Quan điểm của cụ Trần Lâm Biền, xuất hiện từ năm 2009.
---
PGS Trần Lâm Biền: Đừng nôn nóng đề cử hầu đồng là di sản thế giới
(TT&VH) - Tôi không tán thành ý tưởng đệ trình hầu đồng lên UNESCO để hi vọng được xếp hạng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, ít ra là trong lúc này. Chúng ta chưa hề có một quá trình nghiên cứu và tìm hiểu cặn kẽ về hiện tượng này, trong khi hầu đồng hiện tại đã biến đổi quá nhiều so với bản chất thật của nó - PGS Trần Lâm Biền, Cục Di sản Văn hóa, khẳng định. Điều đáng nói, dù phản đối ý tưởng này nhưng ông chính là một trong những người có thâm niên nghiên cứu và bênh vực đạo thờ Mẫu cũng như tục hầu đồng từ nhiều năm nay.
Đồng “tỉnh” thì không có giá trị
PGS Trần Lâm Biền cho biết:
- Thật sự, hầu đồng sẽ rất hay nếu tiếp cận nó như một hiện tượng văn hóatâm linh. Muốn vậy, người ta phải tìm hiểu đầy đủ về đạo thờ Mẫu - “bệ đỡ” của hầu đồng. Đi xa hơn, cần hiểu được một hệ thống rất phức tạp những thần linh, tín ngưỡng, cách tư duy... liên quan tới dòng chảy của trục xương sống ấy. Khái niệm hầu đồng mới được nghiên cứu như một hiện tượng văn hóa từ khoảng 15 năm nay. Nhiều khi, bản thân giới nghiên cứu cũng có những sai lầm và lệch lạc trong việc tìm hiểu về nó. Điển hình là trường hợp liên hoan hầu đồng tại Kiếp Bạc cách đây vài năm, do một cơ quan nghiên cứu tổ chức. Kiếp Bạc là nơi thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo - TT&VH), và có tục lên đồng thật, nhưng đó là dòng Thanh Đồng trừ tà sát quỷ, khác hẳn với hình thức hầu đồng của đạo Mẫu. Vậy mà nơi tổ chức lại bố trí đưa hầu đồng của đạo Mẫu vào điện thờ...
PGS Trần Lâm Biền
* Nhưng về bản chất, sự độc đáo của hầu đồng có xứng đáng để được đệ trình lên UNESCO không, theo ông?
- Về hình thức, hầu đồng chỉ có ý nghĩa nếu người hầu đồng thật sự đạt tới trạng thái yoga tinh thần một cách cao siêu. Có nghĩa, khi đó họ sẽ quên hết thực tại và bắt đầu tiếp cận được những bồng bềnh ảo ảnh thực hư, ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy con người. Nếu không có điều ấy thì hầu đồng chỉ là một hình thức diễn xướng mà thôi.
Để phân biệt điều ấy, dân gian vẫn gọi vui bằng các khái niệm “đồng tỉnh” và “đồng mê”. Chẳng hạn, cách đây vài chục năm, hầu đồng không được tán thành. Có những con đồng tổ chức hầu đồng “chui” tại nhà, đang say sưa lên đồng nhưng cơ quan kiểm tra bước vào thì vẫn biết bỏ điện thờ chạy té tát. Như vậy là “đồng tỉnh” đấy (cười). Và “đồng tỉnh”, tôi cho rằng không có giá trị.
Hầu đồng đã đi xa khỏi bản chất của nó
Hầu đồng đã đi xa khỏi bản chất của nó
* Vậy, ở góc độ diễn xướng, chẳng lẽ hình thức hầu đồng không có giá trị nào ư, theo ông?
- Tôi khẳng định lại, nếu không đạt tới tình trạng vẫn được gọi là “yoga tinh thần” thì hầu đồng chỉ là một buổi diễn xướng đơn thuần. Sự độc đáo nếu có nằm ở việc người hầu đồng trong cùng một vấn đồng lần lượt vào nhiều vai khác nhau... Nhưng chỉ vậy thì không đủ, cái ấy nghệ thuật sân khấu còn làm tốt hơn nhiều.
Theo như tôi biết, hầu đồng nguyên thủy không thay đổi nhiều trang phục theo từng giá đồng như vậy, và việc ban lộc, ban tiền cho người xem cũng chỉ là rất tượng trưng thôi. Còn khi vào đến thành thị hiện nay, hầu đồng nặng về phô trương, hình thức và bị biến tướng đi khá nhiều.
Hầu đồng. Ảnh có tính chất minh họa
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Tạm thời, tôi chưa nói tới việc hầu đồng bị lợi dụng vào mục đích mê tín dị đoan. Nhưng, đi vào thành thị, hình thức hầu đồng dần chịu sự chi phối của kinh tế, thương mại khi người ta gắn nó với các yếu tố của đời thường. Chẳng hạn là tâm lý “tốt lễ dễ kêu”, đồ lễ càng đủ đầy, càng nhiều càng tốt. Làm như vậy thì hầu đồng đã đi xa khỏi bản chất của nó quá nhiều. Rồi nói thẳng, các buổi hầu đồng hiện nay, “đồng tỉnh” thì nhiều mà “đồng mê” thì ít...
* Vậy quan điểm cuối cùng của ông là...?
- Muốn đệ trình lên UNESCO, chúng ta hãy đệ trình hầu đồng với đầy đủ những độc đáo và bản sắc riêng của nó, chứ không phải là khoe mẽ nhảy múa. Nếu không, đừng mong UNESCO công nhận nó vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Nói thẳng, trên thế giới họ đã quan tâm rất nhiều tới văn hóa dân gian, đã từng hiểu thế nào là saman giáo (các hình thức tôn giáo tín ngưỡng có hiện tượng thần linh “nhập” vào con người - PV) , từng hiểu những vấn đề về tâm linh, tín ngưỡng ở những vùng sâu của châu Phi và châu Mỹ Latin. Kiến thức, phương pháp và quá trình nghiên cứu của họ rất đầy đủ, đầy đủ hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta mang nghệ thuật hầu đồng tới, họ sẽ nhìn ngay được phần nào là thật, phần nào là giả trong đó.
Muốn đưa hầu đồng lên UNESCO phải chuẩn bị đầy đủ, phải nghiên cứu cẩn thận và làm bởi nhiều bộ óc lớn, phải có những người thật sự đau đáu đắm chìm với nó, chứ không phải là đơn giản cứ đệ trình lên là xong đâu.
* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Nguyên (thực hiện)
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/pgs-tran-lam-bien-dung-non-nong-de-cu-hau-dong-la-di-san-the-gioi-n200908010119065.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.