Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/01/2015

Nghi án "đạo văn" của Đắc Lộ, theo phát hiện tay ngang của ông Phạm Văn Hường

Bây giờ, không tìm được lại bài đã lên mạng từ nhiều năm trước của học giả Phạm Văn Hường. Có lẽ đã đồng loạt bị xóa bỏ. Chỉ còn thấy lưu ở một số trang thứ cấp.

Dưới là lưu tư liệu.

---

1. Bài của Phạm Văn Hường

http://dactrung.net/phorum/tm.aspx?m=444060


Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ - 3/29/2009 2:32:47 PM 

Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ 
  
GS-TS Phạm Văn Hường

  
  
LTS: Đây là đề tài làm tốn nhiều công sức của các nhà nghiên cứu hàng trăm năm qua. Bằng những tài liệu từ nước ngoài, đặc biệt ở Bồ Đào Nha, Pháp, và cả ở thực địa, GS-TS Phạm Văn Hường (ĐH Bordeaux) đã chứng minh rằng Alexandro Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ. 
  
Bài viết này có tính chất nghiên cứu khoa học, mọi ý kiến phản biện, tranh luận, tác giả sẵn sàng lắng nghe, với mong muốn làm sáng tỏ lịch sử chữ quốc ngữ. 
  
Người Bồ Đào Nha đến Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ 17. Họ thường đi lại buôn bán bằng đường biển và cư ngụ ở nhiều nơi, nhất là ở Hội An, hải cảng phồn thịnh thời ấy. Ở đây họ định cư lâu dài hơn, và đã xây nhà bằng ngói, gạch. Cũng tại đây, người Bồ Đào Nha đã học được kỹ thuật nung sành, nung sứ, trong những lò nung lên đến trên 1.000oC có mũ chụp, kỹ thuật mà thời đó Âu châu chưa có. 
  
CÔNG LỚN THUỘC VỀ CÁC GIÁO SĨ.- Tiếp theo thương nhân, Hội An lại tiếp nhận nhiều giáo sĩ Bồ Đào Nha sang truyền Thiên Chúa giáo. Hồi ấy giáo hội phân công truyền đạo trên thế giới. Việc dính líu đến Đông Nam Á châu thì do giáo đoàn Bồ Đào Nha phụ trách, đặc biệt là do các giáo sĩ Dòng Tên Jesus có cơ sở ở Coimbra bây giờ. 
  
Họ học tiếng Á Đông rất nhanh. Người biết tiếng Việt khá nhiều là Francesco do Pina. Ông cũng biết nhiều thứ tiếng châu Á khác và đã trở thành giáo sư của những tu sĩ mới qua sau. Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa, cũng là người Bồ Đào Nha là hai giáo sĩ đã sáng tạo ra cách dùng chữ La tinh để ghi âm tiếng Việt mà sau này gọi là chữ quốc ngữ, từ năm 1638. 
  
Ban đầu họ sáng tạo ra chữ Việt để dùng trong các giáo đoàn. Nhưng khi người Việt nắm bắt được lối viết này đã hiểu ngay đó là một phương tiện tuyệt vời cho thông tin, giáo dục, và đã tiếp nhận ngay làm chữ của quốc gia. 
  
Tuy thế, phải chờ đến gần cuối thế kỷ thứ 18, chữ quốc ngữ mới được trau giũa tốt đẹp gần như chữ Việt ngày nay. 
  
Khi gặp Hán tự thì viết bằng Hán tự, tuy không dễ gì, còn khi gặp từ Việt thuần túy như trong bài ca dao sau đây, cả bài thơ, không có lấy một từ Hán, lấy chữ đâu mà viết: 
  
Trời mưa làm ướt lá khoai 
Thương anh làm rể mười hai năm ròng 
Như em lắm ruộng ngoài đồng 
Bắt anh tát nước cực lòng lắm thay 
Tháng tám mưa bụi gió bay, 
Cất lấy gàu nước chân tay rụng rời... 
(Làm rể, ca dao) 
  
May có chữ Nôm! Nhưng chữ Nôm viết còn khó khăn hơn chữ Hán. Vì vậy khi nắm được chữ quốc ngữ, người Việt không ngần ngại, dùng ngay. Xem số sách báo bằng chữ quốc ngữ tràn đầy cuối thế kỷ thứ 19 thì thấy lối viết này là một thành công lớn. 
  
Công trình sáng tạo ra chữ quốc ngữ công lớn thuộc về hai giáo sĩ Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa. 
  
Hai giáo sĩ này sau khi rời Hội An thì định cư ở Macau truyền đạo tại đây gần 10 năm. Không may Gaspar do Amaral tử nạn trên biển Macau vào tháng 2-1646 khi trên đường đến Việt Nam. Antonio Barbosa cũng mất một năm sau đó. 
  
VAI TRÒ CỦA ALEXANDRO RHODES? - Cùng thời đó, có một giáo sĩ tên Alexandro Rhodes, người sinh ở Avignon, miền Nam nước Pháp, cùng đến giảng đạo ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Các Chúa Trịnh không ưa đạo Thiên Chúa nên ra lệnh giới hạn sứ mệnh truyền giáo. Có một tín đồ người Việt khá gần gũi với Công giáo đoàn bị xử tử. Tuy không có giáo sĩ nào chết vì đạo, nhưng họ đều rời Việt Nam hồi đó để đi Macau tiếp tục làm việc. Trong số đó có Alexandro Rhodes. 
  
Hai giáo sĩ do Amaral và Barbosa trước khi mất có để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt – Bồ – La tinh mà họ đã sáng tạo. Alexandro Rhodes là người mang từ điển đó về Âu châu. Năm 1651 người ta thấy có quyển từ điển Việt – Bồ Đào Nha – La tinh xuất bản ở Roma, với tên tác giả là Alexandro de Rhodes. 
  
Từ điển Việt – Bồ – La tinh 
  
Vậy Alexandro de Rhodes là ai, có phải là Alexandre Rhodes hay không? Tôi có đi Macau, tìm nguồn nhưng vô hiệu. Tôi cũng tìm đến nơi gia đình họ Rhodes ở gần Avignon. Gia đình người Pháp này có gốc Y Pha Nho. Linh mục Công giáo địa phận này cho tôi tài liệu in bức thư của Alexandro Rhodes khi ông này xin giáo hội dòng Jesus cho ông đi truyền đạo ở Đông Nam Á. Cuối bức thư ấy quả thật có tên Alexandro Rhodes. Nhưng khi rời Á Đông trở về Âu châu, ông này đã kèm thêm tên de quý phái khi ra quyển từ điển lịch sử ấy! 
  
Đó là lừa đảo, hay nói thẳng ra đó là hành vi “đạo” công trình của Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa, lại tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm! Hành vi “đạo” công trình rất rõ, vì không am hiểu người Việt nên Alexandre viết sai chữ độc nhất trên bìa: Annam viết là Annnam. Có người nói rằng đó là chữ quốc ngữ độc nhất sáng tạo bởi Alexandro Rhodes cũng không xa sự thật lắm! 
  
Nếu rời trang bìa mà nhìn vào trong sách, lại thấy cách tạo chữ Việt chỉ căn cứ trên cách viết Bồ Đào Nha. Ví dụ phụ ngữ nh chỉ Bồ Đào Nha mới có. Tất cả Âu châu không nơi nào có. Ở Anh thì dùng ng, ở Espaía (Tây Ban Nha) thì dùng í, ở Pháp thì dùng gn để viết âm nhơ. Alexandro khó mà tạo ra nh Việt Nam. 
  
Vị đạo sĩ “đạo” công trình này còn hoang mang dẫn đến sai sót chết người trong cuốn Phép giảng tám ngày. 
  
Thường lệ, lễ đạo theo chu trình 7 ngày hay một tuần lễ. Hai giáo sĩ Bồ Đào Nha không những chỉ sáng tạo ra chữ quốc ngữ mà còn đặt ra nhiều Việt ngữ mới. 
  
Trong các nước Âu châu, Anh, Đức, Ý - đất của giáo hội Vatican, Pháp - đất sinh của Rhodes, ngày chủ nhật là ngày cuối tuần. Chỉ có ở Lusitana, tên Bồ Đào Nha xưa, chủ nhật là ngày lễ đầu tuần. Kế tiếp là ngày lễ thứ hai, feria secundo, v.v... Dựa theo truyền thống Bồ Đào Nha, họ đã tạo nên những Việt ngữ: chủ nhật, thứ hai, thứ ba v.v... cho đến thứ bảy. Thứ tự những ngày lễ trong tuần này khác hẳn thông lệ ở Pháp, nơi chôn nhau cắt rốn của Alexandro. Có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày. 
  
Sự đạo công trình của Alexandro còn tái diễn một lần nữa khi ông ta đứng tên mình in ra quyển Tường trình về Nhật Bản với sự tài trợ của công chúa Đan Mạch, mặc dầu tác giả thực sự của công trình này là một giáo sĩ khác thuộc Dòng Tên. Điều gian dối này buộc giáo đoàn Dòng Tên, công khai tố cáo và cảnh giác. 
  
Cũng vì thế, sau này khi Alexandro Rhodes xin phép giáo hội để trở lại Đông Nam Á, thì bị khước từ. Tiếp theo đó Alexandro trôi dạt vào Iran cho đến một ngày đầu tháng 11-1660 thì chết ở Isfahan, thọ 69 tuổi, kết thúc một đời tu hành gian trá. 
  
Tuy thế, dù sao đi nữa chúng ta cũng ghi nhận rằng Alexandro de Rhodes đã đưa ra xuất bản những công trình về chữ quốc ngữ sáng tạo bởi hai người Bồ Đào Nha: Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa. 
  
Hai vị thầy vĩ đại này xứng đáng gợi chúng ta lập tượng đài tưởng niệm, chứ không phải Alexandro Rhodes! 
  
Francesco do Pina 
  
Sinh năm 1585 tại Guarda, Bồ Đào Nha 
  
Nhập giáo đoàn Jesus, Christo giáo năm 1605 tại Coimbra. Đến Macau từ 1613. 
  
Đến truyền giáo ở Đàng Trong năm 1617, thông thạo nhiều thứ tiếng Đông Nam Á, nhất là tiếng Nhật và tiếng Việt. 
  
Dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ Âu châu mới qua Á Đông, trong số có Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và Alexandro Rhodes. 
  
Phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự Bồ Đào Nha và La tinh. Đắm thuyền chết tại cửa biển Đà Nẵng ngày 15-12-1625. 
  
Gaspar do Amaral 
  
Sinh năm 1594 tại Curveceira, Viseu, Bồ Đào Nha ngày nay. Nhập giáo đoàn Jesus, Christo-giáo, năm 1617 tại Coimbra, Bồ Đào Nha. Đi Á Đông năm 1624 ở Macau; Viện trưởng Viện Truyền đạo ở Macau. Đến Đàng Ngoài năm 1629. 
  
Trở về Macau năm 1638 sau khi hoàn thành phiên âm chữ quốc ngữ Việt Nam. Đắm thuyền, chết ngoài biển Macau tháng 2-1646 trên đường đi Việt Nam. 
  
Antonio Barbosa 
  
Sinh năm 1594 tại Amifana do Souza nay là Penafiel gần Porto, Bồ Đào Nha. Nhập giáo đoàn Jesus, Christo giáo tại Lisboa năm 1624. Đi Á Đông đầu năm 1624. 
  
Đến Đàng Trong 1629, rồi Đàng Ngoài năm 1636 cho đến 1642 đi Macau. Hợp tác với Gaspar do Amaral trong việc hoàn tất phiên âm chữ quốc ngữ. 
  
  

GS-TS Phạm Văn Hường 
  
Nguồn: 
http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gioi/ho-so-tu-lieu/176647.asp 




2. Một công trình của học giả Phạm Văn Hường theo giới thiệu của NLD:



Phương pháp mới giúp chẩn đoán nhanh bệnh ung thư


00:00 | 20/05/2002


(NLĐ) - GS-TS Phạm Văn Hường, một nhà khoa học Việt Nam tại Pháp vừa tìm ra phương pháp mới giúp chẩn đoán tầm soát nhanh bệnh ung thư. Phương pháp mới này dựa vào việc phân tích quang phổ phức thể xanh ở tế bào người.
“Phức thể xanh” là một yếu tố đặc biệt luôn hiện diện trong tế bào người mắc bệnh ung thư. Chỉ cần một giọt máu, dịch hay lát cắt tế bào của người bệnh cũng đủ để xét nghiệm. Các nhà chuyên môn sẽ đưa mẫu vật xét nghiệm vào một thiết bị gọi là quang phổ kế Raman để nhận diện phần tử xanh này. Mọi việc chỉ mất khoảng vài phút với độ chính xác cao. Phương pháp chẩn đoán nhanh nói trên hiện đang được áp dụng rộng rãi ở Nhật.
TS Phạm Văn Hường sinh năm 1934. Năm 20 tuổi, ông sang Pháp du học và đỗ tiến sĩ quốc gia ở Pháp về chuyên ngành quang phổ khi ông 29 tuổi. TS Hường đã từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tại Pháp trong những năm 1974-1977.
channelvn
http://tuyensinh.nld.com.vn/suc-khoe/phuong-phap-moi-giup-chan-doan-nhanh-benh-ung-thu-52317.htm



3. Lời cáo của NLD


Chủ Nhật, 03:53  04/03/2007

LTS: Sau khi Báo NLĐ Chủ nhật ngày 7-1-2007 đăng bài “Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” của GS-TS Phạm Văn Hường, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi rất khác nhau. Tòa soạn chân thành cảm ơn những ý kiến của các nhà nghiên cứu, bạn đọc khắp nơi gửi về. Nhận thấy đây là một đề tài nghiên cứu vẫn đang còn nhiều tranh luận, chưa thể có kết luận cuối cùng, chúng tôi chọn đăng hai bài viết của tác giả Phan Quang về đề tài này để bạn đọc tham khảo

Quá trình hình thành chữ quốc ngữ kéo dài hơn ba trăm năm, tính từ ngày những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất Việt tiếp xúc với người bản địa cho đến khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời với bộ chữ in có dấu thanh được thửa ở châu Âu riêng cho nó. Theo các nhà sử học (1), đội thương thuyền đầu tiên của Bồ Đào Nha cập vịnh Đà Nẵng năm 1516, chỉ năm năm sau khi họ đổ quân lên chiếm Malacca (eo biển Mã Lai). Còn ở Đàng Ngoài thì hình như muộn hơn nhiều, và đến từ Macau (Trung Quốc) mà trước đó họ cũng đã chiếm làm thuộc địa. Dĩ nhiên, như chúng ta biết, đến năm 1651 mới có Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh xuất bản tại Roma, song để có cuốn từ điển này (ai là tác giả đích thực vẫn còn là điểm tồn nghi), hẳn phải có nhiều giáo sĩ khi đặt chân lên đất Việt từng thử dùng mẫu tự Latinh để ghi cách phát âm mà học tiếng bản địa. Tuy vậy, ngay sau khi đã được định hình một cách tương đối có hệ thống, chữ quốc ngữ vẫn chỉ quanh quẩn trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Phải đợi đến ngày Gia Định báo, tờ báo đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ ra mắt bạn đọc (năm 1865) thì nó mới đi vào công chúng tương đối rộng; và thời gian sau đó, các trường dạy chữ quốc ngữ lần lượt mở cửa, chữ quốc ngữ thật sự vào cuộc sống của xã hội Việt Nam.
Chữ Quốc ngữ: Công trình sáng tạo tập thể
Ai là những người đi tiên phong và có công đầu trong việc định hình chữ quốc ngữ? Vấn đề này đã tốn khá nhiều giấy mực. Có người cho rằng công lớn thuộc về hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha là Gaspar do Amiral và Antonio Barbosa. Lại có ý kiến cho rằng các tác giả đầu tiên là ba giáo sĩ người Ý Francesco Buzumi và hai đồng sự trẻ hơn của ông là Francesco de Pina và Cristoforo Borri (2). Giáo sĩ Francesco Buzumi cùng một giáo sĩ người Bồ tên là Diego Carvalho đến miền Nam nước Việt năm 1615. Thời gian này các nhà truyền giáo phương Tây bị các tướng quân (shogun) đang nắm chính quyền tại Nhật Bản xua đuổi nghiêm ngặt. Giáo đoàn dòng Tên Jesus (Jésuites) hướng về Đàng Trong của Việt Nam, nơi đây các thương nhân Nhật đã hình thành một cơ sở giao thương thịnh vượng ở Hội An. Chín năm sau, 1624, Alexandre de Rhodes mới được phái đến cùng năm giáo sĩ khác cập bến Hội An.
Tuyệt đại bộ phận các nhà nghiên cứu phương Tây cũng như Việt Nam từ trước tới nay không ai quy công đầu cho một tác giả đơn nhất mà đều khẳng định chữ quốc ngữ là sáng tạo tập thể, mỗi người góp phần một ít; những vị đi trước mở đường, những người kế tiếp hoàn thiện, nâng cao. Hình thành chữ quốc ngữ là một quá trình. Hoàn thiện nó cũng là một quá trình chỉ có thể tạm ngừng chứ không kết thúc, vì nó là một cơ thể sống đang phát triển. Công lao đặt nền móng chắc chắn thuộc về các giáo sĩ và tín đồ Thiên Chúa giáo người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha, người Ý, người Pháp, người Hà Lan... và có cả người Việt Nam - tại sao không? Bởi, theo thiển nghĩ của chúng tôi, người Việt chứ còn ai khác đã dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ nước ngoài, và một khi đã có một số tín đồ bản địa, cho dù hiếm hoi, tiếp cận tiếng La tinh, thì nhất định họ có góp phần vào việc ghi âm chữ quốc ngữ bằng thứ mẫu tự ấy. Người phương Tây ra nước ngoài, nhất là vào thời bành trướng của chủ nghĩa thực dân, ít người tránh được thiên hướng kỳ thị người bản địa. Nếu chúng ta tin lời của chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes, thì các nhà truyền giáo người Bồ, người Ý, người Tây Ban Nha không muốn nâng một số giáo đồ Việt Nam lên hàng chức sắc. Có nhà sử học đã đặt vào miệng ông câu nói: “Người bản xứ có thể tử vì đạo, tại sao họ không thể làm giáo sĩ?”. Dù sao, tín đồ Việt Nam đầu tiên là Philippo Bỉnh mãi tới năm 1820 mới được tấn phong linh mục tại Lisbonne, thủ đô Bồ.
Sao chỉ là Alexandre de Rhodes?
Tại sao trong số tập thể tác giả kia, một tên tuổi được nhắc đến, được vinh danh nhiều nhất lại là giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người Pháp? Theo các nhà nghiên cứu có uy tín như Léopold Cadière, Paul Mus hoặc muộn hơn, Jean Lacouture, trước hết không chỉ bởi ông có công cho xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latinh và viết cuốn Ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên, mà chủ yếu vì “Alexandre de Rhodes nếu không phải là người sáng tạo thì là người đầu tiên sử dụng và quảng bá mạnh mẽ chữ quốc ngữ” (Jean Lacouture). Còn Paul Mus thì đánh giá Alexandre de Rhodes, vốn là người có tư chất nhà ngôn ngữ học thạo mười hai thứ tiếng, đã “tiếp cận chữ quốc ngữ trên bình diện khoa học. Ông đã có công hoàn chỉnh cách viết chữ quốc ngữ”(3). Ở đây có một điểm dù sao cũng đòi hỏi chúng ta phải ít nhiều thận trọng. Ba vị nói trên, những nhà nghiên cứu uyên thâm, đều là người Pháp. Mà, nói mạn phép, người Pháp cho dù làm khoa học, dường như vẫn mang “máu đại Pháp” trong người, bao giờ cũng tìm cách tôn vinh đồng bào của mình trước hết; đặc biệt từ thế kỷ gọi là “ánh sáng”, thế kỷ của các nhà tư tưởng, văn hóa, khoa học lỗi lạc, thế kỷ mà ánh sáng của Cách mạng Pháp 1789 thật sự tỏa sáng địa cầu, trở về sau. Đấy là chưa nói những trường hợp mang ý nghĩa chính trị rõ rệt. Vào những năm 40 thế kỷ 20, khi chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam thật sự lung lay trước phong trào cách mạng đang lên và sự bành trướng của Nhật Bản giương cao ngọn cờ Đại Đông Á đầy tính mị dân của họ, nhiều vị cao niên thuộc thế hệ nay gọi là 2X, 3X ít nhiều đều có đọc các tác phẩm được xuất bản với ngân sách hào phóng do nhà cầm quyền thực dân bỏ ra để xây dựng “Tủ sách Alexandre de Rhodes”. Trong bối cảnh ấy, rất dễ hiểu tại sao hai giáo sĩ được tôn vinh nhất ở Đông Dương là Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ) và giám mục D’Adran, tên thật là Pigneau de Béhaine (Bỉ Như Bá Đa Lộc), người có công phò tá Hoàng tử Cảnh sang Paris cầu viện, giúp Nguyễn Ánh đánh nhà Nguyễn Tây Sơn, “nhất thống sơn hà” để hơn một trăm năm mươi năm sau toàn bộ sơn hà sẽ chịu sự đô hộ của người Pháp.
Alexandre de Rhodes thực chất là người như thế nào?
Vấn đề này cũng đã tốn khá nhiều giấy mực. Có người bảo người Việt Nam nên dựng tượng đồng bia đá cho ông. Có người quy kết - phần nào chắc chẳng oan - Alexandre de Rhodes là kẻ có tội với dân tộc Việt Nam, vì giáo sĩ này là người đầu tiên vận động quyết liệt với triều đình vua Louis 14 để dọn đường cho thực dân Pháp sang xâm chiếm Đông Dương xa xôi. Hơn thế, về tư cách, Alexandre de Rhodes là kẻ “đạo văn”, bởi đã mang bản thảo cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latinh do hai nhà truyền giáo Bồ khi rời Macau để lại nhà thờ San Pauli về Vatican cho xuất bản và đứng tên mình. Đã thế, ông còn ngang nhiên đứng tên tác giả một cuốn hồi ký của người khác, v.v... Do tư cách không đàng hoàng, khi các giáo sĩ Pháp được nhà vua với sự chấp thuận của Giáo hội La Mã phái sang Viễn Đông, không có tên Alexandre de Rhodes trong đoàn ấy. Ngược lại, ông gần như bị lưu đày sang Ba Tư để rồi qua đời tại đó.
Những sự đánh giá ấy chắc hẳn ít nhiều có căn cứ lịch sử. Coi các bản Trần thuật của Alexandre de Rhodes về những chuyến đi Viễn Đông của ông, người đọc ngày nay ai cũng nhận thấy tác giả khoa trương thái quá về công đức của mình, đến nỗi chính các nhà sử học đồng bào của ông cũng khó nén được nụ cười nửa miệng.
Alexandre de Rhodes sinh năm 1591 ở thành phố Avignon, miền Nam nước Pháp, từ một gia đình gốc Do Thái chuyên buôn tơ lụa sang Viễn Đông. Mẹ người lai Ý. Từ nhỏ ông đã mơ đến miền đất hứa phương Đông giàu tài nguyên quý hiếm như Ấn Độ, Trung Hoa... Trở thành giáo sĩ, ông đến Macau trên một chiếc tàu buôn Bồ Đào Nha. Thời ấy, đội thương thuyền của Bồ mạnh nhất thế giới. Người Bồ vẫn huênh hoang: “Không có tàu buôn Bồ, không có hàng tạp hóa Bồ, làm gì có các giáo sĩ dòng Tên!”(4). Ông đến Đàng Trong lần đầu năm 33 tuổi và sống tại đây trước sau bảy năm, trước khi vĩnh viễn rời Viễn Đông. Ông có tư chất và kiến thức một nhà ngôn ngữ học. Khi đã là một giáo sĩ, ngoài tiếng Ý họ ngoại, trước lúc lên tàu sang Viễn Đông, ông còn dành thời gian học tiếng Bồ. Cuối đời, bị “nửa lưu đày” sang Ba Tư, ông còn học để sử dụng thành thục ngôn ngữ thứ 13 là tiếng Ba Tư. Điều đó cho phép chúng ta lý giải một phần tại sao Alexandre de Rhodes thường hay được viện dẫn - ngoài những nguyên nhân vừa nói ở trên - khi các học giả bàn về ai là những người sáng tạo chữ quốc ngữ.
Sự cạnh tranh của chủ nghĩa thực dân Bồ - Pháp
Về nguyên nhân tại sao Alexandre de Rhodes không được trở lại Viễn Đông cùng với đoàn giáo sĩ Pháp mà ông có công vận động thành lập, một số nhà sử học giải thích tại sự cạnh tranh giữa chủ nghĩa thực dân Bồ và chủ nghĩa thực dân Pháp.
Thời kỳ đầu, với việc nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Magellan phát hiện quần đảo Philippines ở Viễn Đông (1521), nhà hàng hải người Bồ Christophe Colomb (Colombus) phát hiện châu Mỹ (1492), có thể coi như người Bồ Đào Nha tạm làm bá chủ các đại dương. Tuy nhiên, thời gian này không kéo dài. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia châu Âu ngày càng quyết liệt. Quần đảo Indonesia thoạt tiên do người Bồ khám phá, rơi vào tay người Hà Lan. Chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha và Pháp cũng trỗi dậy, cùng ganh đua với nhau và giành giật với Bồ, hạ uy thế của Bồ. Trong bối cảnh ấy, “Alexandre de Rhodes không quên mình là người Pháp” (lời nhà sử học Jean Lacouture). Ông vận động ráo riết để người Pháp có mặt sớm ở Viễn Đông. Dù chịu ơn người Bồ, ông dám vượt mặt các bậc bề trên trong giáo đoàn và tìm cách liên hệ trực tiếp với Tòa thánh Vatican, v.v... Vì những lý do đó, “ông bị triều đình Bồ Đào Nha coi như một kẻ thù của nước này” (Jean Lacouture).
Thôi thì hãy để các nhà sử học, nhà ngôn ngữ học... tiếp tục tranh luận và lý giải. Đối với người Việt Nam chúng ta, bất kỳ ai có đóng góp cho sự phát triển của dân tộc Việt, chúng ta đều hàm ơn và hậu thế tôn vinh những người nước ngoài có cống hiến trên mặt ấy tùy công lao đóng góp của họ, cho dù họ là người thế nào. Việc một số nơi ở Bắc Bộ có đền thờ thái thú Sĩ Nhiếp (thế kỷ 2 trước Công nguyên), người truyền bá Nho giáo vào đất Giao Châu (5), là thí dụ sớm nhất. Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà thành phố mang tên Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn nguyên hai con đường song song, một mang tên nhà nho Hàn Thuyên và một mang tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Cũng không phải không hàm chứa ý nghĩa cao cả mang tính tượng trưng, khi chính giữa hai con đường song hành ấy có đại lộ mang tên Lê Duẩn dài hơn, rộng hơn; ba con đường song hành vượt qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để đàng hoàng đi vào cổng chính hoành tráng của Hội trường Thống Nhất - Dinh Độc lập trước năm 1975.
Léopold Cadière
Giáo sĩ người Pháp, từng sống ở Việt Nam 63 năm, một trong những nhà Việt Nam học tên tuổi đầu tiên của thế giới. Chủ trương tờ tập san ra hằng tháng có tên Kỷ yếu những người bạn của cố đô Huế (BAVH - trước đây quen gọi là Đô thành hiếu cổ) xuất bản từ năm 1914 đến 1944, gồm 121 tập khổ lớn. Léopold Cadière đã công bố khoảng 250 công trình biên khảo về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng các dân tộc ở Việt Nam. Những công trình của ông về chữ quốc ngữ rất công phu. Riêng một việc tìm hiểu đâu là bức chân dung đích thực của Alexandre de Rhodes, ông đã trở về du khảo tại Pháp và Bỉ trong hơn một năm (1928-1929) và tìm ra 9 bức chân dung khác nhau để so sánh.
Paul Mus
Nhà Á châu học rất nổi tiếng, thành viên Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp từ 1927 đến 1944. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, giảng dạy tại Đại học Collège de France, Paris và Đại học Yale, Hoa Kỳ. Các công trình của ông thường được các nhà Việt Nam học nước ngoài viện dẫn, trong đó có các cuốn Việt Nam, nghiên cứu xã hội học về một cuộc chiến tranh, 1952; Số phận của Liên hiệp Pháp, 1954; Chiến tranh không có gương mặt, 1961; Hồ Chí Minh, Việt Nam, châu Á, 1972... Sau khi ông qua đời, các bài giảng của ông tại Đại học Yale được một môn đệ, tiến sĩ John McAlister, tập hợp và xuất bản: Người Việt Nam và cuộc cách mạng của họ, 1972.
Jean Lacouture
Nhà báo, nhà văn, nhà sử học Pháp, tác giả nước ngoài đầu tiên viết tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1967, tái bản 1976. Ông được coi như nhà viết tiểu sử danh nhân lớn nhất của Pháp ngày nay. Tác giả nhiều bộ tiểu sử về Léon Blum, De Gaulle, Pierre Mendès France, Francois Mitterrand, Francois Mauriac, Nasser... Bộ sách Những giáo sĩ Dòng Tên, mà ông gọi là “cuốn tiểu sử về nhiều người”, 1991-1992, hai tập, dày tổng cộng 1.100 trang khổ lớn. Năm 1946, từng làm tùy viên báo chí của tướng Leclerc ở Đông Dương, được nhiều lần gặp và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp..., Jean Lacouture được coi là một trong những người thành thạo nhất của Pháp về thời cuộc Việt Nam.
Phan Quang

http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/qua-trinh-hinh-thanh-chu-quoc-ngu-181894.htm


4. Ý kiến của Nguyễn Đình Đầu


(Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 145 tháng 1.2007)

Trong báo Người Lao Ðộng chủ nhật ra ngày 7.1.2007 nơi trang 23, có đăng bài "Ði tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ" của Gs - Ts. Phạm Văn Hường. Nội dung bài báo vu khống và phỉ báng Alexandre de Rhodes (ta phiên âm là A Lịch Sơn Ðắc Lộ, thường gọi tắt là Ðắc Lộ) bốn điều: 1) Ðạo văn, lấy công trình của Amaral và Barbosa đem xuất bản Từ điển Việt Bồ La với tên mình. - 2) Ðã đạo văn lại "tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm" khi ra từ điển ấy. - 3) "Không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày". 4) Không được phép trở lại Ðông Nam Á, "Alexandre trôi dạt vào Iran... kết thúc một đời tu hành gian trá".

Tôi xin đính chính:
1) Rhodes có đạo văn hay không?
Rhodes đã viết trong lời nói đầu Cùng độc giả của Từ điển Việt Bồ La: Tiếng An Nam "không những thuộc hai vương quốc khá rộng lớn là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong, thêm vào đó vương quốc thứ ba là Cao Bằng (tức Ðàng Trên của nhà Mạc, NÐÐ) cũng sử dụng cùng một phương ngữ ấy; mà lại tiếng đó còn thông dụng ở những vương quốc lân cận như Chàm, Cam Bốt, Lào và Xiêm...
"Tuy nhiên trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần 12 năm mà tôi lưu trú tại hai xứ Ðàng Trong và Ðàng Ngoài, thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Ðào, thuộc Hội dòng Tên (Giêsu) rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ Ðào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các vị Hồng y đáng kính" (1).
Như vậy thật rõ ràng: Rhodes có "sử dụng những công trình của nhiều cha khác..., nhất là của cha Gaspar de Amaral (từ điển An Nam - Bồ) và của cha Antonio Barbosa (từ điển Bồ- An Nam)". Phần Latinh là của Rhodes.
Có lẽ tác giả chưa đọc nguyên bản hoặc bản dịch Từ điển Việt Bồ La - đặc biệt lời nói đầu Cùng độc giả như vừa trích dẫn - nên đã viết: "Hai giáo sĩ do Amaral và Barbosa trước khi mất có để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt - Bồ - Latinh (sic) mà họ đã sáng tạo. Alexandro Rhodes là người mang từ điển đó về Âu châu. Năm 1651 người ta thấy có quyển từ điển Việt - Bồ - Latinh xuất bản Roma với tên tác giả là Alexandro de Rhodes".
Ts - Gs họ Phạm nói thế nghĩa là Rhodes đã đạo công trình của Amaral và Barbosa, chép lại nguyên xi Từ điển Việt Bồ La (sic). Vứt bỏ tên Amaral và Barbosa đi, rồi đưa xuất bản với tên mình là tác giả.
Ðó là vu khống trắng trợn, làm gì có "quyển từ điển Việt - Bồ - Latinh", chỉ có từ điển Việt Bồ của Amaral và từ điển Bồ Việt của Barbosa mà thôi. Muốn làm từ điển Việt Bồ La, Rhodes phải đúc kết hai từ điển đó và thêm tiếng Latinh vào mới thành. Hơn nữa, Rhodes có dấu nhẹm hai tên Amaral và Barbosa đi đâu! Trái lại, ông đã trang trọng ghi trong lời Cùng độc giả là "có sử dụng những công trình của... Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa". Tuy nhiên, chưa ai biết Rhodes đã sử dụng công trình của Amaral và Barbosa tới mức nào, vì hai từ điển nói trên thất lạc đâu mất.
Từ điển Việt Bồ La không chỉ là từ điển ngôn ngữ - dịch từ tiếng Việt ra Bồ và La ngữ - mà còn là một từ điển bách khoa giải thích cả về địa lý, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, ca dao ngạn ngữ... đặc thù của người Việt đương thời. Nếu không có sự đóng góp của người bản xứ, Rhodes không thể thực hiện được công trình để đời này.
Ngoài ra, Rhodes còn viết một chương ngữ pháp tiếng Việt đặt ở đầu sách và vẽ một bản đồ vương quốc An Nam để ở cuối sách. Hai mục ngữ pháp và bản đồ cũng đã đáng kể là công trình rất lớn của Rhodes.
Học giả Nguyễn Khắc Xuyên (Tiến sĩ thứ thiệt nhưng không bao giờ ghép vào tên mình ký hiệu TS) để cả đời chuyên nghiên cứu lịch sử hình thành chữ quốc ngữ Latinh. Ông đã trước tác nhiều công trình thật giá trị, trong đó có cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Ðắc Lộ 1651 dày 234 trang, được đánh giá là: "Riêng về giáo sĩ Ðắc Lộ, tưởng không có ai nghiên cứu tường tận bằng Nguyễn Khắc Xuyên, nhất là trên khía cạnh mối liên hệ giữa Ðắc Lộ và chữ quốc ngữ. Tác phẩm Ngữ pháp tiếng Việt của Ðắc Lộ là một bằng chứng cụ thể cho nhận định trên" (2).
Còn bản đồ Vương quốc An Nam (Regnu Annam) của Ðắc Lộ vẽ có lẽ phỏng theo bản đồ An Nam quốc đời Hồng Ðức (1490) ở đường nét chính yếu và đặt phía tây lên trên. Tuy nhiên, Ðắc Lộ ghi thêm độ số vĩ tuyến - kinh tuyến và chú thích các địa danh bằng chữ quốc ngữ cổ chưa bỏ dấu. Bản đồ này có giá trị khoa học địa lý nhất đương thời.

2) Ðã đạo văn lại "tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm" khi Rhodes trở về Âu châu cho ra từ điển ấy?
Như vừa nói, tác giả ho Phạm không đọc hoặc có đọc mà không hiểu nội dung Từ điển Việt Bồ La, nên cho là Rhodes có hành vi đạo công trình của người khác và "đã kèm thêm tên de quý phái... kệch cỡm khi ra quyển từ điển lịch sử" ấy? Thiển nghĩ tác giả họ Phạm đã không đọc tiểu sử của Rhodes và cũng không hiểu cách đặt tên rất thông thường trong thời phong hầu kiến ấp ở Âu châu trung cổ. Chữ de (hay do hoặc da tùy theo ngôn ngữ mỗi nước) chỉ có ý nói là ở lâu đài kiến ấp hay ở làng xóm nào mà thôi. Cũng thường khi chẳng phải phong hầu kiến ấp gì, nhiều dòng họ cũng lấy tên địa hình tự nhiên mà đặt, như Rivière là ở gần sông, Montagne gần núi, Dubois gần rừng, Dupont gần cầu, Rousseau gần suối, Fontaine gần vòi nước, Desmoulins gần cối xay, Duchêne gần cây sồi,.. Lâu ngày địa danh trở thành tộc danh và người ta bỏ hẳn chữ de. Cách đặt tên họ ở Pháp rất khác với Việt Nam. Trong khi Việt Nam chỉ có trên dưới 150 tộc danh, còn ở Pháp thì có hàng vạn tên. Chữ de thực không có gì là kệch cỡm! Ngay trong bài của tác giả có tên 4 người thì 3 người đã có chữ de. Và hoàn toàn không có sự kiện: "Khi rời Á Ðông trở về Âu châu, ông này (Rhodes) đã kèm thêm tên de quý phái". Tác giả đã dựng đứng sự kiện ấy!

3) "Không biết lễ chủ nhật nằm ở đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày"!
Tác giả họ Phạm cũng không đọc hay có đọc tác phẩm mà không hiểu gì hết. Phép giảng tám ngày nguyên tên đầy đủ là Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép Rửa tội mà vào đạo thánh Ðức Chúa Trời (3). Ðây là sách dạy giáo lý (Cathechismus) cho người muốn tòng giáo, mà Rhodes đã biên soạn bằng tiếng Việt và ứng dụng ở xứ ta, rồi cho xuất bản tại Roma năm 1651. Chương trình dạy giáo lý này chia ra 8 phần và mỗi ngày học một phần. Bắt đầu học "Ngày thứ nhít" (nhất) vào ngày nào trong tuần cũng được. Còn có những chương trình dạy giáo lý khác cho người muốn học cả tháng hay cả năm, chứ không nhất thiết phải học trong một tuần lễ 7 ngày!
Phép giảng tám ngày của Rhodes không liên can gì đến tuần lễ 7 ngày. Tác giả họ Phạm thật liều lĩnh khi hạ bút: "Có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày". Một giáo sĩ của Dòng Tên thông thái mà không biết lễ chủ nhật (hay Chúa nhật) nằm ở đầu tuần hay cuối tuần sao! Cả tỷ người theo Kitô giáo, Do Thái giáo và nhiều tỷ người trên thế giới chấp nhận dương lịch Công nguyên đều sinh hoạt theo tuần lễ 7 ngày và "lễ chủ nhật" là ngày đầu tuần. Hầu khắp thế giới nghỉ ngày chủ nhật. Gần đây nghỉ thêm ngày thứ 7 thì gọi là nghỉ cuối tuần (week-end hay fin de semaine).
4) "Alexandre trôi dạt vào Iran cho đến một ngày... chết ở Ispahan (in nhầm là Isfahan cũng như bìa sách Từ điển Việt Bồ La, in sai tên Annam thành Annnam)... kết thúc một đời tu hành gian trá".
Tác giả họ Phạm đánh giá Alexandre de Rhodes như trên chỉ có thể dựa vào những ý kiến xuyên tạc - nếu không nói là ác ý - của ông đối với người có công lớn trong sự nghiệp sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, mà Sài Gòn đã đặt thành một tên đường phố ở trung tâm. Trên 350 năm nay (1651-2006) đã có hàng trăm hàng vạn sách báo viết về Alexandre (có khi viết Alexandro hay Alexander) de Rhodes mà Việt Nam phiên âm thành A Lịch Sơn Ðắc Lộ và gọi tắt là Ðắc Lộ. Tất cả sách báo ấy - ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới - đều thừa nhận Ðắc Lộ có công với sự sáng tạo chữ quốc ngữ, mặc dầu có những đánh giá cao thấp khác nhau. Có lẽ chỉ riêng bài của tác giả họ Phạm là quá quắt vừa phản khoa học vừa đụng chạm đến lễ nghi tôn giáo và thẳng tay kết án Ðắc Lộ là đạo văn lấy công trình của người làm của mình, tự thêm tên de quý phái kệch cỡm, không hiểu lễ Chúa nhật ở đầu hay cuối tuần và kết thúc một đời tu hành gian trá!
* * *
Tôi thực tình ngạc nhiên khi thấy Tòa soạn Người Lao Ðộng rất có uy tín lại giới thiệu bài báo của Gs. Ts Phạm Văn Hường là "có tính chất nghiên cứu khoa học, mọi ý kiến phản biện, tranh luận, tác giả sẵn sàng lắng nghe...".
Tôi xin gửi Tòa soạn Người Lao Ðộng một số bài báo của Gs. Phan Huy Lê, Minh Hiến, Th. V.. Tâm Chánh, Ðỗ Quang Hanh, Hoàng Ðịnh... đã đăng trên các báo Lao Ðộng, Thể Thao, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ... khoảng từ (tháng 11.1993 đến tháng 9.1995, để tham khảo trước khi quyết định có nên mở ra cuộc tranh luận với Gs. Ts. Phạm Văn Hường hay không. Cho đến nay các giới chuyên nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ ở Việt Nam và Pháp vẫn chưa biết ông ấy là ai.

(Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 145 tháng 1.2007)
Nguyễn Ðình Ðầu
 http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/07news/7news129.htm



---
Bổ sung 1 (27/1/2015): Một bài của ông Bùi Kha (tôi chưa từng đọc), vừa được hehe chỉ dẫn.
(TG&DT) - Các ông Chương Thâu, Nguyễn Ðình Ðầu, Ðinh Xuân Lâm và Lm Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên nên công khai xin lỗi vì đã dịch thuật và chú thích tùy tiện và sai lầm có hậu ý, cũng như cố tình lèo lái và chi phối hai lần Hội thảo để vinh danh một người cần phải lên án. Việc vinh danh sai lầm nầy là một hành động làm tổn hại thể diện quốc gia

Hôm qua, có người email đến tôi bài của ông Nguyễn Ðình Ðầu phản bác lại bài của GS. TS Phạm văn Hường viết về Lm. Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Bài của ông Nguyễn Đình Đầu viết bằng văn phong nặng và một thái độ quyết liệt “đính chính”. Việc phản biện nầy của ông Nguyễn Ðình Ðầu đúng hay sai xin để cho GS Hường có ý kiến. Nhân dịp nầy, tôi muốn biện chính một số sai lầm nghiêm trọng của vài người, trong đó có ông Nguyễn Ðình Ðầu, đã viết về Lm Ðắc Lộ để từ đó đưa đến việc tái vinh danh sai lầm về giáo sĩ nầy.


Lúc vinh danh hay tái vinh danh Lm Ðắc Lộ, người ta nghĩ rằng chính giáo sĩ nầy là người đầu tiên có sáng kiến dùng mẩu tự La tinh để phiên âm tiếng Việt mà chúng ta thường gọi là chữ Quốc ngữ. Nhưng trong lời nói đầu “Cùng bạn đọc” (trong cuốn Từ điển Việt-Bồ-La) chính Ðắc Lộ đã nói rõ rằng ông không phải là người đầu tiên có sáng kiến dùng mẫu tự La tinh để phiên âm tiếng Việt mà ông học tiếng Việt với người dân Việt và với các Cha khác trong hội Dòng (tôi cũng đã trích dẫn trong một bài viết trước đây) nên nay không nhắc lại nữa.


Nhân bài viết của ông Nguyễn Ðình Ðầu phản bác một cách bực dọc với GS Phạm Văn Hường, tôi có mấy điều cần biện chính với ông Nguyễn Ðình Ðầu cũng như với vài đồng nghiệp của ông như sau :


1. A. de Rhodes (Rốt, Ðắc Lộ) có công hay không?


Tôi nghĩ khi muốn vinh danh hay tri ân một người nào đó, chúng ta nên và cần tìm hiểu mục đích và dụng tâm của người đó. Các giáo sĩ có sáng kiến dùng mẫu tự La tinh phiên âm tiếng Việt để dễ dàng trong việc truyền đạo, chứ các giáo sĩ nầy, ngay cả các ông Pina, Amaral và Barbosa, cũng chưa bao giờ nói rằng tôi có sáng kiến dùng mẫu tự La tinh để phiên âm tiếng Việt nhằm giúp cho người bản xứ Việt Nam dễ biết đọc biết viết ngôn ngữ của họ hơn là dùng loại chữ tượng hình như chữ Nho. Ngay cả A. de Rhodes cũng xác nhận trong lời nói đầu cuốn Từ điển Việt-Bồ-La dưới tiêu đề Cùng Bạn Ðọc rằng: “Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp cho chính người bản xứ học tiếng La tinh.” Như thế, Rốt thêm phần La-tinh vào cuốn Từ điển đã có sẵn chỉ nhằm mục đích giúp cho người Việt Nam học tiếng La tinh mà thôi. Người Việt học tiếng La tinh với mục đích gì chúng ta không nghe Rốt đề cập. Còn một số giáo sĩ như Giám mục Puginier thì nói rất rõ mục đích sử dụng chữ quốc ngữ của ông:


“Từ lâu, tôi chủ trương dạy và dùng chữ Châu Âu để viết tiếng An Nam, nhưng khốn thay, tôi không được ủng hộ trong việc thực hiện kế hoạch mà đã sáu lần tôi đề nghị. Nhưng tôi sung sướng thấy từ hai năm nay, chúng ta hoạt động tích cực trong mục đích này: Ngoài trường dạy tiếng Pháp của phái bộ là trường đầu tiên được thiết lập ngày 8-12-1884, chính phủ còn lập nhiều trường khác từ ngày 5-4-1885.


Cần phải dạy càng sớm càng tốt cho người An Nam viết và đọc được tiếng họ bằng chữ Âu Châu, việc này dễ hơn và tiện lợi hơn dùng chữ Nho. Trong vài năm sau, cần phải bắt buộc mọi giấy tờ chính thức không được viết bằng chữ Nho như trước nữa, phải viết bằng tiếng trong nước, mỗi viên chức ít nhất phải được dạy đọc và viết tiếng An nam bằng chữ Châu Âu. Trong lúc đó việc dạy chữ Pháp sẽ tiến triển nhiều hơn và chúng ta chuẩn bị một thế hệ để cung cấp các viên chức có học tiếng nước chúng ta. Như thế có lẽ trong vòng 20 hay 25 năm chúng ta có thể bắt buộc mọi giấy tờ đều viết bằng tiếng Pháp, do đó chữ Nho sẽ dần dà bị bỏ rơi mà chúng ta chẳng cần phải cấm đoán gì.


Khi chúng ta đạt được thành quả lớn lao đó, chúng ta xóa đi của nước Trung hoa một phần lớn ảnh hưởng tại An nam và phe trí thức An nam là phe rất căm ghét sự thiết lập thế lực Pháp, cũng sẽ bị tiêu diệt dần dần.


Vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn, sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần ban đầu bằng tiếng An nam, rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông.” (Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam,trang 386 – 388).


Trong lúc các giáo sĩ vào thế kỷ 17 đã có sáng kiến phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh đễ dễ truyền đạo và về sau, Giám mục Puginier đã sử dụng lọai chữ viết Âu hóa nầy để cắt đứt nền văn hóa Việt Nam với quá khứ để dễ đồng hóa dân tộc ta như đã dẫn ở trên, thì nhân dân ta trong đó có con chiên, thầy đồ, sư sải đã lợi dụng sáng kiến chữ Việt bị Âu hóa để phát triển thành một ngôn ngữ mà chúng ta gọi là quốc ngữ như ngày nay (Theo Gs. Roland Jacques trong bài “Ai là người thật sự sáng chế ra chữ Quốc ngữ”, tạp chí Huế, Xưa & Nay số 62 tháng 3-4/2004 của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương).


Vì không nhằm vào mục đích lợi ích cho dân tộc Việt trong việc La tinh hóa chữ quốc ngữ, do đó, các giáo sĩ nêu trên không có công gì với dân tộc ta để vinh danh họ trong vấn đề nầy cả, nhất là ông A. de Rhodes.


Ðó là chưa nói đến giáo lý của tôn giáo độc thần nầy mà các giáo sĩ như Ðắc Lộ truyền đến Việt Nam trong các thế kỷ trước đã là nguyên nhân gây tang tóc cho dân tộc ta trong thời Pháp thuộc và di họa vẫn còn tồn tục cho đến ngày nay. Ðây là một vết hằn đau thương cho vận nước mà chúng ta nhắc lại ở đây cũng chỉ nhằm để đánh giá lại cho đúng cái phương tiện và công cụ của chữ quốc ngữ chứ không phải nhằm khơi lại đống tro tàn để tạo bất hòa giữa những người lương và giáo.


2. Có tội hay không?


Riêng LM. Rhodes, ông không phải là người đầu tiên có công dùng mẫu tự La tinh để phiên âm tiếng Việt như một số người đã cố tình gán gép sai lầm vì, mục đích chính trị hay tôn giáo hoặc vì thiếu sử liệu, trái lại, Lm Ðắc Lộ càng nên bị khiển trách, thậm chí cần nên lên án, vì ông là người đầu tiên đã vận động Pháp xâm chiếm nước ta qua đoạn trích dẫn dưới đây do chính ông viết trong Divers voyages et missions (Hành trình và truyền giáo, bản dịch của Linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1994, trang 263):


Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôimấy chiến sĩđi chinh phục toàn cõi Ðông phương, đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Ðức Giáo hoàng.”


Trong bản dịch nầy, trang 289, Linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên lại chú thích một cách tùy tiện cụm từ “Plusieurs soldats” là “chiến sĩ Phúc âm, tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm cứ xâm lăng.” Rập khuôn theo cách chú thích cưởng từ đoạt ý ấy,trongmột bài viết có tựa đề “Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau” ông Chương Thâu, một giáo sư Viện Sử học Hà nội, thao diển: “Ðiều đáng chú ý là: người dịch bám rất sát văn cảnh(sic) và dịch tương đối thoát…”. Ði từnhận định sai lạc có dụng tâm nầy, ông Chương Thâu lại phê bình một đoạn trong luận án tiến sĩ của Cao Huy Thuần (Ðạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực dân tại Việt nam) và phê bình một đoạn khác của sử gia người Anh Helen B. Lamb trong cuốn Vietnam’s Will to Live (Việt Nam, Ước Vọng Sống Còn). Ông Chương Thâu cho rằng hai người nầy (thầy của những bậc thầy, Bùi Kha) đã hiểu sai nghĩa (sic) của cụm từ “Plusieurs soldats”.


Trong một đoạn khác của bài viết nói trên, ông Chương Thâu phê bình Gs Hoàng Tuệ: “Giáo sư Hoàng Tuệ trong cuộc Hội thảo Quốc tế về “Nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt nam”…họp tại Hà Nội những ngày 3,4,5 tháng 12 năm 1992, có đọc bản tham luận Về sự sáng chế chữ quốc ngữ, trong đó có đề cập đến vai trò của A. de Rhodes và có “dẫn dụng” câu trên của A. de Rhodes (nhưng lại không trích trực tiếp từ tác phẩm Hành Trình Và Truyền Giáo, nguyên bản của A. de Rhodes…, và cũng không trích trọn câu đủ ý) …


Có thể nghĩ là chữ Quốc ngữ, ngoài ý nghĩa thực dụng, còn có ý nghĩa chính trịnhất định trong phạm vi các Giáo Hội khác ở Việt nam.” Ông Chương Thâu viết tiếp:


“Do có ý kiến “tham luận” như vậy, nên nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tại cuộc Hội Thảo này đã có ý kiến trao đổi lại với giáo sư Hoàng Tuệ như sau:


“Qua đoạn vừa trích trên đây, người đọc có cảm tưởng Giáo Sư Tuệ đã ám chỉ A. de Rhodes là thân Pháp, xui Pháp đem binh lính xâm chiếm phương Đông và “chữ Quốc ngữ”… “còn có ý nghĩa chính trị”.


“Và đến lượt, ông Nguyễn Đình Đầu đã dịch lại câu trên của A. de Rhodes đồng thời “chú thích một số từ dùng trong câu của A. de Rhodes, cũng là nhằm “đối thoại” và “biện minh” với giới nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn, như sau”:


“Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Đông và đặt dưới quyền trị vì của Đức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp (ông NÐÐ thêm mấy chữ “đặc biệt tại Pháp”, BK), tôi sẽ tìm cách có được Giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các Giáo Hội này” (tức là Đàng Ngoài và Đàng Trong).


Ông Nguyễn Đình Đầu biện giải thêm: Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn “chinh phục toàn phương Đông” là để cho “nước Cha trị đến”, chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. “Chinh phục” hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị. Vì ngộ nhận trên, người ta mới gán cho chữ quốc ngữ “còn có ý nghĩa chính trị” vậy!”


Ông Chương Thâu, trong bài viết, cũng còn cho biết:


“Cũng vào thời gian cuối tháng 3-1993, tại một cuộc Hội Thảo “Tưởng niệm A. de Rhodes, nhân 400 năm ngày sinh của ông” do Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tổ chức tại Hội Trường Viện Bảo Tàng Cách Mạng Việt Nam, có nhiều nhà khoa học tham dự, đọc tham luận. Trong đó Giáo Sư Sử Học Đinh Xuân Lâm, một lần nữa lại đề cập “câu chữ” trên đây của A. de Rhodes và dịch lại (theo đúng văn cảnh, bối cảnh lịch sử thế kỷ 17) cụm từ “plusieurs soldats” là chiến sĩ” truyền giáo, vào coi như “lần cuối cùng đính chính lại sự lầm lẫn (dịch soldat là lính chiến, là quân lính đi xâm lược) như trước đây trong một số “giáo trình lịch sử Việt Nam” đã dẫn dụng.


Chính trong cuộc Hội Thảo đó của Hội Sử Học đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cấp có thẩm quyền (Thủ Tướng Chính Phủ, Bộ Văn Hóa v.v…) nhằm “khôi phục” vị trí xứng đáng cho linh mục A. de Rhodes, người đã góp phần quan trọng trong việc chế tác ra chữ Quốc ngữ cũng như một số hoạt động văn hóa (trứ tác các công trình sử học giá trị).


Cũng do vậy mà hiện nay, đã có quyết định khôi phục lại tên đường phố Đắc Lộ ở thành phố Hồ Chí Minh, dựng lại “bia 1941″(1) tại khuôn viên Thư Viện Quốc Gia ở Hà Nội v.v…


Vấn đề “đánh giá” thỏa đáng công lao của A. de Rhodes đối với nền văn hóa Việt Nam, đến nay, theo tôi được biết, đã có thể về cơ bản đáp ứng đúng đắn được “tâm cảm” của mọi người. Chúng ta thành kính ghi nhận tầm nhìn sáng suốt của các giới lãnh đạo của Đảng và của Nhà Nước ta đối với danh nhân văn hóa Alexandre de Rhodes. Các công trình trứ tác có giá trị của A. de Rhodes, như Từ Điển Vi?t-Bồ-La, Phép Giảng Tám Ngày, Hành Trình Và Truyền Giáo, Lịch Sử Xứ Đàng Ngoài cũng đã được in ấn, xuất bản lần lượt trong mấy năm qua và được bạn đọc đón nhận một cách trân trọng. Điều đó nói lên rằng, nhân dân ta biết rất rõ “chân giá trị” của A. de Rhodes và cũng đã dành cho ông một vị trí xứng đáng.”


3. Nhận xét về ý kiến và cách dịch thuật của Lm Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, các ông Chương Thâu, Nguyễn Ðình Ðầu và Ðinh Xuân Lâm:


Trong một bài viết, cuối tháng 7.1996, có tựa đề “Góp ý với Gs Chương Thâu về vai trò của Linh mục A. de Rhodes và nguồn gốc chữ Quốc ngữ”, đăng trong Giao Ðiểm số 24 tháng 9. 1996, tôi đã đưa ra 6 luận điểm để chứng minh cách dịch tùy tiện và đầy thiên kiến tôn giáo của các ông vừa nêu tên. Sau đây tôi chỉ sơ lược vài điểm chính:

    1. Chữ “soldats” có nghĩa là lính chiến, người có súng để đánh giặc, chữmissionnairesmới có nghĩa là lính thừa sai hoặc giáo sĩ. Chữ “quelque” mới có nghĩa là một vài (mấy). Còn chữ plusieurs có nghĩa là nhiều, nhưng Lm Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch là “mấy”(binh lính)để làm nhẹ tội cho Lm A, de Rhodes.

    2. A. de Rhodes viết rất rõ “Tôi nghĩ Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh lính” (plusieurs soldats). A. de Rhodes xin nước Pháp hay nói đúng hơn là xin chính phủ Pháp, chứ không xin giáo hội Pháp. Mà trong chính phủ Pháp thì không có lính thừa sai (tức là các giáo sĩ).

    3. Sở dĩ ông không xin Giáo hội Pháp vì từ năm 1493, lúc Giáo hoàng Alxander VI ký sắc lệnh chia thế giới cho Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha có quyền truyền đạo và chiếm đất ở Á châu nên giáo hội Pháp không thể chen chân vào phương Ðông. Vì thế A. de Rhodes chỉ có thể xin binh lính hay xin cái gì khác ở một định chế thế tục như chính phủ Pháp mà không thể nhờ được gì trong Giáo hội Pháp.

    4. Cụm từ “Thy Kingdon come” mới có nghĩa là “Nước Cha trị đến”. Cụm từ nầy ở trong cuốn kinh Lạy Cha mà bất cứ một con chiên bình thường nào cũng biết. Thế mà ông Nguyễn Ðình Ðầu giám sửa kinh Lạy Cha của Công giáo bằng cách lập lờ dịch và chú thích cụm từ “La conquête de tout l’Orient” là “Nước Cha trị đến”. Thật là hết chỗ chê! Còn Lm Hồng Nhuệ dĩ nhiên là cười thầm một cách khoái trá và mĩa mai vì người ta đã trúng kế mình, chứ chẳng lẻ một người có tiến sĩ Thần học (mà ông Nguyễn Ðình Ðầu gọi là tiến sĩ thứ thiệt) viết về cuốn “Phép Giảng Tám Ngày” (một tác phẩm với ngôn từ hung hản thiếu văn hóa của A. de Rhodes) lại không biết cụm từ “Nước Cha trị đến” tiếng Anh là gì và do đâu mà có?

    5. Phê bình Gs Hoàng Tuệ “trích không trọn câu đủ ý”, nhưng chính ông Chương Thâu, Ðinh Xuân Lâm và đặc biệt là ông Nguyễn Ðình Ðầu và Lm. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên mới là những người trích không trọn câu đủ ý. Các ông chỉ trích dẫn một đoạn ngắn trong cuốn “Hành Trình và Truyền Giáo” của A. de Rhodes rồi biện bạch để chinh phục các hội thảo viên khác và lờ đi các đoạn chính kế tiếp để thao tác nghĩa ngữ một cách tùy tiện. Ðể độc giả tiện theo dỏi và đối chiếu, tôi trích lại trọn vẹn vài đoạn văn ấy để biết chính xác quan điểm chính trị của Lm A. de Rhodes và việc dịch thuật, cũng như chú thích tùy tiện hai cụm từ vừa nêu trên của các ông Chương Thâu, Nguyễn Ðình Ðầu và Ðinh Xuân Lâm. Từ đó, các ông đã thao tác và lạc dẫn các hội thảo viên không có tài liệu. Sau đây là các đoạn văn liên tục của A. de Rhodes trong cuốn “Hành Trình Và Truyền Giáo” đã dẫn:


“Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôimấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương, đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Ðức Giáo hoàng”(trang 263).


“Tôiđi qua Marxây và Lyon rồi tới Paris; theo tôi thì Paris là thu gồm hay đúng hơn là bản mẫu tất cả những gì đẹp nhất tôi đã thấy ở khắp trái đất nầy.” (cuối trang 263). A. de Rhodes viết tiếp:


(a) “Trên đường từ Lyon tới Paris, tôi nghiệm thấy có sự quan phòng rất đặc biệt của Chúa tôi vẫn coi như kim chỉ nam và mẫu mực. Ðể ra mắt ở Pháp, tôi cần có thiên thần hộ vực để đưa tôi lọt vào triều đình vua cao cả nhất hoàn cầu. Thế là tôi gặp ở Roanne đức Henri de Maupa, giám mục thành Puy, tu viện trưởng Saint Denis, đệ nhất tuyên úy của Hoàng Hậu. Ngài có nhã ý cùng đi với tôi trong cuộc hành trình nhỏ bé nầy.” (chữ đậm là Bùi Kha muốn nhấn mạnh). “Trong mười lăm ngày, tôi thấy nơi ngài nhiều nhân đức và thương yêu, suốt đời tôi, tôi sẽ quý mến công ơn và sẽ đề cao cuộc hội ngộ may mắn nhất trong suốt các hành trình của tôi.


(b)“Tôi chưa công bố thánh chiếnchống mọi địch thù của đức tin ở Nhật, ở Trung quốc, ở Ðàng Trong, ở Ðàng Ngoài và ở Batư thì lập tức đã có một số đông con cái thánh Inhaxu, đầy tinh thần đã đưa thánh Phanchicô Xavie tới ba trăm quốc gia, các ngài đã bừng bừng ao ước vác thánh giá Thầy và đem đi cắm ở những nơi cùng kiệt cỏi đất” (trang 264).


(c) Chú thích của Bùi Kha về hai ông “thánh” mà Lm. A. de Rhodes nói đến trong đoạn văn vừa trích dẫn:


Thánh Inhaxu“Từ lúc Ignatius (tức là Inhaxu) chết năm 1556 các giáo sĩDòng Tênđã chiến đấu chống lại các người khác tôn giáo ở Ấn độ, Trung hoa, Nhật, Tân thế giới, và đặc biệt là miền Nam nước Pháp và Tây Đức” (When Ignatius died in 1556, his sons fought against the heretics in India, China, Japan, the New World, especially in Southern France and Western Germany (Linh Mục Edmond Paris The Secret History of the Jesuits, 1975, p.24).


“Thánh” Phanchicô Xavie (Francis Xavier) là môn đệ khét tiếng của Inhaxu (nói ở trên). Kinh “Nhật Khoá” của Giáo phận Sài gòn, được Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình duyệt y, ngày 19.3.1971, có đoạn cầu ông “thánh” Phan-xi-cô Xa-vi như sau:


-“Ông Thánh Phan xi cô là môn đệ rất xứng đáng của ông Thánh I-nha-xi-ô (Ignatius)


  • là quan thầy các nước Đông phương

  • là kẻ nghịch đạo dị đoan

  • phá tan đạo bụt thần ma quỉ

  • là lính rao tiếng Đức Chúa Thánh Thần cho những dân mọi rợ.”


Ðoạn văn trên có nghĩa là những ai khác tôn giáo; không thờ Chúa, đều là những mọi rợ ma quỷ cần phải tiêu diệt.


Tôi trích thêm hai đoạn ở trang kế tiếp cũng trong cuốn Hành Trình Và Truyền Giáo, ghi số (a), (b) và chú thích (c) để làm sáng rõ thêm nghĩa của hai cụm từ “Plusieurs soldats” và “La Conquête de tout l’Orient” (phải được dịch là nhiều lính chiến có súng để chinh phục phương Ðông). Thật vậy, Lm. A. de Rhodes đã vào trong triều gặp Hoàng hậu vợ vua Louis thứ XIV để vận động xin binh lính. Ông còn cho biết “chưa công bố thánh chiến chống lại mọi địch thù…” Thánh chiến chống địch thù thì phải có lính hoặc ít lắm cũng là người có khí giới. Thêm vào đó, Lm. Rhodes nhắc đến sứ mạng của hai ông “Thánh” giáo điều cực đoan mà tôi đã chú thích ở mục (c).


Với ba sự kiện vừa nêu, tôi nghĩ cũng đã làm sáng tỏ nghĩa ngữ của hai cụm từ đang bàn cải, đồng thời cho thấy việc dịch thuật và chú thích tùy tiện của bốn ông đã nêu trên.


Những tiết lộ của ông Chương Thâu qua hai lần Hội thảo 1992 và 1993 cho chúng ta thấy Lm Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, các ông Chương Thâu, Nguyễn Ðình Ðầu và Ðinh Xuân Lâm đã chi phối và khuynh loát Hội thảo, và hầu như nhiều hội thảo viên khác vì chưa từng đọc các cuốn Từ điển Việt-Bồ-La, chưa đọc cuốnHành Trình Và Truyền Giáo cũng như cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Lm. A. de Rhodes nên đã sai lầm trong việc “đưa ra nhiều kiến nghị” để khôi phục địa vị cho một người đã vận động thực dân Pháp xâm chiếm và sau đó đô hộ nước ta.


Ðiều cần nói thêm ở đây là ông Chương Thâu không nên đem sự sai lầm của cá nhân để gán cho cả một dân tộc trong câu “nhân dân ta biết rất rõ chân giá trị của…”. Và ông căn cứ vào đâu và có đọc cuốn Phép Giảng Tám Ngày không để ông cho đó là một tác phẩm văn hóa giá trị? Trong cuốn sách nầy Lm Ðắc Lộ (A. de Rhodes) mạt sát, mạ lỵ Khổng giáo, Lão giáo, gọi các người theo đạo thờ ông bà tổ tiên là ma quỷ, còn Phật Thích Ca thì ông giáo sĩ biểu lấy dao mà chém cho gục ngã.


Còn Lm Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên viết luận án Tiến sĩ Thần học về cuốnPhép Giảng Tám Ngày của Lm A. de Rhodes, có lẻ vì thế nên tư cách hai người giống nhau. Đúng là thầy sao trò vậy (Like teacher like student). Thật vậy, bài tham luận của Gs Hoàng Tuệ viết đúng sự thật nhưng vì không đúng ý của mình nên đã bị Lm Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên viết bài mạt sát và mạ lỵ bằng những ngôn từ thiếu văn hóa như “ngu, dốt”, được nhắc đi nhắc lại đến 15 lần trong một bài viết ngắn đăng trên tạp chí Ngày nay, Texas, 1993, có tựa đề “Gởi Giáo Sư Hoàng Tuệ – Bàn Về Chữ Quốc Ngữ Trên Tờ Tuổi Trẻ.” Một người mà ông Nguyễn Ðình Ðầu ngưỡng mộ và đánh giá là “Tiến sĩ thứ thiệt” trong bài phản biện Gs Phạm Văn Hường, thì lại có hai đặc điểm: Dịch thuật và chú thích tùy tiện, còn văn phong thì hạ cấp và có tính áp đảo người khác ý kiến với mình.


Tóm lược: Từ trước đến nay, A. de Rhodes được tôn vinh sai lầm vì “ai” cũng nghĩ rằng ông là người đầu tiên có sáng kiến phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh, thậm chí trong nhiều năm dài, mọi người còn nhầm lẫn cho ông là người “sáng chế” ra chữ quốc ngữ và là tác giả cuốn Từ điển Việt-Bồ-La nhưng chính A. de Rhodes, chứ không phải người nào khác, đã chối bỏ điều đó trong Lời Nói Ðầu của cuốn Từ điển ấy.


Chính phủ Pháp tôn vinh A. de Rhodes thì mang đầy tính chính trị và văn hóa thuộc địa. Hai chính phủ Công Giáo ở miền Nam Việt Nam trước 1975 thì tôn vinh A. de Rhodes vì lý do chiến lược và mặc cảm tôn giáo, còn nhiều nhà nghiên cứu đứng đắn thì thiếu sử liệu để biện chính.


Sau hai lần Hội thảo, 1992 và 1993, tại Việt Nam, A. de Rhodes được tái vinh danh vì căn cứ theo các kiến nghị của các nhà “nghiên cứu” thiếu sử liệu hoặc chưa có sử liệu để đọc nên đã có những kiến nghị sai lầm đáng tiếc. Thêm vào đó, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, vì vô tình hay không đọc vài tác phẩm của A. de Rhodes, nên đã không biết quan điểm chính trị của ông giáo sĩ nầy. Còn Lm Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và các ông Chương Thâu, Nguyễn Ðình Ðầu và Ðinh Xuân Lâm, tuy có sử liệu nhưng lại thiếu thành thật trong việc trích dẫn, nên đã thao túng thành công trong một “chiến dịch văn hóa” sai lầm đầy lý do tôn giáo.


Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần có một ban nghiên cứu độc lập để thẩm định lại việc vinh danh sai lầm một số nhân vật mà A. de Rhodes là một, để tránh tình trạng khinh thường kẻ đáng kính và kính trọng kẻ đáng khinh.


Còn các ông Chương Thâu, Nguyễn Ðình Ðầu, Ðinh Xuân Lâm và Lm Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên nên công khai xin lỗi vì đã dịch thuật và chú thích tùy tiện và sai lầm có hậu ý, cũng như cố tình lèo lái và chi phối hai lần Hội thảo để vinh danh một người cần phải lên án. Việc vinh danh sai lầm nầy là một hành động làm tổn hại thể diện quốc gia.


Những nhà nghiên cứu trên thế giới và những người hiểu biết lịch sử Việt nam thời Pháp thuộc có lẻ cũng không khỏi ngỡ ngàng là một quốc gia có niềm tự hào với bốn ngàn năm văn hiến, như Việt Nam, lại vinh danh một tên quốc phạm nước ngòai mang áo tu sĩ.


Bùi Kha

10.4.2007.

(1) Bia do cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ Tịch Hội Truyền Bá Quốc Ngữ xây dặt gần đền B Kiệu – Hồ Gươm, Hà Nội.

http://tongiaovadantoc.com/c0/20111227102139049/vinh-danh-a-de-rhodes-la-lam-ton-hai-the-dien-quoc-gia-bui-kha.htm

9 nhận xét:

  1. Không rõ sau phản biện của Nguyễn Đình Đầu, GS-TS Phạm Văn Hường trả lời thế nào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như không có trả lời thì phải ! Hay là có mà mình chưa biết ?

      Xóa
    2. Tôi cũng thử tìm nhưng không thấy. Có lẽ không. Ông Hường không, những ông khác cũng không. Ít nhất ở điểm Đắc Lộ đã ghi nhận đầy đủ công khó của những người đi trước ngay ở đầu cuốn sách.

      Ông Hường phê phán cuốn sách nhưng dường như không đọc chữ nào trong cuốn sách. Hoặc muốn nhưng không đọc được. Đây là điểm chung của các trí thức Phật tử cuồng tín hehe.

      Có thể xem bản chụp của cuốn sách ở dưới. Không cần biết tiếng Bồ hay La cũng có thể dễ dàng tìm thấy những cái tên Đắc Lộ nhắc đến ở ngay đầu cuốn sách.

      http://www.mediafire.com/view/hiuag6c769h75ip/TuDien_VietBoLa.pdf

      Xóa
    3. Riêng về Đắc Lộ thì mình đã có thời gian nghiền ngẫm kĩ các tác phẩm của cụ ấy rồi mà ! Bài phản biện ngắn, đầy đủ, đúng trọng tâm của cụ Nguyễn Đình Đầu đã có thể xem tạm đủ. Không thấy ông Hường trao đổi lại.

      Mình đồng ý là ông Hường chưa từng đọc Đắc Lộ, hoặc đọc một cách rất sơ sài.

      Gần đây, liên tục phát hiện những trí thức đào tạo trong môi trường học thuật của Pháp có hiện tượng như ông Hường này.

      Xóa
    4. Ở đây có ông Bùi Kha, một chiến sĩ luôn ở tuyến đầu trên mặt trận chống CG, cũng "chạy làng" vụ ông Hường hehe:

      "Hôm qua, có người email đến tôi bài của ông Nguyễn Ðình Ðầu phản bác lại bài của GS. TS Phạm văn Hường viết về Lm. Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Bài của ông Nguyễn Đình Đầu viết bằng văn phong nặng và một thái độ quyết liệt “đính chính”. Việc phản biện nầy của ông Nguyễn Ðình Ðầu đúng hay sai xin để cho GS Hường có ý kiến..."

      http://tongiaovadantoc.com/c0/20111227102139049/vinh-danh-a-de-rhodes-la-lam-ton-hai-the-dien-quoc-gia-bui-kha.htm

      Lại có ông khác (không nhớ tên), cũng loại trí thức PG cuồng tín, lại cho rằng chữ quốc ngữ thời Đắc Lộ không phải chữ quốc ngữ ngày nay (vậy nên ĐL chẳng có công trạng gì). Hài phết hehe.

      Xóa
    5. Chuyện GS-TS Phạm Văn Hường cho rằng vì Đắc Lộ không biết một tuần bắt đầu bằng thứ Bảy hay Chủ Nhật nên "sinh ý Phép giảng tám ngày" quả là hài hước.

      Một tuần bắt đầu ở đâu liên quan gì đến số ngày trong tuần?

      Ông Hường làm ơn tính thử, bắt đầu từ thứ Bảy, xem một tuần có phải có 7 ngày không? Rồi bắt đầu từ Chủ Nhật, từ thứ Hai, từ thứ Ba, v.v... tính xem một tuần có bao nhiêu ngày?

      Biết đâu, nếu tính từ CN, một tuần sẽ có 8 ngày, từ thứ Hai là 9 ngày, từ thứ Ba là 10 ngày thì quả ông Hường đã có phát hiện chấn động thế giới chứ chẳng chơi hehe.

      Ai nói ông Hường GS-TS, lại GS-TS vật lí học ở Pháp, tôi không tin.

      Xóa
    6. Riêng sự kiện đánh giá lại Đắc Lộ này, mình thấy là bản thân cụ Nguyễn Khắc Xuyên (một trí thức công giáo, đã từ trần mấy năm trước) cũng dùng lời lẽ rất "ghê gớm". Đọc lại ở đây:

      http://giaovn.blogspot.jp/2013/08/nam-2013-ki-niem-420-nam-ngay-sinh-ac.html

      Xóa
  2. Cảm ơn Chu Xuân Giao đã công phu đem đến cho bạn đọc những tư liệu, ý kiến rất bổ ích. "Nhàn" như Giao quả là không "nhàn" chút nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Tuấn Công. Riêng sự kiện cụ Đắc Lộ với chữ quốc ngữ này, bác có bình luận gì không ?

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.