Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/11/2013

Lại là truyện Cười của cụ Trần Thanh Mại (1938), nhưng bác Lại Nguyên Ân đã tin luôn (2013)

Ảnh trong bài
Á tế á ca (còn có tên Đề tỉnh quốc dân ca - Bài ca thức tỉnh quốc dân)
Non sông thẹn với nước nhà,
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu
Việc dây thép, việc tàu, việc pháo
Việc luyện binh, việc giáo học đường
Việc kỹ nghệ, việc công thương
Việc khai mỏ quặng, việc đường hỏa xa
Giữ các việc chẳng qua người nước
Kẻ chức bồi, người tước culi



Thông ngôn ký lục chi chi
Mãn đời lính tập, trọn vì quan sang
Các hạng thuế các làng tăng mãi
Hết dinh điền rồi lại trâu bò
Thuế chó cũi, thuế lợn lò
Thuế muối, thuế rượu, thuế đò, thuế xe
Thuế sản vật, thuế chè, thuế thuốc
Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền,
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn
Thuế hết cả phấn son phường phố
Thuế những anh thuốc lọ gầy mòn
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
Thuế dầu mật, thuế sơn mọi chợ
Thuế gạo ngô, thuế đỗ, thuế bông
Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng
Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kỳ
Các hạng thuế kể chi cho xiết
Thuế xí kia mới thiệt lạ lùng
Làm cho thập thất cửu không
Làm cho đau đớn, khốn cùng chưa thôi
Lại nghe nỗi Lào Kay, Yên Bái
Mấy muôn người xẻ núi đào sông
Cực thay lam chướng nghìn trùng
Sông sâu vùi xác, hang cùng chất xương
Nỗi diệt chủng vừa thương vừa sợ
Nòi giống ta biết có còn không
Nói ra ai chẳng sờn lòng
Cha con tủi nhục, vợ chồng lìa tan
Nghĩ lắm lúc bầm gan tím ruột
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra
Cùng xương cùng thịt cùng da
Cùng hòn máu đỏ giống nhà Lạc Long
Thế mà chịu trong vòng trói buộc
Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than
Than ôi! Bách Việt giang san
Văn minh đã sẵn khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mộng tỉnh chưa, chưa tỉnh
Anh em ta phải tính làm sao?

(bản được xem là chép ra từ trí nhớ của ông Nguyễn Thông)


Câu chuyện cụ Tăng Bạt Hổ sang Nhật thời đầu thế kỉ XX, sung quân đội Nhật Hoàng, tham gia đánh thắng quân đội của Nga Hoàng (để rồi, nhờ đó, được dự lễ khải hoàn, lại trực tiếp uống rượu mừng công với Nhật Hoàng), từ lâu, đã được chỉ ra là bịa 100%. Hoàn toàn là do óc tưởng tượng của nhà văn Nguyễn Hiến Lê (có thể ông nhận ảnh hưởng từ các cha chú của mình từng tham gia các phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX).


1. Cụ Nguyễn Hiến Lê viết trước năm 1975, về cụ Tăng Bạt Hổ, là như thế.

Nhưng ngạc nhiên hơn nữa, trước năm 1945, tức ít nhất là trước cụ Nguyễn Hiến Lê khoảng 20 hay 30 năm, thì cụ Trần Thanh Mại cũng đã phóng tác gần tương tự như vậy, về chí sĩ Nguyễn Tán Thuật. 

Tức là: cụ Tán Thuật cũng sang Nhật, cũng vào quân đội, rồi cũng uống rượu khải hoàn với Nhật Hoàng. Y chang với cụ Tăng Bạt Hổ. Xem cụ Trần Thanh Mại đã viết từ năm 1938 thế này:

"Chắc quốc dân ta còn nhớ, cụ Tán Thuật là một nhà đại cách mệnh ở nước ta trong khoảng người Pháp mới sang bảo hộ. Cụ theo đảng Cần vương lo việc khôi phục suốt mấy năm trời, chính người Pháp cũng phục tài dõng của cụ. Sau khi đảng Cần vương tan vỡ, cụ lặn lội qua Tàu, rồi sang Nhật, đầu quân giúp Nhật đánh Nga. Khi thắng trận cụ có dự vào tiệc hạ công, được vào bệ kiến ôm chân Nhật hoàng.

Cụ ở Nhật, viết ra bài ca nầy gởi về cho quốc dân khuyên mau mau tỉnh cơn mê mộng lo việc tự cường"

2. Thế nhưng, vẫn chưa hết ngạc nhiên, là vừa mới đây (năm 2013), bác Lại Nguyên Ân lại tin luôn những gì cụ Trần Thanh Mại viết như trên.

3. Tôi thì cho rằng, cụ Tán Thuật không phải tác giả của bài A tế á ca. Cụ Trần Thanh Mại nghe lầm, tại nọ ra tai kia, từ ông Tán này sang ông Tán kia. Mà từ những năm 1938.

Tư liệu cũ không phải cái gì cũng đúng. Bởi vậy, không nên quá nhẹ dạ mà tin ngay.

Dưới đây, chép nguyên bài mới đăng của bác Lại Nguyên Ân.

---

TƯ LIỆU

'Á Tế Á ca' thực sự là của ai?



Chủ Nhật, 22/09/2013 10:03


Lại Nguyên Ân


(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Á Tế Á ca (bài ca châu Á) là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, từng được trích đoạn trong sách giáo khoa với những câu thơ quen thuộc với nhiều thế hệ học trò như: Non sông thẹn với nước nhà/ Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu! 

Thế nhưng tác giả của bài thơ này lại là vấn đề gây tranh cãi, khi người thì cho rằng tác giả là Tăng Bạt Hổ, người thì cho rằng là Phan Bội Châu, người thì cẩn thận đề là “Khuyết danh”.

TT&VH xin giới thiệu những thông tin mới nhất từ nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Tác giả là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy

Mới đây, khi lướt xem các báo cũ, tình cờ tôi được biết ngay năm 1938, tên tuổi Tán Thuật (Nguyễn Thiện Thuật) đã được khẳng định là tác giả bài Á Tế Á ca (Bài ca châu Á), còn được gọi là bài Hoán tỉnh quốc dân ca.

Nơi xuất hiện tài liệu nói trên là tuần báo Cười ở Huế. Đây là tờ tuần báo văn chương trào phúng, do Lê Thanh Cảnh sáng lập. Ông Lê Thanh Cảnh khi đó đang làm chủ bút nhật báo Tràng An, ông xin xuất bản tuần báo Cười không phải như phụ trương của Tràng An mà như một tờ báo độc lập. Học giả Trần Thanh Mại được ông Cảnh mời làm chủ bút tuần báo Cười, tình tiết văn học sử (hay là báo chí sử) này, hầu như ít ai biết, cho nên trong các bản tiểu sử và tuyển tập của học giả Trần Thanh Mại, không hề thấy nói việc này.

Ở số 5 (ra ngày 22/4/1938) tuần báo Cười dành 2 trang giới thiệu xuất xứ và in toàn văn 200 câu bài Á Tế Á ca. 

Tòa soạn báo Cười giới thiệu với độc giả:
Chắc quốc dân ta còn nhớ, cụ Tán Thuật là một nhà đại cách mệnh ở nước ta trong khoảng người Pháp mới sang bảo hộ. Cụ theo đảng Cần vương lo việc khôi phục suốt mấy năm trời, chính người Pháp cũng phục tài dõng của cụ. Sau khi đảng Cần vương tan vỡ, cụ lặn lội qua Tàu, rồi sang Nhật, đầu quân giúp Nhật đánh Nga. Khi thắng trận cụ có dự vào tiệc hạ công, được vào bệ kiến ôm chân Nhật hoàng.

Cụ ở Nhật, viết ra bài ca nầy gởi về cho quốc dân khuyên mau mau tỉnh cơn mê mộng lo việc tự cường”.

Tán Thuật tức Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) quê làng Xuân Dục huyện Đường Hào tỉnh Hưng Yên, đậu Cử nhân khoa Bính Tý (1876), được cử làm Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) rồi được bổ chức Tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương. Năm 1881 làm Chánh sứ sơn phòng tỉnh Hưng Hóa kiêm Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây. 

Khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882-83), Nguyễn Thiện Thuật kháng lệnh của nhà Nguyễn, tiếp tục tổ chức quân dân đánh Pháp. Ông liên kết với các thủ lĩnh quân sự khác, lập căn cứ chống Pháp ở Bãi Sậy (Hưng Yên), sau đó rút lên Hưng Hóa, Tuyên Quang, cùng Nguyễn Quang Bích tổ chức kháng chiến. Hưng Hóa thất thủ, ông rút lên Lạng Sơn phối hợp với Tuần phủ Lạng Bình Lã Xuân Oai tổ chức kháng cự. Khi thành Lạng thất thủ, 1885, ông trốn sang Tàu. Mấy chục năm sau, khi ông mất (1926) được an táng ở Quảng Tây, Trung Quốc.
Các trang báo Cười đã in Á Tế Á ca đề rõ tác giả là Tán Thuật (tức Nguyễn Thiện Thuật)
Trong thời gian sống lưu vong, Nguyễn Thiện Thuật đã sang Nhật, đã sống ít lâu ở Nhật, đây là điều mà tòa soạn báo Cười của chủ bút Trần Thanh Mại cho biết. Đặc biệt, Nguyễn Thiện Thuật đã sung quân, làm một võ quan Nhật trong trận chiến Nga - Nhật (1904-1905). Khi chiến tranh kết thúc, ông có vinh dự của một người nước ngoài nhưng lại là một võ quan được dự tiệc khải hoàn, được vua Minh Trị ban rượu mừng thắng lợi. 

Đây là lời của tòa soạn báo Cười:  “Vua Minh Trị ban rượu thưởng rồi cụ ôm gối Thiên hoàng kể rõ tâm sự của mình”. “Ôm gối” là một nghi thức vinh dự trong trật tự đương thời ở Nhật.

Quá trình “giúp Nhật đánh Nga” này, chính trong bài ca Nguyễn Thiện Thuật đã kể rõ:
Thân phiêu bạt đã đành vô lại,
Bấy nhiêu niên Thượng Hải, Hoành Tân,
Chinh Nga trong lúc hoàng quân,
Tủi mình bôn bá theo chân khải hoàn.
Nâng chén rượu ơn ban hạ tiệp,
Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu:
Trời Nam mù mịt ngàn dâu,
Gió thu như thổi dạ sầu năm canh.
Có lẽ việc được “ôm gối” Thiên hoàng và giãi bày tâm sự vào năm kết thúc chiến tranh Nga Nhật (1905) đã kích thích Nguyễn Thiện Thuật đặt bút viết lại tâm sự mình gửi về đồng bào nơi cố quốc:
Biết bao nỗi bất bình khôn dãi,
Mượn bút hoa gởi lại quốc âm.
Thân già bao quản cát lầm,
Khuyên ai dốc chữ đồng tâm sau này



Rất cần đính chính
Được biết, trong nghiên cứu, ở miền Nam, học giả Nguyễn Hiến Lê trong sách khảo về “Đông Kinh Nghĩa Thục” (1956) đã sớm đặt vấn đề về tác giả của bài Á Tế Á ca: của một giáo sư trong nghĩa thục hay của Sào Nam, hay của Nguyễn Thiện Thuật, hoặc Tăng Bạt Hổ, hoặc Nguyễn Thượng Hiền? 

Ở miền Bắc, học giả Đặng Thai Mai đã đưa bài Á Tế Á ca vào phần văn tuyển của sách Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (in lần đầu 1961), văn bản dựa vào bản chép tay ở Trường Viễn Đông Bác Cổ, về tác giả thì ghi chú: “tên tác giả bài này chưa biết là ai, có người nói là của Nguyễn Thiện Thuật, lại có người nói là của Tăng Bạt Hổ”.

Cho đến gần đây, một số học giả lại đưa tác quyền bài ca này về cho Phan Bội Châu, tuy còn khá nhiều băn khoăn vì những điều vô lý trong các mạch suy diễn. 

Và hiển nhiên, từ nay nên trả tác quyền bài Á Tế Á ca (Bài ca châu Á) về cho Nguyễn Thiện Thuật. Với bài ca này, có lẽ Tán Thuật là tác giả Việt Nam sớm nhất đã dành một nửa bài ca của mình, diễn ca về lịch sử nước Nhật từ quá khứ qua thời Minh Trị duy tân đi vào thế giới hiện đại, lấy đó làm tấm gương cho dân Việt noi theo.
Nhưng tất cả những điều ấy đều là hậu quả của sự đứt gãy thông tin giữa các thời đại. Nếu là thông tin thì đó là những thông tin rất muộn so với thời điểm tuần báo Cười ở Huế công bố văn bản bài Hoán tỉnh quốc dân ca, cũng tức là Á Tế Á ca (Bài ca châu Á). Học giả Trần Thanh Mại thực hiện điều này vào năm 1938 ở Huế, không phải trong sự đơn độc để có thể tùy tiện. Rất gần ông khi đó có Phan Bội Châu - ông già Bến Ngự - đang ở ngay thành Huế, đã cộng tác với tuần báo Cười bằng thiên hồi ức rất giá trị (Đôi bạn giang hồ, đăng Cười số 2, ngày 8/10/1937) về ông nghè Liên Bạt (Nguyễn Thượng Hiền). Rồi Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Tiếng Dân, cộng tác với tuần báo Cười ngay từ số 1 (1/10/1937) với bài Cái cười quá khứ, dẫn các bài thơ gắn với nhiều kỷ niệm hoạt động thời trước.

Như vậy, tuần báo Cười ở Huế năm 1937-1938 đưa ra văn bản Á Tế Á ca và xác định đây là di bút của Tán Thuật, có thể nói, là sự thông tin của Phan Bội Châu, hoặc ít nhất, là thông tin lấy từ Phan Bội Châu. 

Cho nên, quy tác quyền bài ca này về Phan Bội Châu, như một vài học giả làm gần đây, lại là một phán đoán sai lầm rất cần đính chính. 

Thể thao & Văn hóa


---

Phan Bội Châu 

NAM HẢI BÔ THẦN CA 
(Từ Nhật Bản kí hồi Thống sứ phủ) 

Á Tế Á[1] năm châu là bậc nhất, 
Người nhiều hơn mà đất cũng rộng hơn. 
Cuộc đời mở hội doanh hoàn, 
Anh hùng bốn bể giang san một nhà. 
Gẫm từ thuở Âu La[2] tìm đất, 
Vượt Chi Na qua Nhật đến Triều Tiên. 
Xiêm La, Ấn Độ gần liền, 
Cao Miên, Đại Việt thông miền Ai Lao. 
Thịt một miếng trăm dao xâu xé, 
Chiếc kim âu chẳng mẻ cũng khôn lành. 
Tôi con Pháp, tớ thầy Anh, 
Nín hơi Đại Đức, nép mình cường Nga. 
Gương Ấn Độ còn xa đâu đó, 
Chẳng máu đào, nhưng cũng họ da vàng 
Mênh mông một dải Đông Dương, 
Nước non quanh quất trông càng thêm đau. 

Cờ tự lập đứng đầu phất trước, 
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn, 
Thái Đông nổi hiệu duy tân, 
Nhật Hoàng là đấng anh quân ai bì? 
Dòng Thần Vũ riêng về một họ, 
Vùng Phù Tang soi tỏ góc trời, 
Kể đời trăm hai mươi hai, 
Năm hai nghìn lẻ năm mươi có thừa[3]. 
Sẵn cơ hội trời đưa lại đó, 
Chốn kinh thành Thần Hộ[4] mới dời sang. 
Dẹp Mạc Phủ, bỏ phiên bang, 
Đổi dòng chính sóc, thay đường y quan. 
Khắp trong nước dân đoàn xã hội, 
Nhà học đường đã ngoại ba muôn. 
Việc kĩ nghệ, việc bán buôn, 
Nơi lò hấp bát, nơi khuôn đúc đồng. 
Chè, lụa, tơ, gai, bông, nhung, vũ, 
Mọi đồ sơn, vân mẫu, pha lê. 
Dao với quạt, tán với xe, 
Đủ mùi hải lục, hợp nghề nông thương. 
Bốn lăm triệu kể lương dân số, 
Các sắc quân ước độ triệu người. 
Chu vi mặt đất rộng dài, 
Tính vuông Pháp lí bốn mươi vạn thừa. 
Bốn mốt huyện năm xưa mới đổi, 
Đầu Nại Xuyên mà cuối Lộc Nhi. 
Đông Kinh ba phủ cận kì, 
Ngoài thì Đại Bản, trong thì kinh đô. 
Tỉnh Bắc Hải dư đồ quanh bể, 
Huyện Xung Thằng chưa kể đất Lưu Cầu[5]. 
Gò Đối Mã bốn bể sâu, 
Nghiêm Đồng đặt súng, Trúc Phu đỗ tàu. 
Nhà dây thép đâu đâu cũng đặt, 
Truyền thông thương khắp mặt ngoại dương. 
Kìa thiết lộ, nọ ngân hàng, 
Đăng đàn, báo quán, ngổn ngang phụ đầu[6]. 
Cuộc biến pháp năm đầu Minh Trị, 
Ba mươi năm dân trí mở mang, 
Chữ Hán tự, chữ Tây dương, 
Mọi bài diễn thuyết, các phường chuyên môn. 
Đất Đại Bản mở đồn đúc súng, 
Xưởng Đông Kinh riêng cũng một toà. 
Trường Kì thuyền cục mấy nhà, 
Dã Tân, Tu Hạ ấy là hải quân. 
Tàu với súng trăm phần chấn chỉnh, 
Lại ngư lôi bác đĩnh[7] ai tày. 
Quan quân luyện tập đêm ngày, 
Mọi nghề so với Thái Tây kém gì. 
Đội mã bộ, lục sư các trấn. 
Từ Hà Di đến tận Tát Ma. 
Tám đạo rộng, bốn gò xa, 
Phú Sơn cao ngất, Tì Bà trong veo[8]. 
Tướng, tá, uý, cũng theo Tây lệ, 
Đủ vương binh, pháo vệ chỉnh tề, 
Đồng bào nghĩa khí gớm ghê, 
Cái thù nô lệ, ắt thề giả xong. 
Năm Giáp Ngọ[9] đùng đùng sóng gió, 
Vượt quân sang thẳng trỏ Đại Hàn. 
Quân Lục Áo, tướng Thái Sơn, 
Ra tay cho biết cái gan anh hùng. 
Đông tam tỉnh[10] thu trong tay áo, 
Bọn trắng da ngơ ngáo giật mình, 
Cuộc hoà đâu bất thình lình, 
Chủ trương này dễ Nga đình vẽ khôn. 
Bụng ái quốc ghê hồn Nhật Bản, 
Giận xung quan khôn cản nghĩa đồng cừu. 
Đã toan trở súng quay tàu, 
Y Đằng[11] can khéo mưu sâu vãn hồi. 
Nhận bồi khoản Bành, Đài nhượng địa, 
Trong mười năm rồi sẽ chịu nhau. 
Nga kia nước lớn lại giàu, 
Bên giường giấc ngáy, dễ hầu chịu yên, 
Hàn với Mãn lợi quyền thu sạch[12], 
Xe Nhĩ Tân, tàu lạch Sâm Uy[13]. 
Cõi Đông đương cuộc an nguy, 
Có ta, ta phải phù trì chúng ta. 
Việc khai hấn chắc là quyết liệt, 
Đất Á Đông thấy huyết phen này. 
Giáp Thìn trong tháng Chạp tây, 
Chiến thư hai nước đợi ngày giao tuy. 
Trận thứ nhất Cao Li lừng tiếng, 
Khắp toàn cầu muôn miệng đều khen. 
Sa trường xung đột mấy phen, 
Ngọn cờ Áp Lục, tiếng kèn Liêu Đông. 
Châu Lữ Thuận mơ màng khói bạc, 
Thành Phụng Thiên ngơ ngác non xanh. 
Hải quân một trận tan tành, 
Thái Hoa cắt núi, Đông Thanh xẻ đường. 
Sức hùng vũ ai đương lại được, 
May điều đình có nước Hoa Kì. 
Khéo điều hoà cuộc giải vi, 
Nếu không Bỉ Đắc[14] còn đâu là đời. 
Hội vạn quốc diễn bài thương nghị, 
Chấu mới voi chuyện cũng nực cười. 
Xem trong hoà khoản mười hai, 
Bề nào Nga cũng chịu lui trăm phần. 
Cuộc tang hải khuất thân từng lúc, 
Áng liệt cường nay cũng chen vai. 
Khen thay Nhật Bản anh tài, 
Từ nay danh dự còn dài về sau. 

Ngồi mà nghĩ thêm sầu lại tủi, 
Nước Nam mình gặp buổi truân chuyên. 
Dã man quen thói ngu hèn, 
Cũng như Minh Trị dĩ tiền khác đâu. 
Từ giống khác mượn màu bảo hộ, 
Mưu hùm tinh, lừa lũ voi già. 
Non sông thẹn với nước nhà, 
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu. 
Việc dây thép, việc tàu, việc pháo, 
Việc luyện binh, việc giáo học trường, 
Việc công nghệ, việc nông thương, 
Việc khai mỏ khoáng, việc đường hoả xa. 
Giữ các việc chẳng qua người nước, 
Kẻ chức bồi, người tước culi. 
Thông ngôn kí lục chi chi, 
Mãn đời lính tập, trọn vì quan sang. 
Các thức thuế các làng thêm mãi, 
Hết đinh điền rồi lại trâu bò. 
Thuế chó cũi, thuế lợn bò, 
Thuế diêm, thuế tửu, thuế đò, thuế xe. 
Thuế các chợ, thuế trà, thuế thuốc, 
Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn. 
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền, 
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn. 
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn, 
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn. 
Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thoã, 
Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông. 
Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng, 
Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kì. 
Các thức thuế kể chi cho xiết, 
Thuế xia kia mới thật lạ lùng, 
Làm cho thập thất cửu không, 
Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi. 
Lại nghe nỗi Lào Cai, Yên Bái[15], 
So muôn người như giải lũ tù. 
Ăn cho ngày độ vài xu, 
Việc làm gian khổ, công phu lạ lùng. 
Độc thay phong chướng nghìn trùng, 
Nước sâu quẳng xác, hang cùng chất xương. 
Nỗi diệt giống bề lo bề sợ, 
Người giống ta biết có còn không? 
Nói ra sởn gáy động lòng, 
Cha con khóc lóc, vợ chồng thở than. 
Cũng có lúc bầm gan tím ruột, 
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra. 
Cũng xương cũng thịt cũng da 
Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long. 
Thế mà chịu trong vòng trói buộc, 
Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than. 
Thương ôi! Bách Việt giang san, 
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa. 
Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh? 
Anh em ta phải tính nhường sao. 
Đôi bên, bên nọ, bên cừu, 
Họ khôn phải học, cừu sâu phải đền. 
Việc tân học phải đem dựng nước, 
Hội dân đoàn, cả nước với nhau. 
Sự buôn phải lấy làm đầu. 
Mọi nghề cũng ghé địa cầu một vai. 
Bây giờ kể còn dài chưa hết, 
Chữ tự do xin kết bên lòng. 
Gương Nhật Bản đất Á Đông, 
Giống ta, ta phải soi trông kẻo nhầm. 
Bốn mươi triệu đồng tâm nhất đức, 
Mãnh hổ kia đem sức với quần dương. 
Hiệu cờ nổi chữ tự cường, 
Thay bầy nô lệ làm phường văn minh. 
Kìa thuở trước như Anh, Pháp, Đức, 
Cũng chẳng qua cùng cực tắc thông, 
Hoạ may trời có chiều lòng, 
Việt Nam dựng lại, phương Đông có mình. 
Thân phiêu bạt đã đành vô lại, 
Bấy nhiêu năm Thượng Hải, Hoành Tân. 
Chinh Nga nhân lúc hoàn quân, 
Tủi mình bô bá[16], theo chân khải hoàn. 
Bưng chén rượu ân ban hạ tiệp[17], 
Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu, 
Thiên Nam mù mịt ngàn dâu, 
Gió Tây như thồi dạ sầu năm canh. 
Biết bao nỗi bất bình khôn giải. 
Mượn bút hoa mà cải quốc âm, 
Thân giàn bao quản cát lầm, 
Khuyên ai đúc chữ đồng tâm sau này. 

(1906) 
(Theo bản của Võ Văn Sạch mới sưu tầm được. In trong "Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục", Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1997, tr. 143-156) 

--- 
Chú thích: 
[1] Á Tế Á: châu Á, phiên âm từ “Asie”. 
[2] Âu La Ba: châu Âu, phiên âm từ “Europe”. 
[3] Mạc Phủ: thủ lĩnh của chư hầu thường lấn át quyền vua; Phiên Bang: những nước chư hầu nhỏ. 
[3] Kể từ khi lập quốc đến nay có 2500 năm lịch sử và trải qua 122 đời vua cùng họ. 
[4] Thần Hộ: Kobe 
[5] Lưu Cầu: quần đảo Ryukyu ở phía nam Nhật Bản, nay là Okinawa. 
[6] Cột đèn bể, nhà bán báo, đầy rẫy ở bến tàu (phụ đầu). 
[7] Bác đĩnh: pháo thuyền nhỏ, có đặt súng đại bác. 
[8] Phú Sĩ: núi Fuji gần Kyoto; Tì Bà; hồ Biwa gần Kyoto. 
[9] Năm 1894. Cả đoạn thơ này nói về việc tranh chấp giữaTrung-Nhật thời đó. 
[10] Tức ba tỉnh miền Đông TQ là Phụng Thiên, Cát Lâm, Hắc Long Giang. 
[11] Y Đằng tức Ito, thủ tướng Nhật thời đó. 
[12] Chỉ Triều Tiên và Mãn Châu bị xâm chiếm. 
[13] Đường xe lửa Cáp Nhĩ Tân và bến tàu thuỷ hải Sâm Uy. 
[14] Bỉ Đắc: Thành phố Saint Péterbourg, thủ đô Nga. Ý câu này nói Nga có thề mất cả kinh đô. 
[15] Chỉ việc làm đường xe lửa Yên Bái-Lào Cai. 
[16] bô bá: trốn tránh 
[17] hạ tiệp: tiệc tượu vui mừng chiến thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.