Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/01/2015

Đèn Cù tập 2 (một tóm tắt của Nguyễn Văn Tuấn)

Bài của Nguyễn Văn Tuấn đã thấy xuất hiện lâu lâu. Nhưng lúc đó, tôi chưa kịp liếc Đèn cù tập 2, nên cũng không ngó bài ấy. 

Nhân đợt nghỉ dài ngày vừa rồi, mới kịp liếc liếc (đã đi entry liên quan ở đây). Về cơ bản, quan điểm của tôi là tập 2 sa sút hơn tập 1. Đọc cũng được, mà không đọc cũng chẳng hề gì. 

Mà chưa biết chừng, còn có cả Đèn cù tập 3 nữa, cũng có thể. 

Hãy xem Đèn cù như một thứ sử tư nhân. Ngày xưa, cụ Nguyễn Khoa Chiêm ngồi viết sử tư nhân, bịa đủ thứ chuyện (cái này, tôi sẽ trình bày trên tạp chí chuyên ngành, không phải nói chuyện chơi). Ấy thế nhưng, có cái hay là, nhiều chi tiết cụ có tư liệu gốc, cứ chép lại, đâm ra, lưu được những thứ quí ấy (không tìm ra được trong sử chính thống do sử quan của triều đình được ăn lương cùng bổng lộc để viết ra; các ông quan viết sử lười quen thói nên chỉ chép vài chữ đầu với mấy chữ cuối).


Ở dưới là bài của Nguyễn Vân Tuấn, chép nguyên xi về từ blog của bác.

---


Thursday, December 25, 2014

Đèn cù tập II



Tôi mới đọc xong được cuốn "Đèn cù tập II" của Trần Đĩnh. Sách dày đến hơn 650 trang. Đèn cù tập I có tiêu đề là "Số phận Việt Nam dưới chế độ cộng sản", còn Đèn cù tập II có tiêu đề là "Vén mây giữa trời", nghe rất … thơ. Đèn cù tập II có vẻ hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn, và trực diện hơn tập I. Tại sao vén mây? Vì theo cách nghĩ của tác giả, mặt trời là những cái tên xa lạ như Lenin, Stalin, và Mao, còn lãnh đạo VN và đảng chỉ là những vì sao, và vén mây lên, tác giả muốn làm rơi rụng cả mặt trời và những vì sao. Ở đây, tôi sẽ đọc và ghi chép những sự kiện và câu chuyện đáng chú ý. (Xin nói trước, bài này hơi dài vì tôi viết theo kiểu thu thập dữ liệu từ sách. Nhưng tôi nghĩ các bạn sẽ không chán khi đọc bài này). 


Trong Đèn Cù Tập II, Trần Đĩnh thuật lại cuộc đời ông bị nhóm của hai ông Lê Duẩn – Lê Đức Thọ đày đoạ vì tội "xét lại chống đảng". Ông chịu cùng số phận với những người nổi danh như tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, v.v. Vì có liên hệ với nhiều người trong vai trò một nhà văn và một kí giả, nên Trần Đĩnh có tiếp xúc với rất nhiều người từ nhiều thành phần. Do đó, câu chuyện của ông rất ư thú vị và hấp dẫn. Đèn Cù Tập II vẫn giữ được một văn phong lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối qua những câu chuyện có khi đắng lòng nhưng cũng có khi hài hước.

Vụ án xét lại

Trong thập niên 1960, đảng Lao Động VN có 2 phe: phe theo Liên Xô lúc đó do Khrushchev lãnh đạo, và phe theo Tàu của Mao Trạch Đông. Phe theo Khrushchev còn được gọi là "phe xét lại" vì Khrushchev chủ trương sống chung hoà bình với thế giới tư bản. Dạo đó, phe theo Tàu là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thắng thế, và truy bắt những ai theo phe xét lại. Nhiều người bị bắt giam, có thể kể đến Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Kiến Giang, v.v. được nhắc đến khá nhiều lần trong Đèn Cù. Cũng có người không bị giam giữ, nhưng bị khai trừ khỏi đảng, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm và tướng Đặng Kim Giang.

Ông Lê Trọng Nghĩa thường được nhắc đến trong Đèn Cù khá nhiều lần, vì ông dính dáng vào "vụ án xét lại chống đảng". Ở trang 545, tác giả thuật lại việc bắt Lê Trọng Nghĩa, lúc đó là Cục trưởng Cục tình báo quân đội, đậm màu Statsi. Ngày 8/1/1968, "Nghĩa họp giao ban xong, thì được Văn Tiến Dũng bảo sang bên Phạm Ngọc Mậu có việc. Nghĩa lái xe sang. Mậu nói luôn: Đồng chí bị bắt! Nghĩa vặn: Đồng chí mà bắt?"

Người ta hỏi cung ông Nghĩa rất nhiều, và đặc biệt xoáy vào vấn đề ai là người giao cho ông liên hệ với CIA để chuẩn bị đàm phán Việt – Mĩ? Chủ ý là khai thác để ông Nghĩa khai ra người giao nhiệm vụ là tướng Giáp. Nhưng ông Nghĩa thản nhiên nói: người giao nhiệm vụ là đồng chí Lê Duẩn!

Trong Đèn Cù Tập II, Trần Đĩnh còn tiết lộ sự tàn ác của nhà tù. Ông Hoàng Minh Chính (nguyện viện trưởng Viện Triết học Mác Lê), người có lẽ nổi tiếng nhất vì bị dính dáng vào "Vụ án xét lại", từng viết đơn tố cáo rằng khi ông bị giam trong tù, đêm đêm công an vào đè ông xuống giường và bóp cổ.

Tàu cộng rất ghét tướng Võ Nguyên Giáp. Trần Đĩnh tiết lộ rằng năm 1979 (?) sau khi tướng Giáp viết bài tố cáo tội ác xâm lược của Tàu cộng, thì bên Bắc Kinh chúng cho giăng biểu ngữ đả đảo Võ Nguyên Giáp "phần tử xét lại tay sai Liên Xô, phản bội Hồ Chí Minh" ngay tại Thiên An Môn và trước mặt đoàn đại biểu do Lê Thanh Nghị dẫn đầu sang thăm Tàu.

Còn ở Việt Nam, như là một cách dằn mặt tướng Giáp, người ta còn đày đoạ tướng Đặng Kim Giang và Đại tá Lê Trọng Nghĩa (những phụ tá của tướng Giáp) một cách dã man. Trần Đĩnh kể rằng khi đại tá Lê Trọng Nghĩa (chánh văn phòng Bộ Quốc Phòng) bị bệnh lao phổi, tướng Văn Tiến Dũng đưa vào điều trị ở Bệnh viện 354. Mới nhập viện buổi sáng thì buổi chiều có nhân viên an ninh đến hoạnh hoẹ ban giám đốc bệnh viện là ai cho ông Nghĩa vào đây. Bệnh viện phải chuyển đại tá Nghĩa xuống một cái buồng chật hẹp và hẻo lánh dùng để chổi.

Một điều thú vị là ông Sáu Búa Lê Đức Thọ không ưa ông Trường Chinh. Khi bàn về nhân sự và đoàn kết trong đảng, Sáu Búa từng nói "Trung ương cái đéo gì. Trung ương thằng Khu! Cộng sản mà lại đoàn kết với tư sản và địa chủ?" (Trang 88). (Cần biết rằng tên thật của ông Trường Chinh là Đặng Xuân Khu. Thật ra, Lê Đức Thọ cũng chỉ là cái tên giả vì tên thật của ông là Phan Đình Khải). Chả thế mà ông cụ (có lẽ nói ông Hồ Chí Minh) từng chơi chữ về cái tên Lê Đức Thọ là "Le Duc" (tiếng Pháp là Quận công), hàm ý nói Sáu Búa lộng hành chẳng xem ai ra gì (trang 87).

Ung Văn Khiêm, cựu bộ trưởng ngoại giao nuôi heo

Đọc trên wikipedia thấy tiểu sử của ông khá sơ sài: sinh năm 1910 ở Chợ Mới, Long Xuyên, tỉnh An Giang (tôi đoán là thuộc gia đình giàu có), đi theo cách mạng, từng giữ chức "Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam từ 2/1961 đến 4/1963, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến năm 1971" trong Chính phủ VNDCCH. Nhưng trong Đèn Cù tập II, Trần Đĩnh tiết lộ rằng ông từng bị khai trừ khỏi đảng, có thời gian đi … nuôi heo.

Ở Chương 13, Trần Đĩnh kể lại buổi tiếp xúc với ông Ung Văn Khiêm (UVK) ở Sài Gòn, và ông UVK đã "bật mí những chuyện có thể nói là tày đình". Ông UVK là một trí thức Nam bộ, có lẽ cùng thời với Phạm Ngọc Thạch và "đàn em" Trần Văn Giàu. Đó là những người con nhà giàu, Tây học, nhưng lại theo Việt Minh. Theo ông Khiêm thì nạn nhân "vụ xét lại" chính là ông Hồ Chí Minh! Trong hội nghị 9, ông cụ không biểu quyết, thì ngay sau đó Bộ Chính trị không cho sinh hoạt nữa vì lí do … sức khoẻ. Ông Khiêm cho biết rằng ông cụ Hồ Chí Minh có lần gặp rắc rối về khách sạn bên Nam Tư, và ông Khiêm (lúc đó là bộ trưởng ngoại giao) phải ở lại nửa tháng trời để giải quyết. Rất tiếc ông không nói rắc rối gì.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh (năm 1975), phe miền Nam như ông Võ Văn Kiệt kéo ông Khiêm về Sài Gòn. Ông Kiệt là "đàn em" của ông Khiêm và từng được dìu dắt bởi ông Khiêm trong thời chiến. Nhưng sau này thì ông Khiêm bị đối xử rất tệ, cứ như là kẻ thù. Trần Đĩnh kể rằng vợ ông lúc đó phải bán từng quả khế để có đồng tiền ra vô nuôi đứa con trai đang bị bệnh tâm thần. Cần nói thêm rằng vợ ông Khiêm từng là giao liên cùng đội với Lý Tự Trọng trong thời chiến tranh.

Ông Khiêm kể rằng sau này (không rõ năm nào, nhưng tôi đoán là 1980 hay 1984), Lê Duẩn vào Nam dự đại hội đảng bộ Sài Gòn. Lê Duẩn hỏi: "Ủa, anh Ba Khiêm đâu?" Ông Khiêm vừa kể vừa cười nói "Tổng bí thư mà không biết uỷ viên trung ương đảng, bộ trưởng ngoại giao bị khai trừ, khôi hài quá há! Quan liêu nhất há!" Ông Khiêm kể rằng sau đó, các ông Trường Chinh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lần lượt đến thăm nhà ông, nhưng ông không mời vào nhà vì bận làm vệ sinh chuồng heo. Ông tự hào là mặc quần xà lỏn tiếp chuyện họ ở chuồng heo. Ông Ung Văn Khiêm qua đời năm 1991. Hình như sau này Sài Gòn có đặt tên ông cho một con đường (nhưng tôi không nhớ rõ).

Nhân trường hợp Ung Văn Khiêm, Trần Đĩnh có một đoạn kết về sự hành xử của người cộng sản rất hay: "Trong thời gian cuối đời Ung Văn Khiêm, tôi lờ mờ nhận diện thấy một sức ép. Tàn nhẫn, ác liệt, chẳng nể ai, nó bắt tất cả, bất kể quân tử hay tiểu nhân đều phải theo sai khiến của nó. Lúc đó tôi chưa nghĩ ra được tên gọi cho sức ép vĩ đại này. Đến giữa thập kỉ 1990 nghĩ ra. Đó là 'đại lưu manh'. Vâng, thằng Đại lưu manh này là THỜI ĐẠI." (Trang 185).

Dương Bạch Mai bị chết vì đầu độc?

Đèn Cù Tập II có nhắc đến ông Dương Bạch Mai, là bậc trí thức Tây học gốc Nam Bộ. Ông sinh ra ở Bà Rịa 1904, qua đời 1964 ở Hà Nội. Ông là người chống lại đường lối thân Tàu, ông đòi đảng phải cải thiện đời sống cho dân, đòi dân chủ, v.v. Trang wikipedia chỉ nói cái chết của ông là "đột tử". Nhưng trong Đèn Cù, tác giả trích dẫn lời của Hoàng Minh Chính cho rằng "Họ cho anh Mai uống bia có thuốc độc, chết chưa kịp buông cốc, ngay tại Quốc hội."
Một chi tiết khác cũng khá thú vị là bà Nguyễn Thuỵ Nga, người vợ bé (miền Nam) của ông Lê Duẩn từng là người tình của ông Nguyễn Văn Trấn (Trang 256). Ông Trấn cũng là một trí thức gốc Nam Bộ, cùng thời với Ung Văn Khiêm, nhưng cũng bị thất sủng và bị phe thân Tàu cho về vườn. Ông Trấn còn là người nổi tiếng với tác phẩm bị cấm "Viết cho mẹ và Quốc hội". Bà Nga học làm báo từ ông Trấn, và có lẽ vì thế mà bà có duyên với báo chí sau này.

Cụ Đào Duy Anh

Lê Đức Thọ còn "đì" cả cụ Giáo sư Đào Duy Anh! Trần Đĩnh kể lại rằng cụ Đào Duy Anh từng rầu rầu tâm sự với ông rằng "Cả năm em nhà họ Đào chúng tôi, mà tôi là cả, khổ vì một tay Lê Đức Thọ." (Page 137). Sở dĩ cụ Đào Duy Anh bị "chiếu tướng" là vì khi ông còn hoạt động cho đảng Tân Việt và bị Pháp bắt, vợ ông đem cho ông chiếc gối để ngủ trong nhà tù. Nhưng không ngờ trong đó có một số tài liệu, bị Pháp phát hiện, và người cộng sản làm ầm lên rằng Đào Duy Anh đầu hàng khai báo với Pháp. Khi làm xong cuốn Từ điển Pháp Việt, ông Thọ mạt sát Gs Đào Duy Anh thậm tệ vì ông cho rằng từ điển đó chỉ phục vụ cho đám quan lại, sinh viên đỗ đạt ra làm quan đốc tờ, quan huyện!

Làm sao một học giả như Đào Duy Anh có thể tồn tại trong không khí như thế? Ông cho biết rằng "Vũ khí duy nhất của tôi để chống lại cái xấu bao la sầu này là lòng tự trọng. Là ranh giới không thoả hiệp về chính trị."

"Nạn nhân viết hoa của đảng"

Chuyện kể thú vị trong ngày tang của cụ Đào Duy Anh, khi Tố Hữu dẫn đoàn học sinh Quốc học Huế đến viếng. Đào Phan là em của Đào Duy Anh giữ Tố Hữu lại hỏi tại sao ông dẫn đoàn đó vào đây, mà trước đây ông từng viết hai câu thơ:

Tôi dạo gót trên đường phố Huế

Dửng dưng không một chút tình chi

Tướng Giáp cũng đến viếng đám tang của cụ Đào Duy Anh. Sự có mặt của tướng Giáp làm cho những người có mặt trong đám tang râm ran. Ai cũng nghĩ ông chính là một "Nạn nhân viết hoa của đảng"!

Một trong những chuyện tôi thấy thú vị có liên quan đến ông Phạm Văn Cương (người sau này là Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao từ 1981-1991). Dĩ nhiên, ông Thạch là thân phụ của đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông Thạch từng là thư kí của tướng Võ Nguyên Giáp, và ông rất tự hào với vai trò đó. Là thư kí cho tướng Giáp, nhưng trong thời chiến, ông cũng kim luôn giặt quần áo cho vị đại tướng! Ông hay khoe với anh em rằng ông giặt quần áo cho tướng Giáp đến nhợt tay.

Thế nhưng tình thế đổi thay, cậu thư kí giặt đồ ngày nào nay là Bộ trưởng Ngoại giao, Uỷ viên Bộ Chính Trị và lúc đó thì tướng Giáp chẳng còn vai trò gì trong đảng. Trong Đại hội 7 (1991), khi tướng Giáp xin phát biểu về xây dựng đảng, ông Thạch lúc đó ngồi ghế chủ toạ đã cắt ngang vị tướng sếp của mình ngày nào: "Đồng chí nói quá mất mấy phút rồi, xin thôi. Đồng chí hãy chú ý cho là đảng ta rất chú ý phát huy dân chủ." (Trang 37).  

Bs Nguyễn Khắc Viện

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một học giả tôi rất ngưỡng phục, cũng có một thời … ngây thơ và mông muội. Giáo sư Trần Đức Thảo cho Trần Đĩnh xem một bài báo của Bs Viện viết vào năm 1942 ở Paris ca ngợi chủ nghĩa Quốc Xã của Hitler! Chưa hết, Bs Viện còn giúp sinh viên Việt Nam đi học ở Đức (vì lúc đó Pháp đầu hàng Đức), nhưng chẳng biết có sinh viên nào đi theo "diện" đó không. Ít ai biết rằng chính Bs Viện từng đệ trình lên Lê Duẩn đề cương diệt tư bản ở miền Nam Việt Nam.

Nạn nhân của thể chế

Trong một chương cuối của sách, tác giả Trần Đĩnh cho rằng ông Hồ chính là "nạn nhân trước hết của chủ nghĩa cộng sản và của đảng chính trị kiểu Lenin" (trang 619). Ngay từ đầu, Stalin đã cho đàn em huấn luyện cho các lãnh tụ cộng sản tương lai của VN như Nguyễn Ái Quốc thấm nhuần chân lí: Việt Nam phải chịu sự kiểm soát của Liên Xô và răm rắp tuân lệnh Stalin.

Nhưng sau này thì chính ông lại là nạn nhân của thể chế ông xây dựng nên. Sử gia nổi tiếng người Pháp là Pierre Brocheux viết rằng "trong vụ án xét lại chống đảng, ông Hồ Chí Minh cũng đã nhận ra bản chất của chế độ nhưng chẳng làm gì được. Hơn nữa, kể từ năm 1960, chính nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh mới thực sự là những người nắm quyền. Theo nghiên cứu của tôi thì cả một giai đoạn trước khi qua đời, ông Hồ bị cách li khỏi quyền lực, tức là không hề có quyền gì. Ông ấy tự biến hành một biểu tượng." (Trang 633).

Chuyện thời bao cấp mông muội

Trần Đĩnh kể lại những chuyện nhếch nhác của giới lãnh đạo cao cấp thời đó. Một trong những người được nhắc đến là ông Hoàng Tùng, từng làm Tổng biên tập báo Nhân Dân. Chuyện kể rằng Hoàng Tùng từng xâm phạm và hại đời con gái của Cung Kim Châu, người mà sau này là phu nhân của Nhà báo nổi tiếng Thép Mới. Cung Kim Châu từng tự tử vài lần nhưng không thành. Cung Kim Châu cũng từng đệ đơn kiện chồng đến Trường Chinh và Tố Hữu.
Ngoài ra, tác giả còn phác hoạ những bức tranh rất hài hước ở miền Bắc thời Bao cấp. Đợt đổi tiền 1977, báo chí phát hiện những tên tư sản giàu một cách … động trời. Một bài báo viết như sau: "Đời sống của bọn chúng [nhà giàu] là có toa lét lát đá hoa, nuôi chó béc-gê, có Honda, tivi, v.v." Thời nay, các bạn trẻ đọc tin này giống như đọc truyện cổ tích, và các ông như Hoàng Văn Nghiên hay Trần Văn Truyền phải cười khẩy.

Việt Nam thời đó cũng có bọn "Hồng Vệ Binh" (HVB) và họ cũng gieo rắc nhiều kinh hoàng trong xã hội. Một trong những gieo rắc của họ là kiểm tra thuần phong mĩ tục, cắt quần những ai mắc quần ống loe. Hai trí thức Việt kiều suýt nữa là nạn nhân của chúng. Bà Tạ Thị Thuỷ, một trí thức Việt kiều Pháp, về Hà Nội theo lời mời của Chính phủ. Một hôm bà đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, hai thanh niên HVB nham nhở đến nói "Cô em, giơ chân lên, cô em …", bà còn đang tần ngần chẳng biết việc gì xảy ra, thì họ quát "Ngoan cố hả? Nào giơ chân lên cho anh cắt hay là để mất quần". Liền ngay lúc đó hai thanh niên khác xuất hiện can thiệp, nhưng bị hai HVB đe doạ. Tuy nhiên, hai thanh niên này xuất trình một thẻ bìa đỏ, thì hai HVB rút lui ngay. Hoá ra, hai thanh niên này là an ninh có trách nhiệm theo dõi bà Thuỷ, mà bà không hề hay biết!

Một trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Thế Học, con trai út của Nhà thơ Thế Lữ, là một giáo viên toán ở Pháp về thăm Hà Nội. Khi ông và vợ đi xem hát ở Nhà hát lớn thì bị người soát vé đuổi về vì mặc quần loe, tư sản! Người ta còn phân biệt kì thị kinh khủng. Khi lên máy bay, hai vợ chồng ông Học ngồi ở khoang gần phi công, có bình hoa, còn gia đình Nhà thơ Thế Lữ thì ngồi ở khoang hành khách bình dân, nhưng ông Học phản đối vì ông nói ông chỉ là giáo viên, chứ ông Thế Lữ mới là quan trọng. Nhưng người ta nhất định không nghe. Ông Học có nhận xét chí lí: Có hai cái mà người Mĩ trọng nhất là con người và tự do, nhưng cả hai cái này thì người Việt Nam khinh thường nhất (trang 61).

Viết về thời bao cấp cực khổ và cướp tài sản, Trần Đĩnh có đề cập đến một người tên Vấn, nhưng tôi không rõ là ai vì tác giả không nói rõ. Trần Đĩnh kể rằng năm 1955, ông bố của Vấn cho 2 cán bộ trí thức thuê 2 phòng ở tầng trệt biệt thư làm văn phòng, có hợp đồng và chữ kí của chính quyền hẳn hoi. Thế mà sau này hai người thuê đó chiếm luôn biệt thự. Khi bố Vấn đâm đơn kiện, toà án cách mạng cho ông đi tù 3 tháng vì tội phản ứng lại cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản!

Thú vị là Trần Đĩnh có đề cập đến một người mà tôi quen biết: Gs Mai Thế Trạch. Đoạn đó viết như sau: "Vấn có bạn là Bác sĩ Mai Thế Trạch, con bà Lợi Quyền tư sản lớn từng lẫy lừng chuyên quyên góp rất nhiều vàng cùng nhà cửa trong Tuần lễ Vàng. Còn lại một ngôi nhà, sau được Ban tuyên huấn trung ương đến hỏi. Chê đắt. Đùng một hôm, xe tuyên huấn chở mấy bao tải tiền đến mua, đắt cũng được. Ba ngày sau đổi tiền. Tố Hữu, nguyên trưởng ban tuyên huấn, đã hạ thời cơ tuyệt hảo chấm dứt cơ nghiệp đại gia tư sản Lợi Quyền có tiếng ở Hà Nội. Bằng giấy lộn. Ai cứ bảo nhà thơ trên gió trên mây. Còn Thế Trạch với số tiền bán nhà kia mua không nổi căn hộ con ở Sài Gòn. 'Quốc tế ca' hát bài Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình. Quá giỏi!" (Trang 112).

Thời mông muội sau 1975

Đọc Đèn Cù Tập II những người thế hệ tôi (tức từng sống qua sau năm 1975) bắt gặp nhiều … kỉ niệm. Sau 1975, Trần Đĩnh có dịp vào Sài Gòn và có vài nhận xét thú vị. Ông la cà với các văn nghệ sĩ trước 1975 như Trịnh Công Sơn và văn nghệ sĩ cách mạng như Nguyễn Quang Sáng. Ông khen chế độ VNCH cho phép văn nghệ sĩ tương đối tự do để sáng tác, nói lên nỗi niềm của họ trước thời cuộc. Ông đặc biệt xúc động khi đọc bài thơ của Tô Thuỳ Yên viết về trận hải chiến Hoàng Sa mà hải quân VNCH đã đụng độ với hải quan Tàu cộng. Trần Đĩnh nhận xét rằng VNCH không có thần tượng và thần thánh hoá lãnh tụ như ngoài Bắc. Ông viết "Nên biết Sài Gòn không có bài hát nào ca muôn năm Nguyễn Văn Thiệu và Johnson. Mà Việt có khen thì Mĩ nó cũng cóc thiết" (Trang 119).

Đọc Đèn cù Tập II, tôi bắt gặp những câu vè quen quen sau 1975 ở miền Nam:

Đôi dép râu dẫm nát tâm hồn trẻ

Nón tai bèo che khuất tương lai

Hay những câu tếu táo như:

Hôm qua em mơ thấy bác Hồ

Chân bác dài, bác đạp xích lô 

Em thấy bác em kêu xe khác

Mắt trợn trừng bác mắng đồ ngu …

Hay:

Đả đảo Thiệu – Kỳ mua gì cũng có

Hoan hô Hồ Chí Minh mua cái đinh ranh con cũng xếp hàng

Ông nhận xét rằng từ 1975 có sự biến đổi tâm lí. Trước kia, gặp nhau câu hỏi thường xuyên là "Vào đảng chưa?" Còn sau 1975 thì câu hỏi là "có tivi, tủ lạnh, Honda chưa?" Họ quên hết những lời đanh thép của thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Phương Tây là vật chất, vật chất, vật chất khốn nạn. Phương Đông là tinh thần, tinh thần, tinh thần cao quí."

Phụ nữ miền Bắc bắt đầu biết trưng diện. Tác giả viết một câu đọc vui vui khi phụ nữ miền Bắc khoác lên cái quần jean Sài Gòn: "Nhờ jean Sài Gòn, đàn bà con gái trưng lên nguy nga tấm quốc huy của vùng sinh nở. Còn nhờ cặp kính màu, người con gái lại bổng thành nàng công chúa giấu mặt nhìn ra ngoài qua một cửa cao sang gắn mã não của chiếc kiệu hoa" (Trang 124).

Hoá ra, nói như Trần Đức Thảo, cách mạng cũng đam mê vật chất và họ hi sinh cũng chỉ vì vật chất. Như thấy qua những trích đoạn trên, trong Đèn Cù Tập II, tác giả có vẻ trực diện hơn, thẳng thắn hơn, và không ngần ngại viết ra những nhếch nhác của những người ở tột đỉnh quyền lực hay cầm sinh mệnh quốc gia. Đúng như tác giả hứa là sẽ "vén mây" để chúng ta nhìn rõ hơn những bộ mặt thật của Tàu cộng, của những kẻ giết người như ngoé như Mao và Stalin, và của tên lưu manh Đặng Tiểu Bình. Tác giả còn cho chúng ta nhìn rõ hơn những sai sót và lệ thuộc trong quá khứ mà những người đi trước đã phạm phải, và qua đó gián tiếp giải thích tại sao VN đang ở vị trí thê thảm như hiện nay. Đây là một cuốn sách rất đáng đọc, đáng đọc hơn cả cuốn Đèn Cù Tập I.

Trong cuốn "Bên thắng cuộc" chúng ta đã đọc biết ông Đỗ Mười từng bị bệnh tâm thần. Chi tiết này cũng được Trần Đĩnh nhắc đến trong Đèn cù Tập II. Tác giả viết: "Các lão thành hỏi nhau có nhớ hồi nào Đỗ Mười điên nằm Việt – Xô. Lên cơn, ông leo lên cái cây cạnh cổng đứng xoạc chân cành thấp giơ tay hét xung phong. Các cô y tá ra dỗ bác xuống đều ù té chạy. Bác mặc quần đùi, trận địa pháo đài bày ra hết." (Trang 278). Con trai và cháu ông Đỗ Mười cũng bị điên.

Vì vật chất

Chúng ta biết rằng người cộng sản xem vật chất nhẹ hơn tinh thần và ý chí. Ít ra là họ nói như thế. Chẳng hạn như Phạm Văn Đồng từng hùng hồn tuyên bố "Phương Tây là vật chất, vật chất, vật chất khốn nạn. Phương Đông là tinh thần, tinh thần, tinh thần cao quí." Nhưng trong thực tế thì chúng ta biết rằng không phải như thế; họ cũng rất mê vật chất, cũng ham ăn ngon mặc đẹp, và cũng đam mê học đòi những thói quen của người tư sản.

Người sắp chết thường nói lời nói thật. Đó là trường hợp Lê Duẩn. Trước khi chết, ông Duẩn cho gọi các lí thuyết gia (đúng hơn là "tuyên truyền gia") và nói: sau 60 năm hoạt động cách mạng đến nay, ông mới hiểu ra câu của Mác nói lợi ích vật chất là động lực mạnh mẽ thúc đẩy người lao động. Mao bất lực không làm cho dân sướng về vật chất, nên phịa ra cái gọi là "chân lí chính trị" hàng đầu, tư tưởng hàng đầu. Còn ông Lê Duẩn vì "nghe thấy sướng quá nên bê luôn về cho dân xài, ai nói về vật chất bác phang cho tội xét lại."

Đèn Cù Tập II cho biết rằng thời đó ở ngoài Bắc có cái nông trại tên là Tam Thiên Mẫu giữa Cẩm Giàng và Thuận Thành nuôi đủ bò, dê, heo, gà, ngỗng, vịt, cá, lươn, ếch, v.v. cung cấp cho Bộ Chính trị. Còn ở Thái Bình thì có đồng trồng lúa riêng cho các vị trong Bộ Chính trị. Trong khi đó thì dân chúng không đủ gạo ăn và thiếu thực phẩm.

Tư duy, đối xử với kiều bào và quan hệ với Tàu

Đèn Cù Tập II có dành vài chương để viết về sự sụp đổ của các chế độ XHCN bên Đông Âu, và một số suy nghĩ của giới lãnh đạo chóp bu. Qua đó, chúng ta cũng có thể có vài ý niệm về suy nghĩ của các vị đang nắm quyền lèo lái con thuyền đất nước thời đó. Không nói ra thì chắc nhiều người cũng có thể đoán được là tư duy của họ còn rất nhiều hạn chế.

Chúng ta biết rằng ông Lý Quang Diệu được đánh giá cao ở Việt Nam và trên thế giới. Dù người ta không mặn mà với kỉ luật sắt của Singapore, nhưng ai cũng phải công nhận ông là một người có tài chiến lược. Có người tặng cho ông danh hiệu nhà độc tài tốt bụng (benevolent dictator). Nhưng có thời ở Việt Nam, ông Lý Quang Điệu là một đối tượng bị báo chí Nhà nước chửi như tát nước. Tay sai đế quốc. Chống cộng. Chống nhân dân Việt Nam. Ông Diệu được giới lãnh đạo VN tặng cho rất nhiều cái nón.

Nhưng đùng một cái, VN “mặn nồng” với ông Lý Quang Diệu. Ông Võ Văn Kiệt từng mời ông Diệu làm cố vấn và cộng tác. Nhưng ông Diệu từ chối, và nói rằng nếu không có Mĩ gật đầu thì VN vô phương phát triển. Ông Diệu nói rằng Mĩ là chìa khoá, Mĩ là động cơ để phát triển. Ngay cả Tàu cũng phải ôm lấy Mĩ mà phát triển, thì VN không nên xem thường Mĩ.

Sau 1975, một nhóm chuyên gia kinh tế báo cáo cho ông Lê Duẩn rằng các nước như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore tiến mạnh là nhờ làm gia công cho các nước giàu có. Nghe xong, Lê Duẩn nạt lại: Lại muốn học chúng làm nô lệ ư? Mà, chẳng phải ông Lê Duẩn mới có tư duy bảo thủ và ngạo mạn đó, ông Tố Hữu cũng thế. Khi một thứ trưởng Bộ Y tế trình rằng các hãng dược phẩm ở miền Nam lúc đó đang thất nghiệp, và ông đề nghị làm thuốc kháng sinh cho khối Comecon. Tố Hữu quát: Trẻ con! Độc lập mà đi gia công?! Anh tưởng Comecon mà không ngoạm nhau à? (Trang 282). Tư duy kinh tế của giới lãnh đạo VN thời mới thắng cuộc là như thế.

Mãi đến 1999, khi VN kí hiệp định thương mại với Mĩ, mà vẫn có vài người có tư duy chống Mĩ! Trong Đèn Cù, tác giả Trần Đĩnh kể rằng sau khi hiệp thương được kí 2 ngày thì Đỗ Mười chỉ thị phải nhớ rằng Mĩ vẫn là kẻ thù của VN và của thế giới. Đỗ Mười còn nói ai thò tay kí vào hiệp thương thì đáng tội "bán nước". Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, người tích cực vận động cho hiệp định, sau đó phải "ra đi", nói đúng hơn là bị truất phế khỏi chức bộ trưởng.

Đối xử với Việt kiều và người ngoại quốc

Có thể nói rằng "thành tích" đối xử với Việt kiều và người ngoại quốc của VN không có gì đáng khoe. Nói đúng ra đó là thái độ hai mặt, ngoài mặt thì nói hay, đằng sau lưng thì nói xấu. Trong Đèn Cù tập II, Trần Đĩnh kể nhiều chuyện cho thấy thái độ như thế.

Đặng Chấn Liêu là một quan chức của Liên Hiệp Quốc, theo tiếng gọi của cụ Hồ về Việt Nam đóng góp xây dựng XHCN. Ông trở thành chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh của Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, ông lại là nạn nhân của Hoàng Văn Hoan, người nghi ngờ ông Liêu là tình báo của Anh. Ông Liêu còn dính dáng vào vụ "án xét lại", nên lao đao ở Hà Nội một thời gian dài. Những người đau khổ thường có khả năng đúc kết triết lí cuộc đời rất hay. Trong một cuộc trò chuyện cùng Trần Đĩnh và Gs Tôn Thất Tùng, ông Đặng Chấn Liêu tổng kết quan sát về qui luật hành xử của chế độ như sau:

"Chúng mình nhìn người bằng con mắt thân thiện vì chúng mình cảnh giác trước tiên với cái xấu ở trong bản thân; còn họ, tự nhận là cách mạng cao quí, họ luôn cảnh giác với người khác để kịp thời giáo dục, uốn nắn. Họ với chúng ta cơ bản ngược giò nhau, họ bắt buộc phải tự khẳng định vai trò lãnh đạo, dạy dỗ chúng ta. Cái mặc cảm ưu việt này dẫn tới đòi dân phải có mặc cảm tự ti với họ. Mặc cảm tự ti này là dấu hiệu dân tin tưởng đảng, yếu tố hàng đầu của thắng lợi, khốn nạn là thế đấy." (Trang 297).

Một Việt kiều khác là Mỹ Điền, từ Anh về miền Bắc Việt Nam, cũng với ý đồ xây dựng XHCN. Ông là con của một địa chủ ở miền Nam. Ông được phân công đi làm cán bộ Cải cách ruộng đất ở Thái Bình. Người trong đoàn nói với ông rằng từ nay trở đi, ông phải gọi mẹ là "Con địa chủ". Là người miền Nam rất thẳng thắn, ông dứt khoát phản đối và không chấp nhận cách gọi mất dạy đó. Ngày hôm sau, ông được cho về Hà Nội. Về Hà Nội, ông trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh, và một trong những học trò của ông là Nguyễn Dy Niên, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Mỹ Điền nói với tác giả Trần Đĩnh rằng "Tôi đã ở trong quân đội Bình Xuyên sau Cách mạng tháng 8. Tôi cũng đã ở nội phủ cộng sản. Tôi thấy sao? Nội phủ phần lớn là hoạn quan. Bình Xuyên phần lớn là dân anh chị. Phải công bằng mà nói là dân anh chị lại quân tử, nói là giữ lời. Hoạn quan thì không à nha." (Trang 304).

Một trí thức miền Nam khác là Phạm Trung Tương cũng bị đối xử không tốt. Ông Tương từng làm cò cảnh sát, nhưng lại là người có cảm tình với Việt Minh. Ông giúp Việt Minh trong cuộc tổng khởi nghĩa và được ghi nhận công trạng. Sau đó, ông được tập kết ra Bắc, rồi thất nghiệp do lí lịch đen. Mỹ Điền thấy thương nên "tâu" với Ung Văn Khiêm về tình trạng của Phạm Trung Tương, ông Khiêm giới thiệu cho ông Tương về làm ở nhà xuất bản Ngoại văn, chuyên dịch sách báo.

Sau 1975, ông Tương quay về quê Trà Vinh. Tỉnh uỷ Trà Vinh "đì" ông rất tận tình. Nhà ông bị cắt điện, sống tối om. Bệnh viện từ chối không điều trị cho ông. Một hôm, Lê Duẩn xuống Trà Vinh nói chuyện cùng giới trí thức. Duẩn đứng trên bục nhìn xuống thấy một người quen quen, ông bèn đi xuống gặp ông Tương, rồi nói trước hội trường: Người con ưu tú của miền Nam đây! Tối hôm đó, nhà ông Tương lập tức có điện, và bệnh viện đến nói với ông rằng từ nay luôn có một phòng cho ông đến điều trị bất cứ lúc nào.

Frida Cook là đảng viên Đảng cộng sản Anh, bà tình nguyện sang Bắc VN làm giáo viên dạy tiếng Anh. Sau 1975, bà lại sang VN, và nhờ Mỹ Điền dẫn đi thăm các trại cải tạo, đó là thứ hiếm mà bà nói thế giới không có được. Đến cổng trại, bà gặp một ông cụ, và hỏi sao ông vào đây. Ông cụ trả lời rằng ông là viên chức chế độ VNCH. Bà Cook kêu lên: "Ôi, tôi nghe giới thiệu thì toàn là những ác ôn!"

Khi VN sang chiếm Kampuchea, bà Cook gửi trả VN những huy chương, bằng khen mà VN đã từng trao cho bà trong thời chiến. Bà nói "tôi từ lâu đã ngửi thấy ở họ một cái gì …". Nhưng bà Cook không biết rằng cả chục năm trước, an ninh Việt Nam đã cho rằng bà ấy là một gián điệp Anh được gửi sang VN để phá hoại. Nhà nước VN gắn huy chương cho mụ ấy cốt để che mắt và mò phá tuyến của mụ ấy (trang 303).

Đèn Cù còn đề cập đến Gs Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lí thiên văn có tiếng qua những tác phẩm khoa học phổ thông. Thân phụ ông Thuận là Trịnh Xuân Ngạn, từng làm việc trong toà án dưới thời VNCH. Sau 1975, ông Ngạn bị chính quyền mới bắt đi tù cải tạo. Ông Thuận nhờ chính phủ Pháp can thiệp để cứu ông bố ra tù (Tran 315). Năm 2005, VN vinh danh ông Thuận cùng 14 nhà khoa học Việt kiều khác ở nước ngoài. Nhưng những người trong giới cầm quyền có lẽ chưa đọc cuốn "Hỗn độn và hài hoà" mà trong đó ông Thuận viết rằng "Tôi thông báo cái chết của chủ nghĩa duy vật biện chứng".

Quan hệ với Tàu: lép vế

Tháng 2/1999, ông Lê Khả Phiêu (lúc đó là tổng bí thư) đi thăm Tàu. Người ta ngạc nhiên vì sự chậm trễ này. Thường thì sau khi ai đó nhậm chức tổng bí thư Tàu mời sang thăm nay, còn đằng này, ông Phiêu nhậm chức từ năm 1997 mà mãi đến 1999 mới được mời sang thăm Tàu. Buổi tiếp đón không có diễn văn, chỉ có hội đàm, rồi chiêu đãi, và hạ màn. Trong buổi chiêu đãi, Giang Trạch Dân ca bài "Bông hồng nhỏ của tôi", còn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thì hát bài "Cây trúc xinh", có lẽ ý nói trúc mọc một mình, không cần đến "bạn".

Tiền Kỳ Tham từng là phó thủ tướng Tàu có viết hồi kí, và ông dành 2 chương để viết về VN. Trong đó có nói về chuyến thăm của Lê Khả Phiêu. Theo hồi kí này, đoàn của ông Phiêu chờ mãi chẳng thấy phía chủ nhà Tàu nói gì cả. Xem lịch thì thấy 2 giờ chiều Giang Trạch Dân có lịch đón đoàn VN, ông Phiêu bèn dẫn đoàn đến nơi, nhưng thật ra giờ đó thì Giang tiếp thống đốc Hồng Kong, nên Tiền Kỳ Tham nói đoàn ông Phiêu phải chờ đến 5 giờ chiều! Ông Phiêu đưa cho họ Tiền một tờ giấy gồm một số chữ, và đề nghị Tiền đưa cho Giang. Giang Trạch Dân mở ra đọc, đọc xong, lẳng lặng vo lại và ném vào sọt rác. Giang lấy tờ giấy khác và viết theo ý của y (Trang 354). Nghe nói Giang viết 16 chữ: "Sơn thuỷ tương liên, lí tưởng tương thông, văn hoá tương đồng, vận mệnh tương quan."

Nhận được giấy của Giang viết, ông Phiêu hỏi Tiền Kỳ Tham tại sao không có chữ "bình đẳng" hợp tác như ông Phiêu nêu ra. Tiền Kỳ Tham viết: "Tôi không trả lời Phiêu mà chỉ cười và nghĩ thầm rằng, người lãnh đạo cao nhất như Phiêu mà không hiểu nổi rằng xưa nay có bao giờ Việt Nam được bình đẳng với Trung Quốc!" Nhưng khi về đến VN, đoàn ông Phiêu mở cuộc họp báo và tuyên bố chuyến đi thăm Tàu là "thành công tốt đẹp"!

Hồi kí của Tiền Kỳ Tham còn quan tâm đến văn học VN. Trong hồi kí, họ Tiền nhắc đến các tác phẩm văn học VN bị cấm lưu hành, trong đó có tập thơ của Nguyễn Duy. Họ Tiền dẫn câu thơ của Nguyễn Duy:

Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng; 

Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn.

Nói chung đọc qua những trang trong Đèn Cù Tập II, chúng ta dễ nhận ra rằng giới cầm quyền chẳng tin tưởng vào ai, kể cả chính người của họ, còn kiều bào và người nước ngoài thì chỉ là "hoa lá cành" cho họ mà thôi. Một điều cũng thể hiện khá rõ nét là những gì mà giới lãnh đạo Tàu và Mĩ hay nói về giới cầm quyền VN: đó là không đáng tin cậy, vì nói một đằng làm một nẻo.

Những sự thật cần xét lại

Miền Bắc Việt Nam từng có vụ án "xét lại chống đảng". Dĩ nhiên, hai chữ "xét lại" đó chẳng có dính dáng gì với ý nghĩa của nó, mà là một vụ thanh trừng những người thân Liên Xô lúc đó. Cuốn sách Đèn Cù dành khá nhiều trang để viết về vụ án này, vì tác giả là một trong những nạn nhân. Ở đây, tôi chỉ muốn mượn hai chữ xét lại để nói rằng trong Đèn Cù Tập II cũng đưa ra nhiều sự việc cần phải … xét lại.

Chẳng hạn như ngày thành lập ngành công an. Nói chính xác là "công an nhân dân", bắt chước theo Tàu, dĩ nhiên. Theo sách vở thì ngày thành lập lực lượng này là ngày 19/8/1945 và có sắc lệnh hẳn hoi. Nhưng Trần Đĩnh trích lời của ông Lê Giản (người phụ trách công an thời đó với chức vụ Tổng giám đốc Tổng nha công an) cho biết ngày đó chưa có chính phủ VNDCCH thì làm gì có sắc lệnh. Vả lại, ngày 23/8/1945 thì ông Hồ Chí Minh mới về đến Hà Nội, và ngày 28/8 mới công bố danh sách chính phủ (trang 362).

Năm 1945 VN có bao nhiêu đảng viên đảng cộng sản VN? Nhiều nguồn cho biết con số là 5000 người, tức rất ấn tượng. Nhưng theo Trần Đĩnh cho biết thì năm 1960, "Cụ Hồ nói với tôi: Nói năm 1945 có 5000 đảng viên là ngoa. 500 mới đúng. Thôi, cứ cho ngoa thành 5000. Năm ngàn người này từ đấy đã đoạt lấy quyền lực của 25 triệu đồng bào" (Trang 376).

Trong Đèn Cù Tập II, tác giả kể chuyện "sửa lưng" tướng Võ Nguyên Giáp rất thú vị. Ông cho biết vào năm 2000, trong hội thảo liên tịch (với Bắc Kinh) về con đường tiến lên XHCN, tướng Giáp có đăng một bài viết trên báo Nhân Dân, với nội dung 3 điểm: 


(1) cách mạng VN là sớm nhất ở Đông Nam Á; 

(2) VN lập nước cộng hoà dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; và 

(3) thắng lợi trong kháng chiến là gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nhưng Trần Đĩnh viết thư cho tướng Giáp phản bác cả 3 điểm. Thứ nhất, thật ra, Nam Dương (Indonesia) là nước nổi dậy đầu tiên giành độc lập (ngày 15/8/1945), còn Phi Luật Tân thì giành độc lập từ cuối thế kỉ 19. Thứ hai, không có cái gọi là "cộng hoà dân chủ nhân dân", mà chỉ có "Việt Nam dân chủ cộng hoà". Thứ ba, từ năm 1945 đến 1951, đảng đã tuyên bố giải tán, chưa làm xong cách mạng dân chủ thì lấy đâu ra chủ nghĩa xã hội mà gắn liền với chiến thắng. Tác giả còn nhắc tướng Giáp rằng trong "Đại thắng mùa xuân", tướng Văn Tiến Dũng đã gạt tên tướng Giáp ra khỏi sách.

Kể xong những sự thật này, tác giả Trần Đĩnh than: "Nhà nào cứ dạy con dối trá thì nhà ấy chắc sẽ lụn bại. Dối trá, nguồn gốc của mọi đốn mạt, sẽ triệt tiêu hết mọi điều tử tế".

Ông Lê Giản cũng rất phản đối chuyện quân đội phải trung thành với đảng. Ông nói "Bác nói quân đội trung với nước, hiếu với dân, đứa nào lãnh đạo dạo ấy mà chả nhớ như thế, thế mà đem đối nghiến ngay ra thành trung với đảng, biến béng luôn quân đội thành của riêng của đảng" (trang 363). Xem ra câu này rất thời sự tính, vì ngài tổng bí thư mới tuyên bố rằng "Chỉ có Đảng Cộng sản VN là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội nhân dân VN. Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác" (1).

Đấu đá nội bộ

Ông Lê Khả Phiêu giữ chức tổng bí thư đảng từ 12/1997 đến 4/2001. Trong thời gian trước đại hội 11, có một sự đấu đá quyền lực diễn ra khác ác liệt giữa các phe nhóm có liên quan đến ông. Ông Nguyễn Đức Tâm (lúc đó là trưởng ban tổ chức trung ương) viết hẳn một lá thư tố cáo các ông lãnh đạo cao cấp. Còn các tướng như Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Đồng Văn Cống thì tố cáo ông Phiêu. Theo Trần Đĩnh, "nghe đồn bị dồn đến đường cùng, ông Phiêu đã vung lên một tờ giấy nói ai gửi tiền ở ngân hàng nào, bao nhiêu đô tôi biết hết, ít nhất 200 trương chủ, người nhiều nhất là 2 tỉ đô" (trang 403).
Tác giả Trần Đĩnh còn tiết lộ rằng một tài liệu chui của Nguyễn Chí Trung, thư kí riêng của ông Lê Khả Phiêu, viết tố cáo ông Đỗ Mười. Trong Chương 38, Trần Đĩnh kể lại những cuộc đấu đá nội bộ giữa các lãnh đạo chóp bu rất ác liệt. Có một vị lãnh đạo tố cáo vị kia 10 điểm như bán đất, bán biển cho Trung Quốc; lộ ý đồ bí mật chiến lược với Giang Trạch Dân; hoãn kí hiệp định thương mại Việt – Mĩ; thành lập tổ chức nội gián nhằm lật đổ nội bộ; quan hệ với gái, và gái gián điệp; địa phương chủ nghĩa, vân vân và vân vân (trang 404).

Có một chuyện tôi thấy thú vị, trong đó tác giả kể rằng Nguyễn Hưng Định (nguyên thư kí riêng của ông Lê Thanh Nghị) thuật lại rằng "một hôm ông Đỗ Mười đến nói chuyện với Lê Đức Bình (lúc đó là trưởng ban nội chính): 'này, thằng Phiêu nó xin làm trợ lí an ninh quốc phòng cho thằng Mạnh, cậu thấy sao?' Bình đáp: Để anh ấy vào chỗ quan trọng đó thì nguy to có ngành anh à. Ít lâu sau, Mười lại đến: 'Này, không được làm trợ lí, thì Phiêu lại xin cho nó dọn nhà đến gần Bộ Chính trị?' –Dạ không, anh ấy sẽ phao tin lên rằng anh ấy vẫn thao túng được Bộ Chính trị. Ít lâu sau lại: 'Này, tớ định cho thằng Hữu Thọ làm trợ lí thứ nhất cho thằng Mạnh', Bình vội gạt: 'Chớ chớ anh ạ, cậu Hữu Thọ này là phần tử cơ hộ số 1 của đảng ta đấy. Bài hắn phê phán chủ nghĩa cơ hội chính là hắn tự soi gương mà viết." (trang 406).

Những giai thoại

Hãy thú nhận! Đọc sách loại hồi kí hay bán hồi kí (như Đèn Cù của Trần Đĩnh) độc giả thường để tâm đến những … giai thoại. Tôi cũng chẳng phải là một ngoại lệ, tức là thỉnh thoảng cũng bị cuốn hút theo những câu chuyện mang tính giai thoại của tác giả. Thật ra, đối với hồi kí chính trị và trong bối cảnh giấu diếm thông tin, những giai thoại đôi khi cũng nói lên vài điều về đương sự.

Trại gái

Một nhân vật được tác giả nhắc đến trong sách là Chu Đình Xương. Thoạt đầu đọc qua, tôi thấy quen quen, nhưng sau khi tra tìm thì biết ông từng giữ chức giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ (chắc như Sở Công An ngày nay?) Chu Đình Xương kể rằng thời kháng chiến ở vùng Việt Bắc, ông Đinh Đức Thiện (em của Lê Đức Thọ) từng lập một trại gồm toàn gái để "cán bộ đến cấp bậc nào đó đến giải quyết sinh lí, kiểu nhà thổ của lính Nhật" (trang 173). Nghe nói sau này ông Trường Chinh biết được và yêu cầu phải giải tán.

Hồ Chí Minh gặp Ngô Đình Diệm

Chu Đình Xương kể chuyện đánh đập tù nhân trong xà lim, và đáng chú ý là cả chuyện "thủ tiêu phản động" (trang 173). Như vậy thời đó quả thật có chuyện Việt Minh sát hại những người kháng chiến chống Pháp nhưng không đứng về phía Việt Minh.

Chúng ta biết rằng ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt vào tháng 9/1945 ở Huế. Sau đó, họ đưa ông Diệm lên tận vùng gần biên giới Việt – Trung. Trong lúc đó thì Việt Minh giết anh ông Diệm là Ngô Đình Khôi và học giả Phạm Quỳnh ở Huế. Chính trong thời gian này ông Hồ Chí Minh đã gặp ông Diệm trong tù. Chu Đình Xương còn cho biết chính ông là người dẫn Hồ Chí Minh đến gặp ông Diệm và Phan Kế Toại. Sau này, chúng ta biết rằng chính Hồ Chí Minh phóng thích ông Diệm và ông Toại. Tôi nghĩ có lẽ chính vì nghĩa cử đó mà sau này ông Diệm giữ mộ ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp rất tốt.

Hình nhân Hồ Chí Minh

Một chuyện khác do Chu Đình Xương kể cũng đáng chú ý là ông Hồ Chí Minh từng có người giả (gọi là "hình nhân"). Chuyện kể rằng năm 1946, ông Hồ từ Pháp về Hà Nội qua đường Hải Phòng. Ông đi từ Hải Phòng về Hà Nội bằng xe lửa, nhưng vì sợ bị ám sát nên an ninh dắt ông cụ (lúc đó phải bịt râu) đi thẳng về một địa điểm bí mật. Còn người đứng trên xe vẫy vẫy chào công chúng đứng đón ông cụ là một hình nhân, người có dáng dấp rất giống ông cụ Hồ! Hình nhân này phải đeo râu giả làm cụ Hồ.

Điều trớ trêu là đến kì Cải cách ruộng đất, người ta đem hình nhân này ra đấu tố là "địa chủ phản động ác ôn". Hình nhân khóc nói "Tôi từng đóng thay bác Hồ để phản động có bắn thì tôi chết thay bác thế nhưng phản động không bắn, mà nay đảng lại bắn tôi, ôi bác Hồ ơi …" Thế là sau đó người ta hạ hình nhân xuống phú nông và thoát án tử hình.

"Đĩ đực"

Trong Đèn Cù Tập II, tác giả Trần Đĩnh cung cấp một thông tin thú vị về những mâu thuẫn trong giới lãnh đạo chóp bu. Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Linh không ưa gì ông Lê Duẩn, và vì muốn làm hoà với Tàu, nên ông Linh nói với Giang Trạch Dân rằng ông Duẩn đã sai lầm khi "bắt tay" với Liên Xô. Nói cách khác, họ không ngần ngại "vạch áo cho người xem lưng". Ông Linh từng nhận xét về cách làm kinh tế của Lê Duẩn là "lãnh đạo gì mà làm ăn như cái 'con c..'." (Trang 181).

Một chi tiết thú vị là Nguyễn Văn Linh cũng không ưa ông Trần Văn Trà và Lê Giản. Ông Linh rất ghét đa nguyên. Chính Lê Giản kết nạp Nguyễn Văn Linh vào đảng ở Hải Phòng. Thế mà trước khi lên chức tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh gọi Lê Giản và Trần Văn Trà là "những thằng đĩ đực" (Trang 250).

Dương Thu Hương

Bà là một nhà văn có tài và rất nổi tiếng vì tính kiên trực trước bạo quyền. Trong Đèn Cù Tập II, Trần Đĩnh kể về bà Hương với nhiều chi tiết … bi hài. Năm 1994, bà Hương từ Pháp về Hà Nội thì bị công an lục soát hành lí và tịch thu hộ chiếu. Khi đại sứ quán Đức mời bà sang Đức thì họ phải lo làm hộ chiếu cho bà. Phía VN biện minh rằng không có chuyện tịch thu hộ chiếu, họ chỉ sửa hộ chiếu đục lỗ thôi. Khi bà Hương đến nhận hộ chiếu, người của Cục xuất nhập cảnh yêu cầu bà đến phường để lấy dấu và chủ kí xác nhận. Ở phường, bà Hương khai như sau:

"Tên họ: Dương Thu Hương

Đã bị bỏ tù vì chống chủ nghĩa xã hội. 

Lí do ra tù: do sức ép quốc tế và sự sụp đổ của thành trì xã hội chủ nghĩa"

Mấy người công an ai cũng kiếm cớ ra nhìn cho được người khai những câu chữ đó. Khi đến nhận hộ chiếu, lại gặp rắc rối theo kiểu Việt Nam, người ta yêu cầu ghi vào biên bản nói rằng Nhà nước đã vui lòng cấp hộ chiếu cho bà Dương Thu Hương, nhưng bà thiếu thiện chí đã từ chối vì hận thù chủ nghĩa xã hội. Bà Hương xem biên bản rồi ghi bên cạnh là: "Tôi không hận thù chủ nghĩa xã hội như trong biên bản người đại diện Nhà nước ghi bởi lẽ nó chỉ là một khuynh hướng ấu trĩ của tư tưởng nhân loại. Nhưng tôi chống nó tới cùng bởi lẽ nó đem hợp thức hoá chế độ độc tài, toàn trị lên đầu nhân dân" (Trang 390). Cuối cùng Dương Thu Hương không có hộ chiếu, và bà phải fax cho đại sứ quán Đức để nói lí do.

Chuyện "Chủ tịt"

Một trong những giai thoại tôi thấy hay hay vì nó nói lên sự sùng bái cá nhân thời bao cấp. Chuyện kể rằng một lần nọ nhà in xếp chữ (thời đó còn xếp chữ in) thế nào mà chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bị xuống dòng một cách vô duyên biến thành "Chủ tịt Hồ Chí Minh"! Đụng đến dù chỉ cái tên của ông cụ là cả toà soạn nhốn nháo lên. Tất cả cán bộ nhân viên toà soạn báo, tất cả cán bộ nhân viên nhà in, binh lính, sĩ quan, v.v. phải tập hợp đứng im để cho an ninh quân đội điều tra. Dĩ nhiêu câu hỏi lởn vởn trong đầu "người ta" là tại sao có sự nhầm lẫn chết người như thế? Cố ý hay vô tình? Gián điệp cài vào? Ai là thủ phạm? Kể từ đó, tác giả cho biết ông không bao giờ viết về cụ Hồ trên sách báo nữa (trang 501).

Đồng chí X

Thời gian gần đây, người theo dõi thời sự VN đều nghe đến cách nói "Đồng chí X". Tôi tưởng đó chỉ là cách nói mới của ông Chủ tịch Trương Tấn Sang, nhưng đọc Đèn Cù mới biết cách nói này đã xuất hiện từ 1971. Năm đó, trong một nghị quyết của đảng, người ta từng bêu tướng Giáp bằng tên X (trang 591).
Tàu rất ghét tướng Giáp. Họ từng trương biểu ngữ trước cửa Thiên An Môn để nói xấu tướng Giáp ngay trước mặt đoàn của Việt Nam do Lê Thanh Nghị dẫn đầu. Năm 1978, khi tướng Giáp sang Tàu cám ơn Tàu đã chi viện cho Bắc Việt Nam đánh Mĩ, thì phía Tàu cho ông ăn cơm với chén bị mẻ!

Trong Đèn Cù Tập II, tác giả cho biết rằng Mao Trạch Đông từng nói với ông Lê Duẩn rằng "Đại biểu của phái hữu ở Việt Nam đại khái như Võ Nguyên Giáp, đại biểu của phái tả đại khái như Nguyễn Chí Thanh. Cách mạng Việt Nam muốn lên thì phải hạ cánh hữu xuống" (trang 592).

Những câu hay

Tôi đọc thấy trong Đèn Cù Tập II có nhiều câu phát ngôn đáng được trích dẫn. Đáng trích dẫn vì những câu đó tóm tắt một cách đầy đủ những vấn đề mà chúng ta quan tâm.

"Trật tự đang chế ngự tại đây là một trật tự quan liêu giết chết cá thể, đè bẹp mọi đặc thù, loại bỏ mọi thăng hoa, một trật tự không sự sống. Vâng đất nước Tiệp đang có yên bình của các bãi tha ma" (trích phát biểu của Vaclav Havel, Trang 267).

"Buồn thay cho những nhân dân mà lòng yêu nước đã bị giam cầm vì mất tự do" (trang 396).

"Càng yêu nước càng phải tôn trọng sự thật" (trang 398).

"Ngày xưa, Việt Minh luôn xoáy vào cái 'nhục mất nước' để kêu gọi làm cách mạng. Nay không thể xoáy vào cái nhục nghèo nàn, lạc hậu" (trang 401).

"Cộng sản mang ở trong lòng sức mạnh phá phách. Cần có quyền lực thì lãng phí xương máu nhân dân, khi có quyền lực rồi thì tham nhũng tiền của nhân dân" (Trang 503).

"Đánh cho Mĩ cút, đánh cho Hoa vào", "Thằng Tây nó tếch, thằng Tàu nó sang" (trang 505).

"Vào đảng cộng sản là theo đuổi có hiệu quả công cuộc ăn cắp cuộc sống, ăn cắp lòng tin" (trích Nhà văn Pháp Claude Roy, cựu đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, trang 507).

"Có thể khẳng định một điều: chiến tranh 'chống đế quốc Pháp, Mĩ' của Việt Cộng đều chịu sự chỉ đạo của ý thức hệ cộng sản – chính quyền ra từ nòng súng, vừa 'giải phóng dân tộc' vừa 'đánh đổ từng bộ phận chủ nghĩa đế quốc', góp phần quan trọng 'giải phóng loài người'." (Trang 634).

****

Thế là tôi đã đọc xong và ghi chép lại vài nội dung trong cuốn Đèn Cù Tập II. Đó là những chất liệu mà tôi nhặt được trong sách. Có thể nói tôi chỉ mới thu thập dữ liệu - data, chứ chưa phân tích và bàn luận. Tôi còn đang "tiêu hoá" nội dung cuốn sách, những chất liệu và thông tin trong sách trước khi viết ra những nhận xét của tôi.

Xuyên suốt những trang mà tôi đã đọc, Trần Đĩnh vẽ lên một bức tranh xã hội được thống trị bởi nỗi sợ. Ông viết rằng thời chiến tranh, tiêu chuẩn hàng đầu của công dân là "Không sợ chiến tranh và không sợ Mĩ đã thành chuẩn đầu bảng của đạo đức cách mạng." Nhưng trớ trêu thay "thay vào đó có cái sợ thiêng liêng được đảng ra sức bồi dưỡng, phát triển: sợ đảng trừng trị." Đọc những dòng này chúng ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nhà văn Nguyễn Tuân rằng ông còn tồn tại là vì biết sợ. Nhưng tại sao sợ? Chẳng ai biết. Trần Đĩnh đề nghị "Cần bàn sâu hơn về cái sợ mà đảng cộng sản đã hun đúc nên ở đảng viên, cán bộ, nhân dân. Sức mạnh của đảng dựa trên cái sợ phi nhân này. Vì nó phủ đen ngòm lên cả lãnh tụ."

Nhưng nói chung, cảm tưởng ban đầu là đây là một cuốn sách bổ sung rất tốt cho tập "Bên thắng cuộc" của Huy Đức, "Những lời trăn trối" của Trần Đức Thảo, và "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên. Những cuốn sách này cung cấp cho chúng những phác hoạ về các nhân vật quyền lực ở miền Bắc trước đây cùng những việc làm của họ, và qua đó góp phần giải thích tại sao VN vẫn còn là một nước nghèo nàn, lạc hậu và tham nhũng tràn lan như hiện nay.


---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:










-  Biết thêm về một ông Trần Đĩnh nữa (hiệu trưởng trường mẫu giáo Nam Định, 1975)





Về năm mất của cụ Cả Khiêm : tựa như có nhầm lẫn trong bản kể của Sơn Tùng











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.