Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/02/2014

Làng Nhồi ở xứ Thanh và nghề chạm khắc đá : Đang đối diện nguy cơ bị lãng quên, do sự lấn lướt của hàng Trung Quốc (2013)

Công trình đá của người dân làng Nhồi hiện đang thấy ở khắp mọi nơi. Trong lịch sử, cái tên Nhồi gắn liền với những địa danh như núi Yên Hoạch (cũng là An Hoạch), chùa Hinh Sơn, địa phương Quảng Nạp,...

Thời Bắc thuộc, các triều đại Trung Hoa đã biết tiếng đến chất lượng của đá làng Nhồi và bàn tay khéo của người thợ làng đó. 

Thời Pháp thuộc, nghề đá làng Nhồi phát triển cao độ.

Núi Nhồi (núi Yên Hoạch) và thợ làm đá làng Nhồi cùng khách hàng đến từ Huế năm 1936


Sau Đổi mới, nghề đá ở đây được khôi phục, rồi rộ lên một thời gian.

Tình trạng hiện nay, thì đọc bài của tờ Tổ quốc ở dưới đây.

---



(Toquoc)-Làng nghề truyền thống chạm khắc đá làng Nhồi tỉnh Thanh Hóa nổi danh một thời, nay đang bị mai một nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Một thời vang bóng

Thời xưa, làng Nhồi được gọi là làng Nhuệ Thôn, sau chuyển thành làng Nhồi của xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Làng Nhồi nay đã được đổi tên thành đường Quan Sơn, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa. Làng Nhồi cạnh núi Nhồi (núi An Hoạch) và mỏ đá Quảng Nạp có lợi thế về điều kiện tự nhiên để hình thành và phát triển nghề chạm khắc đá từ nguồn nguyên liệu dồi dào với các loại đá quý hiếm.
Ông Lê Thiều Quế, chủ xưởng chạm khắc đá Chương Quế, số 21 Quan Sơn, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa tâm sự: “Làng nghề chạm khắc đá làng Nhồi ra đời từ lâu lắm rồi, tôi chỉ biết các cụ truyền lại cho đến đời mình đến gần chục đời. Giai đoạn hưng thịnh nhất của làng vào những năm 1985-1990, tiếp đó là giai đoạn những năm 2000-2008. Ngày xưa, sản phẩm chính của làng nghề chạm khắc đá làng Nhồi là sản phẩm về đồ thủ công mỹ nghệ như tượng các con giống, tượng phật, các tấm bia…”.
Một số tác phẩm của nghệ nhân làng Nhồi (Ảnh: Lê Hà)

Theo tài liệu thống kê của năm 1995, cả làng đã có trăm hộ gia đình với khoảng 200 lao động làm nghề chạm khắc đá mỹ nghệ. Do đó, nghề chạm khắc đá mỹ nghệ ở làng Nhồi đã trở thành nguồn thu nhập chính với hơn 80 % số hộ gia đình ở làng.

Đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng Nhồi đã thổi hồn vào đá, tạo ra những sản phẩm hết sức tinh xảo, mang đậm giá trị truyền thống, góp phần tạo nên nhiều công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Đã có nhiều công trình độc đáo bằng đá do những nghệ nhân chạm khắc đá làng Nhồi tạo ra như: tượng Khổng Minh cao gần 2m được đặt ở chùa Hinh Sơn; bia mộ Phan Đình Phùng và tấm bia ghi công đức Lê Lợi ở huyện Bắc Đà, sông Đà. Đặc biệt Công trình Trúc Lâm Thiền Viện tại nước Pháp đã được đích thân thợ làng Nhồi sang tận nơi chạm khắc. Gần đây nhất chính là tượng đài Lê Lợi cao gần 15m cũng từ đá và thợ đá làng Nhồi mà thành. Đá núi Nhồi cũng được dùng để lát quanh hồ Gươm nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
 
Nỗ lực khôi phục làng nghề truyền thống
Chạm khắc đá làng Nhồi đã tồn tại và phát triển lâu đời, đã có giai đoạn hưng thịnh mang lại nguồn thu nhập chính cho cả làng. Tuy nhiên, nghề chạm khắc đá Làng Nhồi nay bị sa sút, đồng thời đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một và cạnh tranh thị trường gay gắt của mặt hàng của Trung Quốc. Thậm chí tên làng Nhồi giờ đây đã được đổi tên thành đường An Hoạch, cái tên nghề chạm khắc đá làng Nhồi chỉ còn trong kí ức người dân nơi đây.
Nghề chạm khắc đang đứng trước nguy cơ bị mai một (Ảnh: Internet)

Giờ đây, nhiều hộ gia đình không đảm bảo được thu nhập đã phải chuyển sang nghề khác. Hiện nay, số hộ gia đình ở làng Nhồi theo nghề chạm khắc đá mỹ nghệ hiện nay còn rất ít, chỉ được khoảng 20 hộ theo nghề. Thế hệ trẻ trong làng không còn mặn mà với việc học nghề chế tác đá mỹ nghệ.


Ông Vũ Trung Hiếu, đã có 30 năm làm nghề giờ đây đã chuyển sang làm lái cho biết : “Sở dĩ có chuyện như vậy là do hầu hết nghệ nhân trong làng, những người trước đây mở xưởng sản xuất, kinh doanh đồ chế tác đá mỹ nghệ gặp khó khăn về nguồn vốn.”

Khó khăn càng chồng chất khi hiện nay trên thị trường tràn ngập sản phẩm tượng đá từ Trung Quốc, Đài Loan…nhập khẩu vào nước ta. Những sản phẩm đá mỹ nghệ của làng Nhồi phải đối mặt với sự cạnh tranh về mẫu mã và giá cả rất gay gắt.

Anh Lê Văn Hưng, quản đốc mỏ đá Yên Lâm cũng cho biết: “Nghề chạm khắc đá đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ, trong khi đó rất khó làm giàu bằng nghề này trong điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn. Sản phẩm Trung Quốc vừa đa dạng về mẫu mã lại giá thành rẻ nên đá làng Nhồi rất khó cạnh tranh. Nhiều người không xoay xở nổi nên bỏ nghề. Còn những ai trụ được với nghề cho đến hôm nay đều là những người chấp nhận duy trì nghề cha ông để lại, lấy công làm lãi”.

Một số người hiện nay còn đau đáu với nghề thì buộc phải kiêm thêm nghề khác như xe ôm, sửa xe, bán hàng tạp hóa… để ‘nuôi’ nghề truyền thống của cha ông.

“Trung bình lương của những người thợ như chúng tôi hiện này là từ 4-5 triệu/người/ tháng. Số tiền này khó có thể đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình nên nhiều người buộc phải làm thêm nghề khác mới đủ sống”-  anh Nguyễn Văn Năm, thợ làm nghề chạm khắc đá cho biết.

Đứng trước nguy cơ bị mai một làng nghề truyền thống, UBND phường An Hoạch đã phối hợp với người dân địa phương tìm phương hướng cho việc khôi phục làng nghề để bảo tồn và duy trì nghề. Vấn đề khôi phục lại làng nghề chạm khắc đá mỹ nghệ ở làng Nhồi đã được đưa vào nghị quyết của HĐND phường, đưa ra những chính sách như:  Mời gọi các nhà đầu tư tham gia trực tiếp, tạo dựng các cơ sở sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp ở địa phương mở rộng việc đầu tư và sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ, vận động những nghệ nhân, nhất là những người thợ có tay nghề kỹ thuật cao quay lại làm nghề, đồng thời mở các lớp dạy nghề thủ công chế tác đá mỹ nghệ cho các thế hệ trẻ.

“Năm 2012, phường An Hoạch đã kết hợp với một số nghệ nhân có tay nghề cao tham gia và mở lớp dạy nghề cho các con em trong địa bàn. Đã có khoảng 50 học viên tham gia khóa đào tạo nghề này. Năm 2013 này vẫn đang tiếp tục mở thêm các lớp mới”, ông Nguyễn Đình Lợi, phó chủ tịch phường An Hoạch chia sẻ.

Ông Lợi cho rằng, để khôi phục lại làng nghề, trước hết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nghệ nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư và sự giúp sức của chính quyền địa phương. Cần xây dựng chiến lược cho sự phát triển làng nghề, từ đó có sự đầu tư đồng bộ cho các cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và tìm kiếm “đầu ra”. “Nếu không có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía thì việc khôi phục làng nghề chạm khắc đá làng Nhồi sẽ rất khó khăn và nguy cơ bị biến mất một làng nghề truyền thống lâu đời ở xứ Thanh”, ông Lợi nói.

Làng nghề chạm khắc đá ở Làng Nhồi đang trở thành một ví dụ điển hình của làng nghề truyền thống không có sự đầu tư, không thích ứng được với thị trường trong thời kỳ hội nhập. Nếu không có sự chung tay góp sức từ nhiều phía để bảo tồn và  phát triển, nghề chạm khắc đá làng Nhồi có thể sẽ chỉ còn trong quá khứ./.
                                                                                                                                                    Ngọc Hà Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.