Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/10/2013

Độc giả lên tiếng rất nhanh về bài của nhà sử học Phạm Xanh

Lời dẫn: Độc giả lên tiếng là ông Chu Văn Thông (đây là lần đầu tiên tôi nghe tên). Bác Thông chỉ ra nhiều chỗ nhầm lẫn trong bài của bác Phạm Xanh. 

Bản thân bác Thông thì do không am hiểu tình hình Nhật Bản lắm, nên viết một câu thuộc phạm trù sai rõ ràng, là: "Thủ đô nước Nhật thời đó mang tên Đông Kinh chứ không phải Tokyo như tác giả - Phạm Xanh - viết". Tokyo thì lúc nào chả là Tokyo, làm gì có khác nhau giữa Đông Kinh với Tokyo chứ (thời Phan ở Nhật thì là Đông Kinh, còn bây giờ, lúc này thì là Tokyo, vui ra trò) !


Từ đây trở xuống là chép nguyên cả bài về.

---


Mấy ý kiến nhân đọc bài “Lần theo dấu chân Phan Bội Châu trên đất Nhật”


Chu Văn Thông

Ngày đăng tin : 8/5/2013



Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An, số tháng 6 năm 2013 đăng bài “Lần theo dấu chân Phan Bội Châu trên đất Nhật”, của tác giả là PGS.TS Phạm Xanh. Chúng tôi xin có đôi lời trao đổi lại với tác giả.

Lần theo năm tháng tác giả đã thống kê được cả thảy có 9 lần Phan Bội Châu đặt chân lên đất Nhật. Theo cách trình bày này, cứ mỗi lần Phan Bội Châu đặt chân lên đất Nhật được tính là một “chuyến đi”. Không hiểu tác giả chia ra nhiều chuyến đi như vậy để làm gì, bởi mục đích và kết quả thu được của mỗi chuyến đi không được rõ ràng. Người đọc có thể đặt câu hỏi: Mỗi chuyến đi phải được tính từ đâu? Mục đích chuyến đi đó là gì? Có kết quả gì thu được qua mỗi chuyến đi ấy không?

“Lần theo dấu chân của Phan Bội Châu trên đất Nhật”, suy cho cùng, theo chúng tôi chỉ có ba lần Phan Bội Châu đặt chân lên đất Nhật Bản.

Lần thứ nhất, Phan viết: “Năm Ất Tỵ, niên hiệu Thành Thái, tôi đã ba mươi tám tuổi. Ngày 20 tháng 1 năm ấy, lên tàu từ Hải Phòng ra đi”(1). Mục đích của chuyến thứ nhất là cầu viện, lịch sử gọi là con đường Đông du. Khi cầu viện bị thất bại chuyển sang cầu học văn minh, lịch sử gọi là phong trào Đông du. Như vậy cả con đường Đông du và phong trào Đông du đều bị chặn đứng. Chuyến đi thứ nhất vừa nêu trên đã bao gồm cả 7 “chuyến đi” theo cách tính của tác giả. Khi đến Nhật Bản lần đầu, vì công việc của phong trào Đông du, Phan phải chạy đi chạy lại ở Hương Cảng, Thái Lan và kể cả hai lần về nước nữa, có nên tính đó là chuyến đi Nhật không? Hoạt động này của Phan, tác giả cũng đã thừa nhận “Phan Bội Châu cũng trở lại Hương Cảng bởi vì theo Phan, Nhật Bản là nơi đào tạo học sinh, còn Hương Cảng là cuống họng liên lạc trong ngoài, nên ông đi lại hai nơi đó như con thoi” (tr.5). Đã như vậy sao còn tính từ Nhật sang Hương Cảng rồi từ Hương Cảng trở về Nhật cũng là một chuyến đi? Chuyến đi thứ nhất của Phan Bội Châu ở Nhật Bản kết thúc vào tháng 2/1909 vì bị Nhật Bản trục xuất.

Lần thứ hai, Phan Bội Châu thực hiện chuyến đi Nhật Bản vào tháng 7/1917. Mục đích là “Bề ngoài hội kiến với Kỳ Ngoại hầu, Lê Dư và nhận tiền, bên trong thì gặp gỡ các chính khách Nhật Bản như Khuyển Dưỡng Nghị, Phúc Đảo để thăm dò thái độ của người Nhật đối với người Đức” (tr.7). Vào lúc này trong tư duy đã có linh cảm về mối quan hệ giữa Đức và Nhật Bản, nên Phan muốn điều tra chân tướng của mối quan hệ này. Đúng như lời của bức thư của Trần Hữu Công viết cho Phan: “Nhật với Đức có ý muốn làm kín một điều ước đặc biệt. Nếu kế hoạch này mà có ngày thực hiện thì cục diện ngoại giao tất có phen biến hóa lạ thường”(2).

Lần thứ ba, Phan đi Nhật Bản vào năm Mậu Ngọ 1918, với mục đích làm bia kỷ niệm cho bác sĩ Thiện Vũ là ân nhân của học sinh du học Việt Nam. Một hành động đền ơn đáp nghĩa với con người quá cố đã có công tương trợ người Việt Nam trong những ngày Đông du.

Nói ba lần hay chín chuyến đi của Phan Bội Châu đến Nhật Bản thiết nghĩ là điều không quan trọng. Vấn đề là ở chỗ lịch sử phải làm rõ những lần Phan đến Nhật Bản để làm gì? Kết quả ra sao? Hậu thế thu lượm được những bài học gì về tầm vóc của một du thuyết ngoại giao như Phan Bội Châu trên con đường tìm đường cứu nước. Xem qua bài viết không có gì lớn, không phát hiện điều gì mang tính khoa học bởi tác giả có chiều hướng điểm xuyết các hoạt động của Phan cứ mỗi lần đến Nhật Bản. Bị hạn chế bởi khuôn khổ một bài báo, tác giả không có điều kiện trình bày sâu hơn về những chuyến đi đó. Với cách tính, cách chia các chuyến đi không quan tâm đến tính mục đích của chuyến đi và lý do vì sao Phan phải rời Nhật Bản, như đã nói ở trên bài viết đã khiến cho người đọc không khỏi băn khoăn. Cách chia đó cũng không tạo cho người đọc một sự hiểu biết theo trật tự logic của vấn đề.

Dõi theo 9 chuyến đi đến đất Nhật, tác giả có lúc nào bị lạc lối không, hoặc để “mất dấu” cụ Phan không? Chúng tôi khẳng định có vấn đề đó xảy ra.

Bàn sâu về nội dung của bài viết, khi tác giả trình bày từng chuyến đi của Phan Bội Châu đến Nhật Bản, có nhiều chỗ không chính xác.

Vấn đề thứ nhất, tác giả viết “Ngày 29.5.1905, hạm đội Nga bị Nhật đánh tan, cuộc chiến Nga - Nhật kết thúc. Lúc đó mới có tàu Nhật đến Hương Cảng buôn bán nên Phan mua vé tàu thủy tuyến Hương Cảng - Hoành Tân (Yokohama). Nhưng khi tàu đến Thần Hộ (Kobe), đoàn xuống nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau ngồi tàu hỏa chạy suốt một ngày một đêm mới đến Hoành Tân” (tr.4). Thực tình không có tư liệu nào nói Phan Bội Châu mua vé tàu buôn của Nhật từ Hương Cảng đến Nhật Bản. Theo Niên biểu thì Phan Bội Châu viết về vấn đề này là: “Thượng tuần tháng ấy đến Thượng Hải, gấp muốn đi Nhật Bản ngay, nhưng khốn vì lúc bấy giờ, việc Nhật Nga chiến tranh còn chưa bế mạc, những tàu buôn Nhật Bản bị chính phủ thu lưu. Vì vậy Thượng Hải không có tàu Nhật Bản, mà ngoài nữa tàu buôn các nước cũng trở ngại vì việc đánh nhau, chưa có thuyền nước nào qua Nhật Bản cả. Chúng tôi bất đắc dĩ phải nghỉ lại Thượng Hải hơn một tháng. Trung tuần tháng tư, Nhật - Nga chiến sự đã xong rồi, mới có thuyền Nhật Bản đến Thượng Hải. Chúng tôi nhờ có ông lưu Nhật học sinh người Trung Quốc tên là Triệu Quang Phục, người tỉnh Hồ Nam làm kim chỉ nam cho chúng tôi. Chúng tôi ngồi thuyền Nhật Bản đi Hoành Tân”(3). Như vậy, tại Hương Cảng, Phan Bội Châu lên Thượng Hải, thì tác giả lại nói mua vé chuyến Hương Cảng - Hoành Tân.

Vấn đề thứ hai, tác giả viết tiếp “Những ngày đầu tiên đến Yokohama, Phan Bội Châu sống ở khu phố người Hoa (phố Tàu). Biết Lương Khải Siêu, tác giả của tập sách Âm Băng thất mà Phan Bội Châu đã từng đọc trong nước, đang sống ở đây” (tr.4). Thực tình, việc Phan Bội Châu phát hiện ra Lương Khải Siêu không phải sau khi đặt chân lên mảnh đất Hoành Tân, ở xóm người Hoa mới phát hiện Lương Khải Siêu đang sống ở đây. Chúng ta thử đặt câu hỏi: Lần đầu sang Nhật Bản với vai trò là một du thuyết ngoại giao, Phan phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Hơn thế nữa, lại là một du thuyết ngoại giao bên kia bờ tư tưởng, khó khăn ấy càng bị nhân lên nhiều lần. Trước những khó khăn ấy, Phan là người phải tính trước những giải pháp để vượt qua, đó cũng là một lẽ tự nhiên. Không thạo Nhật ngữ, không quen biết, kể cả không tiền bạc nữa... là những ngáng trở đang vây bủa Phan. Đã vậy tại sao khi còn ở Trung Quốc, Phan không đến Đông Kinh, mà lại chọn Hoành Tân? Đông Kinh là Thủ đô, Hoành Tân là gì đối với Phan? (Thủ đô nước Nhật thời đó mang tên Đông Kinh chứ không phải Tokyo như tác giả viết). Sở dĩ ngay từ khi còn ở trên đất Trung Quốc, Phan đã chọn Hoành Tân làm điểm đến. Không phải như tác giả nói, đến Hoành Tân Phan mới đi hỏi tìm Lương Khải Siêu đâu. Thực chất Phan đã biết được Lương Khải Siêu đang cư trú chính trị ở đây từ trước. Trong Phan Bội Châu niên biểu Phan viết: “Trước khi tôi còn ở trong nước, từng đọc mấy bản sách của Lương Khải Siêu tiên sinh như bản Mậu Tuất chính biến, bản Trung Quốc hồn và vài ba xấp Tân Dân tùng báo, thấy văn chương hay, tư tưởng mới, thì sẵn lòng sùng bái Lương. Vừa đụng tự Cảng, đón tàu đi Thượng Hải, gặp một người học sinh lưu học ở nước Mỹ, tên là Chu Xuân, đi cùng chung một chiếc tàu, mới nói chỗ Lương tiên sinh với tôi, tôi mới biết Lương tiên sinh ngày nay ở Nhật Bản, Hoành Tân, Sơn hạ Đính Lương quán. Tôi mừng lắm, nghĩ bao giờ tới Nhật Bản, tôi khắc yết kiến Lương trước”(4).

Vấn đề thứ ba, tác giả viết “Nhận được thư Lương Khải Siêu cảm động, mời cụ Phan hôm sau đến đàm đạo. Trong cuộc bút đàm suốt 3 giờ...”. Chi tiết này tuy nhỏ nhưng sự thật lịch sử không có. Thực tình Phan Bội Châu chưa một lần gặp mặt đối với Lương Khải Siêu. Khi qua Nhật Bản để cầu viện theo lệnh của đảng Duy Tân, Phan không biết gì nhiều về đất nước và con người Nhật Bản. Phan chỉ hiểu Phù Tang là một quốc gia hùng cường, đủ tiềm lực giúp Việt Nam đánh Pháp. Việc Phan biết được Lương Khải Siêu đang cư trú chính trị tại Hoành Tân như lời của cậu học sinh Chu Xuân, làm Phan phấn chấn vô cùng. Phan khẳng định, phải tìm mọi cách để thuyết phục bằng được Lương. Phan cho rằng chỉ có một mình Lương là người có thể giúp đỡ Phan hoàn thành nghiệp lớn. Việc thuyết phục Lương, một nhà cải cách có hạng của Trung Quốc, một con người có trình độ kinh bang tế thế, là một việc làm không dễ. Song, nói cuộc bút đàm giữa Phan Bội Châu với Lương Khải Siêu thời gian kéo dài 3 giờ đồng hồ là con số không chính xác. Về việc này Phan Bội Châu viết: “Ẩm Băng thất chủ nhân nói: Tôi nói chuyện với khách từ giờ Thìn đến giờ Dậu, bút không lúc nào ngừng tay. Nay chọn ra một bộ phận thuật về hiện trạng ở An Nam, chép ra đây. Nhưng bút của tôi tả sự đau thương mười phần chưa được một... Ngày nay cái mà bọn ta kêu thảm khốc thế này thế nọ, thì nhân dân Việt Nam kia còn coi như ở trên trời cao vậy”(5). Từ giờ Thìn đến giờ Dậu tức là từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối là trọn vẹn một ngày bút đàm không ngừng nghỉ, Phan mới chuyển tải hết nội dung trao đổi với Lương Khải Siêu. Tại sao lại lâu như vậy? Thực tình Lương Khải Siêu là một nhà canh tân nhưng theo phái bảo hoàng, xa rời bạo lực. Hơn nữa, đất nước Trung Quốc không trải qua chế độ thuộc địa nửa phong kiến, nên Lương không có điều kiện hiểu về thực chất của loại hình chế độ xã hội này. Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội cụ thể như thế nào Lương đâu có hình dung ra được. Hoàn cảnh Việt Nam: Vua yêu nước thì bị bắt, quan lại làm nô lệ, người dân thì đói khổ, thực dân Pháp thì quá dã man tàn bạo là những điều trước đó Lương không thể tưởng tượng được. Mất một ngày mà chinh phục được Lương quả là một kỳ tích của Phan. Tác giả nói chỉ 3 giờ đồng hồ là không chính xác. Phan phải mất thời gian hơn một ngày, tìm mọi cách sắp xếp, trình bày thật khoa học mới gói gọn được mọi vấn đề để minh giải cho Lương hiểu. Phan đã phải vận dụng nhiều điển tích lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc để cho Lương dễ hiểu hơn. Sau một ngày đàm đạo, Lương tỏ ra khâm phục Phan: Một sĩ phu có trình độ Hán học bậc thầy; một chính trị gia có hạng, có tầm khái quát nội tình xã hội sâu sát, có tình cảm thương dân yêu nước sâu sắc. Lương Khải Siêu khâm phục Phan Bội Châu và nguyện làm người bạn trung thành, sát cánh bên nhau để giúp Phan hoàn thành đại nghiệp.

Vấn đề thứ tư, tác giả viết tiếp “Lương đưa Phan đi Tokyo gặp Khuyển Dưỡng Nghị (I nu kai Tsuyoshi) và Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenoba). Cuộc hội kiến với chính khách Nhật Bản kéo dài suốt một ngày nhưng không có kết quả như mong muốn” (tr.4). Lại một lần nữa tác giả tự định ra thời gian hội kiến giữa Phan Bội Châu với các chính khách Nhật Bản. Phan Bội Châu viết: “Tôi nghĩ đến đó khiến trong lòng tôi đau đớn không biết chừng nào. Nghĩ vì cớ sao mà nước ta xưa nay không ai lo xa, mà cái mưu người Pháp o bế mình sao cùng công cực xảo đến như thế. Tiệc hội này từ chính trưa đến chập tối mới tan. Ngày ấy là ngày thứ nhất tôi tiếp xúc với người Nhật Bản”(6). Thực tình việc Phan biết được người Nhật không thể đem quân sang đánh Pháp giúp Việt Nam giành lại độc lập dân tộc ngay sau đó. Diễn tả lại sự thật này, Phan viết: “Lúc bấy giờ ba người: Đại Ôi, Khuyển Dưỡng Nghị, Lương Công, bàn bạc với nhau, ước độ ba phút đồng hồ, nói với tôi rằng: Lấy dân đảng Nhật Bản giúp các ngài thì được, nếu lấy binh lực mà giúp các ngài thì nay là thì giờ chưa đến nơi... các ngài có thể ẩn nhẫn được mà chờ cơ hội ngày sau không?”. Biết mọi chuyện đã đổ vỡ, Phan bực dọc trả lời: “Chúng tôi nếu ẩn nhẫn được thì cần gì đi khóc ở tần đình”(7). Mục đích tối thượng của Phan, tâm huyết trào dâng nhất của Phan là cầu viện binh lính Nhật Bản sang Việt Nam đánh Pháp. Chỉ ba phút hội đàm, người Nhật trả lời không thể được, cuộc hội kiến đã xem như kết thúc. Lấy đâu ra nhiều chuyện mà nói với nhau khi tâm trạng Phan buồn chán đến vậy. Trong lúc đó tác giả lại nói: “Hội kiến kéo dài một ngày mà không có kết quả”, thật hoang tưởng. Sở dĩ còn dây dưa đến một buổi, là vì các chính khách Nhật Bản cũng như Trung Quốc khâm phục tài ba lỗi lạc của Phan, muốn bàn Phan cùng đảng nhân của ông sang Nhật làm việc cho Nhật Bản. Đại Ôi Trọng Tín nói: “Các ngài nếu đem được đảng nhân các ngài ra đây, nước Nhật thu dụng được hết, hay là các ngài bây giờ ưng ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ vì các ngài sắp đặt chỗ ở, lấy một cách ngoại tân ưu đãi các ngài, sinh kế cũng không phải lo gì, chuộng nghĩa hiệp, trọng ái quốc là tính đặc biệt của người Nhật Bản”(8). Phần thất vọng vì đại nghiệp không thành, phần uất ức vì người Nhật không hiểu động cơ sang Phù Tang của mình, Phan giận đến tím mặt và nói: “Chúng tội lặn lội sóng gió muôn dặm bể mà đến đây gấp muốn được một kế hoạch thoát chết cầu sống cho dân tôi, nước tôi, nếu chỉ biết thân chúng tôi được khoái hoạt, mà nước tôi, dân tôi còn ở trong tay thù giặc, chúng tôi nỡ đành quên được, thì các ông còn kính trọng lấy người ấy làm gì?”. Nghe xong câu nói ấy, Lương Khải Siêu cầm bút viết 5 chữ “Thử nhân đại khả kính” rồi trao cho Đại Ôi Trọng Tín và Khuyển Dưỡng Nghị. Phan Bội Châu một chính nhân quân tử, một du thuyết ngoại giao bên kia bờ tư tưởng mà có một tri thức Hán học siêu phàm, một tinh thần hiệp sĩ dám đánh đổi tính mạng của mình vì cuộc sống thoát khổ cho muôn dân, một con người nặng lòng với nước. Phan là một chính trị gia nhiều đời hiếm thấy, một con người không màng vật chất, quyền cao chức trọng, chỉ mơ cho dân được ấm no, nước được độc lập.

Vấn đề thứ năm, quay trở lại đầu bài báo, tác giả viết “Với chương trình khai thác thuộc địa của toàn quyền, xã hội Việt Nam vốn yên ả, bỗng chốc bị khuấy động và kéo vào vòng xoáy. Chỗ này làm đường sắt, bắc cầu, chỗ kia khai mỏ, dựng đồn điền. Bao của chìm của nổi của đất nước bị tước đoạt. Người Việt Nam ngồi trên đống vàng mà bị đói khổ. Cùng lúc đó, ngọn gió Tân văn, Tân thư từ Trung Quốc, Nhật Bản thổi tới. Giá trị của Tân thư, Tân văn được xác định “Một tập sách vài mươi trang mà thay đổi lòng người như chớp, một tập sách nói chuyện nước Tàu mà làm cho hai mươi triệu dân Nam phấn khởi như thần dược đối với người mắc bệnh trầm kha...” (tr.1). Tác giả chú thích một bài viết trong báo Thần chung, số 25.1.1929. Đọc đoạn này, không dám nói là phê phán gì, nhưng với báo Thần chung thì quả thực đã tạo ra cho chúng tôi một sự nghi ngờ về tính trung thực của lời ca ngợi này. Trên thực tế vào vài thập kỷ đầu thế kỷ XX, người dân Việt Nam không thể nói là đọc được Tân thư và Tân văn. Vậy thì tại sao Tân thư, Tân văn lại có thể làm cho “hai mươi triệu dân Nam phấn khởi như thần dược đối với người mắc bện trầm kha”, mặc dù tờ báo Thần chung của Diệp Văn Kỳ (1895-1945) làm chủ bút, bị Pháp liệt vào loại “chống chính quyền”, ông Kỳ là đảng viên của đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu. Tờ báo Thần chung tồn tại từ đầu 1929 đến tháng 3. 1930 thì bị Pháp đình bản. Với những cộng tác viên như Phan Khôi, Tản Đà, Đào Trịnh Nhất... thì việc thổi phồng Tân thư, Tân văn là điều có thể. Đề cao Tân thư, Tân văn là tốt nhưng vấn đề đặt nó vào thời điểm lịch sử nào? Tân thư, Tân văn đến với sĩ phu Việt Nam qua nhiều con đường. Tân thư đến với tầng lớp sĩ phu cách mạng qua con đường của Thám hoa Nguyễn Thượng Hiền. Là con rể của đại thần Trần Tiến Thành (tứ trụ triều đình), Nguyễn Thượng Hiền có điều kiện lưu giữ sách cấm này. Phan Bội Châu xuất dương cầu viện, phần lớn là do tác động của nhân vật lịch sử này. Vào năm 1929, việc thổi phồng Tân thư, Tân văn có ý đồ gì? Phải chăng, trong lúc quần chúng cách mạng đang từng bước tiếp cận về lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, thì báo Thần chung lại ca ngợi Tân thư, Tân văn. Từ năm 1925 trở về sau, trên chính trường Việt Nam, tư tưởng cách mạng mới đang từng bước được định vị. Vậy mà đến năm 1929, báo Thần chung còn ca ngợi Tân văn, Tân thư là một việc làm mang màu sắc chính trị trái mùa. Điều mà chúng tôi nghi ngờ tác dụng của Tân thư, Tân văn ở Việt Nam vào năm 1929 của tờ báoThần chung quảng thị là điều đáng đặt dấu hỏi. Với chúng tôi chỉ là câu hỏi, mong độc giả minh xét.

Vấn đề thứ sáu, tác giả viết: “Tháng 2 năm Kỷ Dậu 1909, chính phủ Nhật trục xuất Cường Để, Phan Bội Châu và lưu học sinh Việt Nam theo Thoả ước ký với Pháp tại Pari năm 1907. Lúc đó không còn kinh phí để chu cấp cho học sinh rời nước Nhật, Phan Bội Châu sử dụng mối quan hệ tốt đẹp giữa lưu học sinh Việt Nam với cư dân bản địa để vận động tài trợ. Thế mới xuất hiện tấm lòng nghĩa hiệp của bác sĩ Nhật Bản là Asaba Sakitaro gửi 1700 yên qua bưu diện cho Phan...” (tr.7). Thực tình Phan không dùng số tiền này làm phí chạy nạn cho học sinh. Theo Phan, mọi kinh phí cho học sinh ra khỏi đất Nhật đã lo xong. Tiền này Phan dùng để in sách, phí ngoại giao, chi phí cho những người còn ở lại để hoạt động.

Thực ra trong bài này còn một số vấn đề phải bàn tiếp, như về nhân vật Ân Thừa Hiến, Hội Duy Tân chuẩn thuận, vấn đề Phan với Tôn Trung Sơn... Thế nhưng, dung lượng một bài báo không cho phép. Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ trở lại vào dịp khác.

Chú giải:

(1) Phan Bội Châu toàn tập - tập 6, Nxb. Thuận Hóa, 2001, tr138.

(2) Sđd, tr 241.

(3), (4) Sđd, tr 141.

(5) Sđd, tr 84.

(6) Sđd, tr 146.

(7) Sđd, tr 144.

(8), (9) Sđd, tr 145.
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

Độc giả lên tiếng rất nhanh về bài của nhà sử học Phạm Xanh

Năm 2013, nhà sử học Phạm Xanh đi tìm vết chân của Phan Bội Châu còn in lại ở Nhật Bản

Hai cố vấn của NGƯỜI CỘNG SỰ là NSND Đặng Nhật Minh và Giáo sư Chương Thâu
NGƯỜI CỘNG SỰ có thực là món quà văn hóa Việt Nam - Nhật Bản như ông Phó Thủ tướng nhận định không ?
Ý kiến người xem truyền hình : Phim “Người cộng sự” có nên bị vứt vào sọt rác ?
Không khỏi thất vọng về phim NGƯỜI CỘNG SỰ được giới thiệu là có tầm vóc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.