Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

08/05/2015

Đánh trống lảng có "định hướng" (trường hợp báo Hà Nội Mới)

Nhiều vụ việc của Hà Nội, thì không thấy Hà Nội Mới đâu. Cứ trốn biền biệt. Tiêu biểu nhất gần đây là sự kiện được gọi là "thảm sát cây xanh Hà Nội 2015". Dĩ nhiên, Hà Nội Mới trốn biệt, hoặc chỉ ra mặt ở bài dạng như sau

Ấy thế, nhưng cũng chính Hà Nội Mới thì lại đang vươn tay ra sự kiện "dưa hấu ở tỉnh đoàn Quảng Ngãi 2015". Xem cụ thể tư liệu ở dưới.

Đây có thể xem là một bài đánh trống lảng. Việc của Hà Nội, sao không thấy Hà Nội Mới đặt câu hỏi có giá trị một chút, như chính họ đang đặt cho Quảng Ngãi, rằng: "Họ đã "ăn" trên lưng nông dân 2.000 đồng/kg dưa?", hay "Số tiền chênh lệch đang nằm ở đâu, thưa tỉnh đoàn Quảng Ngãi ?".

Dĩ nhiễn việc đánh bài lảng ở đây, không chỉ là riêng cho Hà Nội Mới. Mà có thể gọi là đánh trống lảng có "định hướng" chung cho nhiều tờ báo hiện nay ở Việt Nam đầu thế kỉ XXI.


Từ đây trở xuống là tư liệu.

---

Số tiền chênh lệch đang nằm ở đâu, thưa Tỉnh đoàn Quảng Ngãi?

Thứ Sáu 00:27 08/05/2015

(HNMO) - Nhẽ ra, chiến dịch "giải cứu" dưa hấu cho bà con nông dân của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã thành công một cách “ngọt ngào”, bởi hơn 750 tấn dưa - như Tỉnh đoàn thống kê - không phải là một con số nhỏ.
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi thuê xe tải, huy động đoàn viên thanh niên về các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh) thu mua dưa hấu tại đồng ruộng
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi huy động đoàn viên thanh niên về các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Trà
(huyện Sơn Tịnh) thu mua dưa hấu

Nhẽ ra, hàng trăm thanh niên tình nguyện lưng ướt đẫm mồ hôi trong nhiều ngày nắng như đổ lửa khi đứng đường bán từng quả dưa, hẳn sẽ tự hào vì mình đã làm được một việc thiện nguyện và những người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, đúng với công sức lao động cực nhọc họ đã đổ ra..., nếu như việc thu gom, mua bán dưa của Tỉnh đoàn được làm công khai, minh bạch, có sự giám sát của người dân, cộng đồng và cả các cơ quan chức năng của tỉnh.

Tỉnh đoàn: Chúng tôi trả cả tiền chênh lệch cho nông dân!

Ngày 6/5/2015, Báo Hànộimới Điện tử có bài: "Họ đã “ăn” trên lưng nông dân 2000 đồng/kg dưa hấu?" phản ánh việc Tỉnh đoàn Quảng Ngãi bán cho các đầu mối ngoài Hà Nội 5000 đồng/kg, trong khi đó họ mua của bà con nông dân chỉ với 3000 đồng/kg. Ngay ngày hôm sau 7/5, Báo Hànộimới nhận được Công văn số 2002 –CV/TĐTN – TNNT do Bí thư Tỉnh đoàn Hà Thị Anh Thư ký, cho rằng Báo Hànộimới đã thông tin không chính xác.

Để rộng đường dư luận, cũng như làm rõ việc thu gom và bán dưa cho nông dân của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi “tròn hay méo”, Báo đã cử một nhóm PV trực tiếp vào Quảng Ngãi, xuống tận các thôn, gặp từng hộ dân đã bán dưa cho Tỉnh đoàn. Và những gì người dân cho chúng tôi biết, hoàn toàn trái ngược với nội dung công văn trả lời báo Hànộimới của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi.

Trong Công văn gửi Báo Hànộimới, Tỉnh đoàn khẳng định: Ngày 3-5-2015, sau khi nhận được thông tin từ Bí thư Đoàn xã Tịnh Hiệp đề nghị có 10 tấn dưa Hắc mỹ nhân cần bán, giá thương lái mua là 3.500 đồng/kg, Tỉnh đoàn thống nhất nâng giá dưa thành 5000 đồng/kg để người dân đảm bảo có lãi, tiếp tục ổn định cuộc sống; Sau đó liên hệ và thống nhất với đầu mối ở Hà Nội thu mua 10 tấn dưa với giá 5000 đồng/kg (chưa tính tiền chuyên chở); Đến ngày 6-5-2015, người bán dưa phản hồi dưa non, không ngọt; Tỉnh đoàn làm việc lại với Đoàn xã để trao đổi với bà con, thống nhất giảm 1 tấn hao hụt, dưa non, chỉ tính tiền 9 tấn (xe 10 tấn). Số tiền thu được sau khi đầu mối Hà Nội chuyển về sẽ được chuyển trả cho bà con nông dân ( hiện số tiền này vẫn chưa được chuyển trả cho bà con); Giá dưa bán tại Hà Nội do các đầu mối quyết định khi cộng tiền chuyên chở, bốc vác, Tỉnh đoàn không tham gia chỉ làm đầu mối bán giúp dưa cho bà con nông dân.

Trước đó, ngày 11-4-2015, sau khi được tin dưa hấu bị thương lái ép giá 600 đồng/kg, Tỉnh đoàn thống nhất nâng giá dưa thành 2000 đồng/kg (ngày 14-4-2015, sau khi thỏa thuận với các đầu mối tiêu thụ nâng giá dưa thành 3000 đồng để hỗ trợ bà con nông dân). Tỉnh đoàn Quảng Ngãi thu mua 40 tấn dưa hấu (An tiêm loại tròn) cho bà con nông dân tại ruộng với giá 2000 đồng/kg và tổ chức bán tại tỉnh với giá 4000 đồng/kg là đúng sự thật. Tuy nhiên, đây là chủ trương của Tỉnh đoàn sau khi trừ chi phí chuyên chở, rơm, hư hỏng, hao hụt còn lại 1000 đồng/kg trả thêm cho bà con. Thực tế, ngày 15-4-2015, Tỉnh đoàn đã trả tiền chênh lệch đợt 1 và đợt 2 cho bà con nông dân tại xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh), xã Bình An và Bình Minh (huyện Bình Sơn) là hơn 38 triệu đồng (đợt 1: 21,575 triệu đồng, đợt 2: 16,500 triệu đồng) và có tin phát trên sóng của Đài PTTH tỉnh Quảng Ngãi và có danh sách ký nhận của người dân, chứng kiến của đại diện lãnh đạo UBND xã ký xác nhận). Ngoài ra, khi dưa chở đi các tỉnh sẽ có tỷ lệ hao hụt khoảng hơn 500 kg (hao gió) hư hỏng… nhiều người tiêu thụ yêu cầu Tỉnh đoàn bù kinh phí hỗ trợ. Tỉnh đoàn đã bù 17 triệu đồng mua dưa hấu bù cho các chủ đầu mối vì không thể trừ kinh phí của người dân.

Thực tế: Một nửa quả dưa, không phải là quả dưa !
Trong công văn của mình, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã thừa nhận, việc Báo Hànộimới phản ánh Tỉnh đoàn mua của nông dân 2000 đồng/kg, bán được 4000 đồng/kg là đúng sự thật, nhưng số tiền chênh 2000 đồng/kg, Tỉnh đoàn đã chuyển lại cho nông dân.

Vượt qua hơn 30 km đường tối hun hút, xóc lộn ruột, trên chiếc xe máy cà tàng thuê được ngoài thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi tìm về xã Tịnh Hiệp. Ông Nguyễn Đức Phong (thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) cho chúng tôi biết, vụ vừa rồi nhà ông thu hoạch được 4,3 tấn dưa, loại dưa tròn Hồng Lương. Dân Tịnh Hiệp thuần trồng dưa Hồng Lương, không trồng Hắc Mỹ Nhân. Vì sao? Là do đồng đất – ông Phong nói. Mỗi xã tùy theo thổ nhưỡng mà chọn giống dưa, loại nào cũng có ưu, nhược, ví như Hắc Mỹ Nhân thì được giá nhưng không được quả, còn Hồng Lương thì ngược lại. Vậy giá dưa Tỉnh đoàn thu mua của ông là bao nhiêu? Đợt đầu rẻ, chỉ 2000 đồng/kg, đợt sau được 2700 đồng/kg, đáng lý ra là 3000 đồng nhưng dân phải chịu bốc xếp, tiền rơm lót mất 300 đồng/kg. Tiền dưa đã được Tỉnh đoàn thanh toán hết. Coi như xong. Không thấy ai nói hỗ trợ thêm gì. Và đến nay cũng chưa thấy ai trong thôn nhận được tiền chênh do bán dưa. Việc mua bán giữa dân và Tỉnh đoàn không có hợp đồng, cứ nghe xã thông báo, dân chở dưa ra điểm tập kết, thanh niên tình nguyện cân cho bao nhiêu là mừng bấy nhiêu, những lúc dưa rớt giá mấy trăm đồng/kg, để thối ngoài đồng, có người mua cho bù tiền giống, đỡ tiền công là mừng lắm rồi.

Ông Lý Xuân Nghị (cũng ở thôn Mỹ Danh) có khoảng gần 9 tấn dưa, bán cho Tỉnh đoàn 3 đợt. Mỗi đợt các anh thanh niên tình nguyện chỉ mua mỗi hộ vài tấn. Đợt sau cùng chưa thấy các anh ấy chuyển tiền về, những ba tấn mấy – ông Nghị nói thêm. Đến nay không có việc hỗ trợ hoặc được trả thêm tiền chênh do Tỉnh đoàn bán dưa cho nông dân – ông Nghị quả quyết.

Chúng tôi còn gặp một số hộ dân khác của xã Tịnh Hiệp, tất cả đều khẳng định chưa gia đình nào nhận được tiền hỗ trợ, tiền chênh do bán dưa với giá cao hơn; và, giá dưa mua của người nông dân tùy theo các thời điểm đều do Tỉnh đoàn quyết định.

Căn cứ nội dung công văn của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi gửi Báo Hànộimới yêu cầu "trả lại uy tín cho Tỉnh đoàn, để động viên phong trào thanh niên tình nguyện”..., Báo Hànộimới đề nghị Tỉnh đoàn Quảng Ngãi trả lời công luận: Số tiền chênh lệch khi bán dưa đang nằm ở đâu? Đồng thời cũng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi sớm vào cuộc làm rõ sự thật, công khai minh bạch số tiền chênh do bán dưa cho nông dân do Tỉnh đoàn thu được. Số tiền chênh ấy là bao nhiêu? Chi vào việc gì? Vì thu mua của dân 2.000 đồng, tự ý bán ra nâng lên 4.000 đồng/kg, tức là gấp đôi số tiền đã bỏ ra mua của nông dân. Thế nhưng thực tế thì nhiều nông dân mới chỉ nhận được 2.000 đồng trong số 4.000 đồng ấy, tức là bán 1 quả nhưng nhận tiền mới chỉ nửa quả mà thôi.

Bởi lẽ, một nửa quả dưa không bao giờ là quả dưa. Lòng tốt nửa vời hoặc là ngụy lòng tốt không thể là lòng tốt đúng nghĩa! 

7 nhận xét:

  1. Ảnh chụp màn hình cho bác https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=914601638603727&id=776907189039840&_rdr

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là mấy tay phóng viên này không làm kinh doanh nên nói lấy được . Lòng tốt của tỉnh đoàn Quảng Ngãi là có thật . Tôi làm kinh doanh nên cũng biết một phần nào . Thứ nhất Siêu thị mua giá 3000 đến 3,300 đó là dưa chọn loại 1 , loại ngon nhất mới vào được siêu thị . Thứ hai thương lái mua từ 1.500 đến 2000 họ cũng lựa hàng rất kỹ . Còn tỉnh đoàn Quảng Ngãi mua 140 tấn dưa giá 2,700 là quá tốt rồi . Còn hỏi tiền chênh lệch đi đâu xin thưa : Thanh niên tình nguyện đi giúp thu mua và bốc vác , họ ăn bằng không khí chắc ? Xe máy chạy chắc bằng nước lã ? Con tôi cũng hay đi tình nguyên , một ngày ăn uống , xăng xe không dưới một trăm ngàn . Hỏi có bao nhiêu thanh niên tình nguyện trong lần này . Tiền sân bãi, tiền trông coi , nhất là từ QN ra đến tận Hà Nội bao nhiêu trạm kiểm soát ? Bao nhiêu trạm thu phí ? Tấ nhiên cũng có hao hụt , nhưng không đáng kể . Nếu không có việc làm tình nghĩa như tỉnh đoàn Quảng Ngãi thì 140 tấn dưa chỉ bỏ cho bò ăn mà thôi . Lòng tốt của họ không ghi nhận thì thôi , cũng không vì thế mà xúc phạm họ ( Lòng tốt bây giờ rất hiếm )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế đấy bác Salam à.

      Từ kinh nghiệm kinh thương, bác đúc một câu rất xót là "lòng tốt bây giờ rất hiếm".

      Xóa
  3. Nói thật với bác Giao , tôi rất ghét mấy tay làm báo kiểu này . Chỉ nói những lời rỗng tếch thương nông dân . Thay vì lặn lội vào Quảng Ngãi soi mói chuyện tiền chênh lệch , thì xuống miền tây giúp dân trồng hành . Còn cả núi hành tím chưa tiêu thụ được kia kìa dân cũng đang khóc ròng , vừa rồi cà chua Đà Lạt cũng bị đổ đỏ đường . Người nông dân Việt cực khổ , một nắng hai sương , mà sản phẩm làm ra tiêu thụ rất phập phù . Anh là người cầm bút , thay vì xăm soi những cái vớ vẩn , hăy đề đạt một chính sách phát triển bền vững cho người nông dân, đó là cái cần nhất lúc này
    Nhắc đến dưa , kể bác Giao nghe . Hôm 30 tết trước ngõ nhà còn cả xe dưa của hai vợ chồng dưới miền táy đưa lên bán . Thấy tội nghiệp mỗi người dừng xe mua ủng hộ họ mỗi người một cặp , bà xã tôi cũng mua một cặp dù nhà chẳng ai ăn . Điều đó nói lên vẫn còn lòng tốt trong cuộc sống ,.Nó như một mạch ngầm âm ỉ chẩy . Không phải như những người đi làm từ thiện mà lên truyền thông , trống giong cờ mở PR bản thân , trông rất hài hước và lố bịch
    Tôi vẫn biết còn rất nhiều bạn trẻ xung quanh tôi , vẫn âm thầm , không khoa trương lập thành từng nhóm nhỏ quyên góp rồi đi làm từ thiện khắp nơi , đó là điều đáng mừng cho xã hội chúng ta

    Trả lờiXóa
  4. Báo Hà Nội mới, cơ quan ngôn luận của thành phố Hà Nội không viết bài về Hà Nội, vươn tay vào Quảng Ngãi để cướp việc làm của trình hình, báo chí QUảng Ngãi sao. Và khi thông tin chưa rõ ràng Báo Hà Nội mới đã đưa ra một loạt tin vit chụp mũ chính quyền như vậy là không được

    Trả lờiXóa
  5. "giải cứu dưa hấu"
    " tang lễ thiếu tá phi công"
    và các vụ việc chính luận cũng như nhảm nhí trước đây...
    quá kinh hãi với các em/ cháu phóng viên và nền tảng báo chí Việt

    Trả lờiXóa
  6. Bổ sung 1 (10/5/2015): Bài tiếp của HNM.

    http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/754667/nhieu-van-de-can-tiep-tuc-lam-ro


    “Giải cứu” dưa hấu cho bà con nông dân ở Quảng Ngãi:

    Nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ
    Thứ Bảy 03:40 09/05/2015
    TIN LIÊN QUAN
    Số tiền chênh lệch đang nằm ở đâu, thưa Tỉnh đoàn Quảng Ngãi?
    Lại núp “mũ” bán dưa hấu ủng hộ
    (HNMO) - Đến thời điểm này, những ruộng dưa hấu ở Quảng Ngãi đã được bán hết, nông dân lại tất bật chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Những ngày “giải cứu” dưa vất vả nhưng đầy ý nghĩa của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện... cũng qua đi.

    Vậy mà, nhóm PV Hànộimới vẫn tiếp tục ở lại Quảng Ngãi để điều tra, phản ánh về “chiến dịch” thu mua dưa của Tỉnh đoàn với tâm trạng trĩu nặng bởi lẽ một hành động cao đẹp, nhân văn đã không thực sự trọn vẹn. Trong những cuộc tiếp xúc, tất thảy bà con nông dân chúng tôi gặp đều ghi nhận công sức của thanh niên tình nguyện. Tiếc là có lúc, có nơi, có người trong cuộc “giải cứu” vội vã đã có việc làm chưa minh bạch, chưa hết trách nhiệm với cộng đồng.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.