Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/08/2015

Thuyết mới về kinh đô của các vua Hùng : xứ Nghệ, mà không phải Việt Trì

Thuyết này đã xuất hiện từ trước. Mà một trong những người khởi xướng là cố học giả Bùi Văn Nguyên (có thể đọc một mẩu về học giả này ở đây).

Bây giờ, thêm những luận giải cùng hướng với cụ Bùi.

Toàn văn lấy về từ blog phanduykha.

---






Ngàn Hống (tức núi Hồng Lĩnh) là một trong những danh sơn của đất nước ta. Núi nằm cạnh đường 1A, phía nam cầu Bến Thủy, thuộc địa bàn các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc và Thị xã Hồng Lĩnh ngày nay. Thế núi hùng vĩ mà uy nghiêm. Theo Ngọc Phả Hùng Vương thì đây chính là Kinh đô thời Kinh Dương Vương, mở đầu triều đại các vua Hùng. Không chỉ Ngọc phả mà ngay trong thư tịch Trung Hoa cũng đã từng ghi về một Quốc gia Việt Thường trong thời cổ sử. Sách Thông Chí của Trịnh Tiều đời Tống chép: “Đời Đào Đường Nam di có Việt Thường Thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được ngàn tuổi, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy Lịch”.
Trịnh Tiều không chỉ định vị trí cụ thể của Quốc gia Việt Thường, nhưng Sách “Thủy Kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên (thế kỷ thứ IV ) dẫn lại sách Giao Châu ngoại vực ký, chép về Quốc gia Việt Thường và định vị địa điểm của nó như sau:

Giao Châu ngoại vực ký viết: Huyện Cửu Đức thuộc quận Cửu Chân, ở phía nam quận tiếp giáp với Nhật Nam (…) Ngô đặt làm quận Cửu Đức lại đem huyện ấy lệ thuộc vào quận. Lâm ấp ký chép rằng, Cửu Đức là nơi tột cùng của Cửu di, cho nên lấy để đặt tên cho quận.. Chỗ đặt tên quận ấy là một nước di của Việt Thường cực xa. Chim trĩ trắng, ngà voi , qua 9 lần dịch tiếng mà đến” ( Thủy kinh chú sớ, Nxb Thuận Hóa- Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, 2005).

Huyện Cửu Đức chính là vùng bắc Hà Tĩnh, vùng Ngàn Hống tức vùng đất Núi Hồng Sông La ngày nay.Đó là trong thư tịch Trung Hoa. Còn trong Ngọc phả Hùng Vương, chúng ta không thấy nhắc đến quốc gia Việt Thường thị, nhưng lại có một đoạn dài nói về việc Kinh Dương Vương, vị vua đầu tiên của triều đại Hùng Vương đi tìm đất đóng đô ở vùng Ngàn Hống. Không chỉ có thế, Ngọc phả còn chỉ dẫn vị trí cụ thể, đoạn đó như sau:

Kinh Dương vương kính tuân chỉ dụ của vua cha, đem quân lính theo núi Nam Miên mà đi về phía nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô ấp [tức quốc đô].

Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An. Nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, [núi non] muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn. (Xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống).
Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định nơi cho bốn phương triều cống

(Trích Ngọc phả, bản dịch của GS Ngô Đức Thọ, trang 2a, 2b).

Đoạn nói về việc nhà vua đi tìm đất mới để chuẩn bị dời đô ra Việt Trì Phong Châu như sau :

Ngày sau vua lại đi tuần thú, rong ruỗi xa giá xem khắp các nơi sơn xuyên. Đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa hình đồi non chập chùng, sông đẹp núi lạ. Vua bèn tìm mạch đất, nhận được khí mạch từ trên núi Côn Lôn đi xuống, qua cửa Ải, lòng sông thoát mạch, rồng đi gần xa đến núi Tụ Long tiếp với châu Thu Vật xứ Tuyên Quang, biến ra toà Kim tinh cao muôn nhẫn. Mạch đất chảy đến các làng Hạ Hoa, Thanh Ba, Sơn Vi, Tây Lan, Phù Ninh phủ Lâm Thao, rồi đến chùa Long Hoa thôn Việt Trì ở Ngã ba sông Bạch Hạc là dừng. Mạch này bên trái từ sông Lôi Hà núi đi đến đâu sông theo đến đó, qua các huyện Đông Lan, Sơn Dương, Đương Đạo, Tam Dương đột khởi núi Tam Đảo, Tả cung Tiên làm thanh long. Trùng sơn vạn thuỷ, nổi lên các dãy núi ở Lập Thạch, Bách Ngoã, Chu Diên, Thanh Tước, Ngọc Bội, Khai Quang. Phụ bên trái có các núi Châu Sơn, Sóc Sơn, Chung Sơn,Trà Sơn, Từ Sơn, Trạm Sơn, Tích Sơn, An Lão sơn thuộc xứ Kinh Bắc chầu về, dẫn đến Hải Dương, Đông Triều, Hoa Phong, Yên Tử thoát ra đến biển, Đồ Sơn tám xã làm Long đầu chầu án. Mạch bên phải từ Ba Thục, Hán Giang, Nhị Hà, Lô Giang, Thao Giang, núi chạy đến đâu sông theo đến đấy. Đến Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thập Châu, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Hà đến huyện Bất Bạt đột khởi núi Tản Viên. Hữu cung tiên làm Bạch hổ, muôn nhánh quần sơn nổi lên ở Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Thạch Thất,Yên Sơn, Tây Phương, Sài Sơn, Tử Trầm, hũu bật đến Chương Đức, Đại Yên, Hương Tích sơn thuộc xứ Sơn Nam. Bên phải là Na Sơn, Nam Công, Vũ Phượng sơn, Đội sơn, Điệp sơn, Nghi Dương sơn, chầu phục vào trong, chảy thoát đến núi cửa biển Thần Phù ỏ núi Chính Đại thuộc Ái Châu, thoát đến Chích Trợ sơn, cửa Trà Lý làm đầu hổ chầu, lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đưòng, lấy Ngã Ba Lãnh ở sông Cả thuộc huyện Nam Xương làm Trung minh đường, núi Tượng Sơn ở Nam Hải làm Ngoại minh đường. Nghìn non nâng chủ, vạn thuỷ chầu nguồn, đều hướng về ngọn tổ sơn Nghĩa Lĩnh. Thu tận hình thế, vua nhận ra thế cục của đất này quý đẹp hơn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập Chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh để thỉnh thoảng ngự giá đến nghỉ. Bên ngoài lại dựng đô thành Phong Châu ( nay là Cựu đô thành ở thôn Việt Trì xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc), đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (Đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, đến bắc Động Đình hồ, nam tiếp nước Hồ Tôn (nay là nước Chiêm Thành). Rồi vua ngự giá về cựu đô ở Hoan Châu. Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại dựng ở núi Nghĩa Lĩnh, nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm nơi đóng đô ấp của nước Việt Thường

(Trích Ngọc phả, GS Ngô Đức Thọ dịch, trang 3a, 3b)

Cũng có người sau khi trích dẫn Ngọc phả Hùng Vương đã đặt vấn đề nghi vấn : Có thể người viết Ngọc phả là một nhà nho ở Nghệ An, Hà Tĩnh gì đấy nên đã viết như thế để đề cao quê hương mình, rằng quê ta trước đã từng là kinh đô. 
small_15051
Thật ra, người viết quê ở đâu không thành vấn đề. Chỉ biết rằng, nếu như có ai đó lồng vấn đề quê hương của mình vào Ngọc phả thì liệu nhân dân địa phương ở khu vực Đền Hùng là dân “Trưởng tạo lệ” có chấp nhận không? Bởi vì bản Ngọc phả này được lưu tại nhà quan lang phụ đạo con cháu Hùng Vương cha truyền con nối cùng dân làng Trung Nghĩa là dân “Hộ nhi Trưởng tạo lệ” coi giữ. Bản Ngọc phả được coi là thiêng liêng và được lưu giữ ở đây từ thế kỷ XV cho đến nay. Đây có thể là sự ghi ân, sự truy niệm của nhân dân Kinh đô đối với Cựu đô và đã được ghi lại trong Ngọc phả.
(Trích từ cuốn Nhìn về thời đại Hùng Vương, Nxb Lao Động, 2009)


Ảnh đầu bài : Trang Ngọc phả  ghi lại sự kiện Kinh Dương Vương chọn đất Ngàn Hống để đóng đô (Ảnh theo tài liệu của GS Ngô Đức Thọ)

6 nhận xét:

  1. có vẻ như Nghệ-Tĩnh muốn nhận hết những gì được coi là tinh hoa, tinh túy về mình???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đất sinh Thánh của đất Việt mà bác Jerrylouis.

      Xóa
  2. Hồi nhỏ có được đọc một truyền thuyết các Vua Hùng đi tìm đất để lập Kinh Đô . 100 con Phượng Hoàng bay vào đất Nghệ Tĩnh , dãy núi Hồng lĩnh chỉ có 99 ngọn núi , một con không có chỗ đậu cả đàn lại bay đi , vì thế không lập Kinh đô được . Phải thừa nhận vùng đất Nghệ Tĩnh rất đắc địa nên Vua Quang Trung mới xây dựng " Phượng hoàng trung đô " ở đó nay vẫn còn dấu tích
    Hồi trước Salam có đọc một bài viết của một nhóm học giả có đoạn như sau :
    -- Cách đây 40.000 năm ( Gấp 10 lần lịch sử dân tộc Việt Nam ) người Việt đã ồ ạt đổ bộ vào nước Trung Hoa , khai phá ra nước Trung Hoa và dân tộc Trung Hoa . Rồi chợt nhớ cố hương bèn đóng các hạm tàu to như tàu sân bay Mỹ , đưa dân Lạc Việt từ vùng Hoa Bắc xuôi theo sông Hoàng Hà ra bể Bột Hải xuôi nam theo Thái bình dương để đổ bộ vào Nghệ Tĩnh xây dựng cố quốc cho đến ngày nay
    Salam đọc xong thì bị tăng sông , hỏi các Bác đọc đoạn này có bị " Tẩu hoả nhập ma " hay không ? ... hì hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thuyết này ăn thua gì: còn có thuyết dân tộc Việt là từ Động Đình Hồ bên Tàu mà ra, rồi thuyết văn hóa và chữ Hán do người Việt phát minh rồi Tàu sang chôm. Lại thấy bảo vụ 4.000 năm lịch sử là do ông Trần Trọng Kim bịa ra nữa... đại loại những cái thuyết này chỉ phục vụ cho những người hiếu kỳ, kiếm chuyện làm quà nói chơi cho vui thôi chứ chẳng mang lại lợi lộc gì cho ai.

      Xóa
    2. Bác Phan Duy Kha (nhà nghiên cứu lịch sử nghiệp dư có trang blog phanduykha.wordpress.com/ ) cùng với bà bếp Phan Lan Hoa (chủ trang web vidamdodua.com) đã đưa thuyết kiểu này mấy năm nay rồi và còn kêu gọi tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các nhà sử học, khảo cổ học (có quê Nghệ Tĩnh) xây dựng quê hương thật của vua Hùng hoành tráng hơn Phú Thọ...bó tay.com với học thuật của mấy bác...

      Xóa
  3. Vua Quang Trung xây dựng " Phượng hoàng trung đô " nhưng đâu có ở . Đọc trong lịch sử thì Vua QT chưa bao giờ làm lễ phát ấn cả . Thế mà tỉnh NA xây đền thờ rồi hàng năm tổ chức lễ phát ấn , chắc để cạnh tranh với lễ phát ấn Đền Trần ở Nam Định ... bó tay với mấy nhà làm sử này

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.