luật, để tìm cách lý giải sự biến dạng của diễn ngôn là mô hình nghiên cứu của nhà Nhân học Penelope Brown và nhà ngôn ngữ học Steven Levinson. Đây gọi là mô hình lựa chọn duy lý trong việc giải thích cách lựa chọn ngôn từ trong diễn ngôn. Mô hình của Brown và Levinson dựa trên giả định rằng mọi người nói đều có hai đặc tính, thứ nhất là duy lý (reasonal) và thứ hai là thể diện (face). Duy lý ở đây là người nói có mục đích khi lựa chọn cách nói nào ít thiệt thòi hoặc có lợi hơn cả cho mình. Duy lý theo mô hình của kinh tế học là người mua hay người bán đều làm theo hướng giảm sự thiệt thòi và tăng lợi ích cho mình.
Về thể diện thì con người có hai nhu cầu: một là nhu cầu là không bị cản trờ, hay có thể gọi là nhu cầu về quyền lực, nghĩa là mình muốn gì thì mình đạt được cái đó, không bị người khác cản trở, tạm gọi là nhu cầu quyền lực. Nhu cầu thứ hai là nhu cầu được người khác tán thưởng hay ưa thích, có thể gọi là nhu cầu đồng cảm, tức là những gì mình muốn và thấy quan trọng thì người khác cũng thấy đồng cảm với mình. Ví dụ tôi đang nói chuyện với một bạn sinh viên. Tôi đang nói chuyện rất say mê nhưng bạn sinh viên thì thấy hơi chán, trong bụng muốn chấm dứt cuộc nói chuyện này, chứ ngồi chịu trận thêm hai tiếng nữa thì quá mệt mỏi. Trong bối cảnh đó, trên nguyên tắc bạn sinh viên có thể có một số lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất, bạn sinh viên sẽ nói rằng: “Em chả hiểu cái gì cả, chán quá”. Cái đó gọi là nói thẳng, nói tất cả những gì mình suy nghĩ, không che đậy, không có bù đắp, không giấu diếm gì cả, nghĩ gì nói đấy. Cách đó trong bối cảnh Việt Nam, nhất là khi có sự khác biệt trong vị thế xã hội giữa thầy và trò, thì có lẽ là người trò sẽ không nói với thầy những câu như thế.
Ở một thái cực khác, do nói như thế kia thì đụng chạm đến cái sĩ diện của người thầy, nên người sinh viên đó đành “chịu trận”, thầy nói say mê quá thì cứ để thầy nói, khi nào chấm dứt thì mình đi. Chịu trận như vậy cũng có một cái thiệt thòi là mất thời gian, ngồi nghe chán, không hiểu gì cả mà vẫn phải ngồi nghe. Đó là một chiến lược giao tiếp nữa. Nhưng giữa hai thái cực đó cũng có một số chiến lược giao tiếp khác. Một chiến lược khác là nói thẳng như có bù đắp, “Thưa thầy trình độ của em cũng chưa hiểu hết được những điều thầy nói, nhưng mà nghe cũng hay hay. Vấn đề này rất là quan trọng”. Chiến lược này làm nhẹ đi cái ý của người nói, ý là “thôi thầy tha cho em”, nhưng phải có ý tán thưởng rằng cái chủ đề đó cũng hay, lịch sự tán thưởng vấn đề người thầy đang đề cập đến. Đó cũng là hướng tôn trọng quyền lực khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của người thầy. Cũng có một chiến lược giao tiếp nữa, trong trường hợp này thì không nói gì cả nhưng cứ độ năm phút lại nhìn đồng hồ một lần. Tuy rằng người sinh viên không nói gì cả nhưng đó là một thông tin gián tiếp, tức là “Em hơi sốt ruột đấy”. Không nói thẳng nhưng đó cũng là một chiến lược giao tiếp nữa.
Brown và Levinson cho rằng cách diễn đạt là do sự lựa chọn của người nói và sự lựa chọn này chịu ảnh hưởng bởi thể diện của cả người nói lẫn người nghe. Nếu trong trường hợp người nghe không phải người thầy, hoặc là một người ngang hàng với mình, thì Brown và Levinson tiên đoán là người nói sẽ chọn những chiến lược khác. Khi có sự khác biệt về vị thế xã hội và quyền lực thì người ta sẽ lựa chọn cách nói gián tiếp hoặc không làm gì cả, chịu trận. Còn nếu người nghe có quyền lực ngang mình hay thấp hơn mình thì có thể lựa chọn cách nói thẳng, không che đậy hay bù đắp gì cả. Brown và Levinson đã giải thích cách thức người ta lựa chọn chiến lược giao tiếp, vì sao lại chọn cách này mà không chọn cách khác. Sự lựa chọn phong cách diễn ngôn chịu sự chi phối mang tính quy ước, không chỉ ở Mỹ hay Việt Nam mà nó phổ quát trong tất cả xã hội loài người, v.v…
GS.TS. Lương Văn Hy
Nguồn: Bút ký cafe học thuật
http://sociallife.vn/cac-cach-tiep-can-chinh-trong-phan-tich-dien-ngon/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.