Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/05/2014

Đăng lại entry cũ từ 2009 (2): Trung Quốc ra yêu sách để thử lòng Nhật Bản, ông Tập Cận Bình đề nghị cho gặp Thiên Hoàng một cách phá lệ gây đại bất bình

Bài đã đăng tháng 12 năm 2009, khi ấy ông Tập Cận Bình còn chưa lên Chủ tịch nước, mà đã gây một vụ chấn động. 

Đó là: Tập Cận Bình bắt buộc phía Nhật Bản phải ngậm đắng phá lệ để cho ông gặp bằng được Thiên Hoàng Nhật Bản mà chỉ báo trước có vài ngày (thông lệ là phải báo trước 1 tháng).

Ảnh vốn của tờ Sankei (Nhật Bản) nhưng hiện nay đường link đã hỏng, phải lấy lại từ bản lưu gốc

Phong cách này, thêm một lần nữa, đã thể hiện rất rõ trong vụ giàn khoan đang mọc lên sừng sững ở Biển Đông hiện nay (tháng 5 năm 2014).

Tạm gọi là "phong cách bóp thử gân cốt đối phương" của ông Tập.


Từ đây trở xuống là đăng lại (có chỉnh sửa lỗi kĩ thuật, do blog cũ đã bị hỏng).

---
This entry was posted in Chính trị Nhật Bản on .




Trung Quốc ra yêu sách với Nhật: Ông Tập Cận Bình đề nghị cho gặp Thiên Hoàng


Trên blog này, tôi đã từng đi một entry về bác Tập Cận Bình, người đang giữ chức Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, và là ứng cử viên nặng kí nhất thay chiếc ghế hiện nay của bác Hồ Cẩm Đào.

Ông Tập Cận Bình sáng nay (14/12/2009) sẽ xuất phát từ Bắc Kinh, tới công du tại Nhật Bản với lịch trình 3 ngày. Ngài ta sẽ gặp và hội đàm cùng các yếu nhân trong chính trường Nhật Bản hiện nay: thủ tướng Hatoyama, ngoại trưởng Okada, chủ tịch của một số đảng (trong đó, hẳn có Đảng Cộng sản Nhật Bản). Ngoài Tokyo, bác còn đi thăm tỉnh Fukuoka.

Dư luận Nhật Bản đang xôn xao, nhiều chính khách bày tỏ sự giận dữ, vì phía Trung Quốc đòi Nhật Bản khẩn trương sắp xếp để bác Tập có thể gặp nhà vua Nhật.



Về mặt hình thức, nhà vua là người ở ngôi vị cao nhất trong hệ thống chính trị của Nhật. Về nguyên tắc, nhà vua chỉ gặp mặt chính thức với nguyên thủ quốc gia, và kế hoạch phải được báo trước 1 tháng. Bác Tập là Phó Chủ tịch nước, yêu cầu thì mới chỉ đưa ra vài ngày trước, vậy về lí, không thể được gặp nhà vua.

Nhưng Trung Quốc cứ yêu cầu như vậy đấy

Nếu đồng ý với yêu sách này, tức là phía Nhật Bản sẽ tự phá luật do chính mình tạo ra.

Nội các của bác Hatoyama hẳn phải chiều lòng Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ có lẽ sẽ được sắp xếp một cách khẩn trương. Sáng nay, bác Hatoyama đã trả lời báo chí, đại ý rằng: có gì quá đáng đâu, dù gấp gáp nhưng sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Thiên Hoàng, mà chắc chắn sẽ có lợi cho tương lai của hai nước mà

Một số cựu thủ tưởng (tiền nhiệm của bác Hatoyama) vẫn đang kêu gọi chính phủ hủy bỏ kế hoạch gặp gỡ giữa nhà vua và bác Tập Cận Bình khi mà chưa quá muộn (vẫn còn kịp trong ngày hôm nay) !






---

LƯU THÊM TƯ LIỆU

Tin của BBC Việt ngữ lúc đó

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/12/091214_xi_jinping_japan.shtml


Cập nhật: 13:10 GMT - thứ hai, 14 tháng 12, 2009

Ông Tập Cận Bình thăm Nhật

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý với Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama về nhu cầu thắt chặt quan hệ, khi ông bắt đầu chuyến thăm hai ngày, tạo ra tranh cãi vì đòi gặp Nhật hoàng Akihito.

Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Yukio Hatoyama tại Tokyo ngày 14/12
Thủ tướng Nhật Hatoyama nói tại dinh thủ tướng ở Tokyo: "Quan hệ Nhật - Trung Quốc đang phát triển có lợi về chiến lược."
Ông Tập Cận Bình nói ông "vô cùng biết ơn" vì sự hiếu khách của Nhật.
Trong một thông cáo viết sẵn, ông Tập nói hai nước là láng giềng gần gũi, và việc phát triển quan hệ có lợi cho cả hai nước và hai dân tộc.
Nhân vật được xem là sẽ kế vị ông Hồ Cẩm Đào đang bắt đầu chuyến công du châu Á tám ngày mà cũng sẽ đưa ông đến Nam Hàn, Campuchia và Miến Điện.
'Đòi gặp'
Ngày mai, ông Tập sẽ hội kiến với Nhật hoàng, sau khi ông Hatoyama gây sức ép buộc hoàng cung thỏa mãn mong muốn của phía Trung Quốc có cuộc tiếp xúc với vị vua 75 tuổi.
Hoàng cung ban đầu từ chối vì yêu cầu gửi đến chưa đầy một tháng trước chuyến thăm của ông Tập.
Theo báo Nhật, Ủy ban bảo vệ Hoàng gia Nhật Bản (IHA) đã chỉ trích chính phủ khi yêu cầu để ông Tập Cận Bình gặp Nhật hoàng, mặc dù quy định nói rằng một đề nghị như thế phải gửi trước ít nhất một tháng.
Shingo Haketa, người đứng đầu cơ quan này, tiết lộ sự phản đối của ông đã bị Thủ tướng Hatoyama bác bỏ.
Quy định một tháng tồn tại từ năm 1995, và được duy trì nghiêm khắc từ khi Nhật hoàng phải phẫu thuật để chữa bệnh ung thư tuyến tiền liệt năm 2004.
Theo IHA, quy định là nhằm bảo đảm sức khỏe cho Nhật hoàng và Hoàng hậu Michiko, vì họ tiếp khách nước ngoài hơn 100 lần một năm.
Theo báo Mainichi Shinbun, ông Haketa tiết lộ bộ trưởng nội các Nhật đã đòi ông sắp xếp cuộc gặp vì "tầm quan trọng của quan hệ Nhật - Trung Quốc".

Hai nước còn mâu thuẫn vì tranh chấp năng lượng ở Biển Đông Trung Hoa
Quan hệ song phương
Một bài bình luận trên báo China Daily nói quan hệ Trung - Nhật đang ở điểm "chuyển tiếp lịch sử".
Bài báo mang quan điểm Trung Quốc vạch ra rằng hai phạm trù lịch sử gây ra căng thẳng: một là sách lịch sử và những chuyến thăm Đền Yasukuni của giới chính khách Nhật; hai là các quyền lợi trực tiếp như tranh chấp Biển Đông Trung Hoa.
Nhật Bản và Trung Quốc vẫn mâu thuẫn xung quanh một mỏ khí đốt tranh chấp ở Biển Đông Trung Hoa.
Hai nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất châu Á đã không đạt được thỏa thuận chính thức cho dù hồi tháng Sáu năm ngoái, họ đồng ý kết thúc tranh cãi suốt bốn năm về việc ai sở hữu mỏ này, được mong chờ đem lại hơn 1 tỉ mét khối khí gas mỗi năm.
Giới quan sát nói đảng DPJ đã đặt mục tiêu đối ngoại là cải thiện quan hệ với Trung Quốc và các láng giềng châu Á để độc lập hơn trước Hoa Kỳ.
Quyết định chấp thuận để ông Tập Cận Bình gặp Nhật hoàng gợi nên đồn đoán rằng Thủ tướng Hatoyama vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của ông Ozawa, Tổng thư ký của DPJ.
Hôm cuối tuần, một nhóm đại biểu của Đảng Dân chủ cầm quyền ở Nhật cũng vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc.
Phái đoàn gồm hơn 600 người, gồm có 143 dân biểu của DPJ, và do Tổng thư ký Ichiro Ozawa dẫn đầu.
Ông Ozawa cũng là người từng tuyên bố đặt "quan hệ Nhật - Trung trong tương lai là quan hệ đối tác thế kỷ 21 trong lịch sử nhân loại".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.