Giá xăng: Giảm tiền trăm, tăng thì tiền nghìn
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Văn Tứ (phường Hàng Mã) kiến nghị, tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về các vấn đề quan trọng như giám sát điều hành của Chính phủ. Theo ông Tứ, nền kinh tế thị trường nhưng không có phương hướng sẽ dẫn đến việc sản xuất tràn lan, được mùa nhưng mất giá. Vừa qua, vụ dưa hấu dù đã được Thủ đô “chia lửa” nhưng đó cũng chỉ là phần nhỏ.

"Giá xăng dầu trong năm qua liên tục giảm, khi giảm chỉ vài trăm đồng, còn tăng giá thì rất cao, tăng giá vừa qua lên đến gần 2.000 đồng/lít. Xăng là yếu tố đầu vào, hiện giá rau cũng tăng theo giá xăng. Trong khi đó hiện chúng ta đang còn 1.700 tỷ đồng trợ giá và bù giá. Vậy xăng tăng là như thế nào? Cho nên đề nghị Quốc hội phải giám sát cho cụ thể" - ông Tứ nói.

Đồng quan điểm về vấn đề được mùa mất giá, cử tri Phạm Văn Bổng (phường Phan Chu Trinh) cho rằng, nguyên nhân là do công tác quy hoạch phát triển chưa được thực hiện đồng bộ, chính sách ban hành nhưng đi vào cuộc sống còn hạn chế, thị trường nhỏ bé, manh mún.

"Vừa qua, việc dưa hấu bị ùn ở cửa khẩu Tân Thanh, hành tím ở Quảng Ngãi bị thương lái ép giá đã nói lên điều đó. Vì vậy, tại kỳ họp tới Quốc hội cần tìm ra chính sách để bứt phá, khắc phục tình trạng trên, Chính phủ phải quan tâm chỉ đạo địa phương giải quyết phát triển nông thôn để nông dân sớm yên tâm sản xuất; ban hành chính sách mới để có đột phá mới; đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nông nghiệp để nơi nào cũng có đủ thuốc trừ sâu, bảo quản sau thu hoạch; nhà nước cần xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản" - ông Bổng kiến nghị.


“Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?”
Kiến nghị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, cử tri Nguyễn Văn Tập (phường Hàng Bồ) đặt vấn đề, cần đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương. "Không đổi mới thì làm sao biết có phù hợp hay không? Vậy tại sao chúng ta không làm?"- ông Tập nêu lên.

Sau khi lắng nghe các cử tri kiến nghị, thay mặt cho các Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn, tiếp thu những ý kiến tâm huyết trí tuệ của cử tri. Theo Tổng bí thư, những ý kiến tuy cụ thể, nhưng lại mang tầm vĩ mô, ý kiến ngắn gọn nhưng sâu sắc, điều đó thể hiện toàn dân lo việc nước, phát huy cao độ tính dân chủ.

Trước vấn đề cử tri nêu về việc cần phải tuyên truyền pháp luật, Tổng bí thư cho rằng, hiện so với trước, chúng ta đã có nhiều luật nhưng tình trạng luật không đi vào cuộc sống là một hạn chế. Công tác tuyên truyền luật chưa tốt sẽ dẫn đến người dân vi phạm nhưng không biết vì không hiểu luật. Vì thế phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Về vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng bí thư cho rằng: "Đây là vấn đề đã được Trung ương bàn nhiều lần. Một số tỉnh, thành cũng đã tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND ở một số nơi. Nhưng thực tế nhân dân là người làm chủ, ở đâu có nhà nước ở đó phải có giám sát của nhân dân. Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông? Ở Trung ương thì Quốc hội giám sát Chính phủ, còn ở địa phương HĐND giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.

"Do vậy, cần thực hiện theo đúng nguyên tắc cơ bản ở đâu có chính quyền ở đó phải có giám sát, và quan trọng là làm sao cho giám sát phải có thực quyền. Hiện Đảng đã đổi mới rất nhiều, dân chủ và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND phải gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ và đại biểu HĐND, đặc biệt làm sao để đại biểu HĐND phải đủ bản lĩnh năng lực trong giám sát" - Tổng bí thư nhấn mạnh.

http://laodong.com.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-bi-thu-kiem-chu-tich-thi-to-qua-ai-kiem-soat-ong-323837.bld

Clip: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm