Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/01/2016

Một vụ đạo văn mới

Sự kiện này mình đã nghe bằng lời trực tiếp từ cuối năm ngoái (2015).

Bây giờ thấy bắt đầu lên mặt báo.

Gom từ cái nơi về.




---


1.




07/01/2016 10:15 GMT+7
TT - Cuốn sách giáo trình đại học "Ký hiệu học văn hóa" đã sao chép vài đoạn trong cuốn "Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết".
Cuốn sách Ký hiệu học văn hóa (phải) và cuốn sách Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết - Ảnh: V.V.TUÂN
Cuốn sách Ký hiệu học văn hóa (phải) và cuốn sách Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết - Ảnh: V.V.TUÂN
Cuốn sách giáo trình đại học Ký hiệu học văn hóa (NXB Thông Tin - Truyền Thông, 2015), do 
PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên chủ biên, cùng PGS.TS Cung Dương Hằng thực hiện, đã sao chép vài đoạn trong cuốn Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết của TS Đinh Hồng Hải (NXB Thế Giới, 2014).
Cuốn sách này có những đoạn văn giống gần như nguyên vẹn của TS Đinh Hồng Hải. Cụ thể, trang 30-31 cuốn Ký hiệu học văn hóa được lấy từ trang 31-32 cuốn Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết khi nói về ký hiệu thông tin.
Trang 140 cuốn giáo trình này cũng có nhiều câu giống các câu trong bài viết của TS Đinh Hồng Hải trên tạp chí Dân Tộc Học số 5, 2011 (tr.59) như: “Nhân học biểu tượng đề cập đến văn hóa như một thực thể có tính độc lập tương đối, là một hệ thống ý nghĩa mà qua đó các nhà nhân học muốn tạo ra để giải mã và diễn dịch các biểu tượng và các nghi lễ trọng tâm”; “Văn hóa và hệ thống ý nghĩa của nó là đối tượng chính của nhân học biểu tượng”...
Thậm chí, ngay phần Lời nói đầu của cuốn Ký hiệu học văn hóa cũng có đoạn giống với trang 387 trong cuốn sách của TS Đinh Hồng Hải:
“Các biểu tượng trong văn hóa là đối tượng nghiên cứu vô cùng hấp dẫn nhưng cũng hết sức phức tạp do tính đa nghĩa và trừu tượng của nó, đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải có những “công cụ” nghiên cứu một cách hiệu quả. Một trong những công cụ hiệu quả nhất để tiếp cận đối tượng nghiên cứu này là phương pháp luận của khoa học về các ký hiệu (ký hiệu học). Ở Việt Nam hiện nay, ký hiệu học mới chỉ được tiếp cận ít nhiều dưới góc nhìn của ngôn ngữ học, văn học... mà chưa được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nghệ thuật”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên thừa nhận sơ suất là trong cuốn sách do ông làm chủ biên có lấy lại một số thông tin từ các bài viết của TS Đinh Hồng Hải.
“Khi cuốn sách của chúng tôi in ra thì tôi chưa có trong tay cuốn sách của TS Đinh Hồng Hải. Nhưng tôi có tiếp nhận một số thông tin mà anh Hải đăng tải lên mạng. Chúng tôi có sơ suất là lấy hai đoạn từ trên mạng của anh Hải, nhưng không ghi nguồn.
Tôi cũng đã gửi lời xin lỗi TS Đinh Hồng Hải và hứa trong những cuốn sáchKý hiệu học văn hóa còn lại của ĐH Văn hóa TP.HCM tôi sẽ làm một tờ đính chính, chỗ nào có xuất xứ từ trang mạng nào thì sẽ ghi rõ nguồn của những đoạn đó” - 
PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên nói.
Tuy nhiên TS Đinh Hồng Hải cho rằng: “Sẽ rất khó để đính chính lại các cuốn sách Ký hiệu học văn hóa đã phát hành mà cần phải thu hồi toàn bộ để sửa chữa lại”.
Vũ Viết Tuân
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160107/giao-trinh-ky-hieu-hoc-van-hoa-sao-chep-vai-doan-tu-sach-khac/1033966.html

2. Bài của Kiều Mai Sơn trên Dân Việt



authorKiều Mai Sơn Thứ Hai, ngày 18/01/2016 06:43 AM (GMT+7)

(Dân Việt) Cử nhân đạo văn của thạc sĩ, thạc sĩ đạo văn của tiến sĩ (TS), TS đạo văn của giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS), chuyện này xảy ra khá nhiều. Nhưng PGS đạo văn của tiến sĩ như trường hợp PGS Nguyễn Tri Nguyên thì hơi hiếm.


   
“Sao y bản chính”
Đó là “Giáo trình đại học Ký hiệu học văn hóa” do PGS-TS Nguyễn Tri Nguyên (chủ biên) – TS Cung Dương Hằng, NXB Thông tin và Truyền thông phát hành, in xong và nộp lưu chiểu quý II.2015. Cuốn sách này có nhiều đoạn sao chép nguyên văn từ sách “Nghiên cứu biểu tượng – Một số hướng tiếp cận lý thuyết”, của TS Đinh Hồng Hải, do NXB Thế giới phát hành năm 2014.


pho giao su dao van cua tien si? hinh anh 1
“Giáo trình đại học Ký hiệu học văn hóa” do PGS-TS Nguyễn Tri Nguyên (chủ biên) và sách “Nghiên cứu biểu tượng – Một số hướng tiếp cận lý thuyết” của TS Đinh Hồng Hải.  Ảnh: K.M.S

Ngay từ Lời nói đầu của sách, PGS Nguyễn Tri Nguyên (chủ biên) viết: “Các biểu tượng trong văn hóa là đối tượng nghiên cứu vô cùng hấp dẫn, nhưng cũng hết sức phức tạp do tính đa nghĩa và trừu tượng của nó, đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải có những “công cụ” nghiên cứu một cách hiệu quả. Một trong những công cụ hiệu quả nhất để tiếp cận đối tượng nghiên cứu này là phương pháp lập luận của khoa học về các ký hiệu (ký hiệu học).

Ở Việt Nam hiện nay, ký hiệu học mới chỉ được tiếp cận ít nhiều dưới góc nhìn của ngôn ngữ học, văn học… mà chưa được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nghệ thuật” (tr.3). Đoạn mở đầu ấy sao chép từ mục 3 “Khoa học về các ký hiệu”, phần III “Văn hóa và biểu tượng” trong sách của TS Hải.

Trang 30 của sách do PGS Nguyên chủ biên, phần viết về Umberto Eco và ký hiệu học Văn hóa phát triển, cũng có đoạn tương tự với trang 31-32 cuốn sách của TS Hải. Còn nhiều đoạn sao chép khác ở trang 140 của cuốn sách lấy trong bài viết “Nghiên cứu Văn hóa từ góc nhìn Nhân học biểu tượng” của TS Đinh Hồng Hải đăng trên Tạp chí Dân tộc học số 173, tháng 5.2011 và những tài liệu có liên quan.

Chủ biên “quên” chú thích


"PGS Nguyễn Tri Nguyên là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của bà Cung Dương Hằng - vừa được phong PGS Văn hóa học năm 2015. Nhưng tôi xin hai ông bà có viết lách gì thì làm ơn đừng chép của người ta như thế. Không thể xây “lâu đài” của mình bằng công sức của người khác được”.
Ông Nguyễn Thanh Lợi
Để tìm hiểu rõ vấn đề, chúng tôi đã trao đổi với PGS Nguyễn Tri Nguyên, chủ biên cuốn sách. Ông Nguyên thừa nhận: “Tôi tiếp nhận ý kiến của anh Đinh Hồng Hải là có thật. Tài liệu của anh Hải xuất hiện khá sớm. Khoảng cuối năm 2012, đầu năm 2013, tôi có đọc được trên mạng. Tôi đã tiếp nhận ý kiến của anh Hải để khu biệt với nghiên cứu Ký hiệu học mà tôi đang chủ trương. Sai sót của tôi là không ghi lại xuất xứ”.

PGS Nguyên trần tình, đây là sơ suất về kỹ thuật. “Sai sót của tôi với tư cách chủ biên là đã không đưa vào chú dẫn nguồn xuất xứ trên trang mạng của anh Hải. Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục. Còn lại vài chục cuốn sách ở Đại học Văn hóa, chúng tôi sẽ hiệu đính”- ông Nguyên khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Lợi- giảng viên Trường CĐSP Trung ương TP.HCM- phản ánh, các tác giả “Giáo trình đại học Ký hiệu học văn hóa” chép một trang trong bài “Tục vẽ mắt thuyền” mà ông đã công bố trên Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ (Thừa Thiên- Huế), số 4-5, 2004 mà không chỉ ra nguồn tham khảo. Cụ thể, ông Lợi cho biết: Trang 105 của cuốn này chép một số đoạn trong các trang 147, 148 trong bài “Tục vẽ mắt thuyền”. Ngoài ra, còn nhiều nội dung sao chép khác cũng được ông Lợi phản ánh khá rõ. 


http://danviet.vn/van-hoa/pho-giao-su-dao-van-cua-tien-si-655491.html


3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.