Có thể xem đây là một phát kiến lớn nhất, tân kì bậc nhất từ trước đến nay trong nghiên cứu về Mẫu Liễu ở Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết mới đăng trên tờ Văn hóa Nghệ An của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Yên.
---Xin trân trọng giới thiệu bài viết mới đăng trên tờ Văn hóa Nghệ An của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Yên.
Tục thờ Liễu Hạnh được phát tích từ các địa phương thuộc hai tỉnh Nam Định và Thanh Hoá với những truyền thuyết liên quan đến việc sinh hoá, hiển thánh và hệ thống đền, phủ nổi tiếng. Từ kết quả tổng hợp các nguồn thông tin tư liệu liên quan đến mẫu Liễu Hạnh trong mối liên hệ giữa không gian văn hóa xã hội và lịch sử của hai vùng đất Nam Định và Thanh Hoá, bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu những thông điệp đằng sau truyền thuyết Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh, từ đó làm cơ sở cho việc giải mã biểu tượng mẫu Liễu Hạnh trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt.
1. Những ẩn ý lịch sử trong Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh
Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh được diễn ra trong giai đoạn Hậu Lê từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, đó là giai đoạn nước ta có nhiều biến động về chính trị, văn hóa, xã hội mà dường như đã được ghilại một cách hữu ýtrong huyền thoại về mẫu Liễu.
* Giáng sinh lần thứ nhất ở Phủ Nấp (1434 -1477) và lịch sử đất nước thời kỳ Lê sơ:
Thời kỳ Lê sơ các vua Lê nắm trọn được quyền hành được coi là thời kỳ nước Đại Việt cường thịnh nhất - thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), đất nước phát triển về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục thi cử, quân sự... Bộ luật Hồng Đức ra đời trong giai đoạn này được đánh giá là bộ luật có những quy định tương đối tiến bộ, công nhận cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến một số quyền lợi và phần nào bảo vệ họ đối với thái độ "trọng nam khinh nữ"[1]. Tuy nhiên Lê sơ cũng là thời kỳ Nho giáo chiếm vị trí độc tôn, được coi trọng và lên ngôi đặc biệt ở khu vực triều đình và giới nho học trong khi Phật giáo và Đạo giáo bị hạn chế, Phật giáo bị đẩy lui xuống sinh hoạt ở các làng xã. Mặt khác do trước đó chịu sự tận diệt của nhà Minh nên nhiều chùa chiền, cung điện và các phật tử phát triển rực rỡ ở các triều đại nhà Lý, nhà Trần đã bị xóa bỏ.
Những đặc điểm trên của thời kỳ Lê sơ đã được thể hiện qua hình tượng mẫu Liễu Hạnh – Hồng Liên công chúa được vua cha cho giáng sinh làm một phụ nữ thôn quê bình dị, hy sinh hạnh phúc riêng để làm trọn chữ hiếu với cha mẹ đẻ. Câu chuyện giáng sinh của mẫu nhuốm màu Phật giáo: Do cha mẹ mẫu tu tốt, ngày đêm cầu nguyện nên đã thấu tới Ngọc Hoàng, được Ngọc Hoàng cho Hồng Liên công chúa xuống đầu thai. Công đức đối với xã hội của mẫu trên trần thế được thể hiện rõ nhất ở việc xây chùa tô tượng ở khu vực làng quê này. Tên hiệu Hồng Liên công chúa gợi nhiều đến hình ảnh vị quan âm bồ tát có tên gọi là Hồng Liên trong bài khấn của các thầy cúng của tín ngưỡng Tứ phủ. Thực tế, trong danh sách các công chúa hoa mà các đệ tử phải tôn nhang thủ mệnh của tín ngưỡng Tứ phủ cũng như trong các bộ kinh giáng bút không thấy xuất hiện danh hiệu Hồng Liên công chúa.[2] Có thể nói thông điệp về sự xuất hiện hay giáng sinh lần thứ nhất của mẫu Liễu Hạnh ở thời kỳ Lê sơ là thể hiện sự thế tục hóa Phật giáo ở các làng quê Việt Nam thời kỳ này. Đó cũng là một giai đoạn yên bình trong cuộc đời của mẫu Liễu Hạnh tại một làng quê ở Nam Định, có phần tách biệt so với hai lần giáng sinh sau trong mối liên hệ với dòng họ chúa Trịnh ở hai vùng đất Nam Định và Thanh Hóa mà dưới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu.
* Giáng sinh lần thứ hai ở Phủ Dầy (1557 – 1577) và lần thứ ba ở Tây Mỗ trong mối liên hệ với dòng họ chúa Trịnh giai đoạn Lê Trung Hưng:
Trong cuộc giáng sinh lần hai của mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dầy chúng ta biết nhiều đến cuộc đời sóng gió của mẫu sau khi hóa, đặc biệt là sự kiện giáng linh ở Phố Cát, Thạch Thành, Thanh Hóa. Đằng sau cuộc giao tranh giữa mẫu Liễu Hạnh với phe phái đạo nội của triều đình mà kết thúc bằng sự kiện mẫu Liễu được triều đình công nhận, cho xây đền miếu, phong sắc, sau đó là phong thần…dường như là cả một ẩn ý về sự xuất hiện của dòng họ chúa Trịnh bên cạnh triều đình nhà Lê trong lịch sử. Có thể nhận thấy rất nhiều chi tiết trong truyền thuyết về mẫu Liễu có liên hệ tới dòng họ chúa Trịnh ở hai lần giáng sinh sau này:
- Về sự liên kết dòng họ Lê với dòng họ Trịnh: Cuộc giáng sinh lần hai và sau đó là sự hiển linh sau khi hóa của mẫu Liễu Hạnh ở Phố Cát được diễn ra trong thế kỷ XVI là thế kỷ đất nước có nhiều biến động về lịch sử. Đó là giai đoạn triều đình rối loạn, hai phe Nam triều (nhà Lê) và Bắc triều (nhà Mạc) đánh nhau dai dẳng suốt một vùng từ Thanh - Nghệ ra Bắc. Năm 1592 nhà Mạc thua chạy lên Cao Bằng, họ Trịnh dựa vào danh nghĩa họ Lê nắm toàn quyền thống trị hình thành nên một triều đình “Vua Lê – chúa Trịnh” ở Đàng Ngoài.
Câu chuyện mẫu họ Lê được miêu tả như một tiểu thư khuê các hiền thục nhưng khi hóa lại trắc giáng phi phàm tác oai tác quái ở vùng Thanh Hóa tạo thành hai tính cách trái ngược rất đáng ngờ của mẫu Liễu. Người ta đưa ra một lý giải có vẻ hợp lý: đó là thể hiện sự vùng lên của người phụ nữ trước bất công xã hội mà cụ thể là sự ấm ức của tiên chúa vì bị cắt đứt duyên trần quá sớm. Kinh thánh mẫu Sòng Sơn viết về điều này như sau: “Đức tiên chúa trong lòng bực bội, cho nên biến hiện phi phường, nào là bọn ngu nhơn, nào là bọn kiêu lẫn, gian dâm, Đức Tiên Chúa ra oai sát phạt, thiên hạ chết nhiều, nhơn gian khổ sở, tiếng than vang, oán trách thấu đến trời xanh”.[3]Chúng tôi cho rằng lý giải hiện tượng mẫu Liễu Hạnh giáng trần cửa họ Lê ở Nam Định rồi giáng linh hiển thánh sau khi hóa ở Thanh Hóa trong mối liên hệ lịch sử về sự liên kết quyền lực giữa hai triều đình “Vua Lê chúa Trịnh” thì có phần hợp lý hơn. Trong thực tế nhà Lê sau khi bị nhà Mạc cướp ngôi đã chạy vào Thanh Hóa được tướng Nguyễn Kim (quê làng Gia Miêu, xã Hà Long huyện Tống Sơn - Hà Trung ngày nay) phò tá dựng lại cơ nghiệp ở Lào, từng bước đánh chiếm các huyện ở Thanh Hóa, sau đó xây dựng hành điện ở xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Sau Nguyễn Kim đến lượt con rể là Trịnh Kiểm (quê ở làng Sóc Sơn, huyệnVĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) lên thay là người mở đầu cho dòng họ chúa Trịnh ở bên cạnh vua Lê kéo dài hơn hai trăm năm.
Vì vậy phải chăng câu chuyện con cái của mẫu Liễu được nhắc lại nhiều lần trong các lần giáng bút và trong kinh sách: “Tiền sinh Nhâm” (ở Phủ Dầy, Nam Định –) và “Hậu sinh Cổn” (ở Tây Mỗ, Thanh Hóa ) là một cách nói ẩn ý về sự kết hợp vua Lê ở ngoài Bắc với chúa Trịnh quê ở Thanh Hóa mà dưới đây chúng tôi sẽ làm rõ hơn khi tìm hiểu về lai lịch chúa Trịnh Kiểm.
- Về mối liên hệ các đời chúa Trịnh qua truyền thuyết mẫu giáng sinh lần thứ ba ở Tây Mỗ: Hiện có hai truyền thuyết liên quan đến lần giáng sinh thứ ba của mẫu ở Tây Mỗ, đó là truyền thuyết “Giáng thẳng Tây Mỗ sinh con trai tên Cổn” ở thế kỷ XVII và truyền thuyết “Sinh Tây Mỗ, hóa Giáp Ba” ở thế kỷ XVIII.
Truyền thuyết mẫu “Giáng thẳng Tây Mỗ sinh con trai tên Cổn” được biết nhiều đến qua các tài liệu sách vở và kinh sách giáng bút. Huyền thoại về lần giáng sinh thứ ba này của mẫu Liễu Hạnh được mô tả chung chung là mẫu giáng thẳng xuống Tây Mỗ ở chỗ có núi Sóc Sơn tái sinh với chàng Mai Sinh sinh con trai tên Cổn mà có tài liệu cho rằng mẫu có tên là Hoàng Thị Trinh… Chi tiết này có nhiều điểm tương đồng với lai lịch Trịnh Kiểm – vị chúa đầu tiên của dòng họ chúa Trịnh: Trịnh Kiểm người quê ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, mồ côi cha từ lúc 6 tuổi, mẹ là bà Hoàng Thị Dốc. Tương truyền dòng họ chúa Trịnh phát được là từ ngôi mộ của bà mẹ của Trịnh Kiểm: Bà bị chết đuối ở vực gần nhà, khi Trịnh Kiểm ra tìm thì mối đã đùn thành gò![4] Sự trùng hợp một cách ngẫu nhiên giữa địa danh làng Sóc Sơn và người mẹ họ Hoàng của Trịnh Kiểm với huyền thoại mẫu Liễu Hạnh giáng sinh cửa họ Hoàng ở núi Sóc Sơn Tây Mỗ sinh con trai là một chi tiết đáng chú ý khi xem xét mối liên hệ lịch sử giữa mẫu Liễu với hai người con trai “Tiền Nhâm (Nam Định) – hậu Cổn (Thanh Hóa)” và sự ra đời triều đình kép “Vua Lê - Chúa Trịnh” .
Truyền thuyết giáng sinh lần thứ ba “Sinh Tây Mỗ hóa Giáp Ba”làgắn với nguyên mẫu là bà Hoàng Thị Khứu sinh ở Tây Mỗ (1767) lấy chồng họ Mai ở Giáp Ba không con cái, hoá vào ngày 9/3 (1789) hình thành nên cả một hệ thống đền phủ, truyền thuyết, bia kí, lăng mộ…ở Giáp Ba, xã Bảo Ngũ (nay là xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Truyền thuyết này có nhiều chi tiết liên quan với bà Thái phi họ Ngô (hoặc Trần) tên là Ngọc Đài là vợ Trịnh Tráng quê ở thôn Thung Khê, xã Đồng Đội, huyện Thiên Bản. Tương truyền họ Ngô ở xã Đồng Đội được thầy địa lý đặt cho mộ tổ, đời sau sinh được Ngô Thị Ngọc Đài có tư sắc, thông minh, ứng đối giỏi và có điềm linh ứng giống mẫu Hoàng Thị Khứu là “làm ngoài đồng thường có mây che nắng”.[5] Cuộc đời bà có nhiều gắn bó với mẫu Liễu Hạnh: Trước khi vào cung bà sống ở quê ông chồng trước (Tráng công Ngô Đình Nha) ở làng Bảo Ngũ (vốn cũng là quê chồng của mẫu Hoàng Thị Khứu), sau này nhờ có công với dân làng mà bà được thờ làm thành hoàng của làng Bảo Ngũ. Bà Ngọc Đài rất sùng tín mẫu Liễu, bà tin rằng nhờ mẫu Liễu phù hộ mà bà sinh được Trịnh Tạc, vì là mẹ của chúa nên theo danh xưng trong phủ chúa thì bà cũng là Thánh mẫu. Bà nổi tiếng vì đã phát kiến ra tục kéo chữ trong hội Phủ Dầy. Trong hội Phủ Dầy, ngày 5/3 khi phủ Vân Cát rước Thánh mẫu lên chùa Dần thỉnh kinh người ta cũng rước luôn cả kiệu của bà thờ ở Phủ Thông đi cùng, thường trước khi kéo chữ, phu hội phải rước kiệu lên Phủ Thông hay vào Phủ Dầy để làm lễ xin chữ.[6]
Một trùng hợp nữa là chúa Trịnh Tráng (1577– 1657) chồng của Thái phi Ngọc Đài lại sinh đúng vào năm 1577 tương truyền là năm mẫu Liễu Hạnh hóa ở Phủ Dầy!
Chúa Trịnh Tạc con bà Ngọc Đài là vị chúa Trịnh duy nhất chứng kiến cả 7 cuộc xung đột Trịnh-Nguyễnthế kỷ 17. Chính Trịnh Tạc là người đã quyết định chấm dứt chiến tranh với họ Nguyễn để duy trì hoà bình cho cả hai miền và ông cũng là người có công chấm dứt việc cát cứ của họ Mạc ở Cao Bằng, đưa miền Bắc nước Đại Việtbước vào thời thịnh trị.
Điểm đáng lưu ý là Trịnh Tạc lại có một người vợ thuộc dòng họ Mai ở Thạch Giản, Nga Sơn, Thanh Hóa tên là Mai Thị Ngọc Tiến. Sách Thám hoa Mai Anh Tuấn cho biết: “Bà là con gái đầu của Mậu Quận công (Mai Thế Huân), húy là Ngọc Tiến, vào hầu trong phủ chúa Trịnh Tạc (1657 – 1682), được chúa sủng ái, đứng đầu trong hậu cung, được phong là Chiêu nghi, là bảo mẫu của chúa Khang vương Trịnh Căn (1682 -1709). Bà có công với dân với nước, được lập đền thờ, triều đình phong làm phúc thần thờ ở địa phương quê nhà”.[7]
Như vậy bà Chiêu nghi Mai Thị Ngọc Tiến là con dâu của bà Ngọc Đài, nếu xét về mối quan hệ thì dòng họ Mai ở Bảo Ngũ (gốc Thạch Giản) là bên ngoại đằng vợ của chúa Trịnh Tạc và là thông gia với bà Ngọc Đài!
Điểm qua như vậy để thấy rằng có lẽ không phải ngẫu nhiên mà làng Bảo Ngũ xưa lại có tới hai nhân vật nữ đều liên quan đến xứ Thanh – một người ở Bảo Ngũ lấy chồng là chúa quê gốc xứ Thanh (Ngọc Đài) còn một người từ xứ Thanh ra Bảo Ngũ lấy chồng nhưng mục đích chính là để tìm đất đặt mộ (Hoàng Thị Khứu).
Phải chăng câu chuyện về cái chết chọn đất đặt mộ của mẫu Hoàng Thị Khứu ở thế kỷ XVIII vào đúng năm cáo chung của triều đại vua Lê chúa Trịnh 1799 chính là một sự tiếp tục của huyền thoại về các ngôi mộ phát đế vương cho đời sau vốn trước nay rất phổ biến trong dân gian?
- Về mối liên hệ với nhà Tây Sơn qua cuộc “Sòng Sơn đại chiến”: Vào hồi vãn triều, chúa Trịnh Sâm vì mê đắm Đặng Thị Huệ mà yêu con út phế con trưởng dẫn đến loạn kiêu binh cướp ngôi chúa em (Trịnh Cán) để đưa chúa anh lên ngôi (Trịnh Khải), tiếp theo là sự kiện vua Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh “cõng rắn cắn gà nhà” năm 1788. Trong bối cảnh rối ren đó năm 1786 quân Tây Sơn từ Đàng Trong đã tiến quân ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh”, tiếp theo đó năm 1789 Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, tức là vua Quang Trung mang quân ra Bắc đánh dẹp nhà Thanh. Loại trừ những yếu tố hư cấu liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng thì cuộc “Sòng Sơn đại chiến” thực chất là mô tả sự kiện nhà Tây Sơn tiêu diệt triều đình vua Lê chúa Trịnh. Cuộc chiến này được tác giả Nguyễn Văn Huyên mô tả khá sinh động qua câu chuyện “Chiến tranh chống Liễu Hạnh” mà ở đó đội quân của anh em “Ba ông thánh” (ông Thánh Trước, Thánh Bên Phải và Thánh Bên Trái) trong đó ông Thánh Trước có vai trò chính khiến ta liên hệ đến đội quân của ba anh em nhà Tây Sơn với vai trò chính của Nguyễn Huệ trong việc tiêu diệt triều đình vua Lê chúa Trịnh. Trong cuộc chiến này ông Thánh Trước dễ dàng tiêu diệt Liễu Hạnh, chi tiết “Ba ông thánh ra lệnh cho ba trăm tướng đốt cháy tất cả các ngôi đền đã dựng lên trong vùng để thờ Bà chúa” rồi “trong mười ngày liền, lửa cháy không ngớt” rất giống với cảnh tượng được ghi lại trongHoàng Lê nhất thống chí: Sau khi Trịnh Bồng vị chúa Trịnh cuối cùng bỏ trốn, hoàng thượng (vua Lê) “tức thì ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt”.[8]
Như ta đã biết khu vực xung quanh đền Sòng ở thị xã Bỉm Sơn ngày nay còn dày đặc các di tích quân Tây Sơn đóng đại bản doanh trước khi ra Bắc đánh quân Thanh. Triều đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, xóa bỏ nạn chia cắt lãnh thổ, đập tan các cuộc can thiệp từ bên ngoài. Sau này khi lật đổ nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn lên ngôi thực hiện việc báo thù tàn khốc đến ba đời của nhà Tây Sơn nên dân chúng không dám công khai thờ phụng Tây Sơn. Tuy nhiên với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” người dân ở nhiều nơi đã cải trang thờ phụng Nguyễn Huệ dưới các hình thức khác. Chẳng hạn tương truyền pho tượng Đức Ông ở chùa Bộc (Khương Thượng, Tp. Hà Nội) và ở chùa Buộm (xóm Làng, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Tp.Hà Nội) chính là tượng thờ vua Quang Trung. Theo kể lại thì khi hành quân ra Bắc vua Quang Trung có đóng quân ở xóm Làng để từ đó tiến đánh trận Ngọc Hồi, sau dân làng nhớ ơn lập đền thờ ngay trên nền đất ông đóng quân gọi là đền vua Quang Trung. Khi quân Tây Sơn thất thế, nhà Nguyễn sát phạt nhà Tây Sơn, các cụ trong làng đổi đền thành chùa Báo Ân (tức chùa Buộm), pho tượng Quang Trung được đặt ở vị trí Đức Ông. Theo các cụ thì pho tượng Quang Trung (Đức Ông) ở chùa Buộm rất giống pho tượng Quang Trung ở chùa Bộc.[9]
Tương tự đền Ghềnh ở Phú Viên, Long Biên, Hà Nội được cho là đền thờ công chúa Ngọc Hân vợ Quang Trung, pho tượng mẫu Thoải trong đền là cải trang tượng công chúa Ngọc Hân.
Từ hiện tượng trên chúng tôi cho rằng cùng với sự kiện “Sòng Sơn đại chiến” đầy ẩn ý về việc Nguyễn Huệ tiêu diệt nhà Trịnh thì rất có thể trong quá khứ dân gian ở đây cũng có cách “cải trang” tương tự như các địa phương khác để thờ phụng Quang Trung Nguyễn Huệ. Về vấn đề này có thể xem xét một số khía cạnh sau:
Về điện thần, điểm khác của đền Sòng là pho tượng mẫu Liễu khoác áo màu vàng (chứ không phải là màu đỏ), trên đầu có đội vương miện màu vàng được chạm khắc tinh xảo, hai bên có tượng nhỏ của Quế nương (bên phải) và Thị nương (bên trái), bên cạnh cũng có khám và tượng thờ Mẫu Thoải và mẫu Thượng Ngàn. Màu vàng là màu tượng trưng cho hoàng tộc – các bà cung phi, hoàng hậu ở các đền, điện thường được thờ trong trang phục màu vàng như vậy. Điều đó khiến chúng tôi ngờ rằng pho tượng mẫu Liễu ở đây là thờ công chúa Lê Ngọc Hân vợ vua Quang Trung. Trong thực tế ở khu vực Bỉm Sơn còn truyền tụng các câu chuyện liên quan đến Bà, chẳng hạn như Khe Phương (dòng nước chảy từ Ba Dội xuống) tương truyền là nơi công chúa Ngọc Hân thường rửa chân! Trong lễ rước kiệu mẫu ở hội đền Sòng xưa quy định phải có 16 thiếu nữ tuổi từ 14 đến 16 đi giật lùi trước kiệu và 16 thiếu nữ đi đằng sau kiệu phải chăng là liên quan đến số tuổi công chúa Ngọc Hân (16 tuổi) khi kết hôn với Nguyễn Huệ?
Ngoài ra, không rõ vì lý do gì mà trong lễ rước kiệu Thánh mẫu lên đèo Ba Dội lại có tục rẽ vào miếu Cẩm La rước chân nhang vị thành hoàng Bát Hải đại vương Nguyễn Phục (còn gọi là Vua cha Bát Hải) cùng đi đón mẫu? Về vị thần Bát hải đại vương không thấy ghi trong Thanh Hóa chư thần lục mà trong sách này chỉ có tên Đông Hải tôn thần tên tục là Nguyễn Phục là người có công chuyển lương bình Chiêm! Phải chăng Bát Hải đại vương (hay Vua cha Bát Hải) là cách gọi riêng của thôn Cẩm La với nghĩa cải trang Đông Hải tôn thần Nguyễn Phục để thờ vua Quang Trung? Điểm đáng chú ý là ngày 29/8 âm lịch là giỗ của Vua cha Bát Hải chỉ lệch một tháng so với giỗ vua Quang Trung (29/7). Phải chăng trong sự đối xứng giữa mẫu (hoàng hậu) mà ở đây có thể hiểu là công chúa Lê Ngọc Hân thì có cha (vua) là Quang Trung Nguyễn Huệ? Một sự ngẫu nhiên nữa là thôn Cẩm La hiện nay lại thuộc phường Quang Trung.
Ngày nay trong lễ rước bóng mẫu của lễ hội đền Sòng người ta đã đưa ảnh Quang Trung vào đoàn rước có các trai tráng đóng vai binh sĩ áo vải cầm dao đi hộ tống trước kiệu mẫu. Tục này được ban tổ chức giải thích là liên quan đến tích khi Quang Trung tiến quân ra Bắc dừng chân ở Bỉm Sơn đã được nữ thần báo mộng phải nhanh chóng hành quân sẽ chiến thắng, vì vậy khi thắng trận trở về vua đã phong tặng câu đối treo ở đền thờ Thánh mẫu: “Sắc lệnh bao phong thế phục trần; Ân phá mặc tương thiên tiên nữ”.[10]
Như vậy có nhiều cơ sở để cho rằng đền Sòng và lễ hội đền Sòng trong quá khứ có liên quan đến việc tưởng nhớ công lao của Quang Trung Nguyễn Huệ. Vì vậy sự kiện bản gia phả bằng đồng của họ Lê làng Vân Cát ngẫu nhiên đào được ở đền Sòng có thể không có giá trị sử liệu nhưng lại có giá trị kết nối thông tin về mối liên hệ với nguồn gốc Hoàng tộc nhà Lê của mẫu Liễu ở Vân Cát với công chúa Lê Ngọc Hân và Nguyễn Huệ (Tây Sơn) trong không gian Nam Định và Thanh Hóa.
- Về mối liên hệ lịch sử với chung cục của dòng họ chúa Trịnh: Dòng họ chúa Trịnh tồn tại hơn hai trăm năm trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, các phe phái thanh trừng lẫn nhau, đời sống nhân dân lầm than khổ cực. Chúa Trịnh Sâm được miêu tả “là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ, đã xem khắp kinh sử, biết làm văn làm thơ…”, cậy mình có công dẹp các loạn đảng nên chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc, vào lúc “bốn phương yên ổn, kho đụn đầy đủ, chúa dần dần sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thoả thích”.[11]Sự ngang ngược trái với đạo lý như vậy chính là nguyên nhân đưa họ Trịnh đến chung cục diệt vong. Câu chuyện Trịnh Sâm bị Thị Huệ mê hoặc khiến ta liên tưởng đến chuyện mẫu Liễu mắc lừa Tiền quan thánh, bị Tiền quan thánh thu hết phép thuật, cuối cùng phải đi tu nương nhờ vào sự cứu rỗi của cửa phật. Hoàng Lê nhất thống chí kể rằng Trịnh Bồng – vị chúa cuối cùng của dòng họ chúa Trịnh đã gột sạch ma chướng ở đời, tự xưng là Hải đạt thiền sư, dạo khắp các chùa ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng. Sau đó một học trò đất Kinh Bắc tên là Vũ Kiền chạy loạn lên ở Lạng Sơn gặp Hải đạt thiền sư ở chùa Tam Giáo ngầm biết là chúa, bèn báo với phiên thần ở Lạng Sơn là Hà Quốc Ký thuyết phục chúa truyền sắc lệnh ra để điểm quân, thu lương dựng lại nghiệp nhà chúa. Do bọn thủ hạ làm bừa khiến nhân dân nổi loạn, giết bọn Ký và Trần rồi đuổi chúa đi “Chúa chạy về đất Hữu Lũng (nay thuộc Lạng Sơn) rồi từ đó nấp náu trong chốn núi rừng, cả nước không còn thấy mặt chúa ở đâu nữa”.[12]
Câu chuyện chúa Liễu vì “Còn thiếu tấm lòng từ bi” sau khi bị Tiền quan thánh thu phép, nghe theo lời khuyên của ba vị quan thánh đã vân du lên Lạng Sơn quy y cửa phật phải chăng là lấy từ tích chúa Trịnh Bồng đi tu ở Lạng Sơn sau khi cung phủ bị đốt cháy rụi và không còn khả năng gây dựng lại nghiệp chúa?
Ở đây ta lại thấy một trùng hợp nữa liên quan đến sự xuất hiện các truyền thuyết cũng như đền phủ thờ mẫu ở Lạng Sơn. Đặc biệt huyện Hữu Lũng nơi có đền Công đồng Bắc Lệ vốn được coi một trung tâm thờ mẫu của cả nước cũng chính là địa phương mà vị chúa Trịnh cuối cùng– Hải đạt thiền sư mất tích!
Tìm hiểu mối liên hệ giữa dòng họ chúa Trịnh với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ta được biết năm 1545 khi được vua Lê chính thức trao toàn quyền thống lĩnh binh mã với tước Thái sư Lạng quốc công, Trịnh Kiểm (1503 – 1570) “tự thấy chưa đủ lực lượng tấn công Bắc triều, liền rút quân về củng cố lực lượng: lập hành tại vua Lê ở đồn Vạn Lại (huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa). Nhiều nhân sĩ tài giỏi đã tìm đến hành tại giúp vua Lê trong đó có Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và Lương Hữu Khánh”.[13]Cuộc gặp gỡ giữa chúa Trịnh và Phùng Khắc Khoan như vậy là được diễn ra ở Thanh Hóa trong thời gian sinh hóa của mẫu Liễu ở Phủ Dầy.
Trước Trịnh Bồng thì Trịnh Khải (tức Trịnh Tông) vị chúa thứ 11 của dòng họ chúa Trịnh năm 1786 đã phải tự tử trên đường bị bắt về cung trong tay Nguyễn Trang là học trò của Lý Trần Quán. Ân hận vì cái chết của chúa, hai ngày sau Lý Trần Quán đã chọn cái chết để tỏ lòng nghĩa trung với chúa. [14]Ở đây lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa cái chết của Lý Trần Quán với cái chết của mẫu Hoàng Thị Khứu ở thôn Giáp Ba, xã Bảo Ngũ– đó là cả hai người đều tự sửa soạn cho mình cái chết, nằm sẵn vào quan tài để chết với nhiều tình tiết tương tự nhau. Sự kiện Lý Trần Quán chết vì nghĩa xảy ra 3 năm trước khi mẫu Hoàng Thị Khứu hóa ở Giáp Ba đúng vào năm vua Quang Trung lên ngôi ra Bắc dẹp quân Thanh, tức là năm triều đình Lê Trịnh sụp đổ hoàn toàn (1789).
Như vậy, có khá nhiều chứng cứ cho thấy mối liên hệ giữa tục thờ Liễu Hạnh ra đời ở thế kỷ XVI với dòng tộc chúa Trịnh. Mối liên hệ đó còn thể hiện ở sự tương đồng trong danh xưng của dòng tộc chúa Trịnh với danh xưng trong tục thờ Liễu Hạnh. Cụ thể ngôi vị chúa ngoài danh xưng là “Chúa”, là “Tiên vương” thì còn được tôn xưng là “Thánh”, vì vậy các bà mẹ của chúa được gọi là “Thánh mẫu” (mẹ của thánh). Chẳng hạn trong Hoàng Lê nhất thống chí có nhắc đến việc tuyên phi Đặng Thị Huệ sinh vương tử Cán và Thái phi Ngọc Hoan sinh Trịnh Tông là điềm sinh thánh. Tương tự, chúa Trịnh Sâm- cha của Cán và Tông có danh xưng là Thánh tổ Thịnh Vương. Khái niệm “phủ” trong tín ngưỡng Liễu Hạnh tương tự như khái niệm “phủ” trong “Phủ chúa”. Ngoài ra theo quy định thì các thế tử con chúa khi 18 tuổi sẽ được ra “mở phủ” với nghĩa lập dinh thự riêng. Quân Tam phủ trong thời chúa Trịnh được dùng để gọi quân lính kiêu binh quê Thanh - Nghệ, v.v… [15]
2. Tính dự báo xuyên thế kỷ của truyền thuyết Tam thế giáng sinh và tác phẩm “Vân cát thần nữ” của Đoàn Thị Điểm
Từ thực tế tìm hiểu mối liên hệ giữa Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh với lịch sử thời Hậu Lê cho thấy một câu hỏi không thể không đặt ra là: Vậy mẫu Liễu Hạnh là ai? Để giải đáp điều này chúng tôi đi vào tìm hiểu khía cạnh dự báo lịch sử qua Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh.
Truyền thuyết Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh được gắn với lịch sử giai đoạn Hậu Lê kéo dài 356 năm. Ngoại trừ lần giáng sinh thứ nhất khá yên bình ở Phủ Nấp thuộc thời kỳ Lê Sơ thì ở lần giáng sinh thứ hai cuộc đời và số phận mẫu Liễu lại gắn với những thịnh suy của triều đình Lê Trịnh mà dường như đã được báo trước trong tác phẩm văn học “Vân Cát Thần nữ” của Đoàn Thị Điểm ngay từ nửa đầu thế kỷ XVIII. Thông điệp mà ta nhận được từ cuộc đời sóng gió của mẫu Liễu Hạnh trong giai đoạn này là khát vọng của nhân dân về một vị vua có thể đem lại sự bình yên thịnh trị cho đất nước. Câu chuyện dân gian về việc chúa Liễu Hạnh hai lần xuống trần mỗi lần sinh được một người con trai nhưng một đứa thì thừa (bàn chân và bàn tay có tới 6 ngón), một đứa lại thiếu (bàn chân và bàn tay chỉ có 4 ngón) có lẽ là sự ám chỉ về sự thiếu toàn vẹn về đức và tài của vua Lê, chúa Trịnh? Vì vậy mà trước khi về trời chúa Liễu Hạnh đã gửi chúng vào chùa với lời dặn: “Ta hai lần xuống trần đẻ được hai đứa con cũng định cho chúng trở thành vương giả nhưng không đạt, vì một đứa quá thừa, một đứa lại quá thiếu. Hãy làm cho nó được nổi tiếng, ít nhất cũng trở thành Trạng”.Và sau đó “Những đứa con của Liễu Hạnh về sau quả nhiên nổi tiếng, trong đó có một đứa tên là Trạng Quỳnh. Chỗ di tích ngôi đền của Liễu Hạnh xây lên ở xứ Thanh và xứ Nghệ, người ta dựng thành đền thờ trên núi…”.[16]
Dân gian đã thật thâm thúy khi cho rằng những đứa con của chúa Liễu Hạnh dù nổi tiếng thì cũng quá lắm chỉ là thành Trạng Quỳnh mà bản chất của Trạng Quỳnh là…láu cá và mẹo vặt. Dân gian cũng rất có lý khi cho rằng chỉ có người mẹ tốt thì mới sinh ra được người con tốt và vì còn thiếu tấm lòng từ bi nên mẫu Liễu Hạnh phải quy y cửa phật…
Không còn nghi ngờ gì nữa – mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng của người mẹ Việt gánh trách nhiệm sinh nở, nuôi dưỡng những người con ưu tú để gánh vác công việc đất nước, nói theo ngày xưa thì họ là các bà hoàng ở cung vua phủ chúa mà hình tượng mẫu Liễu Hạnh khoác áo vàng ở đền Sòng là một ví dụ.
Đó cũng là thông điệp đầy tính dự báo liên quan đến Tam thế giáng sinh của mẫu.
Tính dự báo thứ nhất là ở câu chuyện kỳ lạ về người con gái có tên Hoàng Thị Khứu từ Tây Mỗ lặn lội ra Giáp Ba chỉ là để tu tập ở cửa thánh cửa phật chứ không màng đến chuyện hạnh phúc trần gian. Trong dân gian làng Nga Châu (Hà Châu, Hà Trung, Thanh Hóa) hiện vẫn truyền rằng mẫu họ Hoàng rời quê hương là để tìm đất phát sinh đế vương vì bà không muốn sinh Trạng!
Phải chăng đây là sự lặp lại tương tự như chuyện ngôi mộ phát của bà mẹ họ Hoàng của chúa Trịnh Kiểm –ông tổ của dòng họ chúa Trịnh hơn hai trăm năm trước?
Ai sẽ là kiếp sau của mẫu họ Hoàng “sinh Tây Mỗ, hóa Giáp Ba”? Liệu bà có sinh được bậc đế vương như mong ước không?
Thông tin mang tính dự báo thứ hai là ở cuốn Cát thiên tam thế thực lục vốn là tài liệu giáng bút được ấn tống ở Phủ Nấp năm 1913. Ở phần V: “Cát thiên Tam thế thực lục tổng tự” do chính mẫu giáng bút, sau khi trình bày 3 lần “phụng mệnh giáng sinh” của mình, mẫu kết luận: “Tổng cộng ba lần hoá thân đến nay là năm Nhâm Tý dưới Triều Nguyễn, thời vua Duy Tân (1912) cả thảy được 535 năm”[17]. Dường như lâu nay người đọc cứ mặc nhiên coi con số 535 mẫu đưa ra ở trên là xác thực, tuy nhiên nếu ta làm phép tính trừ: 1912 (năm “Mẫu” giáng bút) – 1434 (năm “Mẫu” giáng sinh lần thứ nhất) thì mới được 478 năm và con số 535 năm tính từ năm 1434 chính xác là ứng với năm 1969!
Cũng cuốn sách này ở trang 253 sau bản “Cát thiên tam thế thực lục quốc âm” có phần ghi chú nói như đinh đóng cột: “Các câu chữ không thể tăng, giảm. Thánh Mẫu giáng bút một trăm hai mươi lăm câu, đức thánh Trần kê duyệt một trăm năm mươi mốt câu cộng cả thảy là hai trăm bảy mươi sáu câu”. Tuy nhiên khi cộng lại thì số câu của bản văn này chỉ có 269 câu chứ không phải 276 câu!
Hình như người giáng bút cố tình “mật ý” nhắc lại con số có đuôi 69!
Ở phần III “Cát thiên tam thế thực lục tự tự” của sách Cát thiên tam thế thực lục Mẫu có nói rõ mục đích của việc giáng bút là để giúp cho người đời sau tiện bề kê cứu và hiểu chân xác về Mẫu “khiến nghìn năm sau đều biết sau khi ta hóa, linh thiêng hiển ứng, gốc nguồn bởi lúc bình sinh ta giữ gìn hai chữ hiếu trinh, chẳng những truyền lại được chân thực, mà còn quy y đắc đạo, vẫn vẻ vang rạng rỡ mãi về sau…”[18]
Chúng tôi cho rằng thông tin từ Cát thiên tam thế thực lục được thực hiện từ năm 1912 về “535 năm hóa thân của Thánh mẫu tính từ năm 1434 đến năm 1969” chính là cái chìa khóa để giúp chúng ta ngày nay hiểu chân xác hơn về Mẫu.
Đến đây chúng ta không thể không liên hệ để đặt ra câu hỏi: Phải chăng mẫu họ Hoàng Tây Mỗ đã tiếp tục giáng sinh vào cửa họ Hoàng (chi nhánh họ Hoàng Xuân) ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vào năm 1868 để sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945?
Trước hết, qua đối chiếu tư liệu chúng tôi nhận ra sự trùng hợp đáng ngạc nhiên giữa câu chuyện mẫu Liễu giáng sinh ở làng Sóc Nghệ An tái hợp với kiếp sau của chàng Đào Lang trong “Vân Cát thần nữ” của Đoàn Thị Điểm (thế kỷ XVIII) với câu chuyện gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh (thế kỷ XIX). Trong câu chuyện này “chàng Sinh” kiếp sau của Đào Lang có số phận tương tự như ông Nguyễn Sinh Sắc: “có chí khí khác người, có tài “tựa vào mình ngựa làm thơ” nhưng “không may cha mẹ mất sớm, lại không có anh em, chưa lấy vợ, nghèo cùng quá nỗi”, bà Hoàng Thị Loan sau này cũng có nét tương tự như miêu tả về mẫu Liễu khi giáng xuống làng Sóc của Đoàn Thị Điểm: giỏi thơ văn, chăm lo canh cửi và quan tâm tới việc học hành tiến thân của chồng…
Năm 1900 sau khi sinh người con trai út (Nguyễn Sinh Xin), bà Hoàng Thị Loan đã qua đời trên đất Huế ở tuổi 33 (tháng 2/1901)... Cha con ông Nguyễn Sinh Sắc đau buồn rời Huế về làng Hoàng Trù sinh sống. Trong kỳ thi Hội năm đó (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc thi đậu Phó bảng, được vua Thành Thái ban cho tấm biển “Ân tứ ninh gia”.[19]Sau khi đỗ đạt, ông đã hai lần từ chối lời kêu ra làm quan của triều đình, sống thanh đạm bằng nghề dạy học, nghiên cứu tân thư, kết bạn tâm giao với các sĩ phu yêu nước như: Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh v.v. và đặc biệt chú tâm dạy dỗ con, mãi tới năm 1906 ông mới nhận chức Hành tẩu bộ Lễ…[20]
“Vân Cát thần nữ” nói về cuộc sống vợ chồng mẫu Liễu ở làng Sóc như sau: “Sau đó một năm sinh được một con giai rất thông minh. Lại sang năm sau Sinh thi đỗ được bổ vào Viện Hàn lâm…”. Còn sau khi mẫu mất, “chàng Sinh” đau buồn “dâng thư xin cáo quan về làm nhà ở rừng đào cũ, suốt đời không lấy vợ nữa, chăm việc dạy con, lúc nhàn nhã gửi hứng vào khói mây, thơ rượu mà thôi”.[21]
Ở đây ta còn thấy có mối liên hệ giữa “làng Sen” quê ông Nguyễn Sinh Sắc với “rừng đào” trong truyện của Đoàn Thị Điểm, có thể làng Sen được đọc trệch đi thành “làng Sóc”? Dường như có một quy luật mang tính quy ước trong Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh được thể hiện qua phả hệ các kiếp sau của Đào Lang (Nam Định), Mai Sinh (Thanh Hóa) và có lẽ là Liên Hoa Sinh - Nguyễn Sinh Sắc (Nghệ An)?
Chúng ta biết rằng ông Nguyễn Sinh Sắc lưu lạc và mất ở miền Nam, mộ táng ở miếu Trời Sanh, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đồng Tháp là địa phương nổi tiếng với những ruộng sen, hiện diện khắp nơi trong toàn tỉnh. Điều trùng hợp là trong kiến trúc lăng mộ của ông có nhiều chi tiết liên quan đến hoa sen như: Vòm mộ hướng về phía Đông là một cánh hoa sen cách điệu, có dáng dấp hình bàn tay xòe úp xuống. Cách vòm mộ 25mvề phía trước là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao 6,5 m…[22]
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh vào tháng 5 mùa sen nở và hình ảnh của Người thường hay được gắn với hoa sen hồng. Một thông tin thú vị từ những người chủ thầu đầm sen ở Hồ Tây (nơi có phủ Tây Hồ nổi tiếng) cho biết sen ở đây nở trong ba tháng “Từ sinh nhật Bác 19 tháng 5 đến mùng 2 tháng 9, ăn tết Độc lập”.[23]Có lẽ vìvậy mà chúng ta lại thấy một thông điệp khác liên kết mối quan hệ cha con Chủ tịch Hồ Chí Minh qua câu ca dao:
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Phải chăng danh xưng “Hồng Liên công chúa” của mẫu họ Phạm ở Phủ Nấp (thế kỷ XV) chính là một mật ước tôn giáo lại được tiếp tục trong kiếp giáng sinh của mẫu họ Hoàng ở Kim Liên, Nam Đàn ở thế kỷ XIX?
Một sự trùng hợp nữa là cũng giống như mẫu Hoàng Thị Khứu “Sinh Tây Mỗ giáng Giáp Ba” ở thế kỷ XVIII, bà Hoàng Thị Loan ở thế kỷ XIX được gả chồng năm 15 tuổi và mất năm 33 tuổi (1868 – 1901), sinh hóa cách nhau xấp xỉ 100 năm, điểm khác là bà Hoàng Thị Loan sinh ở Kim Liên, Nam Đàn nhưng lại mất ở kinh thành Huế.
Năm 1942 hài cốt bà Hoàng Thị Loan được con trai bà là ông cả Khiêm chọn chỗ táng trên núi Động Tranh, thuộc dãy núi Đại Huệ, dãy núi linh thiêng của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Có lẽ câu chuyện ngôi mộ phát của mẫu họ Hoàng đã, đang và sẽ vẫn còn tiếp tục tạo nên những huyền thoại mới ở đâu đó trên đất nước Việt Nam này vào những thế kỷ tiếp theo!
Đến đây, có thể thấy ngay từ đầu thế kỷ XX thông qua giáng bút người xưa đã ngầm báo cho hậu thế biết hóa thân của mẫu Liễu Hạnh ở thế kỷ XX chính là Bà Hoàng Thị Loan – người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện Thánh mẫu giáng bút sách Cát thiên tam thế thực lục ở Phủ Nấp năm 1912 cho thấy giáng bút đúng là một hiện tượng linh nghiệm có liên quan đến phong trào yêu nước diễn ra khá rầm rộ trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XX.[24]
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là cả một huyền thoại, ngay từ lúc sinh thời Người đã được người đời coi là thánh sống với khả năng tiên tri đặc biệt về thời vận cách mạng và thời vận của đất nước. Chắc không phải vô tình mà ngày nay trên đất nước ta ở đâu cũng có thể bắt gặp câu khẩu hiệu quen thuộc: “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”. Chữ “sống mãi” cũng là “bất tử” vậy.
Phải chăng “thánh” và “mẫu” kết hợp lại mà thành bất tử?
Được biết dưới thời chúa Trịnh, Phật giáo ở nước ta đã bắt đầu phục hưng. Chùa Hương Tích ở Hà Tây được chúa Trịnh cho xây dựng từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704) có lẽ đã được ghi nhớ ở sự kiện mẫu Liễu Hạnh quy y cửa phật đi tu ở chùa Tuyết Sơn (Hương Sơn). Liên quan đến biểu tượng hoa sen trong Phật giáo thời kỳ này có chuyện Trịnh Thập (1696 - 1733) cháu nội ChúaTrịnh Cănvà là con rể vua Lê Hy Tông. Chuyện kể rằng Trịnh Thập là người thích nghiên cứu Phật pháp. Một lần ông sai gia nhân đào đất ở vườn phía sau phủ để làm bể nuôi cá vàng thì đào được một viên đá hình bông sen. Cho là điềm báo có duyên với cửa phật nên ông quyết chí xuống tóc đi tu lấy hiệu là thượng sĩ Lân Giác, đồng thời cải tạo phủ đệ thành một ngôi chùa đặt tên là chùa Liên Hoa, nay là chùa Liên Phái (Hà Nội). Thời gian sau ông lập ra phái Liên Tông là phái thiền thứ hai ra đời trong nội địa nước Đại Việt sau phái Trúc Lâm. Phái thiền Liên Tông thời Trịnh Nguyễn phân tranh đã phát triển khắp đất Bắc Hà, trở thành một phái thiền lớn nhất trong lịch sử nước ta.[25]
Đến đây ta lại liên tưởng đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở thời Lý, người theo phái Mật tông, từng được tôn là vị thánh bất tử thứ tư trước mẫu Liễu Hạnh, tương truyền ông đã đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Phải chăng ngôi vị bất tử của Thiền sư Từ Đạo Hạnh được chuyển giao sang mẫu Liễu Hạnh đã ngầm được ghi lại trong tác phẩm của Đoàn Thị Điểm cùng với thời gian ra đời thiền phái Liên Tông ở đầu thế kỷ XVIII?
3. Thay lời kết luận
Macxim Gorki một nhà văn lớn của nước Nga Xô-viết từng viết “Không có người mẹ thì cả nhà thơ và anh hùng đều không có!”. Thông điệp lớn nhất từ Tam thế giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh là sự khẳng định thiên chức và vai trò sinh nở của người phụ nữ mà ở đây đã được khái quát hóa thành “tục thờ người mẹ của những người đứng đầu thiên hạ”. Làm người mẹ của một người bình thường đã khó, làm người mẹ của người đứng đầu thiên hạ lại càng khó hơn, ý nghĩa của bốn chữ “Mẫu nghi thiên hạ” (khuôn mẫu người mẹ trong thiên hạ) chắc là ở chỗ đó. Qua đây cho thấy dù bị che lấp dưới các vỏ tôn giáo tín ngưỡng khác nhau thì tục thờ mẹ sinh sản của người Việt vẫn tồn tại và không ngừng biến đổi để thích nghi với sự phát triển của đất nước và xã hội.
Như vậy ngoài ý nghĩa lịch sử và tính dự báo xuyên thế kỷ thì tục thờ Liễu Hạnh thời Hậu Lê còn là sự thể hiện quá trình vận động biến đổi của tín ngưỡng dân gian bản địa với các tín ngưỡng du nhập để hình thành nên một điện thần Đạo giáo dân gian mang đậm bản sắc Việt Nam. Sự thống nhất và lan tỏa của điện thần đạo Mẫu ngày nay chính là thể hiện xu hướng vận động để đi đến thống nhất một đất nước Việt Nam không chỉ về mặt quốc gia lãnh thổ mà cả về mặt văn hóa tư tưởng. Để làm rõ điều này cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu tục thờ mẫu Liễu Hạnh trong cái nhìn so sánh từ cội nguồn lịch sử cho đến những vận động biến đổi từ triều đại nhà Nguyễn cho đến hiện nay.
Ngõ An Lạc, ngày 31 tháng 8 năm 2013
N.T.Y
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sách
- Đây! Thực chất lễ hội Phủ Giày(1976), Ty Văn hóa Hà Nam Ninh.
- Địa chí huyện Hà Trung(2005), Huyện uỷ - UBND huyện Hà Trung, nhóm tác giả Hoàng Tuấn Phổ - Phạm Tấn - Phạm Tuấn, Nxb Khoa học xã hội.
- Chu Xuân Giao (2013), “Mẫu Liễu với sự kiện phát hiện ngọc phả bằng đồng ở đền Sòng năm 1939: Bối cảnh, nội dung và dư luận”, Thông báo văn hóa 2011 - 2012, Viện Nghiên cứu văn hóa, Nxb Tri thức.
- Vũ Ngọc Khánh (2008), Tục thờ Đức Mẫu Liễu - Đức Thánh Trần, Nxb Văn hoá thông tin.
- Kinh Đạo Nam(2007), Đào Duy Anh khảo chứng, Nguyễn Thị Thanh Xuân phiên âm và chú thích, Nxb Lao động.
- Kinh thánh mẫu Sòng Sơn(1952), Hội Tiên Mẫu Việt Nam, Nhà in Thanh Bình.
- Kinh nhân quả ba đời(Phật lịch 2345), Dịch giả: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sách ấn tống.
- Lịch triều hiến chương loại chí(1960), tập 1, Nxb Sử học.
- Phủ Quảng Cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam, Phủ Quảng Cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam (2010), Kỷ yếu hội thảo khoa học do Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam và Uỷ ban nhân dân huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định tổ chức, Nxb Tôn giáo.
- Bùi Văn Tam, khảo cứu, biên soạn (2007), Phủ Dầy và tín ngưỡng mẫu Liễu Hạnh, Nxb Văn hóa dân tộc.
- Hồ Đức Thọ (2010), Huyền tích Thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hoá - lễ hội Phủ Dầy, sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn hoá thông tin.
- Ngô Đức Thịnh chủ biên (1996), Đạo mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, 1996.
- Ngô Đức Thịnh (2004)Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam , Nxb Trẻ.
- Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2010.
II.Tài liệu đánh máy
- “Hồ sơ khảo sát và lí lịch cụm di tích và thắng cảnh Bỉm Sơn thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa” (1990), Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
- Trịnh Thị Lan (2010), Đền Sòng và lễ hội mẫu Liễu ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Luận văn thạc sĩ văn hóa học, Viện Nghiên cứu văn hóa.
- Lý lịch di tích và thắng cảnh Phố Cát xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa” (1998) , Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
- Sự tích thành hoàng thánh mẫu có công làng Nga Châu thờ(2006), Lê Hữu Căn sưu tầm biên soạn, trưởng ban di tích làng Phạm Xuân Thế phụ trách biên soạn, xã Hà Châu.
- “Trích lược gia phả chi họ Mai ở Thạch Giản Nga Sơn Thanh Hoá”, ông Mai Vân soạn, ông Mai Thế Thiêm trông đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn ở Thạch Giản cung cấp.
III. Tài liệu dịch
- Chí đạo quốc âm chân kinh, Thiện Đường xã Lê Xá, tổng Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, Hải Dương, bản khắc lưu tại thư viện Hán Nôm, Phạm Thị Chuyền dịch.
- Thanh Hóa chư thần lục, bản dịch của Bảo tàng Thanh Hóa.
- Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái - huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, Dương Văn Vượng dịch nghĩa và chú thích, bản đánh máy 94 trang,, Bảo tàng Nam Định , 1996.
IV. Trang Web
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
- http://e-cadao.comNgô Vũ Hải Bằng, “Quyền lợi của người phụ nữ trongBộ luật Hồng Đức” (Tạp chí Xưa và Nay),
- http://diendankienthuc.net/diendan/nhan-vat-lich-su
- http://dongthap.gov.vn/wps/wcm/connect
- http://www.lichsuvietnam.info/index.ph, Hoàng Lê nhất thống chí
- http://vov.vn/Phong-su-anh/Ve-tham-lang-Chua-que-ngoai-cua-Bac-Ho/
- www.thethaovanhoa.vn, bài “Mùa sen nở lạ kỳ“ của Đỗ Đức.
- Bimson.gov.vn
- Trang web của Sở văn hóa thể thao và du lịch Thanh Hóa, Trung tâm triển lãm và xúc tiến du lịch.
- Tư liệu họ Trần Lê ở Phủ Dầy trên mạng.
[1]Ngô Vũ Hải Bằng,“Quyền lợi của người phụ nữ trongBộ luật Hồng Đức” (Tạp chí Xưa và Nay), http://e-cadao.com
[2] Chẳng hạn, trong một bản danh sách tôn nhang bản mệnh của các đệ tử của tín ngưỡng Tứ phủ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn chúng tôi thấycó tên 18 vị công chúa, ngoài Hằng Nga công chúa ra 17 vị công chúa còn lại đều mang tên các loài hoa là: Ngọc Hoa, Quỳnh Hoa, Đào Hoa, Tiêu Hoa, Bảo Hoa, Dung Hoa, Quế Hoa, Ninh Hoa, Quỳ Hoa, Trùng Hoa, Anh Hoa, Chúc Hoa, Phù Hoa, Ngải Hoa, Tốt Hoa, Tản Hoa, Mai Hoa.
[3] Kinh thánh mẫu Sòng Sơn, (1952), Hội Tiên Mẫu Việt Nam, Nhà in Thanh Bình.
[4]Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[5]Hồ Đức Thọ, ), Huyền tích Thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hoá - lễ hội Phủ Dầy, sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn hoá thông tin 2010, tr. 36.
[6]Bùi Văn Tam, khảo cứu, biên soạn (2007), Phủ Dầy và tín ngưỡng mẫu Liễu Hạnh, Nxb Văn hóa dân tộc, 2007, tr.122.
[7]Thám hoa Mai Anh Tuấn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm danh nhân Thám hoa Mai Anh Tuấn do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội sử học Hà Nội tổ chức tại Hà Nội ngày 22/12/2006, Nxb Quân đội nhân dân, 2010, tr.14-15.
[8]Hoàng Lê nhất thống chí, hồi 7, http://www.lichsuvietnam.info/index.ph
[9]Tư liệu điền dã, 23/1/2013.
[10]Theo Trịnh Thị Lan, Tài liệu đã dẫn, tr.75.
[11]Hoàng Lê nhất thống chí, hồi 1, http://www.lichsuvietnam.info/index.ph...
[12]Hoàng Lê nhất thống chí, hồi 10, http://www.lichsuvietnam.info/index.ph...
[13]http://diendankienthuc.net/diendan/nhan-vat-lich-su
[14]Hoàng Lê nhất thống chí, hồi 7, http://www.lichsuvietnam.info/index.ph...
[15] Xem Hoàng Lê nhất thống chí, www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/hoangle/
[16]Ngô Đức Thịnh (2010), Sđd, tr.527 - trích giới thiệu “Sự tích công chúa Liễu Hạnh” của Nguyễn Đổng Chi.
[17]Phủ Quảng cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam, kỷ yếu hội thảo, Sđd, tr.243.
[18]Phủ Quảng Cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo, Sđd, tr.239.
[21]Ngô Đức Thịnh (2010), Sđd, tr,463, 468.
[22]Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, mục “Nguyễn Sinh Sắc (khu di tích)“.
[23] www.thethaovanhoa.vn,bài “Mùa sen nở lạ kỳ“ của Đỗ Đức.
[24]Kinh đạo nam, Sđd, tr.22.
[25]Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Nhân tâm đang bất ổn, hình ảnh Hồ Chí Minh đang lung lay trong nhận thức của nhiều người, hãy để lịch sử và thời gian phán xét, xin đừng cố gắng thần thánh hóa thêm nữa.Lợi bất cập hại.
Trả lờiXóaChúc mừng năm mới trang chủ.
Chúc mừng năm mới bác xuanloc.
XóaBác Xuanloc có ý kiến hay phản luận gì về bài viết này hay không ?
Bài này rất hay, rất mong được gặp tác giả để có tham gia đôi điều. FB xuantruongsteel@gmail.com
Trả lờiXóaBây giờ mới đọc bài này cũng nhờ Lão Cạo dẫn :
Trả lờiXóaChuyện hiển thánh hay sấm truyền lan truyền trong dân gian thì đó cũng là truyền khẩu mà thôi . Đức Phật , Chúa Jesu , nhà tiên tri Mohamed nói chung xuất thân cũng là người trần mắt thịt mà thôi . Họ đã có công đưa ra những điều răn dạy loài người , vì thế khi mất đi người ta vì nhớ đến công lao nên đã thần thánh hoá . Ở đây cũng vậy , các Vương triều ở các nước Cháu á muốn thu phục lòng dân nên Vua luôn xưng là Thiên Tử (. Con Trời ) . Mỗi lần có một triều đại nào xuất hiện thì trước đó phải nguỵ tạo những điềm báo của thần linh , vì chỉ có Thần linh thì dân mới sợ và tâm phục . Các triều đại vương triều Việt Nam rất giỏi về điều này .
Những trường hợp hiển linh như trong bài viết này cũng không tránh khỏi việc nguỵ tạo để thực hiện mưu đồ của Vương triều cầm quyền mà thôi . Những chuyện tào lao như vầy để cho những ông đồng bà cốt nói chuyện ở ngoài vỉa hè để lừa bịp mọi người nhẹ dạ yếu bóng vía . Chứ tác giả nhân danh là một người làm khoa học mà có những kết luận hồ đồ như vầy là không thể chấp nhận được . Chúng ta là những con người của thế kỷ 21 , không thể nhìn sự việc bằng nhận thức của thế kỷ 17 -18 được . Đành rằng Cụ Hồ là một nhân tài kiệt xuất , nhưng cũng đừng vì thế mà thần thánh hoá bà Hoàng Thị Loan là Mẫu Liễu Hạnh tái sinh . Nói như vậy thì tác giả không ở Trâu Quỳ về thì cũng ở Biên Hoà ra . Làm khoa học xin hãy làm nghiêm túc , đây không phải là trò đùa , tiền thuế của dân không phải là dành cho những công trình tào lao như vầy . Dân mình đã sống với thần tượng và ảo tưởng quá đủ rồi
Không ngăn chặn ngay bây giờ thì sau này sẽ có nhiều bà mẹ của nhiều ông to to cũng sẽ là hoá thân của các Mậu , các Cô vvv .. rồi khi đó lại.bắt dân tình chổng mông vái lạy thì chết hẳn ... he he he
P / s. : Salam chắc cũng sẽ viết một bài nghiên cứu để chứng minh Mẹ bác Giao và Mẹ Lão Cạo là hoá thân hai Cô Thượng Ngàn .. được không các Bạn , ủng hộ Salam nghen ....Thank' s
Hí hí, bác Salam mà có bài nghiên cứu thế thì người ta lại bảo bác thiên vị em với bác Cạo. Ngượng chết.
Xóa