Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/11/2014

Nguyễn Đăng Na (2009): "Khuê tảo" đâu chỉ là văn chương


Học giả Nguyễn Đăng Na đã từ trần (có thể đọc một bài viết về ông của học giả Trần Đình Sử). Cuối bài viết năm 2009, ông ghi địa chỉ là Trung Kính. Như vậy là địa chỉ mới của gia đình. Những năm đầu thập niên 1990, lúc ông mới từ nước Nga trở về, tôi nhớ là gia đình ông ở đâu đó gần khu vực hồ Thiền Quang (mạn mạn đó, nhưng không còn nhớ chính xác nữa).

Đại khái nội dung chính của bài ở dưới: tác giả bài viết chỉ lại (nhắc lại người trước) là, khuê tảo không chỉ là văn chương một cách chung chung, mà là văn chương của vua

Chẻ chữ thì có thể giải thích một nghĩa như vậy (đúng như lời nhắc lại của tác giả). Nhưng ghép vào câu thơ thì không dịch ra được. Vì ở dưới là giáp binh. Chả nhẽ giáp bình ấy cũng phải hiểu là giáp binh của vua ?

Dưới là toàn văn. Bản trên mạng đã bay cả, nên phải chép lại từ blog của bác Đông A

Tôi xuống hàng khác với nguyên bản một chút, để dễ đọc hơn.


---

"Khuê tảo" đâu chỉ là văn chương

NGUYỄN ĐĂNG NA


Hoàng Việt thi văn tuyển của Tồn Am Bùi Huy Bích được khắc in năm Ất Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ sáu 1825. Trong Quyển Một có bài của Lê Thánh Tông mà nhóm Lê Quý Đôn ([1]) đã dịch với nhan đề Ta ngồi trong Chính điện, hồi tưởng xưa nay vua sáng, tôi lành và cơ nghiệp thịnh vượng của nước nhà ngày nay ngẫu thành bài thơ. 

Sáu cụ trong nhóm Lê Quý Đôn dịch gồm: Lê Thước - người Lạc Thiên, La Sơn, Hà Tĩnh, đỗ Cử nhân năm 1918 lúc 28 tuổi; Hà Văn Đại - người Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đỗ Phó bảng năm 1919 lúc 27 tuổi; Trịnh Đình Rư - người Định Công, Thanh Trì, Hà Nội, đỗ Cử nhân năm 1915 lúc 19 tuổi; Vũ Đình Liên - người Hải Dương, sinh 1913, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch thuật. Còn hai cụ nữa chúng tôi chưa rõ tiểu sử. Đó là Nguyễn Sĩ Lâm, Trần Lê Hữu. Bài thơ Ngẫu thành nói trên của Lê Thánh Tông trong đó có hai chữ khuê tảo [奎? 澡?] được nhiều người quan tâm. 

Nguyên văn bài thơ như sau:
Cao Đế anh hùng cái thế danh,
Văn Hoàng dũng trí phủ doanh thành.
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo,
Võ Mục hung trung liệt giáp binh.
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển,
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh.
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự,
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình.

Người đầu tiên giải thích hai chữ khuê tảo trong câu "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" có lẽ chính là Nhóm LQĐ. Các cụ viết: "Khuê tảoquê hay khuê là sao khuê, tảo là cỏ tảo, tượng trưng cho văn chương" (Hoàng Việt thi văn tuyển, Sđd, tr. 22). Nhưng rồi, người ta dần dần quên mất cách dịch của Nhóm LQĐ. 

35 năm sau, PGS. Bùi Duy Tân trong báo Văn nghệ số 33 (ngày 14-8-1993) nhắc lại cách dịch "khuê tảo" của Nhóm LQĐ. 

PGS. Bùi Duy Tân khẳng định cách giải thích khuê tảo của Nhóm LQĐ là "Khuê tảo: văn chương" (Khảo và luận một số tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam,Tập một, Nxb Giáo dục, 1999, tr. 97). Trên cơ sở đó, PGS. Bùi Duy Tân nhắc nhở ít nhất hai lần:
"Khuê tảo: chỉ văn chương. Nhiều từ điển lớn của Trung Quốc cũng giải nghĩa Khuê tảocó một nghĩa là văn chương, là thơ văn" (Khảo và luận một số tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Tập hai, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 238).
"Văn chương: dịch từ Khuê tảo... Khuê tảo: chỉ văn chương. Nhiều từ điển lớn của Trung Quốc cũng giải nghĩa Khuê tảo có một nghĩa là văn chương, là thơ văn. Nhân đây xin đính chính..." (Hợp tuyển Văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập một, Nxb Giáo dục, 2004, tr. 517).

Cuối cùng, PGS. Bùi Duy Tân khẳng định vai trò dịch của Nhóm LQĐ: "Các vị túc nho quá cố trong nhóm dịch chú Hoàng Việt thi văn tuyển (sđd): Lê Thước - Hà Văn Đại - Trịnh Đình Rư - Nguyễn Sĩ Lâm - Trần Lê Hữu đã dịch đúng cả nghĩa và thơ" (Hợp tuyển..., tr. 517. Riêng tên cụ Vũ Đình Liên không có. Phải chăng PGS. Bùi Duy Tân bỏ sót ?). 

Thế là, hai chữ khuê tảo sau 50 năm đã trở về đúng vị trí trong bản dịch của Nhóm LQĐ: "Khuê tảo: tượng trưng cho văn chương".

Tuy nhiên, có hai chữ rất quan trọng khi Nhóm LQĐ dịch mà PGS. Bùi Duy Tân lại quên mất. Đó là hai chữ: tượng trưng! Các cụ rất thận trọng, dịch từng chữ: "Khuê tảo: tượng trưng cho văn chương". Theo chúng tôi, tượng trưng cho văn chương khác với đối tượng trực tiếp về văn chương. Thế thì, cứ theo chỉ dẫn của PGS. Bùi Duy Tân về "Từ điển lớn của Trung Quốc" xem có tìm thấy hai chữ khuê tảo có nghĩa là văn chương không?

Trước hết là Từ nguyên (Thương vụ Ấn thư quán, in năm 1938. Từ điển này dài 1830 trang nhưng không có từ mục Khuê tảo, mà chỉ có từ mục Khuê (tr. 393) và từ mục Tảo(tr. 1305). Từ điển thứ hai: Từ hải, in lần thứ hai năm 1989 (xuất bản lần đầu 1979), Thượng Hải từ thư xuất bản xã, dài tới 2216 trang (chữ rất nhỏ, khổ to, mỗi trang chia làm ba cột), vẫn chẳng có mục từ Khuê tảo nào cả, chỉ có từ mục Khuê (tr. 647) riêng và từ mục Tảo riêng (tr. 618).

Vậy thì, tìm từ điển lớn hơn nữa xem sao? Nhưng may, chúng tôi bỗng nhớ lại lời chú giải hai chữ Khuê tảo do Tổ phiên dịch Viện Sử học Việt Nam dịch và chú giải, in năm 1961 trong Lịch triều hiến chương loại chí. Tổ phiên dịch gồm năm cụ là: Nguyễn Trọng Hân, Trịnh Đình Rư, Cao Huy Giu, Trương Văn Chinh, Nguyễn Mạnh Duân và cụ thứ sáu hiệu đính là Đào Duy Anh. Phần Văn tịch chí có dịch Bài tựa Ngự chế về Quỳnh uyển cửu ca. Câu ấy như sau: "Thổ hồng nghê chi khí, quang khuê tảo chi văn". Các cụ dịch: "Nhả khí rực rỡ như cầu vồng, rạng vẻ sáng tươi của khuê tảo([2]); rồi chú: "Khuê tảo: văn chương của vua làm". Câu chú giải này cực kì quan trọng về nghĩa của hai chữ khuê tảo. Nhưng buồn thay, hầu như mọi người đã quên mất ý nghĩa của hai chữ khuê tảo và quên béng luôn cả tên nhóm dịch giả. 

Chúng tôi tiếp tục truy tìm loại từ điển "đại" lớn hơn loại "từ điển lớn". Lại may lần thứ hai: Hán ngữ đại từ điển Trung Hoa, có hẳn mục từ Khuê tảo. Soạn giả viết rõ: "Khuê tảochỉ đế vương thi văn thư hoạ" ([3]); nghĩa là,khuê tảochỉ thơ, văn, thư, hoạ của đế vương. 

Té ra, 48 năm trước, Tổ phiên dịch Viện Sử học đã nói rõ ràng và chuẩn: "Khuê tảo" là văn chương của vua làm. 

Và trước đó 51 năm, Nhóm LQĐ cũng đã cảm nhận đúng về "khuê tảo": tượng trưng cho văn chương.Khi dịch từng chữ, các cụ bao giờ cũng thận trọng, không bao giờ nói đại khái, càng không bao giờ bịa đặt. Chúng ta chẳng nên bỏ rơi, bỏ quên từng chữ dịch của các cụ (trong Nhóm LQĐ hoặc Tổ phiên dịch Viện sử học VN), khiến người đọc hiểu chưa đầy đủ tinh thần bản dịch.

Vậy là, khuê tảo chỉ văn chương của vua làm. Điều này không phải ngẫu nhiên mà Lê Thánh Tông hồi tưởng xưa nay vua sáng, tôi lành và cơ nghiệp thịnh vượng của nước nhà khi nhận xét Nguyễn Trãi: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảovà cũng không phải ngẫu nhiên mà vua Lê Thánh Tông có lời chú về Ức Trai ngay trong bài thơ đó: "Thừa chỉ Quan phục hầu Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, đậu khoa bảng từ đời Hồ. Khi Thánh Tổ mới mở cơ nghiệp, theo về nơi Lỗi Giang, bên trong thì trù tính phương lược, bên ngoài thì thảo văn thư chiêu dụ các thành, văn chương giúp nước, rất được tín nhiệm" ([4])

Chính vì thế, Nguyễn Trãi mới thay mặt Thái Tổ Cao Hoàng Đế thảo dụ Quân trung từ mệnh và tuyên bố Bình Ngô đại cáo. Vĩ đại thay Ức Trai!

Trung Kính, Hà Nội, ngày 15 tháng Giêng, năm 2009


N . Đ . N

[1] Hoàng Việt thi văn tuyển của Tồn Am Bùi Huy Bích, tập III, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr. 21.

[2] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Tập IV, Nxb Sử học, 1961. tr. 75.

[3] Hán ngữ đại từ điển, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Tập một, tr. 3284.


[4] Hoàng Việt thi văn tuyển, Sđd, tr. 22.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.